Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Tỉnh dậy đi thôi, các bạn xuất gia trẻ!

Tỉnh dậy đi thôi, các bạn xuất gia trẻ!

Đăng lúc: 17:28 - 02/11/2015

Cái học trong chùa lâu nay có tính cách nhồi sọ rất nhiều. Đạo Bụt là một truyền thống rất cởi mở, nói rằng trong khi học hỏi mình phải dùng trí tuệ của mình để phán xét chứ đừng học như một con vẹt, đừng bị kẹt vào những giáo điều, dầu là những giáo điều Bất tịnh, Khổ, Vô thường và Vô ngã.

Thư tâm tình gửi các con xuất sĩ của Thầy

Nội viện Phương Khê, ngày 27/09/2014

Các con thân mến,

Hồi Thầy mới vào chùa năm 16 tuổi, trên phương diện danh từ thì mình đã được gọi Bụt Sakyamuni là Bổn Sư (Nam Mô Đức Bổn Sư Bụt Sakyamuni). Bổn Sư (tiếng Bắc là Bản Sư) có nghĩa là Thầy tôi. Nhưng kỳ thực đức Bụt mà mình được gặp khi mới vô chùa không phải là một vị Thầy đích thực mà là một nhân vật rất huyền thoại, đầy phép lạ, đầy thần thông, rất xa cách với con người. Mình không được gặp Bụt của đạo Bụt nguyên thủy mà cũng không được gặp Bụt của đạo Bụt tiểu thừa. Hình ảnh Bụt nguyên thủy là một vị Thầy ăn mặc rất đơn sơ, trải bồ đoàn tọa cụ ngồi trên đất, ngồi pháp đàm, nói pháp thoại và ăn cơm với các Thầy. Mình không gặp được hình ảnh đó, vì vậy trên phương diện danh từ mình được gọi là Thầy tôi nhưng kỳ thực giữa mình với đức Sakyamuni có một khoảng cách rất lớn. Đó là một nhân vật hoàn toàn thần thoại, đầy phép lạ.

Mãi cho đến mấy chục năm sau, Thầy mới tìm ra được hình ảnh của một vị Thầy đích thực, một vị Bổn Sư. Bổn Sư chỉ có nghĩa là "Thầy của tôi" thôi. Giống như nói là Bổn Tự thì có nghĩa là chùa tôi, bản tỉnh có nghĩa là tỉnh của tôi. Cho nên sau đó nhiều thập niên, khi khám phá ra được con người thật của Bụt rồi, Thầy mới nuôi giấc mộng là viết một cuốn sách để cho người ta thấy rằng Bụt không phải là một vị thần linh đầy phép lạ mà là một vị Thầy. Do đó Thầy đã để hết tấm lòng của mình để viết cuốn Đường Xưa Mây Trắng, để lột ra khỏi Bụt những vòng hào quang, những vòng thần bí, để Bụt có thể hiện rõ như một con người, một vị Thầy mà mình có thể tiếp cận được. Cho nên Thầy nghĩ cuốn Đường Xưa Mây Trắng có công đức rất lớn. Nó giúp phục hồi được hình ảnh của một vị Thầy sống đơn giản, không sử dụng quyền phép mà chỉ sử dụng tuệ giác và từ bi để giải quyết tất cả mọi vấn đề.

Đức Bụt mà Thầy gặp năm 16 tuổi là đức Bụt của Mật tông. Hồi đó tại các chùa ở Việt Nam có hai thời công phu. Thời công phu sáng hoàn toàn là Mật tông, trì tụng những chú như Lăng nghiêm, Đại bi và mười bài chú khác. Còn buổi chiều thì đó là đạo Bụt A Di Đà. Trong đạo Bụt A Di Đà thì hình ảnh của Bụt Thích Ca bị lu mờ. Đứng trước hình ảnh của Bụt Di Đà, Thầy không có cơ hội gặp được Thầy của mình trong giáo lý tịnh độ. Nhưng vì hồi đó mình ham tu quá, có một tấm lòng rất háo hức, sôi nổi, muốn tu tập để chuyển hóa. Thành thử tuy đó là một vị Bụt xa cách như vậy nhưng mà Thầy vẫn chấp nhận được. Hơn nữa bài kinh mở đầu thần chú Thủ Lăng nghiêm tụng mỗi buổi sáng mà chư Tổ đã chọn là một bài rất là cảm động. Sư chú nào, sư cô nào mà đọc lên bài ấy đều rất cảm động. Đó là những lời phát nguyện của Thầy A Nan muốn thành Phật để độ chúng sanh. Những cảm động đó lôi cuốn Thầy đi, cho nên Thầy không thấy được những mâu thuẫn, những phương pháp giáo dục nhồi sọ nằm trong cách giáo dục của các Thầy ngày xưa.



Có những câu kinh rất cảm động như:

Nguyện kim đắc quả thành Bảo Vương

Hoàn độ như thị hằng sa chúng

Tương thử thâm tâm phụng trần sát
Thị tắc danh vi báo Phật ân.


Những câu này có nghĩa: Bây giờ đây con mong mau chóng chứng quả để trở thành một vị Bụt, để có thể đi vào ngay trong cuộc đời, hóa độ chúng sanh nhiều như hằng sa. Con mong đem hết tất cả tấm lòng sâu xa của con để phụng sự tất cả các cõi. Tại vì con nghĩ như vậy mới tạm xứng đáng để báo đáp được công ơn của Bụt.

Đọc những câu đó, người tu trẻ thấy rất cảm động. Thầy A Nan hồi đó cũng là một người trẻ. Có những câu hồi đó Thầy chỉ biết tụng và nghe theo thôi, Thầy không thấy được những mâu thuẫn ở trong đó. Như trong bốn câu:

Phục thỉnh Thế Tôn vị chứng minh,

Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập.

Như nhất chúng sanh vị thành Phật,

Chung bất ư thử thủ nê hoàn.


Có nghĩa: Xin đức Thế Tôn chứng minh cho chúng con. Trong cuộc đời đầy khổ đau, ngũ dục, độc ác và bạo động này, con sẽ là một trong những người đầu tiên tình nguyện đi vào để cứu độ. Chừng nào còn có một chúng sanh chưa thành Phật thì chừng đó con chưa chịu chứng Niết Bàn. Câu chót này mãi đến mấy chục năm sau Thầy mới thấy sai. Câu này có nghĩa là: chứng Niết Bàn chắc là khỏi phải làm gì nữa hết; vì vậy cho nên khoan chứng Niết Bàn, để làm việc cứu độ chúng sanh đã. Chứng Niết Bàn rồi thì rong chơi thôi. Đó là một quan niệm rất sai lầm về Niết Bàn. Theo nguyên tắc, khi đạt được tuệ giác sâu sắc thì mình tiếp xúc được với bản tính vô sinh - bất diệt, phi khứ - phi lai, phi hữu - phi vô và đó là thế giới của lắng dịu, an lạc và hạnh phúc. Đó là Niết Bàn. Nếu mình không hưởng được những cái ấy thì sức mấy mà mình đủ sức mạnh để tiếp tục cứu độ chúng sanh. Cho nên nói rằng con chưa chịu chứng Niết Bàn đâu, con phải làm việc cho cực nhọc để độ sinh đã. Đó là một điều sai lầm mà Thầy không thấy được tại vì Thầy đang còn trẻ.

Điều này cũng do sự hiểu lầm phổ biến về Niết Bàn. Có quan niệm về hữu dư y Niết Bàn và vô dư y Niết Bàn. Vô dư y Niết Bàn là Niết Bàn trong đó không còn có những tàn dư như Năm uẩn. Nhưng nếu trong Niết Bàn mà không có Năm uẩn thì làm sao ta hưởng được cái vui, an lạc và lắng dịu của Niết Bàn? Hữu dư y Niết Bàn là đã chứng đạo, đã chứng Niết Bàn nhưng vẫn còn mang hình hài Năm uẩn. Còn mang hình hài Năm uẩn thì có khi còn nhức đầu, đau bụng, mỏi chân, mỏi tay, vì vậy đó chưa phải là vô dư y Niết Bàn. Đó là một quan niệm rất sai lầm. Quan niệm cho rằng hạnh phúc và khổ đau là hai cái hoàn toàn không cần tới nhau, có thể chỉ có hạnh phúc mà không cần khổ đau, và chỉ có thể có khổ đau mà không cần hạnh phúc. Đó là quan niệm lưỡng nguyên không đúng với tinh thần tương tức của đạo Bụt.

Trong đạo Bụt có sự phân biệt Năm uẩn và Năm thủ uẩn. Thực ra thì Năm uẩn là những gì rất mầu nhiệm, nhưng nếu mình đem tâm để nắm bắt Năm uẩn, cho Năm uẩn là một cái ta, hay là một vật sở hữu của ta thì Năm uẩn trở thành Năm thủ uẩn. "Thủ" tức là nắm bắt và đối tượng của nắm bắt. Niết Bàn không phải là nơi không có Năm uẩn mà là nơi không có Năm thủ uẩn. Năm uẩn hết sức mầu nhiệm, ví dụ như Năm uẩn của Bụt.

Sau đây là hình ảnh đức Sakyamuni của Mật tông mà người trẻ mới xuất gia được tiếp cận trong bài tụng mở đầu cho chú Lăng Nghiêm:

"Nhĩ thời Thế Tôn, tùng nhục kế trung, dõng bách bảo quang, quang trung dõng xuất thiên diệp bảo liên, hữu hóa Như Lai, tọa bảo hoa trung. Ðỉnh phóng thập đạo, bách bảo quang minh, nhất nhất quang minh, giai biến thị hiện thập Hằng Hà sa Kim cang mật tích, kình sơn trì xử, biến hư không giới. Ðại chúng ngưỡng quan, úy ái kiêm bão, cầu Phật ai hựu, nhất tâm thính Phật vô kiến đảnh tướng, phóng quang Như Lai tuyên thuyết thần chú."

"Lúc bấy giờ từ nhục kế trên đỉnh đầu, đức Như Lai phóng ra một luồng ánh sáng. Trong luồng ánh sáng đó có trăm châu báu. Trong luồng ánh sáng ấy của đức Như Lai phóng ra xuất hiện một hoa sen ngàn cánh và ngồi trên hoa sen ngàn cánh là hóa thân của một vị Bụt, và trên đỉnh đầu của vị Bụt hóa thân này cũng phóng ra mười đạo hào quang và đạo hào quang nào cũng có đầy trăm thức quý báu. Trong các đạo hào quang này hiện ra biết bao nhiêu là vị Kim Cương mật tích, số lượng nhiều như số cát sông Hằng. Vị nào cũng một tay nâng ngọn núi, một tay cầm một cái chày bằng kim cương và họ đang có mặt tràn đầy trong không gian. Đại chúng nhìn thấy như vậy, một mặt thì vừa sợ một mặt vừa thương, ai cũng nhìn đức Thế Tôn, khẩn cầu đức Thế Tôn xót thương, che chở và mọi người đợi lắng nghe đức Thế Tôn. Lúc đó đức Thế Tôn phóng ra một hào quang từ nơi đỉnh đầu và bắt đầu tuyên thuyết thần chú Thủ Lăng Nghiêm."

Trong đạo Bụt nguyên thủy và cả trong đạo Bụt tiểu thừa làm gì mà có cảnh tượng như vậy, Bụt đâu phải là một vị thần linh đầy dẫy phép lạ, đầy dẫy hào quang, xa cách con người như vậy.



Kim cương mật tích tức là những vị thần Dạ Xoa đi theo tu học với Phật và nguyện đem hết sức mình để bảo hộ Phật Pháp. Hình ảnh của một vị kim cương mật tích là hình ảnh của một người đang cầm một cái chày bằng kim cương gọi là kim cương xử và nếu ai động tới Phật Pháp thì chỉ cần một cái chày đó thôi cũng đủ tan thân nát thịt rồi. Khi Bụt phóng hào quang thì đại chúng nhìn lên thấy các vị kim cương mật tích cầm chày kim cương có mặt đầy tràn trong không gian. Một mặt đại chúng rất khiếp sợ, một mặt rất thương kính và do đó tất cả đều lắng nghe Bụt để Bụt bắt đầu tuyên thuyết thần chú Thủ Lăng Nghiêm. Đây là Phật giáo của Mật tông. Tuy là ở Việt Nam các chùa được gọi là cửa Thiền nhưng thực ra phần lớn chỉ tu Mật tông và tịnh độ mà thôi. Buổi sáng tụng chú, buổi tối niệm A Di Đà.

Hình ảnh một vị Bụt ngồi phóng hào quang và làm xuất hiện vô số các vị kim cương mật tích đầy dẫy khắp hư không, tuyên thuyết một bài linh chú dài tới hai mươi phút, hình ảnh đó không thể nào là đối tượng của niềm tin cho giới trẻ và trí thức ngày nay. Cũng như hình ảnh của một vị thượng đế, một ông già râu dài đang ngồi trên trời và quyết định những gì xảy ra trên trần thế, hình ảnh ấy không còn là đối tượng của niềm tin cho giới trẻ thời nay. Ấy vậy mà buổi khuya nào mình cũng vẫn tụng đi tụng lại cái hình ảnh của một vị thần linh như thế. Thử hỏi một đạo Bụt như thế có còn thích hợp với thời đại của chúng ta nữa hay không?

Trong bài tựa lời phát nguyện của đức A Nan mở đầu cho thần chú Thủ Lăng Nghiêm, có câu ca tụng thần chú Thủ Lăng Nghiêm như sau:

Thủ Lăng Nghiêm Vương thế hy hữu

Tiêu ngã ức kiếp điên đảo tưởng,
Bất lịch tăng kỳ hoạch Pháp thân.

"Định Thủ Lăng Nghiêm này trên đời rất hiếm có. Nó có khả năng giúp con làm tiêu diệt những tri giác sai lầm, chổng ngược được tích lũy trong cả ngàn ức kiếp và con cũng không cần trải qua một thời gian quá dài mới đạt được pháp thân".

Điên đảo tưởng là những tri giác chổng ngược, như trắng mà nói là đen, khổ thì nói là vui, vô thường thì nói là thường, vô ngã thì nói là có ngã. Đó là những tri giác sai lầm gọi là những tri giác điên đảo. Danh từ "điên đảo" này cũng có ở trong Tâm Kinh: "Viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết Bàn", là xa lìa những mộng tưởng điên đảo, tức là tiêu diệt được những tri giác chổng ngược đầu lại.Tứ điên đảo là bốn cái thấy chổng ngược. "Điên đảo" trong tiếng Anh gọi là "upside down". Bất tịnh mà mình cho là tịnh, khổ mình cho là vui, vô thường mình cho là thường, vô ngã mình cho là có ngã. Đó gọi là Tứ điên đảo. Và các Thầy ngày xưa đã dạy mình một cách rất nhồi sọ. Trong Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm (thân, thọ, tâm và pháp). Quán thân trong thân, quán thọ trong thọ, quán tâm trong tâm, quán pháp trong pháp thì phải thấy thân là bất tịnh, thọ là khổ. Thân không thể nào là tịnh được, còn thọ chỉ có thể là khổ, tâm chỉ là vô thường và các pháp chỉ là vô ngã. Mình được học thuộc lòng một cách rất là nhồi sọ: Thân bất tịnh, Thọ thị khổ, Tâm vô thường, Pháp vô ngã. Đó là chân lý bất di bất dịch mình không thể nói ngược lại được. Trong mười hai nhân duyên, thọ là khổ, nhưng nếu mà thọ chỉ là khổ thì làm sao có thể đưa tới ái? Phải có những cảm giác dễ chịu cho nên người ta mới sinh ra tham đắm, vướng mắc.

Ngay trong thời Bụt còn tại thế đã có danh từ Pháp thân rồi. Hôm đó Bụt đến thăm Thầy Vakkhali, Thầy đang hấp hối.

Thầy được Bụt hỏi: Thầy còn tiếc nuối gì nữa không?

Thầy Vakkhali nói: "Bạch đức Thế Tôn: con không còn tiếc nuối gì nữa cả. Con chỉ còn một tiếc nuối duy nhất là vì bệnh quá nên mỗi khi đức Thế Tôn thuyết pháp trên núi Thứu thì con không được lên để nhìn ngắm và chiêm ngưỡng đức Thế Tôn".

Ai cũng biết ngày xưa Thầy có vướng mắc với Bụt, cho nên Bụt không cho làm thị giả nữa.

Bụt nói: "Này, nhục thân của tôi đây, hình hài của tôi đây là vô thường, thế nào cũng có ngày tiêu hoại. Nếu Thầy có được pháp thân của tôi thì Thầy đâu còn thiếu thốn gì nữa mà tiếc nuối".

Đó là câu nói chứng tỏ trong thời Bụt đã có danh từ Pháp thân. Pháp thân là cái hiểu của mình về giáo pháp, trong đó có Tứ đế, Bát chánh đạo, Thất giác chi… và những phương pháp tu tập có khả năng chuyển hóa những niềm đau, nổi khổ đem lại Hỷ, Lạc để nuôi dưỡng mình và những người khác, để cuối cùng mình có thể giải thoát cho mình khỏi hệ lụy, chuyển hóa phiền não, có khả năng độ đời.

Hồi đó chưa có danh từ Tăng thân. Phải đợi tới hai mươi mấy thế kỷ về sau, danh từ Tăng thân mới xuất hiện ở Làng Mai. Trong bộ ba: Phật thân, Pháp thân, Tăng thân thì Tăng thân vô cùng quan trọng. Nếu không có Tăng thân thì chí hướng của một người tu không bao giờ được thành tựu. Cho nên sau khi đức Sakyamuni thành đạo, việc đầu tiên mà Ngài nghĩ tới là đi tìm những người bạn tu để thành một Tăng thân sáu người. Bụt thấy rất rõ là nếu không có một Tăng thân thì sự nghiệp của Bụt không thành tựu được.

Những người tu trẻ của mình khi mới tu, tâm bồ đề rất hùng tráng, rất vững chãi. Chí nguyện của mình là muốn tu để trở thành một vị Thầy lớn, có khả năng giải thoát cho mình và độ đời, đem lại nhiều an lạc, giải thoát cho đoàn thể tu học của mình. Phải xây dựng Tăng thân xuất gia như thế nào để Tăng thân xuất gia ấy có khả năng tổ chức tu học và độ cho những đoàn thể tu học của người cư sĩ. Cho nên trong bài tụng mở đầu cho chú Lăng Nghiêm, lời phát nguyện của Thầy A Nan rất cảm động. Đó là giấc mơ lớn của Thầy A Nan mà cũng là của bất cứ ai muốn tu để trở thành một vị Thầy lớn.

Cũng như bài Phát Nguyện Văn (Sám Quy Mạng) của Thiền sư Di Sơn là một giấc mơ lớn của người tu. Đọc Sám Quy Mạng mình thấy rõ ràng là người tu có một giấc mơ rất lớn, muốn trở thành một vị đạo sư lớn để giúp đời trên mọi phương diện. Trong những năm đầu thì mình tự ru mình bởi những chí nguyện đó. Nhưng vì ở trong chùa, mình không có cơ hội để học hỏi những pháp môn có khả năng xử lý những cảm thọ và những cảm xúc khổ đau, không được học những phương pháp chế tác Hỷ và Lạc để tự nuôi dưỡng mình, sử dụng các phương pháp lắng nghe và ái ngữ để tái lập lại truyền thông với huynh đệ, do đó mình không có khả năng xây dựng được một tăng thân xuất gia. Mình không có một phương tiện thiết yếu để thực hiện được chí nguyện của một người tu.

Dầu mình có cơ hội đi học các trường Phật học, nhưng tại các trường Phật học, dầu là sơ cấp, trung cấp hay cao cấp thì các Thầy, các vị giáo thọ cũng không dạy mình những pháp môn căn bản, mà chỉ dạy giáo lý để mình học thuộc rồi dạy lại cho các thế hệ tương lai thôi. Cái học của mình là cái học từ chương như vậy. Mình phải thay đổi cách học. Các vị Thầy, các vị giáo thọ phải dạy cho mình những phương pháp thở, đi, ngồi, điều phục những tâm hành: giận, buồn, ghét, ganh tị, xử lý được những niềm đau, nổi khổ, làm lắng dịu những cảm thọ, cảm xúc lớn. Khi mình biết làm những chuyện ấy rồi thì mình mới có thể giúp cho huynh đệ mình cũng làm được, và mình mới có thể dạy cho sinh viên của mình làm được những chuyện đó.

Khi mình biết sử dụng ái ngữ, lắng nghe, tái lập được truyền thông, đem lại sự hòa giải, mình mới có thể xây dựng được một Tăng thân. Tăng thân là phương tiện căn bản để có thể thực hiện được chí nguyện và sự nghiệp của một đời tu. Mình không được học những cái ấy ở trường Phật học. Đó là chuyện rất là thiếu sót. Mà chính các Thầy dạy mình, các vị giáo thọ cũng không biết thì làm sao dạy? Cho nên trong chúng, đôi khi chỉ có năm ba huynh đệ mà sống cũng không hòa hợp với nhau. Mỗi người có một giấc mơ riêng. Trong đời sống hằng ngày chỉ làm những việc như: cung cấp những nhu yếu tín ngưỡng, tín mộ, những tiện nghi tình cảm cũng như tinh thần cho giới bổn đạo mà thôi. Những người nào biết làm chuyện đó thì có cuộc sống dễ dãi hơn những người khác. Nhất là những Thầy có khả năng tán tụng và đi cúng thì sẽ có một cuộc đời thoải mái hơn các Thầy khác. Và cũng hay bị những người khác ganh tị.

Rồi cuối cùng đa số đều ước muốn được làm trụ trì một ngôi chùa, có đồng vào, đồng ra, có đủ bổn đạo để chăm sóc chùa của mình, và một vài vị đệ tử để tiếp nối công việc của mình và giúp mình trong công việc ứng phú, cúng đám. Cho nên giấc mơ chưa bao giờ thực hiện được, giấc mơ vẫn còn là giấc mơ. Khuya nào cũng tụng bài tựa của Thầy A Nan, khuya nào cũng tụng bài Phát Nguyện Văn của Thiền sư Di Sơn, mà rút cuộc là giấc mơ chưa bao giờ được thực hiện. Điều này đã xảy ra cho trên chín mươi lăm phần trăm những người tu trẻ và rốt cuộc họ chỉ trở thành những ông thầy cúng. Rồi những chức vụ lỉnh kỉnh trong Giáo Hội, những danh xưng và địa vị càng ngày càng làm họ lún sâu.

Chỉ có một số vị, ít hơn một phần trăm, trở thành học giả. Học giả tuy rất quý, nhưng không làm được công việc đứng ra xây dựng tăng thân và hóa độ đồ chúng. Trong lịch sử Việt Nam cận đại, chúng ta có được một số vị cao tăng có khả năng dựng tăng và hóa độ đồ chúng, như Thiền sư Phước Huệ, chùa Thập tháp - Bình Định, Thiền sư Trí Thủ trụ trì chùa Ba la mật - Huế, Thiền sư Thiện Hòa giám đốc Phật học đường Nam Việt chùa Ấn Quang - đường Sư Vạn Hạnh, Sài Gòn, Thiền sư Thiện Hoa trụ trì chùa Phước Hậu - Trà ôn và Thiền sư Trí Tịnh của Phật học đường Liên Hải...



Đó là tình trạng của Phật giáo Việt Nam hiện tại. Xin các con thấy được điều đó mà tỉnh dậy. Mục đích của người tu không phải là đi tìm những tiện nghi vật chất và tình cảm mà để trở thành một vị Thầy lớn có khả năng dựng tăng, độ đời, thành tựu được sự nghiệp của một người tu và thực hiện được như tâm bồ đề hùng mạnh của mình lúc ban đầu.

Quan niệm về Pháp thân ban đầu của Phật giáo nguyên thủy chỉ là cái hiểu về giáo lý căn bản của Bụt và những phương pháp cụ thể để tu tập, xử lý niềm đau, chế tác hỷ lạc và giải thoát cho mình, cho mọi người. Pháp thân chỉ có nghĩa đó mà thôi và pháp thân có thể trường tồn nếu mình biết cách trao truyền lại cho các thế hệ tương lai.

Nhưng cho đến khi truyền thống Yogacara ra đời (khoảng thế kỷ thứ năm, thứ sáu) thì bắt đầu phát hiện ra quan niệm Thân tịnh Pháp thân Tỳ lô giá na Phật (Vairocana tathagatha). Pháp thân ở đây không còn là cái hiểu và phương pháp tu học nữa mà chính là vũ trụ (cosmic body), là Pháp giới thân. Bụt không còn là cái hiểu và cái hành, mà chính là vũ trụ. Nếu mình lắng nghe tiếng gió, tiếng chim, quan sát cây cối, chim chóc thì thấy rằng tất cả những hiện tượng ấy đều đang thuyết pháp. Nếu mình biết lắng nghe thì mình sẽ nghe Tứ đế, Bát chánh đạo, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần, Bát thánh đạo phần. Bụt vẫn còn đó, chưa bao giờ tiêu diệt cả và Bụt vẫn tiếp tục thuyết pháp qua vũ trụ. Như vậy Bụt chính là vũ trụ, mà Bụt cũng là Thượng đế tạo ra vũ trụ. Điều này đưa quan niệm pháp thân tới rất gần với quan niệm Thượng đế của các tôn giáo khác. Nó cũng có cái rất hay, vì đã tạo ra một nguồn cảm hứng thi ca rất lớn trong Phật giáo đại thừa. Trúc tím, hoa vàng, trăng trong, mây bạc đều là những biểu hiện cụ thể của pháp thân và tất cả những hiện tượng mầu nhiệm đó đều đang thuyết pháp cả. Đó là tính cách nên thơ rất lớn của Phật giáo đại thừa.

Tiếp theo là quan niệm về Báo thân. Trong Duy Biểu, người ta nghĩ rằng Bụt là người có công hạnh rất lớn. Không có lẽ báo thân của Ngài chỉ là một con người nhỏ bé, cao một trượng sáu như vậy thôi hay sao? Và vì vậy người ta tưởng tượng báo thân Bụt rất lớn, lớn đến hàng trăm trượng. Mà chỉ có người chứng đạo mới thấy được báo thân Bụt. Ba mươi hai tướng đẹp, tám mươi tướng tốt, rất mầu nhiệm, đó là Bụt ở trên trời. Và đó mới chính là Bụt. Còn cái con người nhỏ bé, một trượng sáu, ngồi kiết già trên tọa cụ ở trong rừng chẳng qua chỉ là một hóa thân của Bụt thôi, chưa phải là Bụt. Điều này cũng đã ảnh hưởng tới kinh Pháp Hoa.

Kinh Pháp Hoa nói: Bụt không phải chỉ là đức Sakyamuni đang ngồi thuyết pháp cho đại chúng ở núi Thứu, mà Bụt có hóa thân đầy giẫy khắp nơi trên thế giới, và nếu cần Ngài có thể gọi hàng triệu ngàn ức hóa thân của Ngài trên khắp thế giới trở về, cho nên con người nhỏ bé này không quan trọng gì mấy. Vì vậy người ta bị cuốn theo, bị chìm đắm ở trong quan niệm Pháp thân và Báo thân mà coi thường Bụt như là một con người.

Trong bài Trường ca Avril, Thầy cũng đã có một câu "bông hoa vẫn chưa ngưng lời hát ca". Bông hoa trong rừng sâu cũng là Bụt của pháp thân, và bông hoa chưa bao giờ từng ngưng thuyết pháp, chưa bao giờ ngưng lời hát ca. Đó cũng là ảnh hưởng của ý niệm về pháp thân của Bụt.

Bụt là vũ trụ. Vũ trụ là thân, là pháp giới thân của mình, gọi là cosmic body. Điều này cũng đúng. Ví dụ tất cả các đám mây hay tất cả các đợt sóng đều có thân đại dương của mình. Mình không phải chỉ là một đám mây, mình không phải chỉ là một đợt sóng. Mà mình chính là đại dương. Điều này cũng là sự thật. Cho nên khi người tu trẻ đi vào trong chùa thì không được gặp Bụt như một con người, mà chỉ được gặp Bụt như một Thanh tịnh pháp thân Tỳ lô giá na, hay một Viên mãn báo thân Lô xá na (Locana). Ngay trong bài cúng dường quá đường, tất cả đều bắt ấn cát tường và tụng "Cúng dường Thanh tịnh pháp thân Tỳ lô giá na Bụt, viên mãn báo thân Lô xá na Bụt ", rồi mới đến "thiên bách ức hóa thân Thích ca mâu ni Bụt".

Thầy nhớ hồi đó ở chùa Ấn Quang có sinh viên các trường Đại học như cô Chi, cô Nhiên, cô Bích, cô Phượng và các anh Bá Dương, Huệ Dương, Chiểu, Khá, Cương…tới thăm Hòa Thượng Thanh Từ. Thầy Thanh Từ hồi đó còn trẻ lắm và vẫn chưa bắt đầu nghiên cứu Thiền. Thầy Nhất Hạnh có chép ra một số bài kệ Thiền của các vị Tổ Thiền tông Việt Nam đời Lý, đời Trần và tặng Thầy. Hòa Thượng Thanh Từ hồi đó còn là một vị Giáo thọ trẻ, rất thích những bài kệ này và từ đó mới bắt đầu nghiên cứu về Thiền.

Thầy ngồi đó nghe mấy thầy trò họ nói chuyện. Cô Phượng (tức là sư cô Chân Không) nói rằng: Bạch Thầy, Thầy dạy là Thân này là bất tịnh, ở trong đó có đàm, có dãi, có phân, có máu, có tanh, có hôi… mình không nên thương. Nhưng khi con quán chiếu, con cũng có thấy trong Thầy cũng có phân, có nước tiểu, có đàm có dãi… nhưng tại sao con vẫn thương? Tại sao vậy? Thầy cười mà Thầy không hề trả lời cho đám sinh viên này. Thành ra câu hỏi đó chứng tỏ rằng quán thân bất tịnh không có hiệu nghiệm. Tuy miệng thì cứ lặp đi lặp lại "thân bất tịnh, thân bất tịnh" hoài, vậy mà tâm vẫn thương như thường, vẫn bị vướng mắc như thường. Điều này cũng đúng với chuyện thọ thị khổ, như ăn ớt cay, cay quá nhưng vẫn cứ ăn.

Thầy nhớ hồi đó cô Phượng, cô Nhiên, cô Chi, cô Bích, cô Nga và nhiều người khác tới thăm Thầy Thanh Từ, thấy Thầy có một hộp bánh bích quy. Mấy chị em mới nói nhỏ với nhau: "Thầy không biết là trong bánh này có trứng, có bơ thành ra mình để cho Thầy ăn cái này là tội. Mình nên rủ nhau ăn hết đi thì Thầy khỏi ăn, khỏi tội".Và rứa là mấy đứa cứ mở hộp ra ăn. Còn dư mấy chục cái thì đem về luôn, không cho Thầy ăn. Còn Thầy thì hồi ở Princeton, có lần đi lớp học thì mở cửa sổ rộng ra và đi xuống lầu. Trong khi Thầy vắng mặt thì có một con sóc nhảy từ cây phong đi vào phòng Thầy và tự động mở hộp bánh bích quy của Thầy và ăn gần hết. Thầy về tới thì không còn bao nhiêu bánh trong hộp nữa. Chắc nó cũng sợ Thầy ăn bánh bích quy tội nên đã ăn giúp Thầy.

Ban đầu thì giáo lý Bất tịnh để trừ khử quan niệm về Tịnh. Nhưng mình cứ cho Bất tịnh là một chân lý tuyệt đối mà không biết rằng đó chỉ là một phương pháp khử độc. Còn "Thọ là khổ" có nghĩa là cái cảm thọ hạnh phúc mà anh đang có không thực sự là hạnh phúc đâu, mà chỉ là đau khổ thôi. Những cái mà anh đang cảm nhận đó nó có thể có cái bề ngoài là vui, kỳ thực tất cả Thọ đều là khổ. Thọ là khổ đã trở thành một giáo điều rất nặng. Trong khi đó, trong Tâm Lý Học Phật Giáo nói Thọ có ít nhất là ba loại: Khổ thọ, Lạc thọ và Xả thọ. Tại sao mình lại nhồi sọ mình như thế? Với lại mình không biết rõ rằng cái khổ và cái vui đều có liên hệ với nhau. Nếu không có cái này thì không có cái kia. Ví dụ như mình không biết lạnh là gì thì đến khi mình được mặc vào một cái áo len rất ấm thì mình đâu có thấy hạnh phúc? Vì vậy không có cái khổ thì không có cái vui, không có khổ đau thì không có hạnh phúc, hai cái tương tức với nhau. Điều này rất rõ trong Phật giáo đại thừa sau này. Phật giáo đại thừa khám phá ra được những viên ngọc bị chôn vùi trong Phật giáo nguyên thủy, mà Phật giáo tiểu thừa không thấy được.

Cho nên cái học trong chùa lâu nay có tính cách nhồi sọ rất nhiều. Đạo Bụt là một truyền thống rất cởi mở, nói rằng trong khi học hỏi mình phải dùng trí tuệ của mình để phán xét chứ đừng học như một con vẹt, đừng bị kẹt vào những giáo điều, dầu là những giáo điều Bất tịnh, Khổ, Vô thường và Vô ngã.

Ngày xưa là một vị giáo thọ trẻ, nhờ có óc phán xét, phê phán cho nên Thầy thấy có những điều bất ổn ngay trong các kinh văn, chứ đừng nói gì đến trong các bộ Luận. Tính cách giáo điều, nhồi sọ khá nặng. Nhưng mình là người có lòng rất là hiếu kính đối với các thế hệ tổ tiên, đối với chư tổ, cho nên mình không dám nói. Nhưng trong lịch sử, thỉnh thoảng có những vị Thiền sư dám nói, như Thiền sư Lâm Tế chẳng hạn. Ngài nói: "Tụi bây là đồ ngu, tụi bây muốn ra khỏi Tam giới hả? Ra khỏi Tam giới thì tụi bây đi đâu?" Không có nghĩa là không có những người thông minh, không có những nhà cách mạng trên phương diện tư tưởng.

Cũng vì thái độ hiếu kính đó cho nên tuy Thầy thấy những điểm sai lầm trong Kinh và trong Luận nhưng Thầy tìm cách cắt nghĩa khác hơn để tìm cách cứu chữa cho các vị mà không dám động tới, không dám nói rằng các vị sai. Nhưng trong thập niên gần đây thì Thầy thấy rằng Thầy không còn sợ nữa. Mình cũng đã lớn tuổi rồi. Mình phải nói ra những cái mà mình thấy. Cho nên trong năm, sáu mùa an cư kiết đông vừa qua, Thầy đã thẳng thắn nói ra những điều Thầy thấy là sai lầm, ngay trong các kinh văn căn bản như là Tâm Kinh Bát Nhã. Nhất là sau khi mình khám phá ra được những câu kinh quý như vàng, quý như ngọc ở trong kho tàng Phật Giáo nguyên thủy. Ví dụ trong Như Thị Ngữ (Itivuttaka) hay Vô Vấn Tự Thuyết (Udàna)và ngay chính trong Pháp cú Hán tạng có những câu như sau:

"Này các vị Tỳ Kheo, trên đời có cái có sanh, có diệt nhưng mà cũng có cái không sanh, không diệt. Trên đời có cái có và có cái không nhưng mà cũng có cái không có cũng không không. Trên đời có những cái tạo tác và được tạo tác, nhưng mà cũng có cái không tạo tác và những cái không cần được tạo tác. Trên đời có những cái gọi là hữu vi và vô vi nhưng mà vẫn có cái không hữu vi cũng không vô vi".

Những câu kinh như thế rất quý. Ngoài ra còn có những câu kinh khác như câu trong kinh Ca Chiên Diên (Katyàyana), Bụt nói rất rõ: "Phần lớn người đời thường bị kẹt vào ý niệm có hoặc là ý niệm không". Những câu kinh tuy rất ngắn nhưng chính nhờ những câu kinh căn bản đó mà mình có thể chữa lại những sai lầm trong toàn bộ kinh điển.

Mình có phải là tri kỷ của Bụt không? hay chỉ là một người đi theo Bụt một cách mù quáng, nói cái gì thì nghe cái đó? Muốn là người tri kỷ của Bụt thì phải có óc phán đoán, không phải là ai nói cái gì là mình nghe cái đó, dầu đó là lời của một vị tổ sư. Cho nên những cuốn sách như Tri Kỷ Của Bụt không hẳn là một cuốn giáo khoa Phật học. Có thể gọi là giáo khoa Phật học, nhưng đó là giáo khoa cao cấp. Tại vì đây không phải một cuốn sách có công dụng giải thích, cắt nghĩa, làm rõ ý, mà còn có tinh thần phê phán, chỉ ra những chỗ nào đúng, chỗ nào sai, chỗ nào liễu nghĩa và chỗ nào không liễu nghĩa. Vì vậy các con phải biết sử dụng như thế nào để có thể làm sống dậy tinh thần phê phán sáng suốt của đạo Bụt.

Ở trong kinh Kalàma có một lần nhóm người trẻ tới hỏi Bụt: Vị đạo sư nào đi ngang qua đây đều nói rằng giáo lý của họ là hay nhất, đúng nhất. Chúng con biết tin vào ai? Bụt dạy: các em đừng có vội tin một điều gì, dầu điều đó đã được chép trong kinh, hoặc do một vị đạo sư rất nổi tiếng nói ra. Những điều mình nghe, mình phải dùng Văn, Tư, Tu để mà xét lại cho kỹ, phải đem ra áp dụng. Nếu áp dụng mà thấy giải tỏa được những khó khăn, đau khổ, thấy rõ ràng đó là sự thật thì khi đó mình mới tin, chứ đừng vội tin vào bất cứ một cái gì mình mới nghe.

Rõ ràng là những kinh như vậy đã chứng tỏ đạo Bụt là một truyền thống rất cởi mở, rất thông minh, rất có tính phê phán. Nếu mình biến đạo Bụt trở thành một tôn giáo đầy giáo điều như các tôn giáo khác thì điều này rất là tội cho Bụt. Mình đã đánh mất phần tinh túy của Bụt và mình không còn là tri kỷ của Bụt nữa.

Thầy
Nhất Hạnh

Sắc màu chốn thiền môn

Sắc màu chốn thiền môn

Đăng lúc: 06:38 - 19/10/2015

Chính tại nơi này, một vùng ngoại ô thành phố, tôi đã tìm được cho mình một chốn bình yên. Chốn bình yên với những gam màu vẽ nên cuộc sống, những sắc màu bình dị, đơn sơ và thanh khiết như chính tâm hồn của những người thầy đáng kính. Rồi mai đây giữa dòng đời xuôi ngược, dẫu đắng lòng trước thay đổi thịnh suy, tôi sẽ không bao giờ quên những gì đang hiện hữu.



Khi vạn vật còn đang chìm trong giấc ngủ mơ màng, khi đàn gà con còn chưa muốn bước ra khỏi cửa chuồng để kiếm ăn, khi ông mặt trời còn chưa trở mình vươn vai thức dậy phía hừng đông thì hồi chuông báo thức đã vang lên, báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Tiếng đại hồng chung ngân vang phá tan màn đêm tĩnh mịch. Trong màu vàng y rực rỡ, quý thầy đã tập trung về chánh điện để tụng thời kinh khuya. Màu vàng y thanh tịnh trang nghiêm, màu vàng sẫm của đất đỏ bazan, đó cũng chính là màu của sự nhẫn chịu. Nhẫn như đất, dẫu có ai thải vào đất hay vứt lên đất bất cứ thứ gì, đất cũng không nhàm chán hay giận dữ, đất âm thầm chuyển hóa.

Sau thời kinh khuya, mọi người cùng nhau quét dọn sân chùa. Khi âm thanh xào xạc của nhát chổi vừa ngưng thì vạn vật đã chuyển mình thức dậy. Tiếng chim đã bắt đầu réo rắt đầu cành, ánh nắng vàng xua tan giọt sương đầu ngọn cỏ. Trong bầu không khí trong lành ấy, chư Tăng và Phật tử xếp hàng lần lượt vào trai đường để dùng cơm. Dùng cơm sáng xong, tất cả cùng bắt tay vào công việc trong chùa, mỗi người một việc, không ai giống ai, có giống nhau chăng là nụ cười luôn nở trên môi của mỗi người khi chấp tác, hoặc giống nhau là sự nhiệt tình, năng nổ và hết mình trong công việc của mọi người.

Ấn tượng làm sao những buổi trưa hè của những ngày lễ, chủ nhật hay khóa tu, trong một sự hỗn độn màu sắc và âm thanh của thập phương bá tánh, những chiếc áo nâu và áo lam đang âm thầm làm việc, đẫm mồ hôi dưới trời nắng gắt. Vài vị thầy đang hướng dẫn cho các bạn nhóm Hộ pháp viên phát cơm cho Phật tử về chùa. Để có những phần cơm này, quý thầy và Phật tử trong chùa phải chuẩn bị từ đêm hôm trước. Nếu màu áo lam và áo nâu xen kẽ nhau trong khu vực nhà bếp với niềm vui phụng sự thì đâu đó vài tà áo lam và nâu đang lom khom nhặt những hộp cơm đã sử dụng xong với ước mong sân chùa được khang trang, sạch sẽ. Có lẽ từ quý thầy cho đến Phật tử trong chùa, ai cũng ý thức được những điều mình đang làm đem lại lợi ích gì và có ý nghĩa như thế nào.

Thế rồi dòng người đông đúc cũng đổ về muôn ngả, ánh nắng chiều soi rọi khắp lối đi, tiếng kinh chiều đồng vọng vang lên, khiến người lữ khách dừng chân nơi chốn thiền môn thanh tịnh, tìm lại sự bình yên trong sâu thẳm tâm hồn. Có ai đó đang ngồi nơi góc sân chùa, lắng nghe từng lời kinh tiếng kệ. Màu hoàng hôn buông phủ muôn nơi, nhưng không buồn bã thê lương mà an bình tĩnh lặng. Tiếng mõ vang đều được điểm xuyết thêm tiếng chuông ngân, càng làm cho không gian thêm trầm lắng. Có ai đó muốn dừng lại cuộc rong chơi, để ngồi đây lắng nghe niềm an lạc đang lan tỏa trong từng hơi thở. Thời kinh rồi cũng qua đi, mọi người cùng ngồi im, lắng nghe tâm mình hướng về Đức Phật. Phút tĩnh lặng tuy ngắn ngủi, nhưng cũng đủ để mọi người lấy lại năng lượng sau một ngày dài mệt nhọc và nhìn lại chính bản thân mình.

Sau thời kinh tối, ánh đèn khu Tăng xá lại sáng rực lên, soi rọi cho những hành giả xuất gia tìm về với lời dạy của Thế Tôn trong từng trang kinh sách. Trong màu nâu sòng giản dị, các thầy học hỏi và nghiên cứu giáo lý của đức Phật để sau này tiếp bước dấu chân xưa, gánh vác trọng trách thiêng liêng mà đức Thế Tôn và các bậc Tổ sư khi xưa truyền lại. Đâu đó trong ánh đèn phố thị ngoài kia, có người đang chén tạc chén thù bên mâm cỗ, có người đang say đắm ái ân. Nhưng tại đây cũng có những người còn rất trẻ mà lòng tràn đầy nhiệt huyết, đang âm thầm nuôi dưỡng thiện tâm, đang gầy dựng những hoài bão, ước mơ tốt đời đẹp đạo. Ngày cũng dần tàn mà ánh đèn đêm vẫn còn rực sáng, thế nhưng có người vẫn dành một ít thời gian còn lại của ngày để tĩnh lặng tâm tư, nhìn lại chính mình và sau đó chìm vào giấc ngủ bình yên.

Dẫu biết rằng, dòng đời còn quá nhiều ngang trái, có lắm người mượn đạo tạo đời, làm nhiều điều không đúng với chánh pháp, làm mất đi hình ảnh thiêng liêng và cao cả của chư Tăng. Thỉnh thoảng những hình ảnh, tin tức không hay được đăng tải trên các ph ương tiện truyền thông đại chúng. Thế nhưng chắc chắn rằng đâu đó vẫn còn rất nhiều những người thầy vững tin vào con đường giải thoát, đang giữ mình khỏi những cám dỗ xa hoa và tìm về với ánh đạo thiêng của Phật Đà. Có những người thầy tuy tuổi đời còn rất trẻ và tuổi đạo không cao, nhưng luôn ấp ủ những hoài bảo cao vời muốn giúp đời vơi đi khổ não. Và ở một nơi xa xôi nào đó, có những người con Phật vì chúng sanh vì Phật pháp hành đạo độ đời. Nguyện cầu những hình ảnh này vẫn tồn tại mãi mãi với thời gian, sẽ không bao giờ phai nhạt. Nhân loại luôn được an vui hạnh phúc trong ánh sáng từ bi.

Kính Đức.

Những nẻo đường nhận thức

Những nẻo đường nhận thức

Đăng lúc: 20:10 - 28/06/2015

Bạn bè thân thiết, kể cả một số quý thầy, thỉnh thoảng vẫn hỏi tôi: Đi qua đi về mấy mươi năm, đi ngang đi dọc nhiều lĩnh vực, nhiều bộ môn, đi xuôi đi ngược nhiều con đường trên thế giới…, liệu có cái gì đúc kết, tổng hợp được không?
Nhiều năm qua đã nhiều lần tôi muốn “đúc kết”, nói “ngắn gọn” thử xem. Nhưng thực là khó. Hình như biết càng nhiều thì kiến thức càng bung ra, càng phân kỳ. Thế nhưng, cũng có cái lạ là càng phân kỳ, càng biết nhiều, ta lại càng khám phá nhiều tương đồng hội tụ. Vật chất trong khoa học đối với sắc thể trong Phật học; tâm lý học của phương Tây đối với Duy thức trong Phật giáo…, các kiến giải có khác nhau bao nhiêu những cái đồng quy của những lĩnh vực đó càng tàm ta kinh ngạc, kính sợ vể một thế giới mà ta đang sống.

Tâm hồn bé nhỏ của tôi cũng chỉ là một trái banh bị những kiến giải vô tận và khác biệt x đó đá tung đi khắp các hướng. Thường thì con người sẽ bị lạc hướng. Nhưng tôi còn chút may mắn. Trước những tri kiến và thông tin vô cùng khác biệt đó, tôi nhớ những lời của Phật, vốn nghe được từ hồi nhỏ. Thí dụ nghe những khoảng cách của không gian và thời gian cực bé của Max Planck, tôi nhớ đến “sát-na” của kinh Phật. Các hạt được mệnh danh là “hạt giả” trong thế giới hạ nguyên tử làm tôi nhớ đến thuyết “Vô ngã”. Thậm chí, nhìn trái banh bi-da chạm nhau chạy trên bàn tôi cũng liên tưởng đến nguyên lý duyên khởi, cái này có thì cái kia có.
Nhờ “cố thủ” trong các nguyên lý của Phật pháp, tôi bớt đi được chút hoang mang và hỗn loạn trong tâm. Nhờ đó tôi tự giải thích đôi chút tri kiến trong các ngành khoa học hiện đại, các pháp môn xa lạ, thậm chí hiểu được giáo lý của các tôn giáo khác. Thế nhưng, để “đúc kết tổng hợp” được một điều gì sâu xa và do chính mình thực chứng thì thực là đáng phân vân.
Thế nhưng, cũng có ngày ta phải về lại cố quốc, trải lòng tâm sự với bạn bè chứ, tôi tự nhủ. Tôi bỗng nhớ hình ảnh của Ôn Châu Lâm nửa thế kỷ trước trong căn phòng mờ tối trên chùa, của Ôn Thiện Siêu mà mình có dịp được dùng cơm riêng, một điều mà về sau tôi mới biết là vô cùng hiếm có. Mình phải về và trình pháp với quý Ôn, quý thầy, đã viên tịch hay còn hiện tiền những gì mình học hỏi, sau 45 năm đi qua đi về.
Thế nên hôm nay tôi liều chọn một đề tài khá bao quát, đầu đề của nó là “Những nẻo đường nhận thức”. Đầu đề nghe quá to tát, nhưng thực ra tôi chỉ nó về những kinh nghiệm và nhận thức của riêng mình. Nó sẽ có tính chất chủ quan và có thể khác lạ, hoặc hơi kỳ cục so với thông thường. Tôi không có một chút ý định nào thuyết phục người nghe vì phần lớn là các trải nghiệm trong tâm. Tôi cũng thấy thật là khó khăn khi diễn bày những cảm nhận trong tâm bằng ngôn ngữ.
Nhận thức là hoạt động suốt cả cuộc đời chúng ta, tôi thấy có nhiều chiều kích, hay nhiều nẻo nhận thức.
1. Nhận thức bằng cách nghe.
Nghe là cách học vấn và nhận thức cổ điển nhất của loài người. Trong thời kỳ mà chữ viết chưa hình thành, người ta chỉ học bằng cách nghe. Khoảng hai ba ngàn năm trước, tại phương Đông, kinh Vệ Đà hay các bài giảng của Phật Thích- ca tại Ấn Độ đều là những bài thuyết giảng cho người đến nghe. Tại Hy Lạp phương Tây thì những nhà hiền triết như Platon, Aristotl đều thuyết giảng cho người tìm đến nghe chuyện.
Thế nên, “nghe” là cách nhận thức cổ điển và xem ra hiệu quả nhất của con người. ở đây ta hiểu “nghe” là trực tiếp nghe lời nói của vị thầy, thông qua ngôn ngữ mà lĩnh hội những điều vị ấy nói. Không cần dài lời, cách học hiệu quả nhất là trực tiếp đến với thầy, nghe giảng vả thảo luận với vị đó.




Nghe là nghe âm thanh, tiếng nói từ bên ngoài. Qua tai, âm thanh, tiếng nói từ bên ngoài vào tâm ta rồi ý thức dựa trên đó mà nhận thức vật ở bên ngoài. Đó là quá trình thông thường của nghe. Nhưng cũng có khi ta nghe bên trong, nghe ‘vận động bên trong tâm”.
“Rong chơi râu tóc bạc phơ
Còn nghe đắm đuối vần thơ yêu người
Người đi ở cuối chân trời
Có nghe tình mộng nửa đời dằng dai…”
(Bùi Giáng)

Nghe của Bùi Giáng là tâm nghe tâm. Thế nên, “nghe” không chỉ là lỗ tai nghe âm thanh. Tâm nghe tâm là tâm tự lắng nghe chính mình, hay chính xác hơn là nghe những diễn biến trong mình. Nói vậy chứ không phải đơn giản, vì “diễn biến trong tâm” thường kéo dẫn chúng ta đi theo mà ta không hề biết. “Diễn biến trong tâm” chính là tâm chúng ta. Hình ảnh trong gương chính là tấm gương. Tâm nghe tâm là tự tách mình đứng bên dòng chảy của tâm và lắng nghe nó. Thế nên Bùi Giáng không hề điên mà rất tỉnh, vì tỉnh táo mới nghe được diễn biến trong tâm mình.
Thế nhưng, còn một dạng khác nữa của nghe. Đó là một dạng thụ động của nghe. Nghe một cách thụ động, không dụng công nghiêng tai nghe cái này hay cái khác, bên trong hay bên ngoài. Không dụng công nhưng chú ý, chú ý nhưng không dụng công. Chú ý trống rỗng. “Trống rỗng ở đây tức là thụ động, chú ý nhưng không có đối tượng chú ý. Thụ động để cho cái gì đến thì cứ đến, không phân biệt trong ngoài, không phán đoán đúng sai thiện ác, không để lôi kéo dẫn dắt, chỉ giữ chú í thuần túy. Nghe nhưng không trụ vào đối tượng nghe, chỉ thuần túy ghi nhận.
Thực sự có dạng đó của nghe. Khi đó thì hầu như cũng không có người nghe, chỉ có một cái nghe đang vận hành. Khi đó thì tính nghe đồng nghĩa với tính biết. Khi đó thì những cái được nghe, hay chính xác hơn là những cái được biết dường như “bóc tách” khỏi tâm ra và lơ lửng trong không gian trống rỗng.
2. Nhận thức bằng cái thấy
Các bạn hãy thử xém, cáo mà chúng ta thấy là cái gì của sự vật?
Hãy quan sát một cái quạt máy. Quạt máy khi đứng yên chỉ có 3 cánh quạt, ở giữa các cánh quạt là không gian trống rỗng. Khi quạt quay nhanh thì không còn ba cái cánh nữa mà chúng biến thành một cái đĩa tròn dày đặc liên tục. Do quạt quay quá nhanh nên đĩa tròn xuất hiện. Không những đĩa tròn xuất hiện mà nó còn có tác dụng như một cái đĩa thật, tức là không thể đút ngón tay xuyên qua nó. Ném trái bóng bàn vào quạt, bóng sẽ dội ra thật.
Nguyên tử của vật chất cũng vậy. Nguyên tử thì trống rỗng hơn trăm vạn lần cât quạt ba cánh của chúng ta. Nguyên tử có nhân và âm điện tử quay quanh. Kích thước nguyên tử gấp 100.000 lần so với hạt nhân, ở giữa trống rỗng. Nó trống rỗng đến nỗi nếu hạt nhân lớn gần bằng trái bóng đá thì nguyên tử lớn hơn cả sân vận động. Khi đó thì hạt nhân là trái bóng nằm ở giữa sân, còn âm điện tử chỉ như vài chục khán giả loe ngoe ngồi trên khán đài xa lắc trong một trận cầu tẻ nhạt. Nguyên tử trống rỗng và buồn tẻ như vậy nhưng nó xây dựng nên toàn thế giới vật chất.
Nguyên tử trống rỗng như thế sao ta không đi xuyên qua được cánh cửa? Sao chiếc ghế ta ngồi chật cứng? Sao khắp nơi đều hiện lên vật thể chắc nịch? Lý do là âm điện tử, một trong các hạt cơ bản không chịu đứng yên, chúng quay và quay rất nhanh làm ba cánh biến thành cái đĩa tròn, có tác dụng như chiếc đĩa tròn. Còn do các hạt của nguyên tử quay nhanh mà hiện thành thế giới thiên hình vạn trang, cứng chắc, dày đặc. Do đó chúng ta mới ngồi đây mà không lọt tõm xuống tầng dưới.
Nghĩ thế nên thú thật tôi không bỏ được ý tưởng cho rằng thế giới này là ảo. Về chiếc quạt máy, hỏi có đĩa tròn thật không, tôi sẽ nói có nhưng không thực có. Không có nhưng “coi như” có. Cúp điện thì đĩa biến mất. Lại nữa, đĩa chỉ có với tôi nhưng không có đối với một cái máy chụp ảnh vận tốc nhanh. Cái camera sẽ nói đâu có đĩa tròn, chỉ có ba cánh. Cũng như thế, những gì mà ta thấy trong thiên nhiên chỉ là sự vật hiện tướng lên thế thôi. Chưa hết, chúng không chỉ hiện tướng lên một cách mờ ảo, mà chúng tác dụng cũng rất mạnh mẽ. Đó là cái “dụng” của sự vật. Quạt không chỉ hiện tướng đĩa tròn, nó còn ngăn vật lọt qua, cho gió mát.
“Dụng” của đất nước gió lửa mạnh mẽ thế nào ai cũng biết. Toàn thể tiến bộ khoa học kỹ thuật là sử dụng cái “dụng” của sự vật. Nước dâng được thuyền lên qua đó người ta chế tạo ra tàu bè. Nước cũng có sức nặng đáng lể làm đắm tàu bè nên nhờ đó người ta chế tạo tàu ngầm. Nhưng “dụng” của nước không bất biến, khi nước sôi lên thành hơi thì nước vô dụng trong chuyện tàu bè, nhưng người ta lại dùng nó làm tuốc – bin sản xuất điện.
Nếu hỏi thế thì cài “thể” đích thực của đĩa tròn là gì, tôi trả lời nhanh là ba cánh. Nhưng hỏi cái “thể tính” đích thực của thiên nhiên đất nước gió lửa là gì thì hầu như không ai trả lời được. Ta không thể biết được thể tính sự vật.
Vật chất chỉ hiện tướng thế thôi. Nhưng điều này còn có một cái lắt léo nữa: nó hiện tướng không phải cho ai cũng như nhau, nó không hề khách quan mà nó hiện tướng tùy theo “trình độ” của người nhìn nó. Đối với người điếc thì thế giới toàn màu sắc và sự lặng yên; đối với người mù thì thế giới đầy âm thanh và màu đen; đối với người mù màu thì thế giới chỉ có hai màu đen trắng; đối với loài có khứu giác nhạy bén thì thế giới nhấp nhô toàn cả mùi; đối với chiếc camera thì đĩa tròn là ba cnahs quạt. Thậm chí khi ta di chuyển nhanh thì không gian thời gian đã khác, ta bay thật nhanh thì thế giới hiện ra méo xẹo, cô hoa hậu sẽ không còn là hoa hậu nữa.
Thế thì thế giới hiện lên với ta tùy theo khả năng mức độ của ta. Heisenberg, nhà vật lý lượng tử cũng nói đại ý “thiên nhiên là câu trả lời trước sự vấn hỏi của con người”. Ta thắc mắc thế nào thì thiên nhiên đáp lại theo cách hỏi của ta. Thế nên cái thấy của ta có hai điều đáng nhớ, một là điều ta thấy chỉ là tướng trạng của sự vật, không phải thể tính thực của nó; hai là nó mang tính chất, mang chữ ký của người ngắm nhìn nó.
Chúng ta ít khi nhớ đến hai tính chất đó, tin rằng thế giới bên ngoài là khách quan và là thực như thế. Hầu như tất cả chúng ta là nhà “duy thực”.
Nếu có ai ngồi xuống lặng yên, chú ý quan sát sự vật với tâm rỗng rang không dụng ý, không ép uổng hoàn toàn thụ động trong sự chú ý trống rỗng, không trụ vào đối tượng như đã nói trên trong phần nghe, người đó sẽ tiến đến một trạng thái lạ. Đó là một tình trạng không có người thấy mà một cái thấy chiếu hiện, cái thấy đó bao gồm cả người thấy lẫn vật bị thấy. Người đó vẫn thấy sự vật như trướ, nhưng trong tâm sinh ra một cảm nhận. Đó là cái thấy hiện lên như một sự tương tác của vật bên ngoài và tâm bên trong. Sự tương tác này sinh ra một cái thấy, cái thấy đó chiếu lên thành cảnh, bao gồm cả người thấy và vật bị thấy. Như một giấc chiêm bao chiếu lên thành cảnh, gồm cả người và vật như trên sân khấu của tâm.
3. Nhận thức bằng cách quan sát (thân và tâm)
Nhận thức bằng cách nghe, nhận thức bằng cách thấy chính là “mở” hai giác quan tai và mắt, cho hai cái nghe và cái thấy vận hành. Quan “nghe” và “thấy” hầu như toàn thể thế giới hiện ra quanh ta.
Bên trên, tôi có nói thế giới hiện lên theo mức độ của người thấy. Thế thì bây giờ hãy thử quan sát chính mình, quan sát chính thân tâm mình.
Thân tâm chúng ta là gì? Là một tập hợp to lớn vận hành một cách tự động, không cần chúng ta lưu tâm đến. Thân chúng ta trung bình trong 30 giây thực hiện những thao tác sau đây: tim đập 36 lần, thở ra vào 8 lần, sản xuất 72 triệu hồng huyết câu, máu chảy một đoạn đường 7km, sản xuất 100w năng lượng. Thân của chúng ta quả đang vận hành và đang vận hành với một công xuất kinh khủng. Chúng ta tưởng mình là chủ nhân nhưng thật ra rất hạn chế. Đúng ra là, các bộ phận của thân tự mình thao tác, trong một chương trình nhất định.
Còn tâm chúng ta vận hành như thế nào? Muốn biết cũng không đơn giản. Cái “nghe” của Bùi Giáng là tâm nghe tâm, không phải việc dễ làm.
Thế nhưng hãy ngồi xuống, thật lòng xem điều gì xảy ra trong tâm, không chờ đợi mong cầu bất cứ điều gì, nhất là đừng mong một phép lạ, hình ảnh hay quyền năng gì sẽ xảy ra. Đừng ép uổng tâm mình phải yên lặng, rỗng rang, vô niệm hay bất cứ điều gì. Đừng nghĩ đến thành công hay thất bại. Cứ tỉnh táo quan sát xem sao.
Đầu tiên hầu như ai cũng rơi vào một sự lộn xộn, hỗ loạn trong tâm. Thường là hình ảnh của quá khứ gần, của tối hôm qua, sáng hôm kia trở về lộn xộn. Chúng lôi kéo ta đi cả phút, cả chục phút. Ta giật mình thấy ra mình chỉ ngồi suy nghĩ mông lung. Lát sau nữa thì lưng bắt đầu đau, chân bắt đầu nhức và ta sẽ sớm chấm dứt các bài quan sát tâm.
Thế nhưng, nếu kiên trì, tỉnh táo và chú ý, thường thì phải sau vài tháng hay vài năm, ta sẽ nhận ra một điều đơn giản trong tâm. Đó là một dòng hoạt động tâm lý cứ trôi chảy liên tục trong ta. Ban đầu có lẫn vui buồn thương nhớ, về sau cảm xúc ít đi nhưng tâm luôn luôn có hình ảnh, có âm thanh. Đặc biệt, trong âm ta luôn luôn có lời, khi thì đối qua, đáp lại. Luôn luôn có lời nói thầm trong tâm, tôi tạm gọi là “Tâm ngôn”.
Nếu một người luôn luôn nói lảm nhảm, ta gọi hắn là điên. Nhưng thực tế chúng ta cũng luôn nói lảm nhận, chỉ khác với người điên là không nói ra thành tiếng. Các hình ảnh, âm thanh đó trôi chảy như một dòng không bao giờ dứt. Đặc biệt nó không nằm dưới sự điều khiển của ta, nó “tự động” vận hành, như tim phổi chúng ta tự vận hành không cần ta lưu tâm đến. Ai không tin tâm tự vận hành thì hãy nhớ những đêm mất ngủ, ta chỉ mong tâm đừng nói nữa những nó vẫn cứ nói. Và nếu may ta rơi vào giấc ngủ, tâm vẫn tiếp tục nói, sinh ra những giấc mơ.
Thế là tâm nói 24/24. Đừng nghĩ tâm chỉ nói những điều tào lao. Nó cũng rất hây nói những điều cao đẹp, thánh thiện. Tâm ngôn là một tên gọi khác của tư tưởng.. Dù là tư tưởng cao đẹp hay tiếng đối đáp liên tục thường tình của nội tâm, ta nhận ra một điều giản đơn, đó là “cái tôi” không điều khiển được tâm mình, kể cả khi ngồi thiền. Tâm dặn tâm những điều cao đẹp cũng là tâm ngôn. Khi ngồi xuống tự nhủ “hãy lặng yên” thì lời đó cũng chính là tâm ngôn.
Nếu tỉnh táo, kiên trì quan sát thêm vài năm nữa, lúc này thì 10 người đã bỏ cuộc hết 8, 9, ta thấy một điều lạ. Đó là phát hiện ra rằng những điều trong tâm, vui buồn thương nhớ, hình ảnh âm thanh, chúng đến và đi không để lại dấu vết nào cả. Ví như đốt một cây diêm. Một ngọn lửa phát ra. Chục giây sau ngọn lửa tàn. Trước khi ngọn lửa phát ra thì không có lửa, sau đó khi tàn cũng không còn lửa. Không thể nói lửa từ đâu đến và đi về đâu. Lửa chỉ là một hiện tượng nhất thời, đủ điều kiện thì hiện ta. Cũng như thế, đám nây trên bầu trời cũng là một hiện tượng nhất thời. Toàn thể các hình ảnh và âm thanh trong tâm cũng là những hình ảnh nhất thờ. Chúng không đến từ đâu và đi về đâu. Có vị thiền sư nào đó đã nói: “chim hạc bay qua, bầu trời lại yên tĩnh không có dấu vết”. Câu nói nghe thô sơ vậy mà mô tả tuyệt diệu trạng thái của tâm. Trước đó là không, sau đó là không. Đây chính là yếu tính của Tính Không.
Thêm vài năm nữa, lúc này đã gần chục năm trôi qua, lúc tâm đã quen tỉnh giác, ta có thể bắt gặp từng khoảnh khắc của cái tức thời thì có cái lạ nữa sinh ta. Khi đó có tâm nữa, không có tâm ngôn, không có tư tưởng, không có độc thoại hay đối qua đáp lại mà kinh sách gọi là “Không tầm không tứ”, thù chỉ còn ánh sáng, âm thanh và hình ảnh. Cảm nhận của thân cũng biến mấ, như người vô hình. Cái trống rỗng trong tâm tâm như khoảng trống giữa hai đồ vật kê trong phòng. NHư một gian phòng vốn trống rỗng nhưng ta quá nhiều đồ đạc kê chật trong phòng, cái này sát cái kia. Nhưng khi lất đồ đi thì khoảng trống xuất hiện. Khi vắng bặt tâm ngôn thì tâm rỗng rang xuất hiện.
Chắc các bạn hiểu tôi nói gì rồi. Đó là tâm nguyên thủy của ta trống rỗng. Âm thanh, hình ảnh, tâm ngôn trong tâm ví như mây kéo đầy trời, che bầu trời xanh. Mây kéo suốt đời ta. Mây tạo hình thành cái vui cái buồn, cái thiện cái ác, ta chạy theo chúng. Mây còn tạo ra một cái đặc biệt, cái tôi. Cái tôi này cũng như mây được tạo tác ra thôi, nhưng nó tự hào đứng lên và nói ta là chủ các đám mây, cho rằng tất cả các đám mây thuộc cả về hắn.
Thực hành thêm vài năm nữa, và nếu may mắn, trong tâm xuất hiện một tình trạng lạ. Đó là tâm tự biết mình xưa nay vẫn có , nhưng mình hoàn toàn không có tính chất gì cả. Vừa có vừa không có. Có những trống rỗng. Trống rỗng nhưng sẵn sàng hiện tướng. Còn những thứ âm thanh, hình ảnh, tư tưởng, ký ức, cảm xúc… trong tâm đều là những thứ tạm thời xuất hiện. Chúng xem ra có vẻ ghê gớm, chắc nịch, có tác động to lớn khủng khiếp, nhưng khi hết hơi thì chúng không để lại dấu vết gì cả. Chúng chỉ hiện tướng và phát tác dụng, như quạt quay nhanh thì sinh chiếc đĩa tròn và cho gió mát. Lửa sinh ra thì phát sáng và sinh nhiệt, nhưng cúp điện thì đĩa tròn biến mất, hết củi thì ngọn lửa tàn. Sau đó là không có gì.
Tình trạng rỗng rang này của tầm đòi hỏi hành giả chú ý vào cái tích tắc tức thời, quan sát ngay tại đó. Nhưng hành động quan sát này là một hành động vô cùng thụ động. Chú ý nhưng thụ động, thụ động nhưng chú ý. Ta gọi là chú ý trống rỗng, chú ý nhưng không có đối tượng. Ngay từ “chú ý” cũng làm ta sinh lòng chủ động, nên gọi “ghi nhận” một cách thụ động thì đúng hơn. Nếu ta chủ động, dụng công ta sẽ vỡ cái đang là. Cũng sánh như trong vật lý lượng tử, khi ta chủ động đo lường, ta đã phá vỡ dạng sóng của thực tại để hạt sinh ra.
Thế nên vừa giữ thụ động, vừa chú ý, nói gọn là chú ý trống rỗng, là bí quyết của sự quan sát. Ta không lạ khi Phật giáo Tây Tạng hay nêu rõ Trí tuệ là thụ động, là nữ tính. Trong lúc đó phương tiện là chủ động, là nam tính. “Phương tiện” hay “phương tiện thiện xảo là chủ động, là dụng công can thiệp vào cái đang là, trong một tình trạng giác ngộ của tâm hoàn toàn tỉnh giác, sáng tỏ. Trong tình trạng giác ngộ của tâm thì tâm hoàn toàn thụ động nhưng lại hoàn toàn sẵn sàng sử dụng phương tiện. Khi đó Trí tuệ và phương tiện thống nhất với nhau làm một.
4. Nhận thức bằng suy luận tư duy
Tới bây giờ, tổng kết lại thì ta thất thế giới bên ngoài “chỉ” là trướng trạng khi vật chất đang vận động. Còn bên trong, thân cũng như tâm là một tập hợp to lớn hầu như không ai làm chủ. Nhất là tâm lại càng biến đổi nhanh chóng, liên tục, chớp nhoáng, khi có khi không. Cho nên khi ta ngắm nhìn thiên nhiên thì đó là một cái đang vận động nhìn một cái đang vận động khác.
Tư suy suy luận cũng là một hoạt động của tâm. Có hành giả coi nhẹ hoạt động của tâm. Có hành giả co nhẹ hoạt động của tư duy, nhưng thực ra tư tưởng, suy luận vô cùng quan trọng. Ý thức luôn luôn lập công đầu, “công vi thủ”. Thế thì, ta hãy xem tri kiến khoa học và đạo học nói gì về thế giới và liệu ta có chứng thực được không.
Những phát hiện của ngành vật lý hạt nhân cho thấy trong mức độ nhỏ nhất của vật chất, trong mức độ hạ nguyên tử, các hạt cơ bản tồn tại rất ngắn ngủi, khi có khi không, xem như hoán chuyển được với cái mà ta gọi là năng lượng. Thực tại vật lý có thể xem là trống rỗng, nhưng không phải là không có gì mà lại là một trường năng lượng rất lớn, khi đủ điều kiện thì sẵn sáng chuyển hóa trở thành hạt cơ bản. Hiện tại khoa học vật lý còn phát triển mạnh nhưng ta có thể tạm thời kết luận như thế.
Thế thì các vị thánh hiền phương Đông quan niệm thế nào? Trước hết có một điều vô cùng đáng ngạc nhiên, đó là các vị thánh nhân Phật giáo khái quát mọi hiện tượng cả tâm lẫn vật trong một khái niệm mệnh danh là “Pháp hữu vi”. Họ tóm chung hiện tượng tâm vật, xác định tính chất chung nhất của chúng là những “hiện tượng được tạo thành” (hữu vi – composed things). Tất cả những gì được tạo thành, dù là do nhiều phần tử khác hợp lại, hay do các điều kiện khác sinh ra, được gọi là pháp hữu vi. Như thế thì từ mỗi hạt nhân nguyên tử đến cả các thiên hà vĩ đại, đều là pháp hữu vi cả. Thân chúng ta và các cơ quan trong thân từ hơi thở cho đến các bộ phận cũng đều là pháp hữu vi. Chưa hết, cả mọi hiện tượng tâm lý cũng pháp hữu vi, vì tất cả đều sinh ra từ các điều kiện khác. Về triết học, đây là sự khái quát hóa cao nhất. Thế là mọi hiện tượng tâm vật trong thế gian đều là pháp hữu vi.
Như trên có nói, chúng ta đa số là nhà duy thực, ta xem các hiện tượng thế gian, nhất là cật chất và thiên nhiên đều có thực, chúng thực là như ta thấy chúng. CÒn các vị đó nói sao về “pháp hữu vi”, về tất cả hiện tượng thế gian? Họ nói như sau:
Tất cả các pháo hữu vi
Như cơn mộng, như ảo ảnh, như bọt nước, như bóng
Như sương mai, như ánh chớp
Nên quán chúng như thế
(Kinh Kim Cương, dịch bản chữ Hán của Cưu Ma La Thập)
Trong đoạn kinh trên, các vị nêu 6 ẩn dụ để mô tả thực tại tâm vật: cơn mộng, ảo ảnh, bọt nước, bóng, sương mai, ánh chớp.
Ta không rõ vì lý do gì mà dịch giả Cưu Ma La Thập không dịch hết các ẩn dụ trong bản Phạn ngữ. Trong bản Phạn ngữ có đến 9 ẩn dụ nư sau: “Như sao đêm, như mắt loạn, như ngọn đèn, như huyễn thuật, như sương mai, như bọt nước, như cơn mộng, như ánh chớp, như đám mây – những gì hữu vin nên được quán chiếu như vậy”.
Hãy bó qua con số 6 hay con số 9 của các dụ. Dù 6 hay 9, số lượng của các ẩn dụ này cho thấy một điều quan trọng. Đó là không có ẩn dụ, mô hình nào đúng hẳn cả, vì nếu có mô hình nào là thực tại thực sự thì hẳn các vị đã nói lên một cái duy nhất rồi. Ta có thể suy đoán là các vị thánh nhân thấy thực tại không thể dùng ngôn từ để diễn bày nen đành dùng lấy ẩn dụ, mô hình cho ta dễ hiểu. Cũng thế, trong vật lý lượng tử, ngôn ngữ thông thường hầu như không diễn tả được thực tại đầy “nghịch lý” của nó.
Thế thì ta có thể suy luận gì từ 9 mô hình, 9 ẩn dụ nói trên? Tính chất của các hiện tượng đó, thông qua các mô hình ẩn dụ, là ngắn ngủi, là tạm thời, biến đổi liên tục, có nhưng không thực có, trống rỗng, chỉ là mặt ngoài, thấy vậy nhưng không phải vậy.
Các tri kiến đó đối với ta đều là cái biết gián tiếp. Nhưng những ai đã từng ngồi xuống, lặng lẽ, thụ động, thực hành chú ý trống rỗng, nhắm nhìn quan sát và ghi nhận tâm mình và vật thể xung quanh đều có thể trải nghiệm lại một số các mô hình mà các vị thánh hiền đã nêu lên, đồng thời tự thấy thêm những hình ảnh khác. Thậm chí trong thế giới ngày nay ta có thể tự nêu lên những ẩn dụ mới mẻ, không cần dựa vào ẩn dụ kiểu cũ. Chiếc quạt máy theo tôi là một ẩn dụ dễ áp dụng.
Suy luận từ các ẩn dụ mô hình là vô cùng quan trọng vì là bảng chỉ đường trực tiếp nhất. Nhưng vì là bảng chỉ đường nên ta nhìn xong là đi tiếp, không dừng lại. Nếu dừng lại lập tức nó trở thành trướng ngại.
5. Nhận thức bằng cách buông bỏ
Đi tiếp nhưng đi đâu? Thật ra chẳng có đường sá gì cả. Cuối cùng “đi tiếp” là buông bỏ cho các pháp hữu vi tự vận hành. Thế nào là buông bỏ, buông bỏ cái gì?
Tới nay ta thường nghĩ, nhạn thức là một quá trình làm giàu thêm cho tâm. Nhận thức là thêm, thêm kiến thức, thêm kinh nghiệm, thêm phán đoán. Nhận thức chỉ có một chiều “thêm”.
Thế nhưng nếu khéo quan sát, ta sẽ thấy kiến thức và kinh nghiệm là một con dao hai lưỡi. Kiến thức giúp ta hiểu thấu sự vật nhưng đến mức nào đó nó hình thành chướng ngại. Cái thấy sinh cái biết, đến phiên nó cái biết lại ngăn cản cái thấy.
Đóa hoa vừa xuất hiện trước mắt. Ta chưa kịp thưởng thức nó thì khái niệm về hoa và kinh nghiệm trong ta liền lên tiếng: “Đây là loại hoa hồng gai mềm hay trồng tại Đà Lạt. Có nhiều màu đẹp hơn nhiều”. Ta không thấy thực tại mà chỉ nghe lời nói của chính ta. Cacis biết cũ xưa về hoa đã ngăn ta thấy đóa hoa tinh khôi.
Nếu so sánh kiến thức như những viên gạch nằm trong kho chứa khổng lồ của tâm thì kiến thức và kinh nghiệm thường rất hay có khuynh hướng tự mình xây nên một lâu đài và giam giữ ta trong đó. Có ai nói: “Có thể xây địa ngục bằng những viên đá của thiện chí” thì ở đây ta có thể nói nhại rằng: “Có thể xây lâu đài trú ẩn bằng những viên đá của kiên thức và kinh nghiệm”.
Có lẽ chúng ta từng thấy rất nhiều người, phần lớn là lớn tuổi và nhiều kiến thức tự xây cho mình một lâu đài của thành kiến, kinh nghiệm, khái niệm, thang giá trị thiện các, đúng sai… và ẩn trú trong đó. Họ bít cả các cửa sổ lớn, bản thân họ không ra ngoài và cũng không cho những gì mới mẻ lọt vào. Ánh sáng mặt trời cũng không vào, họ tự đốt đèn bằng chất dầu mang tên “từng biết – well known” và vui sống trong đó.
Có thể chúng ta cũng đang ở trong góc sâu kín nhất của lâu đài. Thế nhưng nhìn quanh lờ mờ có vài bảng chỉ đường của thánh hiền. Nếu theo bảng chỉ đường đó đi vào ba bước ta thấy một chút ánh snags lạ. Nếu tâm mở rộng và thử đi theo ánh sáng đó thì xa xa là những cửa sổ, cửa lớn lấp lánh ánh sáng. Mạnh dạn mở toang những cánh cửa đo, tức là hai cửa của Nghe và Nhìn. “Mở toang” là buông bỏ những gì đã biết, giữ tâm chú ý, rỗng rang, không chủ động, không dụng công, không mong chờ, chỉ chú ý trống rỗng. Ta sẽ thấy ánh sáng mặt trời luôn luôn có ở đó.
Nói “ra ngoài” là nói ẩn dụ. Tâm không có trong ngoài. Tóa lây đài nọ xây dựng bằng những viên gạch của tâm. Buông bỏ nó, phá hủy nó cũng là hoạt động của tâm. Chỉ cần thấy xuyên suốt tự tính của nó là đã phá hủy nó rồi, rất dễ. Nhưng cũng vô cùng khó, vì như Arbert Einstein nói, phá bỏ một thành kiến còn khó hơn phá vỡ một hạt nhân nguyên tử. Rất dễ nên nhà Thiền mới buông dao quay đầu là thành Phật. Rất khó nên không mấy ai thành tựu, trước khi thành tựu, Phật cũng phải tu vô lượng kiếp. Về phần tôi, tôi cũng thấy rất khó vì phải bơi ngược dòng tất cả mọi thói quen.
“Bên ngoài” ra sao? Bên ngoài những lâu đài kín cửa là một không gian vô cùng thanh tịnh. Huệ Năng đã từng thốt lên: “Ai dè tự tánh vốn sắc thanh tịnh”. Lục tổ mà thốt lên “ai dè” thì chúng ta khó mà ngờ đến. Phía trên ta nói “giữ tâm rỗng rang” là nói cho người trong nhà đi lần ra cửa lâu đài, chứ ở bên ngoài rồi chỉ cần để tự nhiên, tâm vốn rỗng rang, tâm vẫn luôn luôn chú ý, tâm vốn luôn luôn tỉnh thức. Cho nên ra ngoài thì cũng bỏ luôn sự chú ý vì lúc đó chính ta là sự chú ý.
Có thể các bạn hỏ tôi chứng nghiệm được cái gì. Lòng tôi vẫn còn đầy ngập các đám mây. Nhưng mây thỉnh thoảng vén ra cho thấy chút trời xanh. Tôi chỉ ghi nhận được rất ngắn là: Thực tại chính là toàn thể pháp hữu vi đang vận hành chớp nhoáng, vô chủ, cái này sinh ra cái kia, làm điều kiện lẫn nhau để sinh ra và diệt đi. Sinh diệt vô tận.
Không ai điều hành sự vận hành các pháp, chúng tự vận hành. Không có Thượng đế, không có quan tà thưởng phạt.
Còn chúng ta là ai? Mỗi cá nhân chúng ta là một tiêu điểm của sự ghi nhận. Tiêu điểm để các pháp hiện lên chứ tiêu điểm không phải là chủ nhân các pháp. Bạn ngồi đó và ghi nhận các pháp như tim đập, hơi thở ra vào, hơi nóng trong thân, tiếng chim hót, tiếng chó sủa, ánh sáng, hình ảnh… Tất cả chúng là pháp và chúng vận hành vô chủ. Vô chủ nhưng vận hành hoàn hảo. Thỉnh thoảng có tư tưởng, ý niệm, ký ức hiện ra , nhưng các pháp đó lại biến mất. Tiêu điểm chỉ ghi nhận, không chạy theo chúng, không nạp cho chúng thêm năng lượng nên chúng diệt mất, như hết củi lửa tan. Để có khái niệm về “tiêu điểm” này, các bạn hãy nhớ đến khái niệm ảnh toàn ký (Holographie), trong đó một điểm trong ảnh chứa toàn bộ chi tiết của cái tất cả.
Các pháp vận hành nhanh chóng, chớp nhoáng, nhanh hơn cả máy vi tính. Trong sự vận hành đó hiện ra thế giới và con người.
Nhưng cũng không phải ta ngồi đó hoàn toàn bất lực trước các pháp xảy ra. Có khi có một pháp hiện lên, muốn “can thiệp” vào thực tại thì pháp đó thông qua tiêu điểm đó để can thiệp vào thực tại. Trong tình trạng giác ngộ thì sự can thiệp đó gọi là “phương tiện thiện xảo”. Còn chúng ta cũng luôn can thiệp vào thực tại nhưng trong tâm vô minh cái đó là hành động thông thường.
“Can thiệp vào thực tại” nghe có vẻ to tát nhưng thật ra rất bình thường. Thí dụ thông thường: Đang ngồi thiền, cảm giác ngứa nổi lên, ví dụ tịa mũi. Bạn chủ động đưa tay gãi mũi. Lúc đó bạn đã can thiệp vào thực tại. Và hành động gãi rất hoàn hảo. Pháp trong dạng tự nhiên hoạt động luôn luôn hoàn hảo.
Tất cả các pháp hiện lên tại tiêu điểm cá thể, tất cả các pháp tác động vào thực tại cũng thông qua tiêu điểm cá thể. Mỗi chúng ta là một điểm của bức ảnh toàn ký vĩ đại mà ta gọi là Tâm. Tất cả hiện ra trong một Từ một (tiêu điểm) tác dụng lên tất cả. Chắc có ai trong bạn đang nhớ đến tư tưởng kinh Hoa Nghiêm: “Tất cả trong một, một trong tất cả”. “Tất cả trong một” là nội dung Trí tuệ, “Một trong tất cả” là nội dung của phương tiện thiện xảo.
Lặp lại tư tưởng Hoa Nghiêm, tôi cảm nhận run sợ vì cừa chạm đến những điều mình không biết, mình không trải nghiệm. Tôi chỉ là kẻ sơ cơ, còn trú trong lâu đài nọ, mới mò đến bên cửa sổ nhìn ra bên ngoài, thấy chút trời xanh. Nhưng vừa thấy trời xanh thì tâm tôi quen thói đưa khái niệm vào giải thích, lập tức bị ném ngược trở lại. làm sao tôi biết được tri kiến của những ai đã an trú trong trời xanh được?
Hẳn có bạn tò mò hỏi: “Thế thì làm sao ra bên ngoài, làm sao bỏ lại đằng sau tòa lâu đài?” . Tôi chỉ lặp lại lời kinh làm Huệ Năng bừng tỉnh: “Đừng nên dựa vào đâu cả”, ưng cô sở trụ nhi sinh kỳ tâm (Vô sở trụ: you must be Nonlocal; Sinh kỳ tâm: for the appearing of this mind).
Tức là không dựa vào đâu, buông bỏ tất cả, buông cả lời kinh, bỏ luôn sự buông bỏ. Tất cả kinh sách đều là bảng chỉ đường và năm tron lâu đài. Kinh sách là ngón tay chỉ mặt trăng. Phải quên tay mới thấy trăng.
“Nói ra nghe thử”. Nếu quý bạn muốn nghe một lời thổ lộ chân thành thì vừa rồi là một sự chân thành. Tôi không loại bỏ mình sau lầm, phiến diện, hời hợt, không đầy đủ. Tôi không có chút tham vọng thuyết phục ai về luận giải, triết lý gì cả. Tôi cũng không dám khuyên ai bơi ngược dòng, ngồi xuống bồ đoàn, thực hành chú ý trống rỗng, thụ động ghi nhận. Tất cả chỉ là lời tâm sự.

TS.Nguyễn Tường Bách
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 03/2015

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 15
  • Hôm nay 4,369
  • Tháng hiện tại 63,025
  • Tổng lượt truy cập 23,469,274