Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Để an vui hơn giữa cõi vô thường

Để an vui hơn giữa cõi vô thường

Đăng lúc: 21:12 - 24/12/2016

Ngay khi còn rất nhỏ, từ những bước chân đầu tiên vui chơi, tình bạn đã là một phần của cuộc đời mỗi chúng ta. Theo dữ liệu khảo sát năm 2004 của Gallup tại Hoa Kỳ, có 98% dân số Hoa Kỳ cho biết họ có ít nhất một người bạn thân (với số bạn trung bình là 9 người bạn).
Ngày nay, cùng với mặt trái của sự phát triển công nghệ, các quan hệ và tương tác xã hội thật sự và đúng nghĩa của mỗi người dường như có phần hờ hững hơn trước đây. Tuy nhiên, kết bạn không chỉ mang lại niềm vui mà còn tốt cho sức khỏe của chúng ta.

anh PGTT 876.jpg
Ăn cơm có canh, tu hành có bạn - Ảnh minh họa

Dưới đây là tóm lược 7 lợi ích lớn mang lại cho sức khỏe khi ta có tình bạn tốt đẹp từ nghiên cứu và chia sẻ của các chuyên gia, đăng tải trên trang online Live Science.

1 - Tình bạn giúp kéo dài tuổi thọ

Người có sự tương tác xã hội tốt sẽ có ít nguy cơ đột tử hơn người ít bạn bè. Điều này được khẳng định qua một phân tích từ các nghiên cứu có liên quan năm 2010, tác động của các mối quan hệ xã hội đối với tuổi thọ của chúng ta cao gấp đôi so với tập thể dục hay so với việc cai nghiện thuốc lá.

Theo đó, các nhà nghiên cứu xem xét 148 nghiên cứu về các tương tác xã hội và nguy cơ tử vong với sự tham gia của 300.000 người. Các nghiên cứu này đều “đo” sức mạnh của các mối quan hệ xã hội, từ số lượng bạn bè cho đến sự hòa nhập của mỗi cá nhân đối với xã hội. Tất cả các yếu tố này đều có liên quan đến hạ giảm nguy cơ tử vong.

Các chuyên gia cho rằng tình bạn và sức khỏe có liên quan đến quá trình xử lý stress, giúp xử lý stress tốt hơn. Stress kinh niên có thể tạo ra sự tách biệt, cô lập ở mỗi cá nhân và theo thời gian, thói quen xấu này sẽ được phát triển, gây ra sự mệt mỏi về thể chất và tinh thần.

2 - Bạn bè giúp ta khỏe mạnh hơn

Các chuyên gia nghiên cứu tác động của tình bạn đối với sức khỏe thông qua việc so sánh các trạng thái sinh học ở các giai đoạn trong cuộc đời của những người có thói quen sống cách ly và tách biệt mọi người với người có nhiều bạn bè.

Các nghiên cứu này có số lượng hàng trăm ngàn người tham gia, tuổi từ 12-91. Các chỉ số sinh học được khảo sát là huyết áp, chỉ số khối cơ thể BMI, số đo vòng bụng và mức protein viêm nhiễm (C-reactive protein).

Kết quả cho thấy các chỉ số đo sự khỏe mạnh xấu hơn ở người có các tương tác xã hội yếu.

3 - Tình bạn giúp cho trí não nhạy bén hơn

Một nghiên cứu năm 2012 cho thấy nguy cơ mất trí nhớ của người cao tuổi cao dần nếu họ có cảm giác cô đơn.

Nghiên cứu quan sát 2.000 người Hà Lan có tuổi từ 65 trở lên trong vòng 3 năm. Khi bắt đầu nghiên cứu, không có ai bị chứng mất trí nhớ, nhưng có 13,4% người cho biết họ cảm thấy cô đơn khi nghiên cứu bắt đầu và phát triển chứng mất trí nhớ sau 3 năm, so với 7,5% người tham gia không có cảm giác cô đơn.

Cô đơn hay cảm thấy cô đơn đều có liên quan đến bệnh mất trí nhớ và sự “thiếu vắng” các tương tác xã hội tích cực làm suy giảm khả năng tư duy - theo tạp chí Neurology, Neurosurgery & Psychiatry.

4 - Tình bạn có sự tác động đến mỗi chúng ta

Béo phì hiện đang là một vấn nạn sức khỏe lớn của xã hội. Nghiên cứu năm 2007 chỉ ra rằng, nếu một người tăng ký thì bạn của họ cũng có khả năng tăng ký theo. Tuy nhiên, nếu bạn mình giảm cân được thì mình cũng có xu hướng giảm cân được - ghi nhận từ tạp chí y khoa New England.

Đáng ngạc nhiên là nếu một người bị béo phì thì bạn bè thân thiết của họ có thể có 57% khả năng béo phì theo. Chuyên gia nghiên cứu James Fowler, Đại học California (San Diego) nhấn mạnh khi bạn bè tập thể dục hoặc có chế độ ăn lành mạnh để giảm cân thì mình cũng có xu hướng làm theo.

5 - Bạn tốt đồng hành cùng ta qua những giai đoạn khó khăn

Một nghiên cứu trên bệnh nhân ung thư cho thấy, khi tình hình bệnh tật trở nặng thì bạn bè là người có thể giúp chia sẻ. Tạp chí Lancet năm 1989 cho thấy bệnh nhân mắc ung thư vú nếu thường xuyên có sự tương trợ và chia sẻ từ các nhóm bệnh nhân ung thư vú khác có được chất lượng cuộc sống tốt đẹp hơn và sống lâu hơn.

Sau đó, nhiều nghiên cứu khác được tiến hành và khẳng định mối tương trợ giữa các nhóm bệnh nhân giúp kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. Trong đó, một nghiên cứu năm 2014 cũng cho thấy bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt cũng có chất lượng cuộc sống tốt hơn và sống lâu hơn nếu có sự tương trợ của nhóm bệnh nhân khác.

6 - Khi bị bỏ rơi, ta cần bạn bè ở bên

Không phải quan hệ nào cũng được suôn sẻ và khi ta gặp các vấn đề trong các mối quan hệ, bạn bè có thể giúp đỡ ta rất nhiều. Nghiên cứu năm 2011 trên học sinh lớp 4 cho thấy bạn đồng lứa có thể giúp trẻ vượt qua stress do bị bạn bè hắt hủi, bỏ rơi.

Các chuyên gia kết luận rằng ở các trẻ bị bỏ rơi thì mức hormone stress cortisol (được đo thấy trong nước bọt) cao hơn. Tuy nhiên, mức hormone này thấp hơn khi trẻ có nhiều bạn hơn và chất lượng tình bạn tốt hơn dù ở trong tình trạng bị bỏ rơi, hắt hủi.

Nghiên cứu cho thấy bạn bè dù không thể giúp loại bỏ hoàn toàn stress khỏi môi trường học đường nhưng bạn bè giúp giảm thiểu tình trạng này - tác giả Marianne Riksen-Walraven, chuyên gia tâm lý học phát triển Đại học Radboud (Hà Lan) chia sẻ.

7 - Tình bạn có thể bền vững đến cuối đời

Ở trong thời đại mà người ta phải lăn xả để thành công trong học hành, công việc… như hiện nay thì duy trì một tình bạn tốt đẹp có thể là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, với một tình bạn chân chính thì khoảng cách không là vấn đề cản trở.

Một nghiên cứu bắt đầu từ năm 1983, tìm hiểu tình bạn và sự gần gũi của những người bạn thời đại học. Kết quả cho thấy khoảng cách địa lý không ảnh hưởng đến sự gần gũi về mặt cảm xúc qua nhiều năm tháng. Điện thoại và email giúp bạn bè kết nối với nhau mãi đến 20 năm sau đó, đặc biệt là những người bạn có sở thích.

Đối với người học Phật, thì tình bạn giữa những người đồng tu không chỉ giúp sách tiến nhau trên bước đường sửa ý-khẩu-thân trong đời này mà còn là duyên lành cho đời sau...

Trần Trọng Hiếu

Nghiệp hay định luật đạo đức nhân quả

Nghiệp hay định luật đạo đức nhân quả

Đăng lúc: 22:31 - 09/10/2016

Đức Phật trả lời vắn tắt: “Mỗi chúng sinh đều có nghiệp, nghiệp là sở hữu, là di sản, là nguyên nhân, là thân quyến, là chỗ nương tựa của nó. Nghiệp phân loại tất cả chúng sinh thành những tình trạng cao thấp.”


Nghiệp hay định luật đạo đức nhân quả
Chúng ta đang đương đầu với một thế giới hoàn toàn mất thăng bằng. Chúng ta nhận thấy sự bất bình đẳng giữa số phận đa dạng của loài người và nhiều tầng lớp chúng sinh đang có mặt trong vũ trụ.
Chúng ta thấy người này sinh ra trong một hoàn cảnh giàu sang, bẩm thụ những đức tính tâm lý đạo đức và thể chất tốt đẹp, còn người khác trong một cảnh ngộ nghèo nàn và khốn khổ.

Có người đạo đức và thánh thiện, nhưng trái với sự mong đợi của y, y luôn luôn gặp phải những nỗi bất hạnh. Cuộc đời tàn nhẫn đi ngược hẳn với những kỳ vọng và ước nguyện của y. Mặc dù nếp sống của y chân thành và đầy đạo hạnh, y vẫn phải chịu nghèo khó khốn cùng. Kẻ khác đầy tội lỗi và ngu si, nhưng lại được số phận nuông chiều, được hưởng đủ mọi thứ ân huệ, dù tính tình đầy khuyết điểm lỗi lầm và những cách sống bất thiện, tà hạnh.

Chúng ta có thể hỏi, tại sao lại có người thấp kẻ cao? Tại sao người này bị giật khỏi đôi bàn tay mẹ hiền khi mới vừa chớm thấy một vài mùa hạ, còn người khác chết lúc hoa niên, hoặc vào lúc tuổi già 80 hay 100? Tại sao người này phải chịu đau yếu và tàn tật, còn người khác lại được khỏe mạnh và tráng kiện? Tại sao người này đẹp đẽ, còn người kia thì xấu xí dị hợm, bị mọi người ruồng rẫy? Tại sao người này được nuôi dưỡng trong cảnh xa hoa, còn người kia thì nghèo mạt, và chìm ngập trong nỗi khổ đau?

Tại sao người này sinh ra đã là một triệu phú, còn người kia lại là một kẻ cùng đinh? Tại sao người này là một bậc trí tuệ, còn người kia là kẻ ngu đần? Tại sao người này bẩm sinh có những đức tính thánh thiện, còn người kia lại có những khuynh hướng phạm tội? Tại sao một số người đã thành những nhà ngữ học, toán học, nghệ sĩ, nhạc sĩ ngay từ lúc còn nằm trên nôi, còn một số người khác mới sinh ra đã bị mù, điếc và tàn tật? Tại sao một số người sinh ra được may mắn hạnh phúc, còn những người khác lại chịu bất hạnh rủi ro từ lúc mới chào đời?

Đấy là một số vấn đề thường gây hoang mang trong trí óc của mọi người có suy tư. Chúng ta phải giải thích như thế nào về sự mất thăng bằng của thế giới và sự bất bình đẳng của nhân loại như vậy? Phải chăng đó là do tác động của số phận rủi may hay chỉ là chuyện tình cờ?

Không có một việc gì trong thế giới này xảy ra do sự rủi may vô tình hay bất ngờ cả. Nếu cho rằng bất cứ điều gì xảy ra đều do may rủi, thì không khác gì bảo rằng cuốn sách này tự nó đến đây. Nói đúng ra, không có bất cứ điều gì xảy ra cho con người mà không dính dáng vì lý do này hay lý do khác.

Phải chăng việc này là mệnh lệnh hay quyền lực của một đấng hóa công vô trách nhiệm?

Husley viết: “Nếu chúng ta phải giả định rằng ai đó đã cố ý làm chuyển động thế giới kỳ diệu này thì tôi thấy rõ ràng là vị ấy không toàn thiện, chí công vô tư, theo đúng bất cứ ý nghĩa nào có thể chấp nhận được của các từ này, trái lại vị đó thực là độc ác, bất công”.

Theo Einstein (1879-1955)[1] thì: “Nếu đấng Thượng đế này toàn năng, thì tất cả những gì xảy ra, bao gồm cả hành động, tư tưởng, tình cảm và khát vọng của con người cũng đều là công trình của Ngài, tại sao lại bắt mọi người phải chịu trách nhiệm về những hành vi, tư tưởng của họ trước một đấng toàn năng như thế? Trong khi ban phát những sự trừng phạt và tưởng thưởng, đồng thời Ngài phải xét xử chính mình theo một mức độ nào đó. Điều này làm sao có thể phù hợp được với đức chí thiện và công chính thường gán cho Ngài?

Theo những nguyên lý thường học thì con người được tạo ra một cách vũ đoán trái với ý muốn của mình và ngay từ lúc mới sinh, hoặc là kẻ đó được hưởng phước, hoặc là bị đày đọa vĩnh viễn. Vì thế, con người hoặc là thiện, hoặc là ác, may mắn hoặc bất hạnh, cao thượng hoặc thấp hèn, ngay từ bước đầu trong quá trình sáng tạo thể chất của nó cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, bất kể đến những ý muốn cá nhân, những ước nguyện, kỳ vọng, sự phấn đấu hoặc là những lời cầu xin thành kính của nó. Đó chính là thuyết định mệnh của thần học.” (Spencer Lewis)[2]

Charles Bradlaugh (1833-1891)[3] nói: “Sự có mặt của điều ác là khối chướng ngại khủng khiếp cho nhà thần học. Đau thương, thống khổ, tội ác, bần cùng vẫn đối mặt với người bênh vực cái thiện vĩnh cửu và thách thức mãnh liệt mà không thể giải đáp trước lời tuyên bố của vị ấy về Thượng đế như là một đấng toàn thiện, toàn trí và toàn năng.”

Theo lời Schopenhauer: “Kẻ nào tự cho mình đã hình thành từ cái “không” thì cũng phải nghĩ rằng y lại trở về với cái “không”; bởi vì có một khoảng thời gian vô tận đã trôi qua trước khi y hiện hữu, rồi một khoảng thời gian vô tận khác lại bắt đầu, qua đó y không bao giờ ngừng hiện hữu, đó là thứ tư tưởng quái gở.

“Nếu sinh là khởi điểm tuyệt đối, thì chết phải là chung cục tuyệt đối và giả định rằng con người được tạo ra từ cái “không”, tất nhiên dẫn đến giả thuyết: “Cái chết là kết thúc hoàn toàn.”

Bình luận về nỗi đau khổ của con người và Thượng đế, giáo sư F.B. Haldane[4] viết: “Có hai giả thuyết: Hoặc khổ đau là điều kiện cần thiết để hoàn thiện nhân cách, hoặc Thượng Đế không phải là đấng toàn năng. Giả thuyết trước bị bác bỏ vì thực tế có một số người ít chịu khổ đau, nhưng lại được may mắn về dòng dõi gia tộc và đường học vấn, nên có được những đức tính rất tốt đẹp. Lý lẽ phản đối giả thuyết thứ hai là chỉ khi nào nói đến vũ trụ như một thể đồng nhất, thì mới có một kẽ hở nào đó trong tri thức cần phải được lấp đầy bằng giả thuyết có một Thượng đế, và một đấng Tạo hóa để có thể làm những gì vị ấy muốn.”

Huân tước Russell (1872-1970) nhận định: “Người ta bảo rằng thế giới do một đấng Thượng đế toàn thiện, toàn năng sáng tạo. Trước khi sáng tạo Ngài đã thấy trước tất cả những đau thương, thống khổ mà thế giới ấy phải chịu đựng. Do thế, Ngài phải chịu trách nhiệm đối với tất cả những thứ đó. Cứ lý luận rằng những đau khổ trong thế giới là do tội lỗi thì thật là hoài công… Nếu Thượng đế biết trước những tội lỗi mà con người sẽ phạm thì cố nhiên Ngài phải chịu trách nhiệm về tất cả những hậu quả của tội lỗi ấy khi Ngài quyết định sáng tạo con người.”

Trong bài thơ “Tuyệt vọng” làm ra vào lúc tuổi già của mình, Nam tước Tennyson[5] đã mạnh bạo công kích Thượng đế về lời phán của Ngài như đã được ghi trong Thánh kinh Isaiah: “Ta làm nên hòa bình và tạo ra tội ác” (Isaiah XIV.7):

“Tôi phải gọi cái tình yêu vô biên đã phụng sự chúng ta thật chu đáo đó là gì?

Đúng hơn là lòng độc ác vô biên đã tạo ra địa ngục bất tận.

Đã tạo ra chúng ta, đã dự liệu số phận chúng ta, đã đày đọa chúng ta trước và còn làm tất cả cái chỉ theo ý muốn của mình.

Hơn nữa, bà mẹ tàn nhẫn đã chết của chúng ta, bà chưa bao giờ nghe chúng ta rên xiết?

Chắc chắn “Giáo lý chủ trương tất cả loài người đều là những kẻ có tội tổ tông Adam, là một lời thách thức đối với công lý, từ bi, nhân ái và công bằng tuyệt đối.”

Một số văn sĩ ngày xưa tuyên bố một cách quả quyết rằng Thượng đế đã tạo ra con người theo hình ảnh của Ngài. Trái lại, một số nhà tư tưởng hiện đại thì cho rằng con người tạo ra Thượng Đế theo hình ảnh của mình. Với sự tiến bộ của văn minh, quan niệm của con người về Thượng đế cũng ngày càng trở nên tinh vi hơn.

Tuy nhiên, chúng ta không thể quan niệm có một đấng Hữu thể như vậy, hoặc là ở trong hoặc là ở ngoài vũ trụ. Phải chăng sự sai khác này là do di truyền và hoàn cảnh? Chúng ta phải thừa nhận rằng tất cả những hiện tượng vật lý hóa học do các nhà khoa học phát minh là có phần nào hữu ích, nhưng chúng không thể hoàn toàn chịu trách nhiệm về những phân biệt tế nhị và những khác nhau rộng lớn giữa các cá nhân. Còn nữa, tại sao hai đứa trẻ sinh đôi cùng giống nhau về sinh lý, được truyền thụ những di tố như nhau, cùng hưởng quyền nuôi dưỡng giống nhau, lại thường rất khác nhau về tính tình, đạo đức và tri thức?

Chỉ riêng tính di truyền thôi không thể giải thích được những dị biệt lớn như vậy, đúng ra, nó chỉ giải thích một cách có vẻ hợp lý những sự giống nhau. Một mầm sống sinh hóa cực kỳ vi tế chừng một phần 30 triệu phân được thừa hưởng từ cha mẹ, chỉ có thể giải thích một phần của con người về cơ bản sinh lý của nó. Đối với tâm lý phức tạp và tế nhị hơn, những khác biệt về tri thức đạo đức, cần phải được làm sáng tỏ hơn nữa. Thuyết di truyền không thể giải thích thỏa đáng sự ra đời của một kẻ tội phạm trong một dòng dõi tổ tiên nhiều đời cao quí, sự xuất hiện một bậc Thánh hoặc một người cao thượng trong gia đình nổi tiếng bất lương, sự xuất hiện của những thần đồng, những bậc thiên tài và những đấng giáo chủ vĩ đại.

Theo Phật giáo, sự sai biệt này không chỉ do di truyền, hoàn cảnh, bẩm sinh và dưỡng dục, mà còn do nghiệp của chính chúng ta, nói cách khác, do kết quả của những hành động quá khứ được thừa hưởng, và những hành vi hiện tại của chúng ta. Chính chúng ta phải chịu trách nhiệm về những hành động của chúng ta về hạnh phúc và đau khổ. Chúng ta xây nên địa ngục của chúng ta. Chúng ta là kiến trúc sư của số phận chúng ta. Tóm lại, chúng ta chính là nghiệp (Kamma) của chúng ta.

Một dịp nọ, có một thanh niên tên Subha đến gần đức Phật và hỏi Ngài tại sao và do đâu trong loài người có những trình độ thấp hèn và cao sang khác nhau. Y nói: “Vì sao tôi thấy trong loài người có kẻ đoản mạng, người trường thọ, kẻ khỏe mạnh, người ốm đau, kẻ xinh đẹp, người xấu tướng, kẻ uy quyền, người cô thế, kẻ nghèo nàn, người giàu có, kẻ hạ lưu, người quí tộc, kẻ ngu dốt, người thông minh?”

Đức Phật trả lời vắn tắt: “Mỗi chúng sinh đều có nghiệp, nghiệp là sở hữu, là di sản, là nguyên nhân, là thân quyến, là chỗ nương tựa của nó. Nghiệp phân loại tất cả chúng sinh thành những tình trạng cao thấp.” Rồi Ngài giải thích rằng nguyên nhân những sai biệt như thế là do định luật luân lý nhân quả. Như vậy, theo quan điểm của đạo Phật, sự khác nhau về tâm lý, tri thức, đạo đức và tính tình hiện tại giữa chúng ta, là chính những hành động và những xu hướng của chúng ta, gồm cả quá khứ và hiện tại. Nghiệp nghĩa đen là hành động, nhưng theo nghĩa rốt ráo, nó là những tâm sở thiện và ác (Kusala Akusala cetana). Nghiệp tạo nên cả thiện và ác. Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác; đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Đó là định luật của nghiệp.

Một số người Tây phương thích nói đến nghiệp như là “hành động gây hậu quả.” Chúng ta gặt những gì chúng ta đã gieo. Những gì chúng ta đã gieo, chúng ta sẽ gặt vào một lúc nào đó, tại một nơi nào đó. Theo một nghĩa khác, chúng ta là kết quả của những gì chúng ta đã làm, và chúng ta là kết quả của những gì chúng ta đang làm và chúng ta cũng không tuyệt đối sẽ là kết quả của những gì chúng ta đang làm. Ví dụ, một kẻ tội phạm hôm nay, ngày mai có thể là một vị thánh.

Phật giáo gán sự thay đổi này cho nghiệp, nhưng không khẳng định tất cả đều do nghiệp. Nếu tất cả đều do nghiệp thì một người phải mãi mãi xấu, vì nghiệp của y xấu. Thế thì người ta không cần hỏi ý kiến y sĩ để được chữa bệnh, vì nếu nghiệp của y là như thế, thì y sẽ tự chữa lấy.

Theo Phật giáo, có năm cấp độ hay quá trình tác động trong lãnh vực sinh lý và tâm lý:

1. Cấp hành động và kết quả (Kamma Niyàma), ví dụ những hành vi thiện ác tạo ra những kết quả thiện ác tương xứng.

2. Cấp vật lý vô cơ (Utu Niyàma), ví dụ hiện tượng thời tiết gió mưa.

3. Cấp chủng tử hay mầm mống (Bìja Niyàma) (hữu cơ), ví dụ gạo từ hạt thóc sinh ra, vị ngọt từ cây mía hay mật tạo ra v.v… thuyết khoa học về tế bào, chủng tử và sự giống nhau về sinh lý của hai đứa trẻ sinh đôi có thể quy về cấp này.

4. Cấp tâm thức hay định luật tâm thần (Citta Niyàma), ví dụ quá trình của ý thức, năng lực của tâm v.v...

5. Cấp quy luật tự nhiên (Dhamma Niyàma), ví dụ hiện tượng tự nhiên xảy ra vào lúc một vị Bồ Tát xuất hiện trong kiếp cuối cùng, dẫn lực v.v...

Tất cả mọi hiện tượng tâm lý hay vật lý đều có thể giải thích bằng 5 cấp độ hay năm quá trình này, đó chính là những định luật. Do đó, nghiệp chỉ là một trong 5 cấp độ thường xảy ra khắp trong vũ trụ. Đó chính là định luật tự nhiên, chứ không phải có người ban ra luật. Thông thường những định luật thiên nhiên như trọng luật không cần có người ban ra. Định luật này tác động trong lãnh vực của nó, không do một động cơ độc lập ngoại tại nào can thiệp.

Ví dụ, không ai ban luật lửa phải cháy. Không ai ra lệnh nước phải tìm đúng mức thăng bằng.

Không có nhà khoa học nào ra lệnh nước phải là H2O và khí lạnh phải là một trong những đặc tính của nước. Đó là những tính chất riêng của chúng. Nghiệp không phải là số phận, cũng không phải là định mệnh đặt vào chúng ta bằng một quyền lực thần bí không thể biết, khiến chúng ta phải phục tùng. Vì nó chính là hành động của chính mình tác động lại chính mình và do đó, người ta có thể đổi chiều hướng đường đi của nghiệp đến một mức độ nào đó. Việc người ta đổi chiều đến mức độ nào còn tùy thuộc vào chính bản thân họ.

Cũng cần phải nói rằng các từ ngữ như thưởng phạt không được đưa vào trong những lúc bàn đến vấn đề nghiệp. Vì đạo Phật không thừa nhận một Thượng đế toàn năng cai trị thần dân của Ngài để thưởng phạt tùy tiện. Trái lại, người phật tử tin rằng những khổ vui mà chúng ta cảm nhận đều tự nhiên phát xuất từ những hành vi thiện ác của chính mình. Cần phải nhận định rằng nghiệp bao gồm cả nguyên lý tiếp diễn và đáp ứng.

Khả năng sinh ra kết quả của nghiệp, có sẵn trong nghiệp. Nguyên nhân sinh ra kết quả; kết quả giải thích nguyên nhân. Hạt sinh ra quả; quả giải thích hạt, vì chúng có quan hệ hỗ tương. Cũng thế, nghiệp và kết quả của nghiệp hỗ tương quan hệ: “quả chớm nở từ trong nhân.”

Một Phật tử hoàn toàn tin tưởng vào thuyết nghiệp báo thì không cầu người khác cứu giúp mà chỉ vững lòng trông cậy vào chính mình để tự thanh tịnh hóa, vì thuyết nghiệp dạy trách nhiệm thuộc về cá nhân. Chính thuyết nghiệp báo này đem đến cho người ấy sự an ủi, niềm hy vọng, lòng tự tin và sức mạnh tinh thần. Chính lòng tin vào nghiệp này “xác định giá trị nỗ lực của người ấy, kích thích lòng hăng hái của người ấy”, làm cho người ấy luôn luôn từ bi, bao dung và quan tâm đến kẻ khác. Cũng chính lòng tin vào nghiệp này thúc đẩy người ấy tránh điều ác, làm việc thiện và trở nên thiện không vì lo sợ một hình phạt nào hay do một phần thưởng nào cám dỗ.

Chính thuyết nghiệp này có khả năng giải thích được vấn đề đau khổ, điều bí ẩn của cái gọi là định mệnh hay là tiền định của các Tôn giáo khác, đặc biệt là sự bất bình đẳng của nhân loại.
Thuyết nghiệp báo và tái sinh phải được thừa nhận như là điều hiển nhiên.

Thích Phước Sơn
[1]. Einstein (1879-1955): Nhà vật lý học người Đức, gốc Do Thái, sáng lập thuyết tương đối (theories of relativity), đoạt giải Nobel vật lý năm 1921.
[2]. Spencer (1830-1903): Triết gia người Anh, ông áp dụng khoa học tự nhiên và tâm lý học để trình bày triết học.
[3]. Bradlaugh (1833-1891): Nhà cải cách xã hội người Anh, tranh đấu cho phụ nữ.
[4]. Haldane (John Bardon Sanderson Haldane,?-1892): Nhà khoa học Anh rất nổi tiếng về phương pháp áp dụng toán học vào sinh vật học.
[5]. Lord Tennyson (1802-1892): Thi sĩ người Anh, từng đoạt giải thưởng. Ông đả kích Thượng đế và bảo rằng: “Tôi tạo ra việc thiện cũng như việc ác”.

8 phương pháp giữ cho trí óc minh mẫn

8 phương pháp giữ cho trí óc minh mẫn

Đăng lúc: 14:42 - 16/09/2016

Mọi người đều có thời sẽ "lên hàng tiền bối." Thỉnh thoảng bạn đi lang thang vào nhà bếp và không thể nhớ tại sao, hoặc bạn bỏ quên chìa khóa tìm mãi không ra. Nhưng trong khi phải chịu đựng các vấn đề về trí nhớ khó chịu như vậy, thường thì bạn lại không đi khám bác sĩ.


Hầu hết mọi người tập trung vào các chứng bệnh hoặc trục trặc về thể chất như huyết áp cao, các cơn đau, tàn tật, người ta lại không quan tâm đến sức khỏe tâm thần mà nếu thiếu chúng, bạn sẽ không thể hoạt động tối ưu; sức khỏe thể chất của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng.


Tin tốt cho bạn: Nghiên cứu cho thấy bạn có thể tăng cường bộ nhớ của não và làm giảm nguy cơ mất trí của bạn bằng cách áp dụng một số thói quen sức khỏe cơ bản. Bạn đã cao tuổi? Đừng băn khoăn. Nghiên cứu cũng cho thấy não tiếp tục hoạt động và hình thành các đường dẫn mới trong suốt cuộc đời của chúng ta. Bạn có thể áp dụng tám chiến lược thúc đẩy hoạt động não như sau:


1. Học ngoại ngữ


Học một ngôn ngữ thứ hai (hoặc thứ ba) kích thích hoạt động của bộ não và thậm chí có thể làm chậm sự khởi phát bệnh mất trí nhớ, theo một nghiên cứu gần đây. Giả sử bạn học từ “mẹ” trong tiếng Tây Ban Nha là "madre." Ban đầu, bạn có thể phải tập trung để nhớ từ đó, nhưng nếu bạn thực hành theo thời gian, nó sẽ trở thành một phần của từ vựng của bạn. Việc có thể nhớ nghĩa của từ này một cách dễ dàng chứng minh bộ não của bạn đã tạo một đường dẫn mới.


Mẹo nhỏ: nói chuyện bằng ngôn ngữ khác một đêm mỗi tuần(tuy nhiên điều này khó khả thi), hoặc giữ im lặng và giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu.


2. Thử một loại hình hoạt động mới.


Tham gia vào các hoạt động tinh thần đầy thách thức sẽ giúp cho não của bạn tràn đầy năng lượng và hoạt động tốt trong nhiều năm. Điều quan trọng là bạn nên lựa chọn các hoạt động mới mẻ như chơi cờ, làm vườn hoặc là học cách chơi một loại nhạc cụ. Không quan trọng bạn lựa chọn loại hình nào, miễn là hoạt động đó hoàn toàn mới mẻ đối với bạn.


Mẹo nhỏ: Nếu bạn là một chuyên gia giải câu đố ô chữ, bạn hãy bắt đầu chơi trò chơi tìm kiếm từ thay thế. Bạn thích viết lách? Hãy thử học vẽ hoặc tô tượng.


3. Dùng các loại thực phẩm bổ não.


Ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt (còn vỏ cám), ăn ít chất béo bão hòa và đường; có thể giúp não hoạt động tốt. Trong thực tế, các nghiên cứu đều cho thấy rằng ăn nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng này sẽ giúp cho trí não của bạn minh mẫn và chống lại sự suy giảm của hệ thần kinh.


Mẹo nhỏ: bạn có thể trữ một ít các loại thực phẩm bổ não nói trên trong túi hay trong ngăn kéo. Bộ não của bạn cần được cung cấp năng lượng (ít nhất mỗi 3-5 giờ) để hoạt động tốt.


4. Tập thể dục


Các nghiên cứu luôn cho thấy việc tập thể dục giúp cho bộ não hoạt động minh mẫn, đặc biệt là ở các khu vực chịu trách nhiệm cho việc học tập và trí nhớ. Nhưng đừng lo lắng. Bạn không cần phải dành 90 phút tập luyện trong phòng gym để thấy não của bạn trở nên minh mẫn. Ngay cả tập thể dục vừa phải (như chạy bộ, đi xe đạp hoặc thậm chí đi bộ) khoảng 30 phút mỗi ngày, thì não của bạn đã được cung cấp đủ hồng cầu và dưỡng chất để hoạt động tốt và mạnh khỏe.


Mẹo nhỏ: nghiên cứu sơ bộ cho thấy lợi ích của hoạt động thể chất sẽ rõ rệt hơn khi kết hợp với một thách thức tinh thần. Vì vậy, những môn học như khiêu vũ, học võ hay tập yoga đặc biệt có lợi.


Giấc ngủ giúp cơ thể loại trừ các chất thải từ não và là một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm để giúp trí óc minh mẫn, Bác sỹ Rumana Yunus nói


5. Ngủ đủ giấc


Ngủ đủ giấc là một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm cho bộ não của bạn. Trong khi các nhà nghiên cứu không hoàn toàn biết rõ điều gì xảy ra trong tâm trí khi bạn đang ngủ ngon, họ biết rằng giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng đối với cơ thể và tâm trí để có thể hoạt động tối ưu. Giấc ngủ không chỉ giúp các tế bào trong cơ thể phục hồi sinh lực và loại bỏ các chất thải từ não, mà còn giúp cho việc học tập và ghi nhớ được tốt hơn.


Mẹo nhỏ: hãy cố gắng ngủ từ bảy đến tám tiếng mỗi đêm. Trường hợp không thể ngủ một giấc từ bảy đến tám tiếng? Hãy ngủ bù vào ban ngày cho đủ giờ.


6. Giữ gìn sức khỏe tốt


Cũng như tâm trí mạnh khỏe rất có ích trong việc bảo vệ cơ thể của bạn, một cơ thể cường tráng có thể giúp bảo vệ tâm trí của bạn. Ví dụ như điều kiện sức khỏe của bạn kém vì bệnh tiểu đường, huyết áp cao, trầm cảm hay suy tuyến giáp có thể tác động khiến bộ não của bạn hoạt động kém đi.


Mẹo nhỏ: Bảo vệ bộ nhớ của bạn bằng cách làm theo lời khuyên của bác sĩ một cách cẩn thận, uống thuốc đúng giờ và báo cáo về bất kỳ thay đổi nào trong hoạt động não của bạn.


7. Thiền định


Não cần thời gian để tự hồi phục và suy nghĩ. Trong thực tế, các nghiên cứu liên kết hành động “chiêm niệm về việc không suy nghĩ" với một loạt các lợi ích sức khỏe về thể chất và tinh thần. Và nghiên cứu mới đây cho thấy thiền định thường xuyên thậm chí có thể tăng cường trí nhớ của bạn.


Mẹo nhỏ: Hãy bỏ ra 10-15 phút mỗi ngày để cho tâm trí của bạn tĩnh lặng và tập trung vào một điều duy nhất: hơi thở. Lúc đó, không chỉ bộ não của bạn có cơ hội để nạp lại năng lượng, mà hơi thở tập trung sẽ thúc đẩy lưu lượng máu đến nuôi dưỡng não.


8. Duy trì các mối quan hệ.


Việc duy trì các mối quan hệ thân thiết đòi hỏi bạn phải vận dụng trí tuệ. Việc này không chỉ khiến bạn phải suy nghĩ nhanh chóng để tham gia vào cuộc trò chuyện, mà còn phải giải quyết xung đột và tranh luận về các vấn đề. Chúng sẽ giúp cho não của bạn có cơ hội vận động và “tập thể dục”. Vì vậy, không ngạc nhiên khi ta thấy những người cao niên hoạt động xã hội ít bị bệnh Alzheimer hơn so với những người trạc tuổi không hoạt động.


Mẹo nhỏ: Xây dựng tình bạn với những người ở các độ tuổi, chủng tộc và nguồn gốc dân tộc khác nhau để não của bạn phải làm việc nhiều hơn. Việc xử lý các khác biệt trong lời nói, giọng điệu, hay ngay cả những biệt ngữ văn hóa mới sẽ thách thức và khiến bộ não phải xây dựng các đường dẫn mới.


Và trên hết, cách đơn giản nhất để giữ cho tâm trí của bạn minh mẫn khi lớn tuổi là phát triển một cuộc sống có ý nghĩa. Sự kết hợp của một lối sống lành mạnh và công việc sẽ thúc đẩy bạn sống có mục tiêu và giúp bảo vệ não trong dài hạn.


Nếu bạn nhận thấy có sự thay đổi trong bộ nhớ của bạn, hoặc nếu bạn thấy khó khăn khi tư duy, hãy xin hẹn gặp với bác sĩ của bạn hoặc một chuyên gia để khám bệnh.


Việt Dịch: Thiện Trí

Đức Dalai Lama: "Giáo dục cần cải thiện con người"

Đức Dalai Lama: "Giáo dục cần cải thiện con người"

Đăng lúc: 21:25 - 14/11/2015

Hệ thống giáo dục hiện tại là không đủ và cần phải được thay đổi theo cách mà nó cải thiện phẩm chất bên trong của con người, Đức Dalai Lama phát biểu vào ngày 9-11.


Đức Dalai Lama

"Tôi có nhiều người bạn là những nhà giáo dục, họ cũng cảm thấy hệ thống này là không đủ. Chúng ta phải nghiêm túc nghĩ đến việc cải thiện hệ thống giáo dục thay đổi cả các mặt thể chất và tình cảm của con người", ngài nói.

Khi chỉ ra rằng tất cả những tình huống hủy hoại cuối cùng đều bắt nguồn từ những cảm xúc, ngài nói mọi người nên cố gắng tăng trưởng cảm xúc xây dựng. "Bản chất con người dựa trên lòng từ bi sẽ là tích cực. Nếu con người dựa trên khía cạnh tiêu cực, sẽ không có hy vọng cho sự đổi thay".

Đức Dalai Lama đã phát biểu tại lễ trao giải Abdul Kalam Seva Ratna lần đầu tiên của Hiệp hội Quản lý Madras kết hợp với Abdul Kalam Vision India Movement tại Học viện Âm nhạc.

Bày tỏ về việc con người thuộc thế hệ của mình đã tạo ra rất nhiều vấn đề trên hành tinh này, ngài cho biết con người thuộc thế hệ hiện tại sẽ tìm ra giải pháp và xây dựng một thế kỷ 21 hạnh phúc.

"Con người đã tạo ra các vấn đề nhưng chúng ta cũng có khả năng biến đổi chúng và cuối cùng loại bỏ chúng. Chúng ta cần một cảm giác của sự hiệp nhất. Các quan điểm và đức tin khác nhau, và những thứ như chủng tộc hay đẳng cấp là những vấn đề nhỏ. Những gì chúng ta cần phải ghi nhớ là tất cả chúng ta đều là con người và có quyền có được một cuộc sống hạnh phúc ngang nhau", ngài nói.

Nhớ lại vài lần đến thành phố này trong các năm 1950 và 1960, ngài đã cho thấy sự gia tăng mạnh về số lượng các công trình xây dựng trong thời gian này. "Cần có sự hiện đại hóa trên thế giới nhưng người dân cũng cần phải có một tâm trí yên bình. Người dân sống trong những ngôi nhà lớn nhưng có rất nhiều căng thẳng trong họ. Sự phát triển vật chất chỉ cung cấp tiện nghi vật chất nhưng hiện đại hóa không đem đến bình an nội tại".

Đề cập đến việc Ấn Độ có tiềm năng mang lại sư bình an này, ngài cho biết đây là quốc gia duy nhất - nơi mà tất cả các truyền thống lớn sống chung với nhau và 3.000 năm văn hóa Ấn Độ bắt nguồn từ bất bạo động và hòa hợp tôn giáo.

Văn Công Hưng

Tôi niệm Bồ-tát Quán Thế Âm

Tôi niệm Bồ-tát Quán Thế Âm

Đăng lúc: 18:49 - 29/10/2015

Từ nhỏ tôi đã được dạy trì niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm. Bác tôi là người xuất gia trụ trì một ngôi chùa, ông thường dạy tôi cũng như các Phật tử khác trì tụng chú Đại bi và danh hiệu của Bồ-tát.
Botat QAm.jpg
Tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm

Tôi vốn ốm yếu và thường hay bệnh, thể chất lẫn tinh thần đều kém. Tôi luôn sống trong mặc cảm tự ti, không có lòng tin nơi bản thân mình, thường ngại tiếp xúc với người khác và ít khi tham gia các hoạt động tập thể, cộng đồng. Chính vì tâm lý yếu đuối mà tôi có nhu cầu một nơi nương tựa tinh thần và sự chở che, giúp đỡ từ một đấng thiêng liêng.

Bác tôi dạy rằng Bồ-tát Quán Thế Âm có tâm từ bi rộng lớn, thường cứu khổ ban vui cho chúng sinh, vì thế cần nên nhớ nghĩ công hạnh, thường trì niệm danh hiệu và học đức tính lợi tha của Ngài.

Tôi tin tưởng lời bác dạy và niệm danh hiệu Bồ-tát mỗi ngày, nhất là khi đi đâu xa và khi chuẩn bị làm việc gì đó hay thi cử. Hễ lên tàu, xe là tôi nhiếp tâm niệm danh hiệu Bồ-tát để Ngài phù hộ, vì tôi sợ tai nạn, rủi ro xảy ra. Những khi vào phòng thi cử cũng niệm mãi danh hiệu Bồ-tát để Ngài phù hộ cho tôi làm bài đạt kết quả tốt. Tôi không ỷ lại vào sự giúp đỡ của Bồ-tát, vẫn chăm chỉ học hành, nhưng vì không có lòng tin nơi bản thân, vì tâm lý không vững thường hay hoang mang lo lắng mà tôi cầu sự trợ giúp của Bồ-tát, cầu sự an tâm nơi Bồ-tát.

Cho đến sau này tôi mới hiểu hơn về ý nghĩa của việc trì niệm Bồ-tát Quán Thế Âm.

Phần lớn những ai tín ngưỡng Bồ-tát Quán Thế Âm đều xem Ngài như một đấng thiêng liêng có quyền năng ban bố phước lành và bảo hộ sự sống, sự bình an, giải lâm nguy, cứu khổ nạn. Tuy nhiên nếu nghĩ như thế thì Bồ-tát Quán Thế Âm không khác gì các vị thần linh của các tôn giáo khác. Suy nghĩ và niềm tin của nhiều người đã thần linh hóa Bồ-tát Quán Thế Âm, biến Ngài thành một vị thần.

Sự thật thì Bồ-tát có thể làm trái luật Nhân quả, ban phước lành, tiêu trừ tai ách, bệnh tật, khổ não cho mọi người không? Nếu có thể thì từ lâu Bồ-tát đã cứu độ tất cả chúng sinh rồi, đâu cần đợi đến khi chúng sinh trì niệm danh hiệu và cầu nguyện sự cứu giúp của Ngài, vì Bồ-tát vốn dĩ từ bi mà. Không ai có thể làm trái luật Nhân quả, và Bồ-tát cũng thế.

Tại sao có người được sự gia hộ, cứu giúp của Bồ-tát, sự cầu nguyện của họ có cảm ứng? Tại sao có người cũng trì niệm danh hiệu Ngài, cầu nguyện sự bình an, tiêu tai tiêu nạn mà chẳng có kết quả gì? Tất cả chỉ là nhân duyên. Khi nhân duyên hội tụ đủ thì thành tựu, nhân duyên chưa đủ hoặc trái nghịch nhau, phá hoại nhau thì không thành tựu. Nếu trong quá khứ đời này hoặc những đời trước đã từng tạo các nhân duyên thiện lành, hiện tại lại tu tạo thêm công đức phước báo (thông qua các việc thiện như cúng dường, bố thí, phóng sinh, làm các việc có ích cho tha nhân, trì niệm danh hiệu Bồ-tát, trau giồi đạo đức...), khi nhân duyên lành hội tụ đủ thì thành tựu quả lành.

Trì niệm danh hiệu của Bồ-tát, nhớ nghĩ đến Bồ-tát và những công hạnh của Ngài chính là đang hướng tâm về điều lành, điều thiện, bởi vì Bồ-tát là hình ảnh đại diện cho những đức tính cao quý, cao thượng: từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha. Nếu nhân duyên lành trong quá khứ quá ít, hoặc quá khứ chưa từng tạo nhân duyên lành, hiện tại tạo nhân duyên tốt chưa đủ sức chuyển hóa những nhân duyên quá khứ, chưa đủ để thành tựu quả thiện lành, như thế thì không thể có được những điều mình mong muốn, nguyện cầu. Đó không phải là do Bồ-tát ban cho hay không ban cho, mà do nhân duyên mình tạo tác.

Từ khi hiểu như thế tôi niệm Bồ-tát không phải để cầu xin phước lành, cầu sự chở che, bảo hộ. Tôi niệm Bồ-tát để nhớ nghĩ về điều thiện, về các đức tính từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha, phụng sự tha nhân, phụng sự chúng sinh không mệt mỏi. Khi trì niệm danh hiệu Bồ-tát, nhiếp tâm vào danh hiệu thì không khởi vọng tưởng, nhờ đó mà có sự bình an; không khởi phiền não thì tâm mát dịu như được uống nước cam lộ, một loại nước ngon ngọt (cam) và mát mẻ như sương mai (lộ).

Khi tâm định tĩnh, sáng suốt thì không còn hoang mang lo lắng, không còn sợ hãi và trí tuệ sẽ soi sáng hành động, việc làm, giúp mình có những giải pháp tốt trong cuộc sống, giúp mình vượt qua khó khăn, khổ nạn.

Tôi học được nhiều điều từ ý nghĩa hình ảnh biểu tượng của Bồ-tát. Cành dương liễu tượng trưng cho hạnh nhẫn nhục (nhẫn nhục trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, mọi đối tượng tiếp xúc để tu học, để làm việc, để phụng sự tha nhân, có nhẫn nhục như thế mới thành tựu được trí tuệ và tâm đại bi).

Nước cam lồ tịnh thủy tượng trưng cho tình thương từ bi mát dịu, ngọt ngon. Tòa sen tượng trưng cho sự thanh tịnh vô nhiễm. Ngàn mắt của Bồ-tát (thiên nhãn) tượng trưng cho trí tuệ soi sáng cho hành động, việc làm. Ngàn tay (thiên thủ) tượng trưng cho biện tài, năng lực phụng sự, độ sinh v.v…

Trong kinh Pháp hoa (phẩm Phổ môn), Đức Phật dạy hạnh nguyện của Bồ-tát là quán sát lắng nghe âm thanh thế gian (quán thế âm) và ứng hiện ban thí vô úy (sự bình an, không sợ hãi), tùy theo sự mong cầu của thế gian mà đáp ứng, cứu giúp. Điều này dạy tôi về hạnh lắng nghe và yêu thương, chia sẻ. Biết lắng nghe để hiểu và thương, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong tình thương yêu và hiểu biết. Người khác có nhu cầu gì, cần sự giúp đỡ nào thì mình quan tâm chia sẻ, ở đâu cần thì mình đến, không ngại gian khổ, khó khăn, vì an lạc hạnh phúc cho tha nhân mà dấn thân phụng sự trên nhiều phương diện.

Hình ảnh của Bồ-tát với dương liễu tịnh bình hoặc ngàn mắt ngàn tay luôn nhắc nhở tôi về tâm đại từ đại bi và hạnh nguyện cứu khổ, ban vui, mang lại sự bình an vô úy và hạnh phúc cho cuộc đời, nhắc nhở tôi phải nỗ lực tinh tấn trong tu học Phật pháp, rèn luyện trau giồi đạo đức, trí tuệ, tài năng để có được tâm hạnh Bồ-tát và khả năng làm lợi ích cho cuộc đời.
Minh Hạnh Đức

Ý thức hệ hình thành nhân cách một con người

Ý thức hệ hình thành nhân cách một con người

Đăng lúc: 06:18 - 08/07/2015

Ý thức hệ trong mỗi con người là một loại thức ăn rất quan trọng gọi là Thức thực. Thân thể chúng ta được hình thành ngày hôm nay đẹp hay xấu là do tác động của ý thức, trong đó gồm có Chánh báo và Y báo.


Chánh báo thân thể này gồm có thân và tâm. Y báo thuộc hoàn cảnh chung quanh ta đang sống. Vì thói quen được huân tập lâu ngày từ nhiều kiếp xa xưa nên bây giờ ta có Chánh báo và Y báo tốt hoặc xấu.

Chánh báo và y báo là chỉ chung cho tất cả chúng sinh, đặc biệt là con người vì có hiểu biết và sự phân biệt đúng sai. Không có loài hữu tình nào có trí khôn và thông minh hơn loài người. Nói cho dễ hiểu hơn, chánh báo thuộc về con người tức thân và tâm. Y báo thuộc vể môi trường hoàn cảnh, sự vật chung quanh.

Chính vì thế, chánh báo và y báo có sự sống liên quan mật thiết với nhau. Nhưng chánh báo là chủ động tạo tác, còn y báo là phụ thuộc vào con người. Như những thứ: nhà cửa, xe cộ, vườn tượt, cây cối, ao hồ, đất đá, sông biển v.v… tất cả đều thuộc về y báo.

Một chánh báo tốt đẹp, thì y báo cũng nương theo đó mà được trang nghiêm tốt đẹp. Muốn cho hoàn cảnh môi trường chung quanh được tốt đẹp và an ổn lành mạnh, trước hết chúng ta phải giáo dục xây dựng con người biết cách hoàn thiện về chính mình. Chúng ta xây dựng con người trước tiên phải tin sâu nhân quả, biết hướng thiện, sống đạo đức cả hai phương diện về thể chất cũng như tinh thần.

Muốn biết một quốc gia có mức sống tiến bộ cao hay thấp, chúng ta hãy nhìn vào hoàn cảnh môi trường sống chung quanh của quốc gia đó, thì sẽ biết ngay. Nhất là những nơi sinh hoạt chính của trung tâm đầu não như: phố thị, bến xe, đường xá, cầu xí, v.v…Chúng ta không cần phải tìm hiểu ở đâu xa. Cứ nhìn vào những nhu cầu tín ngưỡng dân gian, ai cũng có thể biết được chánh báo tốt hay xấu.

Chánh báo của cá nhân cũng dựa vào nguyên lý này mà ta có thể biết được họ là hạng người nào. Dựa theo nguyên lý nầy, chúng ta khéo biết ứng dụng vào trong đời sống hằng ngày rất có nhiều lợi ích thiết thực. Sự tu hành của mỗi người, trước tiên là ta phải biết làm chủ thân miệng ý của mình.

Nếu thân tâm của ta có được phước đức đầy đủ, thì hoàn cảnh chung quanh ta nươngtheo đó mà sung túc đủ đầy và an ổn tốt đẹp. Ðó là chúng ta khéo biết xây dựng và tu sửa chính mình. Tâm là cái gốc sinh ra bao điều tốt đẹp, khi tâm vững chắc lành mạnh tốt đẹp rồi, thì mọi thứ xung quanh cũng theo đó mà có nhiều ảnh hưởng tốt đẹp theo. Bởi vì tất cả hoàn cảnh sự vật tốt đẹp đều do chính con người tạo ra.

Chánh báo và Y báo đều là sự biểu hiện của tâm thức được hình thành qua nền tảng nhân quả. Loại thức ăn này rất quan trọng vì nó là phần tinh thần và quyết định cuộc đời tốt xấu của ta. Tâm tư sáng suốt, hành động lương thiện sẽ giúp chúng ta tiếp nhận các món ăn trong sáng, từ bi và trí tuệ. Nếu trong quá khứ tâm thức đã tiếp nhận thức ăn độc hại quá nhiều thì ngày nay tâm thức ta biểu hiện ra Chánh báo, Y báo không lành mạnh mà còn tối tăm, mờ mịt.

Những gì ta suy tư trong thấy-nghe-ngửi-nếm và tưởng tượng là những thứ được cất giữ trong kho chứa tâm thức. Nếu kho tâm thức này chứa vô minh, tham lam, ích kỷ, oán giận, thù hằn và phiền muộn, khổ đau thì khi đủ duyên chúng sẽ phát sinh.

Chính vì vậy, chúng ta phải biết phân loại những thức ăn đưa vào kho tâm thức, phải nên đưa từ-bi-hỷ-xả, lòng bao dung độ lượng, giúp đỡ và sẻ chia, yêu thương và hiểu biết bằng tình người trong cuộc sống để nuôi dưỡng tâm thức mỗi ngày.

Đức Phật đã dùng phương tiện hình ảnh một người tử tù đang bị vua hành hình để nói về Thức thực. Buổi sáng vua ra lệnh lấy 300 cây kim đâm vào thân thể người tử tội, đến chiều tối vua hỏi, “kẻ tử tù đó bây giờ ra sao?” Viên cai ngục trả lời, “tâu bệ hạ, nó vẫn còn sống nhưng rên la thê thảm lắm!” Phật dùng ví dụ này để nhắc nhở chúng ta đừng nên hành hạ tâm thức của mình y như thế, đừng đâm 300 mũi kim của độc tố tham lam, giận dữ, si mê, ganh ghét, tật đố, hận thù, bạo động và sợ hãi vào kho tâm thức của chúng ta mỗi ngày.

Bốn thí dụ trên được ghi lại trong Kinh Tử Nhục. Tử Nhục là thịt của đứa con. Hai vợ chồng và đứa con cùng đi qua sa mạc nhưng nửa đường hết thức ăn, nếu không có cả ba đều chịu chết, cuối cùng hai người đành phải giết con để ăn mà vượt khỏi sa mạc. Bốn ví dụ nghe rất khiếp đảm và ghê sợ, mục đích chính nhằm răn bảo chúng ta phải sáng suốt gìn giữ thân-miệng-ý để đừng làm tổn hại cho mình và người.

Ăn uống là nhu cầu chính yếu hằng ngày, khi ăn ta phải tỉnh giác biết rõ thức ăn nào không làm tổn hại thân tâm, trong khi ăn phải biết mình đang ăn, thức ăn ngon hay dở đều biết rõ; mặn, lạt, chua, cay ta đều biết nhưng không để tâm bị lôi kéo về quá khứ hay mơ mộng đến tương lai hoặc quá lo lắng mà đánh mất mình trong hiện tại.

Trước khi ăn mọi người nên quán tưởng như sau: Cơm ngày ba bữa thường nhớ công khó nhọc của kẻ nông phu. Thân mặc ba y hằng xét nghĩ sự nhọc nhằn của người may dệt. Thuốc thang giường chõng bởi do sự nhín ăn bớt mặc của tín thí khắp nơi. Học đạo tiến tu nhờ lòng từ dạy răn của thầy Tổ. Nguyện cho thí chủ và tất cả chúng sinh phước huệ song tu, nhân tròn quả giác, kẻ mất người còn đều trọn thành Phật đạo.

Trước khi ăn ta quán tưởng như thế để tâm hằng nhớ ghi huân vào kho tâm thức, do đó khi đưa thức ăn vào miệng ta nhìn thấy rõ thức ăn ấy với con mắt tỉnh giác. Ta ăn để mà sống, ăn vì thành tựu đạo nghiệp chứ không phải sống để mà ăn.

Khi ăn ta nhìn miếng đậu hũ như một dược liệu thuốc thang để chữa bệnh đói khát, nhờ vậy ta thấy rau cải, nước tương là đại sứ của đất trời đến với ta để nuôi dưỡng thân này. Lòng ta tràn đầy niềm biết ơn và hoan hỷ, vui vẻ với những người đã gieo mầm sống để chúng ta dưỡng thân mà tu tập. Khi nhai ta nhai trong ý thức, ta biết rằng mình đang tiếp xúc với những chất liệu trong sáng, lành mạnh.

Thường khi ăn nếu không tỉnh giác ta sẽ nhai những buồn thương, giận ghét, phải quấy, tốt xấu, hơn thua và lo lắng. Vô tình ta đang nhai quá khứ và tương lai mà đánh mất mình trong hiện tại. Ta nhai đều đặn thức ăn rau cải được trộn chung với cơm sẽ trở thành chất loãng, nhờ vậy rất dễ tiêu và bổ dưỡng, không bị bón kiết. Như thế ta không cần phải ăn quá nhiều mà dinh dưỡng vẫn đầy đủ để nuôi dưỡng thân khỏe, tâm an.

Thích Đạt Ma Phổ Giác

40 thói quen đơn giản nhưng cực kỳ tốt cho sức khỏe của bạn

40 thói quen đơn giản nhưng cực kỳ tốt cho sức khỏe của bạn

Đăng lúc: 08:11 - 19/05/2015

Dưới đây là 40 thay đổi tưởng chừng như rất đơn giản trong cuộc sống hằng ngày nhưng lại khiến bạn trở nên khỏe mạnh hơn, cả về thể chất lẫn tinh thần.

Nồi cháo yêu thương ấm áp nghĩa tình đến với bệnh nhân Bệnh viện Ung Bướu Nghệ An

Nồi cháo yêu thương ấm áp nghĩa tình đến với bệnh nhân Bệnh viện Ung Bướu Nghệ An

Đăng lúc: 16:06 - 25/04/2015

Đã gần 2 năm nay những nồi cháo nghĩa tình của sư thầy là Đại Đức Thích Định Tuệ và các Phật tử chùa Phúc Thành vẫn miệt mài nấu nồi cháo từ thiện, phát miễn phí đến tận tay bệnh nhân nghèo tại bệnh viện bệnh viện Ung bướu Nghệ An, góp phần xoa dịu nỗi đau về thể chất và tinh thần của người bệnh.

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 7
  • Hôm nay 73
  • Tháng hiện tại 61,827
  • Tổng lượt truy cập 23,468,076