Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
108 tiếng chuông chùa

108 tiếng chuông chùa

Đăng lúc: 08:20 - 04/12/2016

Vừa bước đến cổng chùa thì cơn mưa ập xuống. Hải gấp ô bước vào sân thì cũng là lúc tiếng đại hồng chung đã ngân lên. Từng tiếng chuông cách quãng đều nhau tạo ra những vòng khuyên âm thanh lan rộng đến cõi vô cùng. Đã nhiều lần Hải thử nhẩm đếm tiếng chuông. 108 tiếng, đúng 108 tiếng. Tiếng chuông chùa đã thấm vào tâm hồn Hải từ hồi lẩm chẩm biết đi và cứ như thế nó cứ âm vang suốt cuộc đời cậu. Nhà Hải ở sát mé sau vườn chùa Quang Đức.
chuong.jpg
Minh họa: Nhuận Thường

Thầy trú trì là một người rất giản dị. Cốc của thầy lợp tranh, tường thưng ván, xung quanh cốc đặt đầy các chậu địa lan. Quấn quýt bên chân thầy là con chó dị tật chỉ có 3 chân mà thầy xin của một Phật tử về nuôi. Mấy hôm nay thầy bị cảm cúm. Con Bin nhận ra người quen đã ứ ứ chực sẵn trên bậc thềm.

- Bạch thầy, con…

Hải chưa nói hết câu thì thầy đã nhỏ nhẹ: “Vào nhanh đi kẻo ướt”.

Hải ngồi xuống. Thầy Nguyên Dung đã rót trà mời khách. Chùa Quang Đức có lịch sử đã hơn trăm năm và thuộc dòng thiền Liễu Quán - dòng thiền lớn ở Huế và miền Trung do một vị sư người Việt sáng lập từ thế kỷ XVII. Pháp danh của thầy bắt đầu từ Nguyên (Nguyên Dung) theo thế thứ truyền thừa đã quy định trong Thiền hệ thi của Tổ Liễu Quán.

Hòa thượng Nguyên Dung là bậc chân tu, am tường giáo lý và lễ nghi Phật giáo. Từ hồi 16 tuổi, sau khi mẹ mất đã xin phép cha đi tu và cho đến nay con đường tu của Hòa thượng đã trên 60 hạ lạp.

Những hiểu biết ít ỏi về đạo Phật mà Hải có được không phải do quá trình huân tập như các vị tu sĩ mà do tích dần từ những câu chuyện với Hòa thượng trú trì Quang Đức.

Ngoài trời vẫn mưa, tiếng chuông chùa cứ thung dung điểm từng tiếng ngân xa xóa tan những vùng tăm tối.

- Này con…

Đang thả hồn theo tiếng chuông và hình dung những vòng khuyên âm thanh tỏa ra trong không trung, Hải giật mình nghe tiếng thầy.

- Chuông U minh thường điểm 108 tiếng và được thỉnh hai lần trong ngày: Lần đầu hôm và lần vào 4 giờ sáng. 108 tiếng chuông là biểu tượng cho 108 phiền não của đời người. Gọi là chuông U minh vì theo Phật giáo, tiếng chuông vang lên đến đâu sẽ xóa tan u mê, tăm tối giúp con người nhận thấy lầm lạc để sửa mình mà sửa mình là gốc để sửa đời. Từ xưa đến giờ không biết bao nhiêu người nhờ nghe được tiếng chuông mà ngộ ra chân lý, bỏ ác làm thiện, lấy ân báo oán.

Dừng một lúc sau khi thưởng một tách trà, Hòa thượng tiếp tục mạch chuyện:

- Nỗi đau khổ, phiền não của con người không phải chỉ là 108 mà nó chỉ là con số tượng trưng cho biển khổ của chúng sinh. Những phiền não, đau khổ ấy do chính con người gây ra và con người phải có trách nhiệm hóa giải đau khổ ấy. Biện chứng luận của Phật giáo chỉ ra rằng muốn diệt bỏ đau khổ không có cách gì hơn là diệt bỏ nguồn gốc của đau khổ, đó là Tham - Sân - Si ở mỗi con người.

Con số 108 cứ ám ảnh Hải từ lâu. 108 bậc cấp lên chùa Bái Đính, 108 bậc cấp lên Trúc Lâm thiền viện Truồi, 108 hạt trong chuỗi tràng hạt… và làm sao để nhớ chính xác đã đánh 108 tiếng.

Hòa thượng đã đoán đúng ý cần biết của Hải và tiếp tục:

- Các chùa xưa, trước khi thỉnh chuông U minh phải đọc bài kệ gọi là kệ thỉnh chuông U minh. Mỗi tiếng chuông tương ứng với một cái thẻ. Cứ đánh xong một tiếng chuông là phải gạt một cái thẻ sang một bên. Khi nào gạt xong dãy thẻ 108 cái ấy là vừa đúng 108 tiếng. Gần đây nhiều chùa không còn giữ được thể thức này mà tối giản chỉ đánh 36 tiếng hay thậm chí đánh theo thời gian 30 phút.

Hòa thượng Nguyên Dung chừng như đã mệt nhưng tiếng thầy vẫn rành rẽ. Trong cốc của thầy không thấy tranh, tượng Phật mà chỉ có một ngọn đèn tỏa rạng ở vị trí mà người ta thường treo chân dung Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngoài trời dường như đã ngớt mưa. Mùi hương mặc lan quý phái thoảng vào phòng. Đã nhiều lần thăm thầy và được nghe thầy luận giải về bao điều, nhưng đêm nay Hải thấy mình như ngộ ra được điều hệ trọng.

Xin phép thầy ra về, đến cổng ngoảnh lại thấy thầy đã cầm trên tay cuốn sách. Tiếng chuông U minh cuối cùng vừa dứt.

Đã khuya rồi mà Hải không sao chợp mắt được. Cảnh tượng hàng ngàn người đến bệnh viện khám chữa bệnh và nhiều người trong họ mắc bệnh ung thư do bị đầu độc bởi thực phẩm bẩn mà Hải chứng kiến qua những ca thực tập của sinh viên y khoa năm cuối cứ ám ảnh Hải. Tiếng chuông chùa cứ vang vọng mãi trong tâm hồn của một bác sĩ tương lai và con số 108 cũng chỉ là con số tượng trưng cho hàng ngàn hàng vạn loại thân bệnh, tâm bệnh mà con người đã gây ra và giờ đây họ phải gánh chịu. Con người đang đầu độc mình, con người đang hủy hoại môi trường sống của mình. Những người nông dân, những người chế biến và buôn bán thực phẩm và thậm chí từng con người chúng ta do thiếu hiểu biết và do lòng tham đã vô tình từng ngày từng giờ gây ra cái chết và nỗi đau thể xác và tâm hồn cho con người.

Làm sao để con người nhận ra sai lạc và trách nhiệm của mình để từng người tự khắc phục. Khi lòng tham và sự ích kỷ đã chế ngự ý nghĩ và hành động của con người thì truyền thông trở thành bất lực.

Mải suy nghĩ miên man, bất chợt tiếng chuông U minh buổi sáng đã ngân lên phía chùa Quang Đức. 108 tiếng chuông chùa lại rành rẽ vang vọng và trong cơn mơ muộn màng của một ngày mới Hải được hóa thân trong tiếng chuông chùa, mang thông điệp Phật pháp đến thức tỉnh mọi nhà, mọi người để ai cũng nhận ra lỗi lầm của mình trong công việc hàng ngày nhằm để giữ sạch môi trường sống, làm điều có ích cho xã hội để chỉ tạo ra những sản phẩm sạch, mang lại hạnh phúc, an lạc cho con người.
Truyện ngắn Nguyễn Hới Thọ

Người chết có hưởng được các phẩm vật cúng thí?

Người chết có hưởng được các phẩm vật cúng thí?

Đăng lúc: 07:25 - 03/09/2016

Không biết tự bao giờ, trong sanh hoạt dân gian, tháng Bảy được xem là tháng cô hồn. Rất nhiều chùa viện và rất đông những gia đình tổ chức cúng thí trong tiết trời tháng Bảy ảm đạm bởi những ngày mưa ngâu, làm cho không khí càng thêm u uẩn.

Chúng ta hẳn đã không ít lần tự hỏi, không biết người chết có hưởng thọ được gì hay không trong những lần ma chay, kỵ giỗ, trai đàn, cúng thí ấy, mà có khi là mâm cao cỗ đầy, có khi chỉ là vài chén cháo lá đa, một ít gạo muối?

Phạm chí Sanh Văn cũng có tâm trạng đó khi người thân của ông qua đời. Sanh Văn, 生 聞, tên tiếng Pāli là Jāṇussonī, được kể là một trong số những Bà-la-môn lỗi lạc đương thời Phật. Ông ở tại Xá-vệ và thường đến gặp Đức Phật để thảo luận. Sanh Văn cũng chính là người lần đầu tiên nghe kể về Đức Phật đã từ trên xe bước xuống, quỳ gối phải xuống đất, chắp tay hướng về rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc ba lần làm lễ: “Nam-mô Như Lai Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác” 1.

Một hôm, Sanh Văn có người thân qua đời. Ông tổ chức ma chay, mở đàn cúng thí, nhưng lòng tự hỏi không biết việc mình làm có lợi ích gì cho người thân hay không, liền đến chỗ Thế Tôn, bạch hỏi: “Thưa Cù-đàm, con có người thân tộc rất thương mến, bỗng nhiên qua đời. Con vì người ấy nên bố thí với tín tâm. Thế nào, bạch Thế Tôn, người ấy có nhận được không?” 2.

Câu hỏi ấy thật đúng với tâm trạng của không biết bao nhiêu người!

10173626_564213897030741_1954872959145839987_n.jpg
Đức Thế Tôn khẳng định có một loài chúng sanh có thể nhận được sự ủy lạo của loài người bằng cách
cúng thí, đó là chúng sanh trong đường ngạ quỷ

Những đối tượng không nhận được lễ phẩm cúng thí

Đức Phật cho biết: “Nếu người thân tộc của ông sanh vào trong địa ngục, nó sẽ ăn thức ăn của chúng sanh địa ngục để nuôi sống sanh mạng của nó, chứ không nhận được đồ ăn thức uống mà ông bố thí dù với tín tâm. Nếu nó sanh vào súc sanh, hoặc loài người, họ sẽ được đồ ăn thức uống của súc sanh, loài người, mà không nhận được đồ do ông bố thí” 3.

Kinh Tăng chi bộ giải thích rõ ràng hơn: “Ở đây, này Bà-la-môn, có người sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, có tham ái, có sân, có tà kiến. Vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào địa ngục, ăn món ăn của chúng sanh ở địa ngục ăn, tại đấy, vị ấy nuôi sống với món ăn ấy; tại đấy, vị ấy tồn tại với món ăn ấy. Này Bà-la-môn, đây là không tương ưng xứ, trú ở nơi đây, vị ấy không được lợi ích của bố thí ấy.

Ở đây, này Bà-la-môn, có người sát sanh... có tà kiến. Sau khi thân hoại mạng chung, vị ấy sanh vào loại bàng sanh. Món ăn của chúng sanh ở bàng sanh ăn, tại đấy, vị ấy nuôi sống với món ăn ấy; tại đấy, vị ấy tồn tại với món ăn ấy. Này Bà-la-môn, đây là không tương ưng xứ; trú ở đây, vị ấy không được lợi ích của bố thí ấy.

Ở đây, này Bà-la-môn, có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, không có tham ái, không có tâm sân hận, có chánh kiến. Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sanh cộng trú với loài Người. Món ăn của loài người như thế nào, tại đấy, vị ấy nuôi sống với món ăn ấy; tại đấy, vị ấy tồn tại với món ăn ấy. Này Bà-la-môn, đây là không tương ưng xứ, trú ở đây, vị ấy không được lợi ích của bố thí ấy.

Ở đây, này Bà-la-môn, có người từ bỏ sát sanh... có chánh kiến. Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung được sanh cộng trú với chư Thiên. Món ăn của chư Thiên như thế nào, tại đấy, vị ấy nuôi sống với món ăn ấy; tại đấy, vị ấy tồn tại với món ăn ấy. Này Bà-la-môn đây là không tương ưng xứ, trú ở đây, vị ấy không được lợi ích của bố thí ấy” 4.

Như vậy, nếu người chết đã tái sanh vào các cảnh giới địa ngục, súc sanh, người và trời thì không nhận đồ ăn thức uống, cho đến áo quần, nhà cửa, xe cộ, điện thoại… do người thân cúng tế.

Những đối tượng nhận được lễ phẩm cúng thí

Nhưng nếu người chết rơi vào đường ngạ quỷ thì họ sẽ nhận được các thực phẩm cúng thí. Kinh ghi: “Này Bà-la-môn, trong đường ngạ quỷ có một nơi tên là Nhập xứ ngạ quỷ. Nếu người thân tộc của ông sanh vào trong Nhập xứ ngạ quỷ kia, thì sẽ nhận được thức ăn của ông”5.

Nhập xứ được giải thích là sanh vào thân trung ấm. Nếu thân trung ấm sanh vào đường ngạ quỷ thì gọi là ‘đắc nhập xứ’, tức báo xứ (của thân trung ấm) là ngạ quỷ. Cha mẹ cùng bà con quyến thuộc sanh vào đường ngạ quỷ (khi đang ở tình trạng thân trung ấm ngạ quỷ và khi đã sanh vào báo xứ ngạ quỷ) mới nhận được sự cúng thí 6.

Kinh Tăng chi bộ giải thích rõ ràng: “Ở đây, này Bà-la-môn, có người sát sanh... có tà kiến. Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi ngạ quỷ. Món ăn của chúng sanh ngạ quỷ như thế nào, tại đấy, vị ấy nuôi sống với món ăn ấy; tại đấy, vị ấy tồn tại với món ăn ấy. Món ăn nào các bạn bè, hoặc thân hữu, hoặc bà con, hoặc người cùng huyết thống từ đấy muốn hiến cúng cho vị ấy, tại đấy vị ấy sống với món ăn ấy; tại đấy, vị ấy tồn tại với món ăn ấy. Này Bà-la-môn, đây là tương ưng xứ, trú ở đây, vị ấy được lợi ích của bố thí ấy” 7.

Như vậy, Đức Thế Tôn khẳng định có một loài chúng sanh có thể nhận được sự ủy lạo của loài người bằng cách cúng thí, đó là chúng sanh trong đường ngạ quỷ, tức là ma giới. Hẳn nhiên, lễ phẩm cúng thí phải là thứ ăn uống được, chứ không phải là hàng mã!

Phước báo của sự cúng thí

Trường hợp người cúng thí, gia chủ không có cha mẹ hay bà con quyến thuộc trong đường ngạ quỷ thì sự bố thí đó cũng có phước báo: “Giả sử ông vì những thân tộc quen biết mà bố thí, nhưng họ không sanh vào trong chốn ngạ quỷ và lại cũng không có những người quen biết khác sanh vào chốn ngạ quỷ, thì việc bố thí do lòng tin, tự mình sẽ được phước. Của bố thí do lòng tin của người thí chủ đó, sẽ không mất”. Kinh phân tích:

“Giả sử có người sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, có tham ái, có sân tâm, có tà kiến. Người ấy sau lại phát tâm bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn,... cho đến những kẻ ăn xin bần cùng, đều bố thí tiền tài, áo quần, chăn mền, đồ ăn thức uống, đèn đuốc, những vật dụng trang nghiêm. Người ấy do sát sanh, lấy của không cho…, sẽ đọa lạc vào trong loài voi, nhưng vì người ấy đã từng bố thí…, nên tuy ở trong loài voi, nhưng cũng nhận được phước báo nhờ họ đã bố thí, từ quần áo, đồ ăn thức uống cho đến những vật dụng trang nghiêm.

“Nếu lại sanh vào các loài súc sanh như trâu, ngựa, lừa, la v.v... nhưng cũng nhờ vào công đức thí ân trước, nên họ ắt sẽ nhận được phước báo kia tùy theo chỗ sanh tương ứng mà được thọ dụng.

“Này Bà-la-môn, nếu thí chủ kia lại trì giới, không sát sanh, không trộm cướp,... cho đến có chánh kiến, và bố thí cho các Sa-môn, Bà-la-môn,... cho đến những kẻ ăn xin nào là tiền của, áo quần, đồ ăn thức uống, đèn đuốc, thì nhờ công đức này mà sanh trong loài người, ngồi hưởng thụ phước báo này, từ áo quần, đồ ăn thức uống... cho đến những vật dụng như đèn đuốc.

“Lại nữa, này Bà-la-môn, nếu họ lại trì giới, thì sẽ được sanh lên cõi trời, vì họ nhờ vào những thí ân nên được hưởng những thứ phước báo về tài bảo, áo quần, đồ ăn thức uống,... cho đến những vật dụng trang nghiêm cõi trời” 8.

Như vậy, một khi gia đình chúng ta có người thân qua đời, chúng ta phát tâm thanh tịnh cúng kính hay bố thí, cúng dường cho Tăng Ni hoặc cho người nghèo khổ, thì dù người thân đã mất của chúng ta không nhận được, bản thân của chúng ta cũng được phước báo trong mọi trường hợp.

Một sự thật là chúng ta không ai biết được người thân của mình sau khi chết đã sanh vào đường nào của lục đạo. Do đó, để tri ân người đã mất, nhất là cha mẹ, bà con thân thuộc của mình, cùng với những anh hùng liệt sĩ đã hy sanh cho tổ quốc, để họ khỏi đói lạnh, bơ vơ, để họ khỏi tủi thân vì chẳng còn ai thương nhớ… chúng ta nên làm lễ kỳ siêu cúng thí cho họ, hoặc mở hội bố thí rồi hồi hướng công đức cho họ. Vì rằng, trong bất cứ trường hợp nào, người thân của chúng ta đã tái sanh về đâu, việc làm ấy đều có phước báo cho chính bản thân mình!

Cúng thí là một trong những cách bố thí cho người đã chết. Vì vậy hãy bố thí những gì mà họ ăn uống được, đừng bố thí thức ăn giả và càng không nên đốt các loại vàng mã như nhà cửa, xe hơi, điện thoại, tiền vàng… để bố thí cho họ. Ngoài ra, với tâm thanh tịnh chúng ta cúng dường cho Tăng Ni, biếu tặng cho người nghèo khổ, hoặc làm các thiện sự như bắc cầu, đào giếng, đắp đường, trồng cây… đều là những việc làm bố thí đưa tới phước báo cho chính bản thân mình và cũng có thể hồi hướng công đức ấy cho người thân đã qua đời.

Thích Nguyên Hùng

Anh Van hoa, Phong Chau

Bình tĩnh sống giữa “kỷ nguyên chọt chọt”

Đăng lúc: 10:14 - 01/07/2016

Có lẽ, chưa bao giờ chúng ta dễ dàng tiếp cận thông tin, kết nối với “thế giới mênh mông” như hiện nay, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, wifi miễn phí hay 3G (mà những thứ này thì quá rẻ), mỗi người có thể tiếp xúc nhanh chóng, hàng giờ, hàng phút các thông tin, hình ảnh trên các trang báo chuyên nghiệp đến những trang “trời ơi”, chuyên đăng tin giật gân, câu view, câu like và cả mạng xã hội cập nhật từng giây...

Anh Van hoa, Phong Chau.jpg
Con người có thể “giết nhau”, đầu độc tâm hồn nhau trên mạng xã hội - Tranh minh họa

Bạn có bối rối giữa... rừng thông tin, bình luận?

Có người nói, đây là “kỷ nguyên chọt chọt” vì liên tưởng tới việc ai cũng cắm cúi vào thế giới rộng lớn ấy thông qua những ngón tay lướt và chỉ chỉ để thao tác các nút like, các câu bình luận - đôi khi ngồi với nhau, là người quen của nhau mà xa cách nghìn trùng vì ai cũng bận lướt Facebook, tám chuyện qua mạng. Ngay cả khi ăn, khi ngủ hay bất kỳ động tĩnh nào trong đời sống riêng tư, trong tâm hồn cũng phải “cúng Facebook”, cũng phải rào rào đưa lên Zalo...

Và một khi có một vụ việc nào đó, như những vụ việc về diễn biến môi sinh đó đây hay những thông tin của giới nghệ sĩ chẳng hạn, dù chưa có một kết luận nào chính thức nhưng các “thánh Facebook” đã ồ ạt có những... kết luận của riêng mình, bàn luận, nổi điên, chuyển tải đủ kiểu thông tin thật giả khiến mỗi ngày mỗi rối rắm (trước tiên cho chính mình). Nhiều vụ khác cũng thế, cư dân mạng sẵn sàng chặt chém vù vù một ai đó, một việc gì đó mà mình chưa biết đầy đủ, nghe ai nói sao thì nói theo vậy (là chính) bởi trong nội dung bàn, bình luận (hay... bình loạn) ấy đã cho thấy sự chưa có hiểu sâu sắc câu chuyện.

Thời đại này, ai không tham gia mạng xã hội có thể nói là... tụt hậu, là bảo thủ, thiếu thông tin, nhưng kỳ thực, khi tham gia lại khiến mình rối hơn, bất an nhiều hơn. Không thể phủ nhận, nhiều nguồn tin quý được nhặt từ mạng xã hội, nhiều bài viết hay, câu chuyện giá trị, tình bạn cao đẹp, thậm chí tình yêu được tìm thấy, nẩy nở, nuôi dưỡng, bước lên đỉnh cao từ chính “thế giới ảo”. Song, những mặt trái, chứa màu đen tối trên thế giới mênh mông này không phải là không có, nhất là giữa đám đông người tham gia - ai cũng muốn nói mà ít người muốn lắng nghe, ai cũng muốn thể hiện bản thân mà ít người có những chia sẻ chân thành, ai cũng manh động và ít có sự bình tĩnh để thấy đa chiều một câu chuyện nào đó.

Thực tế, mạng không là ảo khi nó có tác động tới đời thực của mỗi người. Có những người đã phải chết vì quá xấu hổ do có ai đó tiết lộ bí mật cá nhân, đời tư hay chốn phòng riêng lên mạng. Có những người phải vào tù, bị khởi tố cũng chính vì hành vi thiếu kiểm soát trên chốn “xô bồ” này. Và, có thể chắc chắn một điều rằng, khi bạn lập một trang cá nhân với nickname hoàn toàn xa lạ với lý lịch của mình, mượn ảnh ai đó làm avatar... thì việc bạn phát ngôn đầy tính kích động, xả láng ngôn từ trên chốn công cộng này - nó vẫn tác động tới con người thực của bạn, mỗi ngày và mỗi lần bạn thực hiện hành vi (tưởng không ai biết ấy).

Con người ta thường sống bản năng, buông thả khi họ nghĩ rằng, không ai biết về việc mình làm, cách mình đang sống hoặc nghĩ mình có thể che giấu được chúng bằng những “khuôn mặt khác”, nhất là trong thế giới ảo. Tuy nhiên, hành vi của mỗi người đâu phải chỉ lưu lại trên mạng, hay sẽ bị xóa sổ hoàn toàn nếu không có camera quay lại, không có người thứ hai nào nhìn thấy.

Hành vi bản năng, xấu xí của chúng ta, dù được giấu giếm rất kỹ bằng những tài khoản khác nhau, lạ lẫm trên mạng thì nó vẫn được lưu lại trong tâm hồn mình và ít nhiều gây xáo trộn đời sống của ta. Nó sẽ làm ta phải loay hoay che giấu và dần đi xa con người thật vốn giản đơn, biết giữ mình trong sáng, hay ít nhất cũng biết sợ sự lên án để không làm càng, làm quấy.

Bản thân chúng ta, ai cũng muốn bình yên, tốt đẹp, nhưng rất tiếc, đôi khi vì không kiềm giữ nổi mình trước cám dỗ, nhất là khi được sự “tạo điều kiện” của thế giới ảo - cho phép bản thân ẩn mình an toàn bằng những nickname nào đó, nên ta đã sống bừa bãi hơn, xô bồ hơn, và nghĩ thoáng đến mức đi xa lắc giá trị nhân văn, trong sáng mà mỗi người cần phải giữ, bởi đó là điều kiện tất yếu để có bình yên, để được tôn trọng.

Biến mình thành người dễ dãi trên mỗi bức ảnh, dòng tin, bình luận, chửi bới... trên dòng thời gian là một trong những cách làm cho mình bối rối trước thực tại cuộc sống. Vì, chúng ta không còn bình tĩnh để nhìn sâu sắc, để tìm ra cách giải quyết vấn đề, để cảm thông và thấy được mình cần làm gì để đóng góp; thay vào đó, suốt ngày mình chỉ hoài trách móc số phận, thất vọng với mọi thứ, mất niềm tin với tất cả... (bởi trước đó, đã quá buông thả suy nghĩ của mình trên thế giới mênh mông tuy nhiều người đó nhưng hầu như ai cũng cô đơn với những ốc đảo do mình tự bồi đắp).

Giữa chốn thị phi...

Thời nào cũng có thị phi, cũng có những tin đồn... và con người bị chi phối, bị khổ sở bởi những thứ ấy. Nhưng, có lẽ chưa thời nào bằng thời này, khi công nghệ phát triển, nhà nhà, người người tham gia mạng xã hội, cập nhật tin tức hàng giờ, hàng phút trên internet (như đã nói ở trên), càng khiến cho chốn thị phi nhộn nhịp, rộng mở xuyên biên giới.

Ở đó, có những tin thất thiệt mà cũng khiến người ta... tin sái cổ, như là chuyện bắt cóc trẻ con mới đây chẳng hạn, đã khiến các cơ quan chức năng phải “nói cho rõ” nhằm trấn an dư luận. Rồi những chuyện này nọ hàng ngày, chỉ cần báo đăng (tin chính thức trên báo chính thống) thì sau đó không lâu, cõi “ảo” lại rầm rầm rộ rộ, soi, chiếu, đem kính lúp, kính hiển vi ra để tìm kiếm nhằm bày biện đủ kiểu quan điểm, chủ yếu là “vạch lá tìm sâu”, chê là chính.

Đã không ít lần, tôi đọc được những dòng chia sẻ đầy chán ngán của bạn, rồi của anh, chị, của em... rằng, bây giờ không xài Facebook thì lạc hậu, bị cho là bảo thủ, nhưng chơi rồi mới hay, ở trên đó, người ta làm “thánh” nhiều quá, suốt ngày chỉ trích, xoi mói đời tư, tìm lỗi để ném đá, chứng tỏ mình giỏi, mình lương thiện, trong khi đời thực của họ chưa chắc hay ho gì...

Nhiều người có suy tư về vấn đề (hay vấn nạn) này đã phải đặt dấu hỏi: hình như con người ta ngày càng độc ác hơn, ít biết nhìn cái hay, cái tốt của người khác, của cuộc sống xung quanh, ít biết tha thứ khi cứ muốn kiếm lỗi người khác để làm niềm vui...

Đại ý là như thế. Có một nỗi buồn, sự thất vọng bao trùm trong những dòng ngắn ấy, phản ánh một sự thật là: con người ta kêu gọi sống tốt nhưng ngay cách họ truyền tin, phản ứng với những cái chưa tốt, việc tồn tại của cuộc sống đã cho thấy họ... đang sống xấu rồi. Suy nghĩ tiêu cực và đưa ra những góc nhìn xấu về một con người mà ở đó có chứa phần tốt, điểm đẹp, cái được... là một sự thiếu công bằng, một cách nhìn ác ý.

Đó là chưa nói, có nhiều người trong đầu có tư tưởng “sính ngoại” nên dễ dàng chê bai người trong nước với những lời lẽ thậm tệ, chỉ chờ đợi những tin xấu về người trong nước là đem ra bàn luận, đưa lên “tuyên truyền” như thể cuộc sống chỉ có bấy nhiêu chuyện, và toàn là chuyện xấu. Còn biết bao cái tốt, biểu hiện đẹp sao không đưa lên? Sao lại tự làm cho mình trở nên tiêu cực bằng cách chằm chằm nhìn vào những góc tối và truyền góc tối ấy mà thôi? Trong khi ấy, giả sử cũng với những biểu hiện tương tự, nhưng do người ngoại quốc làm thì có thể dễ dàng được cho qua, thậm chí có cái nhìn ngược lại!

Tôi thấy giữa chốn thị phi mà ở đó, sự giả danh của cái tốt bắt đầu bằng chuyện chửi bới cái xấu chỉ khiến cho đời sống tinh thần mình bị ảnh hưởng không tốt. Do vậy, thiết nghĩ cần cẩn trọng khi bước vào xa lộ thông tin trên mạng xã hội khi có quá nhiều người lạm dụng chốn ấy để xả rác, để bới móc, để khơi gợi những ý niệm không mấy tốt đẹp.

Cần biết bao những lời đẹp từ cuộc sống, những lời thật mà chân thành chớ không phải là những chỉ trích để làm cho xấu mặt người khác, làm cho nhiều người nhìn vào cuộc sống, vào đất nước mình đang sống và thấy chỉ toàn “mặt trái” và thấy “gà nhà bôi mặt đá nhau”.

Nghĩ thế nên tôi tiếp xúc với “chốn thị phi” ấy với sự bình tĩnh, để biết và lướt qua, để còn tập trung vào những điểm sáng khác, để khuyến khích cái tốt được tốt thêm thay vì chỉ là chỉ trích cái xấu, làm cho nó không những không tốt lên mà còn xấu thêm, gây ra hiệu ứng xấu trong suy nghĩ của người khác về cuộc sống, khiến nhiều ngươi rơi rớt niềm tin vào điều tốt đẹp vốn tồn tại song hành bên ta, trong mỗi chúng ta...

An Lạc

Lắng nghe để hiểu & thương

Lắng nghe để hiểu & thương

Đăng lúc: 23:58 - 27/03/2016

Một con cú già khôn ngoan sống ở cây đa. Nó càng nhìn thấy sự đời thì càng ít nói. Mà nó càng ít nói thì lại lắng nghe nhiều. Tại sao mình lại không như con cú già khôn ngoan kia? (Khuyết danh).
bo-tat-QTa.jpg
Quán Thế Âm có nghĩa là quán chiếu, suy xét, lắng nghe âm thanh của thế gian...

Khi còn bé thơ, chúng ta được dạy ‘học ăn, học nói, học gói, học mở’. Và càng nói nhiều thì đó là dấu hiệu phát triển bình thường. Nhưng ít khi nào chúng ta được dạy phải biết lắng nghe. Và phần nhiều, cha mẹ, thầy cô, các bậc phụ huynh, v.v… không để tâm nhiều đến chuyện dạy dỗ cách biết lắng nghe. Tất nhiên, cha mẹ hay các thầy cô có dạy mình phải biết nghe lời. Nhưng ít khi chúng ta được dạy cách biết lắng nghe cho đúng.

Thường khi trong một cuộc đối thoại, chúng ta muốn người đối diện nghe ý kiến của mình muốn phát biểu, hay diễn đạt hơn là mình nên lắng nghe ý tưởng của họ. Nếu đã là vậy, rõ ràng không có sự lắng nghe xảy ra. Mà hễ không có sự lắng nghe, hiểu và cảm thông sẽ không bao giờ được thiết lập. Vợ chồng thường hay gặp phải tình cảnh này, nên có câu nói chọc cười: ‘Ngày xưa chồng nói vợ nghe. Bây giờ chồng nói vợ chê lắm mồm’. Cho nên, biết lắng nghe là nhịp cầu nối đầu tiên cho sự hiểu biết, cảm thông.

Quán Thế Âm có nghĩa là quán chiếu, suy xét, lắng nghe âm thanh của thế gian. Theo phẩm Phổ môn trong kinh Pháp hoa, sở dĩ Ngài mang tên gọi như vậy là do hạnh nguyện từ bi cứu khổ cứu nạn, mỗi khi chúng sanh bị khổ ách, nguy cấp, nhất tâm niệm danh hiệu của Bồ-tát, Ngài liền quán xét âm thanh đó, lập tức cứu họ thoát khỏi tai ách.

Nhiều kinh điển nói về công hạnh của Bồ-tát, về sức uy thần diệu dụng của Ngài, thường hiện thân khắp nơi cứu giúp người đang đau khổ trên trần gian. Nhưng để tu tập theo hạnh nguyện từ bi, cứu khổ của Ngài, thiết nghĩ, chúng ta nên tìm hiểu thêm một số chi tiết về những hạnh nguyện đó.

Trong kinh Pháp hoa nói Ngài thường thị hiện 33 hóa thân. Nhưng theo thiển ý, chắc đây là con số tượng trưng. Ngài được mô tả là một vị Bồ-tát luôn hóa thân cứu khổ mọi loài chúng sinh. Ngài hóa thân là một hiện tượng đặc thù theo tinh thần ‘tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên’, biểu lộ tấm lòng đại từ bi, không phân biệt kẻ thân, người sơ, kẻ thâm tín, người hoài nghi, thậm chí người vô thần, ngoại đạo.

Hiện tượng hóa thân nói lên sự thấu hiểu và cảm thông thật sâu sắc nỗi sợ hãi, mối ưu lo của chúng sinh trong thế giới đảo điên, mộng tưởng. Để được tiếp cận với một chúng sinh đang đau khổ, Ngài hiểu rõ rằng một người xa lạ, dù là một Bồ-tát, sẽ khó có thể đến gần để chúng sinh kia được giãi bày nguồn cơn nỗi khổ của mình.

Theo kinh nghiệm đời thường cho thấy, khi chúng ta đang đau khổ hoặc phiền não mình chỉ muốn chia sẻ với ai biết lắng nghe, thông cảm, và không có ý phê phán, bình phẩm về những điều mình đã làm sai, hay tâm tình mình đang giãi bày, thổ lộ. Và thường mình muốn chia sẻ với người quen biết, dễ thương, hoặc người nào tôn trọng ý tưởng và tình cảnh của mình. Nếu hiểu được điều này, chúng ta có thể đóng vai sứ giả của Đức Quán Thế Âm, lắng nghe mà không phê bình, chỉ trích để giúp làm vơi nỗi khổ của người.

Thật ra, ai trong chúng ta cũng đều có khả năng làm sứ giả Quán Âm, và muốn thành tựu vai trò này đòi hỏi mình phải biết lắng nghe.

Nhưng biết lắng nghe là một nghệ thuật. Nghĩa là chúng ta phải quên mình đi mà chỉ biết nghe người kia đang nói gì. Biết lắng nghe đòi hỏi mình phải biết lắng đọng tâm tư để nghe rõ thông điệp của người mình đang đối diện. Cái bi kịch thường hay xảy ra cho chúng ta là khi mình muốn học hạnh lắng nghe nhưng cứ mỗi khi nghe xong câu chuyện mình lại diễn dịch nó qua lăng kính kinh nghiệm của bản thân, giống như mình nhìn thấy một sự kiện qua cặp kính màu của mình, nên thay vì hiểu và cảm thông, chúng ta lại chỉ trích hay phê phán người đối diện là dở cái này, thiếu cái nọ.

Do đó, hành động lắng nghe của mình bị thất bại. Nếu chúng ta biết lắng nghe qua tâm hạnh từ bi như Bồ-tát Quán Thế Âm, chúng ta biết tôn trọng ý tưởng của người nói và lắng nghe cho kỹ những nỗi khổ đau mà họ đang trải nghiệm, thì công sức lắng nghe của mình sẽ chắc chắn mang lại một kết quả tốt và có thể sẽ làm vơi đi nỗi khổ của người.

Ngoài việc hóa hiện các thân để cứu độ, Ngài còn có khả năng làm cho chúng sinh hết lo sợ (vô úy thí). Trong kinh Pháp hoa, phẩm Phổ môn có nêu lên 14 hoàn cảnh, những trường hợp tượng trưng, mà Ngài đã vận dụng năng lực vô úy để cứu độ. Năng lực vô úy là một khả năng đặc thù mà chỉ có những ai thật định tĩnh, tự tin, và từ bi vô hạn mới có thể làm được. Như một bà mẹ thương con vô cùng mới có thể làm con mình yên tâm dù hoàn cảnh trước mặt đang xảy ra vô cùng bất lợi và nguy hiểm. Sở dĩ chúng ta cảm thấy an lòng, không hoảng sợ, kinh hoàng trước sự hiện diện của Bồ-tát Quán Thế Âm vì Ngài sẵn lòng hy sinh bản thân để cứu độ mọi người.

Chúng ta cũng đã từng nghe qua năng lực vô úy này được các thiền sư thể hiện, như trong câu chuyện sau: Trong thời nội chiến ở Triều Tiên, một vị tướng soái dẫn quân đánh chiếm hết vùng này đến vùng kia, hủy diệt hết những gì cản trở bước tiến của ông ta. Dân chúng trong thành biết đoàn quân của vị tướng đang đánh tới, và nghe tiếng tàn bạo của ông ta nên mọi người đều trốn lánh vào vùng núi cao.

Vị tướng tiến chiếm thành không người và ra lệnh quân lính tìm kiếm dân trong thành khắp nơi. Vài người lính trở về báo cáo chỉ có một thiền sư còn ở lại. Vị tướng quân liền vội vã đến chùa, đi thẳng vào bên trong, rút gươm ra, và nói: “Lão thầy chùa kia, ông không biết ta là ai sao? Ta là người có thể thản nhiên lấy mạng của ông không chớp mắt”. Vị thiền sư nhìn thẳng vào mặt ông tướng soái và bình thản trả lời: “Và tôi, thưa ngài, là người có thể để ngài lấy đầu mà cũng không chớp mắt”. Vị tướng quân nghe xong, liền cúi đầu và bỏ đi.

Sợ hãi là bản năng của con người, ai sinh ra cũng có. Nhưng các bậc thánh, hay như người căn tính yếu kém như chúng ta, nếu biết tu tập tinh chuyên và có lòng từ bi vô lượng, đều có khả năng, không những vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân, mà còn khéo giúp người khác an tâm, không lo sợ. Tu tập hạnh từ bi có khả năng giúp mình vượt qua khổ hải và cũng giúp được người vơi bớt khổ đau. Vậy muốn có được năng lực vô úy thì chúng ta không thể thiếu hạnh từ bi.

Tuệ giác của pháp môn lắng nghe, không chỉ nằm trong việc lắng nghe âm thanh, lời nói, ngôn ngữ của người đối diện, mà còn vận dụng hết cả thân tâm mình từ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và cả ý căn, để hiểu thấu và thấy rõ từ cử chỉ, hành vi, và sắc diện của họ đang nói lên những gì, mà lời nói, ngôn ngữ chưa diễn đạt, trình bày được hết ý của câu chuyện.

Chỉ cần vận dụng một phần ba (1/3) năng lượng của tuệ giác lắng nghe là chúng ta đã có thể giúp vơi đi nỗi khổ của người khác nhiều lắm rồi. Nhưng tiếc thay, đa số chúng ta thích nói hơn là thích nghe nên năng lượng của tuệ giác lắng nghe ít khi được sử dụng. Sở dĩ, mình thích nói hơn lắng nghe vì bản ngã, hay cái ta, đóng vai trò lớn trong việc thể hiện tầm quan trọng của bản thân, con người mình. Không ai muốn đóng vai trò ‘thấp cổ, bé miệng bao giờ!’. Hiểu rõ được điều này và phải vận dụng nhiều công phu tu tập mới có được chút khả năng lắng nghe vi diệu của Bồ-tát Quán Thế Âm.

Nhân ngày lễ vía của Đức Bồ-tát, chúng ta hãy cùng nhau vận dụng hết năng lực của mình để nhất tâm tu tập nguyện noi theo công hạnh của Ngài và để xứng đáng làm một sứ giả của Bồ-tát Quán Thế Âm.

Tháng 10-2015
Tuệ Nghiệp

Tâm hồng danh chiếu ra miền Cực lạc

Tâm hồng danh chiếu ra miền Cực lạc

Đăng lúc: 20:56 - 28/11/2015

Hãy tưởng đến cảnh, người Phật tử ngang qua ngọn núi, thấy một tượng Phật liền dừng chân lễ bái. Lễ xong tới gần, chạm tay vào, bỗng giật mình. Hư không. Tìm hiểu mới hay tượng Phật cổ này vốn bị kẻ ác phá hủy, những nghệ sĩ đích thực tiếc nuối liền cúng dường bằng cách dùng ánh sáng 3D chiếu ra một hình tượng Phật (ảo) y như cũ.

Con người cũng đang liên tục phát xuất ý niệm (chiếu ra) từ vọng tâm, chiếu vào nhau, “mặc định” tính cách cho nhau. Cho đến một ngày tu hành chứng quả, vọng tâm vụt tắt, an trú trong chân tâm và do đó trước mắt “họ” chúng sanh đều mất, thay vào ai cũng đều cùng Phật (tánh).

anhmh.jpeg
Vọng tâm mỗi chúng ta có đầy đủ đức tính của bất cứ người nào; nói ngược lại, thực chất phàm nhân trên trái đất là do vọng tâm ta chiếu (ảnh) ra mà có. Người kia báng Phật, trong ta có chủng tử này, chỉ là nhờ công phu nên không khởi hiện. Mụ B độc ác - trong vọng tâm ta có chủng tử này; anh X hiền lương nhẫn nhịn - vọng tâm ta có đức tính này; cô hàng xóm hay xỏ xiên ganh tỵ - vọng tâm ta cũng chứa mẫu hình này, v.v... và v.v... Hết thảy nói chung, bởi là hàng xóm, là họ không thân thích lắm với ta nên cũng ảnh hưởng không nhiều với bản mệnh của ta.

Ta tác ý đến đối tượng, đối tượng liền thay đổi. Ta tác ý xấu đến nước, nước chuyển xấu (độc), và ngược lại; điều này khoa học đã chứng minh. Ta tác ý đến người, người biến đổi chăng? Có. Bởi người đa phần là nước, là từ vô vàn phân tử cấu thành. Tác ý đến cục đá, cục đá biến đổi chăng? Là có. Chỉ do mắt ta không nhìn thấy thôi. Bởi cục đá là duyên hội tụ của các hạt lượng tử. Các hạt siêu nhỏ ấy luôn không ngừng dao động song mắt thường nào có thấy. Nghệ sĩ nhiếp ảnh, chưa nói họ chụp cảnh động, chụp tĩnh vật cùng một góc, sẽ có sự khác nhau. Là do mỗi người tác ý vào tĩnh vật ý niệm không đồng. Chẳng những người, cục đá, nước bị ảnh hưởng theo ý nghĩ, mà cả vũ trụ đang biến đổi theo ý niệm tác khởi từ tâm chúng sanh trong các cõi.

Ngược lại, cái tạo nên bản tính cố hữu của ta lại chính là sự cộng gộp của những người ít nhiều có mối liên hệ (thông qua lục căn) với ta đó. Chẳng hạn Z hay rượu chè, thiếu trách nhiệm với gia đình và cơ quan. Ban đầu chỉ là thói quen, nhưng làng xóm hễ thấy Z hoặc nghe đến tên Z liền khởi ý nghĩ: ờ, gã ấy nát rượu lắm, bê trễ lắm; họ giữ chặt ý nghĩ này. Hỏi trong tất cả những người quen thân với Z, mấy người có cái nhìn tiến bộ. Kể đến những người mới quen Z, nghe qua liền nắm ngay ý nghĩ (mang tính “chân lý” đám đông) đó, vậy là Z nhận thêm từ trường xấu. Điều này thực sự nghiêm trọng. Z không biết đang sống bởi sự quy định nghiệp xấu từ cảm quan (“vô thức tập thể”) quanh mình. Ý niệm tạo vật chất, tạo cảnh giới, bởi xét đến cùng ý niệm cũng là vật chất, một loại vật chất mắt thường không thể thấy. Sự hội tụ của ý niệm sẽ kết thành năng lượng siêu nhiên dẫn dắt tương lai của chúng sanh.

Hồi tôi ở Thủy Dương, có hai mẹ con, mỗi lần đứa con gây gổ với ai hay rượu chè be bét, bà liền tung câu: “Ôi Ch. ơi tau chết theo mi. Tau chết theo mi liền Ch. ơi”. Rồi tối đó Ch. tông xe vào cột điện chết. Đưa xác Ch. về đến nhà độ nửa tiếng, bà mẹ nom vẫn tỉnh táo, mua nhang về, bỗng hét “Ôi Ch. ơi...” và chết. Hai quan tài đặt song song trong ngôi nhà nhỏ. Quá thảm! Xưa nghe câu cửa miệng của bà mẹ trên đến mỏi tai, chả để ý, bây giờ học Phật, nhớ lại chuyện này tôi không phải giật mình, mà rùng mình!

Trở lại với Z, y cứ thế nát rượu, cứ thế bê trễ trách nhiệm với gia đình xã hội, để rồi chút ý chí mong manh không thể chống lại “trường năng lượng” chung quanh. Rõ hơn, ta có thể xem Z như một tác phẩm tượng mới hơi hướm hình dạng, được trưng diện để mọi người cùng tô đắp, đa phần sẽ theo hình dạng hiển lộ ban đầu. Mỗi người góp vào một bay hồ, Z lần một hiện rõ hình dạng và nhân cách. Bây giờ hãy nghĩ khác. Rằng Z chuyển đến một nơi xa xôi, (tốt nhất gần thiên nhiên), tạm thời không gặp không liên lạc với những người quen cũ. Lâu dần họ sẽ quên Z. Z tới vùng đất mới với những người mới, họ có cái nhìn khác về Z. Cốt yếu là ngay từ lúc gặp hàng xóm, Z phải chỉnh sửa thân tâm, gieo ấn tượng tốt. Người ta nhìn Z khác đi, đẹp đẽ sinh khí hơn, có ích hơn, một lan ra mười người… cứ thế Z tự nhiên được bao bọc bởi một trường năng lượng sạch. Nhưng đây chưa là cứu cánh, chưa thể nói Z đổi được tương lai xán lạn.

Làm sao thoát khỏi vòng nghiệp lực để cải đổi vận mạng? Muốn làm chủ nghiệp lực, dĩ nhiên phải tu, chân thành hướng về Phật, sẽ được sống trong vầng hào quang tịnh khiết. Ý dẫn đầu các pháp. Cải đổi vận mạng, phải từ gốc cải đổi ý niệm, từ bất thiện qua thiện, từ thiện quy về kinh điển, quy về một câu chú, câu Phật hiệu, từ có (niệm ấy) trở về vô niệm. Tâm rỗng rang. Tuy, niệm Phật, không hẳn ai cũng biết cách. Đơn giản nhất cũng phải nghe rõ chữ mình niệm, từng câu nối nhau không đứt. Hơn thế, nếu cứ duy trì tâm niệm này dễ rơi vào tâm đề phòng (vọng niệm), khởi bực lúc niệm xấu xen vào, theo đó niệm ác bị coi khinh, bị đè nén để thế vào niệm thiện v.v...; là ta đã đặt vào đó một “người quan sát”, để tạo nên hoặc tiếp nguồn năng lượng cho cái gọi vọng tâm. Xét ở thiền, ban đầu ta khởi ý diệt trừ vọng ác thay bằng vọng thiện; lúc thiện niệm đã tăng, một niệm ác khởi sẽ làm ta khó chịu hơn trước.

Rốt ráo ở thế gian pháp, chân tâm trở thành vọng tâm là bởi ta đặt vào người quan sát (bát phong), thực tế chân tâm vốn dĩ cũng là cuộc tương tục của ý niệm (tịnh khiết). Bởi, thường trong nhà Thiền hay nghe câu: Chân tâm vô niệm! Một bậc chân tu từng khai thị: “Chớ nghĩ không có một niệm gì mơi được gọi chân tâm, đấy chỉ là cảnh giới vô tưởng thiên, ở đây vô niệm cần phải hiểu là không tà niệm, không có niệm phân biệt thiện ác, chẳng dính hai bên, trung đạo cũng không lập, khi đó thì niệm niệm đều tuôn chảy tương ứng với tự tánh bất nhị, đấy là cái theo ngài Huệ Năng gọi là Đạo tự nhiên, theo Krishnamurti thì là trạng thái sáng tạo khi không còn người quan sát - vốn khi không tự dựng ra để tự triền phược mình, xung đột với chính mình, nhưng đấy chẳng phải là chỗ kẻ sơ cơ có thể sờ đến được; trong kinh Hoa nghiêm gọi là vô công dụng đạo, chính là cảnh giới sơ trụ Bồ-tát. Kẻ sơ học tưởng chỉ nên biết qua thôi còn chỗ dụng công của mình phải nên y pháp của ngài Thần Tú mơi là đắc lực: Ngày ngày thường lau chùi chớ để dính bụi”.

Cũng là từ lý kinh “phiền não tức Bồ-đề”, chân vọng vốn không hai. Lúc vào tu, Phật pháp sẽ soi thấy mình xấu, vậy là người quan sát liền bê về một người tốt đòi thay vào bằng được. Giống như ta thừa tiền (phước) nên thuê một người về gác cổng nhà mình; từ đây tạo nên tâm phân biệt, tâm đề phòng lúc nào không hay. Bên trong luôn đề phòng niệm xấu ác, rồi đề phòng bất cứ niệm gì ngoài kinh; bên ngoài thì đề phòng kẻ trộm, nhà lúc nào cũng khóa, đồ vật hở chút là sợ đánh cắp. Lý này tưởng trái ngược thiền, song là cần thiết tham khảo đối với những người đã, tạm gọi vào được công phu.

Quán niệm, ta phải phân định thiện hay bất thiện, cái nào giữ cái nào không, dần dà mới vượt lên niệm thiện niệm ác. Niệm Phật thì ngay từ lúc nhập môn đã không cần phân biệt niệm thuộc loại gì, giữ hay không, cứ mặc nhiên luồn vào câu Phật hiệu (theo vọng tâm).

Hễ khởi niệm là thay bằng “A Di Đà Phật”; thay một cách nhẹ nhàng; kết hợp có hình ảnh xấu hiện lên, ta luồn ngay vào khuôn mặt Phật, Bồ-tát hoặc Tổ sư Đại đức thờ phụng trong nhà. Sự thế vào này dĩ nhiên niệm vọng không biết (đã bị thay); “người quan sát” cũng không biết, nên dần dà nó thành đồ thừa, tự khắc tự sa thải.

Tâm giống như dòng nước tuôn chảy không ngừng, việc của ta là gửi vào câu Phật hiệu, gửi càng lúc càng dày, đến một lúc sông tâm không (còn) thấy nước cũng không thấy rác, mà toàn “A Di Đà Phật”. Thể tánh của sông vốn là nước, giờ thể tánh của sông tâm là “hồng danh”. Dòng sông tâm thức A Di Đà Phật mênh mông sáng rực không bờ bến, ào ạt chảy về Tây phương Cực lạc; là cảnh giới Tam muội (minh tâm).

Vũ trụ chuyển động không ngừng, trái đất chuyển động không ngừng, tâm ta cũng không ngừng vọng động. Nó vọng động bởi quá nhiều tạp niệm. Ai đó hãy thử ngồi xuống nhắm mắt cố tĩnh tâm, cố gắng không nghĩ gì mới biết thế nào là tạp niệm. Tâm ta nghĩ quá nhiều, mà phần lớn đều bất thiện. Người dừng được tất thảy vọng niệm, chỉ khởi một câu chú hay câu Phật hiệu A Di Đà, dần dần pháp đó cũng mờ, mất dần, trả lại sự trong lặng tuyệt tĩnh mà tâm vẫn hằng sáng, họ có thể ngồi như vậy hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, thậm chí nhiều thế kỷ, gọi là cảnh giới Niết-bàn, muốn tác ý “sống” trở lại thì sống, muốn về cõi Phật thì về, muốn để lại nhục thân bất hoại thì để. An nhiên cùng cực.

Bởi là tâm phóng chiếu, người tu thực sự đạt định thì nhìn đâu cũng yên bình. Hành giả Tịnh tông nhìn ai cũng thấy (tâm họ) là A Di Đà Phật. Bởi là tâm phóng chiếu, nhỡ có bị chửi, thì với họ, người chửi kia thực đang niệm hồng danh; nhỡ ai đó đang báng pháp mình theo, thì với họ người kia cũng thực đang niệm A Di Đà Phật vậy.
Hồ Dụy

Sự trói buộc của luyến ái

Sự trói buộc của luyến ái

Đăng lúc: 18:27 - 08/07/2015

Câu chuyện sau đây được trích từ Tiểu bộ kinh trong Kinh tạng nguyên thủy có thể sẽ giúp chúng ta có một ý niệm rõ rệt hơn về việc tái sinh lên các cõi trời.


Thuở xưa, ở thành Vương Xá có một người phú ông cực kỳ giàu có, nhưng chỉ có một người con trai duy nhất. Cậu trai này tính tình dễ mến và hình dung rất tuấn tú, khôi ngô. Cha mẹ cậu hết sức thương yêu, nuông chiều và không muốn cho cầu phải khó nhọc về bất cứ điều gì.

Vì thế, họ suy nghĩ rằng: “Việc học hành, cho dù là học chữ nghĩa hay nghề nghiệp cũng đều phải bỏ công nhọc nhằn. Muốn học cho đến khi thành tài phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Nhưng chung quy cũng chỉ là để có được một nghề nghiệp sinh sống mà thôi. Nay vợ chồng ta giàu có, vàng bạc của cải không kể xiết, cho dù con ta có ngồi không mà ăn suốt đời cũng không thể hết được, vậy không cần phải cho nó học hành khó nhọc làm gì.”

Và vì thế, mãi cho đến khi cậu con trai đã đến tuổi trưởng thành, họ vẫn chưa cho cậu ta học hành gì cả, chỉ biết suốt ngày ăn chơi hưởng thụ mà thôi!

Năm cậu mười sáu tuổi, họ cưới cho cậu một cô vợ đẹp. Nhưng thật không may, cô này không phải là người khôn ngoan đức hạnh. Vì thế, đôi vợ chồng trẻ cùng đắm say trong dục lạc, ngày ngày hưởng thụ đủ các trò vui chơi thỏa thích.

Chẳng bao lâu, cả hai vợ chồng người phú ông lần lượt qua đời. Cậu con trai ấy đã quen với lối sống ăn chơi phung phí, vẫn tiếp tục ném tiền qua cửa sổ với những cuộc vui bất tận cùng những cô vũ nữ, ca nhi, những buổi trà rượu...

Vì thế, không đúng như dự đoán của hai vợ chồng phú ông là cậu sẽ “ngồi không mà ăn suốt đời”. Ngược lại, cậu đã làm tiêu tán cả sản nghiệp to lớn của cha mẹ chỉ trong một thời gian rất ngắn!

Thế là cậu trở nên nghèo khó. Và vì chẳng có nghề nghiệp gì trong tay, nên cậu chỉ còn một cách duy nhất để xoay xở cuộc sống là tìm đến những người quen biết cũ để vay nợ. Nhưng rồi cũng không ai có thể cho cậu vay nợ mãi khi cậu thật sự chẳng làm ra được gì để có thể sinh sống qua ngày, đừng nói là có thể dành dụm được tiền trả nợ. Rồi các chủ nợ dần dần không còn đủ kiên nhẫn để chờ đợi nữa, họ chia nhau những tài sản mà cậu còn giữ được như nhà cửa, ruộng vườn cũng như tất cả những đồ đạc còn lại trong nhà.

Thế là cậu con trai cưng của vị phú ông giàu có nhất thành Vương Xá giờ đây trở thành một kẻ hành khất không nhà, phải sống lang thang lây lất trong thành phố.

Rồi một hôm, có một tên trộm chuyên nghiệp gặp cậu trên đường phố. Thấy cậu có sức khỏe và ra vẻ thật thà, chơn chất, tên này nghĩ là có thể lợi dụng được nên bảo cậu: “Này chú em, cuộc sống của chú thật là khốn khổ, đáng thương xót lắm. Ta không có gì để giúp chú, nhưng nếu chú chịu đi theo ta, cùng làm công việc với ta, chú sẽ có thể kiếm được đủ tiền để sống thoải mái.”

Trong bước đường cùng, và vốn là người không từng trải việc đời, cậu không chút nghi ngờ liền đồng ý đi theo tên trộm.

Đêm hôm đó, bọn trộm tổ chức một vụ trộm lớn. Chúng đưa cho cậu một cây gậy và bố trí cậu đứng canh bên ngoài trong khi chúng lẻn vào nhà một người giàu có để khuân dọn đồ đạc. Chúng dặn cậu: “Nếu có ai từ bên ngoài muốn vào nhà, hãy chặn lại và đánh chết đi.”

Đã ở vào hoàn cảnh không còn thối lui được nữa, cậu đành nhận lấy cây gậy và đứng đó chờ trong khi cả bọn lẻn vào nhà và thực hiện việc lấy trộm.

Thật không may là có người trong nhà thức giấc và phát giác ra bọn trộm. Thế là họ đốt đèn đuốc lên và cùng nhau đuổi đánh. Vốn đã quen thuộc trong nghề, bọn trộm nhanh chóng biến mất theo nhiều ngả, trong khi cậu trai khờ khạo kia vẫn còn cầm cây gậy đứng đó để... chặn đường. Thế là cậu bị đám người nhà kia đánh cho một trận và bắt giải lên nhà vua với lời cáo buộc là cậu đã bị bắt quả tang trong lúc vào trộm nhà họ, có mang theo vũ khí là một cây gậy lớn.

Sự việc đã rõ ràng, vua ra lệnh xử tên trộm này tội chết. Thế là cậu bị đưa đi giam vào ngục, rồi sau đó đưa đến nơi hành hình. Quân lính dùng roi quất vào người cậu trên đường đi, trong khi có một tốp người mang trống đi theo, vừa đánh trống để gợi sự chú ý của mọi người, vừa rao lớn: “Đây là tên trộm có vũ khí bị bắt quả tang. Đức vua đã xử tội chết để răn đe những tên trộm khác.”

Bấy giờ có người kỹ nữ đẹp nhất trong thành tên là Sulas, nghe tiếng trống và tiếng đám đông ồn ào huyên náo ngoài đường phố nên ghé ra bên cửa sổ để xem. Chợt nàng nhận ra cậu con trai của phú ông giàu có trước đây, bởi lúc trước khi còn giàu có ăn chơi phung phí, hầu như ngày nào cậu cũng cho nàng rất nhiều tiền và cả hai đã từng có nhiều cuộc vui đáng nhớ. Người kỹ nữ chợt động lòng nhớ lại tình xưa, lấy làm thương xót cho chàng trai xấu số, liền nhờ người gửi đến cho tử tội một bữa ăn ngon và nước uống. Nàng lại mang tiền đến cho bọn lính canh và cầu xin chúng hãy để cho tử tội được thong thả dùng xong bữa ăn cuối cùng trước khi bị hành hình.

Cùng lúc ấy, ngài Mục-kiền-liên, một vị đại đệ tử của đức Phật cũng đang ở trong thành Vương Xá. Ngài dùng thiên nhãn quán sát thấy tình cảnh nguy khốn của người tử tù sắp chết, cũng như hiểu thấu được câu chuyện của người này. Động lòng từ bi thương xót, ngài liền suy nghĩ: “Người này xưa nay tuy chưa tạo các ác nghiệp, nhưng cũng chưa hề làm được việc thiện nào. Vì thế, anh ta không thể tái sinh về những cảnh giới tốt đẹp. Nay ta nên tạo điều kiện giúp cho anh ta khởi nên một niệm lành, làm được một điều lành trước khi chết. Như vậy, anh ta sẽ có thể tái sinh về thiên giới.”

Nghĩ vậy rồi, ngài Mục-kiền-liên liền hiện ra phía trước tội nhân ngay vào lúc người ta mang thức ăn đến cho chàng và nói cho chàng biết đó là của nàng Sulas gửi tặng. Khi ấy, chàng trai nhìn thấy một vị tu sĩ hình dáng uy nghiêm khả kính hiện ra từ xa, bỗng thấy trong lòng phát sinh một niềm vui kính nhẹ nhàng khó tả. Chàng liền suy nghĩ: “Ta đã sắp chết rồi, bữa ăn này liệu có ích gì? Chi bằng ta nên cúng dường cho vị tu sĩ kia để may ra có được chút phước lành.”

Nghĩ sao làm vậy, cậu liền nhờ những người lính canh mang thức ăn và nước uống đến cúng dường cho vị tu sĩ đó. Ngài Mục-kiền-liên nhận biết rằng sự đau khổ của chàng trai nhờ khởi tâm cúng dường nên đã trở thành hoan hỷ, ngài liền ngồi xuống thọ nhận bữa ăn và hồi hướng chú nguyện cho chàng rồi ra đi.

Chàng trai sau đó bị hành hình. Trước khi chết, nhờ tâm thành tín đối với Trưởng lão Mục-kiền-liên cũng như việc cúng dường bữa ăn cho một bậc A-la-hán, nên chàng có đủ phước đức để tái sinh lên thiên giới. Tuy nhiên, cũng ngay trước khi chết, tâm hồn chàng xúc động khi nghĩ đến nàng Sulas và mối chân tình của nàng đối với chàng khi sắp chết, một niềm luyến ái sinh khởi mạnh mẽ, và do sự trói buộc này nên chàng không thể tái sinh về thiên giới. Thay vào đó, chàng tái sinh làm một vị thần cây trong khu rừng bên ngoài thành Vương Xá và vẫn ôm ấp ý tưởng sẽ được gặp lại nàng Sulas...

Câu chuyện trên cho ta thấy tác động quan trọng của tâm niệm con người ngay trước khi chết, bởi vì điều này có thể góp phần quyết định vào việc tâm thức sẽ tái sinh vào cảnh giới nào ngay trong đời sống tiếp theo đó. Thuật ngữ Phật giáo gọi đây là “cận tử nghiệp”, và chúng ta hy vọng sẽ có thể trở lại vấn đề này vào một dịp khác.

Nguyên Minh

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 23
  • Hôm nay 3,360
  • Tháng hiện tại 39,815
  • Tổng lượt truy cập 23,446,064