Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Tâm linh thấy bằng trái tim

Tâm linh thấy bằng trái tim

Đăng lúc: 20:41 - 04/02/2017

Mạch ngầm tâm linh cứ thế mà chảy âm ỉ trong đời sống. Dòng năng lượng ấy chưa bao giờ ngưng lại, thậm chí đang ngày một mạnh mẽ hơn, khi mà con người đang tiến dần vào một thời đại của mâu thuẫn đỉnh cao giữa giá trị vật chất và tinh thần. Nhưng tâm linh không phải là điều gì đó huyền bí, mê tín dẫn dắt con người đi sâu vào bóng tối mê man, mà đó là những điều ta tin bằng trái tim. Những linh cảm đẹp đẽ đến từ tâm hồn, cuối cùng, sẽ có vị trí xứng đáng trong mọi hình thức của sự sống.

shutterstock_518429221.jpg
Thực hành đời sống tâm linh càng nhiều, ta dễ dàng an tâm
đón nhận những vô thường bất tận của cuộc đời

Khó có thể định nghĩa hoặc diễn tả đầy đủ về hai từ tâm linh, vốn là thế giới của mơ hồ vô hình dạng. Thế giới ấy có mà không, không mà có. Không thấy bằng con mắt vật lý nhưng có thể cảm nhận rất gần và mạnh mẽ bằng mọi giác quan và vượt ra khỏi con người vật chất. Như Saint Exupery viết trong Hoàng tử bé (Le Petit Prince): “On ne voit bien qu'avec le cœur. L'essentiel est invisible pour les yeux”. Giữa nhiều bản dịch với lời lẽ hoa mỹ, thậm chí đi hơi xa so với bản gốc tiếng Pháp, tôi thích bản dịch đơn sơ và sát nghĩa của Bùi Giáng tiên sinh: “Người ta chỉ nhìn thấy rõ là với trái tim. Các cốt thiết, cái tinh thể, cái đó vô hình đối với hai con mắt".
Linh cảm bằng trái tim

Trái tim ở đây không chỉ là con tim nằm hơi lệch qua phía ngực trái, có một sợi dây thần kinh dẫn trực tiếp kết nối đến ngón đeo nhẫn, mà nó còn là tâm hồn. Tâm và hồn. Đó cũng là lý do vì sao nam nữ khi kết nghĩa phu thê thì đeo nhẫn vào ngón áp út, bởi họ tin rằng sẽ có sự kết nối giữa hai tâm hồn và hơn thế nữa.

Tâm linh, đó là bất kỳ khoảnh khắc nào trong đời sống mà bạn thấy mầu nhiệm, giúp bạn vượt qua những cái khổ tự nhiên mà Đức Phật đã chỉ ra. Là một ngày, khi năng lượng xuống thấp nhất sau nhiều biến cố, bạn thấy mình gần như kiệt quệ. Bạn mở màn hình máy tính, nhưng chữ nghĩa cứ nhảy múa trước mắt. Bạn không thể tập trung. Bạn ước ao có một điều gì đó đến bất ngờ và tươi mới để thay đổi năng lượng. Bỗng nhiên bạn nhận được một món quà từ phương xa của người bạn thân, là một chuỗi hạt chakras 7 màu tuyệt đẹp, đơn giản vì chỉ duy nhất người ấy biết bạn thích những chuỗi hạt. Khi bạn cầm chiếc vòng tăng năng lượng này trên tay, lập tức bạn thấy có một nguồn sống mới ập đến. Và rồi có một lực đẩy vô hình, bạn mở máy và làm việc một mạch với những ý tưởng tuôn trào.

Đó có thể là chuyện con gái bé bỏng bị bệnh kéo dài nhiều ngày rồi mà không khỏi. Bé không chịu ăn uống gì cả, người ốm tong teo hẳn đi làm người mẹ rất lo lắng và tuyệt vọng. Trong lúc bé đang hâm hấp sốt và ngủ thiếp đi, người mẹ bèn ra ban công, nhìn lên trời, thầm cầu nguyện Quán Thế Âm Bồ-tát. Người mẹ cầu nguyện rất lâu, để cho những giọt nước mắt của mình chảy trên má mà quên hết thời gian. Tâm của người mẹ giờ đây chỉ có Bồ-tát và con gái của mình. Bất chợt, cô bé trở mình, kêu mẹ ơi, con đói bụng. Bạn lật đật quay vào lấy cháo cho bé ăn. Sau khi ăn hết tô cháo nóng, điều mà trước đây bé không bao giờ làm được, người mẹ chợt nhận ra gương mặt của con tươi tỉnh hơn, sờ trán con thì thấy cơn sốt đã giảm đi.

Là một buổi sáng bình thường bạn thức dậy như bao ngày khác. Bạn đã từ bỏ công việc cũ hơn 6 tháng nay và hầu như không tìm được bất kỳ công việc nào như ý. Chuỗi ngày đó thật nhàm chán trôi qua với những tách cà-phê và những status trầm buồn trên Facebook. Nhưng sáng nay, bỗng bạn thấy một cảm giác rất khác lạ. Lòng dễ chịu, khoan khoái, tươi vui mà không vì một lý do nào. Điều đặc biệt là cảm xúc đó rất mạnh, mạnh đến nỗi bạn cảm nhận chúng lan tỏa khắp cơ thể mình, chảy khắp bộ não của mình. Và ngày hôm đó, bạn nhận được một lời mời cho công việc mới không thể tốt hơn.

Có muôn hình dáng về tâm linh. Không có đúng không có sai. Nó như như là thế. Dường như nó vượt lên con người. Nó là những mạch ngầm có vẻ dửng dưng không liên quan gì vào đời sống vật chất này, thế nhưng nó lại song hành và có khả năng can thiệp, hỗ trợ, chia sẻ cùng cuộc đời của những ai tin vào nó.

Là chuyện của lòng tin

Không có một lý giải, bình luận hay phản biện… nào tròn trịa khi nói về tâm linh. Đó chỉ là câu chuyện của lòng tin. Tin và không tin. Tin thì thấy, không tin thì không thấy. Tin thì cảm, không tin thì không cảm. “Phúc cho những ai không thấy mà tin” (Chúa Giê-su).

Phương Tây khi nhìn về phương Đông như là vùng đất của tâm linh với vô số điều huyền bí. Những hành trình về phương Đông của những bậc trí thức khoa học phương Tây đã minh chứng cho việc họ đã công nhận rằng, có những sự việc mà khoa học không thể giải thích và chỉ được hiểu theo cơ chế tâm linh. Nhiều học giả đã quá kinh ngạc vì sao các bậc hành giả du-già có thể sống thọ mà không cần ăn uống gì trên dãy Hy Mã Lạp Sơn hàng vạn năm tuyết phủ. Dần dần, đời sống tâm linh giờ đây không còn phân biệt vùng đất hay lãnh thổ. Thật ra thì tâm linh đến từ vũ trụ siêu nhiên, nên nếu có sự phân biệt quốc gia này và vùng đất khác, thì đó chính là do tâm phân biệt của con người. Ngày nay, Âu Mỹ và những đất nước giàu hiện đại vốn chỉ tin vào khoa học, đã đón nhận đời sống tâm linh một cách cởi mở và trân trọng. Bằng chứng là Google mời Thiền sư Thích Nhất Hạnh đến nói chuyện về năng lực kỳ diệu của thiền cho nhân viên của họ. Đó là những cuộc diễn thuyết về lòng từ bi và đạo đức bên ngoài tôn giáo của Đức Dalai Lama thu hút hàng chục ngàn người đến tham dự tại Mỹ và một số nước châu Âu. Tất cả những việc này là vì sao? Chỉ đơn giản là vì lòng tin của mọi người vào những lời dạy đến từ các bậc dẫn dắt tâm linh vốn được cho là hóa thân của Bồ-tát.

Có thể nhìn thấy rõ về vấn đề “lòng tin vào siêu nhiên” là khi đối diện với hàng loạt câu hỏi “tại sao” của trẻ con. Chúng hỏi: “Vì sao con được sinh ra?”. Cha mẹ hiện đại sẽ trả lời rất khoa học và rành mạch không úp úp mở mở như ngày xưa: “Vì tinh trùng của cha kết hợp với trứng của mẹ”. Nhưng, chúng sẽ hỏi tiếp: “Vì sao tinh trùng và trứng kết hợp thì lại thành em bé?”. Ngang đây là ta sẽ bắt đầu lớ ngớ một chút rồi, nhưng vẫn giải thích được, tùy trình độ của các bậc cha mẹ, đại khái có thể là: “Vì trứng và tinh trùng là hai thứ cốt lỏi của đàn ông và phụ nữ để giúp duy trì nòi giống”. Thế mà có xong đâu, bọn trẻ sẽ hỏi tiếp: “Vì sao đó là hai thứ cốt lõi mà không là hai thứ khác?”. Tôi đã từng “cạn lời” trước hàng loạt những câu hỏi vì sao dồn dập như thế với ánh mắt trong veo của con gái tôi, tôi trả lời kiểu gì nó cũng có thể hỏi thêm vì sao. Cuối cùng thì tôi chỉ có thể làm cho con tin mình mà không tiếp tục hỏi nữa, bằng câu trả lời như sau: “Con biết không, có những thứ không thể lý giải một cách cụ thể, bởi loài người được sinh ra một cách tự nhiên và được tự nhiên quy định như vậy. Chúng ta cứ thế mà tin vào và thế giới hình thành từ đó”.

Cảm nhận tự nhiên, chính là tâm linh. Sống theo tự nhiên, chính là sống đời sống tâm linh. Những thứ mà khoa học tưởng chừng như có thể giải thích được thì cũng không thể nào lý giải được toàn bộ vũ trụ siêu nhiên. Nhưng, bằng tâm linh thì con người có thể hiểu và hoan hỷ đón nhận, hoan hỷ vui sống. Chẳng hạn như, theo đạo Phật, em bé sinh ra không phải chỉ là vấn đề tinh cha huyết mẹ (khái niệm vật chất), mà còn là duyên khởi từ nhiều kiếp giữa em bé và cha mẹ. Nếu con cái và cha mẹ có duyên lành với nhau thì sẽ gặp được nhau trong hạnh phúc. Nếu là nghịch duyên thì cũng sẽ gặp nhau nhưng trong một điều kiện bất như ý. Khi nhìn vào việc hình thành sự sống dưới góc độ tâm linh, chúng ta dễ dàng sống lương thiện hơn, biết tu tâm dưỡng tánh hơn, biết tạo ra nhiều thiện nghiệp để từ đó có nhiều cơ may đón nhận duyên lành với các hậu duệ của mình.

Ví dụ trên chỉ là một giọt nước bé xíu trong dòng thiên hà. Rõ ràng, một ngày nào đó, bạn thử đặt những câu hỏi vì sao của trẻ con, bạn sẽ thấy mình không bao giờ có câu trả lời, cho đến khi bạn đưa nó về với đời sống tâm linh của trời đất, bạn sẽ tìm ra câu trả lời cho riêng mình.

Chánh tín tâm linh

Trên trang chủ của langmai.org, có một câu nói dẫn vào như sau: “Nếu hôm nay chúng ta có một chiều hướng tâm linh trong đời sống cũng như công việc thì chớ nên lo lắng cho ngày mai. Ngày mai sẽ tự lo việc của ngày mai. Với sự nâng đỡ của một đoàn thể tâm linh, chúng ta sẽ thực hiện được ước mơ của mình”.

Câu này đưa đến một thông điệp chính: “Bạn sẽ bình an khi có đời sống tâm linh”.

Trong con người luôn có hai mặt đấu tranh. Mặt đen mặt trắng này thường cãi nhau kịch liệt. Nếu ta tạm mặc định theo chủ nghĩa nhị nguyên rằng mặt đen là điều ác và mặt trắng là điều thiện một cách tự nhiên trong một con người, thì ta có thể hiểu rằng, những linh cảm đến từ mặt đen là mê tín và đến từ mặt trắng là chánh tín. Hai thể lòng tin này đều có thể được gọi là đời sống tâm linh. Trí huệ càng nhiều thì con người càng dễ dàng đi đến đồng thuận với tiếng nói của mặt trắng chánh tín. Ngược lại, khi bị u mê dẫn dắt, những việc làm trong đời sống tâm linh cũng dễ đưa ta đến ngõ tối, đó là lúc tiếng nói của mặt đen lên ngôi. Biết bao nhiêu người vì mê tín mà lầm đường lạc lối.

Điểm cốt lõi nào để phân biệt giữa mê tín và chánh tín trong đời sống tâm linh? Khi có chánh tín, ta thường ít mong cầu điều gì ngoài bình an và tự tại, rồi mọi thứ khác sẽ đến theo cách vận hành riêng của nó, tùy duyên và dựa trên cộng nghiệp. Vì tin vào điều đó nên ta thảnh thơi, tự do thoát khỏi mọi lăn tăn khổ sở. Còn nếu là mê tín, ta thường hay cầu nguyện được vật chất, tiền tài, được quyền danh, được đủ thứ trên đời, nói tắt chính là tham. Cái tham không có điểm dừng và sẽ dẫn ta đi đến nhiều hành động sai lầm mà nếu có một đoàn thể tâm linh hùng mạnh nào đó cũng không thể cứu nổi ta.

Tâm linh không hẳn là tôn giáo. Có rất nhiều người không theo bất kỳ một tôn giáo cụ thể, nhưng họ vẫn có một đời sống tâm linh vững chắc. Như Dalai Lama từng nói, tôn giáo của Ngài chính là lòng từ bi. Vì sao sống cần phải sống tử tế và giàu tình thương? Vì cho điều gì sẽ nhận lại điều đó. Tin vào luật nhân quả, đó chính là một trong những điểm cốt lõi của đời sống có tâm linh.

Vậy, có một định nghĩa đơn giản dễ hiểu nào cho một đời sống tâm linh lành mạnh, để ai cũng có thể thực hành? Thật khó để có câu trả lời xác đáng và đầy đủ cho câu hỏi này. Bởi tùy vào ta là ai, sống đời sống nào, cần điều kiện gì để sống tốt cuộc đời đó. Nhưng, có thể có một điều đơn sơ nhất: Tâm linh, đó là tin vào linh cảm đẹp của trái tim.

Thực hành đời sống tâm linh càng nhiều, ta dễ dàng an tâm đón nhận những vô thường bất tận của cuộc đời. Ta biết rằng càng ít điều kiện, càng ít lý luận, càng ít đòi hỏi - vốn là những sản phẩm của lý trí chấp thủ, thì ta càng dễ dàng an vui, tâm hồn càng rộng mở. Bởi ta và cuộc đời đã nhìn thấy nhau không bằng mắt thường mà bằng trái tim và tâm hồn. Và, hãy “đến để thấy” (ehi-passika), như Đức Phật đã từng dạy.
Bùi Lan Xuân Phượng

Nghiệp và tái sinh

Nghiệp và tái sinh

Đăng lúc: 08:01 - 27/09/2016

Nếu muốn hiểu đúng về nghiệp và tái sinh, ta phải quán sát chúng trong ánh sáng của vô ngã. Chúng phản ánh vô ngã khá sống động, tuy nhiên phần đông thường không màng chi đến điều đó, mà thản nhiên nói về nghiệp “của tôi”, sự tái sinh “của tôi”. Nhất là sự tái sinh “của tôi”, thật vô cùng kỳ quặc. Họ muốn nói về kiếp trước hay kiếp tương lai? Bạn có nghĩ nó sẽ lại là “tôi” nữa không?

Thật ra, ta không có nhiều lựa chọn khi sử dụng ngôn ngữ hàng ngày, tuy nhiên điều nói ra cũng phát xuất từ quá trình tư duy của ta.

Người ta thường hỏi, nếu không phải là “tôi” thì cái gì đã tái sinh? Nghiệp như những hệ quả còn sót lại trong tâm thức tái sinh đã được sinh trở lại, nhưng chắc chắn là nó không có dáng hình hay hành động giống như người mà ta biết, không cùng tên, có thể không cùng giới tính, có thể không phải là người. Nó không có liên hệ gì khác hơn là nghiệp. Vì ta có thể thấy rõ ràng rằng con người tái sinh chỉ kết nối với kiếp sống trước qua nghiệp trong thức tái sinh, ta cũng có thể thấy rõ ràng như thế rằng nghiệp là vô ngã, không có danh tánh. Khi ta nói về nghiệp “của tôi”, đó thực sự là một chu trình không có tự tánh. Nghiệp không phải là tội và hình phạt, dầu nó có vẻ là như thế, và là quan niệm được nhận định rộng rãi. Nhiều quan điểm mà chúng ta bám chặt vào đã ăn sâu vào tâm thức đến nỗi rất khó để ta chấp nhận điều gì quá khác biệt.

Thực sự ra nghiệp chỉ có nghĩa là hành động. Vào thời Đức Phật còn tại thế, ở Ấn Độ người ta đã hiểu như thế. Để thức tỉnh người nghe về nghiệp thực sự là gì, Đức Phật đã nói: “Nghiệp, này các Tỳ-kheo, Ta bảo là sự chủ tâm”. Đầu tiên nghiệp phát khởi trong tâm, rồi chuyển ra thành lời, thành hành động. Đức Phật đã cho nghiệp một định nghĩa mới, vì nó thường bị hiểu lầm, bị coi đó là tiền định.

Có nhiều vị thầy vào thời Đức Phật cũng đã dạy như thế, nhưng Đức Phật bác bỏ điều này, xem đó là tà kiến, là quan điểm sai lầm, dễ đưa đến các quả bất thiện. Tuy nhiên, quan điểm xem nghiệp như là tiền định vẫn còn phổ biến vào thời này cũng như ở thời Đức Phật còn tại thế. Nó thường được phát biểu như sau: “Đó là nghiệp của tôi. Tôi không thể làm được gì”. Đó là niềm tin dại khờ nhất mà ta có thể chấp vào, vì ta đã đặt trọng trách của việc chủ tâm vào điều mơ hồ nào đó mà ta cũng chẳng rõ. Nói cách khác, ta không muốn chịu trách nhiệm cho hành động của chính mình, là điều sai lầm thường xảy ra.

Khó gặp được người có trách nhiệm hơn là vô trách nhiệm. Phần đông nếu không thành công trong cuộc đời, họ không muốn chịu trách nhiệm cho việc đó. Từ sự bất hạnh của mình, họ đã nảy sinh ý nghĩ về một số phận đã được định sẵn. “Tôi có thể làm gì được chứ? Đâu phải lỗi tại tôi, là do nghiệp của tôi mà ra”. Vậy những gì công phu tu tập có thể mang đến đều vô nghĩa? Đức Phật đã nói: “Nếu đúng là như thế, thì đâu cần sống có giới hạnh, cũng không cần phải được giác ngộ”. Đó là tà kiến mà ta trước hết phải nhanh chóng gạt bỏ ra khỏi sự suy nghĩ của mình, nếu ta muốn trau dồi đời sống tâm linh.

Nghiệp là chủ tâm, và sự chủ tâm là ở hiện tại, có nghĩa là nghiệp đang được tạo ra ngay bây giờ, trong từng giây phút tỉnh thức của ta. Tuy nhiên khi hai người thực hiện cùng một hành động, quả của hành động của họ có thể không giống nhau. Đây là điều Đức Phật đã nhấn mạnh. Vì nghiệp không thuộc tự ngã, nên nó chỉ tùy thuộc vào dòng chảy của các sự kiện, và chính chúng tự tạo ra quả nghiệp. Đó là vấn đề của nhân và quả. Tất cả chỉ có vậy, do đó đôi khi giáo lý của Đức Phật được gọi là giáo lý về nhân quả.

Đôi khi ta biết những người rất hiền từ, đến một con ruồi họ cũng không nỡ làm hại, vậy mà họ toàn gặp những bất hạnh. Trong khi có những người rất khó thương, nhưng mọi điều may mắn đều xảy ra cho họ. Sao lại có thể như thế? Điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào sự tích lũy các nghiệp tốt hay xấu, giờ chúng trổ quả trong tâm tục sinh của họ. Đức Phật đã đưa ra một ẩn dụ như sau: “Nếu ta bỏ một muỗng muối vào ly nước, thì ly nước đó không còn uống được nữa. Nhưng nếu ta bỏ muỗng muối đó xuống sông Hằng thì nước sông chẳng có gì thay đổi”. Do đó nếu ta tạo nhiều nghiệp xấu mà chỉ có một ly nghiệp tốt; kết quả sẽ thảm hại biết bao. Nhưng nếu ta có cả sông nghiệp tốt để hỗ trợ bản thân, thì quả xấu sẽ chẳng lớn lao gì. Vì thế ta không thể so sánh nghiệp quả của con người với nhau vì ta không biết về quá khứ của họ.

Tâm thức tích lũy, tương tục mà ta mang theo từ kiếp này sang kiếp khác chắc chắn có ảnh hưởng đến kiếp sống này, nhất là nơi chốn ta sinh ra, trong hoàn cảnh nào, trong gia đình nào. Đức Phật đã cho ta một ẩn dụ như sau: “Nếu có một đàn bò bị nhốt trong chuồng, khi cửa chuồng mở ra, con mạnh nhất sẽ ra trước. Nếu không có con bò nào như thế, thì con đầu đàn sẽ ra trước; nếu không có con nào như thế thì con gần cửa nhất sẽ ra trước. Nếu không có con nào như thế, thì tất cả sẽ cố chen ra cửa cùng một lúc”. Ẩn dụ này mô tả những giây phút cuối của tâm thức trước khi chết. Vì cái chết có thể xảy ra cho bất cứ ai không kể tuổi tác, cho nên việc chuẩn bị cho cái chết ngay bây giờ là một điều khôn ngoan.

Ý nghĩ sau cùng lúc hấp hối sẽ ảnh hưởng đến thức tái sinh để đưa ta đến nơi ta sẽ tái sinh. Ta có thể so sánh điều đó với việc trước khi đi ngủ, ta nghĩ là sẽ thức dậy lúc bốn giờ sáng hôm sau. Phần đông chúng ta có thể dễ dàng thức đúng như thế. Và ý nghĩ cuối cùng trước khi ngủ trở thành ý nghĩ đầu tiên khi thức dậy. Khi chết cũng giống như thế, chỉ khác là khi tái sinh ta sẽ có một thân mới, khác với thân hiện tại. Phần đông sẽ tái sinh với thân người, trừ khi nghiệp ác của họ quá lớn, khiến họ không thể trở lại thành người. Dầu ai cũng muốn được tái sinh vào cõi chư thiên, nhưng phần đông có lẽ đều trở lại kiếp người.

Ý nghĩ cuối cùng trước khi chết thường liên quan đến trải nghiệm gì nổi trội nhất trong kiếp sống này. Thí dụ nếu ta giết người thì đó sẽ là một ký ức hằn sâu trong tâm, và có thể là điều ta nhớ đến trước lúc ra đi. Hoặc nếu ta có công đức xây chùa, tu viện thì đó cũng có thể là một ký ức mãnh liệt. Hoặc việc ta luôn biết giữ gìn giới hạnh cũng có thể là ý nghĩ cuối cùng ở giờ phút lâm chung. Tóm lại, bất cứ điều gì mãnh liệt nhất trong tâm thì điều đó dễ phát khởi lên nhất. Nếu không thì những gì ta thường nghĩ đến sẽ xảy ra. Thí dụ nếu ta thường bực bội, sân si, thì điều đó sẽ hiện ra trong tâm. Trái lại, nếu ta có lòng thương yêu, từ bi, hay giúp đỡ người khác thì những ý nghĩ đó sẽ xuất hiện.

Nếu không có thói quen suy nghĩ gì đặc biệt, thì điều gì xảy đến ở các cửa giác quan vào lúc lâm chung sẽ lãnh phần ưu tiên. Giác quan cuối cùng ra đi là thính giác. Do đó, phần đông các tôn giáo đều có những bài kinh tụng, hát tụng do các vị sư hay các tu sĩ thực hiện để giúp người sắp ra đi có những ý nghĩ cuối cùng hướng thiện. Nếu các tâm hành trước phút lâm chung thiện lành thì sự tái sinh sẽ được tốt đẹp. Điều đó không có nghĩa là các nghiệp quả khác sẽ biến mất. Nó chỉ có nghĩa là những gì bộc phát ở giờ phút lâm chung sẽ có một số ảnh hưởng đến sự tái sinh của ta. Do đó những tư tưởng cuối cùng trước khi lâm chung vô cùng quan trọng.

Nếu bạn là người rất rộng lượng, đó có thể là ý nghĩ cuối cùng của bạn. Do đó, việc nhắc nhở cho người sắp ra đi về những điều thiện lành họ đã làm trước đây được coi là vô cùng ích lợi. Thí dụ như sự rộng rãi của họ; việc họ đã nuôi dạy con cái thành đạt; lòng tử tế, vân vân, vì người thế tục thường hay có những ăn năn, hối tiếc trước lúc ra đi. Chỉ mới gần đây người ta mới nhận thức rằng chết cũng là một phần quan trọng trong cuộc sống, dầu người Tây phương không tin vào tái sinh. Ai cũng quá sốt sắng, quan tâm đến sự có mặt của em bé mới sinh, vì em bé đó sẽ ở bên họ một thời gian dài và sẽ là một thành viên quan trọng trong gia đình. Nhưng ít ai để ý đến giây phút cận tử, vì theo họ, khi người chết rồi thì xong, chấm dứt. Giờ người ta hiểu rằng đó không phải là cách đối xử tốt đẹp đối với người ra đi. Hiện nay ở Tây phương cũng có nhiều bệnh viện dành cho những người bị bệnh chờ chết hay người sắp chết. Ở đó người ta chú tâm nhiều đến các trạng thái tâm, để làm giảm bớt hay diệt trừ sự sợ hãi, lo âu trước cái chết. Rất ít người ở Tây phương tin vào tái sinh, dẫu thế, chết cũng được coi là việc rất quan trọng.

Một yếu tố nữa cũng làm ảnh hưởng đến kinh nghiệm cận tử của chúng ta. Đó là hiện nay chúng ta khá tiến bộ về kỹ thuật, nên trong một số trường hợp, người đã chết lâm sàng, có thể hồi sinh nhờ vào các phương tiện tối tân trong các bệnh viện ở phương Tây. Có người đã nói với các bác sĩ về sự trải nghiệm “cái chết” của họ. Một số bác sĩ, nhất là bác sĩ Moody1, đã viết về các hiện tượng này. Nét nổi bật của các câu chuyện kể, là các khía cạnh quan trọng gần như giống hệt nhau. Thêm một ghi nhận về trạng thái vô ngã (anatta). Tất cả, không ngoại trừ ai, đều rất tự tại với “cái chết” của mình, và hầu như không muốn trở lại trần thế. Có người tỉnh lại tỏ thái độ giận dữ với bác sĩ vì đã sử dụng phương tiện tân tiến trong việc thiết lập lại dòng sinh tục cho họ.

Tất cả các trải nghiệm đều liên quan đến một luồng ánh sáng rực rỡ, chứa đựng tâm hoàn toàn tỉnh thức, nhưng thiếu thân. Mọi người đều có thể thấy chính thân họ đang ở trên giường bệnh, rồi tiến tới luồng ánh sáng đó, trong lúc hoàn toàn ý thức đến những gì đang xảy ra, kể cả việc quan sát các bác sĩ đang làm việc. Sau đó họ tự rời khỏi bệnh viện để tiến vào một không gian của hạnh phúc, tĩnh lặng và an lạc. Có người còn nhắc đến những người họ gặp gỡ. Phần đông tả về một người đặc biệt là ‘nguồn sáng’. Trong các câu chuyện kể không có biểu tượng của bất cứ tôn giáo nào nhưng chúng rất giống nhau, một số hoàn toàn trùng lặp. Khi những cuốn sách như thế được nhiều người biết đến thì giây phút cận tử mới được coi là quan trọng.

Trong năm điều mà Đức Phật dạy ta phải quán tưởng hàng ngày là ai cũng phải chết. Đức Phật thuyết về giây phút cận tử là vô cùng quan trọng, do đó ta cần phải suy gẫm về chúng ngay bây giờ, chứ đợi đến khi gần chết thì quá muộn. Những suy nghĩ thiện lành của ta đều liên quan đến các tâm từ, bi, hỷ, xả. Nếu ta khởi phát các tâm này ngay bây giờ, để tạo thành thói quen thì ta có thể mang chúng theo đến tận giờ lâm chung. Như thế, ta không những có thể chắc chắn về một sự tái sinh tốt đẹp, mà chí ít cũng được sự an bình, hạnh phúc ngay trong kiếp sống này. Điều đó giúp ta dễ có điều kiện tu tập trở lại. Nếu ta sinh ra trong một gia đình quá nghèo khó, không đủ ăn, thì khó thể có cơ hội ngồi xuống hành thiền, vì trong gia đình nghèo, ai cũng phải lao động cật lực để kiếm sống. Hoặc nếu ta tái sinh trong một xã hội mà thiền không hiện hữu, thì cũng khó để ta tiếp tục thực hành. Do đó, nếu ta đợi đến lúc già, lúc sắp chết để suy nghĩ đúng đắn, là quá dại khờ. Suy nghĩ đúng đắn bao gồm việc biết tâm hành của mình, qua chánh niệm và chú tâm.

Sự có mặt của ta trên trái đất này rất ngắn ngủi - ngay cả 70 năm cũng không phải là dài lâu - nên ta có thể nghĩ về mình như là một vị khách được mời đến để biểu diễn, lúc nào cũng chờ đợi được cổ vũ. Dĩ nhiên điều đó sẽ khiến cuộc sống thêm khó khăn. Đầu tiên là ta cảm giác sợ sân khấu. Không biết mình có diễn xuất tốt hay không? Có được vỗ tay tán thưởng không? Nếu không, ta sẽ cảm thấy vô cùng thất vọng. Biết mình chỉ là người khách diễn tuồng trên trái đất này là suy nghĩ chân chính, nhưng chờ đợi được vỗ tay tán thưởng là một tà kiến. Nếu ta tự biết mình đã cố gắng với tất cả khả năng, ta không phải đợi ai tán thưởng. Ta luôn có chủ tâm đúng đắn. Đó mới là điều đáng kể nhất, vì sự chủ tâm hướng đến điều thiện liên quan không chỉ đến bản thân mà cả người chung quanh. Bớt quan tâm đến bản thân sẽ giúp ta có thể quan tâm đến người.

Chúng ta không được xao lãng việc học Pháp và thực hành thiền, vì chỉ khi bản thân ta đã tiến bộ đến một mức độ nào đó, ta mới có thể giúp đỡ người khác, nếu không là ta đã hành động trong vô minh, sẽ đem lại những kết quả không tốt.

Nếu ta quá quan tâm đến sự tái sinh sắp tới của mình, thì ta thực sự đang sống trong mộng. Vì người đang tạo ra nghiệp hiện tại không phải là người sẽ lãnh quả. Sự kết nối duy nhất chỉ là những gì còn sót lại của nghiệp, là quả của nghiệp (vipaka). Ngay cả sự nối kết này cũng rất mong manh vì ta có thể phá vỡ các mắt xích. Nếu ai đó đã tạo nhiều nghiệp xấu nhưng trong kiếp tái sinh lại tạo nhiều nghiệp tốt hơn, thì các quả xấu có thể không bao giờ tựu thành trái, ngược lại cũng thế.

Thí dụ như Angulimala (Vô Não) đã giết 999 mạng người mà vẫn có thể trở thành A-la-hán, vì ông đã được trở thành đệ tử của Phật, được sống trong tu viện của Đức Phật, nơi mà nghiệp xấu của ông không có cơ hội trổ quả. Tuy nhiên, ngài Mahamoggallana (Đại Mục-kiền-liên), dầu đã là một A-la-hán, vẫn bị kẻ cướp giết và tán xương ngài ra tro, do nghiệp xấu trong quá khứ. Chúng ta khó thể thiết lập một thống kê tương ưng giữa nghiệp thiện với các tình huống có thể xảy ra, vì ta không có quyền hạn gì đối với người sẽ kế thừa nghiệp mà ta đã làm trong kiếp sống này. Nhưng hiện tại làm việc thiện, sẽ mang đến kết quả ngay, đó là hạnh phúc và niềm vui trong tâm, và thường cũng là hạnh phúc cho người. Nếu ta có thể mang hạnh phúc đến cho người, thì đó cũng là nhân để ta được có niềm vui.

Không ích lợi gì để nghĩ về nghiệp trong quá khứ hay nghiệp sẽ tạo trong đời sống tương lai. Không ai biết được gì về kiếp sống tới, hay nhớ được gì từ kiếp đã qua. Vậy thì lo lắng về chúng để làm gì? Chỉ có giây phút này, ngay đây, là quan trọng. Quá khứ thì giống như một giấc mộng và tương lai thì chưa tới. Khi tương lai thực sự xảy ra, thì nó luôn là hiện tại. Ngày mai sẽ không bao giờ đến; khi nó đến, nó được gọi là hôm nay. Ta không thể sống trong tương lai hay quá khứ. Ta chỉ có thể sống ngay trong giây phút này. Nếu ta thực sự chú tâm đến từng giây phút một, ta sẽ có thể hành thiền tốt. Ta sẽ không nghi ngờ gì về vô thường. Thực ra ta còn có thể nhìn thấy điều đó thật rõ ràng, nhờ vậy ta có thể buông bỏ tất cả mọi bám víu, chấp chứa.

Chúng ta có thể quán chiếu như thế này: “Tôi có sử dụng mỗi giây phút sống một cách tốt nhất không?”. Nếu đã tạo ra nghiệp xấu trong quá khứ, ta có thể nhanh chóng thực hiện một số việc thiện. Đó có thể là điều đáng giá duy nhất mà quá khứ có thể mang đến cho ta. Nếu không, tính chất nhanh chóng, hiệu quả của vô thường sẽ khiến ta tách rời khỏi các ý nghĩ, lời nói và hành động một cách nhanh chóng đến nỗi ta không thể nhớ chúng, nói gì đến chuyện giữ chúng lại.

Vậy mà ta lại cố giữ người khác lại, chấp vào sự suy nghĩ, quan điểm và ý kiến của ta; chúng ta bám víu vào thân này, vào các thân hành, tâm hành sai lạc, và cố biến chúng thành thường hằng. Điều đó là không tưởng, không thể thực hiện, vì chỉ có từng giây phút này. Với đồng hồ kỹ thuật số, ta có thể dễ dàng thấy từng giây phút đến rồi đi như thế nào. Thử quan sát đồng hồ trong năm phút để cảm nhận rằng năm phút giây quý báu của cuộc đời bạn đã qua đi. Quá khứ bị lãng quên, chỉ trừ một vài sự kiện nổi bật, bằng không nó đã qua mất rồi. Điều đó cho ta thấy rõ ràng rằng chúng ta chỉ là những dòng chảy, không có thực thể. Do nhận xét sai lầm về thực tại một cách hoàn toàn vô căn cứ, ta cho là nó có thực thể và sống dựa vào đó. Giống như nhà hát tuồng, một sáng tạo của chúng ta, nơi các nghệ sĩ vận xiêm áo, nói lời thoại và tin rằng đó là cuộc sống thực. Chúng ta muốn nhà hát mãi sáng đèn, nhưng không thể được, vì mỗi người đều có nỗi khổ không thể diệt trừ bằng sự bất cần hay vô minh. Ta chỉ có thể làm điều đó bằng cách thay đổi quan điểm, ý thức.

Sự tạo nghiệp phát khởi từ trong tâm. Các tâm hành tạo ra nghiệp của ta. Nếu không thể làm chủ tâm, ta khó tránh khỏi việc tạo ra các nghiệp xấu. Tâm luôn có nguy cơ nghĩ đến những điều bất thiện. Các trạng thái tâm tiêu cực không thể kể xiết: “Tôi không thích, không thể chịu đựng nổi; tôi sợ, tôi chán…”. Tất cả đều là những trạng thái của tâm sân. “Tôi muốn mua, muốn giữ, muốn làm mới”, cũng là nghiệp xấu, liên quan đến tâm tham. Tất cả đều từ tâm phát khởi.

Rất ít người chịu quan sát tâm. Họ nghĩ rằng điều đó khó làm, khá mệt. Nhưng tạo ra nghiệp xấu còn mệt mỏi hơn, vì quả sẽ nặng nề, khó chịu. Rất ít người có được sự sôi nổi bên trong, dấu hiệu của niềm vui tự thân. Đa số nản lòng do tâm tiêu cực gây ra, chứ không phải do hoàn cảnh bên ngoài. Hãy quan sát tâm bạn. Hãy đoan chắc rằng bạn luôn thực hành Tứ chánh cần. Đó là điều tốt nhất mà bạn có thể làm cho bản thân, để đạt được nghiệp lành.

Từ ý phát sinh ra lời nói và hành động. Ta không thể nói mà không có nghĩ trước, không thể hành động mà không có rắp tâm để làm điều đó. Dầu đôi khi dường như ta nói hay hành động một cách bản năng đến nỗi ta không ý thức rằng ý nghĩ đó đã chạy qua đầu. Nhưng như thế không có nghĩa là chúng không có mặt trong tâm trước. Nó chỉ có nghĩa là ta thiếu chánh niệm và hiểu biết rõ ràng. Tâm là tài sản quý báu nhất mà ta được sở hữu. Không có vàng bạc, châu báu nào có thể so sánh với nó, vì tâm chứa đựng hạt giống giác ngộ. Nếu ta không sử dụng nó đúng mục đích là ta đã dại khờ đem chôn châu báu dưới đất đen. Tuy nhiên, chúng sanh thường làm thế, chính vì họ không được khuyên bảo ngược lại.

Khi nhận thức được rằng ta sở hữu tâm châu báu quý giá này, ta sẽ gìn giữ để nó không bị trầy rụa, lấm láp, đạp dẫm, làm mất sự sáng chói của nó. Ngược lại ta gìn giữ sao cho nó mãi được thanh khiết, chiếu sáng để tạo ra các nghiệp thiện lành. Đức Phật dạy rằng, hành động không phải là yếu tố quan trọng nhất, mà chính là sự chủ tâm đằng sau đó. Ngay cả sự độ lượng cũng có thể phát xuất từ một động lực xấu. Thí dụ, nếu chủ tâm làm việc thiện để tích lũy công đức cho tương lai, thì điều đó khá ích kỷ. Nếu hành động đó được thực hiện vì lòng bi mẫn đối với những người thiếu thốn, thì mới là lý tưởng. Tuy nhiên, dầu có hành động với chủ tâm không thiện lành, thì bố thí vẫn tốt hơn là không. Vẫn có nghiệp lành trong hành động đó, vì người bố thí đã buông bỏ vật sở hữu của mình.

Người bảo vệ tâm cho ta, người đảm bảo rằng tất cả mọi việc ta làm đều với chủ tâm tốt đẹp là Chánh tư duy (chi thứ hai trong Bát chánh đạo), kim chỉ nam của ta. Nghiệp được tạo ra tùy vào tâm, và tâm thanh tịnh tùy vào thiền định. Nếu chúng ta hành thiền đều đặn, tinh tấn, dần dần ta sẽ nhìn thấy những gì diễn ra trong tâm một cách rõ ràng. Một số người hoàn toàn mãn nguyện nếu chỉ đạt được chút an lạc, dẫu thế đó cũng đã là một sự thuận lợi và tiến bộ. Nếu ta quan sát được tâm khi thiền tập, ta cũng sẽ tập được cách quan sát tâm trong đời sống hàng ngày. Rồi thì ta sẽ có nhiều cơ hội để tạo ra các nghiệp thiện lành.

Nếu ta đã nhàm chán với cái vòng luẩn quẩn của được, mất, khen, chê, thành công, thất bại, hạnh phúc và khổ đau (tám pháp thế gian), thì ta cần phải hạ quyết tâm nỗ lực buông bỏ tham ái, bám víu. Nỗ lực này được thiền tập hỗ trợ, nhưng không chỉ có thế. Thiền là phương tiện để giúp ta có khả năng loại trừ các chủng tử tham, sân trong ta. Quy trình thiền tập đem lại cho tâm sự sáng suốt để nhận ra các hạt giống này trong ta, để ta có thể có cách đối trị chúng.

Bổn phận của chúng ta trong kiếp sống này với tư cách là một chúng sanh có đầy đủ giác quan, thân không khiếm khuyết, có duyên lành được nghe Chánh pháp, là bảo vệ tâm và chứng nghiệm được chân tánh của tâm là thuần khiết, chói sáng, nhu nhuyến. Với tâm như thế ta có thể tiến sâu vào đạo, nơi ta sẽ thấy không có ai làm chủ tâm này.

Ni sư Ayya Khema
Diệu Liên Lý Thu Linh
(Chuyển ngữ theo Karma Is Intention

Câu chuyện Phật giáo: Vị tăng bị đọa làm thân chồn 500 kiếp vì một câu trả lời sai

Câu chuyện Phật giáo: Vị tăng bị đọa làm thân chồn 500 kiếp vì một câu trả lời sai

Đăng lúc: 07:29 - 25/05/2016

Luật Nhân Quả là nền Đạo Đức nhân bản cao cả hơn mọi nền Đạo Đức nào khác, trong đó giá trị con người được nâng cao không còn giới hạn. Câu chuyện về ông già chồn được truyền mãi trong nhà thiền như sau.



Vị tăng bị đọa làm thân chồn 500 kiếp vì một câu trả lời sai.

“Thoáng nhìn Tổ Bá Trượng đã biết đây không phải là người bình thường trong khi ông già chầm chậm tiến về phía tổ. Những đệ tử khác đều ra ngoài khi buổi giảng đã xong.

- Ông là ai? Tổ hỏi.

- Bạch Hòa Thượng, con không phải là người. Nguyên đời Đức Phật Ca Diếp con là tăng. Có một đệ tử hỏi con "Bậc đại tu hành có còn bị Nhân Quả chi phối hay không?".
Skip in 7...Ad finishes in 30 seconds

Con đáp: “Không bị Nhân Quả chi phối!” (Bất lạc Nhân Quả). Thế là từ đó con đọa làm thân chồn đến nay đã năm trăm đời. Không biết chỗ sai ở đâu, con xin Hòa Thượng đáp lại cho đúng, để con thoát được thân chồn.

Tổ Bá Trượng bảo:

- Bây giờ ông hỏi lại ta.

- Bạch Hoà Thượng bậc đại tu hành có còn bị Nhân Quả chi phối hay không?

Tổ bảo:

- Không còn mơ hồ về Nhân Quả! (Bất muội Nhân Quả) ngay câu nói ấy ông già liền đại ngộ, thưa:

- Thế là từ nay con thoát được thân chồn, dám xin Hoà Thượng lấy theo lễ Tăng chết tống táng cho con.

Nói rồi ông già biến mất. Tổ Bá Trượng sai bạch kiền chùy bảo chúng sau giờ ngọ trai sẽ đưa đám một vị tăng. Tăng chúng đều ngạc nhiên vì thấy không ai chết, nhà bệnh không ai nằm.

Sau giờ thọ trai, Tổ dẫn chúng tăng vòng qua sau núi đến một chiếc hang, lấy gậy bới ra xác một con chồn đem về làm lễ trà tỳ".



Lúc được hỏi câu đó, ông già đang làm một vị tăng thời Đức Phật Ca Diếp, có được định lực khá vững, nhưng trong cái định đó ông chưa thấy được đường đi của Nhân Quả nên trả lời theo chỗ thấy cuả mình, không ngờ phạm một sai lầm quá nặng. Toàn bộ giáo lý của Phật đều dựng trên nền tảng Nhân Quả, dù là thế gian, hay Bồ Tát đạo. Phủ nhận Nhân Quả tức là phủ nhận toàn bộ Phật pháp, và quả báo cuả tội đó là bị đọa làm thân chồn năm trăm đời.

Đến lúc tội đã mỏng, phước làm Tăng lúc trước khởi dậy, ông gặp Tổ Bá Trượng và nhận ra bản thể trí tuệ sáng suốt hằng hiện hữu.

Đối với đạo Phật chúng ta có ba mục đích cần nhắm đến:

Một là sống trong luân hồi bớt khổ đau, có phước báo cõi trời cõi người

Hai là thoát khỏi luân hồi, chấm dứt sinh tử, có được Niết Bàn an vui.

Ba là giáo hoá cho chúng sinh cùng được thành tựu trí tuệ giải thoát, gọi là hành đạo Bồ Tát.

Tuy nhiên muốn thành tựu mục đích thì phải biết Nhân Quả, biết nhân nào sẽ thành tựu được mục đích này. Lý Nhân Quả là nền tảng của Đạo Phật, nếu chưa hiểu biết thâm sâu về lý Nhân Quả tức là chưa hiểu đạo Phật và chưa thực hành đúng đạo Phật.



Lý Nhân Quả là nền tảng của Đạo Phật.

Con người sinh ra đã không đồng nhau trên mọi phương diện như giàu nghèo, mạnh yếu, trí ngu, dòng tộc, gia đình…Những thăng trầm may rủi trên đường mưu sinh lại càng muôn trùng sai khác. Nguyên nhân của sự bất đồng đó quá sâu kín, vượt khỏi tầm hiểu biết của người thường và họ đã dựng lên Thượng đế, quy tất cả cho Thượng đế như một đấng sáng tạo để che dấu sự mơ hồ của mình. Họ ngủ yên nơi niềm tin đó, thỏa mãn với sự tin tưởng đó, vẽ vời và truyền bá thêm quan niệm đó cho con cháu họ. Từ nay con người trở thành kẻ nô lệ cho chính một thần linh mà họ dựng lên.

Chỉ có chân lý mới cứu vớt con người khỏi sự sai lầm này, phục hồi lại quyền làm chủ cho con người để họ tự quyết định cuộc đời họ theo ý muốn. Chân lý đó chính là luật Nhân Quả Nghiệp báo giúp người thoát khỏi hai quan niệm sai lầm về nhân sinh và vũ trụ, một cho Thượng đế định liệu, hai cho mọi việc ngẫu nhiên. Những sự kiện gần gũi quanh cuộc sống đều có nguyên nhân xa gần của nó, chỉ vì không thấy được những nguyên nhân mà một số người kết luận vội vàng là ngẫu nhiên.

Cũng như quan niệm thiên mệnh, quan niệm vạn vật ngẫu nhiên cũng là biểu lộ sự dễ dãi nơi tri thức của con người mà những người chín chắn kinh nghiệm không bao giờ vấp phải. Tuy nhiên, vì luật Nhân Quả chi phối qua nhiều kiếp sống quá khứ đến đời sống hiện tại và kéo dài mãi đến đời sống vị lai nên cặp mắt của con người còn nhiều loại động trong tâm thức không thể nào thấy được.

Có những hiện tượng tái sinh được nhiều người biết đến, được báo chí đăng tải trên thế giới khi một người khi một người nhớ đến đời sống quá khứ của mình và những người có trách nhiệm đã kiểm chứng thấy là đứng khiến nhiều người mơ hồ chấp nhận có nhiều kiếp luân hồi. Những người chỉ tin khoa học thì yên lặng chờ đợi sự chứng minh của khoa học rồi mới tin có luân hồi đời sống này sang đời sống khác. Nhưng khoa học thì phải tiến bộ dần dần qua nhiều thế kỷ. Có những điều lúc trước chưa được khám phá, nhưng cũng được khám phá thời gian sau đó và chắc hẳn là tương lai về sau khoa học còn khám phá thêm những điều mà bây giờ con người chưa biết đến.

Các nhà khoa học đã cố gắng giải thích về tâm lý và sinh ý của những đứa trẻ khi mà nó hoàn toàn không giống gì với môi trường chung quanh của nó. Trong gia đình những người con khác nhau đến kỳ lạ về tài năng và tính khí. Rồi những thần đồng học một biết ngàn hay chưa học đã biết. Những hiện tượng đó vẫn còn là bí mật khi người ta chỉ cố gắng tìm hiểu bằng tâm suy nghĩ của mình.

Thượng đế ư? Lỗi thời quá! Ngẫu nhiên ư? Dễ dãi quá! Di truyền ư? khập khiễng quá! phải chăng con người đã mang những khuynh hướng, những tình cảm, năng khiếu từ đời sống quá khứ theo đến đời sống hiện tại và tiếp tục gánh hành trang của đời sống này đi về đời sống ở vị lai?

Tại sao người em say mê nghiên cứu khoa học trong khi người anh chỉ thả hồn theo tiếng nhạc du dương? Tại sao người cha kỹ lưỡng chi li trong khi người con thờ ơ hời hợt? Tại sao cả cha mẹ đều là giáo sư dạy sinh vật ở trường Đại học Tổng hợp trong khi người con duy nhất của họ không thể nào nhai nổi môn học chán ngấy này? Có đời sống trước đời sống này chăng, có sự luân hồi thay đổi từ kiếp sống này sang kiếp sống khác chăng, và nếu có thì làm sao biết được, hay phải chấp nhận điểu này bằng niềm tin?

Chúng ta đã chán ngán cái cái niềm tin không trí tuệ này quá rồi, bây giờ nếu có phải tin, xin cho chúng ta một niềm tin sau khi đã suy xét bằng trí tuệ. Luật Nhân Quả Nghiệp báo không phải là sự đối phó với tình trạng xã hội, mà sự thật luật Nhân Quả là một chân lý tồn tại khách quan.

Luật Nhân Quả nằm trong sâu kín cuả con người thì gọi là lương tâm, trùm phủ chi phối tất cả sự việc của con người thì gọi là báo ứng. Tận trong thâm tâm chúng ta ai cũng đồng ý rằng người có công đáng được thưởng, kẻ có tội đáng bị phạt. Chính vì lương tâm con người đã là luật Nhân Quả thế nên ai phát triển lương tâm đến tột cùng minh bạch sẽ thốt lên câu:

“Không còn mơ hồ về Nhân Qủa”

Thật vậy, người lắng dừng mọi tâm thức vọng động, trí tuệ sáng tỏ sẽ thấu hiểu lý Nhân Quả Nghiệp báo tinh vi hơn bao giờ hết. Luật Nhân Quả là nền Đạo Đức công bằng hơn mọi nền Đạo Đức nào khác và chính luật Nhân Quả cũng chính là lương tri nhân loại.

Vì quá khứ đã đem lại an vui cho người nên hiện tại chúng ta được hạnh phúc. Vì quá khứ chịu ơn của người nên bây giờ phải nhận người sai khiến. Nếu đã lầm lỡ làm khổ người thì bây giờ đành chuốc lấy tai ương. Tuy nhiên luật Nhân Quả không cố định cứng ngắc, biến thiên vô cùng phức tạp, nếu chúng ta không trầm tĩnh sáng suốt dễ bị kết luận vội vàng thiếu sót.

Cảm nghĩ ngày Phật đản 2560 - 2016

Cảm nghĩ ngày Phật đản 2560 - 2016

Đăng lúc: 09:06 - 13/05/2016

Dòng đời cứ cuồn cuộn hay lặng lẽ mãi miết TRÔI, và mọi cảm nhận tiếp thụ của con người vẫn cứ lan CHẢY bất tận theo thời gian, tưởng chừng chẳng phút giây dừng nghỉ, và nếu có chăng thì chỉ trong một thoáng xa xôi mơ hồ đâu đó, rồi cũng lao vào vòng xoay của bao ý niệm trong cuộc sống đầy vật vã, tranh đấu, bon chen, toan tính.v.v... như bánh xe càng đi tới là càng quay tròn trở lại.
Mùa xuân, nay trông như vội vã đi qua “Ngày xuân con én đưa thoi, Thiều quang chín chục...”, thời tiết đã chuyển sang tháng năm (5) đang hắt hiu, nghe ấm dần lên bởi khí trời man man ngọn gió trưa hè ngang qua thềm mây trắng. Trông cái cảnh con người vẫn tất bật lao vào cuộc sống như bao ngày tháng hôm nào, vẫn xôn xao nhập cuộc vào giữa hai chiều ngược xuôi, lên hay xuống, còn hay mất, thất bại hay thành công... như để lo toan, tìm kiếm, đong đo, trang trải những điều gì trong chốn cuộc phù sinh.

Đương lúc thế giới xã hội loài người ngày hôm nay, mỗi lúc càng phát sinh nhiều nỗi bất an, lo âu, và sợ hải trong dòng TRÔI, CHẢY của thời gian đương là nầy... Nào là những cuộc chiến tranh bùng nổ giữa các thế lực vùng Trung Đông, Bắc Phi, Syria, Iaraq, Lybia, Ai Cập, Yemen, Tunisia, Thổ Nhỉ Kỳ, đến khu vực Châu Âu, Ukraina.v.v...cả khu vực Châu Á, Đông Nam Châu Á, cũng không kém phần chú ý cả thế giới về tình hình Biển Đông hiện nay. Nói chung, gần như khắp cả trời Châu lục.

Đồng thời, song song với những sự việc trên, sự đe doạ về sức mạnh từ nơi con người tạo ra các loại võ khí nguyên tử của những nước có thế lực hàng đầu, các loại võ khí sát thương có sức công phá, tàn phá, và tầm xa tối tân hiện đại, các loại tàu chiến, tàu ngầm siêu tốc tung hoành hùng hậu giữa đại dương, các loại cơ giới, các loại phi cơ chiến đấu trang bị đầy đủ phương tiện chiến tranh, phô trương diễu hành lao vút vào không gian bao la vô tận.v.v...

Chưa kể đến nạn đói khát, nạn thất nghiệp, nạn mua bán người, trẻ em, các loại thức ăn, vật dụng tiêu dùng ướp tẫm những chất độc hại... cùng với những hình thức khủng bố, đàn áp, chiếm đoạt, cướp lấy bởi những ý niệm cuồng tín, cực đoan chủ nghĩa, tôn giáo, đảng phái, chủng tộc, đã và đang phát sinh từ sự cuồn nộ của sân tưởng, của hại tưởng, và của tham tưởng, bởi do một số người có quyền lực trong tay, cùng với sự xu hướng theo thế thời, có được chút ít địa vị, lợi danh mọn tạm bợ, để hưởng thụ, thỏa mãn các dục nơi cuộc sống thế gian, hoăc từ những trạng thái bệnh hoạn tâm lý trầm cảm, thất sủng.v.v...

Tất cả đều do tạo tác (nghiệp), và phải bị chi phối của dòng nghiệp lực ấy, một khi đã được nuôi dưỡng, đã được tích tụ nhiều thời gian khi ngang qua cuộc sống. Hay cụ thể hơn, chính là thiếu ý thức bình đẳng, tình thương, thiếu sự tiếp thu nhận và trao phương pháp giáo dục đạo đức, không thấu suốt những phương hại về sau, làm tổn giảm hay mất đi nhân tính, và thăng bằng tâm lý từ bản thân, gia đình, đến cộng đồng xã hội, mà hôm nay chúng ta đã và đang thấy biết những gì trên hành tinh khi con người và muôn vật đang có mặt nầy.

Cùng khi ấy, hiện nay không ít số người, nhóm người, phần nhiều chỉ biết dựa dẫm vào niềm tin cầu nguyện, van xin, nhờ vào sự cứu giúp của những phép lạ thần quyền, để thoả mãn lòng mong cầu cho sở thích lạc thú thường tình ở đời. Đôi khi, trong ấy còn có số người đã khoát lên pháp phục tôn giáo, đóng vai nhẹ tênh với hình thức đời sống phạm hạnh, không có năng lực tu tập, để chuyển hoá thân tâm, tự mình không an trú chánh pháp lạc, không giúp người an trú chánh pháp lạc, rồi vẽ vời những hình thức tín ngưỡng, cầu nguyện, cúng tế, phù phép để chiêu cảm lòng tin v.v... đánh lạc mất phương hướng đạo lộ chánh kiến, chánh pháp giải thoát của đạo Phật hay chư Phật tự ngàn xưa.

Thế nhưng, lại cũng ngay trong thời điểm này “MÙA XUÂN THÁNG VESAK”, thời điểm mà cách nay trên 2560 năm tại vườn Lâm Tỳ Ni gần thành Ca Tỳ La Vệ, thuộc Cộng Hoà Dân Chủ Liên Bang Nepal ngày nay. Và hiện nay, trên khắp hành tinh nhân loại, đối với hàng tứ chúng đệ tử đức Phật, những người có niềm kính tin chân chính đến với Giáo lý, Tam bảo, vì sự nghiệp truyền đăng giáo nghĩa của bậc đạo sư tối thượng, có học hiểu pháp học, có thực tập các pháp hành từ lời dạy đầu tiên, do đức Phật tuyên thuyết trong thế gian, như một thông điệp về Bốn Diệu Thánh Đế, “vì Đức Như Lai đến đây chỉ là bậc đạo sư”. Nên tự mình biết điều phục thân tâm, giúp người biết điều phục thân tâm, và như lời Phật đã dạy :

“Người trị thuỷ dẫn nước
Kẻ làm tên nắn tên
Người thợ mộc uốn gỗ
Bậc trí nhiếp tự thân.” (trích kinh Pháp Cú - 80).


Như vậy, con người dù ít nhiều có khơi dậy mầm chủng tánh Từ bi, Bình đẳng, thường tìm lại chính mình, cũng sẽ đem lại bình an cho thế giới loài người, mà còn làm cho bầu dưỡng khí của hành tinh thêm trong sạch, tươi mát hơn, không bị ô nhiễm, không làm tổn giảm môi sinh, môi trường sinh thái, các dòng sông không bị chết, các vùng đất không bị chết, con người có những tư duy hiền thiện, trong xanh... không gây oan trái để phải thêm tội, thêm thù, không tạo tác các việc làm ác quấy, mê lầm theo các loại kiến hoặc, kiến kiết phược, kiến kiết sử, kiến trù lâm.v.v… để phải chịu quả báo trả vay khổ luỵ, tàn hại, nhiệt não, để rồi phải theo dòng TRÔI - CHẢY trong cuộc hành trình sinh tử.

Một điều khác nữa, bậc đạo sư cũng thường giúp cho chúng ta dễ phát hiện, dễ phản tỉnh, dễ cảm nhận nguồn tâm lý chính nơi tự thân, để từ đó chúng ta có sự quán chiếu, nhận ra những cảm giác về thân, về các thọ, và tâm của người khác hay cả chúng sinh, như:

“Mọi người sợ hình phạt
Mọi người sợ tử vong
Lấy mình làm ví dụ
Không giết, không bảo giết” (trích kinh Pháp Cú - 129).

Vì thế, trước đây, hiện nay, và cho đến tận mai sau, với bao nguồn sinh lực dồi dào trong sáng, hướng thiện của hằng triệu triệu tâm hồn nhân loại luôn ngưỡng vọng, tôn kính đến ngày thị hiện vào đời của Đức Từ Phụ (Thích Ca Mâu Ni), vẫn thường trụ trong sáng, rực sáng với đại nguyện Bi - Trí - Dũng, như lời tán thán:

“...Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama !... Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy được sắc...” Kinh Trung Bộ I, bài số 4.

Không nhằm ngoài mục đích hướng dẫn, tiếp độ chúng sinh, chư thiên và loài người trên 2500 năm trước đây, cho đến tận bây giờ và miên viễn mai sau. Vẫn luôn phát khởi nguồn năng lực Bồ đề, thành kính và tu tập, gieo và kết nối hạt Từ tâm, cùng tu tập Pháp của bậc Thánh, để cùng vượt thoát mọi khổ ách, đạt đến an lạc tối thượng, hầu chấm dứt dòng TRÔI - CHẢY trong vòng luân hồi theo sáu đường, ba cõi, hay ít nhiều cũng được tịnh trú lạc pháp của bậc Thánh nơi thế giới vô thường, sinh diệt này, bằng một ý niệm nghĩa cử trong mỗi chúng ta, rằng:

Sự xuất hiện của đức Phật như một thông điệp TÌNH THƯƠNG - BÌNH ĐẲNG - TRÍ TUỆ - HÒA BÌNH cho nhân sinh và vũ trụ.

Atlanta, Phật đản 2560 – 2016.
Mặc Phương Tử

Có phải Phật giáo cũng tin có quỷ, thần mơ hồ hay không?

Có phải Phật giáo cũng tin có quỷ, thần mơ hồ hay không?

Đăng lúc: 10:46 - 30/10/2015

Đạo Phật là đạo giác ngộ. Mọi sự mê tín không bao giờ đạo Phật chấp nhận. Thế thì xin hỏi: Tại sao chúng tôi thấy rãi rác trong các kinh lại có nêu ra các vị Thần, như Thiên Thần, lâm Thần, thọ Thần, Quỷ, Thần v.v... điều nầy, có ý nghĩa gì ? Có phải Phật giáo cũng tin có Quỷ, Thần mơ hồ hay không? Và có phải Phật giáo cũng tin tưởng vào đa Thần giáo không?

Xin thưa, Đạo Phật dứt khoát không bao giờ chấp nhận việc mê tín Thần quyền, nhứt là những vấn đề tin nhảm nhí, theo một niềm tin mù quáng, không được điều động bởi lý trí. Phật giáo cũng không chủ trương lấy việc cúng tế Quỷ, Thần như là một điều van xin cầu khẩn để được các vị Thần linh ban phước, giải khổ. Tuy nhiên, theo quan niệm của Phật giáo, thì giữa vũ trụ bao la, thế giới vô lượng, và lẽ dĩ nhiên có vô số chúng sanh xuất hiện dưới mọi hình thức tùy theo nghiệp quả của mỗi loài mà có ra thiên hình vạn trạng sai biệt. Sự sai biệt đó, theo kinh điển của Phật giáo cho chúng ta biết, thì tùy theo nghiệp nhân của mỗi loài đã tạo, nên quả báo thọ thân chẳng đồng.

Như có loài sống ở dưới nước, như tôm, cá v.v... Có loài ở trên không, như chư Thiên... Có loài sống trên đất liền, như loài người và các loài động vật, thực vật khác. Như thế, Quỷ, Thần cũng là một loại chúng sanh như vô số chúng sanh khác. Vì vậy mà rãi rác trong các kinh điển của Phật giáo, tiêu biểu như Kinh Địa Tạng chẳng hạn, trong đó, Phật nêu ra có nhiều loại Quỷ, Thần. Nhưng nêu ra như thế, để nói lên nghiệp cảm sai biệt của mỗi chúng sanh trong thế giới lục đạo luân hồi, chớ không phải Phật nêu ra như thế là có ý chấp nhận Quỷ, Thần có quyền ban phước giáng họa, để rồi Phật khuyên mọi người nên tin tưởng cúng bái Quỷ, Thần .

Điều nầy là một điều tối kỵ trong Phật giáo. Kinh Phật còn cho chúng ta biết thêm về thế giới quan, có chúng sanh hữu tình, có loài chúng sanh vô tình, có loài hữu hình hữu tướng, có loài vô hình vô tướng vân vân và vân vân. Tất cả đều tùy theo căn thức và nghiệp cảm mà có ra vô số sai khác. Như thế, thì không có một chúng sanh nào cai quản chúng sanh nào, ngoại trừ sự hỗ tương sinh thành theo luật nhân duyên nhân quả.

Do đó, Đức Phật không bao giờ khuyên dạy bất cứ ai cầu xin nơi Quỷ, Thần, vì Quỷ, Thần vẫn còn là một chúng sanh cũng vẫn đang chịu khổ như bao nhiêu chúng sanh khác, chưa biết bao giờ thoát khỏi, nếu như Quỷ, Thần đó không biết hồi tâm chuyển ý lo tu niệm.

Tóm lại, theo giáo lý của Phật giáo, Phật giáo có nói đến các loại Quỷ, Thần, như là một chúng sanh bị nghiệp cảm thọ báo mang hình hài nghiệp thức trong loài đó, chớ Phật giáo không chấp nhận quyền năng của bất cứ vị Thần sáng tạo nào, dù là nhất Thần, hay đa Thần cũng thế.

Hơn thế nữa, Đức Phật chưa bao giờ khuyên đệ tử của Ngài tin tưởng vào Thần quyền. Và cũng không bao giờ chấp nhận cho đệ tử của Ngài cúng bái, cầu khẩn van xin điều nầy việc nọ với Quỷ, Thần. Nếu là đệ tử của Phật, đã quy y theo Phật giáo, thì trong 3 điều quy y có một điều Phật răn cấm là không được quy y với Thiên, Thần, Quỷ, Vật. Ngay cả như chư Thiên, người phật tử cũng không được nương tựa. Lý do tại sao? Xin thưa, vì các vị trời cũng vẫn là một chúng sanh, nói rõ hơn, họ với ta sánh vế thì ngang nhau, vì ta cùng họ đều là đệ tử của Đức Phật. Tất nhiên là huynh đệ với nhau. Chẳng qua là họ hơn ta ở chỗ thọ dụng phước báo mà thôi.

Tỳ Kheo Thích Phước Thái

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 27
  • Hôm nay 4,369
  • Tháng hiện tại 62,114
  • Tổng lượt truy cập 23,468,363