Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Làm sao chuyển hóa tâm bất kính?

Làm sao chuyển hóa tâm bất kính?

Đăng lúc: 06:14 - 13/04/2016

Tin và hiểu song hành sẽ giúp bạn hóa giải mọi nghi ngờ, bất kính để đến với đạo Phật một cách chủ động, tự do và tự nguyện.

HỎI: Tôi chỉ mới bắt đầu đi chùa đọc kinh nhưng không hiểu vì sao, thời gian gần đây, trong tâm thức tôi lại hay khởi lên ý nghĩ bất kính khi lễ Phật, khi đọc kinh sách Phật. Tôi đã cố gắng rất nhiều để không còn suy nghĩ đó nhưng không được. Tôi cảm thấy rất phiền não về những ý nghĩ như vậy. Tôi muốn hỏi làm thế nào để vượt qua được những ý nghĩ ấy? Khi tâm bất kính xuất hiện thì có phải tôi đã tạo nghiệp ác không? Mong quý Báo giúp tôi, để tôi có thể vượt qua chướng ngại này.

(XUÂN LÀNH, ngsinhcompany@gmail.com)

ĐÁP:

Bạn Xuân Lành thân mến!

Thiết nghĩ, có ba trường hợp chính để hình thành tâm bất kính trong bạn hiện nay. Thứ nhất, bạn mới bắt đầu học đạo, khi hiểu biết về giáo pháp chưa sâu rộng, khi niềm tin Tam bảo chưa được vững chắc, thì có thể bạn nghe những đối luận không thiện cảm với Phật giáo, hay biết được những hạn chế của hàng đệ tử Phật (đơn cử như có vị xuất gia hoặc cư sĩ khiếm khuyết đạo đức chẳng hạn), những điều ấy sẽ dễ khiến bạn hoài nghi, mất thiện cảm dẫn đến sinh tâm bất kính Tam bảo.

Thứ hai, nếu bạn đủ hiểu biết để nhìn thấu hai mặt của vấn đề, và đủ bao dung khi nhìn mọi sự trong tính tương đối nhưng vẫn dấy khởi ý nghĩ bất kính Tam bảo, có thể đó là hiệu ứng của những xung đột quan điểm trong chính bản thân bạn. Thứ ba là những hạt giống ngã mạn ở quá khứ còn vương lại trong tâm thức bạn nay đủ duyên bộc phát.

Với trường hợp thứ nhất, bạn cần tìm hiểu Phật pháp nhiều hơn nữa, đặc biệt là cần tham vấn những vị có kinh nghiệm tu học để tháo gỡ những vướng mắc cho bạn. Đạo Phật chủ trương “đến để thấy”, thấy rõ rồi mới tin. Với niềm tin được trí tuệ soi sáng, bạn sẽ luôn vững vàng trước những đối luận không thiện cảm về Phật giáo. Kế đến, nhân cách tốt hay xấu của những người bạn đạo vẫn ảnh hưởng đến niềm tin của mình nhưng đó là bên ngoài, thứ yếu. Bạn cần phát huy tuệ giác để thấy rằng, cốt tủy của người học Phật vẫn là “Hãy tự mình nương tựa hòn đảo chính mình”. Không có tổ chức hay cá nhân nào tuyệt đối hoàn hảo cả. Người xưa nói “nhơn hư, đạo bất hư” nhằm nhắc nhở mình, mọi chuyện với cá nhân đều có thể xảy ra nhưng với đạo thì luôn tốt đẹp. Tháo gỡ được những vướng mắc này sẽ góp phần chuyển hóa tâm bất kính của bạn.

Với trường hợp thứ hai, khi tiếp cận với cái mới thì xung đột nội tại là vấn đề thường xảy ra. Bạn đang tìm hiểu và từng bước xác lập niềm tin vào đạo Phật, dĩ nhiên có nhiều điều mới mẻ trong Phật giáo khác với tín ngưỡng truyền thống hay các tư tưởng, triết học mà bạn đã tiếp nhận từ trước. Sự phân biệt, so sánh, phân vân, hoài nghi, chấp nhận và phủ nhận giữa cái cũ và mới sẽ hình thành trong giai đoạn này, từ đó góp phần làm dấy khởi tâm bất kính. Nếu cần thì bạn hãy dành cho mình một khoảng lặng để chiêm nghiệm trước khi quyết định.

Ở đây, bạn nên học theo tinh thần tự do tín ngưỡng của Đức Phật: “Khi nào các người tự biết rõ: Các pháp này là thiện, các pháp này là không đáng chê, các pháp này được người trí khen ngợi, các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận thì dẫn đến hạnh phúc an vui, thời này các người Kalama, các người hãy đạt đến và an trú”. Rõ ràng theo tinh thần này, bạn sẽ đến với đạo Phật bằng sự tự do, chủ động với trí tuệ mà không hề chịu bất cứ áp lực nào cả.

Với trường hợp thứ ba, bạn nên biết rằng, tâm thức chúng ta lưu giữ tất cả những chủng tử nghiệp thiện ác, khi chưa đủ duyên thì tiềm ẩn, khi đủ duyên thì chúng trỗi dậy. Nếu tâm bất kính Tam bảo dấy khởi mà không có nguyên nhân rõ ràng như đã phân tích ở trên, thì chắc chắn đây là biểu hiện cụ thể của nghiệp ngã mạn trong quá khứ. Để chuyển hóa tâm bất kính này, bạn cần thành tâm lễ Phật sám hối những nghiệp xấu ngã mạn.

Người bình thường không thể kiểm soát được những ý tưởng bất chợt của mình. Nên khi những ý nghĩ bất kính xuất hiện, ngay thời điểm đầu tiên nó chưa phải là tội lỗi. Nhưng nếu không phản tỉnh để dừng lại mà cứ duyên theo nó thì sẽ tạo nên ý nghiệp xấu ác. Do vậy, muốn vượt qua chướng ngại này, bạn cần nương theo pháp lễ Phật sám hối để hóa giải nghiệp ngã mạn trong quá khứ và phát huy tuệ giác để hiểu đúng Chánh pháp. Tin và hiểu song hành sẽ giúp bạn hóa giải mọi nghi ngờ, bất kính để đến với đạo Phật một cách chủ động, tự do và tự nguyện.

Chúc bạn tinh tấn!

TỔ TƯ VẤN

Lắng nghe để hiểu & thương

Lắng nghe để hiểu & thương

Đăng lúc: 23:58 - 27/03/2016

Một con cú già khôn ngoan sống ở cây đa. Nó càng nhìn thấy sự đời thì càng ít nói. Mà nó càng ít nói thì lại lắng nghe nhiều. Tại sao mình lại không như con cú già khôn ngoan kia? (Khuyết danh).
bo-tat-QTa.jpg
Quán Thế Âm có nghĩa là quán chiếu, suy xét, lắng nghe âm thanh của thế gian...

Khi còn bé thơ, chúng ta được dạy ‘học ăn, học nói, học gói, học mở’. Và càng nói nhiều thì đó là dấu hiệu phát triển bình thường. Nhưng ít khi nào chúng ta được dạy phải biết lắng nghe. Và phần nhiều, cha mẹ, thầy cô, các bậc phụ huynh, v.v… không để tâm nhiều đến chuyện dạy dỗ cách biết lắng nghe. Tất nhiên, cha mẹ hay các thầy cô có dạy mình phải biết nghe lời. Nhưng ít khi chúng ta được dạy cách biết lắng nghe cho đúng.

Thường khi trong một cuộc đối thoại, chúng ta muốn người đối diện nghe ý kiến của mình muốn phát biểu, hay diễn đạt hơn là mình nên lắng nghe ý tưởng của họ. Nếu đã là vậy, rõ ràng không có sự lắng nghe xảy ra. Mà hễ không có sự lắng nghe, hiểu và cảm thông sẽ không bao giờ được thiết lập. Vợ chồng thường hay gặp phải tình cảnh này, nên có câu nói chọc cười: ‘Ngày xưa chồng nói vợ nghe. Bây giờ chồng nói vợ chê lắm mồm’. Cho nên, biết lắng nghe là nhịp cầu nối đầu tiên cho sự hiểu biết, cảm thông.

Quán Thế Âm có nghĩa là quán chiếu, suy xét, lắng nghe âm thanh của thế gian. Theo phẩm Phổ môn trong kinh Pháp hoa, sở dĩ Ngài mang tên gọi như vậy là do hạnh nguyện từ bi cứu khổ cứu nạn, mỗi khi chúng sanh bị khổ ách, nguy cấp, nhất tâm niệm danh hiệu của Bồ-tát, Ngài liền quán xét âm thanh đó, lập tức cứu họ thoát khỏi tai ách.

Nhiều kinh điển nói về công hạnh của Bồ-tát, về sức uy thần diệu dụng của Ngài, thường hiện thân khắp nơi cứu giúp người đang đau khổ trên trần gian. Nhưng để tu tập theo hạnh nguyện từ bi, cứu khổ của Ngài, thiết nghĩ, chúng ta nên tìm hiểu thêm một số chi tiết về những hạnh nguyện đó.

Trong kinh Pháp hoa nói Ngài thường thị hiện 33 hóa thân. Nhưng theo thiển ý, chắc đây là con số tượng trưng. Ngài được mô tả là một vị Bồ-tát luôn hóa thân cứu khổ mọi loài chúng sinh. Ngài hóa thân là một hiện tượng đặc thù theo tinh thần ‘tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên’, biểu lộ tấm lòng đại từ bi, không phân biệt kẻ thân, người sơ, kẻ thâm tín, người hoài nghi, thậm chí người vô thần, ngoại đạo.

Hiện tượng hóa thân nói lên sự thấu hiểu và cảm thông thật sâu sắc nỗi sợ hãi, mối ưu lo của chúng sinh trong thế giới đảo điên, mộng tưởng. Để được tiếp cận với một chúng sinh đang đau khổ, Ngài hiểu rõ rằng một người xa lạ, dù là một Bồ-tát, sẽ khó có thể đến gần để chúng sinh kia được giãi bày nguồn cơn nỗi khổ của mình.

Theo kinh nghiệm đời thường cho thấy, khi chúng ta đang đau khổ hoặc phiền não mình chỉ muốn chia sẻ với ai biết lắng nghe, thông cảm, và không có ý phê phán, bình phẩm về những điều mình đã làm sai, hay tâm tình mình đang giãi bày, thổ lộ. Và thường mình muốn chia sẻ với người quen biết, dễ thương, hoặc người nào tôn trọng ý tưởng và tình cảnh của mình. Nếu hiểu được điều này, chúng ta có thể đóng vai sứ giả của Đức Quán Thế Âm, lắng nghe mà không phê bình, chỉ trích để giúp làm vơi nỗi khổ của người.

Thật ra, ai trong chúng ta cũng đều có khả năng làm sứ giả Quán Âm, và muốn thành tựu vai trò này đòi hỏi mình phải biết lắng nghe.

Nhưng biết lắng nghe là một nghệ thuật. Nghĩa là chúng ta phải quên mình đi mà chỉ biết nghe người kia đang nói gì. Biết lắng nghe đòi hỏi mình phải biết lắng đọng tâm tư để nghe rõ thông điệp của người mình đang đối diện. Cái bi kịch thường hay xảy ra cho chúng ta là khi mình muốn học hạnh lắng nghe nhưng cứ mỗi khi nghe xong câu chuyện mình lại diễn dịch nó qua lăng kính kinh nghiệm của bản thân, giống như mình nhìn thấy một sự kiện qua cặp kính màu của mình, nên thay vì hiểu và cảm thông, chúng ta lại chỉ trích hay phê phán người đối diện là dở cái này, thiếu cái nọ.

Do đó, hành động lắng nghe của mình bị thất bại. Nếu chúng ta biết lắng nghe qua tâm hạnh từ bi như Bồ-tát Quán Thế Âm, chúng ta biết tôn trọng ý tưởng của người nói và lắng nghe cho kỹ những nỗi khổ đau mà họ đang trải nghiệm, thì công sức lắng nghe của mình sẽ chắc chắn mang lại một kết quả tốt và có thể sẽ làm vơi đi nỗi khổ của người.

Ngoài việc hóa hiện các thân để cứu độ, Ngài còn có khả năng làm cho chúng sinh hết lo sợ (vô úy thí). Trong kinh Pháp hoa, phẩm Phổ môn có nêu lên 14 hoàn cảnh, những trường hợp tượng trưng, mà Ngài đã vận dụng năng lực vô úy để cứu độ. Năng lực vô úy là một khả năng đặc thù mà chỉ có những ai thật định tĩnh, tự tin, và từ bi vô hạn mới có thể làm được. Như một bà mẹ thương con vô cùng mới có thể làm con mình yên tâm dù hoàn cảnh trước mặt đang xảy ra vô cùng bất lợi và nguy hiểm. Sở dĩ chúng ta cảm thấy an lòng, không hoảng sợ, kinh hoàng trước sự hiện diện của Bồ-tát Quán Thế Âm vì Ngài sẵn lòng hy sinh bản thân để cứu độ mọi người.

Chúng ta cũng đã từng nghe qua năng lực vô úy này được các thiền sư thể hiện, như trong câu chuyện sau: Trong thời nội chiến ở Triều Tiên, một vị tướng soái dẫn quân đánh chiếm hết vùng này đến vùng kia, hủy diệt hết những gì cản trở bước tiến của ông ta. Dân chúng trong thành biết đoàn quân của vị tướng đang đánh tới, và nghe tiếng tàn bạo của ông ta nên mọi người đều trốn lánh vào vùng núi cao.

Vị tướng tiến chiếm thành không người và ra lệnh quân lính tìm kiếm dân trong thành khắp nơi. Vài người lính trở về báo cáo chỉ có một thiền sư còn ở lại. Vị tướng quân liền vội vã đến chùa, đi thẳng vào bên trong, rút gươm ra, và nói: “Lão thầy chùa kia, ông không biết ta là ai sao? Ta là người có thể thản nhiên lấy mạng của ông không chớp mắt”. Vị thiền sư nhìn thẳng vào mặt ông tướng soái và bình thản trả lời: “Và tôi, thưa ngài, là người có thể để ngài lấy đầu mà cũng không chớp mắt”. Vị tướng quân nghe xong, liền cúi đầu và bỏ đi.

Sợ hãi là bản năng của con người, ai sinh ra cũng có. Nhưng các bậc thánh, hay như người căn tính yếu kém như chúng ta, nếu biết tu tập tinh chuyên và có lòng từ bi vô lượng, đều có khả năng, không những vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân, mà còn khéo giúp người khác an tâm, không lo sợ. Tu tập hạnh từ bi có khả năng giúp mình vượt qua khổ hải và cũng giúp được người vơi bớt khổ đau. Vậy muốn có được năng lực vô úy thì chúng ta không thể thiếu hạnh từ bi.

Tuệ giác của pháp môn lắng nghe, không chỉ nằm trong việc lắng nghe âm thanh, lời nói, ngôn ngữ của người đối diện, mà còn vận dụng hết cả thân tâm mình từ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và cả ý căn, để hiểu thấu và thấy rõ từ cử chỉ, hành vi, và sắc diện của họ đang nói lên những gì, mà lời nói, ngôn ngữ chưa diễn đạt, trình bày được hết ý của câu chuyện.

Chỉ cần vận dụng một phần ba (1/3) năng lượng của tuệ giác lắng nghe là chúng ta đã có thể giúp vơi đi nỗi khổ của người khác nhiều lắm rồi. Nhưng tiếc thay, đa số chúng ta thích nói hơn là thích nghe nên năng lượng của tuệ giác lắng nghe ít khi được sử dụng. Sở dĩ, mình thích nói hơn lắng nghe vì bản ngã, hay cái ta, đóng vai trò lớn trong việc thể hiện tầm quan trọng của bản thân, con người mình. Không ai muốn đóng vai trò ‘thấp cổ, bé miệng bao giờ!’. Hiểu rõ được điều này và phải vận dụng nhiều công phu tu tập mới có được chút khả năng lắng nghe vi diệu của Bồ-tát Quán Thế Âm.

Nhân ngày lễ vía của Đức Bồ-tát, chúng ta hãy cùng nhau vận dụng hết năng lực của mình để nhất tâm tu tập nguyện noi theo công hạnh của Ngài và để xứng đáng làm một sứ giả của Bồ-tát Quán Thế Âm.

Tháng 10-2015
Tuệ Nghiệp

Đạo Phật - một tôn giáo bạn nên tìm hiểu

Đạo Phật - một tôn giáo bạn nên tìm hiểu

Đăng lúc: 22:21 - 31/10/2015

Mọi người đều nên có một tôn giáo và tôn giáo này biểu lộ tư tưởng của họ. Không có tôn giáo, con người sẽ trở thành mối nguy hiểm cho xã hội. Các nhà khoa học và tâm lý học có thể giúp ta mở mang kiến thức sâu rộng, nhưng họ không đem lại cho ta mục đích và ý nghĩa của cuộc sống. Chỉ có tôn giáo mới có thể làm được điều đó. Mọi người phải chọn cho mình một tôn giáo hợp lý và khoa học tùy theo ý muốn của mình. Không ai có quyền cưỡng bách người khác phải chấp nhận một tôn giáo nào, đồng thời cũng không thể lợi dụng sự nghèo túng, sự thiếu học cũng như tình cảm để khiến kẻ khác chấp nhận một tôn giáo nào đó.


Mọi người đều có quyền tự do lựa chọn tôn giáo của mình tùy theo sở thích và khả năng trí tuệ của mình. Tin theo tôn giáo một cách mù quáng sẽ đánh mất giá trị tinh thần của tôn giáo. Con người không phải thú vật. Họ có trí thông minh và lương tri để phân biệt phải, trái. Họ có thể thích ứng với hoàn cảnh chung quanh. Cho nên, họ phải chọn một tôn giáo hợp lý và làm tăng trưởng sự hiểu biết của họ.

Trung Đạo

Tôn giáo mà chúng tôi sắp giới thiệu cùng các bạn trong bài này là một hệ thống giáo dục khoa học đã được một đấng Đại Bi Đại Giác truyền bá trên thế giới hơn hai mươi lăm thế kỷ qua. Tôn giáo này được mệnh danh là con đường Trung Đạo hay Chính Đạo hoặc lối sống đứng đắn. Đây là một hệ thống đạo đức và triết lý, vừa là tôn giáo của Tự Do và Lý Trí. Tôn giáo này dạy cho chúng ta những điều sau đây:

“Không làm điều ác, làm mọi điều lành và giữ tâm trong sạch bằng cách loại bỏ những điều xấu xa trong tâm hồn”.

Đức hạnh của con người đóng vai trò rất quan trọng trong tôn giáo này. Vị thầy vĩ đại của tôn giáo này đã nói:

“Ta không dạy ai đến để tin, nhưng đến để thấy và thực hành”.

Điều này đã khích lệ mọi người nghiên cứu kỹ càng những lời dạy của Ngài và để cho họ tự do có nên chấp nhận những điều dạy dỗ đó không. Ngài không bảo ai đến và chấp nhận tôn giáo này nếu họ chưa hiểu những lời dạy của Ngài.

Những nghi thức vô bổ cùng những hình thức lễ bái bề ngoài không phải là giá trị và ý nghĩa thực sự của tôn giáo. Không có sự tin tưởng và thực hành một cách mù quáng, mê tín cũng không có những lý thuyết kỳ lạ và bí hiểm trong tôn giáo này. Mọi vật đều được trình bày và mở ra để người tín đồ tự do lựa chọn và phán đoán. Họ được tự do nghiên cứu và tìm hiểu những lời dạy dỗ của vị thầy đồng thời họ cũng được tự do hỏi để hiểu thấu đáo những điều gì họ nghi ngờ.

Theo vị sáng lập tôn giáo vĩ đại này thì chúng ta không nên tin một điều gì chỉ vì điều đó đã được một bậc đáng kính và đại thông thái nói ra hay đã được chấp nhận theo truyền thống từ xưa để lại. Nhưng chúng ta phải dùng lý trí và sự thông minh của chúng ta để xét đoán; và chỉ chấp nhận điều gì khi đem ra thực hành sẽ đem lại lợi ích và giá trị.

Tôn giáo này dạy rằng: Bát chánh đạo (gồm sự hiểu biết đúng, suy nghĩ đúng, lời nói đúng, hành động đúng, đời sống đúng, cố gắng đúng, sự ghi nhớ đúng và sự tập trung tư tưởng đúng) là con đường trung dung độc nhất giúp ta thoát khỏi những cá biệt trầm kha của cuộc sống.

Trong vòng luân lưu bất định của đời sống mỗi chúng sanh đều nhận chịu những căn bệnh trầm kha này.

Con đường Trung đạo này không phải là con đường siêu hình hay nghi thức, không phải giáo điều chủ nghĩa hay hoài nghi thuyết, không phải tự phóng túng hay khổ hạnh, không phải chủ nghĩa Vĩnh Cửu hay Hư Vô, không bi quan và cũng không lạc quan, đó là con đường giác ngộ, thoát khỏi sự đau khổ. Tôn giáo này không bao giờ dạy rằng, con người chịu đau khổ trong thế giới hiện tại là do tội lỗi của ông bà tổ tông để lại. Ngược lại mỗi người mang theo mình phước báu hay lỗi lầm của chính mình. Mọi người chịu trách nhiệm về những đau đớn và lạc thú của họ, về những việc làm xấu hay tốt của họ.

Người nào đi theo con đường Trung Đạo của tôn giáo này giới thiệu, chắc chắn sẽ tìm thấy an bình và hạnh phúc thật sự.

Gặt hái những gì bạn đã gieo

Tôn giáo này thỏa đáng nguyện vọng cao cả của con người, đồng thời giúp cho họ khắc phục được những nổi đau khổ và phiền muộn trong cuộc sống; hướng dẫn họ cách đối xử với nhau. Ngoài ra, còn mang lại cho họ ý nghĩa và mục đích của đời sống. Tôn giáo này không gieo truyền đến con người, không rót vào đầu óc họ những tư tưởng sợ hãi. Sự sợ hãi và khiếp nhược vắng bóng trong tôn giáo này.

“Nhân tốt sinh ra quả tốt, nhân xấu sinh ra quả xấu”.

Mọi hành động đều mang lại hậu quả của nó. Đó là quy luật tự nhiên của vũ trụ. Tôn giáo này chấp nhận hoàn toàn qui luật tự nhiên ấy, đã là con người phải “Gặt hái những gì họ gieo”. Những hành động xấu xa, những tội lỗi của con người phát xuất từ sự ham muốn, lòng sân hận và sự ngu muội. Những điều yếu kém này chỉ có thể được khắc phục nhờ ở sự hiểu biết của chính chúng ta, nghĩa là chính chúng ta phải tự giác ngộ. An vui và đau khổ con người gặp phải trên cõi đời này không phải do ảnh hưởng từ bên ngoài đem lại mà do những hành động và lời nói tốt hay xấu họ đã làm trong hiện tại hoặc trong những kiếp sống trước đây. Bởi lý do đó, tôn giáo này đã nói:

“Chúng ta là kết quả của những gì chúng ta đã làm và chúng ta sẽ là kết quả của những gì chúng ta đang làm”.

Tôn giáo này dạy rằng: Nguyên nhân và hậu quả đóng vai trò quan trọng trong mọi kiếp sống của con người. Trong vòng luân lưu nhân quả này, khó có thể nhận biết đâu là nguyên nhân đầu tiên, vì nhân và quả hỗ tương chuyển biến; nguyên nhân trở thành hậu quả và hậu quả biến thành nguyên nhân.

Vị Thầy vĩ đại

Sáng lập ra tôn giáo độc đáo này không phải là một nhân vật thần thoại mà là một bậc thầy vĩ đại, thực sự sống trên thế giới này, Ngài không bao giờ tự xưng mình là đấng siêu nhân, là đấng tạo hóa hay Thượng Đế v.v… mà chỉ là con người đã thấy rõ chân lý, thấy rõ những bí ẩn của cuộc đời; hiểu thấu đáo những nguyên nhân thật sự của khổ đau và hạnh phúc.

Ngày nay, vị thầy này không những được hàng trăm triệu tín đồ trên thế giới tán dương, tôn thờ mà còn được những nhà văn hóa và trí thức hết lòng tôn kính, ngưỡng mộ.

Đấng cao thượng, đấng giải phóng, nhà dân chủ, nhà cải cách xã hội, người hướng dẫn và khuyến khích nhân loại đến nẻo thiện đã vắng bóng vào năm tám mươi tuổi. Ngài để lại cho nhân loại thông điệp của tình thương, để lại cho nhân loại những lời chỉ đạo hữu ích, hướng dẫn họ đến an vui, hạnh phúc. An vui hạnh phúc ngay trong cuộc sống hiện tại cũng như các đời sống sau và cuối cùng đạt đến an bình và hạnh phúc vĩnh cửu.

Vị đại đạo sư đã an ủi kẻ đau thương, đã giúp đỡ kẻ nghèo khó bị ruồng rẫy, nâng phẩm giá người bị khinh khi, đưa kẻ trộm cướp trở lại đường lương thiện. Ngài khích lệ kẻ yếu, đoàn kết những kẻ phân tán, giải trừ những điều huyền bí, soi sáng cho người ngu muội, nâng cao người hạ tiện, tán dương người cao thượng. Người giàu hay kẻ nghèo, thánh nhân hoặc tội phạm đều thương yêu Ngài. Từ những vị vua tàn bạo cho đến những vị minh quân, từ những bậc vương tử, đến hàng quý tộc, hữu danh hay vô danh; từ những bậc phú hào giàu lòng từ thiện đến những nhà triệu phú keo kiệt; từ những học giả khiêm cung hay hống hách, tự phụ đến những người nghèo nàn, đói khổ, thất học; từ những bậc hiền nhân quân tử đến những tên sát nhân đầy tội; những cô gái mãi dâm bị miệt thị… Tất cả đều tìm thấy an vui, thấy lợi ích bởi những lời dạy đầy trí tuệ và đầy tình thương của Ngài.

Những đức tính cao thượng điển hình của Ngài là nguồn cảm thông và hứng cảm vô hạn của tất cả mọi người. Dung mạo trầm tỉnh và an bình của Ngài là dấu hiệu an ủi dịu dàng dưới mắt của những tín đồ nhiệt thành.

Thông điệp hòa bình và từ ái của Ngài đã được mọi người hân hoan đón nhận và đã đem lại lợi ích lâu dài cho những ai có cơ hội nghe và thực hành theo. Ý chí sắt đá, trí tuệ cao thâm, tình thương vô biên, phục vụ bất vụ lợi, xuất thế cao cả, hoàn toàn trong sạch, nhân cách cao thượng, những phương pháp điển hình tuyệt diệu để truyền bá giáo pháp cùng sự thành tựu cuối cùng của Ngài, tất cả những yếu tố ấy đã khiến cho một phần năm nhân loại trên thế giới tôn Ngài là bậc Thầy vĩ đại. Vì nhân loại còn đau khổ nên vị đạo sư đã hy sinh mọi lạc thú của cuộc đời để kiếm tìm chân lý và chỉ cho nhân loại con đường giải thoát mọi đau khổ. Ngài viếng thăm an ủi kẻ nghèo khó trong khi các vị vua chúa hay đạo sĩ phải đích thân đến hội kiến cùng Ngài. Trong bốn mươi năm trời sau ngày thành đạo, Ngài đã dành hết thì giờ và tâm trí thuyết pháp độ sinh, giúp nhân loại thoát khỏi vòng đau khổ.

Vị thầy vĩ đại này chẳng bao giờ khiếp sợ điều gì và cũng chẳng gieo vào đầu ai nỗi lo sợ. Đó là một trong những nguyên tắc cần được bồi đắp và truyền bá trong cái thế giới ưa chuộng chiến tranh hiện tại, thế giới mà trong đó ngay cả mạng sống con người cũng bị hy sinh cho bạo lực, và vũ khí giết người đang gieo rắc sợ hãi, nghi ngờ và oán giận.

Ngài là một nhà khoa học lỗi lạc trong sinh hoạt con người, và cũng vì vậy mà những lời Ngài thuyết dạy thường được chấp nhận như là một lý thuyết của một tôn giáo độc nhất có tính cách khoa học và hợp lý. Ngài soi xét tường tận con người trên cả hai phương diện Danh và Sắc và cho thấy một cách rõ ràng tiềm năng thật sự bên trong của mỗi chúng ta. Ngài đã phá tan sự u minh tăm tối bằng cách rọi vào đó ngọn đèn giác ngộ.

Đối với các nhà đạo đức, Ngài đã đặt ra một bộ luật đạo đức có giá trị nhất và Ngài là biểu tượng của sự toàn hảo. “Ngài có đầy đủ những đức hạnh quý báu mà Ngài thường khuyên chúng ta thực hành, Ngài là bậc hoàn toàn trong sạch”.

Trong số các đạo sĩ, Ngài là một trong những vị có tài thuyết phục mạnh nhất, nhưng chẳng bao giờ Ngài xử dụng phương tiện này để bắt buộc người khác theo Ngài. Bình thản trước những lời khen chê, Ngài chỉ cố gắng đem hết sức mình phục vụ nhân loại thoát khỏi vòng đau khổ.

Bình an trong tâm hồn, hạnh phúc và giải thoát

Vị đại đạo sư đã dạy cho con người con đường đi đến sự bình thản trong tâm hồn, hạnh phúc và sự giải thoát. Phương pháp đạt đến sự giải thoát vừa có tính chất phóng khoáng, khoa học hợp lý vừa dễ hiểu cho mọi hàng chúng sanh.

Thông điệp hòa bình của Ngài càng trở nên quan trọng hơn vì hiện tại nhân loại đang bị đầu độc bởi thù hận, tham lam ganh tỵ và kiêu hãnh.

Ngài được sinh ra trong thế giới này để đánh tan bóng tối của sự u minh và cứu con người ra khỏi những tội ác của họ. Còn có rất nhiều người vẫn chưa tin hay thực hành theo một tôn giáo nào cả. Tuy nhiên, nếu họ chịu khó nghiên cứu và tìm hiểu những gì mà bậc đại đạo sư đã dạy, họ sẽ thấy những nghi ngờ của họ được giải đáp và cuối cùng họ sẽ chấp nhận rằng đây là một tôn giáo đã đóng góp rất nhiều cho hạnh phúc của nhân loại.

Dù cho người ta tin hay không, những lời Ngài dạy có ảnh hưởng đối với họ. Trong lịch sử truyền bá của tôn giáo này chưa hề có một giọt máu nào đổ dưới danh nghĩa này.

Những lời Ngài dạy đã soi sáng bước đường của nhân loại, giúp con người vượt qua những điều không vừa lòng toại ý để đến một nơi đầy tình thương an bình và hạnh phúc.

Mặc dù đã trải qua hai mươi lăm thế kỷ, những lời dạy của Ngài vẫn còn đủ sức mạnh để đương đầu với mọi thử thách mà không cần phải có một sự sửa đổi hay sự giải thích mới mẻ nào về những lời dạy đó. Những lời dạy của Ngài không hề mâu thuẫn với thành quả và sự khám phá của khoa học tân tiến.

Đạo đức rất cần thiết để đạt đến sự giải thoát, nhưng một mình nó chưa đủ. Đạo đức phải được phối hợp với trí tuệ. Đạo đức và trí tuệ như đôi cánh của một con chim. Trí tuệ là đôi mắt của con người và đạo đức là đôi chân. Đạo đức có thể ví như một chiếc xe đưa con người đến cửa ngõ của thiên đường nhưng chìa khóa để mở cửa đó là trí tuệ.

Thiên đàng hạnh phúc

Tín đồ của tôn giáo này không bao giờ cho rằng chỉ chính họ mới được ban ân phước và chính họ mới đến được thiên đàng hạnh phúc. Tùy theo cách sống, mọi người tự tạo cho chính mình thiên đàng hay địa ngục.

Theo lời dạy của tôn giáo này thì mọi người đều có thể hưởng hạnh phúc và thiên đàng nếu họ sống một đời sống đạo đức, lương thiện dù cho họ có tin vào tôn giáo nào đi nữa. Thiên đàng không dành riêng hay độc quyền cho một đạo giáo hay một cộng đồng tôn giáo nào mà mở cửa cho tất cả mọi người.

Sự khoan dung và hiểu biết

Khoan dung, hiểu biết và tôn trọng ý kiến của kẻ khác là những hạnh lành đáng quí mà tín đồ của tôn giáo này cố gắng thực hành theo. Lòng từ ái và tình thương yêu kẻ khác không phải chỉ giới hạn đối với con người mà còn bao trùm khắp mọi chúng sanh.

Đạo sống

Nhờ đặc tính rõ ràng và hợp lý tôn giáo này đã giải đáp một cách thỏa đáng những hoài nghi, hướng dẫn và giúp nhân loại cải thiện phương thức sống tốt đẹp.

Tôn giáo này không chia con người ra làm hai nhóm: một nhóm được cứu rỗi và nhóm kia bị bỏ rơi, mà là một sức mạnh khai hóa, biến những kẻ man rợ thành người thuần thục, và những kẻ đã thuần thục thành người tốt đẹp hơn. Tín đồ của tôn giáo này không tin vào những lời cầu nguyện khấn vái. Họ tin một cách chắc chắn vào sự cố gắng của chính bản thân mình, tin ở hiệu năng và sức mạnh của phương pháp thiền có thể dẫn dắt con người đến việc tự chinh phục chính mình; tự kiểm soát lấy mình, trong sạch hóa bản thân, diệt khổ và giải thoát. Thiền là phương thuốc vừa bổ óc vừa trợ tim.

Con người có thể thay đổi cuộc đời của mình

Những ai theo tôn giáo này đều tin rằng trí óc con người có sức mạnh vạn năng. Nó tạo ra con người, nhưng cũng chính nó hủy diệt con người. Số mạng con người tùy thuộc vào nó. Vì vậy, con người có khả năng làm được tất cả mọi chuyện nếu biết sử dụng trí óc của mình. Trong thực tế, tôn giáo này đã là ngọn hải đăng quí giá hướng dẫn nhân loại đến hòa bình, hạnh phúc và an vui vĩnh cửu. Thế giới này phải đối đầu với những ngộ nhận giữa các giống dân, trên bình diện quốc tế cũng như địa phương, ngộ nhận trên phương diện kinh tế cũng như ý thức hệ. Để giải quyết những vấn đề phức tạp này con người phải sống với nhau trong tinh thần vị tha và khoan dung. Điều này có thể thực hiện được một cách tốt đẹp dưới sự hướng dẫn của tôn giáo này vì tôn giáo này chủ trương một sự hợp tác trên căn bản đạo đức vì ích lợi của quần sanh.

Hạnh phúc và an nguy của nhân loại chỉ có được khi con người ý thức được rằng sự phát huy và bành trướng những giá trị đạo đức quan trọng hơn những tiến bộ vật chất. Con người phải thực hiện công bằng chân lý, phải rải rác tình thương, lòng bác ái và sự tương thân tương trợ. Có như vậy, thế giới này mới trở thành một nơi đáng sống.

Tôn giáo thật sự

Không có gì tốt đẹp và cao thượng hơn sự vun bồi một tình thương bao la rộng rãi. Không có lạc thú nào ngọt ngào hơn sự bình thản của tâm hồn, không có chân lý nào rõ ràng hơn sự hiểu thấu những hiện tượng tự nhiên, không có tôn giáo nào cao siêu hơn sự phát huy những giá trị đạo đức tinh thần và không có một triết lý nào sâu sắc hơn cái triết lý mang lại kết quả tức thì và dễ nhận cho tất cả mọi người.

Tôn giáo tự do

Tôn giáo này không ngăn cản hay cấm đoán tín đồ đọc hay tìm hiểu các tôn giáo khác, vì việc làm này biểu lộ sự cuồng tín. Một người cuồng tín không bao giờ tự cho phép mình được hướng dẫn bởi sự hợp lý và tệ hơn nữa, bởi các phương pháp phân tích và quan sát một cách khoa học. Vì vậy, tín đồ của tôn giáo này là những người hoàn toàn tự do, tinh thần phóng khoáng, không phải thờ phụng một vị thần linh nào cả (để tiến hóa trong bước đường tu tập). Nếu bạn chịu khó đọc kỹ những lời thuyết giảng về tôn giáo này, bạn sẽ đánh tan được những ngộ nhận mà bạn đã có từ trước về nó. Không ai có thể xét đoán một cách đứng đắn một tôn giáo nếu chỉ nhìn cách thức lễ bái cầu nguyện do các tín đồ chưa hiểu đạo của tôn giáo đó làm. Trái lại, phải cố gắng tìm hiểu các giáo điều căn bản, mới có một nhận xét rõ ràng về một tôn giáo.

Con người và Thượng Đế

Thay vì đặt con người và số mạng của y dưới sự kiểm soát độc đoán của một đấng thần linh xa lạ, bắt y phải tuân hành tuyệt đối những quyền năng của vị đó, tôn giáo này nâng cao giá trị của con người, tôn trọng và tin tưởng vào trí tuệ của họ.

Tôn giáo này dạy chúng ta phải giúp đỡ kẻ khác một cách bất vụ lợi, không cần nghĩ đến sự đền ơn. Tín đồ của tôn giáo này không làm những điều tội lỗi chẳng phải vì sợ Thượng Đế trừng phạt mà vì họ ý thức được nguyên nhân sâu xa đã làm cho mọi chúng sanh đau khổ. Động lực thúc đẩy làm điều lành không phải để làm vui lòng Thượng Đế hay được đền ơn mà do lòng yêu thương đối với kẻ khác.

Tôn giáo này dạy con đường đi đến sự toàn thiện và trí tuệ mà không nhờ vào một đấng tối cao nào. Kiến thức thâm sâu của bạn cũng không phải do ơn trên mà có được. Trật tự đạo đức thế giới cũng như những hành động và kết quả mà bạn gặt hái được đều diễn biến và thuận hành theo một qui luật tự nhiên. Sự hiện hữu liên tục của con người từ kiếp này qua kiếp khác không dựa vào một linh hồn bất tử. Hạnh phúc vĩnh cửu vượt lên trên ý niệm thiên đàng do con người đặt ra, không cần nhờ đến đấng cứu thế mới được cứu chuộc. Ngay trong cuộc sống hiện tại của chúng ta trên thế giới này chúng ta có thể được giải thoát do năng lực của chính mình.

Không có sự hưởng thụ những thú vui nhục thể, đời sống của con người có kéo dài được không?

Không cầu khấn thượng đế con người có thể trở thành chính trực không?

“Được chứ!” vị sáng lập ra tôn giáo này đã nói như vậy. Những điều trên đều có thể đạt được do ở sự phục vụ, sự trong sạch, giới hạnh và trí tuệ. Những đức tính tốt đẹp và cao thượng này đem lại cho đời sống của con người sự thanh tịnh, bình an hạnh phúc và giải thoát.

Luật tự nhiên của vũ trụ

Luật tự nhiên của vũ trụ được giải thích trong tôn giáo này có thể giải quyết những vấn đề về sự đau khổ, bí mật của số mạng, thuyết tiền định của một vài tôn giáo, vấn đề thần đồng và nhất là sự bất bình đẳng của nhân loại. Hiểu biết những định luật thiên nhiên này mang lại cho chúng ta sự an vui, niềm hy vọng, lòng tự tin và sự khích lệ tinh thần; giúp chúng ta trở nên tinh tấn, từ ái, nhiệt tâm, độ lượng, khoan dung, cảm thông và vị tha. Chúng ta có được những đức tính này nhờ chúng ta ý thức được rằng không có gì hoàn toàn xấu, chỉ có sự tương đối mà thôi.

Tôn giáo tiến bộ mới mẻ

Đây không phải lý thuyết mà là một lối sống thực tế. Đây là một tôn giáo cổ xưa nhất, đồng thời cũng là một tôn giáo tân tiến mà mọi người đều tôn trọng. Tôn giáo này giúp cho con người không phải bị nô lệ vào thượng đế hay một quyền lực ngoại lai nào mà phải phát triển những tiềm lực bên trong của chúng ta bằng cách xử dụng nỗ lực và trí thông minh của mình để vượt qua những trở ngại mà chúng ta gặp phải trong đời sống.

Đây là tôn giáo có đầy đủ những đặc tính mà một tôn giáo hợp lý đòi hỏi. Đó là tôn giáo thích ứng với thế giới tương lai, là một tôn giáo khoa học, hợp lý và tiến bộ, là niềm tự hào cho những ai là tín đồ của tôn giáo này trong thế giới tân tiến. Thật vậy, về phương diện tinh thần tôn giáo này còn khoa học hơn cả khoa học và tiến bộ hơn cả mọi tiến bộ.

Không có sự kỳ thị

Đây là tôn giáo đầu tiên trong lịch sử đã chống lại hệ thống giai cấp và dạy cho nhân loại biết sự bình đẳng đồng thời mang lại cho mọi giai cấp cơ hội bình đẳng để phát triển. Chính tôn giáo này đã đem lại tự do thực sự cho phụ nư, để cho họ có cơ hội học hỏi và nghiên cứu tôn giáo, cũng là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại họ có sự bình đẳng xã hội.

Vị đại đạo sư đã nói rằng cửa ngõ của thành công và thịnh vượng được mở ra cho tất cả mọi người không phân biệt điều kiện sống của họ, dầu họ thuộc giai cấp cao hay thấp, thánh nhân hay tội phạm họ cũng có thể cải thiện và làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, hoàn hảo hơn. Ngài không bắt buộc những tín đồ của Ngài nô lệ vào Ngài hay những lời dạy dỗ của Ngài nhưng tạo cơ hội cho họ được hoàn toàn tự do tư tưởng.

Sự tạm bợ đời sống

Tôn giáo này đã phân tích cho con người thấy rõ vật chất và tinh thần là hai yếu tố luôn luôn biến đổi, từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc nọ, từ giây phút này sang giây phút kia sự vật đã biến dạng rồi. Toàn thể hiện tượng tâm sinh lý này vẫn luôn luôn giữ mãi tính chất biến đổi của chúng. Nó xuất hiện rồi biến mất và chu trình đó vẫn tiếp diễn mãi không ngừng, vì vậy không có gì trường tồn vĩnh cửu trong thế giới này hay trong thế giới khác. Tôn giáo này cũng tin rằng trong vũ trụ này còn có những thế giới khác và trong những thế giới ấy cũng có những sinh vật đang sống.

Giáo điều và giới luật

Tôn giáo này không có những giáo điều mà mọi người phải tuân theo một cách mù quáng, thay vào đó là những giới luật được hành giữ một cách tự nguyện. Giữ giới là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu.

Nhờ tuân hành những giới này con người có thể trở nên trong sạch để giúp đỡ kẻ khác sống trong sự an lành. Cho phổ biến bài này, chúng tôi không nhằm mục đích thay đổi lòng tin của người khác mà giúp cho họ tìm thấy được một cách đúng đắn sự bình an hạnh phúc, đồng thời giúp cho họ có được sự sáng suốt khi thực hành tôn giáo mà họ đã nhận thức đứng đắn, chứ không tin theo một cách mù quáng.

Chúng tôi khuyến khích mọi người hãy thực hành tôn giáo của họ một cách đứng đắn nếu thực sự họ đã tìm thấy trong tôn giáo họ chân lý, bình an hạnh phúc và giải thoát.

Tôn giáo này có thể đem lại một lối giải đáp thỏa đáng cho nhiều vấn đề thuộc lãnh vực tinh thần, đồng thời có thể cung ứng cho bạn một chiều hướng mới mẻ trong việc tìm hiểu nghiên cứu tôn giáo và triết học. Tôn giáo này cũng có thể giúp bạn hiểu biết về đời sống văn hóa Á Châu. Bạn có thể tìm thấy trong đó sự hướng dẫn tinh thần mà thế giới tân tiến đang đòi hỏi hay cần đến, đồng thời giúp cho bạn xa lánh được những điều ác.

Tôn giáo này đã đem lại cho thế giới một tinh thần mới, niềm hy vọng mới, hướng đi mới. Những tính chất chân thật và trọng yếu này từ trước đến nay đã được mọi người nhận thấy một cách rõ ràng.

Dù mục đích của bạn là thế nào chăng nữa, chúng tôi cũng xin mời bạn hãy tìm hiểu nhiều hơn và rõ ràng hơn, tôn giáo và lý tưởng của vị sáng lập ra tôn giáo này.

Tôn giáo cao thượng được bàn đến trong bài này là PHẬT GIÁO và vị sáng lập đạo này không ai khác hơn là ĐỨC BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI.

Kính chúc các bạn thân tâm an lạc.

tải xuống(4)

Bàn về cái tôi của con người

Đăng lúc: 11:59 - 16/10/2015

Cuộc đời có giới hạn, vậy thì tại sao chúng ta phải mang vác cái tôi nặng nề mà không cởi bỏ nó, để làm một người tự do, ung dung, tự tại và được là chính mình trong cuộc đời này?
Con người từ khi ra đời đã tồn tại cái tôi. Tự điển Thesaurus định nghĩa về cái tôi (hay ngã kiến - egoismism/the selfness) là sự tự nhận thức của một người về tư cách, nhân phẩm hoặc giá trị của chính mình, đặc biệt là để phân biệt mình với thế giới bên ngoài và các cá nhân khác.

Cái tôi trong mỗi người phát triển theo thời gian trong quá trình sống của con người... Khi còn nhỏ người ta ít bị các yếu tố xã hội tác động vào nhận thức về chính mình, nói cách khác, cái tôi được phát triển tương đối độc lập. Một em bé sẽ ít bị tổn thương hay bị chạm tự ái như người lớn khi bị phê bình hay khiển trách. Trẻ em thường quên rất mau và ít khi “để bụng” những chuyện buồn phiền. Trong khi đó người lớn có thể tức giận rất lâu và phản ứng rất nặng nề nếu bị chạm tự ái.
Quan niệm về cái tôi thường được hiểu theo hai khía cạnh: (1) Tích cực: sự hãnh diện phù hợp về những giá trị, nhân phẩm của chính bản thân; (2) Tiêu cực: sự nhận định sai về những giá trị, nhân phẩm của mình đưa đến sự tự ti hay tự tôn.
Ở đây không bàn đến trường hợp của một người hay nhún nhường hoặc thường khoe khoang vì lý do nào đó trong giao tiếp xã hội. Nếu một người không nhìn thấy được giá trị của chính mình sẽ cảm thấy bi quan và dễ bị tổn thương. “Mình thật chẳng làm nên trò trống gì là vô tích sự”, “Tôi thật là xấu xí, “Chẳng ai ưa tôi cả”… đó là một số những suy nghĩ thường có của một số những người luôn hoài nghi về giá trị thực sự của mình.
Khi bị chìm đắm trong sự tự ti, mặc cảm, người ta thường suy diễn, so sánh mọi thứ, mọi việc để cuối cùng tự cho mình là kẻ thua cuộc dẫn đến thái độ bi quan hoặc chán ghét mọi thứ xung quanh mình, đặc biệt là có ác cảm với những người mà họ cho là ba hoa, phô trương và kiêu ngạo... Không hài lòng với chính mình, ta cũng chẳng vui vẻ, cởi mở với ai. Tự ti có xu hướng sinh ra tự tôn. Khi bị đè nén, cái tôi bị bóp méo và khi chính chủ nhân thổi phồng nó lên (sau khi đã đè nén nó), thì cái tôi đó nó lại là sản phẩm của trạng thái tâm lý không tự chủ và giả tạo.
Tôi rất tâm đắc với một câu chuyện kể về Đức Đạt Lai Lạt Ma, người có một quan điểm đơn giản nhưng rất thiết thực về cách làm sao để tìm thấy sự tự tin cho mình. Khi được hỏi: làm sao Ngài có thể tự tin thuyết giảng trước đám đông hàng ngàn người, hoặc không e dè ngại ngần khi bắt chuyện với một người hoàn toàn xa lạ? Ngài trả lời: “Hãy thành thật với chính mình”.
Sự chân thành cộng với việc đánh giá đúng mức khả năng và những giá trị thực có của chính mình sẽ giúp chúng ta mạnh dạn hơn, cởi mở hơn với thế giới quanh ta cũng như sẵn sàng đón nhận để vượt qua các chướng ngại trong cuộc sống. Qua đó, nếu bạn cảm thấy thiếu hụt về một lĩnh vực nào đó, bạn không nên mất tự tin, bởi vì bạn biết rằng bạn còn có những giá trị khác. Cũng giống như một đứa bé gái khi bị trêu chọc là sún răng, nó liền hỏi lại: “Còn đôi mắt con thì sao?”. Nghĩ rằng mình có đôi mắt đẹp, cô bé đó muốn được nhìn nhận ưu điểm này của nó. Nó làm điều đó một cách tự nhiên, chân thành, không mặc cảm, không sợ bị đánh giá. Nếu “chịu khó” và chân thành (nghĩa là công bằng với chính mình) trong cuộc tìm kiếm, chắc chắn mỗi người sẽ tìm thấy những giá trị riêng của chính mình.
Thế thì một người phụ nữ nội trợ sẽ không thấy mất tự tin vì nghĩ rằng mình không tạo ra đuợc thu nhập và có vị trí xã hội như những người khác. Là một người vợ và một người mẹ tốt, giá trị của họ vô cùng to lớn đối với gia đình của họ và do đó họ tất nhiên là những người rất cần thiết trong xã hội. Một người không có diện mạo xinh đẹp vẫn có thể gây thiện cảm với mọi người xung quanh họ nếu người ấy thân thiện và vui tính.
Không những chỉ dừng lại ở việc tìm thấy và trân trọng những giá trị sẵn có của mình, con người còn có thể phát triển thêm những giá trị mới cho chính mình. Điều này cũng tương tự như việc các công ty trong quá trình phát triển giá trị thương hiệu đã không ngừng phát triển những dịch vụ cộng thêm (value adding service) cho khách hàng của mình. Ví dụ như các đại lý bán vé máy bay phát triển thêm dịch vụ giao vé tận nhà, hướng dẫn lộ trình bay, tư vấn cách chọn chuyến bay…
Mỗi người chúng ta cũng vậy, ai cũng có thể tạo thêm giá trị cho “thương hiệu” của chính mình bằng những việc làm đơn giản nhưng thiết thực, ví dụ như thể hiện sự quan tâm với những người xung quanh, sống vui vẻ, hòa nhã với mọi người, xây dựng những mối quan hệ tốt với người thân, bạn bè… Mọi nỗ lực dù nhỏ nhoi nhưng đều mang lại những kết quả đáng kể.
Khi tạo cho mình được nhiều giá trị, làm cho “cái tôi” của mình đẹp hơn, người ta sẽ cảm thấy tự tin, cởi mở và tìm thấy cũng như tạo ra được nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống. Thấy hiểu được giá trị thật về cái tôi của mình, người ta có thể “là chính mình” và sống thật với mình hơn. Họ sẽ không bị môi trường chung quanh chi phối cách nhìn về “cái tôi” của họ, không mặc cảm tự ti, không dễ bị tổn thương hay “chạm tự ái” với những câu nói, hành vi và thái độ dù vô tình hay cố ý của những người khác.
Tuy nhiên, ranh giới giữa việc nhận thức cái tôi tích cực và cái tôi tiêu cực là rất mong manh. Cái tôi một khi bị thổi phồng lại thường gây ra nhiều đổ vỡ, trở ngại… vì hình như cái tôi lại thường hay phát triển và được phóng đại cùng với cái tài. Cho nên căn bệnh “cái tôi quá to” cố hữu về sự kiêu ngạo và cố chấp trầm kha thường lại rơi vào những người có những thành công nhất định trong xã hội.
Một người leo lên nấc thang danh vọng, địa vị càng cao, thì cái tôi mà họ vác trên vai dường như càng nặng. Vì thế nếu khi một người bình thường đón nhận sự bất đồng về ý kiến của người khác một cách cởi mở, thì các “sếp” có thể xem đó là “không thể chấp nhận được”. Chính cái tôi quá lớn đã giam cầm một số người trong nhà tù của sự tự mãn và kiêu căng của chính mình. Mà đã là tù nhân thì làm sao có hạnh phúc?
Vậy làm sao cởi bỏ được cái gánh nặng cái tôi đó ra? Làm thế nào để kiểm soát được trạng thái tâm lý tự ti mặc cảm, hay ngược lại, tâm lý tự cao tự đại của mình? Làm sao để có thể vượt ra khỏi cái tôi tiêu cực, cái bản ngã nghiệp chướng của chính mình để có thể là một người tự do, được sống hồn nhiên yêu đời và hạnh phúc?
Khi chê ai đó có cái tôi quá lớn, người ta thường nói “cái tôi của hắn to bằng quả núi”, hoặc “anh ta tưởng anh ta là cái rốn của vũ trụ”, là “trung tâm của thế giới”… Như vậy, vô hình trung, chúng ta đã thừa nhận mình chỉ là những cá thể rất nhỏ trong một vũ trụ rộng lớn. So với vũ trụ và thế giới chung quanh, quả thật mỗi cá nhân chúng ta chỉ là những hạt nhân nhỏ bé. Những hạt nhân này khi di chuyển va đụng vào nhau, giao tiếp, hỗ tương với nhau, sau đó lại di chuyển tiếp trong quỹ đạo của riêng mình trong vũ trụ.
Đã không phải là vũ trụ mà chỉ là “cái rốn” của vũ trụ, thì tại sao lại dám xem mình là cả vũ trụ? Bên cạnh đó, mỗi cá nhân là một thực thể tồn tại, phát triển, sinh ra và mất đi, có sự hình thành và cấu tạo rất riêng biệt, với những giá trị nhất định riêng trong thế giới này. Mỗi hạt nhân tuy nhỏ bé nhưng đều có một chỗ đứng nhất định trong mối tương quan với vũ trụ và các hạt nhân khác, và không tồn tại vĩnh viễn trong một thực thể nhất định.
Cuộc đời có giới hạn, vậy thì tại sao chúng ta phải mang vác cái tôi nặng nề mà không cởi bỏ nó, để làm một người tự do, ung dung, tự tại và được là chính mình trong cuộc đời này?
Theo TẠP CHÍ VĂN HÓA PHẬt GIÁO

Đơn giản hóa cuộc sống

Đơn giản hóa cuộc sống

Đăng lúc: 21:09 - 30/06/2015

Hãy nhớ rằng chỉ có chính bạn là người có thể thay đổi cuộc đời mình theo chiều hướng tốt đẹp hơn và thiền đã chứng tỏ sự hiệu nghiệm của nó đối với không biết bao nhiêu người. Sau đó hãy tập tự kiềm chế một ít, nhất là lúc ban đầu, để duy trì kỷ luật của việc mỗi ngày thường xuyên hành thiền.
Khi bắt đầu đi theo con đường Phật dạy, dĩ nhiên là bạn sẽ muốn thay đổi cách sống, cách ứng xử để hỗ trợ cho việc tu tập của mình. Đây là một số những chuyển đổi mà bạn sẽ thấy lợi ích khi tiến bước trên con đường thực nghiệm tâm linh; chúng sẽ giúp bạn chế ngự những trở ngại trong công phu tu tập mà bạn phải thực hiện theo các chương tiếp theo. Đừng nản chí; một số những đề nghị này có thể là những thử thách lớn mà bạn phải vượt qua trong một thời gian dài.
Tốt nhất là bạn hãy bắt đầu bằng cách đánh giá một cách trung thực về những hoạt động quen thuộc hàng ngày của bạn. Xét xem bạn sử dụng thời gian của mình như thế nào. Hãy tạo ra thói quen thường tự hỏi mình “Công việc hay hoạt động này có thực sự cần thiết không, hay nó chỉ là một cách để chúng ta tỏ ra bận rộn?”. Nếu bạn có thể giảm bớt hay loại bỏ một số hoạt động, bạn sẽ được thanh tịnh, yên tĩnh hơn, là những yếu tố cơ bản để tiến lên trên đường tu tập.
Hiện tại có thể bạn đang có rất nhiều trách nhiệm đối với gia đình hay những người đang cần đến bạn. Thế cũng tốt, nhưng hãy cẩn thận đừng để phải hy sinh những cơ hội thanh tịnh tâm và phát triển tuệ giác. Giúp người khác là điều quan trọng, nhưng như Đức Phật đã dạy rất rõ ràng, chăm lo cho sự phát triển của chính bạn là ưu tiên hơn cả.
Hãy tập thói quen mỗi ngày dành ít thời gian cho riêng mình trong tĩnh lặng, hơn là lúc nào cũng có mặt bên người khác. Nếu tất cả thời gian của bạn đều ở bên người khác, bạn dễ bị vướng vào các hoạt động và những câu chuyện phù phiếm. Điều đó khiến ta khó duy trì sự hành thiền. Dù đang sống trong môi trường nào, nếu bạn muốn phát triển sâu xa hơn sự hiểu biết và trí tuệ của mình, thỉnh thoảng bạn phải tạm dừng các bổn phận để có thời gian cho riêng mình.
Dĩ nhiên, sự yên tĩnh bên ngoài không phải lúc nào cũng đủ. Ngaykhi ở nơi yên tỉnh, chí có một mình, đôi khi chúng ta cũng tự thấy mình bị chế ngự bởi lòng sân hận, ganh ghét, sợ hãi, lo âu, căng thẳng, tham đắm và hoài nghi. Và cũng có những lúc tâm ta hoàn toàn tự tại, thanh tịnh dầu quanh ta nào nhiệt, ồn ào.


Đức Phật đã giải thích nghịch lý này như sau. Ngài dạy rằng nếu ít có lòng cố chấp hay tham đắm, ta có thể sống yên tĩnh giữa đám đông. Ta có thể buông bỏ những ý niệm về sở hữu hay chiếm hữu. Những người ta yêu thương, của cải, công việc, các mối liên hệ ràng buộc, quan điểm và ý kiến – ta bám víu vào tất cả những thứ này. Khi giảm thiểu được sự bám víu này, ta tiến gần hơn đến sự giải thoát nội tại, là bản chất của thanh tịnh. Sự thanh tịnh thật sự chỉ có trong tâm ta. Một người với tâm hồn tự tại trước những ràng buộc của bám víu và sở hữu, theo Đức Phật, là người “độc cư”. Và người mà tâm luôn chứa đầy ham muốn, sân hận và si mê là người “sống có bầu bạn” – ngay cả khi họ sống một mình. Như thế, sự hỗ trợ tốt nhất cho việc tu tập của chúng ta, là một tâm đã được rèn luyện.
Có người tin rằng các nghi lễ truyền thống giúp tâm họ được thanh tịnh, đồng thời nhắc nhở họ đến điều gì thật sự là quan trọng. Bạn và gia đình có thể cùng cầu nguyện, đốt hương, trầm, đèn cầy, hay dâng hoa lên hình tượng Đức Phật mỗi ngày. Những nghi thức đơn giản, trân trọng này sẽ không đem lại giác ngộ cho bạn, nhưng chúng có thể là những dụng cụ hữu ích để chuẩn bị tâm cho sự thực hành chánh niệm hằng ngày.
Một cuộc sống nề nếp, kỷ luật cũng có thể là một nguồn hạnh phúc. Hãy quan sát kỹ môi trường quanh bạn. Nếu phòng ngủ của bạn đầy quần áo dơ, nếu trên bàn làm việc của bạn ngổn ngang sách vở, giấy tờ, dĩa vi tính, báo củ, và nếu chén đĩa từ tuần trước vẫn còn đầy trong bếp, thì làm sao tâm bạn có ngăn nắp? Sự tu tập phát triển từ ngoài vào trong. Hãy dọn dẹp nhà cửa cho sạch trước, rồi mới hướng vào trong để quét sạch bụi bặm của tham, sân và si.
Có được một cơ thể khỏe mạnh cũng đem lại lợi ích cho sự tu tập. Yoga hay các hình thức thể dục khác cũng góp phần cho tâm khỏe mạnh. Mỗi ngày hãy đi bộ ít nhất một lần. Đi bộ vừa là một môn thể thao tốt, vừa là một cơ hội để thực tập chánh niệm một mình trong yên lặng.
Một nguồn dinh dưỡng đầy đủ và điều độ cũng hỗ trợ cho sự tu tập tâm linh. Hãy ăn sáng thật đầy đủ, bữa trưa vừa đủ, và bữa tối nhẹ sẽ khiến bạn dễ chịu hơn sáng hôm sau. Có câu cổ ngữ rằng, “Hãy ăn sáng như một hoàng đế, chia sẻ bữa trưa với bạn bè, và ăn bữa tối thiếu thốn như một kẻ hành khất”. Các loại thức ăn nhanh, rượu, cà phê và những chất kích thích khác sẽ khiến ta khó chú tâm. Hãy ăn để sống, đừng sống để ăn. Đừng biến việc ăn uống thành một thói quen không chánh niệm. Nhiều hành giả tham gia thực hành việc thỉnh thoảng bỏ bữa không ăn, đã nhanh chóng chứng minh được rằng khi ta nghĩ là mình đói, thật ra chỉ là thói quen.
Cuối cùng, hãy tự rèn luyện để hành thiền mỗi ngày. Hành thiền mỗi buổi sáng ngay sau khi bạn vừa thức dậy hoặc buổi tối trước khi bạn đi ngủ sẽ giúp bạn tiến bộ. Nếu không thể duy trì sự hành thiền đều đặn, hãy tự hỏi mình tại sao. Có thể vì bạn còn nghi ngờ tầm quan trọng của thiền, hay sợ rằng nó sẽ không giúp bạn giải quyết được các vấn đề của mình. Hãy quan sát sự sợ hãi và hoài nghi của bạn một cách thấu triệt. Hãy đọc những câu chuyện đời của Đức Phật và những người đã tu thiền để đạt được hạnh phúc vĩnh hằng. Hãy nhớ rằng duy chỉ có bạn là người có thể thay đổi cuộc đời mình tốt đẹp hơn và thiền đã chứng tỏ sự hiệu nghiệm của nó đối với không biết bao nhiêu người. Sau đó hãy tập tự kiềm chế một ít, nhất là lúc ban đầu, để duy trì kỷ luật của việc mỗi ngày thường xuyên hành thiền.

Thiền sư Gunaratana
Diệu Liên Lý Thu Linh dịch

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 37
  • Hôm nay 1,585
  • Tháng hiện tại 38,682
  • Tổng lượt truy cập 23,444,931