Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Làm chủ thời gian của chính mình

Làm chủ thời gian của chính mình

Đăng lúc: 21:18 - 24/06/2017

Dzigar Kongtrul Rinpoche sinh ra ở miền Bắc Ấn Độ, nhưng hiện sống ở miền Nam Colorado, Hoa Kỳ. Ông là sáng lập viên của Mangala Shri Bhuti, tổ chức chuyên nghiên cứu và thực hành giáo lý của dòng truyền thừa Longchen Nyingthik thuộc Phật giáo Tây Tạng.
*

Biết nhìn nhận thực tại

Ngày nay, những người ở độ tuổi bảy mươi vẫn thấy mình còn thời giờ để tiêu pha. Tôi không biết do đâu mà họ được vậy. Có lẽ vì trong các xã hội tân tiến, người ta sống khỏe hơn, luôn hoạt động và di chuyển nhiều hơn, nhờ thực phẩm tốt hơn, có nhiều thuốc bổ và nhiều phương pháp chữa bệnh hơn. Người già cũng có nhiều thứ để giải trí, để bận rộn hơn như: các tour du thuyền, các hội thảo và nhiều loại hoạt động thể lực khác. Bạn sẽ nghe họ nói, “Những người bốn mươi là người ba mươi mới, và những người năm mươi là bốn mươi mới…”. Ai cũng cố gắng để giữ được sự trẻ trung hay cái nhìn trẻ trung. Cách suy nghĩ này đã thay đổi quan điểm và cách chúng ta liên tưởng đến tuổi già.

hourglass.jpg
Việc chúng ta sử dụng thời gian như thế nào tùy thuộc vào việc ta sắp xếp thời gian,
và việc đó lại tùy thuộc vào việc ta phác họa cuộc sống của mình như thế nào - Ảnh minh họa

Khi tôi mới đến phương Tây, phần đông đệ tử của tôi đều khá trẻ, chỉ trừ một nhóm phụ nữ rất chí thành ở độ tuổi bốn mươi hay lớn hơn. Họ lập nhóm để học pháp, mà họ vui vẻ gọi nhau là nhóm Các bà lão. Khi tôi hỏi một đệ tử khác, trong độ tuổi bảy mươi, có muốn gia nhập với nhóm Các bà lão không, thì người này nổi giận. Con người thường như thế, tưởng là mọi thứ đều vĩnh viễn.

Trong các nền văn hóa truyền thống, bảy mươi đã coi là già, và người ta không có vấn đề gì khi nói lên điều đó. Các nền văn hóa này xem tuổi già là lúc để ta sửa soạn cho cái chết. Nhiều người thời tuổi trẻ có những hành động ngông cuồng, bất thiện thường bắt đầu chỉnh sửa lại, và hướng đến việc thực hành tâm linh lúc tuổi xế chiều. Thay vì tiếp tục làm điều bất thiện, họ dốc hết những năm tháng còn lại trong đời để đọc kinh, lễ sám. Tôi thấy những điều này thường xảy ra, ngay nơi bản thân tôi.

Ở Tây Tạng, khi cha mẹ già đi, con cái sẽ nói, “Cha/mẹ già rồi, hãy lo trì tụng kinh kệ, đi chùa chiền!”. Điều này có hai lợi thế: con cái biết làm thế thì cha mẹ khỏi vướng bận họ, nhưng đó cũng là do áp lực của xã hội thúc đẩy người ta chuẩn bị cho cái chết. Khi người già chuẩn bị cho điều đó; nó giúp họ ở tư thế sẵn sàng.

Biết nhìn nhận thực tại tốt hơn là bắt nó phải theo ý mình. Biết chăm sóc thân là điều khôn ngoan; ta không muốn già, không muốn bất lực trước tuổi. Ta không muốn đánh mất lòng tin yêu cuộc sống, sự nhiệt tâm. Nhưng chăm chú lo kéo dài cuộc sống hơn là chấp nhận cái chết là vô vọng. Tuổi trẻ chóng qua, rồi đến tuổi trung niên, rồi tuổi già. Tóm gọn lại là thế. Rinpoche Patrul khuyên ta nhìn sự xoay vần của cuộc sống như thời gian của một ngày: trẻ con ở buổi bình minh, tuổi mới lớn là những giờ phút của buổi sáng, trưởng thành buổi trưa, và già nua buổi hoàng hôn. Nếu bạn muốn chuẩn bị tâm thức cho cái chết, thì việc quán sát thời gian là điều nên làm.

Lập thời dụng biểu

Bản tính tôi không phải là người có óc tổ chức, nhưng mấy năm trước đây tôi nhận thấy nếu tôi không biết làm chủ thời gian, thì nó sẽ làm chủ tôi. Vì thế, giờ tôi làm đầy thời gian biểu của mình với càng nhiều pháp hành càng tốt. Tôi lên kế hoạch cho cả năm - điền đầy cả cuốn lịch với quyết tâm, rồi tôi thực hành theo đó. Tôi biết mình có tất cả bao nhiêu giờ trong ngày và tôi dành thời gian để làm các việc đó. Tôi nhận định, đây là cuộc đời tôi, nếu tôi không làm chủ nó thì ai sẽ làm đây. Tôi thấy mình suy nghĩ nhiều về thời gian, quán sát mình còn bao nhiêu thời gian và mình muốn làm gì với chúng.

Thực tế ra mà nói, ta chỉ có hai mươi bốn giờ một ngày. Vậy ta muốn dùng chúng vào việc gì? Ta cần thời gian để ngủ. Nhưng thực sự ta cần ngủ bao nhiêu tiếng? Bảy hay tám tiếng không thích hợp với ta rồi, trừ khi ta đang ở tuổi mới lớn. Đa số đều có việc làm. Ta thường phải làm cơ bản tám, chín tiếng một ngày. Vậy là ta chỉ còn lại bảy hay tám giờ. Nhưng rồi ta còn những bổn phận đối với gia đình, ta cần dành thời gian với họ. Như thế với thời gian còn lại, ta làm thế nào để tu tập trong đời sống?

Tôi là người thuộc về đêm, nên tôi hành thiền vào đêm khuya. Có người lại thích bắt đầu trước bình minh. Đó là những giờ yên tĩnh - những giờ dễ tu tập - vì người khác đang yên giấc hay có thể cũng đang tu tập. Đôi khi thực hành vào ban đêm tôi cũng cảm thấy buồn ngủ, nhưng qua giai đoạn đó, tôi tìm được nguồn năng lực mới giúp tôi hoàn tất được việc thực hành của mình. Bất cứ điều gì có thể giúp ta tập trung sẽ tạo năng lực, đem lại ý nghĩa cho cuộc sống của ta. Trước đây tôi thường bị mất ngủ, nhưng giờ khi đã có thời gian thực hành thường xuyên, tôi thường có giấc ngủ sâu.

Thiết lập mục tiêu rõ ràng

Nếu ta có nguyện vọng thực hành, ta cần thiết lập mục tiêu rõ ràng để thực hiện điều đó. Tâm lưỡng lự không giúp gì cho ta. Ở Tây Tạng có câu nói: Yi nyi te tsom. Yi nyi, có nghĩa là khi ta có hai tâm, sẽ có sự mâu thuẫn trong lựa chọn. Ta sẽ không chắc chắn nên phải làm gì. Ta có thể muốn tu tập nhưng không đủ ý chí để thực hiện điều đó.

Nhiều người muốn tu tập mà không tìm ra thời gian. Điều đó ảnh hưởng đến lòng tự trọng của họ. Trong trường hợp đó, ta cần tự hỏi điều gì đã cản trở ta thực hiện ý nguyện của mình? Ta có sống tốt không, hay chỉ lây lất qua ngày? Ta sử dụng thời gian của mình như thế nào? Ta có biết đúng, sai? Ta có hướng tham vọng của mình đến một đời sống có ý nghĩa, hay tránh né nó? Nếu đúng, thì tại sao lại như vậy?

Việc chúng ta sử dụng thời gian như thế nào tùy thuộc vào việc ta sắp xếp thời gian, và việc đó lại tùy thuộc vào việc ta phác họa cuộc sống của mình như thế nào. Một khi ta đã trả lời được những câu hỏi này, và đã quyết định rõ ràng để có thời gian thực hành trong cuộc sống, thì ta phải cố gắng hết sức hơn là để tâm chạy rông, vô tổ chức, chỉ đợi điều gì đó xảy ra cho mình.

Đề phòng sự xao lãng

Sự xao lãng ngụy trang dưới nhiều hình thức. Đôi khi ta cảm thấy như mình phải gánh vác chuyện của người khác. Nếu ta có khuynh hướng hay làm việc đó thì thế nào cũng có người bằng cách này hay cách khác, níu áo ta. Họ cần một lời khuyên, nhưng họ không thực sự lắng nghe ta. Họ chỉ muốn có chỗ để giải tỏa, trút bầu tâm sự. Họ cảm thấy căng thẳng, rồi khiến ta bị căng thẳng lây, rốt cục không có ai được lợi lộc gì. Hoặc giả, trong công việc, nếu chúng ta quá chú trọng đến chi tiết và muốn mọi thứ phải hoàn hảo, thì có thể ta chẳng bao giờ làm xong chuyện gì, mà cũng không còn thời giờ để tu tập. Chúng ta cũng có thể cảm thấy mình là người duy nhất biết làm bất cứ việc gì, nên cuối cùng là ta phải gánh vác mọi việc. Có người lại không bao giờ biết từ chối. Các hình thức gây xao lãng này còn chưa kể đến nhu cầu phải được giải trí, được tiêu khiển không ngừng của ta, cũng như những thứ xa lạ, đòi hỏi nhiều sự quan tâm mà ta mang vào cuộc sống của mình như là thú nuôi, các hệ thống giải trí cá nhân và các loại máy vi tính cầu kỳ.

Ngay cả trong các khóa tu, người ta cũng tìm đủ cách để bận rộn, để lẩn tránh việc tu tập, như mỗi ngày bỏ ra hằng giờ để lên danh sách mua sắm. Ở Ấn Độ, người ta nói, “Bạn chỉ cần hai chiếc bánh mì mỗi ngày”. Tôi không nghĩ điều đó có nghĩa là ta phải qua ngày bằng hai chiếc bánh mì, như một nhà tu khổ hạnh. Đây chỉ là ám chỉ cho sự buông xả. Thực sự chúng ta cần gì? Đã bao lần ta bị xao lãng bởi các tham vọng, bởi sự tìm tòi phương cách để đạt được chúng? Chúng ta có thể giải phóng bản thân khỏi những xao lãng này bằng cách không cần đến chúng? Dầu với lý do gì, đổ lỗi cho người khác vì sự xao lãng của mình đều không hay ho gì. Kunchyen Longchenpa đã nói, “Các tham vọng thì vô hạn; chỉ khi ta buông chúng thì chúng mới biến mất”.

Tâm cởi mở - bình an

Nếu không có mục tiêu, ta chỉ loanh quanh như một con hổ bất an, không thể tìm thấy yên ổn trong bất cứ thứ gì. Ta lăn trở trên giường, vặn truyền hình, chuyển đổi các kênh, ăn khi không đói, rồi điện thoại liên miên. Ta định làm gì thế? Ta đang cố gắng để kết nối với thế giới vật chất bên ngoài. Nhưng làm sao ta có thể làm điều đó, khi ta còn chưa thể kết nối với nội tâm mình?

Những lúc ta không cảm thấy kết nối với nội tâm là lúc tốt nhất để tu tập. Khi tâm ta không bình ổn, cũng giống như khi bị đau răng. Ta bị hành hạ, chi phối bởi tư tưởng, tình cảm và sự sợ hãi. Ta cũng nghĩ ra đủ thứ cảm xúc vật lý. Tôi đau cổ, rồi nhảy qua đau lưng, đau chân. Rồi bỗng nhiên, ta nghe tiếng nói bên tai, hay mắt ta đang ngứa? Sự thật hơi đáng ngờ, phải không bạn?

Ta cần thời gian để năng lượng bất ổn, căng thẳng này hạ xuống nơi thân. Khi thân an, tâm an. Khi tâm an, các cảm xúc an, và ta cảm nhận sự tự tại, thư giãn, hay shenjong. Khi tâm thư giãn, nó có mặt cho ta, phục vụ ta hay ít nhất cũng giúp ta hiểu việc gì đang xảy ra. Không gian của shenjong ít có biến động, nên tư tưởng, cảm xúc không thể xô đẩy, làm tổn hại ta như chúng thường làm. Tất cả những nỗi mệt nhọc tan biến đi. Tâm ta trong sáng. Thân cảm thấy nhẹ nhàng như mảy lông.

Cần có sức mạnh và sự rõ ràng

Ta cần chút ít sức mạnh để chống lại thói quen chạy theo ngoại cảnh, ngay cả khi ta đã mất khá nhiều thời gian vào đó. Đừng như chú cá heo bơi theo dòng nước, dầu đã bơi nửa đường vào miệng gấu, thay vì thối lui ra, lại nghĩ, “Dầu gì, ta cũng đi được nửa chặng đường”. Thoát ra được sự xao lãng đòi hỏi ta phải có ý chí và sự rõ ràng.

Có nhiều người nói, “Tôi quá lười và quá yêu bản thân nên không thể bỏ thì giờ tu tập”. Loại người lười biếng và thiếu ý chí như vậy sẽ chẳng bao giờ được giải thoát. Đức Phật đã nói, loài ruồi, giòi, vi trùng, nếu chúng có khả năng khao khát được giác ngộ, chúng cũng sẽ làm được. Thật đáng xấu hổ nếu điều đó xảy ra, phải không? Giòi mà còn đạt được giác ngộ huống là ta. Trong kinh nói, “Vạn pháp do duyên khởi”. Các duyên mà ta cần được tạo ra do ý chí và sự rõ ràng của dự tính, và cách ta áp dụng chúng trong đời sống.

Không phải là ta không tinh tấn. Chuông báo thức reo, 4 giờ sáng. Nhiệt độ đã xuống hàng đơn vị. Chúng ta không muốn ngồi dậy, nhưng đó là ngày thứ hai và ta sẽ phải lãnh hậu quả, nếu không ngồi dậy. Phải dậy thôi. Rồi phải quét tuyết trên cửa xe, làm ấm xe, và thẳng tới chỗ làm, ở đó chín hay mười tiếng. Phải làm những việc này mỗi sáng cũng cần chút tầm nhìn, chút ý chí và sự sáng suốt. Nếu ta có thể làm tất cả những thứ đó, chắc chắn ta sẽ tìm ra được thời gian để thực hành.

Cánh đồng xoài hiện đại

Nếu ta có thể quán sát thời gian một cách thực tế, xếp đặt thời khóa biểu, tránh sự xao lãng với ý chí, tâm sáng suốt, và suy nghĩ về những gì khiến cuộc sống có ý nghĩa, chúng ta chắc chắn sẽ tìm ra thời gian để thực hành, để thư giãn tâm. Thông thường, khi thư giãn có nghĩa là đem tâm ra khỏi những công việc hàng ngày, nằm nghỉ ngơi, xem truyền hình hay ngủ nghỉ. Thường thư giãn có nghĩa là tách ra khỏi những căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng dầu ta có bỏ ra nửa cuộc đời để ngủ vẫn chẳng bao giờ thấy thư giãn. Đó là vì ta không chú tâm vào việc thư giãn tâm.

Có gì giúp ta thư giãn hơn là sự buông bỏ những âu lo, những toan tính? Có cách gì tốt hơn là quan sát Bồ-đề tâm để giảm thiểu sự bám víu? Để giải phóng những hy vọng và sợ hãi, có gì tốt hơn là hãy để chúng khởi lên, rồi tự chúng hoại diệt một cách tự nhiên trong không gian của tâm cởi mở? Thiền tạo không gian cho mọi thứ: tất cả những hy vọng, sợ hãi, âu lo cũng như niềm vui và khát vọng. Không cần phải kiểm soát tư tưởng, vì khi thực hành, ta đã tự nguyện để chúng như chúng là - không phán xét chúng tốt hay xấu, có ích hay có hại, tâm linh hay vật chất. Có những hoạt động nào khác có thể hỗ trợ cho tâm và các phát khởi của nó theo cách này không? Chắc chắn là không.

Điều duy nhất ta cần để thực hành là tìm một nơi yên tĩnh để ngồi: một căn phòng, một ghế ngồi nơi công viên, hay chính chiếc giường của mình. Trong các kinh diễn tả một cánh đồng xoài yên tĩnh như là một nơi lý tưởng để thực hành. Đức Phật và các đệ tử của Ngài đã hành thiền ở những nơi như thế. Nếu bạn nghĩ về điều đó, đang giữa một ngày bận rộn, bất cứ một chỗ yên tĩnh nào để ngồi cũng có thể là cánh đồng xoài hiện đại.

DZIGAR KONGTRUL RINPOCHE
Diệu Liên Lý Thu Linh
(Chuyển ngữ từ Take charge of your practice, Tricycle, 5-5-2017)

Trung Quốc phá dỡ nhà cửa ở học viện Phật giáo lớn nhất thế giới

Trung Quốc phá dỡ nhà cửa ở học viện Phật giáo lớn nhất thế giới

Đăng lúc: 07:53 - 23/07/2016

Để đảm bảo về an toàn hỏa hoạn, Trung Quốc đã phá dỡ Học viện Phật giáo Larung Gar, Tây Tạng.
Hôm 20/7 vừa qua, chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành phá dỡ các trung tâm nghiên cứu Phật giáo và khu nhà ở tại đây. Thông tin trên đã gây nên bức xúc cho nhiều người trên toàn thế giới.

Theo kế hoạch, chính quyền sẽ bắt đầu tiến hành phá dỡ từ ngày 25/7 nhưng vì một vài lý do, kế hoạch đã được tiến hành sớm 5 ngày.

Trung Quốc phá dỡ nhà cửa ở học viện Phật giáo lớn nhất thế giới - Ảnh 1.
Những ngôi nhà gỗ đỏ nổi tiếng tại Larung Gar đang bị phá dỡ.

Theo đài BBC Anh Quốc, đây là một phần trong kế hoạch giảm dân số lớn tại đây. Khu vực có diện tích không lớn, lại nằm ở độ cao 4,000m so với mặt nước biển mà có khoảng 10,000 tăng ni thường trú (tạm trú có thể gần 40.000 người). Chưa kể từ năm 2011, khu vực đã mở cửa cho du khách nên số người tới đây cũng rất đông.

Việc phá dỡ là một phần trong chiến dịch cắt giảm dân số xuống còn 5.000 người vào tháng 9/2017. Đã có 60-70% ngôi nhà bị đánh dấu phá bỏ. Chính quyền lo ngại việc quá tải dân số có thể dẫn tới các vấn đề an toàn và hỏa hoạn.

"Việc phá dỡ khu Học viện Phật giáo được tiến hành từ 8h sáng khi những người được chính quyền cử xuống bắt đầu tiến hành phá bỏ các khu nhà chính phủ không cho phép lưu trú", một nhà sư giấu tên chia sẻ.

Hiện tại, nhiều người dân Tây Tạng đang kêu gọi mọi người từ khắp nơi ký tên nhằm yêu cầu can thiệp vào việc phá dỡ học viện. Học viện đã đóng cửa với du khách nước ngoài kể từ ngày 16/6.

Trung Quốc phá dỡ nhà cửa ở học viện Phật giáo lớn nhất thế giới - Ảnh 2.
Khu vực ngổn ngang với đống đổ nát.

Từ lâu, học viện Phật Giáo Larung Gar, nằm trong thung lũng Larung, Tây Tạng đã nổi tiếng không chỉ với những người theo đạo Phật mà còn với dân du lịch muốn khám phá những vùng đất mới. Nằm giữa thung lũng Larung trên cao nguyên Tây Tạng, cách thị trấn Sertar 15 km, Học viện Phật giáo Larung Gar là trung tâm Phật giáo lớn nhất và có sức ảnh hưởng nhất thế giới.

Trung Quốc phá dỡ nhà cửa ở học viện Phật giáo lớn nhất thế giới - Ảnh 3.
Trong mắt họ, Tây Tạng chứa đầy những điều huyền bí và học viện Phật Giáo Larung Gar là một nơi không thể bỏ qua khi tới đây.

Khai mở tâm thức

Khai mở tâm thức

Đăng lúc: 15:34 - 13/07/2016

Mỗi ngày ta đều dành thời gian quán niệm, hành thiền, ta sẽ có một bắt đầu tốt đẹp cho việc khai mở tâm thức.

Chúng ta có khả năng chuyển đổi thân, thì đối với tâm cũng thế. Thân có thể thay đổi như khi ta ăn ít hơn để giảm ký, hay ăn nhiều hơn để tăng trọng lượng; uống nhiều rượu thì hại gan, hút thuốc nhiều thì hại phổi. Ta có thể tập thể dục để có bắp thịt, hay luyện tập để chạy nhanh hơn, nhảy cao hơn, hay tập dượt để có thể đánh tennis hay đá cầu. Thân có thể làm được nhiều thứ mà một người bình thường không biết mình có thể làm được vì họ không được tập luyện. Thí dụ, chúng ta biết có những người có thể nhảy hai hay ba lần cao hơn bình thường, hay chạy nhanh gấp mười lần người khác. Thật vậy, nhiều người có thể làm những điều phi thường với cơ thể họ. Tương tự, cũng có những người có thể sử dụng tâm họ trong những cách dường như rất kỳ diệu, mà thật ra tất cả đều do tập luyện.

Thiền là cách rèn luyện duy nhất dành cho tâm. Muốn huấn luyện thân phải có những kỷ luật về thân. Tâm cũng cần những kỷ luật về tâm, như thực hành thiền.

Trước hết ta cần chuyển hóa tâm từ những suy nghĩ bất thiện thành thiện. Cũng giống như người muốn trở thành vận động viên phải bắt đầu bằng việc rèn luyện cơ thể, ta cũng cần phải làm thế với việc rèn tâm. Đầu tiên chúng ta giải quyết những điều bình thường, sau đó mới đến những điều cao xa hơn. Việc quán tưởng về cái chết của bản thân sẽ giúp chúng ta nhận thức rằng tất cả những gì đang xảy ra, sẽ sớm chấm dứt, vì tất cả chúng ta sẽ chết đi. Dầu chúng ta không thể biết chính xác ngày giờ, điều đó chắc chắn sẽ xảy ra. Khi luôn quán tưởng về cái chết trong tâm, những gì xảy ra quanh ta không quan trọng mấy nữa, vì tất cả chỉ quan trọng trong một thời gian rất giới hạn.

Chúng ta có thể thấy rằng chỉ việc tạo nghiệp mới quan trọng, do đó hãy làm những điều tốt nhất mà ta có thể làm trong từng ngày, từng giây phút. Giúp đỡ người khác trở thành ưu tiên. Không có gì có thể thay thế điều đó. Tha nhân có thể được lợi ích nhờ tài năng hay sở hữu của ta vì ta không thể giữ hay mang chúng theo mình. Tốt hơn hết là ta cho đi tất cả càng sớm càng tốt.

Một trong những định luật của vũ trụ là bạn càng cho ra nhiều, thì bạn được vô nhiều hơn. Dầu đó là luật nhân quả, nhưng có mấy ai tin điều đó. Đó là lý do tại sao ai cũng cố gắng kiếm nhiều tiền hơn và sở hữu nhiều thứ hơn nữa. Nếu ta tin và sống dựa vào nhân quả, thì chẳng bao lâu ta sẽ khám phá ra sự thật. Tuy nhiên điều đó chỉ hiệu nghiệm nếu việc bố thí được làm với tâm trong sạch. Chúng ta có thể chia sẻ thời gian, sự quan tâm, chăm sóc vì lợi ích của kẻ khác. Chúng ta cũng được lợi ích ngay, đó là hạnh phúc trong lòng, khi ta thấy được niềm vui mà ta đã tạo ra cho người. Đây có thể là niềm hạnh phúc duy nhất ta có thể tìm thấy trên cõi đời này mà nó không nhanh chóng qua đi, vì chúng ta có thể hồi tưởng lại việc thiện và niềm hạnh phúc của riêng mình.

Nếu chúng ta thực sự tin rằng cái chết lơ lửng trên đầu, không chỉ bằng lời nói, thì thái độ của chúng ta đối với người và sự việc sẽ hoàn toàn thay đổi. Chúng ta sẽ không còn như trước nữa: Con người mà chúng ta từng là, cho đến bây giờ không mang đến cho ta sự hài lòng, bình an và hạnh phúc trọn vẹn. Chẳng thà là ta trở nên một con người khác, với cái nhìn mới mẻ. Chúng ta sẽ không còn cố gắng để duy trì thứ gì dài lâu, vì ta biết tính chất tạm bợ của việc ta làm. Do đó không có gì còn quan trọng nữa.

Có thể so sánh với việc ta mời bạn bè đến nhà dùng cơm. Chúng ta lo lắng, quan tâm không biết các món ăn có vừa miệng khách, họ có thoải mái không và có gì sơ sót chăng. Nhà cửa phải sạch bóng cho khách. Khi có khách, chúng ta rất quan tâm, lo cho khách có đầy đủ những thứ họ cần. Sau đó chúng ta lại quan tâm không biết họ có thích nhà ta không, có thoải mái ở đó không, có nói lại với những người bạn khác rằng bữa tiệc đó thật vui. Đó là các thái độ của ta vì ta sở hữu chỗ đó, vì ta là chủ. Nếu ta là khách, ta chẳng quan tâm đến món ăn vì đó là việc của chủ nhà. Ta chẳng quan tâm xem mọi thứ có chỉn chu không vì đó không phải là nhà của ta.

Thân này không phải là nhà của ta, dầu ta có sống bao lâu trong đó. Nó chỉ là một chỗ tạm bợ, không đáng quan tâm. Không có gì thuộc về ta, ta chỉ là khách ở đây. Có thể ta chỉ có mặt một tuần hay một năm nữa, hay mười, hai mươi năm nữa. Nhưng chỉ làm thân khách, thì mọi sự diễn ra thế nào có quan trọng gì đâu? Điều duy nhất ta có thể làm khi là khách trong nhà ai đó, là cố gắng hòa nhã, làm lợi ích cho những người ở quanh ta. Mọi thứ còn lại đều hoàn toàn vô nghĩa, nếu không thần thức ta sẽ dính mắc lại nơi phố thị.

Hơn nữa, chẳng phải là việc nâng cao tâm thức và tỉnh giác tới mức độ ta có thể nhìn xa hơn những mối bận tâm trước mắt mới là điều quan trọng sao? Lúc nào cũng là những việc giống nhau: thức dậy, điểm tâm, vệ sinh, thay đồ, nghĩ ngợi, lên kế hoạch, nấu ăn, mua sắm, trò chuyện, đi làm, đi ngủ, rồi lại thức dậy... Cứ thế lặp đi, lặp lại. Vậy có đáng cho một kiếp người? Tất cả chúng ta đều cố gắng tìm điều gì đó trong những sinh hoạt hàng ngày có thể mang đến niềm vui cho mình. Nhưng không có gì lâu bền, hơn nữa mọi thứ đều liên quan đến việc ta phải hướng ra ngoài để tìm thứ gì đó. Nếu mỗi buổi sáng ta đều nhớ là cái chết chắc chắn sẽ đến, nhưng giờ ta có thêm một ngày để sống, thì lòng biết ơn và ý chí có thể phát khởi để giúp ta làm điều gì đó ích lợi trong ngày.

Điều quán tưởng thứ hai của ta có thể là về việc làm thế nào để chuyển hóa tâm từ sân hận, tổn thương, bất hạnh, sang những điều ngược lại. Việc nhớ đi, nhớ lại sẽ giúp ta dần dần thay đổi được tâm. Ta không thể thay đổi thân qua đêm, để trở thành vận động viên, thì tâm cũng không thể chuyển đổi ngay lập tức. Nhưng nếu ta không liên tục rèn luyện nó, thì nó sẽ mãi giống như xưa, không thể đưa ta đến một cuộc sống hài hòa, hạnh phúc. Phần đông đều thấy cuộc sống đầy bất hạnh, lo âu và sợ hãi. Sợ hãi là một bản chất của con người, do ảo tưởng về ngã tạo nên. Ta sợ rằng cái ngã của mình sẽ bị hủy diệt, xóa bỏ.

Ý muốn chuyển hóa tâm sẽ giúp ta có thể sống một cách có ý nghĩa mỗi ngày, là sự khác biệt giữa còn sống và thực sự sống. Chúng ta sẽ có thể làm ít nhất một việc mỗi ngày, hoặc là thúc đẩy sự phát triển tâm linh cho bản thân, hoặc quan tâm, làm lợi ích cho người, tốt nữa là cả hai. Nếu ngày này qua ngày khác, ta đều sống có ý nghĩa, thì rốt cục ta sẽ có một cuộc sống có ý nghĩa. Nếu không ta sẽ có một cuộc sống vị kỷ, không bao giờ biết thỏa mãn. Nếu ta quên nghĩ đến những ham muốn hay ghét bỏ của bản thân, mà chỉ quan tâm đến sự phát triển tâm linh và đem lại hữu ích cho người, thì cái khổ (dukkha) của ta giảm đáng kể. Nó sẽ đi đến chỗ mà nó chỉ còn là một tính chất tiềm ẩn trong tất cả mọi hiện hữu, chứ không còn là cái khổ, hay bất hạnh riêng của cá nhân. Khi nào ta còn đau khổ, bất hạnh, thì cuộc sống của ta không có ích lợi gì. Khổ sở, đau đớn, than khóc không có nghĩa là ta rất nhạy cảm, mà đúng ra là ta không thể tìm ra giải pháp cho vấn đề.

Chúng ta dành bao nhiêu thời gian để mua thực phẩm, nấu nướng, ăn uống, sau đó dọn dẹp, rồi lại lo nghĩ cho bữa ăn kế tiếp. Hai mươi phút quán tưởng xem ta nên sống thế nào, sẽ không tiêu tốn nhiều thời gian của ta. Dĩ nhiên, ta cũng có thể dành nhiều thời gian hơn cho việc quán tưởng này, là phương cách giúp tâm có một hướng đi mới. Không có sự rèn luyện, tâm sẽ ù lì, thiếu thiện xảo, nhưng khi ta chỉ cho tâm hướng đi mới, thì sau đó ta sẽ học được cách bảo vệ hạnh phúc của riêng mình. Điều này không liên hệ với việc ta có được điều ta muốn hay loại bỏ được điều ta không mong muốn. Đó chỉ là sự thiện xảo của tâm khi nhận biết điều gì là lợi ích và mang lại hạnh phúc.

Phương hướng mới này, phát khởi từ quán tưởng, có thể đem ứng dụng vào trong hành động. Chúng ta thực sự có thể làm gì? Mọi người chúng ta đã nghe quá nhiều những mỹ từ, nhưng chỉ nói suông không thôi thì chẳng lợi ích gì. Phải nhận thức rằng những lời này cần đi kèm theo hành động nơi thân hay tâm. Đức Phật nhắc nhở ta rằng nếu ta nghe pháp mà có lòng tin vào chân lý đó, thì trước tiên ta phải nhớ lý thuyết. Sau đó ta phải xét xem mình có thể thực hiện được những gì mà bài pháp đòi hỏi ta phải làm.

Nếu ta quán niệm để giải thoát khỏi sân hận, ta có thể hồi tưởng lại quyết chí đó nhiều lần. Bước kế tiếp là: Làm sao ta thực hiện điều đó? Trong cuộc sống hàng ngày, ta phải để ý xem sân hận có phát khởi, nếu có, ta phải thay thế nó với tình thương và lòng bi mẫn. Đó là cách huấn luyện tâm. Lúc đó tâm không còn cảm thấy quá nặng nề, quá chấp chặt vào các thành kiến vì ta biết rằng chuyển hóa là điều có thể xảy ra. Khi tâm cảm thấy nhẹ nhàng, trong sáng hơn, nó có thể khai mở. Ứng dụng giáo lý của Đức Phật giúp tâm tỉnh giác, nên các hoạt động bình thường, hàng ngày không còn quá quan trọng. Chúng chỉ cần thiết để giúp thân sinh động và tâm biết đến những sự phát triển trên nhiều phương diện ở thế gian.

Từ đó phát khởi sự nhận thức rằng nếu chúng ta đã có thể thay đổi tâm đến dường ấy, thì có thể còn có nhiều điều trên vũ trụ này mà ta chưa thể thấy với tâm bình thường. Từ đó ta có thể quyết chí đạt đến những điều siêu phàm. Cũng giống như với vận động viên, việc giữ thăng bằng, kỷ luật và sức mạnh của thân là điều có thể, thì tâm cũng có thể làm như thế. Đức Phật đã nói về sự tỉnh giác sâu xa do kết quả của việc hành thiền đúng đắn, liên tục. Chánh định có nghĩa là sự chuyển đổi của tâm thức vì lúc đó ta không còn kết nối với cái biết bình thường, tương đối. Khi đã có thể chuyển đổi đường hướng của tâm, chúng ta không còn chìm đắm trong những vấn đề tầm thường, mà biết rằng còn có nhiều thứ hơn thế nữa.

Vì đã được rèn luyện, làm tăng thêm sức mạnh, khéo thăng bằng nên tâm có thể thể hiện ý thức, sự tỉnh giác dường như khá đặc biệt, nhưng đó chỉ là kết quả của quá trình rèn luyện. Có nghĩa là ta đã thoát khỏi sự sáo mòn của tâm. Nếu ta cứ lái xe trên một con đường trơn ướt, thì vết xe lún ngày càng sâu hơn, cuối cùng có ngày xe sẽ bị dính chặt vào đó. Đó cũng giống như các phản ứng theo thói quen trong đời sống hằng ngày của ta. Công phu hành thiền sẽ kéo chúng ta ra khỏi những vũng lầy đó vì tâm giờ có các định hướng mới. Thiền tập và hành động theo đó tạo nên con đường mới trong cuộc sống của chúng ta, trong khi các vũng lầy cũ bị ta bỏ lại phía sau… Đó là những phản ứng đối với các duyên khởi của nghe, thấy, nếm, ngửi, xúc chạm và tưởng. Thật uổng phí nếu ta để kiếp làm người quý báu này để chỉ làm kẻ phản ứng (reactor). Trái lại làm người chủ động (creator) thì ích lợi hơn, có nghĩa là suy nghĩ, nói năng và hành động có tính toán.

Dần dần ta có thể không cần đến đối tượng thiền quán. Nó chỉ là chìa khóa, hay cái móc để treo tâm lên đó, để nó không chạy theo việc thế gian. Khi định đã phát khởi, thì cũng giống như chiếc chìa khóa đã tìm được ổ khóa, và ta đã mở được cửa vào. Khi mở cửa chánh định, ta thấy được ngôi nhà với tám phòng, là tám tầng thiền định (jhanas). Đã vào được phòng thứ nhất, thì không có lý do gì, với sự thiền tập, ý chí và tinh tấn, ta không thể dần dần đi vào được tất cả. Lúc ấy tâm thức sẽ buông bỏ mọi quá trình suy tưởng trước kia và chuyển qua trạng thái trải nghiệm sự việc.

Điều đầu tiên xảy ra khi định phát khởi là một cảm giác tự tại. Đáng tiếc là có quan niệm sai lầm cho rằng các tầng thiền định không thể đạt được mà cũng không cần thiết. Quan niệm đó trái ngược lại với giáo lý của Đức Phật. Bất cứ lời dạy nào của Ngài về con đường đi đến giải thoát luôn bao gồm các tầng thiền định (samma-samadhi). Đó là tám bước trong Bát Thánh đạo. Cũng sai lầm khi tin rằng không thể đạt được chánh định. Những hành giả này cần được hỗ trợ và tư vấn để phát triển nỗ lực. Thiền tập phải bao gồm các tầng thiền định vì chúng là sự khai mở của tâm thức đưa đến một thế giới hoàn toàn khác với những gì ta từng biết qua.

Trạng thái tâm phát khởi qua các tầng thiền định giúp ta có thể sống mỗi ngày với ý thức được gì là quan trọng, gì là không. Thí dụ, đã nhìn thấy ta có thể trồng cây to, không ai còn tin rằng cây luôn nhỏ, dầu các cây trong vườn nhà ta nhỏ xíu, vì đất xấu. Nếu ta đã nhìn thấy những cây đại thụ, ta biết rằng chúng hiện hữu, và ta có thể cố gắng tìm nơi có thể trồng chúng. Các trạng thái tâm cũng thế. Đã nhìn thấy khả năng khai mở tâm thức, ta không còn tin rằng chỉ có tâm thức bình thường hiện hữu, hay chỉ có hơi thở là đối tượng thiền quán duy nhất.

Hơi thở là chiếc móc để ta treo tâm lên đó, để ta có thể mở cánh cửa đến với thiền chân chánh. Đã mở được cánh cửa, ta trải nghiệm được thân tự tại, thể hiện qua nhiều cách khác nhau. Có thể là một cảm giác nhẹ nhàng hay mãnh liệt, nhưng nó gắn với cảm giác dễ chịu. Đức Phật đã nói về sự dễ chịu đó như sau: “Đây là lạc mà Ta cho phép mình được hưởng thụ”. Trừ khi ta trải nghiệm được niềm vui của trạng thái thiền định, là điều hoàn toàn không tùy thuộc vào các điều kiện bên ngoài, và ta cuối cùng có thể nói: “Thế gian với bao quyến rũ tầm thường không còn làm bận lòng ta”, và tâm nhàm chán sẽ phát sinh. Nếu không, tại sao người ta lại phải từ bỏ cái đôi khi cũng mang lại khoái lạc cho họ, nếu họ không có gì khác ngoài những thứ đó? Làm sao người ta có thể làm điều đó? Khó thể buông bỏ tất cả những lạc thú mà thế gian có thể mang đến cho ta, nếu ta không có gì để thay thế chúng. Đó là lý do đầu tiên tại sao trong giáo lý của Đức Phật các tầng thiền định chiếm vị thế quan trọng. Ta sẽ không thể buông bỏ khi vẫn còn nghĩ rằng với thân này và các giác quan này ta có thể đạt được điều mình kiếm tìm, có tên gọi là hạnh phúc.

Đức Phật khuyến khích ta tìm hạnh phúc, nhưng ta phải tìm đúng hướng. Ngài cho rằng ta có khả năng bảo vệ hạnh phúc của riêng mình. Ngay giây phút đầu tiên khi đạt được sự thoải mái nơi thân lúc hành thiền cũng đã minh họa cho sự thật là có điều gì đó bên trong chúng ta đem lại hỷ lạc, hạnh phúc. Sự tự tại nơi thân cũng khơi lên ý thích sự dễ chịu đó để giữ ta ngồi lại gối thiền. Dầu đó cũng là một cảm giác nơi thân, nhưng nó không phải là cảm giác mà ta thường biết đến. Nó khác vì nó phát xuất từ nguồn khác. Những cảm giác vật lý dễ chịu quen thuộc đến từ sự xúc chạm, còn cảm giác này đến từ thiền định. Rõ ràng là vì có nguồn gốc khác nhau, các kết quả cũng khác nhau. Sự xúc chạm thì thô, định thì vi tế. Do đó cảm giác đến từ thiền cũng có đặc tính tâm linh vi tế hơn là cảm giác dễ chịu đến từ sự xúc chạm. Đã biết rõ ràng rằng điều kiện duy nhất cần thiết để được hạnh phúc là thiền định, thì ta sẽ kiềm chế những sự chạy đuổi, tìm kiếm đối tượng thích hợp, món ngon, thời tiết tốt, tiền tài, và không phung phí năng lượng tâm linh cho những thứ này. Do đó, đây là bước đầu tiên cần thiết để tiến tới sự nhàm chán.

Giờ chúng ta đang bước vào các trạng thái tâm vượt lên trên những vấn đề thế tục hàng ngày… Tất cả chúng ta đều biết đến cái tâm hay gắn với những điều bình thường. Tâm đó lo lắng về đủ mọi thứ chuyện, bồn chồn, toan tính, hy vọng, nhớ tưởng, mơ mộng, ưa, ghét và phản ứng. Đó là một tâm bận rộn. Có thể đây là lần đầu tiên ta làm quen với một tâm không có những đặc tính này. Sự thư thái thoải mái không có những suy tưởng bám theo, đó là một trải nghiệm. Cuối cùng ta nhận ra rằng loại suy tưởng mà ta quen thuộc không mang đến cho ta những kết quả mà ta mong muốn. Nó chỉ có ích trong việc giúp ta lập ý nguyện hành thiền. Chúng ta biết, ngay ở bước đầu tiên đó, rằng cuộc sống thế gian không thể mang đến cho ta những gì mà thiền có thể. Hạnh phúc không tùy thuộc vào những điều kiện bên ngoài mang đến sự thỏa mãn hơn bất kỳ thứ gì có thể tìm thấy trên thế gian này. Chúng ta cũng được thấy là tâm có khả năng khai mở vào một tâm thức khác mà ta chưa từng biết qua, do đó ta có được kinh nghiệm tự chứng về việc thiền là phương tiện cho vấn đề giải phóng tâm linh.

Do đã có được cảm giác dễ chịu này, niềm hỷ lạc nội tâm sẽ phát khởi. Điều này tạo cho thiền giả niềm tin rằng con đường đến “vô ngã” là con đường của hỷ lạc chứ không phải khổ đau. Từ đó phản ứng bản năng chống lại “vô ngã” sẽ giảm đi đáng kể. Nhiều người không thể chấp nhận ý nghĩ rằng họ “không là ai cả”, ngay cả khi họ hiểu điều đó bằng tri thức. Nhưng khi đã có thể trải nghiệm được hai đặc tính đầu tiên của thiền, ta sẽ nhận thức rõ ràng rằng điều đó chỉ có thể khi “cái ngã” luôn suy tư, được tạm thời dẹp qua một bên. Vì khi cái ngã hoạt động, nó lập tức thốt lên, “Ồ, thật tuyệt vời”, và ngay lập tức ta không còn định tĩnh. Nó phải có mặt và trải nghiệm ở nơi không có gì nói “Tôi đang trải nghiệm”. Sự giải thích và tìm hiểu về những gì ta đã trải nghiệm có thể thực hiện sau.

Đó là sự nhận thức rõ ràng rằng, không có “cái ngã”, niềm hỷ lạc nội tâm sẽ lớn và sâu sắc hơn nhiều so với bất cứ hạnh phúc nào mà ta đã biết ở thế gian. Do đó sự quyết tâm để thực sự nắm bắt những điều dạy của Đức Phật sẽ thành quả. Cho đến lúc đó, đa số chúng ta chỉ chọn một vài khía cạnh của Pháp, mà ta đã được nghe qua, và nghĩ rằng vậy là đủ. Có thể đó là sự cúng dường, tán tụng, lễ hội, làm điều thiện, hay giữ giới, tất cả đều tốt, nhưng thực tại của giáo lý là một bức tranh ghép vĩ đại, nơi tất cả những mảnh ghép khác nhau sẽ tụ lại thành một tổng thể khổng lồ, bao gồm tất cả. Mà tâm điểm là “vô ngã” (anatta). Nếu ta chỉ sử dụng một vài mảnh ghép này, ta sẽ chẳng bao giờ có được bức tranh toàn cảnh. Nhưng có khả năng hành thiền mang lại sự khác biệt lớn lao trong phương cách ta tiến đến với cái tổng thể của giáo lý, nó trùm phủ cả thân và tâm, và thay đổi hoàn toàn người hành theo đó.

Chúng ta phải dựa vào khả năng hành thiền của mình trên từng ngày. Ta không thể hy vọng là mỗi khi ngồi xuống, ta sẽ thành công, nếu ta chỉ lo nghĩ chuyện thế gian, và nếu như ta không cố gắng giảm bớt sân, ghen tỵ, tham, chống đối trong cuộc sống hàng ngày. Nếu ta sử dụng chánh niệm, tỉnh giác rõ ràng và lắng lòng dục, là ta có nền tảng để hành thiền. Khi chúng ta thực hành đem thiền vào công việc hàng ngày, ta sẽ thấy sự thay đổi dần dần trong ta, giống như một vận động viên đang trong thời kỳ luyện tập. Tâm sẽ trở nên mạnh mẽ, và hướng đến những vấn đề quan trọng trong cuộc sống. Nó không bị xao động bởi bất cứ điều gì xảy ra.

Nếu mỗi ngày ta đều dành thời gian quán niệm, hành thiền và không quên chánh niệm, ta sẽ có một bắt đầu tốt đẹp cho việc khai mở tâm thức. Dần dà vũ trụ và bản thân chúng ta sẽ chuyển đổi, dựa trên sự thay đổi quan điểm của ta. Có câu nói trong thiền là: “Lúc đầu núi là núi, sau đó núi không còn là núi, rồi cuối cùng núi lại là núi”. Đầu tiên ta nhìn thấy mọi thứ với cái thực tại tương đối của chúng; mỗi người là một cá nhân riêng lẻ, mỗi cây là một loại khác nhau, mọi thứ phần nào đều có tầm quan trọng trong cuộc sống của ta. Rồi khi bắt đầu tu hành, bỗng nhiên ta thấy ra một thực tại khác, toàn cầu và rộng mở. Ta trở nên rất chú tâm vào việc hành thiền của mình, không còn để ý nhiều đến những gì xảy ra quanh ta. Ta cảm nhận được sự khai mở, thăng hoa của tâm thức, biết rằng các phản ứng hàng ngày của ta không quan trọng. Có lúc ta chỉ chú tâm đến thiền, và dường như sống trong một thực tại khác. Nhưng cuối cùng, ta lại trở về ngay nơi ta từng có mặt, làm tất cả mọi thứ như trước kia, nhưng không còn để chúng lay động lòng mình. Núi lại chỉ là núi. Mọi thứ lại trở về với bản chất bình thường như xưa, chỉ có điều là chúng không còn cá biệt hay quan trọng nữa.

Trong kinh Điều lành lớn (Maha-Mangala Sutta), một vị A-la-hán được mô tả như là: “… dù bị ảnh hưởng bởi những hoàn cảnh thế tục, tâm vị ấy không hề lay động”. Bậc Giác Ngộ dầu sống trong thế tục, hành động như mọi người khác, cũng ăn, ngủ, tắm giặt, trò chuyện với người, nhưng tâm Ngài không lay động. Tâm đó luôn mát mẻ và bình an.

Nguyên tác: Ni sư AYYA KHEMA
Diệu Liên Lý Thu Linh chuyển ngữ

Thiếu gia nhà giàu số 2 Malaysia xuống tóc đi tu

Thiếu gia nhà giàu số 2 Malaysia xuống tóc đi tu

Đăng lúc: 21:19 - 12/01/2016

Vntinnhanh.vn – Ajahn Siripanno được biết đến là một nhà tu hành uyên bác của Phật giáo Theravada (Phật giáo Nguyên Thủy) ở Thái Lan – ông từng được đào tạo tại Anh và thông thạo 8 ngôn ngữ. Nhưng điều đặc biệt khiến ông được mệnh danh là Thích Ca Mâu Ni thời hiện đại là bởi ông chính là con trai độc nhất của vị tỷ phú giàu thứ 2 Malaysia T. Ananda Krishnan.
Sư Ajahn Siripanno. (Ảnh: Hub Pages)
Sư Ajahn Siripanno. (Ảnh: Hub Pages)
Tỷ phú Krishnan là một doanh nhân thành đạt trong rất nhiều lĩnh vực như truyền thông, dầu khí, viễn thông, giải trí và bất động sản... Ông đứng thứ 89 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới năm 2012 của tạp chí Forbes với khối tài sản ước tính khoảng 9,6 tỷ USD.
Được biết mẹ của Siripanno là người Thái Lan và ông còn có 2 người chị nữa. Năm 1989, khi mới 18 tuổi, Siripanno đã tham dự một khóa lễ tại Thái Lan và tạm thời tu hành trong rừng để bày tỏ lòng tôn kính đối với gia đình của mẹ mình.
Do lớn lên ở Anh nên tư tưởng của ông khá cởi mở khi tiếp nhận sự khác biệt văn hóa và cảm thấy trở thành một nhà sư tạm thời là một điều gì đó khá “vui”. Đây cũng là lần đầu tiên Siripanno tiếp xúc với Phật giáo – một tín ngưỡng hoàn toàn mới mẻ với ông.
Trong một buổi nói chuyện tại chùa Maha Vihara ở Malaysia vài năm trước, nhà sư cho biết ý định ban đầu của ông chỉ là ở lại trong rừng và tu trong khoảng 2 tuần. Ông chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trở thành một nhà sư trong rừng. Và điều đã làm thay đổi cả cuộc đời ông chính là được đến thăm và học tập những gì Thiền sư Ajahn Chah đã làm cho cộng đồng phật tử lúc đó.
Ajahn Chah là một vị cao tăng nổi tiếng về pháp Thiền trong Phật giáo Theravada. Ông có rất nhiều đệ tử đến từ phương Tây và nhiều người trong số đó đã trở thành những nhà tu hành nổi tiếng như Ajahn Sumedho, Ajahn Amaro, Ajahn Khemadhammo, Ajahn Brahm và Jack Kornfield (tác giả kiêm giảng viên thiền định nổi tiếng).
Sư Siripanno và cha của mình, tỷ phú Krishnan. (Ảnh: Hub Pages)

Thái Lan: Nhà sư ngồi thiền trong vạc dầu sôi
Thái Lan: Nhà sư ngồi thiền trong vạc dầu sôi
Hình ảnh nhà sư điềm tĩnh cầu nguyện, ngồi thiền trong một chảo dầu sôi được đăng tải trên Youtube thu hút sự chú ý của đông đảo cư dân mạng.

Sư Siripanno và cha của mình, tỷ phú Krishnan. (Ảnh: Hub Pages)
Tuy nhiên mong ước được Ajahn Chah trực tiếp chỉ dạy của Siripanno không thành vì cao tăng đã bị ốm nặng. Ngài không thể nói và phải di chuyển trên xe lăn. Nhà sư trẻ tuổi chỉ được gặp vị cao tăng 1 lần duy nhất nhưng như thế cũng đã đủ để ông bị tác động mạnh và quyết tâm thay đổi sự nghiệp cuộc đời.
Và sau đó kế hoạch tu hành 2 tuần trong rừng ban đầu đã trở thành một lịch trình dài hạn. Siripanno chưa bao giờ hối hận về quyết định của mình và sau hơn 2 thập kỷ, hiện ông đã trở thành trụ trì Tu viện Dhao Dham đặt tại Khu bảo tồn rừng quốc gia gần biên giới Thái Lan và Myanmar.
Nhà sư này vẫn thường xuyên liên lạc với cha của mình và tỷ phú Krishnan cũng hay đến tu viện thăm con trai. Có một dạo, người ta thường truyền nhau câu chuyện về một nhà tu hành trông rất giản dị nhưng lại có máy bay riêng và xuất hiện tại khách sạn hạng sang ở Italy – đó chính là Siripirano. Ông đã gây sự chú ý trong suốt thời gian lưu trú tại kinh đô thời trang khi nhận lời ở cùng cha mình nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của vị tỷ phú Malaysia.
Thật khó để hình dung làm cách nào mà một người đàn ông trẻ tuổi lại có thể dễ dàng từ bỏ tất cả mọi thứ (hàng tỷ USD) để dấn thân vào một cuộc sống giản đơn là trở thành một nhà sư trong rừng. Đặc biệt là đối với những nhà sư theo Phật giáo Theravada truyền thống - chỉ ăn duy nhất 1 bữa trong ngày và sau 12 giờ trưa họ bị cấm ăn bất kỳ thực phẩm nào khác. Và Siripanno chính là một trong những ví dụ điển hình về một Thích Ca Mâu Ni của thời hiện đại.
Kim Chi (theo Hub Pages)

Đạo đức căn bản của người Phật tử

Đạo đức căn bản của người Phật tử

Đăng lúc: 18:22 - 19/11/2015

Chúng ta đang sống trong thời văn minh vật chất, chủ nghĩa thực dụng đang xói mòn đạo đức, lương tâm con người. Ta đang sống và hành động theo lý trí mà không biết đang đi vào tội ác, nhiều khi mình không biết đó là tội ác.

Những kế hoạch dày đặc, những công việc gấp rút, làm cách nào thu nhập thật cao để thỏa mãn vật chất đến độ những người khác ngước nhìn. Nếu cần thì sẵn sàng bội ước, đốn ngã tình bạn, lừa đảo… miễn sao lợi ích về phía mình càng nhiều càng tốt.
Đức Phật vì từ bi đã truyền trao cho hàng Phật tử tại gia năm chuẩn mực đạo đức. Không phụ thuộc vào trình độ, tuổi tác, dân tộc, tôn giáo, không gian và thời gian, bất cứ ai cũng có thể tuân theo những lời dạy này, vì đó là đạo đức xã hội. Tuy vậy, nếu không tuân thủ theo lời Phật dạy thì Ngài cũng không hề trừng phạt mà tất cả chỉ vận hành theo luật nhân quả.

Vâng theo năm điều Phật dạy chắc chắn sẽ có cuộc sống bình an, trật tự trong gia đình, ngoài xã hội được thiết lập. Không chỉ riêng hàng đệ tử Phật, xã hội cũng cần theo năm chuẩn mực đạo đức này, vì đây là căn bản của mối liên kết thiện lành của cá nhân và xã hội. Cá nhân mỗi người có cuộc sống hiền lành, hạnh phúc thì xã hội mới an vui.

Năm chuẩn mực đạo đức là rào cản để con người không nhúng tay vào tội ác, để thực thi tính công bằng, bình đẳng, lòng từ bi, tránh được nhân quả báo ứng, oán thù, bao gồm: Không giết hại, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không say nghiện.

Không giết hại

Chuẩn mực đạo đức thứ nhất, Phật dạy chúng ta không giết hại con người cho đến con vật. Sự sống đáng quý biết bao nên không thể giết người cướp của hay bất cứ lý do gì. Không giết hại các loài vật để con người được ăn ngon, mặc đẹp. Không giết hại những con vật để tỏ ra mình sang chảnh (thực ra là tàn bạo) như ăn món óc khỉ, hay uống rượu pha máu rắn. Không biết bổ béo ở đâu nhưng thấy con khỉ đau đớn dưới bàn hay con rắn quằn quại dưới tay người tôi chỉ nhắm mắt lại, trái tim tê buốt. Ta tàn nhẫn khi giết hại thú vật và từ đó trái tim ta cũng chai sạn, và một lần mê muội nào đó ta dễ dàng ra tay hạ thủ con người.

Không giết hại, tâm hồn chúng ta sẽ an bình, tâm yêu thương tràn ngập, nét mặt hiền hòa, ánh mắt trong sáng, tâm không giày vò hối hận, không gặp những cơn ác mộng. Trong xã hội sẽ không xảy ra cảnh chỉ cần xung đột nhỏ liền ra tay giết hại lẫn nhau. Cha mẹ biết tu và con cái cũng tu. Dạy con từ ngày còn nhỏ không bắt con bướm, cái ve… chơi đã thì vặt đầu, xé mình hàng năm bảy mảnh. Khi lớn tâm con sẽ an hòa và xử sự với mọi người chung quanh như chính với bản thân mình. Lòng từ bi thương người sẽ luôn luôn đồng hành với con trong cuộc sống.

Mình thực tập ăn chay và động viên cả gia đình cùng ăn chay, ít nhất một tháng được hai ngày. Chúng ta ngày ăn ít thịt, ít cá một chút, thêm chút rau cà. Một ngày ta ăn thêm một phần rau và giảm bớt một phần thịt. Dần dần, ăn chay trường được lại càng hay.

Không trộm cướp

Chuẩn mực đạo đức thứ hai, Phật dạy chúng ta không nên trộm cắp. Ai cũng biết trộm cướp là lấy những vật không thuộc quyền sở hữu của mình, lấy không có sự ưng thuận, hay ép buộc người khác để ta lấy vật họ sở hữu. Vật nhỏ như trái ớt, cọng hành, lớn thì vàng bạc, nhà cửa đất đai nếu không cho thì không được lấy. Vì ăn sang, mặc trọng cho đến nghiện hút mà người nghèo trộm cắp, giết người cướp của. Còn người giàu thì muốn tài sản mình càng lớn, ai cũng nể nên đang tâm tranh giành đất đai của cải của cha mẹ anh em gây bao đau đớn. Kẻ đa mưu lừa gạt người hiền lấy tài sản mà họ ki cóp cả đời. Bao nhiêu giấy tờ gian xảo tham nhũng của công biết bao nhiêu tiền bạc, tài sản mà đó là từng giọt mồ hôi của người lao động đóng thuế hàng ngày.

Người công nhân thì hàng ngày cầm về cái kéo, cuộn băng keo, tờ giấy; người buôn bán thì cân thiếu một chút; người có chức quyền thì nhũng nhiễu tiền bạc không sao đếm xuể; người nghèo túng giật những điện thoại, dây chuyền; trẻ con thì chơi game túng tiền về lấy tiền của ông bà cha mẹ. Có không ít người vì trộm cướp mà xấu hổ, bị bắt và bị phạt tù. Thế là cuộc đời tan nát, thế là tay đã nhúng chàm. Tội bản thân mình còn con cháu, anh em cha mẹ cũng bị mang tiếng theo.

Trộm cắp thời nào cũng có nhưng xã hội bình an chỉ có những trộm vặt. Còn khi xã hội bất an thì những vụ trộm cắp, cướp của giết người gần như xảy ra mỗi ngày. Chúng ta không trộm cướp thì chính ta và mọi người được sống một cuộc sống an lành. Không để ý ai giàu có rồi suy tính cách trộm cướp của họ. Chúng ta sẽ có một giấc ngủ ngon, xã hội nhờ đó mà được tốt đẹp hơn.

Không tà dâm

Đức Phật không dạy người Phật tử phải từ bỏ cuộc sống vợ chồng. Ngài dạy vợ chồng có cưới hỏi, sống với nhau chung thủy.

Cuộc sống tình cảm ngày nay nhờ internet, điện thoại mà những cuộc gặp gỡ rộng rãi hơn và tình cảm ngoài luồng phát sinh nhiều hơn. Do vậy, những cảnh vợ chồng bất hòa, lục đục, nghi ngờ, ghen tuông, thậm chí là giết nhau vì ngoại tình đã liên tục xảy ra.

Cuộc sống vợ chồng hạnh phúc khi cả hai cùng hướng về nhau, cùng chăm sóc nhau, cùng vun vén cho con cái có cuộc sống đầy đủ về vật chất và thoải mái về tinh thần. Ai cũng mong mình có một gia đình trọn vẹn hạnh phúc. Do đó cũng không nên nhìn ngắm, tơ tưởng những người khác ngoài vợ chồng của mình. Những người giữ được hạnh không tà dâm, chuẩn mực đạo đức này sẽ giúp họ được người khác kính trọng và cuộc sống gia đình an vui, hạnh phúc.

Không nói sai sự thật

Chuẩn mực đạo đức thứ tư, Phật dạy chúng ta không nói sai sự thật. Nói sai sự thật có 4 cách: Nói dối, nói thêu dệt, nói lưỡi hai chiều, nói lời hung ác.

Nói dối là chuyện không nói có, chuyện có nói không, nói toàn điều dối trá.

Nói thêm thắt vào sự thật, đổi giọng sao mua được nước mắt người, nói làm sao người nghe xiêu lòng để mình được lợi là nói thêu dệt.

Nói lưỡi đôi chiều là nói kiểu đòn xóc hai đầu. Đến người này nói xấu chuyện người kia, đến người kia nói xấu chuyện người này khiến họ mâu thuẫn, oán thù nhau.

Nói lời hung ác là mắng chửi, nói lời độc địa, thô ác, cục cằn gây đau buồn cho người nghe.

Người nói đúng sự thật là người gây được niềm tin với người chung quanh. Kết quả những cuộc giao lưu, làm ăn được tin tưởng và sự thành công luôn đến với người chân thật. Dù chỉ là người bán hàng, một nhân viên văn phòng, một giám đốc kinh doanh… nếu giữ được hạnh không nói sai sự thật thì chắc chắn sẽ có cuộc sống bình an, không thắc thỏm giật mình.

Không say nghiện

Chuẩn mực đạo đức thứ năm, Phật dạy chúng ta không say nghiện. Ngoài rượu còn có các chất gây nghiện, gây kích thích khác đều không được dùng, hoặc nài ép người khác dùng. Các loại rượu và các chất hóa học gây kích thích khác chúng ta không dùng vì bảo toàn trí tuệ nòi giống, hạn chế tối đa các nguyên nhân gây nên lầm lỗi, tội phạm.

Khi uống rượu say hoặc nghiện ngập thì không đủ lý trí để xử lý bất cứ tình huống nào. Không nhận ra điều lành, điều dữ, cạn tình cha con, mẹ con, vợ chồng, anh em, bè bạn. Say nghiện là một trong những nguyên nhân quan trọng gây xáo trộn trong gia đình, gây bất hòa với mọi người, gây tai nạn giao thông, làm rối loạn an ninh trật tự, gây tổn hại kinh tế cho gia đình và xã hội.

Người biết tuân thủ năm chuẩn mực đạo đức mà Đức Phật dạy là người biết sống an lạc, gia đình được hạnh phúc. Chính điều này đã góp phần đem hạnh phúc cho người xung quanh, đóng góp gìn giữ đạo đức và bình an cho xã hội. Đệ tử Phật là người luôn sống với tâm từ bi, đầy đủ năm chuẩn mực đạo đức, tâm tự lợi và lợi tha. Đây cũng là phẩm chất đạo đức căn bản của con người sống trong xã hội vốn nhiều cạnh tranh và biến động như hiện nay.

Xã hội ngày nay muốn phát triển bền vững, xây dựng đời sống cá nhân và cộng đồng hạnh phúc thì năm chuẩn mực đạo đức của Đức Phật cần được học tập, ứng dụng, phổ biến rộng rãi cho tất cả mọi người.
Kim Dung

Đoàn liên ngành kiểm tra và đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSĐ đất cho cơ sở Phật giáo

Đoàn liên ngành kiểm tra và đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSĐ đất cho cơ sở Phật giáo

Đăng lúc: 07:45 - 31/07/2015

Trong những năm qua, UBND tỉnh Nghệ An cùng các ban ngành các cấp có nhiều việc làm thể hiện sự quan tâm đến hoạt động của các cơ sở tôn giáo. Một trong những hoạt động cụ thể, thiết thực là thực hiện chính sách về cấp và giao quyền sử dụng đất và quy hoạch xây dựng cho các cơ sở tôn giáo để làm nơi thờ tự, sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh.
Theo thống kê, từ năm 2010 đến tháng 7 năm 2015, UBND tỉnh đã chấp thuận phục hồi 47 ngôi chùa, hiện còn 31 ngôi chùa có thực trạng cơ sở, đất đai có nguồn gốc chùa Phật giáo chưa được UBND tỉnh quyết định chấp thuận phục hồi sinh hoạt. Mặc dù chưa được chấp thuận phục hồi sinh hoạt nhưng các ngôi chùa này vẫn được ứng xử như là một ngôi chùa.

Chùa Đức Hậu (Nghi Đức -tp Vinh) nằm trong diện kiểm tra cấp GCNQSD đất năm 2015
Tính đến thời điểm tháng 7 năm 2015 có 3/47 ngôi chùa đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, với tổng diện tích là 18.603m2 (chưa kể diện tích của chùa Đại Tuệ (Nam Đàn); 8 chùa đã được phê duyệt quy hoạch, với diện tích là 273.859m2. Thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước về tôn giáo, UBND tỉnh có nhiều văn bản chỉ đạo ngành chuyên môn đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), cụ thể ngày 06 tháng 4 năm 2015 của UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số: 1701/QĐ – UBND- NC về thành lập đoàn công tác liên ngành kiểm tra, hướng dẫn các địa phương, cơ sở Phật giáo về thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với cấp giấy phép xây dựng các cơ sở Phật giáo trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Kế hoạch số 2806/KH -STNMT.QLĐĐ ngày 26/6/2015 của Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện theo QĐ 1701/QĐ – UBND- NC của UBND tỉnh.Theo đó, có 13 ngôi chùa cần hướng dẫn làm thủ tục trong năm 2015.

Đoàn làm việc tại huyện Quỳnh Lưu


Ông Trần Ngọc Đăng - phó trưởng phòng QLĐĐ -Sở TN & MT làm trưởng đoàn
Để đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối cơ sở Phật giáo, đoàn đã làm việc từ ngày 06/7 – 28/7/2015 Đoàn Liên ngành UBND tỉnh sẽ tiến hành kiểm tra các địa phương, các cơ sở Phật giáo trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về xây dựng của các cơ sở phật giáo, hướng dẫn thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và cấp phép xây dựng các cơ sở Phật giáo trên địa bàn tỉnh, đồng thời chỉ đạo các huyện, xã cử cán bộ hỗ trợ công tác thiết lập và thẩm định hồ sơ tại cơ sở để rút ngắn thời gian.
Thái Quảng

Hoa Kỳ: Sẽ tái hiện những ngôi chùa hang Đôn Hoàng

Hoa Kỳ: Sẽ tái hiện những ngôi chùa hang Đôn Hoàng

Đăng lúc: 08:43 - 20/07/2015

Mùa hè tới, du khách đến khu phức hợp trên đỉnh đồi thuộc Trung tâm Getty ở Los Angeles sẽ có thể chiêm ngưỡng được những bản sao của các hang động Trung Quốc với những hình tượng Phật giáo đầy màu sắc như một phần của một cuộc triển lãm “Chùa hang Đôn Hoàng: Nghệ thuật Phật giáo trên Con đường tơ lụa của Trung Quốc”.
vch 1.jpg
Một tác phẩm nghệ thuật Phật giáo trên Con đường tơ lụa của Trung Quốc
Chương trình sẽ làm nổi bật công tác bảo tồn 3 thập kỷ tại các ngôi chùa Đôn Hoàng của Getty.
Đối với một triển lãm ngoài trời tạm thời, các nghệ sĩ Trung Quốc sẽ tái tạo 3 trong số 500 hang của Đôn Hoàng với đầy đủ các tranh tượng. Các tác phẩm nghệ thuật mới sẽ được hoàn thành trên những vết tích của sự tàn phai, sứt mẻ và bong tróc.
Getty cũng đang có kế hoạch mượn các bức vẽ, đồ dệt tay và các hiện vật khác mà người châu Âu đã mua hoặc đã được tặng tại các hang động, trong đó có một bản in kinh Kim Cang thế kỷ thứ 9, một bản kinh thiêng liêng cổ xưa. Nhà thám hiểm người Anh-Hungary Aurel Stein đã tìm thấy cuốn sách vào năm 1907 và hiện nay nó thuộc về Thư viện Anh.
Văn Công Hưng (Theo ArtsBeat)

Hội đồng Phật giáo New York lên tiếng về nạn sư giả

Hội đồng Phật giáo New York lên tiếng về nạn sư giả

Đăng lúc: 08:41 - 20/07/2015

Một tổ chức Phật giáo lớn của địa phương cho biết hôm thứ Sáu (17-7) rằng, những người trong hình thức nhà sư có mục đích gây áp lực quyên góp ở High Line (New York, Hoa Kỳ) không phải là sư thật – và hành động của họ không phải là việc làm thánh thiện.
su gia.jpg
Sư giả ở New York đang xin tiền
Họ rất dễ phát hiện khi bạn đi dọc theo High Line – những người đàn ông mặc áo dài như các nhà sư Phật giáo truyền thống.
Hội đồng Phật giáo của New York cũng cảnh báo rằng những người đàn ông này thực sự chỉ là những kẻ lừa đảo tìm cách để kiếm tiền.
“Việc thực hành Phật giáo thường xuyên không bao giờ được thực hiện như thế”, T.K. Nakagaki thuộc Hội đồng Phật giáo của New York, nói.
Các sư giả này trước tiên sẽ đưa ra một tấm thẻ màu vàng sáng bóng để gây sự chú ý của người dân.
Sau đó, nói rất ít, họ cố gắng để trao cho khách qua đường một xâu chỗi đeo tay với một gợi ý quyên góp. Họ nói rằng tiền là để xây dựng một ngôi chùa.
Một trong những sư giả cho biết ngôi chùa được lên kế hoạch xây dựng ở Đài Loan. Sau đó những người này yêu cầu đóng góp từ 5 đến 20 USD.
Nhiều người nói rằng cách tiếp cận của họ rất hung hăng – ngược với các nhà sư thực sự.
“Tôi thấy anh ta tiếp tục cố gắng đưa ra tấm thẻ”, Neeka Nazhand ở San Francisco cho biết. “Chúng tôi bỏ đi cho thấy rằng chúng tôi không quan tâm, và anh ta vẫn cố buộc chúng vào chúng tôi”.
su gia 2.jpg
Những người bán hàng ở High Line cho biết các tu sĩ giả ở đó mỗi ngày, và dường như số người này ngày càng được nhân lên (ảnh).
“Trước đây chỉ có một người, và sau đó đã có đến 10 người trong số họ”, Elvira Kamalova, người bán hàng, nói. Cô cho biết các nhà sư giả đã làm phiền mọi người.
Hội đồng Phật giáo nói những người đàn ông này không chỉ là một mối phiền toái mà họ còn đang gây tiếng xấu cho Phật giáo.
“Đối với tôi, nó là sự thiếu tôn trọng đối với Phật giáo và hình ảnh của Phật giáo”, Nakagaki nói.
Văn Công Hưng (Theo CBSNewYork)

Srilanka : Tu sĩ Phật Giáo xuất bản truyện tranh chống hạt nhân

Srilanka : Tu sĩ Phật Giáo xuất bản truyện tranh chống hạt nhân

Đăng lúc: 17:52 - 03/07/2015

Sinh ra tại Srialanka, đất nước bị lôi kéo vào những cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ, nhà sư Thalangalle Somasiri cảm thấy vô cùng xúc động sau khi đọc bộ truyện tranh Barefoot Gen của Nhật Bản, câu chuyện kể lại những hậu quả của vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima.
nha-su-pb

Các tu sĩ Phật giáo yêu hòa bình sẽ xuất bản hai tập đầu tiên trong bộ truyện tranh vào mùa xuân này, sau khi dịch chúng sang tiếng Shinhalese, một ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi tại Srilanka.

Tu sĩ Somasiri, 55 tuổi, hiện là trụ trì của một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất Srilanka, tên là Sama Maha Vihara, trong tiếng Nhật Bản thì đây có nghĩa là “ngôi chùa hòa bình”, tọa lạc tại ngoại ô thủ đô Colombo. Ông đến Nhật Bản vài lần mỗi năm, và tham gia vào công tác truyền bá Phật pháp cho kiều bào tại chùa Lankaji, thuộc quận Chiban gần sân bay quốc tế Narita.

Somasiri trở thành tu sĩ Phật giáo từ lúc 12 tuổi. Lần đầu tiên ông đến Nhật Bản là vào năm 1988, để học tập tại đại học Taisho ở Tokyo. Ông đã từng xuất bản sách giáo khoa và truyện cổ Nhật Bản tại quê hương Srilanka của mình. Somasiri cũng là thành viên của câu lạc bô sáng tác Nhật Bản, một tổ chức bao gồm những nhà văn yêu chuộng hòa bình và đấu tranh cho tự do ngôn luận.

Barefoot Gen được viết bởi tác giả Keiji Nakazawa, xoay quanh nhân vật chính là Gen, một nạn nhân của vụ đánh bom nguyên tử tại Hiroshima vào ngày 6 tháng 8 năm 1945. “ Tinh thần và nghị lực vươn lên trong cuộc sống của Gen dạy cho chúng ta những ý nghĩa về hòa bình và lòng dũng cảm”, tu sĩ Somasiri nói.

Xung đột tại Srilanka kéo dài 25 năm, hơn 70.000 người đã thiệt mạng, chùa của tu sĩ Somarisi trở thành nơi trú ẩn tạm thời của những trẻ em mồ côi do chiến tranh và một số nạn nhân của cuộc chiến này.

Xúc động trước ý nghĩa nhân văn của bộ truyện, Somarisi đã đến tham quan Bảo tàng tưởng niệm hòa bình tại Hiroshima vào mùa thu năm ngoái, cùng với những trải nghiệm sẵn có, ông quyết tâm xuất bản bộ truyện tranh này tại Srilanka.

Để tiến hành kế hoạch, ông thường thức dậy lúc hai giờ sáng để dịch truyện và tạm ngưng vào lúc 5 giờ sáng để thực hiện nghi thức công phu sáng. Vào cuối tháng ba, tu sĩ Somarisi đã giới thiệu ấn phẩm bằng tiếng Shihalese đầu tiên của bộ truyện tranh tại chùa Lankaji. Ông đặt mục tiêu sẽ xuất bản trọn bộ 10 tập của bộ truyện tranh trong vòng năm năm. Ông cũng có ý định chuyển ngữ truyện “ Nagasaki no Kane”, viết về những trải nghiệm của một bác sĩ là nạn nhân trong vụ đánh bom nguyên tử tại Nagasaki vào ngày 9 tháng 8 năm 1945.

“ Đây là nhiệm vụ của một người con Phật, giống như tôi, tôi làm điều này để mong ước hòa bình đến với tất cả mọi người”, tu sĩ Somarisi cho biết.

Theo Pháp Bảo

(Dịch từ Asahi Shimbun)

Nghị quyết Hội nghị công tác Tăng sự toàn quốc 2015

Nghị quyết Hội nghị công tác Tăng sự toàn quốc 2015

Đăng lúc: 17:51 - 03/07/2015

Hội nghị công tác Tăng sự toàn quốc 2015 diễn ra từ ngày 26, 27-6-2015, được tổ chức tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình dưới sự chứng minh của Trưởng lão HT.Thích Thanh Dũng, Phó Thư ký Ban Thường trực HĐCM T.Ư GHPGVN, cùng chư tôn đức Ban Thường trực HĐCM: HT.Thích Thanh Đàm, HT.Thích Giác Tường, HT.Thích Thanh Dục và HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS T.Ư GHPGVN.
Hội nghị đặt dưới sự chủ tọa của HT.Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, Trưởng ban Tăng sự T.Ư; HT.Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, Phó ban Thường trực Ban Tăng sự T.Ư, cùng quý Hòa thượng Phó Chủ tịch HĐTS.
Tại phiên khai mạc, hội nghị được vinh dự đón tiếp PGS.TS Phạm Dũng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ; ông Nguyễn Lam, Phó trưởng ban Dân vận T.Ư; Thiếu tướng Hoàng Cao Tánh, Cục trưởng A88-Bộ Công an; ông Đinh Văn Điến, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đến dự, tặng hoa chúc mừng và phát biểu tại hội nghị.
hn tang su.JPG
Hội nghị Tăng sự toàn quốc năm 2015 - phiên bế mạc, chiều 27-6
Sau 2 ngày làm việc, hội nghị được nghe báo cáo tổng hợp công tác Tăng sự hiện nay của Ban Thư ký, các báo cáo tham luận của Ban Tăng sự các tỉnh, thành phố và các đại biểu tham dự hội nghị. Hội nghị đã thảo luận và nhất trí quyết nghị:
1. Hội nghị nhất trí với bản báo cáo tổng hợp công tác Tăng sự do Ban Thư ký trình bày, ghi nhận các đề xuất trong các báo cáo, tiếp thu các ý kiến phát biểu và ý kiến chỉ đạo của Hòa thượng Chủ tịch HĐTS GHPGVN tại hội nghị.
2. Nhất trí nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động trong công tác phối hợp điều hành giữa Ban Tăng sự T.Ư với Ban Tăng sự các địa phương, với Ban Pháp chế T.Ư, Ban Kiểm soát T.Ư, Ban Giáo dục Tăng Ni T.Ư, Ban Văn hóa T.Ư, các Ban chuyên môn của HĐTS và Sơn môn, Hệ phái trong lĩnh vực Tăng sự. Có thông tư hướng dẫn chi tiết để thể chế hóa việc thực hiện các quy định quản lý Tăng sự theo đúng Nội quy Ban Tăng sự T.Ư nhiệm kỳ VII (2012-2017).
3. Ban Tăng sự T.Ư thành lập Hội đồng biên soạn xây dựng một mẫu tiêu chuẩn thống nhất về tổ chức Giới đàn dựa trên cơ sở giới luật, Nội quy Ban Tăng sự T.Ư và phù hợp với truyền thống hệ phái, văn hóa Phật giáo của khu vực để làm tiêu chuẩn bắt buộc y cứ thực hiện.
4. Ban Tăng sự T.Ư thể chế hóa việc an cư, xuất gia, thọ giới, nghiệp sư, y chỉ sư, quản lý tự viện bằng một thông tư hướng dẫn chi tiết có cân nhắc yếu tố đặc thù của từng khu vực, hệ phái.
5. Ban Tăng sự các địa phương xây dựng bộ quy chuẩn đối với việc bổ nhiệm trụ trì dựa trên Nội quy Ban Tăng sự T.Ư và tình hình thực tế địa phương, đệ trình Ban Tăng sự T.Ư xem xét trình Ban Thường trực HĐTS phê chuẩn và phổ biến thực hiện.
6. Thống nhất việc tấn phong Giáo phẩm căn cứ vào hạ lạp theo đúng quy định của Hiến chương GHPGVN và Nội quy Ban Tăng sự T.Ư. Ban Tăng sự T.Ư sẽ xây dựng tiêu chuẩn được xét đặc cách tấn phong (đối tượng được đặc cách, thành tích đóng góp cho Giáo hội và đất nước; khung giới hạn hạ lạp được xét đặc cách tấn phong…).
7. Ban Tăng sự T.Ư xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện thiết lập phần mềm quản lý và cấp đổi Giấy chứng nhận Tăng Ni, Chứng điệp thọ giới, An cư kiết hạ mới (thiết lập phần mềm, mẫu Giấy chứng nhận Tăng Ni, Chứng điệp thọ giới, An cư kiết hạ, lộ trình thời gian thực hiện) và kế hoạch tổ chức tổng thống kê Tăng Ni, tự viện toàn quốc đệ trình Ban Thường trực HĐTS trong phiên họp gần nhất.
8. Ban Tăng sự T.Ư sẽ ban hành văn bản quy định để chấn chỉnh tệ nạn khất thực phi pháp, nạn giả danh hình thức tu sĩ Phật giáo.
9. Ban Tăng sự T.Ư sẽ tiếp tục làm việc với Ban Tăng sự, Ban Trị sự các tỉnh, thành phố để triển khai và thực hiện triệt để nghị quyết của Hội nghị Tăng sự này.
Hội nghị kết thúc vào hồi 16g30 ngày 27-6-2015 trong tinh thần hoan hỷ và quyết tâm cao.
CHỦ TỌA
(đã ký)
HT.THÍCH THIỆN PHÁP

tải xuống (1)

Chia sẻ về giáo dục Phật giáo ở Malaysia

Đăng lúc: 06:51 - 09/05/2015

Nhiều năm trước, khi tôi ở Hồng Kông, tôi được giới thiệu đến một vị bảo trợ chùa chiền hảo tâm. Bà này đồng ý hiến tặng 4 triệu đô-la Hồng Kông cho một trong những trường cao đẳng Phật giáo quốc tế. Sau khi thực hiện xong việc hiến tặng đó, bà đưa tôi ra sân bay Hồng Kông. Trên đường ra sân bay, bà nói với tôi rằng bà rất buồn vì đã gửi con gái của mình đến học tại một trong những ngôi trường tốt nhất ở Hồng Kông. Tôi nghĩ nhiều người trong quý vị biết rằng hầu hết những ngôi trường tốt, bao gồm những ngôi trường tốt nhất, là do những người Thiên Chúa giáo điều hành, đặc biệt là những người Công giáo, bởi vì họ đã điều hành trường học từ rất lâu. Sau khi con gái của bà học ở trường đó một thời gian, cô bé này không còn muốn theo mẹ đến chùa nữa. Vị thí chủ hảo tâm này thuật lại sự việc cho tôi.

Gần đây, khoảng một tháng trước, tôi viếng thăm Miến Điện. Quý vị biết Miến Điện là một quốc gia rất sùng mộ đạo Phật nhưng bây giờ tôi nhận thấy rằng có nhiều trường quốc tế ở đó mà chúng do người nước ngoài điều hành, có lẽ là những nhà thờ và họ có biểu học phí rất cao. Tuy nhiên, nhiều người Miến Điện vẫn đưa con cái đến những ngôi trường này bởi vì họ muốn sự giáo dục tốt nhất cho con cái của họ.

Tôi đến Miến Điện dịp đó để tham gia hội thảo lần hai của Hiệp hội những trường đại học Phật giáo Theravāda và có một nhóm tham gia về Phật giáo nhập thế. Khi chúng tôi thảo luận về đề tài này, có một sự đồng ý mạnh mẽ rằng chúng ta nên làm gì đó để tránh loại tình huống này tiếp tục. Vì vậy có lẽ chúng ta nên tự hỏi tại sao Phật giáo không thể xây dựng và điều hành những ngôi trường chất lượng.

Tất cả chúng ta biết rằng những người Thiên Chúa giáo đã xây dựng và điều hành những cơ sở giáo dục từ tiểu học cho đến đại học từ rất lâu. Trong suốt thời kỳ thuộc địa, ở nhiều quốc gia thuộc địa bao gồm cả đất nước chúng ta (Malaysia), những người Thiên Chúa giáo đã tiến hành đẩy mạnh giáo dục và điều hành trường học. Kết quả, ngày nay chúng ta nhìn thấy ở đất nước này, nhiều trường học hàng đầu từ mẫu giáo đến đại học do người Thiên Chúa giáo điều hành.

Tôi nhớ vào buổi gặp mặt giới thiệu ở Kuala Lumpur khi chúng tôi đang lập kế hoạch cho trường cao đẳng này (International Buddhist College), một trong những thính giả Phật tử đã hỏi tôi, “Sao ông muốn xây dựng một trường đại học khác (đại học thứ ba) ở Thái Lan?”. Ông ấy nói rằng ở đó đã có hai trường đại học được nhà nước bảo trợ rồi. Một số trong quý vị biết hai trường đại học này là Đại học Mahamakut và Mahaculalongkorn với phương tiện giảng dạy chính là tiếng Thái.

Vì vậy, khi chúng tôi quyết định thành lập viện Phật giáo quốc tế, chúng tôi quyết định sử dụng một ngôn ngữ quốc tế. Chúng tôi chọn tiếng Anh và sau đó cũng chọn tiếng Trung. Vì đây là câu hỏi đặt ra cho tôi, nên trả lời, tôi đã hỏi vị ấy, “Ông có biết có bao nhiêu trường đại học Thiên Chúa giáo ở Thái Lan không?”. Đây là một quốc gia Phật giáo nhưng thực sự có bảy trường đại học của Thiên Chúa giáo ở đó, và tuy thế chúng ta đang than phiền rằng chúng ta có quá nhiều. Thực ra, nó không chỉ là con số, mà còn là chất lượng…

Hiện giờ, đại học của Công giáo có 20.000 sinh viên. Trong số đó có 2.000 sinh viên nước ngoài và chúng ta không nói đến người Thái gốc Hoa. Chỉ có 1.000 sinh viên đến từ Trung Quốc. Như vậy đây là một đại học tư hàng đầu ở Thái Lan. Trong khi ở Malaysia này, chúng ta có Đại học Hồi giáo Quốc tế (International Islamic University). Đó không phải là đại học duy nhất, mà ở nhiều quốc gia khác theo đạo Hồi ngay cả ở Indonesia, cũng có nhiều đại học như vậy. Tất nhiên ở nhiều quốc gia Trung Đông, họ cũng có nhiều trường đại học. Tất cả những trường đại học này đã sản sinh nên một số lượng hùng hậu những học giả Hồi giáo hàng năm. Như vậy ngay trong việc so sánh với Hồi giáo, chúng ta đã thua xa họ. Đó là để nói rằng chúng ta xúc tiến quá trể và cũng trong khi những tôn giáo khác đang đẩy mạnh giáo dục của họ bằng việc tích cực xây dựng các trường đại học, chúng ta lại phần nào bảo thủ.

Ở những quốc gia như Ấn Độ (nơi Phật giáo từng hưng thịnh), Sri Lanka, Thai Lan, Tây Tạng, chùa chiền từng là những trung tâm giáo dục. Trong thực tế, nếu quý vị muốn nhận sự giáo dục tốt bao gồm cả giáo dục thế tục, quý vị đến chùa. Ngay cả ngày nay ở Sri Lanka, có một số trường học hay những cơ sở truyền thống mà chúng từ xưa thuộc chùa chiền Phật giáo.

Có những ngôi trường đặc biệt nhưng tất nhiên do vì ở vùng đó họ không có những trường học khác. Vì vậy khá thú vị là một số học sinh của những tín ngưỡng khác đôi khi học ở những ngôi trường này, thậm chí học chung với các sư chú trẻ. Ở Thái Lan, nhiều ngôi trường, dù là trường tiểu học hay trung học, được xây trong khuôn viên của chùa. Nhưng chúng không hẳn do chùa điều hành bởi vì bộ giáo dục từ lâu đã sử dụng các ngôi chùa như những trung tâm giáo dục. Nhưng sau đó như ở hầu hết các quốc gia, chính quyền nắm giữ vai trò và trách nhiệm giáo dục; và tất nhiên chúng ta cũng biết rằng trong một vài quốc gia tiên tiến, trường và đại học tư đang làm việc tốt hơn những ngôi trường và đại học do nhà nước bảo trợ.

Ở chùa Than Hsiang, chúng tôi đã tham gia vào giáo dục chính quy với một trường mẫu giáo vào năm 1991. Ngôi chùa tọa lạc ở giữa công viên công nghệ cao. Tôi thật sự thấy được nhu cầu có một trường mẫu giáo với những phương tiện tốt dành cho người trẻ ở đó bởi vì nhiều đôi vợ chồng trẻ vào thời điểm ấy chỉ mới có con và chúng sắp vào mẫu giáo.

Vì vậy chúng tôi quyết định bắt đầu một trường mẫu giáo và 18 năm sau, chúng tôi bây giờ điều hành 6 trường ở những bang miền bắc, không chỉ ở đảo và ở đất liền của bang Penang mà cũng ở bang Kedad. Thực sự, phương pháp của chúng tôi hiện nay là tiếp cận cộng đồng và điều hành trường mẫu giáo nhỏ với ít hơn 100 học sinh mỗi trường. Chúng tôi có trường mẫu giáo chính ở chùa Than Hsiang với khoảng 350 học sinh. Nhưng năm trường khác thì tương đối nhỏ hơn. Như vậy, hoàn toàn dễ dàng để điều hành và quản lý một trường mẫu giáo nếu quý vị có 80 đến 100 học sinh.

Bên cạnh, chúng tôi cũng điều hành nhà dưỡng lão. Hiện tại, chúng tôi thử đặt nhà trẻ và nhà dưỡng lão gần nhau. Chúng tôi cố gắng mang trẻ em và người già lại với nhau. Điều này thực sự rất tốt bởi vì với việc công nghiệp hóa hiện đại của chúng ta, nhiều cặp vợ chồng trẻ phải đi làm việc, vì vậy chúng ta đối diện với hai vấn đề.

Không giống 50 trước, hay ngay cả 30 năm trước, khi ấy chúng ta có một cấu trúc gia đình mở rộng. Khuynh hướng bây giờ là những cặp vợ chồng trẻ bắt đầu gia đình riêng của họ và sống riêng biệt trong một căn hộ. Đôi khi, những đứa trẻ hiếm gặp cha mẹ chúng suốt những ngày trong tuần. Mặt khác, những người già cũng đối diện tình huống là không có con cái chăm sóc bởi vì chúng đang làm việc. Vì vậy, nhằm phục vụ cộng đồng và xã hội, chúng tôi vận hành và cố gắng có trung tâm này không chỉ vì những sinh hoạt tôn giáo, mà cũng điều hành những nhà mẫu giáo cũng như nhà giưỡng lão quy mô nhỏ. Chúng tôi cũng lên kế hoạch điều hành những nhà dưỡng lão quy mô nhỏ với khoảng 25 người. Đây là giải pháp mới của chúng tôi cho cả nhà trẻ và nhà dưỡng lão.

Bây giờ, tôi muốn chia sẻ với các bạn về viện Phor Tay. Từ Phor Tay tiếng Sanskrit là Bodhi, mà nó đề cập đến sự giác ngộ của Đức Phật. Vào năm 1935, một vị Ni từ Hạ Môn, Trung Quốc đến Penang và thiết lập viện Bodhi. Đây là một Ni viện, và bà quyết định đặt tên là Phor Tay, cho thấy rằng ngay khi thành lập, Ni sư này đã có quan điểm rằng giáo dục là quan trọng. Không chỉ những phục vụ tôn giáo, mà ngay cả việc giáo dục cũng được nhấn mạnh.

Ni sư sau đó cùng làm việc với những đệ tử và học trò của mình. Đầu tiên, họ khởi xướng một trường học Phật giáo miễn phí để đem giáo dục miễn phí đến cho những người thiếu may mắn, những trẻ em và thực tế họ cũng thiết lập một trại mồ côi. Cuối cùng, thấy cần thiết nên họ thành lập một trường tiểu học cho trẻ em. Khi những học sinh tiểu học hoàn tất chương trình giáo dục tiểu học của mình, họ tiếp tục lập kế hoạch và sau đó xây Trường Trung học Phor Tay.

Đây là một Ni sư đặc biệt, bà đã bắt đầu tất cả các trường học này từ thập niên 30 thế kỷ trước. Thế rồi ngày nay ở viện Phor Tay này, họ điều hành một trường mẫu giáo, một trường tiểu học và hai trường trung học. Trường trung học được thành lập vào năm 1954 và sau đó vào 1962. Nhiều người thuộc trường trung học nói tiếng Trung chấp nhận sự bảo trợ của chính phủ nhưng trường Board tiếp tục vận hành một trường trung học tư thục. Vì vậy kết quả là, có hai loại trường, một được chính phủ hỗ trợ và một là trường trung học tư thục.

Gần đây trường học được chính phủ bảo trợ được di chuyển đến khu vực công nghiệp và cũng không xa chùa Than Hsiang. Do đó, chúng tôi xây lại trường trung học này thành một trường rất lớn…

Cuối cùng cho phép tôi chia sẻ với các bạn về nỗ lực của chúng tôi trong giáo dục đại học, đặc biệc là Phật học. Năm 1992, khi tôi đang học ở New Zealand, tôi có hai người bạn học đại học – Hòa thượng Giáo sư Dhammajoti và Hòa thượng Mahinda. Hòa thương Dhammajoti đến Sri Lanka và rồi ở đó để hoàn tất khóa cao học và tiến sĩ và tiếp tục giảng dạy ở đó. Ông sống khoảng 25 năm ở Sri Lanka và khi tôi viếng thăm Sri Lanka, ông đề xuất ý tưởng về việc thành lập một cơ sở để đẩy mạnh nghiên cứu Phật học ở Malaysia. Dựa trên sự giúp đỡ của ông, chúng tôi đã làm việc với Đại học Pāli và Phật giáo của Sri Lanka và vào năm 1992, chúng tôi lần đầu tiên mở khóa học chứng chỉ và sau đó là khóa cử nhân.

Trong suốt thời gian đó, Giáo sư Karunadasa đến giảng dạy ở Penang và ông rất tâm đắc sự hợp nhất của Phật giáo Malaysia. Ở đó, ông thấy sự gặp nhau của hai truyền thống Phật giáo lớn là Theravāda và Đại thừa Trung Hoa. Thời điểm đó, Phật giáo Tây Tạng cũng đã bắt đầu đến Malaysia. Ông đã đề xuất ý tưởng thiết lập một trường đại học mà nó dung nạp cả ba truyền thống lớn. Như vậy, ông là người khởi xướng ý tưởng này.

Sau khi xem xét nghiêm túc, chúng tôi thấy Thái Lan là nơi hợp lý để mở đại học này. Có hai lý do chính. Thứ nhất là bởi Thái Lan là một quốc gia Phật giáo. Thứ hai, Thái Lan về vị trí địa lý là trái tim của Đông Nam Á ở khu vực châu Á. Vì vậy, nó ở vị trí trung tâm. Bên cạnh đó, chúng tôi chọn Thái Lan bởi vì nó nằm cận Malaysia và chúng tôi chọn khu vực phía nam Thái Lan bởi vì đó là nơi gần với chúng tôi nhất.

Năm 1999, chúng tôi chính thức thành lập Quỹ Than Hsiang Thái Lan để đăng ký IBC (International Buddhist College). Thế là chúng tôi tuyển một nhóm cố vấn. Đầu tiên, chúng tôi muốn gọi ngôi trường này là Đại học Phật giáo Quốc tế (International Buddhist University) nhưng sau đó theo lời khuyên của nhóm cố vấn chúng tôi chọn cao đẳng (college) vì không có nhu cầu cho chúng tôi thiết lập ba hay bốn phân khoa bởi vì nếu chúng tôi thành lập nhiều phân khoa, chi phí sẽ càng nhiều. Vì vậy, nếu chúng tôi chỉ đáp ứng nghiên cứu Phật học, thì chúng tôi chỉ cần thiết lập hai khoa, một khoa về nghiên cứu Phật học hay khoa nghiên cứu tôn giáo và một khoa là nghệ thuật tự do bởi vì hệ thống giáo dục Thái là dựa trên hệ thống kiểu Mỹ.

Vì vậy, để bắt đầu chúng tôi cũng đưa ra một vài môn học chung – bốn môn học cốt lõi thuộc nghệ thuật tự do – ngôn ngữ, nhân chủng học, tin học và thống kê để có một nền tảng rộng được xây dựng cho những sinh viên của chúng tôi học cư nhân. Chúng tôi có giấy phép để điều hành cao đẳng này và một năm sau, chúng tôi tiếp nhận khối sinh viên cử nhân đầu tiên đó là vào năm 2004. Sự thực, khi chúng tôi bắt đầu mở khóa cử nhân, chúng tôi thậm chí không biết rằng chính sách giáo dục Thái Lan là rất tự do. Chúng tôi đệ trình xin mở khóa học chỉ bằng tiếng Anh và chúng tôi không bị bắt buộc phải dạy tiếng Thái. Rồi sau đó, sinh viên của chúng tôi trong hai năm đầu, đặc biệt với một số sinh viên đến từ Trung Quốc, phải vật lộn vất vả với tiếng Anh. Họ phải học tiếng Anh trước, đôi khi một năm và số khác có thể cần hơn một năm để nâng cao tiếng Anh trước khi có thể học khóa cử nhân. Đối với họ, chúng tôi thấy rằng nếu chúng tôi cũng có thể mở những khóa học bằng tiếng Trung, điều đó sẽ dễ dàng cho những sinh viên đến từ Trung Quốc và cũng một vài đến từ Đông Nam Á, từ Malaysia và Singapore.

Kết quả là, khi chúng tôi bắt đầu khóa cao học, chúng tôi có chương trình giảng dạy của mình cả bằng triếng Trung và tiếng Anh và không có vấn đề gì. Nó được chấp nhận. Vì vậy vào năm 1996, chúng tôi tiếp nhận khối sinh viên cao học đầu tiên, sự thực là hai lớp – cả bằng tiếng Anh và tiếng Trung. Năm rồi, chúng tôi đã bế giảng khối cử nhân và khối cao học đầu tiên. Đồng thời, sau khi bế giảng khóa cao học, một số sinh viên muốn tiếp tục, vì vậy chúng tôi mở khóa tiến sĩ, cũng bằng hai ngôn ngữ và điều đó cũng được chấp thuận.

Về các khóa cử nhân và cao học, chúng tôi trải qua một tiến trình công nhận và chúng tôi làm điều này rất tốt. Hội nghị đầu tiên được tổ chức vào ngày 20 tháng Tám năm ngoái và hiện nay chúng tôi cũng có bốn nghiên cứu sinh tiến sĩ, hai người đăng ký làm bằng tiếng Trung và hai người đăng ký làm bằng tiếng Anh. Chúng tôi cũng đệ trình một chương trình giảng dạy có sửa chữa dành cho cử nhân và bây giờ những sinh viên của chúng tôi cũng được phép chọn hoặc tiếng Trung hoặc tiếng Anh làm phương tiện truyền đạt. Do đó hiện nay, chúng tôi đưa cả tiếng Anh và tiếng Trung vào các khóa cử nhân, cao học và tiến sĩ.

Khoảng một tháng trước, chúng tôi phải trải qua một đánh giá từ bên ngoài về hệ thống đảm bảo chất lượng cho giáo dục cao mà nó tương tự với ISO9000. Ở Thái Lan, tất cả các đại học cho dù là công hay tư phải trải qua việc đánh giá chất lượng này năm năm một lần. Vì năm này là năm thứ năm của chúng tôi trong việc điều hành đại học, vì vậy chúng tôi phải trải qua sự kiểm định này mà nó được ONESCA tổ chức. Thực sự, chúng tôi đã trải qua sự kiểm định này với một kết quả rất tốt. Sự nhấn mạnh của chúng tôi là để chọn một giải pháp bắt đầu với một khối sinh viên nhỏ và chúng tôi đã tiếp tục cách này trong năm năm. Đó là một cơ hội cho chúng tôi nghiên cứu thông qua tiến trình này. Thật sự là một quyết định khôn khéo là bắt đầu với mô hình nhỏ và tập trung vào giáo dục có chất lượng thay vì cố gắng tuyển thật nhiều sinh viên. Chúng tôi thật sự nhấn mạnh vào chất lượng thay vì số lượng.

Vào năm tuyển sinh đầu tiên, chúng tôi có 65 người nộp đơn từ Trung Quốc và họ nộp đơn cho khóa học thông qua internet. Trong số này, chúng tôi chỉ chấp nhận 13 người. Nhưng trong số 13 người này, chỉ có tám người đến bởi vì tại nhiều khu vực ở Trung Quốc, nếu quý vị đang sống ở một thành phố lớn, quý vị có thể có hộ chiếu nhanh chóng. Nhưng nếu quý vị đang sống ở những vùng xa xôi, thì mất hơn nửa năm để xin hộ chiếu. Vì những người đó không thể có hộ chiếu đúng thời hạn, họ không thể tham gia với chúng tôi.

Mỗi năm vào tháng Tư, chúng tôi tổ chức một Dhammaduta Tour. Năm đại học thứ năm của chúng tôi đi qua. Vào năm thứ năm, chúng tôi có khoảng 80 sinh viên. Chúng tôi cũng bắt đầu một giai đoạn thí điểm về việc học qua internet, chọn một vài môn học từ chương trình cử nhân của chúng tôi. Hiện chúng tôi đang lập kế hoạch mở khóa cao học 3 năm thông qua học từ internet từ tháng 9 năm này. Giải pháp học qua internet này là rất quan trọng đối với chúng tôi. Có hai lý do cho việc giới thiệu phương pháp học qua internet này. Tất nhiên internet bây giờ quá phổ biến. Nếu quý vị truy cập internet, quý vị có thể học bất cứ nơi đâu ở trên thế giới và chúng ta có thể đi đến một mục tiêu rất rộng.

Dựa trên những kinh nghiệm của chúng tôi trong năm năm đầu, phần khó khăn nhất trong điều hành IBC không phải về mặt học thuật, mà vấn đề của sinh viên. Do đó, nếu những sinh viên đang ở tại nhà, thực hiện kỳ học của họ, chúng tôi không phải lo lắng về nơi ở của họ cũng như vấn đề sinh viên đến từ những quốc gia khác. Sự thực, mặc dù chúng tôi có 80 sinh viên, những họ đến từ hơn 14 quốc gia với những truyền thống Phật giáo khác nhau và nói những ngôn ngữ khác nhau.

Trước tiên, nó rất khó khăn cho chúng tôi quản lý những sinh viên này bởi nền tảng xuất thân khác nhau của họ. Dù thế nào đi nữa, sau khi họ có thể sống ở IBC, tôi nghĩ họ hiểu giá trị sự của đa dạng này bởi vì họ có thể học hỏi những truyền thống Phật giáo khác nhau từ những sinh viên cùng học và nhiều điều thú vị khác.

Chỉ ở Thái Lan mà chúng tôi có thể bắt đầu một đại học bằng trước hết tập trung vào nghiên cứu Phật học. Một số trong các quý vị biết rằng trong 20 năm qua, nhiều tổ chức Phật giáo đã bắt đầu những đại học ở Đài Loan, nhưng tất cả những đại học này chỉ mới đây thôi, chúng không được phép mở khoa nghiên cứu Phật học. Họ đang điều hành những khóa học thế tục nhờ đó số lượng đầu tư vào mới lớn. Đối với một số trong những trường đại học này, nghiên cứu Phật giáo không thuộc phân khoa Phật học mà thuộc về triết học và tôn giáo so sánh.

Khi chúng tôi điều hành một đại học ở Thái Lan, trước tiên chúng tôi mở nghiên cứu Phật học. Nhưng từ những kinh nghiệm mà chúng tôi có được ở Malaysia này, qua việc điều hành trường mẫu giáo, nhà dưỡng lão, những trung tâm tư vấn, chúng tôi cũng muốn mở những khóa học này. Thực ra, tâm lý học Phật giáo rộng hơn tâm lý học phương Tây. Quan điểm của chúng tôi là mở khóa học tư vấn và mang vào đó yếu tố tâm lý Phật giáo. Thêm nữa, ở hầu hết tất cả các quốc gia, dân số đang già đi, vì vậy chúng tôi cần chăm sóc người già. Do đó, việc chăm sóc người già cũng là một khóa học mà nó sẽ rất hữu ích. Chúng tôi cũng sẽ mở khóa y học Trung Quốc bởi vì chúng tôi đang điều hành phòng phám chữa bệnh sử dụng sự phục vụ của bác sĩ Trung Quốc ở Penang và những khu vực khác ở bang miền bắc đã hơn 20 năm. Vì vậy, kế hoạch của chúng tôi là lần lượt giới thiệu những khóa học thế tục này vào trong IBC.

Thực ra, điều đầu tiên mà chúng tôi có khả năng sẽ tập trung vào là giáo dục mẫu giáo bởi vì những trường mẫu giáo mà chúng tôi đã điều hành, chúng tôi điều hành rất tốt. Điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ tiếp tục với quan niệm nhận cái tốt nhất của cả giáo dục truyền thống Đông phương qua đó những trẻ em học tụng đọc kinh điển và cũng từ giáo dục phương Tây dưới dạng giáo dục mẫu giáo mà nó sẽ giúp trẻ em học thông qua chơi. Cả hai hệ thống giáo dục trước khi đến trường này có giá trị tương tứng. Khi chúng tôi kết hợp hai điều này, chúng tôi tạo ra sự hợp nhất.

Kết luận:

Nhận xét của tôi là thế này: Nếu chúng ta không đầu tư vào giáo dục, Phật giáo, như là tôn giáo với hầu hết tín đồ ở châu Á, sẽ bị thay thể bởi những tôn giáo khác. Hiện tại ở nhiều quốc gia châu Á, Phật giáo vẫn có số tín đồ đông nhất nhưng nếu chúng ta tiếp tục bước đi như hiện nay của mình, chúng ta sẽ bị thay thế. Một ngày nào đó, chúng ta có thể trở thành không còn thích hợp. Hiện tượng này thật sự đã xảy ra ở Nam Hàn rồi.

Mới đây, khi đến Trung Quốc để tham dự Diễn đàn Phật giáo Thế giới, tôi cũng nhận thấy điều như vậy ở đó. Những người Thiên Chúa giáo đang xông xáo đến đó, bởi vì ở phương Tây, những giáo hội Thiên Chúa giáo, đặc biệt là Công giáo truyền thống, họ từng có những nhà thờ lớn nhưng bây giờ lại có rất ít tín đồ. Kết quả, họ dùng các nguồn đầu tư vào Malaysia rất năng nổ. Ngay cả ở Thái Lan, họ cũng rất xông xáo. Hòa thượng Dhammodaya nói với tôi rằng Sri Lanka cũng đang đối mặt với điều tương tự. Ở Nam Hàn cũng vậy, đã có nhiều người Thiên Chúa giáo hơn Phật tử rồi. Nếu chúng ta không thay đổi thái độ, điều này sẽ xảy ra ở Trung Quốc, có thể trong tương lai không xa. Ước đoán của tôi là trong 20 năm nữa điều này sẽ xảy ra.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, cho phép chúng tôi phản ánh về điều này và nhấn mạnh vào giáo dục Phật giáo. Một điều buồn rằng là khi chúng tôi muốn xây dựng chùa, có nhiều người ủng hộ. Nhưng khi chúng tôi muốn thúc đẩy giáo dục Phật giáo, người ta không nhiệt tâm ủng hộ. Sau cùng, tôi thấy vui là được chia sẽ với quý vị những quan sát của tôi và một vài đề án giáo dục Phật giáo ở Malaysia cũng như trường Cao đẳng Phật giáo Quốc tế (IBC).

HT.Wei Wu
Nguyên Hiệp lược dịch

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 97
  • Hôm nay 493
  • Tháng hiện tại 62,247
  • Tổng lượt truy cập 23,468,496