Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Đại Lễ Vu Lan Báo Hiếu 2017 Tại Chùa Đức Hậu

Đại Lễ Vu Lan Báo Hiếu 2017 Tại Chùa Đức Hậu

Đăng lúc: 09:36 - 05/09/2017

Sáng ngày 13/7/Đinh Dậu, Chùa Đức Hậu – TP.Vinh long trọng tổ chức Đại lễ Vu Lan Báo Hiếu và cúng dường Trai Tăng nhân ngày Tự Tứ sau 3 tháng An Cư Kiết Hạ.



Chứng minh và tham dự đại lễ có sự hiện diện của: Đại đức Thích Định Tuệ - Ủy viên thường trực Ban Trị sự kiêm Trưởng ban Phật giáo Quốc tế GHPGVN tỉnh Nghệ An, Trụ trì chùa Đức Hậu; Chư Tôn đức Tăng Ni trong và ngoài tỉnh. Cùng sự tham dự của hơn 2000 thiện nam tín nữ trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Cứ mỗi độ tháng 07AL hằng năm là hàng triệu người con Phật trên khắp năm châu lại hướng về ngày lễ Vu Lan – ngày mà tất cả những người con đều tưởng nhớ đến thâm ân sanh thành dưỡng dục của Cha và Mẹ.
Vu Lan từ lâu đã trở thành lễ hội văn hóa thiêng liêng của không chỉ những người con Phật mà còn của tất cả những người con muốn hướng tâm mình đến hai đấng sinh thành.
Tiết Vu Lan bâng khuâng nhớ Cha ơn dưỡng dục
Mùa Báo Hiếu bùi ngùi thương Mẹ đức cù lao.
Cha Mẹ đã san sẻ một phần máu thịt để tạo nên hình hài cho chúng ta. Tình thương của người dành cho ta là thứ tình cảm tuyệt vời, không bút nào tả xiết, và không có bất cứ tình thương nào trên cõi đời này có thể so sánh được. Chính vì vậy, báo hiếu cha mẹ là nghĩa vụ cao quý, thiêng liêng nhất mà không nghĩa vụ nào có thể sánh bằng.
Sau thời tụng kinh Vu Lan, các Phật tử dâng những phẩm vật lên Chư Tôn Đức Tăng Ni để cúng dường Trai Tăng nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu để hồi hướng công đức cho Cha Mẹ. Đại đức Thích Quảng Văn thay mặt Chư Tăng thọ nhận vật phẩm cúng dường, đồng thời có đôi lời pháp nhủ quí báu nói về công ơn dưỡng dục của Cha Mẹ và ý nghĩa của việc cúng dường Trai Tăng.
Tiếp đến, những nắm cơm muối mè mang đậm tính hiếu hạnh của đức Mục Kiền Liên được chuyển đến cho bà con Phật tử để dâng lên cúng Chư Phật và Cha Mẹ của mình rồi dùng cơm trong chánh niệm.
Lễ Vu Lan Báo Hiếu tại chùa Đức Hậu diễn ra trong không khí trang nghiêm, thanh tịnh đã ghi lại dấu ấn sâu sắc trong lòng mọi người.
Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận:























Hồng Nga

Chuyện Bách Dụ – Lý Luận Của Kẻ Trộm

Chuyện Bách Dụ – Lý Luận Của Kẻ Trộm

Đăng lúc: 05:37 - 14/07/2015

Đức Phật thuyết pháp có tư tưởng đặc biệt trong giáo pháp của Ngài. Mỗi tôn giáo đều có tôn chỉ và giáo pháp riêng của họ, chúng ta đem Phật pháp ứng dụng vào tôn giáo khác thì không phù hợp; huống gì tà giáo, quan điểm bất đồng rất lớn.
Lí luận của kẻ trộm
Lời dẫn: Mỗi loài chúng sinh trong vũ trụ đều có cách sống không giống nhau. Con người có giàu sang và nghèo cùng, cuộc sống của họ cũng khác nhau; đó là nguyên do phúc báo và nghiệp báo. Người có phúc báo được hưởng thụ văn minh vật chất thời hiện đại; người không có phúc giống như cuộc sống thời nguyên thủy; cho dù có máy móc và các dụng cụ tối tân hiện đại họ cũng không biết sử dụng; giống như phương tiện giao thông ngày nay ngày càng đổi mới, có người vận dụng nó làm rất nhiều việc, đạt được lợi ích rất nhiều. Có người chẳng những không biết vận dụng, mà còn vì nó đánh mất sinh mạng quí báu.
Thuở xưa, có một người rừng ở trong núi thẳm, quanh năm chưa từng trải việc đời, cuộc sống của hắn là những ngày rất chất phác và đơn giản.
Một hôm, có gã thợ săn đuổi thú rừng đến rừng sâu này. Gã nói với người rừng:
- Này anh! Cuộc sống thành thị sung sướng và giàu sang như thế này, như thế này.
Nghe thợ săn nói, hắn rất ngưỡng mộ cuộc sống xa hoa ở thành thị. Một hôm, hắn trèo đèo vượt núi đi đến thành thị, hắn nhìn thấy nam thanh, nữ tú đều xinh đẹp, đâu đâu cũng nhà cao cửa rộng; thức ăn là những món sơn hào hải vị, thịt cá ê hề; thật sự quá sung sướng. Nhưng ta hai bàn tay trắng phải làm thế nào?
Một hôm thừa dịp đêm khuya, hắn lén đột nhập vào cung trộm lấy long bào của nhà vua; nhưng chỉ qua vài ngày hắn bị quân lính bắt trói đem về cung giao cho nhà vua. Hắn vẫn cãi leo lẻo:
- Tâu bệ hạ! Long bào này là phẩm vật tổ tiên của thảo dân để lại.
Nhà vua bảo:
- Ngươi nói phẩm vật của tổ tiên ngươi để lại thì hãy mặc cho trẫm xem thử?
Vì vậy, ở trước mặt nhà vua hắn muốn mặc long bào nhưng cứ lật qua lật lại mặc thế nào cũng không đúng. Nhà vua nhìn thấy cười lớn nói:
- Ngươi nói của tổ tiên để lại mà ngay cả mặc cũng không biết. Quân sĩ đâu! Bắt hắn giam vào ngục cho trẫm.
Thế là hắn bị nhà vua tống vào nhà ngục.
kinh-phap-cu-pb4
Bài học đạo lí
Đức Phật thuyết pháp có tư tưởng đặc biệt trong giáo pháp của Ngài. Mỗi tôn giáo đều có tôn chỉ và giáo pháp riêng của họ, chúng ta đem Phật pháp ứng dụng vào tôn giáo khác thì không phù hợp; huống gì tà giáo, quan điểm bất đồng rất lớn.
Đức Phật dạy: “Vạn vật là do nhân duyên sinh”. Từ sinh tử khổ vui, cho đến họa phúc, thiện ác của tất cả chúng sinh đều là mình làm mình chịu. Theo tư tưởng của các tôn giáo khác tất cả mọi việc đều do thần điều khiển chi phối. Như thế cách thuyết pháp mỗi tôn giáo không giống nhau, có thể hợp lại được không?
Phật giáo có giới luật và phương pháp tu hành của Phật giáo, các tôn giáo cũng có pháp tu riêng của họ. Có những người tu hành không nương theo Phật pháp mà chỉ trộm những danh từ, tùy tiện sửa đổi, hay xen tạp những tà thuyết; hoặc chỉ học những nghi thức để làm nổi bậc bề ngoài của mình; chẳng những tâm mình không biết hổ thẹn mà còn lộ ra nhân cách thấp hèn. Bọn họ nói ba tôn giáo hợp lại một, hoặc nhiều tôn giáo trở về một, trời ban chân đạo, thần nào đó, Phật nào đó giáng xuống đàn tràng giảng đạo; lại vâng lịnh của trời v.v…chẳng ra cái gì, chỉ là dọa nạt và dụ dỗ mọi người; dựa vào trời, thần để mượn thánh chỉ, lừa gạt nhân dân. Thực sự vừa buồn cười vừa đáng thương.
Nhân loại có một chứng bệnh giống nhau, thích nghe nói giả dối; giống như người làm kinh doanh nói: “Chịu lỗ vốn gốc”, “bán giảm giá khuyến mãi” hay“bán hàng thanh lí”…thì mọi người kéo đến mua hàng giảm giá đông như kiến. Nếu như họ kinh doanh chân thật thì làm ăn chịu nhiều thiệt thòi. Điều này không phải làm cho kẻ gian lường gạt hay sao?
Một số danh từ: lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia, mượn danh nghĩa để làm bậy, không phân biệt trắng đen v.v…đều là tham và ngu. Có người vì danh, có kẻ vì lợi, có kẻ tham của rẻ mà đánh mất lí trí. Những kẻ tham tài, tham lợi mới có thể phủ lên sự giả dối. Tham và lừa gạt muôn sự ở thế gian, họ chỉ đạt được một chút lợi ích trước mắt mà chịu nhiều thiệt thòi về sau. Trong tín ngưỡng, tu hành lừa dối là việc nhiều đời nhiều kiếp; lại lừa thần, dối Phật thì tội lỗi càng chồng chất, hiện tại tuy chưa thấy được báo ứng nhưng tội lỗi lại chịu nhiều đời nhiều kiếp; giống như đứa bé vì được lợi ích viên kẹo mà đời sau lại mất tài sản vô lượng. Quả thật vừa đáng thương vừa đáng buồn.
Nguồn: http://vnbet.vn/chuyen-bach-du-32.html

Phật và chư Tăng, ai phước báu nhiều hơn?

Phật và chư Tăng, ai phước báu nhiều hơn?

Đăng lúc: 07:43 - 26/06/2015

Sau khi an vị nơi chỗ ngồi, đức vua Mi-lan-đà lại hỏi Đại đức Na-tiên tiếp:



- Thưa đại đức, Bà Pajàpati Gotàmì là di mẫu của Phật, có dâng cúng đến Đức Phật một bộ y quý giá, nhưng Đức Phật không thọ nhận, lại nói với bà rằng: "Hãy cúng dường bộ y này đến Chư Tăng, vì cúng dường đến Chư Tăng cũng như cúng dường đến Như Lai vậy." Chẳng hay điều ấy có đúng chăng?

- Thưa, quả có như thế.

- Như vậy chứng tỏ rằng Đức Phật không cao quý hơn Tăng, không cao thượng hơn Tăng, không phải là bậc thầy tối thượng của Tăng rồi! Đại đức nghĩ như thế nào? Bộ y kia đã được làm ra thật công phu, mất biết bao nhiêu là thì giờ cùng tâm huyết? Chính tự tay bà Pajàpati Gotàmì cán bông, bắn bông, quay sợi rồi tự dệt lấy. Thế mà Đức Thế Tôn đã cam tâm từ chối! Nếu Đức Thế Tôn quả đã tròn đủ các đức tánh cao thượng đặc biệt phi thường hơn Tăng thì ngài đã thọ nhận để cho bà di mẫu - vốn có ân đức nuôi dưỡng ngài từ nhỏ - được phước báu to lớn mới phải. Chuyện xảy ra như vậy làm cho trẫm có hai mối nghi, thưa đại đức. Mối nghi thứ nhất là phước báu của Phật không hơn phước báu của Tăng. Mối nghi thứ hai là Đức Thế Tôn quên nghĩ đến ân đức dưỡng dục đối với bà di mẫu của mình!

- Tâu đại vương, cả hai mối nghi của đại vương đều chính đáng, tuy nhiên, việc làm của Đức Phật chứng tỏ Đức Phật cao thượng hơn đại vương nghĩ rất nhiều.

- Xin đại đức hoan hỷ giải thích cho nghe.

- Bần Tăng muốn giải thích bằng ví dụ.

- Vâng, trẫm rất vui lòng.

- Ví như đại vương sắp truyền ngôi cho một vị hoàng tử vậy. Muốn cho hoàng tử sau này được mọi người tôn trọng, nể phục, khả dĩ có đủ uy tín để lãnh đạo quốc độ, có đủ uy tín với lân bang; nên trước mặt bá quan văn võ triều đình, trước mặt các sứ thần ngoại giao, đại vương thường ca ngợi tài đức, phẩm hạnh của hoàng tử. Đại vương làm như thế là nghĩ đến sơn hà xã tắc trong tương lai, hay làm như thế vì nghĩ rằng hoàng tử cao quý, cao thượng hơn đại vương?

- Dĩ nhiên là trẫm nghĩ đến quốc độ sau khi trẫm nhắm mắt.

- Việc ca ngợi phước báu của Tăng cũng y như thế. Đức Phật vì nghĩ đến tương lai của giáo pháp, muốn cho giáo pháp được thịnh mãn lâu dài nên Đức Phật mới ca tụng phước báu của Tăng. Dù sao, đến thời phải lẽ, Đức Phật sẽ nhập diệt; và kẻ kế thừa sự nghiệp hoằng truyền giáo pháp tồn tại năm ngàn năm là sứ mạng của Tăng. Tăng còn thì giáo pháp còn, cho nên Đức Phật khuyên bà di mẫu cúng dường đến Tăng cũng vì lẽ ấy. Đức Phật nghĩ đến Tăng cũng như đại vương nghĩ đến vị hoàng tử của đại vương vậy, đâu phải vì Tăng cao quý, cao thượng hơn Đức Phật! Đại vương hãy suy gẫm thử xem?

- Có lý lắm, trẫm đã suy gẫm rồi. Nhưng đại đức có ví dụ nào nữa chăng?

- Ví như cha mẹ vì thương con, lo lắng, chăm sóc con. Ngoài vấn đề lo cơm ăn áo mặc cho đầy đủ, đôi khi cha mẹ còn bóp tay, bóp chân tắm rửa, kỳ cọ, thoa dầu, trang điểm cho con nữa. Việc làm ấy của cha mẹ có phải là vì con cái cao quý, cao thượng hơn cha mẹ không, hở đại vương?

- Không phải thế. Mà vì cha mẹ nào cũng thương con, hằng lo cho con, mong cho con được sung sướng, được xóm làng nể trọng, để còn kế thừa sự nghiệp, đem lại danh thơm tiếng tốt cho gia đình, tổ tiên...

- Vâng, đúng là vì Đức Phật hằng chăm lo cho Tăng trong mai hậu được đầy đủ tứ sự cúng dường, được ngoại giáo và thế gian nể trọng, để thừa tự giáo pháp cho được xán lạn và vinh quang, tâu đại vương!

- Ngài còn ví dụ nào nữa chăng?

- Ví như một nước lân bang vốn quy phục đại vương, đem cống hiến cho đại vương những phẩm vật quý giá. Đại vương lại đem vật cống hiến ấy tặng cho vị quốc sư mà đại vương hằng kính trọng và thương mến. Người ta có vì lẽ đó mà bảo quốc sư ấy cao quý và cao thượng hơn đại vương chăng?

- Không thể bảo như thế được. Sở dĩ mà trẫm đem vật quý giá ấy ban tặng cho vị quốc sư là vì vị quốc sư xứng đáng được hưởng, ngoài ra, trẫm còn muốn văn võ bá quan trong triều đình tôn trọng danh dự và địa vị của vị quốc sư ấy nữa.

- Đức Thế Tôn là bậc thầy tối thượng của Tăng, là bậc thầy của chư thiên và nhân loại; ngài vĩ đại, cao thượng và cao quý hơn tất thảy chúng sanh trong tam giới, ân đức và phước báu của ngài ai nào dám so sánh được, tâu đại vương? Ở trong kinh Samyutta Nikàya (Tương ưng bộ) có kệ ngôn như sau: "Cao quý hơn tất cả các núi ở tuyết lãnh chỉ có Tuyết Sơn. Mặt trời là bá chủ, là cao quý hơn tất thảy các vật giữa hư không. Biển cả cao quý hơn tất cả sông hồ trên mặt đất. Mặt trăng cao quý hơn tất cả các vì tinh tú. Giữa tam giới, Đức Phật cao quý, cao thượng hơn tất cả chúng sanh." Lại nữa, Đức Pháp chủ Sàriputta có thuyết rằng: "Trên thế gian này chỉ có một người, một con người duy nhất, độc nhất, trải qua vô lượng kiếp tu tập các công hạnh, là kẻ tế độ chúng sanh; sanh ra trong thế gian là vì sự an vui, tiến hóa, sự lợi ích cho chư thiên và loài người. Vị độc nhất vô nhị ấy chính là Đức Chánh Đẳng Giác, bậc A-la-hán vô song, là Đức Phật Sakya Muni vậy." Tâu đại vương! Đức Phật cao quý và cao thượng như thế thì tâm bi mẫn của ngài đối với Chư Tăng mai hậu, đối với tiền đồ của giáp pháp cũng giống như đại vương đối với hoàng tử, như cha mẹ lo cho con, như đại vương ban tặng phẩm vật cho vị quốc sư vậy. Đại vương đã sáng tỏ chưa?

- Sáng tỏ rồi. Nhưng còn mối nghi thứ hai?

- Vậy đại vương nghĩ thế nào? Bà di mẫu cúng dường bộ y quý giá do tự tay mình làm đến Đức Phật là do động cơ nào thúc đẩy?

- Có lẽ là do động cơ mẹ con, nghĩa là nặng về tình cảm cá nhân hơn là bố thí cúng dường vì tâm ly tham, vì các trạng thái tâm cao thượng.

- Cúng dường, bố thí do tình cảm cá nhân, phước báu sẽ như thế nào so với sự cúng dường, bố thí bằng các trạng thái tâm cao thượng như xả, ly tham hoặc chỉ nghĩ đến Tăng cùng sự tồn tại lâu dài của giáo pháp?

- Dĩ nhiên bố thí cúng dường với các trạng thái tâm sau, phước báu sẽ thù thắng hơn nhiều.

- Đức Thế Tôn chính vì nghĩ đến ân đức to lớn của bà di mẫu nên ngài đã tạo duyên cho bà cúng dường bố thí đến Tăng, để bà hưởng được phước báu thù thắng trong mai hậu vậy. Điều lợi ích ấy chính đại vương đã tự nói ra.

- Vâng, hóa ra Đức Thập Lực Tuệ đã giúp cho bà di mẫu cúng dường cao thượng để bà hưởng được phước báu cao thượng. Trẫm đã rõ. Ôi! Hay vậy thay! thật là những ý nghĩa vàng ngọc, cao quý vậy thay!

(Trích trong Mi Tiên Vấn Đáp)

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 11
  • Hôm nay 298
  • Tháng hiện tại 62,052
  • Tổng lượt truy cập 23,468,301