Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Như Lai ca ngợi hạnh đầu-đà

Như Lai ca ngợi hạnh đầu-đà

Đăng lúc: 22:01 - 20/05/2017

Đầu-đà (dhuta) là tịnh hạnh chứ không phải khổ hạnh hành xác. Thực hành hạnh đầu-đà tuy khắc khổ nhưng hỗ trợ rất lớn cho hành giả trong tiến trình tu tập. Thế Tôn luôn tán thán hạnh đầu-đà, vì hạnh lành này trợ duyên tích cực cho hành giả hướng đến thành tựu giới-định-tuệ.
dauda.jpg
Thực hành hạnh đầu-đà tuy khắc khổ nhưng hỗ trợ rất lớn cho hành giả trong tiến trình tu tập

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Nếu có người tán thán A-lan-nhã (tịch tĩnh) là đã tán thán Ta. Sở dĩ như thế, vì nay Ta thường tự tán thán hạnh A-lan-nhã. Nếu có người phỉ báng A-lan-nhã tức là phỉ báng Ta. Nếu có người tán thán khất thực tức là đã tán thán Ta. Sở dĩ như thế, vì Ta hằng tán thán người hay khất thực. Nếu người hủy báng khất thực là đã hủy báng Ta. Có người tán thán độc cư tức là tán thán Ta. Sở dĩ như thế là vì Ta hằng tán thán người độc cư. Có người hủy báng người độc cư là đã hủy báng Ta. Có người tán thán người ngồi một chỗ, ăn một bữa, tức là đã tán thán Ta. Sở dĩ như thế, vì Ta hằng tán thán người ngồi một chỗ, ăn một bữa. Ai hủy báng người này tức là đã hủy báng Ta. Nếu có người tán thán người ngồi dưới gốc cây tức là tán thán Ta không khác. Sở dĩ như thế là vì Ta hằng tán thán người ngồi dưới gốc cây. Nếu có ai hủy báng người ngồi dưới gốc cây tức là đã hủy báng Ta. Nếu có ai tán thán người ngồi chỗ đất trống, tức là đã tán thán Ta. Sở dĩ như thế, là vì Ta hằng tán thán người ngồi nơi đất trống (lộ tọa). Ai hủy nhục người ngồi nơi đất trống tức là đã hủy nhục Ta. Ai tán thán người ở chỗ vắng vẻ an nhàn tức là đã tán thán Ta. Vì sao như thế? Vì Ta hằng tán thán người ở chỗ vắng vẻ an nhàn. Ai hủy nhục người ở chỗ vắng vẻ an hành tức là đã hủy nhục Ta. Ai tán thán người mặc áo năm mảnh là đã tán thán Ta. Vì sao như thế? Vì Ta hằng tán thán người mặc áo năm mảnh. Ai hủy nhục người mặc áo năm mảnh tức là đã hủy nhục Ta. Ai tán thán người giữ ba y tức là đã tán thán Ta. Vì sao như thế? Vì ta hằng tán thán người giữ ba y. Ai hủy nhục người giữ ba y tức là đã hủy nhục Ta. Ai tán thán người ngồi ở gò mả là đã tán thán Ta. Vì sao như thế? Vì Ta hằng tán thán người ngồi ở gò mả. Ai hủy nhục người ngồi ở gò mả tức là đã hủy nhục Ta. Ai tán thán người ăn một bữa, tức là đã tán thán Ta. Vì sao như thế? Vì Ta thường tán thán người ăn một bữa. Ai hủy nhục người ăn một bữa tức là đã hủy nhục Ta. Ai tán thán người ăn đúng ngọ là đã tán thán Ta. Vì sao như thế? Vì ta hằng tán thán người ăn đúng ngọ. Ai hủy báng người ăn đúng ngọ tức là hủy báng Ta. Ai tán thán người hành đầu-đà tức là đã tán thán Ta. Vì sao như thế? Vì Ta hằng tán thán các người hành đầu-đà. Ai hủy nhục người hành đầu-đà tức là đã hủy nhục Ta. Nay Ta dạy các Tỳ-kheo hãy như sở hành của Đại Ca-diếp, không có sơ sót. Vì sao như thế? Vì Tỳ-kheo Ca-diếp có các hạnh này. Thế nên các Tỳ-kheo, hãy thường nên học như Đại Ca-diếp.

Như vậy, này các Tỳ-kheo, nên học điều này.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm12. Nhập đạo,
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr143)

Theo pháp thoại, 12 hạnh đầu-đà (về nội dung tuy có đôi chút khác biệt so với các bản kinh khác) là nếp sống phạm hạnh bậc nhất, khó làm. Tuy khó nhưng Thế Tôn thường ca ngợi vì đầu-đà giúp thành tựu giới, tăng trưởng định và phát huy tuệ.

Người tu ngày nay lập chí giữ một hạnh thôi cũng đã khó nói gì hết thảy các hạnh đầu-đà, nên tu nhiều mà thành tựu giải thoát chẳng bao nhiêu chính ở chỗ này. Người xưa xả phú cầu bần để thân tâm thanh tịnh. Còn chúng ta hiện tại thì sao? Nói chi đến đầu-đà, chỉ cần muốn ít và biết đủ thôi cũng đủ khiến cho hành giả thong dong, tự tại.
Quảng Tánh

Tỉnh giác với lợi dưỡng

Tỉnh giác với lợi dưỡng

Đăng lúc: 21:46 - 17/04/2017

Hẳn ai cũng biết câu: “Cái vòng danh lợi cong cong/Kẻ hòng ra khỏi, người mong bước vào”. Lợi và danh, những thứ mà thuở sơ tâm xuất gia ai cũng thấy bọt bèo. Buông bỏ hết những cái vụn vặt, tầm thường để hướng đến những chân trời cao rộng. Từ bỏ gia đình, cất bước du phương, như khúc gỗ trôi theo dòng sông nhưng không phải khúc gỗ nào cũng xuôi về biển cả. Vì nhiều nhân duyên, nghiệp dĩ nên người đốn củi kia tuy có vào rừng mà không lấy được lõi cây, chỉ mang về đôi chút cành lá mà thôi.

20-Duc-Phat-Thich-Ca-va-chuyen-khat-thuc-03.jpg
Khất thực thời Đức Phật - Tranh PGNN
Có ai thấu hiểu vì sao những thứ vốn tầm thường, vụn vặt của ngày xưa giờ đây lại trở thành quan trọng; luẩn quẩn không lợi thì danh, không danh thì lợi, hoặc cả hai. Phải chăng có một bộ phận không nhỏ người học Phật ngày nay bị bội thực bởi pháp học mà không nếm được vị ngọt của pháp hành nên đành chấp nhận với cái mà ngày xưa mình từng rẻ rúng là bèo bọt? Lợi dưỡng và cung kính ngày càng lớn dần theo lộ trình xuất gia, nhưng nó chính là con dao hai lưỡi, tồn tại và phát triển hay biến chất, hủ hóa cũng từ đây. Nên “Do phương tiện này mà biết lợi dưỡng rất nặng, khiến người chẳng đắc đạo Vô thượng Chánh chân” đã trở thành công án, là điều đáng suy ngẫm trong bối cảnh tu học hiện nay.

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Nhận lợi dưỡng của người thật chẳng dễ, khiến người chẳng đến được chỗ vô vi. Vì sao thế? Nếu Tỳ-kheo Tu-la-đà không tham lợi dưỡng thì đã không ở trong pháp mà xa ba pháp y để làm cư sĩ. Tỳ-kheo Tu-la-đà vốn tu hạnh A-lan-nhã, đến giờ khất thực, ở một nơi, ngồi một chỗ, hoặc ăn chính ngọ, ở dưới gốc cây, ngồi ngoài trời, thích chỗ nhàn cư, mặc áo năm mảnh, hoặc giữ ba y, hoặc thích ở gò mả, khắc khổ thân thể, hành hạnh đầu đà này. Lúc này, Tỳ-kheo Tu-la-đà thường nhận sự cúng dường của quốc vương Mãn Hô, hàng ngày cung cấp món ăn trăm vị.

Bấy giờ Tỳ-kheo kia ý nhiễm thức ăn này, dần dần bỏ hạnh A-lan-nhã, đến giờ khất thực, ở một nơi, ngồi một chỗ, ăn chính ngọ, ở dưới gốc cây, ngồi ngoài trời, ở chỗ nhàn cư, mặc áo năm mảnh, hoặc giữ ba y, hoặc thích ở gò mả, khắc khổ thân thể. Bỏ hết những điều này, bỏ ba pháp y; vị ấy trở lại làm người bạch y, giết trâu sát sanh chẳng thể tính kể, khi thân hoại mạng chung sanh vào địa ngục.

Các Tỳ-kheo, do phương tiện này mà biết lợi dưỡng rất nặng, khiến người chẳng đắc đạo Vô thượng Chánh chân. Nếu chưa sanh lợi dưỡng, hãy chế ngự khiến cho chẳng sanh; đã sanh thì tìm phương tiện khiến tiêu diệt liền. Như vậy, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm13.Lợi dưỡng,
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr152)

Pháp thoại này, Thế Tôn đề cập đến chuyện Tỳ-kheo Tu-la-đà vì tham đắm lợi dưỡng đã từ bỏ đời sống phạm hạnh, tạo nhiều ác nghiệp nên chịu quả báo nơi địa ngục. Mới hay trong sự tu hành, thiếu lợi dưỡng thì không tu tập được mà tham đắm lợi dưỡng thì cũng tiêu vong. Thực tế cho thấy, người tu không chết vì sự nghèo thiếu mà thực sự ngộp trong sự cúng dường hậu hĩ của tín đồ.

Khi kinh tế xã hội phát triển thì sự cúng dường, lợi dưỡng ngày càng nhiều hơn. Hộ pháp bắt đầu từ đó mà hại pháp cũng xuất phát từ đây. Dĩ nhiên lợi dưỡng không có lỗi, tâm tham đắm lợi dưỡng của người tu mới là lầm lỗi. Nên lời cảnh tỉnh của Thế Tôn “Nếu chưa sanh lợi dưỡng, hãy chế ngự khiến cho chẳng sanh; đã sanh thì tìm phương tiện khiến tiêu diệt liền” trở nên thống thiết hơn bao giờ hết. Đây chính là chìa khóa, là bí quyết, là giải pháp cho sự phát triển ổn định của Phật giáo trong bối cảnh hiện nay.
Quảng Tánh

Ơn Thầy

Ơn Thầy

Đăng lúc: 08:15 - 21/11/2015

Tôi vốn sinh ra trong một gia đình ở làng quê nghèo, có thể nói là nghèo xác nghèo xơ, nghèo khánh kiệt. Ở cái vùng quê thắt eo miền Trung khắc nghiệt ấy nắng, gió, bão táp luôn rình rập, bủa vây phận đời trôi nổi của mẹ con tôi qua những tháng năm dài theo vòng quay nghiệp dĩ.

Mẹ tôi, với suy nghĩ bình dị muốn thoát ra khỏi nghiệp đói nghèo dai dẳng ấy bằng cách khuyên dạy tôi: “Con phải học lấy năm ba chữ cho ấm thân và làm hành trang cho cuộc sống sau này”.

Lớp học xưa - Ảnh minh họa

Từ suy nghĩ giản đơn ấy như một thông điệp thiết thực, mẹ tìm mọi cách cho tôi đến trường vì: Sợ con mù chữ, đời nó sẽ khổ! Bởi, cái nghèo khó đã quấn chặt lấy đời mẹ và có thể trói buộc luôn cả đời con.

Luôn tâm niệm về điều đó nên mẹ không quản ngại thức khuya dậy sớm, đầu tắt mặt tối, bất chấp hoàn cảnh thiếu trước hụt sau, nỗi đau mất chồng… mà gắng lo cho con. Mẹ chỉ mong luôn có sức khỏe, để vượt qua chặng đường số phận, gánh nặng cơm áo gạo tiền mà lo cho con có được cái chữ. Nhìn bạn bè đồng trang lứa ngày ngày được đến trường học chữ, mẹ ứa nước mắt còn tôi chuyện được đi học như là sự viễn mơ...

Cuối cùng, bằng sự hy sinh phi thường ấy của mẹ, ước mơ “đi học” của tôi rồi cũng đã đến. Ngày mẹ dẫn tôi đến trường, tâm trạng của hai mẹ con rất vui nhưng vẫn rụt rè khép nép, pha lẫn chút sợ sệt âu lo. Lần đầu tiên được tiếp xúc với một thầy giáo, tóc thầy đã hoa râm, dáng thầy khắc khổ, hiện lên trên nét mặt là tính nghiêm khắc. Tôi cố bình tĩnh khoanh tay và cúi đầu chào thầy, còn mẹ tôi thì ấp a ấp úng nói không ra lời. Thầy cũng đoán được mục đích mà mẹ con tôi đến đây để cho tôi vào học lớp vỡ lòng.

Sau này tôi được biết, các cô cậu nhóc con trong lớp học của tôi có nhiều trình độ khác nhau: Kẻ thì học vỡ lòng, người thì học lớp ba, lớp tư… nên thầy phải chia thời gian dạy cho từng trò một. Tôi trình độ vỡ lòng, thầy dạy tôi hai mươi bốn chữ cái. Tôi vừa đánh vần, vừa tập đọc, vừa tập viết để nhớ mặt chữ. Cứ vậy, với một cây viết chì, một cục tẩy trên tay để nếu lỡ viết sai, không đúng quy cách ô li của thầy đã định thì xóa đi viết lại. Cứ vậy mà ê a và xoay tua đọc viết suốt ngày.

Khi thầy thấy tôi đã thuộc làu làu hai mươi bốn chữ cái, thầy hướng dẫn tôi học bảng cửu chương nhưng thỉnh thoảng thầy lại hỏi lại các chữ cái mà tôi đã học, như một cách ôn bài cho tôi. Sau khi đã thuộc nằm lòng hai mươi bốn chữ cái và bảng cửu chương, thầy bảo tôi mua một lưỡi viết lá tre gắn vô một cái cán chừng một gang tay thành một cây viết và một bình mực tím hoặc xanh rồi thầy dạy cho tôi viết chữ.

Bắt đầu từ những chữ đơn rồi đến chữ ghép. Khi tôi đã quen thuộc với lối viết ghép chữ rồi, thầy dạy tôi sang viết cả dòng chính tả. Cứ như vậy, thầy luyện đi luyện lại chữ viết cho tôi cho đến khi thật đẹp, bởi theo thầy “Nhìn chữ viết sẽ biết tính cách của con người” hay nói như ông bà xưa “Nét chữ nết người”.

Vì trong lớp có nhiều trình độ cũng như độ tuổi khác nhau nên thầy phải rất vất vả để “trị” đám học trò “ô hợp” và được mệnh danh là “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” chúng tôi. Thầy chọn phương pháp răn đe, bằng cách nhờ một trò tìm cho thầy một miếng vỏ mít khô làm dụng cụ trừng phạt. Thầy giao ước với chúng tôi: “Nếu em nào không thuộc bài hoặc làm bài sai, lần đầu tiên nhắc nhở, tái phạm lần thứ hai chép phạt, tái phạm lần thứ ba phạt quỳ gối trên miếng vỏ mít khô”.

Qua những lời răn dạy kèm theo hình phạt mà thầy đã đưa ra, bọn nhóc chúng tôi sợ lắm nên đứa nào đứa ấy bảo nhau chăm chỉ học tập để tránh hình phạt nhãn tiền mà thầy đã quy ước. Không biết phương pháp răn dạy ấy của thầy có đúng với quy chuẩn sư phạm ngày ấy hay không, nhưng nó đã rất tác dụng và hiệu quả với lớp học của thầy. Trong một không gian chật hẹp ấy với khoảng bảy mươi học sinh cấp tiểu học, trình độ khác nhau, độ tuổi khác nhau, ngồi chen ngồi chúc với nhau, mùa hè thì nóng bức, mùa đông thì tối tăm rét buốt, duy chỉ một mình thầy đứng lớp nhưng việc học của chúng tôi vẫn có kết quả tốt.

Cứ vậy, bằng sự cần mẫn, nhẫn nại và tình thương yêu bao la của thầy, đám học trò “măng tơ” chúng tôi ngày ấy mới có được như ngày hôm nay. Chiêm nghiệm cuộc đời mình, tôi thấy nhờ cách rèn người, rèn chữ bằng sự tận tâm tận lực của thầy và sự tri ân sâu sắc của phụ huynh xưa “Muốn con hay chữ phải yêu kính thầy” mà học trò từng bước nên người.

Trong thời buổi nhiễu nhương của ngày hôm nay, ở đâu đó vẫn còn có sự thất kính, khẩu khí hiềm khích, trích biếm từ những bậc phụ huynh làm buồn lòng các thầy cô giáo đang ngày đêm tận tụy mang con chữ đến lớp, từ thành thị, đến tận các vùng xa xôi, hẻo lánh, gieo tri thức cho lớp trẻ tương lai của đất nước này. Suy cho cùng, câu nói của người xưa “Không thầy đố mày làm nên” và đạo lý của tổ tiên ta “Công cha - nghĩa mẹ - ơn thầy” đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Còn tôi, đứa trẻ của mấy chục năm trước luôn kính cẩn ghi nhớ ơn sâu người thầy thuở ấy!
Thanh Phương

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 36
  • Hôm nay 2,858
  • Tháng hiện tại 60,243
  • Tổng lượt truy cập 23,466,492