Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Người chết có hưởng được các phẩm vật cúng thí?

Người chết có hưởng được các phẩm vật cúng thí?

Đăng lúc: 18:25 - 03/09/2016

Không biết tự bao giờ, trong sanh hoạt dân gian, tháng Bảy được xem là tháng cô hồn. Rất nhiều chùa viện và rất đông những gia đình tổ chức cúng thí trong tiết trời tháng Bảy ảm đạm bởi những ngày mưa ngâu, làm cho không khí càng thêm u uẩn.

Chúng ta hẳn đã không ít lần tự hỏi, không biết người chết có hưởng thọ được gì hay không trong những lần ma chay, kỵ giỗ, trai đàn, cúng thí ấy, mà có khi là mâm cao cỗ đầy, có khi chỉ là vài chén cháo lá đa, một ít gạo muối?

Phạm chí Sanh Văn cũng có tâm trạng đó khi người thân của ông qua đời. Sanh Văn, 生 聞, tên tiếng Pāli là Jāṇussonī, được kể là một trong số những Bà-la-môn lỗi lạc đương thời Phật. Ông ở tại Xá-vệ và thường đến gặp Đức Phật để thảo luận. Sanh Văn cũng chính là người lần đầu tiên nghe kể về Đức Phật đã từ trên xe bước xuống, quỳ gối phải xuống đất, chắp tay hướng về rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc ba lần làm lễ: “Nam-mô Như Lai Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác” 1.

Một hôm, Sanh Văn có người thân qua đời. Ông tổ chức ma chay, mở đàn cúng thí, nhưng lòng tự hỏi không biết việc mình làm có lợi ích gì cho người thân hay không, liền đến chỗ Thế Tôn, bạch hỏi: “Thưa Cù-đàm, con có người thân tộc rất thương mến, bỗng nhiên qua đời. Con vì người ấy nên bố thí với tín tâm. Thế nào, bạch Thế Tôn, người ấy có nhận được không?” 2.

Câu hỏi ấy thật đúng với tâm trạng của không biết bao nhiêu người!

10173626_564213897030741_1954872959145839987_n.jpg
Đức Thế Tôn khẳng định có một loài chúng sanh có thể nhận được sự ủy lạo của loài người bằng cách
cúng thí, đó là chúng sanh trong đường ngạ quỷ

Những đối tượng không nhận được lễ phẩm cúng thí

Đức Phật cho biết: “Nếu người thân tộc của ông sanh vào trong địa ngục, nó sẽ ăn thức ăn của chúng sanh địa ngục để nuôi sống sanh mạng của nó, chứ không nhận được đồ ăn thức uống mà ông bố thí dù với tín tâm. Nếu nó sanh vào súc sanh, hoặc loài người, họ sẽ được đồ ăn thức uống của súc sanh, loài người, mà không nhận được đồ do ông bố thí” 3.

Kinh Tăng chi bộ giải thích rõ ràng hơn: “Ở đây, này Bà-la-môn, có người sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, có tham ái, có sân, có tà kiến. Vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào địa ngục, ăn món ăn của chúng sanh ở địa ngục ăn, tại đấy, vị ấy nuôi sống với món ăn ấy; tại đấy, vị ấy tồn tại với món ăn ấy. Này Bà-la-môn, đây là không tương ưng xứ, trú ở nơi đây, vị ấy không được lợi ích của bố thí ấy.

Ở đây, này Bà-la-môn, có người sát sanh... có tà kiến. Sau khi thân hoại mạng chung, vị ấy sanh vào loại bàng sanh. Món ăn của chúng sanh ở bàng sanh ăn, tại đấy, vị ấy nuôi sống với món ăn ấy; tại đấy, vị ấy tồn tại với món ăn ấy. Này Bà-la-môn, đây là không tương ưng xứ; trú ở đây, vị ấy không được lợi ích của bố thí ấy.

Ở đây, này Bà-la-môn, có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, không có tham ái, không có tâm sân hận, có chánh kiến. Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sanh cộng trú với loài Người. Món ăn của loài người như thế nào, tại đấy, vị ấy nuôi sống với món ăn ấy; tại đấy, vị ấy tồn tại với món ăn ấy. Này Bà-la-môn, đây là không tương ưng xứ, trú ở đây, vị ấy không được lợi ích của bố thí ấy.

Ở đây, này Bà-la-môn, có người từ bỏ sát sanh... có chánh kiến. Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung được sanh cộng trú với chư Thiên. Món ăn của chư Thiên như thế nào, tại đấy, vị ấy nuôi sống với món ăn ấy; tại đấy, vị ấy tồn tại với món ăn ấy. Này Bà-la-môn đây là không tương ưng xứ, trú ở đây, vị ấy không được lợi ích của bố thí ấy” 4.

Như vậy, nếu người chết đã tái sanh vào các cảnh giới địa ngục, súc sanh, người và trời thì không nhận đồ ăn thức uống, cho đến áo quần, nhà cửa, xe cộ, điện thoại… do người thân cúng tế.

Những đối tượng nhận được lễ phẩm cúng thí

Nhưng nếu người chết rơi vào đường ngạ quỷ thì họ sẽ nhận được các thực phẩm cúng thí. Kinh ghi: “Này Bà-la-môn, trong đường ngạ quỷ có một nơi tên là Nhập xứ ngạ quỷ. Nếu người thân tộc của ông sanh vào trong Nhập xứ ngạ quỷ kia, thì sẽ nhận được thức ăn của ông”5.

Nhập xứ được giải thích là sanh vào thân trung ấm. Nếu thân trung ấm sanh vào đường ngạ quỷ thì gọi là ‘đắc nhập xứ’, tức báo xứ (của thân trung ấm) là ngạ quỷ. Cha mẹ cùng bà con quyến thuộc sanh vào đường ngạ quỷ (khi đang ở tình trạng thân trung ấm ngạ quỷ và khi đã sanh vào báo xứ ngạ quỷ) mới nhận được sự cúng thí 6.

Kinh Tăng chi bộ giải thích rõ ràng: “Ở đây, này Bà-la-môn, có người sát sanh... có tà kiến. Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi ngạ quỷ. Món ăn của chúng sanh ngạ quỷ như thế nào, tại đấy, vị ấy nuôi sống với món ăn ấy; tại đấy, vị ấy tồn tại với món ăn ấy. Món ăn nào các bạn bè, hoặc thân hữu, hoặc bà con, hoặc người cùng huyết thống từ đấy muốn hiến cúng cho vị ấy, tại đấy vị ấy sống với món ăn ấy; tại đấy, vị ấy tồn tại với món ăn ấy. Này Bà-la-môn, đây là tương ưng xứ, trú ở đây, vị ấy được lợi ích của bố thí ấy” 7.

Như vậy, Đức Thế Tôn khẳng định có một loài chúng sanh có thể nhận được sự ủy lạo của loài người bằng cách cúng thí, đó là chúng sanh trong đường ngạ quỷ, tức là ma giới. Hẳn nhiên, lễ phẩm cúng thí phải là thứ ăn uống được, chứ không phải là hàng mã!

Phước báo của sự cúng thí

Trường hợp người cúng thí, gia chủ không có cha mẹ hay bà con quyến thuộc trong đường ngạ quỷ thì sự bố thí đó cũng có phước báo: “Giả sử ông vì những thân tộc quen biết mà bố thí, nhưng họ không sanh vào trong chốn ngạ quỷ và lại cũng không có những người quen biết khác sanh vào chốn ngạ quỷ, thì việc bố thí do lòng tin, tự mình sẽ được phước. Của bố thí do lòng tin của người thí chủ đó, sẽ không mất”. Kinh phân tích:

“Giả sử có người sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, có tham ái, có sân tâm, có tà kiến. Người ấy sau lại phát tâm bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn,... cho đến những kẻ ăn xin bần cùng, đều bố thí tiền tài, áo quần, chăn mền, đồ ăn thức uống, đèn đuốc, những vật dụng trang nghiêm. Người ấy do sát sanh, lấy của không cho…, sẽ đọa lạc vào trong loài voi, nhưng vì người ấy đã từng bố thí…, nên tuy ở trong loài voi, nhưng cũng nhận được phước báo nhờ họ đã bố thí, từ quần áo, đồ ăn thức uống cho đến những vật dụng trang nghiêm.

“Nếu lại sanh vào các loài súc sanh như trâu, ngựa, lừa, la v.v... nhưng cũng nhờ vào công đức thí ân trước, nên họ ắt sẽ nhận được phước báo kia tùy theo chỗ sanh tương ứng mà được thọ dụng.

“Này Bà-la-môn, nếu thí chủ kia lại trì giới, không sát sanh, không trộm cướp,... cho đến có chánh kiến, và bố thí cho các Sa-môn, Bà-la-môn,... cho đến những kẻ ăn xin nào là tiền của, áo quần, đồ ăn thức uống, đèn đuốc, thì nhờ công đức này mà sanh trong loài người, ngồi hưởng thụ phước báo này, từ áo quần, đồ ăn thức uống... cho đến những vật dụng như đèn đuốc.

“Lại nữa, này Bà-la-môn, nếu họ lại trì giới, thì sẽ được sanh lên cõi trời, vì họ nhờ vào những thí ân nên được hưởng những thứ phước báo về tài bảo, áo quần, đồ ăn thức uống,... cho đến những vật dụng trang nghiêm cõi trời” 8.

Như vậy, một khi gia đình chúng ta có người thân qua đời, chúng ta phát tâm thanh tịnh cúng kính hay bố thí, cúng dường cho Tăng Ni hoặc cho người nghèo khổ, thì dù người thân đã mất của chúng ta không nhận được, bản thân của chúng ta cũng được phước báo trong mọi trường hợp.

Một sự thật là chúng ta không ai biết được người thân của mình sau khi chết đã sanh vào đường nào của lục đạo. Do đó, để tri ân người đã mất, nhất là cha mẹ, bà con thân thuộc của mình, cùng với những anh hùng liệt sĩ đã hy sanh cho tổ quốc, để họ khỏi đói lạnh, bơ vơ, để họ khỏi tủi thân vì chẳng còn ai thương nhớ… chúng ta nên làm lễ kỳ siêu cúng thí cho họ, hoặc mở hội bố thí rồi hồi hướng công đức cho họ. Vì rằng, trong bất cứ trường hợp nào, người thân của chúng ta đã tái sanh về đâu, việc làm ấy đều có phước báo cho chính bản thân mình!

Cúng thí là một trong những cách bố thí cho người đã chết. Vì vậy hãy bố thí những gì mà họ ăn uống được, đừng bố thí thức ăn giả và càng không nên đốt các loại vàng mã như nhà cửa, xe hơi, điện thoại, tiền vàng… để bố thí cho họ. Ngoài ra, với tâm thanh tịnh chúng ta cúng dường cho Tăng Ni, biếu tặng cho người nghèo khổ, hoặc làm các thiện sự như bắc cầu, đào giếng, đắp đường, trồng cây… đều là những việc làm bố thí đưa tới phước báo cho chính bản thân mình và cũng có thể hồi hướng công đức ấy cho người thân đã qua đời.

Thích Nguyên Hùng

Câu chuyện luân hồi: Hòa thượng một niệm bất chính hủy đi cơ duyên cả đời tu luyện

Câu chuyện luân hồi: Hòa thượng một niệm bất chính hủy đi cơ duyên cả đời tu luyện

Đăng lúc: 18:41 - 07/09/2015

Có bao giờ bạn suy nghĩ rằng người thân, bạn bè, những người mà bạn gặp trong cuộc đời này là ngẫu nhiên không? Tại sao đó không phải là một người khác? Thực ra những quan hệ xã hội trong hiện tại tất cả đều dựa trên tiền duyên. Tiền duyên có một mối liên hệ mật thiết với sự luân hồi hay chuyển sinh mà Phật gia hay nói tới.
tu luyện, luân hồi, hòa thượng,
Hòa thượng Hoa Nghiêm là một đồ đệ của Thần Tú, ông tổ Bắc Phái của Thiền Tông. Ông từng tu hành tại Thiên Cung Tự thuộc Lạc Dương, Hà Nam, nơi ông dẫn dắt hơn 300 đồ đệ tu hành. Có một quy tắc nghiêm ngặt ở trong chùa là tất cả đồ đệ phải sắp xếp tề chỉnh bình bát (bát khất thực) của mình ra trước khi bữa ăn được phục vụ.
Một hòa thượng trong số các đồ đệ của Hoa Nghiêm ở tầng tu luyện cao hơn tất cả những người khác. Tuy vậy, ông lại rất hẹp hòi và cáu kỉnh. Một lần, vị hòa thượng này không dùng bữa cùng những hòa thượng khác vì ông đang ốm.
Một hòa thượng, người mới vào chùa đã để mất chiếc bát, tới để gặp vị này. Anh bái lạy và nói: “Tôi không có bát để ăn cơm. Tôi không biết phải làm sao nếu không có chiếc bát. Tôi băn khoăn không biết ông có thể vui lòng cho tôi mượn chiếc bát của ông hôm nay không. Tôi sẽ đi mua một chiếc mới vào ngày mai”.
Vị hòa thượng kia từ chối không cho anh ta mượn chiếc bát. Ông đáp: “Tôi đã dùng chiếc bát này vài chục năm rồi. Tôi sợ anh sẽ vô tình làm vỡ nó”. Vị hòa thượng tập sự van nài: “Tôi chỉ dùng nó cho bữa hôm nay thôi, rồi sẽ trả lại ông ngay. Làm sao tôi có thể làm vỡ nó khi tôi chỉ cầm nó trong chốc lát thôi?”
Sau khi cam đoan nhiều lần, vị hòa thượng kia cuối cùng đã cho anh ta mượn chiếc bát. Trước khi ông đưa chiếc bát, ông đã cảnh báo: “Tôi trân quý chiếc bát này còn hơn cả mạng sống của tôi. Nếu anh làm hư hỏng chiếc bát, anh đã thực sự giết tôi đấy!”
Vị hòa thượng trẻ cầm lấy chiếc bát, và anh giữ nó một cách cẩn thận bằng cả hai tay. Ngay khi anh vừa ăn xong và sẵn sàng trả chiếc bát, anh đã bắt đầu vội vội vàng vàng từ trong phòng. Vị hòa thượng tập sự này cầm chiếc bát và chạy xuống cầu thang từ nhà ăn. Không may, anh vấp vào một viên gạch và ngã xuống. Chiếc bát vỡ tan tành. Sau một lúc, vị hòa thượng kia bắt đầu thúc giục anh trả lại ông chiếc bát.
Vị hòa thượng mới này rất sợ sệt, nhưng anh không còn cách nào khác ngoài đến gặp vị hòa thượng kia và nhận lỗi. Anh xin lỗi bằng cách liên tục khấu đầu, nhưng vị hòa thượng kia gào lên: “Giờ anh đã thực sự giết tôi rồi đó!” Ông nổi trận lôi đình và không ngừng la mắng và chửi rủa độc ác. Vì biến cố này, sức khỏe của ông xấu đi nhanh chóng. Ông qua đời vào ngày hôm sau.
Một thời gian sau biến cố này, hòa thượng Hoa Nghiêm có một buổi giảng kinh tại chùa Nhạc Tự ở trên Tung Sơn cho hơn 100 đồ đệ, bao gồm cả vị hòa thượng tập sự kia. Đột nhiên, một âm thanh giống như một cơn bão ập tới từ thung lũng phía ngoài ngôi chùa.
Hòa thượng Hoa Nghiêm bèn bảo vị hòa thượng tập sự sang đứng bên cạnh ông. Ngay sau đó, một con rắn khổng lồ dài cỡ 8-9 trượng và đường kính cỡ 4-5 cánh tay bò vào trong chùa với một cái nhìn đầy phẫn nộ và miệng há to. Tất cả hòa thượng đứng xung quanh Hoa Nghiêm đều muốn trốn đi, nhưng Hoa Nghiêm đã ngăn họ lại, và yêu cầu họ đừng cử động.
Con rắn khổng lồ bò một cách chậm chạp vào giảng đường. Khi leo lên cầu thang, nó bắt đầu nhìn quanh và cố tìm kiếm thứ gì đó hay ai đó. Hòa thượng Hoa Nghiêm đứng chặn đường nó với một cây tích trượng và hô: “Dừng lại!” khi con rắn định bò lên ghế trong giảng đường. Con rắn khổng lồ bỗng cúi đầu xuống và nhắm mắt lại.
Hòa thượng Hoa Nghiêm bắt đầu quở mắng con rắn, gõ vào đầu nó bằng cây tích trượng và nói: “Giờ ngươi đã minh bạch được nghiệp mà ngươi đã tạo ra hay chưa. Ngươi nên hồi hướng Tam bảo”. [Chú thích: ‘Tam bảo’ là một ẩn dụ trong Phật giáo.] Ông yêu cầu tất cả hòa thượng ở đó cùng nhau niệm kinh Phật hướng về con rắn, và con rắn bò ra khỏi chùa.
Hòa thượng Hoa Nghiêm bèn triệu hồi vị hòa thượng tập sự tới và nói: “Con rắn đó là thầy của con (vị hòa thượng đã chết). Sau nhiều năm tu hành, ông ấy đã gần đạt chính quả. Tuy nhiên, ông ấy đã nổi giận chỉ vì chiếc bát đó. Thay vì tu thành chính quả, ông ấy đã chuyển sinh thành một con đại mãng xà. Ông ấy tới để giết con vì con đã làm vỡ chiếc bát. Nếu thật sự giết con, ông ấy sẽ phải xuống ngục vô gián, và bị chịu dày vò mãi mãi ở trong đó. May mắn thay, ta đã chặn ông ấy gây tội ác đúng lúc, và giải thoát ông ấy khỏi kiếp sống của con đại mãng xà. Bây giờ con nên đi xem ông ấy ra sao”.
Người đệ tử bèn đi ra và tìm kiếm con đại mãng xà. Thật là dễ dàng để lần theo dấu vết của con rắn dựa vào các đám cây cỏ bị đổ rạp khi nó bò qua. Bước đi theo vết bò của con rắn giống như bước đi trên một con đường trải dành cho xe ngựa kéo. Con rắn đã bò được 45 lý vào một vùng sơn cốc rất hẻo lánh trước khi nó tự vẫn bằng cách đập đầu vào một tảng đá. Người đệ tử trở về và báo với hòa thượng Hoa Nghiêm về điều đã xảy ra với con rắn.
Hòa thượng Hoa Nghiêm nói: “Bây giờ con rắn đã chuyển sinh thành đứa con gái sắp sinh của Bùi lang trung. Đứa bé gái này mười phần thông tuệ, nhưng lại chết yểu vào tuổi 18. Và rồi cô lại sẽ được đầu thai thành một đứa bé trai, sẽ xuất gia và tu hành theo Phật giáo khi lớn lên. Bùi lang trung là một trong những đồ đệ của ta. Con có thể tới thị trấn và thăm hỏi Bùi lang trung giùm ta. Phu nhân của Bùi lang trung đang gặp khó khăn khi sinh nở. Con nên đi ngay lập tức và giúp đỡ đứa bé gái.”
Ông Bùi Khoan là một vị lang trung phục vụ trong quân đội. Ông cũng là một đồ đệ của hòa thượng Hoa Nghiêm. Vị hòa thượng tập sự đi vào thành, và bái kiến gia đình ông Bùi Khoan. Tình cờ, ông Bùi đang xin nghỉ phép ở nhà để chăm sóc phu nhân. Người đệ tử bèn nhờ người hầu chuyển giúp lời tới ông Bùi: “Hòa thượng Hoa Nghiêm có chuyển lời tới ông!”
Vị lang trung bèn đi ra ngoài để gặp người đệ tử; trông ông khá bối rối. Người đệ tử hỏi lý do và biết được rằng phu nhân của ông đã bị đẻ khó từ sáu đến bảy ngày. Ông Bùi đã ở bên phu nhân của ông mỗi đêm với cây đèn dầu. Dường như bà và đứa bé đang trong tình trạng rất nguy kịch.
Người đệ tử nói: “Tôi có thể giúp đỡ phu nhân”. Người đệ tử yêu cầu trải một tấm chiếu sạch ở nhà ngoài bên cạnh buồng ngủ. Người đệ tử bèn ngồi lên tấm chiếu, đốt hương, gõ khánh, và kêu lên ba lần: “Hòa thượng.”
Phu nhân của ông Bùi lập tức sinh hạ được một đứa bé gái. Đứa bé gái này qua đời vào tuổi 18 đúng như hòa thượng Hoa Nghiêm đã dự báo.
Những câu chuyện luân hồi thật kỳ lạ, nhân duyên khiến cho người ta phải gặp lại nhau, dù là thiện duyên hay ác duyên cũng vậy, hãy cứ vui vẻ mà đối diện. Hy vọng rằng bạn sẽ có được cảm hứng từ câu chuyện này và nhận ra được tầm quan trọng của việc đối xử với những người chúng ta gặp bằng một trái tim từ thiện.
Tài liệu gốc: Sưu tập những câu chuyện kỳ dị (Thái Bình Quảng Ký)

Theo Chánh Kiến

Ý nghĩa bốn chữ “cửu huyền thất tổ”

Ý nghĩa bốn chữ “cửu huyền thất tổ”

Đăng lúc: 08:31 - 02/07/2015

Ý nghĩa của bốn chữ Cửu Huyền Thất Tổ trên bàn thờ gia tiênTrên bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình thường hay đặt một bài vị có ghi bốn chữ Cửu Huyền Thất Tổ. Vậy bốn chữ Cửu Huyền Thất Tổ này mang ý nghĩa gì trong văn hoá Việt Nam? bài viết sau đây của Hòa thượng Thích Giác Hoàng sẽ thích nghĩa cho chúng ta hiểu rõ được vấn đề này hơn.

Bàn thờ gia tiên

Câu hỏi của cư sĩ làm chúng tôi phải tra khảo lại các từ điển Phật học và Hán học, hơn thế nữa, chúng tôi còn nhờ Đại đức Thích Minh Nghị hiện đang du học tại Trung Hoa tra khảo giúp nơi các bộ từ điển lớn của Trung Hoa, nhưng cũng không thấy từ nguyên của bốn chữ này. Như chúng ta biết, phần lớn các thuật ngữ Hán Việt đều được người Việt tiếp thu thông qua các cuộc giao lưu văn hoá, tôn giáo Hán – Việt qua nhiều thời đại. Nhưng bốn chữ này, chúng tôi nghĩ là do các nhà sư Việt Nam sáng tạo, không hề chịu ảnh hưởng văn hoá của Phật giáo Trung Quốc hoặc Ấn Độ.

Không biết bốn chữ này được xuất hiện trong văn bản nào sớm nhất, nhưng theo chỗ chúng tôi biết, bốn chữ này xuất hiện trong tác phẩm Sự Lý Dung Thông viết bằng thể thơ song thất lục bát của Thiền sư Hương Hải (1728 – 1715) được Tiến sĩ Lê Mạnh Thát đã dày công biên khảo và dịch lại, cho in chung trong Toàn Tập Minh Châu Hương Hải (Nhà xuất bản Tp.HCM, 2000). Phía sau cuốn sách có in toàn bộ tác phẩm và ngữ lục của Thiền sư bằng chữ Hán. Tác phẩm Sự Lý Dung Thông (trang 416) cũng nằm trong phần phụ lục này, có đề cập đến bốn chữ này trong hai câu thơ:
“Thích độ nhân miễn tam đồ khổ
Thoát cửu huyền thất tổ siêu phương”
(Ðại ý là giáo lý đức Phật Thích Ca hoá độ chúng sinh để thoát khỏi ba đường khổ: địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh, và có khả năng cứu thoát cửu huyền và thất tổ được siêu thăng).
Có lẽ vì câu trên quá cô đọng nên bản Việt ngữ của Tiến sĩ Lê Mạnh Thát (trang 392), vẫn giữ nguyên như vậy, và phần dưới có chú thích ngắn gọn về bốn chữ “cửu huyền thất tổ” như sau:
“Cửu huyền: Chín đời: Cao, tằng, tổ, cha, mình, con, cháu, chắt, chít. Thất tổ: Bảy đời: Cao, tằng, tổ, cao cao, tằng tằng, tổ tổ, cao tổ”
Mặc dầu trong các từ điển, chúng tôi không thấy có chữ “huyền” nào có nghĩa là “đời” cả, nhưng qua quá trình Việt Hoá, chữ này được hiểu như là “đời”, và có lẽ nên dịch là “thế hệ” thì chính xác hơn.
Chín thế hệ trên, nếu phiên âm bằng chữ Hán thì được viết như sau: Cao – Tằng – Tổ – Khảo – Kỷ – Tử – Tôn – Tằng – Huyền. Như vậy, nếu lấy thế hệ mình làm chính thì tính ngược lên bốn đời và tính xuống bốn đời thành ra chín đời.
Một vị Hoà thượng mà người viết có duyên học hỏi đã giải thích rằng, sở dĩ gọi chữ “Huyền” ở đây vì chữ “Huyền” trong “cửu huyền” này vốn có nghĩa là “đen”, vô lượng kiếp chúng sanh luân hồi sống chết, khi thân xác này rã rời, phân ly, trả về cho tứ đại, những chất tinh tuỷ xương máu và thịt tan rã, huỷ hoại đều biến thành màu đen nên gọi là “huyền”. Bởi chín thế hệ vần xoay, sống chết như vậy nên gọi là “cửu huyền”.
Thất Tổ: Là bảy ông tổ. Tổ là ông nội của đời mình; đi ngược lên sáu đời nữa gọi là thất tổ.
Như vậy, chữ “cửu huyền” bao quát hơn chữ “thất tổ”. Vì “thất tổ” chỉ cho các thế hệ đi trước, còn “cửu huyền” không những chỉ cho bốn thế hệ trước mà còn nhắc đến bốn thế hệ sau nữa. Chính vì vậy, nơi thờ phụng những vị quá vãng còn được gọi là “Nhà Thờ Cửu Huyền” (viết bằng tiếng Việt), thỉnh thoảng dùng bốn chữ “Cửu Huyền thất Tổ” (viết bằng chữ Hán). Quý Tăng Ni miền Nam và miền Bắc cũng dùng cụm từ này để chỉ cho nơi thờ ông bà, cha mẹ mình nhiều đời, nhưng không phổ biến rộng rãi, các vị thường dùng từ “hương linh” chỉ người đã khuất, và nơi thờ các hương linh ấy được gọi là “bàn linh”. Các tịnh xá thuộc hệ phái Khất Sĩ dùng từ “Cửu Huyền” hoặc cả “Cửu Huyền Thất Tổ” chỉ cho nơi thờ những người đã quá vãng.

“Cửu Huyền thất Tổ” trong nền văn hoá Việt Nam
Theo cách nhìn tổng quát, văn hóa có hai phần đặc trưng, đó là văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Nền văn hóa vật chất bao gồm các lĩnh vực thuộc khoa học kỹ thuật. Văn hóa tinh thần bao gồm các lĩnh vực thuộc học thuật, tư tưởng, tôn giáo và các loại hình giải trí, nghệ thuật
Cách biểu hiện lòng tôn trọng, nhớ ơn và biết ơn ông bà cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp qua việc thờ cúng của người Việt Nam thuộc loại hình văn hoá tinh thần. Cách tôn kính, thờ cúng này không phải ở Việt Nam mới có, mà từ thuở nhà Hạ (2183-1752 trước TL), Thương/ Ân (1751-1112 trước TL), Chu (1111? – 249 trước TL) bên Trung Hoa cũng đã có nghi lễ thờ cúng ông bà tổ tiên rồi. Các vua chúa thường đi tế Giao (cúng trời đất) ở một nơi được xem là linh thiêng, hoặc cúng tổ tiên trong Thái Miếu. Nền văn hoá Việt Nam thời cổ và trung đại cũng vậy. Các vua chúa thường đi cúng tế nơi Thái Miếu, nơi đền thờ các vị khai quốc công thần. Còn người dân dã thì thường thờ ông bà cha mẹ tại nhà và làm lễ cúng giỗ hàng năm.
Điều đáng nói ở đây, là nền văn hoá tinh thần nầy đã được duy trì, phát huy và thấm sâu vào lòng dân tộc Việt Nam dù trải bao biến thiên lịch sử. Không phải đất nước nào cũng duy trì được nền văn hoá quý báu này. Trung Hoa, một trong 3 cái nôi văn minh nhân loại thời cổ, đến khi Cách Mạng Tân Hợi năm 1911 thì nền văn hoá tinh thần bị hạ bệ, nhất là giai đoạn “Cách Mạng Văn Hoá” thì tinh thần “ăn trái nhớ kẻ trồng cây”, “uống nước nhớ người đào giếng” hoàn toàn bị xoá sổ, mà thay vào đó là nền văn hoá của “Mao Chủ tịch”.
Ðại đức Minh Nghị đang du học bên Trung Hoa kể cho chúng tôi nghe, khắp đại lục Trung Hoa không có được một nhà có bàn thờ ông bà cha mẹ của mình. Vào nhà chỉ thấy hình của bác Mao Trạch Đông thôi! Các chùa chiền thì không thấy có nhà thờ “Cửu Huyền Thất Tổ” hoặc “Vãng Sinh Ðường”, thậm chí một số chùa chiền cũng không thấy có nhà thờ Tổ (Tổ đường). Khái niệm “thờ cúng” ông bà cha mẹ gần như bị lãng quên và họ còn cho đó là một nghi thức “cổ lổ xỉ”. Họ cho rằng “thờ cúng” là một hình thức mê tín dị đoan, nên đã cực lực loại bỏ! Thế là cả một nền văn hoá “Ẩm thuỷ tư nguyên” (uống nước nhớ nguồn) tốt đẹp mấy ngàn năm, một truyền thống hiếu thảo “phụ hề sanh ngã, mẫu hề cúc ngã, ai ai phụ mẫu, sanh ngã cù lao, dục báo thâm ân, hiệu thiên võng cực” (Kinh Thi)[1] đã từng làm xúc động bao con tim của bao thế hệ, nay không còn duy trì nữa. Thật buồn thay cho một nền văn hoá có bề dày nhất nhì trong lịch sử văn minh nhân loại, và cũng là một nền văn hoá được đánh giá là tôn trọng chữ hiếu bậc nhất trong lịch sử nhân loại, thế mà ngày nay lại thiếu vắng tinh thần tri ân và báo ân!
May mắn thay, văn hoá Việt Nam, dù trải bao thăng trầm lịch sử, nhưng đạo lý: “Sang đò nhớ ơn người chèo chống, nằm võng nhớ ơn người mắc dây” vẫn được khắc sâu trong tâm khảm người Việt, vẫn ấm áp trong tiếng hát hời ru con muôn thuở:
“Nước chảy ra thương cha nhớ mẹ
Nước chảy vào thương mẹ nhớ cha”.

Thích Giác Hoàng

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 12
  • Hôm nay 261
  • Tháng hiện tại 62,015
  • Tổng lượt truy cập 23,468,264