Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Cách khắc phục trạo cử & hôn trầm

Cách khắc phục trạo cử & hôn trầm

Đăng lúc: 07:31 - 30/06/2017

HỎI: Nhà tôi chưa có bàn thờ Phật, muốn trì chú Đại bi có được không? Khi tôi ngồi trì chú mà trong đầu ý nghĩ lăng xăng, hoặc người hay lắc lư rồi buồn ngủ, vậy làm thế nào để khắc phục?
(TRỊNH HẢI, hai1233457@gmail.com)

trichu.jpg
Trạo cử và hôn trầm là những triền cái làm chướng ngại
công phu tu tập nên hành giả phải vượt qua - Ảnh minh họa

ĐÁP:

Bạn Trịnh Hải thân mến!

Nhà chưa có bàn thờ Phật, bạn vẫn tụng kinh, trì chú, niệm Phật, tọa thiền… bình thường. Bạn cần chọn một nơi sạch sẽ, thoáng mát và yên tĩnh nhất nhà để trì chú, tu niệm.

Trong lúc tu niệm, hiện tượng “trong đầu ý nghĩ lăng xăng” gọi là trạo cử, và “người hay lắc lư rồi buồn ngủ” gọi là hôn trầm, các biểu hiện này liên tục xảy ra. Tất cả mọi người, khi thực hành công phu đều trải qua các hiện tượng trạo cử và hôn trầm này.

Việc đầu tiên, bạn hãy xem trạo cử và hôn trầm là một trong những điều rất bình thường của tâm. Từ trước đến nay, tâm của mình đã rối rắm như vậy, không phải bây giờ mới có. Nhờ tu tập nên mình có cơ hội nhận diện rõ hơn tâm của mình nhiều trạo cử, hôn trầm mà thôi.

Với trạo cử, bạn chỉ cần chú tâm vào đề mục, rõ biết các ý nghĩ lăng xăng đang trình hiện mà không nắm bắt hay phản ứng, chỉ chuyên tâm vào đề mục. Ở đây, đề mục của bạn là trì chú, vậy hãy chú tâm vào câu chú. Thân ngồi (hoặc đi, đứng, nằm) thư giãn và thoải mái, chú tâm đọc hay niệm chú đầy đủ không thiếu sót, tai nghe tiếng rõ ràng, nếu đọc thầm thì tâm cũng nghe biết tỏ tường. Các ý tưởng lăng xăng vẫn liên tục xuất hiện nhưng vì bạn chuyên tâm vào thần chú, không phản ứng lại (không nắm bắt hoặc xua đuổi) nên nó không có chỗ nương gá, tự sinh rồi tự diệt, tự đến rồi tự đi.

Khi mất chánh niệm, sự chú tâm bị gián đoạn thì tâm bị các ý niệm lăng xăng chi phối. Cần thấy rõ tâm mình đang trạo cử, đưa tâm trở về trạng thái chánh niệm bằng cách trì chú trở lại như lúc đầu. Sự chuyên chú càng lớn mạnh thì trạo cử càng yếu suy. Kiên trì, bền bỉ và tinh tấn lâu ngày ta sẽ dễ dàng làm chủ tâm, vọng tưởng thưa dần, tâm được an trú, tịnh chỉ.

Về hôn trầm, thường là khi trạo cử tạm lắng dịu thì hôn trầm xuất hiện, trạng thái thân tâm dật dờ dã dượi, buồn ngủ và ngủ gục. Khi mất chánh niệm, thiếu sự chú tâm thì hôn trầm liền chi phối. Để đối trị hôn trầm, hành giả cần điều hòa thân tâm, phối hợp cả phòng và chống. Trước hết hành giả phải thiết lập đời sống quân bình, làm việc vừa sức, ngủ đủ giấc. Kế, không ăn quá no, không uống rượu bia trước giờ công phu, áo quần cần mềm xốp, không quá chật, nới lỏng thắt lưng, ngồi nơi thoáng mát, giàu dưỡng khí. Khi ngồi cần giữ lưng thẳng, cổ thẳng, thả lỏng các cơ bắp, thân tâm thư giãn hoàn toàn. Quan trọng là luôn duy trì sự chú tâm vào thần chú, khi phát hiện bị hôn trầm, hãy khởi sự lại từ đầu.

Nếu hôn trầm kéo đến nhiều lần, hành giả có thể tạm dừng trì chú để đưa tay xoa mặt, vuốt mắt, nhéo tai, xoa bóp tay chân, xoay người qua lại cho máu huyết lưu thông. Sau đó tiếp tục trì niệm như ban đầu. Nếu hôn trầm chưa dứt, hành giả cần thay đổi oai nghi, đi rửa mặt và thiền hành (vừa đi vừa niệm chú) một lúc rồi quay về tiếp tục trì niệm. Sau nhiều nỗ lực mà vẫn hôn trầm, hành giả nên nằm nghỉ ngơi hoặc ngủ một lát, sau đó tiếp tục công phu sẽ tốt hơn.

Trạo cử và hôn trầm là những triền cái làm chướng ngại công phu tu tập nên hành giả phải vượt qua. Trong thời gian đầu khi tâm chưa thuần, hành giả cần tinh tấn, nỗ lực và kham nhẫn, không nên thối tâm và bỏ cuộc sớm. Khi hành giả thiết lập được chánh niệm, chú tâm vững chắc vào đề mục, tâm có phần an định thì hai chướng ngại này sẽ giảm thiểu dần. Tiếp tục công phu đắc định thì chúng sẽ chấm dứt.

Chúc bạn tinh tấn!

TỔ TƯ VẤN

Tu tập để ra khỏi luân hồi sanh tử

Tu tập để ra khỏi luân hồi sanh tử

Đăng lúc: 18:59 - 08/10/2016

Người thế gian không hiểu nên thường oán trách cha mẹ không có phước nên sanh ra mình khổ, hoặc cha mẹ không có tài nên mình thua sút người ta, mà không biết chính mình thọ nhận quả báo đời trước đã tạo, nên mới sanh vào gia đình tương ưng như thế. Cha mẹ chỉ là phần phụ thôi, gốc ở bản thân chúng ta. Như vậy, thuyết luân hồi nói lên lẽ thực của kiếp người. Đức Phật đã thấy, đã nhớ rõ ràng nên nói ra cho chúng ta biết, chớ không phải do Ngài tự tưởng tượng, nhưng vì chúng sanh nhìn nông cạn quá nên không tin được.


- Chữ tu giữa đời thường
- Từ án mạng chùa Bửu Quang suy ngẫm bài "Tu là học xử lý khổ đau"

Khi biết rõ kiếp luân hồi như vậy, ai can đảm tạo thêm những nghiệp ác để chịu khổ hơn? Cho nên chúng ta phải tinh tấn làm những điều lành, điều thiện. Nếu không làm cho ai, ít ra ta cũng giữ được phần mình, đừng phạm những giới phải đọa lạc. Đó là tu. Đức Phật thấy rõ sự nguy hiểm của luật nhân quả luân hồi nên chỉ cho mình đường lối tu, chớ không phải áp đặt chúng ta. Khi quy y thọ năm giới, quý thầy hỏi Phật tử “giữ được không”, quý vị giữ được thì nói “dạ được”, nếu giữ chưa được thì làm thinh, chớ đâu có ép. Vì giữ giới là giữ cho mình, không phải giữ cho Phật.
Tu tập để ra khỏi luân hồi sanh tử
Đi sâu vào tâm lý mỗi người, chúng ta sẽ thấy mình đã từng quen thuộc, ưa thích với những việc làm của thuở quá khứ. Ví dụ như bản thân tôi, tại sao lại thích tu? Người đời lớn lên lo chuyện làm ăn hoặc lập gia đình, tại sao mình không thích những chuyện ấy mà lại thích đi tu? Như vậy là từ đời quá khứ ta đã tích lũy hạt giống Phật, nên bây giờ luôn nhớ việc tu. Rõ ràng chúng ta không quên hết nhân quá khứ, nhân nào chứa sâu đậm sẽ trở thành sở thích, việc làm của mình trong đời này.

Có người ra đời thích làm lành, có người ra đời lại hung dữ. Mỗi người thích mỗi cách, đó là do sự tích lũy của quá khứ khác nhau. Quá khứ đã tích lũy sẵn nên bây giờ nó hiện ra. Quý Phật tử kiểm lại xem, nếu do gien cha mẹ sanh ra là yếu tố duy nhất tạo thành những đứa con sau này, thì cha mẹ bệnh tật gì con cũng phải bệnh tật y hệt như thế. Tâm hồn của con do cái gì tạo? Có nhiều cha mẹ rất hiền nhưng con không hiền. Hoặc ngược lại cha mẹ dữ mà con lại hiền. Những sự khác biệt đó nhà Phật gọi là nghiệp tích lũy của quá khứ, chúng ta mang theo khi thọ sanh. Những gì mình đã chứa chấp đời trước, bây giờ nó hiện ra rõ ràng. Như hai anh em ruột, thể xác giống chút chút mà tâm hồn không giống nhau. Như vậy mới thấy mỗi người sanh ra mang một nghiệp khác nhau, từ đó có những sai biệt khác nhau.

Thế thì trên nẻo luân hồi muốn đi đường tốt, không đi đường xấu, chúng ta phải làm sao? Thấy người đáng ghét ta nên xử sự thế nào? Nên nghĩ rằng họ có làm gì hại mình mà ghét. Ghét người như vậy là ta đã có ý nghĩ xấu. Nếu tiếp tục nuôi dưỡng ý nghĩ này, sanh chuyện với người ta là cái cớ để tạo thêm nghiệp. Nếu mọi người đều biết tu như vậy thì gia đình, xã hội đẹp biết bao nhiêu.

Nhà Phật nói nghiệp từ thân, miệng, ý mà sanh, trong đó ý chủ động tạo nghiệp. Miệng nói tốt xấu cũng từ ý, thân làm tốt xấu cũng từ ý. Ý là nói chung cho tất cả những phân biệt thương ghét, buồn giận, hơn thua, phải quấy… đều từ ý nghĩ của mình. Chúng ta chạy theo ý nghĩ là chạy theo nghiệp. Ý nghĩ xấu nên nói bậy, làm bậy; ý nghĩ tốt nên nói lành, làm lành. Khi thân hoại, nghiệp vẫn không hoại, vì nó đâu có tướng mạo mà hoại, nên sẽ theo ta thọ sanh ở đời sau. Nhà Phật gọi là mang nghiệp đi trong luân hồi sanh tử. Vậy muốn chấm dứt nghiệp phải điều phục được ý thức của mình.

Tăng Ni trong thiền viện ngồi thiền cốt để định cái ý đó, nên gọi là thiền định. Tất cả những nghĩ suy lăng xăng, lộn xộn bắt nó lặng xuống hết. Chưa lặng thì điều phục lâu dần nó sẽ lặng. Nó lặng rồi thì nhân tạo nghiệp không còn, nhân tạo nghiệp không còn thì quả luân hồi sanh tử chấm dứt, gọi là giải thoát sanh tử.

Muốn biết có luân hồi hay không, chúng ta cứ nghiệm trong tâm niệm của mình sẽ rõ. Cha mẹ sanh thân được mà không thể sanh tâm niệm của con. Tâm niệm đó từ đâu ra? Từ sự tích lũy của đời trước. Nhiều người ngạc nhiên tại sao con còn nhỏ mà không chịu ăn mặn? Ngược lại, có kẻ cha mẹ khuyên ăn chay thì ăn không được, một ngày cũng ăn không nổi. Đó là do tích lũy từ trước, bây giờ gặp lại thấy quen, thấy thích, chớ không phải bỗng dưng mà có.

Tích lũy tức là những gì đời trước mình đã từng làm từng huân tập. Đời này trở lại những thứ ấy không mất. Vì vậy trong kiếp luân hồi chúng ta theo nghiệp mình đã tích lũy, chất chứa mà hiện ra thành tâm hồn cá biệt của mỗi người. Nên nói đến luân hồi chúng ta đừng suy gẫm gì hết, cứ nhìn lại nội tâm mình thì biết ngay. Tại sao người đó chưa quen thuộc mà mình thấy dễ thương, hoặc kẻ kia cũng chẳng quen thuộc mà mình thấy phát ghét. Vì chúng ta không nhớ nổi, nên nói không biết tại sao kỳ vậy. Thật ra do nghiệp tích lũy của quá khứ chiêu cảm nên.

Trên đời này ai không có những người thân, những kẻ thù. Có thân, có thù gặp lại nhau là khổ. Người thân thì mình thương, người thù thì mình ghét. Nhiều người nói tại sao anh chị có duyên quá, xin cái gì cũng được. Còn tôi vô duyên xin cái gì cũng không ai cho. Tại mình hay tại trời đất xui khiến. Chẳng qua hồi trước mình hất hủi thiên hạ, bây giờ tới phiên người ta hất hủi lại mình. Bình đẳng thôi. Như vậy mình tạo nghiệp lành, nghiệp dữ không đợi đời sau mới trả quả mà ngay hiện tại cũng ứng hiện quả báo phần nào. Đó là một lẽ thực.

Trong kinh kể lại Tôn giả Mục Kiền Liên khi chứng A-la-hán rồi, một hôm Ngài đi trên đường thấy có loài quỷ đầu rất to, bụng lại nhỏ xíu, thân thể ghê gớm lắm. Ngài về thuật lại với Phật, Phật nói ta cũng thường thấy chúng, nhưng nói không ai biết nên ta không nói. Những người tu chứng tới đó thì thấy như nhau, không phải chỉ riêng Phật. Nếu chúng ta đem con mắt phàm phu so sánh với con mắt Thánh nhân thì thật là quá thô thiển. Như những luồng điện đi trên hư không, mình thấy không? Không, mà nó vẫn có. Cho nên chúng ta không nên tin vào con mắt còn rất hạn chế của mình. Có những cái hiện thực mà mình chưa thấy, chưa hiểu được. Thế nên chớ vội cho cái thấy nghe của mình là đúng.

Nhiều người nói thương Phật quá nên tôi tu. Phật khổ cái gì mà thương? Chính mình mới khổ đây nè. Mình khổ, mình thương mình, mình tu chớ không phải thương Phật. Chúng ta mang ơn Phật chỉ đường cho mình tu, chớ không phải vì Phật mà tu. Mỗi vị tự kiểm điểm lại bản thân, xem hiện giờ mình đã thực hiện được những gì Phật dạy, xứng đáng đi đường nào? Như vậy tự biết mai kia khổ hay vui rồi, đâu cần phải hỏi ai. Phật tử có bệnh cứ thắp nhang cầu Phật độ cho con đời sau được sung sướng, hết khổ, mà cứ tạo nghiệp ác. Làm sao Phật cứu độ được?

Nhiều người không hiểu, cứ ngỡ ngồi thiền yên lặng cả ngày vô lý quá. Nhưng họ không ngờ chính đó là nhắm thẳng gốc để trị. Trị gốc được rồi thì sẽ dứt nhân, quả theo đó cũng không còn. Cho nên nói đạo Phật là đạo giải thoát. Giải thoát là dứt hết những mầm tạo nghiệp hoặc thiện hoặc ác, dẫn đi trong sanh tử. Phật dạy phải dừng những suy nghĩ đó lại thì cái chân thật hiện ra. Đó là mặt thật xưa nay của mình. Thật đơn giản!

Thế thì quý thầy, quý cô ở chùa vì quyết tu giải thoát nên phải tập ngồi thiền hoặc niệm Phật cho được nhất tâm. Nhất tâm thì đâu còn nghĩ bậy, đó là nhân giải thoát luân hồi sanh tử. Quý Phật tử không theo đạo Phật thì thôi, đã theo thì phải nắm vững đường lối Phật chỉ dạy, tu cho đúng. Phải chọn con đường hợp với khả năng của mình, từng bước tu tập theo lời chỉ dẫn của Phật. Có thế mới không sợ ngày mai đường trước tối tăm, không biết lối đi. Quý vị khéo ứng dụng tu, cần phải phát tâm dũng mãnh, bền bỉ thực hành cho tới bao giờ thành tựu mới thôi.

Chúc tất cả Tăng Ni, Phật tử mau chấm dứt khổ luân hồi sanh tử.

HT.Thích Thanh Từ

Vì sao tu thiền định?

Vì sao tu thiền định?

Đăng lúc: 20:21 - 10/06/2016

Phật dạy chúng ta tu thiền định cốt để buông xả các niệm tạp loạn, tâm lặng lẽ thanh tịnh. Theo kinh Nguyên thủy Phật dạy Bát chánh đạo, trong Bát chánh đạo từ Chánh kiến cho tới cuối cùng là Chánh định. Theo kinh Đại thừa Phật dạy Lục độ, thứ nhất là bố thí tới thứ năm là thiền định, thứ sáu là trí tuệ.

HT Thanh Tu.JPG
HT.Thích Thanh Từ

Chúng ta tu thiền định là tu thế nào? Nhiều vị không hiểu nói người mới tu thiền phải quán hơi thở tức là sổ tức. Sổ tức là đếm số, hít vô cùng đếm một, thở ra sạch đếm hai, đếm tới mười bỏ, rồi đếm trở lại một. Cứ như vậy đếm hoài cả buổi có lợi ích gì đâu, mầu nhiệm gì đâu?

Chúng ta thử đặt lại vấn đề, tại sao đếm hơi thở? Vì muốn dừng tâm lăng xăng. Hít vô nhớ mình hít vô tới đâu, thở ra nhớ mình thở ra tới đâu, rồi nhớ số nữa. Bắt nhớ như thế để tâm quên chạy theo vọng tưởng. Dừng được tâm này là định nên nói thiền định. Thiền định là tiếng Ấn Độ, Trung Hoa dịch là Tĩnh lự, nghĩa là lặng cái suy nghĩ lăng xăng, chớ không gì lạ.
Qua giai đoạn đếm hơi thở rồi đến giai đoạn theo hơi thở. Khi ta chú tâm đếm hơi thở, tâm không chạy bậy, lần lần thuần thục ta bỏ đếm, chỉ theo hơi thở thôi. Nghĩa là hít vô tới đâu biết, thở ra tới đâu biết. Theo dõi như người thiếu nợ trốn chủ, bất thần chủ nợ tìm gặp, nên theo sát lưng không bỏ. Tu cũng vậy, ban đầu đếm hơi thở, sau đó theo hơi thở thật khít khao để tâm không tán loạn. Đó là phương tiện buổi đầu của người tập tu thiền.

Kế đến chúng tôi hướng dẫn hành giả tu thiền, khi niệm dấy khởi lên biết nó là hư dối, bỏ. Bởi vì khởi nghĩ không thật, mà mê theo nó thì thành thật. Như giận người A, khi dấy niệm giận mình theo niệm đó phát nổi hung hăng, muốn chửi đánh người ta, thành ra tạo nghiệp. Nếu vừa nhớ tới A liền bỏ không nghĩ, thì đâu còn tức mà muốn đánh chửi người ta. Manh mối ban đầu vừa mọc mầm liền thấy, chỉ mặt nó thì nó dừng lại nhẹ nhàng.

Tọa thiền dùng trí thấy thẳng để dẹp vọng tưởng. Đó là thấy ngay lẽ thật, không mượn phương tiện. Thiền tông dạy trực chỉ nhân tâm tức chỉ thẳng tâm người, kiến tánh thành Phật là nhận ra bản tánh của mình thì thành Phật. Chỉ thẳng tâm người là tâm lăng xăng, tâm điên đảo đó. Nó vừa dấy lên, chỉ mặt rầy thì nó lặng. Cho tới bao giờ tâm ấy hoàn toàn lặng hết thì tánh Phật hiện ra. Tánh Phật là Pháp thân. Người tu thiền đặt trí tuệ lên hàng đầu. Nhìn thẳng thấy rõ ràng, không để vọng tưởng lừa gạt. Nó rủ đi đâu là chặn liền, không cho nó dụ dỗ.

Phật tử bây giờ có bệnh, mình tu thích hợp với pháp này liền chê pháp của người khác, khen pháp của mình. Do đó tâm lăng xăng càng tăng trưởng chớ không giảm. Như vậy đâu phải tu. Tu là để giảm suy nghĩ lăng xăng, rối bời, mà mình tu càng ngày càng tăng là không đúng rồi. Cho nên thấy người tu niệm Phật, ta hoan hỷ nói “Chị tu niệm Phật tốt. Ráng niệm cho nhất tâm”. Thấy người tu trì chú, nói “Anh tu trì chú tốt. Ráng trì cho tới tam mật”. Thấy người tu thiền, nói “Anh tu thiền tốt. Ráng ngồi thiền cho được định”. Như vậy ai cũng tốt hết.

Người biết tu phải hiểu cho thấu đáo để không hờn phiền những người đồng đạo. Nếu không khéo sẽ dẫn tới tình trạng người này trách người kia, người kia phiền người nọ. Chính huynh đệ trong đạo chỉ trích nhau hoài, không hòa thuận nói gì tu hành. Bởi vậy tất cả chúng ta phải hiểu rõ điều này.

Tại sao Phật dạy chúng ta phải dẹp cái nghĩ lăng xăng lộn xộn của mình? Những ý nghĩ quấy dẹp thì phải, nhưng ý nghĩ phải tại sao cũng dẹp? Nếu nghĩ xấu sai, ta sẽ nói làm theo nghiệp ác. Nếu nghĩ tốt dĩ nhiên ta nói làm theo nghiệp lành. Như vậy nghiệp lành, nghiệp ác từ ý nghĩ mà ra. Nghiệp ác thì đọa vào đường dữ, nghiệp lành thì sanh về cõi lành. Nhưng dù lành hay dữ cũng còn trong dòng trầm luân sanh tử, còn trở đi trở lại mãi trong ba cõi là còn khổ.

Tại sao nghiệp lành vẫn không giải thoát? Vì nghiệp lành thì sanh cõi lành, như được làm người sung sướng. Nhưng mấy chục năm hưởng hết phước rồi cũng chết. Hoặc sanh lên cõi Trời, ở cảnh cao sang muốn gì được nấy, nhưng hết phước cũng đọa xuống trở lại. Lên lên xuống xuống không có ngày cùng. Chỉ có ra khỏi dòng sanh tử mới được giải thoát, hết khổ đau. Bây giờ nếu chúng ta tu tới nhất tâm, không còn nghĩ thiện nghĩ ác thì đi đâu? Hết nghĩ thì hết nghiệp, hết nghiệp là hết sanh tử, đó là giải thoát. Chỗ cứu kính chân thật Đức Phật chỉ cho chúng ta thấy là cái sáng suốt, bất sanh bất diệt nên gọi là Niết-bàn, vô sanh. Không có sanh lấy gì có tử.

Đức Phật vì thương chúng sanh mê lầm đuổi theo hư ảo cho là mình, rồi cả ngày sống trong cái hư ảo đó, chịu vô lượng khổ đau. Đã sống trong hư ảo thì dù làm việc tốt cũng chưa hẳn là tốt. Ví như có hai nhóm đi làm từ thiện. Nhóm A được nhiều người hoan nghênh, nhóm B cũng làm từ thiện nhưng lại bị nhiều người chỉ trích. Vậy nhóm B có vui nhìn nhóm A không? Bị thua thì giận rồi, mặc dù giận vì làm việc thiện.

Bởi vậy nói tâm của chúng ta không chân thật. Vì nó hư ảo nên biến chuyển luôn. Do đó nhiều người lúc nhỏ rất hiền lành, nhưng lớn lên bị ngoại duyên không tốt tác động lâu ngày trở thành hung dữ. Ngược lại, người lúc nhỏ hung dữ nhưng lớn lên nhờ gần gũi duyên tốt nên trở lại hiền lành. Tâm ta luôn đổi thay, không đứng một chỗ. Gặp môi trường tốt, thầy tốt, bạn tốt thì tốt theo, gặp môi trường xấu, thầy xấu, bạn xấu thì xấu theo. Tâm đó tùy thuộc ngoại cảnh chớ không tự làm chủ được. Vậy mà tất cả chúng ta đều đuổi theo nhận nó là mình, thử hỏi có đáng buồn không?

Nếu chúng ta không nhận những suy nghĩ lăng xăng lộn xộn đó là tâm mình, thì dù ở chung cả trăm ngàn người cũng không có chuyện cãi vã, nói gì đánh đập nhau. Sở dĩ chúng ta ở chung có chuyện này, chuyện kia là vì không đồng ý nhau. Mỗi người đều cho cái suy nghĩ là đúng, là tâm mình nên rồi hơn thua, phải quấy, oán thù đủ chuyện. Nuôi tâm ấy như nuôi kẻ cướp trong nhà, do đó Phật nói “Nhận giặc làm con”. Vì nhận giặc làm con nên nghe lời nó, không chịu bỏ nó. Đã vậy thì đời ta cứ đi trong trầm luân đau khổ không có ngày cùng.

Muốn ra khỏi dòng sanh tử không gì hơn là lặng được chú tạo nghiệp đó. Nghĩa là đừng nhận nó làm con nữa, đuổi nó ra khỏi nhà. Dễ quá, nó không phải là con mình thì đuổi đi. Nhưng khổ nỗi ta lại thương nó, không chịu đuổi. Khi thấy chúng sanh mê lầm như vậy, Đức Phật có thương không? Có. Chúng sanh đang lặn hụp giữa biển cả mênh mông, Ngài đưa tay xuống chờ mình ngóc đầu dậy thì kéo liền. Nhưng chúng sanh cứ mải miết lặn hụp không chịu đưa tay cho Ngài kéo.

Mỗi một ngày hết mười hai tiếng chúng ta chạy theo cái hư giả, chỉ còn một hai tiếng trở về cái thật, nên ráng buông xả cho các vọng tưởng lặng xuống, giành quyền làm chủ phần nào. Nếu không mình cứ bị nó làm chủ hoài. Ngày nào ta giảm bớt được hơn thua, phải quấy thì ngày đó an vui. Ngược lại, nếu cứ để nó lôi dẫn chạy ngược chạy xuôi, khi nhắm mắt chắc chắn phải luân hồi sanh tử.

Phật tử tu mà không hiểu, cứ ỷ lại vào thầy. Tháng nào cũng đi chùa cúng thầy một ít, chừng nào nhắm mắt mời thầy tới độ cho về Cực Lạc, khỏe ru. Tu như vậy thì oan cho đạo Phật quá. Quý vị phải nhớ chúng ta lo cho Tam bảo, để việc giáo hóa mọi người thức tỉnh được trường tồn, được phát triển. Muốn thế bản thân mình phải tu, rồi tạo điều kiện hỗ trợ Tam bảo tồn tại lâu dài nơi thế gian, đem lại lợi ích cho tất cả chúng sanh.

Hôm nay tôi nhắc những điều thiết yếu cho tất cả quý Phật tử biết, ứng dụng tu đúng pháp Phật dạy. Mong tất cả thực hành đúng Chánh pháp, đừng vì sự tu mà tạo phân biệt, nuôi lớn phải quấy đối đãi, trái xa với bản ý Phật dạy, cũng là tự vùi lấp sự giác ngộ của mình. Hiểu vậy trên đường tu tôi tin chắc quý vị sẽ tiến, sẽ đạt được kết quả tốt đẹp.
HT.Thích Thanh Từ

Chay & mặn

Chay & mặn

Đăng lúc: 17:18 - 13/04/2016

Vợ tôi nói: Hôm nay mùng một, em nấu vài món chay thật ngon, anh có thể mời bạn về dùng bữa cho vui. Tôi cười khi nghĩ rằng hôm nay vợ tôi thật “biết điều”.

Bữa cơm dọn ra, người bạn chặc lưỡi khen ngon. Vợ tôi bẽn lẽn đỏ bừng mặt, món gà rán đó anh!

Mô Phật! Gà rán cũng… chay! Thật ra nguyên liệu cũng chỉ là măng tre trộn đậu hủ rán pha chút muối đường rồi bỏ vào dầu sôi mà lật qua lật lại đến chín vàng!

Thế là cuộc tranh luận không đặt ra lại tuôn ào đến ngay trong bữa cơm đúng ngày mùng một!

anh chayman.jpg

“Mùng một ăn chay”, từ câu dặn dò nay đã trở thành thói quen hiện thực của người Phật tử. Một thói quen của người Phật tử mà ngay tôi lại là một đoàn sinh “lão làng” của Gia đình Phật tử (GĐPT) thì càng tuân thủ hơn. Ở đây, xin miễn bàn về vấn đề trì niệm hay giới niệm hoặc Tam bảo - ngũ giới. Phật đã dạy y cứ tâm mà tu, hà cớ gì phải y cứ cái thân mà tu?

Bạn tôi, “cái ngữ” ấy na ná tôi là Phật tử chân chính, tháng ăn chay tới bốn ngày mà ngày nào cũng vậy, giỏi lắm là rau muống luộc chấm chút tương chao. Thật ra chẳng muốn tranh luận làm gì. Phật giáo Đại thừa ở Nhật Bổn, Tây Tạng một số phái cũng ăn uống bình thường, Phật giáo hệ phái Theravada cũng không ăn chay, thậm chí ngay ở đây cũng có người bảo ăn trứng gà công nghiệp “không trống” cũng là… ăn chay!

Miễn là, đừng mượn dao giết người. Có người muốn ăn thịt mà không dám cắt cổ gà đành đem chiêu ác khẩu xui khiến người khác “mần” giùm! Cái tội này gánh gấp trăm ngàn lần kẻ khác, y như đã là đoàn sinh GĐPT lại sắm cần đi câu cá về nhà làm bữa. Hỏi tại sao thì bảo “cho vui”! Cái “cho vui” sao cay đắng ác nghiệt thế kia! Cái mắt cứ thèm nhìn, cái khẩu cứ thèm ăn và tâm cứ thế tham lam bám víu.

Thế mà lại nay, ăn món chay mà bụng cứ nghĩ tới thịt cá, tới gà rán. Tôi có cứng nhắc không? Biết vậy thôi, tôi chỉ cần nói nhỏ với vợ rằng: Em cứ chiên xào hủ tiếu với đậu hủ rồi rắc lên bột “Aji ngon Moto” như trên ti-vi quảng cáo là nghe mùi vị ngọt thịt ngay cần gì gọi là gà rán! Không khéo, ăn không giống rồi nghe phàn nàn mà thấy giống quá thì… ăn gà rán thật có tốt hơn không? Cớ sao lại thích để con mắt đánh lừa mình rồi dắt dẫn mình vào con đường vi phạm ngũ giới, trong khi ăn chay chỉ cho lòng nhẹ nhàng không còn ý nghĩ sát sanh.

HT.Thích Thiện Hoa đã định nghĩa: “Ăn chay, hay ăn lạt, nghĩa là ăn những loài thảo mộc: hoa quả, rau cải, không ăn những món ăn thuộc loài động vật như thịt, cá, tôm, cua, sò, ốc những vật hữu tình, biết tham sống sợ chết như người” theo những gì đã biết trong giờ tu học Phật pháp của GĐPT.

“Cái ngữ” quay sang tôi một tràng thao thao bất tuyệt: Thì cứ bí luộc, xì dầu, gạo thơm dẻo vẫn ngon như thường nhất là khi bụng đói queo, cớ chi thịnh soạn bày biện bên ngoài cho đẹp vừa con mắt, bắt cái thọ đè cái tâm, bắt cái xúc đè cái ý... khiến cái khẩu lung tung nịnh hót đãi bôi! Mi mặc áo Lam trên người mà bụng cứ nghĩ mưu cầu lợi riêng, cứ chạy theo danh vọng, hò hét với đàn em, khúm núm với kẻ trên như gà mất đầu chạy loanh quanh. Mi như ngựa thả trên thảo nguyên, tưởng đồng cỏ mênh mông tha hồ phóng đại hay gặm cỏ tùy thích, té ra, mi chẳng có cỏ mà gặm, nhìn thảo nguyên kia bị rào che tự lúc nào! Sao không nói thật rằng mời bạn qua dùng bữa cơm rau thân mật hoặc “rửa cái bụng trần gian tục lụy” bấy lâu nay nghe còn sướng tai hơn!

Ngày xưa đi trại, chỉ rau muống lá me, cơm sống gạo vàng vẫn giành nhau mà chén, nước đun sôi để nguội còn hăng mùi khói củi… có đứa nào ôm bụng kêu rên, bụng vẫn no đầy tiếp tục trò chơi lớn kia mà! Ngay hôm qua đây thôi, có người tu Bát quan trai, khi bước vào quá đường lại dè bĩu, món ăn như thế này làm sao mà tu? Mi thấy sao?

Tôi đỏ mặt, cái ngã to đùng tự dưng trỗi dậy phừng phừng. “Cái ngữ” ấy coi thường tôi quá. Ít ra, tôi cũng đã “có mặt tham gia” từ những sự kiện thời nhà Ngô đàn áp Phật giáo cho đến năm 1997 với sự tái hiện tổ chức GĐPT trên toàn cõi đất nước. Trước đây,“cái ngữ” ấy từng vỗ vai khen tôi khéo léo quen biết huynh trưởng GĐPT từ cấp Trung ương cho đến thị thành, biết lăng xăng nghe trên răn dưới, biết chạy vạy từ nơi này đến nơi nọ để nhằm mục đích phụng sự đạo pháp. Thế mà giờ đây “cái ngữ” ấy bảo tôi là “kẻ vô tổ chức, phi chính phủ” vì không thấy ai mà chỉ thấy mình với cái ngã to bự, cái sự lý ái thủ bám víu, ngồi đó đợi người khác cung phụng nể nang rồi khi nhắm mắt hy vọng màu cờ phủ lên áo quan kèm theo hai hàng đoàn sinh thắp nến, cầm hoa đứng hai bên đường với gương mặt eo xèo nhớ tiếc mình!

Đã vậy, “cái ngữ” ấy còn xỏ xiên rằng tôi là cư sĩ nỗi gì. Chẳng qua tôi đang tu Tiên, chẳng phải tu Thiền, tu Mật hay tu Tịnh độ. Tôi đang luyện linh đơn để “trường sinh bất lão” bằng nguyên liệu là danh vọng, tiền bạc, mê đắm tham sân được chưng nấu trên ngọn lửa bản ngã bỉ thử to đùng, chẳng chịu hiểu câu “Hồi đầu thị ngạn”, là còn “dục ái trụ địa phiền não” nên tâm ý giờ mới còn mãi với “vô minh trụ địa phiền não” nên nhìn qua thì thấy tôi “bảnh chọe” thật nhưng xét kỹ thì tôi “chẳng giống ai” rồi cả đời khổ cứ khổ mới chết chứ!

“Cái ngữ” ấy “ăn được, nói được”, nói chung là “không chơi được” hà cớ gì mình mời về nhà ăn chung bữa cơm chay! Có lẽ, kể từ hôm nay, thấy mặt là ghét! Nhưng xét nghĩ, không có “cái ngữ” ấy không được. Lời nói ấy thế mà đúng, nghe ra nóng bừng cả tai, tái mét cả mặt, sự thật mất lòng, vì bấy lâu nay có ai dám nói thẳng trước mặt mình đâu! Đúng là đường vinh quang nào chẳng chông gai bầm giập.

Nhạc sĩ Phạm Duy có câu hát rằng “Đố ai nằm ngủ không mơ?”. Tôi đã từng mơ, mơ thấy mình ăn chay thật là ngon chỉ với tương chao ngô bí mà lòng thấy nhẹ nhàng, không ngụy mị, không dối trá với chính mình, không lầm lẫn giữa cái tâm và cái thân ngũ uẩn tứ đại. Dẫu biết, ăn chay đối với người Phật tử không phải là một sự hiếu kỳ, một sự hiếu danh, một cách đổi món ăn cho ngon miệng, một cách kiêng cữ theo lời dặn của bác sĩ (Phật học phổ thông - HT.Thích Thiện Hoa).

Đêm mằm mộng, thấy như thật. Tôi là ai? Tôi loạng choạng nơi cõi vô vi trống rỗng tịch diệt, không nhà không cửa, không tiền không danh, không con không vợ, không đến không đi, không buồn không vui, không tức cảnh sinh tình… nhưng thế mà sướng, chẳng lôi thôi giữa vòng u minh sinh tử! Ừ thì tỉnh dậy mau để làm người trong cõi Ta-bà này, chấp nhận đối diện với hiện trường thực tế, cố gắng phủi tay quên bớt sự đời để Chủ nhật tới chở vợ con thong dong phố phường nhìn cười thiên hạ cứ bon chen và để tỉ tê ly cà-phê “chánh mạng” cùng các bạn hiền bên hiên nhà mơ màng nhìn làn mưa chiều lâm thâm khoái trá.
Thục Độ

Chiếc xe mới

Chiếc xe mới

Đăng lúc: 20:23 - 07/11/2015

Nhà chỉ có mỗi một chiếc xe máy, chỗ làm của hai vợ chồng lại cách nhau như mặt trăng với mặt trời nên nhiều khi rất bí.

Lắm hôm chị lấy xe đạp của con gái, gò lưng đạp, mệt muốn đứt hơi nhưng đến công ty vẫn trễ. Thường thì chị đi ké xe máy của đồng nghiệp; năm bữa nửa tháng lại giành phần đổ vài lít xăng thay bạn. Đằng nào thì cũng bất tiện nên ngay sau khi trang trải xong nợ làm nhà, chị quyết tậu chiếc xe mới.

Anh hào hứng hưởng ứng ý vợ. Nhưng mua xe gì? Theo chị, xe gì cũng được, phương tiện mà, miễn có chiếc xế nổ, vi vu cho mát mặt là sướng rồi. Anh nhăn mặt xua tay, tỏ vẻ không ưng sự dễ dãi như thế. Chị vẫn bảo lưu ý mình bằng cách nói thêm, chỉ cần một chiếc Wave hay Dream là vừa đẹp lại vừa hợp túi tiền với mình. Anh dửng dưng trước nét mặt ngời ngời niềm vui của vợ rồi bất ngờ xổ một câu nặng như chùy:“Quá lạc hậu!”. Chị ngớ người, chẳng biết ngạc nhiên vì lời nhận xét chắc như định đề kia hay bởi chưa hiểu ý chồng. Anh kéo dài sự ngơ ngác của vợ khi thong thả bật lửa châm thuốc rồi rung đùi nhìn làn khói phả từ mồm; lúc lâu mới cất giọng chắc nịch: “Người ta đang đua nhau lên xe hơi; mình bét nhất phải rinh một chiếc tay ga”. Đôi mắt căng tròn của chị bỗng chớp chớp như sực tỉnh; liền đó là giọng rời rạc như hụt hơi; chị loanh quanh xa gần rồi dừng lại ở tâm điểm “đầu tiên” – tiền đâu. Chị bảo, nhà vừa xây xong, còn bao thứ phải sắm; cùng lúc xoay đâu ra gần bốn chục triệu đồng để mua xe Attila hay Air Blade. Chị lung lạc anh bằng kể lể, nào là phải dành tiền đóng tủ bếp và tủ quần áo, cả cái giường sắm từ hồi mới cưới nay đã ọp ẹp, cũng cần thay. Anh cắt phăng cái giọng thỏ thẻ như mưa dầm của chị: “Phải dồn tiền tậu con xe hoành tráng cho nở mày nở mặt với thiên hạ. Còn đồ trong buồng trong bếp, sắm lúc nào chả được!”. Từ chỗ khấp khởi vui với chiếc xe trong tưởng tượng, bỗng chốc chị chới với giống như người nhìn chùm quả ngọt ngoài tầm tay. Năn nỉ chồng xuống thang không được, chị đành giở chiêu cuối cùng – chuyển gánh nặng “tiền đâu” về phía anh. Nhưng anh thoát nhanh với tuyên bố hệt như quân lệnh: “Đã mua thì phải xe tay ga, còn không thì thôi, không bàn lùi!”. Chị thả tay bất lực trước sự kiên định của chồng. Sau hai đêm trằn trọc, tính tới tính lui, chị liều cầm sổ đỏ tới ngân hàng, vay ba mươi lăm triệu đồng. Ngay trong ngày, anh đánh chiếc Air Blade mới cứng về, dựng chễm chệ giữa sân; nhìn vợ, cười trắng răng đỏ lợi. Liền đó, anh trao chìa khóa xe cũ cho chị.

* * *

Có xe là sướng rồi; cũ mới không thành vấn đề; chị nghĩ vậy và vui vui khi một mình một xe. Vậy là hết cảnh phập phồng chờ để đi nhờ xe; chẳng còn phải đạp xe gần mười cây số đến chỗ làm; có chìa khóa xe trong tay, tha hồ vi vu bát ngát; chị lan man trong niềm phấn khởi bất tận. Nhưng thực tế sau đó, chưa hẳn như chị nghĩ. Dù đã thủ riêng chìa khóa xe mới nhưng lắm lúc anh vẫn chạy xe cũ. Đi dự tiệc hay lễ hội, tất nhiên anh bệ vệ ngự trên chiếc xe bóng nhoáng; nếu đón con hay đi tắm biển, anh đổi xe. Đặc biệt, anh tối kỵ chạy xe đẹp dưới trời mưa; anh bảo, nước mưa khác gì a-xít, hại kim loại lắm. Anh về quê, chị bảo lấy xe mới chạy đường dài cho khỏe nhưng anh còn nhìn trời, nghe thời tiết. Nếu nắng ráo, anh nghe lời chị; nếu đang mùa ẩm ướt, anh nhất quyết chạy xe cũ, vì như lời anh: “Về quê, qua đường đồng nhầy nhụa bùn, xót xe lắm!”. Nguyên tắc của anh khi khởi hành là ngồi lên xe nhún nhún mấy cái, nhìn trước ngó sau một lúc rồi mới nổ máy.

* * *

Nếu có giải thưởng dành cho người giữ tốt dùng bền xe máy thì còn lâu mới thoát khỏi tay anh.

Bắt đầu từ việc để xe, rảnh rỗi hay vội vàng đều phải dựng chân chống giữa, đề phòng xe ngã. Dù chạy đường ngắn hay dài, lâu hay mau, cứ về đến nhà là rửa xe. Anh cởi trần, tay cầm vòi nước mở hết cỡ, tay kia nhăm nhăm miếng giẻ tẩm xà phòng, kỳ tới cọ lui cho bằng sạch mới thôi. Nếu có cảm giác, chắc chiếc xe phải rên lên vì đau. Và nữa, bao giờ anh cũng dùng nước máy để rửa xe, dù nhà có giếng khoan. Anh bảo, nước giếng đầy phèn, dây vào hại xe lắm. Sau rửa nước là lau khô rồi anh chĩa hai chiếc quạt quay vù vù nhằm tống khứ những giọt nước ngoan cố bu bám trên xe. Công đoạn cuối cùng là anh đánh xe vào nhà, bật chân chống giữa rồi lấy chiếu đắp lên. Nếu không lau chùi, anh lại ngồi lặng ngắm xe, huýt sáo vang nhà. Lắm lúc anh quanh quẩn bên xe, hết ngắm nghía lại mở nắp kiểm tra xăng nhớt rồi thử phanh, nổ máy bảo dưỡng hoặc đơn giản là chỉ sờ mó. Nếu đo đếm được độ quan tâm anh dành cho người và vật xung quanh thì phần dành cho xe chắc phải kha khá. Thấy chồng mải lăng xăng bận bịu vì chiếc xe, chị ngứa mắt, bảo: “Anh yêu xe hơn con thế kia, không sợ con gái tủi thân à?”. Vẫn không rời miếng giẻ lau đang miết nhẹ trên yên xe, anh gọn lỏn: “Của bền tại người”. Hẳn là thế nhưng mình xài nó, chớ đâu lại hầu nó như vậy – chị nghĩ.

* * *

Cô gái ở trọ bên cạnh thường bồng con qua nhà chị chơi. Thằng bé thấy xe là sà tới, hết nhảy nhót nói cười với chiếc gương chiếu hậu, lại đòi bấm còi rồi bật đèn xi-nhan để nghe kêu tít tít. Những lúc đó, anh không rời mắt khỏi xe và luôn mồm cảnh báo: “Coi chừng nó cào tróc sơn!”; “Chân bẩn thế kia sao lại đứng trên yên!?”. Mẹ con cô hàng xóm tưởng anh đùa, cười toe toét. Lần cuối, thằng bé lò dò tới bên chiếc Air Blade, nhặt chìa khóa ai đánh rơi dưới đất, rạch một đường lên chiếc vè trước. Đường rạch mong manh như sợi tóc, mơ hồ như ảnh ảo, mắt mười phần mười phải nhìn kỹ mới thấy. Nhưng anh nhăn mặt xuýt xoa rồi mắng té tát khiến thằng bé co rúm, khóc thét. Từ đó, nó chẳng bao giờ dám mon men lại gần chiếc xe. Cũng từ đó, nó không thích sang nhà chị chơi. Được mẹ dẫn qua, đặt đâu nó ngồi đấy, không còn táy máy, nghiêng ngó khám phá như mọi khi. Hình như thằng bé không chịu được gò bó, chỉ một lúc là đòi về. Chị lấy bánh và nước ngọt dụ nó ở lại nhưng nó chẳng thèm. Phòng trọ chật như bao diêm và nóng như hỏa lò nên nhiều buổi trưa thằng bé quanh quẩn bên gốc xà cừ trước nhà chị để tránh nóng. Chị đứng trong nhà, đưa tay vẫy vẫy “vào đây con, có quạt nè”; nhưng nó lắc đầu nguầy nguậy. Nhìn ánh mắt cảnh giác lẫn sợ sệt của con trẻ, chị thương nó, trách chồng.

* * *

Với chị, anh cũng chẳng khách sáo. Những khi xe cũ xẹp lốp hay hết xăng, chị bất đắc dĩ phải đi xe mới. Thấy vậy, anh có lời ngay: “Dắt ra dắt vô chỗ gửi xe phải cẩn thận, đừng để trầy xước”. Thường thì anh giành phần dắt xe ra tận đường rồi mới trao chìa khóa xe cho chị. Nhìn anh giúp vợ với vẻ mặt không vui, chị biết động tác chu đáo của anh chưa hẳn vì chị mà vì sợ chiếc xe bị “tổn



thương” khi được dẫn qua lối cửa hẹp. Lắm lúc chạy xe mà chị nghĩ đâu đâu, suýt đụng vào người ta. Ngồi xe đẹp mà đầu óc căng như dây đàn sắp đứt thì sướng ích gì?! Chị bực; rồi đến lúc cũng không thể im lặng đứng nhìn anh suốt ngày quấn quýt vuốt ve chiếc xe. “Mình cưỡi nó; cớ sao lại để nó làm khổ mình như thế!?”. Lời gay gắt của chị khiến anh cứng lưỡi nhưng rồi đâu lại vào đấy.

* * *

Nói anh không nghe, chị đấu tranh bằng hình thức tiêu cực. Những khi xe cũ không chạy được, chị liền túc tắc đi bộ ra chợ hoặc tới nhà bưu điện; còn khi đưa con đi học thì chị cũng chỉ dùng xe đạp. Vừa đi chị vừa chào hỏi, bắt chuyện với bà con xung quanh, cứ như để thông báo “tôi đang đi bộ đây”. Những lúc ấy, người phờ phạc, mồ hôi đẫm áo nhưng chị chẳng hề kêu ca, chẳng thèm nhìn chiếc xe bóng nhoáng dựng chình ình trước cửa. Người ngoài nhìn vào, thắc mắc: “Sao xe đắp chiếu, người lại hành xác thế kia?!”. Chị cười như mếu. Anh ngượng. Đến lúc anh năn nỉ, chị mới hay dùng chiếc xe vốn để chưng hơn để chạy. Tuy nhiên, chuyện người khổ vì xe vẫn chưa hết.

* * *

Một buổi tối, cô ở trọ gần nhà chạy qua mượn xe. Cô đã mời được mẹ vào trông cháu để cô đi làm. Nhưng bà mẹ quê lần đầu vào thăm con nên lớ ngớ, bị nhà xe cho xuống giữa đường tránh ở bên ngoài thành phố; chưa biết xoay xở sao giữa đêm hôm. Cũng may, bà cụ biết cách gọi điện thoại cho con gái, nên cô cần xe để đi đón mẹ gấp. Cô nhờ chị nhưng xe chị đang để ngoài tiệm sửa chữa. Cô chuyển hướng sang anh, thuyết khách như năn nỉ; chị cũng lên tiếng vun vào nhưng bị từ chối khéo: “Anh sắp đi công chuyện”. Cô hàng xóm nấn ná, hình như vẫn chưa hết hy vọng; chị thầm mong anh đổi lời. Nhưng không.

* * *

Cô hàng xóm vừa về thì chị to tiếng, liền một mạch, cứ như sợ anh chen vào: “Công chuyện gì?! Anh tệ lắm! Hôm anh đi du lịch vắng nhà liền mấy ngày, con bị ngộ độc thức ăn phải vào viện cấp cứu; anh biết cô ấy giúp đỡ sao không? Cô bỏ con nhỏ cho chồng, chạy vào viện, thức trắng đêm với em. Vậy mà giờ đây, chỉ có chiếc xe mà anh nỡ…”. Giọng chị nghẹn lại. Anh cúi đầu, im lặng. Chị ức muốn khóc. Lúc lâu anh mới ngước nhìn chị, lí nhí: “Em qua nói với cô ấy đi”. Chị chạy qua bảo cô hàng xóm sang dắt xe nhưng cô đã mượn được xe, đi rồi. Hôm đó và nhiều hôm sau đó, chị nén bực tức trong im lặng. Anh cũng buồn; suốt mấy ngày liền, chẳng thèm để ý đến chiếc xe yêu quý.

* * *

Anh chủ động làm lành rồi đổi chìa khóa xe cho chị. Trước vẻ ngạc nhiên của vợ, anh tươi cười: “ Em chạy xe tay ga hợp hơn; còn anh đi xe gì chả được”. Chị nhìn anh trìu mến, niềm vui ngời trong mắt; tất nhiên chẳng phải vì được chạy xe mới.

Diệt trừ phiền não

Diệt trừ phiền não

Đăng lúc: 19:06 - 28/10/2015

Hỏi: Làm cách nào để diệt trừ được phiền não và niệm Phật được nhất tâm?



Đáp: Diệt trừ hết phiền não để niệm Phật được nhất tâm luôn là mục tiêu và nguyện vọng tha thiết của hầu hết những người tu tập theo pháp môn Tịnh độ. Tuy nhiên muốn làm được điều đó, trước tiên chúng ta cần phải biết được phiền não từ đâu có? Biết được cội gốc của nó nằm ở đâu, thì mới có thể diệt trừ. Trong Đại Thừa Khởi Tín Luận, Bồ tát Mã Minh chia tâm làm hai môn là Chân Như và Sinh Diệt. Một cái là tâm thể sáng suốt thanh tịnh và hai là cái tâm lăng xăng mê muội.

1- Nguồn gốc của phiền não:

Nếu chịu khó ngồi yên để quán xét kỹ, thì chúng ta sẽ biết được hằng ngày mình thường sống với cái tâm nào nhiều nhất. Khi ngồi tĩnh tọa hoặc niệm Phật hay nghe pháp, chúng ta có thấy được cái tâm sáng suốt thanh tịnh của mình không? Nếu không có nó, chúng ta không thể nghe thấy hay nhận biết được các sự vật ở bên ngoài. Tuy nhiên, thông thường chúng ta dễ bỏ quên cái tâm sáng suốt quý báu của chính mình, mà chỉ lo hướng theo sự nắm giữ những sự việc ở bên ngoài, cho nên suốt đời bị lầm lạc khổ đau. Trong kinh Pháp Hoa, đức Phật nói rằng: “Chư Phật ra đời vì một đại sự nhân duyên là khai thị cho chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến”. Tất cả các đức Phật, từ Phật Tỳ Bà Thi, Phật Thi Khí, Phật Câu Lưu Tôn, Câu Na Hàm, Phật Ca Diếp, Phật Thích Ca và cho đến sau này là Phật Di Lặc ra đời cũng chỉ vì một lý do cực kỳ quan trọng là chỉ bày cho mọi người thấy được cái tâm thanh tịnh, sáng suốt chân thật sẵn có ở ngay nơi mình, mà không phải làm một việc gì khác hơn nữa.

Đức Phật không bắt buộc tất cả mọi người phải bỏ hết vợ con, tài sản để đi vào chùa để được giải thoát. Nếu sống trong chùa mà không hóa giải được phiền não, thì chạy đi đâu cũng không thể thoát khổ. Bởi vì phiền não không ở ngoài tâm này, cho nên nếu không biết tu tập thì dù có bay lên trời cũng vẫn bị đau khổ phiền muộn. Những vật chất có hình tướng thì có thể vứt bỏ, còn cái tâm không hình tướng này thì làm sao bỏ? Chỉ còn cách quay trở về tâm này xét sâu cội gốc, tìm ra nguyên nhân mà hóa giải nó, thì mới được yên ổn. Chính cái tâm này là cội gốc của khổ đau phiền muộn và cũng chính nó là nguồn gốc của an lạc giải thoát.

2- Diệt trừ phiền não:

Muốn phá trừ tâm bám chấp vào thân này, thì cần phải thấy rõ được cội gốc của sự thật. Sự thật ấy nằm ở ngay nơi sự vay mượn trong từng hơi thở, không có gì là bền chắc của cái thân này. Do chúng ta không biết tu, không hiểu đạo và không gặp được chánh pháp, cho nên cả một đời cứ chạy theo hơn thua, phải quấy, được mất và vất vả tranh đấu, ra sức bon chen với cuộc sống cũng chỉ vì lo cho cái thân này được ăn ngon, mặc đẹp, ở sang. Lúc nào cũng muốn cho nó được đầy đủ sung sướng. Tuy nhiên, dù mình yêu quý, giữ gìn và lo lắng hết mức như vậy, nó vẫn không chung thủy với mình. Rồi một ngày nào đó, nó cũng bỏ mình ra đi không một lời từ biệt. Một khi bác sĩ tuyên bố thân này đã bị ung thư vào giai đoạn cuối hoặc nhiễm siêu vi B, C.v.v… thì mình chỉ còn biết khóc than. Thân này không bảo đảm bền chắc, dù có tồn tại lâu dài thì cuối cùng nó cũng phải đi đến chỗ hoại diệt. Do không thấu rõ được lẽ thật của thân này, cho nên chúng ta luôn bám chấp vào nó và lấy nó làm sự sống, cho nên đức Phật gọi đó là sự si mê hoặc vô minh.

Hai chữ ‘thọ trì’ có ý nghĩa rất quan trọng trong sự tu học của chúng ta. ‘Thọ’ là nhận và ‘Trì’ là giữ. Nắm giữ danh hiệu Phật tức là chúng ta luôn giữ cho tâm của mình lúc nào cũng thanh tịnh sáng suốt. Chỉ cần sơ ý phóng tâm, buông mất câu danh hiệu Phật thì liền thấy người và vật có tốt, xấu, phải, quấy, hơn, thua. Làm mất tâm thanh tịnh trong sáng để chạy theo những ý niệm chúng sinh và chuốc lấy phiền não. Nếu trong đời sống hằng ngày, chúng ta cứ mãi chạy theo những tâm niệm phiền não, mê lầm thì sẽ còn tạo nghiệp và bị khổ đau hoài, không thể nào dừng lại. Niệm Phật chính là con đường ngắn nhất để quay trở về cái tâm thanh tịnh sáng suốt. Tâm thanh tịnh sáng suốt đó không có tạo nghiệp xấu ác, cho nên không có chiêu cảm quả báo khổ. Tu hành là cốt để trở về với cái tâm thanh tịnh, không còn sống với phiền não vô minh và nhận lấy khổ đau nữa. Mỗi khi gặp việc buồn giận hoặc vui thích thì đều phải nhanh chóng quay trở về niệm thầm danh hiệu Phật: “Hít vào A Di; Thở ra Đà Phật”, mạng này chỉ tồn tại trong một hơi thở, thì hơn thua hoặc yêu ghét làm chi cho thêm mệt, trở về với tâm an lạc sáng suốt cho nhẹ khỏe. Luôn sống đúng như vậy là giữ được tâm thanh tịnh ngay trong môi trường ô nhiễm loạn động và được giải thoát ở ngay trong sự ràng buộc. Đó chính là phiền não tức Bồ đề.

Ngay từ bây giờ, nhiếp tâm vào từng danh hiệu Phật trong mỗi hơi thở, mỗi khi ăn uống, ngủ nghỉ hoặc mỗi lúc mặc quần áo cần phải thấy rõ được lẽ thật vay mượn mong manh của thân này, buông xả muôn duyên huyễn hoặc. Thực hành quán xét như vậy thì định huệ đầy đủ chỉ trong một danh hiệu Phật và dần dần chúng ta có được sức mạnh của trí tuệ để phá vỡ bức màn vô minh mê lầm. Khi mọi phiền não tan hết và trí huệ tròn sáng đầy đủ, thì hoặc nghĩ, nói hay làm việc gì cũng ở trong cái tâm an lạc sáng suốt và đều phù hợp với chánh pháp. Làm tất cả phước đức, công đức đó để trang nghiêm cho pháp thân thanh tịnh của mình trong kiếp này và muôn kiếp về sau. Đời này, chúng ta tu học theo chánh pháp được an lạc tốt đẹp, trang nghiêm thì đời sau sinh ra sẽ được công đức, phước huệ tròn đầy. Hạt giống tu tập đó được nhân thêm nhiều hơn trong những kiếp sau nữa và cứ tiếp tục tu tiến mãi cho đến kiếp cuối cùng khi tròn đầy công đức như Phật. Đức Phật đã chỉ dạy cho chúng ta con đường tu tập an lạc, giải thoát duy nhất này, dù tìm khắp cả thế gian cũng không có con đường nào khác, do đó mọi người cứ vững lòng mà tiến bước. Tu hành đúng theo chánh pháp thì ngay trong đời sống này luôn được an vui và khi chết sẽ nhẹ nhàng vãng sinh về Cực Lạc.
Thích Minh Thành

Doi Dien 1

Hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau

Đăng lúc: 15:42 - 21/06/2015

Người ta thường chia cắt thời gian ra thành quá khứ, hiện tại và tương lai, và nói rằng chúng ta chỉ có giây phút hiện tại này mà thôi. Nhưng thật ra trong giây phút này cái mà chúng ta đang có là sự sống. Đánh mất giây phút hiện tại này, không phải ta phí mất thời gian, mà cũng chính là ta đang đánh mất đi sự sống của mình.
Doi Dien 1
Tôi nghĩ rằng trong giây phút hiện tại này, dầu có thể chúng ta đang phải đối diện với những vấn đề, hay những hoàn cảnh bất như ý, nhưng mình hãy sống trọn vẹn với nó. Với một thái độ tiếp nhận trong sáng, và không mong cầu, ta có thể thấy ra rằng, chính những khó khăn ấy giúp mở ra cho ta thấy được những dính mắc và trói buộc của mình.

Cuộc sống bao giờ cũng có những khó khăn, nhưng tôi không để cho những bận rộn và âu lo ngăn trở không cho tôi tiếp xúc được với thực tại chung quanh mình, được ngồi với người thân, đi dạo trên con đường nhỏ nắng ấm, mỉm cười trong một ngày mưa… Bạn có thấy không, những hạt giống hạnh phúc cũng như những đóa hoa sáng nay, khi nắng ấm về, nào có ai nhắc đâu mà rồi chúng vẫn sẽ nở rộ.

Trong cuộc đời có những cái mà ta không nên, và cũng không thể, làm cho chúng nhanh lên được. Chúng cần thời gian, chúng cần sự chậm rãi. Và khi ta thúc hối những gì không thể thúc hối, khi ta không còn biết có mặt trọn vẹn với thực tại, ta vô tình đánh mất đi hạnh phúc trước mắt bằng một sự mong cầu nào khác xa xôi…

Tôi nghĩ, hạnh phúc chân thật không thể đạt được bằng sự nổ lực thay đổi hoàn cảnh, hay sự tập luyện để đạt đến một trạng thái nào đó, mà là do sự trở về tiếp xúc với tất cả với một thái độ buông xả, và một cái nhìn trong sáng của ta. Nếu như, ta biết bớt đi những nổ lực lăng xăng tìm cầu của mình bạn hả, thì có lẽ những khổ đau trong cuộc đời này cũng sẽ bớt phức tạp hơn nhiều…

Nguyễn Duy Nhiên

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 12
  • Hôm nay 4,302
  • Tháng hiện tại 61,687
  • Tổng lượt truy cập 23,467,936