Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Tối nào mẹ cũng niệm Phật...

Tối nào mẹ cũng niệm Phật...

Đăng lúc: 16:37 - 24/08/2017

HSXN - Mẹ không sinh ra tôi nhưng mẹ luôn sống trong tôi, từng sát-na...

Đó là vào mùa bóng đá France 98 diễn ra tại Pháp, tôi đến miền quê yên tĩnh của mẹ - khi đi theo thầy là một ông họa sĩ già. Tôi học vẽ, sơn bảng quảng cáo, chạm khắc bia mộ trên đá đen và… nấu cơm, đi chợ, chăm sóc ông thầy. Dòng sông lững lờ trôi trước xưởng vẽ, lục bình nở hoa tím biếc trên sông.

Thầy tôi rất trầm lặng, có khi suốt ngày thầy trò không nói với nhau tiếng nào. Thầy có cuộc sống nội tâm rất chi lôi cuốn.

Thầy tôi học mỹ thuật vào thời Pháp thuộc, sau đó học Anh ngữ và làm thông dịch viên. Tôi nâng niu những kỷ niệm ông giữ gìn đã úa màu theo thời gian: bức hình chụp ông nơi công sở khi còn rất trẻ, hình đứa bé gái mà ông nuôi là cháu ruột có bút tích ông ghi ở sau “mẹ nghèo đói, cậu nuôi” và cả những kỷ vật riêng…

Tôi chẳng học được gì nhiều, cái được lớn nhất là khám phá miền quê yên tĩnh, hít thở không khí trong lành.
Tôi thường đi sâu vào trong, qua xóm đạo, qua nhà thờ, đến bến đò có ông lão đưa đò hiền lành. Bên kia sông là xóm của những người dân không theo đạo Công giáo. Mẹ tôi ở đó.

Xóm của mẹ tôi trĩu nặng những cành cam, rất nhiều cam. Nhà mẹ đơn sơ tranh tre, có khoảnh sân nhỏ để phơi lúa, có cái liếp bằng lá dừa để che mưa ngang mặt nhà.

Mẹ lúc đó đã rất yếu, nhưng vui vẻ, hóm hỉnh, lạc quan. Biết mẹ thương, tôi thường đi bộ hàng cây số để giúp mẹ làm cỏ, chăm sóc mấy công đất và mảnh vườn nhỏ trồng cam. Làm theo kiểu của tôi, cũng không được nhiều nhưng mẹ lại luôn khen: “Thằng này giỏi, dân chợ mà biết làm ruộng”. Khi tôi về xưởng vẽ, mẹ lại dúi cho tiền, gạo, rau bù ngót, chuối vườn. Tình mẹ con ấm áp làm sao!

Mẹ có người con trai bị bệnh tâm thần nặng, suốt ngày gào rú, phải nhốt cách ly, rất khổ, tôi đã tự nguyện làm vệ sinh chăm sóc cậu ấy, tôi rất thương mẹ.

Từ ngày biết mẹ tôi coi việc làm ruộng là việc chính, học vẽ là việc phụ! Tôi mê mải tưới những cây cam xanh tươi trĩu quả, phơi lúa, nhổ cỏ… bỏ mặc ông thầy lập dị với đủ mọi bức họa, hình chạm thuộc mọi trường phái, đủ mọi khuynh hướng đến hỗn loạn của ông. Nhưng có món gì ngon tôi lại lội bộ đem ra cho ông ăn, “tiếp tế” cho thầy.

Mẹ tôi rất thành tâm thờ và lạy Phật. Trong gian nhà lá của mẹ, bức ảnh Phật Thích Ca lớn lộng trong khung kính được đặt ở vị trí trang trọng nhất. Tối nào mẹ cũng dành thời gian quỳ niệm Phật, bất luận khung cảnh chung quanh có như thế nào. Mẹ nói nhiều với tôi về luân hồi, về nhân quả, luân lý, đạo làm người…

Có những buổi đi làm đồng về, dầm trong mưa lạnh cóng, đã thấy ở nhà sau là xô nước ấm mẹ nấu sẵn cho tắm! Cảm động làm sao. Mẹ thường nói: “Tao không lường công mày đâu!”, Mà tôi nào có nghĩ chi về tiền bạc, công cán, cái tôi cần là tình thương, sự yên tĩnh và cuộc sống trong lành.

Đến một hôm mẹ kêu tôi ra sau và cho tôi một xấp tiền gói trong khăn tay. Mẹ nói: “Con ra chợ mua một chiếc nhẫn nào mà con thích, đây là tiền của con!”. Đối với tôi, đấy là số tiền rất lớn. Tôi đã nhận tiền của mẹ cho và đạp xe ra chợ. Lần đầu tiên trong đời đi mua vàng, lần đầu tiên có một số tiền “to” như vậy! Đường đến chợ chim hót líu lo, cây cỏ như hân hoan chia vui với tôi (tiền ghê vậy đó!).
Đến tiệm vàng, tôi run run hỏi giá và chọn mua một chiếc nhẫn, đường về cũng hân hoan không kém.

Tôi đã không đeo chiếc nhẫn ấy và cất rất kỹ. Ở vùng quê còn nhiều nghèo khó này, một chiếc nhẫn như thế là tài sản lớn. Chút chút tôi lại lấy ra ngắm. Ôi! Nó đẹp làm sao, lóng lánh! Mẹ bắt gặp, móm mém cười. Tôi nói sẽ giữ nhẫn suốt đời. Mẹ nói: “Cuộc sống vô thường, thân ta còn không giữ được. Đời mẹ bao nhiêu là vàng vòng, kỷ vật nay chẳng còn gì, tấm thân xinh đẹp ngày xưa giờ đã già nua bệnh hoạn”.

Đó là thuyết pháp đấy, sống động và sâu sắc lắm.

Bằng lời nói, việc làm của mình, bằng thân giáo - khẩu giáo - ý giáo, mẹ đã đưa tôi đến một chỗ có thể nhìn thấy cửa nhà Phật, nơi mà mẹ là đệ tử ở đó.

Mẹ chăm sóc tôi, dạy dỗ tôi theo cách mẹ gọi là giáo huấn, như một người mẹ theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Mẹ nói: “Khi mẹ mất rồi, con nhớ đến mẹ thì đến bất cứ chùa nào thắp hương, cúng một ít tiền cầu nguyện cho mẹ được vãng sanh”.

Nay mẹ đã qua đời. Phật đã thị hiện qua hình ảnh mẹ để dẫn tôi đến con đường đi đến chỗ nhìn thấy cuộc sống là vô thường, là bể khổ, thân là bất tịnh, pháp là vô ngã… để tìm thấy hạnh phúc cho chính đời này, kiếp này.
Một nén nhang kính dâng cho người.

Nguyễn Thành Công

Nhất-xiển-đề & sơ tâm

Nhất-xiển-đề & sơ tâm

Đăng lúc: 19:21 - 01/07/2017

“Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”
(Trịnh Công Sơn)

Khi mới bước chân vào đạo, mình thành kính, thiết tha muốn được thấy rõ phương pháp nào dẫn mình đến sự chứng ngộ nhanh nhất. Như một tờ giấy trắng, chúng ta từ từ được nhuộm theo những gì mình tiếp xúc về đạo Phật. Nên có câu ‘Nhất niên Phật tại tiền, nhị niên Phật thăng thiên, tam niên bất kiến Phật’. Ngày đầu đến chùa thấy tu theo Phật sao dễ quá, nhưng sau ba năm thì thấy Phật cũng mất luôn!

Điều đáng buồn là, lẽ ra, nếu tu tập mà không thấy tiến bộ thì bỏ công tìm minh sư hay đường tu khác, đằng này, lại trở nên nghi ngờ Tam bảo, nghi ngờ luôn cả bản thân, rồi xem thường chuyện tu hành. Và cuối cùng, trở thành một kẻ nhất-xiển-đề!

shutterstock435140692.jpg
Sơ tâm là nói về cái tâm lành, tâm tốt, tâm luôn hướng thượng - Ảnh minh họa

Nhất-xiển-đề, Phạn ngữ Icchantika, là một khái niệm nói về một hạng người ‘đặc biệt nguy hiểm’ trong đạo Phật, mà hạng người này cũng tồn tại trong các tôn giáo khác. Theo dịch nghĩa chữ Hán, nhất-xiển-đề là bất tín hay tín bất cụ, nghĩa là không có lòng tin, không đủ lòng tin. Lòng tin ở đây được hiểu là tin vào Tam bảo, vào lý nhân quả - duyên sinh, và nghiệp báo.

Trong kinh Tăng chi (chương Ba pháp, phẩm Ba hạng người), hạng người gọi là ‘không hy vọng’, được mô tả như sau: ‘Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người không hy vọng? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người ác giới, tánh tình độc ác, sở hành bất tịnh, có những hành vi che đậy, không phải là Sa-môn, nhưng hiện tướng là Sa-môn, không sống Phạm hạnh, nhưng hiện tướng có Phạm hạnh, nội tâm hôi hám, ứ đầy tham dục, tánh tình bất tịnh’. Như vậy, tất cả đều là sống hình tướng, bề ngoài dù trên danh nghĩa là người tu theo Phật pháp.

Cũng theo kinh Tăng chi (chương Bốn pháp, phẩm Kesi), Đức Phật mô tả hạng người này như sau: ‘Bị giết hại, này Kesi, là con người này, trong giới luật của bậc Thánh, bị Như Lai nghĩ rằng không đáng được nói đến, không đáng được giáo giới, bị các vị đồng Phạm hạnh có trí nghĩ rằng không đáng được nói đến, không đáng được giáo giới’. Rõ ràng, họ không còn coi trọng giới luật, nên không còn xứng đáng được thọ giới. Và tất nhiên, họ cũng chẳng màng đến chuyện họ có được xem là Phật tử hay không! Theo kinh Đại bát Niết-bàn (quyển 1): ‘Nhất-xiển-đề là kẻ dứt tuyệt gốc rễ của mọi điều lành, lòng không nương theo bất cứ pháp lành nào, thậm chí chẳng sanh được một niệm lành”.

Làm người, ai cũng từng có lỗi lầm. Nên Phật có nói về hai hạng người tốt: Một là người chưa bao giờ lầm lỗi. Còn hạng thứ hai, là người có lỗi mà biết ăn năn, hối quá, sửa sai. Tuy nhiên, kẻ gọi là nhất-xiển-đề đã không còn biết tàm, biết quý. Họ đã trở thành một chuyên gia lừa đảo (con artist), không sợ nhân quả, không tin đạo thánh; chỉ nghĩ lợi về mình và dùng mọi thủ đoạn, lợi dụng danh nghĩa Phật pháp để thành công.

Dù người có hám danh, như ngài Cầu Danh Bồ-tát (tiền thân Phật Di Lặc) được mô tả trong kinh Pháp hoa, nhưng biết hổ thẹn và sợ nhân quả cũng vẫn có cơ hội tu tập giải thoát. Đây là điểm chính yếu mà Phật đã dạy trong kinh Trung Bộ (kinh số 27): ‘Phật lấy hình ảnh người thợ rừng theo dấu một con voi lớn để giải thích làm cách nào đệ tử đạt đến sự xác tín hoàn toàn đối với chân lý Ngài dạy’ (Ni sư Trí Hải dịch). Tu tập thành tựu theo những điều Phật dạy, như là thợ rừng theo dấu chân voi, là mục đích tối hậu mà Đức Phật đã truyền trao giáo pháp cho chúng ta. Nên có nhiều mẩu chuyện rất cụ thể trong đời thường để chúng ta rút kinh nghiệm: Câu chuyện về một nhà tâm lý dạy cách nào để có hạnh phúc nhưng chính mình, khi bị hỏi, rất lúng túng vì ít khi có hạnh phúc. Hay, một vị sư có một người đệ tử nhờ sư khuyên bảo con của người này bỏ hút thuốc, nghiện rượu… nhưng oái oăm thay chính vị sư kia cũng đang hút thuốc và uống rượu. Hoặc, một bác sĩ chuyên giúp trị bệnh cho người, nhưng bản thân thì mệt mỏi, hay đau bệnh v.v…

Trên đây là những trường hợp điển hình cụ thể đang xảy ra nhan nhản khắp nơi. Nên người tu Phật phải biết ứng dụng lời Phật dạy cho chính mình và thận trọng, gìn giữ tâm Bồ-đề của mình, không để bị rạn nứt. Giác Ngộ online ngày 29-5-2017 đã nêu lên ‘ba nhóm vấn nạn tiêu biểu’ hiện đang xảy ra nơi các tự viện, chùa chiền: Đó là (1) Phát triển khuynh hướng tư hữu cá nhân; (2) Không có khả năng quản trị ngôi đạo tràng của mình, có xu hướng sống tà mạng, nặng về cơ sở vật chất; và (3) Tình trạng lạm dụng các tiện ích công nghệ thông tin’. Đây là những tín hiệu cho thấy khuynh hướng nhất-xiển-đề đang ngày lan rộng mạnh.

Thiền sư Ðạo Nguyên (Dogen, 1200-1253) rất tâm đắc về pháp môn thiền Sơ tâm và pháp môn này được truyền thừa cho đến ngày nay. Ngài dạy rằng: Người tu học Phật pháp phải luôn giữ gìn cái tâm ban đầu (sơ tâm) vì nếu không, sơ tâm sẽ bị các pháp thế gian làm điên đảo, mộng tưởng. Khi sơ tâm bị bể vỡ, con đường để trở thành một người nhất-xiển-đề sẽ không xa vì lòng tin vào Phật pháp đang bị bào mòn, sút giảm, khô kiệt dần.

Đỗ Đình Đồng dịch Tâm Ban sơ, nguyên tác Zen Mind, Beginner’s Mind của Shunryu Suzuki: ‘Giả sử quý vị tụng Tâm kinh Bát-nhã chỉ một lần. Đó có thể là một sự tụng rất tốt. Nhưng điều gì sẽ xảy ra đối với quý vị khi quý vị tụng nó hai lần, ba lần, bốn lần, hay nhiều hơn nữa? Có thể quý vị mất đi thái độ ban đầu một cách dễ dàng. Điều tương tự sẽ xảy ra trong những cách tu Thiền khác của quý vị. Quý vị sẽ giữ được tâm ban đầu của mình trong một lúc, nhưng nếu quý vị tiếp tục tu tập một, hai, ba năm hay nhiều hơn nữa, mặc dù quý vị có thể tiến bộ chút ít, quý vị bị mất ý nghĩa vô hạn của bản tâm’.

Sơ tâm như người mới biết đạo, đi chùa nên thấy ‘nhất niên Phật tại tiền’. Nếu chúng ta có thể giữ cho sơ tâm của mình giống như ngày mình mới biết đạo, háo hức muốn học hỏi, tu tập, thành kính, thiết tha thì dù mình có tu học bao nhiêu năm, cái sơ tâm vẫn trinh nguyên như ngày nào!

Sơ tâm là làm mọi việc, cho dù nhỏ hay lớn, đều xem như lần đầu, và làm hết mình, không so đo, tính toán lợi hại. Sơ tâm không bị mắc kẹt vào kinh nghiệm của những lần trước mà luôn mở lòng đón nhận những ý kiến mới. Tất nhiên, sơ tâm là nói về cái tâm lành, tâm tốt, tâm luôn hướng thượng.

Nhờ tính cách rỗng không của sơ tâm nên nó luôn giúp mình sẵn sàng mở lòng đón nhận mọi cái mới, luôn trung lập, và không có khái niệm về phe phái, hay chiều hướng. Chính nhờ vậy mà người giữ được sơ tâm trong sáng, luôn tỉnh giác với mọi hoàn cảnh và không bị mắc kẹt vào một pháp nào nên các thiền sư Nhật Bản gọi là ‘vô tâm’. Thiền Sơ tâm cho rằng mọi hành động là cơ hội hiển bày Phật tánh của ta - ‘bản lai diện mục’, cho nên mới nói: đói thì ăn, mệt thì ngủ đó là thiền.

Pháp môn thiền Sơ tâm là một phương pháp giúp giữ cái sơ tâm luôn trong sáng, giúp mình trở về cái tâm ban sơ, nguyên thủy thật sáng chói của chính mình. Chúng ta thấy tâm mình như gương sáng phản chiếu trung thực mọi sự vật, không tình cảm, không thiên vị, không bị dính mắc. Sơ tâm giúp mình sống thật với chính mình và với người khác.

Theo trên cho thấy, mối liên hệ mật thiết giữa sơ tâm và nhất-xiển-đề thật rõ ràng. Khi mình đánh mất sơ tâm, chúng ta trở nên chai cứng với giáo pháp, không còn sợ nhân quả, không còn biết hổ thẹn, chỉ biết hưởng thụ dục lạc. Cái đáng tiếc nhất là mình đã đánh mất chính mình, một con người háo hức muốn học Phật, thích tu, ham làm điều lành, sợ hãi điều ác lúc ban đầu nay bỗng dưng trở thành một người lão luyện về sự dối trá, gian xảo, ngụy tạo những hình thức tu tập mê tín, yêu ma để lợi dụng tình cảm, tiền tài. Hy vọng, đây là hồi chuông báo động cho tất cả chúng ta đang chao đảo niềm tin với Phật pháp, và là tiếng chuông cảnh tỉnh ai đó đang biến mình theo xu hướng nhất-xiển-đề sớm quay về tìm lại cái sơ tâm của mình.

Tháng 6 năm 2017
Thiện Ý

Nghiệp hay định luật đạo đức nhân quả

Nghiệp hay định luật đạo đức nhân quả

Đăng lúc: 22:31 - 09/10/2016

Đức Phật trả lời vắn tắt: “Mỗi chúng sinh đều có nghiệp, nghiệp là sở hữu, là di sản, là nguyên nhân, là thân quyến, là chỗ nương tựa của nó. Nghiệp phân loại tất cả chúng sinh thành những tình trạng cao thấp.”


Nghiệp hay định luật đạo đức nhân quả
Chúng ta đang đương đầu với một thế giới hoàn toàn mất thăng bằng. Chúng ta nhận thấy sự bất bình đẳng giữa số phận đa dạng của loài người và nhiều tầng lớp chúng sinh đang có mặt trong vũ trụ.
Chúng ta thấy người này sinh ra trong một hoàn cảnh giàu sang, bẩm thụ những đức tính tâm lý đạo đức và thể chất tốt đẹp, còn người khác trong một cảnh ngộ nghèo nàn và khốn khổ.

Có người đạo đức và thánh thiện, nhưng trái với sự mong đợi của y, y luôn luôn gặp phải những nỗi bất hạnh. Cuộc đời tàn nhẫn đi ngược hẳn với những kỳ vọng và ước nguyện của y. Mặc dù nếp sống của y chân thành và đầy đạo hạnh, y vẫn phải chịu nghèo khó khốn cùng. Kẻ khác đầy tội lỗi và ngu si, nhưng lại được số phận nuông chiều, được hưởng đủ mọi thứ ân huệ, dù tính tình đầy khuyết điểm lỗi lầm và những cách sống bất thiện, tà hạnh.

Chúng ta có thể hỏi, tại sao lại có người thấp kẻ cao? Tại sao người này bị giật khỏi đôi bàn tay mẹ hiền khi mới vừa chớm thấy một vài mùa hạ, còn người khác chết lúc hoa niên, hoặc vào lúc tuổi già 80 hay 100? Tại sao người này phải chịu đau yếu và tàn tật, còn người khác lại được khỏe mạnh và tráng kiện? Tại sao người này đẹp đẽ, còn người kia thì xấu xí dị hợm, bị mọi người ruồng rẫy? Tại sao người này được nuôi dưỡng trong cảnh xa hoa, còn người kia thì nghèo mạt, và chìm ngập trong nỗi khổ đau?

Tại sao người này sinh ra đã là một triệu phú, còn người kia lại là một kẻ cùng đinh? Tại sao người này là một bậc trí tuệ, còn người kia là kẻ ngu đần? Tại sao người này bẩm sinh có những đức tính thánh thiện, còn người kia lại có những khuynh hướng phạm tội? Tại sao một số người đã thành những nhà ngữ học, toán học, nghệ sĩ, nhạc sĩ ngay từ lúc còn nằm trên nôi, còn một số người khác mới sinh ra đã bị mù, điếc và tàn tật? Tại sao một số người sinh ra được may mắn hạnh phúc, còn những người khác lại chịu bất hạnh rủi ro từ lúc mới chào đời?

Đấy là một số vấn đề thường gây hoang mang trong trí óc của mọi người có suy tư. Chúng ta phải giải thích như thế nào về sự mất thăng bằng của thế giới và sự bất bình đẳng của nhân loại như vậy? Phải chăng đó là do tác động của số phận rủi may hay chỉ là chuyện tình cờ?

Không có một việc gì trong thế giới này xảy ra do sự rủi may vô tình hay bất ngờ cả. Nếu cho rằng bất cứ điều gì xảy ra đều do may rủi, thì không khác gì bảo rằng cuốn sách này tự nó đến đây. Nói đúng ra, không có bất cứ điều gì xảy ra cho con người mà không dính dáng vì lý do này hay lý do khác.

Phải chăng việc này là mệnh lệnh hay quyền lực của một đấng hóa công vô trách nhiệm?

Husley viết: “Nếu chúng ta phải giả định rằng ai đó đã cố ý làm chuyển động thế giới kỳ diệu này thì tôi thấy rõ ràng là vị ấy không toàn thiện, chí công vô tư, theo đúng bất cứ ý nghĩa nào có thể chấp nhận được của các từ này, trái lại vị đó thực là độc ác, bất công”.

Theo Einstein (1879-1955)[1] thì: “Nếu đấng Thượng đế này toàn năng, thì tất cả những gì xảy ra, bao gồm cả hành động, tư tưởng, tình cảm và khát vọng của con người cũng đều là công trình của Ngài, tại sao lại bắt mọi người phải chịu trách nhiệm về những hành vi, tư tưởng của họ trước một đấng toàn năng như thế? Trong khi ban phát những sự trừng phạt và tưởng thưởng, đồng thời Ngài phải xét xử chính mình theo một mức độ nào đó. Điều này làm sao có thể phù hợp được với đức chí thiện và công chính thường gán cho Ngài?

Theo những nguyên lý thường học thì con người được tạo ra một cách vũ đoán trái với ý muốn của mình và ngay từ lúc mới sinh, hoặc là kẻ đó được hưởng phước, hoặc là bị đày đọa vĩnh viễn. Vì thế, con người hoặc là thiện, hoặc là ác, may mắn hoặc bất hạnh, cao thượng hoặc thấp hèn, ngay từ bước đầu trong quá trình sáng tạo thể chất của nó cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, bất kể đến những ý muốn cá nhân, những ước nguyện, kỳ vọng, sự phấn đấu hoặc là những lời cầu xin thành kính của nó. Đó chính là thuyết định mệnh của thần học.” (Spencer Lewis)[2]

Charles Bradlaugh (1833-1891)[3] nói: “Sự có mặt của điều ác là khối chướng ngại khủng khiếp cho nhà thần học. Đau thương, thống khổ, tội ác, bần cùng vẫn đối mặt với người bênh vực cái thiện vĩnh cửu và thách thức mãnh liệt mà không thể giải đáp trước lời tuyên bố của vị ấy về Thượng đế như là một đấng toàn thiện, toàn trí và toàn năng.”

Theo lời Schopenhauer: “Kẻ nào tự cho mình đã hình thành từ cái “không” thì cũng phải nghĩ rằng y lại trở về với cái “không”; bởi vì có một khoảng thời gian vô tận đã trôi qua trước khi y hiện hữu, rồi một khoảng thời gian vô tận khác lại bắt đầu, qua đó y không bao giờ ngừng hiện hữu, đó là thứ tư tưởng quái gở.

“Nếu sinh là khởi điểm tuyệt đối, thì chết phải là chung cục tuyệt đối và giả định rằng con người được tạo ra từ cái “không”, tất nhiên dẫn đến giả thuyết: “Cái chết là kết thúc hoàn toàn.”

Bình luận về nỗi đau khổ của con người và Thượng đế, giáo sư F.B. Haldane[4] viết: “Có hai giả thuyết: Hoặc khổ đau là điều kiện cần thiết để hoàn thiện nhân cách, hoặc Thượng Đế không phải là đấng toàn năng. Giả thuyết trước bị bác bỏ vì thực tế có một số người ít chịu khổ đau, nhưng lại được may mắn về dòng dõi gia tộc và đường học vấn, nên có được những đức tính rất tốt đẹp. Lý lẽ phản đối giả thuyết thứ hai là chỉ khi nào nói đến vũ trụ như một thể đồng nhất, thì mới có một kẽ hở nào đó trong tri thức cần phải được lấp đầy bằng giả thuyết có một Thượng đế, và một đấng Tạo hóa để có thể làm những gì vị ấy muốn.”

Huân tước Russell (1872-1970) nhận định: “Người ta bảo rằng thế giới do một đấng Thượng đế toàn thiện, toàn năng sáng tạo. Trước khi sáng tạo Ngài đã thấy trước tất cả những đau thương, thống khổ mà thế giới ấy phải chịu đựng. Do thế, Ngài phải chịu trách nhiệm đối với tất cả những thứ đó. Cứ lý luận rằng những đau khổ trong thế giới là do tội lỗi thì thật là hoài công… Nếu Thượng đế biết trước những tội lỗi mà con người sẽ phạm thì cố nhiên Ngài phải chịu trách nhiệm về tất cả những hậu quả của tội lỗi ấy khi Ngài quyết định sáng tạo con người.”

Trong bài thơ “Tuyệt vọng” làm ra vào lúc tuổi già của mình, Nam tước Tennyson[5] đã mạnh bạo công kích Thượng đế về lời phán của Ngài như đã được ghi trong Thánh kinh Isaiah: “Ta làm nên hòa bình và tạo ra tội ác” (Isaiah XIV.7):

“Tôi phải gọi cái tình yêu vô biên đã phụng sự chúng ta thật chu đáo đó là gì?

Đúng hơn là lòng độc ác vô biên đã tạo ra địa ngục bất tận.

Đã tạo ra chúng ta, đã dự liệu số phận chúng ta, đã đày đọa chúng ta trước và còn làm tất cả cái chỉ theo ý muốn của mình.

Hơn nữa, bà mẹ tàn nhẫn đã chết của chúng ta, bà chưa bao giờ nghe chúng ta rên xiết?

Chắc chắn “Giáo lý chủ trương tất cả loài người đều là những kẻ có tội tổ tông Adam, là một lời thách thức đối với công lý, từ bi, nhân ái và công bằng tuyệt đối.”

Một số văn sĩ ngày xưa tuyên bố một cách quả quyết rằng Thượng đế đã tạo ra con người theo hình ảnh của Ngài. Trái lại, một số nhà tư tưởng hiện đại thì cho rằng con người tạo ra Thượng Đế theo hình ảnh của mình. Với sự tiến bộ của văn minh, quan niệm của con người về Thượng đế cũng ngày càng trở nên tinh vi hơn.

Tuy nhiên, chúng ta không thể quan niệm có một đấng Hữu thể như vậy, hoặc là ở trong hoặc là ở ngoài vũ trụ. Phải chăng sự sai khác này là do di truyền và hoàn cảnh? Chúng ta phải thừa nhận rằng tất cả những hiện tượng vật lý hóa học do các nhà khoa học phát minh là có phần nào hữu ích, nhưng chúng không thể hoàn toàn chịu trách nhiệm về những phân biệt tế nhị và những khác nhau rộng lớn giữa các cá nhân. Còn nữa, tại sao hai đứa trẻ sinh đôi cùng giống nhau về sinh lý, được truyền thụ những di tố như nhau, cùng hưởng quyền nuôi dưỡng giống nhau, lại thường rất khác nhau về tính tình, đạo đức và tri thức?

Chỉ riêng tính di truyền thôi không thể giải thích được những dị biệt lớn như vậy, đúng ra, nó chỉ giải thích một cách có vẻ hợp lý những sự giống nhau. Một mầm sống sinh hóa cực kỳ vi tế chừng một phần 30 triệu phân được thừa hưởng từ cha mẹ, chỉ có thể giải thích một phần của con người về cơ bản sinh lý của nó. Đối với tâm lý phức tạp và tế nhị hơn, những khác biệt về tri thức đạo đức, cần phải được làm sáng tỏ hơn nữa. Thuyết di truyền không thể giải thích thỏa đáng sự ra đời của một kẻ tội phạm trong một dòng dõi tổ tiên nhiều đời cao quí, sự xuất hiện một bậc Thánh hoặc một người cao thượng trong gia đình nổi tiếng bất lương, sự xuất hiện của những thần đồng, những bậc thiên tài và những đấng giáo chủ vĩ đại.

Theo Phật giáo, sự sai biệt này không chỉ do di truyền, hoàn cảnh, bẩm sinh và dưỡng dục, mà còn do nghiệp của chính chúng ta, nói cách khác, do kết quả của những hành động quá khứ được thừa hưởng, và những hành vi hiện tại của chúng ta. Chính chúng ta phải chịu trách nhiệm về những hành động của chúng ta về hạnh phúc và đau khổ. Chúng ta xây nên địa ngục của chúng ta. Chúng ta là kiến trúc sư của số phận chúng ta. Tóm lại, chúng ta chính là nghiệp (Kamma) của chúng ta.

Một dịp nọ, có một thanh niên tên Subha đến gần đức Phật và hỏi Ngài tại sao và do đâu trong loài người có những trình độ thấp hèn và cao sang khác nhau. Y nói: “Vì sao tôi thấy trong loài người có kẻ đoản mạng, người trường thọ, kẻ khỏe mạnh, người ốm đau, kẻ xinh đẹp, người xấu tướng, kẻ uy quyền, người cô thế, kẻ nghèo nàn, người giàu có, kẻ hạ lưu, người quí tộc, kẻ ngu dốt, người thông minh?”

Đức Phật trả lời vắn tắt: “Mỗi chúng sinh đều có nghiệp, nghiệp là sở hữu, là di sản, là nguyên nhân, là thân quyến, là chỗ nương tựa của nó. Nghiệp phân loại tất cả chúng sinh thành những tình trạng cao thấp.” Rồi Ngài giải thích rằng nguyên nhân những sai biệt như thế là do định luật luân lý nhân quả. Như vậy, theo quan điểm của đạo Phật, sự khác nhau về tâm lý, tri thức, đạo đức và tính tình hiện tại giữa chúng ta, là chính những hành động và những xu hướng của chúng ta, gồm cả quá khứ và hiện tại. Nghiệp nghĩa đen là hành động, nhưng theo nghĩa rốt ráo, nó là những tâm sở thiện và ác (Kusala Akusala cetana). Nghiệp tạo nên cả thiện và ác. Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác; đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Đó là định luật của nghiệp.

Một số người Tây phương thích nói đến nghiệp như là “hành động gây hậu quả.” Chúng ta gặt những gì chúng ta đã gieo. Những gì chúng ta đã gieo, chúng ta sẽ gặt vào một lúc nào đó, tại một nơi nào đó. Theo một nghĩa khác, chúng ta là kết quả của những gì chúng ta đã làm, và chúng ta là kết quả của những gì chúng ta đang làm và chúng ta cũng không tuyệt đối sẽ là kết quả của những gì chúng ta đang làm. Ví dụ, một kẻ tội phạm hôm nay, ngày mai có thể là một vị thánh.

Phật giáo gán sự thay đổi này cho nghiệp, nhưng không khẳng định tất cả đều do nghiệp. Nếu tất cả đều do nghiệp thì một người phải mãi mãi xấu, vì nghiệp của y xấu. Thế thì người ta không cần hỏi ý kiến y sĩ để được chữa bệnh, vì nếu nghiệp của y là như thế, thì y sẽ tự chữa lấy.

Theo Phật giáo, có năm cấp độ hay quá trình tác động trong lãnh vực sinh lý và tâm lý:

1. Cấp hành động và kết quả (Kamma Niyàma), ví dụ những hành vi thiện ác tạo ra những kết quả thiện ác tương xứng.

2. Cấp vật lý vô cơ (Utu Niyàma), ví dụ hiện tượng thời tiết gió mưa.

3. Cấp chủng tử hay mầm mống (Bìja Niyàma) (hữu cơ), ví dụ gạo từ hạt thóc sinh ra, vị ngọt từ cây mía hay mật tạo ra v.v… thuyết khoa học về tế bào, chủng tử và sự giống nhau về sinh lý của hai đứa trẻ sinh đôi có thể quy về cấp này.

4. Cấp tâm thức hay định luật tâm thần (Citta Niyàma), ví dụ quá trình của ý thức, năng lực của tâm v.v...

5. Cấp quy luật tự nhiên (Dhamma Niyàma), ví dụ hiện tượng tự nhiên xảy ra vào lúc một vị Bồ Tát xuất hiện trong kiếp cuối cùng, dẫn lực v.v...

Tất cả mọi hiện tượng tâm lý hay vật lý đều có thể giải thích bằng 5 cấp độ hay năm quá trình này, đó chính là những định luật. Do đó, nghiệp chỉ là một trong 5 cấp độ thường xảy ra khắp trong vũ trụ. Đó chính là định luật tự nhiên, chứ không phải có người ban ra luật. Thông thường những định luật thiên nhiên như trọng luật không cần có người ban ra. Định luật này tác động trong lãnh vực của nó, không do một động cơ độc lập ngoại tại nào can thiệp.

Ví dụ, không ai ban luật lửa phải cháy. Không ai ra lệnh nước phải tìm đúng mức thăng bằng.

Không có nhà khoa học nào ra lệnh nước phải là H2O và khí lạnh phải là một trong những đặc tính của nước. Đó là những tính chất riêng của chúng. Nghiệp không phải là số phận, cũng không phải là định mệnh đặt vào chúng ta bằng một quyền lực thần bí không thể biết, khiến chúng ta phải phục tùng. Vì nó chính là hành động của chính mình tác động lại chính mình và do đó, người ta có thể đổi chiều hướng đường đi của nghiệp đến một mức độ nào đó. Việc người ta đổi chiều đến mức độ nào còn tùy thuộc vào chính bản thân họ.

Cũng cần phải nói rằng các từ ngữ như thưởng phạt không được đưa vào trong những lúc bàn đến vấn đề nghiệp. Vì đạo Phật không thừa nhận một Thượng đế toàn năng cai trị thần dân của Ngài để thưởng phạt tùy tiện. Trái lại, người phật tử tin rằng những khổ vui mà chúng ta cảm nhận đều tự nhiên phát xuất từ những hành vi thiện ác của chính mình. Cần phải nhận định rằng nghiệp bao gồm cả nguyên lý tiếp diễn và đáp ứng.

Khả năng sinh ra kết quả của nghiệp, có sẵn trong nghiệp. Nguyên nhân sinh ra kết quả; kết quả giải thích nguyên nhân. Hạt sinh ra quả; quả giải thích hạt, vì chúng có quan hệ hỗ tương. Cũng thế, nghiệp và kết quả của nghiệp hỗ tương quan hệ: “quả chớm nở từ trong nhân.”

Một Phật tử hoàn toàn tin tưởng vào thuyết nghiệp báo thì không cầu người khác cứu giúp mà chỉ vững lòng trông cậy vào chính mình để tự thanh tịnh hóa, vì thuyết nghiệp dạy trách nhiệm thuộc về cá nhân. Chính thuyết nghiệp báo này đem đến cho người ấy sự an ủi, niềm hy vọng, lòng tự tin và sức mạnh tinh thần. Chính lòng tin vào nghiệp này “xác định giá trị nỗ lực của người ấy, kích thích lòng hăng hái của người ấy”, làm cho người ấy luôn luôn từ bi, bao dung và quan tâm đến kẻ khác. Cũng chính lòng tin vào nghiệp này thúc đẩy người ấy tránh điều ác, làm việc thiện và trở nên thiện không vì lo sợ một hình phạt nào hay do một phần thưởng nào cám dỗ.

Chính thuyết nghiệp này có khả năng giải thích được vấn đề đau khổ, điều bí ẩn của cái gọi là định mệnh hay là tiền định của các Tôn giáo khác, đặc biệt là sự bất bình đẳng của nhân loại.
Thuyết nghiệp báo và tái sinh phải được thừa nhận như là điều hiển nhiên.

Thích Phước Sơn
[1]. Einstein (1879-1955): Nhà vật lý học người Đức, gốc Do Thái, sáng lập thuyết tương đối (theories of relativity), đoạt giải Nobel vật lý năm 1921.
[2]. Spencer (1830-1903): Triết gia người Anh, ông áp dụng khoa học tự nhiên và tâm lý học để trình bày triết học.
[3]. Bradlaugh (1833-1891): Nhà cải cách xã hội người Anh, tranh đấu cho phụ nữ.
[4]. Haldane (John Bardon Sanderson Haldane,?-1892): Nhà khoa học Anh rất nổi tiếng về phương pháp áp dụng toán học vào sinh vật học.
[5]. Lord Tennyson (1802-1892): Thi sĩ người Anh, từng đoạt giải thưởng. Ông đả kích Thượng đế và bảo rằng: “Tôi tạo ra việc thiện cũng như việc ác”.

Tâm yên không phải là vô cảm

Tâm yên không phải là vô cảm

Đăng lúc: 06:34 - 30/06/2016

Khi đề cập đến sự bình tâm, tâm yên, điều quan trọng là đừng nhầm lẫn nó với sự vô cảm. Đúng hơn, bình tâm là một trạng thái tâm mà trong mối liên hệ với người khác, người ta thoát ra khỏi những thành kiến có gốc rễ rất sâu liên quan đến sự đam mê thái quá hoặc ghét bỏ thái quá.
ducphat1.jpg

Có hai phương pháp chính để thực tập sự bình tâm. Một phương pháp giống như khi làm vườn, người ta san bằng đất đai để cây cối chúng ta trồng mọc đều và tươi tốt. Mục đích của nó là xóa bỏ khuynh hướng của chúng ta quen định nghĩa mối tương quan giữa chúng ta với người khác theo các tiêu chí bạn, thù, người lạ. Phương pháp thứ hai là phát triển nhận thức về sự bình đẳng căn bản giữa mình và người khác: tất cả đều là những con người với khát vọng hạnh phúc và mong ước tránh khổ đau (…)

Những người mà chúng ta xem là kẻ thù hôm nay, có thể sẽ không còn như thế trong tương lai, và những người bạn ngày nay, ngày mai có thể cũng không còn như thế. Hơn nữa, cảm giác của chúng ta đối với những bạn bè, chẳng hạn như yêu mến, có thể gây rắc rối cho chúng ta, trong khi đó thì tương tác với kẻ thù lại có thể đem đến lợi ích, làm cho chúng ta mạnh mẽ hơn, tỉnh táo hơn. Suy nghĩ về những sự phức tạp như vậy có thể đưa bạn đến những suy nghĩ về tính chất vô ích khi quan hệ với người khác theo những thái độ cực đoan - cho dù họ thuộc nhóm thứ ba, hay thậm chí là nhóm thứ nhất.

Một khi chúng ta thấy rằng mối quan hệ với người khác như thế ngăn cản bản thân phát triển thiện chí đối với họ và tạo ra một tác động tiêu cực trên tâm trí của mình, chúng ta sẽ cố gắng làm giảm bớt sức mạnh của các cảm giác mang tính chất cực đoan. Qua một thời gian, trong mối quan hệ với người khác, chúng ta sẽ không còn liệt họ vào nhóm bạn bè hay kẻ thù nữa, mà như những đồng loại, những con người với tính chất bình đẳng căn bản.

Dalai Lama (theo Bên ngoài tôn giáo

Thân cây mọc nghiêng

Thân cây mọc nghiêng

Đăng lúc: 20:55 - 27/06/2016

Con người trên cõi dương gian
Nào ai tránh khỏi cái màn tử vong
Khi đời này chấm dứt xong
Thảy đều ước muốn về trong đất lành

Thân cây mọc nghiêng
Nơi sạch sẽ, miền tịnh thanh
Khắp vùng cực lạc, an bình mãi thôi.
Có người hỏi đức Như Lai:
"Lòng con luôn mãi hướng nơi đất lành
Hướng về 'tịnh thổ' tâm thành
Mong sau khi chết vãng sanh chốn này
Nhưng con e ngại lắm thay
Gặp khi đột ngột lìa ngay cõi đời
Làm sao niệm Phật kịp thời
Tâm đâu kịp hướng về nơi mong chờ
Lìa dương gian quá bất ngờ
Chẳng còn biết sẽ vật vờ về đâu?"
*
Phật nghe xong, khẽ gật đầu:
"Các con chớ có lo âu làm gì
Để ta kể chuyện cho nghe
Chuyện cây thông nọ bên lề rừng xanh.
Cây sinh ra, lớn lên nhanh
Nhưng không mọc thẳng, thân hình lại nghiêng
Mọc nghiêng qua mãi một bên
Có khuynh hướng ngả về miền phía Đông,
Một ngày trời nổi cơn giông
Nếu mà sét đánh cây thông đổ nhào
Cây này sẽ đổ hướng nào?"
Mọi người đều nói đổ vào hướng Đông.
Mỉm cười Phật dạy ung dung:
"Con người cũng giống cây thông vô ngần
Chúng sinh khi sống thành tâm
Hướng về cửa Phật nguyện thầm thiết tha
Hướng về 'tịnh thổ' thăng hoa
Thì khi mãn nghiệp lìa xa cõi trần
Dù bất chợt cũng an tâm
Sẽ đi về hướng mình thầm ước mơ
Tây phương cực lạc đón chờ!"

TÂM MINH NGÔ TẰNG GIAO
(phỏng theo tập truyện văn xuôi
NHỮNG HẠT ĐẬU BIẾT NHẢY
của Lâm Thanh Huyền, Phạm Huê dịch)

Trách nhiệm ở nơi mình

Trách nhiệm ở nơi mình

Đăng lúc: 20:49 - 12/06/2016

Bạn phải rèn tánh can đảm để nhìn nhận khi mình phạm lỗi là do thiếu sót của mình.

Theo bản tính con người, tất cả chúng ta đều có khuynh hướng đổ lỗi, trách móc người khác vì những thiếu sót hay bất hạnh của mình. Có bao giờ bạn nghĩ lại rằng chính mình phải chịu trách nhiệm về những vấn đề của mình? Nỗi muộn phiền, bất hạnh của bạn không phải do lời nguyền của ai đó dành cho gia đình bạn, và được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Mà chúng cũng không phải do tội của vị tổ tông nào đó đã đội mồ lên để ám bạn. Nỗi khổ đau của bạn cũng không do Thượng đế hay ma quỷ nào tạo ra. Chính bạn là người tạo khổ cho mình. Chính bạn là người gây bất hạnh cho mình. Chính bạn mới có thể giải thoát cho mình.

Bạn phải tập gánh trách nhiệm cho cuộc đời mình và thừa nhận khuyết điểm của bản thân chứ không oán trách hay phiền hà người khác. Hãy nhớ câu nói của người xưa: “Kẻ vô học luôn đổ lỗi cho người; kẻ có chút học thức tự trách mình, còn người trí không đổ lỗi cho gì cả”.

Là người trí, bạn phải tập tự giải quyết vấn đề của mình mà không trách móc ai cả. Nếu mỗi cá nhân đều cố gắng tự sửa lỗi mình, thì thế giới này sẽ được bình an. Nhưng phần đông chẳng mảy may cố gắng để nhận thức rằng chính họ mới phải chịu trách nhiệm cho rất nhiều bất hạnh xảy ra cho mình. Họ thích tránh né. Họ nhìn ra ngoài để tìm kiếm nguồn gốc vấn đề vì họ miễn cưỡng, không muốn thừa nhận những thiếu sót của bản thân.

Tâm con người thường dễ tự dối mình, nên không ai muốn thừa nhận những yếu kém của bản thân. Họ sẽ tìm lý do gì đó để biện hộ cho hành động của mình và tạo ra ảo tưởng rằng mình không có lỗi. Nếu ta thực sự muốn được giải thoát, ta phải có can đảm thừa nhận sự yếu kém của mình. Đức Phật đã nói: “Thật dễ thấy lỗi người/ Quá khó để nhận ra lỗi mình”.

Bạn phải rèn tánh can đảm để nhìn nhận khi mình phạm lỗi là do thiếu sót của mình. Bạn phải thừa nhận là mình sai. Đừng bắt chước theo kẻ ngu luôn đổ lỗi cho người. Đừng lấy người làm bia đỡ đạn cho mình - làm vậy thật đáng trách. Hãy nhớ rằng bạn có thể thể lừa dối một số người trong một khoảng thời gian, nhưng không thể lừa dối tất cả mọi người, ở mọi lúc. Đức Phật đã dạy: “Kẻ ngu mà không nhận mình ngu, mới thực sự là ngu. Còn người ngu nhưng biết mình ngu thì trong mức độ nào đó cũng là khôn”.

Hãy nhìn nhận sự yếu kém của mình. Đừng trách móc người khác. Bạn phải nhận thức rằng bạn chịu trách nhiệm cho những bất hạnh và khó khăn xảy đến cho bạn. Bạn phải hiểu rằng cách bạn suy nghĩ cũng tạo ra những điều kiện khiến khó khăn xảy đến với bạn. Bạn phải luôn nhớ rằng, bạn có trách nhiệm đối với những vấn đề của mình. Bạn phải luôn nhớ rằng, bạn có trách nhiệm đối với bất cứ điều gì xảy ra cho bạn. “Không phải thế giới có vấn đề, mà vấn đề là ở chúng ta”.

Bạn phải chịu trách nhiệm về mối liên hệ với người khác

Hãy nhớ rằng bất cứ điều gì xảy ra, bạn sẽ không cảm thấy bị tổn thương nếu bạn biết cách giữ tâm thanh thản. Bạn bị tổn thương chỉ vì thái độ tình cảm mà bạn chấp trước đối với bản thân và đối với người. Nếu bạn thương yêu, tử tế với ai, bạn sẽ được đáp trả bằng thái độ thương yêu, tử tế. Nếu bạn tỏ thái độ hằn học, chắc chắn không bao giờ bạn được đáp trả bằng tình thương yêu. Một người sân hận chỉ thở ra khí độc và tự hại mình hơn là hại người. Người trí không để lòng sân khởi lên đáp trả lại sân thì sẽ không bị tổn thương. Hãy nhớ rằng không ai có thể làm tổn thương bạn trừ khi bạn để cho họ làm thế. Khi người khác trách móc, đổ lỗi cho bạn, nhưng bạn một lòng vững tin nơi Pháp (chân lý), thì Pháp sẽ bảo vệ bạn khỏi những sự tấn công, đả kích bất công. Đức Phật đã thuyết: “Ai xâm hại người lành/ Trong sạch, không nhiễm ô/ Điều xấu sẽ rơi ngay kẻ ấy/ Giống như tung bụi ngược chiều gió”.

Nếu bạn để cho người khác thỏa mãn ý nguyện muốn làm tổn thương bạn, thì bạn là người chịu trách nhiệm.

Đừng trách người - Hãy nhận trách nhiệm

Bạn phải tập canh giữ tâm bằng cách duy trì một quan điểm đúng đắn để không có bất cứ điều gì xảy ra ở bên ngoài có thể khiến bạn chao đảo. Bạn đang gặp khó. Nhưng bạn không nên trách móc hoàn cảnh khi sự việc không theo ý mình. Bạn không nên nghĩ rằng mình kém may mắn, là nạn nhân của số mệnh, hay do tâm địa ác độc của người. Không cần biết lý do của bạn là gì, bạn không nên cố gắng đun đẩy trách nhiệm của mình, bằng cách đổ lỗi cho hoàn cảnh. Hãy cố gắng giải quyết vấn đề của bạn một cách vui vẻ. Trong những lúc khó khăn, hãy sống lạc quan. Can đảm chấp nhận thay đổi nếu cần thiết, nhưng cũng phải đủ kiên quyết không chấp nhận điều gì bạn không thể thay đổi. Cần có đủ khôn ngoan để hiểu những vấn đề trong cuộc sống, giống như mọi người khác. Nhưng cũng phải khôn đủ để đối mặt với một số vấn đề mà không cảm thấy bất lực, khổ đau. Những khó khăn là thách thức để chúng ta vượt qua. Những người cố gắng phục vụ người khác gặp nhiều phiền phức hơn những kẻ không làm gì, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là người tốt nên chạnh lòng. Họ cần phải có trí tuệ để nhận thức rằng việc phục vụ không vì tự ngã sẽ có phần thưởng riêng của nó.

“Yêu thương mà không có trí tuệ hoặc có trí tuệ mà không có tình thương đều không thể mang đến một cuộc sống tốt đẹp” (B. Russel).

Bạn phải chịu trách nhiệm về sự bình an nội tâm của mình

Bạn phải học cách bảo vệ sự bình an, thanh tịnh mà bạn đã tạo ra được trong tâm mình. Để gìn giữ nội tâm thanh tịnh, bạn phải biết lúc nào cần đầu hàng; lúc nào phải dẹp bỏ tự ái qua một bên, lúc nào phải che lấp cái ngã giả tạo, lúc nào phải thay đổi thái độ ương ngạnh, hay tà kiến và lúc nào phải thực hành kiên nhẫn. Bạn không nên để kẻ khác tước đoạt sự an bình nội tâm của mình. Bạn có thể duy trì điều đó nếu bạn biết cách hành động khôn ngoan. Trí tuệ xuất hiện khi ta nhận biết vô minh. “Con người không phải là một thiên thần gãy cánh, mà là một sinh vật đang vươn lên”.

Thái độ đúng đắn đối với sự chỉ trích

Bạn phải học cách bảo vệ mình khỏi những chỉ trích bất công và tận dụng những góp ý có tính xây dựng. Bạn phải xem xét một cách vô tư, khách quan những góp ý của người đối với mình. Nếu sự phê bình, góp ý là chính xác, có cơ sở, xuất phát từ thiện ý, thì hãy chấp nhận chúng và sửa đổi. Tuy nhiên, nếu sự chỉ trích, phê bình bất công, không có cơ sở, xuất phát do ác ý, thì bạn không phải chấp nhận chúng. Nếu bạn biết cách ứng xử của mình là đúng, được người trí, có văn hóa chấp nhận, thì đừng lo lắng về sự chỉ trích không có cơ sở đó. Việc bạn hiểu đúng về cả hai sự phê bình có tính xây dựng và ác ý mới là điều quan trọng. Đức Phật đã dạy: “Trên đời này không có ai là không có lỗi”.

Đừng mong đợi điều gì thì không có gì làm bạn thất vọng

Bạn có thể bảo vệ mình khỏi thất vọng bằng cách không mong đợi điều gì quá đáng. Nếu bạn không trông đợi gì, thì không có gì làm bạn thất vọng. Đừng mong đợi phần thưởng cho những gì bạn đã làm được. Hãy làm điều thiện một cách bất vụ lợi bằng lòng tử tế. Nếu bạn có thể giúp đỡ người khác mà không trông đợi sự đáp trả nào, thì bạn không có gì để phải thất vọng. Bạn sẽ là người vĩ đại! Nguồn hạnh phúc phát khởi trong tâm do làm việc thiện chính là phần thưởng lớn của bạn. Hạnh phúc đó khiến ta cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.

Có lẽ bản tính bạn là người tốt, bạn không làm hại đến ai. Dầu vậy bạn vẫn bị người khác chê trách. Bạn phải đối đầu với những khó khăn, thất vọng dầu luôn giúp đỡ và làm điều tốt cho người. Lúc đó bạn có thể nghĩ, “Nếu làm tốt được tốt, làm xấu bị điều xấu, thì tại sao tôi phải gặp tai ương khi tôi hoàn toàn không có lỗi gì? Tại sao tôi có quá nhiều bất hạnh? Quá nhiều thất vọng? Tại sao tôi bị người khác trách móc, phàn nàn dầu tôi làm điều tốt cho họ?”. Câu trả lời đơn giản là khi bạn thực hiện một số việc tốt, bạn phải đối mặt với một số năng lực xấu, một số ma lực. Nếu không, thì là bạn đang gánh chịu một nghiệp xấu đã trổ quả.

Hãy tiếp tục làm điều tốt, rồi dần dần bạn sẽ thoát khỏi những tai ương đó. Hãy nhớ là chính bạn đã tạo ra sự thất vọng cho bản thân và chỉ có bạn mới có thể vượt qua được những thất vọng này, bằng cách quán chiếu về bản chất của nghiệp (hành động và phản ứng) và bản chất của cuộc sống như Đức Phật đã từng mô tả: “Nếu bạn có thể bảo vệ bản thân thì bạn có thể bảo vệ người khác”.

Nguyên tác HT.K. Sri Dhammananda
Diệu Liên Lý Thu Linh chuyển ngữ

(Từ You Are Responsible, trích trong quyển Purpose of Life, Nxb Kong Meng San Phor Kark See Monastery, Awaken Publishing & Design, Singapore)


Về tác giả: HT.K. Sri Dhammananda sinh năm 1919 tai miền Nam Tích Lan. Năm 12 tuổi, ngài xuất gia làm Sa-di, với pháp hiệu Dhammananda, có nghĩa là “người trải nghiệm được hạnh phúc nhờ nương tựa vào Pháp”. Ngài thọ Đại giới năm 1940, sau đó hoàn tất chương trình cao hoc tại Ấn Độ. Năm 1952, ngài được chọn đi Ma Lai đê hỗ trợ cac nhu cầu vê tôn giáo của các Phật tử người Sinhalese ở xứ này.

Nguyên là một vị lãnh đạo trong truyền thống Phật giáo Nguyên thủy ơ Ma Lai và Singapore, ngài là tác giả của hơn 70 đầu sách về đạo Pháp, được dịch ra hơn 16 ngôn ngữ. Là một Pháp sư nổi tiếng, ngài thường được mời đến giảng pháp tại Mỹ, Úc, Anh, Âu châu va nhiều quốc gia khác ở châu Á. Ngài đã an nhiên ra đi ở tuổi 87 vào năm 2006.

Giữ một nhịp sống tỉnh táo

Giữ một nhịp sống tỉnh táo

Đăng lúc: 07:27 - 21/07/2015

Ngày nay, hơn bao giờ hết, nhiều người trong chúng ta sống với một nhịp sống mà chỉ có thể miêu tả là như điên. Thêm vào với những nhu cầu khủng khiếp trong việc xoay sở, kiếm sống và nuôi nấng gia đình, thực hiện các trách nhiệm hàng ngày, nhiều người trong chúng ta còn cố gắng tham gia vào các hoạt động xã hội, luyện thể lực, hoạt động từ thiện hay tự nguyện, hoặc các hoạt động giải trí nữa. Chúng ta luôn phải cố gắng một cách ghê gớm để có thể giữ mình trong tình trạng hoàn hảo, để luôn là những bậc cha mẹ tốt, công dân tốt và bạn tốt... Và nếu điều kiện cho phép, hầu hết chúng ta đều cũng muốn được chơi đùa đôi chút. Vấn đề ở đây là, mỗi người chúng ta chỉ có vỏn vẹn 24 giờ một ngày. Có quá nhiều việc để phải làm trong thời gian đó.


Có nhiều yếu tố khác đóng góp vào sự tăng tốc của cuộc sống, trong đó có cả yếu tố công nghệ và sự mong đợi ngày càng cao hơn. Máy điện toán, các thiết bị điện, và những hình thức khác của công nghệ đã làm cho thế giới của chúng ta dường như nhỏ hơn và che dấu đi sự hạn chế của chúng ta về thời gian. Chúng ta có thể thực hiện mọi việc nhanh chóng hơn bao giờ hết. Thật không may là, điều này đã tạo nên một cảm giác thiếu kiên nhẫn, cảm giác mong đợi mọi việc được hoàn tất tức thì. Tôi đã từng trông thấy nhiều người tỏ ra bực bội chỉ vì phải chờ đợi trong đôi phút ở một chỗ bán thực phẩm ăn nhanh, hoặc khó chịu vì chiếc máy vi tính của họ khởi động lâu hơn đôi chút. Chúng ta trở nên căng thẳng vì giao thông trở ngại và quên hẳn một thực tế là chúng ta đang được đưa đi rất nhanh trong một chiếc xe hơi hoặc xe buýt thật thoải mái. Thật vậy, sự mong đợi của chúng ta dường như đã gia tăng đến một đỉnh điểm mà nhiều người trong chúng ta muốn làm gần như tất cả mọi việc. Không bao giờ là đủ cả – chúng ta cần phải có nhiều hơn và làm được nhiều hơn.

Nếu chúng ta cố làm quá nhiều việc, cuối cùng thường là sẽ phải lao đi như điên cuồng từ việc này sang việc khác. Và khi vội vã, chúng ta dễ dàng trở nên bực dọc và có khuynh hướng cáu gắt với những chuyện vặt vãnh. Thêm vào đó, trong trạng thái hối hả, chúng ta hiếm khi cảm nhận được sự thỏa mãn về những gì chúng ta đang làm, bởi vì chúng ta chỉ luôn tập trung sự chú ý vào việc làm sao chuyển nhanh sang chuyện sắp tới. Thay vì sống trong hiện tại, chúng ta đã bị đẩy sang giây phút chưa xảy đến.

Giữ một nhịp sống tỉnh táo có lợi nhiều hơn là chỉ giữ cho chúng ta được tỉnh táo. Nó mang lại một sự phong phú cho sự trải nghiệm của chúng ta, mà vốn không thể nào có được khi quay cuồng một cách quá nhanh chóng. Có điều gì đó rất kỳ diệu khi bạn có được một chút thời gian trống giữa hai công việc tiếp nối nhau – một cảm giác bình thản, cảm giác có đủ thời gian. Tôi đã nhận ra rằng việc giữ một nhịp sống tỉnh táo tự nó là một phần thưởng, một cảm giác thỏa mãn nhờ vào chính nó.

Nếu tôi phải chọn giữa việc thực hiện 5 việc với một cung cách hối hả, thôi thúc, hoặc là thực hiện 4 việc một cách bình thản và êm ả, tôi sẽ chọn hướng thứ hai này. Điều rõ ràng là, có những lúc mà việc hối hả là một thực tế mà bạn không thể nào tránh được. Có đôi lúc, dường như là bạn phải có mặt cùng lúc ở hai hoặc ba nơi. Tuy nhiên, thường thì có nhiều dạng hối hả do chính chúng ta tự tạo ra.
Chỉ đơn giản bằng cách tỉnh táo nhận thức được khuynh hướng vội vã của chính mình trong cuộc sống, và đặt ra cho mình mục tiêu giữ một nhịp sống tỉnh táo, bạn có thể rồi sẽ tìm ra những phương thức tinh tế để làm chậm nhịp sống của mình lại, và trở nên bình thản hơn một chút, thoát khỏi sự căng thẳng. Tôi nghĩ là nếu bạn có thể nào thư thả lại, cho dù là đôi chút thôi, cuộc sống của bạn sẽ tốt đẹp hơn theo nhiều cách.

Nguyễn Minh Tiến dịch

Giữ một nhịp sống tỉnh táo

Giữ một nhịp sống tỉnh táo

Đăng lúc: 09:22 - 16/07/2015

Ngày nay, hơn bao giờ hết, nhiều người trong chúng ta sống với một nhịp sống mà chỉ có thể miêu tả là như điên. Thêm vào với những nhu cầu khủng khiếp trong việc xoay sở, kiếm sống và nuôi nấng gia đình, thực hiện các trách nhiệm hàng ngày, nhiều người trong chúng ta còn cố gắng tham gia vào các hoạt động xã hội, luyện thể lực, hoạt động từ thiện hay tự nguyện, hoặc các hoạt động giải trí nữa. Chúng ta luôn phải cố gắng một cách ghê gớm để có thể giữ mình trong tình trạng hoàn hảo, để luôn là những bậc cha mẹ tốt, công dân tốt và bạn tốt... Và nếu điều kiện cho phép, hầu hết chúng ta đều cũng muốn được chơi đùa đôi chút. Vấn đề ở đây là, mỗi người chúng ta chỉ có vỏn vẹn 24 giờ một ngày. Có quá nhiều việc để phải làm trong thời gian đó.

Có nhiều yếu tố khác đóng góp vào sự tăng tốc của cuộc sống, trong đó có cả yếu tố công nghệ và sự mong đợi ngày càng cao hơn. Máy điện toán, các thiết bị điện, và những hình thức khác của công nghệ đã làm cho thế giới của chúng ta dường như nhỏ hơn và che dấu đi sự hạn chế của chúng ta về thời gian. Chúng ta có thể thực hiện mọi việc nhanh chóng hơn bao giờ hết. Thật không may là, điều này đã tạo nên một cảm giác thiếu kiên nhẫn, cảm giác mong đợi mọi việc được hoàn tất tức thì. Tôi đã từng trông thấy nhiều người tỏ ra bực bội chỉ vì phải chờ đợi trong đôi phút ở một chỗ bán thực phẩm ăn nhanh, hoặc khó chịu vì chiếc máy vi tính của họ khởi động lâu hơn đôi chút. Chúng ta trở nên căng thẳng vì giao thông trở ngại và quên hẳn một thực tế là chúng ta đang được đưa đi rất nhanh trong một chiếc xe hơi hoặc xe buýt thật thoải mái. Thật vậy, sự mong đợi của chúng ta dường như đã gia tăng đến một đỉnh điểm mà nhiều người trong chúng ta muốn làm gần như tất cả mọi việc. Không bao giờ là đủ cả – chúng ta cần phải có nhiều hơn và làm được nhiều hơn.

Nếu chúng ta cố làm quá nhiều việc, cuối cùng thường là sẽ phải lao đi như điên cuồng từ việc này sang việc khác. Và khi vội vã, chúng ta dễ dàng trở nên bực dọc và có khuynh hướng cáu gắt với những chuyện vặt vãnh. Thêm vào đó, trong trạng thái hối hả, chúng ta hiếm khi cảm nhận được sự thỏa mãn về những gì chúng ta đang làm, bởi vì chúng ta chỉ luôn tập trung sự chú ý vào việc làm sao chuyển nhanh sang chuyện sắp tới. Thay vì sống trong hiện tại, chúng ta đã bị đẩy sang giây phút chưa xảy đến.

Giữ một nhịp sống tỉnh táo có lợi nhiều hơn là chỉ giữ cho chúng ta được tỉnh táo. Nó mang lại một sự phong phú cho sự trải nghiệm của chúng ta, mà vốn không thể nào có được khi quay cuồng một cách quá nhanh chóng. Có điều gì đó rất kỳ diệu khi bạn có được một chút thời gian trống giữa hai công việc tiếp nối nhau – một cảm giác bình thản, cảm giác có đủ thời gian. Tôi đã nhận ra rằng việc giữ một nhịp sống tỉnh táo tự nó là một phần thưởng, một cảm giác thỏa mãn nhờ vào chính nó.

Nếu tôi phải chọn giữa việc thực hiện 5 việc với một cung cách hối hả, thôi thúc, hoặc là thực hiện 4 việc một cách bình thản và êm ả, tôi sẽ chọn hướng thứ hai này. Điều rõ ràng là, có những lúc mà việc hối hả là một thực tế mà bạn không thể nào tránh được. Có đôi lúc, dường như là bạn phải có mặt cùng lúc ở hai hoặc ba nơi. Tuy nhiên, thường thì có nhiều dạng hối hả do chính chúng ta tự tạo ra.
Chỉ đơn giản bằng cách tỉnh táo nhận thức được khuynh hướng vội vã của chính mình trong cuộc sống, và đặt ra cho mình mục tiêu giữ một nhịp sống tỉnh táo, bạn có thể rồi sẽ tìm ra những phương thức tinh tế để làm chậm nhịp sống của mình lại, và trở nên bình thản hơn một chút, thoát khỏi sự căng thẳng. Tôi nghĩ là nếu bạn có thể nào thư thả lại, cho dù là đôi chút thôi, cuộc sống của bạn sẽ tốt đẹp hơn theo nhiều cách.

Nguyễn Minh Tiến dịch

Chum Tho Hay Va hinh Anh Dep Ve Hoa Sen (22)

Nội tâm thế nào, cuộc sống thế ấy

Đăng lúc: 15:02 - 15/07/2015

Giải pháp mang tính triết lý này đã giúp ích cho tôi rất nhiều lần trong cuộc sống trưởng thành. Giá trị to lớn nhất của nó là có thể giúp bạn lấy lại sự quân bình của mình trong những lúc mà cuộc sống dường như quá bề bộn hay vượt khỏi tầm kiểm soát. Lý thuyết này xuất phát từ nhận thức là thế giới bên ngoài bạn – hoàn cảnh chung quanh, mức độ tiếng ồn, sự yên tĩnh hay hỗn loạn trong cuộc sống – thường là một sự phản ánh từ thế giới bên trong: mức độ bình thản, thư thái (hay sự thiếu vắng những yếu tố này) bạn đang có trong tâm trí.

Nhiều người phản đối mạnh mẽ lý thuyết này, bởi vì nó có vẻ không chắc chắn mấy. Ai lại muốn tin rằng một cuộc sống hỗn độn có thể là kết quả của, cho dù chỉ một phần nào, một đầu óc cuồng nhiệt? Xét cho cùng, điều dễ tin hơn là: cuộc sống của bạn bề bộn phải do nơi hoàn cảnh chung quanh, do thời biểu làm việc, và những trách nhiệm phải cáng đáng. Tuy nhiên, nếu bạn có thể nhún mình một chút để chấp nhận rằng lý thuyết này đúng, điều đó sẽ có thể là cực kỳ hữu ích. Bởi vì, trong khi bạn chẳng có mấy khả năng kiểm soát thế giới bên ngoài, thì bạn lại thật sự có thể thay đổi được nhiều điều từ bên trong.

Một trong những cuốn sách tôi yêu thích nhất là cuốn «Wherever You Go, There You Are» (Dù bạn đi đến đâu, vẫn là bạn) của Jon Kabat-Zinn. Hãy suy nghĩ một chút về ý nghĩa then chốt trong tựa sách này. Nó nói lên một cách chính xác là, nếu bạn dễ căng thẳng, luôn hấp tấp, và thiếu tổ chức ở một nơi, bạn sẽ lập lại y hệt những tính chất này cho dù bạn có đi đến một nơi nào khác.

Lấy ví dụ, có bao giờ bạn đã gặp một người luôn luôn đến trễ? Liệu có ích gì không nếu bạn cho thêm người ấy 10 phút sớm hơn để chuẩn bị? Không, chẳng ích gì cả. Lý do rất đơn giản: thói quen tạo ra khuynh hướng đến trễ không phải được tạo ra từ nơi cái đồng hồ, hoặc thời gian trong ngày, hoặc thậm chí là số lượng công việc phải làm trong ngày đó. Thay vì vậy, nó xuất phát từ một xu hướng bên trong: thói quen luôn luôn đợi đến phút cuối cùng mới chịu ra đi. Bạn có thể thay đổi những yếu tố bên ngoài: nơi nào người ấy sẽ đến, người ấy sẽ gặp ai... nhưng rồi bằng cách nào đó, người ấy vẫn sẽ luôn luôn đến trễ. Người ấy sẽ luôn luôn có sẵn hàng khối lý do, nhưng sự thật vẫn không thay đổi: người ấy luôn luôn đến trễ. Thói quen này, cũng giống như bao nhiêu thói quen khác nữa, xuất phát từ bên trong con người và được phản ánh lại trong cuộc sống bên ngoài của người đó.

Phần quan trọng nhất đề cập ở đây có liên quan đến câu hỏi: «Điều gì đến trước, tâm hồn yên tĩnh hay cuộc sống yên tĩnh?» Nếu bạn nghĩ đến tựa sách vừa nêu của Kabat-Zinn, câu trả lời là quá rõ ràng, cho dù khó được chấp nhận: «Một tâm hồn yên tĩnh dẫn đến một cuộc sống bình yên ở bên ngoài.» Nói cách khác, nếu cuộc sống của bạn dường như quá sức chịu đựng, nơi tốt nhất để bạn khởi sự việc hoàn thiện nó là bên trong tâm hồn mình. Có thể là bạn cần phải nghỉ ngơi, hoặc thay đổi nhịp độ làm việc. Có thể bạn cần thêm ít thời gian cho riêng mình. Có thể bạn cần giảm bớt thời gian xem ti-vi và dành thêm thời gian đọc những cuốn sách bổ ích.
Hoặc là, việc tập ngồi thiền hay dành thời gian cầu nguyện có thể có ích chăng? Cũng có thể bạn cần ngủ ít hơn một chút, hoặc thức dậy sớm hơn để có ít thời gian yên tĩnh một mình. Mỗi người cần một phương thức điều chỉnh khác nhau, bởi vì mỗi người trong chúng ta có những nhu cầu khác nhau. Dù vậy, chính bản thân việc chấp nhận đơn giản rằng cội rễ của mọi vấn đề là nằm ở bên trong tâm hồn bạn, không phải do những hoàn cảnh bên ngoài, thường tự nó đã là một điều hữu ích, bởi vì nó quy trách nhiệm đúng vào nơi phát khởi vấn đề: bên trong tâm hồn mỗi chúng ta. Lần tới đây khi bạn có cảm giác quá tải hoặc chán nản, hãy tạm dừng đôi chút và soi rọi vào nội tâm. Nếu bạn làm như thế, tôi chắc bạn sẽ đồng ý rằng: cuộc sống bên ngoài được phản ánh từ thế giới nội tâm. Chỉ đơn giản nhận ra mối quan hệ này, bạn có thể sẽ biết rất rõ cần phải làm gì tiếp theo để giải quyết vấn đề.

Nguyễn Minh Tiến dịch

Tâm ta, tâm người

Tâm ta, tâm người

Đăng lúc: 05:35 - 14/07/2015

Người xưa rất hay, nói hơi bị thừa...- “tiên trách kỷ hệu trách nhân”, đừng vội vàng chụp mũ người, hãy soi lại bản thân mình, nói kiểu bây giờ: không được chủ quan. Nhân sinh thường gặp nhau ở chỗ: nhìn người thì rõ, nhìn mình thì...không rõ, thấy lỗi người thì dễ, lỗi ta thì…Đặc điểm này phổ biến lắm. Tâm ta tâm người có sự sai biệt là chuyện thường tình.
Tôi “mê” nữ Nhà văn nọ từ lúc cô chập chững bước chân lên văn đàn với những tác phẩm nhỏ đầu tay. Dõi theo ngòi bút nữ nhân tài hoa ấy, đến khi cô viết được chừng ..vài chục đầu sách, thì gặp.

Trong một dịp tình cờ, bắt tay người nữ thâm trầm, trẻ tuổi, có đôi mắt tinh anh, tôi ngỡ ngàng biết đấy là thần tượng của mình, nữ văn sĩ X. Vài câu nói xã giao. Lần thứ hai gặp trong một dịp, cũng tình cờ, nhận ra nhau, tôi chủ động chào và được “thưởng” một nụ cười biết nói. Và, với riêng tôi, như thế đã là...trực quan sinh động lắm rồi, sau khi đã đọc không sót đầu sách nào của cô văn sĩ ấy, thêm cả những sáng tác mới chỉ được giới thiệu trên báo. Văn chương, tâm hồn, nhân dáng nữ nhân tài hoa ấy, với tôi, rất hài hòa, mười phân ít ra vẹn…chín. Nếu cô ấy lập một câu lạc bộ những người hâm mộ ắt tên tôi ở hàng đầu vì sự ngưỡng mộ. Nhưng đấy chỉ là tâm tôi thôi.


Gáo nước lạnh đầu tiên tôi nhận được khi giao lưu văn nghệ tại một tòa soạn lớn, anh bạn biên tập là con mọt sách thứ thiệt đã không hề tế nhị (mà chắc chi anh biết tôi là fan của cô văn sĩ nọ?), nói thẳng: Bà đó viết không hay! Tôi bị sốc nặng, nín thinh. Bắt đầu có những suy nghĩ “tại sao” … Chú gần nhà, học ít song mê văn, mượn sách của tôi (tác phẩm của cô văn sĩ nọ) đọc miết, rồi buông một câu còn đau hơn: tao thấy cũng thường thôi! Chẳng thà chú đánh tôi còn dễ chịu hơn. Chưa hết đâu, lần nọ đi mua thuốc tây ở hiệu dược quen, cô dược sĩ trẻ măng mang kính trắng, đang lúc rảnh rỗi, bắt chuyện văn chương với tôi, và khi nghe tôi nhắc đến thần tượng, nữ văn sĩ X, cô gái xinh đẹp ấy đã đánh đòn đau điếng: nhà văn X là ai? Trời ạ, sao lại thế?

Bây giờ tôi ngộ rồi: cuộc sống là tập hợp những cá thể rất khác nhau, sự sai biệt tư tưởng là được nhiên, không có gì lạ. chẳng riêng gì chuyện văn chương, món rất chi trừu tượng, sự khác biệt thấy ở mọi nơi mọi lúc với đủ các đối tượng: chính trị, văn hóa, thể thao, ẩm thực… Người ta tranh luận, cãi vã, bất đồng...xoay quanh nhận thức về một đối bóng, một khuynh hướng, một giọng ca…

Có những cuộc tranh luận bất phân thắng bại vì chẳng ai chịu ai, song cũng có những khác biệt dung hòa giải quyết được do người trong cuộc nhận ra khác biệt là bình thường, và đấy rất hay, theo tôi, chính vũ trụ cũng tồn tại hài hòa trong sự khác biệt cơ mà?

Điều gì sẽ xảy ra khi tất cả độc giả đều chỉ thích đúng một nhà văn duy nhất, hay một giọng ca? Các quán ăn phục vụ độc vị mỗi một món? Chán lắm… Vũ trụ mênh mông bao la với các hành tinh chuyển động với quỹ đạo khác nhau, cấu tạo hành tình cũng khác, và các vệ tinh quay quanh cũng chẳng giống nhau.

Những sự khác biệt ấy tồn tại trong trật tự hài hòa, chân phương, tuyệt mỹ, và nhờ đấy sự sống trên trái đất có nắng ấm, tuyết rơi, bốn mùa xuân hạ thu đông nhịp nhàng.

Trật tự ấy là hoàn mãn đến mức không ai ngốc đến mức đồ bỏ bớt chi tiết này hay chi tiết khác, cũng như bộ máy chiếc đồng hồ tự động, xê dịch một tí sự đo thời gian bị hỏng ngay. Tập hợp các khác biệt hợp thành sự hoàn mỹ.

Tâm ta khác tâm người do căn cơ và sự huân tập khác nhau, lòng từ, bi, hỉ, xả..sẽ dung hợp được sự khác biệt thay vì sân si từng câu nói, từng ánh mắt.

Sự thấy biết khác nhau là thường tình do duyên nghiệp và phước báu riêng. Đức Phật giác ngộ mỹ mãn mới thấu suốt lẽ thật, chúng ta phàm phu nhìn nhận sự vật hiện tượng tương đối là chuyện có gì phải bàn? Như mặt nước phản chiếu mây bay, trong thêm một chút, mây càng rõ, cố lắng lọc tâm ta cho thấu suốt sự thu cảm sẽ trong sáng hơn, ngày hôm nay thấy tốt hơn hôm qua, ngày mai lại tốt hơn nữa, rồi có ngày sẽ có diễm phúc thấy được lẽ thật, sự thật rốt ráo.

Tôi có duyên nghiệp gì đấy với nhà văn nọ, và rất nhiều người cũng đồng nghiệp như tôi, tìm thấy ở con chữ của cô cái hay cái đẹp, nói thay hồn mình.

Nhưng cũng phải thừa nhận cuộc sống mênh mông, nếu có người không chung nghiệp với ta, thấy con chữ nhà văn ấy lấn cấn chỗ nào đó, không mê, cũng nên cho là thường, đành rằng cũng lao xao buồn, việc gì phải một sống một chết “bảo vệ” nhà văn ấy, thực ra, dưới góc nhìn của đức Phật, - đấy là bảo vệ cái tâm ích kỷ của ta mà thôi, thỏa mãn tâm lý “cái gì mình cũng đúng”.

Rồi đến khi ngộ ra, biết rằng chính tâm ta cũng giả nốt, có đâu mà chấp.

Vậy thôi.

Nguyễn Thành CôngNgười xưa rất hay, nói hơi bị thừa...- “tiên trách kỷ hệu trách nhân”, đừng vội vàng chụp mũ người, hãy soi lại bản thân mình, nói kiểu bây giờ: không được chủ quan. Nhân sinh thường gặp nhau ở chỗ: nhìn người thì rõ, nhìn mình thì...không rõ, thấy lỗi người thì dễ, lỗi ta thì…Đặc điểm này phổ biến lắm. Tâm ta tâm người có sự sai biệt là chuyện thường tình.
Tôi “mê” nữ Nhà văn nọ từ lúc cô chập chững bước chân lên văn đàn với những tác phẩm nhỏ đầu tay. Dõi theo ngòi bút nữ nhân tài hoa ấy, đến khi cô viết được chừng ..vài chục đầu sách, thì gặp.

Trong một dịp tình cờ, bắt tay người nữ thâm trầm, trẻ tuổi, có đôi mắt tinh anh, tôi ngỡ ngàng biết đấy là thần tượng của mình, nữ văn sĩ X. Vài câu nói xã giao. Lần thứ hai gặp trong một dịp, cũng tình cờ, nhận ra nhau, tôi chủ động chào và được “thưởng” một nụ cười biết nói. Và, với riêng tôi, như thế đã là...trực quan sinh động lắm rồi, sau khi đã đọc không sót đầu sách nào của cô văn sĩ ấy, thêm cả những sáng tác mới chỉ được giới thiệu trên báo. Văn chương, tâm hồn, nhân dáng nữ nhân tài hoa ấy, với tôi, rất hài hòa, mười phân ít ra vẹn…chín. Nếu cô ấy lập một câu lạc bộ những người hâm mộ ắt tên tôi ở hàng đầu vì sự ngưỡng mộ. Nhưng đấy chỉ là tâm tôi thôi.


Gáo nước lạnh đầu tiên tôi nhận được khi giao lưu văn nghệ tại một tòa soạn lớn, anh bạn biên tập là con mọt sách thứ thiệt đã không hề tế nhị (mà chắc chi anh biết tôi là fan của cô văn sĩ nọ?), nói thẳng: Bà đó viết không hay! Tôi bị sốc nặng, nín thinh. Bắt đầu có những suy nghĩ “tại sao” … Chú gần nhà, học ít song mê văn, mượn sách của tôi (tác phẩm của cô văn sĩ nọ) đọc miết, rồi buông một câu còn đau hơn: tao thấy cũng thường thôi! Chẳng thà chú đánh tôi còn dễ chịu hơn. Chưa hết đâu, lần nọ đi mua thuốc tây ở hiệu dược quen, cô dược sĩ trẻ măng mang kính trắng, đang lúc rảnh rỗi, bắt chuyện văn chương với tôi, và khi nghe tôi nhắc đến thần tượng, nữ văn sĩ X, cô gái xinh đẹp ấy đã đánh đòn đau điếng: nhà văn X là ai? Trời ạ, sao lại thế?

Bây giờ tôi ngộ rồi: cuộc sống là tập hợp những cá thể rất khác nhau, sự sai biệt tư tưởng là được nhiên, không có gì lạ. chẳng riêng gì chuyện văn chương, món rất chi trừu tượng, sự khác biệt thấy ở mọi nơi mọi lúc với đủ các đối tượng: chính trị, văn hóa, thể thao, ẩm thực… Người ta tranh luận, cãi vã, bất đồng...xoay quanh nhận thức về một đối bóng, một khuynh hướng, một giọng ca…

Có những cuộc tranh luận bất phân thắng bại vì chẳng ai chịu ai, song cũng có những khác biệt dung hòa giải quyết được do người trong cuộc nhận ra khác biệt là bình thường, và đấy rất hay, theo tôi, chính vũ trụ cũng tồn tại hài hòa trong sự khác biệt cơ mà?

Điều gì sẽ xảy ra khi tất cả độc giả đều chỉ thích đúng một nhà văn duy nhất, hay một giọng ca? Các quán ăn phục vụ độc vị mỗi một món? Chán lắm… Vũ trụ mênh mông bao la với các hành tinh chuyển động với quỹ đạo khác nhau, cấu tạo hành tình cũng khác, và các vệ tinh quay quanh cũng chẳng giống nhau.

Những sự khác biệt ấy tồn tại trong trật tự hài hòa, chân phương, tuyệt mỹ, và nhờ đấy sự sống trên trái đất có nắng ấm, tuyết rơi, bốn mùa xuân hạ thu đông nhịp nhàng.

Trật tự ấy là hoàn mãn đến mức không ai ngốc đến mức đồ bỏ bớt chi tiết này hay chi tiết khác, cũng như bộ máy chiếc đồng hồ tự động, xê dịch một tí sự đo thời gian bị hỏng ngay. Tập hợp các khác biệt hợp thành sự hoàn mỹ.

Tâm ta khác tâm người do căn cơ và sự huân tập khác nhau, lòng từ, bi, hỉ, xả..sẽ dung hợp được sự khác biệt thay vì sân si từng câu nói, từng ánh mắt.

Sự thấy biết khác nhau là thường tình do duyên nghiệp và phước báu riêng. Đức Phật giác ngộ mỹ mãn mới thấu suốt lẽ thật, chúng ta phàm phu nhìn nhận sự vật hiện tượng tương đối là chuyện có gì phải bàn? Như mặt nước phản chiếu mây bay, trong thêm một chút, mây càng rõ, cố lắng lọc tâm ta cho thấu suốt sự thu cảm sẽ trong sáng hơn, ngày hôm nay thấy tốt hơn hôm qua, ngày mai lại tốt hơn nữa, rồi có ngày sẽ có diễm phúc thấy được lẽ thật, sự thật rốt ráo.

Tôi có duyên nghiệp gì đấy với nhà văn nọ, và rất nhiều người cũng đồng nghiệp như tôi, tìm thấy ở con chữ của cô cái hay cái đẹp, nói thay hồn mình.

Nhưng cũng phải thừa nhận cuộc sống mênh mông, nếu có người không chung nghiệp với ta, thấy con chữ nhà văn ấy lấn cấn chỗ nào đó, không mê, cũng nên cho là thường, đành rằng cũng lao xao buồn, việc gì phải một sống một chết “bảo vệ” nhà văn ấy, thực ra, dưới góc nhìn của đức Phật, - đấy là bảo vệ cái tâm ích kỷ của ta mà thôi, thỏa mãn tâm lý “cái gì mình cũng đúng”.

Rồi đến khi ngộ ra, biết rằng chính tâm ta cũng giả nốt, có đâu mà chấp.

Vậy thôi.

Nguyễn Thành Công

Bắt đầu mọi việc sớm hơn một chút

Bắt đầu mọi việc sớm hơn một chút

Đăng lúc: 17:47 - 03/07/2015

Khi bạn thử hỏi một người, hoặc một gia đình bình thường nào đó, xem điều gì có thể làm cho họ căng thẳng nhất, rất hiếm khi mà câu trả lời lại không bao hàm trong đó một thực tế là: họ luôn luôn phải hối hả chạy đua theo sau mọi việc. Cho dù là bạn đang định đi xem một trận bóng đá, đến sở làm, ra phi trường, dự một buổi tiệc của người hàng xóm, thậm chí đến trường hay đi lễ nhà thờ... Dường như hầu hết chúng ta đều có những lý do để khởi sự vào giây phút nào trễ nhất có thể được.


Và như thế là phải chạy đua theo sau một chút. Khuynh hướng này tạo ra rất nhiều những căng thẳng không cần thiết, vì chúng ta luôn phải nghĩ đến những ai đang chờ đợi, đã trễ đi bao lâu so với thời biểu, sự trễ nải này đã xảy ra bao nhiêu lần rồi... Và hầu như bao giờ cũng thế, chúng ta lao ra xe, ghì chặt tay lái, siết dây an toàn... trong lòng đầy lo lắng nghĩ đến hậu quả của sự chậm trễ. Hối hả chạy đua như vậy làm cho chúng ta phải căng thẳng rất nhiều, và tạo điều kiện cho chúng ta dễ dàng cáu gắt vì những chuyện nhỏ nhặt.


Vấn đề rắc rối rất thường gặp từ lâu nay như vậy lại có thể dễ dàng giải quyết, chỉ đơn giản bằng cách hãy tự dành cho mình thêm mười phút nữa trước khi bắt đầu mọi việc. Không cần biết là bạn đang chuẩn bị đi đâu, hãy tự nói với mình rằng, cho dù có xảy ra điều gì đi nữa, bạn cũng sẽ bắt đầu sớm hơn mười phút, thay vì đợi đến giây phút cuối cùng mới lao vội ra cửa.


Dĩ nhiên, điểm mấu chốt của vấn đề là khởi sự sẵn sàng sớm hơn một chút so với thường lệ, và luôn đảm bảo là mọi thứ đã hoàn toàn sẵn sàng trước khi bước vào một công việc khác. Tôi không thể nào kể hết những gì mà giải pháp đơn giản này đã mang lại cho tôi trong cuộc sống. Thay vì phải luôn hối hả lùng sục cái ví tiền của mình, hay tìm một đôi giày cho con gái đúng vào giây phút cuối cùng trễ nãi nhất, giờ đây tôi luôn luôn sẵn sàng với dư thừa thời gian.


Đừng tự dối mình rằng những phút giây dự phòng này là không cần thiết. Có đấy. Những giây phút bạn thêm vào trước và giữa những công việc hàng ngày có thể là sự khác biệt giữa một ngày căng thẳng và một ngày vui vẻ. Thêm vào đó bạn sẽ khám phá ra rằng, khi không phải chạy đua theo sau, bạn mới có thể cảm nhận được nhiều niềm vui trong những công việc khác nhau hàng ngày, thay vì là chỉ luôn hối hả làm cho xong. Ngay cả những sự việc đơn giản, thông thường, cũng có thể là những nguồn vui to lớn khi mà bạn không phải ở trong một tâm trạng quá vội vã.


Khi làm xong một việc, hãy cố gắng chuẩn bị cho việc kế tiếp sớm hơn một chút. Khi nào có thể, hãy phân chia các hoạt động hàng ngày của bạn, giờ làm việc, giờ chơi, và mọi hoạt động khác... cách xa nhau hơn một chút. Và cuối cùng, đừng quá tải trong việc hoạch định thời biểu. Hãy để ra một ít thời gian dự phòng, nghĩa là không xếp bất cứ hoạt động nào vào quỹ thời gian đó.


Nếu bạn thực hiện giải pháp này, bạn sẽ kinh ngạc khi nhận ra cuộc sống của bạn thư thả hơn biết bao nhiêu. Cảm giác căng thẳng, nặng nề liên tục sẽ được thay bằng một cảm giác mới đầy thanh thản và bình ổn.

Nguyễn Minh Tiến dịch

tải xuống (4)

Tha thứ cho những cơn nóng giận

Đăng lúc: 17:46 - 03/07/2015

Tôi không cần biết các bạn là ai – hay quan hệ như thế nào với nhau –, vẫn sẽ có những lúc bạn hoàn toàn mất tự chủ. Thường thì những chuyện như vậy thật sự chẳng to tát gì lắm. Bạn nổi nóng lên hoặc to tiếng. Bạn cảm thấy bị xúc phạm hoặc coi thường. Bạn đưa cả hai tay lên với một sự ghê tởm. Bạn quá căng thẳng đến mức cảm thấy như mình sắp quỵ ngã. Thậm chí bạn còn có thể nguyền rủa, hay tệ hại hơn, đấm vào cái gì hoặc ném đi một vật gì đó... Thế nhưng, trừ khi bạn đã thật sự làm bị thương ai đó hoặc chính mình, bằng không thì điều quan trọng là phải biết tha thứ cho những cơn nóng giận như thế, chấp nhận rằng mình cũng chỉ là một con người, và tiếp tục vượt qua, tự hứa là sẽ bớt nóng giận hơn. Đó là những gì tốt nhất mà bạn có thể làm.


Tôi tin rằng vấn đề lớn hơn một cơn nóng giận là việc chúng ta tự hành hạ mình sau đó. Chúng ta tự nhủ rằng mình là người tồi tệ biết bao, rằng chuyện mình đã làm thật tồi tệ biết bao. Chúng ta cảm thấy có lỗi và chứa đầy trong tâm trí mình những ý tưởng tiêu cực, tự thán. Đáng buồn thay, kiểu đối thoại nội tâm tự nhận lỗi như thế này chẳng bao giờ kèm theo được điều gì tích cực, và trong thực tế còn có thể tạo điều kiện cho chúng ta dễ dàng lập lại đúng những hành vi tồi tệ đã qua, vì nó giữ tâm trí ta chú ý và tập trung mãi vào sự việc đó.


Trong công việc của mình, tôi đã được gặp một số những nhân vật quan trọng, kể cả nhiều bác sĩ điều trị chuyên khoa nổi tiếng trên thế giới, và các tác giả chuyên hướng dẫn người khác lối sống thanh thản... Cho dù hầu hết đều là những người hiền hòa và giàu lòng yêu thương, thì cũng không có ai trong số họ, theo như tự nhận, lại thoát được những cơn bộc phát tình cảm thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Ai cũng là con người, và đều xứng đáng được tha thứ. Nhất là với chính mình.


Trở thành một người ôn hòa hơn, đặc biệt là với những người thân quen trong gia đình, là một tiến trình liên tục, chẳng bao giờ có điểm cuối. Nhiều người vẫn thường nói với tôi rằng: «Tôi đã biết cách trở nên một người ít nóng giận, và tôi thấy vui hơn bao giờ hết. Nhưng có đôi lúc tôi vẫn còn nổi nóng.» Hầu như lúc nào tôi cũng đáp lại rằng: «Xin chúc mừng! Bạn đã tiến bộ nhiều lắm đấy.»


Một trong những bí quyết để tha thứ cho chính mình một cách nhanh chóng là thú nhận rằng mình đã nóng giận, và tự nhủ lòng rằng mình chắc chắn sẽ còn những cơn nóng giận như thế – có thể đến hàng ngàn lần nữa. Điều đó tốt thôi. Vấn đề quan trọng hơn trong tiến trình này là bạn đang đi đúng hướng. Và khi bạn khởi sự biết tha thứ cho những cơn giận dữ của chính mình, sẽ dễ dàng hơn nhiều trong việc mở rộng thái độ này đối với người khác. Thực tế là, trong gia đình tôi, tôi có phần nào thích những lần như thế xảy ra – thỉnh thoảng thôi – khi một trong hai đứa con tôi, hay Kris, nổi nóng lên đôi chút. Bởi vì, những dịp này cho tôi cơ hội để thực tập lòng yêu thương, và nhắc nhở tôi rằng, về cơ bản, tất cả chúng tôi đang cùng chung sống bên nhau. Nói cho cùng, tôi biết quá rõ cảm giác tồi tệ lúc đó như thế nào. Điều dự đoán của tôi là, nếu bạn có thể tha thứ nhiều hơn cho những cơn giận dữ của chính mình và của người khác, những cảm giác suy sụp mà bạn phải trải qua và khuynh hướng cáu gắt với những chuyện vặt vãnh trong gia đình đều sẽ giảm đi đáng kể.



Nguyễn Minh Tiến dịch

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 16
  • Hôm nay 3,041
  • Tháng hiện tại 39,496
  • Tổng lượt truy cập 23,445,745