Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Nhất-xiển-đề & sơ tâm

Nhất-xiển-đề & sơ tâm

Đăng lúc: 19:21 - 01/07/2017

“Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”
(Trịnh Công Sơn)

Khi mới bước chân vào đạo, mình thành kính, thiết tha muốn được thấy rõ phương pháp nào dẫn mình đến sự chứng ngộ nhanh nhất. Như một tờ giấy trắng, chúng ta từ từ được nhuộm theo những gì mình tiếp xúc về đạo Phật. Nên có câu ‘Nhất niên Phật tại tiền, nhị niên Phật thăng thiên, tam niên bất kiến Phật’. Ngày đầu đến chùa thấy tu theo Phật sao dễ quá, nhưng sau ba năm thì thấy Phật cũng mất luôn!

Điều đáng buồn là, lẽ ra, nếu tu tập mà không thấy tiến bộ thì bỏ công tìm minh sư hay đường tu khác, đằng này, lại trở nên nghi ngờ Tam bảo, nghi ngờ luôn cả bản thân, rồi xem thường chuyện tu hành. Và cuối cùng, trở thành một kẻ nhất-xiển-đề!

shutterstock435140692.jpg
Sơ tâm là nói về cái tâm lành, tâm tốt, tâm luôn hướng thượng - Ảnh minh họa

Nhất-xiển-đề, Phạn ngữ Icchantika, là một khái niệm nói về một hạng người ‘đặc biệt nguy hiểm’ trong đạo Phật, mà hạng người này cũng tồn tại trong các tôn giáo khác. Theo dịch nghĩa chữ Hán, nhất-xiển-đề là bất tín hay tín bất cụ, nghĩa là không có lòng tin, không đủ lòng tin. Lòng tin ở đây được hiểu là tin vào Tam bảo, vào lý nhân quả - duyên sinh, và nghiệp báo.

Trong kinh Tăng chi (chương Ba pháp, phẩm Ba hạng người), hạng người gọi là ‘không hy vọng’, được mô tả như sau: ‘Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người không hy vọng? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người ác giới, tánh tình độc ác, sở hành bất tịnh, có những hành vi che đậy, không phải là Sa-môn, nhưng hiện tướng là Sa-môn, không sống Phạm hạnh, nhưng hiện tướng có Phạm hạnh, nội tâm hôi hám, ứ đầy tham dục, tánh tình bất tịnh’. Như vậy, tất cả đều là sống hình tướng, bề ngoài dù trên danh nghĩa là người tu theo Phật pháp.

Cũng theo kinh Tăng chi (chương Bốn pháp, phẩm Kesi), Đức Phật mô tả hạng người này như sau: ‘Bị giết hại, này Kesi, là con người này, trong giới luật của bậc Thánh, bị Như Lai nghĩ rằng không đáng được nói đến, không đáng được giáo giới, bị các vị đồng Phạm hạnh có trí nghĩ rằng không đáng được nói đến, không đáng được giáo giới’. Rõ ràng, họ không còn coi trọng giới luật, nên không còn xứng đáng được thọ giới. Và tất nhiên, họ cũng chẳng màng đến chuyện họ có được xem là Phật tử hay không! Theo kinh Đại bát Niết-bàn (quyển 1): ‘Nhất-xiển-đề là kẻ dứt tuyệt gốc rễ của mọi điều lành, lòng không nương theo bất cứ pháp lành nào, thậm chí chẳng sanh được một niệm lành”.

Làm người, ai cũng từng có lỗi lầm. Nên Phật có nói về hai hạng người tốt: Một là người chưa bao giờ lầm lỗi. Còn hạng thứ hai, là người có lỗi mà biết ăn năn, hối quá, sửa sai. Tuy nhiên, kẻ gọi là nhất-xiển-đề đã không còn biết tàm, biết quý. Họ đã trở thành một chuyên gia lừa đảo (con artist), không sợ nhân quả, không tin đạo thánh; chỉ nghĩ lợi về mình và dùng mọi thủ đoạn, lợi dụng danh nghĩa Phật pháp để thành công.

Dù người có hám danh, như ngài Cầu Danh Bồ-tát (tiền thân Phật Di Lặc) được mô tả trong kinh Pháp hoa, nhưng biết hổ thẹn và sợ nhân quả cũng vẫn có cơ hội tu tập giải thoát. Đây là điểm chính yếu mà Phật đã dạy trong kinh Trung Bộ (kinh số 27): ‘Phật lấy hình ảnh người thợ rừng theo dấu một con voi lớn để giải thích làm cách nào đệ tử đạt đến sự xác tín hoàn toàn đối với chân lý Ngài dạy’ (Ni sư Trí Hải dịch). Tu tập thành tựu theo những điều Phật dạy, như là thợ rừng theo dấu chân voi, là mục đích tối hậu mà Đức Phật đã truyền trao giáo pháp cho chúng ta. Nên có nhiều mẩu chuyện rất cụ thể trong đời thường để chúng ta rút kinh nghiệm: Câu chuyện về một nhà tâm lý dạy cách nào để có hạnh phúc nhưng chính mình, khi bị hỏi, rất lúng túng vì ít khi có hạnh phúc. Hay, một vị sư có một người đệ tử nhờ sư khuyên bảo con của người này bỏ hút thuốc, nghiện rượu… nhưng oái oăm thay chính vị sư kia cũng đang hút thuốc và uống rượu. Hoặc, một bác sĩ chuyên giúp trị bệnh cho người, nhưng bản thân thì mệt mỏi, hay đau bệnh v.v…

Trên đây là những trường hợp điển hình cụ thể đang xảy ra nhan nhản khắp nơi. Nên người tu Phật phải biết ứng dụng lời Phật dạy cho chính mình và thận trọng, gìn giữ tâm Bồ-đề của mình, không để bị rạn nứt. Giác Ngộ online ngày 29-5-2017 đã nêu lên ‘ba nhóm vấn nạn tiêu biểu’ hiện đang xảy ra nơi các tự viện, chùa chiền: Đó là (1) Phát triển khuynh hướng tư hữu cá nhân; (2) Không có khả năng quản trị ngôi đạo tràng của mình, có xu hướng sống tà mạng, nặng về cơ sở vật chất; và (3) Tình trạng lạm dụng các tiện ích công nghệ thông tin’. Đây là những tín hiệu cho thấy khuynh hướng nhất-xiển-đề đang ngày lan rộng mạnh.

Thiền sư Ðạo Nguyên (Dogen, 1200-1253) rất tâm đắc về pháp môn thiền Sơ tâm và pháp môn này được truyền thừa cho đến ngày nay. Ngài dạy rằng: Người tu học Phật pháp phải luôn giữ gìn cái tâm ban đầu (sơ tâm) vì nếu không, sơ tâm sẽ bị các pháp thế gian làm điên đảo, mộng tưởng. Khi sơ tâm bị bể vỡ, con đường để trở thành một người nhất-xiển-đề sẽ không xa vì lòng tin vào Phật pháp đang bị bào mòn, sút giảm, khô kiệt dần.

Đỗ Đình Đồng dịch Tâm Ban sơ, nguyên tác Zen Mind, Beginner’s Mind của Shunryu Suzuki: ‘Giả sử quý vị tụng Tâm kinh Bát-nhã chỉ một lần. Đó có thể là một sự tụng rất tốt. Nhưng điều gì sẽ xảy ra đối với quý vị khi quý vị tụng nó hai lần, ba lần, bốn lần, hay nhiều hơn nữa? Có thể quý vị mất đi thái độ ban đầu một cách dễ dàng. Điều tương tự sẽ xảy ra trong những cách tu Thiền khác của quý vị. Quý vị sẽ giữ được tâm ban đầu của mình trong một lúc, nhưng nếu quý vị tiếp tục tu tập một, hai, ba năm hay nhiều hơn nữa, mặc dù quý vị có thể tiến bộ chút ít, quý vị bị mất ý nghĩa vô hạn của bản tâm’.

Sơ tâm như người mới biết đạo, đi chùa nên thấy ‘nhất niên Phật tại tiền’. Nếu chúng ta có thể giữ cho sơ tâm của mình giống như ngày mình mới biết đạo, háo hức muốn học hỏi, tu tập, thành kính, thiết tha thì dù mình có tu học bao nhiêu năm, cái sơ tâm vẫn trinh nguyên như ngày nào!

Sơ tâm là làm mọi việc, cho dù nhỏ hay lớn, đều xem như lần đầu, và làm hết mình, không so đo, tính toán lợi hại. Sơ tâm không bị mắc kẹt vào kinh nghiệm của những lần trước mà luôn mở lòng đón nhận những ý kiến mới. Tất nhiên, sơ tâm là nói về cái tâm lành, tâm tốt, tâm luôn hướng thượng.

Nhờ tính cách rỗng không của sơ tâm nên nó luôn giúp mình sẵn sàng mở lòng đón nhận mọi cái mới, luôn trung lập, và không có khái niệm về phe phái, hay chiều hướng. Chính nhờ vậy mà người giữ được sơ tâm trong sáng, luôn tỉnh giác với mọi hoàn cảnh và không bị mắc kẹt vào một pháp nào nên các thiền sư Nhật Bản gọi là ‘vô tâm’. Thiền Sơ tâm cho rằng mọi hành động là cơ hội hiển bày Phật tánh của ta - ‘bản lai diện mục’, cho nên mới nói: đói thì ăn, mệt thì ngủ đó là thiền.

Pháp môn thiền Sơ tâm là một phương pháp giúp giữ cái sơ tâm luôn trong sáng, giúp mình trở về cái tâm ban sơ, nguyên thủy thật sáng chói của chính mình. Chúng ta thấy tâm mình như gương sáng phản chiếu trung thực mọi sự vật, không tình cảm, không thiên vị, không bị dính mắc. Sơ tâm giúp mình sống thật với chính mình và với người khác.

Theo trên cho thấy, mối liên hệ mật thiết giữa sơ tâm và nhất-xiển-đề thật rõ ràng. Khi mình đánh mất sơ tâm, chúng ta trở nên chai cứng với giáo pháp, không còn sợ nhân quả, không còn biết hổ thẹn, chỉ biết hưởng thụ dục lạc. Cái đáng tiếc nhất là mình đã đánh mất chính mình, một con người háo hức muốn học Phật, thích tu, ham làm điều lành, sợ hãi điều ác lúc ban đầu nay bỗng dưng trở thành một người lão luyện về sự dối trá, gian xảo, ngụy tạo những hình thức tu tập mê tín, yêu ma để lợi dụng tình cảm, tiền tài. Hy vọng, đây là hồi chuông báo động cho tất cả chúng ta đang chao đảo niềm tin với Phật pháp, và là tiếng chuông cảnh tỉnh ai đó đang biến mình theo xu hướng nhất-xiển-đề sớm quay về tìm lại cái sơ tâm của mình.

Tháng 6 năm 2017
Thiện Ý

Không có gì bền chắc

Không có gì bền chắc

Đăng lúc: 19:26 - 24/03/2017

Đức Phật nói nhứt thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh, như lộ, diệc như điển, nghĩa là các pháp hữu vi như chiêm bao, như giọt sương, như làn chớp. Người tu phải quán như thế. Nhiều người hiểu sai ý này. Phải xác định rằng pháp vô vi đối lập với pháp hữu vi. Người hiểu được pháp vô vi mới là người tu thực sự.
tuongphat.jpg
Đức Phật nói nhứt thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh, như lộ, diệc như điển - Ảnh: Pixabay

Pháp hữu vi là những gì chúng ta nắm bắt được, hiểu được đều nằm trong sanh diệt pháp. Kinh Niết-bàn nói chư hạnh vô thường thị sanh diệt pháp, tức cái gì chúng ta nắm bắt, hiểu được là vô thường, là pháp hữu vi sanh diệt. Nhưng, còn mặt sau phải biết rằng sanh diệt diệt thời tịch diệt vi lạc. Phật dạy lý này để chúng ta chấm dứt sanh diệt mới chứng Vô sanh.

Cũng ý này, Hòa thượng Thiện Hoa dạy rằng sơn cùng thủy tận, hay tuyệt mạng tuyệt thể. Nghĩa là người tu phải đi ngược dốc, lên tận đỉnh núi, hay đi ngược về tận nguồn sông, tức về nguồn chơn tâm.

Trong dòng chảy sinh tử luân hồi, chúng ta từ nguồn chơn tâm theo vọng tưởng điên đảo mà xuất hiện trên cuộc đời này, kinh Hoa nghiêm gọi là vô minh duyên khởi. Thật vậy, từ nguồn nước trong, chúng ta theo vọng tình trôi ra dòng sông mê sẽ dẫn ra biển khổ, đó là con đường mà chúng ta đã trải qua nhiều đời nhiều kiếp luân hồi do mê mờ dẫn chúng ta đến cuộc sống hiện tại khổ đau không có lối thoát gọi là biển khổ, hay địa ngục.

Và trong biển khổ này, chúng ta gặp được Phật pháp ví như con rùa mù gặp bộng cây nổi trên biển cả mà chui vào, là chúng ta nương vào Phật pháp, trở về nguồn thì bớt khổ, cho đến hết khổ. Như vậy là cắt được hữu vi pháp.

Pháp hữu vi sanh từ vô minh, mới khởi lên nghiệp. Nghiệp có thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp, Ý nghiệp là chính. Vô minh phát xuất từ ý là tham lam, bực tức, sai lầm dẫn đến quả khổ và từ quả này lại tạo nhân khác khổ hơn. Thí dụ người mới trưởng thành do vô minh sanh nghiệp ái là nghiệp đáng sợ nhất trong tất cả các nghiệp. Chàng trai hay cô gái khởi ái nghiệp dẫn họ vào mê hồn trận, nên nhìn không chính xác. Người Việt thường nói thương thì trái ấu cũng tròn, thiệt nó méo nhưng si mê thấy nó tròn, tốt. Đến khi đeo bám nó, mới thấy nó không còn tốt. Thầy có người bạn, anh này mê cô bán hàng đến trốn học, đứng gốc cây me để ngắm cô ta. Nhưng cưới được cô rồi, anh ta lại nói bây giờ con thấy bả con sợ! Mê thấy khác, tỉnh thấy khác, cứ như vậy mà người ta lún sâu vào vũng bùn nghiệp. Thấy cô gái họ cưới được đáng sợ, nên lại nghĩ đến cô khác rồi mê cô khác, làm gia đình tan nát. Đó là biển khổ mênh mông sóng ngập trời.

Tất cả pháp hữu vi không có gì bền chắc. Chúng ta thấy toàn ảo giác, vì mê nên ta thấy sai, rồi chạy theo nó; nhưng Phật dạy nó không thực bền chắc. Như Ma Đăng Già mê A Nan, dùng bùa để mê hoặc A Nan. Phật dùng thần chú Lăng Nghiêm cứu A Nan. A Nan tỉnh lại, chạy về chùa. Ma Đăng Già đuổi theo, gặp Phật, bảo Phật trả A Nan cho bà. Phật hỏi Ma Đăng Già mê A Nan cái gì. Bà nói ổng có con mắt đẹp quá. Phật dùng thần lực biến mắt A Nan đỏ chảy máu khiến bà thấy khiếp sợ.

Phật thấy sự thật, nói rằng thân người là cái túi da đựng đồ hôi thối. Nhìn bằng tuệ giác thấy chẳng những không có gì bền chắc mà còn gớm ghiếc. Với người mê sắc, Phật dạy ra thi lâm nhìn xác chết mà ghê sợ và đoạn được ái dục. Nghĩa là tu đi ngược về nguồn, chuyển cái thấy si mê thành thấy theo thật trí. Không phải thấy không bền chắc làm chúng ta chán đời, buông bỏ tất cả là sai.

Biết các pháp hữu vi không bền chắc thì hướng suy nghĩ và việc làm của mình theo con đường đúng đắn của Phật. Những gì không bền chắc chúng ta sẵn lòng buông bỏ, vì biết không giữ được, cuối cùng sinh mạng của chúng ta là nghiệp thân cũng phải bỏ. Có thân vì do nghiệp tạo, nhưng ta lại chấp thân là ta, nên phải khổ.

Huệ Tư thiền sư có thân xấu xí, ai cũng ghét và chê ngài. Nếu là phàm phu bị người chê, ghét, thì ức lắm và nói tại nghèo, nên bị khi dể, tại xấu nên bị chê. Ngài Huệ Tư nhận thấy rõ xấu xí, nghèo nàn, ngu dốt là cái nghiệp của mình. Nên ngài nói rằng người ta khinh chê, ghét bỏ là khinh chê, ghét bỏ cái nghiệp của mình, không phải khinh chê, ghét bỏ mình. Nhờ người chê mà biết được nghiệp của mình, từ đó, tu hành phải phá nghiệp, còn chấp nghiệp là mình thì cứ khổ thêm.

Biết nghèo bị khi dể thì cũng biết nghèo là do nghiệp, Phật dạy do nhiều đời gian tham trộm cắp, nên đời này làm gì cũng thất bại. Cải tạo nghiệp này, không gian tham, trộm cắp, mới thoát được cái nghèo. Vì vậy, Phật tử phải tập sống chân thật, nhờ đó lần lần có uy tín. Chính tâm chân thật, không gian tham, trộm cắp, người ta mới chấp nhận hợp tác với mình. Thực tế nhìn tướng, nghe giọng nói, hay thấy nét mặt cũng biết họ tham. Tuy muốn giúp, nhưng sợ cho vô nhà thì họ ăn cắp, thương muốn cho họ vô ở chung, nhưng sợ họ quậy phá. Khắc phục nghiệp này là tập tánh nghèo không tham.

Tướng trung thực, lời nói trung thực, hiền lành, người ta cho vô ở nhà, nhưng biết thân phận không dám vô là kinh Pháp hoa nói gã cùng tử làm công cho trưởng giả vẫn ở am tranh. Riêng thầy, tự biết thân phận nghèo, nên không dám gần ai, vì gần người có nhiều tiền, không khéo họ nghi mình làm thân để nhờ vả, hay ăn cắp. Vì vậy, thời thầy đi tu, giữ kỹ điều này lắm, tức không tới nhà giàu, vì làm thân với người giàu, họ xem thường mình. Phật cũng dạy vị Sa-môn điều này, gần người giàu, họ sợ mình ăn cắp. Trên bước đường tu, tránh gần người giàu, người quyền thế, chỉ lo tu và gạn lọc tâm cho đến tâm và lời nói mình trong sạch thì họ không sợ mình ăn cắp.

Huệ Tư dạy rằng họ chê, hay nói xấu là chê cái nghiệp, nói xấu cái nghiệp của mình. Hiểu như vậy, chúng ta tu, cám ơn người nói xấu ta, cám ơn người hại ta. Ta này là nghiệp và tu hành, biết ta từ chân tánh, hay ta và Phật đồng nhau theo kinh Hoa nghiêm. Tuy nhiên, trên thực tế, ta khác với Phật vì bị vô minh vọng tưởng bao bọc tầm nhìn, khiến mình thấy sai lầm, mới tạo vô số nghiệp ác.

Con người trong sáu đường sinh tử đều do nghiệp tạo. Nếu tạo thiện nghiệp sẽ có thân người tốt đẹp, cuộc sống sung sướng. Và tạo được cùng tột điều thiện sẽ có thân chư Thiên tốt đẹp nhất. Tạo cùng tột việc ác là ác ma. Vì vậy, Phật nói địa ngục hay thiên đường cũng do nghiệp tạo.

Chư hạnh vô thường do nghiệp và nghiệp là ảo. Vì vậy, nghiệp mất là đáng mừng, vì chúng ta cũng muốn bỏ nghiệp. Thi hào Nguyễn Du nói dễ thương rằng đã mang lấy nghiệp vào thân thì đừng trách trời, trách đất.

Mang nghiệp vô thì phải bỏ nghiệp được. Phật dạy xả uẩn, hay xả chấp. Bỏ được, nhưng vì chúng ta không chịu bỏ, sợ khổ, nhưng cứ ôm cái khổ. Bỏ nghiệp hết khổ liền. Thực tế có anh bị vợ bỏ, nếu không biết tu thì thấy khổ; nhưng anh biết tu, thấy nhẹ quá, khỏi lo nữa, được tự do làm công quả. Biết được nghiệp, mình chấp nhận thực tế này sẽ cắt được lòng tham ái, tham dục, hết khổ. Và kế tiếp, cắt luôn tham tài, tham danh. Phải biết nghiệp mình chỗ nào để cắt. Phước đến đâu hưởng đến đó. Theo thầy, Phật tử nên hưởng dưới mức mình có thì càng được an lạc hơn.

Người thương mình, mình thương họ là tình bạn đạo, nhưng mình thương mà họ không thương là nghiệp, là duyên hợp tan mà Phật nói vô thường, không bền chắc, thấy đó rồi mất. Thầy thấy biết bao người bạn mình quý trọng, nhưng nhìn lại không còn ai, đó là vô thường.

Tuy nhiên, nhìn xa trong vô thường có chơn thường là con người thực và thấy điều thực này thì mình và bạn đang hiện hữu trong thế giới tâm linh là Tịch Quang chơn cảnh. Như vậy, thầy mình và bạn mình đang ở thế giới này và khi mình mãn duyên trần sẽ đi vô đây.

Còn mình tiếc thân tứ đại mỗi ngày già yếu, bệnh hoạn, hoàn cảnh khó khăn hơn là khổ chồng chất khổ, nhưng chúng ta theo Phật, sống với chân tánh của chúng ta thì không có tướng già, không có tướng bệnh, không có tướng chết.

Từ kinh Nguyên thủy đến kinh Đại thừa, kinh nào cũng chỉ vô thường sanh diệt để chúng ta hướng đến bất sanh bất diệt là thế giới của Phật, Bồ-tát. Trong kinh Hoa nghiêm, Đức Phật dạy từ khởi thủy đến chung cuộc. Khởi thủy là gì. Người tu đi tìm nguồn gốc coi mình từ đâu tới đây và tương lai chết về đâu.
Tu Hoa nghiêm cứ đi ngược về nhiều kiếp trước để chứng Túc mạng minh. Nhờ đi ngược về quá khứ, mình mới thấy hiện tại. Nói rõ hơn, nếu quá khứ chúng ta trồng căn lành ở Phật pháp, thì hiện tại mới gặp thầy hiền bạn tốt. Vì vậy, thầy tâm đắc câu kinh trong Phổ Hiền hạnh nguyện rằng: “Những người cùng tôi đồng một hạnh. Cầu được sanh chung các cõi nước. Thân khẩu ý nghiệp đều đồng nhau. Tất cả hạnh mầu cùng tu tập…” Đây là thiện tri thức quá khứ của chúng ta tái sanh gặp lại thành bạn tâm giao, hiểu nhau, quý nhau, giúp nhau.

Thầy gặp Hòa thượng Ito. Ông đón thầy và nói rất dễ thương: Xin chào bạn. Hỏi bạn hồi nào. Nói bạn ở hội Linh Sơn. Lúc đó thầy trẻ, còn ông là Hòa thượng lớn tuổi. Như vậy, quý vị có dám nhận là bạn hay không. Bạn này là bạn tâm linh, bạn tâm giao, nên gặp là tự nhiên thương, quý trọng liền. Họ nói gì mình cũng dễ chấp nhận. Đây là thầy, là bạn quá khứ gặp lại, tự quý trọng nhau. Còn người mà mình nói gì, họ liền nói ngược lại. Thầy gặp người như vậy là thầy chấm dứt câu chuyện, không nói nữa. Phật cho biết Đề Bà Đạt Đa nhiều đời trước đã là bạn luôn chống đối Ngài.

Trên bước đường tu, quán chiếu quá khứ để biết hiện tại. Thấy người ghét mình, tự biết đó là oan gia đời trước gặp lại. Thấy người thương mình, tự biết họ đã từng là thiện tri thức đời trước. Thầy thường nói đường đi của mình đến quả vị Phật còn xa, việc làm còn nhiều, nên tránh phiền phức để đi cho nhanh. Không phải là Bà-la-môn mà ở đó tranh cãi. Còn nghe, còn cãi, còn góp ý chi cho khổ.

Nhờ thấy hiện tại mà biết quá khứ, biết ai làm bạn đồng tu, đồng hạnh, đồng nguyện. Ai nghịch hạnh thì tránh. Như vậy, mình tu nhẹ nhàng, không hơn thua tranh cãi, miễn sao sống an lạc, giải thoát. Đạo Phật là đạo tìm ra sự thật và sống với sự thật, biết nó cố cãi để hơn mình, thì mình chịu thua để cho mình được nhẹ.

Nhìn kỹ người làm đạo được nhờ duyên quá khứ là người bạn trong quá khứ tái sanh gặp lại, hỗ trợ nhau, như Khương Tăng Hội xuất gia ở Luy Lâu (Hà Nội), nhưng ngài qua Thượng Hải xây chùa Kim Sơn. Ngài nói sang Trung Hoa để gặp Ngô Tôn Quyền. Lúc đó Trung Hoa chưa có đạo Phật, dù kinh từ Ấn Độ truyền sang Trung Hoa rồi, nhưng người Trung Hoa chưa tin đạo Phật, nên đạo Phật không phát triển được.

Khương Tăng Hội sang Trung Hoa truyền đạo vì ngài biết có bạn ở đó và ngài cũng biết rằng bạn ngài sanh lại làm vua, ngài làm sư, hai người kết hợp để phát triển đạo Phật. Khương Tăng Hội là nhà sư đầu tiên đến Thượng Hải. Ngài không đi bình thường, nhưng đi trên chiếc nón lá. Mọi người thấy hình tướng của ngài kỳ lạ, nên tâu với vua Ngô Tôn Quyền. Ông nghĩ phải chăng Hán Minh Đế mơ thấy bạn là người này chăng.

Vua cho mời ngài tới. Ngài trả lời vua bằng tiếng Trung Hoa thông thạo như người Trung Hoa, làm vua nể phục. Vua hỏi Khương Tăng Hội khi Phật Niết-bàn, có gì để lại để thấy sự linh nghiệm. Ngài nói Phật Niết-bàn còn để lại xá-lợi là kết tinh công đức tu hành của Phật. Vua nói muốn xem công đức tu hành của Phật như thế nào mà kết tinh thành xá-lợi.

Khương Tăng Hội nói vì là công đức tu hành, người thụ đắc xá-lợi cũng phải do công đức tu hành mới được, không phải ai cũng có được. Và người có công đức mới thấy xá-lợi Phật, không phải ai cũng thấy xá-lợi hay giữ được xá-lợi.

Vua hỏi trẫm có thể thấy xá-lợi không. Khương Tăng Hội nói rằng làm vua là có phước thì thấy được xá-lợi, nhưng phải có niềm tin. Thực tế vua Ngô Tôn Quyền được coi là vua hiền đức, nhưng ông vua con là Tôn Hạo rất dữ.

Bệ hạ có phước nên thấy được xá-lợi, còn bần tăng phải nỗ lực tu mới có công đức, nhưng ngài cũng không dám nói mình có xá-lợi. Ngài bảo vua dựng thảo am để ngài tu một tuần nhằm hồi phục công đức thì mới thụ đắc xá-lợi. Nhưng thực sự ngài đã có bình xá-lợi rồi.

Trong một tuần ngài tu miên mật Thiền quán, không ăn ngủ. Qua một tuần, Ngô Tôn Quyền hỏi xá-lợi đâu. Ngài nói cho thêm một tuần tiếp tục Thiền quán. Sau đó, ngài lại xin thêm một tuần nữa. Vua nói nếu lần này không có xá-lợi thì là yêu ma, sẽ bị giết.

Tới đúng 21 ngày, am tranh ngài tỏa hào quang ngũ sắc rực sáng. Ngài bưng xá-lợi vào triều. Ngô Tôn Quyền hỏi ngoài hào quang như thế, xá-lợi còn gì linh nghiệm không. Ngài nói xá-lợi thật cứng đến chày kim cương giã không bể. Ngô Tôn Quyền bảo giã thử xem và để xá-lợi lên khối sắt cho lực sĩ giã. Xá-lợi không bể, mà lực sĩ dội té và cái cối lún xuống. Vua sụp lạy, cho xây chùa Kiến Sơ để thờ xá-lợi.

Tất cả vật là vô thường, không bền chắc, nhưng xá-lợi Phật là công đức tu của Phật thì bền chắc đến chày kim cương của Bát bộ chúng đánh không bể, tiêu biểu cho công đức tu của Phật trường tồn miên viễn.

Tu theo Phật đúng như pháp, khi xả huyễn thân, chân thân tức phước đức và trí tuệ của hành giả bền chắc. Ý thức như vậy, chúng ta bỏ giả thân không bền chắc để được cái không hư hoại, bỏ sinh mạng ngắn ngủi này để có sinh mạng vô cùng. Đó là ý Phật dạy trong kinh Hoa nghiêm rằng chúng ta tu ngược về nguồn để gạn lọc vọng tâm tham đắm mà nhiều kiếp bám chặt mình. Cần sám hối cho tiêu nghiệp mới đem Phật pháp vào tâm. Tu đúng từng bước đi lên. Tu hình thức mà thực chất không có sẽ dễ bỏ cuộc.

Tóm lại, trên bước đường tu, ban đầu chúng ta chấp chặt thân vô thường sanh diệt nên khổ với nó. Trải qua quá trình tu Thanh văn, cởi bỏ được pháp sanh diệt, tức trần lao nghiệp chướng, được giải thoát và tiến lên hành Bồ-tát đạo. Lần lần Pháp thân Bồ-tát của chúng ta hiện ra và lớn lần theo mỗi kiếp tu hành, thì tái sanh, phước đức, trí tuệ chúng ta tăng trưởng, cho đến khi đầy đủ 32 tướng tốt, trí giác và tâm đại bi viên mãn, thành tựu quả vị Phật.
HT.Thích Trí Quảng

Đạo Tràng Hương Sen Xứ Nghệ dâng hương tại Chùa Hương Tích - Hà Tĩnh

Đạo Tràng Hương Sen Xứ Nghệ dâng hương tại Chùa Hương Tích - Hà Tĩnh

Đăng lúc: 08:10 - 31/01/2017

Lễ chùa đầu Xuân để cầu tài cầu lộc, cầu may mắn bình yên, dường như là nét văn hóa tâm linh không thể thiếu của mỗi người dân Việt. Vì vậy, hằng năm mỗi độ xuân về Đạo Tràng Hương Sen Xứ Nghệ đã có truyền thống dâng hương cầu nguyện tại Chùa Hương Tích - Hà Tĩnh vào ngày mùng 3 Tết.

Đức Phật dạy các đệ tử những vấn đề cần phải trả lời và không nên trả lời

Đức Phật dạy các đệ tử những vấn đề cần phải trả lời và không nên trả lời

Đăng lúc: 20:47 - 30/12/2016

Kinh Trung Bộ, Kinh Vương Tử Abhaya, đức Phật có khuyên các để tử của Ngài có những vấn đề cần phải trả lời, nhưng có những vấn đề không nên trả lời:


“Lời nói nào Như Lai biết lời nói ấy không đúng với sự thật, không liên hệ đến mục đích của người tu tập, lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, NHƯ LAI KHÔNG NÓI LỜI NÓI ẤY.
Đức Phật và năm anh em Kiều Trần Như
Đức Phật và năm anh em Kiều Trần Như
Lời nói nào Như Lai biết lời nói ấy đúng sự thật, nhưng không liên hệ đến mục đích của người tu tập, lời nói ấy lại làm cho người khác không ưa, không thích, NHƯ LAI KHÔNG NÓI LỜI NÓI ẤY.
Lời nói nào Như Lai biết lời nói ấy đúng sự thật, lại liên hệ đến mục đích của người tu tập, nhưng lời nói ấy khiến những người khác không thích, ở đây NHƯ LAI PHẢI BIẾT THỜI GIAN NÀO THÍCH HỢP GIẢI THÍCH LỜI NÓI ẤY.
Lời nói nào Như Lai biết là lời nói không đúng sự thật, không liên hệ với mục đích của người tu tập, nhưng lời nói ấy lại được mọi người ưa thích, NHƯ LAI KHÔNG NÓI LỜI NÓI ẤY.
Lời nói nào Như Lai biết lời nói ấy là đúng sự thật, nhưng không liên hệ với mục đích người tu tập, lời nói ấy lại làm cho người khác ưa thích, NHƯ LAI KHÔNG NÓI LỜI NÓI ẤY.
Lời nói nào Như Lai biết lời nói ấy đúng như sự thật, lại liên hệ đến mục đích của người tu tập, lời nói ấy khiến những người khác ưa thích, ở đây, NHƯ LAI SẼ NÓI LỜI NÓI ẤY”.
Qua đó cho thấy, khi Như Lai muốn nói vấn đề gì, vấn đề ấy phải đắn đo suy nghĩ dựa trên 3 yếu tố: 1. Đúng sự thật; 2. Liên hệ đến giác ngộ giải thoát; 3. Người nghe có thích hay không. Trong ấy yếu tố thứ 2, có liên hệ đến giác ngộ giải thoát được xem là quan trọng. Đó chính là lý do tại sao trong 6 trường hợp chỉ có hai trường hợp (3 và 6) Như Lai mới nói, trong đó trường hợp thứ 3 mặc dù có liên hệ đến giác ngộ giải thoát, nhưng Như Lai còn phải lựa lời, chờ thời gian thích hợp mới nói. Đây là điểm mà người Phật tử chúng ta cần phải học tập, không thể phát ngôn theo sở thích với mình.

TT. Thích Hạnh Bình

Phân biệt lời Phật, lời ma

Phân biệt lời Phật, lời ma

Đăng lúc: 20:05 - 05/12/2016

Thời mạt pháp, ma cường pháp nhược, có khi rồi cũng phải biết thứ gì là lời Như Lai nói, thứ gì là ma nói mà phòng hộ cho bản thân.
Là người đã chứng lý tánh thì vấn đề phân biệt này không có gì khó. Dù kinh luận thấy có nhiều sai khác, trong kinh luận thấy có nhiều chỗ như trái nhau1 thì vẫn biết không có gì ra ngoài lý tánh ấy. Đó là mặt duyên khởi biểu hiện cho lý tánh không của vạn pháp. Nắm được mặt duyên khởi này, sẽ thấy thuận hay không thuận, giữ giới hay không giữ giới v.v… đều là pháp của Phật khi chúng ta sử dụng nó đúng duyên. “Pháp trụ pháp vị, tướng thế gian thường trụ”2. Vấn đề là pháp có được sử dụng đúng duyên hay không. Không sử dụng pháp đúng duyên thì Phật pháp cũng thành ma pháp.

Với người lý tánh chưa nắm được, tức mặt duyên khởi chưa thông, thì cần nương vào những gì Như Lai đã nói và những gì không phải là Như Lai nói để việc tiến tu không lầm lẫn.

Trong kinh Đại bát Niết-bàn tập I, phẩm Tài chánh, Bồ-tát Ca Diếp cũng đã nêu lên việc này:

- Nay con phải làm thế nào để phân biệt được lời nào là của Phật nói, lời nào là của ma nói? Có những chúng sinh chạy theo hạnh ma, cũng có những chúng sinh thuận theo lời Phật dạy. Phải làm thế nào để biết rành hai loại ấy?

Phật đã dạy:

- Này Ca Diếp, sau khi Phật nhập diệt khoảng 700 năm, ma Ba Tuần sẽ ngăn trở và làm hư hoại Chánh pháp. Ví như thợ săn, thân mặc pháp y. Cũng vậy, ma Ba Tuần sẽ giả hình Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di. Cũng hóa thân thành Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán. Cũng hóa thân thành Phật. Ma vương mang thân hữu lậu hóa thành thân vô lậu để làm hư hại Chánh pháp...

Xưa, ma Ba Tuần có thể hóa thành Phật giống đến nỗi chính Tổ Ưu-ba-cúc-đa còn phải lầm3, huống là những hình tướng bên ngoài như Tỳ-kheo, La-hán, cư sĩ hay tiến sĩ Phật học v.v… Thứ có thể phân biệt là ở giới luật và trí tuệ. Vì thế Phật dạy cho Phật tử biết thế nào là lời Phật dạy, là lời ma nói để mà phân biệt. Không nên dựa vào hình tướng bên ngoài và cấp vị mà tin những lời phát ra đó là pháp Phật nói, là pháp như thật lý.

thuyet-phap.jpg

Phật dạy gì?

Về sự kiện Phật đản sinh

Nếu nói: “Bồ-tát ở cung trời Đâu Suất, chết rồi sinh vào cung vua Bạch Tịnh tại thành Ca-tì-la-vệ, nhân nơi ái dục của cha mẹ mà có thân. Không bao giờ có người nào sinh trong loài người mà được đại chúng cõi Trời Người tôn kính. Cũng nói, xưa kia tu khổ hạnh bố thí đầu, mắt, tủy, não, vợ, con mà đặng thành Phật…”, là ma nói4.

Nếu nói: “Đức Như Lai đã thành Phật từ lâu, vì muốn cứu độ chúng sinh nên nay mới thị hiện thành Phật. Vì tùy thuận theo thế gian nên thị hiện có cha mẹ, nhân nơi ái dục mà sinh”, là Phật nói.

Chỗ khác nhau ở đây là, một bên y nơi tướng mà nói, một bên y nơi tánh mà nói. Ma chỉ thấy được tướng Phật chết đây sinh kia, như phàm phu bị “phần đoạn sinh tử” trói buộc mà chuyển lưu. Không thấy được mặt ứng hóa thân của chư Phật, là từ pháp thân thường trụ, do ứng duyên mà hiện tướng ở cõi Sa-bà để độ sinh. Việc ứng hiện này, nhân là căn lành của chúng sinh đã gieo trong quá khứ, duyên là bi nguyện cao cả của chư Phật, nhân duyên đầy đủ thì tướng Phật (với 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp) hiện cõi Sa-bà, đó là quả. Do ứng duyên mà hiện, là pháp nhân duyên, nên thân ấy sinh diệt theo nhân duyên. Đủ duyên thì hiện. Hết duyên thì không. Tuy sinh diệt nhưng không phải là Như Lai sinh diệt, chỉ là ứng hóa thân sinh diệt. Pháp thân Như Lai vẫn thường trụ.

Bởi chỉ thấy được tướng sinh diệt, nên cho rằng Như Lai do khổ hạnh, do bố thí đầu, mắt, vợ, con v.v… mà thành. Không thấy được đó chỉ là tướng thể hiện Như Lai đã chứng được pháp thân bình đẳng mà ra, tam giới không ngoài tâm, vạn pháp chỉ như huyễn, tất cả đều là huyễn thân, nên có thể xả đến chỗ tận cùng. Đại trí tuệ đã viên mãn thì đại bi mới tròn đầy.

Pháp thân thường trụ không do tác nhân, chỉ do liễu nhân5 mà thành. Không thể tu hành mà tạo ra pháp thân ấy, nhưng nhờ tu hành mà nhận ra và thể nhập lại pháp thân ấy. Như ngọn đèn không thể tạo ra đồ vật trong phòng tối nhưng có thể giúp ta thấy được đồ vật trong phòng tối. Giới, định, tuệ cũng như vậy, không thể tạo ra pháp thân, nhưng nhờ nó chúng ta nhận ra và thể nhập lại pháp thân ấy. Không thể chỉ có khổ hạnh mà thành Phật. Do bi nguyện, tùy căn cơ của chúng sinh mà Như Lai có pháp, thuận hay nghịch đều vì lợi ích cho chúng sinh. Như Quán Thế Âm có tướng nữ từ bi hiền dịu của mẹ hiền, nhưng cũng có tướng là Tiêu Diện Đại sĩ, lưỡi dài mặt đen của ác quỷ, nhưng đều là hiện thân của Bồ-tát Quán Thế Âm.

Nếu nói: “Không nên tin Như Lai lúc mới sinh đi bảy bước”, là lời của ma.

Nếu nói: “Như Lai khi ra đời, hướng về bốn phương đi bảy bước, đó là phương tiện thị hiện”, là lời của Như Lai nói.

Với cái nhìn của người đời nay, việc sinh ra bên hông phải và đi bảy bước là việc không thể chấp nhận. Chư vị thiện tri thức có khi vì cái nhìn chưa thấu suốt này mà phương tiện thành không. Không hẳn chư vị đã cho là không.

Pháp thân vô tướng, do ứng cơ mà hiện thành tướng, nên tùy căn cơ chúng sinh mà cảnh sở hiện thấy có khác nhau. Con người sẽ thấy những gì thuộc về nghiệp thức của con người. Trời sẽ thấy những gì thuộc nghiệp thức của Trời. Cùng một cảnh giới mà phàm phu thấy thế giới này qua lăng kính của phàm phu, thánh nhân thấy thế giới này theo lăng kính của thánh nhân. Người thấy nước là nước nhưng ngạ quỷ thấy nước là máu6. Việc hiện tướng Phật cũng như thế. Cõi người không thể thấy con cái ra đời từ hông phải của mẹ, nhưng với chư thiên việc đó là thường. Phàm phu không thể thấy Phật đi bảy bước, nhưng thánh nhân thì không hẳn như vậy. Mọi hiện tướng nói trong kinh luận, không chỉ là cái thấy của người và phàm phu mà có cả chư thiên và thánh nhân. Vì thế, có thứ phàm phu thấy được mà có thứ phàm phu không thấy được. Như hiện nay, khi khoa học phát triển, đã chứng mình cho ta thấy có nhiều thứ ta không thấy được bằng mắt nhưng không có nghĩa là không có.

Việc “bình thường” và “không bình thường” này chỉ thể hiện mặt duyên khởi sâu xa mà Phật đã nói. Pháp thân Như Lai thường trụ, chỉ tùy căn cơ của chúng sinh mà thị hiện thân tướng. Đã tùy cơ mà hiện tướng thì không thể có một tướng cố định xuất hiện chỉ phụ thuộc vào cái nhìn của một loại chúng sinh. Đó là lý do vì sao xuất hiện nhiều tướng mà với tâm thức con người, là hư ảo, khó lường, nhưng Như Lai vẫn xác định việc đó có. Vì tất cả đều do ứng duyên mà thành sự. Chỉ do ứng duyên mà thành sự nên Như Lai nói “phương tiện thị hiện”. Nói “phương tiện”, vì do ứng cơ mà thành, không có chất thật. Nói “thị hiện” vì tùy nhân tùy duyên mà hiện tướng.

Nếu nói: “Trời sinh trước, Phật sinh sau, cớ sao chư thiên lại lễ kính Phật?”, là lời nói của ma.

Nếu nói: “Khi Bồ-tát giáng sinh, tất cả vua của chư thiên ở các cõi đều đến lễ lạy”, là lời của Phật.

Tướng Như Lai xuất hiện đó chỉ là hóa thân ứng với nghiệp thức của người và trời mà xuất hiện. Còn pháp thân Như Lai thì vô tướng, thường trụ. Trời hay người v.v… đều từ đó mà ra. Đó là lý do không thể y cứ trên tướng mà phân trước sau, cũng không thể y cái phân trước sau đó để nói đến sự tôn kính.

Lìa bỏ tâm tham dục

Nếu nói: “Lúc làm thái tử, vì lòng tham dục nên Bồ-tát lấy vợ, hưởng thọ khoái lạc nơi chốn thâm cung”, là lời của ma.

Nếu nói: “Từ lâu, Bồ-tát đã bỏ lìa tâm tham dục, vợ con. Cho đến sự vi diệu của Tam thập tam thiên, Bồ-tát cũng coi như đàm giải, huống là sự vui ở cõi người? Bồ-tát cạo bỏ râu tóc, xuất gia hành đạo”, là lời Phật nói.

Do tham dục, chúng ta không có giải thoát, không thể sống lại được với pháp thân thanh tịnh của mình. Sắc, thanh, hương, vị, xúc đều là sở hiện của tự tâm, do bất giác mà hiện thành. Nhưng chạy theo lục trần thì bỏ mất bản tâm. Hợp trần thì bối giác. Cái hợp trần chạy theo đó là biểu hiện của tham dục. Vì thế, người tu, dù là tu để chứng La-hán hay để sống lại với pháp thân của mình đều phải từ bỏ tâm tham dục. Dù thị hiện có vợ con thì vẫn không có tâm tham dục. Chỉ do lòng bi mẫn mà thị hiện thân tướng như thế để độ sinh. Ma thì y tướng mà nói pháp để dẫn phát tâm tham ái của chúng sinh, muốn họ chìm sâu trong biển mê, không thoát được phiền não và sở tri chướng. Không thể giải thoát cũng không được Bồ-đề. Phật thì y tánh mà nói. Tuy thị hiện tướng tham dục mà không có tham dục, như kinh Duy Ma nói: “Hiện vào khắp các đạo để đoạn dứt nhân duyên”.

Người tu thời mạt pháp cần nắm vững việc này. Có thể vì nhân duyên trong đời chưa đủ cơ duyên để thanh tịnh thân tâm, nhưng đã muốn giải thoát và chứng Bồ-đề vô thượng thì hướng đến cũng phải như chư Như Lai, không có tham dục. Xác định được tinh thần này rồi, thì mọi tu hành hiện đời đều phải có phần hồi hướng cho việc dứt tham dục này. Đủ cơ duyên, trong tham dục mà không tham dục, trong biển sinh tử mà không có trần lao.

Hàng Bồ-tát ứng cơ vào cõi tham dục vì lợi ích cho chúng sinh, trước sau gì đều ở trong tham dục mà dứt hẳn tham dục, không tạo điều kiện cho tham dục phát sinh. Đối với việc lợi tha thì tùy cơ của chúng sinh mà nói pháp. Như người tại gia chưa có tâm tu giải thoát thì không nói đến việc từ bỏ tham dục, nhưng không có nghĩa là ca tụng tham dục, cũng không nói lời hủy hoại giới cấm để tạo điều kiện cho tham dục phát sinh. Tham dục ở đây không chỉ nói ở mặt ái dục mà chỉ cho tất cả các mặt còn lại thuộc sắc, thanh, hương, vị, xúc.

Hiện nay vấn đề âm nhạc được phổ biến rất rộng trong Phật giáo. Không phải chỉ trong một vài buổi lễ mà còn cả trong những buổi tu tập. Có cảnh phụ nữ lớn tuổi và các cô gái mặc áo tràng múa may quay cuồng trước sự chứng kiến của quý thầy như là một pháp tu. Đây là thanh dục. Nói như thế vì thanh đã được tâm tham dục chấp thủ. Còn thanh, bản thân nó vốn như, không thể nói nó là thanh dục hay không thanh dục. Nhưng nếu chúng ta dùng nó như một pháp tu, tức mình đã sử dụng nó không đúng duyên, thì cũng có nghĩa là tham dục đã phát sinh, thanh lúc ấy trở thành thanh dục.

Vì âm nhạc vốn không phải là thanh dục nên có thể dùng nó để hướng người chưa biết đạo vào đạo, giúp các em thiếu nhi (cái tuổi chưa thể không mọi thứ, cũng chưa thể ý thức được gì về việc trừ bỏ tham dục) không thấy trống trải khi đến với đạo, có thể giúp các em thấy đạo vui hơn đời v.v… mà tiến lần lên đạo giải thoát của Như Lai.

Vì âm nhạc làm động tâm và có thể khiến phát khởi tham dục nơi mỗi người, nên với cái duyên là Sa-di thôi, chư Phật đã có giới cấm không được “Tự ý đi xem, nghe, hát, đàn v.v…”. Bài văn “Sám hối sáu căn” của vua Trần Thái Tông đã quở việc này. Trong các bài kinh thuộc hệ A-hàm cũng nói đến việc chư vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni không nên sử dụng âm nhạc. Nên thời Hòa thượng Trúc Lâm còn giảng thuyết, dù khen âm nhạc cũng là một phương tiện dẫn đạo tốt, nhưng không có việc chư Tăng Ni hát hò trong các thiền viện.

Tuy vậy trong việc dẫn đạo hiện nay, nhất là với các em thiếu nhi, có khi phải dùng âm nhạc để dẫn chúng, nên chư Tăng Ni cũng phải dùng đến âm nhạc, một loại nhạc được gọi là nhạc đạo để giúp các em tiến dần vào đạo mà không thấy buồn tẻ. Việc dẫn đạo này đương nhiên phải được dùng đúng duyên, đúng đối tượng.

Với người đến với đạo vì hiểu biết, dù là tuổi trẻ, không cần dùng âm nhạc mới độ được họ thì không dùng âm nhạc để độ họ.

Việc dùng âm nhạc cũng được giới hạn trong một số Tăng Ni có trách nhiệm với việc này. Không phải là pháp truyền bá rộng rãi trong thiền môn thanh tịnh, giúp phát khởi chủng tử âm nhạc đã huân tập trong bao đời, chỉ nhờ duyên thanh tịnh bên ngoài mà tạm yên.

Âm nhạc được sử dụng đúng duyên thì mang lại lợi ích cho chính đối tượng đó. Không sử dụng nó đúng duyên, nó sẽ trở thành thanh dục, khơi dậy tâm tham dục trong mỗi người, không còn vì lợi ích cho chúng sinh nữa. Nếu sử dụng không đúng duyên, nó còn tạo điều kiện cho hàng chúng sinh căn cơ cạn mỏng không có ý thức ngăn dừng mà còn y đó phát tán chủng tử âm nhạc đã huân quá sâu trong tạng thức. “Thầy cô lớn còn hát được, sao mình không thể hát”. Tư tưởng đó chính là cái nhân giúp chủng tử âm nhạc ngày càng huân sâu, muốn từ bỏ rất cực. Không từ bỏ thì động tâm không thể dừng. Nếu là người xuất gia thì giới tướng, giới thể đều không thể giữ. Việc xuất gia cũng trở thành hạn chế đối với Phật tử mà chủng âm nhạc huân quá sâu.

Chúng tôi có duyên được chứng kiến một buổi chúc Tết của chư Tăng đối với Ni chúng. Tăng hát một bài để tặng và Ni đáp trả một bài. Việc một năm hát một lần trao tặng nhau bằng âm nhạc, xét theo giới luật thì không như pháp, nhưng chỉ một lần trong năm, không có sự tập dượt huân tập, thì không có gì nghiêm trọng. Có điều sự việc xảy ra khá lý thú.

Sau khi chư Tăng hát tặng rồi, chư Ni không ai biết hát, phải để một Ni, chắc mới xuất gia, hát đỡ một bài. Cô hát một bài của Trịnh Công Sơn, “Hãy yêu nhau đi!”. Không ai là không tái mặt. Chư Tăng có người bỏ ra về. Còn Ni nhỏ thì vẫn vô tư hát. Việc ấy chứng tỏ Tăng Ni không có tâm tham dục trong việc sử dụng âm nhạc. Nhưng nó để lại trong tâm tôi một sự nhắc nhở sâu xa: “Nếu không có cái nhân là việc hát tặng, dù là nhạc đạo, thì sẽ không có cái quả là cô Ni kia phát tán bài hát “Hãy yêu nhau đi!”. Điều đó có nghĩa là, với những người đã cứng cáp thì duyên thế nào cũng không mang lại quả xấu cho họ. Nhưng với những người tâm còn yếu đuối, cần môi trường thanh tịnh của tùng lâm để thanh lọc thân tâm, thì chúng ta phải cẩn thận từ những cái nhân rất nhỏ. Việc giảm bớt căng thẳng trong tu học khác với việc tạo điều kiện để tập khí sinh khởi. Nếu chúng ta sử dụng pháp không đúng duyên, xem thường những cái nhân nhỏ, không loại bỏ hay hạn cuộc nó ngay từ đầu, thì kết quả khó mà lường hết được. Từ đạo biến thành đời chẳng mấy chốc. Từ chỗ thanh tịnh biến thành tham dục chẳng khó khăn. Đó là bài học tôi nhận được từ việc chúc Tết ấy.

Vấn đề chứa chấp của cải…

Nếu nói: “Tại nước Xá-vệ, nơi tinh xá Kỳ-hoàn, vì lòng Đại từ thương xót chúng sinh, nên Phật cho Tỳ-kheo nuôi tôi tớ, voi ngựa, gia súc, chứa vàng bạc châu báu, cho buôn bán, gieo trồng…”, là lời của ma nói.

Nếu nói: “Tại nước Xá-vệ, nơi tinh xá Kỳ-hoàn, trước vua Ba-tư-nặc và Bà-la-môn Cổ-chi-đức, Phật cấm Tỳ-kheo không được nuôi chứa tôi tớ, voi ngựa, gia súc, chứa vàng bạc châu báu, cho buôn bán, gieo trồng… Người phạm vào các điều này thời không được ở trong hàng Tỳ-kheo, phải hoàn tục, như đám cỏ trong ruộng lúa cần phải nhổ bỏ”, là lời Phật nói. Người thuận theo đây chính là Bồ-tát.

Đây có mấy điểm cần lưu ý.

Một là địa điểm và thời gian lúc Phật nêu ý kiến này. Đó là vào thời Phật và tại đất nước Xá-vệ. Hai là nội dung tích chứa. Vào thời đó Tăng đoàn được sự hỗ trợ mạnh từ đông đảo quần chúng vua quan và lấy việc khất thực làm chính, nghiệp căn thân cũng nhẹ hơn, nên Phật đã cấm Tỳ-kheo làm các việc đó. Vì nó nuôi lớn lòng tham.

Hiện nay điều kiện xã hội và con người đã khác thời Đức Phật. Tăng đoàn hội chúng không còn đi khất thực mà tụ hội tu tập và bá tánh cần có chỗ nơi nương tựa. Vào những lúc mà điều kiện xã hội không được hanh thông, Tăng Ni phải tự trồng trọt hay mua bán để có thể tự tiếp tục việc tu hành, nuôi chúng và xây dựng chùa chiền. Vì thế không thể chỉ y nơi hình tướng quán xét sự việc mà phải y vào tinh thần. Việc tích chứa hay trồng trọt đó là do tham dục mà ra hay chỉ tạo điều kiện để Tăng Ni tu học được tốt hơn? Nếu trồng trọt mua bán chỉ là điều kiện để việc tu học của đại chúng được tốt hơn thì trồng trọt mua bán không lỗi. Nếu trồng trọt và mua bán chỉ để của cải tích chứa thêm nhiều, việc tu học bị phế bỏ, tập trung cho việc kiếm tiền, không khác gì người ngoài đời, chỉ mượn danh đệ tử Như Lai mà không hành việc Như Lai, chỉ làm vững mạnh thêm pháp thế tục thì đúng là lỗi. Nên Như Lai cấm trồng trọt, mua bán và bắt hoàn tục. Là để tránh quả xấu trong tương lai cho chính người đó.

Thị hiện vào tất cả cảnh giới mà không có tâm luyến ái

Nếu nói: “Bồ-tát thị hiện vào miếu thờ trời, ở trong pháp ngoại đạo xuất gia tu hành, thị hiện biết tất cả oai nghi lễ tiết, khéo hiểu tất cả văn tự kỹ nghệ, thị hiện làm bậc tôn quý nhất trong các giai cấp xã hội, dầu vậy Bồ-tát chẳng có lòng luyến ái, như hoa sen không nhiễm bùn nhơ. Vì độ chúng sinh nên Bồ-tát phương tiện thị hiện theo thế pháp. Những lời trên đây là của Phật nói, người thuận theo đây là Bồ-tát. Nếu nói trái lại là lời của ma và quyến thuộc của ma”, là lời Phật nói.

Pháp thân bất biến nhưng tùy duyên ứng cơ mà hiện tướng làm lợi ích chúng sinh. Đây là 32 ứng hóa thân của Bồ-tát Quán Thế Âm, 48 lời nguyện của Đức Di Đà, thệ nguyện độ sinh của Bồ-tát Địa Tạng v.v… Đều do bi nguyện mà thành.

Đây là dụng của hàng Bồ-tát pháp thân. Địa càng cao, ứng hóa thân các rộng.

Điểm đặc biệt ở đây là “Thị hiện làm các bậc tôn quý nhất trong các giai cấp xã hội” nhưng không có lòng luyến ái với giai cấp, địa vị mà mình đang có. Kinh Duy Ma nói: “Đến cảnh sắc và vô sắc mà không cho là thù thắng. Hiện làm hạng giàu có mà xem là vô thường, không có tham đắm. Hiện làm kiêu mạn mà đối với chúng sinh mình cũng như cầu đò v.v...”. Phu nhân Thắng Man trong mười Đại thệ nguyện cũng hiện rõ điều này: “Thế Tôn! Con từ hôm nay cho đến khi chứng quả Bồ-đề, không vì mình mà nhận chứa tài vật. Phàm có thọ nhận, đều vì thành thục chúng sinh bần khổ”, hoặc “Thế Tôn! Con từ hôm nay cho đến khi chứng quả Bồ-đề, hành Tứ nhiếp pháp mà chẳng cầu báo đáp, dùng tâm không tham, không lợi, không nhàm đủ, không ngăn ngại mà nhiếp thọ chúng sinh”.

Do không nắm được lý “duy tâm sở hiện” mà Phật Tổ đã nói, nên có người cho rằng lợi ích của Phật pháp chỉ hạn cuộc trong việc tu hành, không mở rộng được như ở các đạo giáo khác. Đó là vì nghiệp thức của chư vị chỉ nhìn thấy được mặt nổi của vấn đề, không thấy được mặt sâu xa của sự việc. Tất cả đều có thể là hiện thân của Bồ-tát và Phật ở khắp tất cả chỗ. Các vua đời Trần thể hiện việc độ sinh mở rộng này một cách rõ ràng nên chúng ta có thể thấy được rõ ràng. Nhưng với những người mà hình thức của họ không mang tính đạo giáo như Hồ Chí Minh v.v… thì chúng ta không thể hình dung, nên không thấy được mặt lợi ích của việc tịnh tâm, thiền định, chứng lại pháp thân thường trụ, để có thể sử dụng mặt ứng hóa thân này rộng khắp.

Tóm lại, bất cứ ai vì lợi ích chúng sinh, giúp chúng sinh thoát khổ thành công, dù chỉ một giai đoạn v.v… đều là hóa thân của Phật và Bồ-tát đối với chúng sinh đó.

Tin kính kinh điển Đại thừa

Nếu nói: “Người cố chấp chín bộ kinh luận mà không chịu tin kinh điển Phương đẳng Đại thừa, cho rằng không phải Phật nói, vì trong kinh luận của họ không có nói đến, phải biết người này có tội, không phải là đệ tử của Phật. Nếu có người tin kinh điển Đại thừa, cho rằng vì độ chúng sinh nên Như Lai nói kinh điển Đại thừa. Người này chính là đệ tử của Phật”, là lời Phật nói.

Các bộ kinh thuộc hệ A-hàm, được chư vị cổ đức xếp vào cái gọi là kinh luận Nhị thừa. Các bộ kinh như Lăng-già, Lăng nghiêm, Hoa nghiêm v.v… là những bộ kinh nói đến Phật tánh, đến pháp giới Hoa nghiêm, được chư vị xếp vào cái gọi là kinh Đại thừa Phương quảng. Với chư vị, tất cả đều là kinh Phật nói; chỉ là tùy thời, tùy căn cơ của chúng sinh mà giả lập, cũng y đó mà ẩn hay hiện.

Người đời sau, có người quả quyết Phật chỉ nói 5 bộ kinh thuộc hệ A-hàm, còn lại không phải Phật nói. Người thì kinh Đại thừa cũng bác mà kinh Nhị thừa cũng chê, dù khoác áo Tăng-già.

Tôi có một nhân duyên khá tốt giúp tăng trưởng niềm kính tin đối với kinh điển Đại thừa.

Do nhân duyên đời quá khứ, tôi gặp được pháp Đại thừa đốn giáo do Hòa thượng Trúc Lâm giảng dạy qua những cuốn sách quay ronéo bán ngoài chợ trời, thông qua ông bạn đời của mình. Củng cố niềm tin nhiều hơn là nhờ vào những cảnh giới chứng. Trong việc tu tập, tuy gặp nhiều chướng duyên từ thân tâm, nhưng sau mỗi lần khổ nhọc, cố gắng, tôi lại được chứng nghiệm những cảnh giới đã nói trong kinh điển. Hiểu rõ những thứ mà trước khi có sự tu tập, tôi không hiểu được. Nên niềm tin đối với kinh điển Đại thừa được củng cố mạnh.

Thêm một tác nhân quan trọng nữa, đó là Sư Hưng. Nhân duyên tôi gặp Sư khá kỳ quặc.

Sư vào trại cải tạo chung với ông bạn đời của tôi. Ngày đó ông bạn tôi vượt biên, Sư thì vào vì phát biểu linh tinh. Hai ngày sau Sư báo với người bạn là Sư sắp ra khỏi trại, muốn gặp tôi. Sư được người cậu bảo lãnh ra thật, rồi thuê xe về thẳng nhà tôi, bắt tôi trả tiền xe và quỳ nhận Sư làm thầy. Tôi không thích nhưng vẫn phải quỳ xuống lạy Sư. Tôi không gặp Sư thường xuyên, vì Sư ở mãi Long Xuyên, Sa Đéc. Tôi không thích phong cách của Sư, vì Sư bắt tôi quăng con gái qua một bên khi nó đang khóc ngất, không một chút động lòng. Nhưng mỗi lần tôi có việc buồn, Sư đều xuất hiện rất đúng lúc. Sư là người đầu tiên nói với tôi “Bỏ tất cả, con sẽ được tất cả”.

Việc thứ hai khiến tôi không thích Sư nữa là Sư đụng đến phần ngã sở của tôi. Sư chê Sư ông Trúc Lâm là “Đi đâu, Phật tử cũng theo đông quá”. Có điều Sư lại khen Thầy: “Chưa bao giờ thấy ai có cái tướng hảo quang minh như Nhật Quang”. Có lẽ do một chút đó mà tôi còn dính tới Sư.

Chính Sư là người đã giải mã chỗ Tiểu thừa - Đại thừa này cho tôi, giải tỏa rõ ràng pháp Thiền đốn giáo mà tôi đang tu tập.

Sư nói với tôi Sư thuộc hệ phái Tiểu thừa. Tôi cũng thấy Sư sống đời sống khất sĩ thời Phật. Đầu trần, chân đất, ngày ăn một bữa. Ngoài chiếc y quấn trên người, Sư không có gì nữa. Nay ngụ chỗ này, mai ngụ chỗ kia, không hề có tiền trong túi. Ngày đó tôi không biết cái gì là Tiểu thừa, Trung thừa hay Đại thừa. Chỉ do đang tu nửa chừng thì gặp một người bạn, nói đừng tu pháp đó nữa, pháp đó là của mấy ông bên Trung Hoa, không phải của Phật nói. Vì lời nói ấy, tôi mang ra hỏi Sư. Coi Sư có nhận định thế nào về lời nói của cô bạn.

- Thiền Đốn giáo có phải của Phật nói không Sư?

Sư không trả lời mà hỏi ngược lại tôi:

- Con có nghe tích Phật truyền nửa tòa ngồi cho ngài Ca Diếp?

Tôi gật đầu. Sư trả lời:

- Ca Diếp là Tổ đầu tiên của thiền Đốn giáo. Truyền qua 33 vị.

Một câu trả lời đó đủ xác minh cho tôi thấy “Thiền đốn giáo” là một phần trong pháp Phật đã nói.

Sau này có ít định lực và trí tuệ rồi, tôi nhận ra tính nhất quán từ kinh tạng Tiểu thừa cho đến Nhất thừa. Tuy nhất quán mà vẫn không nhất quán. Không nhất quán mà nhất quán. Cái nhất quán là mặt bất biến của pháp. Cái không nhất quán là mặt tùy duyên của pháp. Trong Nhị thừa ngầm ẩn Đại thừa. Trong Đại thừa ngầm có Nhị thừa.

Phải nói, chỉ với hệ thống kinh luận của Nhị thừa, không đủ để giải mã những gì mà khoa học và triết học đang bế tắc. Chỉ một vòng mắt xích Thập nhị nhân duyên, nếu không có phần Duy thức học thì không giải mã được tính hợp lý của chuỗi nhân quả đó. Vì thế, chối bỏ kinh điển Đại thừa chỉ khiến Phật pháp trở nên yếu kém trước những bước tiến vượt bực của thời đại. Đúng là có tội với chư Phật.

Thứ mà tôi thích nhất được nói trong các kinh điển Đại thừa, là dù tu pháp Đại thừa chăng nữa thì rốt cuộc “Đại thừa là không chấp vào Đại thừa, cho đó là nhất, là thật, mới là Đại thừa”. Rất bình đẳng, không thiên lệch pháp mình, pháp người. Tất cả đều phải xả bỏ để trở về chỗ vô trụ. Nó không mang tính thiên lệch cố chấp cho pháp mình tu mới là nhất, là của Phật nói. Mọi thứ nếu có chỉ là pháp đối trị. Như có bệnh thì cho thuốc, không bệnh thuốc không dùng. Tu Đại thừa mà phải dùng pháp Tiểu thừa mới trị được bệnh thì dùng pháp Tiểu thừa v.v... Tôi thích tính bình đẳng ấy của Đại thừa. Tất cả pháp đều là Phật pháp, khi chúng ta biết sử dụng pháp đúng duyên.

Đức tướng của Như Lai

Nếu nói: “Như Lai không phải là kết quả của vô lượng công đức, là vô thượng biến đổi, do chứng pháp không nên tuyên nói lý vô ngã, chẳng thuận với thế gian”, là lời của ma. Tin lời này là quyến thuộc của ma.

Nếu nói: “Như Lai là bực Đẳng chánh giác không thể nghĩ bàn, là kết quả của vô lượng công đức, là thường trụ không biến đổi”, là lời Phật nói.

Như Lai là pháp thân thường trụ, không do tạo tác mà thành, nên không do tu hành mà được. Nhưng nếu không tu hành, không có thánh hạnh thì không thể bối trần hợp giác mà ngộ nhập lại tri kiến Như Lai trong mỗi chúng sinh, nên Như Lai tuy là thường trụ mà vẫn là kết quả của vô lượng tướng công đức.

Hành giả tu hành, nếu không có sẵn Phật tánh thì tu hành vô lượng kiếp cũng chẳng thành Phật, như sâu có gốc là bướm thì đủ duyên mới hóa bướm được. Nếu có sẵn Phật tánh mà không chịu khó thanh lọc nhiễm ô có từ thời vô thủy thì Phật tánh dù có, cũng không thể hiển cái dụng nhiệm mầu của nó. Cho nên, tuy biết mình có sẵn Phật tánh, dù ở phàm không giảm, ở thánh không tăng, nhưng không vì thế mà không tu, không hành thánh hạnh. Kinh Niết-bàn tập I, phẩm Tài chánh nói: “Tôi đã thành Phật vì tôi có Phật tánh. Người nói lời này phạm tội Ba-la-di. Vì dầu có Phật tánh, nhưng chưa tu tập các pháp lành, nên chưa được thấy. Vì chưa thấy Phật tánh, nên chẳng thể thành Phật”.

Giới là của Phật chế

Nếu nói: “Không có bốn trọng tội, mười ba tội Tăng tàn, hai tội bất định v.v… Nếu có Tỳ-kheo phạm các tội trên đây mà đọa địa ngục thì hàng ngoại đạo lẽ ra đều sinh lên cõi trời, vì ngoại đạo không thọ giới, nên không có giới để phạm. Đó là Như Lai muốn khủng bố người nên nói các điều giới ấy. Nói bị đọa vào địa ngục cũng là khủng bố người. Đây là các nhà luật sư vọng nói mà cho là lời Phật chế. Kỳ thật không phải do Phật chế…”, là lời ma nói.

Nếu nói: “Chẳng nên thân cận người phủ nhận nhân quả. Chánh pháp của Phật trong sạch như vậy, sao phạm vào Du-lan-giá hoặc Tăng-tàn hoặc Ba-la-di mà chẳng phải là tội? Thế nên phải tự giữ gìn những giới pháp như vậy. Nếu không giữ gìn thì lấy gì gọi là cấm giới? Trong các kinh Như Lai đã nói, nếu phạm giới thời phải theo luật mà trị. Dù tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, nhưng phải do nơi trì giới rồi sau mới được thấy. Do thấy Phật tánh mà được thành Vô thượng chánh giác. Nếu không trì giới sao có thể thấy được Phật tánh?”, là lời Phật nói.

Khi Như Lai sắp nhập Niết-bàn, A Nan thưa sau này chúng sinh sẽ y chỉ ai làm thầy? Như Lai nói lấy giới làm thầy. Thì hiểu giữ giới quan trọng thế nào.

Giới là một trong ba vô lậu học Giới - Định - Tuệ. Không phải khi nào có giới là lập tức có định, nhưng nó là điều kiện tiên quyết có thể làm phát sinh định. Vì thế muốn có định tuệ thì phải giữ giới nghiêm cẩn.

Chúng sinh có sẵn Phật tánh nhưng không thể nhận ra, cũng không dùng được tướng và dụng của nó như chư Phật, vì bị lực của dòng tập nghiệp lôi kéo. Như biển nổi sóng, cứ theo sóng mà quên mất tánh ướt của biển. Muốn dừng được lực ấy, hành giả phải có sức định. Muốn có sức định thì phải giữ giới nghiêm túc. Giữ giới nghĩa là giữ không cho những chủng tử trong tạng thức hiện hành tương tục trong tâm. Do duyên ấy mà dừng được dòng nghiệp lực. Phật tánh có điều kiện hiển bày.

Hỏi: Vậy sao Tuệ Trung thượng sĩ lại nói “Giữ giới cùng nhẫn nhục/Chiêu tội chẳng chiêu phước?”7

Đáp: Vì Trần Nhân Tông không có giới để phạm. Nếu chấp vào giới thì không thể nhập được chỗ vô trụ. Nên Tuệ Trung thượng sĩ nói giữ giới cùng nhẫn nhục là chiêu tội. Đó là tùy cơ mà có pháp. Nó có tác dụng “nhổ đinh, tháo chốt” cho những ai đang bị kẹt. Một trong những phương pháp khai thị đặc thù của Thiền tông. Cho nên, dạy xong Tuệ Trung thượng sĩ dặn “Không nói cho người không ra gì biết”. “Người không ra gì” là người mà giới và nhẫn vẫn cần để đối trị các tật xấu của thân tâm.

Lý Trung đạo

Nếu nói: “Ngã thường còn. Ngã đoạn diệt”, là lời ma nói.

Nếu nói: “Như Lai không nói ngã thường còn, không nói ngã đoạn diệt. Như Lai có khi nói có ngã, có khi nói không ngã. Đây gọi là Trung đạo”, là lời Phật nói.

Trung đạo là yếu lý được nói trong các bộ kinh Đại thừa. Vì nó là con đường giúp hành giả chứng nhập lại Phật tánh của mình. Hàng Nhị thừa, muốn được trạng thái vô ngã cũng phải phá bỏ phần nhị biên phân biệt thô, nhưng những cặp phân biệt tế như đạo và tục, Niết-bàn và sinh tử vẫn còn. Đó là do chư vị chưa nhận ra được tánh thể bình đẳng của vạn pháp để có thể thấy đạo hay tục, Niết-bàn hay sinh tử chỉ như hai mặt của một bàn tay.

Tánh của tất cả pháp vốn không, duyên khởi mà thành có tướng. Nhị biên phân biệt chính là phần duyên khởi của lý tánh không ấy. Y đó mà Như Lai lập pháp. Đối trị với tục mà nói đạo. Đối trị với sinh tử mà nói Niết-bàn. Đối trị ngã tướng của phàm phu mà nói vô ngã. Đối trị vô ngã của Nhị thừa mà nói có ngã. Nếu không có sinh tử thì Như Lai không nói Niết-bàn, không có ngã của phàm phu thì Như Lai không nói vô ngã của Nhị thừa, không có vô ngã của Nhị thừa thì Như Lai không nói ngã của Thượng thừa. Nghĩa là, do đối trị với tâm bệnh của chúng sinh mà Như Lai có pháp tương ưng. Pháp ấy tương ưng với từng trạng thái tâm thức của chúng sinh. Do đối trị nên pháp Như Lai nói là pháp tùy duyên, như tùy bệnh mà cho thuốc. Pháp tùy duyên nên tùy duyên mà lập, không mang tính cố định. Đó là lý do nói “Như Lai có khi nói ngã, có khi nói vô ngã…”. Cái có thể cố định là “không”, không có hình tướng, không thuộc về ngã hay vô ngã, Niết-bàn hay sinh tử v.v… nhưng không lìa các thứ đó. Những hình tướng đối nghịch của pháp chỉ là mặt duyên khởi của pháp, biểu hiện cho tánh thể “không” này.

Tánh thể “không” này không phải có, vì nó vô tướng, không phải là đối tượng sở biết của một cái năng biết. Không phải không, vì đủ duyên thì vạn pháp y đó hiện tướng thông qua luật nhân quả. Đây là chỗ khác nhau giữa cái “không” mà Phật giáo đã nói với cái không mà ngoại đạo thấy. Tánh thể “không” này chính là cái nhân Phật tánh có sẵn trong mỗi chúng sinh. Do mê mà chúng ta không nhận được nó.

Lý Trung đạo còn được thể hiện qua các đoạn kinh sau:

“Như Lai không nói phải luôn đứng co một chân mà dạy theo đúng Chánh pháp, tùy ý đi, đứng, nằm, ngồi”. Pháp Như Lai dạy không bị ràng buộc trong một hình tướng cố định nào. Nó mang tính tùy duyên mà bất biến. Cái bất biến ở đây là tinh thần mà Như Lai muốn nói. “Theo đúng Chánh pháp” là bất biến. “Đi, đứng, nằm, ngồi” là tướng tùy duyên.

“Như Lai chẳng bảo phải tuyệt thực hay uống độc dược, hoặc năm thứ nóng đốt thân, trói cột chân tay, giết hại chúng sinh, luyện bàng môn chú thuật, dùng ngà voi châu ngọc làm dép da”. Khi Như Lai dạy một việc mang tính khẳng định thì biết đó là do đối trị. Nói đối trị thì pháp chỉ có giá trị trong duyên. Đây là đối trị pháp tu sai lầm của ngoại đạo, đối trị tâm tham đắm của Phật tử.

“Như Lai nói tứ đại không có thọ mạng, cỏ cây không có thọ mạng…”. Vì lý thật của các pháp vốn vậy. Sắc thân hay sắc chất nếu lìa nghiệp thức thì không có thọ mạng.

Do đối trị bệnh của chúng sinh mà chúng ta thấy có khi Phật nói thế này, có khi Phật nói thế kia, nhưng tất cả không ra ngoài lý đạo, quan trọng là đúng duyên. Nếu chúng ta dùng pháp trái với lý đạo, lại không đúng duyên thì đó là ma nói, không phải Phật nói.

Như trong tất cả kinh điển, từ kinh điển Nguyên thủy cho đến kinh điển Đại thừa, đều nói đến địa ngục. Trong luận Đại trí độ tập I, tiền thân của Văn Thù Sư Lợi từng đọa địa ngục vô lượng kiếp, chỉ vì không hiểu được lý Trung đạo mà một đạo nhân đã nói nên hủy báng nó. Nghĩa là, với nghiệp thức của chúng sinh và cái nhìn của thánh nhân, địa ngục không phải không, khi nó đã có nhân và đủ duyên. Bát-nhã nói “không…”, Lăng-già nói “phi…”, không phải là bác không địa ngục, mà muốn nhấn mạnh đến mặt tánh thể của vạn pháp. Tánh không ấy thể hiện ra tướng duyên khởi như sau:

- Nếu gieo cái nhân địa ngục thì khi đủ duyên, địa ngục hiện tiền. Trong trường hợp này địa ngục là có.

- Nếu không gieo cái nhân địa ngục thì dù đủ duyên bao nhiêu, cũng không xuất hiện cảnh giới địa ngục. Trong trường hợp này, địa ngục là không.

Như vậy địa ngục có hay không là tùy người tạo tác. Nó là pháp nhân duyên, không mang tính cố định để có thể khẳng định địa ngục là có hay là không.

- Địa ngục, dù trong cái duyên là có thì bản chất nó vẫn không (không tánh). Nó là pháp lệ thuộc vào duyên tạo tác của chúng sinh, không phải là một cõi giới cố định không thể thay đổi. Nếu thành tâm sám hối và tu hành, có thể chuyển chủng nhân bất thiện thành chủng nhân thiện thì cảnh giới địa ngục tan hoại (với loại nghiệp bất định).

Nếu nói pháp cho đại chúng phổ trà, là những người còn đầy tham dục và sân giận mà khẳng định không có địa ngục, là rơi vào chấp không. Kinh Lăng-già tâm ấn nói: “Thà chấp có bằng núi Tu-di còn hơn chấp không bằng hạt cải”. Chấp không thì vừa không khế lý vừa không khế cơ. Đó là ma nói không phải là lời của Phật và Bồ-tát nói.

Không thân cận, cung kính, cúng dường cho Sa-môn không có đạo hạnh

Nếu nói: “Nếu có Tỳ-kheo phạm tội Du-lan-giá, thời không nên thân cận. Những gì gọi là tội Du-lan-giá? Có Tỳ-kheo thấy cọng chỉ trong xâu hoa, không hỏi xin mà lấy, là mắc tội Du-lan-giá. Nếu vì tâm tham mà phá hoại tháp Phật thời phạm tội Du-lan-giá. Phật tử vì muốn tu bổ cúng dường xá-lợi v.v…, mới mang châu báu tiền bạc gởi các Tỳ-kheo. Tỳ-kheo nhận rồi, bèn tự ý thọ dụng, đây là hạng bất tịnh, sinh nhiều đấu tranh. Cư sĩ tốt, không nên gần gũi cúng dường”, là lời Phật nói.

Nếu nói: “Nếu có Tỳ-kheo vì cầu lợi, rồi làm nhiều cách dua nịnh dối trá, tuy giữ đúng oai nghi, ở riêng nơi yên vắng nhưng chỉ với mục đích cầu lợi, khiến người đời tưởng mình là bực tốt nhất đã chứng quả thánh, là bậc phước điền lớn. Tỳ-kheo này nhiều ngu si. Nếu có Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni nào làm như vậy thì mắc tội đại vọng ngữ…”, là lời Phật nói.

Tăng bảo là bậc thay thế Phật Tổ truyền dạy pháp trừ bỏ tham-sân-si cho người đời, là bậc mô phạm của chúng sinh, vì thế mới gọi là Tăng bảo. Đó cũng là lý do để chúng sinh phải thân cận, tôn kính và cúng dường.

Gọi là Tăng bảo, thì không thể chỉ có danh mà không có chất. Nếu chỉ có danh mà không chất thì không phải là “bảo” mà là “dõm”. Vì thế không thể chỉ có danh mà đồng thời phải có chất, mới được gọi là Tăng bảo. Ở đây, Phật dạy phải thân cận, cung kính, cúng dường Tăng bảo. Không phải là Tăng bảo thì không nên thân cận, cúng dường. Không nói “không cung kính”, vì đối với tất cả chúng sinh, Phật tử nên học theo hạnh của Bồ-tát Thường Bất Khinh để giữ tâm mình.

Trong kinh Tâm địa quán báo tứ ân, Phật phân Tăng bảo thành ba hạng vị:

1) Bồ-tát Tăng, như Văn Thù Sư Lợi và Di Lặc…

2) Thanh văn Tăng, như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên…

3) Phàm phu Tăng, là những vị đã thành tựu biệt giải thoát giới, là chân thiện phàm phu, đầy đủ chánh kiến, hay vì người khác diễn thuyết, khai thị các pháp thánh đạo làm lợi lạc cho chúng hữu tình, gọi là phàm phu Tăng.

Ba hạng trên gọi là Chân thật phúc điền Tăng.

Cũng nói: “Lại có một hạng gọi là Phúc điền Tăng, là đối với xá-lợi Phật và hình tượng Phật cùng các pháp chế giới của Tăng thánh, sinh lòng kính tin sâu đậm, tự mình không có tà kiến, khiến người cũng được như vậy. Hay diễn nói Chánh pháp, tán thán Nhất thừa, tin sâu nhân quả, thường phát thiện nguyện, tùy chỗ phạm lỗi của mình mà sám trừ nghiệp chướng. Phải biết lực tin Tam bảo của người này hơn hẳn các ngoại đạo trăm ngàn vạn lần, cũng hơn bốn loại Chuyển Luân Thánh Vương, huống là các loại chúng sinh khác. Như hoa uất kim, dù héo úa vẫn đẹp hơn loài hoa dại. Tỳ-kheo chánh kiến cũng như vậy, vẫn hơn chúng sinh trăm ngàn vạn ức, dù hủy cấm giới cũng không hoại chánh kiến. Do nhân duyên này mà gọi là Phúc điền Tăng”.

Như vậy tiêu chuẩn thấp nhất mà Tăng bảo cần có để chúng sinh có thể y đó thân cận, cung kính, cúng dường là phải có giới luật, có chánh kiến, thường phát thiện nguyện, tin sâu nhân quả, nếu có lỗi thì phải phát lồ sám hối, không bẻ quẹo kinh luận theo chỗ hiểu biết cũng như phạm giới của mình. Ngoài ra thì không nên thân cận và cúng dường.

Kinh Đại bát Niết-bàn I, phẩm Tứ y cũng dạy rõ: “Này Ca Diếp! Trong chư Tăng, có chân thật Tăng, có giả danh Tăng, có trì giới Tăng, có phá giới Tăng. Trong Đại chúng ấy, phải bình đẳng cúng dường, cung kính, lễ bái. Vì với mắt thịt, hàng cư sĩ không thể phân biệt được vị nào trì giới, vị nào phá giới, ai là chân thật Tăng, ai là giả danh Tăng... Này Ca Diếp! Nếu đã biết rõ đó là Tỳ-kheo phá giới, thời chẳng nên cung kính cúng dường. Nếu trong chư Tăng có người phá giới, chẳng nên vì đắp ca-sa mà cung kính lễ bái”.

Phép tắc hàng Sa-môn

Nếu nói: “Trong Phật pháp, phép tắc của hàng Sa-môn là phải sinh lòng từ bi lợi ích chúng sinh, cho đến loài trùng kiến cũng phải ban sự vô úy. Xa lìa uống rượu cho đến ngửi mùi. Không được vọng ngữ cho đến trong giấc mộng cũng không nghĩ đến sự vọng ngữ. Không sinh lòng dục cho đến trong giấc mộng cũng không nghĩ đến lòng dục”, là lời Phật nói.

Đã nói là phép tắc của Sa-môn, nên nếu không có những phép tắc đó đi kèm thì không gọi là Sa-môn, là Tăng bảo của Phật. Phép tắc đó là gì?

- Phải có lòng từ với chúng sinh. Không nên vì việc ăn uống, ngủ nghỉ v.v… của bản thân mà giết hại chúng sinh dù chỉ là những con vật nhỏ như kiến v.v… Không theo phép tắc này thì không phải là Tăng bảo.

- Không uống bia, uống rượu, dùng các chất gây nghiện v.v… Vì các chất đó ngoài việc không lợi ích cho bản thân và chúng sinh, nó còn là tác nhân đưa đến quả xấu trong tương lai. Như uống rượu, sẽ bị quả báo là sinh vào nhà tà kiến, khiến bản thân không thoát được tà kiến. Tà kiến là đầu mối của mọi tệ hại ở thế gian này. Luận Đại trí độ tập I có kể câu chuyện nói về việc này.

- Không sinh lòng dục. Với loại dục thuộc ái thì không sinh lòng dục với người khác giới cũng như người cùng giới. Thành đã là Tăng bảo thì không thể có vợ con. Đang có vợ con thì lúc đó không thể gọi là Tăng bảo.

Đây nói “không sinh lòng dục”, nghĩa là không chạy theo những dục niệm đang dấy khởi trong lòng. Vì một khi đã có nhân duyên với chúng sinh trong quá khứ thì việc sinh khởi dục tâm khó tránh khỏi. Nhưng sinh khởi mà đình chỉ sự sinh khởi ấy khác với việc buông trôi theo nó. Đây nói “không sinh lòng dục” là đình chỉ dục tâm khi nó đủ duyên sinh khởi. Kinh nói: “Tỳ-kheo chiêm bao hành dâm dục có phạm giới chăng? Không phạm giới. Nếu chiêm bao hành dâm, lúc thức dậy phải hổ thẹn ăn năn, nếu móng lòng dâm dục phải kịp trừ bỏ”.

Cũng nói: “Tỳ-kheo đi khất thực, lúc nhận cúng dường, phải có ý tưởng như ăn thịt con đẻ trong thời kỳ đói kém”. Thì biết lòng dục nói đây còn chỉ cho ngũ dục. Là Tăng bảo thì sẽ làm chủ được các loại dục này. Chưa được thì sẽ được. Được rồi thì không sinh khởi.

- Không được vọng ngữ. Những gì nói quá sự thật, gọi là vọng ngữ. Loại vọng ngữ này có hai: Một là do lầm lẫn mà thành vọng ngữ. Hai là do chủ ý lừa gạt mà sinh vọng ngữ. Phạm vi phần này nói về loại thứ hai. Tuy vậy, việc nói quá sự thật này chỉ trở thành lỗi khi nó được thực hiện với mục đích danh lợi. Như kinh nói: “Có Tỳ-kheo vì cầu lợi, vì việc ăn uống… mà có những cách gian trá, khiến người đời tưởng ta là bậc khất sĩ. Tỳ-kheo này nhiều ngu si, tự biết mình chưa chứng bốn quả thánh nhưng luôn nghĩ cách để mọi người nghĩ ta đã chứng thánh. Tỳ-kheo này vì cầu lợi không vì cầu pháp mà nghĩ tưởng phải đi đứng đoan nghiêm, chấp trì y bát, giữ đúng oai nghi, ở riêng nơi yên vắng như La-hán, khiến người đời lầm lẫn…”. Chỉ vì lợi lộc của bản thân mà vọng ngữ nên thành lỗi mà Như Lai nói “Không được vọng ngữ”. Nếu việc vọng ngữ này nhằm mục đích “hướng chúng sinh vào đạo, có thể khiến các Tỳ-kheo và cư sĩ phá giới trở thành người giữ giới, Chánh pháp được kiến lập, pháp vô thượng của Như Lai thành rạng rỡ, khai hiển Phương đẳng Đại thừa, độ thoát vô lượng chúng sinh, khéo hiểu nghĩa khinh trọng trong kinh luật mà Như Lai đã nói v.v…” thì Như Lai không cấm và gọi đó là Bồ-tát. Tuy vậy, những vị được gọi là Bồ-tát đây ắt không cần, cũng không thích dối trá hay vọng ngữ. Mình thế nào hiện y thế ấy. Chỉ là tùy chúng sinh nghĩ tưởng mà thôi.

Một dạng vọng ngữ nữa là, dù đọc tụng giải thuyết Đại thừa, cũng nói tin nhận Đại thừa, nói tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, nói phá kiết sử liền đặng thấy Vô thượng Chánh đẳng chánh giác, nhưng tâm lại chẳng tin những lời mình nói. Chỉ vì lợi dưỡng mà nói theo văn kinh. Hạng này Phật gọi là người ác. Hạng ác này Phật nói “không thọ quả báo liền, như sữa thành lạc”.

Việc không thọ quả báo liền này, kinh Đại-bát Niết-bàn, phẩm Sư tử hống nói có hai hạng:

1- Hạng có nghiệp bất định làm thành quả báo quyết định, quả báo hiện đời làm thành quả báo đời kế, quả báo nhẹ làm thành quả báo nặng, đáng nhẽ thọ báo trong loài người lại thọ báo trong địa ngục.

2- Hạng người với định nghiệp làm thành bất định nghiệp, đáng nhẽ thọ báo ở đời kế thì thọ báo ở đời hiện tại, báo nặng làm thành báo nhẹ, đáng thọ báo địa ngục lại thọ báo nhẹ trong loài người.

Hai hạng đó, hạng thứ nhất chỉ cho người ngu, hạng thứ hai chỉ cho kẻ trí. Kẻ trí biến nghiệp nặng thành nghiệp nhẹ. Người ngu biến nghiệp nhẹ thành nghiệp nặng. Một trong những thứ làm thành nặng và nhẹ đó là người trí sẽ nhận được quả báo tức thì, còn người ngu thì dời quả báo sang các đời sau. Do cái “tức thì” đó mà nhận ra mặt nhân quả ở thế gian rõ ràng, thêm tin sâu nhân quả, rút kinh nghiệm tránh được các lầm lẫn. Vì thế, với hạng người ác, Phật nói “không thọ quả báo liền, như sữa thành lạc”, là phải chờ đủ duyên của nó vào những kiếp sau mới thọ ác quả.

Một hạng người ác không bị thọ quả báo tức thì nữa là chư vị Tỳ-kheo Nhất-xiển-đề.

Nhất-xiển-đề có hai loại. Một là kẻ không tin. Không tin Phật pháp, không tin mình có Phật tánh, đoạn tuyệt hết mọi thiện căn. Hai là Bồ-tát đại bi đã viên mãn, nhưng chưa chịu thành Phật, vì còn muốn trải dài sinh tử độ sinh1. Nhất-xiển-đề nói đây thuộc loại thứ nhất. Không tin mình có Phật tánh, phỉ báng kinh điển Đại thừa, đoạn tuyệt dòng giống Phật. Kinh nói: “Có kẻ Nhất-xiển-đề làm dạng A-la-hán, chê bai kinh điển Đại thừa. Người phàm phu thấy đó đều cho thật là A-la-hán, là Đại Bồ-tát. Bọn ác Tỳ-kheo Nhất-xiển-đề này ở nơi A-lan-nhã phá hoại pháp A-lan-nhã, thấy người khác được lợi, sinh lòng ganh ghét, cho kinh điển Đại thừa là lời của Thiên ma Ba Tuần, chẳng phải là lời lành, lời thuận. Họ nói Như Lai là pháp vô thường. Họ hủy diệt Chánh pháp, phá hoại chúng Tăng. Hạng này làm ác nhưng không thọ quả báo liền, như sữa thành lạc”.

Trên ghi lại những lời Phật thuyết trong kinh Đại bát Niết-bàn, để phân biệt lời Phật nói, lời ma nói. Việc đó cho thấy vào thời mạt pháp, trong Tăng đoàn không phải chỉ thuần là Tăng bảo. Đối với người đã có phước báu từ kiếp trước, hoặc đã sẵn có chút trí tuệ thì không khó để phân biệt thế nào là Tăng bảo và Pháp bảo. Cái khó là đối với người phước thiếu, trí không. Tuy vậy, chúng ta vẫn có thể tránh được đại nạn này, là nương vào lời nguyện.

Lời nguyện có thể giúp tránh được ma pháp

Trong kinh Tăng nhất A-hàm, phẩm Thiên tử Mã Huyết hỏi về bát chánh, kinh số 2, sau khi dạy về việc thọ Bát quan trai, Phật có dạy đại chúng phát nguyện, cũng nói về tầm quan trọng của phát nguyện. Nguyện ấy như vầy: “Nay con do pháp Bát quan trai này, không rơi vào ba đường dữ, không rơi vào bát nạn, không ở biên địa, không rơi vào chỗ hung ác, không theo ác tri thức, thờ phụng cha mẹ, không tu tập tà kiến, sinh vào trung tâm quốc gia nghe pháp lành này. Phân biệt suy nghĩ thành tựu từng pháp. Đem công đức giữ gìn trai pháp này nhiếp thủ điều lành cho tất cả chúng sinh. Đem công đức này bố thí cho người, khiến cho tất cả cùng thành tựu đạo quả Bồ-đề vô thượng. Cũng đem phước báu thệ nguyện này bố thí cho hàng Tam thừa, khiến không thối chuyển nửa chừng”. Câu “không theo ác tri thức” sẽ giúp mình gặp được Tăng bảo. Nếu có gặp ác tri thức, qua đến mình cũng thành Pháp bảo. Vì thế làm bất cứ thiện nghiệp nào cũng nên phát lời nguyện gặp được minh sư, Chánh pháp, chỉ thân cận các bậc thiện tri thức để tránh các nạn trong thời mạt pháp.

Chân Hiền Tâm

_________________

(1) Khi thì bảo “phải giữ giới và tu nhẫn nhục” (kinh luận), lúc lại bảo “giữ giới cùng nhẫn nhục, chiêu tội chẳng chiêu phước”. (Lời của Tuệ Trung thượng sĩ dạy Trần Nhân Tông).

(2) Kinh Pháp hoa.

(3) Sử 33 vị Tổ Ấn Hoa - Phẩm Ưu-ba-cúc-đa. “Sau khi qui y Tam bảo xong, Tổ bảo ma: “Xưa ngươi từng thấy Như Lai. Giờ hiện thử ta xem”. Ma nói: “Hiện việc xưa không khó. Chỉ xin Tôn giả trong thấy đừng lễ”. Ma liền vào rừng ẩn mất. Chốc, lại thấy Phật từ mé rừng đi ra, oai nghi nghiêm chỉnh, theo sau là 1.250 vị Tỳ-kheo. Ngài trông thấy bất giác cúi mình đảnh lễ. Ma hoảng kinh biến mất”.

(4) Tất cả những trích dẫn sau, nếu không có phần ghi chú xuất xứ, đều được trích từ kinh Đại-bát Niết-bàn tập I - phẩm Tài chánh.

(5) Lăng-già tâm ấn - Thiền sư Hàm Thị trực giải, HT.Thanh Từ dịch và chú.

(6) Lăng-già tâm ấn - Hàm Thị trực giải, HT.Thanh Từ dịch và chú.

(7) Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục. HT.Thanh Từ.

(1) Tự điển Phật học Hán Việt, chủ biên Kim Cương Tử, Nhà xuất bản Khoa Học

Hãy tập tha thứ!

Hãy tập tha thứ!

Đăng lúc: 20:29 - 04/12/2016

Một cao tăng được mời đi dự tiệc, giữa bàn tiệc bày đầy những món ăn chay trang trí vô cùng đẹp mắt, bỗng ông phát hiện trong một đĩa có miếng thịt heo, một đệ tử đi theo cao tăng cố ý dùng cái đũa bới miếng thịt lên, ý định để cho gia chủ trông thấy, nhưng thật không ngờ vị cao tăng lại dùng đũa của mình đẩy miếng thịt che khuất đi
Một lát sau, người đệ tử kia lại bới miếng thịt heo lên, thế là cao tăng lại phải thêm một lần nữa che miếng thịt heo đi, đồng thời còn nói khẽ vào tai đệ tử :
- Con mà còn lật nó lên, ta sẽ ăn luôn!
Người đệ tử nghe thầy nói thế thì không dám bới miếng thịt heo lên nữa
Tiệc xong, thầy trò cao tăng từ biệt gia chủ ra về, đệ tử băn khoăn hỏi thầy :
- Thưa thầy, vừa rồi rõ ràng đầu bếp biết chúng ta không ăn mặn , lại vô ý để lẫn miếng thịt heo vào trong đồ ăn chay của chúng ta ? Đệ tử chẳng qua muốn gia chủ biết mà trừng phạt ông ta
Cao tăng từ tốn nói :
- Trên đời ai cũng phạm sai lầm, dù vô tâm hay hữu ý . Nếu để người chủ thấy miếng thịt heo trong món ăn chay , ông ấy sẽ nổi giận mà trừng phạt người đầu bếp, thậm chí còn cho người đó nghỉ việc, đây không phải là điều mà chúng ta muốn thấy. Đoạt lý đương nhiên là quan trọng, nhưng tuyệt đối tránh chỉ biết lý mà bỏ quên người phải nhận ra chỗ nào nên bỏ qua thì cho qua
Hoàn cảnh sống và quan niệm sống của mỗi con người thường không giống nhau, vì thế sự khác biệt trong cuộc sống là khó tránh khỏi. Đa số người rơi vào vòng xoáy của tranh đấu thường hay đoạt lý mà quên người , như thế nếu có thắng cũng không khiến người ta phục, trong vòng xoáy của tranh đấu hơn thua rất nhiều khi đối phương sẽ tìm cách đánh lén sau lưng
Con hãy xem chỗ nào bỏ qua được thì bỏ qua, không nên chỉ biết ép người một cách quái gở, phải biết cho người ta một lối thoát, vấn đề ở đây không chỉ là cho người ta con đường sống, quan trọng hơn là cho chính mình một đường lùi, đây cũng là con đường sáng để xã hội hài hòa.

Thế nào là tự nhiên

Thế nào là tự nhiên

Đăng lúc: 22:23 - 09/10/2016

Có lẽ chúng ta nghĩ rằng, cuộc sống bình thường và cách hành xử hằng ngày của mình là tự nhiên, còn tu học hay thiền tập là “mất tự nhiên” và ta sẽ không còn thích hợp với cuộc sống này nữa.


Thế nào là tự nhiên
Trong những buổi chia sẻ về thiền tập, tôi thấy người ta thường đặt câu hỏi là khi ta bước chân vào con đường tu học, khi ta bắt đầu tập thiền, chúng có làm cho cuộc sống của mình trở nên mất tự nhiên chăng? Có làm cho ta mất đi sự nhanh nhẹn không? Ta có còn biết xử lý những vấn đề trong cuộc sống cho được hiệu quả không? Hay nói cách khác, cuộc sống của ta có còn được “tự nhiên” như xưa chăng?

Thế nào là sự tự nhiên
Nhưng thế nào mới là tự nhiên? Ngài Ajahn Chah có một chia sẻ khá thú vị về vấn đề này.
“Một cái cây mọc trong rừng là tự nhiên. Nhưng khi ta đốn xuống đem về xây nhà, ta còn gọi cây đó là ‘tự nhiên’ không? Và khi ta dùng gổ ấy để xây nhà cho người ta ở, thì nó lại có nhiều giá trị cho chúng ta hơn. Như một con chó chạy đây đó tìm kiếm thức ăn, khi ta thảy cho nó một món gì, chúng nhào lại dành giựt với nhau. Điều đó ta cho là tự nhiên phải không! Nhưng ta có muốn tự nhiên như thế không?
Sự tự nhiên thật sự chỉ có thể hiểu được với một cái thấy sâu sắc. Sự tự nhiên này nằm ngoài những thói quen, điều kiện, và sự sợ hãi của ta. Nếu ta cứ buông thả, để cho mình sống theo sự ‘tự nhiên’ của ý muốn, sở thích của mình, mà trong đó tiềm tàng những tham đắm, si mê, ta sẽ bị đau khổ theo sự vận hành của luật nhân quả. Thiền tập, giúp cho sự hiểu biết và tình thương của ta phát triển, và nhờ vậy mà ta có thể thấy rõ được hình tướng chân thật của mọi vật, theo lẽ tự nhiên.”
*** Chỉ làm công việc của mình
Nhưng để cho sự vật được tự nhiên cũng không có nghĩa là ta buông xuôi và không làm gì hết, mà là hành động với một tuệ giác. Ngài Ajahn Chah nói,
“Bạn có để ý rằng mỗi sự vật tự nó có một lối phát triển riêng không. Khi ta đã cố hết sức mình rồi thì ta hãy để cho luật tự nhiên, nhân quả vận hành theo luật của nó. Ta bao giờ cũng phải cố gắng, tùy theo sức của mình, nhưng tuệ giác hay niềm vui đến với ta mau hay chậm, điều đó hoàn toàn không tùy thuộc vào mình.
Cũng như khi bạn trồng một cây, ta không thể nào bắt buộc cây mọc mau hay chậm được. Cây có nhịp độ phát triển riêng của nó. Bổn phận riêng của bạn là đào đất, tưới nước, bón phân, chăm sóc nó. Và bạn cũng chỉ có thể làm được bấy nhiêu thôi. Còn sự phát triển là tùy thuộc vào cây. Nhưng nếu bạn cứ làm như thế, bạn đừng lo, cây bạn trồng sẽ xanh tươi, sẽ phát triển.
Nhưng bạn phải biết phân biệt giữa công việc của mình làm và công việc của cây. Công chuyện của cây hãy để yên cho nó, còn bạn hãy quan tâm đến bổn phận của chính mình. Nếu bạn không thấy rõ được điều ấy, bạn sẽ đi bắt cây phải mọc nhanh lên, rồi đâm hoa, nở nhụy, kết trái theo ý muốn của bạn. Đó là một cái nhìn, quan niệm sai lầm, dẫn ta qua biết bao nhiêu phiền não, khổ đau. Làm gì cũng vậy, nhất là trên đường tu tập, hãy thực hành cho đúng với sự thật, phần còn lại để cho sự vận hành của pháp, luật nhân quả phân xử.
Hiểu được như vậy, cho dù con đường của bạn đi có dài bao nhiêu, dầu ở bất cứ nơi đâu, bạn lúc nào cũng sẽ được an vui.”
Tôi nghĩ ta có thể mang lời khuyên ấy vào ngay trong cuộc sống của mình. Một bài học kham nhẫn trước những phiền não và khó khăn trong cuộc đời, “hãy thực hành cho đúng với sự thật, phần còn lại để cho sự vận hành của pháp.” Và với sự kham nhẫn bằng tuệ giác ấy thì dầu bất cứ trong hoàn cảnh nào, ta cũng sẽ có an vui…

Nguyễn Duy Nhiên

Bát nước của Ngài Anan

Bát nước của Ngài Anan

Đăng lúc: 20:38 - 20/09/2016

Tôi chưa bao giờ nghe nói đẳng cấp có thể tạo ra khác biệt giữa người này với người kia. Tôi không chấp nhận ý nghĩ ấy. Tất cả mọi người mà tôi thấy đều có hai tay, hai chân, hai mắt, một miệng, một khuôn mặt, một mũi. Mặt trời đâu có mọc ở phương Tây đối với người cấp dưới? Các người này có bao giờ cảm nhận hạnh phúc hay khổ đau khác ai đâu? Khi ăn, bụng họ cũng đầy. Họ khác chỗ nào?
Ananda là đại đệ tử của Phật. Là em chú bác của Phật, ngài từ bỏ đời sống vương giả, xuất gia theo Phật, hầu cận bên cạnh Phật suốt đời. Ananda là đệ tử thông minh nhất, đa văn nhất của Phật.

Tên ngài thơm trong kinh. Chuyện về ngài làm đẹp sử Phật. Ngài lại là người có dung mạo đẹp đẽ không ai bằng. Vì vậy mà có chuyện sau đây.


Một ngày kia, tôn giả Ananda trở về tịnh xá sau khi đi khất thực. Ăn xong, ngài cầm bát đi tìm nước uống. Bên đường, một cô thiếu nữ đang thả gàu trong giếng. Ngài bước đến gần, tay bưng bát không.

Prakirti (cô thiếu nữ): Thưa tôn giả, ngài cần gì ạ?

Ananda: Tôi xin cô bát nước.

Prakirti: Con là dân hạ tiện.

Ananda: Tôi chỉ cần nước uống thôi.

Prakirti: Con là dân hạ tiện. Không ai uống nước của con.

Ananda: Tôi chỉ xin nước uống cho hết khát thôi. Nước làm cho bất cứ ai đều hết khát cả, đâu có phân biệt đẳng cấp.

Prakirti: Con là con gái hạ tiện. Nước giếng thì trong, nhưng đối với người ở đẳng cấp trên, nước của con không sạch. Chẳng có ai ngoài đẳng cấp của con uống nước giếng này cả.

Ananda: Tôi có hề hỏi cô thuộc đẳng cấp nào đâu? Tôi chỉ xin nước uống.

Prakirti: Chẳng lẽ ngài không biết sao? Trong xứ này có hai đẳng cấp, cấp trên và cấp dưới. Con là người cấp dưới.

Ananda: Tôi đâu cần biết đẳng cấp của cô. Tôi chỉ cần nước uống.

Prakirti: Làm sao con dâng nước cho ngài được? Con là con gái hạ tiện. Những người ở trong lâu đài đàng kia kìa, những người ấy là thuộc cấp trên. Còn những người như con, chúng con không có được cả quyền nhìn họ. Họ không dẫm chân lên bóng của chúng con. Khi chúng con đến gần, họ tránh. Nếu họ thấy chúng con, họ phải rửa mặt với nước hương hoa, vừa rửa vừa nói: “Ta vừa thấy dân hạ tiện”. Vậy thì làm sao con dâng nước cho ngài được? Làm sao con đến gần ngài để dâng nước? Nếu bóng con trải trên người ngài, ngài cũng sẽ trở thành dân hạ tiện.

Ananda: Tôi không quan tâm gì đến đẳng cấp. Tôi chỉ biết rằng cô cũng là người như tôi. Tôi chưa bao giờ nghe nói đẳng cấp có thể tạo ra khác biệt giữa người này với người kia. Tôi không chấp nhận ý nghĩ ấy. Tất cả mọi người mà tôi thấy đều có hai tay, hai chân, hai mắt, một miệng, một khuôn mặt, một mũi. Mặt trời đâu có mọc ở phương Tây đối với người cấp dưới? Các người này có bao giờ cảm nhận hạnh phúc hay khổ đau khác ai đâu? Khi ăn, bụng họ cũng đầy. Họ khác chỗ nào?

Prakirti: Bề ngoài không có gì khác lắm. Nhưng những người ở cấp trên nhờ được xứng đáng mà sinh vào cấp trên. Chúng con thì phạm tội: vì vậy chúng con sinh vào cấp dưới. Họ sinh ra từ miệng Brahma. Còn chúng con sinh ra từ bàn chân Brahma. Chúng con không có quyền học kinh Vệ Đà. Bởi vậy chúng con thấp kém mọi bề. Chúng con là dân hạ tiện.

Ananda: Thầy của tôi không dạy như thế. Cô nghe tôi đọc câu này : “No jaccà vasalo hoti – Na jaccà hoti bràhmano. Kammanà vasalo hoti – Kammanà hoti Bràhmano” (Không ai sinh ra đã thành hạ tiện. Không ai sinh ra đã thành Bà la môn).

Sợ hãi và thẹn thùng, cô thiếu nữ ngó quanh. Tay run run, cô cúi xuống đưa gàu nước kề miệng bát rót bát nước đầy. Tôn giả Ananda cám ơn cô rồi mang bát nước đi. Cô thiếu nữ nhìn theo cho đến khi Ananda khuất dạng đàng xa.

Nhìn theo bóng tôn giả, cô gái như còn nghe văng vẳng bên tai: “Xin cô bát nước”, “Xin cô bát nước”, “Xin cô bát nước”. Lời nói ngọt ngào làm sao! Lời nói dịu dàng làm sao! Người đâu mà đẹp thế! Chẳng lẽ không có giếng nước nào khác ở trong vùng này? Chẳng lẽ chỉ có nước ở giếng này thôi? Tại sao người ấy lại đến ngay mình xin nước? Chẳng lẽ mình là người con gái duy nhất trong vùng này? Mà có thật người ấy chỉ xin nước thôi, không cần quan tâm rằng mình là con gái hạ tiện? Người ấy phải biết chứ! Trẻ con cũng biết mình là dân hạ tiện, nhìn áo quần mình bận là biết ngay. Người đẹp đẽ kia là ai vậy? Từ đâu đến? Cám ơn trời đưa người ấy đến lại giếng này. Nhờ người, tôi học được rằng tôi là người, là người thiếu nữ.

Từ trước đến nay, tôi cứ nghĩ tôi là thú vật, là thiếu nữ - thú vật. Ôi, gương mặt quyến rũ! Ôi, đôi mắt tràn ngập nhân từ! Ôi, dáng người thanh nhã, trẻ trung, sáng chói! Làm sao gặp lại người lần nữa bây giờ? Làm sao nghe lại giọng nói ngọt ngào lần nữa? Sống làm gì nếu không thấy lại người? Ôi, giá như ngày nào cũng được dâng nước cho người! Ngày nào cũng được nói với người vài lời! Nếu người lại đến, nhất quyết tôi không để cho người đi. Tôi sẽ mang người về nhà và giữ người lại. Nếu tôi được ngắm người, tôi không cần ăn uống. “Xin cô bát nước”, “Xin cô bát nước”, ôi, lời nói khắc sâu vào tận đáy lòng.

Mẹ cô thiếu nữ hạ tiện: Prakirti ! Prakirti ! Mẹ gọi con nãy giờ sao không thấy? Con gái tôi đi đâu rồi? Có chuyện gì xảy đến với con vậy? Bộ con mọc rễ bên bờ giếng rồi hay sao vậy? Lần nào đi lấy nước cũng thế! Cứ trò chuyện sa đà với bạn bè thôi! Prakirti! Prakirti!

Prakirti: Mẹ ơi, con đây!

Người mẹ: Con ở đâu?

Prakirti: Con đây! Bên giếng!

Người mẹ: Đã trưa rồi. Đất đã nóng phỏng chân. Con gái nhà người ta đi múc nước đã về cả rồi, con còn la cà ở đấy một mình làm gì vậy?

Prakirti: Mẹ ơi, giọng nói ngọt ngào quá, mẹ ơi. “Xin cô bát nước!”

Người mẹ: Xin cô bát nước? Ai xin con nước?

Prakirti: Một người đàn ông trẻ đẹp vô ngần! Đầu cạo, mình khoác áo vàng, tay bưng bát nước. Một chàng thanh niên dáng dấp thư thái.

Người mẹ: Cạo đầu? Làm sao một người đàn ông trẻ cạo đầu mà đẹp được? Bộ con không biết họ cạo đầu để đuổi cái đẹp đi ?

Prakirti: Con không biết. Nhưng người đàn ông ấy đẹp vô ngần. Toàn thân người ấy sáng rực ánh vàng. Cặp mắt dịu dàng. Phong thái bình dị. Người ấy là hiện thân của nhân từ và bình dị.

Người mẹ: Người ấy có cùng đẳng cấp với mình không?

Prakirti: Có. Người ấy nói cùng với con một đẳng cấp.

Người mẹ: Đẳng cấp gì?

Prakirti: Đẳng cấp người.

Người mẹ: Chắc con giấu đẳng cấp của con khi nói chuyện chứ gì? Bao nhiêu người hạ tiện ở vùng này không muốn lộ đẳng cấp của mình. Thái độ ấy thật là nhục nhã. Nếu ai cũng hãnh diện về đẳng cấp của mình, làm gì còn đẳng cấp thấp nữa! Con không nói cho người ấy biết con là con gái hạ tiện, phải không?

Prakirti: Con nói con là hạ tiện. Nhưng người ấy không chịu nhận như vậy. Người ấy chỉ nhắc đi nhắc lại xin nước uống thôi. Người ấy nói: một người trở thành Bà la môn hay hạ tiện không phải do sinh ra mà do hành động.

Người mẹ: Người ấy nói gì nữa ?

Prakirti: Người ấy nói: đừng làm trái lại tự do mà ta vốn có như là người. Chối bỏ bản chất người của mình bằng cách nghĩ rằng mình có một bản chất riêng, bản chất riêng ấy là thấp, đáng khinh miệt và không thay đổi được, là tai hại còn hơn là giết bản chất thật của mình. Thiếu tự trọng là một hành động thấp hèn hơn cả hủy diệt bản chất. Người ấy nói như vậy. Mọi người sinh ra trên trái đất này đều là những con người tự do.

Người ấy nói: sau khi sinh ra như vậy, tự do bị thu hẹp lại vì những chướng ngại như chủng tộc, đẳng cấp, tôn giáo, ngôn ngữ, phong tục, cha mẹ, thầy giáo, giáo sĩ, tục lệ. Trong đầu con, con cứ nghĩ về con như là một người thấp hèn bị ràng buộc bởi tập tục xã hội. Con cứ nghĩ về con như là con chó hoang sục sạo tìm thức ăn thừa ngoài đường. Người ấy mang đến cho con ánh sáng. Con tưởng như sống một đời mới. Chỉ đến ngày hôm nay con mới học được rằng con là thành viên mới của xã hội loài người. Người ấy là ánh sáng. Người ấy là ánh sáng của con.”Xin cô bát nước!”, “Xin cô bát nước!”. Lời nói ngọt ngào làm sao!

Người mẹ: Người ấy không biết gì về đẳng cấp hạ tiện, nhưng con ơi, mẹ biết. Người ta sinh ra thế này hay thế kia là do nghiệp.

Prakirti: Vậy những người ở đẳng cấp cao đã làm gì mà được sinh ra như vậy?

Người mẹ: Họ cũng vậy, đó là kết quả của nghiệp.

Prakirti: Dù thế nào chăng nữa, người ấy nói với con rằng người ta không trở thành cấp cao hay cấp thấp vì sinh ra như thế. Người ấy nói: dù là vua, dù là Bà la môn, dù là tăng sĩ, nếu sát sinh, nếu trộm cắp, nếu tà dâm, nếu nói điều ác độc, nếu rượu chè say sưa thì đều là dân hạ tiện.

Người mẹ: Đó là điều mẹ vừa nói với con: đó là kết quả của nghiệp.

Prakirti: Mẹ ơi, không phải bất cứ điều gì cũng xảy ra vì nghiệp. Mình là dân hạ tiện không phải vì nghiệp mà là vì xã hội. Con không muốn chấp nhận những chuyện vô nghĩa lý ấy. Người đàn ông trẻ xin con nước tên gì vậy? Đó là điều con muốn biết. Người ấy làm gì? Con chỉ muốn biết chuyện ấy thôi.

Người mẹ: Mẹ đã hỏi rồi. Người ấy tên là Ananda. Người ấy là đệ tử của Phật. Người ấy thuộc dòng dõi Thích Ca.

Prakirti: Người ấy làm gì?

Người mẹ: Người ấy là một vị tăng đã từ bỏ đời sống trần tục.

Prakirti: Mẹ ơi, người ấy tốt vô cùng. Con chẳng cần biết người ấy là ai. Con chỉ muốn được nhìn người ấy mãi hoài. Con không thể sống không có người ấy. Con cần có Ananda. Nếu con không có được người ấy, con sẽ nhịn đói đến chết. Mẹ ơi, mẹ làm phù phép đi, mẹ dùng hết phù phép mà mẹ biết để mang Ananda đến lại với con. Nếu không, mẹ sẽ không bao giờ thấy lại con gái độc nhất của mẹ. Con sẽ nhịn đói cho đến khi mẹ mang Ananda đến cho con.

Người mẹ: Vua Kosala của chúng ta là người rất mộ Phật. Vua đến hầu Phật mỗi ngày. Nếu vua biết con yêu Ananda, vua sẽ đốt nhà con. Vua sẽ cấm dân hạ tiện chúng ta sống trong xứ này. Con làm hại mọi người trong đẳng cấp chúng ta.

Prakirti: Nếu vậy thì mẹ đọc thần chú đi. Mẹ đọc thần chú thì Ananda đến liền. Con mà không có Ananda thì con không thể sống được.

Người mẹ: Phật là người không còn dục vọng. Mà Ananda thì biết thần chú của Phật. Phật chú diệt hết mọi thần chú. Thôi được, mẹ thương con, mẹ đọc thần chú cho con.

Người mẹ đốt phân bò khô, cỏ khô, thêm củi vào cho lửa rực cháy. Bà ném hoa vào lửa, từng cánh, từng cánh, miệng đọc thần chú : “Amale, vimale, kunkume sumane, yena baddhasi vidyut icchaya devo varsati, vidyotati garjati, vismayan, Maharajasya, samabhi vardhayitum, devebhyo manushyebhyo gandharvebhyah shikigraha deva, visikhigraha grahadeva, Anandasyagamanaya, Samgamanaya, kramanaya, grahanaya juho svaha.”

Trong khi người mẹ hạ tiện đọc thần chú như vậy, tôn giả Ananda trong tịnh xá cảm thấy đầu óc bị rối loạn. Ngài rời tịnh xá và đi thẳng đến nhà mẹ con cô thiếu nữ hạ tiện. Thấy tôn giả từ xa đi đến, người mẹ bảo con gái sửa soạn giường gối. Ananda bước vào nhà, đứng lại, lặng yên. Ngài để ý thấy cô thiếu nữ Prakirti trang điểm đỏm đáng và hiểu thâm ý của người mẹ. Tôn giả biết mình đang gặp nạn. Ngài bèn nghĩ đến đức Phật, và bằng ý nghĩ, ngài cầu Phật hộ trì. Bằng tuệ nhãn, Đức Phật thấy Ananda đang gặp nạn, bèn đọc một câu chú : “Sthi racyutith sunitih svastih sarva pranibhyah sarah prasannam nirdosham prashantam sarvatobhayam itayo yatra shamyanti sarva siddhasca yoninani etena satya vakyena svastyanandaya bhiksave.”

Thần chú của người mẹ tan biến. Tôn giả Ananda lấy lại được sáng suốt và trở về lại tịnh xá. Cô thiếu nữ Prakirti bảo mẹ làm cho Ananda quay lại, nhưng người mẹ trả lời rằng Phật chú dẹp tan mọi thần chú trên đời này. Bà nói với con gái: chắc Ananda đã đọc chú của Phật.

Tôn giả Ananda thoát được phù phép của người mẹ, trở về tịnh xá, đảnh lễ Phật và cung kính đứng hầu bên cạnh. Phật nói với tôn giả: “Này, Ananda, con phải nghe và nhớ kinh Sadaksara Vidyà này. Đây là bài kinh sẽ hộ trì cho tăng, ni, thiện nam, tín nữ. Này Ananda, con phải nhớ, phải suy ngẫm. Đức Phật đọc: “Andare pandare karande keyurerci haste svara grive Bandhumati, viramati, dhara vidha cilimile, vilodaya, visani loke visa cala golamati gandavile cili mile satimimena yatha samvibhaketa golamati ganda vilayai svaha.”

“Ananda, người nào đọc kinh này, người ấy sẽ được tự do nếu bị hành hạ. Người ấy sẽ được giải phóng khỏi trừng phạt nếu có ai ra lệnh trừng phạt. Nếu người ấy khiếp sợ, người ấy sẽ được giải phóng khỏi khiếp sợ. Này Ananda, người nào được kinh này che chở sẽ không bao giờ bị một hành động gì vùi dập ngoài kết quả của nghiệp kiếp trước”.

Tôn giả Ananda thoát khỏi phù phép của mẹ cô gái. Nhưng Prakirti, cô thiếu nữ hạ tiện, vẫn cứ yêu thầm ngài. Một ngày kia, tôn giả đi khất thực, Prakirti đi theo. Ananda không đi khất thực nữa, quay về lại tịnh xá, bạch Phật. Cô thiếu nữ theo gót tôn giả đến tịnh xá, đứng tần ngần trước cổng. Đức Phật cho gọi cô vào.

Đức Phật: Có thật là con cứ theo đuổi Ananda?

Prakirti: Bạch Thế Tôn, dạ đúng, con có theo đuổi.

Đức Phật: Tại sao ?

Prakirti: Bạch Thế Tôn, để Ananda làm chồng của con.

Đức Phật: Song thân của con có bằng lòng như vậy không?

Prakirti: Dạ thưa, cha mẹ con chấp thuận.

Đức Phật: Vậy con mời song thân của con đến đây.

Prakirti đi về nhà, nói với cha mẹ rằng đức Phật muốn gặp hai người. Rồi cô đi cùng cha mẹ đến tịnh xá.

Đức Phật: Con gái của hai vị nói muốn có Ananda làm chồng. Hai vị có đồng ý không?

Cha mẹ cô thiếu nữ hạ tiện: Bạch Thế Tôn, chúng con đồng ý. Con gái chúng con nói rằng nó không sống được nếu không có tôn giả Ananda. Nó nói nó sẽ tự tử nếu không có được tôn giả.

Đức Phật: Được rồi. Hai vị có thể đi về nhà, để Prakirti ở lại đây.

Cha mẹ cô thiếu nữ đảnh lễ Phật rồi lui ra.

Đức Phật: Trong thành Savatthi này con muốn bao nhiêu thanh niên cũng có. Tại sao con chỉ thương yêu Ananda?

Prakirti: Con thích chàng. Con yêu chàng. Lòng con sáng lên vì chàng. Con học được cách suy nghĩ tự do nhờ chàng. Nhờ chàng mà con hiểu rằng con là một người, thành viên của nhân loại. Chính chàng đã làm cho con biết con cũng có mọi ưu tiên, mọi quyền, mọi tự do mà bất cứ người nào cũng phải có. Trong lúc con bị xã hội ruồng rẫy, gạt bỏ xuống tận cùng hố rác, hành hạ với đòn roi của đẳng cấp, y như một con chó hoang, chàng là người duy nhất dạy cho con rằng con cũng là thành viên của chủng tộc loài người. Bởi vậy, chàng là ánh sáng của con. Chàng là cuộc đời mới của con. Con không thể sống được nếu không có chàng. Chỉ thấy chàng là mắt con gặp ân huệ. Giọng chàng ấm bên tai con. Chàng nhìn con dịu dàng, lời nói nhân từ của chàng khắc sâu vào tim con. Con phải có chàng.

Đức Phật: Được rồi. Ta sẽ cho con Ananda. Nhưng con phải làm theo lời Ta nói.

Prakirti: Con làm bất cứ điều gì cũng được, nếu Thế Tôn cho con Ananda.

Đức Phật: Nếu con muốn Ananda, con cũng phải mặc áo như Ananda mặc. Ananda cạo đầu, con cũng phải cạo đầu. Ananda đắp y vàng, con cũng phải đắp y vàng. Nếu con làm những việc đó, con có thể có Ananda.

Prakirti: Bạch Thế Tôn, con sẽ chạy về nhà và sẽ trở lại đây sau khi làm những điều Thế Tôn bảo.

Prakirti chạy về nhà, kể lại sự việc cho mẹ nghe. Người mẹ mắng cô. Prakirti khóc. Cô nhịn đói.

Người mẹ: Con ơi, con điên rồi sao? Con tuyệt thực đến khi chết sao con?

Prakirti: Mẹ ơi, xin mẹ cạo đầu cho con. Mẹ không làm, con sẽ chết thôi.

Người mẹ: Con điên rồi, con ơi, người phụ nữ đẹp nhất là ở nơi đầu tóc. Cạo đầu rồi thì nhan sắc đâu nữa! Con đui mù rồi sao? Có gì làm người phụ nữ xấu xí hơn? Nếu tóc con bị cắt, nếu đầu con bị gọt, con xấu xí như thế nào! Trong thành Savitthi này có cô thiếu nữ nào đẹp bằng con đâu? Mẹ sẽ tìm cho con một chàng trai xứng đáng. Đừng vội con ạ. Kiên nhẫn thêm chút nữa. Còn nhan sắc gì nữa nơi người con gái bị gọt tóc! Đừng điên con ơi!

Prakirti: Con không muốn bất cứ ai khác. Con chỉ muốn Ananda. Đối với con, chàng là tuyệt đẹp. Mặt chàng sáng rực như vàng. Con thích quá cách chàng nhìn, giọng ngọt chàng nói, dáng uy nghi chàng đi. Trên trái đất này, con không muốn bất kỳ ai khác, ngoài chàng.

Người mẹ: Thôi được rồi, con ăn đi.

Prakirti: Con nhịn đói cho đến khi nào mẹ gọt tóc cho con.

Prakirti tuyệt thực cả mấy ngày sau đó. Mẹ cô quá sợ cô chết, phải cắt tóc cho con.

Người mẹ: Rồi đó, bây giờ con giống như ni cô. Chắc chắn ai cũng sẽ thất vọng về con. Đây là mưu chước của Thầy của Ananda. Chẳng có ai trở về nhà sau khi bị Ngài ấy lừa. Ngài ấy có phép thôi miên.

Prakirti: Điều đó chẳng quan hệ gì. Con bất cần tất cả nếu có được Ananda. Con bất cần nếu phải đi xin ngoài đường với chàng. Mẹ ơi, con chạy đến tịnh xá Jetavana đây.

Người mẹ: Con đi đi. Rồi xem việc gì xảy ra.

Cô thiếu nữ Prakirti đầu trọc đi đến tịnh xá Jetavana, mình đắp y vàng. Cô đảnh lễ Phật rồi chắp tay đứng hầu bên cạnh. Hàng trăm vị tăng, trong đó có Ananda, ngồi quanh Phật.

Prakirti: Kính lễ Đức Thế Tôn ! Con đã làm y như lời Thế Tôn đã dặn. Xin Thế Tôn cho con Ananda.

Đức Phật: Tốt lắm, con bây giờ xứng đáng để nhận Ananda. Trước khi Ta trao Ananda cho con, con hãy trả lời Ta vài câu.

Prakirti: Xin Thế Tôn cứ hỏi.

Đức Phật: Cái gì nơi Ananda làm con yêu thích? Dáng dấp? Mặt mày? Cặp mắt? Cách nói? Dáng đi? Cái gì?

Prakirti: Đối với con, mặt Ananda tươi tốt. Mũi đẹp. Mắt dễ thương. Tai mời gọi. Giọng nói ngọt ngào. Ý nghĩ đúng đắn. Toàn thể dáng dấp đều quyến rũ. Như vậy đó, con yêu tất cả vẻ người của chàng.

Đức Phật: Con xem thân hình Ananda là đẹp. Nhưng nếu da Ananda bị thương, da đó chảy máu. Nếu không chữa lành da đó sưng lên. Nó đau. Mủ chảy ra. Cái mà con tả là đẹp, chỉ là bề ngoài mà con thấy, hạn chế nơi da bọc ngoài. Như vậy, vẻ đẹp hay vẻ quyến rũ chỉ là do cái nhìn về bề ngoài da thịt. Nếu da của một người bị lột ra, chẳng ai thèm nhìn người đó nữa. Nếu cái gì ở bên trong thân thể bị lật ra bên ngoài, chó quạ sẽ đến tấn công, phải cầm gậy gộc đuổi đánh. Thân thể đó không phải làm bằng vàng bạc, ngọc ngà. Cũng không phải bằng đá quý, san hô. Thân thể đó làm bằng xương, da, gân, thịt, máu, nước bọt, phân…

Thân thể đó không đáng giá gì cả khi con nhìn nó. Nếu con nhìn vào thực chất của nó, nó đáng ghê tởm. Người không có trí tuởng rằng nó đẹp. Thực chất nó vô thường như bọt nước, như bong bóng, tan biến như tia chớp, huyễn ảo như ảo thuật, như giấc mộng. Thân thể là phù du, bất trắc, giả dối. Nó giống như một chiếc bao chứa đầy đồ phế thải. Khi nó bệnh hoạn, ta trở thành kẻ thù của chính ta. Nếu ta nhịn ăn một ngày, nếu ta không tắm một ngày, nếu ta không súc miệng một ngày, ta sẽ thấy chính ta là đáng tởm. Tất cả những gì ghê tởm ứa ra ngoài thân. Thân thể là nơi nương tựa của bệnh hoạn, của buồn bã, của sợ hãi, của nguy khốn. Không ai biết mình sẽ chết hôm nay hay ngày mai.

Đồ phế thải của thân thể làm chính ta ghê tởm. Thân thể là nhà chứa của ghê tởm. Ta không thể đem thân này đi theo được. Ta không cho ai thân này được. Bộ xương này gồm 300 đốt, không kể răng. Các đốt xương nối kết với nhau nơi 180 khớp, 900 gân cột thịt lại. 900 mãnh thịt bám chặt vào gân. Toàn thể bộ xương được da bao quanh, cho nên ta không thấy gì bên trong. Da được đánh bóng nhờ lớp sợi tơ đan kết. Thân này có hàng triệu lỗ chân lông. Đồ phế thải ứa ra ngoài thân như mỡ đọng quanh chão. Đó là nơi trú ẩn của hàng triệu con trùng. Đó là nơi than khóc chọn làm chỗ ở. Đó là bị da chứa đồ phế thải với 9 lỗ thoát hơi.

Khi hơi thở lìa khỏi thân này, ai cũng sợ hãi, không dám sờ lên. Hai ngày sau, nó bốc mùi thối với đồ phế thải rỉ ra. Thương cái xác chết này hay thương cái xác chết kia, nào có gì khác nhau? Tình yêu là do ham muốn mà có. Ở đâu không còn ham muốn, ở đấy không còn đắm đuối. Ở đâu có tình yêu, ở đấy cũng có buồn khổ. Từ ngày con bắt đầu yêu Ananda, con đã thực chứng bao nhiêu buồn khổ, khóc lóc, thở than, mất ăn, mất ngủ, suy nhược, hôn mê. Tất cả những điều đó đâu có phải là hạnh phúc? Bây giờ, con hãy suy nghĩ cho kỹ với trí tuệ của con, xem thử thân thể của Ananda có phải là cái gì đáng yêu không?

Prakirti: Ôi, bạch Đấng Giác Ngộ, con đã thấm sự thật qua lời giảng của Ngài rồi. Con đã thấy thực chất nơi thân thể mà Ngài tả. Lòng còn nhẹ bơn khi nghe Thế Tôn nói. Con thông suốt mọi lời Thế Tôn dạy.

Đức Phật: Nếu thật như vậy, Ta sẽ thực hiện lời hứa trao Ananda cho con. Bây giờ con có thể đi về nhà với Ananda.

Prakirti: Ô, bạch Đấng Giác Ngộ, con không cần tôn giả Ananda nữa. Lời Thế Tôn đã chữa lành tâm bệnh của con, chữa lành điên cuồng của con. Con không phải là người thiếu nữ có thể hạ mình xuống để điên cuồng như vậy nữa. Tất cả cơn đam mê đã lìa khỏi tâm con rồi. Xin Thế Tôn rủ lòng thương xót thâu nhận con vào ni đoàn của Ngài.

Đức Phật: Đoàn thể tăng ni của Ta rộng như biển. Bao nhiêu sông đều chảy vào biển, trộn chung nước với nhau, chẳng còn phân biệt nước của sông này với nước của sông kia, tất cả chỉ còn một tên là biển. Cũng vậy, Ta không phân biệt người thấp hay cao, chủng tộc, đẳng cấp, xứ sở, ai cũng vào đoàn thể tăng ni của Ta được cả. Khi vào, tất cả những gì khác biệt trước đây đều tan biến, mọi người cùng sống với nhau như con chung một cha, mang tên chung là Phật tử. Bởi vậy, không có gì cản trở con gia nhập ni đoàn.

Prakirti gia nhập Ni Đoàn và trở thành A La Hán.

Tin đồn về đức Phật thâu nhận một cô gái hạ tiện vào ni đoàn lan rộng ra khắp thành Savitthi. Giới tướng tá, Bà la môn, quý tộc, phú gia rúng động. Họ tự hỏi làm sao một phụ nữ hạ tiện, khi trở thành ni cô, có thể đi vào nhà một người sinh ở cấp trên? Làm sao một người sinh ở cấp trên có thể đến gần phụ nữ ấy? Làm sao phụ nữ ấy có thể nhận thức ăn khất thực từ người sinh ở cấp cao. Họ đến thưa chuyện với vua Kosala. Vua cùng với một đoàn tùy tùng gồm những người trong đẳng cấp thượng lưu, thân hành đến hỏi Phật. Đức Phật gọi ni cô Prakirti, tôn giả Ananda và tất cả tăng ni đến quanh Ngài, rồi Ngài hỏi vua và mọi người có muốn nghe kể chuyện kiếp trước của Prakirti không. Ai cũng muốn nghe. Đức Phật bèn kể:

Thuở trước, bên bờ sông Hằng, có một vị tộc trưởng thuộc đẳng cấp hạ tiện tên là Trishanka. Vị ấy có một người con trai dung mạo thanh tú, thông minh, học hết kinh sách Vệ Đà. Khi thanh niên ấy đến tuổi lập gia đình, người cha đến cầu hôn con gái của một người Bà la môn. Người con gái ấy tên là Prakirti. Người Bà la môn tức giận, cho rằng việc cầu hôn ấy là sỉ nhục. Người tộc trưởng hạ tiện đem hết lý lẽ ra để giải thích rằng phân biệt đẳng cấp như vậy là không đúng, bởi vì ai cũng là người cả. May sao, người cha Bà la môn ấy học rộng, hiểu nhiều, nên nghe giải thích như vậy thì chấp nhận, bằng lòng gả con gái.

Cô thiếu nữ Prakirti xinh đẹp của người Bà la môn thượng cấp kia chính là kiếp trước của ni cô Prakirti đang có mặt ở đây. Con trai của vị tộc trưởng hạ tiện là Ananda. Ta là người tộc trưởng hạ tiện Trishanka của kiếp trước.

Mọi người thích thú nghe chuyện. Vua Kosala và tùy tùng đảnh lễ Phật rồi ra về.

Người dịch: Cao Huy Thuần
Theo: Buddha's Constant Companion, Ven. Ananda

Chữ hiếu xưa và nay

Chữ hiếu xưa và nay

Đăng lúc: 20:51 - 12/06/2016

Chữ hiếu trong đạo Phật mang tính toàn diện và siêu việt hơn những quan niệm hiếu thảo thông thường.

Hiếu thảo là một truyền thống đạo đức quý báu của người Việt Nam nói riêng và người Á Đông nói chung.

Chữ hiếu trong dân gian Việt Nam

Người Việt Nam khi nói đến chữ hiếu, liền nghĩ ngay đến việc “thờ cha, kính mẹ”, như bài ca dao vỡ lòng mà ai ai cũng thuộc: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con” hoặc trong Quốc văn giáo khoa thư ngày trước: “Cha sinh mẹ dưỡng, đức cù lao lấy lượng nào đong. Thờ cha mẹ ở hết lòng, ấy là chữ hiếu dạy trong luân thường”. Nhưng thờ kính cha mẹ như thế nào? Đó là: Mến yêu, cung kính, đỡ đần cho cha mẹ, vui vẻ vâng lời (Làm con phải biết phận con/ Mến yêu cung kính mới tròn thảo ngay/ Việc làm nặng nhẹ đỡ tay/ Khi sai khi bảo mặt mày hân hoan/ Lời thưa tiếng nói dịu dàng/ Cứng đầu cứng cổ dọc ngang thì đừng - Ca dao), chăm sóc phụng dưỡng (Dây bầu dây mướp cùng leo/ Sớm hôm nuôi mẹ, giàu nghèo sá chi - Ca dao), sớm thăm tối viếng (Mẹ già ở túp lều tranh/ Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con - Ca dao), quạt nồng ấp lạnh (Thức khuya dậy sớm cho cần/ Quạt nồng ấp lạnh giữ phần đạo con - Ca dao), v.v... Đó là quan niệm dân gian về chữ hiếu.

Chữ hiếu trong Nho giáo

Nho giáo có hẳn một pho sách riêng dạy về đạo hiếu gọi là Hiếu kinh. Ở đây chỉ nêu một số lời dạy của các bậc hiền triết Nho gia về đạo hiếu. Thầy Tăng Tử, học trò của Đức Khổng Tử, nói: “Hiếu giả bách hạnh chi tiên” (Hiếu là nết đứng đầu trăm nết). Thầy Mạnh Tử dạy về hạnh hiếu: “Hiếu tử chi sự thân: Cư tắc trí kỳ kính, dưỡng tắc trí kỳ lạc, bệnh tắc trí kỳ ưu, tang tắc trí kỳ ai, tế tắc trí kỳ nghiêm” (Việc phụng sự cha mẹ của người con hiếu là: Cư xử hết lòng kính trọng, dưỡng nuôi cố làm đẹp lòng, bệnh đau tận tâm lo lắng, tang ma hết sức xót thương, tế lễ nghiêm trang rất mực)… Kinh Thi cũng dạy: “Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã. Ai ai phụ mẫu sinh ngã cù lao, dục báo thâm ân, hạo thiên võng cực” (Cha sinh ta, mẹ nuôi ta. Hỡi ôi cha mẹ sinh ta khó nhọc, muốn báo ơn sâu, như vói lên trời cao chẳng đặng).

Chữ hiếu trong Phật giáo

Đức Phật dạy: “Điều thiện tối cao không gì hơn hiếu, điều ác cùng cực không gì hơn bất hiếu” (Kinh Nhẫn nhục), “Gặp thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật” (Kinh Đại tập), “Quả đất người đời cho là nặng, mẹ hiền ơn nặng quá hơn nhiều. Núi Tu Di người đời cho là cao, cha hiền ơn cao quá hơn nhiều” (Kinh Tâm địa quán), “Nếu có người vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ đến ngàn muôn năm, cha mẹ ăn uống, ngồi nằm, bệnh hoạn, cho đến đại tiểu tiện trên vai, người ấy vẫn không đền được ơn cha mẹ. Phải biết ơn nặng của cha mẹ: Cưu mang, sinh sản, bồng ẵm, nuôi nấng, dạy dỗ, tùy thời săn sóc, không sái thời tiết, không kể tháng ngày. Vì thế ơn cha mẹ rất khó đền đáp” (Kinh Tăng nhất A-hàm)…

Chữ hiếu trong đạo Phật mang tính toàn diện và siêu việt hơn những quan niệm hiếu thảo thông thường. Hiếu thảo không chỉ là mến yêu, cung kính, vâng lời, phụng dưỡng khi cha mẹ còn sống và thờ phụng, tưởng nhớ khi cha mẹ đã qua đời, mà còn là việc hướng cha mẹ đến với điều thiện lành, xa lánh điều xấu ác, và bản thân người con cũng phải sống tốt để cha mẹ vui lòng. Đức Phật dạy muốn đáp đền công ơn cha mẹ một cách đầy đủ, trọn vẹn: “Hãy khuyên cha mẹ bỏ ác làm lành, thọ Tam quy, giữ Ngũ giới. Dù cha mẹ buổi sớm mai thọ trì Tam quy Ngũ giới, chiều về cõi chết, đối với ơn nặng của cha mẹ cũng gọi là tạm đền” (Kinh Hiếu tử), “Những ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn cho cha mẹ an trú vào lòng tin. Những ai có cha mẹ theo ác giới, khuyến khích cha mẹ an trú vào thiện giới. Những ai có cha mẹ xan tham thì khuyến khích, hướng dẫn cho cha mẹ an trú vào bố thí. Những ai có cha mẹ theo ác trí tuệ thì khuyến khích, hướng dẫn cho cha mẹ an trú vào trí tuệ. Như vậy, này các Tỳ-kheo, thì các người con đó đã làm đủ và đã trả ơn đủ cho cha mẹ” (Kinh Tăng chi bộ). Đối với đạo Phật, những việc làm xuất phát từ lòng hiếu thảo mang lại lợi ích thiết thực cho cha mẹ trong hiện tại và tương lai mới chính là hiếu.

Theo Phật giáo, con người không chỉ có kiếp sống hiện tại mà còn có kiếp sống vị lai, do đó người con hiếu thảo cần phải chăm lo cho cha mẹ cả đời sống sau khi từ giã cõi đời này. Người Phật tử hiếu đạo luôn ưu tư: Sau khi chết, cha mẹ sẽ đi về đâu? Làm sao để giúp cha mẹ có được niềm an lạc hạnh phúc trong đời sống hiện tại và đời sống sau khi chết? Việc hướng cha mẹ theo con đường chơn chánh, giúp cha mẹ gieo trồng những nhân duyên lành cho đời này và đời sau, chăm lo vun bồi công đức phước báo chính là việc làm thiết thực để đáp đền công ơn cha mẹ.

Chữ hiếu thời nay

Ngày nay chữ hiếu cũng không khác mấy so với ngày xưa, vì cũng xuất phát từ tấm lòng tri ân và báo ân cha mẹ. Tuy nhiên do điều kiện, hoàn cảnh xã hội ngày nay không giống như ngày xưa, cho nên cách thể hiện lòng hiếu thảo của người con thời nay có khác. Ngày nay, vì hoàn cảnh sống, làm việc mà con cháu thường gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện bổn phận với ông bà cha mẹ, chẳng hạn như không có nhiều thời gian gần gũi chăm nom săn sóc, không trực tiếp nuôi dưỡng phụng sự (có trường hợp phải thuê người chăm sóc vì sống cách xa cha mẹ, con cháu không có thời gian để thường xuyên tự tay chăm sóc, có trường hợp gởi ông bà cha mẹ vào viện dưỡng lão).

Tuy nhiên, mỗi người nên cố gắng dành thời gian gần gũi để ông bà cha mẹ không cảm thấy cô đơn buồn tủi. Cần để ông bà cha mẹ tham gia vào việc dạy dỗ con cháu, làm cho ông bà cha mẹ cảm thấy mình còn là người hữu ích, và cũng để thêm niềm vui khi gần gũi con cháu. Khi ở xa ông bà cha mẹ phải về thăm, gọi điện thoại quan tâm sức khỏe và đời sống của ông bà cha mẹ. Lúc về già có người thích sống với con cháu, có người thích sống ở viện dưỡng lão với những người già khác để sớm hôm bầu bạn, hoặc sống ở một cảnh chùa thanh tĩnh nào đó, vì thế nên tùy tâm nguyện của ông bà cha mẹ mà con cháu làm theo để ông bà cha mẹ vui lòng. Điều quan trọng là ở tấm lòng, ý thức đạo đức về lòng biết ơn, sự tôn kính ông bà cha mẹ. Không nên chỉ chu cấp cho ông bà cha mẹ về vật chất mà quên đi tình cảm, sự quan tâm.

Đó là hiếu khi cha mẹ còn sống. Sau khi cha mẹ qua đời, lòng hiếu thảo được thể hiện qua việc phụng thờ và tưởng nhớ. Tấm lòng người xưa đối với ông bà cha mẹ đã khuất thể hiện qua câu “kính như tại”, có nghĩa là kính như đang còn sống. Phụng thờ để tưởng nhớ và nhắc nhở cho nhau công đức, ân nghĩa sinh thành dưỡng dục của ông bà cha mẹ. Hàng năm cúng giỗ để tưởng nhớ và để bày tỏ lòng biết ơn. Đối với xã hội ngày nay, có người cho rằng những việc làm này không thiết thực nhưng thật sự nó có giá trị rất lớn về mặt tinh thần.

Hiếu là đạo làm người

Tóm lại, hiếu là bổn phận làm con mà cũng là đạo làm người. Hiếu thảo thể hiện qua hai phương diện vật chất và tinh thần. Về phương diện vật chất, tùy điều kiện, hoàn cảnh mà nuôi dưỡng, chăm lo săn sóc cho cha mẹ: cơm nước, áo quần, thuốc men… Về phương diện tinh thần, luôn tỏ lòng kính yêu cha mẹ, sống tốt, biết lo cho bản thân và gia đình, trở thành người hữu ích cho xã hội để cha mẹ yên tâm và tự hào, không làm cho cha mẹ buồn lòng, không làm cho cha mẹ tủi hổ vì những việc sai trái, tội lỗi. Người con chí hiếu thực hành hiếu đạo theo lời Phật dạy, ngoài những việc làm trên còn cần phải biết hướng cha mẹ tu thân, hành thiện, quy hướng Tam bảo để xây dựng hạnh phúc cho đời này và đời sau.

Lòng hiếu thảo chẳng những có ý nghĩa về mặt văn hóa, đạo đức mà còn có tác dụng giáo dục. Người biết hiếu thảo với ông bà cha mẹ của mình là tấm gương sáng cho con cháu sau này noi theo, đó là truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” quý báu. Đức Phật còn dạy rằng, lòng hiếu thảo cũng chính là nhân lành, là hạnh của bậc Thánh: “Ta tự nhớ trong nhiều kiếp quá khứ, từ tâm hiếu thuận cúng dường cha mẹ, do công đức như vậy nên lên các tầng trời thì làm vị thiên đế, xuống trần gian thì làm vị Thánh vương” (Kinh Hiền ngu).
Phan Minh Đức

Trách nhiệm ở nơi mình

Trách nhiệm ở nơi mình

Đăng lúc: 20:49 - 12/06/2016

Bạn phải rèn tánh can đảm để nhìn nhận khi mình phạm lỗi là do thiếu sót của mình.

Theo bản tính con người, tất cả chúng ta đều có khuynh hướng đổ lỗi, trách móc người khác vì những thiếu sót hay bất hạnh của mình. Có bao giờ bạn nghĩ lại rằng chính mình phải chịu trách nhiệm về những vấn đề của mình? Nỗi muộn phiền, bất hạnh của bạn không phải do lời nguyền của ai đó dành cho gia đình bạn, và được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Mà chúng cũng không phải do tội của vị tổ tông nào đó đã đội mồ lên để ám bạn. Nỗi khổ đau của bạn cũng không do Thượng đế hay ma quỷ nào tạo ra. Chính bạn là người tạo khổ cho mình. Chính bạn là người gây bất hạnh cho mình. Chính bạn mới có thể giải thoát cho mình.

Bạn phải tập gánh trách nhiệm cho cuộc đời mình và thừa nhận khuyết điểm của bản thân chứ không oán trách hay phiền hà người khác. Hãy nhớ câu nói của người xưa: “Kẻ vô học luôn đổ lỗi cho người; kẻ có chút học thức tự trách mình, còn người trí không đổ lỗi cho gì cả”.

Là người trí, bạn phải tập tự giải quyết vấn đề của mình mà không trách móc ai cả. Nếu mỗi cá nhân đều cố gắng tự sửa lỗi mình, thì thế giới này sẽ được bình an. Nhưng phần đông chẳng mảy may cố gắng để nhận thức rằng chính họ mới phải chịu trách nhiệm cho rất nhiều bất hạnh xảy ra cho mình. Họ thích tránh né. Họ nhìn ra ngoài để tìm kiếm nguồn gốc vấn đề vì họ miễn cưỡng, không muốn thừa nhận những thiếu sót của bản thân.

Tâm con người thường dễ tự dối mình, nên không ai muốn thừa nhận những yếu kém của bản thân. Họ sẽ tìm lý do gì đó để biện hộ cho hành động của mình và tạo ra ảo tưởng rằng mình không có lỗi. Nếu ta thực sự muốn được giải thoát, ta phải có can đảm thừa nhận sự yếu kém của mình. Đức Phật đã nói: “Thật dễ thấy lỗi người/ Quá khó để nhận ra lỗi mình”.

Bạn phải rèn tánh can đảm để nhìn nhận khi mình phạm lỗi là do thiếu sót của mình. Bạn phải thừa nhận là mình sai. Đừng bắt chước theo kẻ ngu luôn đổ lỗi cho người. Đừng lấy người làm bia đỡ đạn cho mình - làm vậy thật đáng trách. Hãy nhớ rằng bạn có thể thể lừa dối một số người trong một khoảng thời gian, nhưng không thể lừa dối tất cả mọi người, ở mọi lúc. Đức Phật đã dạy: “Kẻ ngu mà không nhận mình ngu, mới thực sự là ngu. Còn người ngu nhưng biết mình ngu thì trong mức độ nào đó cũng là khôn”.

Hãy nhìn nhận sự yếu kém của mình. Đừng trách móc người khác. Bạn phải nhận thức rằng bạn chịu trách nhiệm cho những bất hạnh và khó khăn xảy đến cho bạn. Bạn phải hiểu rằng cách bạn suy nghĩ cũng tạo ra những điều kiện khiến khó khăn xảy đến với bạn. Bạn phải luôn nhớ rằng, bạn có trách nhiệm đối với những vấn đề của mình. Bạn phải luôn nhớ rằng, bạn có trách nhiệm đối với bất cứ điều gì xảy ra cho bạn. “Không phải thế giới có vấn đề, mà vấn đề là ở chúng ta”.

Bạn phải chịu trách nhiệm về mối liên hệ với người khác

Hãy nhớ rằng bất cứ điều gì xảy ra, bạn sẽ không cảm thấy bị tổn thương nếu bạn biết cách giữ tâm thanh thản. Bạn bị tổn thương chỉ vì thái độ tình cảm mà bạn chấp trước đối với bản thân và đối với người. Nếu bạn thương yêu, tử tế với ai, bạn sẽ được đáp trả bằng thái độ thương yêu, tử tế. Nếu bạn tỏ thái độ hằn học, chắc chắn không bao giờ bạn được đáp trả bằng tình thương yêu. Một người sân hận chỉ thở ra khí độc và tự hại mình hơn là hại người. Người trí không để lòng sân khởi lên đáp trả lại sân thì sẽ không bị tổn thương. Hãy nhớ rằng không ai có thể làm tổn thương bạn trừ khi bạn để cho họ làm thế. Khi người khác trách móc, đổ lỗi cho bạn, nhưng bạn một lòng vững tin nơi Pháp (chân lý), thì Pháp sẽ bảo vệ bạn khỏi những sự tấn công, đả kích bất công. Đức Phật đã thuyết: “Ai xâm hại người lành/ Trong sạch, không nhiễm ô/ Điều xấu sẽ rơi ngay kẻ ấy/ Giống như tung bụi ngược chiều gió”.

Nếu bạn để cho người khác thỏa mãn ý nguyện muốn làm tổn thương bạn, thì bạn là người chịu trách nhiệm.

Đừng trách người - Hãy nhận trách nhiệm

Bạn phải tập canh giữ tâm bằng cách duy trì một quan điểm đúng đắn để không có bất cứ điều gì xảy ra ở bên ngoài có thể khiến bạn chao đảo. Bạn đang gặp khó. Nhưng bạn không nên trách móc hoàn cảnh khi sự việc không theo ý mình. Bạn không nên nghĩ rằng mình kém may mắn, là nạn nhân của số mệnh, hay do tâm địa ác độc của người. Không cần biết lý do của bạn là gì, bạn không nên cố gắng đun đẩy trách nhiệm của mình, bằng cách đổ lỗi cho hoàn cảnh. Hãy cố gắng giải quyết vấn đề của bạn một cách vui vẻ. Trong những lúc khó khăn, hãy sống lạc quan. Can đảm chấp nhận thay đổi nếu cần thiết, nhưng cũng phải đủ kiên quyết không chấp nhận điều gì bạn không thể thay đổi. Cần có đủ khôn ngoan để hiểu những vấn đề trong cuộc sống, giống như mọi người khác. Nhưng cũng phải khôn đủ để đối mặt với một số vấn đề mà không cảm thấy bất lực, khổ đau. Những khó khăn là thách thức để chúng ta vượt qua. Những người cố gắng phục vụ người khác gặp nhiều phiền phức hơn những kẻ không làm gì, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là người tốt nên chạnh lòng. Họ cần phải có trí tuệ để nhận thức rằng việc phục vụ không vì tự ngã sẽ có phần thưởng riêng của nó.

“Yêu thương mà không có trí tuệ hoặc có trí tuệ mà không có tình thương đều không thể mang đến một cuộc sống tốt đẹp” (B. Russel).

Bạn phải chịu trách nhiệm về sự bình an nội tâm của mình

Bạn phải học cách bảo vệ sự bình an, thanh tịnh mà bạn đã tạo ra được trong tâm mình. Để gìn giữ nội tâm thanh tịnh, bạn phải biết lúc nào cần đầu hàng; lúc nào phải dẹp bỏ tự ái qua một bên, lúc nào phải che lấp cái ngã giả tạo, lúc nào phải thay đổi thái độ ương ngạnh, hay tà kiến và lúc nào phải thực hành kiên nhẫn. Bạn không nên để kẻ khác tước đoạt sự an bình nội tâm của mình. Bạn có thể duy trì điều đó nếu bạn biết cách hành động khôn ngoan. Trí tuệ xuất hiện khi ta nhận biết vô minh. “Con người không phải là một thiên thần gãy cánh, mà là một sinh vật đang vươn lên”.

Thái độ đúng đắn đối với sự chỉ trích

Bạn phải học cách bảo vệ mình khỏi những chỉ trích bất công và tận dụng những góp ý có tính xây dựng. Bạn phải xem xét một cách vô tư, khách quan những góp ý của người đối với mình. Nếu sự phê bình, góp ý là chính xác, có cơ sở, xuất phát từ thiện ý, thì hãy chấp nhận chúng và sửa đổi. Tuy nhiên, nếu sự chỉ trích, phê bình bất công, không có cơ sở, xuất phát do ác ý, thì bạn không phải chấp nhận chúng. Nếu bạn biết cách ứng xử của mình là đúng, được người trí, có văn hóa chấp nhận, thì đừng lo lắng về sự chỉ trích không có cơ sở đó. Việc bạn hiểu đúng về cả hai sự phê bình có tính xây dựng và ác ý mới là điều quan trọng. Đức Phật đã dạy: “Trên đời này không có ai là không có lỗi”.

Đừng mong đợi điều gì thì không có gì làm bạn thất vọng

Bạn có thể bảo vệ mình khỏi thất vọng bằng cách không mong đợi điều gì quá đáng. Nếu bạn không trông đợi gì, thì không có gì làm bạn thất vọng. Đừng mong đợi phần thưởng cho những gì bạn đã làm được. Hãy làm điều thiện một cách bất vụ lợi bằng lòng tử tế. Nếu bạn có thể giúp đỡ người khác mà không trông đợi sự đáp trả nào, thì bạn không có gì để phải thất vọng. Bạn sẽ là người vĩ đại! Nguồn hạnh phúc phát khởi trong tâm do làm việc thiện chính là phần thưởng lớn của bạn. Hạnh phúc đó khiến ta cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.

Có lẽ bản tính bạn là người tốt, bạn không làm hại đến ai. Dầu vậy bạn vẫn bị người khác chê trách. Bạn phải đối đầu với những khó khăn, thất vọng dầu luôn giúp đỡ và làm điều tốt cho người. Lúc đó bạn có thể nghĩ, “Nếu làm tốt được tốt, làm xấu bị điều xấu, thì tại sao tôi phải gặp tai ương khi tôi hoàn toàn không có lỗi gì? Tại sao tôi có quá nhiều bất hạnh? Quá nhiều thất vọng? Tại sao tôi bị người khác trách móc, phàn nàn dầu tôi làm điều tốt cho họ?”. Câu trả lời đơn giản là khi bạn thực hiện một số việc tốt, bạn phải đối mặt với một số năng lực xấu, một số ma lực. Nếu không, thì là bạn đang gánh chịu một nghiệp xấu đã trổ quả.

Hãy tiếp tục làm điều tốt, rồi dần dần bạn sẽ thoát khỏi những tai ương đó. Hãy nhớ là chính bạn đã tạo ra sự thất vọng cho bản thân và chỉ có bạn mới có thể vượt qua được những thất vọng này, bằng cách quán chiếu về bản chất của nghiệp (hành động và phản ứng) và bản chất của cuộc sống như Đức Phật đã từng mô tả: “Nếu bạn có thể bảo vệ bản thân thì bạn có thể bảo vệ người khác”.

Nguyên tác HT.K. Sri Dhammananda
Diệu Liên Lý Thu Linh chuyển ngữ

(Từ You Are Responsible, trích trong quyển Purpose of Life, Nxb Kong Meng San Phor Kark See Monastery, Awaken Publishing & Design, Singapore)


Về tác giả: HT.K. Sri Dhammananda sinh năm 1919 tai miền Nam Tích Lan. Năm 12 tuổi, ngài xuất gia làm Sa-di, với pháp hiệu Dhammananda, có nghĩa là “người trải nghiệm được hạnh phúc nhờ nương tựa vào Pháp”. Ngài thọ Đại giới năm 1940, sau đó hoàn tất chương trình cao hoc tại Ấn Độ. Năm 1952, ngài được chọn đi Ma Lai đê hỗ trợ cac nhu cầu vê tôn giáo của các Phật tử người Sinhalese ở xứ này.

Nguyên là một vị lãnh đạo trong truyền thống Phật giáo Nguyên thủy ơ Ma Lai và Singapore, ngài là tác giả của hơn 70 đầu sách về đạo Pháp, được dịch ra hơn 16 ngôn ngữ. Là một Pháp sư nổi tiếng, ngài thường được mời đến giảng pháp tại Mỹ, Úc, Anh, Âu châu va nhiều quốc gia khác ở châu Á. Ngài đã an nhiên ra đi ở tuổi 87 vào năm 2006.

Phật dạy "3 vô thường" giúp con người vượt qua cảm giác thất tình

Phật dạy "3 vô thường" giúp con người vượt qua cảm giác thất tình

Đăng lúc: 20:36 - 29/05/2016

Nếu chẳng thể đến với nhau, thôi đành coi như duyên phận đã tới cuối đường, rằng chỉ có thể cũng nhau đi một quãng, thế thôi.

Tình yêu là thứ tình cảm thiêng liêng và vô cùng cao đẹp. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn yêu nhau, nắm tay và đi hết con đường. Có khi tình yêu dang dở, đứt gánh giữa đường. Người ta dễ rơi vào cảm giác thất tình, đau buồn, chán nản. Cảm giác thất tình, có lẽ mọi người trên trái đất này đều đã ít nhất một lần trải qua.
Con người gặp và yêu nhau là do duyên phận. Nhưng duyên phận lại là điều vô cùng kỳ lạ, không ai có thể hiểu thực sự về nó. Có thể hữu duyên vô phận. Có thể yêu nhau, nhớ nhau nhưng không thể gần nhau. Không cố ý đeo đuổi thì lại có, cố gắng có khi lại chẳng thành. Có câu "Có lòng trồng hoa, hoa chẳng nở, vô tình cắm liễu, liễu lại xanh" là vì thế.
Tuy nhiên, con người cũng nên hiểu rằng, hôm nay có duyên phận không có nghĩa cả đời có duyên phận. Có thể người ta chỉ đi được cùng nhau một quãng đường nào đó thôi.
Mất đi rồi cũng không nên quá ủ rũ, đau buồn, càng không thể nghĩ rằng thế giới này sụp đổ, bởi làm thế chỉ càng thêm đau lòng mà thôi. Người mất đi nhất định không phải người thích hợp nhất, vật mất đi nhất định không phải vật tốt đẹp nhất.
Bởi vậy khi thất tình chúng ta đừng nên nghĩ đó là 1 cái gì đó qua ghê gớm, rằng tình yêu của chúng ta vĩ đại ko thể thay thế, rằng anh ấy, cô ấy là người tuyệt vời nhất. Mà hãy nghĩ rằng đó chỉ là 1 giai đoạn sinh học nhất thời như chúng ta bị ốm vậy, dần dà theo thời gian khỏi bệnh, cơ thể chúng ta sẽ lại bình phục, khi đó nhìn lại thấy mình ngày xưa vật vã thật buồn cười.
Mô tả ảnh.
Ảnh minh họa
Đức Phật dạy: “Tất cả những gì trong thế gian đều biến đổi, hư hoại, đều là vô thường”. Chúng ta đau khổ bởi cứ hy vọng tình yêu này là mãi mãi. Ta hãy cùng tìm hiểu vì sao như thế ? Vô thường có 3: thân vô thường, tâm vô thường và hoàn cảnh vô thường.
Thân vô thường. Thân thể bạn không mãi mãi khoẻ mạnh, không thể trẻ mãi không già. Từng sát na, từng giây trong thân bạn biến đổi, từng tế bào chết tế bào mới lại sanh…Các bạn không có phương pháp bảo vệ bản thân lỡ một ngày bạn bị ung thư, nhan sắc tàn phai, bị bệnh nan y … liệu người yêu bạn có còn mặn mà với bạn như xưa?
Tâm vô thường. Chúng ta phải biết rằng lòng người thay đổi – đổi thay. Con gái thì “sáng nắng, chiều mưa, trưa giông bão”, con trai thì chẳng biết đó là Lý Thông hay Thạch Sanh, chẳng ai mà đoán cho được. Người thì đi du học, người thì đi làm ăn xa, kẻ ở nhà mỏi mòn chờ đợi …rồi qua năm tháng “xa mặt cách lòng” chẳng mấy ai mà giữ cho được cái tình yêu thuở đó. Có thể bạn đang có một tình yêu đẹp nhưng cũng phải nhận chân ra một sự thật là trong tình yêu đó luôn ẩn chứa một sự đổ vỡ bởi vì đó là vô thường. Người Phật tử biết như vậy nên luôn sẳn sàng đón nhận những điều bất trắc có thể xảy ra trong tình cảm. Nhờ vậy, tránh được những hành động tiêu cực như bị sốc, thất tình tự tử vv…
Hoàn cảnh vô thường có nghĩa là vạn vật trước mắt bạn luôn thay đổi, tình thế thay đổi, thời cuộc thay đổi …Yêu nhau thật nhiều nhưng cũng không thể được gần nhau ví dụ như chiến tranh, thiên tai, tử nạn. Một khía cạnh khác của hoàn cảnh vô thường, ví dụ: Bạn Dần và bạn Mùi trước nghèo thì sao cũng được bổng dưng giàu có thì chẳng nhìn mặt nhau. Một chuyện khác, Bạn Sửu tích góp tiền để giúp bạn Tí-người yêu bao năm ăn học đàng hoàng đến khi tốt nghiệp thì người yêu gạt bỏ và yêu một người khác cùng đẳng cấp xã hội, có trí thức chứ ai lại mặn mà với bạn Sửu một người nghèo, ít học nhưng chỉ có tấm lòng. Trường hợp hoàn cảnh thay đổi như vậy thử hỏi Bạn Sửu có chịu nổi áp lực này không ? Người con Phật nên nhìn trước được hoàn cảnh để gìn giữ hạnh phúc mình.
Nhân duyên qua lời Phật dạy sâu sắc, giản đơn, con người ta tốt hơn hãy mở rộng tấm lòng mình. Cái mất đi là cái đáng quý, bởi mất đi cho ta tự nguyện, do duyên phận của đời ta. Cho nên dù nhiệt tình như lửa, ngọt ngào như hoa, ôn hòa như nước thì cũng là đoạn tình cảm đã qua, duyên phận đi tới cuối đường, buông tay cầu thanh thản.

Phong Linh (TH)

Phật giáo cứu rỗi Baggio, Balotelli thế nào?

Phật giáo cứu rỗi Baggio, Balotelli thế nào?

Đăng lúc: 08:08 - 23/04/2016

Phật giáo đang được người Thái Lan truyền bá tới lục địa già qua… “con đường” Leicester City. Trước đó trên sân cỏ châu Âu, có mấy người tin và theo nhà Phật?
Tồn tại âm mưu giúp Leicester vô địch Premier League?
Nhà sư Thái Lan "phán" gì về Leicester?
Kịch bản không tưởng khiến Leicester khóc hận?
Từ “bể khổ” của Roberto Baggio…
Roberto Baggio là một Phật tử. Nhưng tại sao cựu chân sút nổi tiếng với cái “đuôi ngựa thần thánh” lại trở thành đệ tử của nhà Phật? Có lẽ là do cái… “duyên”.
Huyền thoại bóng đá Italia vốn là người Công giáo. Thời còn nhỏ, cũng giống như 7 anh chị em của mình, Baggio vẫn đến nhà thờ đều đặn ở Caldogno, Italia.
Nhưng việc đến nhà thờ cùng với gia đình dường như là thói quen hình thành từ nhỏ của Baggio, hơn là đức tin. Để rồi theo thời gian, cựu tiền đạo lừng danh của Juventus, Inter và Milan sống như một kẻ vô thần.
Những lúc thuận lợi, mọi việc đều xuôi chèo mát mái thì chẳng nói làm gì. Nhưng khi lâm vào cảnh cùng quẫn, bế tắc thì những người không tôn giáo, vô thần, thiếu đức tin rất dễ lầm đường, rơi vào bi kịch.
Chẳng thế mà Karl Marx nói: “Tôn giáo là tiếng thở dài của loài người bị áp bức, trái tim của thế giới không trái tim, cũng giống như nó là linh hồn của những trật tự vô hồn".
“Đời là bể khổ”. Roberto Baggio từng nghe câu nói ấy của anh bạn thân Morrichio - một con nhang đệ tử của nhà Phật. Nhưng đến mùa giải 1987/88, Baggio mới thấy thứ triết lý mà anh từng mỉa mai ấy ngẫm cũng đúng.

Mùa giải ấy Baggio mới là chàng trai 20 tuổi của Fiorentina. Dù được đánh giá cao nhưng Baggio liên tiếp bị chấn thương hành hạ, khiến tinh thần suy sụp và anh từng nghĩ tới việc giải nghệ.
Thời còn ở đội trẻ Caldogno, Baggio từng biết nhiều đồng đội còn chơi bóng hay hơn anh. Nhưng rốt cuộc, phần lớn trong số họ đều không thể theo sự nghiệp sân cỏ, vì chấn thương nặng hoặc… vào tù vì đủ mọi tội danh. Baggio nghĩ tới họ và cũng liên hệ với bản thân mình.
Nhưng đúng vào thời điểm cùng quẫn và bế tắc nhất, huyền thoại Italia đã tìm đến với Phật giáo như một sự cứu rỗi, khiến cho anh bạn Morrichio cũng phải kinh ngạc.
Trong cuốn tự truyện của mình, cựu tiền đạo sinh năm 1967 thổ lộ: “Phật giáo dạy tôi cách nhìn khác về tương lai. Tôi từng chán nản vì gặp quá nhiều chấn thương. Nhưng đạo Phật dạy tôi phải biết dũng cảm để đương đầu với thử thách.
Nhưng trên tất thảy, Phật giáo đã thay đổi cách nghĩ của tôi, cho tôi sức mạnh và tránh xa những lầm lỗi. Không như những đồng đội cũ của tôi ở Caldogno. Họ đi chệch hướng”.
Từ ấy, ngày nào Baggio cũng đọc kinh Phật tối thiểu 1 giờ. Anh nghiệm ra thế nào là “khổ” và con đường chánh đạo để “diệt khổ” - chân lý cơ bản nhất của Phật học.
Nhờ vậy, từ một kẻ cùng quẫn, bất đắc chí, Baggio vượt qua mọi thử thách, tiếp tục sự nghiệp để rồi trở thành một huyền thoại.
Anh nói: “Tôi nghiệm ra rằng, người ta dễ lầm đường. Không có đạo Phật, có thể tôi đã trở thành tội phạm, nghiện ngập ma túy hay có thể giờ này tôi đang rèn sắt với bố tôi ở Caldogno”.

… tới thiền viện Nam Tông của Balotelli
Mehmet Scholl không năng tới chùa, chẳng hằng ngày gõ mõ tụng kinh như Roberto Baggio nhưng ngôi sao này tin vào Phật và bị ảnh hưởng từ những triết lý của đạo Phật về cuộc sống.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Sueddeutsche Zeitung tháng 05/2010, cựu ngôi sao lừng danh của Bayern Munich phủ nhận anh là một Phật tử, nhưng khẳng định:
“Tôi không phải Phật tử. Nếu bạn làm theo 10 điều răn của Phật, bạn là người tốt. Tôi nghiên cứu đạo Phật, những triết lý của tôn giáo này rất hữu ích cho cuộc sống và công việc hằng ngày”.
Tuy nhiên ngôi sao bị ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo lớn nhất (nhưng không phải Phật tử), thật bất ngờ, đó là Mario Balotelli.
Balotelli là một tài năng của bóng đá thế giới. Nhưng bên cạnh cái tài, Super Mario lại có quá nhiều tật. Anh bị xem là tên ngốc, tên điên khùng hay là kẻ luôn nổi loạn, vô kỷ luật.
Bê bối nổ ra với ngôi sao này như cơm bữa và scandal là một trong những nguyên nhân khiến Balotelli ngày càng sa sút.
Không thể “trị” Balotelli. Năm 2012, Roberto Mancini đã khuyên cậu học trò ngỗ ngược từng… tẩn cả ông trên sân tập Man City nên lấy vợ.
Vì theo lý giải của chiến lược gia Italia, có lẽ chỉ khi lấy vợ, sinh con đẻ cái thì “ngựa chứng” mới trưởng thành.
Nhưng trước khi tham dự VCK EURO 2012 - giải đấu mà Balotelli trở thành người hùng của đội quân Thiên thanh, Balotelli lại hành động điên rồ: đuổi cô bạn gái người mẫu Rafaella Fico ra khỏi căn biệt thự ở Cheshire và… rước tượng Phật về thờ.

Theo tờ Daily Star, ngoài thỉnh tượng Phật về nhà, Balotelli còn mua rất nhiều sách Phật giáo để nghiên cứu.
Trong đó có hai cuốn “Cuộc đời và lời dạy của đức Phật” (The Life and Teachings of Gautama Buddha) của Giáo sư Phys David hay cuốn “Ánh sáng châu Á” (The Light of Asia) của Edwin Arnold.
Đạo Phật, vì sao? Một người bạn của tiền đạo Italia lý giải: “Mario cho rằng, đạo Phật sẽ giúp được anh bỏ rượu, tính nóng nảy và quan trọng hơn là sự bình an trong cuộc sống. Với đạo Phật, Mario sẽ hạn chế được tà tính”.
Từ khi trở lại Italia đầu quân cho Milan, Balotelli thường xuyên tới thiền viện Nam Tông ở Frasso Sabino. Đây là thiền viện của các phật tử Nam Tông, tức Phật giáo Tiểu thừa mà người Italia gọi là Santacittarama.
Balotelli tới thiền viện Nam Tông Frasso Sabino để vãn cảnh thư giãn, thiền cũng như đàm đạo với các chư tăng về Phật - Pháp - Tăng.

Trên tạp chí Phật giáo Shambhala Sun, đại đức chủ trì thiền viện Frasso Sabino, Ajahn Chandapalo từng cho biết, ông tỏ ra kinh ngạc trước những kiến thức về cuộc sống cũng như Phật pháp của Balotelli.
Cánh cửa nhà Phật luôn mở ra cho bất cứ ai. Với đại đức Ajahn Chandapalo, từ khi Balotelli đặt chân đến thiền viện Frasso Sabino, tiền đạo này đã là một… Phật tử Nam tông.
Nhưng nói về Phật tử Nam tông và ảnh hưởng của Phật giáo đến bóng đá thì phải tới King Power của Leicester City.
Người ta tin rằng, nhờ Phật, thầy trò Ranieri sẽ trải qua mọi “kiếp nạn” Premier League để “thành chính quả” như thầy trò Đường Tăng huyền thoại…
Tình đầu của George Best xuống tóc đi tu
Huyền thoại Man United, George Best nổi tiếng là ngôi sao đào hoa. Mối tình đầu tiên của Best là bà Jackie Glass, năm nay 67 tuổi.
Thời điểm hẹn hò với cựu tiền đạo “Quỷ đỏ”, bà Jackie là một trang tuyệt sắc được nhiều chàng trai theo đuổi. Trên Mirror, bà Jackie tiết lộ mình là tình đầu của George Best và mối quan hệ của bà và huyền thoại này kéo dài hơn 1 năm.
Tới năm 1994, sau quá nhiều khổ đau vì tình ái và cuộc sống, bà Jackie quyết định cắt tóc quy y cửa Phật, lấy pháp danh là ni cô Ani Rinchen.
Năm 2005, ni cô Ani Rinchen nghe tin Best qua đời khi bà đang tu tại đảo Holy và bà đã đọc kinh cầu cho linh hồn người cũ siêu thoát.

Lắng nghe để hiểu & thương

Lắng nghe để hiểu & thương

Đăng lúc: 10:58 - 28/03/2016

Một con cú già khôn ngoan sống ở cây đa. Nó càng nhìn thấy sự đời thì càng ít nói. Mà nó càng ít nói thì lại lắng nghe nhiều. Tại sao mình lại không như con cú già khôn ngoan kia? (Khuyết danh).
bo-tat-QTa.jpg
Quán Thế Âm có nghĩa là quán chiếu, suy xét, lắng nghe âm thanh của thế gian...

Khi còn bé thơ, chúng ta được dạy ‘học ăn, học nói, học gói, học mở’. Và càng nói nhiều thì đó là dấu hiệu phát triển bình thường. Nhưng ít khi nào chúng ta được dạy phải biết lắng nghe. Và phần nhiều, cha mẹ, thầy cô, các bậc phụ huynh, v.v… không để tâm nhiều đến chuyện dạy dỗ cách biết lắng nghe. Tất nhiên, cha mẹ hay các thầy cô có dạy mình phải biết nghe lời. Nhưng ít khi chúng ta được dạy cách biết lắng nghe cho đúng.

Thường khi trong một cuộc đối thoại, chúng ta muốn người đối diện nghe ý kiến của mình muốn phát biểu, hay diễn đạt hơn là mình nên lắng nghe ý tưởng của họ. Nếu đã là vậy, rõ ràng không có sự lắng nghe xảy ra. Mà hễ không có sự lắng nghe, hiểu và cảm thông sẽ không bao giờ được thiết lập. Vợ chồng thường hay gặp phải tình cảnh này, nên có câu nói chọc cười: ‘Ngày xưa chồng nói vợ nghe. Bây giờ chồng nói vợ chê lắm mồm’. Cho nên, biết lắng nghe là nhịp cầu nối đầu tiên cho sự hiểu biết, cảm thông.

Quán Thế Âm có nghĩa là quán chiếu, suy xét, lắng nghe âm thanh của thế gian. Theo phẩm Phổ môn trong kinh Pháp hoa, sở dĩ Ngài mang tên gọi như vậy là do hạnh nguyện từ bi cứu khổ cứu nạn, mỗi khi chúng sanh bị khổ ách, nguy cấp, nhất tâm niệm danh hiệu của Bồ-tát, Ngài liền quán xét âm thanh đó, lập tức cứu họ thoát khỏi tai ách.

Nhiều kinh điển nói về công hạnh của Bồ-tát, về sức uy thần diệu dụng của Ngài, thường hiện thân khắp nơi cứu giúp người đang đau khổ trên trần gian. Nhưng để tu tập theo hạnh nguyện từ bi, cứu khổ của Ngài, thiết nghĩ, chúng ta nên tìm hiểu thêm một số chi tiết về những hạnh nguyện đó.

Trong kinh Pháp hoa nói Ngài thường thị hiện 33 hóa thân. Nhưng theo thiển ý, chắc đây là con số tượng trưng. Ngài được mô tả là một vị Bồ-tát luôn hóa thân cứu khổ mọi loài chúng sinh. Ngài hóa thân là một hiện tượng đặc thù theo tinh thần ‘tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên’, biểu lộ tấm lòng đại từ bi, không phân biệt kẻ thân, người sơ, kẻ thâm tín, người hoài nghi, thậm chí người vô thần, ngoại đạo.

Hiện tượng hóa thân nói lên sự thấu hiểu và cảm thông thật sâu sắc nỗi sợ hãi, mối ưu lo của chúng sinh trong thế giới đảo điên, mộng tưởng. Để được tiếp cận với một chúng sinh đang đau khổ, Ngài hiểu rõ rằng một người xa lạ, dù là một Bồ-tát, sẽ khó có thể đến gần để chúng sinh kia được giãi bày nguồn cơn nỗi khổ của mình.

Theo kinh nghiệm đời thường cho thấy, khi chúng ta đang đau khổ hoặc phiền não mình chỉ muốn chia sẻ với ai biết lắng nghe, thông cảm, và không có ý phê phán, bình phẩm về những điều mình đã làm sai, hay tâm tình mình đang giãi bày, thổ lộ. Và thường mình muốn chia sẻ với người quen biết, dễ thương, hoặc người nào tôn trọng ý tưởng và tình cảnh của mình. Nếu hiểu được điều này, chúng ta có thể đóng vai sứ giả của Đức Quán Thế Âm, lắng nghe mà không phê bình, chỉ trích để giúp làm vơi nỗi khổ của người.

Thật ra, ai trong chúng ta cũng đều có khả năng làm sứ giả Quán Âm, và muốn thành tựu vai trò này đòi hỏi mình phải biết lắng nghe.

Nhưng biết lắng nghe là một nghệ thuật. Nghĩa là chúng ta phải quên mình đi mà chỉ biết nghe người kia đang nói gì. Biết lắng nghe đòi hỏi mình phải biết lắng đọng tâm tư để nghe rõ thông điệp của người mình đang đối diện. Cái bi kịch thường hay xảy ra cho chúng ta là khi mình muốn học hạnh lắng nghe nhưng cứ mỗi khi nghe xong câu chuyện mình lại diễn dịch nó qua lăng kính kinh nghiệm của bản thân, giống như mình nhìn thấy một sự kiện qua cặp kính màu của mình, nên thay vì hiểu và cảm thông, chúng ta lại chỉ trích hay phê phán người đối diện là dở cái này, thiếu cái nọ.

Do đó, hành động lắng nghe của mình bị thất bại. Nếu chúng ta biết lắng nghe qua tâm hạnh từ bi như Bồ-tát Quán Thế Âm, chúng ta biết tôn trọng ý tưởng của người nói và lắng nghe cho kỹ những nỗi khổ đau mà họ đang trải nghiệm, thì công sức lắng nghe của mình sẽ chắc chắn mang lại một kết quả tốt và có thể sẽ làm vơi đi nỗi khổ của người.

Ngoài việc hóa hiện các thân để cứu độ, Ngài còn có khả năng làm cho chúng sinh hết lo sợ (vô úy thí). Trong kinh Pháp hoa, phẩm Phổ môn có nêu lên 14 hoàn cảnh, những trường hợp tượng trưng, mà Ngài đã vận dụng năng lực vô úy để cứu độ. Năng lực vô úy là một khả năng đặc thù mà chỉ có những ai thật định tĩnh, tự tin, và từ bi vô hạn mới có thể làm được. Như một bà mẹ thương con vô cùng mới có thể làm con mình yên tâm dù hoàn cảnh trước mặt đang xảy ra vô cùng bất lợi và nguy hiểm. Sở dĩ chúng ta cảm thấy an lòng, không hoảng sợ, kinh hoàng trước sự hiện diện của Bồ-tát Quán Thế Âm vì Ngài sẵn lòng hy sinh bản thân để cứu độ mọi người.

Chúng ta cũng đã từng nghe qua năng lực vô úy này được các thiền sư thể hiện, như trong câu chuyện sau: Trong thời nội chiến ở Triều Tiên, một vị tướng soái dẫn quân đánh chiếm hết vùng này đến vùng kia, hủy diệt hết những gì cản trở bước tiến của ông ta. Dân chúng trong thành biết đoàn quân của vị tướng đang đánh tới, và nghe tiếng tàn bạo của ông ta nên mọi người đều trốn lánh vào vùng núi cao.

Vị tướng tiến chiếm thành không người và ra lệnh quân lính tìm kiếm dân trong thành khắp nơi. Vài người lính trở về báo cáo chỉ có một thiền sư còn ở lại. Vị tướng quân liền vội vã đến chùa, đi thẳng vào bên trong, rút gươm ra, và nói: “Lão thầy chùa kia, ông không biết ta là ai sao? Ta là người có thể thản nhiên lấy mạng của ông không chớp mắt”. Vị thiền sư nhìn thẳng vào mặt ông tướng soái và bình thản trả lời: “Và tôi, thưa ngài, là người có thể để ngài lấy đầu mà cũng không chớp mắt”. Vị tướng quân nghe xong, liền cúi đầu và bỏ đi.

Sợ hãi là bản năng của con người, ai sinh ra cũng có. Nhưng các bậc thánh, hay như người căn tính yếu kém như chúng ta, nếu biết tu tập tinh chuyên và có lòng từ bi vô lượng, đều có khả năng, không những vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân, mà còn khéo giúp người khác an tâm, không lo sợ. Tu tập hạnh từ bi có khả năng giúp mình vượt qua khổ hải và cũng giúp được người vơi bớt khổ đau. Vậy muốn có được năng lực vô úy thì chúng ta không thể thiếu hạnh từ bi.

Tuệ giác của pháp môn lắng nghe, không chỉ nằm trong việc lắng nghe âm thanh, lời nói, ngôn ngữ của người đối diện, mà còn vận dụng hết cả thân tâm mình từ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và cả ý căn, để hiểu thấu và thấy rõ từ cử chỉ, hành vi, và sắc diện của họ đang nói lên những gì, mà lời nói, ngôn ngữ chưa diễn đạt, trình bày được hết ý của câu chuyện.

Chỉ cần vận dụng một phần ba (1/3) năng lượng của tuệ giác lắng nghe là chúng ta đã có thể giúp vơi đi nỗi khổ của người khác nhiều lắm rồi. Nhưng tiếc thay, đa số chúng ta thích nói hơn là thích nghe nên năng lượng của tuệ giác lắng nghe ít khi được sử dụng. Sở dĩ, mình thích nói hơn lắng nghe vì bản ngã, hay cái ta, đóng vai trò lớn trong việc thể hiện tầm quan trọng của bản thân, con người mình. Không ai muốn đóng vai trò ‘thấp cổ, bé miệng bao giờ!’. Hiểu rõ được điều này và phải vận dụng nhiều công phu tu tập mới có được chút khả năng lắng nghe vi diệu của Bồ-tát Quán Thế Âm.

Nhân ngày lễ vía của Đức Bồ-tát, chúng ta hãy cùng nhau vận dụng hết năng lực của mình để nhất tâm tu tập nguyện noi theo công hạnh của Ngài và để xứng đáng làm một sứ giả của Bồ-tát Quán Thế Âm.

Tháng 10-2015
Tuệ Nghiệp

Thử hỏi lại mình

Thử hỏi lại mình

Đăng lúc: 21:19 - 24/11/2015

Có khi ngồi một nơi yên tĩnh nhìn lại chính mình, cuộc đời cứ trôi qua mang theo đó bao nhiêu vui buồn thương ghét. Chúng không mất mà nằm lại trong tàng thức, chẳng phân biệt sai đúng, tốt xấu, khổ vui, sanh tử hay Niết-bàn.

Chỉ ở chỗ, vui nhiều hơn buồn, thiện nhiều hơn ác, để rồi trong quá trình huân tập mà thọ nhận được cảnh an vui căn nghiệp của chính mình. Thấy người cứ loanh quanh khổ do chính mình tạo ra mà mình thấy khổ lây, như hiệu ứng dây chuyền, nhìn người ăn me chua mà miệng ứa nước miếng, trông thấy họ cắn đá lạnh mà mình thấy ê răng! Từ lục căn đến lục trần rồi đến lục thức. Cuộc sống cứ bám riết vào hiện tượng bên ngoài vốn vô thường nên khổ miết.


Là Phật tử, cần sống theo hạnh nguyện Bồ-tát Quán Thế Âm
Sống trong sân si, hơn thua lừa lọc, ăn miếng trả miếng, chỉ làm khổ mình khổ người ngay cả trong hiện tại cho đến tương lai. Chấp chứa chi trong lòng mà không buông bỏ, vất cái đau khổ đó đi?

Nói chung là chưa chịu xả.

Muốn xả được thì phải lắng nghe và thấu hiểu. Lắng nghe với một cái tâm không thành kiến và tỉnh thức phân biệt đúng sai trong chánh niệm để biết thương nhau hơn.

Trong kinh Tăng chi bộ (kinh Sáu pháp vô thượng), Đức Phật dạy:

“Thầy Tỳ-kheo phải tu sáu pháp vô thượng. Những gì là sáu?

1. Mắt thấy sắc, không ưa thích, ghét bỏ, trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.

2. Tai nghe tiếng, không ưa thích, ghét bỏ, trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.

3. Mũi ngửi mùi, không ưa thích, ghét bỏ, trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.

4. Lưỡi nếm vị, không ưa thích, ghét bỏ, trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.

5. Thân chạm xúc, không ưa thích, ghét bỏ, trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.

6. Ý đối với pháp, không ưa thích, ghét bỏ, trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.

Ai được sáu pháp này là bậc vô thượng, là phước điền của chúng sinh, xứng đáng cho trời, người tôn trọng, cung kính, cúng dàng”.

Chỉ vì không lắng nghe mà sinh ra hiểu lầm nghi kỵ, sinh ra thù hận. Chỉ vì không lắng nghe nên vườn hoa biến thành vũng lầy, từ đồng xanh biến thành hoang địa!

Không dừng lại ở cái “tiểu ngã” trong tôi mà còn phải nghe thấy cả tiếng gọi quanh đây của trời đất bạt ngàn “đại ngã” kia để có sự quán chiếu mà cảm thông gìn giữ cứu hộ bảo bọc sống cùng nhau trong cảnh hạnh hòa.

“Thương người như thể thương thân”, câu tục ngữ Việt Nam đầy tính nhân văn đã gắn liền trong tâm thức con người trong cộng đồng, là lời nhắc nhở phải biết yêu thương trân trọng người khác như chính bản thân mình.

Sống trong thế giới chấp thủ thường khiến mình đau khổ vì phân biệt nhị nguyên đúng sai giả thật, khi đã chấp ngã rồi thì lọt vào thế giới vô minh nên chẳng hiểu mình hiểu người, ví như làm cha mẹ không hiểu tánh tình con cái, đã vợ chồng lại chẳng thấu lòng nhau.

Không dừng lại ở đó, sự lắng nghe trong nhẫn nhịn, trong chịu đựng, chấp nhận và thấu hiểu như Đức Phật đã dạy cõi Ta-bà này biết bao nhiêu thống khổ cần sự bao bọc chở che đầy vị tha với tinh thần vô úy mới tìm đến an lạc.

Vậy, tại sao mình không đem nụ cười cảm thông đến với người cho cuộc đời thanh thản dễ chịu hơn? Bởi cái lẽ thật cuộc đời là thấy rõ cái bản chất của mình, cái chủng tử có từ muôn ngàn kiếp trước mắc lên thân người, mà thân người có gì bất biến để tâm phân biệt bao che buộc người khác làm theo ý mình để rồi tâm cứ chấp mãi chất chồng?

Nhà Phật có câu “người tu hành thì giận không quá một đêm”, đó cũng là một cách thấu hiểu và cảm thông trong cuộc sống vốn đầy trắc ẩn bộn bề sinh tử này.

Là Phật tử, sống theo hạnh nguyện Bồ-tát Quán Thế Âm, hàng ngày tụng niệm “Thề trọn đời giữ đạo, Theo tự tánh làm lành, Cùng pháp giới chúng sinh, Cầu Phật từ gia hộ”. Thế đã lắng nghe từ tự tánh thì nhận ra cái tâm vốn chẳng sanh chẳng diệt, chấp nhận cái “phiền toái” kia mà lấy làm tánh bồ-đề.

Biết lắng nghe cũng là một nghệ thuật như người mẹ hiểu con mình, như bác sĩ biết con bệnh, như Bá Nha gặp bạn tri âm Tử Kỳ. Thử hỏi, làm sao không hạnh phúc khi được người khác hiểu mình? Và, có những điều không thể nói, không thể hiểu thì “sự lắng nghe” kia cũng đã làm vơi bớt khổ đau của người khác rồi.
Thục Đ

Học Phật Bằng Cách Nào?

Học Phật Bằng Cách Nào?

Đăng lúc: 20:06 - 08/11/2015

Hỏi học Phật bằng cách nào, tức là hỏi đến phương pháp học Phật. Ở thế gian môn học nào cũng có phương pháp riêng của nó. Ví như môn toán học, người học trò trước phải biết số, kế học thuộc cửu chương, học cách cộng trừ nhân chia, lên nữa phải học công thức, phương trình v.v... Môn văn chương, trước phải biết chữ cái, học ráp vần, viết chánh tả, học văn phạm, tập cách làm văn v.v... Phương chi Phật pháp là môn học giác ngộ, mà không có phương pháp riêng của nó hay sao?


Phương pháp học Phật tức là ba môn Huệ học: Văn huệ, Tư huệ, và Tu huệ. Bởi vì muốn vào cửa giác ngộ không trí huệ thì không sao vào được. Phật pháp là chân lý, là những sự thật, nếu không có ngọn đuốc trí huệ soi sáng, làm sao chúng ta thấy mọi sự thật ở chung quanh, không cần trí huệ, chỉ dùng lòng tin đến với đạo Phật, để học Phật pháp, thật là sai lầm lớn lao. Đây là chứng bệnh trầm trọng của Phật tử hiện thời. Cần chữa lành bệnh này, chúng ta phải ứng dụng triệt để ba môn huệ học vào công trình tu học Phật pháp.

Thế nào là Văn huệ?
Văn là nghe, do nghe giáo lý Phật pháp, trí huệ mở sáng, gọi là Văn huệ. Chúng ta nghe Phật pháp qua lời giảng dạy của chư tăng, của thiện hữu tri thức đã tu học trước ta. Những lời giảng dạy ấy xuất phát từ kinh điển của Phật, trong đó chứa toàn lời lẽ chân chánh, chỉ bày mọi sự thật cho chúng sanh. Càng nghe, trí huệ chúng ta càng sáng. Hoặc chúng ta trực tiếp đọc kinh sách Phật, khiến mở mang trí huệ cũng thuộc Văn huệ. Chịu khó nghe giảng dạy, chịu khó nghiên cứu kinh sách Phật, đó là người biết từ cửa Văn huệ tiến thẳng vào ngôi nhà Phật pháp.

Thế nào là Tư huệ?
Tư là suy xét phán đoán, do suy xét phán đoán những lời dạy trong Phật pháp, trí huệ càng tăng trưởng. Chúng ta được nghe lời chỉ dạy của thầy bạn, dẫn từ trong kinh Phật ra, song nghe rồi tin liền là chưa đủ tư cách học Phật. Buộc chúng ta phải dùng trí phán đoán xem đúng hay sai, nếu quả thật đúng, từ đó chúng ta mới tin. Có thế mới thực hành đúng câu "các người phải tự thắp đuốc lên mà đi, thắp đuốc lên với chánh pháp" trong kinh Pháp Cú. Chúng ta muốn mở mang trí huệ, song tự mình làm sao mở được, phải mồi ngọn đuốc trí huệ của mình với ngọn đuốc chánh pháp của Phật, trí huệ mới phát sáng.

Mồi bằng cách nào?
Ví như chúng ta nghe vị Sư giảng rằng: "Tất cả thế gian đều là vô thường." Sau đó phải dùng trí huệ của mình phán đoán xem đúng hay không. Chúng ta tự đặt câu hỏi: tất cả thế gian đều là vô thường, có sự vật nào thoát ngoài luật lệ ấy chăng? Nếu có, câu nói này chưa phải chân lý. Bằng không, mới thật đúng chân lý, chúng ta sẽ hoàn toàn tin. Thế rồi, ta tự khảo sát :

Con người có phải vô thường không? Từ ông bà đến cha mẹ chúng ta đều có sanh ra, lớn lên, bệnh hoạn, già yếu rồi chết. Kể luôn cả ta, khi nào còn nhỏ bé, lớn lên, bệnh hoạn, già yếu, rồi cũng sẽ chết. Trong gia đình thân tộc chúng ta đã thế, ngoài xã hội cũng thế, cả nhân loại trên thế giới cũng thế; ngàn xưa là thế, mãi sau này cũng thế. Quả là con người vô thường.

Đến những sự vật, nào nhà cửa, bàn ghế, xe cộ... có bị vô thường không? Chính cái nhà của mình, khi mới cất thì tốt đẹp lành lặn, qua vài ba năm thấy cũ dần, đến năm mười năm thì hư sập. Cái bàn viết cũng thế, khi mới đóng, xem bóng loáng tốt đẹp, dùng mấy năm thấy đã cũ, tróc sơn khờn mặt, rồi đây sẽ mục nát hư hoại. Chiếc xe đạp khi mới mua đem về mới toanh, chạy được một năm vỏ đã rách, cổ lỏng, các con ốc lờn... vài năm nữa sẽ hư. Thế là, nhà cửa, bàn ghế, xe cộ... những vật cần dùng bên cạnh chúng ta thảy bị vô thường chi phối. Cho đến trăm ngàn vật khác, nếu khảo sát đều thấy đồng một số phận như nhau.

Chúng ta có thể kết luận rằng: "tất cả thế gian là vô thường", quả thật là chân lý. Ta tin chắc lẽ này, dù có ai nói khác đi, cũng không làm lay động được lòng tin của ta. Bởi lòng tin này đã được gạn lọc qua sàng lý trí, nên nó vững chắc không dễ gì làm lung lay.
Lại một thí dụ, chúng ta nghe vị Sư giảng lý luân hồi, bảo rằng: "Muôn vật ở thế gian đều xoay quanh vòng luân hồi." Ta tự đặt câu hỏi: Tại sao muôn vật đều luân hồi? Có vật nào không luân hồi chăng? Chúng ta bắt đầu xét từ thực vật:

Cây cối thành hình bắt nguồn từ hạt, hạt nẩy mầm tăng trưởng thành cây, nở hoa, kết trái; trái sanh hạt, hạt lại nẩy mầm... lộn đi đảo lại không cùng. Song đó là sự lộn đi đảo lại từ cây này sang cây khác, ngay bản thân cây ấy có đảo lộn vậy không? Cũng lộn đi đảo lại như thế. Thân cây hiện sống đây, do châm rễ hút đất nước... nuôi dưỡng mới được sanh trưởng, dần dần thành đại thọ. Rễ hút đất nước nuôi dưỡng thân cành lá, lá rụng biến thành phân đất, cành gãy mục cũng thành phân đất, thân cây ngã mục cũng trở về đất nước. Thân cây nhờ đất nước sanh trưởng, khi ngã mục lại trở về đất nước.

Nước do ánh nắng bốc thành hơi, hơi lên cao gặp khí lạnh đọng lại, rơi xuống thành nước; nước lại bốc hơi... mãi mãi không cùng.
To như quả địa cầu vẫn quay tròn quanh cái trục, sáng rồi tối, tối lại sáng. Căn cứ vào sự quay tròn của nó, người ta chia ra ngày giờ tháng năm, thời tiết xuân hạ thu đông, xoay vần thế mãi không cùng.

Do sự khảo sát trên, chúng ta khẳng định rằng "muôn vật ở thế gian đều xoay quanh vòng luân hồi", là sự thật không còn gì phải nghi ngờ.
Trên đây tạm cử vài thí dụ làm căn bản cho công cuộc suy xét phán đoán Phật pháp. Căn cứ vào đây, chúng ta phán xét những lời Phật dạy, hoặc chư tăng dạy trong những trường hợp khác. Có thế, mới phân biệt được chánh tà và mới đúng tinh thần người học Phật.

Thế nào là Tu huệ?
Sau khi phán xét lời Phật dạy là đúng, chúng ta đem áp dụng trong cuộc sống hằng ngày của mình, khiến chánh lý càng bày hiện sáng tỏ, là tu huệ. Ví như, đã biết rõ "tất cả thế gian là vô thường", chúng ta ứng dụng sự vô thường vào đời sống của mình, trong những trường hợp như sau:

Đã biết rõ thế gian là vô thường, khi gặp vô thường đến với bản thân, với gia đình ta, ta vẫn giữ bình tĩnh không hốt hoảng hãi sợ. Vì biết chắc điều đó ở thế gian không ai tránh khỏi, sợ hãi kinh hoàng chỉ làm rối thêm vô ích. Bởi không sợ nên tâm ta bình tĩnh sáng suốt, giải quyết mọi việc một cách tốt đẹp. Chúng ta vẫn đủ sáng suốt để khuyên giải cho những người đồng cảnh ngộ bớt đau khổ.
Biết rõ thế gian là vô thường, mọi sự tranh giành danh lợi, tài sắc... lòng ta nguội lạnh. Tranh giành những thứ tạm bợ ấy làm gì, để rồi chuốc khổ về mình, gây đau khổ cho người, rốt cuộc chỉ thành việc mò trăng bắt bóng. Lòng tham lam giành giật dục lạc thế gian, do đây dứt sạch.

Do thấy rõ lẽ vô thường, chúng ta không thể ngồi yên chờ chết. Phải cố gắng làm mọi việc lành, nếu cơn vô thường đến, chúng ta có muốn làm cũng không sao làm được. Lại biết quý tiếc thời giờ, một ngày qua rồi không tìm lại được, phải cấp bách nỗ lực làm lợi mình lợi người, không thể chần chờ.

Đó là ba trường hợp do biết "thế gian vô thường", chúng ta khéo ứng dụng tu hành trong cuộc sống hiện tại của mình. Bao nhiêu sự lợi ích tốt đẹp sẽ theo đó mà tăng trưởng. Sự tu hành ấy, đi đôi với tâm trí tỉnh táo sáng suốt, nên gọi là "Tu huệ".

Ví dụ khác, chúng ta nhận rõ "muôn vật luân hồi", liền ứng dụng lý luân hồi vào cuộc sống của mình. Nếu phải luân hồi, chúng ta chọn cái luân hồi nào tốt đẹp an ổn hơn. Ví như, biết các loài thảo mộc từ hạt nẩy mầm, sanh trưởng thành cây, đơm hoa, kết quả; hạt lại nẩy mầm... Chúng ta nên chọn lựa hạt tốt giống ngon đem ương, để sau này kết quả ngon, cho ta và mọi người được thưởng thức vị ngon. Cũng thế, trong vòng luân hồi bản thân ta cũng không thoát khỏi, ta cần tạo những nhân tốt, nhân an vui, để mai kia có lăn lộn cũng lăn lộn trong chỗ tốt, chỗ an vui.

Đã biết muôn vật luân hồi, chúng ta phải tìm xem nguyên nhân nào lôi cuốn vào trong ấy. Biết rõ nguyên nhân rồi, phải tìm cách thoát ra ngoài vòng luân hồi. Không đầu hàng khuất phục, để chịu lăn mãi trong luân hồi. Như các nhà khoa học nghiên cứu biết sức hút của quả đất, sau đó tìm cách chế phi thuyền đủ sức mạnh vượt ra ngoài vòng hút của quả đất, đi thẳng vào quĩ đạo v.v... Biết luân hồi để tìm cách thoát ra, chính là tinh thần "Tu huệ".

Văn huệ, Tư huệ rất cần thiết, song Tu huệ lại càng quan trọng hơn. Nếu có văn huệ, tư huệ mà thiếu tu huệ thì chỉ là huệ rỗng, không lợi ích thiết thực cho đời sống con người. Nhờ tu huệ mới thẩm định được giá trị văn, tư ở trên và giúp cho văn, tư được kết quả viên mãn.

Vì thế, đức Phật dạy hàng Phật tử đi chùa là cốt gặp Sư tăng, Sư ni, gặp Tăng ni rồi cần phải thưa hỏi Phật pháp, thưa hỏi xong phải ghi nhớ, ghi nhớ rồi cần phán xét, phán xét rồi phải tiến tu. Được vậy mới đúng tinh thần Phật tử (Phỏng theo bài kinh Ma-ha-nam trong Tập A-hàm). Bồ-tát Quán Thế Âm cũng trình với Phật, thuở quá khứ lâu xa Ngài gặp Phật dạy tu phương pháp văn, tư, tu được vào chánh định và cho hiệu là Quán Thế Âm (Kinh Lăng Nghiêm). Chính trong giới Bồ-tát, Phật cũng dạy "dù ở xa trăm ngàn dặm, nghe có người nói kinh luật, người mới thọ giới Bồ-tát cũng phải mang kinh luật đến đó học (Kinh Phạm Võng). Quả nhiên đức Phật không chấp nhận đệ tử tu hành tối dốt, phải đầy đủ ba môn huệ học, mới xứng là đệ tử của Ngài.

Ba môn huệ học này hoàn toàn thích hợp với tinh thần khoa học hiện nay. Bất luận môn học nào, trước tiên học lý thuyết, kế phê bình lý thuyết, sau thí nghiệm hay thực hành lý thuyết. Lý thuyết tức là văn huệ, phê bình tức là tư huệ, thí nghiệm tức là tu huệ. Có như vậy môn học mới tiến bộ và phát minh những điều mới lạ.

Tuy nhiên, về mục tiêu chánh yếu Phật học vẫn khác khoa học. Khoa học cốt phát minh mọi sự thật của ngoại giới, chinh phục giành quyền làm chủ thiên nhiên, bắt thiên nhiên làm theo ý muốn con người, để tạo vật chất dồi dào sung túc cho nhân loại. Phật học xoay lại ngự trị bản thân mình, gạn lọc đào thải những tâm thức nhơ xấu, kiến tạo một tâm hồn trong sáng an vui tự tại. Bởi khoa học gây tạo điều kiện vật chất dồi dào, nên con người dễ tranh đua giành giật kình chống lẫn nhau, Phật học cốt xây dựng tâm hồn trong sáng, nên người biết tu theo, lòng sẽ mở rộng thương yêu bảo bọc lẫn nhau.Vì thế, ba môn huệ học đều đặt căn cứ trên nguyên tắc "xem lại chính mình". Nắm vững nguyên tắc này, đọc kinh sách Phật, chúng ta nhận định phán xét không bị sai lẫn.
____________________________________
Được trích từ sách: BƯỚC ĐẦU HỌC PHẬT
HT. Thích Thanh Từ

Biết khổ, thể nghiệm khổ, không cho đấy là khổ

Biết khổ, thể nghiệm khổ, không cho đấy là khổ

Đăng lúc: 19:21 - 05/11/2015

Phật giáo bàn rất nhiều về sự khổ. Theo Phật giáo, đời người là một quá trình chịu nhiều cái khổ như khổ của sinh, khổ của già, khổ của bệnh, khổ của chết.


Ngoài ra, còn có các nỗi khổ khác như cầu không như ý, oán thù gặp gỡ, thân ngũ uẩn nung nấu, tất cả cộng lại thành tám nỗi khổ (Bát khổ). Lìa khổ, diệt khổ là mục đích cuối cùng của đạo Phật, nhưng trước khi lìa khổ, diệt khổ, điều quan trọng nhất là chúng ta phải biết nhận diện đau khổ.

Phật giáo phân tích về các nỗi khổ nhằm giúp chúng ta hiểu được những nguyên nhân chính tạo nên đau khổ. Nhưng, nếu chúng ta chỉ hiểu khổ trên mặt chữ, hiểu khổ qua sự miêu tả của người khác thì dù chúng ta có thuộc lòng hết tất cả các nỗi khổ mà chưa thực sự trải qua, chúng ta vẫn chưa thể thể nghiệm hết đau khổ. Vì thế, kiến thức về khổ trong Phật giáo bất quá cũng chỉ là sự miêu tả về khổ. Điều đó chưa đủ tạo sức mạnh cho chúng ta đối diện khổ, vì khi gặp tình huống bất ngờ không như mong đợi, chúng ta vẫn tham, sân, si; khi gặp những điều yêu thích vẫn tham lam, muốn thu nhận tất cả cho mình. Dù thế nào đi nữa thì con người cũng chỉ chạy loanh quanh các tâm lí tạo khổ như tham lam, sân giận, ngu si, ngạo mạn, nghi ngờ mà thôi, còn về bản chất của khổ là thế nào vẫn không thể nào biết được, điều này sẽ ngăn ngại khả năng thoát khổ của chúng ta.

Mọi việc chúng ta cần phải tự thân trải qua mới để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng. Nhiều người tìm hiểu Phật pháp liền biết ngay cuộc đời là biển khổ và từ đó họ chuyên tâm tu Phật. Phần lớn những người còn lại cần phải tự thân trải qua đau khổ như gặp tai nạn, qua cơn bệnh nặng, qua sự biệt li đau đớn mới hiểu đời là biển khổ. Ví dụ người may mắn duy nhất sống sót sau một vụ tai nạn máy bay hoặc người lâm bệnh thập tử nhất sinh nhưng được cứu sống mới hiểu thế nào là khổ. Khi trải qua được những nỗi khổ đó, họ sẽ có thái độ sống hoàn toàn khác. Sở dĩ như thế là vì họ đã từng “chết hụt” nên sẽ vô cùng quý trọng sự sống này. Cho nên, dù cuộc sống có khổ hơn, họ vẫn chịu đựng được, họ sẽ không còn thấp thỏm lo âu về cuộc sống như những người bình thường khác.

Ngoài ra, những người có người thân đột ngột qua đời sẽ nhận thấy sự mong manh của sự sống, từ đó họ trân trọng tình cảm với mọi người xung quanh. Để ghi nhận tình cảm của mình đối với người đã thiếu may mắn ra đi, họ sẽ có thái độ sống khác hoặc là làm từ thiện, cống hiến sức mình cho xã hội hoặc là hiến tài sản cho các nơi làm từ thiện. Nhờ tự thân trải nghiệm khổ, họ sẽ cảm nhận rất mạnh mẽ sự vô thường của cuộc sống; nhờ trải qua các nỗi khổ cùng tột đó, sau này họ sẽ không còn bị khổ “uy hiếp”, không còn thấy khổ nữa.

Từ những điểm trên, chúng ta thấy rằng các vị Bồ-tát chắc chắn tu tập từ trong những khổ đau của mình và chúng sinh vì các ngài là người dấn thân vào đời, chịu mọi đau khổ mà chúng sinh từng chịu nên khi dấn thân vào đó không còn thấy khổ mà chỉ thấy vui vì đã cứu giúp chúng sinh. Hơn nữa, các ngài vào trong đau khổ để cứu người khổ đau, như Bồ-tát Địa Tạng từng nói: Nếu ta không vào địa ngục thì ai vào địa ngục để cứu khổ chúng sinh? Quả thực, những người biết dấn thân vào đời thật vĩ đại biết bao!

Từ những ví dụ trên, chúng ta thấy rằng nếu muốn biết khổ, thể nghiệm khổ thì hãy biết rằng bản thân của khổ chưa từng tổn tại trong đời, thấy khổ không còn là khổ nữa. Tuy nhiên, chỉ những vị Bồ-tát và những người trải đời mới hiểu hết điều này.

Là một người tu hành Phật pháp, muốn lìa khổ, diệt khổ phải không ngừng tu tập, vượt qua trùng trùng chướng ngại của thân tâm để từ đó vượt lên tất cả khổ nạn.

HT. Thánh Nghiêm

Diệt trừ phiền não

Diệt trừ phiền não

Đăng lúc: 19:06 - 28/10/2015

Hỏi: Làm cách nào để diệt trừ được phiền não và niệm Phật được nhất tâm?



Đáp: Diệt trừ hết phiền não để niệm Phật được nhất tâm luôn là mục tiêu và nguyện vọng tha thiết của hầu hết những người tu tập theo pháp môn Tịnh độ. Tuy nhiên muốn làm được điều đó, trước tiên chúng ta cần phải biết được phiền não từ đâu có? Biết được cội gốc của nó nằm ở đâu, thì mới có thể diệt trừ. Trong Đại Thừa Khởi Tín Luận, Bồ tát Mã Minh chia tâm làm hai môn là Chân Như và Sinh Diệt. Một cái là tâm thể sáng suốt thanh tịnh và hai là cái tâm lăng xăng mê muội.

1- Nguồn gốc của phiền não:

Nếu chịu khó ngồi yên để quán xét kỹ, thì chúng ta sẽ biết được hằng ngày mình thường sống với cái tâm nào nhiều nhất. Khi ngồi tĩnh tọa hoặc niệm Phật hay nghe pháp, chúng ta có thấy được cái tâm sáng suốt thanh tịnh của mình không? Nếu không có nó, chúng ta không thể nghe thấy hay nhận biết được các sự vật ở bên ngoài. Tuy nhiên, thông thường chúng ta dễ bỏ quên cái tâm sáng suốt quý báu của chính mình, mà chỉ lo hướng theo sự nắm giữ những sự việc ở bên ngoài, cho nên suốt đời bị lầm lạc khổ đau. Trong kinh Pháp Hoa, đức Phật nói rằng: “Chư Phật ra đời vì một đại sự nhân duyên là khai thị cho chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến”. Tất cả các đức Phật, từ Phật Tỳ Bà Thi, Phật Thi Khí, Phật Câu Lưu Tôn, Câu Na Hàm, Phật Ca Diếp, Phật Thích Ca và cho đến sau này là Phật Di Lặc ra đời cũng chỉ vì một lý do cực kỳ quan trọng là chỉ bày cho mọi người thấy được cái tâm thanh tịnh, sáng suốt chân thật sẵn có ở ngay nơi mình, mà không phải làm một việc gì khác hơn nữa.

Đức Phật không bắt buộc tất cả mọi người phải bỏ hết vợ con, tài sản để đi vào chùa để được giải thoát. Nếu sống trong chùa mà không hóa giải được phiền não, thì chạy đi đâu cũng không thể thoát khổ. Bởi vì phiền não không ở ngoài tâm này, cho nên nếu không biết tu tập thì dù có bay lên trời cũng vẫn bị đau khổ phiền muộn. Những vật chất có hình tướng thì có thể vứt bỏ, còn cái tâm không hình tướng này thì làm sao bỏ? Chỉ còn cách quay trở về tâm này xét sâu cội gốc, tìm ra nguyên nhân mà hóa giải nó, thì mới được yên ổn. Chính cái tâm này là cội gốc của khổ đau phiền muộn và cũng chính nó là nguồn gốc của an lạc giải thoát.

2- Diệt trừ phiền não:

Muốn phá trừ tâm bám chấp vào thân này, thì cần phải thấy rõ được cội gốc của sự thật. Sự thật ấy nằm ở ngay nơi sự vay mượn trong từng hơi thở, không có gì là bền chắc của cái thân này. Do chúng ta không biết tu, không hiểu đạo và không gặp được chánh pháp, cho nên cả một đời cứ chạy theo hơn thua, phải quấy, được mất và vất vả tranh đấu, ra sức bon chen với cuộc sống cũng chỉ vì lo cho cái thân này được ăn ngon, mặc đẹp, ở sang. Lúc nào cũng muốn cho nó được đầy đủ sung sướng. Tuy nhiên, dù mình yêu quý, giữ gìn và lo lắng hết mức như vậy, nó vẫn không chung thủy với mình. Rồi một ngày nào đó, nó cũng bỏ mình ra đi không một lời từ biệt. Một khi bác sĩ tuyên bố thân này đã bị ung thư vào giai đoạn cuối hoặc nhiễm siêu vi B, C.v.v… thì mình chỉ còn biết khóc than. Thân này không bảo đảm bền chắc, dù có tồn tại lâu dài thì cuối cùng nó cũng phải đi đến chỗ hoại diệt. Do không thấu rõ được lẽ thật của thân này, cho nên chúng ta luôn bám chấp vào nó và lấy nó làm sự sống, cho nên đức Phật gọi đó là sự si mê hoặc vô minh.

Hai chữ ‘thọ trì’ có ý nghĩa rất quan trọng trong sự tu học của chúng ta. ‘Thọ’ là nhận và ‘Trì’ là giữ. Nắm giữ danh hiệu Phật tức là chúng ta luôn giữ cho tâm của mình lúc nào cũng thanh tịnh sáng suốt. Chỉ cần sơ ý phóng tâm, buông mất câu danh hiệu Phật thì liền thấy người và vật có tốt, xấu, phải, quấy, hơn, thua. Làm mất tâm thanh tịnh trong sáng để chạy theo những ý niệm chúng sinh và chuốc lấy phiền não. Nếu trong đời sống hằng ngày, chúng ta cứ mãi chạy theo những tâm niệm phiền não, mê lầm thì sẽ còn tạo nghiệp và bị khổ đau hoài, không thể nào dừng lại. Niệm Phật chính là con đường ngắn nhất để quay trở về cái tâm thanh tịnh sáng suốt. Tâm thanh tịnh sáng suốt đó không có tạo nghiệp xấu ác, cho nên không có chiêu cảm quả báo khổ. Tu hành là cốt để trở về với cái tâm thanh tịnh, không còn sống với phiền não vô minh và nhận lấy khổ đau nữa. Mỗi khi gặp việc buồn giận hoặc vui thích thì đều phải nhanh chóng quay trở về niệm thầm danh hiệu Phật: “Hít vào A Di; Thở ra Đà Phật”, mạng này chỉ tồn tại trong một hơi thở, thì hơn thua hoặc yêu ghét làm chi cho thêm mệt, trở về với tâm an lạc sáng suốt cho nhẹ khỏe. Luôn sống đúng như vậy là giữ được tâm thanh tịnh ngay trong môi trường ô nhiễm loạn động và được giải thoát ở ngay trong sự ràng buộc. Đó chính là phiền não tức Bồ đề.

Ngay từ bây giờ, nhiếp tâm vào từng danh hiệu Phật trong mỗi hơi thở, mỗi khi ăn uống, ngủ nghỉ hoặc mỗi lúc mặc quần áo cần phải thấy rõ được lẽ thật vay mượn mong manh của thân này, buông xả muôn duyên huyễn hoặc. Thực hành quán xét như vậy thì định huệ đầy đủ chỉ trong một danh hiệu Phật và dần dần chúng ta có được sức mạnh của trí tuệ để phá vỡ bức màn vô minh mê lầm. Khi mọi phiền não tan hết và trí huệ tròn sáng đầy đủ, thì hoặc nghĩ, nói hay làm việc gì cũng ở trong cái tâm an lạc sáng suốt và đều phù hợp với chánh pháp. Làm tất cả phước đức, công đức đó để trang nghiêm cho pháp thân thanh tịnh của mình trong kiếp này và muôn kiếp về sau. Đời này, chúng ta tu học theo chánh pháp được an lạc tốt đẹp, trang nghiêm thì đời sau sinh ra sẽ được công đức, phước huệ tròn đầy. Hạt giống tu tập đó được nhân thêm nhiều hơn trong những kiếp sau nữa và cứ tiếp tục tu tiến mãi cho đến kiếp cuối cùng khi tròn đầy công đức như Phật. Đức Phật đã chỉ dạy cho chúng ta con đường tu tập an lạc, giải thoát duy nhất này, dù tìm khắp cả thế gian cũng không có con đường nào khác, do đó mọi người cứ vững lòng mà tiến bước. Tu hành đúng theo chánh pháp thì ngay trong đời sống này luôn được an vui và khi chết sẽ nhẹ nhàng vãng sinh về Cực Lạc.
Thích Minh Thành

water leaves fallen leaves HD Wallpapers

Cuộc Ðời Tương Ðối Mà

Đăng lúc: 08:08 - 02/08/2015

Hầu hết chúng ta đều mắc phải cái bệnh “đòi hỏi tuyệt đối”. Giàu thì mình muốn giàu hơn tất cả, sang cũng muốn mình sang hơn tất cả, cho đến đẹp, giỏi, khen, đều là hơn tất cả. Có cái gì thua kém hơn người là buồn, tủi, bực dọc không hài lòng. Do đó cộc sống không thấy có hạnh phúc, vì thấy mình còn thua người này kẻ nọ. Hoặc than trách người thân của mình sao không được như ý mình muốn. Những nỗi khổ đau buồn bực ấy đều do không hiểu “cuộc đời tương đối mà!”
Muôn Vật Tương Ðối
Muôn vật hiện có trên cõi đời đều là tương đối. Người thì có nam nữ, loài vật thì có giống đực giống cái, điện thì có điện âm điện dương…, từ lý tương đối ấy mà sinh ra vạn vật. Chính lý tương đối là gốc sinh hóa vô cùng vô tận. Nếu chúng tách rời sự vật ra từng phần đơn độc thì sự sinh hóa phải dừng lại. Cuộc sống chúng ta là tương quan trong cái đối nghịch, sinh trưởng trong cái chống chọi. Như thế, làm sao chúng ta tìm ra sự bình an hoàn toàn, sự hạnh phúc miên viễn trong cuộc đời tương đối. Sáng suốt nhất là chúng ta nhìn sự tương đối là lý đương nhiên, không oán hờn, không trách cứ trước mọi sự việc trái ngược nhau. Ðồng thời chúng ta khéo lợi dụng lý tương đối tạo thành những công năng hữu ích cho con người. Thí dụ nước với lửa là đối nghịch nhau, song nếu chúng ta khéo dùng lửa đun sôi nước để nấu chín các thức ăn… Ðiện âm điện dương đối nghịch nhau, chạm nhau làm tóe sáng, con người khéo lợi dụng sự phát sáng đó tạo ra vô số công năng của điện… Chừng đó chúng ta mới thấy sự hữu dụng của nước với lửa, của điện âm điện dương phục vụ cho con người một cách hữu hiệu. Chúng ta cứ sợ nước dập tắt lửa, tách rời xa chúng thì chúng ta có được lợi gì trong cuộc sống. Như vậy, chúng ta không sợ sự đối nghịch của vạn vật mà chỉ khéo léo sử dụng sự đối nghịch một cách hữu hiệu trong cuộc sống của chúng ta.
Bản Thân Con Người Tương Ðối
Con người có hai phần vật chất và tinh thần, cả hai phần này đều là tương đối.
Phần vật chất: – Ðức Phật phân tích một cách đơn giản, trong cơ thể con người do bốn thứ cất tạo thành. Phần cứng rắn là đất, phần thấm ướt là nước, phần nóng ấm là lửa, phần chuyển động là gió. Bốn phần này chung họp làm thân con người và tồn tại một thời gian. Nếu thiếu một trong bốn phần, thân này phải bại hoại. Bản thân bốn phần này lại đối nghịch nhau, nước chống với lửa, gió chọi với đất. Cho nên trong khi nước thạnh lửa suy thì sanh ra bệnh lạnh, hoặc phù thủng…, ngược lại khi lửa thạnh nước suy thì sinh ra bệnh nóng, nhức đầu…, khi gió thạnh đất suy thì sanh ra bệnh đau nhức khắp thân thể; khi đất thạnh gió suy thì sanh ra bệnh tê liệt, khó thở … Do đó mang thân này suốt đời chúng ta phải điều hòa tứ đại. Tứ đại được điều hòa thì thân mới mạnh khỏe an ổn, ngược lại thì đau ốm liên miên. Bốn thứ đối nghịch này, chúng ta có nên hủy hoại nó không, nếu chúng ta còn muốn sống? Hay mỗi ngày chúng ta cố gắng điều hòa chúng để cho thân này được an ổn. Bốn thứ thù nghịch nhau, song nhờ bốn thứ mà thân này mới tồn tại. Như thế chúng ta sợ ghét sự chống đối hay khéo điều hòa sự chống đối ? Muốn thân này còn sống được an ổn, không cách nào hơn chúng ta phải biết điều hòa chúng một cách thích hợp. Ðó là khôn ngoan, là biết sống.
Phần tinh thần- Nội tâm chúng ta đối nghịch nhau rất là phức tạp. Ở đây tạm chia tâm niệm thiện và tâm niệm ác đối nghịch nhau. Song khi niệm ác dấy lên thì niệm thiện ẩn đi, ngược lại khi niệm thiện dấy lên thì niệm ác trốn mất, hai thứ đối nghịch nhau mà không đồng thời. Vì thế nếu biết tu, chúng ta luôn luôn nuôi dưỡng niệm thiện thì niệm ác lặn mất. Nếu người không biết tu, cả ngày dung chứa niệm ác thì niệm thiện không bao giờ xuất hiện. Nuôi dưỡng niệm thiện là bậc hiền thánh, dung chứa niệm ác là kẻ bạo tàn. Chúng ta trọn quyền tạo lập cho mình một chỗ đứng vào hàng thánh thiện, cũng chính chúng ta tự bước lùi vào hang quỉ, chỗ thú cầm. Không ai bắt buộc, không ai lôi kéo chúng ta đến nơi này hay nơi nọ. Do đó, đức Phật dạy chúng ta tu quán từ bi để trừ tâm sân hận, quán tứ niệm xứ để diệt mê lầm, hoặc niệm danh Phật để át tạp niệm…Chúng ta có đủ khả năng làm hiền thánh, chúng ta cũng có đủ chủng tử ngạ quỉ súc sanh. Bởi vậy nói tu tâm là chúng ta khéo điều phục những tâm niệm xấu ác, nuôi dưỡng những tâm hiền thiện. Khi sắp lâm chung, những tâm niệm nào mạnh sẽ lôi chúng ta đến cảnh tương xứng. Vì tâm niệm là gốc của luân hồi sanh tử.
Thế thì bản thân chúng ta từ vật chất đến tinh thần đều là tương đối. Như vậy chúng ta không ưa tương đối, chạy trốn tương đối có được không? Quả là điều dại khờ. Chúng ta phải khôn ngoan sáng suốt tìm mọi cách điều hòa cho thân an ổn, chinh phục cho tâm hiền thiện. Ðây là việc làm của người biết sống và sống vươn lên.
Tương Quan Mình và Người
Trong cuộc sống tương quan giữa mình và mọi người chung quanh, hầu hết chúng ta mắc phải cái bệnh“cầu toàn trách bị”. Chúng ta đòi hỏi những người sống gần với mình phải vẹn toàn một trăm phần trăm như ý mình muốn, phải đầy đủ hoàn toàn những điều như tâm mình tưởng. Nếu những người thân chỉ được tám chục phần trăm trong sự đòi hỏi của mình, sống gần gũi lâu ngày còn hai chục phần trăm bất như ý sẽ làm chúng ta sinh bực bội chán chường. Sao chúng ta không đặt lại câu hỏi, chính mình có được vẹn toàn mọi điều như ý mình muốn chăng? Hẳn là không. Mình đã không được vẹn toàn, sao lại đòi hỏi người phải vẹn toàn, có phải là bất công, phi lý không? Ngày xưa ở các nước Ðông Phương quyền lập gia đình cho con cái là ở cha mẹ, cha mẹ định sao con cái phải nghe vậy. Do đó có những gia đình vợ chồng không hòa thuận vì không cảm thông nhau, nên đi đến đổ vỡ ly dị. Ngày nay ở các nước Tây phương con cái được quyền chọn lựa đôi bạn cho mình. Họ có quyền sống gần với người họ chọn lựa một thời gian, sau mới quyết định thành đôi bạn hay không, cha mẹ không được quyền can thiệp đến đời tư của họ. Thế mà khi đã thành đôi bạn, lại vẫn ly dị nhau. Ðây là lỗi tại ai, cha mẹ ép buộc chăng? Quả thực đây là cái bệnh đòi hỏi vẹn toàn một trăm phần trăm theo ý mình muốn. Bởi không có ai thỏa mãn sự đòi hỏi cuả mình nên từ thân biến thành sơ. Thế là cứ ly dị mãi, đến già trở thành người cô độc. Chúng ta còn thêm lắm bệnh. Nào là muốn ai cũng khen mình, có người chê là buồn khổ. Muốn mọi người gần mình phải tuyệt đối tuân theo sự sắp đặt của mình, nếu 80 điều họ theo, còn 20 điều họ chống là giận dữ bực tức. Ðòi hỏi người thân của mình phải tốt tuyệt đối, nếu họ có vài ba điều xấu liền chán nản muốn lánh xa. Ðến tình cảm thương yêu cũng vậy, bắt buộc người thân của mình phải thương yêu mình tuyệt đối, nếu bị chia xẻ cho ai, dù người ấy là thân thuộc hợp lý, vẫn cảm thấy buồn. Chính vì lòng tham đòi hỏi quá đáng, khiến người chung quanh chúng ta muốn từ từ xa lánh chúng ta. Ðây là vì không biết cuộc đời là tương đối, nên không thông cảm với mọi người chung quanh, kết quả tự chuốc lấy khổ đau cô độc. Trái lại, chúng ta tập nhìn mọi người với cặp mắt tương đối, không đòi hỏi quá đáng, dễ thông cảm tha thứ nhau. Ðược vậy đời sống sẽ vui tươi, người thân đông đảo, dễ dàng đạt được hạnh phúc.
Bệnh Thần Tượng
Chúng ta dễ mắc cái bệnh “thần tượng hóa” người mình quí kính. Người mình quí kính là thánh thiện một trăm phần trăm, nếu thân cận một thời gian, thấy vị ấy còn một vài điều phàm tục, “thần tượng” liền sụp đổ. Từ đây ta sanh tâm khinh nhờn cho đến bất mãn, không còn tin tưởng vào ai nữa. Ðây là một trọng bệnh, khiến ta tự cao ngạo mạn, mất lòng tin. Khi trước do tin vào bậc thầy thánh thiện nên ta tinh tấn tu hành, nay mất lòng tin rồi sinh bê tha hư đốn. Tại sao ta không sét nét kỹ càng xem, bậc thầy kia hơn mình bao nhiêu phần? Nếu ta có hai mươi phần trăm tốt, vị thầy có đến bốn chục phần trăm hay sáu chục phần trăm thì đáng cho mình học tập theo. Vì vị ấy đã tốt hơn mình gấp đôi gấp ba, còn chê trách nỗi gì. Bởi vì vị thầy chưa phải là thánh, là Phật làm sao hoàn toàn thánh thiện được. Chúng ta cảm thông vị ấy đang tu, là còn những cái dở để sửa, để bỏ. Bồ tát vẫn còn vi tế vô minh, nếu sạch hết vô minh là thành Phật. Biết rõ cái tốt của những vị mình quí kính là tương đối, thì mình kính tin vừa phải, chừng mực, không “thần tượng hóa”. Nếu vị thầy ấy còn vài nét phàm tục, mình cũng cảm thông tha thứ, vì đây là người đang tu đang tiến, đừng đòi hỏi qúa đáng. Hoặc giả ngày xưa mình tin vào vị thầy gần như tuyệt đối, vị ấy dạy gì mình cũng cố gắng làm cho được, nhờ đó trên đường tu mình tiến bộ vượt bực. Nay mình mất lòng tin ở vị thầy ấy, sinh tâm lui sụt, đây là điều sai lầm. Tại sao mình không nghĩ, ta tu là ta tiến, thầy tu thì thầy tiến. Ðâu phải thầy tu hay ta mới tiến, thầy tu dở ta bị lùi. Phải tin vào mình, phải trông cậy vào mình. Phật dạy” “các ông phải tự thắp đuốc lên mà đi”, lại “các ông phải làm cồn đảo cho mình”. Thế nên, không vì “thần tượng sụp đổ” mà ta lùi bước. Chính chúng ta phải nhìn các bậc thầy quí kính vẫn là tương đối thì chúng ta khỏi chới với khi trông thấy vài nét phàm tục của các ngài.
Lục Tổ Dậy 36 Pháp Ðối
Trong kinh Pháp Bảo Ðàn, Lục Tổ dạy đệ tử sau này có ai hỏi đạo nên dùng 36 pháp đối để trả lời thì không sai tông chỉ nhà thiền. Nếu người hỏi “có” lấy “không” đáp, người hỏi “sáng” lấy “tối” đáp… Tại sao ? Vì nhơn “không” mà lập “có”. Bởi có cái “không” mới thành lập cái “có” không có cái “không” thì cái “có” cũng chẳng thành. Ngược lại, nhơn cái “có” mà lập cái “không”, nếu chẳng có cái “có” thì cái “không” cũng vô nghĩa. Ðến cái sáng cái tối cũng thế. Do tối mới lập sáng, nhơn sáng mới nói tối. Hai cái nương nhau mà thành, không có thật pháp. Tất cả sự vật ở thế gian đều là đối đãi nhau mà lập, không có một pháp nào là thật. Thế mà chúng ta chấp thật pháp, thật ngã, tăng trưởng si mê, chìm đắm mãi trong biển luân hồi sanh tử. Dưới con mắt của Phật của Tổ thấy rõ các pháp như huyễn như hoá, nên các ngài vượt ra ngoài vòng sanh tử luân hồi. Thấy tất cả là tương đối hư giả là cái thấy của người giác ngộ.
Chỉ Tâm Chẳng Sanh Diệt Là Tuyệt Ðối
Tuy nhiên trong cuộc đời tương đối vẫn có cái tuyệt đối mà ít ai biết đến. Chúng ta cứ quen chạy theo hình sắc thanh âm là những thứ vô thường sanh diệt. Ngay cái sanh diệt lại đòi cho được tuyệt đối, quả là chúng ta bắt bóng mò trăng. Làm gì có, ngay cái đối đãi sanh diệt lại là tuyệt đối vô sanh. Khi chúng ta vươn theo hình thức sự vật mà mong được cái chẳng sanh chẳng diệt. Hãy nghe hai câu sau trong bài kệ trình kiến giải lên Ngũ Tổ của người cư sĩ họ Lư: “Xưa nay không một vật, chỗ nào dính bụi nhơ”(Bản lai vô nhất vật, hà xứ nhạ trần ai). Có vật là vô thường sinh diệt, dù cứng như chất kim cương, cũng là vô thường sinh diệt. Chỉ có tâm thể không hình tướng, không dấy động mới là bất sanh bất diệt. Tâm thể vượt ngoài đối đãi hai bên, vĩnh hằng bất biến. Vừa thấy hai bên là mất tâm thể rồi. Cho nên Tổ Tang Xán kết thúc bài Tín Tâm Minh nói “Tín tâm bất nhị, bất nhị tín tâm” (Tin tâm không còn hai, không hai tin tâm). Có hai còn là đối đãi, không hai thì đối đãi với cái gì. Chính cái vượt ngoài đối đãi mới thực sự là tuyệt đối. Cái tuyệt đối có sẵn nơi mọi người chúng ta không phải tìm kiếm bên ngoài. Biết buông tâm niệm đối đãi, sống bằng thể không đối đãi là người giác. Trái lại, chạy theo tâm niệm đối đãi sinh diệt, quên mất tâm thể bất sanh bất diệt là ngưòi mê.
Kết Thúc
Con người chán nản ê chề khổ đau cùng cực, vì những thần tượng của mình dựng nên đều sụp đổ. Còn tin tưởng vào đâu khi lòng tin tuyệt đối dồn vào các thần tượng, mà nay tan vỡ hết rồi. Ðây là người mắc bệnh thiếu thực tế, lúc nào cũng lý tưởng hoá kẻ khác. Khi lý tưởng bị thất vọng, họ đâm ra thù ghét chán chường. Cộng thêm bệnh đòi hỏi quá đáng, khiến họ không bằng lòng một ngừơi nào trên thế gian này. Thế là, họ đang sống trong đông đảo quần chúng, mà cảm thấy như mình lang thang trong bãi sa mạc. Sự chán đời tuyệt vọng của những người này phát xuất từ sự gởi gấm tất cả lòng tin vào kẻ khác. Chúng ta phải khôn ngoan nhìn mọi người bằng con mắt tương đối, tin mọi người bằng lòng tin giới hạn. Chúng ta sẽ bằng lòng trong đời sống này, và sẽ cảm thông tha thứ những người thân với mình khi họ phạm phải sai lầm. Chúng ta còn chỗ nương dựa duy nhất là chính mình. Mình sẵn có hòn ngọc quí mà lâu nay đã quên lãng.Hôm nay khéo tay mở chéo áo lấy hòn ngọc đem ra dùng, đời ta sẽ hạnh phúc biết là bao!
HT. Thích Thanh Từ

Người trí dưỡng tâm, người ngu nuôi thân

Người trí dưỡng tâm, người ngu nuôi thân

Đăng lúc: 07:52 - 31/07/2015

Kính chào quý thầy, quý cô, cùng quý vị Phật tử! Hôm nay tôi muốn chia sẻ cùng đại chúng một câu chuyện trong kinh Phật. Câu chuyện này được trích từ Kinh Pháp Cú Thí Dụ quyển 3, phẩm Quảng Diễn thứ 29, trong Đại Chánh Tạng, quyển 4, trang 598a24-b29.
pb
Ngày xưa, lúc Đức Phật đang ở tại nước Xá Vệ, hoằng dương Chánh pháp, giáo hóa chúng sanh gồm: trời, rồng, quỷ thần, đế vương cho đến người dân trong vùng. Đại chúng thường đến bên Ngài để được nghe thuyết pháp.
Lúc bấy giờ, đứng đầu đất nước là vua Ba Tư Nặc, cá tính của vua rất kiêu mạn, phóng túng tình dục, không thâu nhiếp sáu căn; mắt luôn bị sắc làm mê hoặc; tai đắm nhiễm những tiếng dua nịnh, mũi chỉ thích ngửi những hương thơm, miệng thích nếm những vị hương như: ngọt, chua, cay, đắng, mặn v.v… Thân thể lại thích mặc những thứ vừa mượt mà vừa êm dịu. Đặc biệt là đồ ăn thức uống, đòi hỏi phải là những thứ cao lương mỹ vị, chưa từng biết đủ. Vua ăn ngày càng nhiều, nhưng lúc nào cũng cảm thấy bụng đói. Chính vì thế mà người làm bếp suốt ngày phải tất bật nấu nướng để kịp dâng thức ăn, vì miệng nhà vua suốt ngày không ngừng nghỉ, cứ ăn liên tục, lâu ngày trở thành thói quen.
Cũng không biết từ lúc nào, thân thể của vua Ba Tư Nặc trở nên béo phì, béo đến nỗi mỗi lần lên hoặc xuống xe ngựa, đều cảm thấy vô cùng khó khăn. Không những thế, mà đến cả lúc ngủ hay thức dậy, đều có cảm giác hơi thở không được nhẹ nhàng, có lúc bị đứt quãng cho đến khi tỉnh giấc. Cứ như thế, ngồi hay nằm đều không được yên, rên rỉ thống khổ, nặng nề đến nỗi trong lúc ngủ muốn trở mình cũng khó khăn. Vua cảm nhận mập như vậy vô cùng mệt nhọc, bèn sai người chuẩn bị xe ngựa, cố gắng hết sức đi về phía đức Phật đang cư trú.
Vua Ba Tư Nặc sau khi được gặp đức Phật, người hầu cận liền đỡ nhà vua đứng lên để xá chào, sau đó đứng qua một bên chắp tay búp sen và bạch cùng Đức Phật rằng: “Thưa Thế Tôn! tôi đã lâu không đến thăm, vấn an sức khỏe Ngài, cũng đã lâu lắm không đến thỉnh giáo Ngài. Tôi không biết tự mình đã tạo ra những lỗi lầm gì, khiến cho thân thể của tôi nặng nề đến như thế này? Chính tôi cũng không biết lí do tại sao như vậy? Mỗi khi nghĩ đến vấn đề này, trong lòng tôi cảm thấy vô cùng hổ thẹn, chính vì thế trong thời gian qua, tôi không thể đến thăm hỏi và được nghe Ngài chỉ dạy, cúi mong Đức Thế Tôn liễu tri”.
Đức Phật liền nói với nhà vua rằng, có năm điều khiến cho thân thể dễ bị béo phì:
Thứ nhất là thường xuyên ăn và ăn quá nhiều.
Thứ hai là chỉ thích ngủ.
Thứ ba là tâm phóng túng.
Thứ tư là không có lo lắng.
Thứ năm là không có bận bịu.
Năm nguyên nhân kể trên sẽ khiến cho con người dễ mập. Nếu nhà vua không muốn thân thể trở nên nặng nề như thế, thức ăn, thức uống cần có liều lượng, đồng thời không nên đòi hỏi quá cầu kỳ, chỉ nên dùng các món đơn giản có nguồn gốc thực vật, có như thế tự nhiên sẽ ốm trở lại. Và Đức Phật liền vì nhà vua mà nói bài kệ, đại ý như sau:
“Trong lúc dùng cơm, chúng ta nên khởi niệm như vầy: tự mình phải biết điều tiết phần ăn, vì ăn uống quá độ là nguyên nhân sanh ra bệnh tật. Ăn uống có liều lượng, thì bao tử sẽ dễ dàng tiêu hóa thức ăn, nhờ thế mà cơ thể được khỏe mạnh, tuổi thọ được kéo dài”.
Nhà vua nghe xong rất là vui mừng, liền gọi người đầu bếp đến và bảo rằng: “Nhà ngươi nên học thuộc bài kệ này ngay, và mỗi lần trước khi dâng thức ăn lên cho Trẫm, hãy đọc bài kệ của Đức Thế Tôn, rồi mới soạn thức ăn ra”. Sau đó, nhà vua hướng về phía Đức Phật cáo từ, rồi trở lại hoàng cung. Người đầu bếp cũng y theo lệnh của vua mà thực hành, mỗi lần dâng thức ăn lên đều đọc bài kệ cho vua nghe.
Nhà vua mỗi lần được nghe kệ, cảm thấy rất vui, mỗi ngày ăn ít lại một muỗng, yêu cầu thức ăn cũng được giảm dần, thân thể từ từ trở nên nhẹ nhàng, và đã bắt đầu ốm dần đi, trở lại cái phong thái của ngày xưa.
Nhà vua nhận ra mình đã thay đổi rất nhiều, lấy làm vui thích tột cùng, cảm thấy rất nhớ Đức Thế Tôn và muốn đến gặp Ngài. Bây giờ mỗi khi cần di chuyển, chỉ muốn được tự mình bước đi, nên lần này chỉ một mình vua đi đến chỗ đức Phật đang cư trú và đảnh lễ Ngài.
Đức Phật mời nhà vua ngồi xuống bên cạnh và hỏi rằng: “Xe ngựa của vua ở đâu, và những người hầu cận của vua đâu hết, tại sao vua lại đi một mình đến đây?”. Nhà vua trong niềm hân hoan trả lời: “Tôi nhờ thực tập lời dạy của Thế Tôn, bây giờ cảm thấy thân thể nhẹ nhàng đi rất nhiều, đây chính là nhờ công ơn của Ngài. Nhờ đó hôm nay tôi có thể đi bộ đến đây, và cũng rất muốn biết tại sao lại kỳ diệu đến thế”.
Đức Phật nói với nhà vua rằng: “Người ở thế gian tại sao lại khổ? Bởi vì họ không biết vô thường nên chấp trước, chỉ biết để hết lòng vào chăm sóc cái sắc thân giả tạm này, chăm lo cho dục vọng, chưa một lần để ý đến việc vun bồi phước đức. Con người sau khi nhắm mắt xuôi tay, thần thức ly tán, lưu lại nhiều nhất cũng chỉ là xác thân vùi trong nấm mộ, muốn mang theo gì có được đâu.
Chính vì thế mà người trí, luôn đặc biệt quan tâm đến tâm ý, còn người kém trí chỉ biết nuôi dưỡng xác thân. Người trí luôn vui thích vun bồi phước đức, trí tuệ, không biết mỏi mệt, còn người kém trí chỉ biết trau chuốt khối thịt của bản thân. Nếu chúng ta hiểu được điểm này, cần phải tinh tấn tu tập, thực hành những lời mà đức Phật đã dạy”.
Đức Phật lại nói thêm một bài kệ khác:
“Một người không được nghe Chánh pháp, về sau cũng như một con bò già, chỉ biết nuôi dưỡng cái thân xác cho nặng ký, mà cái đầu lại thiếu trí tuệ.
Sống, chết vô thường, không có cái gì có thể bám víu lâu dài được. Một người không được nghe Chánh pháp, cuộc sống của họ trôi qua thật bạc bẽo, phải chịu thống khổ trong luân hồi. Chúng ta chỉ biết bám víu vào thân thể, tham đắm nơi cái thân này, nên đau khổ không có lối thoát.
Người có trí tuệ, thấu hiểu được sự thống khổ như vậy, nên không bận tâm, chấp trước nơi sắc thân, có thể đoạn trừ vọng tưởng, tham dục, mong cầu, liền chứng đắc vô sanh nên được giải thoát”.
Nhà vua nghe xong bài kệ, vô cùng hoan hỷ, tâm ý mở ra và thấu hiểu được nên đã phát khởi tâm vô thượng bồ đề. Những người cùng nghe pháp, cũng được lợi ích lớn, thấy rõ pháp nhãn thanh tịnh nên được ngộ đạo.
Câu chuyên này muốn khuyên chúng ta, người có trí tuệ là người biết chăm sóc và nuôi dưỡng tâm thức, người kém trí tuệ thì chỉ biết nuôi dưỡng xác thân. Còn chúng ta đây, đang nuôi dưỡng xác thân phải không? Hay là đang vun bồi trí tuệ? Câu chuyện này xứng đáng cho mọi người học tập và thức tỉnh, tôi chọn ra chia sẻ, để chúng ta cùng cố gắng.
Câu chuyện này cũng được nhắc đến trong kinh Tạp A Hàm, quyển 42, kinh số 1150 nhưng ngắn hơn, còn câu chuyện trong kinh Pháp Cú thì có thêm bài kệ, nội dung phong phú hơn.
Chúng ta hãy cùng nhau tinh tấn!
(Lớp giáo dục Phật pháp Phước Nghiêm, ngày 09 tháng 06 năm 2012)

Mỗi người hãy là một chiếc lá

Mỗi người hãy là một chiếc lá

Đăng lúc: 11:09 - 22/07/2015

Có một chàng trai nọ trong lúc đau khổ mới tìm đến một vị thiền sư hỏi rằng: "Thưa sư phụ, có những lúc con cảm thấy cuộc sống và mọi người muốn nhận chìm con, vậy khi đối diện như thế con phải làm gì ạ?
Vị thiền sư nói: Vậy con hãy là chiếc lá! Chàng trai không hểu gì nên thưa: xin sư phụ hãy chứng minh cho con được thấu hiểu.
Vị thiền sư mới lấy 2 cái thùng, một thùng chế đầy nước và một thùng để không, rồi Ngài bỏ chiếc lá vào cái thùng không đó, xong rồi Ngài đổ nước vào cái thùng có chiếc lá. Chiếc lá bị nước đổ vào nhiều lần cứ lặn hụp như thế và bị cuốn xoáy trong nước, đến khi nước đã đầy thùng thì chiếc lá vẫn lặng lẽ trôi ung dung trên mặt nước.
Vị thiền sư mới bảo chàng trai, con hãy sống như chiếc lá trong thùng nước! Dòng đời lúc nào cũng cuốn trôi dù đó là nhân nghĩa của một con người, được mất, phải quấy, tốt xấu, nên hư, thành bại thì dù mọi thứ có chuyển biến nghiệt ngã đến đâu cũng không thể nào nhận chìm con được. Ngay từ bây giờ con hãy rèn luyện cho mình sức nhẫn chịu trong cuộc sống, lấy tình thương xóa bỏ hận thù, biết tha thứ người đã từng làm cho mình đau khổ.
Từ bi hỷ xả, nhẫn nhịn nhường là bí quyết để giúp cho mọi người sống như chiếc lá, dù có bị bão tố phong ba cuốn trôi lặn hụp, nhưng ta vẫn đủ sức vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời mà sống an nhiên tự tại trong mỗi hoàn cảnh.

TIỀN KHÔNG THỂ MUA ĐƯỢC THẦN CHẾT
Có một thứ giá trị nhất mà cuộc sống đã dành cho ta, đó là thời gian. Nếu ta không làm được gì có lợi ích cho xã hội, thì cũng đừng nên làm tổn thương cho ai cả.
Bởi đồng tiền không thể mua được mạng sống của chúng ta khi duyên đời đã hết, nên ta phải biết cách sử dụng chúng như thế nào cho hợp lý. Chúng ta phải nên nhớ rằng tiền có thể mua được một chiếc đồng hồ nhưng không mua được thời gian.
Ngày xưa, có một người rất là bỏn sẻn và keo kiệt, lúc nào cũng hà tiện chẳng dám tiêu xài vào việc gì dù việc đó có lợi ích cho mình và người khác. Anh ta tích cóp cả đời, để dành được một khối gia tài rất lớn.
Không ngờ một ngày kia, con quỹ vô thường xuất hiện đòi mạng sống của anh ta. Hoảng quá, anh liền van nài hãy cho tôi thời gian thêm một năm, để tôi có thể nếm chút hưởng thụ từ số tiền kia. Nếu ngài chấp nhận tôi sẽ chia cho một nửa gia tài.
Con quỹ vô thường liền lắc đầu không chịu. Vậy tôi xin đưa hết cả gia tài cho ngài để được sống thêm một ngày nữa. Người đàn ông tuyệt vọng cầu xin con quỹ vô thường cho tôi một phút để viết di chúc cho người sau vậy.
Đến đây thì con quỹ vô thường mới gật đầu đồng ý. Anh ta run rẩy viết: Mọi người xin hãy ghi nhớ: “Dù có tiền muôn bạc vạn cũng không mua được khi thần chết đến”.
Câu chuyện trên là một ẩn dụ sâu sắc để khuyên nhủ mọi người hãy sống làm sao cho có ý nghĩa, tiền bạc sự nghiệp chúng ta không thể đem theo khi duyên đời đã hết. Thế cho nên, khi còn sống dù ít hay nhiều ta phải làm cái gì đó để có thể giúp đỡ hay chia sẻ cho nhiều người khác.
“Cuộc đời như áng mây trôi, khi tan, khi hợp, khi được, khi mất, khi có, khi không luôn biến chuyển đổi thay không ngừng nghỉ”, chúng ta hãy cố gắng tu hành để vượt qua sống chết khổ đau.
Đã là thân phận con người ai cũng phải chịu cái khổ “Sinh, già, bệnh, chết”, nhưng người biết tin sâu nhân quả sống một ngày là có ích cho xã hội, nên đến khi chết thì họ không bao giờ tiếc nuối và lo sợ.
Khi sống con người hay lãng phí thời gian làm những việc vô nghĩa, bởi lòng tham lam, ích kỷ của chính mình, tích chứa tiền bạc của cải nhưng không giúp gì cho ai?
NHÂN QUẢ THAY ĐỔI ĐƯỢC KHI CON NGƯỜI QUYẾT TÂM
Khi chúng ta tự ý thức được rằng, đây là việc làm sai trái có hại cho người và vật, thì tự mình can đảm buông xả hoặc từ bỏ là do ý chí của ta mạnh mẽ, thấy được việc làm sai trái mà mình dạn từ bỏ. Và ta nếu muốn từ bỏ vững chắc và lâu dài không bị tái phạm trở lại nữa, thì ta phải phát nguyện tu theo con đường Phật đạo, gìn giữ năm điều đạo đức, đời đời kiếp kiếp quyết tâm không tái phạm lỗi lầm xưa và dứt khoát không chuyện xấu đó nữa vì biết được sự tác hại của nó.
Chúng ta hãy thường xuyên suy xét và kiểm soát chặt chẽ từ ý nghĩ, lời nói cho đến hành động mà có hại cho mình và cho người thì ta nhất quyết không làm. Còn những gì mà ta thấy có lợi cho mình và người thì ta cố gắng làm không bỏ qua, dù cho đó là một việc rất nhỏ.
Nhờ tâm phát nguyện rộng lớn như thế, ta sẽ vượt qua được những chướng duyên nghịch cảnh trong cuộc đời. Vì sao? Vì theo đạo lý nhà Phật, ai sinh ra trong cõi đời này hầu như không ít thì nhiều, từ lớn đến nhỏ dù không làm ác nhiều cũng làm ác ít. Bởi vì chúng ta chưa có sự hiểu biết chân chính, chưa có lòng tin nhân quả vững chắc, do đó chắc chắn ai cũng có sai lầm.
Ngày nay, chúng ta may mắn gặp được thầy lành bạn tốt có đầy đủ phúc duyên, tuy điều kiện của chúng ta không được tốt đẹp trọn vẹn như người khác. Nhưng ta không có gì phải buồn phiền, khổ đau, trách móc, đổ thừa tại bị thì là… Bởi vì chúng ta biết Phật pháp, biết thực hành những lời Phật dạy, biết rõ nhân nào dẫn đến sa đọa khổ đau, nhân nào dẫn đến an vui, hạnh phúc.
Nhờ vậy, chúng ta cố gắng dứt khoát chừa bỏ thói hư, tật xấu ngay cả trong ý nghĩ và thường xuyên tu tập mỗi ngày để soi sáng lại chính mình. Nếu ta chưa đủ khả năng tu tập về thiền quán, thiền trực chỉ thì ta cố gắng tu tập theo phương pháp niệm Phật, Bồ tát tức là ta nương theo câu niệm Phật để cho tâm không bị tán loạn (niệm danh hiệu vị Phật nào mà ta thích).
Thí dụ, ta thích đức Phật Thích Ca Mâu Ni thì ta niệm Phật Thích Ca Mâu Ni, ta thích Phật A-di-đà ta niệm Phật A-di-Đà, nếu ta thích Bồ-tát Quán Thế Âm thì ta niệm Bồ-tát Quán Thế Âm… Bất cứ danh hiệu Phật nào, danh hiệu Bồ-tát nào nếu ta nhiếp tâm, trì chí hướng về đức Phật đó, để tự chiêm nghiệm, soi sáng thì ta sẽ vượt qua những chướng nạn, tai ương trong cuộc đời.
Tuy thân này phải chịu quả đau khổ, nhức nhối, bệnh hoạn, đau yếu… nhưng tâm ta vẫn trong trong sáng lặng lẽ chiếu soi. Thân này tuy đau, nhưng tâm ta thường biết rõ ràng nên ta luôn được bình yên, hạnh phúc.
Khi đau ta biết thân này đau vì nghiệp tập nhiều đời nhiều kiếp mình đã gieo tạo trong quá khứ, nay ta biết được hậu quả của nó làm cho mình người khổ đau, thì ta nhất quyết không để cho tái phạm nữa, đến khi hội đủ nhân duyên thì nghiệp xấu sẻ hết. Nhờ vào sự tinh cần tu tập, mà ta chuyển hóa được nỗi khổ niềm đau, vươn lên và vượt qua cạm bẫy cuộc đời.

Thích Đạt Ma Phổ Giác

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 4
  • Hôm nay 3,332
  • Tháng hiện tại 39,787
  • Tổng lượt truy cập 23,446,036