Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Tịnh tín Tam bảo là cơ sở của hiếu thuận

Tịnh tín Tam bảo là cơ sở của hiếu thuận

Đăng lúc: 19:17 - 20/09/2017

Hiếu thuận với cha mẹ, biết ơn và đền ơn là những phẩm tính đạo đức rất quan trọng. Có thể nói, ai khiếm khuyết những phẩm tính trên thì què quặt, là ngợm chẳng nên người.

Dĩ nhiên bình sinh không ai phủ nhận hiếu thuận nhưng thực tiễn đời sống thì lại khác. Tùy nhân duyên mà mỗi người thể hiện chữ hiếu khác biệt nhau theo nghiệp của mình. Nghiệp ở đây là trình độ, nhận thức, quan điểm của cá nhân về hiếu thuận để ứng dụng thực hành. Ngoài ra còn có nghiệp duyên quá khứ đeo đẳng, vay trả, chi phối lên vấn đề hiếu thuận mà người thường rất khó nhận ra hay lý giải về chúng.
Theo Thế Tôn, đối với hàng Phật tử thì trọn niềm tin Tam bảo, tịnh tín Phật-Pháp-Tăng là cơ sở quan trọng để thiết lập và thực hành hiếu đạo. Thoạt nhìn, tịnh tín Tam bảo và hiếu đạo là hai vấn đề khác nhau, ít liên quan với nhau nhưng kỳ thực chúng có liên hệ mật thiết với nhau. Đoạn kinh văn dưới đây ‘chúng sinh muốn… vâng nhận phụng sự cha mẹ, anh em’, tức là có hiếu thuận thì cần giữ vững niềm tin trong sạch ‘không di động’ vào Tam bảo, rất đáng để chúng ta lưu tâm suy gẫm.

a tinhtin.jpg
Nhen nhóm niềm tin Tam bảo - Ảnh minh họa

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

Nếu cho chúng sanh muốn khởi tâm từ, có lòng tin thuần thành, vâng nhận phụng sự cha mẹ, anh em, dòng họ, nhà cửa, bằng hữu, tri thức nên đặt ở ba nơi khiến không di động. Thế nào là ba? Nên phát tâm hoan hỷ đối với Như Lai, tâm không di động, bậc Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thuợng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư hiệu là Phật, Thế Tôn.

Lại nên phát ý ở trong Chánh pháp, pháp của Như Lai khéo thuyết, vô ngại, rất là vi diệu, do đây mà thành quả vị. Như thế người trí nên học để biết, cũng nên phát ý với Thánh chúng này, Thánh chúng của Như Lai thảy đều hòa hợp, không có lẫn lộn, pháp thành tựu, giới thành tựu, tam muội thành tựu, trí tuệ thành tựu, giải thoát thành tựu, giải thoát kiến tuệ thành tựu. Thánh chúng nghĩa là bốn đôi, tám bậc, mười hai Hiền Thánh. Đây là Thánh chúng của Như Lai, đáng kính, đáng quý. Đây là phước điền vô thượng của thế gian. Có các Tỳ-kheo học ba điều này thì thành tựu quả báo lớn. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm 21. Tam bảo,
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.362)

Tin Tam bảo là nấc thang đầu tiên trên đường đạo. Những tưởng chúng ta dễ dàng chinh phục bước căn bản này để vượt lên những thứ bậc cao hơn nhưng thực tiễn lại khác. Chúng ta đều tin Phật Thích Ca nhưng chư Phật quá khứ, vị lai thì chưa trọn (trong khi các truyền thống Phật giáo đều nói đến chư Phật trong ba đời). Chúng ta đều tin Pháp (theo truyền thống của mình, nhưng không hiểu và không chấp nhận các truyền thống khác) trong khi ‘Pháp của Như Lai khéo thuyết, vô ngại, rất là vi diệu, do đây mà thành quả vị’. Còn tin Tăng là điều khó hơn vì thánh hiền Tăng ngày càng hiếm hoi, trong khi phàm và tạp Tăng thì ngày càng nhiều. Nên việc giữ tâm ‘không di động’ với Tam bảo quả là khó khăn.

Tuy nhiên, dù khó khăn đến mấy thì ‘không di động’ với Tam bảo là thách thức mà hàng Phật tử tại gia lẫn xuất gia phải vượt qua. Vì tâm không tịnh tín (tin sâu, tin với trí tuệ), niềm tin Tam bảo mà ‘di động’ thì không thể tiến tu được. Tịnh tín rồi thì tự khắc chúng ta cảm nhận được tinh hoa, thánh thiện nơi Tam bảo, giống như nhìn đá thấy ngọc, nhìn quặng thấy vàng. Nhờ đó mà niềm tin Phật-Pháp-Tăng trong ta ngày càng sâu sắc và bất động. Từ nền tảng này, những thiện tâm như từ bi hỷ xả, tàm quý hổ thẹn sợ hãi với những đều xấu ác, tha thứ và bao dung, hiếu thuận với cha mẹ và anh chị em ngày một lớn dần thêm. Thế nên, để trọn niềm hiếu thuận với cha mẹ và anh em, người con Phật trước cần trau dồi đức tin, thâm tín Tam bảo.
Quảng Tánh

Niệm Tăng

Niệm Tăng

Đăng lúc: 19:57 - 26/04/2017

Luôn quán niệm, nhớ nghĩ về ân đức Tam bảo, ba ngôi quý báu ở thế gian với tất cả lòng kính tin là một trong những điều kiện quan trọng để tiến tu trong Phật pháp. Với hầu hết mọi người con Phật, tin Phật là hiển nhiên, tin Pháp là đương nhiên nhưng tin Tăng thì khó hơn rất nhiều vì trong đó thánh phàm lẫn lộn.

niemtang.JPG
Tăng là đoàn thể đẹp, cùng đi trên đường vui...

Tăng-già hiểu theo nghĩa Sangha, hội chúng đệ tử Phật xuất gia gồm bốn người trở lên, hòa hợp và thanh tịnh ngày càng trở nên khó tìm. Tăng-già hiểu theo nghĩa tổ chức Giáo hội, Tăng đoàn lại càng khó để trọn niềm tin. Tăng-già là Thánh chúng (bốn đôi, tám bậc) thì cực kỳ hiếm hoi.
Thế nên, pháp Niệm Tăng hiện nay xem ra là pháp tu có nhiều điểm đáng bàn. Không niệm Tăng thì không thành tựu đức tin Tam bảo, mà niệm Tăng như lời Phật dạy dưới đây cũng chẳng dễ chút nào. Khi mà hội chúng xuất gia hiện nay hầu hết là phàm Tăng, chưa kể đến đội ngũ tạp Tăng, tìm mọi cách len lỏi vào Tăng đoàn với vô vàn lý do và mục đích khác nhau.

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Hãy tu hành một pháp, hãy truyền bá rộng rãi một pháp. Tu hành, truyền bá rộng rãi một pháp rồi sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nào là một pháp? Nghĩa là niệm Tăng.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

- Thế nào là tu hành niệm Tăng sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn?

Bấy giờ các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:

- Căn bản các pháp đều do Như Lai nói. Cúi mong Thế Tôn, vì các Tỳ-kheo mà nói diệu nghĩa này. Các Tỳ-kheo nghe lời Như Lai nói rồi sẽ thọ trì.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ vì các Thầy phân biệt rộng điều này.

Các Tỳ-kheo đáp:

- Xin vâng, Thế Tôn.

Các Tỳ-kheo vâng lời dạy rồi, Thế Tôn bảo rằng:

- Nếu có Tỳ-kheo chính thân, chính ý, ngồi kiết-già cột niệm trước mặt, không có tưởng khác, chuyên cần niệm Tăng (chúng): Thánh chúng của Như Lai nghiệp lành thành tựu, chất trực thuận nghĩa, không có nghiệp tà, trên dưới hòa mục, pháp pháp thành tựu, tam muội thành tựu, trí tuệ thành tựu, giải thoát thành tựu, độ tri kiến thành tựu. Thánh chúng là bốn đôi, tám bậc. Đó là thánh chúng của Như Lai, phải nên cung kính, thừa sự, lễ thuận. Vì sao thế? Vì họ là ruộng phước của đời. Ở trong chúng này đều đồng là pháp khí. Cũng vì tự độ mà độ người khác đến đạo Tam thừa. Nghiệp như thế gọi là Thánh chúng. Thế nên, các Tỳ-kheo, nếu có người niệm Tăng, liền có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nên, các Tỳ-kheo, thường nên tư duy, chẳng lìa niệm Tăng, liền sẽ được các công đức lành này. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này!

Bấy giờ các Tỳ-kheo, nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm 3.Quảng diễn,
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.47)

Nhìn vào hiện thực Tăng-già ở xứ ta hiện nay, hẳn thật khó để quán niệm về Thánh chúng với các phẩm chất “Nghiệp lành thành tựu, chất trực thuận nghĩa, không có nghiệp tà, trên dưới hòa mục, pháp pháp thành tựu, tam muội thành tựu, trí tuệ thành tựu, giải thoát thành tựu, độ tri kiến thành tựu. Thánh chúng là bốn đôi, tám bậc”. Có thể thấy rõ điều này qua một số hình ảnh thể hiện sự phân hóa, bất hòa, cát cứ, phiền não, chạy vạy, rối rắm đậm chất thế tục mà ai cũng biết với sự kìm nén đau lòng, thương cho Phật pháp.

Tuy vậy, về cá nhân của từng vị Tăng (Ni) hay các hội chúng đang ẩn dật nơi các thiền viện, tu viện, tịnh viện thì các phẩm chất của Thánh chúng nơi họ vẫn còn. Nhìn ra thế giới vẫn còn nhiều các bậc thầy đúng nghĩa, những hội chúng thanh tịnh đang tu tập giới định tuệ và tận lực hoằng hóa. Có thể xem đây là chiếc phao hy vọng cho những người con Phật bám víu để quán niệm về chúng Tăng với các phẩm chất hòa hợp, thanh tịnh mà khởi lòng kính tin.
Quảng Tánh

Bí ẩn về hóa thân của Đức Đạt Lai Lạt Ma

Bí ẩn về hóa thân của Đức Đạt Lai Lạt Ma

Đăng lúc: 22:02 - 23/05/2016

Theo các tài liệu nghiên cứu về Phật giáo Tây Tạng và nhất là cuộc đời của Đức Đạt Lai Lạt Ma Tây Tạng thì từ năm 1419 Tây Tạng đã có truyền thống về sự hóa thân khi Đại Sư Tsong Khapa qua đời.



Tây Tạng đã có truyền thống về sự hóa thân từ năm 1419.

Vị này đã chỉ định sư Gedum Truppa thay thế mình. Chính vị sư này đã nguyện rằng sau khi chết sẽ tái sinh trở lại để cứu độ chúng sinh. Để các đệ tử biết được mình sẽ hóa thân vào người nào, Đại sư đã chỉ rõ một vài thứ đồ dùng hàng ngày của mình và viết một bài kệ đặc biệt. Sau khi Đại sư Gedun Truppa viên tịch được 2 năm, các đệ tử đã thăm dò, theo dõi, tìm kiếm khắp nơi hóa thân của Đại Sư.

Lúc bấy giờ ở một vùng kế cận Thủ Đô, có một bé trai mới 2 tuổi nhưng ăn nói và hiểu biết thông thạo như người lớn. Nghe được tin này, các đệ tử của Đại Sư đã tìm đến tiếp xúc. Họ thấy cậu bé trả lời những câu hỏi do họ đưa ra rất trôi chảy. Sau đó là cuộc thử thách, họ đặt những di vật của Đại Sư Gedun Truppa lẫn lộn với nhiều đồ vật khác của những vị sư khác trong tu viện trước mặt cậu bé rồi hỏi như sau:

– Hãy cho biết những thứ nào người đã thường dùng ngày xưa?

Cậu bé nhìn tất cả các thứ rồi lựa chọn những di vật của Đại Sư Gedun Truppa để riêng ra một bên rồi nói:

– Đây là những thứ tôi thường dùng ngày trước.

Các đệ tử vô cùng kinh ngạc, một người nhớ lại bài kệ liền đưa cho cậu bé đọc thử. Không ngờ vào tuổi nhỏ như vậy mà cậu bé lại đọc được cả bài kệ và còn giải thích luôn những đoạn khó hiểu cho mọi người nghe.



Sau khi đã chắc chắn đó là vị Hóa Thân của Đại Sư Gedun Truppa. Các đệ tử đã rước cậu bé về tu viện và tôn lên làm Sư Trưởng với danh hiệu là Gedun Gyatso. Tại tu viện, cậu bé đã được huấn luyện rất kỹ về giáo lý quy luật và mọi thứ dành cho vị Sư Trưởng sau này. Gedun Gyatso rất thông minh, học một biết mười, có lần cậu bé thấy nhiều người trong tu viện kinh ngạc về trí thông minh của mình nên đã nói một câu như sau:

– Thế các người không biết ta chính là Đại Sư Gedun Truppa hay sao?

Về sau, cậu bé lớn lên trong tu viện cùng với các tài năng xuất chúng của mình. Lúc bấy giờ ông là một Sư trưởng nổi danh về tài đức, thông suốt mọi kinh điển Phật giáo và đã đi rao giảng, giúp đỡ mọi người từ những làng mạc xa xôi đến những nơi heo hút khiến mọi người dân ở Tây Tạng đều tôn sùng kính nể.

Sư trưởng có nhiều ước nguyện trong vấn đề cứu độ chúng sanh. Nhưng chưa thực hiện được bao nhiêu thì bệnh bất ngờ và qua đời. Trước khi tắt hơi, vị Sư trưởng này đã trăn trối lại mình sẽ tái sinh lần nữa để mong hoàn tất ý nguyện. Lần này, ông để lại một số di vật khác trước và một bài kệ mới để các đệ tử dùng trong việc tìm ra người mà Sư trưởng sẽ đầu thai vào.



Không đầy một năm rưỡi sau, người ta phát hiện được một ngôi làng ở rất xa thủ đô có một cậu bé ra đời trong một gia đình nghèo. Bé này có những cử chỉ và lời nói rất lạ lùng. luôn luôn tỏ vẻ nôn nóng và yêu cầu đến được tu viện để gặp mặt một số vị sư ở đó. Tu viện liền cử ba người đến ngôi làng ấy. Khi đi, họ đem theo các di vật của Sư trưởng cùng bài kệ.

Trước lúc phái đoàn đến nhà một ngày, cháu bé đã báo cho gia đình biết là: “Ngày mai sẽ có khách quý đến thăm, hãy chuẩn bị trà nước đón khách”. Quả nhiên ngày hôm sau phái đoàn tu sĩ của tu viện chính đến, cháu bé đã nhận ra một người trong đoàn, đó là một vị sư già. Các vị sư lại bày ra các di vật của sư trưởng chen lẫn với những thứ khác vào và yêu cầu cháu bé chọn ra hai đồ vật mà trước đây sư trưởng đã sử dụng. Cậu bé không chỉ chọn đúng đồ vật mà còn đọc cả bài kệ.

Cháu bé được tôn vinh sau đó làm vị Đại Sư tên là Sonaw Gyatso. Vị Đại Sư tài ba lỗi lạc còn hơn cả vị Sư trưởng trước. Điều này được các vị Trưởng Lão giải thích rằng: qua nhiều lần tái sinh và học hỏi, lần tái sinh sau bao giờ cũng đặc sắc hơn vì đây là một sự tiến hóa, trong đó có sự tiến hóa rõ ràng về kiến thức. Hơn nữa vì sự Hóa thân nên các vị này luôn luôn tu bồi thêm công quả và sự học hỏi của mình.

Năm 1588, Đại Sư Sonaw Gyatso qua đời, lần này vị Đại Sư căn dặn các đệ tử trước khi xuôi tay là mình sẽ lại tái sinh một lần nữa để cứu độ người Mông Cổ. Vị Đại Sư đã để lại một số di vật và một bài kệ ngắn để các đệ tử đối chiếu và tìm kiếm người hóa thân.

Đến khoảng năm 1593, các đệ tử mới tìm gặp một bé trai 5 tuổi có những điều rất phù hợp với cuộc thử nghiệm. Bé trai này được đưa về tu viện và phong danh hiệu là Yonsten Gyatso. Về sau, bé trai này trở thành Đạt Lai Lạt Ma.

Khi Yonsten Gyatso, vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 4 này qua đời, các đệ tử lại theo truyền thống như trình bày từ trước để tìm người kế vị. Đó là Hóa thân của chính Yonsten Gyatso. Đây là vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 danh hiệu là Lobsang Gyatso.

Các vị Đạt Lai Lạt Ma tuần tự nối tiếp theo phương thức Hóa thân đã cố gắng chăm sóc nhân dân và gìn giữ đất nước được độc lập lâu dài trong suốt mấy trăm năm.



Đạt Lai Lạt Ma lần thứ 14.

Tục truyền rằng khi vị Đạt Lai Lạt Ma Thupten Gyatso qua đời, nhục thân ngài ở vị thế ngồi tĩnh tọa và được ướp xác theo phương pháp cổ truyền. Nhưng sau đó các tu sĩ thấy mặt ngài đã chuyển về hướng Đông Bắc. Vị sư già nhiều kinh nghiệm đã suy ra rằng đức Đạt Lai Lạt Ma đã chỉ hướng, nơi mà ngài lại tái sinh.

Từ đó cuộc tìm kiếm vị Hóa thân của ngài được tiến hành. Một hôm họ nghe đồn về một cháu độ 3 tuổi rất thông minh và thường nhắc đến các vị sư cũng như thích kinh điển. Cháu bé rất vui mừng khi thấy các nhà sư vào nhà mình nên chạy vội đến mà ngồi lên đùi một vị trưởng lão hòa thượng vì vị này có đeo một chuỗi hạt rất đẹp vị sư hỏi:

– Tên ngươi là gì?

Cháu bé đáp:

– Tôi là Lhamo

Vị sư lại chỉ một nhà sư đứng bên cạnh và hỏi:

– Đây là ai?

Cháu bé đáp:

– Đây là Lạt Ma Scra.

Các cuộc trắc nghiệm kế tiếp đều được Lhamo làm đúng hoàn toàn. Do đó phái đoàn quyết định đưa Lhamo về kinh đô. Đến năm gần 5 tuổi. Bé Lhamo chính thức được tôn vinh là Đạt Lai Lạt Ma lần thứ 14.

Xuân Thu (Tổng hợp)

Trao đổi về bài: Sau khi chết xác thân chỉ là “Đất"

Trao đổi về bài: Sau khi chết xác thân chỉ là “Đất"

Đăng lúc: 22:04 - 17/12/2015

Ông bà tổ tiên sau khi chết thì tùy nghiệp tái sinh vào lục đạo, các vị ấy không ở trên bàn thờ...

HỎI: Tôi không đồng ý với câu trả lời của Tổ Tư vấn (TTV) về bài Sau khi chết xác thân chỉ là “đất”, đăng trên Giác Ngộ số 822, với 2 vấn đề dưới đây:

1. Còn việc bạn “mơ thấy cha hiện về, ông có điều gì đó phản ứng rất dữ dội” chỉ là biểu hiện của chính tâm thức bạn. Vì bạn suy nghĩ quá nhiều về điều ấy nên tâm bạn tự “nhào nặn” thành giấc mơ, hoàn toàn không phải là cha của bạn về báo mộng hay chưa tái sinh. Xin hỏi TTV dựa vào đâu mà phát biểu như vậy? Nếu đó chỉ là suy luận thì tôi nghĩ là không nên, vì từ suy luận đến thực tế khác xa lắm. Hơn nữa giác quan và tri thức của con người rất hữu hạn so với thực tại của vũ trụ.

2. Kinh Phật dạy rằng, một người chết đi lập tức tái sanh nếu sinh thời tạo nghiệp cực thiện hoặc cực ác. Còn nếu tạo nghiệp thiện ác lẫn lộn có thể trải qua thân trung gian, tối đa 49 ngày là tái sinh. Cha của bạn mất đã 29 năm, dĩ nhiên đã theo nghiệp tái sinh, không hề có chuyện “ông vẫn còn tham dự vào chuyện gia đình”. Vậy thì cúng Mông Sơn thí thực là để làm gì? Có phải vì lòng từ bi của nhà Phật mà đem thức ăn cho những chúng sanh đang đói khát hay không? Theo tôi biết, những chúng sanh đang đói khát đó chính là những người đã chết mà họ không đủ duyên để đi đầu thai. Trong kinh sách nhà Phật cũng nói rất nhiều về điều này. Thiết nghĩ, TTV nên trả lời những gì mình biết chứ không nên tùy tiện suy diễn.

(QUỲNH, quynhuyenvo@gmail.com)


Ảnh minh họa

ĐÁP: Bạn Quỳnh thân mến!

Trước hết, chúng tôi xin chân thành tri ân sự phản hồi của bạn. Trong quá trình học tập giáo pháp, sự thành tâm trao đổi, luận bàn có vai trò rất quan trọng giúp chúng ta soi sáng lẫn nhau để tin hiểu Chánh pháp sâu sắc hơn.

Vấn đề 1, bạn hỏi, dựa vào đâu mà phát biểu như vậy? Xin trả lời, chúng tôi đã dựa vào Chánh pháp. Theo một số kinh, luận (A-tỳ-đàm), cái gọi là giấc mơ hay chiêm bao có thể được tạo ra do nhiều nguyên nhân: Một giấc mơ có thể hình thành do những tác động sinh lý trong cơ thể, do sự tồn đọng của những hồi ức lúc thức, do sự tác động của một ngoại nhân có thần lực, hoặc chiêm bao cũng có thể là một điềm báo được tạo ra do sự chiêu cảm của nghiệp lực cá nhân hay tập thể.

Nói chung, hầu hết các giấc mơ đều là sản phẩm của tâm thức, là biểu hiện của chính tâm thức chúng ta. Tất cả các ý niệm, nhận thức, kinh nghiệm… của con người được lưu trữ trong tâm (tàng thức), tùy theo nhân duyên và hoàn cảnh mà biểu hiện thành những giấc mơ với nội dung khác nhau.

Chúng tôi tán đồng nhận định “giác quan và tri thức của con người rất hữu hạn so với thực tại của vũ trụ” của bạn, nhưng tin vào báo mộng của người chết là chuyện hoàn toàn khác. Chúng tôi không suy luận hay suy diễn mà hiểu rõ, giáo lý của đạo Phật không chủ trương tin vào báo mộng của người chết.

Nói rõ hơn, báo mộng là tín niệm dân gian. Tín niệm này vốn ăn sâu vào nhận thức của nhiều người ở khắp nơi trên thế giới. Tin vào báo mộng của người chết hay không là quyền của mỗi người, nhưng dưới ánh sáng chánh kiến của Phật giáo, mộng mị vốn là huyễn, không thực. Vì thế, Đức Phật không khuyến khích học tập các dị thuật như chiêm tinh, đoán mộng v.v…, thậm chí còn ngăn cấm.

Vấn đề 2, bạn hỏi, vậy cúng Mông Sơn thí thực để làm gì? Xin trả lời, cúng Mông Sơn thí thực nhằm bố thí thức ăn cho loài Ngạ quỷ đói khát được no đủ. Kinh điển nhà Phật nói rõ các chúng sanh trong lục đạo (thuộc Dục giới) bao gồm: Trời, người, a-tu-la, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục. Những chúng sinh nào tập nghiệp tham lam, bỏn sẻn nặng nề sau khi chết sẽ tái sinh (đầu thai) vào loài Ngạ quỷ.

Cần xác định “những chúng sanh đang đói khát” ấy chính là loài Ngạ quỷ, một số ít khác thuộc chúng quỷ thần, chứ không phải là “những người chết mà họ không đủ duyên để đi đầu thai”.

Cụ thể hơn, Phật giáo Nam truyền không chủ trương có thân trung ấm, chết là tái sinh tức khắc. Phật giáo Bắc truyền chủ trương con người chết đi có thọ thân trung ấm, trong thời gian thọ thân trung ấm vẫn có thể thọ dụng thực phẩm (mùi hương) do người thân hiến cúng, nhưng tối đa khoảng 49 ngày là tái sinh. Phật giáo Tạng truyền (Mật tông Tây Tạng) cho biết, một số rất ít các thân trung ấm có thể kéo dài hơn 49 ngày, nhưng đó là những trường hợp cá biệt.

Vì vậy, chúng ta thờ cúng ông bà tổ tiên nhằm thể hiện lòng hiếu kính và tri ân. Ông bà tổ tiên sau khi chết thì tùy nghiệp tái sinh vào lục đạo, các vị ấy không ở trên bàn thờ, và do nghiệp duyên nơi loài mà các vị ấy đã tái sinh vào cũng khác biệt nên không dễ hội đủ nhân duyên để can thiệp vào đời sống của chúng ta.

Mặt khác, không nên xem loài Ngạ quỷ (đã đầu thai), phần lớn cộng cư với loài người, thường được loài người cúng thí thực phẩm là “những người chết mà họ không đủ duyên để đi đầu thai”.

Chúc bạn tinh tấn!

TỔ TƯ VẤN

Thiện tri thức - Gần đèn thì sáng

Thiện tri thức - Gần đèn thì sáng

Đăng lúc: 10:54 - 01/12/2015

Ai cũng biết câu “Gần đèn thì sáng”. Trong đạo cho đến ngoài đời, nếu gặp thầy hay và bạn tốt, chắc chắn sự nghiệp của chúng ta sẽ thăng tiến, cuộc sống sẽ gặp nhiều điều tốt lành. Thầy hay và bạn tốt chính là thiện tri thức. Nhưng với thực tế đời sống hiện nay, thiện ác lẫn lộn, thật giả khó phân, cũng không phải dễ biết ai là thiện tri thức để tựa nương.
ganden.jpg
Thân cận người xuất gia để tăng trưởng niềm tin thiện lành - Ảnh minh họa

Trong nhà đạo, theo kinh nghiệm của Thế Tôn, thân cận những ai mà “niềm tin liền tăng thêm, giới, văn, thí, trí tuệ thảy đều tăng thêm” thì đó là thiện tri thức, cần nương tựa và học hỏi chư vị này đến suốt đời. Ngược lại, thân cận những ai mà niềm tin, giới, văn, thí, trí tuệ không tăng thêm, thậm chí suy giảm đi, thì chắc chắn đó không phải là thiện tri thức, cần phải tránh xa.

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Nên gần gũi Thiện tri thức, chớ lập theo hạnh ác, chớ tin vào nghiệp ác. Vì sao thế? Gần gũi Thiện tri thức rồi, niềm tin liền tăng thêm, giới, văn, thí, trí tuệ thảy đều tăng thêm. Nếu Tỳ-kheo gần gũi Thiện tri thức thì chớ tập theo hạnh ác. Vì sao thế? Nếu gần gũi Ác trí thức, sẽ không có tín, giới, văn, thí, trí tuệ. Thế nên các Tỳ-kheo! Hãy gần gũi Thiện tri thức, chớ gần gũi Ác tri thức. Như vậy, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Thiện tri thức,
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.321)

Thật rõ ràng, thiện tri thức là người có khả năng giúp mình phát triển năm thiện pháp tín, giới, văn, thí, tuệ.

Tín ở đây là tin sâu Tam bảo, Phật-Pháp-Tăng. Người Phật tử chúng ta tin Phật là bậc Giác ngộ. Tin lời Phật dạy là con đường sáng để đi đến an vui, giải thoát. Tin bản thể của Tăng-già luôn thanh tịnh và hòa hợp. Tam bảo là ngọn đèn sáng soi thế gian. Tin sâu Tam bảo là đặt bước chân đầu tiên lên lộ trình giải thoát.

Giới chính là những nền tảng đạo đức, có công năng giúp người giữ giới thiết lập hạnh phúc, an vui. Người Phật tử tại gia và xuất gia có giới luật khác nhau, họ tự nguyện giữ giới vì hạnh phúc và an vui cho chính mình và mọi người. Một người sống đạo đức mới có khả năng khuyến khích người khác giữ gìn và phát huy đạo đức.

Văn chính là học tập giáo pháp. Đức Phật vì thương chúng sinh mà nói pháp đến tận cuối đời. Lời Phật dạy chính là bậc thầy hiện hữu giữa thế gian. Giáo pháp có công năng trị liệu và chuyển hóa khổ đau rất nhiệm mầu. Ai có tâm học giáo pháp thì tự thân đã hướng thiện. Ai giúp người hiểu đúng giáo pháp chính là thiện tri thức.

Thí chính là sự chia sẻ tài sản, sức lực, tri thức…, là nguồn phước đức ở thế gian. Tự mình biết chia sẻ, khuyến khích người khác lập hạnh chia sẻ để cuộc sống thêm ấm áp, tươi vui. Bản chất cuộc đời là khổ đau, hạnh thí xả như dòng nước mát tưới tẩm những bất hạnh ở đời.

Tuệ chính là sự thấy biết đúng như thật về thân, tâm và thế giới. Nghiệp lực của con người luôn ngăn cản, che lấp sự thấy biết này. Thấy rõ quy luật nhân quả, hiểu rõ về Bốn sự thật cao thượng, nhận rõ bản chất duyên sinh của vạn pháp… là những tuệ giác lớn. Tuệ giác này sẽ giúp chúng ta chuyển hóa và đoạn tận khổ đau.

Trong đời sống hàng ngày, những ai có khả năng giúp chúng ta phát triển tín, giới, văn, thí, tuệ thì họ chính là thiện tri thức, cần nương tựa và học hỏi. Người học Phật cần tỉnh táo, không choáng ngợp, không chạy theo số đông trước bằng cấp, địa vị hay mọi thành đạt về hình thức nói chung của bất cứ ai, quyết không nương tựa nếu thực sự họ không phải là thiện tri thức.
Quảng Tánh

Sự đau khổ và cách thức diệt trừ

Sự đau khổ và cách thức diệt trừ

Đăng lúc: 06:49 - 27/07/2015

Đức Phật đã mô tả đặc điểm giáo lý của Ngài: “Ta chỉ dạy về đau khổ và cách chấm dứt sự đau khổ”.
Phật pháp, trên tất cả, luôn đưa ra một giải pháp cho vấn đề cơ bản của con người. Cũng theo Phật giáo, sự hiện hữu của con người hàm chứa một sự kiện vô thường: không có hạnh phúc nào và cũng chẳng điều gì có thể kéo dài mãi mãi. Mà luôn luôn là đau khổ (Dukkha) và cái chết.
Bước đầu tiên của Phật đạo dẫn đến thức tỉnh là phải nhận thức rõ điều này là vấn đề trước hết trong sự sống của con người, cần phải nhận biết rằng tất cả đều khổ đau – Dukkha. Đây không phải là quan điểm tiêu cực, bởi trong khi ý thức tính phổ biến của khổ, Phật giáo cũng đưa ra một giải pháp là con đường chấm dứt khổ đau. Chính Đức Phật đã mô tả đặc điểm giáo lý của Ngài: “Ta chỉ dạy về đau khổ và cách chấm dứt sự đau khổ”.
C

Đức Phật thuyết pháp – Tranh PG
Khổ – Dukkha được thể hiện qua 3 hình thức. Hình thức thứ nhất đơn giản là khổ “bình thường”, gây cho con người sự đau đớn về thân xác. Nó cũng là nỗi đau tinh thần: buồn phiền vì không đạt được điều mong muốn; sầu não khi xa cách người yêu mến hoặc mất đi những hoàn cảnh sung sướng. Nó cũng là nhiều tình huống đau đớn mà rõ ràng con người ta đều phải gặp: sinh, già và chết. Nền tảng của hạnh phúc là ý thức rằng không có thú vui hoặc khoái lạc nào mãi mãi vững bền. Dù sớm hoặc muộn, sự thăng trầm của cuộc đời sẽ mang lại sự thay đổi. Có một câu trong Phật giáo nói rằng ngay trong tiếng cười cũng có tiếng khóc, vì rằng tất cả tiếng cười đều vô thường. Tính chất bất ổn này nằm trong loại khổ thứ hai, là sự bất mãn vì thay đổi.
Có vẻ hình như chỉ có cái chết mới chấm dứt đau khổ! Song thực ra chết cũng là một hình thái khác của khổ. Theo Phật giáo, vũ trụ vô cùng rộng lớn so với cái thế giới vật lý trước mắt có thể nhận thức được bằng giác quan, và cái chết chỉ là một phần trong chu trình tái sinh bất tận (samsara). Cái chết tự nó không mang đến sự nghỉ ngơi nào cả vì những hành vi lúc sinh thời để lại những hậu quả cho những kiếp sau, giống như những hành động có ý thức trong những kiếp trước thường ảnh hưởng ít nhiều đến kiếp hiện tại.
Loại thứ ba của khổ là sự tương tác di truyền của hành động và nghiệp, vượt quá tầm nhìn và kinh nghiệm của con người. Trong ý nghĩa này, khổ áp dụng cho vũ trụ với tổng thể của nó và không một sinh linh có tư duy nào – con người, thần linh, ma quỉ, thú vật hoặc sinh vật trong địa ngục – dễ dàng thoát khỏi nó. Như vậy khổ không những nói đến sự đau khổ hàng ngày mà còn nói về thế giới cụ thể với những hình thái đau khổ có thể có và hình như vô tận, không có sự diễn dịch đơn giản nào có thể lột tả đầy đủ ý nghĩa.
Mục tiêu của Đạo Phật là sự chấm dứt hoàn toàn mọi hình thức đau khổ và nhờ vậy đạt được Niết-bàn (nirvana), nghĩa là diệt hết tham, sân, si là những thứ chuyên trói buộc con người ta vào vòng sinh tử. Theo đó, Đức Phật và những ai đã giác ngộ không còn khổ, mà cũng không “lăn lộn” trong vòng luân hồi, vì họ không bao giờ còn tái sinh nữa.
Như đã nói, khổ là tính chất tổng quát của vũ trụ, nhưng sự nổi trội của nó biến thiên theo từng “cảnh giới tồn tại” khác nhau. Ở cõi Tịnh độ giới nơi các đại thánh cư ngụ, ít đau khổ hơn Dục sắc giới là nơi cư ngụ của các thần thấp hơn, con người và các sinh vật khác. Giống như Đức Phật, khi quán thế là Ngài đã bước vào Dục sắc giới. Và cũng vậy, con người có thể vào Tịnh độ (Pure land). Điều này thường được thực hiện bằng thiền định, thông qua những mức độ thâm nhập khác nhau. Hình thức đặc thù của khổ trong tình huống này là không trường tồn do thiền gia không có khả năng duy trì trạng thái nhập định quá lâu. Để đạt được hạnh phúc lâu dài, mỗi cá nhân phải cố gắng hiểu được những quá trình vận hành tổng thể vũ trụ, tức là tái sinh và nghiệp, và chúng có thể bị ảnh hưởng như thế nào.
Giáo lý của Đức Phật được diễn tả súc tích nhất trong Tứ diệu đế (Catvary Aryasatyani, nghĩa là 4 chân lý quí giá), một “công thức” rất phổ biến trong Đạo Phật. Những chân lý này, nói về khổ và sự chấm dứt khổ, phản ánh nội dung giác ngộ của Phật. Theo kinh sách, Ngài đã thuyết pháp “Tứ diệu đế” cho 5 vị cùng tu khổ hạnh trước kia ở Lộc uyển (vườn Nai). Bài thuyết pháp này được gọi là “Chuyển pháp luân” và tạo nên một trong những giáo lý cơ bản nhất của Đạo Phật.
Theo đó, chân lý thứ nhất là sự thật tức thực trạng về khổ (Dukkha): Đức Phật nói rằng tất cả mọi thứ đều là khổ: sinh, già, bệnh, chết, chia ly, ước muốn không đạt, hư hoại – trạng thái của tất cả các hiện tượng thay đổi thường xuyên, có nghĩa bất cứ gì trải qua dù thú vị hay đau đớn, đều là khổ. Khổ là tình trạng tổng quát của vô thường, ảnh hưởng đến mọi vật.
Chân lý thứ hai, nguyên nhân khổ (Samudaya): Ngài giảng rằng sự khổ trỗi lên từ sự mê luyến những thứ như khoái lạc nhục thể, có nhiều hơn hoặc ít hơn, sự sống hoặc sự tự hủy. Sự mê đắm, hoặc tham lam là một phần trong vòng 12 duyên nghiệp của Lý duyên khởi, sinh ra từ cảm giác, cảm giác sinh ra từ tiếp xúc giác quan, tiếp xúc giác quan sinh ra từ 6 cơ quan cảm giác, 6 giác quan sinh ra từ trí óc và hình hài, trí óc và hình hài sinh ra từ ý thức, ý thức sinh ra từ hình thể, hình thể sinh ra từ vô minh, vô minh sinh ra từ khổ, khổ sinh ra do sinh, sinh sinh ra do thành, thành sinh ra từ thu giữ, thu giữ sinh ra từ mê luyến, và cứ thế lại quay vòng tròn. Là một trong những nguyên lý được tán dương nhất của Đạo Phật, Lý duyên khởi hàm chứa nhiệp, nhân quả, biến dịch và tự nguyện và con đường mà tất cả những hiện tượng được sinh ra tồn tại. Nó thường được mô tả là khởi đầu của vô minh.
Chân lý thứ ba (Nirodha): Ngài nói rằng để chấm dứt khổ, sự giải thoát tối cao và cuối cùng là cần phải dập tắt lửa tham, sân, si – khi ấy loại trừ được nguyên nhân khổ. Khi hiểu thấu đáo Lý duyên khởi và rút ra được những hậu quả của nó, khi vòng xích bị chặt đứt và sự mê đắm dẫn đến luân hồi được loại trừ thì khi ấy sự chấm dứt hoàn toàn và rốt ráo khổ mới đạt được. Đức Phật gọi chân lý thứ ba là “sự dừng lại”. Niết bàn không phải là tác dụng do một nguyên nhân nào gây ra, vì nếu nó có nguyên nhân, tất sinh hậu quả, thế là lại rơi vào Lý duyên khởi, nên không thể là một phương tiện thoát khỏi “bàn tay” của nghiệp và luân hồi.
Chân lý thứ tư là Bát chánh đạo (Magga): Ngài đưa ra những yếu tố dẫn đến diệt khổ, bao gồm: chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chính tinh tấn, chánh niệm, chánh định, chánh kiến, và chánh tư duy. Tám yếu tố này xác định ba điều cơ bản trong việc rèn luyện tâm linh Phật giáo gồm luân lý, định tâm và tuệ giác (Giới-Định-Tuệ).
Người ta cũng thường giảng giải Tứ diệu đế theo cách dùng một phác đồ y học. Ở chân lý 1, con người được chẩn đoán mắc bệnh khổ. Chân lý 2 cho biết mê luyến là nguyên nhân căn bệnh này. Chân lý 3 dự báo cho biết bệnh có thể chữa khỏi. Cuối cùng, chân lý 4 kê toa, dùng bài thuốc “Bát chánh đạo” để hồi phục sức khỏe bệnh nhân. Hoặc cũng có thói quen liên hệ một số hoạt động với Tứ diệu đế, Chân lý 1 đã được “lĩnh hội đầy đủ”. Chân lý 2 cần được tiêu trừ: nó đòi hỏi mê đắm phải được dập tắt. Chân lý 3 phải được nhận thức và biến thành thực tế. Và chân lý 4 là trau dồi, “được chuyển thành hiện thực”, tức là tuân thủ và giữ lấy. 4 bốn chân lý nêu trên xem ra vừa là phương tiện, vừa là cứu cánh. Một giáo lý rất hoàn chỉnh, lại đầy tính nhân bản mang lại niềm tin, sức sống cho con người, xã hội ở bất kỳ thời đại nào. Toàn bộ Phật pháp có thể coi như là bản chi tiết của Tứ diệu đế chính là như vậy!
Nguyễn Sinh
Lược dịch từ Buddhist Channel

Không phải là sư giả mà là tín đồ mặc áo tu sĩ xin ăn

Không phải là sư giả mà là tín đồ mặc áo tu sĩ xin ăn

Đăng lúc: 21:56 - 15/06/2015

Mục tiêu của những người bất hảo mà chúng ta đang nói đến là xin tiền, giả mạo làm tu sĩ Phật giáo chỉ là phương tiện. Trường hợp họ không tự nhận là sư khất thực, khi bị giữ chỉ nói mình là người tu, cũng phủ nhận việc xin tiền, thì cần giải quyết ra sao?
gia su
Gần đây, ở một số địa phương, nạn sư giả xin tiền được cho là đã phần nào giảm bớt. Một phương cách giải quyết được chú ý là chứng minh là sư giả bằng cách cùng công an tạm giữ, truy xét giấy tờ.
Đây là điều đáng mừng. Tuy nhiên, thực tế không đơn giản chỉ có hướng giả sư để khắc chế theo hướng chứng minh là sư giả, từ đó có biện pháp xử lý.
Bài viết này nêu một dạng thức khác của sư giả, là tín đồ thật (có giấy tờ) nhưng mặc quần áo tu sĩ để xin tiền và họ không tự nhận là sư nếu bị xét hỏi, chỉ tự nhận là “tu” chung chung. Đây là một cách thức đáng quan tâm để tìm giải pháp căn cơ.
Mục tiêu của những người bất hảo mà chúng ta đang nói đến là xin tiền, giả mạo làm tu sĩ Phật giáo chỉ là phương tiện. Trường hợp họ không tự nhận là sư khất thực, khi bị giữ chỉ nói mình là người tu, cũng phủ nhận việc xin tiền, thì cần giải quyết ra sao?
Vấn đề cần được thảo luận thấu đáo, vì nó tế nhị, phức tạp và khó xử hơn so với trường hợp tự nhận là tu sĩ Phật giáo nhưng không chứng minh được.
Đó là những người có giấy xác định là tín đồ (phái quy y) để cầm theo và xuất trình khi cần thiết. Họ cạo đầu, mặc áo tràng lam hay nâu, áo vạt mẻ…, là những loại quần áo người tín đồ Phật giáo vẫn mặc phổ biến lẫn lộn với tu sĩ.
Họ xin tiền, nhưng tay cầm thẻ nhang. Có người đội nón lá, khi ngửa nón giơ tới trước, họ là người xin tiền. Khi đội nón, cầm thẻ nhang, họ là người bán. Như vậy, về hình thức, những người này có thể dễ dàng di động qua lại giữa người tu sĩ/người tín đồ và người xin tiền/người bán hàng rong.
Ở trường hợp có chủ ý giả dạng tu sĩ Phật giáo, tự khẳng định là tu sĩ Phật giáo khi bị xét hỏi, đương nhiên người giả dạng rơi vào tình trạng gian dối, có mặc cảm gian dối, tội trạng rành rành, rất dễ xử lý việc giả mạo.
Nhưng ở trường hợp họ chỉ tự coi là người tu (hiểu là tín đồ hay tu sĩ đều được), mặc áo tràng, áo vạt mẻ theo thông lệ Phật giáo, đầu cạo trọc như một kiểu tóc (cạo trọc nay đã là hình thức tóc rất phổ biến), chuyển đổi một cách đơn giản giữa xin tiền và bán hàng, thì phải giải quyết ra sao?
Xét về lý, họ không nhận là tu sĩ, mà nhận là cư sĩ, thì không có điều gì giả mạo.
Còn xin tiền ngụy trang bán hàng rong là dạng thức rất phổ biến hiện nay, nhất là ở những tỉnh thành cấm người ăn xin. Giấy thông hành để đi xin tiền có thể chỉ là vài tờ vé số, có thể vài thỏi kẹo, trị giá vài chục ngàn đồng, để khi cần thì trưng ra nói mình đi bán. Phía xử lý, dù biết là chỉ với một bàn tay xòe ra, người bán hàng sẽ chuyển ngay thành người đi xin, nhưng rất khó đối xử với họ như người ăn xin.
Vấn đề dần dần hiện rõ với chính cái khúc mắc nằm ở ngay Phật giáo Việt Nam. Chính Phật giáo Việt Nam có tình trạng người tín đồ có thể mặc y phục của người tu sĩ. Chỉ cần cạo đầu trọc nữa thôi là ở nhiều trường hợp ăn mặc, rất dễ lẫn lộn người tín đồ thành người tu sĩ không khác. Cái khó là họ vẫn không phải là người giả mạo. Kỹ thuật chuyển dạng giữa người xin tiền và người bán hàng là không khó gì. Bùa hộ mệnh là vài thẻ nhang trong túi vải nâu tu sĩ. Nếu có bị giữ, họ khẳng định mình là tín đồ đi bán nhang, đầu trọc và áo tràng không phải là sư giả mạo, vì trong hoàn cảnh Việt Nam, đó không phải là đặc trưng riêng chỉ có ở tu sĩ Phật giáo.
Như vậy, vấn đề trở về lại trong tay chính Phật giáo Việt Nam. Ngày nào ở Phật giáo Việt Nam còn tập quán người tín đồ trang phục như tu sĩ, với áo tràng, áo vạt mẻ, thì ngày đó vẫn còn dạng sư giả nhưng bề ngoài là không phải giả. Thực chất, đó là tu sĩ tín đồ trang phục lẫn lộn, ngay cả văn bản hành chính của Phật giáo cũng cho phép trang phục như vậy, gọi đó là tịnh nhân. Mặc trang phục “tịnh nhân” nếu đi bán hàng rong, thì bề ngoài vẫn có thể, vẫn không phải sư giả. Thế thì, làm sao giải quyết?
Có lẽ ngày trước chư tổ khi chế định y phục người tu tại chùa đã không tiên lượng tình huống nếu để người tín đồ mặc, sẽ rơi vào cảnh tăng tục lẫn lộn, rồi tệ hơn có người lợi dụng hình thức được cho phép đó đi xin tiền, làm ảnh hưởng xấu đến đạo Phật. Điều này tuy bây giờ có thể điều chỉnh, nhưng xem ra không khả thi, vì việc tín đồ mặc áo tràng, áo vạt mẻ, cả áo nhật bình (có cách điệu, làm khác đi đôi chút), là xu hướng đang phát triển. Xu hướng này tất nhiên sẽ dẫn đến việc giả sư nhưng không thể buộc tội giả sư. Nó trầm trọng hơn, phức tạp hơn, bế tắc hơn.

Minh Thạnh

chuabavang com vn images Gallery chuabavang Gallery full 07482012 0948364

Phân Biệt Chính Tà

Đăng lúc: 08:25 - 06/05/2015

Cuộc sống luôn luôn bao gồm hai mặt thiện ác và chính tà lẫn lộn. Kỳ vọng về một mô hình hay đoàn thể lý tưởng, thuần thiện ở thế gian là điều không thể. Nên phải quan sát cuộc sống thật kỹ càng để phân biệt rõ người nào là thiện, kẻ nào là ác; việc gì là chính, việc gì là tà để rồi từ đó có ứng xử thích hợp.

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 6
  • Hôm nay 3,859
  • Tháng hiện tại 61,244
  • Tổng lượt truy cập 23,467,493