Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Xá chào người quá cố...

Xá chào người quá cố...

Đăng lúc: 03:51 - 27/07/2016

Nhân một câu chuyện đăng trên Tuổi Trẻ online về vấn đề cúi đầu chào người quá cố khi linh cữu đi ngang qua, tôi có vài suy nghĩ...
xachao.jpg
Một nhà sư Nhật Bản hành lễ trước đống đổ nát - là nơi nhiều người thiệt mạng do trận động đất

Thật ra, truyền thống kính người đã khuất đã có từ rất lâu rồi. Từ hồi Phật còn tại thế, chuyện được truyền lại trong kinh Báo đáp công ơn cha mẹ, trong đó có đoạn:

“Đáo bán lộ đành rành mắt thấy

Núi xương khô bỏ đấy lâu đời

Thế Tôn bèn vội đến nơi

Lạy liền ba lạy rồi rơi giọt hồng”…

Phật là Bậc Giác ngộ hoàn toàn, là Cha lành của “ba cõi bốn loài” nhưng Ngài cũng cung kính đảnh lễ đống xương khô. Vì sao vậy? Vì biết đâu trong đống xương khô đấy là hình hài của ông bà, cha mẹ hay là của chính ta trong nhiều đời nhiều kiếp, trải qua luân hồi sanh tử mà bỏ thi hài lại đó. Đọc, hiểu ý kinh như vậy, thiết nghĩ, hàng Phật tử chúng ta cần noi theo hạnh của Phật, cung kính trước người đã khuất cho dù trong đời hiện tại họ không có liên hệ máu mủ ruột rà với chúng ta và cũng có thể chúng ta chưa một lần biết mặt họ.

Sự cung kính đó không cần phải thể hiện bằng vật chất cao sang mà chỉ cần những hành động nhỏ như đi ngoài đường thấy đoàn xe tang thì ta chủ động nhường đường. Nếu có thể, hãy cúi đầu khi linh cữu đi qua để thể hiện sự tôn kính người đã mất. Ngoài ra, khi đi dự tang, chúng ta nên ăn mặc cho phù hợp và không đi lễ bằng giấy vàng mã hoặc những vật mang tính chất mê tín dị đoan khác.

Mục đích của tang chế là tiễn đưa linh cữu người quá cố trở về với cát bụi và một phần thông báo cho người thân, bạn bè biết người ấy đã qua đời. Thêm nữa, nhiều gia đình còn thỉnh chư Tăng lo về đời sống tâm linh cho người mất.

Ngày nay, chúng ta quá chú trọng vào hình thức trong lễ tang. Chúng ta tổ chức đám thật to, sử dụng quan tài thật đắt tiền, mời ca sĩ, các diễn viên xiếc tạp kỹ làm huyên náo xóm làng cả ngày lẫn đêm. Chúng ta thử hỏi làm những việc đó nhằm mục đích gì và có lợi cho ai? Chữ hiếu không nằm trong mâm cao cỗ lớn mà nằm trong đạo đức của người ở lại.

Một việc nữa là chúng ta hay có thói quen rải, đốt vàng mã cho người chết. Không biết thói quen này có từ bao giờ, nhưng theo tôi, nó thật sự không ích lợi. Thứ nhất, điều này làm tổn hao tài nguyên của xã hội (giấy được làm từ gỗ) mà không mang lại một lợi ích thiết thực nào; thứ hai, làm ô nhiễm môi trường sống của những người khác.

Singapore là đất nước được mệnh danh có ý thức bảo vệ môi trường tốt nhất thế giới, có những chế tài hết sức rõ ràng cho việc xử lý người xả rác bừa bãi. Người xả rác bừa bãi lần đầu tiên sẽ bị phạt tối đa là 1.000 đô-la Singapore, tái phạm thì mức phạt sẽ tăng lên 2.000 - 5.000 đô-la và phải lao động công ích. Có những hình phạt như vậy thì mới bảo vệ được môi trường sống và nâng cao được ý thức cũng như tình yêu của con người đối với môi trường tự nhiên.

Ở Việt Nam, thực chất cũng đã có Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12-7-2010 quy định về vấn đề xả rác nơi công cộng. Theo đó, hành vi xả rác nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng. Tuy nhiên, mức phạt này chưa thật sự đủ sức răn đe với người vi phạm và sẽ khó áp dụng đối với nhà có tang lễ. Không ai nỡ chặn đường một đám tang để xử phạt vài trăm ngàn. Nói như thế không có nghĩa chúng ta dung túng cho việc tang ma muốn xả bao nhiêu giấy vàng mã cũng được, mà các ngành chức năng có thể ghi lại hình ảnh rải vàng mã làm bằng chứng rồi sau đó phạt “nguội” cũng chưa muộn.

Dẫu biết rằng mất đi người thân là đau đớn, buồn bã biết nhường nào, nhưng chúng ta có nghĩ những công nhân vệ sinh cũng rất cực khổ khi phải quét dọn sau khi đám tang đi qua?

Xã hội ngày càng phát triển, chúng ta cũng phải mạnh tay dẹp bỏ những hủ tục, những thói quen đã không còn phù hợp với đời sống văn minh. Đồng thời chúng ta khuyến khích những nét đẹp đạo đức được giữ gìn và phát huy hơn nữa để đời sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Tấn Khang

Nghệ An: Phật giáo tỉnh sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2016

Nghệ An: Phật giáo tỉnh sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2016

Đăng lúc: 11:58 - 19/07/2016

Sáng ngày 18/7/2016, tại chùa Đại Tuệ (Nam Đàn), BTS GHPGVN tỉnh Nghệ An tổ chức hội nghị sơ kết công tác Phật sự 6 tháng đầu năm 2016 và triển khai công tác Phật sự 6 tháng cuối năm 2016.
Quang lâm chứng minh và tham dự buổi lễ có Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS TW GHPGVN kiêm trưởng BTS GHPGVN tỉnh Nghệ An. Thượng tọa Thích Thọ Lạc, phó thường trực BTS GHPGVN tỉnh Nghệ An, thành viên Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Nghệ An, Chư Tôn đức Tăng Ni các chùa trong tỉnh.
Lãnh đạo UBND, Ban Dân vận Tỉnh ủy, UBMTTQ, Ban Tôn giáo Sở Nội vụ, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an tỉnh.
6 tháng đầu năm 2016, Ban TSGHPGVN tỉnh Nghệ An đã đạt được những kết quả quan trọng trong công tác phật sự trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh có 35 vị Tăng Ni đang sinh hoạt hợp pháp trên địa bàn, có 47 cơ sở thờ tự (46 chùa và 01 Niệm Phật đường), 17/21 đơn vị hành chính có hoạt động của Phật giáo, tham gia Hội nghị chuyên đề về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động Phật giáo trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tổ chức thành công Tọa đàm: "Định hướng, phát triển bền vững Phật giáo Nghệ An".

Ban Trị sự đã quyết định bổ nhiệm trụ trì chùa Lam Sơn( Quỳnh Lưu). Phê chuẩn nhân sự Ban Hộ tự chùa Đồng Tương.Tổ chức khóa an cư kết hạ cho 43 hành giả tại 2 địa điểm, trong đó: Hạ trường chùa Đại Tuệ (29 vị) dành cho Chư Tăng có 28 Tỷ khiêu, 01 Sa di. Hạ trường chùa Cần Linh (12 vị) dành cho Chư Ni có 6 Tỷ khiêu Ni, 1 Thức xoa ma na, 1 Sa di Ni và 4 hình đồng Ni. Giới thiệu 02 vị đi học hệ Cao đẳng tại Học viện Phật giáo Hà Nội , cử các thành viên Ban Hoằng Pháp về tại các chùa, các đạo tràng, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa để gặp gỡ đồng bào Phật tử.
Lễ khai bút và trồng cây tại chùa Đại Tuệ nhân dịp đầu xuân. Tổ chức thành công Lễ hội Hương sen xứ Nghệ năm 2016, lễ Phật đản, kỷ niệm 5 năm thành lập Phật giáo Nghệ An, hướng tới kỷ niệm 35 năm thành lập GHPGVN, thành lập CLB Hương Từ Bi chùa Hồng Phúc, chùa Hà quy tụ trên 50 thành viên, tham gia tích cực các hoạt động thiện nguyện, sơ bộ toàn tỉnh có trên 45 ngàn Phật tử đã Quy y. Tổ chức tiếp đón và làm việc với đoàn công tác của Ban Hướng dẫn Phật tử TƯ GHPGVN vào ngày 17/4. Các hoạt động văn nghệ Phật giáo được duy trì và ngày càng phát triển ở nhiều nơi, đăng tải kịp thời các tin tức Phật sự tại địa phương

Vận động công tác từ thiện trên 300.000.000đ, tặng ngàn ngàn suất quà trong dịp tết, giúp đỡ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các hộ nghèo gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Trong công tác bầu cử Quốc hội khóa 14 và HĐND các cấp NK 2016 – 2021. Được sự hiệp thương của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; Ban Trị sự đã tiến hành các cuộc họp giới thiệu Ni sư Thích Diệu Nhẫn - Phó Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, tham gia đại biểu HĐND cấp tỉnh . Đại biểu HĐND cấp huyện có 2 vị, đó là: Đại đức Thích Đồng Tuệ - Trụ trì Chùa Hà, tham gia Đại biểu HĐND huyện Nam Đàn . Đại đức Thích Tuệ Quang - Trưởng Ban Quản lý dự án xây dựng Chùa Gám - TVTL Yên Thành, tham gia Đại biểu HĐND huyện Yên Thành.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, những khó khăn, thách thức và thống nhất một số lưu ý, nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong 6 tháng cuối năm.

Phát biểu bế mạc tại hội nghị Thượng tọa Thích Thọ Lạc, phó Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Nghệ An, chỉ rõ Phật giáo tỉnh nhà cần phải phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết hoà hợp, vượt qua khó khăn thử thách, khắc phục yếu kém tồn tại, phấn đấu vì sự xương minh của Phật pháp, vì hạnh phúc an lạc cho chúng sinh. Xây dựng mối quan hệ thống nhất về lãnh đạo và tổ chức giữa Ban Trị sự với Tăng Ni, Phật tử thành viên tạo ra một sức mạnh tổng hợp của sự đoàn kết hoà hợp, làm nền tảng cho các hoạt động Phật sự vì Đạo pháp Dân tộc, làm tốt đời đẹp đạo.
Tại hội nghị, Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ban TSGHPGVN tỉnh Nghệ An đã tặng hoa chúc mừng Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Trưởng Ban TSGHPGVN tỉnh Nghệ An nhận bằng tiến sỹ Tôn giáo học.

Dịp này, hàng Phật tử tại gia đã dâng cúng tịnh tài, tịnh vật lên Chư tôn đức Tăng, Ni trong ý nghĩa hộ trì Tam bảo.
Sau đây là một số hình ảnh buổi lễ:











Chư tôn giáo phẩm niệm phật cầu gia hộ














Hội nghị dưới sự chủ trì của Hòa Thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS TWGHPGVN kiêm trưởng BTS GHPGVN tỉnh Nghệ An


Toàn cảnh Hội nghị sơ kết










Đại Đức Thích Tâm Thành đọc báo cáo tổng kết Phật Sự 6 tháng đầu năm















Ông : Nguyễn Văn Long -Phó Ban Tôn Giáo phát biểu.




Ban trị sự Phật giáo tỉnh tặng hoa chúc mừng HT . Thích Thanh Nhiễu


Ban tôn giáo cùng các ban ngành tặng hoa chúc mừng.














Thượng Tọa Thích Thọ Lạc - Phó Ban Văn Hóa TW GHPGVN, phó thường trực BTS GHPGVN tỉnh Nghệ An bế mạc buổi lễ tổng kết.







Tác giả bài viết: Hữu Tình- Hồng Nga

Chùa Phúc Thành, Hưng Châu, Hưng Nguyên, NA, nhận quyết định bàn giao đất.

Chùa Phúc Thành, Hưng Châu, Hưng Nguyên, NA, nhận quyết định bàn giao đất.

Đăng lúc: 08:37 - 28/02/2016

Hôm nay ngày 25/2/2016 ,Căn cứ Quyết định số 125/QĐ-UBND.ĐC ngày 04/02/2016 của UBND tỉnh về việc giao đất cho Chùa Phúc Thành xã Hưng Châu huyện Hưng Nguyên tại xã Hưng Châu, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An để sử dụng vào mục đích xây dựng Chùa Phúc Thành.
Về bàn giao có Ông: Trần Ngọc Đăng : Phó Trưởng phòng Quản lý đất đai
Ông: Trần Bá Thắng : Chuyên viên đã đến bàn giao đất tại hiện trường quyết định số 77/QĐ- STNMT ngày 18/2/2016.
Đại diện các cấp lãnh đạo huyện Hưng Nguyên: Ông Nguyễn Hữu Hà: Trưởng phòng tài nguyên môi trường. Ông ; Phan Hồng Tiến : phó trưởng phòng nội vụ, cùng phái đoàn. Đại diện ủy ban nhân dân xã Hưng Châu, Ông Lê Văn Thịnh : chủ tịch Ủy Ban xã Hưng Châu, cùng phái đoàn. Đại diện xóm 4 xã Hưng Châu: Ông Nguyễn đình Cát : Bí thư chi bộ cùng phái đoàn.
Đại diện cho chùa phúc Thành có: Trụ trì Đại Đức Thích Định Tuệ. Ông Nguyễn Song Tùng: trưởng ban xây dựng, cùng các Phật Tử trong ban hộ trì của Chùa.
Căn cứ các mốc giới đã cắm tại thực địa do đơn vị tư vấn thực hiện đã được các thành viện tham gia giao đất tại hiện trường 13.270,5 m­­­2 cho chùa Phúc Thành xã hưng Châu, huyện Hưng Nguyên để sử dụng vào mục đích xây dựng Chùa Phúc Thành , Hưng Châu, NA.
Chùa Phúc Thành xã Hưng Châu huyện Hưng Nguyên đã nhận đủ diện tích, kích thước, hình thể lô đất được giao tại hiện trường đúng với Trích lục Bản đồ địa chính khu đất ( Đo, chỉnh lý bổ sung ) số 53/2015/BDDC/VPĐK” được Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt ngày 09/02/2015 và chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng khu đất được giao kể từ ngày 25/02/2016. Thời gian sử dụng đất : Ổn định và lâu dài.
Sau lễ bàn giao đất các thành viên tham dự đều thống nhất ký tên đầy đủ vào biên bản bàn giao đất.
Sau đây là một số hình ảnh.































Tác giả bài viết: Ban Truyền Thông

Biến đổi khí hậu - hiện tượng không xa vời

Biến đổi khí hậu - hiện tượng không xa vời

Đăng lúc: 06:15 - 19/11/2015

Vừa qua, Trưởng lão HT.Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN cùng với các nhà lãnh đạo Phật giáo trên thế giới đã ký vào Thông điệp của Phật giáo về hiện tượng biến đổi khí hậu, gửi đến Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP-21), sẽ diễn ra tại thủ đô Paris của nước Pháp vào cuối tháng 11-2015.
Thông điệp nhận định rằng: “Chúng ta đang ở vào một thời điểm quyết định, thời điểm mà sự sống còn của loài người chúng ta cũng như của các loài khác trên trái đất này đang bị đe dọa nghiêm trọng do những hành động của chính chúng ta”. Hơn bao giờ hết, để cứu vãn sự sống trên hành tinh này, các nhà lãnh đạo Phật giáo kêu gọi các quốc gia và vùng lãnh thổ hãy cùng nhau đưa ra một lộ trình cho giải pháp toàn diện và lâu dài nhằm chấm dứt các nguyên nhân chính gây nên hiện tượng biến đổi khí hậu.

Với giáo lý đạo Phật, vạn vật hiện hữu trong tương quan mật thiết với nhau. Do lòng tham lam, con người đã khai thác cùng kiệt tài nguyên môi trường tự nhiên, sử dụng nhiên liệu hóa thạch và những phương thức tiêu thụ không bền vững, vì lợi nhuận trước mắt. Chính điều đó đã làm cho môi trường sinh thái mất sự cân bằng, ngày càng xấu đi. Những đợt thiên tai kinh hoàng, nguồn nước, không khí và thực phẩm bị ô nhiễm trầm trọng hiện nay chính là hậu quả của việc làm đó. Bao nhiêu sự đau thương mất mát, bệnh tật mới phát sinh… ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng sống của con người, trở thành nỗi ám ảnh, mối lo lắng sợ hãi cho con người và mọi loài ở nhiều nơi…

Mọi giải pháp tích cực đều được bắt đầu bằng sự thấu hiểu, quan niệm đạo đức và trách nhiệm cộng đồng. Chỉ có cái nhìn duyên sinh, tình thương thực sự mới gắn kết tất cả chúng ta có ý chí trong việc tìm ra giải pháp tích cực nhằm giảm tốc độ và hạn chế những tác động của biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Trong đời sống mưu sinh khó khăn, nhất là đối với con người ở các nước đang và kém phát triển, trong đó có Việt Nam chúng ta, chúng ta thường thờ ơ, thậm chí không quan tâm tới các tác nhân gây nên hiện tượng biến đổi khí hậu, xem đó là chuyện đâu đâu xa vời, không liên hệ tới đời sống của mọi người. Đó là nhận thức sai lầm. Các nhà khoa học chứng minh rằng và cảnh báo rằng, biến đổi khí hậu ảnh hưởng rất trực tiếp tới sự sống của mọi loài trên hành tinh, trong đó có những yếu tố quan trọng như không khí, nguồn nước, thực phẩm… mà con người phải trao đổi, tiêu thụ hàng ngày.

Ở tầm vĩ mô, đại diện cho giới lãnh đạo các quốc gia và vùng lãnh thổ - 197 thành viên sẽ ngồi lại với nhau dưới ngôi nhà chung Liên Hiệp Quốc cùng tìm giải pháp cụ thể để giữ nhiệt độ của trái đất không tăng thêm trong hội nghị COP-21 sắp tới.

Chư tôn đức, các vị lãnh đạo đại diện các truyền thống Phật giáo trên thế giới đã cùng ký thông điệp với đề nghị cụ thể gửi đến hội nghị trên.

Đối với cá nhân, chư vị lãnh đạo Phật giáo cũng đã kêu gọi mọi người hãy chung tay chung lòng nhằm tích cực sử dụng năng lượng sạch, bảo vệ rừng, chuyển sang ăn chay, giảm tiêu thụ, chuyển hóa rác, sử dụng năng lượng có khả năng tái tạo, sử dụng phương tiện công cộng... Đó là những việc làm thiết thực mà người Phật tử cần nên ý thức tiên phong góp phần cải thiện tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.
Thích Pháp Hỷ

Đoàn liên ngành kiểm tra và đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSĐ đất cho cơ sở Phật giáo

Đoàn liên ngành kiểm tra và đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSĐ đất cho cơ sở Phật giáo

Đăng lúc: 20:45 - 30/07/2015

Trong những năm qua, UBND tỉnh Nghệ An cùng các ban ngành các cấp có nhiều việc làm thể hiện sự quan tâm đến hoạt động của các cơ sở tôn giáo. Một trong những hoạt động cụ thể, thiết thực là thực hiện chính sách về cấp và giao quyền sử dụng đất và quy hoạch xây dựng cho các cơ sở tôn giáo để làm nơi thờ tự, sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh.
Theo thống kê, từ năm 2010 đến tháng 7 năm 2015, UBND tỉnh đã chấp thuận phục hồi 47 ngôi chùa, hiện còn 31 ngôi chùa có thực trạng cơ sở, đất đai có nguồn gốc chùa Phật giáo chưa được UBND tỉnh quyết định chấp thuận phục hồi sinh hoạt. Mặc dù chưa được chấp thuận phục hồi sinh hoạt nhưng các ngôi chùa này vẫn được ứng xử như là một ngôi chùa.

Chùa Đức Hậu (Nghi Đức -tp Vinh) nằm trong diện kiểm tra cấp GCNQSD đất năm 2015
Tính đến thời điểm tháng 7 năm 2015 có 3/47 ngôi chùa đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, với tổng diện tích là 18.603m2 (chưa kể diện tích của chùa Đại Tuệ (Nam Đàn); 8 chùa đã được phê duyệt quy hoạch, với diện tích là 273.859m2. Thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước về tôn giáo, UBND tỉnh có nhiều văn bản chỉ đạo ngành chuyên môn đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), cụ thể ngày 06 tháng 4 năm 2015 của UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số: 1701/QĐ – UBND- NC về thành lập đoàn công tác liên ngành kiểm tra, hướng dẫn các địa phương, cơ sở Phật giáo về thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với cấp giấy phép xây dựng các cơ sở Phật giáo trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Kế hoạch số 2806/KH -STNMT.QLĐĐ ngày 26/6/2015 của Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện theo QĐ 1701/QĐ – UBND- NC của UBND tỉnh.Theo đó, có 13 ngôi chùa cần hướng dẫn làm thủ tục trong năm 2015.

Đoàn làm việc tại huyện Quỳnh Lưu


Ông Trần Ngọc Đăng - phó trưởng phòng QLĐĐ -Sở TN & MT làm trưởng đoàn
Để đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối cơ sở Phật giáo, đoàn đã làm việc từ ngày 06/7 – 28/7/2015 Đoàn Liên ngành UBND tỉnh sẽ tiến hành kiểm tra các địa phương, các cơ sở Phật giáo trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về xây dựng của các cơ sở phật giáo, hướng dẫn thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và cấp phép xây dựng các cơ sở Phật giáo trên địa bàn tỉnh, đồng thời chỉ đạo các huyện, xã cử cán bộ hỗ trợ công tác thiết lập và thẩm định hồ sơ tại cơ sở để rút ngắn thời gian.
Thái Quảng

Lời Phật dạy cách sống chung với người khó chịu?

Lời Phật dạy cách sống chung với người khó chịu?

Đăng lúc: 21:26 - 08/06/2015

Trong cuộc sống của chúng ta, ai cũng có thể đã từng gặp phải những chuyện đau thương khốn đốn dẫn đến sự bực bội, khó chịu, phiền muộn khổ đau. Những người khó chịu, họ muốn làm cho mọi chuyện trở nên căng thẳng để tạo ra sự hiểu lầm hoặc mối hiềm thù trực tiếp bằng nhiều hình thức khác nhau. Người khó chịu là người hay kiếm chuyện để gây gổ làm cho mọi người luôn bực tức và phiền não bức bách.

Ảnh minh họa

Như chúng ta ai cũng có thể biết sự đụng chạm giữa con cái đối với cha mẹ, vợ chồng, anh em, bạn bè và đồng nghiệp, ngay khi xảy ra sự việc đau buồn chúng ta do không biết cách kiềm chế bản thân, nên dễ dàng trút đổ những phiền muộn vào người khác. Khi trong ta trỗi dậy những cảm xúc khổ đau, ta dễ dàng bươi móc lỗi của người khác và công khai chỉ trích những sai phạm của họ, trước mặt mọi người.

Trong cuộc sống chúng ta ai cũng có thể đóng vai trò của một người khó chịu, bởi vì đã làm người thì chắc chắn còn nhiều khiếm khuyết sai lầm dễ dẫn đến làm người khác phiền muộn đau khổ. Bây giờ chúng ta có thể nói ra một vài loại người khó chịu.

Có một loại người rất khó chịu vì cuồng tín, họ tin vào đấng bề trên, họ làm việc say mê và thậm chí giết người vô tội vạ, họ cho rằng chết vì đạo sẽ được lên thiên đàng hưởng phước báo tối cao. Phụ nữ đối với họ chỉ là vật phụ thuộc, có nhiệm vụ sinh con đẻ cái và đáp ứng nhu cầu sung sướng cho họ.

Dạng người khó chịu này không chấp nhận ai, họ chỉ tôn thờ đấng bề trên của họ và muốn mọi người phải theo họ. Nếu họ nắm quyền hành trong tay, chúng ta sẽ không có chọn lựa khác, theo thì sống không theo thì chết, chỉ có vậy thôi!

Một loại nữa cho rằng chết là hết, không có nhân quả nghiệp báo nên khi sống họ mặc tình tạo tác gây ra nhiều nỗi khổ niềm đau cho người khác vì quan niệm mọi thứ sẽ trở về cát bụi. Chính vì vậy, dạng người khó chịu này nếu có ý thức một chút họ sẽ là những công thần dấn thân, hy sinh cho sự nghiệp chung mà sống trung thành với lý tưởng đó.

Người khó chịu theo dạng này nếu không có hiểu biết chân chính sẽ không chấp nhận học thuyết sống chết luân hồi tùy theo nghiệp báo tốt xấu đã gieo tạo. Họ cho rằng tôn giáo là thuốc phiện của nhân loại nên dẫn đến nhiều sai lầm đáng trách, làm tổn hại cho nhiều người.

Một loại người khó chịu khác, suốt đời họ mong muốn đòi hỏi ai cũng phải là một người hoàn hảo, không sai phạm, nên họ rất khó chịu khi thấy người khác phạm phải lỗi lầm. Người khó chịu theo dạng này, họ muốn mọi người cùng theo một khuôn mẫu với mình, ai khác đi thì không chịu, họ không hiểu quy luật duyên sinh nhân quả và sự huân tập của mọi người cũng khác nhau nên có sự sai biệt. Đó là sự chấp trước, chỉ thấy mình là người tốt còn mọi người khác đều xấu hết, nên cuối cùng rơi vào tuyệt vọng, họ không muốn chung sống với mọi người.

Có loại người khó chịu vì họ đang gặp hoàn cảnh bất hạnh, không tìm ra lối thoát như bệnh nan y, gia đình đổ vỡ tan nát, vợ hoặc chồng bỏ rơi, con cái chết chóc, sự nghiệp trắng tay…

Những người khó chịu là hạng người đang bị dính mắc bởi phiền não tham sân si, do họ chấp thân tâm này làm ngã nên muốn chiếm hữu mọi thứ, nhất là các ông vua thời phong kiến, đó là nói về người khó chịu thời xa xưa. Người khó chịu thời nay lại tinh vi hơn nữa, nhờ trình độ khoa học tiến bộ nên các lãnh tụ cường quốc chiếm đoạt tài nguyên thiên nhiên của các nước chậm tiến bộ, lạc hậu. Họ thường tự xưng mình là người khó chịu, vì không chịu khuất phục họ, theo họ hoặc là có thái độ không bằng lòng với họ, là họ tìm cách triệt buộc ngay lịch sử thế giới loài người đã cho chúng ta thấy rõ điều đó. Thế giới ngày hôm nay, sở dĩ chiến tranh binh đao tàn sát giết hại lẫn nhau là bởi do những người khó chịu này.

Với người không có hiểu biết chân chính, không tin tâm mình là Phật, là chủ nhân ông của bao điều họa phúc, họ sống để tham lam, ích kỷ giành giựt chiếm đoạt, để có được nhiều hơn, bất kể mọi người khổ đau như thế nào họ không cần biết, họ chỉ biết rằng họ được ăn trên ngồi trước và nắm quyền sinh sát trong tay. Họ cho rằng đó là ân sủng thượng đế đã dành cho họ. Cuộc sống của họ luôn tạo ra nỗi khổ niềm đau cho mọi người vì quan niệm sai lầm, bởi có một thần linh thượng đế ban phước giáng họa, sắp đặt mọi việc.

Nắm lấy, kéo về mình, cất giữ chất chứa là một thói quen xấu do ngu si chấp ngã thấy mình là trung tâm của vũ trụ. Con người ngay từ nhỏ, khi mới chập chững biết bò, chúng ta cố trườn tới để nắm lấy một đồ vật trước mặt. Nếu nắm lấy được thì bỏ vào miệng không biết phân biệt dơ sạch. Lớn lên, chúng ta nắm bắt chấp giữ và càng khó chịu nhiều hơn khi cảm thấy mình bị thiệt thòi hơn người khác.

Do chấp ngã chúng ta cố nắm lấy bám giữ, tiếc nuối rồi cảm thấy bực bội, khó chịu và nỗi tam bành lục tặc để làm người khác đau khổ. Khi cái ta lớn mạnh mà không được hài lòng vừa ý thì sự thất vọng càng nhiều, và phiền muộn khổ đau không có ngày thôi dứt.

Chúng ta cũng cần phải hiểu rõ, không nắm giữ không có nghĩa là không có gì hết, không có cả một cái chén để ăn cơm. Chúng ta vẫn cầm cái ly để uống nước, nhưng chúng ta không dính mắc vào nó, khi lỡ làm bể cái ly chúng ta vẫn không tiếc rẻ, bực tức hay nổi giận cáu gắt hoặc mắng chửi đánh đập người khác.

Chấp là nguồn gốc sinh ra mọi hệ lụy khổ đau cho con người, dù đó là chấp thiện. Chúng ta không thể muốn mọi người phải giống như mình, càng không thể dùng áp lực để buộc họ phải thay đổi. Cách duy nhất chúng ta có thể giúp họ là biết quay lại chính mình, tìm lại năng lực sẵn có của ta để có sự cảm thông, bao dung và tha thứ mà thương yêu đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau.

Chúng ta hãy cảm thông cho người khó chịu với mình, vì họ không làm chủ được bản thân, họ đang đau khổ tột cùng. Vào những lúc như thế họ sẽ trút đổ mọi bực tức, giận hờn cho người khác, thậm chí họ thượng chân hạ cẳng, tạo ra nỗi khổ niềm đau cho nhau.

Người khó chịu không biết cách kiềm chế mình, nên họ lại thêm dầu vào lửa khiến cho sự việc càng thêm oan trái, bởi họ đang trong cơn tuyệt vọng và muốn có sự giúp đỡ. Chúng ta thường cho rằng người này đang ‘giận cá chém thớt’. Nếu quán chiếu sâu sắc, chúng ta sẽ thấy rằng họ đang bế tắc, họ đang trong cơn đau khổ tột cùng không có lối thoát, ta càng phải thương xót họ nhiều hơn. Trong lúc này, dù họ có cố gắng kiềm chế bằng nhiều cách đi nữa, nhưng lời nói của họ khi phát ra giống như dao bén cứa vào từng thớ thịt của người khác.

Khi chúng ta phải đối diện với người khó chịu thường xuyên, nếu không khuyên được họ, tốt hơn ta nên tìm cách tránh xa họ, tránh voi chẳng xấu mặt nào mà. Nhưng vì duyên sự, chúng ta không thể tránh được họ thì ta phải làm sao đây? Lúc này mình phải học cách, chấp nhận đương đầu với hoàn cảnh không mấy hài lòng vừa ý này.

Chúng ta sẽ thấy mình đang rơi vào hoàn cảnh éo le, ta sẽ bị phê bình chỉ trích nặng lời bởi người khó chịu kia, ngay lúc này nếu ta không tỉnh giác thì mọi thứ sẽ đổ vỡ. Nhờ tỉnh giác trong từng phút giây, chúng ta biết mình đang đối diện với lửa sân hận của người khác, nên ta an nhiên bình tĩnh tìm ra lối thoát.

Chúng ta phải ý thức rằng và có sự cảm thông cho người kia, bởi họ đang trong cơn tuyệt vọng, chúng ta dùng tuệ giác của Thế tôn để soi sáng lại chính mình mà có sự cảm thông và tha thứ cho họ. Chúng ta hãy quán sát thân này nhân duyên hòa hợp giả có không thật thể, cái gì là ta, là của ta, ta không chấp thân tâm này làm ngã, thì chẳng có thứ gì làm cho ta lay động mà phiền muộn khổ đau.

Khi đối diện với người khó chịu mình phải biết cách lắng nghe, để tìm ra nguyên nhân, họ đang nói gì, họ đang muốn gì, họ đang tiếc nuối về quá khứ, họ đang mơ mộng đến tương lai mà đánh mất mình trong hiện tại, họ không biết mọi việc tốt xấu, nên hư, thành bại đều do mình tạo ra.

Vào những lúc căng thẳng như thế, chúng ta phải dùng trí tuệ thấy biết đúng như thật để lắng nghe tâm tư của họ, họ đang muốn giải tỏa hết mọi áp lực từ bên ngoài đưa đến, đang đè nặng tâm thức của họ. Chúng ta cần phải quay trở về với thực tại để có sự cảm thông, bao dung và độ lượng, đừng vì tình cảm sâu nặng mà tự đánh mất chính mình.

Chúng ta phải nhìn vào mặt tích cực của họ khi gặp phải người khó chịu, đó cũng là một cơ hội tốt để cho mình thể hiện được sự tu tập từ bấy lâu nay bằng tuệ giác của Như lai. Vì khi nghĩ người tốt, ta sẽ bớt tâm ganh ghét tật đố mà không chỉ trích quá đáng sai lầm của người khác.

Ngày xưa có một câu chuyện như sau: Một vị tổ sư dùng phương tiện thiện xão để chỉ dạy cho người đệ tử của mình. Vị tổ sư ấy dẫn người học trò đến bên hồ chứa nước trong chùa. Sau đó, lấy một ly nhỏ chứa đầy muối rồi chế nước vào khuấy đều bảo người đệ tử uống. Người học trò vừa nhấp thử ngụm nước đã nhăn mặt nói nước mặn đắng, không thể uống được! Vị thầy bình thản lấy thêm một nắm muối khác cũng bằng với số muối trước, rồi bỏ vào hồ nước khuấy đều, bảo người học trò nếm thử. Lần này, người học trò uống thử ly nước mà không cảm thấy khó chịu của sự mặn đắng nữa.

Lúc này, vị thầy mới từ tốn nói tiếp: Sự đau khổ tột cùng giống như người uống đầy ly nước muối mặn. Tuy nhiên, nếu ta biết khôn ngoan sáng suốt hành trì theo lời Phật dạy, giữ giới, thiền định, từ bi thì ta sẽ dùng lượng muối đó pha vào thật nhiều nước, vị mặn của muối bị dòng nước hòa tan, nên ta vẫn uống bình thường mà không cảm thấy khó chịu bởi vị mặn đắng của nó.

Chính vì vậy, mỗi khi gặp điều không được hài lòng như ý, chúng ta hãy mở rộng lòng ra bằng tâm từ bi và trí tuệ để soi sáng lại chính mình thì mọi việc phải quấy, tốt xấu, đúng sai, được mất, hơn thua đều có thể tan hòa vào hư không.

Nói tóm lại, tất cả những người khó chịu dù bất cứ hình thức nào đều do sự chấp ngã thân tâm này là tôi, là ta, thấy thân này thiệt mình, thấy tâm suy tư nghĩ tưởng cũng là mình, nên từ đó ta đấu tranh giành giựt, chiếm đoạt dẫn đến tàn sát giết hại lẫn nhau không thương tiếc.

Có một phương pháp để chuyển hóa người khó chịu, trước nhất là chuyển hóa sự khó chịu của chính mình dựa theo lời Phật dạy. Vì sao chúng ta hay làm người khó chịu? Vì chúng ta không có lòng từ bi rộng lớn, từ là ban vui, bi là cứu khổ.

Muốn vậy ta phải quán tình thương và biết cảm thông, tha thứ. Khi thương yêu kính mến ai, ta sẽ không bao giờ khó chịu với người đó. Tình thương yêu chân thật thường đi đôi với tâm từ bi tức là ban vui và cứu khổ.

Khi có được một trái tim thương yêu có hiểu biết bằng tình người trong cuộc sống, tâm sẽ dễ dàng trải lòng ra để giúp đỡ người khác và không buồn giận khi người đó vô ơn. Mỗi lần thấy một người khó chịu, ta tự cảm thấy mình cần phải làm điều gì đó, để giúp người ấy có đủ năng lượng thiết lập lại bình yên, hạnh phúc.

Có một người nọ thấy con bọ cạp sắp chết đuối trong một vũng nước. Khi thấy vậy tự nhiên ông ta muốn cứu giúp nó, nên nhanh nhẹn đưa bàn tay ra vớt con bọ cạp khỏi vũng nước, đặt nó vào chỗ an toàn. Con bọ cạp liền chích ông ta một phát đau điếng.

Tuy nhiên vì muốn qua đường, nó lại đi tiếp và cuối cùng lọt vào vũng nước khác. Lần này thấy nó sắp chết đuối, ông ta lại vớt nó lên lần thứ hai và cũng bị nó chích cho một phát nữa. Tay ông lúc này sưng vù, đau điếng.

Một người khác chứng kiến cảnh tượng đó từ đầu đến cuối bèn nói: “Tại sao ông lại dại khờ đến thế? Nên mới bị con bọ cạp chích cho hai lần đau điếng. Ông thật là điên rồ khi phải cứu vớt một con bọ cạp chẳng biết ơn nghĩa là gì!

Người đàn ông vui vẻ trả lời: “Thưa ông, tôi không thể nhìn thấy cảnh con bọ cạp bị chết đuối. Ông biết đó, thói quen và bản tính của con bọ cạp là chích, khi có người khác đụng vào nó đó là phản ứng tự vệ của nó, nó chỉ sống theo tập khí, thói quen mà không có sự quán chiếu. Còn thói quen của tôi là sẵn sàng cứu giúp khi có nhân duyên. Tôi thà chịu đau một chút mà cứu được con bọ cạp.

Suy luận trong trường hợp này, nếu người đàn ông đó dùng trí tuệ lấy một cành cây để vớt con bọ cạp thì sẽ không bị chích. Nhưng ông ta nghĩ rằng cứu một con bọ cạp trong cơn hoạn nạn là điều cần thiết, còn hậu quả như thế nào sẽ tính sau.

Qua bài học của câu chuyện này, đã nói lên tâm từ bi rộng lớn của người đàn ông muốn cứu một sinh mạng khác, dù đó chỉ là một con vật thấp kém. Ở đây cho chúng ta thấy người có tấm lòng rộng mở khi giúp người vật trong cơn nguy khốn, sẽ không có sự tính toán vì ta, người, chúng sinh. Đức tính của ông ta là sự giúp đỡ, sẻ chia bằng tình người trong cuộc sống với trái tim thương yêu và hiểu biết.

Do đó, khi có được tình thương yêu rộng lớn thúc đẩy, chúng ta sẵn sàng giúp đỡ người khác, bất kể màu da, tôn giáo, chủng tộc. Nếu chúng ta, ai cũng biết nuôi dưỡng tình thương yêu chân thật bằng sự quán chiếu hằng ngày, ta sẽ thấy người và vật không có ai là kẻ thù, chỉ có người chưa thông cảm với nhau mà thôi. Nhờ vậy, khi sống chung với người khó chịu ta vẫn bình yên, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.
Thích Đạt Ma Phổ Giác

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 4
  • Hôm nay 3,948
  • Tháng hiện tại 40,403
  • Tổng lượt truy cập 23,446,652