Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
unnamed (1)

Nhân húy nhật lần thứ 31 của cố Hòa thượng: HT.Thích Hành Trụ (1904-1984)

Đăng lúc: 21:44 - 08/12/2015

HT.Thích Hành Trụ (1904-1984), là bậc cao Tăng thạc đức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngài có công đức lớn trong nhiệm vụ giáo dục đào tạo nhiều thế hệ Tăng tài và truyền thừa chính pháp qua việc phiên dịch, ấn hành nhiều kinh luật phổ biến cho Tăng Ni, Phật tử.

Thân thế

Hòa thượng pháp danh Thị An, pháp tự Hành Trụ, pháp hiệu Phước Bình, thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh (1) đời thứ 42. Ngài thế danh là Lê An, sinh năm 1904 trong một gia đình trung nông tại làng Phương Lưu, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Thân phụ là cụ Lê Uyển, thân mẫu là bà Nguyễn Thị Sử. Ông bà có bốn người con, cả ba người con trai đều xuất gia đầu Phật.


Tôn dung HT.Thích Hành Trụ

Thời kỳ hành đạo
Ngài xuất gia năm 12 tuổi ở chùa làng, đến năm 19 tuổi được Hòa thượng Giải Tường, chùa Phước Sơn thế độ làm đệ tử và học tại đây. Năm 22 tuổi, ngài thọ cụ túc giới và giữ chức thư ký trong chùa.

Với phong cách đĩnh đạc và say mê học hỏi, ngài đã trau giồi kinh luật nội điển cùng Quốc văn ở hầu hết các trường hạ, khóa học được tổ chức bấy giờ ở khắp các đạo tràng chùa Thiên Phước (Thủ Đức) năm 1934; đạo tràng tổ đình Bát Nhã (Phú Yên) năm 1935... Gặp lúc phong trào chấn hưng Phật giáo đang phát triển, ngài vào Nam tham học ở học đường Lưỡng Xuyên do các Hòa thượng Khánh Hòa, Khánh Anh, Huệ Quang lãnh đạo.

Năm 1936, ngài được tiến ở làm giáo thọ sau khóa trường hương do Hội Lưỡng Xuyên Phật Học tổ chức tại chùa Long Phước ở Vĩnh Long. Sau đó, ngài được cử ra Huế học tại Phật học đường chùa Tường Vân, rồi đến chùa Tây Thiên với học Tăng cả ba miền tham dự, do quốc sư Phước Huệ làm pháp chủ giảng dạy.

Năm 1940, vì bệnh trầm trọng, ngài phải trở vào Nam điều trị, và ở lại giảng dạy tại Ni trường chùa Kim Sơn ở Phú Nhuận. Năm 1942, ngài được tổ Khánh Hòa bổ về Sóc Trăng làm giáo thọ giảng dạy ở chùa Hiệp Châu, chi hội Kế Sách của Hội Lưỡng Xuyên Phật Học và chùa Viên Giác tại Vĩnh Long.

]Năm 1945, ngài được Hòa thượng Vạn An đưa về làm giáo thọ giảng dạy tại chùa Hội Phước, huyện Nha Mân, tỉnh Sa Đéc. Trong thời gian ấy, ngài làm Đệ nhất Yết-ma trong Đại giới ðàn chùa An Phước, Châu Đốc. Sau đó, ngài về chùa Long An ở Sa Đéc, tại đây đã kết nghĩa pháp đạo huynh đệ cùng ba vị Khánh Phước, Thới An, Thiện Tường và mở Phật học đường. Chư Tăng khắp lục tỉnh hội tụ về tu học rất đông. Xuất thân từ đây có các Hòa thượng Từ Nhơn, Hòa thượng Huệ Hưng...

Năm 1946, ngài với ba vị sư đệ kết nghĩa lên Sài Gòn hợp nhau lập chùa Tăng Già, hiện nay là chùa Kim Liên, để tiếp độ chúng Tăng tựu về học. Đây là Phật học ðường đầu tiên ở đất Sài Gòn trong phong trào chấn hưng Phật giáo, mở đường cho các Phật học viện sau này phát triển.

Năm 1947, ngài lại cùng ba vị sư đệ dựng nên ngôi già lam thứ hai là chùa Giác Nguyên để chuyển chư Tăng về đây tu học, chùa Tăng Già biến thành trường Phật học dành cho Ni chúng. Hai đạo tràng này ngày thêm vang tiếng và Tăng Ni khắp nơi về học rất đông, góp sức phần lớn trong công cuộc chấn hưng Phật giáo tại đất Sài Gòn bấy giờ. Ngài đảm nhiệm Giám đốc Phật học đường Giác Nguyên và Hóa chủ Phật học Ni trường Tăng già.

Năm 1948, ngài mở Đại giới ðàn tại Phật học đường Giác Nguyên để truyền trao giới pháp cho Tăng, Ni thọ trì tu học. Sau ngài được đề cử làm Trưởng ban Nghi lễ của Giáo hội Tăng Già Nam Việt vào năm 1951, làm chứng minh Đạo sư Hội Phật học Nam Việt tại chùa Xá Lợi - Sài Gòn cho đến cuối đời (1956 - 1984), và làm Trưởng đoàn Phật giáo Việt Nam tham dự Hội nghị Phật giáo Thế giới kỳ 4 tại Nam Vang năm 1957.

Năm 1963, ngài khai mở Phật học đường Chánh Giác tại chùa Chánh Giác ở Gia Định do ngài làm Giám đốc kiêm trụ trì. Sau đó, ngài về trụ trì thêm chùa Đông Hưng ở Thủ Thiêm và chọn nơi này làm chốn tĩnh tu nhập thất vào những mùa an cư kiết hạ. Năm 1967 - 1969, ngài làm giới sư các Đại giới ðàn Hải Đức ở Phật học viện Hải Đức (Nha Trang) và Quảng Đức ở Phật học viện Huệ Nghiêm (Sài Gòn).

Năm 1975, 1977 - 1980, liên tiếp ngài làm Đàn đầu Hòa thượng các Đại giới ðàn tại chùa Ấn Quang do Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất mở ra để truyền trao giới pháp cho giới tử toàn quốc. Từ năm 1977 - 1981, ngài kiêm chức Tổng vụ Trưởng Tổng vụ Tăng sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, ngài được cung thỉnh vào làm thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương.

Để lại nhiều tác phẩm phiên dịch, kinh luật...

Nhận thấy thời gian đồng hành với lão bệnh, phát sinh nơi thân tứ đại, từ năm 1976 trở đi, ngài phát nguyện nhập thất an tịnh cho đến khi về cõi Phật. Vào ngày 29 tháng 10 năm Giáp Tý (1984), huyễn thân ngài nhẹ nhàng chuyển hóa. Ngài trụ thế 80 năm, được 59 hạ lạp, để lại trong tâm tưởng đàn hậu tấn niềm tri ân vô hạn bởi một sự nghiệp vô cùng lớn lao.

Ngài có công đức lớn trong nhiệm vụ giáo dục đào tạo nhiều thế hệ Tăng tài, và truyền thừa chính pháp qua việc phiên dịch, ấn hành nhiều kinh luật phổ biến với các tác phẩm để lại: Sa-di luật giải, Qui Sơn Cảnh Sách, Tứ Phần Giới Bổn Như Thích, Phạm Võng Bồ-tát Giới, Kinh A Di Đà Sớ Sao, Kinh Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên, Kinh Hiền Nhân, Kinh Trừ Khủng Tai Hoạn, Tỳ-kheo Giới Kinh, Khuyến Phát Bồ Đề Tâm Văn, Long Thơ Tịnh Độ, Sơ đẳng Phật học Giáo Khoa Thư, Nghi thức Lễ Sám, Kinh Thi Ca La Việt, Sự Tích Phật Giáng Thế...

Hòa thượng là vị Sư Biểu của hàng cao Tăng đạo cao đức trọng, uy kính trong Tăng già. Công hạnh của ngài mãi còn được sự ngưỡng vọng trong lòng Tăng Ni, Phật tử Việt Nam.

Chú thích:

(1) Dòng Thiền Lâm Tế Chúc Thánh là một trong ba dòng thiền lớn tại miền Trung Việt Nam. Nguyên ủy, dòng Thiền Lâm Tế Trung Hoa đến đời pháp thứ 21, thiền sư Vạn Phong Thời Ủy ở chùa Thiên Ðồng đã lập ra bài kệ truyền thừa pháp phái như sau:

Tổ đạo giới định tông/ Phương quảng chứng viên thông/ Hạnh siêu minh thật tế/ Liễu đạt ngộ chân không/ Như nhật quang thường chiếu/ Phổ châu lợi ích đồng/ Tín hương sanh phước huệ/ Tương kế chấn từ phong.

Tổ Minh Hải Pháp Bảo (thuộc thế hệ thứ 34 trong bài kệ truyền pháp trên) người tỉnh Phước Kiến Trung Hoa, sang Quảng Nam thời chúa Nguyễn, khai sơn chùa Chúc Thánh và lập ra dòng kệ truyền thừa pháp phái như sau:

Minh thật pháp toàn chương/ Ấn chơn như thị đồng/ Chúc thánh thọ thiên cữu/ Kỳ quốc tộ địa trường/ Ðắc chánh luật vi tuyên/ Tổ đạo giải hành thông/ Giác hoa Bồ Ðề thọ/ Sung mãn nhân thiên trung.

Dòng thiền truyền thừa của ngài gọi là Lâm Tế Chúc Thánh. Trong dòng Lâm Tế Chúc Thánh, các Tổ dùng bốn câu đầu để đặt pháp danh cho đệ tử và dùng bốn câu kệ sau để đặt pháp tự cho các vị tăng ni. Theo đó, Hòa Thượng Hành Trụ húy (pháp danh) là Thị Thủy nên pháp tự phải bắt đầu bằng chữ tương ứng là chữ Hành. Các vị Tăng đệ tử của Hòa Thượng Hành Trụ tại chùa Ðông Hưng đều có pháp tự bắt đầu bằng chữ Thông (vì pháp danh bắt đầu bằng chữ Ðồng). Thượng tọa Thông Bửu, Phước Nhơn và Thông Ðức cũng thuộc dòng thiền này (đời chữ Ðồng).

Từ trước tới nay, bài kệ trên vẫn được dùng để đặt pháp danh trong dòng Thiền Lâm Tế Chúc Thánh, nhưng năm 1979, HT Ðỗng Quán tìm được bài kệ truyền dòng khác được ghi trong gia phả của nhà họ Tạ (họ của tổ Nguyên Thiều).

Minh thật pháp toàn chương/ Ấn chân như thị đồng/ Vạn hữu duy nhất thể/ Quán liễu tâm cảnh không/ Giới hương thành thánh quả/ Giác hải dũng liên hoa/ Tín tấn sanh phước huệ/ Hạnh trí giải viên thông/ Ảnh nguyệt thanh trung thủy/ Vân phi nhật khứ lai/ Ðạt ngộ vi diệu pháp/ Hoằng khai tổ đạo trường.

TT.Thích Ðồng Bổn cung soạn

Vũ điệu ý niệm trong cơn đau bản thể

Vũ điệu ý niệm trong cơn đau bản thể

Đăng lúc: 19:03 - 11/11/2015

Loài thỏ khoái cà rốt, nhưng nhiều lúc chúng vẫn ăn nhầm củ cải trắng bởi đeo kính màu. Khoa học cũng đưa ra hiện tượng “mù màu” khi con người nhìn về chân tướng vũ trụ; bắt đầu bằng những báo cáo về cấu tạo mắt của động vật.


Mỗi loài, qua sự lồi lõm tròng mắt sẽ quy định cái nhìn khác nhau; ngay trong cùng loài, mắt nhìn sự vật như một cái kính lồi, chỉ cần xê dịch tí xíu hiện tượng đã biến đổi. Để thấy, mỗi người đều nhìn sự vật hiện tượng qua con mắt của riêng mình không ai hoàn toàn giống ai. Năm đứa con, đều thấy mẹ mình tốt nhất, song sâu xa trong mỗi đứa đều lưu một hình ảnh mẹ khác xa. Công án Thiền về Tô Đông Pha. Sở dĩ họ Tô nhìn sư Phật Ấn ngồi thiền như một đống phân, đơn giản vì ngay lúc đó tâm thi/cư sĩ này nhơ bẩn; còn sư Phật Ấn nhìn Tô Đông Pha giống Phật, bởi tâm của sư tịnh sáng [như Phật].

Ở tầng cấp cao hơn, kinh Lăng Nghiêm mô tả về loài quỷ chạy bên bờ sông Hằng vẫn kêu gào khát cháy, vì ở cảnh giới của chúng nơi mênh mông nước ấy lại là sa mạc. Vấn đề đặt ra: Liệu ta đã hiểu về đối tượng mà mình có thói quen phán xét? Câu trả lời là không. Vợ chồng sống gắn bó từ lúc cưới đến đầu bạc nói hiểu nhau chân tơ kẻ tóc, thực tế họ chỉ hiểu phần tảng băng nổi. Khoa học cho biết mắt người chỉ thấy [hiểu] được 2000/400 tỉ = 1/200 triệu tức 0,0000005% thực tại. Tiến sĩ khoa học Joseph Dispenza: “Chúng ta chẳng biết gì về thực tại cả và tất cả cảm nhận về cái gọi là thực tại ngoài kia đều đã được sàng lọc qua các giác quan của con người. Não bộ xử lý 400 tỉ bit thông tin trong 1 giây nhưng chúng ta chỉ nhận biết được 2000 bit trong số đó”. Soi vào Phật pháp, ta chỉ cảm được phần tướng, còn tánh muốn thấy phải chứng ngộ, ngoài ra không còn cách nào khác.

Tánh là Tâm Phật. Tâm Phật vốn thâu toàn vũ trụ, câu thông với vạn thể. Về mặt tinh thần, chúng ta đang sử dụng vọng tâm chứ không phải chân tâm. Vọng tâm như sóng trên mặt biển không ngừng dao động, và nghiệp lực là dòng cuồng lưu phía dưới, nó dễ hợp với duyên (gió, bão…) tạo nên sóng thần, động đất. Còn thể xác chúng ta trên địa cầu nhỏ đến mức không thể so sánh với một hạt cát trong vũ trụ. Trong vũ trụ, vọng tâm lại biến hiện ra vô lượng vũ trụ khác. Chỉ lúc người tu đại ngộ mới thoát vọng tâm, trở về chân tâm, hiểu sơ đẳng giống như một người đang giữa trận cuồng phong tàn phá kinh hoàng, bỗng trời yên biển lặng. Như trong cơn ác mộng thức giấc, mồ hôi còn đầm đìa. Bỗng à lên, thì ra mơ. Sợ quá. Khiếp quá. Đây không phải so sánh, mà thật. Đại ngộ là tỉnh mộng. (Đại sư Vĩnh Gia: “Trong mộng rõ ràng có sáu cõi, tỉnh mộng rồi không cả đại thiên”).

Chúng sanh đều đang trong một giấc mộng lớn. Hãy kiểm thảo, hiếm ai trong mơ lại biết mình đang mơ. Vậy chúng ta đi đứng nằm ngồi, chúng ta véo mình thấy đau, sao gọi là mơ. Điều này Duy Thức Phật giáo giải thích cặn kẽ, hiện thời còn được ngành vật lý lượng tử minh tường. Chẳng hạn bóng đèn nê-ông bật sáng, dưới ánh nhìn khoa học thực nghiệm, ấy là sự tắt và đỏ của liên tục các điện tử nối tiếp. Trong Kinh còn nêu thí dụ, quay tròn ngọn đuốc, ta thấy một vòng lửa, thật ra đó là sự tương tục của vô vàn điểm nối ngọn đuốc với nhau, nhanh quá nên mắt thường không nhận ra. Trong phim nhân vật bước một bước, đó là sự nối ghép của 24 hình/1 giây.

Một giây, 24 hình tương tự [nối nhau] ẩn hiện đã lừa được nhục nhãn; huống hồ trong một giây vọng tâm phát xuất hàng tỉ ý niệm vi tế. Sự tiếp nối đó tạo nên vạn vật chuyển động. Chuyển động sinh năng lượng. Năng lượng sinh vật chất. Vẫn là mộng. Lúc ai nằm mơ, là mộng trong mộng, thậm chí trong mộng của mộng lại có mộng nữa, mộng đến khôn cùng. Địa ngục chính là những cơn ác mộng nối nhau không ngừng; nó là sự phản chiếu của nghiệp lực ta gây trong kiếp trước và kiếp này. Sự công bằng của con tạo khiến người đời không thể tin nổi. Tin, chính ở phước duyên sâu dày chủ yếu nhờ đời trước đã gieo nhân Phật pháp, đã tu.

Ta đều đang nhìn thấy một phần nhỏ chân lý tối thượng mà thôi. Trái đất lớn bằng ngôi sao, thì dải ngân hà có hàng tỉ ngôi sao; con người đã biết được mấy ngôi sao theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa (như vừa chân ướt chân ráo đặt lên sao Hỏa); nói gì đến trong vũ trụ có vô lượng tỉ tỉ dải ngân hà. Ta thiển cận về toàn thể vũ trụ như thế nào thì thiển cận với nhân sinh như vậy. Ngay đến thiên tài, họ cũng mới tận/sử dụng những tài năng phàm thường trong kho tàng vi diệu cuộc đời, và cũng thiển cận về bổn tâm mà thôi. Mỗi ta đều có chân/Phật tâm, cả vũ trụ nằm trong ấy, ta sẽ không hề chạm tới được [nếu chẳng nỗ lực tu hành]. A-lại-da thức chúng ta tích lũy vô vàn nghiệp lực thiện ác, dẫu qua bao nhiêu kiếp đầu thai đều y nguyên. Một lượng thông tin khổng lồ, lượng nghiệp lực khổng lồ “có hình tướng sẽ đầy cả hư không” nếu gặp duyên sẽ hiện cảnh quá lợi hại. Phật giảng: không ân oán, không đền nợ trả nợ đời trước sẽ không trở thành vợ chồng con cái trong kiếp này.

Là sự hút nhau tự nhiên như một dạng sóng cùng tần số. Trả nợ thì con hiếu thuận, đòi nợ thì con bất hiếu; thậm chí còn trường hợp, con ngoan hiền song ốm yếu bệnh tật, cha mẹ bán hết gia sản đến mạt vận, cũng là một cách đòi nợ! Duy hướng vào Phật pháp mới chuyển được nghiệp bất hiếu [từ kiếp trước] thành có hiếu [trong kiếp này]. Rồi nữa, một ngày bỗng gặp người lạ giúp đỡ mình, ngược lại lần đầu tiên gặp mặt người đã muốn đẩy ta đến đường cùng, đích thị duyên nợ từ tiền kiếp. Ta không nhận ra trước đã gây nhiễu gì cho họ; họ cũng không hề biết, song nghiệp lực trong tàng thức nó “có mắt”, biết nhận dạng do đó nó thôi thúc họ phải trả thù. Tuy nhiên, sự đòi nợ thường rất ít, gần như qua kiếp này oan gia chỉ đòi phần lãi (xóa phần nợ gốc). Đòi lãi, ta [do mờ nhân quả] nên tìm cách trả đũa mạnh bạo hơn, thế là dư báo! Chính ý nghĩ đòi lại “công bằng” là đầu mối của lục đạo, phần nhiều luân hồi trong cõi quỷ, cõi loài vật và địa ngục. Người giàu sang danh vọng, trước hết là nhờ sự quy đổi từ phước trong mạng nhiều đời; không hiểu không tin, ngỡ nhờ tài năng của mình nên mặc sức phình bản ngã tiêu pha hưởng thụ, mặc sức coi khinh những người yếu hèn nghèo đói; không dùng phước ấy làm phước, gặp đại họa, đời sau mang lông đội sừng...

Tiêu tiền hưởng thụ, vốn là tiêu phước. Phước mỏng dần nghiệp báo sẽ hiện, mà tai nạn, bệnh tật luôn là thước đo. Một nhân vật lừng danh, bỗng gặp nạn, thân liệt trí mờ, bấn loạn mộng mị triền miên; giữa lúc ngoài kia sản phẩm dán mác của họ vẫn ngồn ngộn đẻ ra tiền bạc. Họ chìm vào cõi cô đơn tận cùng cho tới lúc hồn dứt khỏi xác đau như “rùa sống lột mai”. Cũng khoan nói chuyện thức nhập thai loài gì. Thân mất, thức ấy không chịu quy định bởi vật chất thế gian nữa mà quy định bởi phước đức. Hãy tưởng đến cảnh thân vừa mất, ta thấy ngay xác mình nằm đó dần thối rữa. Ta biết mọi sự diễn ra, thấy họ hàng thân quyến đó lại bất lực trao đổi bất lực sờ chạm. Ta đói không ăn được đồ cúng kiếng ngon lành bốc khói; ta lạnh được cúng áo ấm đốt lửa vẫn lạnh, ta nóng [hồn] chui vào tủ đông vẫn nóng. Và nếu [linh hồn] vẫn chấp trước về quan tài đắt tiền, nấm mồ sang trọng, cái ngã sẽ giữ họ ở lại trong cảnh giới thân trung ấm chịu đau khổ bội bội lần thảm cảnh cuối đời, không thể siêu thăng lên cõi thanh bình.

Phật vô ngã. Chúng sanh sở ngã. Cái Ngã to đùng và nó không ngừng lớn mạnh theo chút tài sắc bé mọn. Ngã chấp càng lớn vô minh càng dày, càng che khuất phần minh tuệ trong căn mạng. Cống cao ngã mạn nhờ nói lưu loát vài thứ tiếng? Xin phép gạn ra lớp váng mê tín dị đoan để nêu sự thật: một người nông dân lúc lên đồng, vong nhập vào liền tuôn ra trôi chảy nhiều thứ tiếng. Lúc hồn kia xuất lập tức họ trở về sự thể ban đầu là người một chữ [ngoại ngữ] cắn đôi không biết! Đó dẫu sao vẫn là tục đế. Xét về chân đế, người chứng quả Thánh đầu tiên đã có thiên nhãn thông, nhìn thấu cảnh trời và địa ngục; chứng thêm nhị, tam, tứ quả liền thấu suốt ý nghĩ của bất cứ ai (Tha tâm thông), rồi Thần túc thông, hễ khởi ý niệm muốn tới đâu liền có mặt ở đó.

Người Niệm Phật đạt nhất tâm bất loạn có thể “tiền trạm” tới Tây phương Cực Lạc, thế giới của Vô Lượng Thọ, muốn bất cứ gì liền có nấy, không muốn tự biến mất. Nhưng trong nhà Phật không phải khuyên tu để đạt những thứ ấy đi lòe thiên hạ. Những vị chứng càng cao, chúng ta sẽ càng không thể biết! Người được xem và tự cho mình thông minh tỉnh táo hơn các bậc đại đạo sư, cho mình luôn làm chủ bản thân, thực chất nhầm lẫn. Khiến tự ngã thêm lớn. Một khi ta không ít nhất sai khiến được tập khí phiền não, đơn giản và cụ thể như không làm chủ không hóa giải nổi cơn nóng giận, là đang sống trong sự lôi dẫn của nghiệp lực. Con người sống bằng vọng tâm, gọi đúng danh từ là con rối của nghiệp lực.
Chúng ta có mặt trên đời bởi sự hội tụ kết tinh nghiệp từ tiền kiếp. Có những đứa trẻ mở mắt sống chưa bao lâu đã nhận ngay nghiệp dữ quá khứ; lý do khiến người đời thường gọi “trời không có mắt” gây oan giá họa.

Thực tế nhân quả tơ hào không sai. Lộ trình từ nhân tới quả biến hóa khôn lường; quả có thể méo mó biến dạng khiến ta không nhận ra, tuy nhiên hiển nhiên nhân xấu đã gieo, không sớm thì muộn quả xấu sẽ ập đến. Thường tội lỗi [nhân đời trước] chưa hiện, ta lớn dần theo cái nhìn và ý nghĩ của gia đình; lớn thêm bị quy định thêm qua tâm thái nhìn nhận của bè bạn, xóm làng; với những người nổi tiếng họ còn “nối mạng tư tưởng” với rất nhiều người trên địa cầu. Ý niệm câu thông khắp vũ trụ, còn mạnh hơn bất kỳ loại sóng nào khoa học từng khám phá. Khoa học, với những mệnh đề kiểu như “hiệu ứng cánh bướm” đã trở lên dễ hiểu. Do vậy ý niệm là yếu tố tiên quyết làm nền móng tương lai mỗi sinh mệnh. Lúc thai nhi hình thành phải được thai giáo. Người mẹ chẳng những nên sống trong một không gian nền nếp khuôn phép không có tạp âm mà ngay đến ý nghĩ của mình cũng luôn thiện lương hòa ái. Ý niệm là mấu chốt gieo nên nghiệp lực [xấu ác] mạnh mẽ nhất.

Tin nhân quả là điều trọng yếu. Tin nhân quả là bước đầu làm chủ vận mạng. Nhân quả phải là bài học đầu tiên và xuyên suốt đời người. Được giáo dục về nhân quả, đứa trẻ sẽ không nghĩ/nói xấu ác, vu oan giá họa cho ai, sẽ không ăn cắp ăn trộm thứ không phải của mình, lớn lên sẽ không sa đà rượu chè hút chích, sẽ không tà niệm với kẻ ngoài vợ mình. Đứa trẻ từ nhỏ được dạy không sát hại động vật kể cả côn trùng muỗi kiến, ngược lại còn yêu thương động vật từ mèo chó trong nhà đến những loài vật hoang trong rừng, làm sao chúng có thể khởi ý niệm hại [giết] người cho được. Nhân quả cũng giống như giới luật. Sống trong nhân quả tức đang sống trong một không gian thanh tịnh. Ta chưa hề thấy cố nội, qua ảnh cũng không, nhưng chắc chắn tin có cố nội. Có cố mới có ông, có ông mới có cha,… Nhân quả đời trước cũng vậy, ta không thấy song phải tin sâu sắc. Phật dạy nhân quả xuyên ba đời.

Tin chắc tất cả mọi sự việc không như ý gặp phải tuyệt đối chẳng ngẫu nhiên, mà do nhân từ đời trước, phải tin và quán, và quán như thế mới không khởi tâm oán hận người đã gây hại cho mình, không khởi tâm báo thù trả đũa. Người kia gây hại dù lớn đến đâu sẽ có nhân quả vũ trụ quản lý, sẽ bị báo ứng trừng trị chẳng sớm thì muộn, chớ bao giờ khởi niệm "thay trời hành đạo", muốn chỉnh sửa, giáo huấn, trừng trị y. Khởi ý niệm này nguy hiểm vô cùng, trước hết là gây tổn phước báu cho mình, nữa là làm cho mạng lưới nhân duyên cộng đồng cũng bị tổn hại và chính ta lúc mạng chung sẽ lọt vào đọa xứ. Chưa hết, khởi loại ý niệm này các oan gia trái chủ vô hình trong nhiều đời sẽ có dịp thuận tiện càng tác ý giúp thêm cho ý niệm xấu của ta mãnh liệt. Mỗi người cơ bản đều có số lượng lớn oan gia trái chủ từ vô lượng kiếp âm thầm theo sát; nhờ phước ta còn dày, họ chưa thể làm gì; không tu phần đông nghiệp sẽ nhào tới lúc lâm chung. Nhớ hồi học đại học, tôi luôn mua thức ăn của một dì bán thịt heo đã ba chục năm. Bẵng đi rất lâu, một ngày hay tin dì bị ung thư, tôi liền tới thăm.

Dì nói thường thấy ai cầm dao băm chặt dưới chân... Thật mừng, những ngày cuối đời dì được đạo hữu gần đó khuyên niệm Phật, lúc tôi đến thăm dì còn bảo đọc Chú Đại Bi cho dì nghe... Có người khác, cận kề cái chết đã thấy rành rành oan gia nghiệp báo, sợ đến biến dạng mặt mày lật mình xuống giường, mà nào có trốn được. Pháp gọi hiện tượng này là hoa báo; hoa báo hiệu cho quả phía bên kia đời. Lúc sống, ai từng vùng mình khỏi cơn ác mộng (như bị truy đuổi chém giết, bị tra tấn hành hạ…), sẽ cảm được chút ít về địa ngục. Hơn thế, trí não ta chỉ mới tưởng đến cảnh hành lạc, tưởng đến cảnh sẽ phương hại “kẻ thù” như thế nào, vào địa ngục cũng hiện lên như vậy để thọ nhận. Bạn trong đời không đánh đập ai, song đã từng giết một con cá hay bất kỳ loài vật nào như thế nào, lúc mất thân, hồn vào địa ngục sẽ [hiện] chịu lại nỗi đau như thế; chủ tâm giết tổ kiến từng con từng con, vào hỏa đồ nhận lại như vậy. Ở đời cắt xẻ thịt động vật chiên xào ra sao, vào địa ngục ta bị chặt khúc rán lên như vậy. Đây chỉ là điểm xuyến thoáng qua cảnh tượng nhân quả điệp trùng Phật thuyết trong kinh Địa Tạng.

Đau đớn đến trời đất cũng ứa máu! Biết làm sao. Nghiệp ấy tự tạo tự chịu, không ai quy định cả. Đó là quy luật vĩnh hằng trong vũ trụ, người phát hiện ra chính là Phật. Phật nói lên sự thật, ai không tin đành thọ nghiệp dữ. Một sự thật quá thảm, sự thật vượt khỏi lối suy niệm thông thường, nên nó trở thành hoang đường. Nhưng cái hoang đường đó vẫn thường ngày nhỡn tiền sống động trong nhân sinh thế tục, sống động tuyệt đỉnh trong mắt của bậc chân tu.

Nhân quả hữu hình đã vậy, nhân quả vô hình quả đáng sợ biết báo - đó là Ý Niệm. Ý niệm cũng có đồng minh bè phái. Ý niệm xấu khởi ra, lập tức chiêu cảm cùng loại cuộn về như lốc tố, chiêu cảm các ác niệm cùng loại của các ác thần ác quỷ, la sát. Ngược lại ta khởi tâm lành, nhẫn nhục, tha thứ cho đối phương thì nghiệp chướng tiêu nhanh, sức khỏe ngày càng kiện khang trường thọ. Trong nhiều buổi giảng cho Phật tử và giới trí thức, tiến sĩ Nguyễn Tường Bách cũng đặc biệt nhấn mạnh điều này. Các bậc đại đức hiện thời thì kết hợp với những khám phá của khoa học để hướng người đời cứu thế giới bằng việc giữ ý niệm thiện, thay thế và loại trừ tà niệm.

Ai không tin có thể đặt hai bát cơm, hai bát nước, hai loại trái cây hay bất cứ “vật vô tri” nào ở hai căn phòng, một nghĩ xấu về nó, một phát ý nghĩ yêu thương, một thời gian sẽ thấy thứ vô tri đó biến đổi thế nào, tươi ngon hay thối úng. Xin mở ngoặc, chỉ phát ý niệm thiện hay ác là đủ, không cần chưởi rủa hay nói lời yêu thương. Những loại “vô tri” trên sẽ [bắt sóng] hiểu và biến đổi theo ý niệm của chúng ta. Qua đây cũng cho thấy ý niệm phát từ tâm mới trọng yếu, trí não sẽ nhận tín hiệu sau đó mới sai sử chân tay miệng tạo tác. Ý niệm chính là nhiên liệu tạo nên bản chất mỗi người. Nếu ý niệm không thể hiện ra chân tay miệng, bề ngoài trong đời sống y không làm hại ai song chớ nhầm tưởng y thiện lương. Trong tâm y mang ý niệm sân hận, luôn muốn người ấy người kia sớm thân bại danh liệt mau già mau chết; và bởi góp vào vũ trụ loại từ trường cực xấu, chẳng những y hại một người mà còn [góp phần] hại đến cả nhân loại. Thầy Tuệ Hải trong một buổi giảng về Nhân Quả có đoạn:

"Theo kinh Địa Tạng, chúng ta chỉ cần tác ý liền có nhân quả. Mỗi khi mình nghĩ tốt, sẽ tạo một dạng sóng trường tốt đưa ra vũ trụ, nghĩ xấu sẽ tạo sóng trường xấu mang theo một dạng màu. Nghĩ thiện lành sẽ cho ra màu trong sáng, êm ái nhẹ nhàng, đi hoài trong không gian không mất, thứ hai cái sóng trường thanh bình đó sẽ chạm tới các cõi có chúng sanh đau khổ, khiến được mát dịu; ta được nhận ngay phước. Nhưng mỗi lần sân si nghĩ xấu, sẽ tạo một sóng trường bất an mang theo khí xấu, mang theo sự khó chịu cho người, khiến ta tổn phước. Thử lắng tâm nghĩ xấu đến ai, là họ cảm giác khó chịu khi nghĩ tới mình liền… Trong Kinh nói nhất niệm xuyên tam giới là sự thật. Một ý niệm chúng ta đi khắp tam giới chứ không phải chỉ tới một vài người bình thường; và trong khoảng cách từ mình đến đối phương còn có rất nhiều cõi, nhiều loài chạm phải, thì đã có nghiệp, có quả báo dành cho ta rồi”.

Nên nghĩ tốt về người. Loại ra những điều xấu của người và thay bằng những lời nói, cử chỉ tốt của họ dẫu chỉ là tí ti. Hành giả Tịnh tông, không cứ thiện ác, cứ phát tâm từ ái niệm (tai nghe rõ) “A Di Đà Phật” ắt lợi đôi đường cả Đời lẫn Đạo. Sao niệm Phật tai phải nghe rõ từng chữ? Bởi niệm Phật (dẫu là niệm thầm) tai không nghe là miệng niệm chứ không phải tâm niệm, cũng bằng ta đang nhờ người khác niệm hộ; để tâm ta nhảy múa vũ điệu tập khí trần ai.

Niệm Phật tai không chịu lắng nghe [câu mình niệm] là tu bề ngoài, chỉ ngửi mùi chứ không thực được ăn món ấy. Niệm Phật như vậy miệng niệm nhưng tâm vẫn nhìn lỗi thế gian, đu theo mà phê bình hê hả. Lục tổ Huệ Năng khuyến “bậc chân tu không nhìn lỗi thế gian”. Người tu nào còn tin Ngài, với lời khai thị này hẳn phải chạm khắc vào máu huyết. Còn nhìn lỗi thế gian, nên hiểu ngay [lúc đó] chưa phải chân tu! Khoa học lượng tử lúc thấu tỏ lý này quả thực thấy… đau đầu; cuối cùng đưa ra hướng giải quyết thật khế hợp với tinh thần kinh điển: Thay vì chống chiến tranh, hãy ủng hộ hòa bình.

Tu, trước nhất ở Tâm; là sự thay thế ý niệm, khiến mọi vọng niệm thế gian quy về chân niệm. Mức thấp nhất, hễ nghĩ ác nghĩ xấu lập tức biết để thay vào những ý nghĩ thiện. Ý nghĩ chuyển, hành vi mới chuyển. Người lo chuyển hành vi lại không chuyển ý niệm là gãi ngứa ngoài dày, đầu đội đất chân đòi đạp trời. Hãy hướng vào nội giới, hướng vào kiểm thảo từng ý niệm tung hoành tạo tác trong tâm. Hãy nhìn lỗi mình sửa lỗi mình, chớ nhìn lỗi người lo sửa lỗi người trong lúc mình [soi gương tạo dáng nhiều] lại nhìn bản tâm quá ít. Hễ thấy anh kia rượu chè phè phỡn là chê bai bại hoại, lại không nhìn mình đóng cổng tà hạnh (ở đây chỉ nhấn mạnh việc quá mức với vợ, chưa cần mở đến dan díu bóng hồng). Thấy bà kia nhiều chuyện lại không thấy mình nịnh nọt bợ đỡ.

Thấy kẻ tham ăn lại không thấy mình tham ngủ nghỉ, tham quyền cố vị. Thấy người gặp nạn liền cho chắc hắn ở cơ quan sống chẳng ra gì, lại không nhìn nhân xấu mình thường gieo và ngay vừa khởi cái ý niệm hả hê đó... Quán sâu sắc chân lý tuyệt đối, rằng ta chỉ hiểu người được một phần tỉ tỉ, không thể khởi ý niệm phê bình. Thế gian chẳng thiếu hàng Bồ tát nghịch hạnh, những vị Phật thị hiện tướng “ác” tùy duyên độ cho những chúng sanh đặc biệt, ta không biết nên cứ mặc nhiên phạm thượng chư Phật và Bồ tát. Một vị Tổ khuyên xem tất cả chúng sanh đều là Phật, ngoại trừ ta [là phàm phu]. Tâm đạt đến mức này mới mong về nước Phật.

Tâm đạt chuyên nhất tinh ròng niệm câu hồng danh “A Di Đà Phật”, mới mong rời Ta bà về Cực Lạc. Tâm loạn, cần dụ tâm niệm theo chuỗi 5 hoặc 10 câu hoặc bao câu tùy, cứ niệm hết một chuỗi liền quay lại từ đầu. Không nên niệm một câu thì đếm một, mà phải dụng tâm nhớ. Niệm một chuỗi 9 câu, thì cứ ước niệm 3 câu, rồi 3 câu, rồi 3 câu nữa - xong một chuỗi. Hễ nhận thấy, ồ ta niệm đến câu thứ mấy [trong 9 câu] rồi, đó là vọng đang trỗi, phải xóa ngay vòng đó niệm lại từ đầu. Ta lạc vào một nơi có trường lực xấu, có sao khi trong tâm cứ niệm Phật.

Ta phải sống trong ngôi nhà trái phong thủy, hay ngôi miếu được cho nhiều ma quỷ chướng khí, có sao, cứ niệm Phật. Sóng phát ra từ câu “A Di Đà Phật” là siêu thiệu, ta vô nhiễm lại thanh lọc được cả không gian rộng lớn. Tu như vậy có đơn giản? Thực tế hiếm có pháp nào trong tám vạn bốn ngàn pháp môn đơn giản hơn. Kết quả lại quá tối thắng. Trên thế gian nhiều hành giả niệm “A Di Đà Phật” biết trước ngày giờ được về nước Phật trước ba ngày, trước ba tháng, trước nhiều năm. Đúng ngày giờ Phật hẹn (mà đương sự đã thông báo với đại chúng trước đó), hành giả không bệnh tật, tỉnh táo niệm Phật mà đi, để lại thân tướng sáng rỡ. Sự này, không lời tôn vinh nào đủ xứng đáng, đành phải dùng cụm từ: “Không thể nghĩ bàn”.

Điều đơn giản nhất cũng là thâm mật. Sao phải niệm Phật?, bởi đó mới chính đang làm chủ nghiệp lực, làm chủ vận mạng. Còn không chúng ta sống bởi sự hội tụ của tất cả ý niệm từ vô vàn người quen; kể cả những người thân nhất - cũng đang làm hại ta! Hiển nhiên. Một đứa con hư, ta liền chì chiết đồ bất hiếu nghịch tử, lúc nào cũng ý nghĩ này, và câu này sẽ phát ngay hễ nó bỗng phạm một lỗi khác. Một kẻ phạm tội ăn trộm vào trại giam, được ân xá về quê; anh ta thay đổi hoàn lương, song đến nhà bạn, bạn có đề phòng? có cất ngay ví tiền và những đồ quý trước lúc xuống nhà dưới. Tâm đề phòng xuất phát từ ý nghĩ trong tâm đen, rằng hắn, kẻ ăn trộm.

Tên ăn trộm, hãy đề phòng! Ý niệm này đã xuyên vào bản thể anh ta khơi dậy hạt giống nhòm ngó tài vật của người. Bỏ qua đức tính tốt của người, cứ chăm chăm nhìn lỗi, ý nghĩ xấu này sẽ góp phần bồi đắp lỗi thành bản chất, và dĩ nhiên nó sẽ phương hại chính mình. Từ trường ý niệm chẳng khác lúc ta hét vào một hang động, rồi nó sẽ dội lại chính ta. Cứ tưởng đến cảnh tay hốt rác vứt qua hàng xóm, sẽ biết ngay tay mình dơ trước; hay đó là cảnh ngậm máu phun người theo cách diễn của triết lý dân gian, sẽ hiểu. Tâm chao đảo, nhân loại trên trái đất và vũ trụ hiện từ cõi mê chao đảo.

Bậc chân tu thường ngày vẫn miên mật hạ thủ công phu lấy đó hồi hướng cho những người Đức Phật gọi với tận cùng tình thương yêu là “đáng thương xót”, nhưng dẫu sao vẫn là cứu vãn tình thế, trong lúc gốc bệnh của chúng sanh không ngừng gia tăng thông qua cấp số nhân của ý niệm bất chánh. Đây, là nguyên nhân sâu xa khiến ngay đến bậc đại triệt đại ngộ với năng lực vô biên cũng đành “bó tay”, không thể ngày một ngày hai cứu nổi chúng sanh thoát Lục Đạo.

Một lò sát sinh ở Pháp bị đóng cửa vì một phóng sự video thật khiếp đảm

Một lò sát sinh ở Pháp bị đóng cửa vì một phóng sự video thật khiếp đảm

Đăng lúc: 21:34 - 17/10/2015

Nhật báo Figaro ngày 14 tháng 10, 2015 có một bài báo tố cáo một lò sát sinh tại một quận lỵ ở Pháp vi phạm các quy tắc y tế về việc giết mổ súc vật. Độc giả có thể xem hình ảnh vô cùng hung bạo và độc ác của lò sát sinh này trên Youtube. Đối với những người Phật giáo thì sau khi xem cũng nên liên tưởng đến những miếng ăn ngon của mình...
Một cuốn phim vidéo được tiết lộ đã cho thấy các con ngựa còn sống bị xẻ thịt, các con bò chưa bị gây mê bị treo lủng lẳng bằng một chân, các con heo bị giết bằng hơi ngạt và đã hồi tỉnh trước khi bị đưa vào dây chuyền xẻ thịt... Phóng sự này đã được hiệp hội L.214 thực hiện nhằm tố cáo những phương pháp giết mổ thú vật trong các lò sát sinh. Vị thị trưởng của quận lỵ đã kịp thời phản ứng.

Các hình ảnh đưa ra khiến người ta phải buồn nôn. Sébastien Arsac người thay mặt cho hiệp hội L214 cảnh báo mọi người rằng: "Tôi chưa từng thấy những hình ảnh kinh hoàng đến thế". Hiệp hôi bảo vệ thú vật L.214 đã tìm cách gắn các máy quay phim bên trong lò sát sinh của quận Alès thuộc tỉnh Gard (miền nam nước Pháp). Trong suốt 10 ngày, hiệp hội này đã quay được tất cả 50 giờ phim vidéo, nêu lên những cảnh tượng không sao chịu đựng nổi. Hiệp hội liền phổ biến các hình ảnh vidéo này trên mạng và đã gây nhiều xúc động mạnh.



Các hình ảnh vidéo cho thấy một nhân viên của lò sát sinh cắt chân một con ngựa còn sống, và còn cho biết là lò sát sinh này thuộc quyền quản lý của chính quyền quận lỵ và hàng năm xẻ thịt 3.000 con ngựa, 20.000 con heo, 40.000 con cừu và 6.000 con bò nhằm cung cấp cho các tiệm thịt tại địa phương, các trường trung học đệ nhất và đệ nhị cấp (để làm cơm trưa cho học sinh), các bệnh viện và một đường dây phân phối thực phẩm sạch.

Ngườì ta còn thấy các con ngựa khác chưa được gây mê đúng mức và đã hồi tỉnh trước khi được đưa vào dây chuyền xẻ thịt. Nhiều con ngựa khác kháng cự lại không chịu chui vào lò gây mê, một số bị nhân viên dùng gậy để đập chết, một số khác bị đẩy vào các lò giết, đầu đập vào vách chuồng bằng sắt khi nhân viên dập cửa. Hiệp hội bảy tỏ sự bất nhẫn của mình như sau: "Các con ngựa cho thấy đã tỉnh lại trong khi đang bị treo lủng lẳng bằng một chân trên dây chuyền mổ xẻ và đang bị thọc huyết. Không thấy một nhân viên nào nghĩ đến việc gây mê trở lại các con vật có dấu hiệu đã tỉnh lại".


nguoiphattu.com_sat sinh00.jpg

Lò hơi ngạt


Cuốn phim cho thấy cảnh tượng thật tàn ác của các con heo trong hố hơi ngạt chứa thán khí CO2. Người thay mặt cho hiệp hội L.214 là Sébastien Arsac cho biết: "Cách xông hơi ngạt không đủ mạnh khiến các con heo không bị hôn mê trước khi chết", và ông còn cho biết thêm: "Dù phương pháp giết heo bằng hơi ngạt CO2 là hợp pháp, thế nhưng phương pháp này cũng dự trù là phải nhốt heo vào lò hơi ngạt ít nhất là 120 giây. Thế nhưng tại lò sát sinh này thì đôi khi chỉ giữ heo trong lò 30 giây". Một số heo đã tỉnh lại trong khi đang bị thọc huyết. Giáo sư thú y Moutlon, chuyên gia về luật pháp tại Tòa Án Hành Chánh và Kháng Cáo của hai thành phố Paris và Versailles có nêu lên trong phúc trình của ông như sau: "Trong 30 giây đầu tiên khi bị xông hơi ngạt thì heo phản ứng rất mãnh liệt và 85 giây sau đó thì dường như heo bắt đầu bị hôn mê. [...] Hình ảnh trong phim còn cho thấy là các con heo đã hồi tỉnh lại khi được đưa vào phòng thọc huyết, nhất là đối với các con heo cùng một lô và bị thọc huyết sau cùng.


nguoiphattu.com_sat sinh01.jpg



Dây chuyền xẻ thịt: các con vât còn đang giãy dụa


Các con bò cũng không tránh khỏi những cảnh ác độc đó. Hiệp hội L214 cho biết: "Các con bò không hoàn toàn bị hôn mê nhưng không hề được gây mê thêm lần thứ hai đúng theo luật pháp đã quy định. Chúng bị thọc huyết trong khi còn đứng trên mặt đất hoặc bị treo bằng một chân. Các con bò còn tỉnh bị thọc huyết bằng dao và giẫy chết thật lâu. Các con cừu thì bị nhốt vào các lồng sắt quay tròn và bị thọc huyết sống, trong cùng một gian phòng và trước mặt chúng là các con trừu khác đang bị xẻ thịt. Chúng được lôi ra khỏi lồng nhưng vẫn còn sống, nhiều con cố gắng đứng lên dù cổ họng đã bị cắt đứt".

Video giết hại động vật một cách dã man.






Hiệp hội L214 còn bày tỏ sự bất nhẫn của mình như sau: "Chỉ vì những sự khiếm khuyết trên đây mà hầu hết các con thú trong lò sát sinh này phải gánh chịu cảnh hấp hối kéo dài và một cái chết vô cùng hung bạo trước những đôi mắt vô tình của các nhân viên giết mổ. Họ không tuân thủ các thể lệ y tế sơ đẳng nhất và bất chấp sự khổ đau của thú vật. Do đó hiệp hội L214 đã yêu cầu "phải tức khắc rút giấy phép của lò sát sinh này, ít nhất là với tư cách tạm thời".



Trong khi đó thì hiệp hội làm thủ tục đưa lò sát sinh này ra Toà Án Tối Cao của quận Alès vì các hành vi độc ác đối với súc vật. Hiệp hội này còn đưa ra một bản thỉnh cầu trên trang mạng Change.org để làm hậu thuẫn cho đơn xin đóng cửa lò sát sinh.

Tòa thị sảnh của quận Alès phản ứng nhanh chóng và cho biết là sau khi các hình ảnh trên đây được phổ biến thì vị thị trưởng của quận lỵ là Max Roustan cho biết là mình "rất xúc động trước các hình ảnh đó và quyết định tạm đóng cửa ngay lò sát sinh này với lý do là để bảo quản, và đồng thời cho tổ chức một cuộc điều tra nội bộ về mặt hành chánh, liên quan đến sự kiện có thể là lò sát sinh đã không tôn trọng các tiêu chuẩn giết mổ súc vật". Vị thị trưởng cho biết thêm: "Nếu cuộc điều tra nội bộ xác nhận các lỗi lầm thật sự đã xảy ra thì sau đó sẽ quyết định về các biện pháp trừng phạt, có thể đưa đến việc đóng cửa vĩnh viễn lò sát sinh Alès".

Tòa báo Figaro có tiếp xúc với lò sát sinh này, thế nhưng chỉ nhận được một câu phát biểu cụt ngủn: "Chúng tôi không muốn bình phẩm gì cả về các cuốn vidéo đó".


Bures-Sur-Yvette, 15.10.15

Mathilde Golla

Hoang Phong chuyển ngữ

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 11
  • Hôm nay 3,736
  • Tháng hiện tại 61,121
  • Tổng lượt truy cập 23,467,370