Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Đối trị khủng hoảng, tìm lại bình an

Đối trị khủng hoảng, tìm lại bình an

Đăng lúc: 20:11 - 28/11/2016

Khủng hoảng tâm lý ở giới trẻ không phải là một câu chuyện mới mẻ nhưng đây cũng là thực trạng phổ biến hiện nay.
Rất nhiều cuộc điều tra trong thanh thiếu niên Việt Nam cho thấy sự khủng hoảng trong cuộc sống đang đẩy các bạn trẻ đến với bờ vực của sự tiêu cực. Vấn đề không chỉ dừng lại ở việc phản ánh thực trạng mà cả xã hội phải cùng chung tay hướng dẫn giới trẻ thoát khỏi khủng hoàng và tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống.

anh PGTT 873.jpg
Sống chậm lại, điềm tĩnh hơn, cũng là một trong những cách giúp chúng ta tìm được
sự an nhiên trong tâm hồn. Trong ảnh, Phật tử CLB Nhân Sinh tập thiền - Ảnh: Nhân Sinh

Nhận diện khó khăn

Không ai trong cuộc sống chưa từng gặp phải khó khăn dẫn đến bị khủng hoảng tâm lý. Chỉ khác nhau ở chỗ mỗi người mỗi cảnh, mức độ nặng nhẹ khác nhau. Bàn về vấn đề này, Phật tử Thiện Nghiêm (ngụ quận 4, TP.HCM) cho biết - người cha yêu quý của anh mất đột ngột cộng thêm sau đó là những câu chuyện hiểu lầm, vu oan từ những dòng trạng thái trên trang mạng xã hội của anh đã khiến anh bị sốc và rơi vào trạng thái hoang mang, khủng hoảng tâm lý trong khoảng 6 năm.

Khác với Thiện Nghiêm, nữ Phật tử Diệu Tâm (thành viên nhóm Bước Chân Sen, chùa Long Phước, quận Bình Thạnh, TP.HCM) lại có một cách nghĩ khác. Chị nghĩ trong cuộc sống, có thuận lợi hẳn sẽ có khó khăn, nhưng sẽ không có khó khăn đến mức chưa thể vượt qua. Bởi khi thấu suốt được chân lý Nhân-Quả, chúng ta sẽ thấy khó khăn của ngày hôm nay hay của ngày mai đều có nguyên nhân của nó. Cho nên, khi khó khăn vừa khẽ chạm vào cuộc sống thì chúng ta sẽ có cách hoặc cố gắng tìm cách hay lắng nghe ý kiến từ người thân giúp tháo gỡ nhẹ nhàng, bình tĩnh, từ từ, để hạn chế ở mức thấp nhất có thể sự tổn thương.

Thật vậy, không có một khó khăn nào mà không thể vượt qua, không một khủng hoảng nào không có hồi kết. Vạn vật đều tuân theo kịch bản của thành, trụ, hoại, không và khủng hoảng tâm lý cũng vậy. Cho nên khi khủng hoảng đến, ta cứ bình tĩnh chấp nhận nó. Hạn chế tối đa việc để khủng hoảng chiếm trọn tâm trí dẫn tới những việc làm dại dột gây hại cho bản thân và những người xung quanh. Nhận diện khủng hoảng là một việc làm cần thiết, phải thấy cho được “bộ mặt” của nó để tìm nguyên nhân phát sinh khủng hoảng từ đâu mới có thể tháo gỡ từng nút thắt một.

TS.Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM nhận định nguyên nhân chính dẫn tới khủng hoảng trong giới trẻ: “Các hệ thống phép tắc hà khắc của Khổng giáo đã bóp nghẹt sự phát triển của nhiều thế hệ Việt Nam, tạo ra sự khống chế thái quá xâm phạm trực tiếp vào quyền được tự do, tự quyết của trẻ em, tước đoạt khả năng ra quyết định của trẻ em, tạo ra thế hệ người lớn nhu nhược - dễ bị bắt nạt, nhiều thế hệ người quá nhút nhát, thiếu tính sáng tạo. Các hệ thống văn hóa Khổng giáo được hợp thức hóa trong công sở và lại gây ra tình trạng bắt nạt nơi công sở, vào gia đình gây ra bạo hành... Chương trình giáo dục quá cao so với khả năng phát triển tâm lý của người trẻ. Tình trạng giáo dục ép buộc trẻ em cũng bị chi phối bởi các cá nhân xây dựng chương trình bị chi phối nặng bởi văn hóa Khổng giáo”.

Xử lý khủng hoảng

Khoảng thời gian 6 năm bị khủng hoảng tâm lý, Thiện Nghiêm tưởng chừng như cuộc sống đi vào ngõ cụt. Nhưng sau đó, anh đã tìm đến đạo Phật, ánh sáng Phật pháp như cứu cánh, đã giúp Thiện Nghiêm thoát khỏi bóng tối khủng hoảng để tìm lại một cuộc sống an bình về cả thể xác lẫn tinh thần. Anh chia sẻ: “Tôi luôn tự an ủi mình phải mạnh mẽ, tự tin hơn bằng cách đọc những lời Phật dạy, nghe giảng pháp trên băng đĩa và trì chú niệm Phật vì tin rằng điều này có thể chuyển nghiệp xấu của mình”.

Sau một thời gian đặt niềm tin vào Phật pháp, anh đã thấu hiểu và ứng dụng được lời Phật dạy để có cách đối trị với những người đã gieo tiếng xấu cho anh, đồng thời chế ngự khủng hoảng tâm lý, đưa tinh thần trở về trạng thái an nhiên. Anh nói bài học lớn nhất mà thời gian đó cho anh là tin sâu vào luật nhân quả. Có thể anh từng gieo nhân ác với những người đó trong quá khứ nên bây giờ nhân ấy đủ duyên và bắt đầu trổ quả. Không phải chúng ta ngồi chờ cái quả trút lên mình mà khi thấy cái quả đã hiện rõ thì hãy chấp nhận nó nhưng đồng thời cũng có những hành động nhằm chuyển hóa tâm hành xấu khi quả không lành ấy biểu hiện, làm cho nó biến mất hoặc chí ít là ngăn chặn nó phát triển lớn hơn.

Đối với chị Diệu Tâm, khi gặp khó khăn chúng ta “không nên vượt qua nó” mà hãy “tìm cách thỏa hiệp, sống hòa bình, vui vẻ với nó”. Bởi mọi thứ đều sẽ theo quy luật sinh rồi diệt, không cần phải trốn chạy, cũng không cần tiêu diệt chúng. Khi chúng ta tin vào quy luật Nhân-Quả, Sinh-Diệt của thế giới tự nhiên thì lúc ấy chúng ta không còn phải loay hoay với câu hỏi “Làm sao để thoát khỏi khủng hoảng?”.

Việc cần làm là đừng cố vùng vẫy để thoát khỏi mà là đối đầu một cách hòa bình với nó, dĩ nhiên sẽ không dễ dàng, sẽ có những khó chịu nhất định. Tự lượng sức mình, cân nhắc xem khó khăn đó, liệu mình có đương đầu nổi không, nếu được thì mình nhẹ nhàng đi xuyên qua nó, còn nếu thấy cái khó này nặng quá sức mình thì mình chọn cách buông bỏ. Thách thức bản thân như ông bà mình dạy “trong cái khó, ló cái khôn”.

Tìm lại an nhiên

Vượt qua khoảng thời gian sóng gió, giờ đây anh Thiện Nghiêm đã lấy lại cân bằng trong cuộc sống và tìm được sự an tĩnh trong tâm hồn. “Bây giờ trong tâm tôi rất an. Tu là cách xử lý khổ đau, vì tôi cho rằng tu để chuyển nghiệp. Tôi tìm đến chùa để học Phật, tụng niệm kinh Phật và suy xét lời Phật dạy để tìm lại bình an cho chính mình. Không oán giận, thù hằn nữa”, Phật tử Thiện Nghiêm chia sẻ.

Tìm lại sự an nhiên cho thân tâm không phải ngày một ngày hai mà đó là một lộ trình, một sự thực tập có chủ đích, có cứu cánh rõ ràng. Chị Diệu Tâm cho hay: “Tôi tìm đến sự an tĩnh bằng sự tập luyện tâm thoát khỏi tham, sân, si, mình không muốn khi mình qua đời, mình lại nằm ôm của cải vốn không thuộc của mình, mà không dám bước tới bờ giải thoát với sự an tĩnh tuyệt đối trong tâm hồn. Sau những thất bại, những khó khăn mà mình đã chạm phải, mình xem tất cả như một người thầy, và ngôi trường giáo dục mình học tập suốt thời gian sống là trường đời”.

Sống chậm lại, điềm tĩnh hơn, cũng là một trong những cách giúp chúng ta tìm được sự an nhiên trong tâm hồn. Khi chúng ta lắng lòng mình xuống, lắng nghe hơi thở của mình, nhìn thấu nội tâm mình, chúng ta sẽ thấy cơ thể mình cũng là một trường học, và bản thân mình vừa là người thầy, vừa là học trò, chúng ta sẽ tìm được cách học phù hợp với cơ địa của mình, tùy theo định hướng, cứu cánh mình đề ra. Ví như mình, cứu cánh là sự giải thoát, an lạc thật sự tự bên trong. Và an tĩnh trong tâm hồn hiển nhiên trở thành một trong những điều quan trọng mình hướng đến để có sự cân bằng của tâm thức khi ứng xử với chính mình và thế giới bên ngoài, xung quanh mình.

Tấn Khang

Nguyên nhân & cách giải quyết khủng hoảng

Khủng hoảng tâm lý là hiện tượng tâm lý tiêu cực ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con người. Khủng hoảng xảy ra khi cá nhân rơi vào tình trạng sốc tâm lý liên quan đến hoàn cảnh bên ngoài: chiến tranh, động đất, thiên tai, tai nạn thảm khốc, mất người thân... Cũng có thể liên quan đến cách giáo dục của gia đình gia trưởng, ép buộc, cấm đoán, lạm dụng, khống chế hành vi thái quá và lặp đi lặp lại nhiều năm hay suốt đời; tệ nạn bắt nạt học đường, bắt nạt công sở; bắt cóc, đói nghèo, buôn người, khủng bố, thất bại làm ăn, bạo hành, thất tình... Các cá nhân rơi vào hoàn cảnh trên có thể rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý.
Ở Việt Nam hiện nay giới trẻ và trẻ con rơi vào khủng hoảng tâm lý khá nhiều do cách giáo dục quá gia trưởng của cha mẹ, bị ép học (trẻ con học quá nhiều và kiến thức chương trình phổ thông quá cao so với khả năng phát triển của trẻ), bắt nạt học đường, bắt nạt nơi công sở, cậy quyền thế khống chế người khác, bạo hành thể xác và tinh thần...

Làm gì khi người thân bị khủng hoảng tâm lý?

- Cần nghiêm túc tôn trọng, lắng nghe, thấu hiểu, hỗ trợ giới trẻ phát triển.

- Chương trình giáo dục cần được nghiêm túc xem xét lại và được đề xuất khi đã qua các nghiên cứu khoa học nghiêm túc.

- Cần giúp họ đương đầu đối mặt để khắc phục.

- Cần được thăm khám tâm lý để được hỗ trợ.

- Những liệu pháp tâm linh như thiền, đi chùa tụng kinh... sẽ mang lại một số hiệu quá nhất định, nhưng phải thông qua chuyên gia trị liệu hướng dẫn.

TS.Ngô Xuân Điệp
(Trưởng khoa Tâm lý học Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM)
T.K ghi

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 10
  • Hôm nay 71
  • Tháng hiện tại 61,825
  • Tổng lượt truy cập 23,468,074