Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
IMG 5501

Sám hối như thế nào là đúng?

Đăng lúc: 20:52 - 28/06/2018

Đức Phật dạy “ Trên đời có hai hạng người đáng quý nhất, một là người không mắc phải lỗi lầm gì, hai là người có lỗi nhưng biết sai và sửa chữa”. Đã là người phàm thì ít nhiều chúng ta thường mắc phải những lỗi lầm trong cuộc sống. Nhưng nhận ra lỗi sai và sửa lỗi sẽ khiến chúng ta nhận được sự kính trọng của người khác. Vì vậy trong đạo Phật có pháp Sám hối. Nhưng sám hối như thế nào là đúng?

Niệm Tăng

Niệm Tăng

Đăng lúc: 08:57 - 26/04/2017

Luôn quán niệm, nhớ nghĩ về ân đức Tam bảo, ba ngôi quý báu ở thế gian với tất cả lòng kính tin là một trong những điều kiện quan trọng để tiến tu trong Phật pháp. Với hầu hết mọi người con Phật, tin Phật là hiển nhiên, tin Pháp là đương nhiên nhưng tin Tăng thì khó hơn rất nhiều vì trong đó thánh phàm lẫn lộn.

niemtang.JPG
Tăng là đoàn thể đẹp, cùng đi trên đường vui...

Tăng-già hiểu theo nghĩa Sangha, hội chúng đệ tử Phật xuất gia gồm bốn người trở lên, hòa hợp và thanh tịnh ngày càng trở nên khó tìm. Tăng-già hiểu theo nghĩa tổ chức Giáo hội, Tăng đoàn lại càng khó để trọn niềm tin. Tăng-già là Thánh chúng (bốn đôi, tám bậc) thì cực kỳ hiếm hoi.
Thế nên, pháp Niệm Tăng hiện nay xem ra là pháp tu có nhiều điểm đáng bàn. Không niệm Tăng thì không thành tựu đức tin Tam bảo, mà niệm Tăng như lời Phật dạy dưới đây cũng chẳng dễ chút nào. Khi mà hội chúng xuất gia hiện nay hầu hết là phàm Tăng, chưa kể đến đội ngũ tạp Tăng, tìm mọi cách len lỏi vào Tăng đoàn với vô vàn lý do và mục đích khác nhau.

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Hãy tu hành một pháp, hãy truyền bá rộng rãi một pháp. Tu hành, truyền bá rộng rãi một pháp rồi sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nào là một pháp? Nghĩa là niệm Tăng.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

- Thế nào là tu hành niệm Tăng sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn?

Bấy giờ các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:

- Căn bản các pháp đều do Như Lai nói. Cúi mong Thế Tôn, vì các Tỳ-kheo mà nói diệu nghĩa này. Các Tỳ-kheo nghe lời Như Lai nói rồi sẽ thọ trì.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ vì các Thầy phân biệt rộng điều này.

Các Tỳ-kheo đáp:

- Xin vâng, Thế Tôn.

Các Tỳ-kheo vâng lời dạy rồi, Thế Tôn bảo rằng:

- Nếu có Tỳ-kheo chính thân, chính ý, ngồi kiết-già cột niệm trước mặt, không có tưởng khác, chuyên cần niệm Tăng (chúng): Thánh chúng của Như Lai nghiệp lành thành tựu, chất trực thuận nghĩa, không có nghiệp tà, trên dưới hòa mục, pháp pháp thành tựu, tam muội thành tựu, trí tuệ thành tựu, giải thoát thành tựu, độ tri kiến thành tựu. Thánh chúng là bốn đôi, tám bậc. Đó là thánh chúng của Như Lai, phải nên cung kính, thừa sự, lễ thuận. Vì sao thế? Vì họ là ruộng phước của đời. Ở trong chúng này đều đồng là pháp khí. Cũng vì tự độ mà độ người khác đến đạo Tam thừa. Nghiệp như thế gọi là Thánh chúng. Thế nên, các Tỳ-kheo, nếu có người niệm Tăng, liền có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nên, các Tỳ-kheo, thường nên tư duy, chẳng lìa niệm Tăng, liền sẽ được các công đức lành này. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này!

Bấy giờ các Tỳ-kheo, nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm 3.Quảng diễn,
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.47)

Nhìn vào hiện thực Tăng-già ở xứ ta hiện nay, hẳn thật khó để quán niệm về Thánh chúng với các phẩm chất “Nghiệp lành thành tựu, chất trực thuận nghĩa, không có nghiệp tà, trên dưới hòa mục, pháp pháp thành tựu, tam muội thành tựu, trí tuệ thành tựu, giải thoát thành tựu, độ tri kiến thành tựu. Thánh chúng là bốn đôi, tám bậc”. Có thể thấy rõ điều này qua một số hình ảnh thể hiện sự phân hóa, bất hòa, cát cứ, phiền não, chạy vạy, rối rắm đậm chất thế tục mà ai cũng biết với sự kìm nén đau lòng, thương cho Phật pháp.

Tuy vậy, về cá nhân của từng vị Tăng (Ni) hay các hội chúng đang ẩn dật nơi các thiền viện, tu viện, tịnh viện thì các phẩm chất của Thánh chúng nơi họ vẫn còn. Nhìn ra thế giới vẫn còn nhiều các bậc thầy đúng nghĩa, những hội chúng thanh tịnh đang tu tập giới định tuệ và tận lực hoằng hóa. Có thể xem đây là chiếc phao hy vọng cho những người con Phật bám víu để quán niệm về chúng Tăng với các phẩm chất hòa hợp, thanh tịnh mà khởi lòng kính tin.
Quảng Tánh

Nghe lại chính mình

Nghe lại chính mình

Đăng lúc: 12:05 - 24/06/2016

"Duyên xuất gia thì xuất gia, duyên cư sĩ thì vui làm cư sĩ; đừng cố chấp, gồng mình làm theo mà dễ bỏ cuộc. Trên bước đường tu tập thì đừng vội thấy chùa to lớn mà nghĩ nơi ấy là trú xứ của Chánh pháp; đừng vội thấy thầy được đông chúng vây quanh mà nghĩ là minh sư.

Con hãy đi, hãy nhìn, nghe kỹ và ngẫm sâu để biết rằng: đến ngôi chùa dù to hay nhỏ, dù nghèo hay giàu nhưng tới nơi ấy thì được an nhiên, tự tại, chỉ muốn cúi đầu đảnh lễ chư Phật, Bồ-tát, Hiền Thánh Tăng mười phương ba đời thì đó là Tam bảo hiện tiền. Còn nếu gặp vị thầy nào dù có vẻ ngoài sang trọng hay giản dị, con đừng bận tâm việc ấy, hãy xem từ nơi thầy có toát ra sự ấm áp, yêu thương, vỗ về, che chở; là vị thầy mà đáng để mình kính trọng thì đó thật là vị thầy để con đảnh lễ, vui nghe và học theo hạnh tu của người…”.

Ni sư đã nói với tôi những lời ấy khi những năm tôi còn đương trai trẻ, chỉ khoảng 24, 25 tuổi. Lứa tuổi của cống hiến, khả quyết và dễ chạy theo cảnh trần. Những lời nói ấy cứ âm ỉ chảy trong tôi. Và tôi đã đi và thấy đúng như vậy. Hiện Ni sư đã hơn 30 năm miệt mài tuổi đạo, 72 tuổi đời sống vì yêu thương hết thảy và chân chánh.

“Nghe kỹ và ngẫm sâu”, lời Ni sư dạy, chợt đồng hiện trong tôi từ những lời kinh Phật. Lúc nào Ngài cũng bắt đầu cụm từ “các ông hãy chú ý lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Tôi sẽ vì các ông mà nói…”. Như vậy sự chú ý lắng nghe kỹ sẽ đem lại hiệu quả. Bởi có tập trung, có để tâm đến vấn đề hiện tại đang giải nghi hoặc đang đàm luận hoặc đang trên bước đường tu hành thì sẽ thực hành đúng, có vậy mới gặt hái thành công. Nếu không nghe kỹ, không chú ý sẽ nghe nhầm và suy luận lệch lạc. Lúc đó thực hành sẽ sai đường. Vậy thì mê vẫn hoàn mê, chưa thể tri kiến khai ngộ.

Trong một ngày chúng ta nghe rất nhiều thứ âm thanh, mình chạy theo âm thanh ấy để phân biệt đúng sai, tốt xấu để rồi phiền não dấy lên như những cơn sóng biển luôn chồm lên vồ vập. Cái nghe ấy chỉ là nghe của thanh trần bên ngoài, của vọng tưởng, của phân biệt, thị phi cho nên mình buồn, khổ, than oán. Ít khi nghe kỹ, ngẫm sâu để thấy cái nghe thật sự trong tâm trong veo kia. Nghe lời xu nịnh, thêu dệt, nói đôi chiều, nói dối, lời đường mật… thì sẽ gây ra bao cảnh đổ vỡ. Bởi nghe một chiều, nghe không kiểm chứng, nghe không suy sâu xét kỹ thì nghe đó trôi lăn trong vô minh đau khổ. Người từng nhắc với tôi rằng đừng vội nghe cô nói mà con hãy đi xa, đi nhiều, rồi có dịp tiếp xúc và suy xét lại để thực hành cho đúng.

Sau bao năm nửa đời, nửa đạo tôi vẫn thấy sự tu và công phu tu phi thời của Ni sư luôn là hành trang quý báu để mình học theo hạnh nguyện ấy trên bước đường học và hành theo lời Phật dạy. Ni sư ngoài những thời khóa công phu chung thì vẫn luôn dành cho riêng mình thời khóa: kinh Lăng Nghiêm, kinh Vạn Phật, Lương Hoàng Bảo Sám.

Ni sư từng nói rằng: “Lạy Phật bằng niềm tin chân thật. Sám hối nghiệp chướng từ tâm chân thật. Tụng kinh cũng từ tâm chân thật. Trì chú cũng từ tâm chân thật. Ngồi thiền cũng từ tâm chân thật không vọng tưởng mong cầu… thì tất cả sẽ có cảm ứng vậy!”. Mái chùa quê, lời nói của vị Ni sư giản dị mà sâu xa thuần lắng biết bao.

Ni sư xuất thân trong một gia đình giàu có. Mẹ làm nghề kim hoàn, từ nhỏ ăn uống đã có người hầu kẻ hạ, thế nhưng vẫn một lòng quy hướng Phật. Mẹ người từng nói: “Tu khó lắm con ơi!”... Trải qua bao gian khó và bằng ý chí tha thiết mãnh liệt, cuối cùng người đã thực hiện được hạnh xuất gia, theo bước Như Lai giải thoát khổ đau của cảnh huyễn mộng thế gian này.

Chiều nay, tôi nương cái nghe theo tiếng mưa để trở về với âm thanh của tiếng chuông chùa quê mộc mạc, nơi mà tôi từng có lần đã cùng với những bậc hiền trì kinh Pháp hoa. Tôi ngồi im lặng và nghe lại chính mình, nghe lại bản tâm trong veo của mình cũng như những giọt nước ngoài thinh không kia trong trẻo đang tuôn chảy cho đời tươi mát, mặc kệ tiếng khen chê.

Tôi định vấn an Ni sư qua điện thoại, nhưng thôi… và tôi với người đang gọi nhau từ chốn không cùng của vô biên trú xứ để hòa cùng dòng nước mát này ra biển tâm rộng lớn. Tôi thầm nói: Con lạy thầy! Con đã trở về! Thế rồi âm thanh đại hồng chung đang rung trong không gian đặc sệt mưa. Tôi ngồi đó in như bất động mà mặc tưởng công hạnh chư Phật rồi thầm niệm danh hiệu Phật để an trú trong an lạc hiện tại, ngay phút giây này.
Tâm Anh

Vì sao tu thiền định?

Vì sao tu thiền định?

Đăng lúc: 09:21 - 10/06/2016

Phật dạy chúng ta tu thiền định cốt để buông xả các niệm tạp loạn, tâm lặng lẽ thanh tịnh. Theo kinh Nguyên thủy Phật dạy Bát chánh đạo, trong Bát chánh đạo từ Chánh kiến cho tới cuối cùng là Chánh định. Theo kinh Đại thừa Phật dạy Lục độ, thứ nhất là bố thí tới thứ năm là thiền định, thứ sáu là trí tuệ.

HT Thanh Tu.JPG
HT.Thích Thanh Từ

Chúng ta tu thiền định là tu thế nào? Nhiều vị không hiểu nói người mới tu thiền phải quán hơi thở tức là sổ tức. Sổ tức là đếm số, hít vô cùng đếm một, thở ra sạch đếm hai, đếm tới mười bỏ, rồi đếm trở lại một. Cứ như vậy đếm hoài cả buổi có lợi ích gì đâu, mầu nhiệm gì đâu?

Chúng ta thử đặt lại vấn đề, tại sao đếm hơi thở? Vì muốn dừng tâm lăng xăng. Hít vô nhớ mình hít vô tới đâu, thở ra nhớ mình thở ra tới đâu, rồi nhớ số nữa. Bắt nhớ như thế để tâm quên chạy theo vọng tưởng. Dừng được tâm này là định nên nói thiền định. Thiền định là tiếng Ấn Độ, Trung Hoa dịch là Tĩnh lự, nghĩa là lặng cái suy nghĩ lăng xăng, chớ không gì lạ.
Qua giai đoạn đếm hơi thở rồi đến giai đoạn theo hơi thở. Khi ta chú tâm đếm hơi thở, tâm không chạy bậy, lần lần thuần thục ta bỏ đếm, chỉ theo hơi thở thôi. Nghĩa là hít vô tới đâu biết, thở ra tới đâu biết. Theo dõi như người thiếu nợ trốn chủ, bất thần chủ nợ tìm gặp, nên theo sát lưng không bỏ. Tu cũng vậy, ban đầu đếm hơi thở, sau đó theo hơi thở thật khít khao để tâm không tán loạn. Đó là phương tiện buổi đầu của người tập tu thiền.

Kế đến chúng tôi hướng dẫn hành giả tu thiền, khi niệm dấy khởi lên biết nó là hư dối, bỏ. Bởi vì khởi nghĩ không thật, mà mê theo nó thì thành thật. Như giận người A, khi dấy niệm giận mình theo niệm đó phát nổi hung hăng, muốn chửi đánh người ta, thành ra tạo nghiệp. Nếu vừa nhớ tới A liền bỏ không nghĩ, thì đâu còn tức mà muốn đánh chửi người ta. Manh mối ban đầu vừa mọc mầm liền thấy, chỉ mặt nó thì nó dừng lại nhẹ nhàng.

Tọa thiền dùng trí thấy thẳng để dẹp vọng tưởng. Đó là thấy ngay lẽ thật, không mượn phương tiện. Thiền tông dạy trực chỉ nhân tâm tức chỉ thẳng tâm người, kiến tánh thành Phật là nhận ra bản tánh của mình thì thành Phật. Chỉ thẳng tâm người là tâm lăng xăng, tâm điên đảo đó. Nó vừa dấy lên, chỉ mặt rầy thì nó lặng. Cho tới bao giờ tâm ấy hoàn toàn lặng hết thì tánh Phật hiện ra. Tánh Phật là Pháp thân. Người tu thiền đặt trí tuệ lên hàng đầu. Nhìn thẳng thấy rõ ràng, không để vọng tưởng lừa gạt. Nó rủ đi đâu là chặn liền, không cho nó dụ dỗ.

Phật tử bây giờ có bệnh, mình tu thích hợp với pháp này liền chê pháp của người khác, khen pháp của mình. Do đó tâm lăng xăng càng tăng trưởng chớ không giảm. Như vậy đâu phải tu. Tu là để giảm suy nghĩ lăng xăng, rối bời, mà mình tu càng ngày càng tăng là không đúng rồi. Cho nên thấy người tu niệm Phật, ta hoan hỷ nói “Chị tu niệm Phật tốt. Ráng niệm cho nhất tâm”. Thấy người tu trì chú, nói “Anh tu trì chú tốt. Ráng trì cho tới tam mật”. Thấy người tu thiền, nói “Anh tu thiền tốt. Ráng ngồi thiền cho được định”. Như vậy ai cũng tốt hết.

Người biết tu phải hiểu cho thấu đáo để không hờn phiền những người đồng đạo. Nếu không khéo sẽ dẫn tới tình trạng người này trách người kia, người kia phiền người nọ. Chính huynh đệ trong đạo chỉ trích nhau hoài, không hòa thuận nói gì tu hành. Bởi vậy tất cả chúng ta phải hiểu rõ điều này.

Tại sao Phật dạy chúng ta phải dẹp cái nghĩ lăng xăng lộn xộn của mình? Những ý nghĩ quấy dẹp thì phải, nhưng ý nghĩ phải tại sao cũng dẹp? Nếu nghĩ xấu sai, ta sẽ nói làm theo nghiệp ác. Nếu nghĩ tốt dĩ nhiên ta nói làm theo nghiệp lành. Như vậy nghiệp lành, nghiệp ác từ ý nghĩ mà ra. Nghiệp ác thì đọa vào đường dữ, nghiệp lành thì sanh về cõi lành. Nhưng dù lành hay dữ cũng còn trong dòng trầm luân sanh tử, còn trở đi trở lại mãi trong ba cõi là còn khổ.

Tại sao nghiệp lành vẫn không giải thoát? Vì nghiệp lành thì sanh cõi lành, như được làm người sung sướng. Nhưng mấy chục năm hưởng hết phước rồi cũng chết. Hoặc sanh lên cõi Trời, ở cảnh cao sang muốn gì được nấy, nhưng hết phước cũng đọa xuống trở lại. Lên lên xuống xuống không có ngày cùng. Chỉ có ra khỏi dòng sanh tử mới được giải thoát, hết khổ đau. Bây giờ nếu chúng ta tu tới nhất tâm, không còn nghĩ thiện nghĩ ác thì đi đâu? Hết nghĩ thì hết nghiệp, hết nghiệp là hết sanh tử, đó là giải thoát. Chỗ cứu kính chân thật Đức Phật chỉ cho chúng ta thấy là cái sáng suốt, bất sanh bất diệt nên gọi là Niết-bàn, vô sanh. Không có sanh lấy gì có tử.

Đức Phật vì thương chúng sanh mê lầm đuổi theo hư ảo cho là mình, rồi cả ngày sống trong cái hư ảo đó, chịu vô lượng khổ đau. Đã sống trong hư ảo thì dù làm việc tốt cũng chưa hẳn là tốt. Ví như có hai nhóm đi làm từ thiện. Nhóm A được nhiều người hoan nghênh, nhóm B cũng làm từ thiện nhưng lại bị nhiều người chỉ trích. Vậy nhóm B có vui nhìn nhóm A không? Bị thua thì giận rồi, mặc dù giận vì làm việc thiện.

Bởi vậy nói tâm của chúng ta không chân thật. Vì nó hư ảo nên biến chuyển luôn. Do đó nhiều người lúc nhỏ rất hiền lành, nhưng lớn lên bị ngoại duyên không tốt tác động lâu ngày trở thành hung dữ. Ngược lại, người lúc nhỏ hung dữ nhưng lớn lên nhờ gần gũi duyên tốt nên trở lại hiền lành. Tâm ta luôn đổi thay, không đứng một chỗ. Gặp môi trường tốt, thầy tốt, bạn tốt thì tốt theo, gặp môi trường xấu, thầy xấu, bạn xấu thì xấu theo. Tâm đó tùy thuộc ngoại cảnh chớ không tự làm chủ được. Vậy mà tất cả chúng ta đều đuổi theo nhận nó là mình, thử hỏi có đáng buồn không?

Nếu chúng ta không nhận những suy nghĩ lăng xăng lộn xộn đó là tâm mình, thì dù ở chung cả trăm ngàn người cũng không có chuyện cãi vã, nói gì đánh đập nhau. Sở dĩ chúng ta ở chung có chuyện này, chuyện kia là vì không đồng ý nhau. Mỗi người đều cho cái suy nghĩ là đúng, là tâm mình nên rồi hơn thua, phải quấy, oán thù đủ chuyện. Nuôi tâm ấy như nuôi kẻ cướp trong nhà, do đó Phật nói “Nhận giặc làm con”. Vì nhận giặc làm con nên nghe lời nó, không chịu bỏ nó. Đã vậy thì đời ta cứ đi trong trầm luân đau khổ không có ngày cùng.

Muốn ra khỏi dòng sanh tử không gì hơn là lặng được chú tạo nghiệp đó. Nghĩa là đừng nhận nó làm con nữa, đuổi nó ra khỏi nhà. Dễ quá, nó không phải là con mình thì đuổi đi. Nhưng khổ nỗi ta lại thương nó, không chịu đuổi. Khi thấy chúng sanh mê lầm như vậy, Đức Phật có thương không? Có. Chúng sanh đang lặn hụp giữa biển cả mênh mông, Ngài đưa tay xuống chờ mình ngóc đầu dậy thì kéo liền. Nhưng chúng sanh cứ mải miết lặn hụp không chịu đưa tay cho Ngài kéo.

Mỗi một ngày hết mười hai tiếng chúng ta chạy theo cái hư giả, chỉ còn một hai tiếng trở về cái thật, nên ráng buông xả cho các vọng tưởng lặng xuống, giành quyền làm chủ phần nào. Nếu không mình cứ bị nó làm chủ hoài. Ngày nào ta giảm bớt được hơn thua, phải quấy thì ngày đó an vui. Ngược lại, nếu cứ để nó lôi dẫn chạy ngược chạy xuôi, khi nhắm mắt chắc chắn phải luân hồi sanh tử.

Phật tử tu mà không hiểu, cứ ỷ lại vào thầy. Tháng nào cũng đi chùa cúng thầy một ít, chừng nào nhắm mắt mời thầy tới độ cho về Cực Lạc, khỏe ru. Tu như vậy thì oan cho đạo Phật quá. Quý vị phải nhớ chúng ta lo cho Tam bảo, để việc giáo hóa mọi người thức tỉnh được trường tồn, được phát triển. Muốn thế bản thân mình phải tu, rồi tạo điều kiện hỗ trợ Tam bảo tồn tại lâu dài nơi thế gian, đem lại lợi ích cho tất cả chúng sanh.

Hôm nay tôi nhắc những điều thiết yếu cho tất cả quý Phật tử biết, ứng dụng tu đúng pháp Phật dạy. Mong tất cả thực hành đúng Chánh pháp, đừng vì sự tu mà tạo phân biệt, nuôi lớn phải quấy đối đãi, trái xa với bản ý Phật dạy, cũng là tự vùi lấp sự giác ngộ của mình. Hiểu vậy trên đường tu tôi tin chắc quý vị sẽ tiến, sẽ đạt được kết quả tốt đẹp.
HT.Thích Thanh Từ

Lắng nghe để hiểu & thương

Lắng nghe để hiểu & thương

Đăng lúc: 23:58 - 27/03/2016

Một con cú già khôn ngoan sống ở cây đa. Nó càng nhìn thấy sự đời thì càng ít nói. Mà nó càng ít nói thì lại lắng nghe nhiều. Tại sao mình lại không như con cú già khôn ngoan kia? (Khuyết danh).
bo-tat-QTa.jpg
Quán Thế Âm có nghĩa là quán chiếu, suy xét, lắng nghe âm thanh của thế gian...

Khi còn bé thơ, chúng ta được dạy ‘học ăn, học nói, học gói, học mở’. Và càng nói nhiều thì đó là dấu hiệu phát triển bình thường. Nhưng ít khi nào chúng ta được dạy phải biết lắng nghe. Và phần nhiều, cha mẹ, thầy cô, các bậc phụ huynh, v.v… không để tâm nhiều đến chuyện dạy dỗ cách biết lắng nghe. Tất nhiên, cha mẹ hay các thầy cô có dạy mình phải biết nghe lời. Nhưng ít khi chúng ta được dạy cách biết lắng nghe cho đúng.

Thường khi trong một cuộc đối thoại, chúng ta muốn người đối diện nghe ý kiến của mình muốn phát biểu, hay diễn đạt hơn là mình nên lắng nghe ý tưởng của họ. Nếu đã là vậy, rõ ràng không có sự lắng nghe xảy ra. Mà hễ không có sự lắng nghe, hiểu và cảm thông sẽ không bao giờ được thiết lập. Vợ chồng thường hay gặp phải tình cảnh này, nên có câu nói chọc cười: ‘Ngày xưa chồng nói vợ nghe. Bây giờ chồng nói vợ chê lắm mồm’. Cho nên, biết lắng nghe là nhịp cầu nối đầu tiên cho sự hiểu biết, cảm thông.

Quán Thế Âm có nghĩa là quán chiếu, suy xét, lắng nghe âm thanh của thế gian. Theo phẩm Phổ môn trong kinh Pháp hoa, sở dĩ Ngài mang tên gọi như vậy là do hạnh nguyện từ bi cứu khổ cứu nạn, mỗi khi chúng sanh bị khổ ách, nguy cấp, nhất tâm niệm danh hiệu của Bồ-tát, Ngài liền quán xét âm thanh đó, lập tức cứu họ thoát khỏi tai ách.

Nhiều kinh điển nói về công hạnh của Bồ-tát, về sức uy thần diệu dụng của Ngài, thường hiện thân khắp nơi cứu giúp người đang đau khổ trên trần gian. Nhưng để tu tập theo hạnh nguyện từ bi, cứu khổ của Ngài, thiết nghĩ, chúng ta nên tìm hiểu thêm một số chi tiết về những hạnh nguyện đó.

Trong kinh Pháp hoa nói Ngài thường thị hiện 33 hóa thân. Nhưng theo thiển ý, chắc đây là con số tượng trưng. Ngài được mô tả là một vị Bồ-tát luôn hóa thân cứu khổ mọi loài chúng sinh. Ngài hóa thân là một hiện tượng đặc thù theo tinh thần ‘tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên’, biểu lộ tấm lòng đại từ bi, không phân biệt kẻ thân, người sơ, kẻ thâm tín, người hoài nghi, thậm chí người vô thần, ngoại đạo.

Hiện tượng hóa thân nói lên sự thấu hiểu và cảm thông thật sâu sắc nỗi sợ hãi, mối ưu lo của chúng sinh trong thế giới đảo điên, mộng tưởng. Để được tiếp cận với một chúng sinh đang đau khổ, Ngài hiểu rõ rằng một người xa lạ, dù là một Bồ-tát, sẽ khó có thể đến gần để chúng sinh kia được giãi bày nguồn cơn nỗi khổ của mình.

Theo kinh nghiệm đời thường cho thấy, khi chúng ta đang đau khổ hoặc phiền não mình chỉ muốn chia sẻ với ai biết lắng nghe, thông cảm, và không có ý phê phán, bình phẩm về những điều mình đã làm sai, hay tâm tình mình đang giãi bày, thổ lộ. Và thường mình muốn chia sẻ với người quen biết, dễ thương, hoặc người nào tôn trọng ý tưởng và tình cảnh của mình. Nếu hiểu được điều này, chúng ta có thể đóng vai sứ giả của Đức Quán Thế Âm, lắng nghe mà không phê bình, chỉ trích để giúp làm vơi nỗi khổ của người.

Thật ra, ai trong chúng ta cũng đều có khả năng làm sứ giả Quán Âm, và muốn thành tựu vai trò này đòi hỏi mình phải biết lắng nghe.

Nhưng biết lắng nghe là một nghệ thuật. Nghĩa là chúng ta phải quên mình đi mà chỉ biết nghe người kia đang nói gì. Biết lắng nghe đòi hỏi mình phải biết lắng đọng tâm tư để nghe rõ thông điệp của người mình đang đối diện. Cái bi kịch thường hay xảy ra cho chúng ta là khi mình muốn học hạnh lắng nghe nhưng cứ mỗi khi nghe xong câu chuyện mình lại diễn dịch nó qua lăng kính kinh nghiệm của bản thân, giống như mình nhìn thấy một sự kiện qua cặp kính màu của mình, nên thay vì hiểu và cảm thông, chúng ta lại chỉ trích hay phê phán người đối diện là dở cái này, thiếu cái nọ.

Do đó, hành động lắng nghe của mình bị thất bại. Nếu chúng ta biết lắng nghe qua tâm hạnh từ bi như Bồ-tát Quán Thế Âm, chúng ta biết tôn trọng ý tưởng của người nói và lắng nghe cho kỹ những nỗi khổ đau mà họ đang trải nghiệm, thì công sức lắng nghe của mình sẽ chắc chắn mang lại một kết quả tốt và có thể sẽ làm vơi đi nỗi khổ của người.

Ngoài việc hóa hiện các thân để cứu độ, Ngài còn có khả năng làm cho chúng sinh hết lo sợ (vô úy thí). Trong kinh Pháp hoa, phẩm Phổ môn có nêu lên 14 hoàn cảnh, những trường hợp tượng trưng, mà Ngài đã vận dụng năng lực vô úy để cứu độ. Năng lực vô úy là một khả năng đặc thù mà chỉ có những ai thật định tĩnh, tự tin, và từ bi vô hạn mới có thể làm được. Như một bà mẹ thương con vô cùng mới có thể làm con mình yên tâm dù hoàn cảnh trước mặt đang xảy ra vô cùng bất lợi và nguy hiểm. Sở dĩ chúng ta cảm thấy an lòng, không hoảng sợ, kinh hoàng trước sự hiện diện của Bồ-tát Quán Thế Âm vì Ngài sẵn lòng hy sinh bản thân để cứu độ mọi người.

Chúng ta cũng đã từng nghe qua năng lực vô úy này được các thiền sư thể hiện, như trong câu chuyện sau: Trong thời nội chiến ở Triều Tiên, một vị tướng soái dẫn quân đánh chiếm hết vùng này đến vùng kia, hủy diệt hết những gì cản trở bước tiến của ông ta. Dân chúng trong thành biết đoàn quân của vị tướng đang đánh tới, và nghe tiếng tàn bạo của ông ta nên mọi người đều trốn lánh vào vùng núi cao.

Vị tướng tiến chiếm thành không người và ra lệnh quân lính tìm kiếm dân trong thành khắp nơi. Vài người lính trở về báo cáo chỉ có một thiền sư còn ở lại. Vị tướng quân liền vội vã đến chùa, đi thẳng vào bên trong, rút gươm ra, và nói: “Lão thầy chùa kia, ông không biết ta là ai sao? Ta là người có thể thản nhiên lấy mạng của ông không chớp mắt”. Vị thiền sư nhìn thẳng vào mặt ông tướng soái và bình thản trả lời: “Và tôi, thưa ngài, là người có thể để ngài lấy đầu mà cũng không chớp mắt”. Vị tướng quân nghe xong, liền cúi đầu và bỏ đi.

Sợ hãi là bản năng của con người, ai sinh ra cũng có. Nhưng các bậc thánh, hay như người căn tính yếu kém như chúng ta, nếu biết tu tập tinh chuyên và có lòng từ bi vô lượng, đều có khả năng, không những vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân, mà còn khéo giúp người khác an tâm, không lo sợ. Tu tập hạnh từ bi có khả năng giúp mình vượt qua khổ hải và cũng giúp được người vơi bớt khổ đau. Vậy muốn có được năng lực vô úy thì chúng ta không thể thiếu hạnh từ bi.

Tuệ giác của pháp môn lắng nghe, không chỉ nằm trong việc lắng nghe âm thanh, lời nói, ngôn ngữ của người đối diện, mà còn vận dụng hết cả thân tâm mình từ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và cả ý căn, để hiểu thấu và thấy rõ từ cử chỉ, hành vi, và sắc diện của họ đang nói lên những gì, mà lời nói, ngôn ngữ chưa diễn đạt, trình bày được hết ý của câu chuyện.

Chỉ cần vận dụng một phần ba (1/3) năng lượng của tuệ giác lắng nghe là chúng ta đã có thể giúp vơi đi nỗi khổ của người khác nhiều lắm rồi. Nhưng tiếc thay, đa số chúng ta thích nói hơn là thích nghe nên năng lượng của tuệ giác lắng nghe ít khi được sử dụng. Sở dĩ, mình thích nói hơn lắng nghe vì bản ngã, hay cái ta, đóng vai trò lớn trong việc thể hiện tầm quan trọng của bản thân, con người mình. Không ai muốn đóng vai trò ‘thấp cổ, bé miệng bao giờ!’. Hiểu rõ được điều này và phải vận dụng nhiều công phu tu tập mới có được chút khả năng lắng nghe vi diệu của Bồ-tát Quán Thế Âm.

Nhân ngày lễ vía của Đức Bồ-tát, chúng ta hãy cùng nhau vận dụng hết năng lực của mình để nhất tâm tu tập nguyện noi theo công hạnh của Ngài và để xứng đáng làm một sứ giả của Bồ-tát Quán Thế Âm.

Tháng 10-2015
Tuệ Nghiệp

Học Phật Bằng Cách Nào?

Học Phật Bằng Cách Nào?

Đăng lúc: 08:06 - 08/11/2015

Hỏi học Phật bằng cách nào, tức là hỏi đến phương pháp học Phật. Ở thế gian môn học nào cũng có phương pháp riêng của nó. Ví như môn toán học, người học trò trước phải biết số, kế học thuộc cửu chương, học cách cộng trừ nhân chia, lên nữa phải học công thức, phương trình v.v... Môn văn chương, trước phải biết chữ cái, học ráp vần, viết chánh tả, học văn phạm, tập cách làm văn v.v... Phương chi Phật pháp là môn học giác ngộ, mà không có phương pháp riêng của nó hay sao?


Phương pháp học Phật tức là ba môn Huệ học: Văn huệ, Tư huệ, và Tu huệ. Bởi vì muốn vào cửa giác ngộ không trí huệ thì không sao vào được. Phật pháp là chân lý, là những sự thật, nếu không có ngọn đuốc trí huệ soi sáng, làm sao chúng ta thấy mọi sự thật ở chung quanh, không cần trí huệ, chỉ dùng lòng tin đến với đạo Phật, để học Phật pháp, thật là sai lầm lớn lao. Đây là chứng bệnh trầm trọng của Phật tử hiện thời. Cần chữa lành bệnh này, chúng ta phải ứng dụng triệt để ba môn huệ học vào công trình tu học Phật pháp.

Thế nào là Văn huệ?
Văn là nghe, do nghe giáo lý Phật pháp, trí huệ mở sáng, gọi là Văn huệ. Chúng ta nghe Phật pháp qua lời giảng dạy của chư tăng, của thiện hữu tri thức đã tu học trước ta. Những lời giảng dạy ấy xuất phát từ kinh điển của Phật, trong đó chứa toàn lời lẽ chân chánh, chỉ bày mọi sự thật cho chúng sanh. Càng nghe, trí huệ chúng ta càng sáng. Hoặc chúng ta trực tiếp đọc kinh sách Phật, khiến mở mang trí huệ cũng thuộc Văn huệ. Chịu khó nghe giảng dạy, chịu khó nghiên cứu kinh sách Phật, đó là người biết từ cửa Văn huệ tiến thẳng vào ngôi nhà Phật pháp.

Thế nào là Tư huệ?
Tư là suy xét phán đoán, do suy xét phán đoán những lời dạy trong Phật pháp, trí huệ càng tăng trưởng. Chúng ta được nghe lời chỉ dạy của thầy bạn, dẫn từ trong kinh Phật ra, song nghe rồi tin liền là chưa đủ tư cách học Phật. Buộc chúng ta phải dùng trí phán đoán xem đúng hay sai, nếu quả thật đúng, từ đó chúng ta mới tin. Có thế mới thực hành đúng câu "các người phải tự thắp đuốc lên mà đi, thắp đuốc lên với chánh pháp" trong kinh Pháp Cú. Chúng ta muốn mở mang trí huệ, song tự mình làm sao mở được, phải mồi ngọn đuốc trí huệ của mình với ngọn đuốc chánh pháp của Phật, trí huệ mới phát sáng.

Mồi bằng cách nào?
Ví như chúng ta nghe vị Sư giảng rằng: "Tất cả thế gian đều là vô thường." Sau đó phải dùng trí huệ của mình phán đoán xem đúng hay không. Chúng ta tự đặt câu hỏi: tất cả thế gian đều là vô thường, có sự vật nào thoát ngoài luật lệ ấy chăng? Nếu có, câu nói này chưa phải chân lý. Bằng không, mới thật đúng chân lý, chúng ta sẽ hoàn toàn tin. Thế rồi, ta tự khảo sát :

Con người có phải vô thường không? Từ ông bà đến cha mẹ chúng ta đều có sanh ra, lớn lên, bệnh hoạn, già yếu rồi chết. Kể luôn cả ta, khi nào còn nhỏ bé, lớn lên, bệnh hoạn, già yếu, rồi cũng sẽ chết. Trong gia đình thân tộc chúng ta đã thế, ngoài xã hội cũng thế, cả nhân loại trên thế giới cũng thế; ngàn xưa là thế, mãi sau này cũng thế. Quả là con người vô thường.

Đến những sự vật, nào nhà cửa, bàn ghế, xe cộ... có bị vô thường không? Chính cái nhà của mình, khi mới cất thì tốt đẹp lành lặn, qua vài ba năm thấy cũ dần, đến năm mười năm thì hư sập. Cái bàn viết cũng thế, khi mới đóng, xem bóng loáng tốt đẹp, dùng mấy năm thấy đã cũ, tróc sơn khờn mặt, rồi đây sẽ mục nát hư hoại. Chiếc xe đạp khi mới mua đem về mới toanh, chạy được một năm vỏ đã rách, cổ lỏng, các con ốc lờn... vài năm nữa sẽ hư. Thế là, nhà cửa, bàn ghế, xe cộ... những vật cần dùng bên cạnh chúng ta thảy bị vô thường chi phối. Cho đến trăm ngàn vật khác, nếu khảo sát đều thấy đồng một số phận như nhau.

Chúng ta có thể kết luận rằng: "tất cả thế gian là vô thường", quả thật là chân lý. Ta tin chắc lẽ này, dù có ai nói khác đi, cũng không làm lay động được lòng tin của ta. Bởi lòng tin này đã được gạn lọc qua sàng lý trí, nên nó vững chắc không dễ gì làm lung lay.
Lại một thí dụ, chúng ta nghe vị Sư giảng lý luân hồi, bảo rằng: "Muôn vật ở thế gian đều xoay quanh vòng luân hồi." Ta tự đặt câu hỏi: Tại sao muôn vật đều luân hồi? Có vật nào không luân hồi chăng? Chúng ta bắt đầu xét từ thực vật:

Cây cối thành hình bắt nguồn từ hạt, hạt nẩy mầm tăng trưởng thành cây, nở hoa, kết trái; trái sanh hạt, hạt lại nẩy mầm... lộn đi đảo lại không cùng. Song đó là sự lộn đi đảo lại từ cây này sang cây khác, ngay bản thân cây ấy có đảo lộn vậy không? Cũng lộn đi đảo lại như thế. Thân cây hiện sống đây, do châm rễ hút đất nước... nuôi dưỡng mới được sanh trưởng, dần dần thành đại thọ. Rễ hút đất nước nuôi dưỡng thân cành lá, lá rụng biến thành phân đất, cành gãy mục cũng thành phân đất, thân cây ngã mục cũng trở về đất nước. Thân cây nhờ đất nước sanh trưởng, khi ngã mục lại trở về đất nước.

Nước do ánh nắng bốc thành hơi, hơi lên cao gặp khí lạnh đọng lại, rơi xuống thành nước; nước lại bốc hơi... mãi mãi không cùng.
To như quả địa cầu vẫn quay tròn quanh cái trục, sáng rồi tối, tối lại sáng. Căn cứ vào sự quay tròn của nó, người ta chia ra ngày giờ tháng năm, thời tiết xuân hạ thu đông, xoay vần thế mãi không cùng.

Do sự khảo sát trên, chúng ta khẳng định rằng "muôn vật ở thế gian đều xoay quanh vòng luân hồi", là sự thật không còn gì phải nghi ngờ.
Trên đây tạm cử vài thí dụ làm căn bản cho công cuộc suy xét phán đoán Phật pháp. Căn cứ vào đây, chúng ta phán xét những lời Phật dạy, hoặc chư tăng dạy trong những trường hợp khác. Có thế, mới phân biệt được chánh tà và mới đúng tinh thần người học Phật.

Thế nào là Tu huệ?
Sau khi phán xét lời Phật dạy là đúng, chúng ta đem áp dụng trong cuộc sống hằng ngày của mình, khiến chánh lý càng bày hiện sáng tỏ, là tu huệ. Ví như, đã biết rõ "tất cả thế gian là vô thường", chúng ta ứng dụng sự vô thường vào đời sống của mình, trong những trường hợp như sau:

Đã biết rõ thế gian là vô thường, khi gặp vô thường đến với bản thân, với gia đình ta, ta vẫn giữ bình tĩnh không hốt hoảng hãi sợ. Vì biết chắc điều đó ở thế gian không ai tránh khỏi, sợ hãi kinh hoàng chỉ làm rối thêm vô ích. Bởi không sợ nên tâm ta bình tĩnh sáng suốt, giải quyết mọi việc một cách tốt đẹp. Chúng ta vẫn đủ sáng suốt để khuyên giải cho những người đồng cảnh ngộ bớt đau khổ.
Biết rõ thế gian là vô thường, mọi sự tranh giành danh lợi, tài sắc... lòng ta nguội lạnh. Tranh giành những thứ tạm bợ ấy làm gì, để rồi chuốc khổ về mình, gây đau khổ cho người, rốt cuộc chỉ thành việc mò trăng bắt bóng. Lòng tham lam giành giật dục lạc thế gian, do đây dứt sạch.

Do thấy rõ lẽ vô thường, chúng ta không thể ngồi yên chờ chết. Phải cố gắng làm mọi việc lành, nếu cơn vô thường đến, chúng ta có muốn làm cũng không sao làm được. Lại biết quý tiếc thời giờ, một ngày qua rồi không tìm lại được, phải cấp bách nỗ lực làm lợi mình lợi người, không thể chần chờ.

Đó là ba trường hợp do biết "thế gian vô thường", chúng ta khéo ứng dụng tu hành trong cuộc sống hiện tại của mình. Bao nhiêu sự lợi ích tốt đẹp sẽ theo đó mà tăng trưởng. Sự tu hành ấy, đi đôi với tâm trí tỉnh táo sáng suốt, nên gọi là "Tu huệ".

Ví dụ khác, chúng ta nhận rõ "muôn vật luân hồi", liền ứng dụng lý luân hồi vào cuộc sống của mình. Nếu phải luân hồi, chúng ta chọn cái luân hồi nào tốt đẹp an ổn hơn. Ví như, biết các loài thảo mộc từ hạt nẩy mầm, sanh trưởng thành cây, đơm hoa, kết quả; hạt lại nẩy mầm... Chúng ta nên chọn lựa hạt tốt giống ngon đem ương, để sau này kết quả ngon, cho ta và mọi người được thưởng thức vị ngon. Cũng thế, trong vòng luân hồi bản thân ta cũng không thoát khỏi, ta cần tạo những nhân tốt, nhân an vui, để mai kia có lăn lộn cũng lăn lộn trong chỗ tốt, chỗ an vui.

Đã biết muôn vật luân hồi, chúng ta phải tìm xem nguyên nhân nào lôi cuốn vào trong ấy. Biết rõ nguyên nhân rồi, phải tìm cách thoát ra ngoài vòng luân hồi. Không đầu hàng khuất phục, để chịu lăn mãi trong luân hồi. Như các nhà khoa học nghiên cứu biết sức hút của quả đất, sau đó tìm cách chế phi thuyền đủ sức mạnh vượt ra ngoài vòng hút của quả đất, đi thẳng vào quĩ đạo v.v... Biết luân hồi để tìm cách thoát ra, chính là tinh thần "Tu huệ".

Văn huệ, Tư huệ rất cần thiết, song Tu huệ lại càng quan trọng hơn. Nếu có văn huệ, tư huệ mà thiếu tu huệ thì chỉ là huệ rỗng, không lợi ích thiết thực cho đời sống con người. Nhờ tu huệ mới thẩm định được giá trị văn, tư ở trên và giúp cho văn, tư được kết quả viên mãn.

Vì thế, đức Phật dạy hàng Phật tử đi chùa là cốt gặp Sư tăng, Sư ni, gặp Tăng ni rồi cần phải thưa hỏi Phật pháp, thưa hỏi xong phải ghi nhớ, ghi nhớ rồi cần phán xét, phán xét rồi phải tiến tu. Được vậy mới đúng tinh thần Phật tử (Phỏng theo bài kinh Ma-ha-nam trong Tập A-hàm). Bồ-tát Quán Thế Âm cũng trình với Phật, thuở quá khứ lâu xa Ngài gặp Phật dạy tu phương pháp văn, tư, tu được vào chánh định và cho hiệu là Quán Thế Âm (Kinh Lăng Nghiêm). Chính trong giới Bồ-tát, Phật cũng dạy "dù ở xa trăm ngàn dặm, nghe có người nói kinh luật, người mới thọ giới Bồ-tát cũng phải mang kinh luật đến đó học (Kinh Phạm Võng). Quả nhiên đức Phật không chấp nhận đệ tử tu hành tối dốt, phải đầy đủ ba môn huệ học, mới xứng là đệ tử của Ngài.

Ba môn huệ học này hoàn toàn thích hợp với tinh thần khoa học hiện nay. Bất luận môn học nào, trước tiên học lý thuyết, kế phê bình lý thuyết, sau thí nghiệm hay thực hành lý thuyết. Lý thuyết tức là văn huệ, phê bình tức là tư huệ, thí nghiệm tức là tu huệ. Có như vậy môn học mới tiến bộ và phát minh những điều mới lạ.

Tuy nhiên, về mục tiêu chánh yếu Phật học vẫn khác khoa học. Khoa học cốt phát minh mọi sự thật của ngoại giới, chinh phục giành quyền làm chủ thiên nhiên, bắt thiên nhiên làm theo ý muốn con người, để tạo vật chất dồi dào sung túc cho nhân loại. Phật học xoay lại ngự trị bản thân mình, gạn lọc đào thải những tâm thức nhơ xấu, kiến tạo một tâm hồn trong sáng an vui tự tại. Bởi khoa học gây tạo điều kiện vật chất dồi dào, nên con người dễ tranh đua giành giật kình chống lẫn nhau, Phật học cốt xây dựng tâm hồn trong sáng, nên người biết tu theo, lòng sẽ mở rộng thương yêu bảo bọc lẫn nhau.Vì thế, ba môn huệ học đều đặt căn cứ trên nguyên tắc "xem lại chính mình". Nắm vững nguyên tắc này, đọc kinh sách Phật, chúng ta nhận định phán xét không bị sai lẫn.
____________________________________
Được trích từ sách: BƯỚC ĐẦU HỌC PHẬT
HT. Thích Thanh Từ

Chiếc xe mới

Chiếc xe mới

Đăng lúc: 08:23 - 07/11/2015

Nhà chỉ có mỗi một chiếc xe máy, chỗ làm của hai vợ chồng lại cách nhau như mặt trăng với mặt trời nên nhiều khi rất bí.

Lắm hôm chị lấy xe đạp của con gái, gò lưng đạp, mệt muốn đứt hơi nhưng đến công ty vẫn trễ. Thường thì chị đi ké xe máy của đồng nghiệp; năm bữa nửa tháng lại giành phần đổ vài lít xăng thay bạn. Đằng nào thì cũng bất tiện nên ngay sau khi trang trải xong nợ làm nhà, chị quyết tậu chiếc xe mới.

Anh hào hứng hưởng ứng ý vợ. Nhưng mua xe gì? Theo chị, xe gì cũng được, phương tiện mà, miễn có chiếc xế nổ, vi vu cho mát mặt là sướng rồi. Anh nhăn mặt xua tay, tỏ vẻ không ưng sự dễ dãi như thế. Chị vẫn bảo lưu ý mình bằng cách nói thêm, chỉ cần một chiếc Wave hay Dream là vừa đẹp lại vừa hợp túi tiền với mình. Anh dửng dưng trước nét mặt ngời ngời niềm vui của vợ rồi bất ngờ xổ một câu nặng như chùy:“Quá lạc hậu!”. Chị ngớ người, chẳng biết ngạc nhiên vì lời nhận xét chắc như định đề kia hay bởi chưa hiểu ý chồng. Anh kéo dài sự ngơ ngác của vợ khi thong thả bật lửa châm thuốc rồi rung đùi nhìn làn khói phả từ mồm; lúc lâu mới cất giọng chắc nịch: “Người ta đang đua nhau lên xe hơi; mình bét nhất phải rinh một chiếc tay ga”. Đôi mắt căng tròn của chị bỗng chớp chớp như sực tỉnh; liền đó là giọng rời rạc như hụt hơi; chị loanh quanh xa gần rồi dừng lại ở tâm điểm “đầu tiên” – tiền đâu. Chị bảo, nhà vừa xây xong, còn bao thứ phải sắm; cùng lúc xoay đâu ra gần bốn chục triệu đồng để mua xe Attila hay Air Blade. Chị lung lạc anh bằng kể lể, nào là phải dành tiền đóng tủ bếp và tủ quần áo, cả cái giường sắm từ hồi mới cưới nay đã ọp ẹp, cũng cần thay. Anh cắt phăng cái giọng thỏ thẻ như mưa dầm của chị: “Phải dồn tiền tậu con xe hoành tráng cho nở mày nở mặt với thiên hạ. Còn đồ trong buồng trong bếp, sắm lúc nào chả được!”. Từ chỗ khấp khởi vui với chiếc xe trong tưởng tượng, bỗng chốc chị chới với giống như người nhìn chùm quả ngọt ngoài tầm tay. Năn nỉ chồng xuống thang không được, chị đành giở chiêu cuối cùng – chuyển gánh nặng “tiền đâu” về phía anh. Nhưng anh thoát nhanh với tuyên bố hệt như quân lệnh: “Đã mua thì phải xe tay ga, còn không thì thôi, không bàn lùi!”. Chị thả tay bất lực trước sự kiên định của chồng. Sau hai đêm trằn trọc, tính tới tính lui, chị liều cầm sổ đỏ tới ngân hàng, vay ba mươi lăm triệu đồng. Ngay trong ngày, anh đánh chiếc Air Blade mới cứng về, dựng chễm chệ giữa sân; nhìn vợ, cười trắng răng đỏ lợi. Liền đó, anh trao chìa khóa xe cũ cho chị.

* * *

Có xe là sướng rồi; cũ mới không thành vấn đề; chị nghĩ vậy và vui vui khi một mình một xe. Vậy là hết cảnh phập phồng chờ để đi nhờ xe; chẳng còn phải đạp xe gần mười cây số đến chỗ làm; có chìa khóa xe trong tay, tha hồ vi vu bát ngát; chị lan man trong niềm phấn khởi bất tận. Nhưng thực tế sau đó, chưa hẳn như chị nghĩ. Dù đã thủ riêng chìa khóa xe mới nhưng lắm lúc anh vẫn chạy xe cũ. Đi dự tiệc hay lễ hội, tất nhiên anh bệ vệ ngự trên chiếc xe bóng nhoáng; nếu đón con hay đi tắm biển, anh đổi xe. Đặc biệt, anh tối kỵ chạy xe đẹp dưới trời mưa; anh bảo, nước mưa khác gì a-xít, hại kim loại lắm. Anh về quê, chị bảo lấy xe mới chạy đường dài cho khỏe nhưng anh còn nhìn trời, nghe thời tiết. Nếu nắng ráo, anh nghe lời chị; nếu đang mùa ẩm ướt, anh nhất quyết chạy xe cũ, vì như lời anh: “Về quê, qua đường đồng nhầy nhụa bùn, xót xe lắm!”. Nguyên tắc của anh khi khởi hành là ngồi lên xe nhún nhún mấy cái, nhìn trước ngó sau một lúc rồi mới nổ máy.

* * *

Nếu có giải thưởng dành cho người giữ tốt dùng bền xe máy thì còn lâu mới thoát khỏi tay anh.

Bắt đầu từ việc để xe, rảnh rỗi hay vội vàng đều phải dựng chân chống giữa, đề phòng xe ngã. Dù chạy đường ngắn hay dài, lâu hay mau, cứ về đến nhà là rửa xe. Anh cởi trần, tay cầm vòi nước mở hết cỡ, tay kia nhăm nhăm miếng giẻ tẩm xà phòng, kỳ tới cọ lui cho bằng sạch mới thôi. Nếu có cảm giác, chắc chiếc xe phải rên lên vì đau. Và nữa, bao giờ anh cũng dùng nước máy để rửa xe, dù nhà có giếng khoan. Anh bảo, nước giếng đầy phèn, dây vào hại xe lắm. Sau rửa nước là lau khô rồi anh chĩa hai chiếc quạt quay vù vù nhằm tống khứ những giọt nước ngoan cố bu bám trên xe. Công đoạn cuối cùng là anh đánh xe vào nhà, bật chân chống giữa rồi lấy chiếu đắp lên. Nếu không lau chùi, anh lại ngồi lặng ngắm xe, huýt sáo vang nhà. Lắm lúc anh quanh quẩn bên xe, hết ngắm nghía lại mở nắp kiểm tra xăng nhớt rồi thử phanh, nổ máy bảo dưỡng hoặc đơn giản là chỉ sờ mó. Nếu đo đếm được độ quan tâm anh dành cho người và vật xung quanh thì phần dành cho xe chắc phải kha khá. Thấy chồng mải lăng xăng bận bịu vì chiếc xe, chị ngứa mắt, bảo: “Anh yêu xe hơn con thế kia, không sợ con gái tủi thân à?”. Vẫn không rời miếng giẻ lau đang miết nhẹ trên yên xe, anh gọn lỏn: “Của bền tại người”. Hẳn là thế nhưng mình xài nó, chớ đâu lại hầu nó như vậy – chị nghĩ.

* * *

Cô gái ở trọ bên cạnh thường bồng con qua nhà chị chơi. Thằng bé thấy xe là sà tới, hết nhảy nhót nói cười với chiếc gương chiếu hậu, lại đòi bấm còi rồi bật đèn xi-nhan để nghe kêu tít tít. Những lúc đó, anh không rời mắt khỏi xe và luôn mồm cảnh báo: “Coi chừng nó cào tróc sơn!”; “Chân bẩn thế kia sao lại đứng trên yên!?”. Mẹ con cô hàng xóm tưởng anh đùa, cười toe toét. Lần cuối, thằng bé lò dò tới bên chiếc Air Blade, nhặt chìa khóa ai đánh rơi dưới đất, rạch một đường lên chiếc vè trước. Đường rạch mong manh như sợi tóc, mơ hồ như ảnh ảo, mắt mười phần mười phải nhìn kỹ mới thấy. Nhưng anh nhăn mặt xuýt xoa rồi mắng té tát khiến thằng bé co rúm, khóc thét. Từ đó, nó chẳng bao giờ dám mon men lại gần chiếc xe. Cũng từ đó, nó không thích sang nhà chị chơi. Được mẹ dẫn qua, đặt đâu nó ngồi đấy, không còn táy máy, nghiêng ngó khám phá như mọi khi. Hình như thằng bé không chịu được gò bó, chỉ một lúc là đòi về. Chị lấy bánh và nước ngọt dụ nó ở lại nhưng nó chẳng thèm. Phòng trọ chật như bao diêm và nóng như hỏa lò nên nhiều buổi trưa thằng bé quanh quẩn bên gốc xà cừ trước nhà chị để tránh nóng. Chị đứng trong nhà, đưa tay vẫy vẫy “vào đây con, có quạt nè”; nhưng nó lắc đầu nguầy nguậy. Nhìn ánh mắt cảnh giác lẫn sợ sệt của con trẻ, chị thương nó, trách chồng.

* * *

Với chị, anh cũng chẳng khách sáo. Những khi xe cũ xẹp lốp hay hết xăng, chị bất đắc dĩ phải đi xe mới. Thấy vậy, anh có lời ngay: “Dắt ra dắt vô chỗ gửi xe phải cẩn thận, đừng để trầy xước”. Thường thì anh giành phần dắt xe ra tận đường rồi mới trao chìa khóa xe cho chị. Nhìn anh giúp vợ với vẻ mặt không vui, chị biết động tác chu đáo của anh chưa hẳn vì chị mà vì sợ chiếc xe bị “tổn



thương” khi được dẫn qua lối cửa hẹp. Lắm lúc chạy xe mà chị nghĩ đâu đâu, suýt đụng vào người ta. Ngồi xe đẹp mà đầu óc căng như dây đàn sắp đứt thì sướng ích gì?! Chị bực; rồi đến lúc cũng không thể im lặng đứng nhìn anh suốt ngày quấn quýt vuốt ve chiếc xe. “Mình cưỡi nó; cớ sao lại để nó làm khổ mình như thế!?”. Lời gay gắt của chị khiến anh cứng lưỡi nhưng rồi đâu lại vào đấy.

* * *

Nói anh không nghe, chị đấu tranh bằng hình thức tiêu cực. Những khi xe cũ không chạy được, chị liền túc tắc đi bộ ra chợ hoặc tới nhà bưu điện; còn khi đưa con đi học thì chị cũng chỉ dùng xe đạp. Vừa đi chị vừa chào hỏi, bắt chuyện với bà con xung quanh, cứ như để thông báo “tôi đang đi bộ đây”. Những lúc ấy, người phờ phạc, mồ hôi đẫm áo nhưng chị chẳng hề kêu ca, chẳng thèm nhìn chiếc xe bóng nhoáng dựng chình ình trước cửa. Người ngoài nhìn vào, thắc mắc: “Sao xe đắp chiếu, người lại hành xác thế kia?!”. Chị cười như mếu. Anh ngượng. Đến lúc anh năn nỉ, chị mới hay dùng chiếc xe vốn để chưng hơn để chạy. Tuy nhiên, chuyện người khổ vì xe vẫn chưa hết.

* * *

Một buổi tối, cô ở trọ gần nhà chạy qua mượn xe. Cô đã mời được mẹ vào trông cháu để cô đi làm. Nhưng bà mẹ quê lần đầu vào thăm con nên lớ ngớ, bị nhà xe cho xuống giữa đường tránh ở bên ngoài thành phố; chưa biết xoay xở sao giữa đêm hôm. Cũng may, bà cụ biết cách gọi điện thoại cho con gái, nên cô cần xe để đi đón mẹ gấp. Cô nhờ chị nhưng xe chị đang để ngoài tiệm sửa chữa. Cô chuyển hướng sang anh, thuyết khách như năn nỉ; chị cũng lên tiếng vun vào nhưng bị từ chối khéo: “Anh sắp đi công chuyện”. Cô hàng xóm nấn ná, hình như vẫn chưa hết hy vọng; chị thầm mong anh đổi lời. Nhưng không.

* * *

Cô hàng xóm vừa về thì chị to tiếng, liền một mạch, cứ như sợ anh chen vào: “Công chuyện gì?! Anh tệ lắm! Hôm anh đi du lịch vắng nhà liền mấy ngày, con bị ngộ độc thức ăn phải vào viện cấp cứu; anh biết cô ấy giúp đỡ sao không? Cô bỏ con nhỏ cho chồng, chạy vào viện, thức trắng đêm với em. Vậy mà giờ đây, chỉ có chiếc xe mà anh nỡ…”. Giọng chị nghẹn lại. Anh cúi đầu, im lặng. Chị ức muốn khóc. Lúc lâu anh mới ngước nhìn chị, lí nhí: “Em qua nói với cô ấy đi”. Chị chạy qua bảo cô hàng xóm sang dắt xe nhưng cô đã mượn được xe, đi rồi. Hôm đó và nhiều hôm sau đó, chị nén bực tức trong im lặng. Anh cũng buồn; suốt mấy ngày liền, chẳng thèm để ý đến chiếc xe yêu quý.

* * *

Anh chủ động làm lành rồi đổi chìa khóa xe cho chị. Trước vẻ ngạc nhiên của vợ, anh tươi cười: “ Em chạy xe tay ga hợp hơn; còn anh đi xe gì chả được”. Chị nhìn anh trìu mến, niềm vui ngời trong mắt; tất nhiên chẳng phải vì được chạy xe mới.

Học cách im lặng…

Học cách im lặng…

Đăng lúc: 06:26 - 04/11/2015

Một lần nữa, chúng ta lại cùng ngồi với nhau để nhắc lại cái kết câu chuyện hai người tranh cãi 4 x 4 = 16 hay 17. Chỉ một câu chuyện đó thôi cũng đã đủ là một bài học lớn cho mỗi người, học cho mình cách sống, cách im lặng và cách lắng nghe.
imlang.jpg
Đến lúc học im lặng và học cách lắng nghe thôi - Ảnh minh họa

Ngày ta chập chững lò dò tập đi, ta được học nói. Gọi mẹ, gọi cha, đòi ăn, đòi chơi,…ta đặt câu hỏi, ta giãi bày lòng mình, ta chia sẻ học thức. Nhưng rồi, cái miệng cũng bắt đầu biết buông lời nói dối, lời cay đắng, lời nóng giận để biến mỗi lời thành lưỡi dao nhọn sắc.

Nhà văn tác giả tiểu thuyết Nhà giả kim nói: Những thứ vào miệng không độc, những thứ từ miệng tuôn ra mới độc. Tại sao lại như thế? Chúng ta ăn cơm lành, canh ngọt, ăn quả chín, rau xanh, tại sao những lời chúng ta nói lại có thể như thuốc độc?

Chúng ta đã học nói, phải chăng đến lúc chúng ta cũng phải học cách lặng im. Chúng ta lặng im để không làm tổn thương người khác, không gây nghi kỵ lẫn nhau; để không phàn nàn, không phán xét, không chì chiết; để không nói ra những lời giả dối, sáo rỗng; để không khiến người ta nổi giận; để không mang những tiếng xấu gieo rắc trong đời. Cuộc đời đã là bể khổ với đủ rối ren rồi, chúng ta học im lặng, đừng bới móc rác rưới nữa để học cách ngắm hoa nở xinh tươi.

Chúng ta không cần phải cố công cố sức nói với một người rằng 4 x 4=16 nếu như người ta tin vào kết quả khác của riêng họ mà không muốn nghe. Chúng ta thắng cũng chẳng ích gì?

Trong mọi mối quan hệ, chiến thắng một cuộc tranh cãi cũng là chúng ta đã thua, thua vì có thể dẫn đến sự bất hòa đến giữa hai người. Đúng sai ra sao, rồi cuộc đời sẽ dạy cho họ, không sớm thì muộn họ sẽ nhận ra được bài học của mình. Đừng cố công bảo: tôi đã nói bao nhiêu lần rồi mà anh không chịu nghe. Bởi vì nếu như muốn nghe, tự khắc tai họ sẽ kiếm tìm, tâm họ sẽ rộng mở.

Cuộc đời nhỏ hẹp lắm, cũng chỉ là cái vòng lẩn quẩn của nhân và quả thôi. Mà cuộc đời cũng lại dài rộng lắm, ta chưa sống hết cuộc đời, làm sao chắc chắn tuyệt đối rằng không có kết quả khác cho 4 x 4.

Tạo hóa rất công minh khi sinh ra hai mắt để nhìn cho thấu, hai tai để nghe cho nhiều, hai chân để đi cho xa, hai tay để năng làm việc giúp đời nhưng lại chỉ cho ta một cái miệng, chính là để ta nói ít đi. Chúng ta chỉ nói cho người biết lắng nghe mà thôi.

Tai con người rất lạ, nó chỉ thích vểnh lên nghe tiếng trên cao mà lờ đi âm thanh dưới thấp. Người đặt bản ngã mình cao hơn người khác sẽ chẳng thể nghe được gì, chẳng học được gì mà cứ lẩn quẩn trong u minh mãi.

Tai con người cũng rất kỳ, nó hướng ra nghe bên ngoài mà quên nghe tâm mình, quên tiếng nói của lương tâm đang gào thét. Nó chỉ thích nghe lời hay, những bóng bẩy sáo rỗng ngọt ngào mà không biết nghe lời ngay thẳng, dù đó là sự thật đắng hơn thuốc. Nó thích nghe lời khen mà bỏ qua lời chê chân thành góp ý. Phải chăng, học im lặng rồi, ta vẫn cần phải học lắng nghe.

Học lắng nghe để đừng rơi vào ảo tưởng của hoa mỹ giả dối, để đừng giận ghét người có tâm, để cúi đầu học hỏi được điều hay, để tránh được cạm bẫy như viên đạn bọc đường, để lưỡi không liếm lên lưỡi dao sắc nhọn quết đầy mật ngọt ngào. Học lắng nghe để nghe thấy tâm mình đang sôi sục, lương tâm đang day dứt, lý trí đang vẫy mình. Học lắng nghe để nói ít hơn, để thấu hiểu, để cảm thông.

Ta đã học nói xong từ năm ba tuổi rồi, đến lúc học im lặng và học cách lắng nghe thôi, kẻo muộn mất rồi.

Chỉ nên giải hận, không nên ôm hận

Chỉ nên giải hận, không nên ôm hận

Đăng lúc: 10:28 - 17/10/2015

Hai chữ “Oán trách” có mặt trong khắp mọi ngõ ngách xã hội, từ quan hệ gia đình bè bạn đến hầu hết các mối quan hệ xã hội.



Có thể nói đây là hiện tượng phổ biến. Dù thân thiết như vợ chồng, cha mẹ, con cái cũng khó tránh được hai chữ “trách cứ” nhau. Ví dụ khi mẹ thấy con cái không vâng lời, có thể nói với con trước mặt chồng: “Con cái gì mà chẳng biết nghe lời gì cả, tính tình xấu xa dạy thế nào vẫn chứng nào tật nấy, bố mày chịu khó mà kèm nó cho tốt”. Đấy quả thực là những câu nói khiến người nghe khó chịu.

Người ta thường trách cứ nhau sau khi nổi giận, vì thế những lời “phát tiết” thường rất khó nghe, không những người nghe cảm thấy khó chịu mà bản thân người nói cũng chẳng vui vẻ gì. Khi bạn bất mãn điều gì với người hoặc sự việc nào đó, bạn sẽ cảm thấy ấm ức, tức giận oán hờn trách móc, tuy nhiên bạn cần hiểu rằng, người sống trong đời mười việc hết tám chín việc không như ý, nếu bạn chỉ biết oán hờn trách móc chỉ làm cho sự việc thêm rối lên mà cũng chẳng giải quyết công việc êm đẹp.

Khi nghe lời oán trách, mọi người thường nghĩ “tôi đối xử tốt với nó thế mà chẳng hiểu sao nó thường không hài lòng về tôi. Vì tốt cho nó tôi mới làm thế, không những không được lời cám ơn ngược lại còn bị chê trách, thật là làm ơn mắc oán”. Cách nghĩ vấn đề như vậy chỉ làm bạn thêm bực tức! Nếu bạn xem oán hờn trách móc là hiện tượng phổ biến, bình thường thì người bị oán sẽ không thấy đau khổ, nếu không hễ cứ bị trách móc bạn liền nghĩ mình bị trách oan, đau khổ sẽ như quả cầu tuyết, càng lăn càng lớn.

Nếu bạn biết tiếp cận vấn đề ở góc độ khác, bạn hãy nghĩ “không phải hiền thánh, mấy ai tránh khỏi lỗi lầm”, bạn thấy người khác chỉ trích hợp lí, bạn nên rút kinh nghiệm, bạn phải cám ơn họ đã cho bạn cơ hội nhìn lại thiếu sót của bản thân.

Người bình thường mấy ai không phiền não, có phiền não nhất định sẽ có oán hờn, trách móc. Có thể bạn không phải là nguyên nhân làm cho người khác phiền não nhưng vẫn bị trách móc, bạn hãy nghĩ mình đang làm điều tốt, đang giúp họ trút giận, giúp họ xả bớt phiền muộn, căng thẳng. Khi cảm thấy bất mãn, có thể do người khác cũng có thể do mình tự gây ra, bạn nên nghĩ rằng do một người nào đó tung tin nhảm chứ không phải lỗi của mọi người. Khi gặp trường hợp này hãy đặt mình vào vị trí người khác để suy nghĩ, cố gắng thực hiện: không oán trách người khác, chấp nhận người khác trách móc, và lắng nghe chỉ trích của người khác. Khổng Tử nói “bậc quân tử nghe lỗi lầm thì vui mừng”, không những không nên phiền não mà ngược lại nên vui vẻ đón nhận vì khi người khác còn biết trách nghĩa là bạn còn giá trị trong họ.

Có trường hợp khi nghe người khác oán trách liền nghĩ “người thanh cao sẽ tự thanh cao, người nhơ bẩn tự làm nhơ bẩn” thế là đóng cửa tuyệt giao, không thèm để ý đến người khác, như thế chỉ làm cho đối phương thêm giận, họ sẽ cho rằng bạn muốn cắt đứt mọi mối quan hệ với họ. Nếu đến mức này sẽ rất khó hòa giải. Khi nghe người khác trách mình bạn nên tìm biện pháp giải quyết hợp tình hợp lí, không nên đổ thêm dầu vào lửa. Nếu là lời trách bình thường, bạn chỉ nên gật đầu tỏ ý cho đối phương rằng mình đã biết, vì có thể đối phương chỉ nhắc nhở chứ không có ý gì khác.

Nếu bạn bị người khác oán trách, chỉ trích thậm tệ bạn nên phản ứng lại. Trường hợp đối phương hiểu lầm, bạn nhất định phải tìm cách giải thích cho họ biết. Nếu đối phương trách vì bạn không làm như họ mong đợi thì hãy nói với họ rằng bạn sẽ cố gắng sửa sai trong lần sau. Nếu đối phương vẫn thấy không hài lòng, bạn cứ nói thật là mình đã cố hết sức để đối phương thông cảm.

Nếu ai cũng biết dùng thái độ bình thản để đón nhận những lời chỉ trích và tìm cách giải quyết thỏa đáng thì sẽ trưởng thành hơn sau những lời chỉ trích đó.

HT. Thánh Nghiêm

Những nẻo đường nhận thức

Những nẻo đường nhận thức

Đăng lúc: 20:10 - 28/06/2015

Bạn bè thân thiết, kể cả một số quý thầy, thỉnh thoảng vẫn hỏi tôi: Đi qua đi về mấy mươi năm, đi ngang đi dọc nhiều lĩnh vực, nhiều bộ môn, đi xuôi đi ngược nhiều con đường trên thế giới…, liệu có cái gì đúc kết, tổng hợp được không?
Nhiều năm qua đã nhiều lần tôi muốn “đúc kết”, nói “ngắn gọn” thử xem. Nhưng thực là khó. Hình như biết càng nhiều thì kiến thức càng bung ra, càng phân kỳ. Thế nhưng, cũng có cái lạ là càng phân kỳ, càng biết nhiều, ta lại càng khám phá nhiều tương đồng hội tụ. Vật chất trong khoa học đối với sắc thể trong Phật học; tâm lý học của phương Tây đối với Duy thức trong Phật giáo…, các kiến giải có khác nhau bao nhiêu những cái đồng quy của những lĩnh vực đó càng tàm ta kinh ngạc, kính sợ vể một thế giới mà ta đang sống.

Tâm hồn bé nhỏ của tôi cũng chỉ là một trái banh bị những kiến giải vô tận và khác biệt x đó đá tung đi khắp các hướng. Thường thì con người sẽ bị lạc hướng. Nhưng tôi còn chút may mắn. Trước những tri kiến và thông tin vô cùng khác biệt đó, tôi nhớ những lời của Phật, vốn nghe được từ hồi nhỏ. Thí dụ nghe những khoảng cách của không gian và thời gian cực bé của Max Planck, tôi nhớ đến “sát-na” của kinh Phật. Các hạt được mệnh danh là “hạt giả” trong thế giới hạ nguyên tử làm tôi nhớ đến thuyết “Vô ngã”. Thậm chí, nhìn trái banh bi-da chạm nhau chạy trên bàn tôi cũng liên tưởng đến nguyên lý duyên khởi, cái này có thì cái kia có.
Nhờ “cố thủ” trong các nguyên lý của Phật pháp, tôi bớt đi được chút hoang mang và hỗn loạn trong tâm. Nhờ đó tôi tự giải thích đôi chút tri kiến trong các ngành khoa học hiện đại, các pháp môn xa lạ, thậm chí hiểu được giáo lý của các tôn giáo khác. Thế nhưng, để “đúc kết tổng hợp” được một điều gì sâu xa và do chính mình thực chứng thì thực là đáng phân vân.
Thế nhưng, cũng có ngày ta phải về lại cố quốc, trải lòng tâm sự với bạn bè chứ, tôi tự nhủ. Tôi bỗng nhớ hình ảnh của Ôn Châu Lâm nửa thế kỷ trước trong căn phòng mờ tối trên chùa, của Ôn Thiện Siêu mà mình có dịp được dùng cơm riêng, một điều mà về sau tôi mới biết là vô cùng hiếm có. Mình phải về và trình pháp với quý Ôn, quý thầy, đã viên tịch hay còn hiện tiền những gì mình học hỏi, sau 45 năm đi qua đi về.
Thế nên hôm nay tôi liều chọn một đề tài khá bao quát, đầu đề của nó là “Những nẻo đường nhận thức”. Đầu đề nghe quá to tát, nhưng thực ra tôi chỉ nó về những kinh nghiệm và nhận thức của riêng mình. Nó sẽ có tính chất chủ quan và có thể khác lạ, hoặc hơi kỳ cục so với thông thường. Tôi không có một chút ý định nào thuyết phục người nghe vì phần lớn là các trải nghiệm trong tâm. Tôi cũng thấy thật là khó khăn khi diễn bày những cảm nhận trong tâm bằng ngôn ngữ.
Nhận thức là hoạt động suốt cả cuộc đời chúng ta, tôi thấy có nhiều chiều kích, hay nhiều nẻo nhận thức.
1. Nhận thức bằng cách nghe.
Nghe là cách học vấn và nhận thức cổ điển nhất của loài người. Trong thời kỳ mà chữ viết chưa hình thành, người ta chỉ học bằng cách nghe. Khoảng hai ba ngàn năm trước, tại phương Đông, kinh Vệ Đà hay các bài giảng của Phật Thích- ca tại Ấn Độ đều là những bài thuyết giảng cho người đến nghe. Tại Hy Lạp phương Tây thì những nhà hiền triết như Platon, Aristotl đều thuyết giảng cho người tìm đến nghe chuyện.
Thế nên, “nghe” là cách nhận thức cổ điển và xem ra hiệu quả nhất của con người. ở đây ta hiểu “nghe” là trực tiếp nghe lời nói của vị thầy, thông qua ngôn ngữ mà lĩnh hội những điều vị ấy nói. Không cần dài lời, cách học hiệu quả nhất là trực tiếp đến với thầy, nghe giảng vả thảo luận với vị đó.




Nghe là nghe âm thanh, tiếng nói từ bên ngoài. Qua tai, âm thanh, tiếng nói từ bên ngoài vào tâm ta rồi ý thức dựa trên đó mà nhận thức vật ở bên ngoài. Đó là quá trình thông thường của nghe. Nhưng cũng có khi ta nghe bên trong, nghe ‘vận động bên trong tâm”.
“Rong chơi râu tóc bạc phơ
Còn nghe đắm đuối vần thơ yêu người
Người đi ở cuối chân trời
Có nghe tình mộng nửa đời dằng dai…”
(Bùi Giáng)

Nghe của Bùi Giáng là tâm nghe tâm. Thế nên, “nghe” không chỉ là lỗ tai nghe âm thanh. Tâm nghe tâm là tâm tự lắng nghe chính mình, hay chính xác hơn là nghe những diễn biến trong mình. Nói vậy chứ không phải đơn giản, vì “diễn biến trong tâm” thường kéo dẫn chúng ta đi theo mà ta không hề biết. “Diễn biến trong tâm” chính là tâm chúng ta. Hình ảnh trong gương chính là tấm gương. Tâm nghe tâm là tự tách mình đứng bên dòng chảy của tâm và lắng nghe nó. Thế nên Bùi Giáng không hề điên mà rất tỉnh, vì tỉnh táo mới nghe được diễn biến trong tâm mình.
Thế nhưng, còn một dạng khác nữa của nghe. Đó là một dạng thụ động của nghe. Nghe một cách thụ động, không dụng công nghiêng tai nghe cái này hay cái khác, bên trong hay bên ngoài. Không dụng công nhưng chú ý, chú ý nhưng không dụng công. Chú ý trống rỗng. “Trống rỗng ở đây tức là thụ động, chú ý nhưng không có đối tượng chú ý. Thụ động để cho cái gì đến thì cứ đến, không phân biệt trong ngoài, không phán đoán đúng sai thiện ác, không để lôi kéo dẫn dắt, chỉ giữ chú í thuần túy. Nghe nhưng không trụ vào đối tượng nghe, chỉ thuần túy ghi nhận.
Thực sự có dạng đó của nghe. Khi đó thì hầu như cũng không có người nghe, chỉ có một cái nghe đang vận hành. Khi đó thì tính nghe đồng nghĩa với tính biết. Khi đó thì những cái được nghe, hay chính xác hơn là những cái được biết dường như “bóc tách” khỏi tâm ra và lơ lửng trong không gian trống rỗng.
2. Nhận thức bằng cái thấy
Các bạn hãy thử xém, cáo mà chúng ta thấy là cái gì của sự vật?
Hãy quan sát một cái quạt máy. Quạt máy khi đứng yên chỉ có 3 cánh quạt, ở giữa các cánh quạt là không gian trống rỗng. Khi quạt quay nhanh thì không còn ba cái cánh nữa mà chúng biến thành một cái đĩa tròn dày đặc liên tục. Do quạt quay quá nhanh nên đĩa tròn xuất hiện. Không những đĩa tròn xuất hiện mà nó còn có tác dụng như một cái đĩa thật, tức là không thể đút ngón tay xuyên qua nó. Ném trái bóng bàn vào quạt, bóng sẽ dội ra thật.
Nguyên tử của vật chất cũng vậy. Nguyên tử thì trống rỗng hơn trăm vạn lần cât quạt ba cánh của chúng ta. Nguyên tử có nhân và âm điện tử quay quanh. Kích thước nguyên tử gấp 100.000 lần so với hạt nhân, ở giữa trống rỗng. Nó trống rỗng đến nỗi nếu hạt nhân lớn gần bằng trái bóng đá thì nguyên tử lớn hơn cả sân vận động. Khi đó thì hạt nhân là trái bóng nằm ở giữa sân, còn âm điện tử chỉ như vài chục khán giả loe ngoe ngồi trên khán đài xa lắc trong một trận cầu tẻ nhạt. Nguyên tử trống rỗng và buồn tẻ như vậy nhưng nó xây dựng nên toàn thế giới vật chất.
Nguyên tử trống rỗng như thế sao ta không đi xuyên qua được cánh cửa? Sao chiếc ghế ta ngồi chật cứng? Sao khắp nơi đều hiện lên vật thể chắc nịch? Lý do là âm điện tử, một trong các hạt cơ bản không chịu đứng yên, chúng quay và quay rất nhanh làm ba cánh biến thành cái đĩa tròn, có tác dụng như chiếc đĩa tròn. Còn do các hạt của nguyên tử quay nhanh mà hiện thành thế giới thiên hình vạn trang, cứng chắc, dày đặc. Do đó chúng ta mới ngồi đây mà không lọt tõm xuống tầng dưới.
Nghĩ thế nên thú thật tôi không bỏ được ý tưởng cho rằng thế giới này là ảo. Về chiếc quạt máy, hỏi có đĩa tròn thật không, tôi sẽ nói có nhưng không thực có. Không có nhưng “coi như” có. Cúp điện thì đĩa biến mất. Lại nữa, đĩa chỉ có với tôi nhưng không có đối với một cái máy chụp ảnh vận tốc nhanh. Cái camera sẽ nói đâu có đĩa tròn, chỉ có ba cánh. Cũng như thế, những gì mà ta thấy trong thiên nhiên chỉ là sự vật hiện tướng lên thế thôi. Chưa hết, chúng không chỉ hiện tướng lên một cách mờ ảo, mà chúng tác dụng cũng rất mạnh mẽ. Đó là cái “dụng” của sự vật. Quạt không chỉ hiện tướng đĩa tròn, nó còn ngăn vật lọt qua, cho gió mát.
“Dụng” của đất nước gió lửa mạnh mẽ thế nào ai cũng biết. Toàn thể tiến bộ khoa học kỹ thuật là sử dụng cái “dụng” của sự vật. Nước dâng được thuyền lên qua đó người ta chế tạo ra tàu bè. Nước cũng có sức nặng đáng lể làm đắm tàu bè nên nhờ đó người ta chế tạo tàu ngầm. Nhưng “dụng” của nước không bất biến, khi nước sôi lên thành hơi thì nước vô dụng trong chuyện tàu bè, nhưng người ta lại dùng nó làm tuốc – bin sản xuất điện.
Nếu hỏi thế thì cài “thể” đích thực của đĩa tròn là gì, tôi trả lời nhanh là ba cánh. Nhưng hỏi cái “thể tính” đích thực của thiên nhiên đất nước gió lửa là gì thì hầu như không ai trả lời được. Ta không thể biết được thể tính sự vật.
Vật chất chỉ hiện tướng thế thôi. Nhưng điều này còn có một cái lắt léo nữa: nó hiện tướng không phải cho ai cũng như nhau, nó không hề khách quan mà nó hiện tướng tùy theo “trình độ” của người nhìn nó. Đối với người điếc thì thế giới toàn màu sắc và sự lặng yên; đối với người mù thì thế giới đầy âm thanh và màu đen; đối với người mù màu thì thế giới chỉ có hai màu đen trắng; đối với loài có khứu giác nhạy bén thì thế giới nhấp nhô toàn cả mùi; đối với chiếc camera thì đĩa tròn là ba cnahs quạt. Thậm chí khi ta di chuyển nhanh thì không gian thời gian đã khác, ta bay thật nhanh thì thế giới hiện ra méo xẹo, cô hoa hậu sẽ không còn là hoa hậu nữa.
Thế thì thế giới hiện lên với ta tùy theo khả năng mức độ của ta. Heisenberg, nhà vật lý lượng tử cũng nói đại ý “thiên nhiên là câu trả lời trước sự vấn hỏi của con người”. Ta thắc mắc thế nào thì thiên nhiên đáp lại theo cách hỏi của ta. Thế nên cái thấy của ta có hai điều đáng nhớ, một là điều ta thấy chỉ là tướng trạng của sự vật, không phải thể tính thực của nó; hai là nó mang tính chất, mang chữ ký của người ngắm nhìn nó.
Chúng ta ít khi nhớ đến hai tính chất đó, tin rằng thế giới bên ngoài là khách quan và là thực như thế. Hầu như tất cả chúng ta là nhà “duy thực”.
Nếu có ai ngồi xuống lặng yên, chú ý quan sát sự vật với tâm rỗng rang không dụng ý, không ép uổng hoàn toàn thụ động trong sự chú ý trống rỗng, không trụ vào đối tượng như đã nói trên trong phần nghe, người đó sẽ tiến đến một trạng thái lạ. Đó là một tình trạng không có người thấy mà một cái thấy chiếu hiện, cái thấy đó bao gồm cả người thấy lẫn vật bị thấy. Người đó vẫn thấy sự vật như trướ, nhưng trong tâm sinh ra một cảm nhận. Đó là cái thấy hiện lên như một sự tương tác của vật bên ngoài và tâm bên trong. Sự tương tác này sinh ra một cái thấy, cái thấy đó chiếu lên thành cảnh, bao gồm cả người thấy và vật bị thấy. Như một giấc chiêm bao chiếu lên thành cảnh, gồm cả người và vật như trên sân khấu của tâm.
3. Nhận thức bằng cách quan sát (thân và tâm)
Nhận thức bằng cách nghe, nhận thức bằng cách thấy chính là “mở” hai giác quan tai và mắt, cho hai cái nghe và cái thấy vận hành. Quan “nghe” và “thấy” hầu như toàn thể thế giới hiện ra quanh ta.
Bên trên, tôi có nói thế giới hiện lên theo mức độ của người thấy. Thế thì bây giờ hãy thử quan sát chính mình, quan sát chính thân tâm mình.
Thân tâm chúng ta là gì? Là một tập hợp to lớn vận hành một cách tự động, không cần chúng ta lưu tâm đến. Thân chúng ta trung bình trong 30 giây thực hiện những thao tác sau đây: tim đập 36 lần, thở ra vào 8 lần, sản xuất 72 triệu hồng huyết câu, máu chảy một đoạn đường 7km, sản xuất 100w năng lượng. Thân của chúng ta quả đang vận hành và đang vận hành với một công xuất kinh khủng. Chúng ta tưởng mình là chủ nhân nhưng thật ra rất hạn chế. Đúng ra là, các bộ phận của thân tự mình thao tác, trong một chương trình nhất định.
Còn tâm chúng ta vận hành như thế nào? Muốn biết cũng không đơn giản. Cái “nghe” của Bùi Giáng là tâm nghe tâm, không phải việc dễ làm.
Thế nhưng hãy ngồi xuống, thật lòng xem điều gì xảy ra trong tâm, không chờ đợi mong cầu bất cứ điều gì, nhất là đừng mong một phép lạ, hình ảnh hay quyền năng gì sẽ xảy ra. Đừng ép uổng tâm mình phải yên lặng, rỗng rang, vô niệm hay bất cứ điều gì. Đừng nghĩ đến thành công hay thất bại. Cứ tỉnh táo quan sát xem sao.
Đầu tiên hầu như ai cũng rơi vào một sự lộn xộn, hỗ loạn trong tâm. Thường là hình ảnh của quá khứ gần, của tối hôm qua, sáng hôm kia trở về lộn xộn. Chúng lôi kéo ta đi cả phút, cả chục phút. Ta giật mình thấy ra mình chỉ ngồi suy nghĩ mông lung. Lát sau nữa thì lưng bắt đầu đau, chân bắt đầu nhức và ta sẽ sớm chấm dứt các bài quan sát tâm.
Thế nhưng, nếu kiên trì, tỉnh táo và chú ý, thường thì phải sau vài tháng hay vài năm, ta sẽ nhận ra một điều đơn giản trong tâm. Đó là một dòng hoạt động tâm lý cứ trôi chảy liên tục trong ta. Ban đầu có lẫn vui buồn thương nhớ, về sau cảm xúc ít đi nhưng tâm luôn luôn có hình ảnh, có âm thanh. Đặc biệt, trong âm ta luôn luôn có lời, khi thì đối qua, đáp lại. Luôn luôn có lời nói thầm trong tâm, tôi tạm gọi là “Tâm ngôn”.
Nếu một người luôn luôn nói lảm nhảm, ta gọi hắn là điên. Nhưng thực tế chúng ta cũng luôn nói lảm nhận, chỉ khác với người điên là không nói ra thành tiếng. Các hình ảnh, âm thanh đó trôi chảy như một dòng không bao giờ dứt. Đặc biệt nó không nằm dưới sự điều khiển của ta, nó “tự động” vận hành, như tim phổi chúng ta tự vận hành không cần ta lưu tâm đến. Ai không tin tâm tự vận hành thì hãy nhớ những đêm mất ngủ, ta chỉ mong tâm đừng nói nữa những nó vẫn cứ nói. Và nếu may ta rơi vào giấc ngủ, tâm vẫn tiếp tục nói, sinh ra những giấc mơ.
Thế là tâm nói 24/24. Đừng nghĩ tâm chỉ nói những điều tào lao. Nó cũng rất hây nói những điều cao đẹp, thánh thiện. Tâm ngôn là một tên gọi khác của tư tưởng.. Dù là tư tưởng cao đẹp hay tiếng đối đáp liên tục thường tình của nội tâm, ta nhận ra một điều giản đơn, đó là “cái tôi” không điều khiển được tâm mình, kể cả khi ngồi thiền. Tâm dặn tâm những điều cao đẹp cũng là tâm ngôn. Khi ngồi xuống tự nhủ “hãy lặng yên” thì lời đó cũng chính là tâm ngôn.
Nếu tỉnh táo, kiên trì quan sát thêm vài năm nữa, lúc này thì 10 người đã bỏ cuộc hết 8, 9, ta thấy một điều lạ. Đó là phát hiện ra rằng những điều trong tâm, vui buồn thương nhớ, hình ảnh âm thanh, chúng đến và đi không để lại dấu vết nào cả. Ví như đốt một cây diêm. Một ngọn lửa phát ra. Chục giây sau ngọn lửa tàn. Trước khi ngọn lửa phát ra thì không có lửa, sau đó khi tàn cũng không còn lửa. Không thể nói lửa từ đâu đến và đi về đâu. Lửa chỉ là một hiện tượng nhất thời, đủ điều kiện thì hiện ta. Cũng như thế, đám nây trên bầu trời cũng là một hiện tượng nhất thời. Toàn thể các hình ảnh và âm thanh trong tâm cũng là những hình ảnh nhất thờ. Chúng không đến từ đâu và đi về đâu. Có vị thiền sư nào đó đã nói: “chim hạc bay qua, bầu trời lại yên tĩnh không có dấu vết”. Câu nói nghe thô sơ vậy mà mô tả tuyệt diệu trạng thái của tâm. Trước đó là không, sau đó là không. Đây chính là yếu tính của Tính Không.
Thêm vài năm nữa, lúc này đã gần chục năm trôi qua, lúc tâm đã quen tỉnh giác, ta có thể bắt gặp từng khoảnh khắc của cái tức thời thì có cái lạ nữa sinh ta. Khi đó có tâm nữa, không có tâm ngôn, không có tư tưởng, không có độc thoại hay đối qua đáp lại mà kinh sách gọi là “Không tầm không tứ”, thù chỉ còn ánh sáng, âm thanh và hình ảnh. Cảm nhận của thân cũng biến mấ, như người vô hình. Cái trống rỗng trong tâm tâm như khoảng trống giữa hai đồ vật kê trong phòng. NHư một gian phòng vốn trống rỗng nhưng ta quá nhiều đồ đạc kê chật trong phòng, cái này sát cái kia. Nhưng khi lất đồ đi thì khoảng trống xuất hiện. Khi vắng bặt tâm ngôn thì tâm rỗng rang xuất hiện.
Chắc các bạn hiểu tôi nói gì rồi. Đó là tâm nguyên thủy của ta trống rỗng. Âm thanh, hình ảnh, tâm ngôn trong tâm ví như mây kéo đầy trời, che bầu trời xanh. Mây kéo suốt đời ta. Mây tạo hình thành cái vui cái buồn, cái thiện cái ác, ta chạy theo chúng. Mây còn tạo ra một cái đặc biệt, cái tôi. Cái tôi này cũng như mây được tạo tác ra thôi, nhưng nó tự hào đứng lên và nói ta là chủ các đám mây, cho rằng tất cả các đám mây thuộc cả về hắn.
Thực hành thêm vài năm nữa, và nếu may mắn, trong tâm xuất hiện một tình trạng lạ. Đó là tâm tự biết mình xưa nay vẫn có , nhưng mình hoàn toàn không có tính chất gì cả. Vừa có vừa không có. Có những trống rỗng. Trống rỗng nhưng sẵn sàng hiện tướng. Còn những thứ âm thanh, hình ảnh, tư tưởng, ký ức, cảm xúc… trong tâm đều là những thứ tạm thời xuất hiện. Chúng xem ra có vẻ ghê gớm, chắc nịch, có tác động to lớn khủng khiếp, nhưng khi hết hơi thì chúng không để lại dấu vết gì cả. Chúng chỉ hiện tướng và phát tác dụng, như quạt quay nhanh thì sinh chiếc đĩa tròn và cho gió mát. Lửa sinh ra thì phát sáng và sinh nhiệt, nhưng cúp điện thì đĩa tròn biến mất, hết củi thì ngọn lửa tàn. Sau đó là không có gì.
Tình trạng rỗng rang này của tầm đòi hỏi hành giả chú ý vào cái tích tắc tức thời, quan sát ngay tại đó. Nhưng hành động quan sát này là một hành động vô cùng thụ động. Chú ý nhưng thụ động, thụ động nhưng chú ý. Ta gọi là chú ý trống rỗng, chú ý nhưng không có đối tượng. Ngay từ “chú ý” cũng làm ta sinh lòng chủ động, nên gọi “ghi nhận” một cách thụ động thì đúng hơn. Nếu ta chủ động, dụng công ta sẽ vỡ cái đang là. Cũng sánh như trong vật lý lượng tử, khi ta chủ động đo lường, ta đã phá vỡ dạng sóng của thực tại để hạt sinh ra.
Thế nên vừa giữ thụ động, vừa chú ý, nói gọn là chú ý trống rỗng, là bí quyết của sự quan sát. Ta không lạ khi Phật giáo Tây Tạng hay nêu rõ Trí tuệ là thụ động, là nữ tính. Trong lúc đó phương tiện là chủ động, là nam tính. “Phương tiện” hay “phương tiện thiện xảo là chủ động, là dụng công can thiệp vào cái đang là, trong một tình trạng giác ngộ của tâm hoàn toàn tỉnh giác, sáng tỏ. Trong tình trạng giác ngộ của tâm thì tâm hoàn toàn thụ động nhưng lại hoàn toàn sẵn sàng sử dụng phương tiện. Khi đó Trí tuệ và phương tiện thống nhất với nhau làm một.
4. Nhận thức bằng suy luận tư duy
Tới bây giờ, tổng kết lại thì ta thất thế giới bên ngoài “chỉ” là trướng trạng khi vật chất đang vận động. Còn bên trong, thân cũng như tâm là một tập hợp to lớn hầu như không ai làm chủ. Nhất là tâm lại càng biến đổi nhanh chóng, liên tục, chớp nhoáng, khi có khi không. Cho nên khi ta ngắm nhìn thiên nhiên thì đó là một cái đang vận động nhìn một cái đang vận động khác.
Tư suy suy luận cũng là một hoạt động của tâm. Có hành giả coi nhẹ hoạt động của tâm. Có hành giả co nhẹ hoạt động của tư duy, nhưng thực ra tư tưởng, suy luận vô cùng quan trọng. Ý thức luôn luôn lập công đầu, “công vi thủ”. Thế thì, ta hãy xem tri kiến khoa học và đạo học nói gì về thế giới và liệu ta có chứng thực được không.
Những phát hiện của ngành vật lý hạt nhân cho thấy trong mức độ nhỏ nhất của vật chất, trong mức độ hạ nguyên tử, các hạt cơ bản tồn tại rất ngắn ngủi, khi có khi không, xem như hoán chuyển được với cái mà ta gọi là năng lượng. Thực tại vật lý có thể xem là trống rỗng, nhưng không phải là không có gì mà lại là một trường năng lượng rất lớn, khi đủ điều kiện thì sẵn sáng chuyển hóa trở thành hạt cơ bản. Hiện tại khoa học vật lý còn phát triển mạnh nhưng ta có thể tạm thời kết luận như thế.
Thế thì các vị thánh hiền phương Đông quan niệm thế nào? Trước hết có một điều vô cùng đáng ngạc nhiên, đó là các vị thánh nhân Phật giáo khái quát mọi hiện tượng cả tâm lẫn vật trong một khái niệm mệnh danh là “Pháp hữu vi”. Họ tóm chung hiện tượng tâm vật, xác định tính chất chung nhất của chúng là những “hiện tượng được tạo thành” (hữu vi – composed things). Tất cả những gì được tạo thành, dù là do nhiều phần tử khác hợp lại, hay do các điều kiện khác sinh ra, được gọi là pháp hữu vi. Như thế thì từ mỗi hạt nhân nguyên tử đến cả các thiên hà vĩ đại, đều là pháp hữu vi cả. Thân chúng ta và các cơ quan trong thân từ hơi thở cho đến các bộ phận cũng đều là pháp hữu vi. Chưa hết, cả mọi hiện tượng tâm lý cũng pháp hữu vi, vì tất cả đều sinh ra từ các điều kiện khác. Về triết học, đây là sự khái quát hóa cao nhất. Thế là mọi hiện tượng tâm vật trong thế gian đều là pháp hữu vi.
Như trên có nói, chúng ta đa số là nhà duy thực, ta xem các hiện tượng thế gian, nhất là cật chất và thiên nhiên đều có thực, chúng thực là như ta thấy chúng. CÒn các vị đó nói sao về “pháp hữu vi”, về tất cả hiện tượng thế gian? Họ nói như sau:
Tất cả các pháo hữu vi
Như cơn mộng, như ảo ảnh, như bọt nước, như bóng
Như sương mai, như ánh chớp
Nên quán chúng như thế
(Kinh Kim Cương, dịch bản chữ Hán của Cưu Ma La Thập)
Trong đoạn kinh trên, các vị nêu 6 ẩn dụ để mô tả thực tại tâm vật: cơn mộng, ảo ảnh, bọt nước, bóng, sương mai, ánh chớp.
Ta không rõ vì lý do gì mà dịch giả Cưu Ma La Thập không dịch hết các ẩn dụ trong bản Phạn ngữ. Trong bản Phạn ngữ có đến 9 ẩn dụ nư sau: “Như sao đêm, như mắt loạn, như ngọn đèn, như huyễn thuật, như sương mai, như bọt nước, như cơn mộng, như ánh chớp, như đám mây – những gì hữu vin nên được quán chiếu như vậy”.
Hãy bó qua con số 6 hay con số 9 của các dụ. Dù 6 hay 9, số lượng của các ẩn dụ này cho thấy một điều quan trọng. Đó là không có ẩn dụ, mô hình nào đúng hẳn cả, vì nếu có mô hình nào là thực tại thực sự thì hẳn các vị đã nói lên một cái duy nhất rồi. Ta có thể suy đoán là các vị thánh nhân thấy thực tại không thể dùng ngôn từ để diễn bày nen đành dùng lấy ẩn dụ, mô hình cho ta dễ hiểu. Cũng thế, trong vật lý lượng tử, ngôn ngữ thông thường hầu như không diễn tả được thực tại đầy “nghịch lý” của nó.
Thế thì ta có thể suy luận gì từ 9 mô hình, 9 ẩn dụ nói trên? Tính chất của các hiện tượng đó, thông qua các mô hình ẩn dụ, là ngắn ngủi, là tạm thời, biến đổi liên tục, có nhưng không thực có, trống rỗng, chỉ là mặt ngoài, thấy vậy nhưng không phải vậy.
Các tri kiến đó đối với ta đều là cái biết gián tiếp. Nhưng những ai đã từng ngồi xuống, lặng lẽ, thụ động, thực hành chú ý trống rỗng, nhắm nhìn quan sát và ghi nhận tâm mình và vật thể xung quanh đều có thể trải nghiệm lại một số các mô hình mà các vị thánh hiền đã nêu lên, đồng thời tự thấy thêm những hình ảnh khác. Thậm chí trong thế giới ngày nay ta có thể tự nêu lên những ẩn dụ mới mẻ, không cần dựa vào ẩn dụ kiểu cũ. Chiếc quạt máy theo tôi là một ẩn dụ dễ áp dụng.
Suy luận từ các ẩn dụ mô hình là vô cùng quan trọng vì là bảng chỉ đường trực tiếp nhất. Nhưng vì là bảng chỉ đường nên ta nhìn xong là đi tiếp, không dừng lại. Nếu dừng lại lập tức nó trở thành trướng ngại.
5. Nhận thức bằng cách buông bỏ
Đi tiếp nhưng đi đâu? Thật ra chẳng có đường sá gì cả. Cuối cùng “đi tiếp” là buông bỏ cho các pháp hữu vi tự vận hành. Thế nào là buông bỏ, buông bỏ cái gì?
Tới nay ta thường nghĩ, nhạn thức là một quá trình làm giàu thêm cho tâm. Nhận thức là thêm, thêm kiến thức, thêm kinh nghiệm, thêm phán đoán. Nhận thức chỉ có một chiều “thêm”.
Thế nhưng nếu khéo quan sát, ta sẽ thấy kiến thức và kinh nghiệm là một con dao hai lưỡi. Kiến thức giúp ta hiểu thấu sự vật nhưng đến mức nào đó nó hình thành chướng ngại. Cái thấy sinh cái biết, đến phiên nó cái biết lại ngăn cản cái thấy.
Đóa hoa vừa xuất hiện trước mắt. Ta chưa kịp thưởng thức nó thì khái niệm về hoa và kinh nghiệm trong ta liền lên tiếng: “Đây là loại hoa hồng gai mềm hay trồng tại Đà Lạt. Có nhiều màu đẹp hơn nhiều”. Ta không thấy thực tại mà chỉ nghe lời nói của chính ta. Cacis biết cũ xưa về hoa đã ngăn ta thấy đóa hoa tinh khôi.
Nếu so sánh kiến thức như những viên gạch nằm trong kho chứa khổng lồ của tâm thì kiến thức và kinh nghiệm thường rất hay có khuynh hướng tự mình xây nên một lâu đài và giam giữ ta trong đó. Có ai nói: “Có thể xây địa ngục bằng những viên đá của thiện chí” thì ở đây ta có thể nói nhại rằng: “Có thể xây lâu đài trú ẩn bằng những viên đá của kiên thức và kinh nghiệm”.
Có lẽ chúng ta từng thấy rất nhiều người, phần lớn là lớn tuổi và nhiều kiến thức tự xây cho mình một lâu đài của thành kiến, kinh nghiệm, khái niệm, thang giá trị thiện các, đúng sai… và ẩn trú trong đó. Họ bít cả các cửa sổ lớn, bản thân họ không ra ngoài và cũng không cho những gì mới mẻ lọt vào. Ánh sáng mặt trời cũng không vào, họ tự đốt đèn bằng chất dầu mang tên “từng biết – well known” và vui sống trong đó.
Có thể chúng ta cũng đang ở trong góc sâu kín nhất của lâu đài. Thế nhưng nhìn quanh lờ mờ có vài bảng chỉ đường của thánh hiền. Nếu theo bảng chỉ đường đó đi vào ba bước ta thấy một chút ánh snags lạ. Nếu tâm mở rộng và thử đi theo ánh sáng đó thì xa xa là những cửa sổ, cửa lớn lấp lánh ánh sáng. Mạnh dạn mở toang những cánh cửa đo, tức là hai cửa của Nghe và Nhìn. “Mở toang” là buông bỏ những gì đã biết, giữ tâm chú ý, rỗng rang, không chủ động, không dụng công, không mong chờ, chỉ chú ý trống rỗng. Ta sẽ thấy ánh sáng mặt trời luôn luôn có ở đó.
Nói “ra ngoài” là nói ẩn dụ. Tâm không có trong ngoài. Tóa lây đài nọ xây dựng bằng những viên gạch của tâm. Buông bỏ nó, phá hủy nó cũng là hoạt động của tâm. Chỉ cần thấy xuyên suốt tự tính của nó là đã phá hủy nó rồi, rất dễ. Nhưng cũng vô cùng khó, vì như Arbert Einstein nói, phá bỏ một thành kiến còn khó hơn phá vỡ một hạt nhân nguyên tử. Rất dễ nên nhà Thiền mới buông dao quay đầu là thành Phật. Rất khó nên không mấy ai thành tựu, trước khi thành tựu, Phật cũng phải tu vô lượng kiếp. Về phần tôi, tôi cũng thấy rất khó vì phải bơi ngược dòng tất cả mọi thói quen.
“Bên ngoài” ra sao? Bên ngoài những lâu đài kín cửa là một không gian vô cùng thanh tịnh. Huệ Năng đã từng thốt lên: “Ai dè tự tánh vốn sắc thanh tịnh”. Lục tổ mà thốt lên “ai dè” thì chúng ta khó mà ngờ đến. Phía trên ta nói “giữ tâm rỗng rang” là nói cho người trong nhà đi lần ra cửa lâu đài, chứ ở bên ngoài rồi chỉ cần để tự nhiên, tâm vốn rỗng rang, tâm vẫn luôn luôn chú ý, tâm vốn luôn luôn tỉnh thức. Cho nên ra ngoài thì cũng bỏ luôn sự chú ý vì lúc đó chính ta là sự chú ý.
Có thể các bạn hỏ tôi chứng nghiệm được cái gì. Lòng tôi vẫn còn đầy ngập các đám mây. Nhưng mây thỉnh thoảng vén ra cho thấy chút trời xanh. Tôi chỉ ghi nhận được rất ngắn là: Thực tại chính là toàn thể pháp hữu vi đang vận hành chớp nhoáng, vô chủ, cái này sinh ra cái kia, làm điều kiện lẫn nhau để sinh ra và diệt đi. Sinh diệt vô tận.
Không ai điều hành sự vận hành các pháp, chúng tự vận hành. Không có Thượng đế, không có quan tà thưởng phạt.
Còn chúng ta là ai? Mỗi cá nhân chúng ta là một tiêu điểm của sự ghi nhận. Tiêu điểm để các pháp hiện lên chứ tiêu điểm không phải là chủ nhân các pháp. Bạn ngồi đó và ghi nhận các pháp như tim đập, hơi thở ra vào, hơi nóng trong thân, tiếng chim hót, tiếng chó sủa, ánh sáng, hình ảnh… Tất cả chúng là pháp và chúng vận hành vô chủ. Vô chủ nhưng vận hành hoàn hảo. Thỉnh thoảng có tư tưởng, ý niệm, ký ức hiện ra , nhưng các pháp đó lại biến mất. Tiêu điểm chỉ ghi nhận, không chạy theo chúng, không nạp cho chúng thêm năng lượng nên chúng diệt mất, như hết củi lửa tan. Để có khái niệm về “tiêu điểm” này, các bạn hãy nhớ đến khái niệm ảnh toàn ký (Holographie), trong đó một điểm trong ảnh chứa toàn bộ chi tiết của cái tất cả.
Các pháp vận hành nhanh chóng, chớp nhoáng, nhanh hơn cả máy vi tính. Trong sự vận hành đó hiện ra thế giới và con người.
Nhưng cũng không phải ta ngồi đó hoàn toàn bất lực trước các pháp xảy ra. Có khi có một pháp hiện lên, muốn “can thiệp” vào thực tại thì pháp đó thông qua tiêu điểm đó để can thiệp vào thực tại. Trong tình trạng giác ngộ thì sự can thiệp đó gọi là “phương tiện thiện xảo”. Còn chúng ta cũng luôn can thiệp vào thực tại nhưng trong tâm vô minh cái đó là hành động thông thường.
“Can thiệp vào thực tại” nghe có vẻ to tát nhưng thật ra rất bình thường. Thí dụ thông thường: Đang ngồi thiền, cảm giác ngứa nổi lên, ví dụ tịa mũi. Bạn chủ động đưa tay gãi mũi. Lúc đó bạn đã can thiệp vào thực tại. Và hành động gãi rất hoàn hảo. Pháp trong dạng tự nhiên hoạt động luôn luôn hoàn hảo.
Tất cả các pháp hiện lên tại tiêu điểm cá thể, tất cả các pháp tác động vào thực tại cũng thông qua tiêu điểm cá thể. Mỗi chúng ta là một điểm của bức ảnh toàn ký vĩ đại mà ta gọi là Tâm. Tất cả hiện ra trong một Từ một (tiêu điểm) tác dụng lên tất cả. Chắc có ai trong bạn đang nhớ đến tư tưởng kinh Hoa Nghiêm: “Tất cả trong một, một trong tất cả”. “Tất cả trong một” là nội dung Trí tuệ, “Một trong tất cả” là nội dung của phương tiện thiện xảo.
Lặp lại tư tưởng Hoa Nghiêm, tôi cảm nhận run sợ vì cừa chạm đến những điều mình không biết, mình không trải nghiệm. Tôi chỉ là kẻ sơ cơ, còn trú trong lâu đài nọ, mới mò đến bên cửa sổ nhìn ra bên ngoài, thấy chút trời xanh. Nhưng vừa thấy trời xanh thì tâm tôi quen thói đưa khái niệm vào giải thích, lập tức bị ném ngược trở lại. làm sao tôi biết được tri kiến của những ai đã an trú trong trời xanh được?
Hẳn có bạn tò mò hỏi: “Thế thì làm sao ra bên ngoài, làm sao bỏ lại đằng sau tòa lâu đài?” . Tôi chỉ lặp lại lời kinh làm Huệ Năng bừng tỉnh: “Đừng nên dựa vào đâu cả”, ưng cô sở trụ nhi sinh kỳ tâm (Vô sở trụ: you must be Nonlocal; Sinh kỳ tâm: for the appearing of this mind).
Tức là không dựa vào đâu, buông bỏ tất cả, buông cả lời kinh, bỏ luôn sự buông bỏ. Tất cả kinh sách đều là bảng chỉ đường và năm tron lâu đài. Kinh sách là ngón tay chỉ mặt trăng. Phải quên tay mới thấy trăng.
“Nói ra nghe thử”. Nếu quý bạn muốn nghe một lời thổ lộ chân thành thì vừa rồi là một sự chân thành. Tôi không loại bỏ mình sau lầm, phiến diện, hời hợt, không đầy đủ. Tôi không có chút tham vọng thuyết phục ai về luận giải, triết lý gì cả. Tôi cũng không dám khuyên ai bơi ngược dòng, ngồi xuống bồ đoàn, thực hành chú ý trống rỗng, thụ động ghi nhận. Tất cả chỉ là lời tâm sự.

TS.Nguyễn Tường Bách
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 03/2015

Nghiệp duyên chỉ bởi một nụ cười

Nghiệp duyên chỉ bởi một nụ cười

Đăng lúc: 21:26 - 05/06/2015

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng giảng rằng: Phương pháp độ nhân, cần phải chú trọng “khéo léo đúng dịp”. Câu chuyện Đức Phật hóa độ Bạt Kiết Đế, người con gái đem lòng cảm mến tôn giả A Nan, chính là một minh chứng sống động về phương diện này.


Tôn giả A Nan trông vô cùng anh tuấn khôi ngô, Văn Thù Bồ Tát từng dùng “Tướng như thu mãn nguyệt, mục tựa tịnh liên hoa” để ca ngợi ngài.

Một hôm, tôn giả A Nan khát nước đến không chịu được, liền đến bên một thiếu nữ đang gánh nước xin chút nước uống. Thiếu nữ này tên là Bạt Kiết Đế, là tộc người Ma Đăng Già vốn bị mọi người xem là hạ tiện. Cũng giống như bao thiếu nữ quyền quý khác, cô cũng đã ngưỡng mộ A Nan từ lâu. Nhân thấy A Nan đến chỗ mình xin nước uống, lòng cô vui khôn tả xiết.

Tôn giả A Nan uống nước xong, cúi mình cảm tạ cô gái, trong lòng ngài không hiểu sao lại có cảm giác dường như đã quen biết cô từ rất lâu rồi.

Thiếu nữ nhìn theo hình bóng A Nan đi xa rồi khuất dần, bỗng sinh lòng mến mộ, từ đó cô chìm sâu vào nỗi nhớ tương tư của mối tình đầu, thần trí suốt ngày ngẩn ngơ như mất hồn mất vía.

Mẹ cô không ngừng gặn hỏi nguyên do, cuối cùng cô cũng nói ra sự thật. Người mẹ không nhẫn tâm nhìn thấy con gái ngày một gầy đi, liền nghĩ ra một mưu kế: Sa Bì Già La Tiên Phạm Thiên chú, có thể mê hoặc đàn ông, nếu như gạt A Nan đến chỗ này, mời người niệm chú, để cho họ gạo nấu thành cơm……

Một hôm, quốc vương Ba Tư Nặc mở hội đàn trai tăng cúng dường, Đức Phật cùng chúng đệ tử là những người được mời đến tham dự. Tôn giả A Nan vì đi ra ngoài chưa về, nên không thể đến dự tiệc hội trai tăng, đành phải tự mình cầm bát đi khất thực. Khi đi ngang qua trước cửa nhà của người thiếu nữ Ma Đăng Già, cô mỉm cười tiếp đón ngài, nói: “Tôn giả A Nan, ngài còn nhớ tôi không?”

Tôn giả A Nan thực tình vẫn chưa quên người thiếu nữ xinh đẹp này, liền cười cười gật đầu.

Thiếu nữ vô cùng xúc động nắm lấy tay A Nan, nói: “Hãy theo em vào nhà nào, vào nhà em nhận cúng dường”.

A Nan trong đầu mơ mơ màng màng đi theo sau cô gái, vào đến khuê phòng của cô, tôn giả cứ như khúc gỗ, mặc cho người ta sắp đặt, trong lòng rất muốn thoát ra, nhưng lại không làm gì được.

Lúc này, hội trai tăng cúng dường trong hoàng cung cũng vừa mới bắt đầu, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni biết rõ A Nan bị ma chú khống chế, không cách nào thoát ra được, liền căn dặn Văn Thù Bồ tát, dùng Lăng Nghiêm Chú mà giải cứu A Nan.

Văn Thù Bồ tát vội đến nhà thiếu nữ, dùng Lăng Nghiêm Chú hóa giải Sa Bì Già La Tiên Phạm Thiên chú. A Nan giật mình tỉnh ngộ, thoát khỏi sự khống chế của cô gái, lôi thôi lếch thếch trở về tịnh xá.

Thiếu nữ Ma Đăng Già không can tâm bỏ cuộc dễ dàng như vậy, ngày ngày cứ đứng chờ A Nan trước của tịnh xá, A Nan đi đến đâu, cô theo đến đó. Cuối cùng tôn giả A Nan hết cách, đành cầu xin Đức Phật giúp đỡ.

Đức Phật nói: “Ngày mai con hãy gọi cô gái đó đến đây, ta sẽ nói chuyện với cô ấy”.

Ngày hôm sau, cô gái theo A Nan đến gặp Đức Phật. Đức Phật không hề oán trách cô nửa lời, Ngài từ bi mà nói với cô rằng: “Tâm tình muốn được gả cho A Nan của con ta hiểu được, nhưng A Nan đã là người xuất gia, nếu con muốn gả cho y, thì con cần phải xuất gia tu hành một năm cái đã”. Thiếu nữ liền gật đầu đồng ý.

Đức Phật nói: “Xuất gia cần phải được sự đồng ý của cha mẹ, cha mẹ con đồng ý cho con xuất gia sao?”

Thiếu nữ đáp: “Bẩm Phật Đà! Từ nhỏ đến lớn cha mẹ con lúc nào cũng đều nghe lời con hết, họ nhất định sẽ đồng ý cho con xuất gia”.

Cứ như vậy, thiếu nữ Ma Đăng Già vui vui vẻ vẻ mà xuống tóc tu hành, trở thành một thành viên trong nhóm Tỳ Kheo Ni.

Sau khi xuất gia, dưới sự cảm hóa của Phật Pháp, trái tim nồng nhiệt ban đầu của cô, càng ngày càng trở nên tĩnh lặng, dần dần cô hiểu ra rằng tình cảm ràng buộc đối với A Nan ngày trước đều là sự ngu muội nhất thời mà thôi.

Phật Đà nói với chúng đệ tử rằng: A Nan và Bạt Kiết Đế 500 năm kiếp trước, trong một lần tình cờ gặp gỡ, hai người đã mỉm cười với nhau, từ đó mà dẫn đến tình duyên trong đời này.

Từ đó, Bạt Kiết Đế càng thêm nỗ lực tinh tấn tu hành, sau cùng cô trở thành một trong những người kiệt xuất trong nhóm Tỳ Kheo Ni, chứng đắc Thánh quả còn sớm hơn cả A Nan.

(Dựa theo “Câu chuyện mười đại đệ tử của Đức Phật”)

bizmac thumb 3959

Lời khuyên chân thành của một bệnh nhân ung thư

Đăng lúc: 20:25 - 07/05/2015

Vốn là một đứa trẻ ngoan, biết cần kiệm, nghe lời, hiếu học, kính trên nhường dưới. Cha mẹ gian lao vất vả nuôi tôi ăn học. Lớn lên, tôi thi đậu vào một trường đại học ở Thanh Đảo, từ đó rời xa quê cha đất tổ, bắt đầu cuộc sống thị thành kéo dài 18 năm. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi vào làm ở một công ty sửa xe ô tô, vì sự chăm chỉ, nỗ lực và tinh thần hiếu học của mình, dần dần tôi đã trở thành lãnh đạo của công ty.

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 29
  • Hôm nay 2,418
  • Tháng hiện tại 38,873
  • Tổng lượt truy cập 23,445,122