Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Quan điểm của Phật giáo về tự sát

Quan điểm của Phật giáo về tự sát

Đăng lúc: 06:13 - 02/12/2016

HỎI: Vừa rồi tôi có đọc bài “Cảnh giới của những người tự sát”, trích từ quyển Nhân quả giải theo Phật giáo. Trong sách có luận giải: Khi tự sát sẽ phạm vào 3 tội nặng. 1- Bất hiếu với song thân, 2- Tự hủy hoại hình hài, phụ phúc báu hi hữu có được thân người, 3- Ngu si vô trí. Sau khi tự sát, thần thức sẽ bị chìm trong thống khổ triền miên. Tuy nhiên, tôi không rõ nếu như những vị anh hùng tướng lĩnh vì đất nước sẵn sàng tuẫn tiết để giữ chữ trung, các cô gái sẵn sàng tự sát để giữ gìn chữ trinh, các Thánh tử đạo thì có chịu quả báo thống khổ này không?
(QUẾ KHANH, nguyenthiquekhanh@gmail.com)

ĐÁP: Bạn Quế Khanh thân mến!

Thánh tử đạo là những bậc nguyện hy sinh thân mình để bảo vệ đạo pháp và làm lợi lạc cho chúng sinh. Tuẫn tiết cũng là tự sát nhưng để giữ tròn khí tiết, xả bỏ thân mạng vì nghĩa lớn hoàn toàn khác với tự tử vì những lý do hay hoàn cảnh tiêu cực của cá nhân. Phật giáo có quan điểm khác nhau về các phương diện tự hủy thân mạng.

Trước hết, Phật giáo phê phán hành vi tự tử (dù bất cứ lý do gì) vì 3 tội lỗi như đã nêu, đó là bất hiếu, giết người (bản thân mình), sân si. Vì phạm lỗi và tạo ác nghiệp nghiêm trọng nên người tự tử bị quả báo thống khổ lâu dài (thường là địa ngục).

Kế đến là các tướng sĩ tuẫn tiết để giữ chữ trung. Trung quân ái quốc là một phẩm chất cao quý của tướng sĩ cũng như mọi người dân. Phật giáo tán thán phẩm chất trung quân ái quốc của con người nói chung nhưng vì luôn đề cao trí tuệ nên không chấp nhận “ngu trung”. Thân mạng rất quý giá nên chết vì ngu trung thì thật oan uổng. Nho giáo luận về sự tuẫn tiết là “sinh vi tướng, tử vi thần”, nghĩa là lúc sống làm tướng, vì trung nghĩa mà chết sẽ làm thần. Phật giáo luận về tái sinh của những vị này vi tế hơn, tùy thuộc vào nhiều nhân duyên khác nữa, tựu trung nghiêng về các cảnh giới a-tu-la (thiện) và quỷ thần (thường là trung-thượng đẳng thần).

Riêng vấn đề các cô gái chịu chết để giữ chữ trinh, đây là quan niệm của Nho gia, chữ trinh đáng giá ngàn vàng. Phật giáo có quy định về giữ gìn tiết hạnh (giới Không tà dâm), chung thủy với người bạn đời nhưng không cực đoan về chữ trinh như Nho gia. Do đó, tự sát để giữ chữ trinh, xét về nhiều phương diện (liên hệ đến các tập tục, truyền thống, văn hóa, văn minh trên toàn thế giới), vẫn là cái chết thiếu trí tuệ, sau khi chết đọa vào đường ác (thường làm quỷ thần).

Các bậc Thánh tử đạo thì hoàn toàn khác. Những bậc này đã quán thông vô thường và vô ngã, không còn chấp thủ thân này, phát tâm nguyện Đại hùng - Đại lực - Đại từ bi mà xả bỏ thân mạng vì lợi ích chúng sinh, nên cảnh giới của chư vị là không thể nghĩ bàn.

TỔ TƯ VẤN

Lắng nghe để hiểu & thương

Lắng nghe để hiểu & thương

Đăng lúc: 23:58 - 27/03/2016

Một con cú già khôn ngoan sống ở cây đa. Nó càng nhìn thấy sự đời thì càng ít nói. Mà nó càng ít nói thì lại lắng nghe nhiều. Tại sao mình lại không như con cú già khôn ngoan kia? (Khuyết danh).
bo-tat-QTa.jpg
Quán Thế Âm có nghĩa là quán chiếu, suy xét, lắng nghe âm thanh của thế gian...

Khi còn bé thơ, chúng ta được dạy ‘học ăn, học nói, học gói, học mở’. Và càng nói nhiều thì đó là dấu hiệu phát triển bình thường. Nhưng ít khi nào chúng ta được dạy phải biết lắng nghe. Và phần nhiều, cha mẹ, thầy cô, các bậc phụ huynh, v.v… không để tâm nhiều đến chuyện dạy dỗ cách biết lắng nghe. Tất nhiên, cha mẹ hay các thầy cô có dạy mình phải biết nghe lời. Nhưng ít khi chúng ta được dạy cách biết lắng nghe cho đúng.

Thường khi trong một cuộc đối thoại, chúng ta muốn người đối diện nghe ý kiến của mình muốn phát biểu, hay diễn đạt hơn là mình nên lắng nghe ý tưởng của họ. Nếu đã là vậy, rõ ràng không có sự lắng nghe xảy ra. Mà hễ không có sự lắng nghe, hiểu và cảm thông sẽ không bao giờ được thiết lập. Vợ chồng thường hay gặp phải tình cảnh này, nên có câu nói chọc cười: ‘Ngày xưa chồng nói vợ nghe. Bây giờ chồng nói vợ chê lắm mồm’. Cho nên, biết lắng nghe là nhịp cầu nối đầu tiên cho sự hiểu biết, cảm thông.

Quán Thế Âm có nghĩa là quán chiếu, suy xét, lắng nghe âm thanh của thế gian. Theo phẩm Phổ môn trong kinh Pháp hoa, sở dĩ Ngài mang tên gọi như vậy là do hạnh nguyện từ bi cứu khổ cứu nạn, mỗi khi chúng sanh bị khổ ách, nguy cấp, nhất tâm niệm danh hiệu của Bồ-tát, Ngài liền quán xét âm thanh đó, lập tức cứu họ thoát khỏi tai ách.

Nhiều kinh điển nói về công hạnh của Bồ-tát, về sức uy thần diệu dụng của Ngài, thường hiện thân khắp nơi cứu giúp người đang đau khổ trên trần gian. Nhưng để tu tập theo hạnh nguyện từ bi, cứu khổ của Ngài, thiết nghĩ, chúng ta nên tìm hiểu thêm một số chi tiết về những hạnh nguyện đó.

Trong kinh Pháp hoa nói Ngài thường thị hiện 33 hóa thân. Nhưng theo thiển ý, chắc đây là con số tượng trưng. Ngài được mô tả là một vị Bồ-tát luôn hóa thân cứu khổ mọi loài chúng sinh. Ngài hóa thân là một hiện tượng đặc thù theo tinh thần ‘tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên’, biểu lộ tấm lòng đại từ bi, không phân biệt kẻ thân, người sơ, kẻ thâm tín, người hoài nghi, thậm chí người vô thần, ngoại đạo.

Hiện tượng hóa thân nói lên sự thấu hiểu và cảm thông thật sâu sắc nỗi sợ hãi, mối ưu lo của chúng sinh trong thế giới đảo điên, mộng tưởng. Để được tiếp cận với một chúng sinh đang đau khổ, Ngài hiểu rõ rằng một người xa lạ, dù là một Bồ-tát, sẽ khó có thể đến gần để chúng sinh kia được giãi bày nguồn cơn nỗi khổ của mình.

Theo kinh nghiệm đời thường cho thấy, khi chúng ta đang đau khổ hoặc phiền não mình chỉ muốn chia sẻ với ai biết lắng nghe, thông cảm, và không có ý phê phán, bình phẩm về những điều mình đã làm sai, hay tâm tình mình đang giãi bày, thổ lộ. Và thường mình muốn chia sẻ với người quen biết, dễ thương, hoặc người nào tôn trọng ý tưởng và tình cảnh của mình. Nếu hiểu được điều này, chúng ta có thể đóng vai sứ giả của Đức Quán Thế Âm, lắng nghe mà không phê bình, chỉ trích để giúp làm vơi nỗi khổ của người.

Thật ra, ai trong chúng ta cũng đều có khả năng làm sứ giả Quán Âm, và muốn thành tựu vai trò này đòi hỏi mình phải biết lắng nghe.

Nhưng biết lắng nghe là một nghệ thuật. Nghĩa là chúng ta phải quên mình đi mà chỉ biết nghe người kia đang nói gì. Biết lắng nghe đòi hỏi mình phải biết lắng đọng tâm tư để nghe rõ thông điệp của người mình đang đối diện. Cái bi kịch thường hay xảy ra cho chúng ta là khi mình muốn học hạnh lắng nghe nhưng cứ mỗi khi nghe xong câu chuyện mình lại diễn dịch nó qua lăng kính kinh nghiệm của bản thân, giống như mình nhìn thấy một sự kiện qua cặp kính màu của mình, nên thay vì hiểu và cảm thông, chúng ta lại chỉ trích hay phê phán người đối diện là dở cái này, thiếu cái nọ.

Do đó, hành động lắng nghe của mình bị thất bại. Nếu chúng ta biết lắng nghe qua tâm hạnh từ bi như Bồ-tát Quán Thế Âm, chúng ta biết tôn trọng ý tưởng của người nói và lắng nghe cho kỹ những nỗi khổ đau mà họ đang trải nghiệm, thì công sức lắng nghe của mình sẽ chắc chắn mang lại một kết quả tốt và có thể sẽ làm vơi đi nỗi khổ của người.

Ngoài việc hóa hiện các thân để cứu độ, Ngài còn có khả năng làm cho chúng sinh hết lo sợ (vô úy thí). Trong kinh Pháp hoa, phẩm Phổ môn có nêu lên 14 hoàn cảnh, những trường hợp tượng trưng, mà Ngài đã vận dụng năng lực vô úy để cứu độ. Năng lực vô úy là một khả năng đặc thù mà chỉ có những ai thật định tĩnh, tự tin, và từ bi vô hạn mới có thể làm được. Như một bà mẹ thương con vô cùng mới có thể làm con mình yên tâm dù hoàn cảnh trước mặt đang xảy ra vô cùng bất lợi và nguy hiểm. Sở dĩ chúng ta cảm thấy an lòng, không hoảng sợ, kinh hoàng trước sự hiện diện của Bồ-tát Quán Thế Âm vì Ngài sẵn lòng hy sinh bản thân để cứu độ mọi người.

Chúng ta cũng đã từng nghe qua năng lực vô úy này được các thiền sư thể hiện, như trong câu chuyện sau: Trong thời nội chiến ở Triều Tiên, một vị tướng soái dẫn quân đánh chiếm hết vùng này đến vùng kia, hủy diệt hết những gì cản trở bước tiến của ông ta. Dân chúng trong thành biết đoàn quân của vị tướng đang đánh tới, và nghe tiếng tàn bạo của ông ta nên mọi người đều trốn lánh vào vùng núi cao.

Vị tướng tiến chiếm thành không người và ra lệnh quân lính tìm kiếm dân trong thành khắp nơi. Vài người lính trở về báo cáo chỉ có một thiền sư còn ở lại. Vị tướng quân liền vội vã đến chùa, đi thẳng vào bên trong, rút gươm ra, và nói: “Lão thầy chùa kia, ông không biết ta là ai sao? Ta là người có thể thản nhiên lấy mạng của ông không chớp mắt”. Vị thiền sư nhìn thẳng vào mặt ông tướng soái và bình thản trả lời: “Và tôi, thưa ngài, là người có thể để ngài lấy đầu mà cũng không chớp mắt”. Vị tướng quân nghe xong, liền cúi đầu và bỏ đi.

Sợ hãi là bản năng của con người, ai sinh ra cũng có. Nhưng các bậc thánh, hay như người căn tính yếu kém như chúng ta, nếu biết tu tập tinh chuyên và có lòng từ bi vô lượng, đều có khả năng, không những vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân, mà còn khéo giúp người khác an tâm, không lo sợ. Tu tập hạnh từ bi có khả năng giúp mình vượt qua khổ hải và cũng giúp được người vơi bớt khổ đau. Vậy muốn có được năng lực vô úy thì chúng ta không thể thiếu hạnh từ bi.

Tuệ giác của pháp môn lắng nghe, không chỉ nằm trong việc lắng nghe âm thanh, lời nói, ngôn ngữ của người đối diện, mà còn vận dụng hết cả thân tâm mình từ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và cả ý căn, để hiểu thấu và thấy rõ từ cử chỉ, hành vi, và sắc diện của họ đang nói lên những gì, mà lời nói, ngôn ngữ chưa diễn đạt, trình bày được hết ý của câu chuyện.

Chỉ cần vận dụng một phần ba (1/3) năng lượng của tuệ giác lắng nghe là chúng ta đã có thể giúp vơi đi nỗi khổ của người khác nhiều lắm rồi. Nhưng tiếc thay, đa số chúng ta thích nói hơn là thích nghe nên năng lượng của tuệ giác lắng nghe ít khi được sử dụng. Sở dĩ, mình thích nói hơn lắng nghe vì bản ngã, hay cái ta, đóng vai trò lớn trong việc thể hiện tầm quan trọng của bản thân, con người mình. Không ai muốn đóng vai trò ‘thấp cổ, bé miệng bao giờ!’. Hiểu rõ được điều này và phải vận dụng nhiều công phu tu tập mới có được chút khả năng lắng nghe vi diệu của Bồ-tát Quán Thế Âm.

Nhân ngày lễ vía của Đức Bồ-tát, chúng ta hãy cùng nhau vận dụng hết năng lực của mình để nhất tâm tu tập nguyện noi theo công hạnh của Ngài và để xứng đáng làm một sứ giả của Bồ-tát Quán Thế Âm.

Tháng 10-2015
Tuệ Nghiệp

ngcan (3)

Đức tin liệu cũng có ba bảy đường?

Đăng lúc: 07:18 - 05/11/2015

Với sự quan sát và cách nhìn của một Phật tử trí thức về các hiện tượng Phật giáo trong xã hội hiện tại, trong mong ước xây dựng một nền Phật giáo chánh tín, GN trân trọng giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Phạm Văn Nga, pháp danh Nguyên Cẩn về vấn đề đức tin và chánh tín.
Khi xã hội trống vắng niềm tin

Cách đây nhiều năm trong một chuyến công tác ở Moscow - Liên bang Nga, ông chú tôi, một quan chức trong ngành điện lực, sau cuộc hội thảo chuyên môn, giờ giải lao, một cán bộ cấp cao, một nữ phó tiến sĩ người Nga tâm sự: “Các anh may mắn hơn chúng tôi, các anh có niềm tin vào tôn giáo hay một thứ tín ngưỡng nào đó, còn chúng tôi, sau khi Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Đông Âu tan rã, chỉ còn sự trống rỗng, hầu như chúng tôi chẳng biết tin vào điều gì bây giờ!”.

ngcan (2).jpg
Ở các nước phát triển, nhiều người tìm đến với Phật giáo vì đó là lối sống có thể ứng dụng
mọi lúc mọi nơi, đem lại lợi ích thiết thực cho mình, cho người, cho môi trường...

Niềm tin tôn giáo

Là một trí thức XHCN, chắc bà ấy khi đề cập đến niềm tin không nhắm đến những tín ngưỡng như những nghi thức cầu nguyện hay những điều huyền nhiệm mà cũng không phải là triết lý theo truyền thống Tây phương, vì theo Edward Conze “Ở châu Âu, chúng ta hầu như đã quen với lỗ hổng rất lớn giữa lý thuyết của các nhà triết học và và sự thực hành của họ. Chẳng hạn như Schopenhauer và Herbert Spencer,… là những ví dụ nổi bật. Nếu một nhà triết học ở đây chứng minh được rằng không có cái ta, lập tức họ buông bỏ điều đó và hành xử như một người có bản ngã… Thật không dễ gì bài bác một nhà triết học bằng cách chỉ ra rằng ông ta thô lỗ với vợ ông ta, ganh tị với bạn đồng nghiệp, đã may mắn hơn ông ta, và đỏ mặt tức bực khi bị phản bác… Trái lại trong Phật giáo tầm quan trọng là do lối sống, một đời sống thánh thiện, buông bỏ sự dính mắc đối với thế giới này…” (*) .

Vậy cái niềm tin tôn giáo bà nói ở đây hẳn là những nguyên tắc sống, thái độ sống, hành xử với tha nhân, cái nhìn về cuộc đời. Nói như nhiều nhà nghiên cứu phương Tây, Phật giáo là một tôn giáo thực tế. Vì họ hiểu giá trị của một ý tưởng phải được đánh giá và phê phán qua việc bạn có thể vận dụng thế nào ý tưởng đó. Bất cứ nơi nào, hay ở bất kỳ ai, nếu người ta thấy những tính cách từ bi, hỷ xả, tử tế, thanh thản, tự tin, người ta sẽ hiểu cái “triết lý” thực tế phía sau những thái độ ấy và mức độ tu chứng của hành giả, không cứ là tu sĩ hay cư sĩ…

Thế nhưng niềm tin của chúng ta hôm nay ở đâu khi nhìn lại xã hội chúng ta những năm gần đây, người ta không khỏi lo âu, ái ngại vì nhiều thông tin cho thấy các mặt của đời sống đều xuống cấp, nhất là văn hóa mà ánh xạ của nó thể hiện qua các mặt ngôn ngữ, truyền thông và nhất là cách hành xử bạo lực từ nhà trường ra đường phố, công sở… Ngay cả trong tình yêu người ta cũng phũ phàng khi sẵn sàng giết, tạt a-xít, trói rồi đốt người yêu, người vợ và thậm chí con mình (!). Sân hận dễ dàng bộc phát, tràn lan nhiều nơi.

Gương mặt người Việt Nam theo một số nhà xã hội học từ lâu nay đã biến mất vẻ an nhiên, thay vào đó là những nét đề phòng. Họ căng thẳng vì đời sống chăng? Có thể nhưng ngày xưa cha ông còn nghèo hơn chúng ta bây giờ mà? Họ học theo phim ảnh Âu Mỹ hay những game bạo lực chăng? Nhưng ở những nước sản xuất ra phim hay game đó, tỷ lệ tội ác thấp hơn chúng ta nhiều? Vậy thì vì đâu, cơ chế thị trường chăng? Không, cái cơ chế ấy chỉ làm cho một số người trở nên giàu có, phát triển lòng tham lệch lạc vì thiếu sức mạnh răn đe của luật pháp hay người thi hành nương tay vì lý do gì đó (?).

Lòng tham hôm nay thể hiện qua sự nhũng nhiễu của một bộ phận quan chức, qua hành vi thiếu lương tâm làm hàng gian hàng giả, hay kê giá lên nhiều lần của một lớp tư sản đỏ, có sự tiếp tay của thể chế “lợi ích nhóm” lũng đoạn đời sống.

Và niềm tin đặt sai chỗ

Nhưng có thật xã hội hôm nay thiếu niềm tin tôn giáo không? Có người sẽ tranh luận rằng Phật giáo, chưa nói đến các tôn giáo khác, đang trong giai đoạn “phồn vinh”, được bá tánh hết sức quan tâm và có rất nhiều tín đồ. Cứ nhìn vào các lễ hội, người ta thấy chen chúc từ đầu năm đến cuối năm…Không cứ chùa Hương, chùa Bái Đính hay những chùa nổi tiếng khác, mà dịp lễ Tết, chùa nào cũng đông, người người đi chùa như trẩy hội, ngày rằm mồng một nhiều chùa tấp nập, khói hương mờ một góc đường... Đáng mừng chăng?

Phật giáo, như chúng ta biết, không chỉ là triết lý sống thực tế mà còn có những nghi lễ - nội dung tín ngưỡng, tôn giáo. Dù muốn dù không, những loại hình nghi lễ đã phát triển xung quanh giáo lý của Ðức Phật.
“Ðiều tối quan trọng ngày nay là nhận biết giá trị bức thông điệp của Ðức Phật và sống theo những lời dạy ấy. Đó là không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, và không sử dụng các chất kích thích làm mê mờ tâm trí. Đức hạnh cao hơn là bố thí, giữ giới - những nguyên tắc đạo đức căn bản và thực hành thiền định.
Giáo đoàn của Ngài cũng đã trở thành một tôn giáo mà người ta sẵn sàng trung thành, một tôn giáo có nghi lễ, tổ chức, đường lối, tiêu chuẩn riêng để quyết định điều gì đúng điều gì không đúng, về mặt lịch sử, đó là một loại Phật giáo khác với hình thức kết tập thuyết giảng ban đầu của Phật.

Ngày đó, người tu Phật chỉ hướng đến những chân lý mà Phật chỉ dạy với tâm trí rộng mở, và tự do tư tưởng vì Phật giáo chủ trương giải thoát chúng ta khỏi một đấng Thượng đế vô hình - toàn năng hay những ràng buộc siêu nhiên, và nói chung khỏi mọi giáo điều. Thế nhưng, trong khi thực hiện những nghi lễ, có không ít người đã lầm tưởng một số hình thức hay những cách biểu hiện -phi-Phật giáo là nghi lễ chính thống hay tông phái “duy nhất” đưa đến giác ngộ.

Và hiện nay, nhiều pha tạp khác len lỏi vào đời sống tôn giáo của đạo Phật, gây nhiều ngộ nhận về giá trị “tâm linh” như ngoại cảm, đồng cốt, lịch số, dâng sao - giải hạn…

Chúng ta có thể kể đến một hiện tượng được bàn tán, sôi nổi viết thành sách, trên mạng, trên báo chí, là ngoại cảm. Xuất phát từ ước vọng tìm lại hài cốt những chiến sĩ tử trận trong chiến trường, đã dấy lên phong trào “Đi tìm đồng đội”. Rồi một đồn mười, mười đồn trăm, người ta đổ xô đi tìm và trao niềm tin cho những “nhà ngoại cảm”. Thực hư cũng còn mơ hồ vì đã xảy ra những vụ lọc lừa như vụ “cậu Thủy”, kẻ làm giả rất nhiều hài cốt, mập mờ đánh lận con đen, để rồi vừa bị tuyên án chung thân cách đây một tuần. Có cả những vị tu sĩ cũng tham gia vào hiện tượng ngoại cảm này.

Với vấn đề đồng cốt, một hiện tượng không những không bị cấm mà còn được xem như loại hình văn hóa “phi vật thể”.Hòa thượng Thích Thanh Từ có lần giảng dạy: “Những kẻ làm ông đồng, bà cốt đều là người sống trong trạng thái bất bình thường. Bản thân họ đã mất hết khả năng tự chủ, họ bị sai sử bởi một ma lực huyền bí nào đó. Khi ma lực ấy dựa vào họ, liền lạm dụng các danh hiệu thánh, những bậc vĩ nhân của thuở xưa dùng mạo xưng để lừa bịp người đời. Những kẻ yếu vía dễ tin nghe xưng danh hiệu Phật, Bồ-tát hay những vị tiên thánh liền khiếp đảm kính tin. Họ không dám phê phán đó là tà hay chánh…”.

Hòa thượng nhấn mạnh: “Không khi nào các bậc Thánh phải gá vào thân kẻ phàm tục khác làm việc giáo hóa. Vì các ngài đầy đủ thần thông biến hóa vô ngại. Như thế, những ma lực tựa vào đồng cốt đều là sức của quỷ thần. Vì sợ người đời không tin, nên chúng mạo xưng những danh hiệu cho to để gây uy tín. Biết rõ tính cách ma mị của chúng, người Phật tử phải tránh xa, tuyệt đối không được phụ họa với chúng, huống là quy kính. Có thế mới tỏ ra là người Phật tử chân chánh”(**).

Trong thực tế lâu nay, với nhu cầu về tín ngưỡng dân gian, nhiều người đến chùa xin các thầy ngày giờ chôn cất, khởi sự công trình, khai trương, cúng nhà mới…

Trong tạng kinh bộ Anguttaranikaya, Phật dạy: “Này các Tỳ-khưu, chúng sanh hãy làm cho thân được trong sạch, khẩu được trong sạch, ý được trong sạch. Thân khẩu ý trong sạch trong buổi sáng là ta có giờ an lành trong buổi sáng, thân khẩu ý trong sạch trong buổi chiều thì ta có giờ an lành trong buổi chiều”.

Ngài Maha Thongkham Medhivongs diễn giải thêm: “Người làm việc lành giờ nào thì ngày giờ ấy là giờ lành. Người mong cầu an vui mà biết bố thí, cúng dường đến các bậc xứng đáng cúng dường, các bậc phạm hạnh - sẽ được an vui. Sự cữ kiêng, cúng kiếng, cầu xin đều là những việc làm không bổ ích chi cả. Người có chánh kiến không nên làm những việc vô ích, vô bổ như thế” (***). Chúng ta thấy những việc như xin xăm, bói quẻ cũng như những hình thức cầu may. Rủi may là điều xảy ra không có duyên cớ. Phó thác hành động của mình, cho đến phó thác cả quyết định của mình vào một lời giải đáp âm u được gán cho “tâm linh” - chỉ tin mà không cần cơ sở lý luận. Cái gì không thành tựu thì đều đổ lên “số”, “vận”, “khắc tuổi”…

Nếu hiểu nguyên lý nhân quả, thân tổng báo của chúng ta có lẫn lành với dữ, khi nhân lành đến thì hưởng quả lành, nhân dữ chịu quả dữ. Người mê tín gửi gắm tâm hồn vào sự huyền bí, vào thế giới vô hình, nhiều người mất hết suy lý thực tế, phó thác cuộc đời của mình cho những “vì sao”, nghi lễ cầu đảo bị dẫn dắt bởi những thầy cúng.

Một vấn nạn khác đang diễn ra, đó là hiện nay có nhiều người, kể cả có học hành, địa vị xã hội thiếu nhận thức căn bản về Phật giáo, nhầm lẫn Mật tông với những hình thức như thần quyền, sử dụng bùa chú và tin mãnh liệt rằng đó là con đường ngắn nhất đưa đến giải thoát, giác ngộ, siêu việt mọi phương pháp khác, bất chấp trì giới, thiền định, phát triển trí tuệ, gạn lọc tham sân si. Đây là một ngộ nhận rất lớn mà Phật giáo chưa thấy một sự hướng dẫn nào rõ ràng từ Giáo hội, các bậc cao tăng qua các phương tiện truyền thông mạnh dạn lý giải và hướng dẫn họ một cách chính thống.

Xây dựng chánh tín từ đâu?
“Tư tưởng căn bản của Phật giáo là lý Nhân quả, Duyên khởi, Tứ diệu đế, nền tảng cho tất cả các tông phái Phật giáo, Nguyên thủy, Đại thừa hay Kim cương thừa - Mật tông, vốn đã hiện diện hàng ngàn năm nay trong đời sống người dân Việt. Còn những hiện tượng hay nghi lễ gì đó mà không dựa trên những đạo lý này thì mãi mãi chỉ là hình thức thức phù phiếm và không phải là “chánh đạo”. Mong mọi người cẩn trọng!
Ðức Phật đã từng dạy: “Ðừng vội tin tưởng điều gì vì dựa vào một tập quán lưu truyền. Ðừng vội tin tưởng bất cứ một điều gì chỉ vịn vào uy tín và thẩm quyền của một người nào đó. Ðừng tin tưởng điều gì vì có được nhiều người nói đi nhắc lại. Hãy tin tưởng vào những gì mà người ta đã từng trải, kinh nghiệm, thấy là đúng, thấy có lợi cho mình và người khác”.

Ðây là một thái độ dân chủ, khoa học mà những ai theo Phật cần tiếp nhận, thấy rõ quyền tự do tư tưởng của chính mình.

Có người còn cho rằng Phật giáo không giống như một tôn giáo (religion), không phải là học thuyết (doctrine), cũng không hẳn là triết lý (philosophy) hay luân lý học (ethics) như quan niệm Tây phương, mà là lời giảng giải của một bậc giác ngộ về con đường xây dựng hạnh phúc tương đối và hạnh phúc thực sự trong cuộc đời, tự tại trong sinh tử. Nói cách khác, con đường đó đưa đến diệt ham muốn, buông bỏ chứ không trói buộc, giảm lợi chứ không tăng, đưa đến con người thiểu dục, xã hội tri túc, chứ không tạo ra những kẻ tham lam vơ vét, khiến bất công tăng lên.

Đức Phật theo quan niệm một số triết gia là thầy thuốc - vô thượng y vương, đã tìm ra nguyên nhân, đã đưa ra thuốc chữa và liệu pháp chữa trị, được tóm tắt trong giáo lý Tứ Thánh đế. Ngài chỉ ra nguyên nhân của khổ, bản chất của đời sống, cách diệt khổ. Tuy nhiên nếu có nghe, đọc, tranh luận, mà không thực hành thì những lời dạy đó cũng vô nghĩa và không hiệu quả thiết thực. Nhất là khi chúng ta đang sống trong một xã hội trống vắng niềm tin mà ngày xưa chúng ta từng có, rất mạnh, rực rỡ như thời Lý-Trần hay cũng mạnh mẽ trong những thời kỳ sau đó.

Chiến tranh qua đi, lẽ ra chúng ta phải xây dựng lại niềm tin hay đức tin ấy nhưng buồn thay, nhiều hiện tượng khiến cho chúng ta thấy rằng mọi chuyện lại đang đi về phía ngược lại. Khi người ta chạy theo những nghi thức mê tín mà không còn tin vào lý nhân quả, vào duyên khởi, vào sự giải thoát và hạnh phúc chân chính ngay trong kiếp sống này thì người ta sẽ làm bất cứ điều gì mà không hề ăn năn sám hối, thành thực sửa sai, tránh làm điều sai quấy.

Chỉ cầu nguyện - có hiệu lực chăng?

Nhiều người quan niệm cầu nguyện tất yếu phải là chánh tín nhưng thử hỏi nếu chúng ta chỉ cầu nguyện thôi thì mọi ước mơ ích kỷ đều được toại nguyện, thì xin thưa, đó là mê tín. Vì nếu chỉ cầu nguyện mà được, thì không cần nói đến nhân quả nghiệp báo. Nhưng nếu mọi sự kiện xảy ra đều do nhân quả thì cầu nguyện khó mà toại nguyện, vậy thì cầu nguyện làm gì?

Khi cầu nguyện, dù mang nghiệp nặng hay nhẹ, chúng ta cũng đã thực hiện hành trì một trong những pháp môn căn bản vì chúng ta phải nghĩ tới Đức Phật, các vị Bồ-tát khi niệm danh hiệu của các Ngài. Hành giả sẽ tin rằng vị Phật hay Bồ-tát mình vừa cầu nguyện có năng lực làm mờ, làm biến đi những ác niệm trong tâm hồn mình. Nhất là niềm tin đó phải chí thành. Hành giả phải nhận thức sâu sắc tội lỗi của mình và hồi hướng công đức về thế giới của phẩm chất an lành.

Khi chánh tín tâm thành tựu, bạn sẽ thanh tịnh hóa cuộc sống thực tế của mình từ trong ý niệm. Hiểu và tin lý nhân quả, chúng ta khéo chuyển cái xấu trở thành tốt, cái dở trở thành hay, nắm chắc quyền tự chủ, tạo dựng tương lai tươi đẹp cho chính mình. Lý nhân quả vừa là khoa học vừa là sức mạnh chuyển biến con người. “Có trời mà cũng có ta”.

Nếu ta nắm vững nguyên tắc nhân quả nghiệp báo như trên, thì chúng ta có thể chuyển nghiệp ngay trong kiếp sống này. Cái đích của việc chuyển nghiệp, tái tạo cá nhân là đến được trí tuệ tối hậu. Khởi đầu của việc chuyển nghiệp là bắt đầu thay đổi hành nghiệp thiện và ác từ ba nghiệp thân, khẩu và ý của chính mỗi cá nhân.

ngcan (3).jpg

Niềm tin vào duyên sinh

Chúng ta hiểu vạn vật trong vũ trụ đều duyên sinh. Không một vật nào tự thân có thể tạo ra chính mình mà phải là tập hợp gồm nhiều thành phần, đơn vị. Lý duyên khởi vì thế rất phù hợp với tinh thần khoa học. Hiểu được lý duyên khởi, chúng ta thấy rõ muôn vật trên thế gian đều tương sinh, tương tức với nhau như nước và mây, như cây và hạt. Chúng ta không thể tách một cá thể đứng ngoài xã hội, ngoài nhân loại. Hạnh phúc chung của một gia đình, một cộng đồng phải là hạnh phúc tổng hòa của từng cá nhân gộp lại. Những quốc gia mà giàu nghèo cách biệt quá xa không thể là một quốc gia hạnh phúc khi ‘kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra’. Người ta không tính GDP mà GNH (Gross National Happiness - Tổng hạnh phúc quốc gia).

Tin vào duyên khởi là tin bằng trí tuệ, bằng nhãn quan khoa học. Đó là chánh tín. Người có chánh tín là người có trí tuệ, người có trách nhiệm, vì hiểu lý nhân quả và duyên khởi. Chúng ta xét một hiện tượng, một sự việc tốt xấu, phát xuất từ nhân nào, sẽ chịu quả gì và sửa đổi lại điều kiện hay duyên tạo ra nó vì mình là chủ nhân của mọi thành bại, đau khổ an vui. Nhờ đức tín, con người mới cố gắng chuyển đổi, vươn lên trong mọi lĩnh vực. Một dân tộc có đức tự tín, không bao giờ cam chịu khuất phục, chậm tiến. Có tự tín là có một sức mạnh phi thường. Có tự tín, sự tu hành mới không thối chuyển.

Hòa thượng Thanh Từ có viết: “Bản chất của đạo Phật là trí tuệ, là giác ngộ, làm sao dung nạp được mê tín. Nếu người ta thấy trong chùa chiền hiện nay còn những hiện tượng mê tín, vội phê bình đạo Phật mê tín. Đây là những oan tình của đạo Phật. Tất cả những kinh Phật không có nói những việc mê tín ấy, chẳng qua một số người vì tùy tục, vì thiếu hiểu Phật pháp vẽ bày ấy thôi.

Người học Phật chân chánh phải gan dạ loại bỏ những tập tục sai lầm ấy, can đảm dứt khoát đập tan mọi tệ đoan làm suy giảm giá trị Phật pháp. Có khi dẹp bỏ những điều đó, có thể thiệt thòi chút ít quyền lợi của mình. Song chúng ta cương quyết vì Chánh pháp, chớ không vì lợi dưỡng, vì đưa người ra khỏi đường mê, không vì sợ mất mát bản đạo. Được thế, chúng ta mới xứng đáng là người lãnh đạo tín đồ mới”(**).

Đạo Phật đem lại một lối sống mà mình có thể ứng dụng mọi lúc mọi nơi, đem lại lợi ích cho mình. Người nào quy y Phật, Pháp và Tăng với niềm tin như vậy thì họ sẽ trở thành người Phật tử mà không cần một lễ nghi nào, không một loại hình thức nào, không đăng ký, không thể lệ nào để phải làm theo. Vì vậy mà, F.L Woodword, một trong những dịch giả nổi tiếng về những lời dạy của Ðức Phật, đã từng nói Phật giáo là “tôn giáo tự mình làm lấy” (a do-it-yourself religion).

Ðiều tối quan trọng ngày nay là nhận biết giá trị bức thông điệp của Ðức Phật và sống theo những lời dạy ấy. Đó là không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, và không sử dụng các chất kích thích làm mê mờ tâm trí. Đức hạnh cao hơn là bố thí, giữ giới - những nguyên tắc đạo đức căn bản và thực hành thiền định.

Tư tưởng căn bản của Phật giáo là lý Nhân quả, Duyên khởi, Tứ diệu đế, nền tảng cho tất cả các tông phái Phật giáo, Nguyên thủy, Đại thừa hay Kim cương thừa - Mật tông, vốn đã hiện diện hàng ngàn năm nay trong đời sống người dân Việt. Còn những hiện tượng hay nghi lễ gì đó mà không dựa trên những đạo lý này thì mãi mãi chỉ là hình thức thức phù phiếm và không phải là “chánh đạo”. Mong mọi người cẩn trọng!

Nguyên Cẩn

thien(1)

Tùy hỷ việc làm tốt của người khác để chuyển hóa tâm ganh ghét

Đăng lúc: 21:21 - 08/06/2015

Tùy hỷ công đức để chuyển hóa tâm ganh ghét tật đố: là hoan hỷ với những ai đã làm những việc thiện lành tốt đẹp bằng cách chia sẻ hay nâng đỡ người khác. Như thấy người làm việc giúp đỡ kẻ khác vượt qua cơn hoạn nạn.
Đa số chúng ta, ai cũng mang sẵn thói quen ganh ghét tật đố, cống cao ngã mạn, tham danh hám lợi... Bởi có những tính xấu ấy, nên khi thấy ai làm điều gì tốt đẹp, chúng ta liền có phản ứng ngay bằng cách chỉ trích phê phán đúng sai về người đó.



Vậy thế nào là tùy hỷ công đức? Tùy hỷ là vui theo, công đức là những điều lành, điều tốt, những điều đem lại lợi ích, hạnh phúc cho người khác. Nghĩa là thấy ai làm việc gì tốt, có công đóng góp lớn cho xã hội thì ta đều hoan hỷ phát tâm vui mừng và còn tán thán người đó.Hoặc thấy họ làm điều phước thiện, chúng ta hoan hỷ vui vẻ với việc làm của người, mừng thế gian có thêm một người tốt và bớt đi một người xấu. Sự hoan hỷ vui vẻ giúp cho con người sống yêu thương gần gũi với nhau nhiều hơn, bằng trái tim hiểu biết.
Người phát tâm làm việc bố thí, chính họ đã khởi lòng từ bi thương xót giúp đỡ người khác. Thấy người bố thí, ta phát tâm tùy hỷ hoặc tìm cách trợ giúp theo, chính ta đã chuyển hóa được tâm ganh ghét tật đố ích kỷ của mình..
Phật ví dụ ngọn lửa của một cây đuốc dù đem trăm ngàn cây đuốc khác đến mồi, ngọn lửa ấy vẫn không bị hao mòn mà còn làm cho chung quanh đó sáng thêm. Tuy cùng làm một việc làm phước thiện, mà người phát tâm nhỏ hẹp thì công đức sẽ có giới hạn, người phát tâm rộng lớn thì công đức vô cùng tận. Trong kinh Phật dạy: “Người phát tâm rộng lớn để bố thí vật chất, của chỉ bằng hạt cải mà quả báo như núi Tu di. Ngược lại, người ôm lòng nhỏ hẹp bố thí, của bằng núi Tu di, công đức chỉ bằng hạt cải”.
Khi thấy người làm việc bố thí, chúng ta phát tâm tùy hỷ việc tốt của người khác, chắc chắn người đó sẽ cảm mến ta. Ta tùy hỷ việc làm tốt của người khác không tốn hao tài sản, hay hao mòn sức lực mà đem lại niềm an vui hạnh phúc cho mình và người.
Thấy người làm điều thiện, ta không phát tâm hoan hỷ, mà còn sanh tâm ganh ghét tật đố, khinh chê coi thường người ấy, làm họ thối Bồ đề tâm, ta và họ sẽ trở thành kẻ thù của nhau. Chính tâm ích kỷ tật đố, cống cao ngã mạn, đã làm cho mọi người càng trở nên xa lánh không thích gần gũi.


Thích Đạt Ma Phổ Giác

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 24
  • Hôm nay 2,725
  • Tháng hiện tại 60,110
  • Tổng lượt truy cập 23,466,359