Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Thắng tích Maha Bodhi Tahtaung, Myanmar nổi tiếng thế giới

Thắng tích Maha Bodhi Tahtaung, Myanmar nổi tiếng thế giới

Đăng lúc: 21:13 - 10/11/2015

Danh lam thắng tích Maha Bodhi Tahtaung, nằm một dãy các ngọn đồi Po Khaung Taung, dọc theo bờ trên bờ sông Chindwin, phía đông thành phố Monywa, Myanamar.
Quần thể danh thắng này có một tượng Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Niết bàn, một trong những pho tượng tư thế nằm lớn nhất thế giới.

Tôn tượng Phật nhập Niết bàn được xây dựng trên 8 tháng 1, năm 1991, chiều dài 101 mét (333 feet) và rộng 18 mét (60 feet). Bên trong tôn tượng là một ngôi Đại Già lam, có thờ một bức tượng cao 9.000 foot bằng kim loại ghi lại hình ảnh của đức Phật và các đệ tử của ngài, miêu tả nhiều sự kiện quan trọng khác nhau trong cuộc đời của đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Năm 1995, lại kiến tạo thêm một tượng Phật dáng đứng khổng lồ, phía sau bức tượng Phật nhập Niết bàn, chiều cao 132 mét (433 feet), là một trong những bức tượng Phật lớn nhất thế giới và hoàn thiện vào năm 2008. Danh lam thắng tích Maha Bodhi Tahtaung được thành lập ngày 5/5/1960, do Lão Hòa thượng Sayadaw Narada khai sơn, ngài đã dành trọn đời mình vun quén cho ngôi Đại Già lam Phật địa này, Ngài trồng hàng nghìn cây Bồ đề, trên diện tích 6,1 ha (15 mẫu Anh), và ước nguyện tôn trí hàng nghìn tôn tượng Phật trong khu vườn Bồ đề này.

Đây là một trong những Trung tâm giảng dạy giáo lý Phật đà và thực tập thiền Vipassana cho chư tăng, cư sĩ tại gia.

Đại nguyện thành tựu viên mãn, Lão Hòa thượng Sayadaw Narada thanh thản xả báo thân tại thành phố Mandalay vào ngày 22/11/2006.


















Thích Vân Phong (Nguồn: Nevworldwonders)

Chiếc xe mới

Chiếc xe mới

Đăng lúc: 20:23 - 07/11/2015

Nhà chỉ có mỗi một chiếc xe máy, chỗ làm của hai vợ chồng lại cách nhau như mặt trăng với mặt trời nên nhiều khi rất bí.

Lắm hôm chị lấy xe đạp của con gái, gò lưng đạp, mệt muốn đứt hơi nhưng đến công ty vẫn trễ. Thường thì chị đi ké xe máy của đồng nghiệp; năm bữa nửa tháng lại giành phần đổ vài lít xăng thay bạn. Đằng nào thì cũng bất tiện nên ngay sau khi trang trải xong nợ làm nhà, chị quyết tậu chiếc xe mới.

Anh hào hứng hưởng ứng ý vợ. Nhưng mua xe gì? Theo chị, xe gì cũng được, phương tiện mà, miễn có chiếc xế nổ, vi vu cho mát mặt là sướng rồi. Anh nhăn mặt xua tay, tỏ vẻ không ưng sự dễ dãi như thế. Chị vẫn bảo lưu ý mình bằng cách nói thêm, chỉ cần một chiếc Wave hay Dream là vừa đẹp lại vừa hợp túi tiền với mình. Anh dửng dưng trước nét mặt ngời ngời niềm vui của vợ rồi bất ngờ xổ một câu nặng như chùy:“Quá lạc hậu!”. Chị ngớ người, chẳng biết ngạc nhiên vì lời nhận xét chắc như định đề kia hay bởi chưa hiểu ý chồng. Anh kéo dài sự ngơ ngác của vợ khi thong thả bật lửa châm thuốc rồi rung đùi nhìn làn khói phả từ mồm; lúc lâu mới cất giọng chắc nịch: “Người ta đang đua nhau lên xe hơi; mình bét nhất phải rinh một chiếc tay ga”. Đôi mắt căng tròn của chị bỗng chớp chớp như sực tỉnh; liền đó là giọng rời rạc như hụt hơi; chị loanh quanh xa gần rồi dừng lại ở tâm điểm “đầu tiên” – tiền đâu. Chị bảo, nhà vừa xây xong, còn bao thứ phải sắm; cùng lúc xoay đâu ra gần bốn chục triệu đồng để mua xe Attila hay Air Blade. Chị lung lạc anh bằng kể lể, nào là phải dành tiền đóng tủ bếp và tủ quần áo, cả cái giường sắm từ hồi mới cưới nay đã ọp ẹp, cũng cần thay. Anh cắt phăng cái giọng thỏ thẻ như mưa dầm của chị: “Phải dồn tiền tậu con xe hoành tráng cho nở mày nở mặt với thiên hạ. Còn đồ trong buồng trong bếp, sắm lúc nào chả được!”. Từ chỗ khấp khởi vui với chiếc xe trong tưởng tượng, bỗng chốc chị chới với giống như người nhìn chùm quả ngọt ngoài tầm tay. Năn nỉ chồng xuống thang không được, chị đành giở chiêu cuối cùng – chuyển gánh nặng “tiền đâu” về phía anh. Nhưng anh thoát nhanh với tuyên bố hệt như quân lệnh: “Đã mua thì phải xe tay ga, còn không thì thôi, không bàn lùi!”. Chị thả tay bất lực trước sự kiên định của chồng. Sau hai đêm trằn trọc, tính tới tính lui, chị liều cầm sổ đỏ tới ngân hàng, vay ba mươi lăm triệu đồng. Ngay trong ngày, anh đánh chiếc Air Blade mới cứng về, dựng chễm chệ giữa sân; nhìn vợ, cười trắng răng đỏ lợi. Liền đó, anh trao chìa khóa xe cũ cho chị.

* * *

Có xe là sướng rồi; cũ mới không thành vấn đề; chị nghĩ vậy và vui vui khi một mình một xe. Vậy là hết cảnh phập phồng chờ để đi nhờ xe; chẳng còn phải đạp xe gần mười cây số đến chỗ làm; có chìa khóa xe trong tay, tha hồ vi vu bát ngát; chị lan man trong niềm phấn khởi bất tận. Nhưng thực tế sau đó, chưa hẳn như chị nghĩ. Dù đã thủ riêng chìa khóa xe mới nhưng lắm lúc anh vẫn chạy xe cũ. Đi dự tiệc hay lễ hội, tất nhiên anh bệ vệ ngự trên chiếc xe bóng nhoáng; nếu đón con hay đi tắm biển, anh đổi xe. Đặc biệt, anh tối kỵ chạy xe đẹp dưới trời mưa; anh bảo, nước mưa khác gì a-xít, hại kim loại lắm. Anh về quê, chị bảo lấy xe mới chạy đường dài cho khỏe nhưng anh còn nhìn trời, nghe thời tiết. Nếu nắng ráo, anh nghe lời chị; nếu đang mùa ẩm ướt, anh nhất quyết chạy xe cũ, vì như lời anh: “Về quê, qua đường đồng nhầy nhụa bùn, xót xe lắm!”. Nguyên tắc của anh khi khởi hành là ngồi lên xe nhún nhún mấy cái, nhìn trước ngó sau một lúc rồi mới nổ máy.

* * *

Nếu có giải thưởng dành cho người giữ tốt dùng bền xe máy thì còn lâu mới thoát khỏi tay anh.

Bắt đầu từ việc để xe, rảnh rỗi hay vội vàng đều phải dựng chân chống giữa, đề phòng xe ngã. Dù chạy đường ngắn hay dài, lâu hay mau, cứ về đến nhà là rửa xe. Anh cởi trần, tay cầm vòi nước mở hết cỡ, tay kia nhăm nhăm miếng giẻ tẩm xà phòng, kỳ tới cọ lui cho bằng sạch mới thôi. Nếu có cảm giác, chắc chiếc xe phải rên lên vì đau. Và nữa, bao giờ anh cũng dùng nước máy để rửa xe, dù nhà có giếng khoan. Anh bảo, nước giếng đầy phèn, dây vào hại xe lắm. Sau rửa nước là lau khô rồi anh chĩa hai chiếc quạt quay vù vù nhằm tống khứ những giọt nước ngoan cố bu bám trên xe. Công đoạn cuối cùng là anh đánh xe vào nhà, bật chân chống giữa rồi lấy chiếu đắp lên. Nếu không lau chùi, anh lại ngồi lặng ngắm xe, huýt sáo vang nhà. Lắm lúc anh quanh quẩn bên xe, hết ngắm nghía lại mở nắp kiểm tra xăng nhớt rồi thử phanh, nổ máy bảo dưỡng hoặc đơn giản là chỉ sờ mó. Nếu đo đếm được độ quan tâm anh dành cho người và vật xung quanh thì phần dành cho xe chắc phải kha khá. Thấy chồng mải lăng xăng bận bịu vì chiếc xe, chị ngứa mắt, bảo: “Anh yêu xe hơn con thế kia, không sợ con gái tủi thân à?”. Vẫn không rời miếng giẻ lau đang miết nhẹ trên yên xe, anh gọn lỏn: “Của bền tại người”. Hẳn là thế nhưng mình xài nó, chớ đâu lại hầu nó như vậy – chị nghĩ.

* * *

Cô gái ở trọ bên cạnh thường bồng con qua nhà chị chơi. Thằng bé thấy xe là sà tới, hết nhảy nhót nói cười với chiếc gương chiếu hậu, lại đòi bấm còi rồi bật đèn xi-nhan để nghe kêu tít tít. Những lúc đó, anh không rời mắt khỏi xe và luôn mồm cảnh báo: “Coi chừng nó cào tróc sơn!”; “Chân bẩn thế kia sao lại đứng trên yên!?”. Mẹ con cô hàng xóm tưởng anh đùa, cười toe toét. Lần cuối, thằng bé lò dò tới bên chiếc Air Blade, nhặt chìa khóa ai đánh rơi dưới đất, rạch một đường lên chiếc vè trước. Đường rạch mong manh như sợi tóc, mơ hồ như ảnh ảo, mắt mười phần mười phải nhìn kỹ mới thấy. Nhưng anh nhăn mặt xuýt xoa rồi mắng té tát khiến thằng bé co rúm, khóc thét. Từ đó, nó chẳng bao giờ dám mon men lại gần chiếc xe. Cũng từ đó, nó không thích sang nhà chị chơi. Được mẹ dẫn qua, đặt đâu nó ngồi đấy, không còn táy máy, nghiêng ngó khám phá như mọi khi. Hình như thằng bé không chịu được gò bó, chỉ một lúc là đòi về. Chị lấy bánh và nước ngọt dụ nó ở lại nhưng nó chẳng thèm. Phòng trọ chật như bao diêm và nóng như hỏa lò nên nhiều buổi trưa thằng bé quanh quẩn bên gốc xà cừ trước nhà chị để tránh nóng. Chị đứng trong nhà, đưa tay vẫy vẫy “vào đây con, có quạt nè”; nhưng nó lắc đầu nguầy nguậy. Nhìn ánh mắt cảnh giác lẫn sợ sệt của con trẻ, chị thương nó, trách chồng.

* * *

Với chị, anh cũng chẳng khách sáo. Những khi xe cũ xẹp lốp hay hết xăng, chị bất đắc dĩ phải đi xe mới. Thấy vậy, anh có lời ngay: “Dắt ra dắt vô chỗ gửi xe phải cẩn thận, đừng để trầy xước”. Thường thì anh giành phần dắt xe ra tận đường rồi mới trao chìa khóa xe cho chị. Nhìn anh giúp vợ với vẻ mặt không vui, chị biết động tác chu đáo của anh chưa hẳn vì chị mà vì sợ chiếc xe bị “tổn



thương” khi được dẫn qua lối cửa hẹp. Lắm lúc chạy xe mà chị nghĩ đâu đâu, suýt đụng vào người ta. Ngồi xe đẹp mà đầu óc căng như dây đàn sắp đứt thì sướng ích gì?! Chị bực; rồi đến lúc cũng không thể im lặng đứng nhìn anh suốt ngày quấn quýt vuốt ve chiếc xe. “Mình cưỡi nó; cớ sao lại để nó làm khổ mình như thế!?”. Lời gay gắt của chị khiến anh cứng lưỡi nhưng rồi đâu lại vào đấy.

* * *

Nói anh không nghe, chị đấu tranh bằng hình thức tiêu cực. Những khi xe cũ không chạy được, chị liền túc tắc đi bộ ra chợ hoặc tới nhà bưu điện; còn khi đưa con đi học thì chị cũng chỉ dùng xe đạp. Vừa đi chị vừa chào hỏi, bắt chuyện với bà con xung quanh, cứ như để thông báo “tôi đang đi bộ đây”. Những lúc ấy, người phờ phạc, mồ hôi đẫm áo nhưng chị chẳng hề kêu ca, chẳng thèm nhìn chiếc xe bóng nhoáng dựng chình ình trước cửa. Người ngoài nhìn vào, thắc mắc: “Sao xe đắp chiếu, người lại hành xác thế kia?!”. Chị cười như mếu. Anh ngượng. Đến lúc anh năn nỉ, chị mới hay dùng chiếc xe vốn để chưng hơn để chạy. Tuy nhiên, chuyện người khổ vì xe vẫn chưa hết.

* * *

Một buổi tối, cô ở trọ gần nhà chạy qua mượn xe. Cô đã mời được mẹ vào trông cháu để cô đi làm. Nhưng bà mẹ quê lần đầu vào thăm con nên lớ ngớ, bị nhà xe cho xuống giữa đường tránh ở bên ngoài thành phố; chưa biết xoay xở sao giữa đêm hôm. Cũng may, bà cụ biết cách gọi điện thoại cho con gái, nên cô cần xe để đi đón mẹ gấp. Cô nhờ chị nhưng xe chị đang để ngoài tiệm sửa chữa. Cô chuyển hướng sang anh, thuyết khách như năn nỉ; chị cũng lên tiếng vun vào nhưng bị từ chối khéo: “Anh sắp đi công chuyện”. Cô hàng xóm nấn ná, hình như vẫn chưa hết hy vọng; chị thầm mong anh đổi lời. Nhưng không.

* * *

Cô hàng xóm vừa về thì chị to tiếng, liền một mạch, cứ như sợ anh chen vào: “Công chuyện gì?! Anh tệ lắm! Hôm anh đi du lịch vắng nhà liền mấy ngày, con bị ngộ độc thức ăn phải vào viện cấp cứu; anh biết cô ấy giúp đỡ sao không? Cô bỏ con nhỏ cho chồng, chạy vào viện, thức trắng đêm với em. Vậy mà giờ đây, chỉ có chiếc xe mà anh nỡ…”. Giọng chị nghẹn lại. Anh cúi đầu, im lặng. Chị ức muốn khóc. Lúc lâu anh mới ngước nhìn chị, lí nhí: “Em qua nói với cô ấy đi”. Chị chạy qua bảo cô hàng xóm sang dắt xe nhưng cô đã mượn được xe, đi rồi. Hôm đó và nhiều hôm sau đó, chị nén bực tức trong im lặng. Anh cũng buồn; suốt mấy ngày liền, chẳng thèm để ý đến chiếc xe yêu quý.

* * *

Anh chủ động làm lành rồi đổi chìa khóa xe cho chị. Trước vẻ ngạc nhiên của vợ, anh tươi cười: “ Em chạy xe tay ga hợp hơn; còn anh đi xe gì chả được”. Chị nhìn anh trìu mến, niềm vui ngời trong mắt; tất nhiên chẳng phải vì được chạy xe mới.

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 13
  • Hôm nay 3,326
  • Tháng hiện tại 60,711
  • Tổng lượt truy cập 23,466,960