Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Khổ hạnh, canh chừng thân tâm

Khổ hạnh, canh chừng thân tâm

Đăng lúc: 19:08 - 16/06/2017

Ăn chay trường là tốt nhưng ăn theo kiểu khổ hạnh khiến thân tâm đều kẹt thì cần điều chỉnh. Có một thời gian Đức Phật Thích Ca đi theo con đường tu tập khổ hạnh, có ngày chỉ ăn một hạt mè, nhưng không hề thấy kết quả tốt đẹp. Thế là Ngài thay đổi, xuống suối tắm gội sạch sẽ, và uống bát sữa của cô thôn nữ dâng cúng, rồi ngồi thiền 49 ngày đêm, đắc đạo. Bài học khổ hạnh ấy đáng cho chúng ta suy gẫm.

longbieton.jpg
Tu tập là làm cho bên trong mình sáng hơn chứ không phải làm cho bên ngoài mình cằn cỗi đi
Thân tâm đều kẹt

Hình như trong chúng ta, không ít người đã từng đi theo con đường khổ hạnh. Một số có thể thành công, nhưng một số lại sinh ra kẹt. Kẹt là vầy, cái thân thì suy kiệt, bệnh hoạn, còn cái tâm thì ngã mạn, kiêu căng. Chuyện đời khó mà lường hết được, cái tâm lại càng khó lường khi nó chuyển động…

Tôi cũng từng phát tâm ăn chay trường, và ăn được hai năm. Cái thuở mới biết đạo, tâm mình hùng dũng vô cùng, quyết đạp bằng mọi chướng ngại, bất kể quy luật của cuộc sống. Tôi làm cái nghề cứ phải đi công tác liên miên, có khi đi cả tuần mới về nhà, rồi lại đi tiếp. Mà cách đây 30 năm, ở tỉnh, ở huyện, ở các xã vùng sâu, làm gì có nhiều quán chay, thậm chí nhiều vùng không có quán chay nào. Cho nên tôi ăn chay theo kiểu khổ hạnh toàn ăn cơm với nước tương, muối tiêu. Hồi đó càng không có khái niệm ăn trứng. Nhưng tôi rất tự hào với sự kiên định của mình.

Ăn kiểu đó mà lặn lội mưa nắng, thức đêm thức hôm viết bài, chẳng mấy chốc tôi từ một phụ nữ mơn mởn đã biến thành một người má hóp, thân gầy, cao 1,6m mà nặng 32kg. Tệ nhất là, từ chỗ xông xáo vác ba-lô đi khắp nơi, tôi bỗng yếu xìu, leo lên tầng một ngôi nhà thôi đã chóng mặt, hoa mắt, thở hổn hển, thậm chí có lần suýt xỉu giữa đường. Coi như… mất sức chiến đấu.

Thế rồi… tôi sực tỉnh. Tôi nghĩ, phải chăng mình đang đi theo con đường khổ hạnh? Và nó có kết quả giải thoát hay không chưa biết, chứ biết chắc là mình sẽ chết. Tôi biết rõ cơ địa, nghiệp duyên và công việc của mình chưa đủ duyên để trường chay nên đành quay lại ăn chay kỳ mỗi tháng 10-15 ngày tùy theo tình hình đi công tác. Tôi hồi phục sức khỏe dần, năng động trở lại. Và tôi có sức để làm thêm công tác từ thiện, viết sách Phật, hoằng pháp.

Còn thêm một vấn đề nữa ngoài chuyện suy kiệt cơ thể do ăn chay kham khổ, mà tôi cho rằng vấn đề này mới thật sự quan trọng. Đó là cái tâm của tôi, khi ăn chay trường một cách kiên quyết và khổ hạnh như thế, tình cờ nó lại sinh ra ngã mạn. Từ chỗ tự hào bước qua kiêu căng, ngã mạn chỉ có một sợi tóc. Bởi vì mình thấy mình “hay” hơn người, mình thấy mình “tu” hơn người, mình nhìn mọi người chung quanh một cách coi thường, như là họ chẳng có sức tu như mình. Chưa hết, khi ăn chay trường thì tôi ngồi vô bàn tiệc với bạn bè khách khứa bằng gương mặt “cách biệt” lắm, làm như có một lằn ranh với họ, thậm chí sẵn sàng tranh luận về chuyện chay mặn, khiến nhiều lần mích lòng. Nhưng tôi chỉ thấy tôi đúng, tôi hay, còn lại mọi người là… đọa hết.

Chọn cách sống trung dung, cách ăn chay phù hợp

Vậy đó, cái tâm nó chuyển động lúc nào chúng ta không biết đâu. Và khi nó chuyển động có thể mình chẳng nhận ra. Rốt cuộc, tu cũng có nghĩa là nhận diện được tâm mình. Và tôi nhận ra, tu là càng tiến tới vô ngã, nhưng sao mình càng tu thì cái ngã của mình càng bự chảng? Vậy mình đi sai đường rồi. Tóm lại, tu kiểu này cái thân thì suy, cái tâm cũng tệ, vậy thôi… tu bình thường trở lại! Bình thường là chọn cách ăn chay phù hợp với cuộc sống người Phật tử, nhất là phù hợp với cơ thể, với công việc, là nhìn mọi người một cách dung dị, không cao thấp hơn thua. Tôi trở lại là người dễ gần, dễ cảm thông, và người ta thích tiếp xúc với tôi hơn trước.

Đó là một kinh nghiệm xương máu trên đường khổ hạnh của tôi. Sau đó tôi có quan sát thì thấy hình như một số người cũng mắc vào căn bệnh y như tôi. Vì vậy nói ra để chúng ta cùng tự điều chỉnh thân tâm.

Sinh hoạt ngoài đời cũng có những chuyện khổ hạnh. Nhiều bà mẹ, bà vợ cả đời chắt mót dành dụm lo hết cho chồng cho con, không hề nghĩ tới bản thân. Rất đáng ca ngợi. Tuy nhiên, có một số người do sống khắc nghiệt với bản thân nên tự nhiên sinh ra khắc nghiệt với người khác lúc nào không hay. Họ không dám ăn dám mặc dám chơi, cho nên khó chịu khi thấy người khác ăn mặc đi chơi thoải mái. Khó chịu, ganh tị, nói thị phi, ghét bỏ, thậm chí nổi sân, là những tâm lý có thật. Ngay cả bà mẹ chồng, sẽ thấy khó chịu khi nàng dâu ăn ngon mặc đẹp. Như vậy sự khổ hạnh vừa có ích lại có thể có hại. Chúng ta cần giải phóng bản thân khỏi sự ràng buộc này, nếu không, sẽ cứ quẩn quanh trong cái khổ của thân và tâm.

Có lần tôi mạnh dạn khuyên các bà mẹ và bà vợ rằng, trừ những trường hợp gia đình quá khổ, chứ nếu có chút ít điều kiện, thì hãy thương lấy bản thân chứ không cần khổ hạnh và khắc nghiệt. Thương bản thân thì có gì sai? Bản thân mình có đẹp, có khỏe, có năng lượng, có vui vẻ, thì mình mới đủ sức lo cho người khác. Mình như ngọn đèn muốn tỏa sáng ra chung quanh thì bản thân mình phải có năng lượng, phải nạp năng lượng.

Năng lượng từ đâu ra? Từ nhiều nguồn lắm. Ở đây, ngoài chuyện vô chùa tu hành, niệm Phật, áp dụng những phương pháp Phật dạy, thì tôi đề cập thêm chuyện Tục đế đời thường, bởi đa số ai cũng sống ngoài đời, mình nên nói những gì thực tế. Năng lượng mà một bà mẹ bà vợ có thể tìm là ăn ngon chút xíu, mặc đẹp chút xíu, thỉnh thoảng đi xem phim, xem hát, du lịch, gặp gỡ bạn bè, thậm chí thích đeo dây chuyền, cà rá thì cứ mua mà đeo cho vui, cho xinh, vì đó là đồng tiền do mình làm ra chính đáng. Một người phụ nữ tươi tắn như vậy chắc chắn ai cũng muốn gần. Bà vui, bà khỏe là người khác đỡ phiền rồi. Bà bố thí nụ cười cho chung quanh là tốt lắm rồi. Mà người như thế chắc chắn tấm lòng sẽ dễ chịu hơn, rộng mở hơn, sẽ giúp đỡ mọi người chứ không hề ích kỷ. Ở đây, tôi không nói bà phải sống xa hoa, chỉ cần bà sống cân đối thôi là được. Cân đối giữa thương mình và thương người, cân đối giữa tiết kiệm và chi xài, cân đối giữa khắc nghiệt và hưởng thụ… Cuộc sống đời thường cần sự cân đối hơn là cực đoan.

Tóm lại, khổ hạnh như ngài Ca Diếp là tuyệt vời, kính phục. Nhưng chúng ta chưa đạt tới trình độ đó, đẳng cấp đó, thì coi chừng… Thà tu, thà sống một cách bình thường, cân đối, thân tâm thăng bằng, trung đạo.
Diệu Kim

Học hạnh vô tranh

Học hạnh vô tranh

Đăng lúc: 09:35 - 25/07/2016

Lục hòa là một trong những nội dung tu tập quan trọng trong giáo pháp của Thế Tôn. Thanh tịnh và hòa hợp là bản thể của Tăng-già đồng thời là cơ sở để tiến tu nhằm thành tựu giới, định, tuệ và tăng trưởng tín tâm cho tín đồ Phật tử.
Sáu pháp lục hòa kính là gì

\luc-hoa.jpg

Thanh tịnh và hòa hợp là bản thể của Tăng-già, đồng thời là cơ sở để tiến tu nhằm thành tựu giới, định, tuệ

Được sống trong không khí hòa hợp, chung vui là niềm hạnh phúc của mọi người. Nhất là người xuất gia, nguyện sống không gia đình nên được sống vui trong sự bảo bọc, che chở, ấm áp đạo tình của Tăng-già là niềm hạnh phúc lớn.

Thế nhưng, vì nghiệp lực nên có người rơi vào những hội chúng nhiều bất hòa, thường nghi kỵ, tranh giành, đấu đá lẫn nhau. Nguyên nhân của tranh đấu thì rất nhiều nhưng căn bản vẫn là lợi và danh. Lúc mới xuất gia, với sơ tâm dũng mãnh thì lợi và danh thật bọt bèo. Nhưng rồi, chúng vẫn là cội nguồn để người ta tranh chấp. Thế mới biết tâm vô thường, đổi thay đến chóng mặt. Không phải bây giờ mà từ thời Thế Tôn, thời của Chánh pháp mà các Tỳ-kheo đã từng “có lúc dùng dao gậy đập nhau”.

“Một thời Phật ở thành Câu-thâm trong vườn Cù-sư-la.

Bấy giờ Tỳ-kheo ở Câu-thâm hằng ưa tranh tụng, phạm các hạnh ác, đối mặt cãi cọ, hoặc có lúc dùng dao gậy đập nhau. Bấy giờ Thế Tôn sáng sớm đến chỗ các Tỳ-kheo ấy. Đến rồi, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Tỳ-kheo các thầy, cẩn thận chớ gây gổ, chớ tranh phải trái với nhau. Này các Tỳ-kheo, nên cùng hòa hợp, là bạn bè cùng một thầy, đồng nhất như nước với sữa, sao lại gây gổ?

Khi ấy Tỳ-kheo ở Câu-thâm bạch Thế Tôn:

- Cúi mong Thế Tôn chớ lo việc này, chúng con tự lo liệu lẽ này. Lỗi lầm như thế, chúng con tự biết tội này.

Thế Tôn bảo:

- Thế nào, các thầy vì vua mà hành đạo, hay vì sợ hãi mà hành đạo, hay vì đời sống thiếu thốn mà hành đạo?

Các Tỳ-kheo đáp:

- Không phải thế, bạch Thế Tôn.

Thế Tôn bảo:

- Thế nào các Tỳ-kheo, các thầy há chẳng phải muốn xa lìa sanh tử, cầu đạo vô vi mà hành đạo sao? Nhưng thân ngũ ấm thật chẳng thể bảo toàn.

Các Tỳ-kheo đáp:

- Đúng vậy, Thế Tôn, như lời Thế Tôn dạy. Chúng con là con nhà vọng tộc, sở dĩ xuất gia học đạo vì cầu đạo vô vi, diệt thân ngũ ấm, thế nên học đạo.

Thế Tôn bảo:

- Các Tỳ-kheo không chịu học đạo mà lại tranh đấu đấm, đánh nhau, đối mặt gây phải trái, nói ác với nhau. Các thầy phải nên thành tựu hạnh này. Cùng đồng một pháp, một thầy dạy, cũng nên hành pháp lục hòa này, cũng nên hành thân, khẩu, ý hành này, cũng nên hành việc cúng dường những vị Phạm hạnh.

Các Tỳ-kheo đáp:

- Đây là việc của chúng con. Thế Tôn chớ lo việc này.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo ở Câu-thâm:

- Thế nào, các người ngu, các thầy chẳng tin lời của Như Lai sao mà nói Như Lai chớ lo việc này? Các thầy sẽ tự chịu quả báo tà kiếp này…”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm 24.Cao tràng 3 [trích],
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.513)

Đành rằng, khi chưa thành tựu các Thánh quả thì đôi lúc người tu cũng bị phiền não chi phối. Nhưng vì tham ái lợi danh che mắt mà dẫn tới đấu đá và tranh giành trong chốn thiền môn thì thật xót xa. Bởi không thấy được những tác động tiêu cực nhiều chiều từ việc tranh chấp kiên cố của mình, nghĩ rằng mình làm như vậy là đúng rồi kiên quyết bảo vệ quan điểm bạo động, tranh đấu, gây bất hòa. Cũng như các Tỳ-kheo ở thành Câu-thâm, trước lời khuyên của Thế Tôn mà vẫn ngoan cố “Đây là việc của chúng con. Thế Tôn chớ lo việc này”. Sự việc căng đến nỗi Thế Tôn phải cứng rắn “Thế nào, các người ngu, các thầy chẳng tin lời của Như Lai sao mà nói Như Lai chớ lo việc này? Các thầy sẽ tự chịu quả báo tà kiếp này”.

Hình ảnh các Tỳ-kheo thường tranh đấu, bất hòa với nhau như thế tục đã cho chúng ta nhiều suy ngẫm. Xét cho cùng thì vấn đề cũng không ngoài tham ái và vô minh, nguyên nhân căn bản của khổ đau. Nên xả buông với danh lợi thì tranh chấp, đấu đá sẽ giảm. Sống chung với nhau mà bất hòa là “oán tắng hội khổ”. Nên mỗi người hãy tự buông bỏ một phần chấp ngã, tham ái thì cơ hội hòa hợp sẽ mở ra. Buông hết thì mới thực sự lục hòa, thanh tịnh và an vui.

Ánh sáng cuối đường hầm

Ánh sáng cuối đường hầm

Đăng lúc: 09:52 - 05/07/2016

Giây phút nghe thấy tiếng chuông chùa ngân vang em như người mê bừng tỉnh khỏi cõi mộng. Em có thể ngửi được hương hoa đại đang lan tỏa trong không khí, nghe thấy tiếng chim hót trên mái chùa. Cảnh vật xung quanh em bỗng bình yên đến lạ kì.
Những tháng ngày sống trong bóng tối

Tôi tình cờ gặp em trong một khóa tu mùa hè, tính đến nay đã được hai năm. Ngày ấy, tôi ấn tượng bởi nụ cười và sự nhiệt tình của chàng trai trẻ ấy. Tôi nhìn thấy được sức sống trong ánh mắt và trong từng hành động của em với các bạn đồng tu. Thoáng nhìn vẻ bề ngoài chắc không ai biết được em từng có một khoảng thời gian chìm đắm trong sắc dục, không tìm được lối thoát.

Đó là năm em tốt nghiệp đại học. Sau khi có kết quả thi chờ ngày nhập học em cũng như chúng bạn dành hết thời gian vào việc nghỉ ngơi, thư giãn. Vì mới được tiếp cận với internet nên điều gì với em cũng đều mới mẻ và lạ lẫm. Từ đó, bất kể ngày hay đêm, lúc nào em cũng dính chặt vào màn hình máy tính. Và rồi em rơi vào lưới mê của con ma sắc dục lúc nào không hay.

Với bản tính tò mò của một đứa trẻ mới lớn, em chìm đắm trong các trang web đen và bị nhiễm một thói quen vô cùng xấu, đó là thủ dâm. Từ khi nhiễm thói quen xấu này, trí óc và thể lực của em giảm sút cực độ. Thành tích học tập cũng theo đó sa sút nghiêm trọng. Khi ấy, lúc nào em cũng nhốt mình trong căn phòng tối mịt, lảng tránh ánh nhìn cũng như khước từ những lời hỏi han, quan tâm của cha mẹ. Bởi với em, lúc này chỉ có thủ dâm mới đem tới sự khoái lạc.

Thủ dâm thật sự là một căn bệnh nguy hiểm bởi một khi đã dính vào thì rất khó thoát ra được. Có khi nó còn đáng sợ hơn cả ma túy. Em tâm sự những tháng ngày đó với em như sống trong bóng đêm vậy. Cả ngày em cũng không nhìn thấy ánh sáng, cứ mải mê đắm chìm vào nó rồi mệt lả đi lúc nào không hay.

Lúc đó nếu không may mắn được cậu bạn thân giúp đỡ thì có lẽ bây giờ em đã chết yểu rồi. Sau khi phát hiện ra thấy em có nhiểu biều hiện khác thường, cậu bạn đã gặng hỏi. Và lúc biết chuyện, bạn kiên quyết bắt em bỏ thói quen đó ngay lập tức. Nhưng đã nghiện thì làm sao dễ dàng bỏ cho được. Cuối cùng vào mùa hè năm ấy, cậu bạn đó “lừa” em đến tham gia một khóa tu mùa hè. Nói rằng ai tham gia sẽ được bồi dưỡng tiền mà em cũng tin. Vì từ lúc dính vào con ma sắc dục kia có lúc nào đầu óc em minh mẫn hay tỉnh táo đâu? Nhưng không ngờ đây lại là cơ hội giúp em phá tan được bóng đêm đen tối đang bủa vây lấy mình.


Ánh sáng trí tuệ của đạo Phật đã cứu rỗi một tâm hồn

Giây phút nghe thấy tiếng chuông chùa ngân vang em như người mê bừng tỉnh khỏi cõi mộng. Em có thể ngửi được hương hoa đại đang lan tỏa trong không khí, nghe thấy tiếng chim hót trên mái chùa. Cảnh vật xung quanh em bỗng bình yên đến lạ kì.

Những ngày được nghe các thầy giảng pháp và tham gia vào các hoạt động của khóa tu đã giúp em nhận ra được rất nhiều điều quý giá mà trước đây em không hề hay biết. Trong lòng em lúc này trào dâng niềm ân hận và nuối tiếc khi đã vùi lấp tuổi thanh xuân của mình cho thói quen xấu kia. Dẫu muộn màng nhưng quay đầu là bờ, em tự hứa với bản thân sẽ quyết chí làm lại cuộc đời của mình.

Trong cuốn sách “Đệ Tử Quy” có một lời dạy em rất tâm đắc: “Thân hữu thương di thân ưu, đức hữu hương di thân tu” (Dịch: Nếu thân thể của chúng ta bị thương thì cha mẹ sẽ lo âu. Nếu đức hạnh của chúng ta không tốt thì cha mẹ cũng cảm thấy tủi hổ”). Nói như vậy mới thấy thủ dâm không khác gì hành động bất hiếu đối với cha mẹ. Vì đó là hành động “tổn thân bại đức”, phương hại đến thân mạng và đức hạnh của chính mình. Thế mới hiểu vì sao người xưa vẫn luôn dạy: “Trăm cái ác, dâm đứng đầu. Vạn cái thiện, hiếu đứng đầu”.

Từ ngày tham gia khóa tu mùa hè ấy, em đã có những chuyển biến mãnh liệt trong nhận thức của mình. Em xóa sạch những trang web đen và chia sẻ kinh nghiệm của mình tới những người mắc phải “căn bệnh” giống như em. Em tâm sự với tôi lúc nào cũng háo hức tới mùa hè vì được tham gia các khóa tu cũng như đi từ thiện trên các vùng cao để giúp đỡ các mảnh đời khó khăn, cơ nhỡ.

Em chỉ mong sao sẽ có thật nhiều bạn trẻ tham gia các khóa tu do các chùa tổ chức. Bởi em biết đây sẽ là cơ hội để các bạn có thêm mối quan hệ trong xã hội, hạn chế và ngăn ngừa được các căn bệnh dễ gặp ở giới trẻ hiện nay như vô cảm, nghiện internet, ích kỉ, thực dụng.

Nhìn nụ cười hạnh phúc của em khi làm các công việc phật sự và cùng các huynh đệ hướng dẫn các em mới đến tu tập tôi thấy hoan hỉ biết mấy. Thiết nghĩ đạo Phật nếu được dạy trong trường học sẽ trang bị cho em hành trang vững chắc để tiến bước vào đời. Các em sẽ biết cách san sẻ tình yêu thương với mọi người, đủ tỉnh táo để không bị cuốn vào những cám dỗ trần tục. Và trên tất cả, các em sẽ biết cách nuôi dưỡng hạt giống từ bi và mở rộng tri kiến cho mình.

Đức hạnh là hành trang mỗi người nên tích lũy và vun trồng

Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ đã từng nói: “Tôi ngẫm thấy “Tre già thì măng mọc”, nói như vậy cũng chỉ là vu khoát, cần nói thêm rằng: tre già phải được dùng vào việc có ích và măng mọc cũng cần có hàng có lối, cần được chăm sóc và bảo vệ thì mới thẳng, mới đẹp, mới có ích cho đạo cho đời.”

Theo góc nhìn của cá nhân, tôi thấy việc hướng dẫn thế hệ trẻ biết đến đạo pháp là một việc làm cần thiết và đúng đắn. Một trong những bước đi đầu tiên đó là tạo cơ hội cho các em tham gia vào các khóa tu mùa hè. Bởi mái chùa là môi trường thích hợp giúp các em học được những bài học đầu đời giản đơn nhưng vô cùng quan trọng. Đó là tứ trọng ân: hiếu kính cha mẹ, tôn trọng sư trưởng, biết ơn tổ quốc và tôn trọng mọi người xung quanh.

Khi thấu hiểu những lời dạy ấy, các em sẽ không lao vào lối sống xa hoa buông xuôi theo thế tục hay lối sống gò bó bắt buộc phải khép mình trong giới luật. Giờ đây, các em sẽ biết xây dựng một cuộc sống an lạc xuất phát từ nội tâm.

Như vậy, các em dù không thành công nhưng cũng thành nhân. Lúc này, các em sẽ không còn bị phiền não khuấy động, tâm phẳng lạnh như mặt nước hồ thu, gương mặt sáng tựa như trăng rằm. Đại thi hào Nguyễn Du xưa kia đã từng viết:

“Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.”

Trách nhiệm ở nơi mình

Trách nhiệm ở nơi mình

Đăng lúc: 20:49 - 12/06/2016

Bạn phải rèn tánh can đảm để nhìn nhận khi mình phạm lỗi là do thiếu sót của mình.

Theo bản tính con người, tất cả chúng ta đều có khuynh hướng đổ lỗi, trách móc người khác vì những thiếu sót hay bất hạnh của mình. Có bao giờ bạn nghĩ lại rằng chính mình phải chịu trách nhiệm về những vấn đề của mình? Nỗi muộn phiền, bất hạnh của bạn không phải do lời nguyền của ai đó dành cho gia đình bạn, và được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Mà chúng cũng không phải do tội của vị tổ tông nào đó đã đội mồ lên để ám bạn. Nỗi khổ đau của bạn cũng không do Thượng đế hay ma quỷ nào tạo ra. Chính bạn là người tạo khổ cho mình. Chính bạn là người gây bất hạnh cho mình. Chính bạn mới có thể giải thoát cho mình.

Bạn phải tập gánh trách nhiệm cho cuộc đời mình và thừa nhận khuyết điểm của bản thân chứ không oán trách hay phiền hà người khác. Hãy nhớ câu nói của người xưa: “Kẻ vô học luôn đổ lỗi cho người; kẻ có chút học thức tự trách mình, còn người trí không đổ lỗi cho gì cả”.

Là người trí, bạn phải tập tự giải quyết vấn đề của mình mà không trách móc ai cả. Nếu mỗi cá nhân đều cố gắng tự sửa lỗi mình, thì thế giới này sẽ được bình an. Nhưng phần đông chẳng mảy may cố gắng để nhận thức rằng chính họ mới phải chịu trách nhiệm cho rất nhiều bất hạnh xảy ra cho mình. Họ thích tránh né. Họ nhìn ra ngoài để tìm kiếm nguồn gốc vấn đề vì họ miễn cưỡng, không muốn thừa nhận những thiếu sót của bản thân.

Tâm con người thường dễ tự dối mình, nên không ai muốn thừa nhận những yếu kém của bản thân. Họ sẽ tìm lý do gì đó để biện hộ cho hành động của mình và tạo ra ảo tưởng rằng mình không có lỗi. Nếu ta thực sự muốn được giải thoát, ta phải có can đảm thừa nhận sự yếu kém của mình. Đức Phật đã nói: “Thật dễ thấy lỗi người/ Quá khó để nhận ra lỗi mình”.

Bạn phải rèn tánh can đảm để nhìn nhận khi mình phạm lỗi là do thiếu sót của mình. Bạn phải thừa nhận là mình sai. Đừng bắt chước theo kẻ ngu luôn đổ lỗi cho người. Đừng lấy người làm bia đỡ đạn cho mình - làm vậy thật đáng trách. Hãy nhớ rằng bạn có thể thể lừa dối một số người trong một khoảng thời gian, nhưng không thể lừa dối tất cả mọi người, ở mọi lúc. Đức Phật đã dạy: “Kẻ ngu mà không nhận mình ngu, mới thực sự là ngu. Còn người ngu nhưng biết mình ngu thì trong mức độ nào đó cũng là khôn”.

Hãy nhìn nhận sự yếu kém của mình. Đừng trách móc người khác. Bạn phải nhận thức rằng bạn chịu trách nhiệm cho những bất hạnh và khó khăn xảy đến cho bạn. Bạn phải hiểu rằng cách bạn suy nghĩ cũng tạo ra những điều kiện khiến khó khăn xảy đến với bạn. Bạn phải luôn nhớ rằng, bạn có trách nhiệm đối với những vấn đề của mình. Bạn phải luôn nhớ rằng, bạn có trách nhiệm đối với bất cứ điều gì xảy ra cho bạn. “Không phải thế giới có vấn đề, mà vấn đề là ở chúng ta”.

Bạn phải chịu trách nhiệm về mối liên hệ với người khác

Hãy nhớ rằng bất cứ điều gì xảy ra, bạn sẽ không cảm thấy bị tổn thương nếu bạn biết cách giữ tâm thanh thản. Bạn bị tổn thương chỉ vì thái độ tình cảm mà bạn chấp trước đối với bản thân và đối với người. Nếu bạn thương yêu, tử tế với ai, bạn sẽ được đáp trả bằng thái độ thương yêu, tử tế. Nếu bạn tỏ thái độ hằn học, chắc chắn không bao giờ bạn được đáp trả bằng tình thương yêu. Một người sân hận chỉ thở ra khí độc và tự hại mình hơn là hại người. Người trí không để lòng sân khởi lên đáp trả lại sân thì sẽ không bị tổn thương. Hãy nhớ rằng không ai có thể làm tổn thương bạn trừ khi bạn để cho họ làm thế. Khi người khác trách móc, đổ lỗi cho bạn, nhưng bạn một lòng vững tin nơi Pháp (chân lý), thì Pháp sẽ bảo vệ bạn khỏi những sự tấn công, đả kích bất công. Đức Phật đã thuyết: “Ai xâm hại người lành/ Trong sạch, không nhiễm ô/ Điều xấu sẽ rơi ngay kẻ ấy/ Giống như tung bụi ngược chiều gió”.

Nếu bạn để cho người khác thỏa mãn ý nguyện muốn làm tổn thương bạn, thì bạn là người chịu trách nhiệm.

Đừng trách người - Hãy nhận trách nhiệm

Bạn phải tập canh giữ tâm bằng cách duy trì một quan điểm đúng đắn để không có bất cứ điều gì xảy ra ở bên ngoài có thể khiến bạn chao đảo. Bạn đang gặp khó. Nhưng bạn không nên trách móc hoàn cảnh khi sự việc không theo ý mình. Bạn không nên nghĩ rằng mình kém may mắn, là nạn nhân của số mệnh, hay do tâm địa ác độc của người. Không cần biết lý do của bạn là gì, bạn không nên cố gắng đun đẩy trách nhiệm của mình, bằng cách đổ lỗi cho hoàn cảnh. Hãy cố gắng giải quyết vấn đề của bạn một cách vui vẻ. Trong những lúc khó khăn, hãy sống lạc quan. Can đảm chấp nhận thay đổi nếu cần thiết, nhưng cũng phải đủ kiên quyết không chấp nhận điều gì bạn không thể thay đổi. Cần có đủ khôn ngoan để hiểu những vấn đề trong cuộc sống, giống như mọi người khác. Nhưng cũng phải khôn đủ để đối mặt với một số vấn đề mà không cảm thấy bất lực, khổ đau. Những khó khăn là thách thức để chúng ta vượt qua. Những người cố gắng phục vụ người khác gặp nhiều phiền phức hơn những kẻ không làm gì, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là người tốt nên chạnh lòng. Họ cần phải có trí tuệ để nhận thức rằng việc phục vụ không vì tự ngã sẽ có phần thưởng riêng của nó.

“Yêu thương mà không có trí tuệ hoặc có trí tuệ mà không có tình thương đều không thể mang đến một cuộc sống tốt đẹp” (B. Russel).

Bạn phải chịu trách nhiệm về sự bình an nội tâm của mình

Bạn phải học cách bảo vệ sự bình an, thanh tịnh mà bạn đã tạo ra được trong tâm mình. Để gìn giữ nội tâm thanh tịnh, bạn phải biết lúc nào cần đầu hàng; lúc nào phải dẹp bỏ tự ái qua một bên, lúc nào phải che lấp cái ngã giả tạo, lúc nào phải thay đổi thái độ ương ngạnh, hay tà kiến và lúc nào phải thực hành kiên nhẫn. Bạn không nên để kẻ khác tước đoạt sự an bình nội tâm của mình. Bạn có thể duy trì điều đó nếu bạn biết cách hành động khôn ngoan. Trí tuệ xuất hiện khi ta nhận biết vô minh. “Con người không phải là một thiên thần gãy cánh, mà là một sinh vật đang vươn lên”.

Thái độ đúng đắn đối với sự chỉ trích

Bạn phải học cách bảo vệ mình khỏi những chỉ trích bất công và tận dụng những góp ý có tính xây dựng. Bạn phải xem xét một cách vô tư, khách quan những góp ý của người đối với mình. Nếu sự phê bình, góp ý là chính xác, có cơ sở, xuất phát từ thiện ý, thì hãy chấp nhận chúng và sửa đổi. Tuy nhiên, nếu sự chỉ trích, phê bình bất công, không có cơ sở, xuất phát do ác ý, thì bạn không phải chấp nhận chúng. Nếu bạn biết cách ứng xử của mình là đúng, được người trí, có văn hóa chấp nhận, thì đừng lo lắng về sự chỉ trích không có cơ sở đó. Việc bạn hiểu đúng về cả hai sự phê bình có tính xây dựng và ác ý mới là điều quan trọng. Đức Phật đã dạy: “Trên đời này không có ai là không có lỗi”.

Đừng mong đợi điều gì thì không có gì làm bạn thất vọng

Bạn có thể bảo vệ mình khỏi thất vọng bằng cách không mong đợi điều gì quá đáng. Nếu bạn không trông đợi gì, thì không có gì làm bạn thất vọng. Đừng mong đợi phần thưởng cho những gì bạn đã làm được. Hãy làm điều thiện một cách bất vụ lợi bằng lòng tử tế. Nếu bạn có thể giúp đỡ người khác mà không trông đợi sự đáp trả nào, thì bạn không có gì để phải thất vọng. Bạn sẽ là người vĩ đại! Nguồn hạnh phúc phát khởi trong tâm do làm việc thiện chính là phần thưởng lớn của bạn. Hạnh phúc đó khiến ta cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.

Có lẽ bản tính bạn là người tốt, bạn không làm hại đến ai. Dầu vậy bạn vẫn bị người khác chê trách. Bạn phải đối đầu với những khó khăn, thất vọng dầu luôn giúp đỡ và làm điều tốt cho người. Lúc đó bạn có thể nghĩ, “Nếu làm tốt được tốt, làm xấu bị điều xấu, thì tại sao tôi phải gặp tai ương khi tôi hoàn toàn không có lỗi gì? Tại sao tôi có quá nhiều bất hạnh? Quá nhiều thất vọng? Tại sao tôi bị người khác trách móc, phàn nàn dầu tôi làm điều tốt cho họ?”. Câu trả lời đơn giản là khi bạn thực hiện một số việc tốt, bạn phải đối mặt với một số năng lực xấu, một số ma lực. Nếu không, thì là bạn đang gánh chịu một nghiệp xấu đã trổ quả.

Hãy tiếp tục làm điều tốt, rồi dần dần bạn sẽ thoát khỏi những tai ương đó. Hãy nhớ là chính bạn đã tạo ra sự thất vọng cho bản thân và chỉ có bạn mới có thể vượt qua được những thất vọng này, bằng cách quán chiếu về bản chất của nghiệp (hành động và phản ứng) và bản chất của cuộc sống như Đức Phật đã từng mô tả: “Nếu bạn có thể bảo vệ bản thân thì bạn có thể bảo vệ người khác”.

Nguyên tác HT.K. Sri Dhammananda
Diệu Liên Lý Thu Linh chuyển ngữ

(Từ You Are Responsible, trích trong quyển Purpose of Life, Nxb Kong Meng San Phor Kark See Monastery, Awaken Publishing & Design, Singapore)


Về tác giả: HT.K. Sri Dhammananda sinh năm 1919 tai miền Nam Tích Lan. Năm 12 tuổi, ngài xuất gia làm Sa-di, với pháp hiệu Dhammananda, có nghĩa là “người trải nghiệm được hạnh phúc nhờ nương tựa vào Pháp”. Ngài thọ Đại giới năm 1940, sau đó hoàn tất chương trình cao hoc tại Ấn Độ. Năm 1952, ngài được chọn đi Ma Lai đê hỗ trợ cac nhu cầu vê tôn giáo của các Phật tử người Sinhalese ở xứ này.

Nguyên là một vị lãnh đạo trong truyền thống Phật giáo Nguyên thủy ơ Ma Lai và Singapore, ngài là tác giả của hơn 70 đầu sách về đạo Pháp, được dịch ra hơn 16 ngôn ngữ. Là một Pháp sư nổi tiếng, ngài thường được mời đến giảng pháp tại Mỹ, Úc, Anh, Âu châu va nhiều quốc gia khác ở châu Á. Ngài đã an nhiên ra đi ở tuổi 87 vào năm 2006.

Trả nghiệp oan gia nhiều đời

Trả nghiệp oan gia nhiều đời

Đăng lúc: 06:45 - 27/07/2015

Người đời khi gặp quả xấu đến, nếu không oán trời trách đất cũng đổ thừa tại gia đình người thân hay xã hội, ít ai nghĩ đến nhân quả công bằng mà sinh lòng ăn năn hối cải.
Chúng ta phải nên biết: "trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu" là lẽ đương nhiên, đã gieo nhân xấu ác tất phải chịu quả khổ đau. Hiện đời làm ác mà vẫn hưởng phước, là do nhiều đời trước đã biết tích lũy phước báo nhưng không tu trí tuệ buông xả nên đời này vẫn tạo nghiệp ác. Ví như nhiều đứa con nhà giàu do ỷ lại cha mẹ, nên mặc tình ăn chơi bài bạc, nhưng không bị quả báo thiếu thốn, là do cha mẹ có quá nhiều của cải.

Trong cuộc sống thế gian thường nói có nợ mới có duyên, nhân quả vay trả để con người đến với nhau để trả nợ cho nhau bằng tờ giấy hợp đồng ở kiếp trước. Trong sự tái sinh luân hồi vô số kiếp, nhân quả tốt xấu đời trước sẽ theo duyên mà tiếp tục đến đời sau.
Người làm lành mà hay bị tai nạn, là do đời trước gieo nhân xấu nhiều giờ đủ duyên phải trả quả, nếu đời này không làm lành thì họa càng lớn hơn nữa. Chính vì vậy mà chúng ta phải tu ngay từ bây giờ để chuyển hóa nỗi khổ niềm đau thành an vui hạnh phúc. Tu là sửa, sửa xấu thành tốt, sửa sai thành đúng, sửa mê thành ngộ…

Chúng ta nên nhớ, tu là bỏ ác làm lành, nếu trong hiện đời có tai nạn xảy ra, biết đó là nghiệp quá khứ còn rơi rớt lại, không thối chí nản lòng mà kiên quyết vượt qua mọi trở ngại khó khăn. Chúng ta đừng nên nghĩ tu là mọi nghiệp xấu sẽ sạch hết, mọi chuyện đều được như ý muốn.
Khi chúng ta phát tâm tu, nếu gặp người làm chuyện khó dễ gây phiền hà, ta không nên buồn giận mà phải quán từ bi để lần hồi chuyển hóa họ. Nhất là những Phật tử có gia đình mà biết tu, khi bị gia đình người thân làm khó dễ, chớ nên buồn giận mà hãy tìm cách thuyết phục.
Chính Phật ngày xưa khi đi giáo hóa mà vẫn bị người đời dèm pha mắng chửi. Phật đi giáo hóa trong vùng Bà La Môn khiến nhiều người nhận ra chân lý mà phát tâm theo Phật, tức quá họ ra đón đường chửi Phật. Thấy Phật thản nhiên làm thinh, đi từng bước chân an nhàn họ chạy nhanh lên phía trước chận Phật lại và nói:
Này Cù Đàm ông có điếc không?
Dạ thưa quý ngài tôi không điếc ạ.
Nếu không điếc tại sao làm thinh?
Phật ôn tồn hỏi lại này Bà La Môn, nếu nhà ông có đám giỗ, khi mãn tiệc họ ra về, ông lấy quà đem tặng họ, nhưng họ không nhận thì quà ấy thuộc về ai?
Thì quà ấy thuộc về tôi, chứ còn ai nữa.
Cũng vậy, từ sáng đến giờ ông chửi ta, nhưng ta không nhận thì có lỗi gì với ông. Ông Bà La Môn nghe Phật nói thế liền cảm thấy xấu hổ và tự rút đi.
Người ta kêu tên Phật chửi mà Ngài cũng không buồn giận gì hết mà còn dùng nghĩa lý để chuyển hóa kẻ ghét bỏ mình. Còn chúng ta, khi bị ai nói động đến thì liền tìm cách trả trù, trả thù không được thì hẹn mười năm sau trả thù cũng chưa muộn, bởi vậy ta phải làm chúng sinh dài dài.
Chúng ta do si mê chấp ngã, nên ai chỉ nói một lời hơi nặng nề, thì ta ôm ấp mãi trong lòng mà tạo ra nỗi khổ niềm đau cho mình và người khác. Phật ví dụ người ác mắng chửi người có nhân cách đạo đức, giống như người ngậm máu phun người dơ miệng mình. Thế cho nên, ai chấp trước và dính mắc nhiều sẽ nhận quả khổ đau, mình chưa hại được ai mà đã hại chính mình.
Đa số chúng ta khi phát tâm tu thường cầu an suông, nếu không có người thử thách thì làm sao biết mình làm chủ được thân tâm nhiều hay ít. Chúng ta còn buồn giận nhiều về những việc bất như ý, đó là ta chưa tu tiến.
Tu là chuyển nghiệp để giảm bớt phiền não khổ đau mà được an vui hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ. Người nào còn tham chấp nhiều thì sẽ khó mà chuyển nghiệp hết rầu chuyện này lại trách móc chuyện kia, tu như vậy không được lợi ích gì cả. Tu là biết cách làm chủ thân miệng ý, như đức Phật bị người chửi mắng, bị người vu oan giá họa mà Ngài vẫn bình tĩnh an nhiên trước những sóng gió của cuộc đời. Kính mong rằng ai cũng ý thức việc tu học của mình để chúng ta cùng sống bên nhau bằng tình người trong cuộc sống.

Thích Đạt Ma Phổ Giác

Thà khuấy động nước nghìn sông, chứ không được làm động lòng người tu đạo

Thà khuấy động nước nghìn sông, chứ không được làm động lòng người tu đạo

Đăng lúc: 07:48 - 05/07/2015

Thiền phòng tĩnh lặng như đầm nước chết, yên ắng như chốn không bóng người;

Chỉ có lão thiền sư đứng trông, mọi thứ trước mắt ông đều minh bạch;

Bốn mươi vị pháp sư tham gia bế quan lần này;

Hôm nay đã đến quan ải cuối cùng, cửa ải vượt ngoài sinh tử;

Cửa sinh tử ấy chính là sắc tình, sắc tình chẳng đoạn, sinh tử khó thoát.

Chỉ mong sao những vị pháp sư hôm nay không xảy ra chuyện gì, thuận lợi vượt quan.

Một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần chợt xông thẳng vào trong phòng thiền…..

Trong lúc lão thiền sư đang lo lắng cầu nguyện, bỗng có tiếng cãi cọ từ ngoài cửa truyền vào;

Thì ra là vị pháp sư canh giữ bên ngoài thiền phòng đang tranh cãi với một người con gái, lão thiền sư lẳng lặng mở cửa phòng đi ra để can ngăn cuộc cãi vã, nhưng chính ngay lúc đó, người con gái đẩy mạnh cửa phòng, bất thình lình cất bước xông thẳng vào phòng thiền.

Khi vị pháp sư trông coi phòng thiền muốn ngăn lại nhưng chẳng kịp, bốn mươi vị pháp sư đang thiền định vượt quan, nghe thấy tiếng cửa phòng mở, gần như đồng thời mở mắt, tất cả đều bị cô gái ở trước mặt làm cho sững sờ.

Một thiếu nữ duyên dáng yêu kiều, thật là tú mĩ, đoan trang, xinh đẹp, diễm lệ biết bao; ánh mắt của cô đảo quanh một vòng, nhìn khắp từng vị thiền sư đang ngồi ngay ngắn nơi kia; rồi đáp lại bằng một nụ cười thanh nhã dịu dàng; giây phút ấy thật khiến người ta ngơ ngẩn tâm hồn, nụ cười rung động lòng người đó, đủ khiến cho bất cứ người nào một lần nhìn thấy cả đời khó quên.

Lão Thiền sư cung kính hợp thập hỏi:

“Xin hỏi nữ thí chủ, cô đi vào thiền phòng của tôi, không biết là có việc gì”.

“A Di Đà Phật! Tiểu nữ được biết các vị pháp sư bế quan tu luyện ở đây, vậy nên đặc biết đến đây để cúng dường cho mỗi vị một đôi giày, cúi xin lão thiền sư từ bi, để cho tiểu nữ có thể hoàn thành tâm nguyện của mình”.

“Nếu đã như vậy, xin thí chủ hãy để giày lại, để sau khi xuất quan, lão nạp sẽ thay thí chủ phát lại cho mỗi người là được rồi”.

Thiếu nữ khẽ lắc đầu, mỉm cười đáp:

“Tiểu nữ đã phát nguyện rằng sẽ đích thân đem mỗi đôi tăng hài mà mang vào chân cho từng vị pháp sư, cúi xin ngài hãy rủ lòng từ bi, như vậy vừa hoàn thành tâm nguyện của tiểu nữ, cũng hoàn thành tâm nguyện khó nói của chư vị pháp sư”.

Người thiếu nữ đích thân mang từng đôi hài vào chân cho các vị pháp sư…..

Lúc này, bốn mươi vị pháp sư trong phòng thiền vừa nghe thiếu nữ muốn đích thân mang giày vào cho mình, người nào người nấy tim đập thình thịch, ai ai cũng đều lộ vẻ vui mừng ra mặt.

Lão thiền sư bất đắc dĩ thở dài một hơi, hai tay hợp thập đáp:

“Nếu đã như vậy, xin thí chủ cứ tự nhiên”.

Thiếu nữ khẽ dời gót sen, lần lượt mang giày cho từng vị pháp sư. Khuôn mặt kiều mĩ đó, bàn tay mềm mại đó, dáng vẻ thướt tha đó, mùi hương thơm ngát đó, khiến cho bậc tu hành ai nấy đều thở dài xúc động:

Nếu có thể bầu bạn với cô gái này chỉ một ngày thôi, cho dù có chết cũng mãn nguyện!

thiền, sắc tình, người tu đạo, Bài chọn lọc,

Thà khuấy động nước nghìn sông, chứ không được làm động lòng người tu Đạo! Cô hôm nay đã khuấy động đạo tâm của bốn mươi vị pháp sư trong thiền phòng của ta…..

Khi thiếu nữ mang xong giày cho vị tăng nhân cuối cùng, chuẩn bị rời khỏi phòng thiền, thì mới phát hiện rằng cánh cửa thiền phòng đã bị khóa cứng, thiếu nữ đến trước mặt lão thiền sư hỏi:

“Sư phụ, người nhốt tiểu nữ trong phòng thiền này, chẳng hay có dự tính gì? Tiểu nữ ra ngoài thế nào đây?”

Lão thiền khuôn mặt thâm trầm tĩnh lặng như nước, lạnh lùng nói:

“Cô hôm nay còn định ra ngoài sao?”

“Đúng vậy, tăng hài đã mang xong rồi, tiểu nữ cũng phải trở về nhà thôi”.

“Thà khuấy động nước nghìn sông, chứ không được làm động tâm người tu hành! Cô hôm nay đã khuấy động đạo tâm của bốn mươi vị pháp sư trong thiền phòng của ta, vậy mà cô còn suy nghĩ sẽ sống sót mà bước ra khỏi đây hay sao?”

Thiếu nữ bàng hoàng, hỏi:

“Tiểu nữ đến để bố thí tăng hài, các pháp sư thấy sắc động tâm, lẽ nào đây lại là lỗi của tiểu nữ? Xin người hãy mau mở cửa thả tiểu nữ ra ngoài”.

“Thả cô ra thì rất dễ, nhưng cô phải để lại một thứ”…..

“Xin hỏi sư phụ, người muốn tôi để lại thứ gì?”.

“Mạng của cô”, lão pháp sư nói như đinh đóng cột.

Thiếu nữ nước mắt lưng tròng, đau đớn lòng người mà quỳ trước mặt lão thiền sư, ủy khuất hỏi:

“Cớ sao lại muốn mạng của tiểu nữ?”

“Vì cô hôm nay đã gieo một nhân ác, ở trước mặt cô chỉ có hai con đường: Một, cô sẽ phải luân hồi trong kiếp thân nữ đến bốn mươi đời, lần lượt gả cho bốn mươi vị pháp sư đã vì cô mà động lòng phàm, họ cũng sẽ phải luân hồi trong lục đạo, bất luận họ chuyển sinh vào đường nào, cô đều phải tùy theo nghiệp chướng mà gả cho họ. Hai, chính là hôm nay cô chết tại nơi này, để đoạn đứt cái nhân luân hồi trong bốn mươi kiếp này“.

Thiếu nữ hoảng sợ mở to đôi mắt diễm lệ của mình, mặc cho nước mắt ủy khuất chảy dài xuống hai gò má.

“Tiểu nữ không còn có sự lựa chọn nào khác nữa sao?”

Lão thiền sư kiên quyết trả lời:

“Đúng vậy! Hai con đường tùy cô chọn lấy”.

Thiếu nữ chậm rãi nói với lão thiền sư rằng:

“Phiền ông hãy kiếm cho tôi một dải lụa, thà rằng tôi để mạng lại đây, cũng không muốn luân hồi làm thân nữ trong bốn mươi kiếp nữa”.

Nghe thấy những lời của người thiếu nữ, bốn mươi vị pháp sư trong phòng Thiền đều ngẩn người ra, nhìn thấy người thiếu nữa mới đây thôi vẫn còn yêu kiều quyến rũ rung động lòng người, mà giờ đây lại thần sắc nặng nề, tay cầm dải lụa từ từ đi đến trước cửa để kết thúc sinh mệnh quý báu, mỹ lệ của mình, không ai không cảm thấy tiếc nuối.

Người thiếu nữ đó đã tự sát, chính là chết treo trên xà ngang ngay trước cửa thiền phòng…..

Đó từng là một sinh mệnh tràn đầy sức sống, mà nay như đống tro tàn nguội lạnh; đó từng là gương mặt diễm lệ như hoa như ngọc, nay đã nhợt nhạt lạnh lẽo, dù không mất đi vẻ đẹp của mình.

Ba ngày sau đó, thi thể người thiếu nữ bắt đầu thối rữa, dung mạo mĩ lệ cũng đã đổi màu; nhưng lão thiền sư cứ giống như chưa từng xảy ra chuyện gì, mỗi ngày trông coi bốn mươi vị pháp sư bế quan tu luyện trong phòng thiền.

Mỗi ngày trôi qua, thi thể của người thiếu nữ từng ngày cũng đang phát sinh biến hóa; nguyên là thân thể thướt tha yểu điệu, giờ đây đã sưng vù rữa nát không sao tả được; gương mặt từng khiến cho bao người động lòng kia, giờ đây đã biến thành màu xanh nhạt. Thi thể không ngừng rỉ nước, bốc ra những mùi hôi thổi khiến người ta ngửi thấy muốn nôn. Những vị sư phụ bế quan không cách nào chịu đựng được nữa, muốn xin lão thiền sư mở cửa sổ ra để thay đổi không khí, và dời cái xác chết này đi. Tuy nhiên, lão thiền sư vẫn coi như không có chuyện gì cả, tiếp tục canh giữ trong thiền phòng mà không nói lời nào.

Ngày thứ bảy, bốn mươi vị sư phụ bế quan tu luyện, khi đối diện với xác chết hôi thối cực kỳ, hình thù khiến người ta hoảng sợ, thì không tài nào chịu đựng thêm được nữa. Lúc này, một tảng thịt trên xác chết rơi xuống, váy áo cũng rơi xuống theo. Lúc này, mọi người mới nhìn rõ, ngay tại cái chỗ miếng thịt thối rơi ra để lộ ra phần xương trắng rợn người. Vô số dòi bọ đang lúc nhúc ngọ nguậy bên trong.

Mọi người không còn khống chế bản thân được nữa, gần như nôn ọe cùng lúc. Lão thiền sư đang ngồi trên tấm bồ đoàn từ từ đứng dậy, đối diện với mọi người, lạnh lùng nói :

“Mọi người muốn ra khỏi phòng thiền, đúng không?”

Bốn mươi người đồng thanh trả lời:

“Đúng vậy!”

Ai có thể trả lời câu hỏi của ta, thì có thể ra ngoài…..

Người thiếu nữ đó là ai?

“Được thôi, ai có thể trả lời câu hỏi của ta, thì có thể ra ngoài, ai muốn trả lời thì hãy giơ tay lên”.

Bốn mươi vị pháp sư đều giơ tay cùng lúc, lão thiền sư xoay tay lại chỉ vào xác chết người thiếu nữ bên cạnh, hỏi:

“Người thiếu nữ này là ai?”

Bốn mươi vị sư phụ bế quan tu luyện đều ngây người ra, không nói được lời nào.

Lão thiền sư đứng trước mặt xác chết người thiếu nữ, lớn tiếng hỏi:

“Nói cho ta biết, người thiếu nữ này là ai? Có phải là người thiếu nữ khiến cho các ông thần hồn điền đảo, suy nghĩ lung tung đó phải không?”

Mọi người cùng đáp:

“Không phải!”

“Bây giờ có còn muốn cùng người ta chung sống cả đời nữa không?”

Mọi người trăm lời như một:

“Không!”

“Trên thế gian này còn có người con gái nào xứng đáng để cho các ông động lòng nữa không?”

Mọi người đồng thanh trả lời như đinh đóng cột:

“Không có nữa!”

Lão thiền sư vung tay lên:

“Tốt, ra ngoài đi!”

Thi thể của cô gái được bao phủ lại bằng một tấm vải màu vàng, được bốn mươi sư phụ xuất quan khiêng ra ngoài…..

Các vị sư phụ không tản đi, vì trong tâm họ vẫn còn một nút thắt: “Người thiếu nữ này là ai?”

Lão thiền sư thần thái trang trọng dẫn theo mọi người đến nơi đặt thi thể của người thiếu nữ ấy, đảnh lễ ba cái xong, bèn nói với mọi người rằng:

“Không phải các ông muốn biết người thiếu nữ này rốt cuộc là ai hay sao? Sau khi tôi đi khỏi đây, các ông hãy tự mình xem đi”.

Nói xong, lão thiền sư xoay người trở về căn phòng nhỏ của mình.

Khi kéo tấm vải màu vàng đang phủ kín trên thi thể người thiếu nữ ra…..Chính là Thánh tượng Quan Thế Âm Bồ Tát trong tự viện…..

Khi mọi người vội vàng kéo tấm vải màu vàng đang đậy trên thi cô gái ra, tất cả đều sững sờ, đây đâu phải là xác chết đã thối rữa mà họ đã khiêng ra ngoài đâu? Mà đó chính là Thánh tượng của Quan Thế Âm Bồ Tát trong tự viện, mọi người cung kính mà sắp xếp ổn thỏa Thánh tượng Quan Âm Bồ tát xong, mới nhớ ra rằng nên hỏi thử lão thiền sư xem sao ông lại biết được? Khi mọi người như điên như dại chạy đến gian phòng của lão thiền sư, mới phát hiện rằng ông đã tọa hóa viên tịch rồi.

Đây chính là Thiền, điều để lại cho chúng ta là lời nhắn nhủ, chứ không phải tiếc nuối.

Hãy phá trừ tất cả giả tướng của thế gian, đi hết cuộc đời quý báu của mình, trân quý cuộc đời mình, hiến dâng cuộc đời bằng một trái tim tự tại bình lặng.

Thì ra đây chính là Thiền…

Quả thật là huyền diệu vô cùng!

Tiểu Thiện, dịch từ cmoney.tw

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 11
  • Hôm nay 2,817
  • Tháng hiện tại 39,272
  • Tổng lượt truy cập 23,445,521