Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Niệm Tăng

Niệm Tăng

Đăng lúc: 19:57 - 26/04/2017

Luôn quán niệm, nhớ nghĩ về ân đức Tam bảo, ba ngôi quý báu ở thế gian với tất cả lòng kính tin là một trong những điều kiện quan trọng để tiến tu trong Phật pháp. Với hầu hết mọi người con Phật, tin Phật là hiển nhiên, tin Pháp là đương nhiên nhưng tin Tăng thì khó hơn rất nhiều vì trong đó thánh phàm lẫn lộn.

niemtang.JPG
Tăng là đoàn thể đẹp, cùng đi trên đường vui...

Tăng-già hiểu theo nghĩa Sangha, hội chúng đệ tử Phật xuất gia gồm bốn người trở lên, hòa hợp và thanh tịnh ngày càng trở nên khó tìm. Tăng-già hiểu theo nghĩa tổ chức Giáo hội, Tăng đoàn lại càng khó để trọn niềm tin. Tăng-già là Thánh chúng (bốn đôi, tám bậc) thì cực kỳ hiếm hoi.
Thế nên, pháp Niệm Tăng hiện nay xem ra là pháp tu có nhiều điểm đáng bàn. Không niệm Tăng thì không thành tựu đức tin Tam bảo, mà niệm Tăng như lời Phật dạy dưới đây cũng chẳng dễ chút nào. Khi mà hội chúng xuất gia hiện nay hầu hết là phàm Tăng, chưa kể đến đội ngũ tạp Tăng, tìm mọi cách len lỏi vào Tăng đoàn với vô vàn lý do và mục đích khác nhau.

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Hãy tu hành một pháp, hãy truyền bá rộng rãi một pháp. Tu hành, truyền bá rộng rãi một pháp rồi sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nào là một pháp? Nghĩa là niệm Tăng.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

- Thế nào là tu hành niệm Tăng sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn?

Bấy giờ các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:

- Căn bản các pháp đều do Như Lai nói. Cúi mong Thế Tôn, vì các Tỳ-kheo mà nói diệu nghĩa này. Các Tỳ-kheo nghe lời Như Lai nói rồi sẽ thọ trì.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ vì các Thầy phân biệt rộng điều này.

Các Tỳ-kheo đáp:

- Xin vâng, Thế Tôn.

Các Tỳ-kheo vâng lời dạy rồi, Thế Tôn bảo rằng:

- Nếu có Tỳ-kheo chính thân, chính ý, ngồi kiết-già cột niệm trước mặt, không có tưởng khác, chuyên cần niệm Tăng (chúng): Thánh chúng của Như Lai nghiệp lành thành tựu, chất trực thuận nghĩa, không có nghiệp tà, trên dưới hòa mục, pháp pháp thành tựu, tam muội thành tựu, trí tuệ thành tựu, giải thoát thành tựu, độ tri kiến thành tựu. Thánh chúng là bốn đôi, tám bậc. Đó là thánh chúng của Như Lai, phải nên cung kính, thừa sự, lễ thuận. Vì sao thế? Vì họ là ruộng phước của đời. Ở trong chúng này đều đồng là pháp khí. Cũng vì tự độ mà độ người khác đến đạo Tam thừa. Nghiệp như thế gọi là Thánh chúng. Thế nên, các Tỳ-kheo, nếu có người niệm Tăng, liền có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nên, các Tỳ-kheo, thường nên tư duy, chẳng lìa niệm Tăng, liền sẽ được các công đức lành này. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này!

Bấy giờ các Tỳ-kheo, nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm 3.Quảng diễn,
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.47)

Nhìn vào hiện thực Tăng-già ở xứ ta hiện nay, hẳn thật khó để quán niệm về Thánh chúng với các phẩm chất “Nghiệp lành thành tựu, chất trực thuận nghĩa, không có nghiệp tà, trên dưới hòa mục, pháp pháp thành tựu, tam muội thành tựu, trí tuệ thành tựu, giải thoát thành tựu, độ tri kiến thành tựu. Thánh chúng là bốn đôi, tám bậc”. Có thể thấy rõ điều này qua một số hình ảnh thể hiện sự phân hóa, bất hòa, cát cứ, phiền não, chạy vạy, rối rắm đậm chất thế tục mà ai cũng biết với sự kìm nén đau lòng, thương cho Phật pháp.

Tuy vậy, về cá nhân của từng vị Tăng (Ni) hay các hội chúng đang ẩn dật nơi các thiền viện, tu viện, tịnh viện thì các phẩm chất của Thánh chúng nơi họ vẫn còn. Nhìn ra thế giới vẫn còn nhiều các bậc thầy đúng nghĩa, những hội chúng thanh tịnh đang tu tập giới định tuệ và tận lực hoằng hóa. Có thể xem đây là chiếc phao hy vọng cho những người con Phật bám víu để quán niệm về chúng Tăng với các phẩm chất hòa hợp, thanh tịnh mà khởi lòng kính tin.
Quảng Tánh

Thứ nhất tu Miệng, thứ nhì tu Tâm

Thứ nhất tu Miệng, thứ nhì tu Tâm

Đăng lúc: 19:52 - 26/02/2017

Biết bao chuyện thị phi trên đời phần nhiều đều từ cái miệng. Có câu rằng: “Họa từ miệng mà ra”, bởi vậy người trí tuệ thì không thể không tu cái miệng, đây cũng là triết lý quan trọng để làm người.


Câu thứ nhất: Giữ cái miệng

Khi nói chuyện cùng người khác, cần chú ý đến lời nói của mình. Nếu như bản thân có chút hiểu biết, tri thức uyên thâm, đừng tỏ ra khinh thường hay ngạo mạn.

Khi ở cùng người khác, nếu như bạn muốn sao nói vậy, không hề che đậy, cũng không hề lảng tránh, thì có thể vô tình làm tổn thương ai đó. Im lặng là vàng, câu nói đơn giản này, lại ẩn chứa ý vị cực kỳ sâu xa.

Im lặng không có nghĩa là tư tưởng trống rỗng. Thông thường, những tư tưởng uyên bác đều đến từ quá trình trầm tư suy nghĩ. Khi im lặng, chính là đang tích cực suy nghĩ, trong lựa chọn giữa ôm giữ và buông bỏ, đều có thể nắm bắt được chỗ trọng yếu, hành động chính xác, khiến người bội phục.

Im lặng không có nghĩa là trống không, mà là một quá trình chờ đợi.

Trái đất im lặng là để tích lũy vàng kim.

Chim ưng im lặng là đang chờ đợi vỗ cánh bay cao.

Ngày đông giá rét im lặng là để mùa xuân đầy màu sắc.

Im lặng là một loại phẩm chất, một loại tu dưỡng, giúp ước chế bản thân mình, rèn luyện ý chí mạnh mẽ, không kiêu ngạo, siểm nịnh, hình thành đức tính kiên trì, nhẫn nại.

Câu thứ hai: Giữ cái tâm

Trong cuộc sống, khó tránh khỏi những chuyện không vừa lòng đúng ý. Xử lý thế nào cho tốt những chuyện đó chính là một khảo nghiệm rất lớn đối với người đức hạnh.

Có những đêm dài ngồi tĩnh lại, nhìn vào nội tâm của bản thân, khi đó, bóng dáng chân thực của mình sẽ hiển lộ ra trước mắt. Thường xuyên suy nghiệm, ta sẽ thấy được bản thân chân thực của mình, cũng nhận ra được đâu là cái tôi giả dối. Cứ như vậy sẽ trở thành một thói quen, cảnh giới của bạn sẽ không ngừng đề cao.

Trong Luận Ngữ có nói: “Ta mỗi ngày phản tỉnh ba điều: Lo việc cho người đã làm hết mình chưa? Làm bạn với người có thành khẩn, giữ được chữ tín chưa? Lời thầy dạy dỗ đã luyện tập chưa?”.

Khi bạn nghĩ đến việc người khác đối xử tốt với bạn, bạn cũng sẽ có tâm nguyện muốn giúp đỡ người khác, sẵn sàng cùng họ kết giao tình, tình cảm giữa người với người vì thế mà bền lâu.

Khi bạn nghĩ đến việc bản thân có chỗ đối xử tốt với người khác, thì sẽ khiến cảm giác tự mãn của bản thân bành trướng không ngừng. Như vậy sẽ mất đi cái tôi chân thực.

Khi một người nào đó gây bất lợi cho bạn, bạn sẽ cảm thấy không thoải mái, sẽ tìm cách trừng trị người đó. Điều này là trở ngại cho việc hoàn thiện nhân cách của bạn, cũng là bất lợi đối với việc xây dựng quan hệ hài hòa giữa con người.

Khi bạn trong lúc vui sướng cần nhớ kỹ khắc chế bản thân, bởi vì con người ta thường “đắc ý quên hình”, quá đắc ý sẽ không giữ được thái độ đúng mực, gây tổn thương người khác, đánh mất bản tính của mình.

Có câu rằng: “Lùi một bước biển rộng trời cao”, khi gặp vấn đề nên “lùi một bước” để suy xét cẩn thận, để có những quyết định sáng suốt nhất.

Một niệm thiện, thì mọi thứ đều thiện; một niệm ác, tất cả đều là ác. Cho nên, cần phải dưỡng thành thói quen “giữ miệng”, cũng cần học được cách giữ cho chính cái tâm mình.

Quan điểm của Phật giáo về tự sát

Quan điểm của Phật giáo về tự sát

Đăng lúc: 18:13 - 02/12/2016

HỎI: Vừa rồi tôi có đọc bài “Cảnh giới của những người tự sát”, trích từ quyển Nhân quả giải theo Phật giáo. Trong sách có luận giải: Khi tự sát sẽ phạm vào 3 tội nặng. 1- Bất hiếu với song thân, 2- Tự hủy hoại hình hài, phụ phúc báu hi hữu có được thân người, 3- Ngu si vô trí. Sau khi tự sát, thần thức sẽ bị chìm trong thống khổ triền miên. Tuy nhiên, tôi không rõ nếu như những vị anh hùng tướng lĩnh vì đất nước sẵn sàng tuẫn tiết để giữ chữ trung, các cô gái sẵn sàng tự sát để giữ gìn chữ trinh, các Thánh tử đạo thì có chịu quả báo thống khổ này không?
(QUẾ KHANH, nguyenthiquekhanh@gmail.com)

ĐÁP: Bạn Quế Khanh thân mến!

Thánh tử đạo là những bậc nguyện hy sinh thân mình để bảo vệ đạo pháp và làm lợi lạc cho chúng sinh. Tuẫn tiết cũng là tự sát nhưng để giữ tròn khí tiết, xả bỏ thân mạng vì nghĩa lớn hoàn toàn khác với tự tử vì những lý do hay hoàn cảnh tiêu cực của cá nhân. Phật giáo có quan điểm khác nhau về các phương diện tự hủy thân mạng.

Trước hết, Phật giáo phê phán hành vi tự tử (dù bất cứ lý do gì) vì 3 tội lỗi như đã nêu, đó là bất hiếu, giết người (bản thân mình), sân si. Vì phạm lỗi và tạo ác nghiệp nghiêm trọng nên người tự tử bị quả báo thống khổ lâu dài (thường là địa ngục).

Kế đến là các tướng sĩ tuẫn tiết để giữ chữ trung. Trung quân ái quốc là một phẩm chất cao quý của tướng sĩ cũng như mọi người dân. Phật giáo tán thán phẩm chất trung quân ái quốc của con người nói chung nhưng vì luôn đề cao trí tuệ nên không chấp nhận “ngu trung”. Thân mạng rất quý giá nên chết vì ngu trung thì thật oan uổng. Nho giáo luận về sự tuẫn tiết là “sinh vi tướng, tử vi thần”, nghĩa là lúc sống làm tướng, vì trung nghĩa mà chết sẽ làm thần. Phật giáo luận về tái sinh của những vị này vi tế hơn, tùy thuộc vào nhiều nhân duyên khác nữa, tựu trung nghiêng về các cảnh giới a-tu-la (thiện) và quỷ thần (thường là trung-thượng đẳng thần).

Riêng vấn đề các cô gái chịu chết để giữ chữ trinh, đây là quan niệm của Nho gia, chữ trinh đáng giá ngàn vàng. Phật giáo có quy định về giữ gìn tiết hạnh (giới Không tà dâm), chung thủy với người bạn đời nhưng không cực đoan về chữ trinh như Nho gia. Do đó, tự sát để giữ chữ trinh, xét về nhiều phương diện (liên hệ đến các tập tục, truyền thống, văn hóa, văn minh trên toàn thế giới), vẫn là cái chết thiếu trí tuệ, sau khi chết đọa vào đường ác (thường làm quỷ thần).

Các bậc Thánh tử đạo thì hoàn toàn khác. Những bậc này đã quán thông vô thường và vô ngã, không còn chấp thủ thân này, phát tâm nguyện Đại hùng - Đại lực - Đại từ bi mà xả bỏ thân mạng vì lợi ích chúng sinh, nên cảnh giới của chư vị là không thể nghĩ bàn.

TỔ TƯ VẤN

Đức vua Trần Nhân Tông những dấu ấn sáng ngời của bậc xuất trần đại sĩ

Đức vua Trần Nhân Tông những dấu ấn sáng ngời của bậc xuất trần đại sĩ

Đăng lúc: 21:40 - 26/11/2016

Tưởng niệm lần thứ 708 Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết 11/11 năm Mậu Ngọ (1258) - 11/11 năm Bính Thân (09/12/2016)


Đức vua Trần Nhân Tông những dấu ấn sáng ngời của bậc xuất trần đại sĩ
Những dấu ấn sáng ngời của bậc xuất trần đại sĩ. Đức vua Trần Nhân Tông - Đức Phật hoàng Việt Nam – Tổ tiên tộc Việt!
-Ngài là nhà lãnh đạo kiệt xuất, tài đức kiêm toàn, trực tiếp lãnh đạo cùng toàn dân, hai lần đánh tan đế quốc Nguyên Mông hung hãn cuồng vọng nhất bấy giờ,(Năm 1285 - 1288), mà vó câu xâm lược đã chiếm gần ¾ thế giới, cả Châu Á lẫn Châu Âu, từ bờ Hắc hải đến Thái bình dương
Đế chế Nguyên Mông chinh phục toàn bộ các nước Á Châu như: Kim, Liêu, Tây hạ, Thổ phồn, Cao ly, Tây tạng, Afganistan, Hồi.
Đức vua Trần Nhân Tông những dấu ấn sáng ngời của bậc xuất trần đại sĩ
Chinh phục toàn bộ các nước vùng Trung Đông, các nước Âu Châu như Đức, Hung, Balan, Tiệp khắc, Liên xô. Trận đánh lần thứ nhì(1285 và lần thứ ba(1288) là lúc họ chiếm trọn Trung Quốc.

Có thể nói, bấy giờ quân Nguyên Mông đông hơn gấp nghìn lần quân Việt. Nhưng lại bị đại bại thảm hại, dưới sự lãnh đạo của Đức Vua Trần Nhân Tông cùng quân dân đại Việt! giữ gìn toàn vẹn quê hương đất nước.
- Ngài là Nhà văn hoá tư tưởng xuất chúng, sớm lấy ý dân, đặt nền dân chủ(Bi-Trí-Dũng) đầu tiên cho nhân loại, qua Hội nghi Diên Hồng-Bình Than, đoàn kết nhân tâm, tổng lực chiến đấu và chiến thắng thần kỳ.
-Ngài là một vị Vua anh minh uy dũng, chỉ duy nhất đã có công thành tựu ba việc lớn cho dân tộc, đó là: “ Dựng Nước - Giữ Nước - Mở Nước” (Các vị khác chỉ thành tựu được một hoặc hai), đem lại thái bình thịnh trị cho dân tộc, toả sáng chân lý an vui hạnh phúc cho nhân loại. Ngài đã để lại cho cháu con tộc Việt.
Xã tắc vạn xuân bền sắc ngọc
Non sông muôn thuở vững âu vàng
Nhật nguyệt sáng soi trang sử Việt
Giang sơn toả chiếu ánh đạo thiêng

- Ngài đã cứu cả nhân loại và quê hương Việt Nam, thoát vòng hận thù chiến tranh đau khổ.
Thời đó Đức vua Trần Nhân Tông và toàn dân tộc Việt, nếu không chiến thắng được giặc dữ đế chế Nguyên Mông, thì chắc chắn rằng:” Chẳng có thế giới sử và lịch sử Việt Nam” như bây giờ! Và thế giới giờ đây sẽ ra sao? Khi bị thống trị bởi những kẻ ác nhân vô minh cường bạo nhất thời đó?
(Về chính sử cách nay trên 700 năm, dưới sự lãnh đạo “Thiên tài” của đức vua Trần Nhân Tông và tổ tiên Phật Việt, nếu không chiến đấu và chiến thắng ác giặc Nguyên Mông, đã chiếm trọn ¾ thế giới, cả Trung đông, cả Châu âu-nước lớn là Liên xô và cả Châu á- nước lớn là Trung quốc, đại quân Nguyên Mông khi tiến vào Bắc kinh, lúc đó Tả thừa tướng Lục Tú Phu phải cõng vua Tống mới 10 tuổi chạy trốn…Cuối cùng, theo khí tiết Nho gia “Quân tử tầu”, vua tôi trầm mình dưới biển mà chết!
Nhưng khi vào Việt Nam, đại quân Mông Cổ đã bị đại bại thảm hại liên tục ba lần, dưới hào khí bất khuất, trí dũng vô song của tổ tiên tộc Việt!
Như trên, nhìn lại mình. Cháu con tộc Việt rất tự hào với tinh thần Bi Trí Dũng của tổ tiên, mà cha ông chúng ta, Đức vua Trần Nhân Tông đã làm được cho nhân loại và dân tộc Việt.

Và nhìn về quê hương Việt Nam, nhớ về cội nguồn, chúng ta vô cùng biết ơn nhớ ơn tiên tổ, và tự hỏi lòng:”Lịch sử thời trần, chiến thắng Nguyên Mông”. Nếu ngược lại, giặc Nguyên thắng, dân Việt thua, thì chắc chắn rằng chẳng có cháu con tộc Việt thời Hồ, thời Lê…cho đến bây giờ!)
- Thời niên thiếu thái tử Trần Khâm- Đức Vua Trần Nhân Tông, phẩm chất như vàng, làu thông kinh điển, thông minh xuất chúng, mười sáu tuổi ăn chay thiền tịnh, đã ba lần từ chối ngôi vương và xin vua cha Trần Thánh Tông để lại ngai vàng cho anh là Đức Việp.
Khi đã lên ngôi cao tột đỉnh, danh lợi tột cùng, Ngài nhẹ cởi áo long bào, để lại ngai vàng cho cháu con tộc Việt, khoác áo nâu sòng, thẳng bước đi lên núi cao rừng rậm Trúc Lâm Yên Tử, sương lam chướng khí. thú dữ độc trùng, đầy hiểm nguy gian khó! Ngài ngồi gần hổ dữ, trên rắn dưới rít, sống chết phút giây! Ngài ăn rau măng, uống nước suối, ngủ giường tre. Sáng tinh sương vào rừng hái thuốc. Chiều xuống núi phân phát thuốc chữa bệnh cho dân, Tối về, ngồi một mình trong Am Dược, chịu lạnh lẽo buốt xương, bên ánh lửa khuya, Ngài tỉ mỉ chọn lựa phân chia: lá, cành, hoa, trái, rễ, củ… gói thành từng thang thuốc. Và Ngài hướng dẫn quân dân thọ trì Bồ tát hạnh, hành trì Thập thiện, Tứ trọng ân… sống yêu thương tương trợ hoà hiếu an vui (Cho nên xã hội thời đó rất an bình hạnh phúc, ít tham dục sân si, cổ sử có ghi “Đêm đến nhà nhà không đóng cửa”. Sáng về ngân vọng tiếng chuông Chùa. Ngát hương từ đất trời dịu mát. Mắt cười tâm toả ánh sen tươi ).
- Ngài xây dựng tinh thần “Lục hoà” và hoá giải đấu thắng với hai nước Chiêm thành và Chân Lạp (Lục Chân Lạp-Thuỷ Chân Lạp). Ngài truyền trao tuệ giác và dạy vua con Trần Anh Tông cách sống và lãnh đạo của một đấng minh quân, dạy vua Chiêm Thành là Chế Mân tấm lòng đại từ bi, bố thí cúng dường trong tinh thần Phật đạo. “Tôi yêu gia tộc hơn bản thân, yêu Tổ quốc hơn gia tộc, và yêu nhân loại trên Tổ quốc”.
-Trước lúc nhập diệt Ngài còn nói pháp độ chúng sanh (đệ tử Bảo Sái). Lúc Ngài hoá thân nhập Niết bàn. Núi rừng Trúc Lâm Yên Tử, hào quang năm sắc rạng ngời, toả ngát hương thơm giới đức, không gian tĩnh lặng, đất trời mây sương thành giải trắng bay lượn lưng chừng tiếc thương!
Lễ Trà Tỳ. Ngài đã để lại trên 500 viên Xá lợi, còn nhỏ như hạt mè hạt gạo thì nhiều vô số. Phật đạo Việt Nam và Thế giới năm châu, một trang chính sử uy linh kỳ tích, hy hữu đến lạ thường!

Cháu con tộc Việt mở dòng chính sử, hướng về nguồn cội, đất Tổ quê hương. Kính đảnh lễ tổ tiên Phật Việt – Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ngài viên dung vô ngại, vẹn toàn đức hạnh: “Từ bi Hỷ xả - Thường, Lạc, Ngã, Tịnh – Vô ngã vị tha ”.
Với những công đức Ngài làm được cho nhân loại và dân tộc Việt, đại chúng qui kính tôn xưng Ngài danh hiệu: " Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông". Bồ đề tâm vô uý, chỉ duy bậc nhất thừa. Việc làm của Ngài đối với nhân loại thật là vô lượng vô biên! với dân tộc Việt thật là vô cùng vô tận!
Thật là : “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ. Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn. Pháp môn vô lượng thệ nguyện học. Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.” . Và thật là “Thiền Trúc Lâm Yên Tử” - Đạo Phật Việt Nam rạng rỡ muôn phương vang lừng thế giới.
Như Thái tử Tất Đạt Đa, đã từ bỏ cung vàng điện ngọc, cuộc sống “Chuyển Luân thánh vương” để đi tìm chân lý đạo vàng, đem an vui hạnh phúc cho số đông. Ngài nhiều đời kiếp kiếp tu trì hạnh nguyện Bồ tát,(Bồ tát Thường Bất Khinh…) luôn luôn sống vì tha lực đại Bi-Trí-Dũng. Nói nghĩ và làm tất cả vì lợi ích cho chúng sanh, nên khi chứng thành Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác - Đấng Thiên Nhân Sư - Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài tuyên bố rằng:
“ Như Lai thị hiện vào đời với mục đích duy nhất là: Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến" –(Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.)
Chúng con kính chào quí thiện hữu thập phương ta bà thế giới. Chúng con xin kính lễ quí Chư tôn Thiền Đức Tăng Ni. Kính chào quí Phật tử thiện tri thức…

Kính xin có vài lời chia sẻ hầu chuyện cùng quí Ngài, qua sáng tác Ca khúc “ Phật hoàng Trần Nhân Tông” và những dấu ấn rực rỡ trong hành trạng của bậc xuất trần đại sĩ - Đức Phật hoàng Việt Nam - Đức Vua Trần Nhân Tông.
Kính chúc quí Ngài, những vị “Phật sẽ thành”. Sức khoẻ Bi Trí Dũng, hành trì Bồ tát đạo, phát Bồ đề tâm, hoằng pháp lợi sanh an vui pháp giới.
NAM MÔ PHÁP HOA HỘI THƯỢNG PHẬT BỒ TÁT.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.
NAM MÔ PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG.

Tạ Văn Sơn

20 điều dạy bạn khi tức giận

20 điều dạy bạn khi tức giận

Đăng lúc: 22:17 - 05/11/2016

Tâm tốt nhưng miệng nói những lời không tốt tất cả Phước Đức làm được đều tiêu tan.



Người khôn nói ít, nghe nhiều, lựa lời đối đáp, lựa điều hỏi han.
Trước người hiền ngõ khôn ngoan, Nhường trên một bước, rộng đường dễ đi
Chuyện người, chớ nói làm chi, Chuyện mình, mình biết vậy thì mới khôn.
Của cải dù to lớn như núi, nhưng cái miệng ăn lâu ngày cũng hết. Phước đức dù cực khổ gieo tạo nhiều đời, nhưng do cái miệng tạo nghiệp, phê bình, chỉ trích, nói lời ác… thì trong giây phút cũng có thể tiêu tan. Làm ơn hay bị mắc oán, cũng do cái miệng nầy hay kể công, mắng nhiếc, nói sỉ nhục người. “Thần khẩu nó hại xác phàm, Người nào nói quá họa làm khổ thân. Lỡ chân gượng được đỡ lên. Lỡ miệng gây họa phải đền trả thôi”.

1. Nếu bạn nhẫn chịu oan khuất thì bạn là người được phúc báo
Người khác nhục mạ bạn, bạn nên coi như được bội phục, người khác làm tổn thương bạn, bạn nên coi như họ đến để thành tựu bạn.
Làm tổn thương người khác chính là tiêu xài công đức phát tài của mình, một người tâm địa xấu xa thường làm hại, làm tổn thương người khác, thì chính là mang tiền đến đưa cho người khác.
Ngược lại, một người có thể nhẫn nhục, chính là liên tục thu tiền. Người đại nhẫn giống như mở ngân hàng, có thể thu nạp từ trăm sông.
Trong mấy chục năm của cuộc đời, có rất nhiều chuyện và lời lẽ khiến chúng ta cảm động. Vì thế, chúng ta cũng nên nỗ lực tìm cách khiến người khác cảm động.
2. Trên thế giời này có một loại kinh doanh luôn lỗ vốn, chính là tức giận
Mọi người thường không chịu nhận sai, mọi thứ đều nói là lỗi của người khác, cho rằng mình mới là đúng. Kỳ thực không chịu nhận sai chính là một sai lầm.
Người mình nhận lỗi có thể là bố mẹ, bạn bè, người ngoài xã hội, thậm chí nhận lỗi với con cái và với cả người đối xử không tốt với mình. Bạn sẽ thấy rằng mình sẽ chẳng mất đi cái gì, mà ngược lại sẽ thấy được sự độ lượng của mình.
Nhẫn lỗi là một phẩm chất tốt, cũng là một loại tu hành.

3. Cái gì cũng không thể nhẫn nại, thành tựu của bạn sẽ bị giới hạn
Nhẫn nhịn cũng chính là điều mà con người gọi là bền chí, nghị lực. Cần phải nhẫn để được vừa lòng đẹp ý, tại sao vậy?
Người xưa dạy “một điều nhịn, chín điều lành”, cũng lại nói: “Lùi một bước biển rộng trời cao”. Quả thực, nhẫn nhịn có thể khiến tâm chúng ta trở nên thanh tịnh, khoảng trời trước mặt cũng sẽ trở nên rộng mở bao la.

4. Niệm giận vừa khởi lên, triệu cửa nghiệp chướng liền khai mở
Một khi tâm oán giận vừa khởi lên thì trí tuệ sẽ không còn, lý tính bị che mất. Do đó sẽ xử trí theo cảm tính, không chỉ làm tổn thương mình, mà còn hữu ý hoặc vô ý gây thù kết oán với người khác.
Nếu không thể hóa giải thù oán, khi nhân duyên chín muồi, báo ứng sẽ hiện ngay trước mắt, oan oan tương báo, quả báo sẽ ngày càng tàn khốc hơn.
Đừng nói những điều làm tổn thương nhau

5. Thân thể, tâm trạng của con người cùng với tự nhiên dung thành một bức họa
Thất tình lục dục làm nhiễu loạn tự nhiên, nhiễu loạn thân thể người. Trong đó tức giận, nổi cáu là gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Có người nói, tuổi thọ trung bình của con người lẽ ra phải là 200 tuổi, chính là do những phiền não của bản thân đã làm cho thân thể bị hư hại; người luôn sống trong cảnh giới đại từ bi thì không già, không yếu, không mê, không tà, khộng tiêm nhiễm – đây mới là niềm vui thật sự.
6. Thường cảm ơn trong lòng
Mặc dù người khác nhục mạ, phỉ báng, hãm hại bạn, cũng vẫn nên dùng thiện tâm để đối đãi, và tự đáy lòng mình cảm ơn họ.
Thực sự thì sự sỉ nhục, phỉ báng, và hãm hại của người khác, chính là để tiêu trừ nghiệp lực mà mình đã tạo ra trong đời này. Vậy nên quyết không thể để tâm oán hận nổi lên. Nếu vẫn còn tâm oán hận, thì không những không thể tiêu nghiệp, mà ngược lại còn làm cho nghiệp tăng lên.
7. Bạn hỏi Phật ngày nào tốt; Phật hỏi xem bạn có ngày nào bình yên?
Cuộc đời giống như một cái cặp da, khi cần dùng thì mới lấy, khi không dùng thì bỏ nó ra; lúc cần bỏ xuồng thì lại không bỏ, giống như mang theo hành lý nặng trĩu, không thể tự tại.
Những năm tháng của cuộc đời có hạn, vậy nên nhận sai, tôn trọng, bao dung thì mới có thể bình thản, buông bỏ mới có thể tự tại!
8. Nổi cáu là tối kỵ của tu hành, là đốt cháy rừng công đức của mình
Nếu không sửa đổi tính xấu này, thì vô luận là một ngày có niệm bao nhiêu bộ kinh, có thuyết bao nhiêu lần Pháp, thì bạn cũng không thể ra khỏi tam giới. Phát cáu là biểu hiện của vô minh, chính là không minh bạch.

9. Bất thiện, ác ý với người khác chính là chà đạp chính mình
Nếu ác ý với người người khác, thì người bị hại chỉ chịu 3/10, mà chính chúng ta mới phải gánh chịu phần nhiều 7/10, đó chính là chà đạp chính mình mà không tự biết.
Miệng để nói lời hay ý đẹp
Một câu nói ra khỏi miệng, gây sự tổn thương, thì chính mình là người gánh chịu phần lớn sự tổn thương đó. Bạn muốn mình khỏe mạnh, trường thọ và tràn đầy trí huệ, thì bạn phải dùng tấm lòng yêu mến để đối đãi với tất cả mọi người. Biết cho đi, bạn sẽ nhận lại được nhiều hơn thế.
10. Lời nói làm tổn thương người khác, còn nghiêm trọng hơn cả giết người
Đây là sự thật mà rất ít người biết! Khẩu tạo nghiệp là dễ xảy ra nhất, mà cũng là tạo thành nhiều nhất, quả báo kiếp sau sẽ vô cùng thảm thiết.
Nhẫn thì sẽ có thể xử lý và hóa giải, có thể biến chuyện lớn thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thành không có chuyện gì.
Có thể nhẫn, thì có thể phân biệt được tốt xấu, thiện ác, thị phi của thế gian. Vào buổi tối mỗi ngày trước khi đi ngủ, hãy tự hỏi chính mình: “Hôm nay mình có tức giận không?”.

Sưu tầm.

Chánh pháp có bại vong ở nước Việt Nam?

Chánh pháp có bại vong ở nước Việt Nam?

Đăng lúc: 16:29 - 20/07/2016

Kính bạch Ngài, con biết Ngài là bậc tôn túc trưởng lão của Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam. Con có một điều muốn thỉnh ý kiến của Ngài. Hiện nay con thấy phẩm chất của một thành phần các vị sư, tu nữ, cư sĩ đang có chiều hướng đi xuống, ưa danh vọng, phạm giới...

Trong tâm con thiết nghĩ nếu mình làm ngơ cho qua thì chánh pháp sẽ bị bại vong ở nước Việt Nam này, nếu con góp ý kiến bằng cách nêu rõ tên những kẻ phạm giới trọng không còn xứng đáng đứng vào hàng ngũ tăng đoàn thì việc này có nên hay chăng? Kính xin Ngài cho con được thông suốt điều mình đã làm và phải làm.


Trả lời: Chánh pháp ở trong tâm, tự mình hộ trì tâm và giúp người khác biết cách hộ trì tâm tức hộ trì chánh pháp. Những người phạm giới chỉ huỷ hoại bản thân họ thôi chứ không thể huỷ hoại chánh pháp được.
Giáo pháp có thể bị hiểu sai và hành sai không đem đến lợi ích cho chính người hiểu và hành sai. Khi giáo pháp không còn được ai hiểu đúng hành đúng nữa thì gọi là bị tiêu hoại, tuy nhiên giáo pháp có thể mất nhưng chánh pháp không bao giờ bị tiêu hoại được.
Thay vì mất thời gian nêu tên người phạm giới thì nên trở về hộ trì chánh pháp nơi chính mình, đó là cách hộ trì chánh pháp tốt nhất...

Thầy Viên Minh

Thân cận thiện sĩ

Thân cận thiện sĩ

Đăng lúc: 09:51 - 08/06/2016

Thân cận thiện sĩ tức là gần gũi chúng Tăng, những bậc có nhân cách cao thượng.

Kinh Tăng nhất A-hàm có hai phẩm vinh danh người cư sĩ tại gia, đó là phẩm Thanh tín sĩ, vinh danh bốn mươi nam cư sĩ đệ nhất, và phẩm Thanh tín nữ, vinh danh ba mươi nữ cư sĩ đệ nhất. Qua đó, chúng ta thấy trong hàng đệ tử tại gia của Phật có những cư sĩ tài năng, trí tuệ, thần đức, hàng phục bọn ma, nhiếp phục ngoại đạo, thuyết pháp sâu sắc, biện tài vô ngại, sở thí rộng rãi…, đặc biệt trong số những cư sĩ được vinh danh hội đủ mọi thành phần trong xã hội, từ địa vị quân chủ cho đến hàng thứ dân. Sự vinh danh này chính là sự ấn chứng, sự thọ ký của Đức Phật về khả năng tu tập và đạt được kết quả giải thoát đối với hàng cư sĩ tại gia.

Cư sĩ tại gia là người không thoát ly gia đình, không thoát ly hình thức sinh hoạt thế gian mà thực hành những vấn đề cơ bản Phật pháp, đó là dùng tam quy ngũ giới để hoàn thành tư cách Phật tử đối với bản thân, đối với gia đình và đối với xã hội; để rồi từ đó hướng đến địa vị cao thượng là giác ngộ giải thoát. Nói cách khác, người cư sĩ sống giữa cuộc đời trần tục với đầy dẫy những ràng buộc, phiền não nhưng dùng chất liệu Phật pháp để chuyển hoá, biến cải cuộc đời, để Phật hóa gia đình, biến nhân gian thành Tịnh độ.

Kinh điển Nguyên thủy cho thấy người cư sĩ tại gia có khả năng tu tập và đạt đến quả vị thứ ba trong bốn thánh quả, tức A-na-hàm. Nhưng Phật giáo Đại thừa thì tin rằng mục đích cứu cánh của giác ngộ là quả vị Phật-đà, và người tại gia cư sĩ cũng có thể đạt đến quả vị đó bằng cách phát tâm Bồ-đề, tự lãnh trách nhiệm hộ trì Chánh pháp, gọi là tu tập Bồ-tát hạnh. Tuy nhiên, bước chân khởi đầu của người cư sĩ vẫn là sự quay về nương tựa Tam bảo để trở thành một người Phật tử.

Kinh Tăng chi nói: “Ai nguyện nương tựa Phật, Pháp, Tăng, thì người ấy được gọi là Phật tử”. Nhưng để trở thành một người Phật tử có đủ tín, giới, văn, thí xả và trí tuệ thì cần phải tăng thượng tâm bằng bốn đức tính Dự lưu chi, gồm: thân cận thiện sĩ, thính văn Chánh pháp, như lý tác ý, pháp tùy pháp hành. Chính nhờ bốn đức tính này mà người cư sĩ giữ tròn giới thể, không tạo nghiệp ác sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối và uống rượu.

Thân cận thiện sĩ tức là gần gũi chúng Tăng, nhưng hơn hết là gần gũi với những bậc có nhân cách cao thượng. Làm thế nào để nhận biết nhân cách cao thượng? Đó “là người không sống theo khuôn khổ phàm phu, không vướng vào Nhị thừa, tâm thường trong sáng, tán dương phạm hạnh, không làm cho người sống không giới luật”. Gần gũi, thân cận với những người có nhân cách, phẩm chất, trí tuệ cao thượng để được nghe và được học, để hiểu biết những giá trị cao thượng mà người cư sĩ tại gia dù ở bất cứ địa vị nào trong xã hội cũng không thể tìm thấy trong những thú vui ngũ dục (thính văn Chánh pháp). Những gì đã nghe, đã học cần được suy nghĩ một cách sâu sắc, chân chánh (như lý tác ý) để thể nghiệm trong đời sống hằng ngày (pháp tùy pháp hành). Đây là bốn đức tính đưa người Phật tử vào đạo, dự vào dòng Thánh.

Một khi hội đủ được bốn đức tính Dự lưu, người Phật tử sẽ Nhập lưu bằng bốn niềm tin thanh tịnh, trong sáng, không bao giờ thay đổi, gọi là Tứ bất hoại tín, hay Tứ chứng tịnh (Tứ bất hoại tịnh). Ấy là tin Phật, tin Pháp, tin Tăng và tin Thánh giới. Với bốn niềm tin này, người đệ tử Phật có thể đi vào dòng dõi của bậc Thánh, sống an vui trong từng giây phút hiện tại, do sự thấy pháp và chứng nghiệm pháp đem lại. Kinh Tạp A-hàm nói rằng, người nào thành tựu bốn pháp Bất hoại tịnh này thì muốn cầu thọ mạng lâu dài liền được thọ mạng lâu dài; muốn cầu dung sắc, sức lực, khoái lạc, biện tài, liền được một cách tự tại. Đức Thế Tôn bảo: “Thánh đệ tử nếu thành tựu được bốn Bất hoại tịnh, thì ở giữa loài người không sống cuộc sống nghèo khốn; không bị lạnh rét, xin ăn; mà tự nhiên giàu sang đầy đủ”. Kinh còn nói, dù làm Chuyển luân Thánh vương, có đầy đủ bảy báu, có bốn thần lực trong cõi người, làm vua bốn thiên hạ, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh lên cõi trời, cũng chẳng bằng một vị Tỳ-kheo mang y phấn tảo, xin ăn khắp mọi nhà, dùng ngọa cụ bằng cỏ. Vì sao vậy? Bởi Chuyển luân Thánh vương chưa đoạn trừ được cái khổ của đường ác địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh, do chưa đạt được bốn Bất hoại tịnh. Còn Tỳ-kheo Thánh đệ tử đã giải thoát được cái khổ của các đường ác địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh, do đã thành tựu được bốn Bất hoại tịnh.

Kinh ghi: “Dù bốn đại: đất, nước, lửa, gió có sự thay đổi tăng giảm, bốn Bất hoại tịnh này chưa từng có sự tăng giảm biến khác. Chúng không tăng giảm biến khác, cho nên đa văn Thánh đệ tử đã thành tựu được đối với Phật, mà nếu bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, thì điều này không thể có được”.

Người Phật tử thành tựu được bốn niềm tin bất hoại thì được gọi là Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di có đầy đủ tín, giới, văn, thí xả và trí tuệ. Kinh nói: “Người cư sĩ lấy chánh tín đối với Như Lai làm gốc, kiên cố, khó lay chuyển, mà các Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên, ma, phạm và người thế gian không ai có thể phá hoại được. Này Ma-ha-nam, đó gọi là cư sĩ có đủ tín”. Như vậy, những lợi ích có được từ sự thành tựu bốn niềm tin bất hoại là không thể nghĩ bàn, và tất cả những lợi ích ấy đều được bắt đầu từ sự thân cận thiện sĩ. Nhưng, niềm tin của người Phật tử không dừng lại ở đây, mà còn tin tưởng bản thân mình cùng tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật bằng cách hành Bồ-tát đạo, qua sự phát tâm Bồ-đề, và cũng từ sự tăng thượng tâm nhờ thân cận thiện sĩ. Kinh Bồ-tát an lạc bản nghiệp, quyển thượng nói: “Tất cả chúng sanh thuận theo Phật, nhớ nghĩ đến Phật, cũng có thể thành Phật nên gọi là Phật tử”.

‘Bởi có thể thành Phật nên gọi là Phật tử’. Đó là nhận thức cơ bản mà tất cả những ai đã, đang và sẽ tự cho mình là Phật tử cần phải ghi nhớ, bởi chính nhận thức này giúp người Phật tử đứng đúng vào địa vị và làm tròn bổn phận của mình trong ngôi nhà Phật pháp. Bổn phận của người Phật tử là hộ trì Chánh pháp, nhưng cần phải ý thức rằng cái bổn phận đó là để hoàn thành Bồ-tát hạnh của mình, để thành tựu cái quả vị Phật-đà cho chính mình, chứ không đơn giản chỉ là bảo trợ đời sống cho người xuất gia, xây dựng chùa tháp… Hẳn nhiên, như kinh Như thị ngữ đã nói: “Chúng xuất gia nhờ chúng tại gia giúp đỡ những đồ dùng như quần áo, thức ăn, chỗ ở v.v...; chúng tại gia nương chúng xuất gia mà tiếp nhận giáo pháp và phạm hạnh. Cả hai bên nương nhau tu hành theo Chánh pháp”, nhưng người Phật tử đã thành tựu tín, giới, văn, thí xả, trí tuệ thì luôn luôn nhận thức rằng, mục đích cứu cánh của người cận sự nam, cận sự nữ là đạt được giác ngộ giải thoát, mà nói theo lý tưởng của Phật giáo Đại thừa là tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh ngay trong cuộc đời trần tục của mình, chứ không phải chỉ cầu phước báo nhân thiên bằng sự hộ pháp.

Thật vậy, lý tưởng của Phật giáo Đại thừa là chuyển hóa cõi Ta-bà uế trược này thành nhân gian Tịnh độ thanh lương. Lý tưởng đó, với nhiều người, là quá lớn lao. Thế nhưng, nó không phải là điều không tưởng, mà có thể thực hiện được bằng một ít nỗ lực, với một hành vi hết sức tầm thường, như kinh Pháp hoa nói, là chỉ cần chắp tay chào ‘Nam-mô Phật’.

Chắp tay chào ‘Nam-mô Phật’, thế là đủ để quyết định sẽ thành Phật. Đây là điều bất khả tư nghì. Ấy vậy mà nó đã từng xảy ra với một người, trong một hoàn cảnh, mà đối với chúng ta bây giờ, đã trở thành một huyền thoại.

Chuyện kể rằng, một thời tại thành Tỳ-xá-li có kỹ nữ nổi tiếng tên là Ambapāli, quản lý trung tâm giải trí công viên Am-la, một tụ điểm xa hoa trụy lạc dành cho hàng vương tôn công tử quyền uy. Trong một cơ duyên hạnh ngộ, được diện kiến và nghe Đức Phật thuyết pháp, trong lòng Ambapāli chợt rung động và chuyển hóa hoàn toàn, nàng sụp lạy Đức Thế Tôn, thành kính chắp tay chào ‘Nam-mô Phật’, rồi phát nguyện trọn đời quy y Tam bảo và thọ trì năm giới.

Từ phút giây ấy trở đi, Ambapāli trở thành con người mới. Nàng đã biến cải công viên Am-la, một tụ điểm xa hoa trụy lạc thành chốn tu hành thanh nghiêm dâng cúng cho Tăng đoàn Đức Phật. Và tại đây, cũng từ giây phút ‘đổi đời’ của Ambapāli, hàng trăm công tử Ly-xa, một bộ tộc hùng mạnh đang cai trị thành Tỳ-xá-li phú cường, với áo mão cân đai, cờ phướn, xe cộ… mỗi lần đi ra không khác chư thiên tử cõi trời, cũng tìm đến công viên nhưng không phải để hưởng thụ dục lạc mà để tìm chân lý. Tất cả sự biến cải, chuyển hóa tại công viên Am-la không xứng đáng để được gọi là Tịnh hóa, Phật hóa gia đình, xã hội hay đẹp hơn là tịnh Phật quốc độ chăng?

Mọi sự thành tựu ấy đều từ việc làm: Thân cận thiện sĩ.

Nói tóm, thân cận thiện sĩ là bước chân đầu tiên người Phật tử dự vào dòng Thánh, bởi từ đó người Phật tử được nghe, được học, được thấy những phẩm chất cao thượng mà họ không thể tìm thấy ở giữa cuộc đời trần tục.
Thích Nguyên Hùng

Đức Dalai Lama: "Giáo dục cần cải thiện con người"

Đức Dalai Lama: "Giáo dục cần cải thiện con người"

Đăng lúc: 21:25 - 14/11/2015

Hệ thống giáo dục hiện tại là không đủ và cần phải được thay đổi theo cách mà nó cải thiện phẩm chất bên trong của con người, Đức Dalai Lama phát biểu vào ngày 9-11.


Đức Dalai Lama

"Tôi có nhiều người bạn là những nhà giáo dục, họ cũng cảm thấy hệ thống này là không đủ. Chúng ta phải nghiêm túc nghĩ đến việc cải thiện hệ thống giáo dục thay đổi cả các mặt thể chất và tình cảm của con người", ngài nói.

Khi chỉ ra rằng tất cả những tình huống hủy hoại cuối cùng đều bắt nguồn từ những cảm xúc, ngài nói mọi người nên cố gắng tăng trưởng cảm xúc xây dựng. "Bản chất con người dựa trên lòng từ bi sẽ là tích cực. Nếu con người dựa trên khía cạnh tiêu cực, sẽ không có hy vọng cho sự đổi thay".

Đức Dalai Lama đã phát biểu tại lễ trao giải Abdul Kalam Seva Ratna lần đầu tiên của Hiệp hội Quản lý Madras kết hợp với Abdul Kalam Vision India Movement tại Học viện Âm nhạc.

Bày tỏ về việc con người thuộc thế hệ của mình đã tạo ra rất nhiều vấn đề trên hành tinh này, ngài cho biết con người thuộc thế hệ hiện tại sẽ tìm ra giải pháp và xây dựng một thế kỷ 21 hạnh phúc.

"Con người đã tạo ra các vấn đề nhưng chúng ta cũng có khả năng biến đổi chúng và cuối cùng loại bỏ chúng. Chúng ta cần một cảm giác của sự hiệp nhất. Các quan điểm và đức tin khác nhau, và những thứ như chủng tộc hay đẳng cấp là những vấn đề nhỏ. Những gì chúng ta cần phải ghi nhớ là tất cả chúng ta đều là con người và có quyền có được một cuộc sống hạnh phúc ngang nhau", ngài nói.

Nhớ lại vài lần đến thành phố này trong các năm 1950 và 1960, ngài đã cho thấy sự gia tăng mạnh về số lượng các công trình xây dựng trong thời gian này. "Cần có sự hiện đại hóa trên thế giới nhưng người dân cũng cần phải có một tâm trí yên bình. Người dân sống trong những ngôi nhà lớn nhưng có rất nhiều căng thẳng trong họ. Sự phát triển vật chất chỉ cung cấp tiện nghi vật chất nhưng hiện đại hóa không đem đến bình an nội tại".

Đề cập đến việc Ấn Độ có tiềm năng mang lại sư bình an này, ngài cho biết đây là quốc gia duy nhất - nơi mà tất cả các truyền thống lớn sống chung với nhau và 3.000 năm văn hóa Ấn Độ bắt nguồn từ bất bạo động và hòa hợp tôn giáo.

Văn Công Hưng

Buông bỏ căng thẳng, trân quý người thương

Buông bỏ căng thẳng, trân quý người thương

Đăng lúc: 08:18 - 12/07/2015

Các vị đã biết thương chưa? Đã thương ai bao giờ chưa? Khi thương ai mình muốn nhìn sâu vào ánh mắt người đó và nói với người đó rằng người đó là nguồn hạnh phúc của mình.
Ngồi thiền là một cơ hội để chúng ta được tĩnh tâm, nhưng có nhiều người càng ngồi thiền lại càng đau, giống như là gồng mình vậy, rất là cực khổ. Tại sao phải làm như vậy. Tu tập thì phải thấy dễ chịu, nếu tu tập mà phải cố gắng, phải tranh đấu thì tức là mình đang đi lạc đường rồi.

Khi thở vào, mình buông thư và mỉm cười thì hơi thở đó sẽ đưa tới sự bình an, khỏe nhẹ. Điều này có thể làm được. Mình phải tập luyện để thở vào cảm thấy khỏe nhẹ liền, thấy vui sướng liền. Thở vào, thở ra là một cái gì mình có thể làm được trong từng phút từng giây trong cuộc sống.
Nếu muốn thực tập thì mình chỉ cần để ý tới hơi thở vào, hơi thở ra. Thở vào – tôi biết không khí đang đi vào trong người tôi, thở ra – tôi thấy một luồng không khí đang đi ra khỏi cơ thể tôi. Biết rõ hơi thở đang đi vào, đang đi ra một cách rõ ràng đó chính là chánh niệm, chánh niệm là cái biết, chánh niệm là một loại ánh sáng tỏa chiếu giúp mình thấy rõ. Nó giống như ánh sáng của mặt trời bao trùm làm sáng rõ cả vạn vật và rừng cây.
Khi biết rõ hơi thở đang đi vào hay đang đi ra trong cơ thể mình, tức là mình đã thắp lên ánh sáng của tỉnh thức, tỉnh thức nghĩa là đã thức dậy, lúc này phẩm chất của hơi thở đã rất khác rồi, hơi thở trở nên sâu hơn, nhẹ hơn, mịn màng hơn. Và mình thấy thân tâm mát mẻ, bình an liền lập tức, chỉ cần vài giây thôi, điều này rất dễ làm. “Thở vào tôi thấy tôi đang còn sống, thở ra tôi trân quý cuộc sống này”. Còn sống là một phép lạ, một cái thân chết rồi thì làm sao thở được nữa? Đó chính là một thứ tỉnh thức, một sự tỉnh dậy. Có những người sống xung quanh chúng ta mà họ không biết là họ đang sống. Họ như đang đi trong giấc mộng, họ bị những suy tư, lo toan kéo đi, suốt cả ngày họ suy nghĩ hết chuyện nọ tới chuyện kia. Họ đang nằm mộng giữa ban ngày, mộng về chuyện này rồi lại mộng về chuyện khác, cái thực tại trước mặt họ thì họ không thấy, vì vậy họ sống mà như người mộng du. Do đó, hơi thở chánh niệm làm cho mình bừng tỉnh dậy. Đạo Bụt là đạo làm cho mình tỉnh dậy để nhận thức một cách rất thâm sâu, sáng suốt, từ bi. Chỉ cần thở vào, thở ra là mình đã thở xong, là đã có niềm vui, sự buông thư, khỏe nhẹ rồi. Bụt đã tặng cho chúng ta những bài tập rất đơn sơ, giản dị. Thở vào, tôi ý thức toàn thân tôi. Khi ý thức toàn thân thì mình sẽ lắng nghe được những căng thẳng, đau nhức trong cơ thể của mình, nhận ra rằng cánh tay hơi mỏi, trái tim của mình hôm nay bị mệt, nó đang đập rất nhanh, ý thức và buông thư sẽ giúp chúng ta trị lành và phòng ngừa được rất nhiều thứ bệnh.
Những căng thẳng, buồn phiền nếu không được buông thư thì lâu ngày chày tháng nó sẽ trở thành bệnh. Vì vậy, chúng ta phải chấm dứt tình trạng căng thẳng trong thân tâm. Hơi thở có ý thức là một phương pháp rất mầu nhiệm để thực hiện được điều đó. Bây giờ bạn hãy vừa theo dõi hơi thở vừa ý thức về toàn thân của mình, chú ý tới đôi mắt, khuôn mặt, cái cổ, bờ vai, hai cánh tay, trái tim, lá phổi, lá gan, dạ dày, thận, tấm lưng, hai bên hông, bắp đùi, bàn chân… Nương vào hơi thở, mời bạn hãy đi thăm hết tất cả các bộ phận trong cơ thể mình, hơi thở là một chiếc dây neo cột thân lại với tâm, đặt sự chú ý tới đâu thì buông thư tới đấy. Thả lỏng toàn thân, buông bỏ mọi lo lắng, suy tư thì mình sẽ thấy khỏe nhẹ, an lạc ngay tức thì.
Thở vào, ý thức toàn thân, buông thư tất cả sự căng thẳng trong từng bộ phận cơ thể. Thở ra buông thư toàn thân. Thực tập như vậy, tuy chưa giúp được ai nhưng trước tiên là giúp chính mình thư thái, khỏe khoắn. Thành ra, thiền quán không phải là một lao tác cực khổ. Ngồi thiền mà thấy mình đang lao tác cực khổ là sai bét rồi. Phải ngồi làm sao mà trong lúc ngồi ta phải cảm thấy an vui, thấy rằng lúc này mình đang được ngồi yên, theo dõi hơi thở đang từ từ đi vào, hơi thở đang từ từ đi ra, mà chẳng phải làm việc gì hết đó là một điều quá sức mầu nhiệm.
Khi Tổng thống Nam Phi Nelson Madela được các phóng viên đặt câu hỏi: “Bây giờ ông muốn làm cái gì nhất?”. Tổng thống trả lời:“Tôi ấy hả? Bây giờ cái mà tôi thích nhất là được ngồi yên chẳng phải làm gì hết”. Chúng ta được ngồi thiền mỗi ngày, trong khi ngồi thật yên thưởng thức hơi thở, không ai bảo mình làm việc gì hết, vậy mà không thấy sướng, trong khi ông Nelson Madela thì thèm được ngồi yên như mình quá mà không có thời gian để ngồi yên.
Khi tới Làng Mai tu tập, có Tăng thân yểm trợ thì mỗi hơi thở, mỗi bước chân mà mình thực hiện phải đạt tới niềm vui, sự sung sướng, hạnh phúc, bình an, trị liệu những vết thương trong thân và tâm. Khi thở vào, mình có thể đi một hai bước và thầm nói: “Tôi đã về, tôi đã tới”. Mình đã về rồi, mình đã tới rồi. Mình thật sự đã tới nhà của mình, nơi mà bấy lâu nay mình cứ mải kiếm tìm. Nhà của mình chính là giây phút hiện tại, khi mình an trú được trong giây phút hiện tại nghĩa là mình đã đặt được chân tới nhà, sự sống chỉ có mặt trong giây phút hiện tại, quá khứ đã qua rồi, còn tương lai thì chưa tới. Vì vậy, tuy đang bước đi nhưng mình đã dừng được, mình đã thật về, đã thật tới rồi, không còn mải miết rong ruổi về quá khứ hay đuổi bắt tương lai nữa.
Có nhiều người tuy đang ngồi đây nhưng tâm họ lại nhớ tới quá khứ, họ đang đau khổ, và họ không thể thoát ra khỏi quá khứ đau thương ấy. Quá khứ giống như một bóng ma đang ám ảnh người đó làm cho người đó không sống đàng hoàng được trong giây phút hiện tại. Trong khi đó, lại có những người rất sợ hãi tương lai, họ lo lắng, không biết ngày mai mình còn được làm ở công ty này không, mình còn giữ được người này không, hay người ấy lại bỏ mình để đi yêu người khác… Cái gì cũng sợ, cái gì cũng lo. Vì vậy, người đó không được thảnh thơi, người đó không được sống đàng hoàng ở giây phút hiện tại. Thành ra, chúng ta phải vứt bỏ những khổ đau trong quá khứ và đập tan những sợ hãi trong tương lai thì mới có thể sống đàng hoàng trong giây phút hiện tại được. Biết hơi thở đang đi vào hay đi ra chính là chánh niệm. Khi định được tâm vào hơi thở thì mình sẽ nhẹ bớt một chút lo lắng, buồn bực, giận hờn và có thể tiếp xúc rất sâu với những mầu nhiệm của sự sống trong phút giây hiện tại, như là sương mù buổi sáng, tiếng chim hót, hay nét mặt của em bé thơ. Có khả năng sống trong phút giây hiện tại và tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống thì mình được nuôi dưỡng bởi những mầu nhiệm đó, và nó sẽ chữa lành từ từ những niềm đau của mình.
Các vị đã biết thương chưa? Đã thương ai bao giờ chưa? Khi thương ai mình muốn nhìn sâu vào ánh mắt người đó và nói với người đó rằng người đó là nguồn hạnh phúc của mình. Mẹ ơi, mẹ là một kho tàng của con; ba là kho tàng của con; hay em yêu ơi, em là kho tàng của anh; anh yêu ơi, anh là kho tàng của em, v.v… Tại vì trong người kia có rất nhiều tươi mát, người ấy hiểu và thương mình. Người ấy cũng có sự vững chãi, có thể giúp mình không sợ hãi. Mình rất cần sự vững chãi ấy để được che chở, được chống đỡ. Và mình luôn mong rằng người ấy lúc nào cũng tươi mát, vững chãi, hiểu biết và thương yêu mình, để mình có thể tận hưởng người ấy. Có thể là mình muốn làm điều gì đó để kéo dài tình trạng êm đềm này. Nếu chúng ta chịu khó tu tập thì chúng ta luôn luôn có thể làm được nhiều điều để khiến cho người kia tiếp tục là suối nguồn hạnh phúc ngọt ngào của mình.
Cũng như vậy, khi mình là người thương của người kia thì mình cũng muốn trở thành nguồn vui của người ấy, muốn đem đến cho người ấy sự tươi mát, bình an, cũng muốn trở thành một điểm tựa vững chãi của người ấy. Bụt dạy về tình thương rất sâu sắc, rõ ràng, mình có thể thực tập ngay bây giờ, ngay ngày hôm nay. Sự tu tập thiền quán đem lại rất nhiều niềm vui và hạnh phúc, khi có niềm vui và hạnh phúc trong lòng thì những người ở xung quanh cũng sẽ được thừa hưởng niềm vui toát ra từ mình. Thiền quán đem lại nhiều hạnh phúc như vậy thì mình mời thiền, chứ nếu không thì thiền để làm gì?
Khi người thương nhìn vào mắt mình rồi nói: “Con là kho tàng của mẹ”, nghe vậy mình muốn trở thành kho tàng đó thật, mình muốn tu tập cho đàng hoàng để xứng đáng với niềm tin đó. Người thương có thể là cha là mẹ hay anh chị em mình, hay bè bạn của mình. Sự tu tập luôn cung cấp cho mình niềm hạnh phúc.
Tình thương chân thật phải chứa đựng niềm vui, tình thương ấy đem niềm vui tới cho cả mình lẫn người kia. Nếu thương nhau mà cả hai cùng khổ, cứ khóc hoài, cứ hờn giận nhau thì đó không phải là tình thương.

Thích Nhất Hạnh
Theo Langmai.org

Từ ghen tỵ đến hoan hỷ

Từ ghen tỵ đến hoan hỷ

Đăng lúc: 08:02 - 24/06/2015

Khi ghen tỵ, ta không chịu được khi thấy người khác hạnh phúc, giàu có, nổi danh, có nhiều tài năng và những phẩm chất tốt đẹp. Ta muốn hủy hoại hạnh phúc và những phẩm chất tốt đẹp của người khác, ta cho rằng những thứ đó phải đúng ra phải thuộc về mình. Chúng ta có thể ngụy trang cho sự ghen tỵ của mình, hoặc tìm những lý do biện minh cho nó, nhưng khi gạt bỏ hết những lớp vỏ che đậy đó, ta sẽ hoàn toàn thấy rõ được là sự ghen tỵ thật xấu xa biết bao.


Buông bỏ khổ đau

Khi ghen tỵ, ta không chịu được khi thấy người khác hạnh phúc, giàu có, nổi danh, có nhiều tài năng và những phẩm chất tốt đẹp. Ta muốn hủy hoại hạnh phúc và những phẩm chất tốt đẹp của người khác, ta cho rằng những thứ đó phải đúng ra phải thuộc về mình. Chúng ta có thể ngụy trang cho sự ghen tỵ của mình, hoặc tìm những lý do biện minh cho nó, nhưng khi gạt bỏ hết những lớp vỏ che đậy đó, ta sẽ hoàn toàn thấy rõ được là sự ghen tỵ thật xấu xa biết bao.

Sự ghen tỵ có thể hủy hoại các mối quan hệ từ bên trong. Ta ghen tỵ với người khác bởi vì họ có quan hệ với người ta yêu thương. Ta ghen tỵ trong môi trường làm việc khi có người khác nhận được công việc ta mong muốn. Khi một người khác chơi bóng đá giỏi hơn ta, chơi đàn guitar giỏi hơn ta, có nhiều y phục hợp thời trang hơn ta, hoặc được nhận vào một trường học tốt hơn... ta đều ghen tỵ. Sự ghen tỵ còn liên quan đến cả những cuộc tranh chấp biên giới giữa các quốc gia và trong sự bất hòa giữa các đảng chính trị trong cùng một nước.

Đôi khi, ta quá ghen tỵ đến nỗi mất ngủ hay không thể tập trung vào công việc. Tâm ghen tỵ thúc đẩy ta có những lời nói hay việc làm hủy hoại sự an vui và hạnh phúc của người khác. Nó biến ta thành kẻ gian giảo, không trung thực.

Sự ghen tỵ xuất phát từ nhận thức sai lầm của chúng ta về một tình huống. Với tâm chấp ngã cao độ, sự ghen tỵ đưa đến ý tưởng: “Hạnh phúc của tôi quan trọng hơn của bất kỳ ai khác. Tôi không thể chịu được khi người khác có được hạnh phúc mà tôi mong muốn.”

Phương thức đối trị là hãy nhận thức tình huống với một tâm hồn rộng mở hơn, không chỉ xem xét đến những hạnh phúc, lợi ích hay tổn hại của riêng ta, mà còn của những người khác nữa. Hãy nhớ rằng, những người khác cũng đều mong muốn hạnh phúc, cũng vui mừng khi nhận được những lợi ích vật chất và cơ hội tốt đẹp, cũng thích thú khi được giao hảo với những người tốt bụng, và cũng trân trọng những lời khen ngợi. Khi suy nghĩ như vậy, điều đó sẽ tác động sâu xa đến tâm thức ta.

Khi một người khác có được điều gì đó tốt đẹp, tại sao ta không thấy vui theo? Chúng ta thường nói, thật tuyệt vời khi người khác có được hạnh phúc. Giờ đây, có người được hạnh phúc và ta thậm chí đã không phải làm bất cứ điều gì để giúp mang lại niềm hạnh phúc ấy! Việc tự làm khổ mình với lòng ghen tỵ thật không có ý nghĩa gì cả.

Chúng ta không phải bao giờ cũng là người tốt nhất hay có được những thứ tốt nhất. Một đứa trẻ khóc lóc, tranh cãi và cố phá hỏng niềm vui của bạn, khi bạn nó có được cái mà nó không có. Chúng ta là những người lớn có trách nhiệm làm gương cho trẻ con, là những công dân có trách nhiệm tạo sự hòa hợp trong xã hội, nên sẽ rất hữu ích nếu ta để lòng mình hạnh phúc và vui theo với những điều tốt đẹp của người khác. Như thế, cả ta và người khác đều có được hạnh phúc.

Chẳng hạn, khi một đồng nghiệp được thăng tiến và ta nghĩ rằng mình xứng đáng hơn. Nếu ta chỉ nhìn sự việc với quan điểm của riêng mình, ta sẽ đau khổ và ghen tỵ. Sự ghen tỵ không làm cho ta hay người kia được hạnh phúc. Nó cũng không giúp ta đạt được điều gì cả, vì sự ghen tỵ không thể cướp lấy sự thăng tiến của người kia để mang về cho ta. Nếu ta nhớ rằng, người kia đang hạnh phúc với sự thăng tiến và mong muốn mọi người cùng chia vui, ta sẽ vui theo với vận may của người ấy. Và như vậy, cả ta với người ấy đều được vui vẻ.

Việc điều chỉnh thái độ ghen tỵ không đúng thực của ta sẽ dễ dàng hơn khi chỉ liên quan đến một sự việc nhỏ nhặt, chẳng hạn như có người được nhận quà nhưng ta lại không có. Nhưng việc vui theo với niềm vui của người khác sẽ khó khăn hơn nhiều khi nó đồng nghĩa với sự mất mát của chính ta.

Lấy một ví dụ, người bạn tình của ta đã không chung thủy trong quan hệ lứa đôi. Nếu ta phản ứng với sự ghen tuông rồi quát tháo, nguyền rủa, thậm chí là đánh đập người ấy, ta cũng không làm giảm nhẹ được nỗi đau khổ vì ghen tuông, càng không thuyết phục được người kia rằng việc duy trì quan hệ với ta là điều tốt đẹp. Khi để cho ngọn lửa ghen tuông tiếp tục thiêu đốt, ta sẽ luôn bất an, khổ đau và thù hận. Thêm vào đó, ta rất có thể sẽ nói năng hoặc hành xử theo cách khiến cho người kia căm ghét ta, và như vậy sẽ ngăn cản sự tái lập quan hệ.

Cho dù ta không tha thứ cho cách hành xử sai trái của người kia, nhưng nếu giữ được sự bình tĩnh, ta sẽ không phải chịu quá nhiều đau khổ. Thêm nữa, ta sẽ có thể duy trì được mối quan hệ cởi mở giữa đôi bên. Và như vậy, cả ta và người ấy đều sẽ được thoải mái khi về sau khi gặp gỡ hay chuyện trò. Điều này cũng sẽ mở ra khả năng nhận lỗi cho người kia, nếu họ muốn.

Tóm lại, dứt bỏ lòng ghen tỵ sẽ giúp ta tránh được sự giằn vặt nội tâm. Trong khi đó, việc vui theo với những điều tốt đẹp và thành công của người khác sẽ mang lại hạnh phúc cho cả đôi bên.


Ni sư Thubten Chodron
Hoàng Nguyên và Nguyễn Minh Tiến dịch

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 10
  • Hôm nay 3,932
  • Tháng hiện tại 61,317
  • Tổng lượt truy cập 23,467,566