Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
VG (9)

Nạn giả sư & nỗi lòng Tăng Ni trẻ

Đăng lúc: 09:06 - 01/03/2017

Hiện tượng giả dạng tu sĩ Phật giáo đi khất thực, xin ăn, kéo theo đó là các dịch vụ mê tín, bán bùa chú, xin xăm bói quẻ hiện nay tập trung tại các đền, chùa,… trong dịp lễ hội, ngày rằm để xin tiền bố thí của khách hành hương đã trở thành một vấn nạn nhức nhối, gây tổn thương đối với những người xuất gia chân chính - xuất phát bởi những lý tưởng cao đẹp!
VG (9).jpg
Người giả sư "làm ăn" trước chùa dịp Xuân Đinh Dậu - Ảnh: Vũ Giang

Tâm tình của “người trong cuộc”

Có dịp đi ra đường tôi đều đắp y theo truyền thống hệ phái Khất sĩ và nhiều lần đi bộ ngang qua những con đường mà ngày nào cũng xuất hiện người giả sư khất thực, tôi lại “đón nhận” ánh mắt dè chừng, thiếu thiện cảm của mọi người chung quanh (như chính mình là người đang ăn xin và sẽ làm phiền đến họ).

Phần lớn những người dân chưa hiểu nhiều về đạo Phật hay chưa có dịp đi chùa để hiểu biết đúng về người xuất gia, thì người giả sư sẽ vô tình tạo nên cho số đông những khái niệm không tốt về người tu. Tất nhiên, không thể trách người dân bởi thông qua những hình ảnh mà họ bắt gặp thường ngày từ những người giả dạng “đầu tròn áo vuông” để xin tiền, bán nhang, xem bói toán,... trên những cung đường hay tại các đình đền, chợ búa.

Có lần tôi hướng dẫn một nhóm Phật tử trẻ đi chùa lễ Phật vào ngày rằm đầu năm, nhưng khi bước vào gần tới cổng đã thấy một nhóm “nhà sư” đắp y giống mình đứng xin tiền. Khi ấy tôi vội nhanh chân bước vào trong sự ngượng ngùng, e dè và chợt thấy thương kính vô cùng chiếc y của Phật mà mình đang mặc trên người, trong đó còn có sự tổn thương tự đáy lòng khi nghĩ về những người mượn y Phật để làm xấu hình ảnh người tu ngoài kia.

Đi vào bên trong chùa lễ Phật xong, tôi bước ra sân trước để đứng chờ mọi người ra về thì có hai mẹ con đi ngang qua, đứa bé vô tình chỉ tay vào tôi rồi kêu mẹ cho tiền ông sư, thấy thế người mẹ vội lấy ít tiền lẻ ra và đưa cho tôi như một sự bố thí theo lời yêu cầu của đứa con.

Khi ấy, tôi cảm thấy áy náy vô cùng nhưng cũng kịp nhẹ nhàng từ chối, hướng dẫn vị đó là nên đem vào chùa để bỏ thùng công đức. Tất nhiên, tôi biết trong tâm thức của đứa bé lúc này đang hình dung tôi như những người giả sư đắp y ăn xin phía trước cổng mà bé thường được mẹ hướng dẫn cho tiền khi có dịp đi chùa.

Nỗi lòng Tăng Ni trẻ

Trò chuyện với các thầy, các sư cô trẻ có cùng chung nỗi ưu tư về vấn đề này thì biết, các vị ấy, mỗi người một câu chuyện cũng “dở khóc dở cười” như tôi, nhưng đáng để suy ngẫm trên bước đường tu học thường ngày dưới sự tương tác giữa mình với xã hội hiện nay.

Như thầy Thích Thanh Đạo (du học Tăng tại Thái Lan) kể lại - vào Tết Nguyên đán cách đây vài năm, thầy Đạo có dịp về thăm gia đình sau những năm tu học ở tu viện. “Khi đang dùng bữa cơm chay thân mật với gia đình thì bỗng xuất hiện một “sư thầy” đang mang trên người bộ đồ nâu, đầu cạo láng. Thấy thế, mọi người trong gia đình không mấy vui khi bị làm phiền về việc “vị thầy” mời mọc mua nhang ủng hộ và xin tiền lì xì”, thầy Thanh Đạo nhớ lại.

Khi vị khách đó vừa đi, người thân quay sang thầy Đạo hỏi: “Ủa, ở chùa cực khổ đến mức phải đi xin như vậy à?”.

“Lúc ấy, tôi cảm thấy nghẹn lòng và buồn vô cùng khi có những thành phần không tốt đã lợi dụng “chiếc áo xuất sĩ” để trục lợi cá nhân, với mục đích phục vụ nhu cầu cá nhân nhưng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến cái nhìn của những người xung quanh, ngay cả với người thân tôi - có người xuất gia như tôi”, thầy Thích Thanh Đạo chia sẻ.

Hay câu chuyện cũng của một Tăng sinh đang học tại Thái Lan là thầy Thích Chúc Tâm. “Khi còn là một Tăng sĩ trẻ tại Đà Lạt, được thầy bổn sư gửi lên Sài Gòn để theo học tại trường Phật học, trong những ngày đầu còn bỡ ngỡ nơi đất khách và khí hậu nóng gắt khó chịu, tôi và vị sư cùng phòng quyết định đi kiếm mua cây quạt. Sau một hồi tìm kiếm, chúng tôi dừng lại ở trước tiệm bán đồ điện tử, chủ tiệm lúc ấy đang ở trong nhà xem truyền hình, tôi với gọi từ bên ngoài - Chú ơi - như ý để hỏi thăm giá cả”, ĐĐ.Chúc Tâm kể.

Thầy Tâm hồi tưởng tiếp - người bán đồ nhìn ra với ánh mắt và thái độ không vui, kèm theo đó là cử chỉ vẫy tay bảo rằng “đi đi, ở đây không có gì cả, không mua gì cả” và họ vẫn cứ tiếp tục xem truyền hình, không thèm để ý gì.

“Khi ấy, tôi khựng lại, quay qua nhìn sư bạn mà khá ngỡ ngàng với sự “phản hồi” từ chủ tiệm như thế. Thấy sư bạn ngại quá nên bảo tôi đi sang tiệm khác, nhưng tôi muốn đính chính lại, nên gọi thêm lần nữa - Chú ơi! Thầy muốn mua quạt - thì họ mới ra tiếp đón, tôi cũng nhẹ nhàng giải thích cho họ hiểu được thật-giả trong xã hội hiện nay mà chú đã nhiều lần bị làm phiền rồi “ám ảnh” nghĩ ai trong hình tướng tu sĩ cũng chỉ tới để quyên góp xây chùa hoặc bán nhang, thực chất là người giả sư đi “hành nghề”.

Từ vài ví dụ rất nhỏ trên trong bức tranh người giả sư vẫn hoạt động hàng ngày cũng như đang rộ lên trong mỗi mùa lễ hội - có thể kết luận, đây là vấn nạn chứ không còn là vấn đề bình thường, có thể cho qua, vì kéo theo đó là các hệ lụy ảnh hưởng trầm trọng đến tâm tư và sự mặc cảm cá nhân của tu sĩ trẻ khi vô tình bị đối xử, bị nhìn nhận thiếu thiện cảm mà nguyên nhân là từ các thành phần bất hảo, giả danh.

Thiết nghĩ, nếu không kịp thời lên tiếng và ngăn chặn thì đến một ngày, hình ảnh của những người xuất gia trẻ dấn thân vào đời sẽ bị mọi người hiểu lầm, ám thị rằng đấy cũng là hình ảnh của sự đi xin tiền, xấu xí mà ai cũng dè chừng, tránh né chứ không phải thiêng liêng như vốn dĩ...

Giác Minh Luật

Gặp người giả sư, tôi sẽ...

Trong trao đổi ngắn với CTV Giác Ngộ, hai Phật tử trẻ đã “gặp nhau” khi gợi ý một phương pháp ứng xử với nạn sư giả một cách nhẹ nhàng...

a Xuan Phuc.jpg
* Bạn Trịnh Hoàng Xuân Phúc (Bình Dương): Đối với những người không phải là tín đồ Phật giáo, đa số họ không quan tâm việc sư thật - giả mà suy nghĩ đơn giản rằng cứ thấy ai ăn mặc như người tu hành và ôm bình bát là bố thí tiền hầu mong đặng phước. Còn đối với bản thân tôi - một Phật tử tại gia, khi gặp những vị khất thực (thường là ở chợ) bất kể thật hay giả, tôi tuyệt đối không cúng dường tiền mà bố thí vật thực như củ khoai, vài món trái cây hay thực phẩm chay vì tôi nghĩ rằng mình là con nhà Phật mà đạo Phật là đạo từ bi.

Bản thân học theo hạnh của ngài Thường Bất Khinh Bồ-tát, tâm niệm theo lời Phật dạy rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh và sẽ thành Phật ở tương lai, thay vì chửi bới hay mắng đuổi những người giả sư thì tôi lại hành động và hướng dẫn mọi người xung quanh thực hành bố thí đúng pháp. Có như vậy, theo thời gian, những người giả sư không còn đất sống vì thứ họ muốn nhận chính là tiền.

Bên cạnh đó, thiết nghĩ quý Ban Trị sự GHPGVN ở mỗi tỉnh, thành trên cả nước nên thiết lập một đường dây nóng để tiếp nhận thông tin về tình trạng giả sư nói riêng cũng như các vấn đề liên quan đến Phật giáo tỉnh nhà nói chung.

a Suong Lac.jpg
* Phật tử Sương Lạc (Mỹ Tho, Tiền Giang): Nếu gặp người giả sư khất thực tôi vẫn chắp tay trước ngực và chào. Có lần tôi gặp sư giả tại chợ Mỹ Tho lúc đang ngồi trên xe máy, họ đi đến chỗ tôi và đứng im vài giây. Khi đó tôi xuống xe chắp tay chào và nói “Nam-mô A Di Đà Phật”. Họ thấy vậy tiếp tục đứng im. Tôi lấy mấy trái ổi trên xe định bỏ vào bát (mặc dù biết giả nhưng tôi vẫn muốn cho), vị đó lắc đầu và bỏ đi luôn.

Tôi có tìm hiểu và được biết rằng, những vị sư nếu có đi khất thực cũng tuyệt đối không nhận tiền, bởi đó là luật Phật. Do vậy, Phật tử khi cúng dường quý thầy, quý sư cũng phải có hiểu biết, để không tiếp tay cho nạn giả sư tồn tại (bằng cách bỏ tiền vào bình bát của họ). Mỗi Phật tử am hiểu giới luật, văn hóa Phật giáo thì những hiện tượng giả danh Phật giáo tự khắc sẽ bị đẩy lùi...

Trúc Nhi

Nói sự thực thì không sợ hãi

Nói sự thực thì không sợ hãi

Đăng lúc: 08:05 - 27/09/2016

Khi chúng ta có tri kiến/nhận thức một cách thấu suốt về lẽ không thực của tự ngã, chúng ta có thể vượt qua được những khổ đau (không thực) tác động (một cách không thực) lên thân tâm chúng ta. Nhưng thực trạng khổ đau của con người, của chúng sinh vẫn tiếp diễn trong nhận thức điên đảo mộng tưởng của họ. Vận dụng cái thấy như thực về tự ngã (trí) để dấy khởi lòng thương (bi) đối với thế giới chúng sinh, là con đường của kẻ giác ngộ (Bồ-tát).
Từ năm 2001, đầu thế kỷ 21, ngôn ngữ truyền thông bắt đầu nhắc đến nhiều từ ngữ “khủng bố”, “chủ nghĩa khủng bố” (terror/terrorism). Đây không phải là từ ngữ mới, nhưng nó được nhấn mạnh và sử dụng nhiều sau sự kiện 11/9/2001, với tòa tháp đôi ở New York sụp đổ hoàn toàn do những chiếc phi cơ bị những kẻ khủng bố Al-Qaeda dùng bạo lực cưỡng chế phi hành đoàn, điều hướng đâm vào.

Trước đó 6 tháng, vào ngày 10 tháng 3 năm 2001, lực lượng Taliban ở A-phú-hãn (Afghanistan) đã cho nổ bom làm sụp đổ hai tượng Phật khổng lồ khắc trong núi đá, có niên đại hơn 1500 năm. Hành động phá hủy tượng Phật lúc đó dù là hành vi bạo động nhưng không bị xem như là khủng bố, mà là hành động hủy diệt văn hóa nhân loại nghiêm trọng (theo sự lên án của Tổ chức Văn hóa – Khoa học và Giáo dục LHQ - UNESCO).

Vậy, có thể hiểu “khủng bố” là lời nói hay hành vi đe dọa trực tiếp đến mạng sống và đời sống của con người; nhẹ thì từ những cá nhân với mục đích trục lợi, tống tiền; nặng thì từ các tổ chức tôn giáo, chính trị để nêu cao lý tưởng của họ, hoặc từ các nhà cầm quyền nhằm ngăn chặn tiếng nói đối lập để giữ vững chế độ.


Từ “khủng bố” cũng được nghe quen từ bản Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh do Pháp sư Trần Huyền Trang (Đường Tam Tạng) dịch từ Prajñā Pāramitā Sūtra vào năm 649, sau được cô đọng lại thành bản Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh 260 chữ. Trong kinh văn nầy, chữ “khủng” và “bố” đều mang nghĩa đơn giản là (bị) sợ hãi, đe dọa; mà để không bị sợ hãi, đe dọa, tâm phải tịch lặng, an nhiên, không bị vướng mắc, trở ngại (tâm vô quái ngại). Tâm không bị vướng mắc, ngăn ngại là tâm vô trụ (ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm); tâm vô trụ là tâm không có tự ngã, là tâm bản nhiên, tâm bất sanh. Chỉ với cái tâm như thế, mới không còn sợ hãi.

Trong hoàn cảnh mà nhan nhản chung quanh chỉ toàn là những lời hư dối, người ta sợ phải nói những điều trung thực; nói ra có thể bị bắt bớ, đánh đập, tù đày; nói ra có thể bị mất việc, mất chức, mất địa vị, mất danh tiếng, mất cả tài chánh để nuôi thân và gia đình, mất cả cơ sở sinh hoạt (chùa chiền, nhà thờ…). Cá nhân đã không dám nói lời trung thực, mà ngay cả tổ chức mà cá nhân đó tham dự cũng không dám bày tỏ điều gì khác với những hư dối chung quanh. Nghĩa là từ cá nhân đến tập thể, từ những tổ chức nhỏ đến những tổ chức lớn quy tụ hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn thành viên, có mặt với sứ mệnh văn hóa, giáo dục, phục vụ lợi ích số đông… mà trong một xã hội đạo đức băng hoại, tụt dốc, và trong nguy cơ mất nước, mất chủ quyền, cũng không thể mạnh dạn nói lên một lời trung thực.

Điều gì đã làm chúng ta sợ hãi không dám lên tiếng bảo vệ sự thực, không dám bày tỏ thẳng thắn mối ưu tư của mình về tình trạng môi sinh đang bị hủy hoại, không dám đưa ra quan điểm của mình về hiểm họa lãnh thổ và biển đảo bị xâm lấn?

Chỉ vì bảo vệ tự ngã của mình mà thôi.

Sợ hãi là phản ứng của một người trước một sự kiện hay ấn tượng mà họ đã trải nghiệm, hoặc tiên đoán (nhờ rút tỉa từ kinh nghiệm), sẽ gây thiệt hại đến nhân thân (sức khoẻ, sinh mệnh) hoặc tổn thương, suy giảm đến những gì mình sở hữu (danh dự, tài sản, sự nghiệp…).

Phản ứng này là do chấp vào một cái tôi (ngã chấp) ngay từ khi mới chào đời, rồi được bồi đắp và làm cho kiên cố, sâu nặng thêm theo thời gian với những gì được tạo dựng, sở hữu (ngã sở).

Cái tôi càng lớn, sợ hãi càng sâu.

Cái sợ nầy đến từ bên trong. Những đe dọa, khủng bố từ kẻ khác chỉ là phụ thuộc.

Đập vỡ cái vỏ của tự ngã thì không còn sợ hãi, âu lo; không ai có thể đe dọa, khủng bố chúng ta được nữa.

Nhưng để làm được điều nầy, phải thấy được cả thân và tâm đều là ảo ảnh, không thực. Thân nầy không thực, tâm nầy (cảm giác, tư tưởng, hành nghiệp và nhận thức) cũng không thực.

Thân và tâm nầy không thực thì cả thế gian nầy cũng không thực.

(Đã không thực thì có cần phải lên tiếng về một sự thực, về nỗi thống khổ của số đông hay không?)

Bản chất của tự ngã, của thế gian chỉ là ảo ảnh, chỉ là giấc mộng huyễn hóa. Nhưng tác động nhân duyên của tự ngã và thế giới chúng sinh là có thực. Thống khổ của nhân sinh là có thực.

Khi chúng ta có tri kiến/nhận thức một cách thấu suốt về lẽ không thực của tự ngã, chúng ta có thể vượt qua được những khổ đau (không thực) tác động (một cách không thực) lên thân tâm chúng ta. Nhưng thực trạng khổ đau của con người, của chúng sinh vẫn tiếp diễn trong nhận thức điên đảo mộng tưởng của họ. Vận dụng cái thấy như thực về tự ngã (trí) để dấy khởi lòng thương (bi) đối với thế giới chúng sinh, là con đường của kẻ giác ngộ (Bồ-tát).

Khi kẻ lữ hành cô độc thong dong bước ngang những lầu đài tráng lệ và những xó xỉnh sình lầy bẩn nhơ, nhân sinh vẫn cất lên tiếng than khóc về nỗi trầm thống bất tận của họ.

Một lời nói để đắp thêm tiếng thơm hay lợi lạc cho tự thân: không cần thiết; nhưng bày tỏ trung thực về thực trạng khổ đau của kiếp người: rất nên.

California, ngày 24 tháng 9 năm 2016

Cư sĩ Vĩnh Hảo

Hòa bình mãi chỉ là mong ước?

Hòa bình mãi chỉ là mong ước?

Đăng lúc: 10:35 - 09/07/2016

Cách đây một tuần, trang 20 Báo Tuổi Trẻ ngày 3-7 đăng câu nói của Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina - phát biểu trong cuộc họp báo sau khi các lực lượng Bangladesh tiêu diệt những kẻ bắt cóc con tin rằng:

"Bất cứ ai theo đạo đều không thể hành động như vậy. Chúng không theo đạo nào cả, tôn giáo duy nhất của chúng là khủng bố".

hoabinh.jpg
Mong ước thế giới hòa bình, không bạo lực...

Cũng là ông Sheikh Hasina, trong phát ngôn ngay sau vụ tấn công khủng bố và bắt giữ con tin ở Dhaka ngày 1-7 đã nói: "Người Hồi giáo sao lại giết người vô tội vào tháng Ramadan? Chúng không phải người Hồi giáo, chúng là bọn khủng bố".

Ba ngày sau đó, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tiếp tục lên tiếng nhận trách nhiệm vụ đánh bom kép tại Baghdad (Iraq) làm ít nhất 160 người thiệt mạng. Tổng cộng, có hơn 300 người đã thiệt mạng trong những vụ tấn công liên quan tới IS và Hồi giáo cực đoan trong tháng qua - tháng Ramadan thiêng liêng của người theo đạo Hồi - diễn ra ở Orlando (Mỹ) tới Dhaka, Iraq.

Một diễn biến khác, mới nhất, tại cuộc biểu tình phản đối bạo lực của cảnh sát tối 7-7 qua, ở thành phố Dallas tiểu bang Texas (Hoa Kỳ), 5 cảnh sát đã bị Micah Xavier Johnson, một cựu quân nhân da đen (25 tuổi) từng tham chiến ở Afghanistan dùng súng bắn tỉa hạ sát. Đây là vụ giết cảnh sát đẫm máu nhất trong lịch sử Mỹ, sau sự kiện khủng bố ngày 11-9-2001.

Những vụ việc trên chỉ là những điểm nhấn "nóng", nổi bật tuần qua, còn bao nhiêu vụ khác ít lan tỏa hơn, vẫn đang tiếp diễn mỗi ngày ở đó đây với chung một động cơ bạo lực, bạo hành, giết người, trả thù...

Ai cũng nhân danh cái đúng (theo mình) để hành xử, ngay cả khi đó là giết người, nên mới có cảnh tương tàn, mới có chiến tranh. Khi trong lòng mỗi người luôn (chỉ biết) lấy hai chữ "đấu tranh" với cái xấu bên ngoài để sống mà quên tranh đấu với cái ác bên trong mình thì họ sẽ hành xử bạo lực.

Có lẽ vì thế mà Đức Dalai Lama thứ 14 đã nhận định: "Sự trả đũa hung bạo, phản ứng một cách hung hăng trước một cuộc tấn công - là một cái gì đó có gốc rễ sâu xa trong bản năng của con người".

Bản chất ấy chính là tham-sân-si cần chuyển hóa một cách đủ an toàn trước khi dấn thân làm một việc gì đó.

Thực tế, hòa bình hay sống bình yên ai cũng muốn - nhưng "gốc rễ sâu xa" trong mỗi người đã nhiều lần dập tắt mong muốn đẹp đó để làm những việc đi ngược lại giá trị hòa bình, nhân văn, gây hoang mang cho số đông. Vì thế, mọi tôn giáo và những tổ chức nhân văn đều chung quan điểm đánh giá về những kẻ thủ ác là bị nhồi sọ bởi "giáo điều" khủng bố, là hành động đi ngược lại văn minh của loài người.

Thiết nghĩ, mong ước, nguyện cầu "thế giới hòa bình" sẽ mãi chỉ là mong ước, nếu mỗi người không chuyển hóa được "chiến tranh" ở bên trong bản thân mình. Phải hòa giải với tự thân, xây dựng hòa bình từ "tiểu vũ trụ" - là chính mình - thì mới có thể làm cho thế giới hòa bình, thiết thực dựng xây cõi an lạc ngay thực địa này thôi.
Lưu Đình Long

Chế ngự sân hận

Chế ngự sân hận

Đăng lúc: 21:03 - 23/06/2015

Bạn đang thực hiện một công việc, rất chăm chú, rồi một cô bạn đồng nghiệp đi ngang qua và bảo bạn là đồ kém cỏi. Cô ấy nói đã từng giao cho bạn một công việc quan trọng và bạn đã thực hiện rất tồi. Nghe qua những lời trái tai đó, cơn giận dữ từ từ bốc lên trong thân tâm bạn, thật dữ dội. Bạn không kiềm chế được nữa và đáp trả rằng cô ta không có quyền nói với bạn những lời như vậy. Bị khống chế hoàn toàn bởi cơn giận, bạn tuôn ra bất kỳ điều gì chợt nghĩ ra được trong đầu, ngay cả khi bạn biết là không đúng thật. Cô ấy quát trả lại ầm ĩ, và không bao lâu sau thì mọi người quanh đó đều biết chuyện.
Chuyển hóa sợ hãi và căm ghét


Bạn đang thực hiện một công việc, rất chăm chú, rồi một cô bạn đồng nghiệp đi ngang qua và bảo bạn là đồ kém cỏi. Cô ấy nói đã từng giao cho bạn một công việc quan trọng và bạn đã thực hiện rất tồi. Nghe qua những lời trái tai đó, cơn giận dữ từ từ bốc lên trong thân tâm bạn, thật dữ dội. Bạn không kiềm chế được nữa và đáp trả rằng cô ta không có quyền nói với bạn những lời như vậy. Bị khống chế hoàn toàn bởi cơn giận, bạn tuôn ra bất kỳ điều gì chợt nghĩ ra được trong đầu, ngay cả khi bạn biết là không đúng thật. Cô ấy quát trả lại ầm ĩ, và không bao lâu sau thì mọi người quanh đó đều biết chuyện.

Nói chung, khi ta tức giận hay bị tổn thương, ta cảm thấy như mình là nạn nhân của những hành động ác hại từ người khác. Ta thấy mình là người vô tội, đang phải hứng chịu một cách bất công những hành vi của người khác. Chúng ta nổi giận hay cảm thấy bị tổn thương vì ta nghĩ rằng những người kia là sai trái hay xấu ác,. Cả cơn giận và sự tổn thương đó đều [khiến cho ta] không chịu thừa nhận những gì đã xảy ra.

Nhiều người sống trong tâm trạng của những “nạn nhân”, thường xuyên cảm thấy vô vọng, thấy mình bị ngược đãi và luôn lo lắng sợ sệt. Tuy nhiên, càng thấu hiểu được hoạt động của tâm thức và sự vận hành của nhân quả trong dòng tâm thức tương tục của mình, ta sẽ càng nhận biết rõ hơn rằng cách nhận hiểu vấn đề của ta trong hiện tại, cũng như những hành động trong quá khứ, đóng vai trò quyết định trongsự tiến triển của những gì ta đang trải nghiệm. Bằng cách nào đó, chúng ta là người chịu trách nhiệm về những gì đang xảy ra với ta. Hiểu được điều này, chúng ta phải có trách nhiệm bắt tay vào việc cải thiện tình trạng của bản thân mình.

Để hiểu rõ được những trường hợp bất như ý và làm dịu đi lòng sân hận đối với những trường hợp đó, chúng ta có thể tự đặt ra một số câu hỏi mấu chốt. Để suy xét lại cách nhận hiểu của mình, ta có thể tự hỏi: “Liệu tôi nhận hiểu về tình trạng đó có chính xác không? Liệu sự nổi giận có phải là một phản ứng thích hợp?” Bằng cách suy xét sự vận hành của nhân quả, ta có thể đặt câu hỏi: “Tại sao điều này xảy đến với tôi? Liệu tôi có từng gặp phải những tình trạng tương tự như thế này nhiều lần trước đây? Và nếu như vậy thì tại sao?” Chúng ta hãy tìm hiểu sâu hơn về cả hai khía cạnh này.

Suy xét sự nhận hiểu vấn đề

Liệu ta có nhận hiểu được sự việc một cách chính xác? Cơn giận đã khởi sinh trong ta như thế nào? Khi có ai đó chỉ ra lỗi lầm của mình, ta liền cảm thấy như thể là sự tổn thương ta đang chịu đựng đó đã được chuyển từ người kia sang cho ta. Dường như trong lời lẽ của người kia tự nó đã hàm chứa tính chất gây thương tổn, và về phía mình thì ta chỉ đơn thuần tiếp nhận sự tổn thương sẵn có trong những lời lẽ đó mà thôi.

Nếu điều đó là đúng thì hẳn là chúng ta có thể xác định được sự thương tổn nằm ở đâu trong những lời lẽ đó. Cô ấy nói: “Bạn là đồ kém cỏi!” Vậy thì cảm giác khó chịu nằm ở đâu? Sự thương tổn nằm ở đâu? Có phải nó ở trong từ “bạn”, trong từ “là” hay trong cụm từ “đồ kém cỏi”? Câu nói “Bạn là đồ kém cỏi” mà cô ấy phát ra chỉ là những sóng âm. Cảm giác khó chịu nằm ở đâu trong những sóng âm rung động truyền qua không khí? Giả sử bạn đang ngủ say [không nghe thấy gì] khi cô ấy lên tiếng xúc phạm bạn, liệu bạn có thấy tức tối không? Hoặc giả cô ấy nói ra bằng tiếng Mông Cổ (và bạn không hiểu được thứ tiếng đó!), liệu bạn có cảm thấy bị tổn thương không?

Sự tổn thương đã khởi lên như thế nào từ những lời lẽ nặng nề kia? Đó không phải do tai ta nhận được những sóng âm của lời lẽ đó. Chúng ta cũng hiểu được ý nghĩa của những lời ấy, nhưng ý nghĩa đó tự nó không hàm chứa sự tổn thương, vì nếu nó nhằm vào một người nào đó mà mà ta không thích, thì những từ ngữ “bạn là đồ kém cỏi” hẳn không có gì là khó chịu khi lọt vào tai ta.

Sự tổn thương kia xuất phát từ chính suy nghĩ của chúng ta: “Cô ấy đang nói về tôi! Chính tôi! Sao cô ấy dám nói về tôi như thế?” Chúng ta càng nghĩ đến những gì đã xảy ra thì ý niệm về cái “tôi” càng trở nên lớn mạnh hơn. Chúng ta nhìn nhận sự việc chỉ từ một phía - phía của riêng ta - và rồi nghĩ rằng sự việc đã diễn ra đúng thực như thế. Chúng ta tin vào quan điểm phiến diện của mình và cho đó là hoàn toàn khách quan.

Bất kỳ tình huống nào cũng có nhiều khía cạnh khác nhau để xem xét. Khi ta nhìn một cái tách từ bên trên thì hình dạng của nó có vẻ như khác với khi ta nhìn theo chiều ngang. Thật khó để chứng minh rằng những quan điểm xuất phát từ tâm chấp ngã lại là những quan điểm duy nhất đúng đắn! Suy xét như thế sẽ làm lắng dịu cơn giận của ta.

Một cách khác để chế ngự cơn giận là hãy nhớ rằng, có thể có một chuyện gì khác đã xảy ra khiến cho người kia nặng lời. Có thể anh ta đang gặp khó khăn trong một phương diện khác của đời sống, và ta chỉ tình cờ trở thành đối tượng để anh ta trút giận. [Trong trường hợp đó,] chẳng có gì [thực sự] nhắm vào ta cả, nên chẳng có lý do gì để ta xem đó là xúc phạm rồi nổi giận.

Liệu việc nổi giận có phải là một phản ứng thích đáng? Người đã xúc phạm chúng ta cũng là một chúng sinh luôn mong cầu hạnh phúc và né tránh khổ đau, cũng giống như chúng ta. Phương thức mà anh ta đang sử dụng có thể là sai lầm, nhưng mong muốn của anh ta cũng giống như ta: muốn được hạnh phúc. Bằng việc mở rộng nhiều khía cạnh nhận thức và quên đi chính mình trong chốc lát, ta sẽ nhìn thấy được một con người đang đau khổ, giận dữ và mất bình tĩnh. Chúng ta biết rõ cảm giác khổ đau là như thế nào. Chúng ta biết rõ là ngay lúc này người ấy đang cảm thấy khổ sở như thế nào. Sao lại nổi giận với một người đang đau khổ? Người đó lẽ ra phải được ta khởi lòng bi mẫn, thương xót.

Còn nếu chúng ta quả thật đã mắc sai lầm và có ai đó chỉ ra điều ấy thì sao lại nổi giận? Nếu có người bảo ta rằng trên khuôn mặt ta có cái mũi, ta sẽ không bực tức, vì đó là sự thật hiển nhiên. Cũng vậy, nếu ai đó nhận ra lỗi lầm của ta, những gì người ấy nói là sự thật. Ta thực sự có lỗi, ta nợ người ấy một lời cảm ơn. Người ấy đã chỉ cho ta phương cách để hoàn thiện bản thân mình. Trái lại, nếu người ấy đỗ lổi cho ta một cách không đúng, ta cũng không cần nổi giận. Nếu có người nói rằng trên đầu ta có sừng, ta không nổi giận vì biết rõ đó là chuyện không đúng thật.

Chúng ta thường giận dữ khi xảy ra một điều gì đó mà ta cho là không đúng như ý ta. Nhưng sự giận dữ đó liệu có ích gì? Nếu chúng ta có thể làm thay đổi tình thế thì hãy tiến hành ngay việc đó. Không cần gì phải giận dữ. Cách suy nghĩ như vậy rất hữu ích đối với các vấn đề xã hội và bất công. Đó là những vấn đề có thể làm thay đổi, nên thay vì nổi giận thì việc giữ bình tĩnh và nỗ lực cải thiện xã hội sẽ là khôn ngoan hơn.

Trái lại, nếu tình trạng đó là không thể thay đổi, thì sự giận giữ cũng là vô ích. Một khi chân ta bị gãy, ta không thể thay đổi điều đó! Tất cả những suy đồi trên toàn thế giới không thể giải quyết chỉ trong một năm. Việc giận dữ với những điều ta không thể thay đổi được sẽ khiến ta đau khổ. Lo lắng hay sợ sệt về những điều chưa xảy ra sẽ khiến ta trì trệ. Trong tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh, ngài Tịch Thiên (Shantideva) đã dạy:

Việc có thể cứu vãn,
Thì giận dữ làm gì?
Bằng như không giải pháp,
Buồn giận cũng vô ích!

Suy xét về nhân quả

Sự vận hành của nhân quả là tư tưởng trọng tâm trong Phật giáo. Điều này sẽ được giải thích đầy đủ hơn ở một chương sau nữa; tuy nhiên, ý nghĩa cơ bản là hành động của ta sẽ mang lại nghiệp quả. Ta không thể biết ngay tất cả nghiệp quả của một hành động, vì cũng giống như việc phải mất một thời gian để hạt mầm đâm chồi rồi phát triển thành cây, những hành động của chúng ta cũng cần có thời gian để tạo thành nghiệp quả.

Khi hiểu được sự vận hành của nhân quả, chúng ta sẽ hiểu được rằng những hoàn cảnh mà ta gặp phải trong cuộc sống không phải là do sự ngẫu nhiên. Chúng là kết quả của những hành động ta đã làm trong quá khứ. Giống như những cái vòng bu-mơ-rang [của thổ dân Úc], khi ném ra bay theo vòng tròn rồi sẽ trở về đúng chỗ người ném. Cũng vậy, ta đối xử với người khác như thế nào thì ta sẽ nhận lãnh như thế ấy. Sự giải thích của đạo Phật về nhân quả cũng tương tự như ý tưởng của đạo Thiên Chúa: “Vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy.”

Nếu xem xét lối hành xử của mình với người khác, ta sẽ thấy được rằng thái độ và cách ứng xử của ta không phải lúc nào cũng mẫu mực. Chúng ta đã từng cắt đứt tình thân hữu, xúc phạm, lạm dụng hoặc nói xấu người khác hay trộm cắp tài sản của họ. Vậy thì có gì lạ khi chúng ta phải tự mình nhận lấy những điều tổn hại? Có thể gần đây ta không hề xử tệ với người hiện đang gây tổn hại cho ta, nhưng trong quá khứ chúng ta đã từng làm tổn hại những người khác. Khi nghiệp quả từ những hành động của chính ta đã chín muồi, chẳng có ích gì trong việc than trách hay oán giận, vì suy cho cùng thì chính bản thân ta đã hành động để đặt ta vào tình trạng đó. Như bậc thánh vĩ đại của Ấn Độ, ngài Tịch Thiên (Shantideva) đã nói:

Xưa kia ta tạo nghiệp,
Nay phải chịu quả báo.
Mọi sự do ta cả,
Sạo lại oán hận người?

Điều này không có nghĩa là ta nên vui vẻ trong sự đau khổ hoặc quy lỗi cho bản thân mình. Đúng hơn, ta nhận biết vai trò [trách nhiệm] của mình và học được bài học từ đó. Nếu ta muốn tránh quả báo khổ đau mà hiện giờ mình đang thọ nhận, ta sẽ phát khởi tâm nguyện mạnh mẽ là chấm dứt mọi hành động có thể đưa đến quả báo tương tự trong tương lai. Điều này sẽ khiến ta luôn ghi nhớ không gây hại cho người khác. Từ nay, bất kỳ lúc nào sắp mất đi sự bình tĩnh, ta sẽ biết dừng lại để suy xét kỹ. Rút ra bài học từ những tình cảnh bất như ý, ta sẽ phát tâm dõng mãnh tu tập để hoàn thiện bản thân mình. Bằng cách đó, ta sẽ chuyển hóa nghịch cảnh khó khăn thành một tình huống có lợi.

Chúng ta có thường nhận ra chính mình trong những tình huống tương tự, liên tục phản ứng theo cách tương tự? Nếu có, thì tại sao? Chúng ta có thể xét mình để thấy, liệu ta có thói quen bất cẩn, buộc người khác phải sửa lỗi cho ta hay không. Nếu là như vậy, thì người ấy trong thực tế đã thật tốt bụng khi chỉ ra lỗi lầm cho ta, vì điều này giúp ta có cơ hội để hoàn thiện. Việc người ấy có thể đã to tiếng khi chỉ lỗi cho ta lại là một việc hoàn toàn khác. Điểm chính ở đây là, chúng ta cần tỉnh giác hơn về việc những hành vi của ta ảnh hưởng đến người khác như thế nào. Và người này đang giúp ta phát triển một sự tỉnh giác như thế.

Chúng ta cũng có thể theo dõi xem liệu ta có thói quen cảm thấy bị tổn thương hoặc giận dữ khi bị chỉ trích hay không. Đôi khi chúng ta quá nhạy cảm và dễ dàng cảm thấy bị xúc phạm. Nếu ai đó hành động theo cách mà chúng ta đặc biệt không thích, ta cường điệu hóa tầm quan trọng của việc ấy, làm cho nó trở thành cụ thể và không sao quên được. Rồi chúng ta ôm giữ mối hiềm hận đó qua nhiều năm. Đây là nguồn gốc của rất nhiều sự oán hận trong gia đình.

Việc ta ôm giữ mối hiềm hận đó trong lòng không gây tổn thương gì đến người kia, vì họ có thể đã quên đi sự việc từ rất lâu. Nhưng mối hiềm hận ấy làm chúng ta đau khổ trong nhiều năm. Người kia chỉ nói ra những lời ấy có một lần, nhưng ta thì cứ nhắc lại chúng nhiều lần trong nhiều năm, và mỗi lần đều làm cho chính ta đau khổ. Vì sự lợi lạc của chính mình cũng như sự hòa hợp với người khác, tốt hơn là chúng ta bớt đi sự nhạy cảm và buông bỏ mọi việc.

Cứng rắn hay thụ động?

Phải chăng điều đó có nghĩa là ta để mặc cho người khác áp chế? Hoặc ta sẽ để cho ai đó làm hại chính bản thân họ hoặc người khác, chỉ vì việc ngăn cản người ấy cần phải to tiếng hay dùng đến vũ lực? Hoàn toàn không. Nhẫn nhục không có nghĩa là cầu an. Người nhẫn nhục luôn giữ tâm an định, nhưng hành vi phát khởi từ tâm nhẫn nhục có thể là mạnh mẽ hoặc ôn hòa.

Trước hết, chúng ta phải từ bỏ tâm sân hận. Khi biết mình đang nhận thức tình huống thông qua cái nhìn hẹp hòi của sự chấp ngã, chúng ta sẽ dừng lại và dành đôi chút thời gian để nhìn nhận vấn đề một cách cởi mở hơn. Chúng ta sẽ suy xét xem vấn đề được nhìn nhận như thế nào từ phía người kia, và điều gì là quan trọng đối với người ấy. Chúng ta sẽ tự xét lại xem những hành vi đã qua cũng như hiện nay đã lôi kéo ta vào tình huống này như thế nào.

Khi cơn giận đã lắng dịu, sẽ nhường chỗ cho từ bi và nhẫn nhục. Một tâm thức sáng suốt, không còn sự nóng giận hung hăng và thiển cận, sẽ có khả năng xem xét một cách thực tiễn những giải pháp khác nhau và chọn ra được giải pháp nào là tối ưu cho mọi người trong cuộc.

Đôi khi chúng ta cần phải nói năng mạnh mẽ để đạt hiệu quả trong giao tiếp. Nói năng cứng rắn với một thái độ bi mẫn khi tình huống đòi hỏi là một kỹ năng quan trọng. Điều này hoàn toàn khác biệt với sự quát tháo trong cơn giận không kiềm chế, khi mà việc giữ im lặng hay nhận lỗi, hoặc giải thích tình huống của mình với sự tôn trọng, sẽ là khôn ngoan hơn. Động cơ [của hành vi], vốn là trạng thái bên trong tâm thức chúng ta, không nên nhầm lẫn với những hành động và lời nói mà ta sử dụng để ứng xử với người khác.

Bất kỳ khi nào có thể được, ta nên tránh những hành vi bạo lực. Nếu như sử dụng vũ lực là cách duy nhất để ngăn cản không cho một người nào đó làm hại bản thân hoặc người khác, thì với lòng bi mẫn đối với cả người bị hại lẫn người gây hại, chúng ta sẽ thực hiện đúng mức những gì cần thiết để ngăn cản. Vì thế, điều quan trọng là phải giữ tâm an hòa trước khi hành động. Nếu ta hành động dưới ảnh hưởng của sân hận, ta rất có thể sẽ dùng đến những lời nói hay việc làm cứng rắn khi không cần thiết, hoặc khi cần thiết thì lại sử dụng quá đáng.

Vì mục đích giao tiếp, đôi khi chúng ta buộc phải nói năng cứng rắn - để nói lên hiểu biết của ta về những gì là đúng hoặc không đúng, có lợi hoặc không có lợi. Điều này có thể được làm với tâm không sân hận. Nếu người kia đã nói năng sai trái hay giận dữ, và chúng ta cũng làm như vậy thì ai đúng, ai sai? Sự giận dữ phá hỏng đi những gì ta nói và làm. Một tâm thức an định có thể giải quyết tình huống theo cách lợi lạc nhất.


Ni sư Thubten Chodron
Hoàng Nguyên và Nguyễn Minh Tiến dịch

5 Bài Học Quan Trọng Cho Cuộc Sống

5 Bài Học Quan Trọng Cho Cuộc Sống

Đăng lúc: 19:27 - 08/05/2015

Bài học về sự quan tâm


Trong tháng thứ hai của khoá học y tá, vị giáo sư của chúng tôi đã cho chúng tôi một câu hỏi hết sức bất ngờ trong bài thi vấn đáp. Tôi đã lướt qua hầu hết các câu hỏi trong bài thi, và ngạc nhiên dừng lại ở câu hỏi cuối cùng: “Hãy cho biết tên người phụ nữ quét dọn trường học của chúng ta?”. Một câu hỏi không có trong chuyên môn, chắc đây chỉ là một câu hỏi đùa thôi. Tôi đã nghĩ vậy! Thật ra, tôi đã nhìn thấy người phụ nữ đó vài lần. Cô ấy cao, tóc sẫm màu và khoảng chừng 50 tuổi nhưng làm sao mà tôi có thể biết được tên cô ta cơ chứ?

Tôi đã kết thúc bài làm của mình với câu cuối cùng bị bỏ trống.

Cuối giờ kiểm tra, một sinh viên đã hỏi vị giáo sư: “Liệu ông có tính điểm cho câu hỏi cuối cùng kia không?”, ông ta trả lời: “Chắc chắn rồi”, rồi ông nói tiếp: “Trong công việc, các em sẽ gặp rất nhiều người, tất cả họ đều quan trọng, họ xứng đáng được nhận sự quan tâm của các em, dù chỉ là một nụ cười hay một câu chào”.

Tôi đã không bao giờ quên bài học đó trên mỗi bước đường đời của mình sau này, và tôi cũng không bao giờ quên tên của người phụ nữ đó – cô Dorothy.



Bài học về sự giúp đỡ

Trong một đêm mưa bão bất thường trên đường phố Alabama vắng vẻ, lúc đó đã 11:30 khuya, có một bà lão da đen vẫn cứ mặc cho những ngọn roi mưa quất liên hồi vào mặt, cố hết sức vẫy vẫy cánh tay để xin đi nhờ xe.

Một chiếc xe chạy vút qua, rồi thêm một chiếc xe nữa, không ai để ý đến cánh tay dường như đã tê cứng vì lạnh cóng. Mặc dù vậy, bà lão vẫn hy vọng và vẫy chiếc xe kế tiếp. Một chàng trai da trắng đã cho bà lên xe (mặc cho cuộc xung đột sắc tộc 1960). Bà lão trông có vẻ rất vội vã, nhưng cũng không quên cám ơn và ghi lại địa chỉ của chàng trai.

Bảy ngày trôi qua, cánh cửa nhà chàng trai tốt bụng vang lên tiếng gõ cửa. Chàng trai ngạc nhiên hết sức khi thấy một cái ti vi khổng lồ ngay trước cửa nhà mình. Một lá thư được đính kèm, trong đó viết: “Cám ơn cháu vì đã cho bà đi nhờ xe vào cái đêm mưa hôm ấy. Cơn mưa không những đã làm ướt sũng quần áo mà nó còn làm lạnh buốt trái tim và tinh thần của bà nữa. Rồi thì lúc đó cháu đã xuất hiện như một thiên thần. Nhờ có cháu, bà đã được gặp người chồng tội nghiệp của mình trước khi ông ấy trút hơi thở cuối cùng. Một lần nữa bà muốn cám ơn cháu đã không nề hà khi giúp đỡ bà.”

Cuối thư là dòng chữ: “Chân thành – Bà Nat King Cole”.

Bài học về lòng biết ơn

Vào cái thời khi mà món kem nước hoa quả còn rất rẻ tiền, có một câu chuyện về cậu bé 10 tuổi thế này: Ngày nọ, Jim – tên của cậu bé – sau một hồi đi qua đi lại, ngó nghiêng vào cửa hàng giải khát đông nhất nhì thành phố, nơi có món kem nước hoa quả mà cậu rất thích, mạnh dạn tiến lại gần cái cửa, đẩy nhẹ và bước vào. Chọn một bàn trống, cậu nhẹ nhàng ngồi xuống ghế và đợi người phục vụ đến.

Chỉ vài phút sau, một người nữ phục vụ tiến lại gần Jim và đặt trước mặt cậu một ly nước lọc. Ngước nhìn cô phục vụ, cậu bé hỏi: “Cho cháu hỏi bao nhiêu tiền một ly kem nước hoa quả ạ?”. “50 xu“, cô phục vụ trả lời. Nghe vậy, Jim liền móc trong túi quần ra một số đồng xu lẻ, nhẩm tính một hồi, cậu hỏi tiếp: “Thế bao nhiêu tiền một ly kem bình thường ạ?”. “35 xu”, người phục vụ vẫn kiên nhẫn trả lời cậu bé mặc dù lúc đó khách vào cửa hàng đã rất đông và đang đợi cô. Cuối cùng, người nữ phục vụ cũng mang đến cho Jim món kem mà cậu yêu cầu, và sang phục vụ những bàn khác. Cậu bé ăn xong kem, để lại tiền trên bàn và ra về.



Khi người phục vụ quay trở lại để dọn bàn, cô ấy đã bật khóc khi nhìn thấy 2 đồng kẽm (1 đồng bằng 5 xu) và 5 đồng xu lẻ được đặt ngay ngắn trên bàn, bên cạnh 35 xu trả cho ly kem mà Jim đã gọi – Jim đã không thể có món kem nước hoa quả mà cậu ấy thích bởi vì cậu ấy chỉ có đủ tiền để trả cho một đĩa kem bình thường và một ít tiền boa cho cô.

Bài học về sự tự giác và trách nhiệm

Xưa thật là xưa, có một ông vua nọ, một hôm ông ta sai quân lính đặt một tảng đá lớn nằm chắn ngang đường đi. Xong, ông nấp vào một bụi cây gần đấy và theo dõi.

Lần lượt ông ta thấy, những thương nhân giàu có đi qua, rồi đến những cận thần của ông đi qua, nhưng không ai có ý định xê dịch tảng đá sang bên nhường chỗ cho lối đi cả, họ chỉ lẩm nhẩm đổ lỗi cho nhà vua vì đã không cho người giữ sạch sẽ con đường.

Một lúc sau, nhà vua nhìn thấy một người nông dân đi tới với một xe rau cồng kềnh nặng trĩu. Nhìn thấy tảng đá, người nông dân liền ngừng xe và nhảy xuống đất, cố hết sức mình ông ta đã đẩy được tảng đá sang bên kia vệ đường. Vừa làm ông ta vừa lẩm bẩm: “Thật không may nếu có ai đó không thấy mày và vấp phải, chắc là sẽ đau lắm đây”. Xong đâu đấy, khi người nông dân quay trở lại xe để tiếp tục đi, bỗng ông nhìn thấy một bao tiền to đùng đặt ngay chỗ mà ông đã di chuyển tảng đá. Đó là một món quà của đức vua cho người nào dịch chuyển được tảng đá.

Câu chuyện của người nông dân này đã giúp chúng ta nhận ra một điều quý giá mà rất nhiều người trong chúng ta không bao giờ nhận thấy: Vật cản đôi khi cũng có thể là một cơ hội tốt.

Bài học về sự hy sinh

Đã lâu lắm rồi, nhiều năm đã trôi qua, khi tôi còn là tình nguyện viên tại một bệnh viện, tôi có biết một cô gái nhỏ tên Liz – cô bé đang mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo.

Cơ hội sống sót duy nhất của cô là được thay máu từ người anh trai 5 tuổi của mình, người đã vượt qua được cơn bạo bệnh tương tự một cách lạ thường nhờ những kháng thể đặc biệt trong cơ thể. Bác sĩ đã trao đổi và giải thích điều này với cậu bé trước khi yêu cầu cậu đồng ý cho cô em gái những giọt máu của mình. Lúc ấy, tôi đã nhìn thấy sự lưỡng lự thoáng qua trên khuôn mặt bé nhỏ kia. Cuối cùng, với một hơi thở thật sâu và dứt khoát, cậu bé đã trả lời: “Cháu đồng ý làm điều đó để cứu em cháu”.

Nằm trên chiếc giường kế bên em gái để thuận tiện hơn cho việc truyền máu, cậu bé liếc nhìn em gái và đôi mắt ngời lên niềm vui khi thấy đôi má cô bé hồng lên theo từng giọt máu được truyền sang từ người cậu. Nhưng rồi, khuôn mặt cậu bỗng trở nên tái xanh đầy lo lắng, cậu bé ngước nhìn vị bác sĩ và hỏi với một giọng run run: “Cháu sẽ chết bây giờ phải không bác sĩ?” Thì ra, cậu bé nhỏ của chúng ta đã nghĩ rằng cậu ta sẽ cho cô em gái tất cả máu trong người mình để cứu cô bé và rồi cậu sẽ chết thay em mình.

Bạn thấy không, sau tất cả những hiểu lầm và hành động của mình, cậu bé đã có tất cả nhờ đức hy sinh…

Cuộc sống có câu: “Hãy cho đi thứ bạn có, rồi bạn sẽ được đền bù xứng đáng”.

Sưu tầm

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 6
  • Hôm nay 4,369
  • Tháng hiện tại 62,032
  • Tổng lượt truy cập 23,468,281