Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
IMG 5631

Khai giảng lớp học " ĐẶC BIỆT " tại chùa Đức Hậu

Đăng lúc: 21:46 - 14/11/2017

Đây là lớp học giáo lý sơ cấp đặc biệt được quý thầy giảng dạy với các môn học như: Phật học phổ thông, ......

Giao lưu lớp giáo lý Minh Tâm cùng ĐTHSXN tại chùa Đức Hậu

Giao lưu lớp giáo lý Minh Tâm cùng ĐTHSXN tại chùa Đức Hậu

Đăng lúc: 15:44 - 22/05/2017

Chiều ngày 19/5/2017, Chùa Đức Hậu long trọng đón tiếp Quý Thầy Cô và lớp học Giáo Lý Minh Tâm TP. Ban Mê Thuột do thầy Thích Hải Nguyện, Thích Hải Trung, sư cô Thích Nữ Hạnh Dung dẫn đoàn về giao lưu với các Phật tử trong Đạo Tràng Hương Sen Xứ Nghệ do ĐĐ Thích Định Tuệ trụ trì chùa Đức Hậu, ĐĐ Thích Đạo Quang thành phố Nha Trang đón tiếp. Một cuộc hội ngộ thật ý nghĩa, thắm tình đạo vị với các Phật Tử ở vùng Cao Nguyên với các Phật Tử trong Đạo Tràng Hương Sen Xứ Nghệ.


Tối ngày 19/5/2017 Đại Đức Thích Định Tuệ tổ chức đêm Thiền Trà giao lưu giữa các Phật Tử.trong lớp học Giáo lý Minh Tâm và phật Tử trong Đạo tràng Hương Sen Xứ Nghệ Trong đêm thiền trà, các Phật Tử đều lắng đọng tâm tư và lắng nghe hơi thở của chính mình, xoa dịu những nhọc nhằn trong cuộc sống và lắng nghe nhịp tim thổn thức, được lắng nghe những lời chia sẻ của Chư Tôn Đức Tăng Ni và những bạn đồng tu . Các Phật Tử lại được cùng nhau chánh niệm, thưởng thức những ly trà nghĩa tình và trao cho nhau những năng lượng của tình thương cùng sự hiểu biết.



Trong đêm Thiền Trà, Đại Đức Thích Định Tuệ trụ trì Chùa Đức Hậu đã chia sẻ những tình cảm của mình đến với Chư Tôn Đức Tăng Ni và kính chúc các Thầy Cô pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu, chúc các Phật Tử luôn được an lạc trong ánh hào quang của Chư Phật... và tu tập ngày càng tinh tấn hơn..



Sáng ngày 20/5/2017 Phật tử Đạo trang Hương Sen Xứ Nghệ giao lưu với lớp học giáo lý Minh Tâm chia sẻ những kinh nghiệm tu tập và ký hiệp ước " Hiểu và Yêu Thương ". Qua buổi giao lưu các Phật tử được các quý Thầy, cô trả lời những câu hỏi, những thắc mắc trong quá trình tu học. Đại Đức Thích Định Tuệ trụ trì chùa Đức Hậu đã chia sẻ với các Phật tử : " Thầy mong các Phật tử có mặt trong buổi sáng ngày hôm nay hãy nhớ thời khắc này, người ở Đắc Lắc người ở Nghệ An được ngồi bên nhau , được ký hiệp ước yêu thương, phát nguyện bằng trái tim và tâm hồn của mình. Đặc biệt là các quý thầy cô và các Phật tử ở Đắc Lắc đã dành cho đạo tràng Hương Sen Xứ Nghệ những tình cảm, khoảnh khắc, kỷ niệm được gắn bó bên nhau. Thầy mong các Phật tử cố gắng tu tập tốt hơn nữa "
buổi chiều và sáng hôm sau đoàn đã đi tham quan Quê Nội và Quê Ngoại Bác Hồ và thăm nhà tưởng niệm Đại thi hào Nguyễn Du ở Nghi Xuân Hà Tĩnh
Sau đây là một số hình ảnh của đêm thiền trà và giao lưu ký hiệp ước ( Hiểu và yêu thương )



Đại Đức Thích Hải Nguyện thay mặt quý Thầy Cô và lớp học Giáo Lý Minh Tâm cảm ơn quýThầy và Phật tử trong Đạo tràng Hương Sen Xứ Nghệ đã dành cho đoàn sự chào đón nồng nhiệt nhất , Thầy chúc các Phật tử tinh tấn tu học theo giáo lý của Đức Phật.



Đại Đức Thích Đạo Quang - MC chương trình trong đêm Thiền Trà và ký hiệp ước " Hiểu và Yêu Thương"





























Sư Cô Thích Nữ Hạnh Dung chia sẽ trong buổi giao lưu




















ĐạiĐ














kết thúc buổi giao lưu Các quý Thầy Cô và Phật tử cùng nhau ký hiệp ước " Hiểu và Yêu Thương ""










Hiệp ước ( HIỂU VÀ YÊU THƯƠNG)

Nhân dịp này Qúi Thầy Cô và lớp học Minh Tâm tặng Qùa cho Đại Đức Thích Tuệ và Đạo Tràng Hương Sen Xứ Nghệ









chụp ảnh lưu niệm





Tác giả bài viết: Hồng Nga

Nét đẹp trì bình khất thực trên đất Thái Lan

Nét đẹp trì bình khất thực trên đất Thái Lan

Đăng lúc: 19:27 - 08/03/2017

Có thể khẳng định, vấn nạn giả sư đã cướp đi cơ hội - phương tiện để mang hình ảnh đẹp của những nhà sư lặng lẽ xếp thành hàng trì bình vào những buổi sáng: bước vào cuộc đời, vào từng ngõ ngách xóm làng để tạo duyên cho người gieo duyên với Tam bảo ngay trên chính trên quê hương Việt Nam mình.
tribinh.jpg
Nét đẹp trì bình và gieo duyên với Tam bảo của người dân nước Phật giáo - Ảnh: Pixabay

Tôi đã trì bình khất thực ở Thái Lan...

Tôi đã từng yêu quý chiếc y và hình ảnh của một nhà sư ôm bát trì bình ngang qua nhà mình khi còn rất nhỏ, đó như là hình ảnh đánh thức hạt giống lành trong tiềm thức rồi sau đó phát tâm xuất gia để được trở thành hình ảnh đó. Thực sự không còn niềm hạnh phúc nào bằng khi tự mình đắp y mang bát đi khất thực trì bình vào những buổi sớm mai một cách tự do và không sợ bị dòm ngó thật-giả, đúng-sai như một sự thực tập đức hạnh khiêm cung cần có và tự nhắc mình là Khất sĩ - xin ăn tu học, lấy phẩm thực để nuôi thân, pháp hành để nuôi trí.

Với cơ duyên du học tại Thái Lan, ngoài những ngày học chính thức tại trường, vào những ngày cuối tuần hoặc ngày Phật nhật (4 ngày trong tháng - như ngày rằm tại VN) thì tôi có nhiều cơ hội để tiếp xúc và thực tập truyền thống tốt đẹp này ngay tại thủ đô Bangkok - một thành phố hiện đại bậc nhất của Thái Lan.

Khi trời vừa hừng sáng, đúng 5 giờ sáng là tôi thức dậy vệ sinh cá nhân, lấy y, ôm bát - bát ở đây được làm bằng bạc hoặc nhôm và được bao bọc bên ngoài bởi chiếc thẩu mây và có dây đeo ngang bên vai phải để đỡ mỏi tay khi ôm bát đi đường dài quanh khu vực chùa nơi mình cư trú hoặc xa hơn.

Vừa bước ra khỏi cổng là đã thấy người dân trải những chiếc chiếu nhỏ, quỳ bên lề đường, đặt một mâm thức ăn trước mặt để đợi Tăng đoàn đi ngang qua mà dâng cúng. Điều đặc biệt là họ phải thức dậy thật sớm, sớm hơn các nhà sư để chuẩn bị thức ăn cúng dường, thường là cơm, xôi, trái cây và vài cái bánh để thể hiện tấm lòng tôn kính cũng như sự chuẩn bị chu đáo cho phẩm thực cúng dường của mình. Đôi khi những Phật tử này phải thức cả đêm để gói bánh và ngồi canh nồi cơm chín.

Khi thấy các sư đi ngang qua, lần lượt người dân không ai bảo ai, tự lấy thức ăn bỏ vào trong bát dâng lên cúng dường và nhờ các sư chú nguyện.

Khi ấy, mọi người vừa thấy tôi bước đến thì nở nụ cười như ra hiệu muốn cúng dường, và thế là tôi nhẹ nhàng đứng lại để họ quỳ xuống chắp tay trang nghiêm theo nghi thức truyền thống cúng dường của người Thái. Sau khi bỏ thức ăn vào bát cho chư Tăng và mỗi tín chủ sẽ thọ nhận lại lời kinh cầu nguyện sớm mai từ sự gia tâm chú nguyện của Tăng đoàn (riêng tôi thì những ngày đầu còn nhiều bỡ ngỡ nên chưa thể tụng kinh bằng tiếng Pali, khi ấy tôi nhẹ nhàng tụng phẩm hồi hướng công đức bằng tiếng Việt để gửi trao năng lượng bình an đến họ - NV), cứ thế tôi lại thấy họ cười và hoan hỷ vô cùng như để bắt đầu một ngày mới ngập tràn niềm tin.

Sau khi nhận đủ thức ăn, tôi quay người trở lại con đường cũ để trở về chùa thọ dụng phần thực phẩm mà mình đã nhận được và phần nào còn dư lại tôi để dùng chung với thức ăn độ ngọ được nấu vào buổi trưa. Riêng, vào những ngày lễ lớn, thức ăn cúng dường hơi nhiều thì các vị cư sĩ hay còn gọi là hộ bát xách giỏ đi theo bên cạnh nhà sư trong lúc trì bình để hỗ trợ chư Tăng xách đồ, sau khi được chú nguyện xong thì họ mang chuỗi thức ăn dư về lại cho những người nghèo khó trong xóm hoặc gửi đến các trung tâm nuôi trẻ mồ côi - phúc lợi xã hội gần chùa như một sự cho - nhận tiếp nối, đầy nhân văn.

Xong buổi sáng khất thực vào ngày cuối tuần tại đất nước Thái Lan, tôi lại lên đường tiếp tục đi dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em nghèo trong vùng. Lớp học được bắt đầu vào lúc 7 giờ sáng cuối tuần, hôm nào các em cũng tập trung lại từ rất sớm tại phòng học trong khu ký túc xá mà mình đang ở. Thấy tôi đến, các em vội đứng lên chắp tay chào và quỳ xuống làm lễ (lạy) theo truyền thống. Theo đó, sẽ có hai em đại diện dùng thau nước sạch và khăn để lau chân cho nhà sư mà cũng vừa là thầy giáo của mình để thể hiện niềm tôn kính.

Sở dĩ có truyền thống đó vì tại Thái Lan, Tăng sĩ đóng vai trò hết sức quan trọng trong tất cả mọi lĩnh vực hoạt động của đất nước, tạo nên một mối liên hệ mật thiết lâu đời giữa các Tăng sĩ và quần chúng nơi mình đang ở. Các ngôi chùa sẽ là những trung tâm văn hóa, học thuật và giáo dục, trong đó các nhà sư luôn được coi là thầy giáo về mặt tâm linh lẫn học thức ở đời - để hướng dẫn, dìu dắt, nuôi dưỡng những thế hệ tiếp nối, phụng sự đất nước mình trên tinh thần đạo đức nhà Phật. Ngoài ra, Tăng sĩ còn được xem như “thẩm phán” để khuyên nhủ, giải quyết và giúp đỡ những mối quan hệ bất hòa trong gia đình và xã hội khi chưa thật sự cần đến sự can thiệp của pháp luật.

Mong ước đơn sơ của một Khất sĩ

Phải chăng, trăm vạn ngôn từ có khi không bằng một hình ảnh thảnh thơi bình dị thật sự chín muồi của một Tăng sĩ nhẹ nhàng, tươi mát, thật tu, thật học, đắp y - mang bát bước đi trên những cung đường đầy tấp nập của chợ-đời để trao truyền, tiếp nối và thức tỉnh cái duyên của đạo cho những ai đã gieo trồng từ vô thủy vô chung?

Thực ra, sự bình dị, khiêm cung từ lời nói đến hành động là bản chất vốn có của người xuất gia học Phật, khi luôn thấy mình nhỏ bé, cầu học và biết dừng lại đúng lúc - đó là những yếu tố trọng yếu cần có ở những người tu trẻ như tôi, thấy rằng phép khất thực là cách tự dạy, tự học, tự nhắc mình hữu hiệu nhất bằng thân giáo để yểm trợ và dưỡng nuôi chính mình từ bài học không lời mà mình phải ôn, phải luyện mỗi ngày từ các bậc tiền nhân đi trước. Khi ấy các ngài cũng đã từng mang đạo vào đời bằng chính đôi chân, bằng mảnh y, bằng chiếc bát của Phật để vân du trên mảnh đất Việt Nam thân yêu này.

Mơ rằng, một ngày nào đó tôi và những huynh đệ có thể lại được tiếp tục thực hiện phép khất thực ngay trên chính quê hương mình chứ không phải thực hiện ở một nơi nào khác hay tại một đất nước nào đó như đã kể trên. Biết rằng vẫn còn nhiều những bất cập, những khó khăn nhưng đừng vì sự lợi dụng của những người giả sư để rồi “thỏa hiệp”, đánh mất đi hình ảnh thiêng liêng, bài học đạo-đời giá trị mà đã ít nhiều làm bừng tỉnh biết bao con tim khi có duyên lành được hội ngộ, được nhìn thấy và đem lòng kính phục, tiếp nối - trở thành những “thạch trụ tòng lâm” mai sau.

Và rằng đừng để phép khất thực được xem là điều tế nhị nữa, khi đấy là món ăn thực dưỡng tâm linh hết sức quan trọng và rất cần thiết cho những người xuất gia trẻ, chuyên chở bài học khiêm cung, bình dị và tập nhận diện chính mình giữa một xã hội ngày càng thêm trăm điều cám dỗ...

Hãy chạm tới giá trị của từng trái tim

Hãy chạm tới giá trị của từng trái tim

Đăng lúc: 21:55 - 10/10/2016

Đầu tuần qua, ngày 26-9, rapper, nhà thơ, nhà sản xuất phim kiêm nghệ sĩ hùng biện nổi tiếng người Mỹ Prince Ea đã đăng trên tài khoản Facebook của mình đoạn video clip dài 5 phút về một phiên tòa giả định, trong đó “bị cáo” là hệ thống giáo dục hiện đại. Video clip “I just sued the school system!” - (Tôi kiện hệ thống giáo dục!) ngay lập tức thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng trên toàn thế giới, chỉ sau 24 giờ đã có 7 triệu lượt xem; đến nay con số đó gần chạm ngưỡng 16 triệu với khoảng 200.000 lượt thích, 40.000 bình luận.
Prince Ea buộc tội sự lỗi thời của hệ thống giáo dục, cho rằng học sinh đang bị ép vào khuôn mẫu, bị đánh giá không đúng về khả năng. Ông so sánh hệ thống giáo dục với sự phát triển của xe hơi, điện thoại trong 150 năm qua và kết luận: “Lớp học ngày nay không khác gì 150 năm trước, hệ thống giáo dục đang tạo ra những con robot thay vì kích thích sự sáng tạo”. Ông nhấn mạnh: “Nếu bác sĩ phát thuốc giống hệt nhau cho mọi bệnh nhân, thì sẽ thật thảm kịch, rất nhiều người sẽ bệnh nặng”.

Quả thực, việc giáo dục hướng đến cá nhân nghe như một giấc mơ; song giấc mơ đó, những đất nước như Phần Lan, Singapore ngày nay đã làm được.

Prince Ea nhận thấy hệ thống giáo dục “không mấy thay đổi trong suốt 150 năm qua”. Nhưng nếu trông xa hơn nữa, hơn 2.500 năm về trước, có lẽ ông đã nghĩ khác: giáo dục hiện đại đã không học được những cái hay của tiền nhân, bằng cách “chạm tới giá trị của từng trái tim trong từng lớp học”, như những thánh nhân Ấn Độ cổ đại đã từng làm.

Trở lại Ấn Độ thời Đức Phật, nền giáo dục hướng đến từng cá nhân theo kiểu Upanisad - đến gần và ngồi xuống bên thầy. Xem lại kinh văn, chúng ta thấy cách dạy hướng đến từng cá nhân thời ấy rất thịnh hành, có thể phát huy hết khả năng tiềm ẩn của học trò, không cứng nhắc, khuôn mẫu theo kiểu “bắt cá leo cây”. Trong Jataka - kinh Tiểu bộ, chúng ta thường thấy hình ảnh Bồ-tát (tiền thân Đức Phật) được giáo dục theo cách này và luôn đạt được những kết quả tốt đẹp.

Bản thân Đức Phật cũng luôn hướng đến lối giáo dục thích hợp với căn cơ của mỗi người. Ngài ví chúng sanh cũng như hoa sen, có hoa còn ngập trong bùn, có hoa tuy đã ngoi lên khỏi bùn nhưng vẫn còn trong nước, có hoa vươn lên khỏi bùn khỏi nước và tỏa hương ngạt ngào. Pháp của Ngài do đó trở thành phương tiện thích hợp với mỗi người. Người thích dịu ngọt, người ưa cứng rắn, người mê bay bổng, kẻ chịu giản đơn… trong phương tiện của Ngài đều có đủ. Đặc biệt, Đức Phật không chỉ đợi học trò đến ngồi gần bên cạnh để được nghe giảng mà Ngài còn chủ động đến tìm học trò khi biết chắc rằng người học trò đó có khả năng hiểu và sáng tỏ, thực chứng những lời Ngài dạy. Khi trong giảng đường, lúc dưới bóng cây, lắm khi ngay cả bên vệ đường, Đức Phật đều có thể thuyết pháp. Lối giáo dục của Ngài hết sức linh động, sinh động và hiệu quả, luôn “chạm tới giá trị của từng trái tim”.

Hệ thống giáo dục hiện đại quả thực “lỗi thời” - như cách nói của Prince Ea. Trong khi đó, lối giáo dục của Đức Phật tuy “cổ” nhưng không “lỗi”, như một trong năm đặc tính giáo pháp của Ngài - siêu việt thời gian - nên ngày nay chúng ta cần phải học tâp.

Tuy nhiên, Đức Phật không dạy cho học trò trở thành học giả, nhồi nhét cho họ đầy ắp kiến thức; Ngài luôn hướng học trò đến sự thực hành, thực chứng - học đi đôi với hành. Đó là điều mà hệ thống giáo dục ngày nay, nhất là ở nước ta - kể cả Phật giáo - ít nhiều đánh mất…

Quảng Kiến

Ơn Thầy

Ơn Thầy

Đăng lúc: 08:15 - 21/11/2015

Tôi vốn sinh ra trong một gia đình ở làng quê nghèo, có thể nói là nghèo xác nghèo xơ, nghèo khánh kiệt. Ở cái vùng quê thắt eo miền Trung khắc nghiệt ấy nắng, gió, bão táp luôn rình rập, bủa vây phận đời trôi nổi của mẹ con tôi qua những tháng năm dài theo vòng quay nghiệp dĩ.

Mẹ tôi, với suy nghĩ bình dị muốn thoát ra khỏi nghiệp đói nghèo dai dẳng ấy bằng cách khuyên dạy tôi: “Con phải học lấy năm ba chữ cho ấm thân và làm hành trang cho cuộc sống sau này”.

Lớp học xưa - Ảnh minh họa

Từ suy nghĩ giản đơn ấy như một thông điệp thiết thực, mẹ tìm mọi cách cho tôi đến trường vì: Sợ con mù chữ, đời nó sẽ khổ! Bởi, cái nghèo khó đã quấn chặt lấy đời mẹ và có thể trói buộc luôn cả đời con.

Luôn tâm niệm về điều đó nên mẹ không quản ngại thức khuya dậy sớm, đầu tắt mặt tối, bất chấp hoàn cảnh thiếu trước hụt sau, nỗi đau mất chồng… mà gắng lo cho con. Mẹ chỉ mong luôn có sức khỏe, để vượt qua chặng đường số phận, gánh nặng cơm áo gạo tiền mà lo cho con có được cái chữ. Nhìn bạn bè đồng trang lứa ngày ngày được đến trường học chữ, mẹ ứa nước mắt còn tôi chuyện được đi học như là sự viễn mơ...

Cuối cùng, bằng sự hy sinh phi thường ấy của mẹ, ước mơ “đi học” của tôi rồi cũng đã đến. Ngày mẹ dẫn tôi đến trường, tâm trạng của hai mẹ con rất vui nhưng vẫn rụt rè khép nép, pha lẫn chút sợ sệt âu lo. Lần đầu tiên được tiếp xúc với một thầy giáo, tóc thầy đã hoa râm, dáng thầy khắc khổ, hiện lên trên nét mặt là tính nghiêm khắc. Tôi cố bình tĩnh khoanh tay và cúi đầu chào thầy, còn mẹ tôi thì ấp a ấp úng nói không ra lời. Thầy cũng đoán được mục đích mà mẹ con tôi đến đây để cho tôi vào học lớp vỡ lòng.

Sau này tôi được biết, các cô cậu nhóc con trong lớp học của tôi có nhiều trình độ khác nhau: Kẻ thì học vỡ lòng, người thì học lớp ba, lớp tư… nên thầy phải chia thời gian dạy cho từng trò một. Tôi trình độ vỡ lòng, thầy dạy tôi hai mươi bốn chữ cái. Tôi vừa đánh vần, vừa tập đọc, vừa tập viết để nhớ mặt chữ. Cứ vậy, với một cây viết chì, một cục tẩy trên tay để nếu lỡ viết sai, không đúng quy cách ô li của thầy đã định thì xóa đi viết lại. Cứ vậy mà ê a và xoay tua đọc viết suốt ngày.

Khi thầy thấy tôi đã thuộc làu làu hai mươi bốn chữ cái, thầy hướng dẫn tôi học bảng cửu chương nhưng thỉnh thoảng thầy lại hỏi lại các chữ cái mà tôi đã học, như một cách ôn bài cho tôi. Sau khi đã thuộc nằm lòng hai mươi bốn chữ cái và bảng cửu chương, thầy bảo tôi mua một lưỡi viết lá tre gắn vô một cái cán chừng một gang tay thành một cây viết và một bình mực tím hoặc xanh rồi thầy dạy cho tôi viết chữ.

Bắt đầu từ những chữ đơn rồi đến chữ ghép. Khi tôi đã quen thuộc với lối viết ghép chữ rồi, thầy dạy tôi sang viết cả dòng chính tả. Cứ như vậy, thầy luyện đi luyện lại chữ viết cho tôi cho đến khi thật đẹp, bởi theo thầy “Nhìn chữ viết sẽ biết tính cách của con người” hay nói như ông bà xưa “Nét chữ nết người”.

Vì trong lớp có nhiều trình độ cũng như độ tuổi khác nhau nên thầy phải rất vất vả để “trị” đám học trò “ô hợp” và được mệnh danh là “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” chúng tôi. Thầy chọn phương pháp răn đe, bằng cách nhờ một trò tìm cho thầy một miếng vỏ mít khô làm dụng cụ trừng phạt. Thầy giao ước với chúng tôi: “Nếu em nào không thuộc bài hoặc làm bài sai, lần đầu tiên nhắc nhở, tái phạm lần thứ hai chép phạt, tái phạm lần thứ ba phạt quỳ gối trên miếng vỏ mít khô”.

Qua những lời răn dạy kèm theo hình phạt mà thầy đã đưa ra, bọn nhóc chúng tôi sợ lắm nên đứa nào đứa ấy bảo nhau chăm chỉ học tập để tránh hình phạt nhãn tiền mà thầy đã quy ước. Không biết phương pháp răn dạy ấy của thầy có đúng với quy chuẩn sư phạm ngày ấy hay không, nhưng nó đã rất tác dụng và hiệu quả với lớp học của thầy. Trong một không gian chật hẹp ấy với khoảng bảy mươi học sinh cấp tiểu học, trình độ khác nhau, độ tuổi khác nhau, ngồi chen ngồi chúc với nhau, mùa hè thì nóng bức, mùa đông thì tối tăm rét buốt, duy chỉ một mình thầy đứng lớp nhưng việc học của chúng tôi vẫn có kết quả tốt.

Cứ vậy, bằng sự cần mẫn, nhẫn nại và tình thương yêu bao la của thầy, đám học trò “măng tơ” chúng tôi ngày ấy mới có được như ngày hôm nay. Chiêm nghiệm cuộc đời mình, tôi thấy nhờ cách rèn người, rèn chữ bằng sự tận tâm tận lực của thầy và sự tri ân sâu sắc của phụ huynh xưa “Muốn con hay chữ phải yêu kính thầy” mà học trò từng bước nên người.

Trong thời buổi nhiễu nhương của ngày hôm nay, ở đâu đó vẫn còn có sự thất kính, khẩu khí hiềm khích, trích biếm từ những bậc phụ huynh làm buồn lòng các thầy cô giáo đang ngày đêm tận tụy mang con chữ đến lớp, từ thành thị, đến tận các vùng xa xôi, hẻo lánh, gieo tri thức cho lớp trẻ tương lai của đất nước này. Suy cho cùng, câu nói của người xưa “Không thầy đố mày làm nên” và đạo lý của tổ tiên ta “Công cha - nghĩa mẹ - ơn thầy” đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Còn tôi, đứa trẻ của mấy chục năm trước luôn kính cẩn ghi nhớ ơn sâu người thầy thuở ấy!
Thanh Phương

Chùm ảnh: Những khoảnh khắc bình yên ở Pakistan

Chùm ảnh: Những khoảnh khắc bình yên ở Pakistan

Đăng lúc: 08:42 - 20/07/2015

Nhắc đến Pakistan chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đây là một đất nước bất ổn với đầy rẫy những cảnh xung đột và bạo lực. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả những gì đang diễn ra ở đất nước này.
Dưới đây là những hình ảnh đời thường ở Pakistan do các phóng viên quốc tế ghi lại. Hy vọng những con người nơi đây sẽ sớm được hưởng cuộc sống yên bình và hạnh phúc.
[IMG]
Trẻ em Pakistan chơi trò đẩy bánh xe lúc hoàng hôn đang buông xuống thành phố Lahore.
[IMG]
Cô bé Mamouna Qamar 4 tuổi nắm tay 2 người anh trai của cô Shazaib (6 tuổi) và Zaman (7 tuổi) đứng chờ cha mẹ trên một con đường nhỏ ở Islamabad, Pakistan.
[IMG]
Một bé gái được mẹ ẵm trên tay đi theo cha vào một khu ổ chuột ở ngoại ô thủ đô Islamabad.
[IMG]
Trẻ em Pakistan chạy theo chiếc xe đạp của người đàn ông bán bong bóng. Đối với một đứa trẻ, bong bóng luôn là một món đồ chơi đầy hấp dẫn.
[IMG]
Một cậu bé đang ăn bắp luộc và cầm chiếc bong bóng hình trái tim trên tay ở một khu dân cư nghèo gần Islamabad.
[IMG]
Các em bé Pakistan chơi đùa bên chiếc xe kéo bằng gỗ ở ngoại ô Islamabad. Những nụ cười thật hồn nhiên và đáng yêu.
[IMG]
Một bé gái đang quấn lại chiếc khăn quấn đầu khi đang đứng cùng những cô gái khác ở một khu ổ chuột ngoại ô Islamabad.
[IMG]
Trẻ em Pakistan ở lớp học tiếng Anh ngoài trời trong một khu ổ chuột gần Islamabad.
[IMG]
Nghệ sĩ đường phố và chú khỉ đang chờ đợi khán giả đến xem màn trình diễn của mình.
[IMG]
Một bé gái người Afghanistan tị nạn ở Pakistan trở về nhà trong khu ổ chuột ngoại ô Islamabad.
[IMG]
Bé gái Aysha Gulfeyaz, 3 tuổi, uống nước từ một giếng nước bơm tay gần Islamabad.
[IMG]
Các bé gái Pakistan vui đùa khi đang mang củi về nhà trong khu ổ chuột ở ngoại ô Islamabad.
[IMG]
2 bé gái người Afghanistan và một cô bé Pakistan đang tham dự lớp học hàng ngày để đọc kinh Koran trong một ngôi đền ở ngoại ô Islamabad.
[IMG]
Các bé trai Pakistan tham gia lớp học đọc kinh Koran trong một ngôi đền gần Islamabad.
[IMG]
Các bé gái Afghanistan ngồi bên dưới một chiếc xe kéo bằng gỗ trong một khu ổ chuột ở ngoại ô Islamabad.
[IMG]
Một cậu bé Pakistan đang chơi đu quay. Dòng chữ trên chiếc lồng đu quay được viết bằng ngôn ngữ Urdu, nghĩa là “Chúc mừng lễ hội Eid, từ London đến Hoa Kỳ”. Eid là một lễ hội đánh dấu kết thúc tháng chay Ramadan của người Hồi Giáo.
[IMG]
Các bé gái Pakistan đang làm việc trong một xướng gạch ở ngoại ô Islamabad.
[IMG]
Các cậu bé Afghanistan đang chơi game bên dưới một tầng hầm ở một khu ổ chuột gần Islamabad.
[IMG]
Các bé trai Pakistan tụ tập xem cá cảnh trên xe đạp của một người bán cá dạo.
[IMG]
Mohammed Ali, 5 tuổi, đứng kế mẹ của cậu khi đang xếp hàng cùng những người khác để chờ nhận gạo ở một địa điểm phát hàng cứu trợ ở đền thờ Beri Iman ở Islamabad.
[IMG]
Một người đàn ông đang chở phần đầu của một xe tải trên chiếc xe kéo của anh ta đi trên đường ở thành phố Rawalpindi, một thành phố gần Islamabad.
[IMG]
Trẻ em Pakistan vui đùa trên một ngọn đồi ở ngoại ô thủ đô.
[IMG]
Một thợ cắt tóc hè phố (phải) đang phục vụ khách hàng (trong gương) ở Gujranwala, gần Lahore, thành phố lớn thứ 2 ở Pakistan và là một trung tâm văn hóa.
[IMG]
Trẻ em Pakistan đang qua sông trên một chiếc cáp treo trên không.
[IMG]
Trẻ em Pakistan nhìn qua cửa của một chiếc xe kéo, các em đang vui chơi cùng nhau trên một khoảng đất trống ở khu ổ chuột ngoại ô Islamabad.
[IMG]
Một bé gái đang đứng chờ mẹ cô nhận gạo cứu trợ ở đền Beri Iman.
[IMG]
Một bé gái đang dắt chú ngựa của gia đình đi trong một khu ổ chuột ở ngoại ô Islamabad.
[IMG]
2 cậu bé bán túi ni-lông kiếm sống đánh nhau tại một khu chợ ở Islamabad.
[IMG]
Hai cô bé người Afghanistan giặt đồ trên một con suối ở ngoại ô thủ đô Islamabad.
[IMG]
Các bé gái người Afghanistan cùng nhau vui chơi ở một khu ổ chuột ngoại ô Islamabad.
Lê Vương Thịnh
Theo Tinhte.vn, nguồn: Boston.com

Phật tử thủ đô nhận diện cảm xúc ở lớp học giáo lý “Hiểu về trái tim”

Phật tử thủ đô nhận diện cảm xúc ở lớp học giáo lý “Hiểu về trái tim”

Đăng lúc: 09:29 - 05/06/2015

Vừa qua, tại trụ sở CLB Hà Nội 14 Chữ chính thức diễn ra lớp học Giáo lý mang tên “Hiểu về trái tim” với sự tham gia của hơn 30 thành viên là thành viên trong CLB và Phật tử khắp nơi.

IMG 5494 (Small)

Khai giảng lớp ôn thi miễn phí tại chùa Phúc Thành

Đăng lúc: 22:09 - 05/05/2015

Hôm qua 3/5, chùa Phúc Thành, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An đã khai giảng lớp học ôn thi tốt nghiệp THPT và đại học năm 2015 miễn phí dành cho học sinh trên địa bàn toàn tỉnh.

Lịch Tu học của Đạo Tràng Hương Sen Xứ Nghệ

Lịch Tu học của Đạo Tràng Hương Sen Xứ Nghệ

Đăng lúc: 04:04 - 03/05/2015

1. Tụng kinh Pháp Hoa hằng ngày vào lúc 14 giờ, theo từng chúng phát tâm
2. Sám hối hằng tháng vào lúc 19 giờ, ngày 14 và 30 âm lịch
3. Khóa lễ kỳ an hằng tháng vào lúc 8.30 sáng ngày mùng 01 và 15 âm lịch
4. Lạy Ngũ Bách Danh Quán Âm vào lúc 5 giờ sáng ngày 19 âm lịch hằng tháng
5. Lớp học giáo lý Căn Bản: vào lúc 14 giờ 30 các chiều thứ 7 hằng tuần
6. Tu một ngày An Lạc : từ 8 giờ sáng đến 16 giờ, chủ nhật tuần thứ 1 trong tháng tính theo âm lịch
7. Lớp học Gia Đình Vườn Tuệ: từ 8 giờ đến 16 giờ, Chủ nhật tuần thứ 2 trong tháng tính theo âm lịch
8. Phóng sanh nuôi dưỡng Tâm Từ: vào lúc 8 giờ 30, Chủ nhật tuần thứ 3 trong tháng tính theo âm lịch
9. Thiền trà: vào lúc 19 giờ 30, Chủ nhật tuần thứ 4 trong tháng tính theo âm lịch

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 28
  • Hôm nay 2,823
  • Tháng hiện tại 60,208
  • Tổng lượt truy cập 23,466,457