Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
IMG 7251

Lễ Hằng Thuận của Duy Tú - Hương Giang tại chùa Đức Hậu

Đăng lúc: 09:23 - 23/11/2017

Hôm nay, ngày 23/11/2017, Lễ Hằng Thuận của tân hôn: chú rể Duy Tú và cô dâu Hương Giang với chuyện tình " Chưa gặp đã thương" diễn ra tại chùa Đức Hậu......

Tiến trình vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam

Tiến trình vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam

Đăng lúc: 09:40 - 23/09/2016

Sau ngày 30-4-1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, giang san quy về một mối. Trong bối cảnh như vậy, đó là điều kiện thuận lợi cho Phật giáo VN tiến hành công cuộc thống nhất trên cả nước, quy tập các tổ chức hệ phái về “Ngôi nhà chung” của Giáo hội nhằm phát huy sức mạnh hoằng pháp độ sinh.

Hồ sơ tư liệu này là tập hợp có hệ thống các tài liệu và sưu khảo từ những ngày đầu tiên công cuộc thống nhất Phật giáo diễn ra. Giác Ngộ xin trân trọng giới thiệu đến chư Tăng Ni, quý độc giả.

image1.JPG
Chư tôn giáo phẩm các thành viên Ban Vận động tại chùa Quán Sứ,
tham dự Hội nghị kỳ 2, ngày 18-1-1981 - Ảnh Tư liệu của Báo Giác Ngộ
Cuộc họp mặt lịch sử

Trong hai ngày 12 và 13-2-1980, chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo các tổ chức hệ phái Phật giáo trong cả nước đã có cuộc gặp gỡ tại TP.HCM. Hiện diện trong cuộc gặp lịch sử này có các vị cao tăng như: HT.Thích Đức Nhuận, Quyền Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất VN; HT.Thích Đôn Hậu, Chánh Thư ký Viện Tăng thống GHPGVN Thống nhất; HT.Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa đạo GHPGVN Thống nhất; HT.Thích Minh Nguyệt, Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM; HT.Thích Thế Long, Phó Hội trưởng kiêm Tổng Thư ký Hội Phật giáo Thống nhất VN; HT.Thích Giác Tánh, HT.Thích Trí Nghiêm, Thành viên Hội đồng Giáo phẩm T.Ư GHPGVN Thống nhất; HT.Thích Thiện Hào, Phó Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM; HT.Thích Trí Tịnh, Phó Viện trưởng Viện Hóa đạo GHPGVN Thống nhất; HT.Thích Bửu Ý, Viện trưởng Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền VN; HT.Thích Giới Nghiêm, Tăng thống Giáo hội Tăng-già Nguyên thủy VN; TT.Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh; TT.Thích Từ Hạnh, Tổng Thư ký Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM; TT.Thích Thanh Tứ, Chánh Văn phòng T.Ư Hội Phật giáo Thống nhất VN; TT.Thích Giác Toàn, Thường trực Trung ương Giáo hội Tăng-già Khất sĩ VN; NS.Huỳnh Liên, Ni trưởng Ni giới Khất sĩ VN; Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện, CS.Võ Đình Cường và CS.Tống Hồ Cầm.

Sáng ngày 12-2-1980, trước lúc khai mạc phiên họp, các ông Nguyễn Văn Linh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng; Trần Bạch Đằng, Phó Trưởng ban Dân vận Mặt trận Trung ương và Phạm Quang Hiệu, Ban Tôn giáo Chính phủ đến thăm và nói chuyện. Trong cuộc trao đổi, ông Nguyễn Văn Linh nói rằng đây là buổi gặp mặt đầu tiên của Trung ương Đảng Cộng sản VN với giới lãnh đạo Phật giáo VN, và ông tỏ ý tiếc cuộc gặp gỡ không được diễn ra sớm hơn, bởi vì tình hình đất nước sau ngày giải phóng gặp nhiều vấn đề cấp bách phải giải quyết.

Ông Nguyễn Văn Linh đã dành phần lớn thời gian để trình bày về quan điểm của Đảng Cộng sản VN đối với Phật giáo và nói về nhiệm vụ của Phật giáo đối với dân tộc. Ông nói rằng người cộng sản VN, người đầu tiên là Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì lòng yêu nước, vì mục đích giải phóng dân tộc đã tìm ra con đường cộng sản chủ nghĩa. Người cộng sản VN quan niệm đạo Phật cũng là con đường cứu khổ cứu nạn dân tộc. Tuy đường lối và phương tiện có khác, nhưng vẫn có mục đích chung là mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân VN. Đạo Phật hiện diện trên đất nước ta gần 2.000 năm, lớn lên trong lòng dân tộc, gắn bó với sự tồn vong của dân tộc.

Người cộng sản VN xem đạo Phật là một tôn giáo của dân tộc, và trong khi đấu tranh cho hạnh phúc của dân tộc, người cộng sản VN xem người Phật tử VN như là những người bạn đường, đồng chí trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Phát biểu về nhiệm vụ của người Phật giáo đối với dân tộc, ông nói: “Lịch sử giao phó cho Đảng Cộng sản VN lãnh đạo dân tộc, với sứ mạng đó, chúng tôi tin tưởng sâu sắc rằng các vị lãnh đạo Phật giáo VN và đồng bào Phật tử sẽ phát huy truyền thống yêu nước của mình, tiếp tục đi theo con đường cách mạng, để góp phần vào sự nghiệp xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội”.

HT.Thích Trí Thủ thay mặt toàn thể các vị trong buổi họp mặt phát biểu cảm ơn, bày tỏ niềm xúc động trước quan điểm và thái độ chân thành của các vị đại diện Đảng và Nhà nước, Hòa thượng nói: “Đạo Phật và dân tộc gắn liền nhau trong lịch sử. Từ khi du nhập đến nay, đạo Phật xem dân tộc VN là quê hương. Tôi rất xúc động trước những lời phát biểu các vị đại diện Đảng và Chính phủ, và hy vọng những điều đó sẽ được thực hiện tốt đẹp”.

Về vấn đề thống nhất Phật giáo, Hòa thượng khẳng định: “Hôm nay nước nhà đã độc lập thống nhất, Phật giáo không có lý do gì lại duy trì sự phân hóa về mặt tổ chức và sự chia cắt Bắc Nam”.

HT.Thích Đôn Hậu phát biểu: “Thực hiện đại đoàn kết là việc cần thiết đối với Phật giáo cũng như đối với dân tộc. Nguyện vọng của tôi trước sau như một là cần thực hiện thống nhất Phật giáo”.

Trước nguyện vọng thống nhất Phật giáo, ông Trần Bạch Đằng đã phát biểu quan điểm của Đảng và Nhà nước, ông nói: “Việc thống nhất Phật giáo nên hay không nên trong lúc này, và cần phải thống nhất như thế nào, quý vị hoàn toàn tự định đoạt lấy. Đảng và Nhà nước sẵn sàng quan tâm giúp đỡ khi được yêu cầu”.

Tại phiên họp buổi chiều, hoàn toàn có tính cách nội bộ Phật giáo. Toàn thể buổi họp đồng tâm suy cử Đại lão HT.Thích Đức Nhuận và HT.Thích Đôn Hậu, chứng minh buổi họp; HT.Thích Trí Thủ và HT.Thích Minh Nguyệt chủ tọa điều hành buổi họp. TT.Thích Minh Châu, TT.Thích Từ Hạnh và TT.Thích Thanh Tứ làm Thư ký.

Buổi họp mặt đã quyết định thành lập “Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam” (gọi tắt là Ban Vận động) có nhiệm vụ vận động nghiên cứu thực hiện công cuộc thống nhất Phật giáo nước nhà. Ban Vận động là tiêu biểu cho tiếng nói chung của Phật giáo VN. Thành phần Ban Vận động bao gồm các giáo phẩm lãnh đạo các tổ chức, hệ phái Phật giáo và nhân sĩ Phật giáo hiện diện trong buổi họp mặt này, sẽ tiếp tục mời bổ sung vào.

Ban Vận động sẽ chính thức ra mắt tại thủ đô Hà Nội, TP.HCM và cố đô Huế.

Cả ngày 13-2-1980, các vị tham gia phiên họp đã làm việc, trao đổi, bàn bạc, góp ý sửa chữa nội dung dự thảo thông bạch, và kiến nghị gởi Chính phủ và Mặt trận.

Buổi họp tiếp tục bàn những vấn đề chung quanh nhiệm vụ Ban Vận động, bổ sung nhân dự và quyết định xin đặt trụ sở và văn phòng thường trực Ban Vận động tại chùa Quán Sứ - Hà Nội và chùa Xá Lợi - TP.HCM.

Cũng trong phiên họp chiều ngày 13-2-1980, buổi họp mặt có vinh hạnh được đón tiếp Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Phó Thủ tướng Chính phủ; Giáo sư Nguyễn Văn Chì, Chủ tịch UB MTTQVN TP.HCM, Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận và Mặt trận TP.HCM, đến thăm viếng và tán thán công việc của các vị lãnh đạo Phật giáo đang làm.

Tiến trình vận động thống nhất Phật giáo VN

Ban Vận động được thành lập với các chức danh: Trưởng ban: HT.Thích Trí Thủ; Các Phó Trưởng ban: HT.Thích Trí Tịnh, HT.Thích Mật Hiển, HT.Thích Bửu Ý, HT.Thích Giới Nghiêm, HT.Thích Minh Nguyệt, HT.Thích Thế Long; Ủy viên Thường trực: HT.Thích Thiện Hào; Chánh Thư ký: TT.Thích Minh Châu; Phó Thư ký: TT.Thích Từ Hạnh, Thích Thanh Tứ; Các Ủy viên: HT.Thích Giác Tánh, HT.Thích Trí Nghiêm, HT.Thích Đạt Hảo, HT.Châu Mum, TT.Thích Thanh Trí, TT.Thích Chánh Trực, TT.Thích Giác Toàn, NS.Huỳnh Liên, CS.Nguyễn Văn Chế, CS.Võ Đình Cường và CS.Tống Hồ Cầm.

Ban Vận động đã ra mắt ngày 9-4-1980 tại chùa Quán Sứ (Hà Nội). Tại buổi lễ ra mắt, HT.Thích Trí Thủ đã tuyên đọc thông bạch của Ban Vận động gởi Tăng Ni, Phật tử cả nước và sau đó, toàn Ban Vận động đã ra mắt các vị Tăng Ni, Phật tử thủ đô.

image2.JPG
Ông Hoàng Tùng, UV Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên huấn T.Ư thăm
và nói chuyện về tình hình đất nước với Ban Vận động tại chùa Quán Sứ - Ảnh Tư liệu của Báo Giác Ngộ

Ngày 15-5-1980, tại chùa Xá Lợi, Ban Vận động đã làm lễ ra mắt trước đông đảo Tăng Ni, Phật tử TP.HCM. Tại buổi lễ, HT.Thích Minh Nguyệt đã đọc diễn văn khai mạc và HT.Thích Trí Thủ đã tuyên đọc thông bạch của Ban Vận động, khẳng định bối cảnh nước nhà đã thống nhất là vận hội mới mở đường cho thống nhất Phật giáo VN. HT.Thích Giới Nghiêm, TT.Thích Giác Toàn, đại diện các tổ chức, hệ phái đã phát biểu bày tỏ hoan hỷ và cảm xúc, nhất trí hoàn toàn với việc thống nhất Phật giáo VN.

Trong ngày 23-5 và 24-5-1980, Ban Vận động đã tổ chức ra mắt tại giảng đường chùa Từ Đàm, Huế và nhận được sự đồng thuận của tất cả Tăng Ni, Phật tử cố đô.

Sau khi lễ ra mắt thành công tốt đẹp, tại Hà Nội, TP.HCM và Huế - mùa thu tháng 8-1980, Ban Vận động đã có cuộc mạn đàm thân mật với 140 đại biểu nhân sĩ, trí thức, Phật tử thuộc nhiều giáo phái tại chùa Vĩnh Nghiêm (TP.HCM)do HT.Thích Trí Thủ chủ trì. Nội dung cuộc mạn đàm xoay quanh vấn đề thống nhất Phật giáo VN, những tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp, các hệ phái đa số đều nói lên những suy nghĩ chân tình trước tình hình thống nhất Phật giáo cùng những băn khoăn như chương trình tu học của Tăng Ni, tính biệt truyền của hệ phái; vấn đề hệ thống và cơ cấu tổ chức của PGVN sau khi thống nhất, vấn đề quản lý chùa chiền, quản lý Tăng, Ni…

Ngày 16-1-1981, Hội nghị kỳ 2 của Ban Vận động đã tiến hành tại Hà Nội. HT.Thích Trí Thủ đã đọc diễn văn khai mạc, nêu rõ quyết tâm tiến hành sớm việc thống nhất Phật giáo VN trong năm 1981. Hội nghị đã thảo luận chương trình hoạt động của Ban trong năm 1981.

Từ ngày 15-3 đến 24-3-1981, Ban Vận động đã lần lượt đến thăm và tiếp xúc 9 hệ phái gồm: Giáo hội Tăng-già Khất sĩ VN, Hội Phật học Nam Việt, Giáo hội Phật giáo cổ truyền VN, GHPGVN Thống nhất, Giáo hội Tăng-già Nguyên thủy VN, Thiên Thai Giáo Quán tông; Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM; Hội Phật giáo Thống nhất VN và Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước miền Tây Nam Bộ.

Các cuộc tiếp xúc đã diễn ra giữa Ban Vận động và các hệ phái trong bầu không khí cởi mở, chân tình và thẳng thắn. Mọi tâm trạng, tư tưởng của quý vị đều nhìn về một hướng, đó là thống nhất Phật giáo VN là lựa chọn duy nhất và phù hợp nhất trong bối cảnh nước nhà đã thống nhất trọn vẹn, có còn chăng là những ưu tư thứ yếu mà trong quá trình thống nhất sẽ được đồng nhất hoặc cởi bỏ cho phù hợp với tình hình.

Ngày 5-8-1981, tại chùa Xá Lợi (Q.3, TP.HCM), Hội nghị kỳ 3 của Ban Vận động đã họp phiên toàn thể. Đây là hội nghị cuối cùng của Ban Vận động trước khi hội nghị thành lập GHPGVN diễn ra vào đầu tháng 11-1981. Hội nghị đặt dưới sự chứng minh của HT.Thích Đức Nhuận và chủ trì của HT.Thích Trí Thủ cùng các vị giáo phẩm trong Ban Thường trực. Phía khách mời có các ông Nguyễn Quang Huy, Trưởng ban Tôn giáo của Chính phủ; Ung Ngọc Ky, Ủy viên Thường trực UBMTTQVN TP.HCM.

Mục đích của Hội nghị kỳ III lần này là để các vị trong Ban Vận động, lãnh đạo các hệ phái góp ý kiến, thảo luận các phương thức và đường lối thống nhất Phật giáo VN. Hội nghị đã thảo luận góp ý kiến về bản dự thảo văn kiện thống nhất Phật giáo cùng nội dung tổ chức Hội nghị đại biểu Thống nhất Phật giáo VN. Với 4 ngày làm việc trong tình đoàn kết, cảm thông và xây dựng, Hội nghị kỳ III đã thành công viên mãn trong niềm tin mãnh liệt vào tiền đồ rạng rỡ của Phật giáo VN.

Sáng ngày 9-10-1981, tại chùa Xá Lợi đã diễn ra cuộc họp mặt Tăng Ni, Phật tử TP.HCM với Ban Vận động và sự phối hợp của Ban Vận động TP.HCM nhằm chuẩn bị tiến tới Hội nghị đại biểu Thống nhất Phật giáo VN được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 4-11-1981. Cuộc họp mặt quy tụ trên 1.000 Tăng Ni, Phật tử tiêu biểu của các hệ phái, tổ chức Phật giáo.

HT.Thích Trí Tịnh, Trưởng ban Nội dung đọc lời đúc kết các ý kiến đóng góp trong cuộc họp, nói lên được tính nhất quán cao độ và sâu sắc của toàn thể Tăng Ni, Phật tử hiện diện đối với công cuộc thống nhất Phật giáo VN.

Trong gần hai năm, Ban Vận động đã tích cực làm tốt vai trò của mình, thu thập ý kiến của Ban Lãnh đạo các tổ chức, hệ phái Phật giáo trên cả nước để soạn thảo văn kiện căn bản cho sự thống nhất; đồng thời tổ chức hội nghị đại biểu các hệ phái, thảo luận, biểu quyết các văn kiện và thành lập Ban Lãnh đạo Trung ương Lâm thời để triển khai thành lập cơ cấu tổ chức các tỉnh thành. Con đường đó dù có nhiều thuận lợi vì có cùng một điểm chung, đó là nguyện vọng thống nhất Phật giáo trong bối cảnh đất nước thống nhất, độc lập, một sự thống nhất thực sự với trọn vẹn ý nghĩa của nó, nhưng không phải là không gặp một vài sự khó khăn. Nói như HT.Thích Trí Thủ trong trả lời phỏng vấn Báo Giác Ngộ trước thềm hội nghị thống nhất Phật giáo VN, “Chân lý bao giờ cũng thắng”.

Thống nhất Phật giáo VN không chỉ là nguyện vọng mà hơn thế nữa, đó là chân lý tất yếu của Phật giáo VN, “có thống nhất Phật giáo mới đoàn kết được toàn thể Tăng Ni, Phật tử cả nước” để thực hiện những Phật sự trọng đại của Phật giáo VN, như báo cáo của TT.Thích Minh Châu về sứ mệnh của Ban Vận động Thống nhất Phật giáo VN.

Hoàng Hạ tổng hợp

Bí ẩn về hóa thân của Đức Đạt Lai Lạt Ma

Bí ẩn về hóa thân của Đức Đạt Lai Lạt Ma

Đăng lúc: 11:02 - 23/05/2016

Theo các tài liệu nghiên cứu về Phật giáo Tây Tạng và nhất là cuộc đời của Đức Đạt Lai Lạt Ma Tây Tạng thì từ năm 1419 Tây Tạng đã có truyền thống về sự hóa thân khi Đại Sư Tsong Khapa qua đời.



Tây Tạng đã có truyền thống về sự hóa thân từ năm 1419.

Vị này đã chỉ định sư Gedum Truppa thay thế mình. Chính vị sư này đã nguyện rằng sau khi chết sẽ tái sinh trở lại để cứu độ chúng sinh. Để các đệ tử biết được mình sẽ hóa thân vào người nào, Đại sư đã chỉ rõ một vài thứ đồ dùng hàng ngày của mình và viết một bài kệ đặc biệt. Sau khi Đại sư Gedun Truppa viên tịch được 2 năm, các đệ tử đã thăm dò, theo dõi, tìm kiếm khắp nơi hóa thân của Đại Sư.

Lúc bấy giờ ở một vùng kế cận Thủ Đô, có một bé trai mới 2 tuổi nhưng ăn nói và hiểu biết thông thạo như người lớn. Nghe được tin này, các đệ tử của Đại Sư đã tìm đến tiếp xúc. Họ thấy cậu bé trả lời những câu hỏi do họ đưa ra rất trôi chảy. Sau đó là cuộc thử thách, họ đặt những di vật của Đại Sư Gedun Truppa lẫn lộn với nhiều đồ vật khác của những vị sư khác trong tu viện trước mặt cậu bé rồi hỏi như sau:

– Hãy cho biết những thứ nào người đã thường dùng ngày xưa?

Cậu bé nhìn tất cả các thứ rồi lựa chọn những di vật của Đại Sư Gedun Truppa để riêng ra một bên rồi nói:

– Đây là những thứ tôi thường dùng ngày trước.

Các đệ tử vô cùng kinh ngạc, một người nhớ lại bài kệ liền đưa cho cậu bé đọc thử. Không ngờ vào tuổi nhỏ như vậy mà cậu bé lại đọc được cả bài kệ và còn giải thích luôn những đoạn khó hiểu cho mọi người nghe.



Sau khi đã chắc chắn đó là vị Hóa Thân của Đại Sư Gedun Truppa. Các đệ tử đã rước cậu bé về tu viện và tôn lên làm Sư Trưởng với danh hiệu là Gedun Gyatso. Tại tu viện, cậu bé đã được huấn luyện rất kỹ về giáo lý quy luật và mọi thứ dành cho vị Sư Trưởng sau này. Gedun Gyatso rất thông minh, học một biết mười, có lần cậu bé thấy nhiều người trong tu viện kinh ngạc về trí thông minh của mình nên đã nói một câu như sau:

– Thế các người không biết ta chính là Đại Sư Gedun Truppa hay sao?

Về sau, cậu bé lớn lên trong tu viện cùng với các tài năng xuất chúng của mình. Lúc bấy giờ ông là một Sư trưởng nổi danh về tài đức, thông suốt mọi kinh điển Phật giáo và đã đi rao giảng, giúp đỡ mọi người từ những làng mạc xa xôi đến những nơi heo hút khiến mọi người dân ở Tây Tạng đều tôn sùng kính nể.

Sư trưởng có nhiều ước nguyện trong vấn đề cứu độ chúng sanh. Nhưng chưa thực hiện được bao nhiêu thì bệnh bất ngờ và qua đời. Trước khi tắt hơi, vị Sư trưởng này đã trăn trối lại mình sẽ tái sinh lần nữa để mong hoàn tất ý nguyện. Lần này, ông để lại một số di vật khác trước và một bài kệ mới để các đệ tử dùng trong việc tìm ra người mà Sư trưởng sẽ đầu thai vào.



Không đầy một năm rưỡi sau, người ta phát hiện được một ngôi làng ở rất xa thủ đô có một cậu bé ra đời trong một gia đình nghèo. Bé này có những cử chỉ và lời nói rất lạ lùng. luôn luôn tỏ vẻ nôn nóng và yêu cầu đến được tu viện để gặp mặt một số vị sư ở đó. Tu viện liền cử ba người đến ngôi làng ấy. Khi đi, họ đem theo các di vật của Sư trưởng cùng bài kệ.

Trước lúc phái đoàn đến nhà một ngày, cháu bé đã báo cho gia đình biết là: “Ngày mai sẽ có khách quý đến thăm, hãy chuẩn bị trà nước đón khách”. Quả nhiên ngày hôm sau phái đoàn tu sĩ của tu viện chính đến, cháu bé đã nhận ra một người trong đoàn, đó là một vị sư già. Các vị sư lại bày ra các di vật của sư trưởng chen lẫn với những thứ khác vào và yêu cầu cháu bé chọn ra hai đồ vật mà trước đây sư trưởng đã sử dụng. Cậu bé không chỉ chọn đúng đồ vật mà còn đọc cả bài kệ.

Cháu bé được tôn vinh sau đó làm vị Đại Sư tên là Sonaw Gyatso. Vị Đại Sư tài ba lỗi lạc còn hơn cả vị Sư trưởng trước. Điều này được các vị Trưởng Lão giải thích rằng: qua nhiều lần tái sinh và học hỏi, lần tái sinh sau bao giờ cũng đặc sắc hơn vì đây là một sự tiến hóa, trong đó có sự tiến hóa rõ ràng về kiến thức. Hơn nữa vì sự Hóa thân nên các vị này luôn luôn tu bồi thêm công quả và sự học hỏi của mình.

Năm 1588, Đại Sư Sonaw Gyatso qua đời, lần này vị Đại Sư căn dặn các đệ tử trước khi xuôi tay là mình sẽ lại tái sinh một lần nữa để cứu độ người Mông Cổ. Vị Đại Sư đã để lại một số di vật và một bài kệ ngắn để các đệ tử đối chiếu và tìm kiếm người hóa thân.

Đến khoảng năm 1593, các đệ tử mới tìm gặp một bé trai 5 tuổi có những điều rất phù hợp với cuộc thử nghiệm. Bé trai này được đưa về tu viện và phong danh hiệu là Yonsten Gyatso. Về sau, bé trai này trở thành Đạt Lai Lạt Ma.

Khi Yonsten Gyatso, vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 4 này qua đời, các đệ tử lại theo truyền thống như trình bày từ trước để tìm người kế vị. Đó là Hóa thân của chính Yonsten Gyatso. Đây là vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 danh hiệu là Lobsang Gyatso.

Các vị Đạt Lai Lạt Ma tuần tự nối tiếp theo phương thức Hóa thân đã cố gắng chăm sóc nhân dân và gìn giữ đất nước được độc lập lâu dài trong suốt mấy trăm năm.



Đạt Lai Lạt Ma lần thứ 14.

Tục truyền rằng khi vị Đạt Lai Lạt Ma Thupten Gyatso qua đời, nhục thân ngài ở vị thế ngồi tĩnh tọa và được ướp xác theo phương pháp cổ truyền. Nhưng sau đó các tu sĩ thấy mặt ngài đã chuyển về hướng Đông Bắc. Vị sư già nhiều kinh nghiệm đã suy ra rằng đức Đạt Lai Lạt Ma đã chỉ hướng, nơi mà ngài lại tái sinh.

Từ đó cuộc tìm kiếm vị Hóa thân của ngài được tiến hành. Một hôm họ nghe đồn về một cháu độ 3 tuổi rất thông minh và thường nhắc đến các vị sư cũng như thích kinh điển. Cháu bé rất vui mừng khi thấy các nhà sư vào nhà mình nên chạy vội đến mà ngồi lên đùi một vị trưởng lão hòa thượng vì vị này có đeo một chuỗi hạt rất đẹp vị sư hỏi:

– Tên ngươi là gì?

Cháu bé đáp:

– Tôi là Lhamo

Vị sư lại chỉ một nhà sư đứng bên cạnh và hỏi:

– Đây là ai?

Cháu bé đáp:

– Đây là Lạt Ma Scra.

Các cuộc trắc nghiệm kế tiếp đều được Lhamo làm đúng hoàn toàn. Do đó phái đoàn quyết định đưa Lhamo về kinh đô. Đến năm gần 5 tuổi. Bé Lhamo chính thức được tôn vinh là Đạt Lai Lạt Ma lần thứ 14.

Xuân Thu (Tổng hợp)

Người Phật tử có nên quá u buồn trong tình cảm?

Người Phật tử có nên quá u buồn trong tình cảm?

Đăng lúc: 20:13 - 28/06/2015

Người Phật tử là những con trai, con gái ngoan của Đức Phật. Một lẽ tất nhiên Ngài đã dạy cho chúng ta những kỹ năng cơ bản nhất để tránh những phiền muộn không mong muốn trong tình duyên.
Cớ làm sao hai người yêu nhau nhiều năm trường nhưng vẫn phải chia tay ? Họ đã không có đủ thời gian để hiểu nhau chăng? Tình cảm của họ chừng ấy năm không đủ thắm thiết chăng? Các bạn hãy cùng nhau quán sát. Có cả nghìn lý do để họ chia tay có thể là có một người mới giàu có hơn, có nhiều ưu điểm hơn, hoặc gia đình ngăn cản, hoặc quá chán ngán lẫn nhau, thậm chí thầy bói không cho phép vv…Nhưng tựu chung lại người Phật tử phải nhìn nhận ra đó là do Vô Thường và Nghiệp chi phối.

Đức Phật dạy: “Tất cả những gì trong thế gian đều biến đổi, hư hoại, đều là vô thường”. Chúng ta đau khổ bởi cứ hy vọng tình yêu này là mãi mãi. Ta hãy cùng tìm hiểu vì sao như thế ? Vô thường có 3: thân vô thường, tâm vô thường và hoàn cảnh vô thường.

Thân vô thường. Thân thể bạn không mãi mãi khoẻ mạnh, không thể trẻ mãi không già. Từng sát na, từng giây trong thân bạn biến đổi, từng tế bào chết tế bào mới lại sanh…Các bạn không có phương pháp bảo vệ bản thân lỡ một ngày bạn bị ung thư, nhan sắc tàn phai, bị bệnh nan y … liệu người yêu bạn có còn mặn mà với bạn như xưa?

Tâm vô thường. Chúng ta phải biết rằng lòng người thay đổi – đổi thay. Con gái thì “sáng nắng, chiều mưa, trưa giông bão”, con trai thì chẳng biết đó là Lý Thông hay Thạch Sanh, chẳng ai mà đoán cho được. Người thì đi du học, người thì đi làm ăn xa, kẻ ở nhà mõi mòn chờ đợi …rồi qua năm tháng “xa mặt cách lòng” chẳng mấy ai mà giữ cho được cái tình yêu thuở đó. Có thể bạn đang có một tình yêu đẹp nhưng cũng phải nhận chân ra một sự thật là trong tình yêu đó luôn ẩn chứa một sự đổ vỡ bởi vì đó là vô thường. Người Phật tử biết như vậy nên luôn sẳn sàng đón nhận những điều bất trắc có thể xảy ra trong tình cảm. Nhờ vậy, tránh được những hành động tiêu cực như bị sốc, thất tình tự tử vv…

Hoàn cảnh vô thường có nghĩa là vạn vật trước mắt bạn luôn thay đổi, tình thế thay đổi, thời cuộc thay đổi …Yêu nhau thật nhiều nhưng cũng không thể được gần nhau ví dụ như chiến tranh, thiên tai, tử nạn. Một khía cạnh khác của hoàn cảnh vô thường, ví dụ: Bạn Dần và bạn Mùi trước nghèo thì sao cũng được bổng dưng giàu có thì chẳng nhìn mặt nhau. Một chuyện khác, Bạn Sửu tích góp tiền để giúp bạn Tí-người yêu bao năm ăn học đàng hoàng đến khi tốt nghiệp thì người yêu gạt bỏ và yêu một người khác cùng đẳng cấp xã hội, có trí thức chứ ai lại mặn mà với bạn Sửu một người nghèo, ít học nhưng chỉ có tấm lòng. Trường hợp hoàn cảnh thay đổi như vậy thử hỏi Bạn Sửu có chịu nổi áp lực này không ? Người con Phật nên nhìn trước được hoàn cảnh để gìn giữ hạnh phúc mình.

Một yếu tố quan trọng chi phối tình cảm của bạn cần phải biết đó là Nghiệp Duyên. Nghiệp là những hành động bạn đã làm trong quá khứ lẫn hiện tại sẽ gây nên tác động trong tương lai. Duyên là những yếu tố khiến hai người gặp mặt trong một hoàn cảnh nào đó. Trong đời không thiếu những cuộc tình tay ba, ngoại tình, hay đang ở tình thế không biết chọn ai, yêu ai giữa hai người mình yêu thương nhất vv…Đây chính là “thiên duyên tiền định” -tình duyên từ kiếp trước. Có một câu chuyện để bạn dễ hiễu hơn như sau: ”Có một cô gái bị trúng gió chết bên vệ đường, một người đàn ông đi qua thấy tội nên đắp cho một chiếc chiếu, một người đàn ông khác đi ngang qua thấy thương nên đem đi chôn cất. Đấy chính là cái nghiệp duyên của 3 người. Kiếp sau, cô gái đều yêu thật lòng hai người đàn ông đó nhưng cuối cùng con đường thì cô gái và người đàn ông đã chôn cô kiếp trước thành vợ thành chồng bởi vì tình nghĩa nặng sâu hơn”. Cũng vậy, nếu bạn gặp phải trường hợp bị người yêu bỏ rơi, thất tình thì không nên quá bi quan mà hãy luôn tin tưởng có một người nào đó sẽ là mãi mãi trong cuộc đời mình.

Người Phật tử cũng không nên nghĩ rằng hạnh phúc chỉ đến từ tình yêu. Có những người không bao giờ lập gia đình bởi vì lý tưởng của mình như các vị tu sĩ, các nhà khoa học, các nhà hoạt động xã hội vv…Bởi vì sao? Hạnh phúc đến từ nhiều khía cạnh cuộc sống từ những điều bình dị quanh ta. Nó có thể là một cuộc sống tự do, một nghĩa cử đẹp, một đam mê nhiệt huyết vào bộ môn nào đó, một vườn hoa, một khả năng lãnh hội Phật pháp tuyệt vời vv…Hãy luôn tự tạo hạnh phúc cho mình, hạnh phúc nương tựa vào người khác thường không bền vững.

Tóm lại, là người đệ tử Phật luôn trau dồi cho mình kiến thức Phật pháp nhất định để áp dụng trong đời sống hàng ngày. Luôn quan sát và ghi nhận bằng chánh kiến, luôn có một cái nhìn chân thật về cuộc đời để giúp mình vượt qua những chướng ngại trong tình cảm cũng như nhiều phương diện khác trong cuộc sống. Bạn nào đang thất tình thì hãy tự tin lên nhé.

Thích Châu Đạt- TVHS

tải xuống (1)

Chia sẻ về giáo dục Phật giáo ở Malaysia

Đăng lúc: 19:51 - 08/05/2015

Nhiều năm trước, khi tôi ở Hồng Kông, tôi được giới thiệu đến một vị bảo trợ chùa chiền hảo tâm. Bà này đồng ý hiến tặng 4 triệu đô-la Hồng Kông cho một trong những trường cao đẳng Phật giáo quốc tế. Sau khi thực hiện xong việc hiến tặng đó, bà đưa tôi ra sân bay Hồng Kông. Trên đường ra sân bay, bà nói với tôi rằng bà rất buồn vì đã gửi con gái của mình đến học tại một trong những ngôi trường tốt nhất ở Hồng Kông. Tôi nghĩ nhiều người trong quý vị biết rằng hầu hết những ngôi trường tốt, bao gồm những ngôi trường tốt nhất, là do những người Thiên Chúa giáo điều hành, đặc biệt là những người Công giáo, bởi vì họ đã điều hành trường học từ rất lâu. Sau khi con gái của bà học ở trường đó một thời gian, cô bé này không còn muốn theo mẹ đến chùa nữa. Vị thí chủ hảo tâm này thuật lại sự việc cho tôi.

Gần đây, khoảng một tháng trước, tôi viếng thăm Miến Điện. Quý vị biết Miến Điện là một quốc gia rất sùng mộ đạo Phật nhưng bây giờ tôi nhận thấy rằng có nhiều trường quốc tế ở đó mà chúng do người nước ngoài điều hành, có lẽ là những nhà thờ và họ có biểu học phí rất cao. Tuy nhiên, nhiều người Miến Điện vẫn đưa con cái đến những ngôi trường này bởi vì họ muốn sự giáo dục tốt nhất cho con cái của họ.

Tôi đến Miến Điện dịp đó để tham gia hội thảo lần hai của Hiệp hội những trường đại học Phật giáo Theravāda và có một nhóm tham gia về Phật giáo nhập thế. Khi chúng tôi thảo luận về đề tài này, có một sự đồng ý mạnh mẽ rằng chúng ta nên làm gì đó để tránh loại tình huống này tiếp tục. Vì vậy có lẽ chúng ta nên tự hỏi tại sao Phật giáo không thể xây dựng và điều hành những ngôi trường chất lượng.

Tất cả chúng ta biết rằng những người Thiên Chúa giáo đã xây dựng và điều hành những cơ sở giáo dục từ tiểu học cho đến đại học từ rất lâu. Trong suốt thời kỳ thuộc địa, ở nhiều quốc gia thuộc địa bao gồm cả đất nước chúng ta (Malaysia), những người Thiên Chúa giáo đã tiến hành đẩy mạnh giáo dục và điều hành trường học. Kết quả, ngày nay chúng ta nhìn thấy ở đất nước này, nhiều trường học hàng đầu từ mẫu giáo đến đại học do người Thiên Chúa giáo điều hành.

Tôi nhớ vào buổi gặp mặt giới thiệu ở Kuala Lumpur khi chúng tôi đang lập kế hoạch cho trường cao đẳng này (International Buddhist College), một trong những thính giả Phật tử đã hỏi tôi, “Sao ông muốn xây dựng một trường đại học khác (đại học thứ ba) ở Thái Lan?”. Ông ấy nói rằng ở đó đã có hai trường đại học được nhà nước bảo trợ rồi. Một số trong quý vị biết hai trường đại học này là Đại học Mahamakut và Mahaculalongkorn với phương tiện giảng dạy chính là tiếng Thái.

Vì vậy, khi chúng tôi quyết định thành lập viện Phật giáo quốc tế, chúng tôi quyết định sử dụng một ngôn ngữ quốc tế. Chúng tôi chọn tiếng Anh và sau đó cũng chọn tiếng Trung. Vì đây là câu hỏi đặt ra cho tôi, nên trả lời, tôi đã hỏi vị ấy, “Ông có biết có bao nhiêu trường đại học Thiên Chúa giáo ở Thái Lan không?”. Đây là một quốc gia Phật giáo nhưng thực sự có bảy trường đại học của Thiên Chúa giáo ở đó, và tuy thế chúng ta đang than phiền rằng chúng ta có quá nhiều. Thực ra, nó không chỉ là con số, mà còn là chất lượng…

Hiện giờ, đại học của Công giáo có 20.000 sinh viên. Trong số đó có 2.000 sinh viên nước ngoài và chúng ta không nói đến người Thái gốc Hoa. Chỉ có 1.000 sinh viên đến từ Trung Quốc. Như vậy đây là một đại học tư hàng đầu ở Thái Lan. Trong khi ở Malaysia này, chúng ta có Đại học Hồi giáo Quốc tế (International Islamic University). Đó không phải là đại học duy nhất, mà ở nhiều quốc gia khác theo đạo Hồi ngay cả ở Indonesia, cũng có nhiều đại học như vậy. Tất nhiên ở nhiều quốc gia Trung Đông, họ cũng có nhiều trường đại học. Tất cả những trường đại học này đã sản sinh nên một số lượng hùng hậu những học giả Hồi giáo hàng năm. Như vậy ngay trong việc so sánh với Hồi giáo, chúng ta đã thua xa họ. Đó là để nói rằng chúng ta xúc tiến quá trể và cũng trong khi những tôn giáo khác đang đẩy mạnh giáo dục của họ bằng việc tích cực xây dựng các trường đại học, chúng ta lại phần nào bảo thủ.

Ở những quốc gia như Ấn Độ (nơi Phật giáo từng hưng thịnh), Sri Lanka, Thai Lan, Tây Tạng, chùa chiền từng là những trung tâm giáo dục. Trong thực tế, nếu quý vị muốn nhận sự giáo dục tốt bao gồm cả giáo dục thế tục, quý vị đến chùa. Ngay cả ngày nay ở Sri Lanka, có một số trường học hay những cơ sở truyền thống mà chúng từ xưa thuộc chùa chiền Phật giáo.

Có những ngôi trường đặc biệt nhưng tất nhiên do vì ở vùng đó họ không có những trường học khác. Vì vậy khá thú vị là một số học sinh của những tín ngưỡng khác đôi khi học ở những ngôi trường này, thậm chí học chung với các sư chú trẻ. Ở Thái Lan, nhiều ngôi trường, dù là trường tiểu học hay trung học, được xây trong khuôn viên của chùa. Nhưng chúng không hẳn do chùa điều hành bởi vì bộ giáo dục từ lâu đã sử dụng các ngôi chùa như những trung tâm giáo dục. Nhưng sau đó như ở hầu hết các quốc gia, chính quyền nắm giữ vai trò và trách nhiệm giáo dục; và tất nhiên chúng ta cũng biết rằng trong một vài quốc gia tiên tiến, trường và đại học tư đang làm việc tốt hơn những ngôi trường và đại học do nhà nước bảo trợ.

Ở chùa Than Hsiang, chúng tôi đã tham gia vào giáo dục chính quy với một trường mẫu giáo vào năm 1991. Ngôi chùa tọa lạc ở giữa công viên công nghệ cao. Tôi thật sự thấy được nhu cầu có một trường mẫu giáo với những phương tiện tốt dành cho người trẻ ở đó bởi vì nhiều đôi vợ chồng trẻ vào thời điểm ấy chỉ mới có con và chúng sắp vào mẫu giáo.

Vì vậy chúng tôi quyết định bắt đầu một trường mẫu giáo và 18 năm sau, chúng tôi bây giờ điều hành 6 trường ở những bang miền bắc, không chỉ ở đảo và ở đất liền của bang Penang mà cũng ở bang Kedad. Thực sự, phương pháp của chúng tôi hiện nay là tiếp cận cộng đồng và điều hành trường mẫu giáo nhỏ với ít hơn 100 học sinh mỗi trường. Chúng tôi có trường mẫu giáo chính ở chùa Than Hsiang với khoảng 350 học sinh. Nhưng năm trường khác thì tương đối nhỏ hơn. Như vậy, hoàn toàn dễ dàng để điều hành và quản lý một trường mẫu giáo nếu quý vị có 80 đến 100 học sinh.

Bên cạnh, chúng tôi cũng điều hành nhà dưỡng lão. Hiện tại, chúng tôi thử đặt nhà trẻ và nhà dưỡng lão gần nhau. Chúng tôi cố gắng mang trẻ em và người già lại với nhau. Điều này thực sự rất tốt bởi vì với việc công nghiệp hóa hiện đại của chúng ta, nhiều cặp vợ chồng trẻ phải đi làm việc, vì vậy chúng ta đối diện với hai vấn đề.

Không giống 50 trước, hay ngay cả 30 năm trước, khi ấy chúng ta có một cấu trúc gia đình mở rộng. Khuynh hướng bây giờ là những cặp vợ chồng trẻ bắt đầu gia đình riêng của họ và sống riêng biệt trong một căn hộ. Đôi khi, những đứa trẻ hiếm gặp cha mẹ chúng suốt những ngày trong tuần. Mặt khác, những người già cũng đối diện tình huống là không có con cái chăm sóc bởi vì chúng đang làm việc. Vì vậy, nhằm phục vụ cộng đồng và xã hội, chúng tôi vận hành và cố gắng có trung tâm này không chỉ vì những sinh hoạt tôn giáo, mà cũng điều hành những nhà mẫu giáo cũng như nhà giưỡng lão quy mô nhỏ. Chúng tôi cũng lên kế hoạch điều hành những nhà dưỡng lão quy mô nhỏ với khoảng 25 người. Đây là giải pháp mới của chúng tôi cho cả nhà trẻ và nhà dưỡng lão.

Bây giờ, tôi muốn chia sẻ với các bạn về viện Phor Tay. Từ Phor Tay tiếng Sanskrit là Bodhi, mà nó đề cập đến sự giác ngộ của Đức Phật. Vào năm 1935, một vị Ni từ Hạ Môn, Trung Quốc đến Penang và thiết lập viện Bodhi. Đây là một Ni viện, và bà quyết định đặt tên là Phor Tay, cho thấy rằng ngay khi thành lập, Ni sư này đã có quan điểm rằng giáo dục là quan trọng. Không chỉ những phục vụ tôn giáo, mà ngay cả việc giáo dục cũng được nhấn mạnh.

Ni sư sau đó cùng làm việc với những đệ tử và học trò của mình. Đầu tiên, họ khởi xướng một trường học Phật giáo miễn phí để đem giáo dục miễn phí đến cho những người thiếu may mắn, những trẻ em và thực tế họ cũng thiết lập một trại mồ côi. Cuối cùng, thấy cần thiết nên họ thành lập một trường tiểu học cho trẻ em. Khi những học sinh tiểu học hoàn tất chương trình giáo dục tiểu học của mình, họ tiếp tục lập kế hoạch và sau đó xây Trường Trung học Phor Tay.

Đây là một Ni sư đặc biệt, bà đã bắt đầu tất cả các trường học này từ thập niên 30 thế kỷ trước. Thế rồi ngày nay ở viện Phor Tay này, họ điều hành một trường mẫu giáo, một trường tiểu học và hai trường trung học. Trường trung học được thành lập vào năm 1954 và sau đó vào 1962. Nhiều người thuộc trường trung học nói tiếng Trung chấp nhận sự bảo trợ của chính phủ nhưng trường Board tiếp tục vận hành một trường trung học tư thục. Vì vậy kết quả là, có hai loại trường, một được chính phủ hỗ trợ và một là trường trung học tư thục.

Gần đây trường học được chính phủ bảo trợ được di chuyển đến khu vực công nghiệp và cũng không xa chùa Than Hsiang. Do đó, chúng tôi xây lại trường trung học này thành một trường rất lớn…

Cuối cùng cho phép tôi chia sẻ với các bạn về nỗ lực của chúng tôi trong giáo dục đại học, đặc biệc là Phật học. Năm 1992, khi tôi đang học ở New Zealand, tôi có hai người bạn học đại học – Hòa thượng Giáo sư Dhammajoti và Hòa thượng Mahinda. Hòa thương Dhammajoti đến Sri Lanka và rồi ở đó để hoàn tất khóa cao học và tiến sĩ và tiếp tục giảng dạy ở đó. Ông sống khoảng 25 năm ở Sri Lanka và khi tôi viếng thăm Sri Lanka, ông đề xuất ý tưởng về việc thành lập một cơ sở để đẩy mạnh nghiên cứu Phật học ở Malaysia. Dựa trên sự giúp đỡ của ông, chúng tôi đã làm việc với Đại học Pāli và Phật giáo của Sri Lanka và vào năm 1992, chúng tôi lần đầu tiên mở khóa học chứng chỉ và sau đó là khóa cử nhân.

Trong suốt thời gian đó, Giáo sư Karunadasa đến giảng dạy ở Penang và ông rất tâm đắc sự hợp nhất của Phật giáo Malaysia. Ở đó, ông thấy sự gặp nhau của hai truyền thống Phật giáo lớn là Theravāda và Đại thừa Trung Hoa. Thời điểm đó, Phật giáo Tây Tạng cũng đã bắt đầu đến Malaysia. Ông đã đề xuất ý tưởng thiết lập một trường đại học mà nó dung nạp cả ba truyền thống lớn. Như vậy, ông là người khởi xướng ý tưởng này.

Sau khi xem xét nghiêm túc, chúng tôi thấy Thái Lan là nơi hợp lý để mở đại học này. Có hai lý do chính. Thứ nhất là bởi Thái Lan là một quốc gia Phật giáo. Thứ hai, Thái Lan về vị trí địa lý là trái tim của Đông Nam Á ở khu vực châu Á. Vì vậy, nó ở vị trí trung tâm. Bên cạnh đó, chúng tôi chọn Thái Lan bởi vì nó nằm cận Malaysia và chúng tôi chọn khu vực phía nam Thái Lan bởi vì đó là nơi gần với chúng tôi nhất.

Năm 1999, chúng tôi chính thức thành lập Quỹ Than Hsiang Thái Lan để đăng ký IBC (International Buddhist College). Thế là chúng tôi tuyển một nhóm cố vấn. Đầu tiên, chúng tôi muốn gọi ngôi trường này là Đại học Phật giáo Quốc tế (International Buddhist University) nhưng sau đó theo lời khuyên của nhóm cố vấn chúng tôi chọn cao đẳng (college) vì không có nhu cầu cho chúng tôi thiết lập ba hay bốn phân khoa bởi vì nếu chúng tôi thành lập nhiều phân khoa, chi phí sẽ càng nhiều. Vì vậy, nếu chúng tôi chỉ đáp ứng nghiên cứu Phật học, thì chúng tôi chỉ cần thiết lập hai khoa, một khoa về nghiên cứu Phật học hay khoa nghiên cứu tôn giáo và một khoa là nghệ thuật tự do bởi vì hệ thống giáo dục Thái là dựa trên hệ thống kiểu Mỹ.

Vì vậy, để bắt đầu chúng tôi cũng đưa ra một vài môn học chung – bốn môn học cốt lõi thuộc nghệ thuật tự do – ngôn ngữ, nhân chủng học, tin học và thống kê để có một nền tảng rộng được xây dựng cho những sinh viên của chúng tôi học cư nhân. Chúng tôi có giấy phép để điều hành cao đẳng này và một năm sau, chúng tôi tiếp nhận khối sinh viên cử nhân đầu tiên đó là vào năm 2004. Sự thực, khi chúng tôi bắt đầu mở khóa cử nhân, chúng tôi thậm chí không biết rằng chính sách giáo dục Thái Lan là rất tự do. Chúng tôi đệ trình xin mở khóa học chỉ bằng tiếng Anh và chúng tôi không bị bắt buộc phải dạy tiếng Thái. Rồi sau đó, sinh viên của chúng tôi trong hai năm đầu, đặc biệt với một số sinh viên đến từ Trung Quốc, phải vật lộn vất vả với tiếng Anh. Họ phải học tiếng Anh trước, đôi khi một năm và số khác có thể cần hơn một năm để nâng cao tiếng Anh trước khi có thể học khóa cử nhân. Đối với họ, chúng tôi thấy rằng nếu chúng tôi cũng có thể mở những khóa học bằng tiếng Trung, điều đó sẽ dễ dàng cho những sinh viên đến từ Trung Quốc và cũng một vài đến từ Đông Nam Á, từ Malaysia và Singapore.

Kết quả là, khi chúng tôi bắt đầu khóa cao học, chúng tôi có chương trình giảng dạy của mình cả bằng triếng Trung và tiếng Anh và không có vấn đề gì. Nó được chấp nhận. Vì vậy vào năm 1996, chúng tôi tiếp nhận khối sinh viên cao học đầu tiên, sự thực là hai lớp – cả bằng tiếng Anh và tiếng Trung. Năm rồi, chúng tôi đã bế giảng khối cử nhân và khối cao học đầu tiên. Đồng thời, sau khi bế giảng khóa cao học, một số sinh viên muốn tiếp tục, vì vậy chúng tôi mở khóa tiến sĩ, cũng bằng hai ngôn ngữ và điều đó cũng được chấp thuận.

Về các khóa cử nhân và cao học, chúng tôi trải qua một tiến trình công nhận và chúng tôi làm điều này rất tốt. Hội nghị đầu tiên được tổ chức vào ngày 20 tháng Tám năm ngoái và hiện nay chúng tôi cũng có bốn nghiên cứu sinh tiến sĩ, hai người đăng ký làm bằng tiếng Trung và hai người đăng ký làm bằng tiếng Anh. Chúng tôi cũng đệ trình một chương trình giảng dạy có sửa chữa dành cho cử nhân và bây giờ những sinh viên của chúng tôi cũng được phép chọn hoặc tiếng Trung hoặc tiếng Anh làm phương tiện truyền đạt. Do đó hiện nay, chúng tôi đưa cả tiếng Anh và tiếng Trung vào các khóa cử nhân, cao học và tiến sĩ.

Khoảng một tháng trước, chúng tôi phải trải qua một đánh giá từ bên ngoài về hệ thống đảm bảo chất lượng cho giáo dục cao mà nó tương tự với ISO9000. Ở Thái Lan, tất cả các đại học cho dù là công hay tư phải trải qua việc đánh giá chất lượng này năm năm một lần. Vì năm này là năm thứ năm của chúng tôi trong việc điều hành đại học, vì vậy chúng tôi phải trải qua sự kiểm định này mà nó được ONESCA tổ chức. Thực sự, chúng tôi đã trải qua sự kiểm định này với một kết quả rất tốt. Sự nhấn mạnh của chúng tôi là để chọn một giải pháp bắt đầu với một khối sinh viên nhỏ và chúng tôi đã tiếp tục cách này trong năm năm. Đó là một cơ hội cho chúng tôi nghiên cứu thông qua tiến trình này. Thật sự là một quyết định khôn khéo là bắt đầu với mô hình nhỏ và tập trung vào giáo dục có chất lượng thay vì cố gắng tuyển thật nhiều sinh viên. Chúng tôi thật sự nhấn mạnh vào chất lượng thay vì số lượng.

Vào năm tuyển sinh đầu tiên, chúng tôi có 65 người nộp đơn từ Trung Quốc và họ nộp đơn cho khóa học thông qua internet. Trong số này, chúng tôi chỉ chấp nhận 13 người. Nhưng trong số 13 người này, chỉ có tám người đến bởi vì tại nhiều khu vực ở Trung Quốc, nếu quý vị đang sống ở một thành phố lớn, quý vị có thể có hộ chiếu nhanh chóng. Nhưng nếu quý vị đang sống ở những vùng xa xôi, thì mất hơn nửa năm để xin hộ chiếu. Vì những người đó không thể có hộ chiếu đúng thời hạn, họ không thể tham gia với chúng tôi.

Mỗi năm vào tháng Tư, chúng tôi tổ chức một Dhammaduta Tour. Năm đại học thứ năm của chúng tôi đi qua. Vào năm thứ năm, chúng tôi có khoảng 80 sinh viên. Chúng tôi cũng bắt đầu một giai đoạn thí điểm về việc học qua internet, chọn một vài môn học từ chương trình cử nhân của chúng tôi. Hiện chúng tôi đang lập kế hoạch mở khóa cao học 3 năm thông qua học từ internet từ tháng 9 năm này. Giải pháp học qua internet này là rất quan trọng đối với chúng tôi. Có hai lý do cho việc giới thiệu phương pháp học qua internet này. Tất nhiên internet bây giờ quá phổ biến. Nếu quý vị truy cập internet, quý vị có thể học bất cứ nơi đâu ở trên thế giới và chúng ta có thể đi đến một mục tiêu rất rộng.

Dựa trên những kinh nghiệm của chúng tôi trong năm năm đầu, phần khó khăn nhất trong điều hành IBC không phải về mặt học thuật, mà vấn đề của sinh viên. Do đó, nếu những sinh viên đang ở tại nhà, thực hiện kỳ học của họ, chúng tôi không phải lo lắng về nơi ở của họ cũng như vấn đề sinh viên đến từ những quốc gia khác. Sự thực, mặc dù chúng tôi có 80 sinh viên, những họ đến từ hơn 14 quốc gia với những truyền thống Phật giáo khác nhau và nói những ngôn ngữ khác nhau.

Trước tiên, nó rất khó khăn cho chúng tôi quản lý những sinh viên này bởi nền tảng xuất thân khác nhau của họ. Dù thế nào đi nữa, sau khi họ có thể sống ở IBC, tôi nghĩ họ hiểu giá trị sự của đa dạng này bởi vì họ có thể học hỏi những truyền thống Phật giáo khác nhau từ những sinh viên cùng học và nhiều điều thú vị khác.

Chỉ ở Thái Lan mà chúng tôi có thể bắt đầu một đại học bằng trước hết tập trung vào nghiên cứu Phật học. Một số trong các quý vị biết rằng trong 20 năm qua, nhiều tổ chức Phật giáo đã bắt đầu những đại học ở Đài Loan, nhưng tất cả những đại học này chỉ mới đây thôi, chúng không được phép mở khoa nghiên cứu Phật học. Họ đang điều hành những khóa học thế tục nhờ đó số lượng đầu tư vào mới lớn. Đối với một số trong những trường đại học này, nghiên cứu Phật giáo không thuộc phân khoa Phật học mà thuộc về triết học và tôn giáo so sánh.

Khi chúng tôi điều hành một đại học ở Thái Lan, trước tiên chúng tôi mở nghiên cứu Phật học. Nhưng từ những kinh nghiệm mà chúng tôi có được ở Malaysia này, qua việc điều hành trường mẫu giáo, nhà dưỡng lão, những trung tâm tư vấn, chúng tôi cũng muốn mở những khóa học này. Thực ra, tâm lý học Phật giáo rộng hơn tâm lý học phương Tây. Quan điểm của chúng tôi là mở khóa học tư vấn và mang vào đó yếu tố tâm lý Phật giáo. Thêm nữa, ở hầu hết tất cả các quốc gia, dân số đang già đi, vì vậy chúng tôi cần chăm sóc người già. Do đó, việc chăm sóc người già cũng là một khóa học mà nó sẽ rất hữu ích. Chúng tôi cũng sẽ mở khóa y học Trung Quốc bởi vì chúng tôi đang điều hành phòng phám chữa bệnh sử dụng sự phục vụ của bác sĩ Trung Quốc ở Penang và những khu vực khác ở bang miền bắc đã hơn 20 năm. Vì vậy, kế hoạch của chúng tôi là lần lượt giới thiệu những khóa học thế tục này vào trong IBC.

Thực ra, điều đầu tiên mà chúng tôi có khả năng sẽ tập trung vào là giáo dục mẫu giáo bởi vì những trường mẫu giáo mà chúng tôi đã điều hành, chúng tôi điều hành rất tốt. Điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ tiếp tục với quan niệm nhận cái tốt nhất của cả giáo dục truyền thống Đông phương qua đó những trẻ em học tụng đọc kinh điển và cũng từ giáo dục phương Tây dưới dạng giáo dục mẫu giáo mà nó sẽ giúp trẻ em học thông qua chơi. Cả hai hệ thống giáo dục trước khi đến trường này có giá trị tương tứng. Khi chúng tôi kết hợp hai điều này, chúng tôi tạo ra sự hợp nhất.

Kết luận:

Nhận xét của tôi là thế này: Nếu chúng ta không đầu tư vào giáo dục, Phật giáo, như là tôn giáo với hầu hết tín đồ ở châu Á, sẽ bị thay thể bởi những tôn giáo khác. Hiện tại ở nhiều quốc gia châu Á, Phật giáo vẫn có số tín đồ đông nhất nhưng nếu chúng ta tiếp tục bước đi như hiện nay của mình, chúng ta sẽ bị thay thế. Một ngày nào đó, chúng ta có thể trở thành không còn thích hợp. Hiện tượng này thật sự đã xảy ra ở Nam Hàn rồi.

Mới đây, khi đến Trung Quốc để tham dự Diễn đàn Phật giáo Thế giới, tôi cũng nhận thấy điều như vậy ở đó. Những người Thiên Chúa giáo đang xông xáo đến đó, bởi vì ở phương Tây, những giáo hội Thiên Chúa giáo, đặc biệt là Công giáo truyền thống, họ từng có những nhà thờ lớn nhưng bây giờ lại có rất ít tín đồ. Kết quả, họ dùng các nguồn đầu tư vào Malaysia rất năng nổ. Ngay cả ở Thái Lan, họ cũng rất xông xáo. Hòa thượng Dhammodaya nói với tôi rằng Sri Lanka cũng đang đối mặt với điều tương tự. Ở Nam Hàn cũng vậy, đã có nhiều người Thiên Chúa giáo hơn Phật tử rồi. Nếu chúng ta không thay đổi thái độ, điều này sẽ xảy ra ở Trung Quốc, có thể trong tương lai không xa. Ước đoán của tôi là trong 20 năm nữa điều này sẽ xảy ra.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, cho phép chúng tôi phản ánh về điều này và nhấn mạnh vào giáo dục Phật giáo. Một điều buồn rằng là khi chúng tôi muốn xây dựng chùa, có nhiều người ủng hộ. Nhưng khi chúng tôi muốn thúc đẩy giáo dục Phật giáo, người ta không nhiệt tâm ủng hộ. Sau cùng, tôi thấy vui là được chia sẽ với quý vị những quan sát của tôi và một vài đề án giáo dục Phật giáo ở Malaysia cũng như trường Cao đẳng Phật giáo Quốc tế (IBC).

HT.Wei Wu
Nguyên Hiệp lược dịch

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 16
  • Hôm nay 3,334
  • Tháng hiện tại 60,719
  • Tổng lượt truy cập 23,466,968