Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
IMG 6350

Đạo tràng HSXN "Chia Sẻ Yêu Thương" với các gia đình đặc biệt khó khăn

Đăng lúc: 11:21 - 21/11/2017

Ngày 1/10 Đinh Dậu, ĐĐ. Thích Định Tuệ cùng đạo tràng HSXN đã đến thăm và tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn....

IMG 9664

Chùa Đức Hậu : " Trao gửi yêu thương mùa Vu Lan 2017 "

Đăng lúc: 16:35 - 06/09/2017

Nhân mùa mùa Vu Lan Báo Hiếu, 8 giờ sáng hôm nay ngày 6/9/2017 ( 16/7 AL) , Đại Đức Thích Định Tuệ trụ trì chùa Đức Hậu đã tổ chức chương trình " Trao gửi yêu thương mùa Vu Lan 2017" tới các bệnh nhân có trường hợp đặc biệt ở Bệnh viện Tâm Thần, Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Nhi và một số gia đình khó khăn ở xã Nghi Đức. Ban Từ Thiện chùa Đức Hậu đã trao 43 suất quà và những lời động viên đến các bệnh nhân; chia sẻ chút lòng thành đến những mảnh đời bất hạnh. Nhìn những nỗi đau họ phải chịu về thể xác mà lòng trĩu nặng.

Nhất-xiển-đề & sơ tâm

Nhất-xiển-đề & sơ tâm

Đăng lúc: 19:21 - 01/07/2017

“Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”
(Trịnh Công Sơn)

Khi mới bước chân vào đạo, mình thành kính, thiết tha muốn được thấy rõ phương pháp nào dẫn mình đến sự chứng ngộ nhanh nhất. Như một tờ giấy trắng, chúng ta từ từ được nhuộm theo những gì mình tiếp xúc về đạo Phật. Nên có câu ‘Nhất niên Phật tại tiền, nhị niên Phật thăng thiên, tam niên bất kiến Phật’. Ngày đầu đến chùa thấy tu theo Phật sao dễ quá, nhưng sau ba năm thì thấy Phật cũng mất luôn!

Điều đáng buồn là, lẽ ra, nếu tu tập mà không thấy tiến bộ thì bỏ công tìm minh sư hay đường tu khác, đằng này, lại trở nên nghi ngờ Tam bảo, nghi ngờ luôn cả bản thân, rồi xem thường chuyện tu hành. Và cuối cùng, trở thành một kẻ nhất-xiển-đề!

shutterstock435140692.jpg
Sơ tâm là nói về cái tâm lành, tâm tốt, tâm luôn hướng thượng - Ảnh minh họa

Nhất-xiển-đề, Phạn ngữ Icchantika, là một khái niệm nói về một hạng người ‘đặc biệt nguy hiểm’ trong đạo Phật, mà hạng người này cũng tồn tại trong các tôn giáo khác. Theo dịch nghĩa chữ Hán, nhất-xiển-đề là bất tín hay tín bất cụ, nghĩa là không có lòng tin, không đủ lòng tin. Lòng tin ở đây được hiểu là tin vào Tam bảo, vào lý nhân quả - duyên sinh, và nghiệp báo.

Trong kinh Tăng chi (chương Ba pháp, phẩm Ba hạng người), hạng người gọi là ‘không hy vọng’, được mô tả như sau: ‘Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người không hy vọng? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người ác giới, tánh tình độc ác, sở hành bất tịnh, có những hành vi che đậy, không phải là Sa-môn, nhưng hiện tướng là Sa-môn, không sống Phạm hạnh, nhưng hiện tướng có Phạm hạnh, nội tâm hôi hám, ứ đầy tham dục, tánh tình bất tịnh’. Như vậy, tất cả đều là sống hình tướng, bề ngoài dù trên danh nghĩa là người tu theo Phật pháp.

Cũng theo kinh Tăng chi (chương Bốn pháp, phẩm Kesi), Đức Phật mô tả hạng người này như sau: ‘Bị giết hại, này Kesi, là con người này, trong giới luật của bậc Thánh, bị Như Lai nghĩ rằng không đáng được nói đến, không đáng được giáo giới, bị các vị đồng Phạm hạnh có trí nghĩ rằng không đáng được nói đến, không đáng được giáo giới’. Rõ ràng, họ không còn coi trọng giới luật, nên không còn xứng đáng được thọ giới. Và tất nhiên, họ cũng chẳng màng đến chuyện họ có được xem là Phật tử hay không! Theo kinh Đại bát Niết-bàn (quyển 1): ‘Nhất-xiển-đề là kẻ dứt tuyệt gốc rễ của mọi điều lành, lòng không nương theo bất cứ pháp lành nào, thậm chí chẳng sanh được một niệm lành”.

Làm người, ai cũng từng có lỗi lầm. Nên Phật có nói về hai hạng người tốt: Một là người chưa bao giờ lầm lỗi. Còn hạng thứ hai, là người có lỗi mà biết ăn năn, hối quá, sửa sai. Tuy nhiên, kẻ gọi là nhất-xiển-đề đã không còn biết tàm, biết quý. Họ đã trở thành một chuyên gia lừa đảo (con artist), không sợ nhân quả, không tin đạo thánh; chỉ nghĩ lợi về mình và dùng mọi thủ đoạn, lợi dụng danh nghĩa Phật pháp để thành công.

Dù người có hám danh, như ngài Cầu Danh Bồ-tát (tiền thân Phật Di Lặc) được mô tả trong kinh Pháp hoa, nhưng biết hổ thẹn và sợ nhân quả cũng vẫn có cơ hội tu tập giải thoát. Đây là điểm chính yếu mà Phật đã dạy trong kinh Trung Bộ (kinh số 27): ‘Phật lấy hình ảnh người thợ rừng theo dấu một con voi lớn để giải thích làm cách nào đệ tử đạt đến sự xác tín hoàn toàn đối với chân lý Ngài dạy’ (Ni sư Trí Hải dịch). Tu tập thành tựu theo những điều Phật dạy, như là thợ rừng theo dấu chân voi, là mục đích tối hậu mà Đức Phật đã truyền trao giáo pháp cho chúng ta. Nên có nhiều mẩu chuyện rất cụ thể trong đời thường để chúng ta rút kinh nghiệm: Câu chuyện về một nhà tâm lý dạy cách nào để có hạnh phúc nhưng chính mình, khi bị hỏi, rất lúng túng vì ít khi có hạnh phúc. Hay, một vị sư có một người đệ tử nhờ sư khuyên bảo con của người này bỏ hút thuốc, nghiện rượu… nhưng oái oăm thay chính vị sư kia cũng đang hút thuốc và uống rượu. Hoặc, một bác sĩ chuyên giúp trị bệnh cho người, nhưng bản thân thì mệt mỏi, hay đau bệnh v.v…

Trên đây là những trường hợp điển hình cụ thể đang xảy ra nhan nhản khắp nơi. Nên người tu Phật phải biết ứng dụng lời Phật dạy cho chính mình và thận trọng, gìn giữ tâm Bồ-đề của mình, không để bị rạn nứt. Giác Ngộ online ngày 29-5-2017 đã nêu lên ‘ba nhóm vấn nạn tiêu biểu’ hiện đang xảy ra nơi các tự viện, chùa chiền: Đó là (1) Phát triển khuynh hướng tư hữu cá nhân; (2) Không có khả năng quản trị ngôi đạo tràng của mình, có xu hướng sống tà mạng, nặng về cơ sở vật chất; và (3) Tình trạng lạm dụng các tiện ích công nghệ thông tin’. Đây là những tín hiệu cho thấy khuynh hướng nhất-xiển-đề đang ngày lan rộng mạnh.

Thiền sư Ðạo Nguyên (Dogen, 1200-1253) rất tâm đắc về pháp môn thiền Sơ tâm và pháp môn này được truyền thừa cho đến ngày nay. Ngài dạy rằng: Người tu học Phật pháp phải luôn giữ gìn cái tâm ban đầu (sơ tâm) vì nếu không, sơ tâm sẽ bị các pháp thế gian làm điên đảo, mộng tưởng. Khi sơ tâm bị bể vỡ, con đường để trở thành một người nhất-xiển-đề sẽ không xa vì lòng tin vào Phật pháp đang bị bào mòn, sút giảm, khô kiệt dần.

Đỗ Đình Đồng dịch Tâm Ban sơ, nguyên tác Zen Mind, Beginner’s Mind của Shunryu Suzuki: ‘Giả sử quý vị tụng Tâm kinh Bát-nhã chỉ một lần. Đó có thể là một sự tụng rất tốt. Nhưng điều gì sẽ xảy ra đối với quý vị khi quý vị tụng nó hai lần, ba lần, bốn lần, hay nhiều hơn nữa? Có thể quý vị mất đi thái độ ban đầu một cách dễ dàng. Điều tương tự sẽ xảy ra trong những cách tu Thiền khác của quý vị. Quý vị sẽ giữ được tâm ban đầu của mình trong một lúc, nhưng nếu quý vị tiếp tục tu tập một, hai, ba năm hay nhiều hơn nữa, mặc dù quý vị có thể tiến bộ chút ít, quý vị bị mất ý nghĩa vô hạn của bản tâm’.

Sơ tâm như người mới biết đạo, đi chùa nên thấy ‘nhất niên Phật tại tiền’. Nếu chúng ta có thể giữ cho sơ tâm của mình giống như ngày mình mới biết đạo, háo hức muốn học hỏi, tu tập, thành kính, thiết tha thì dù mình có tu học bao nhiêu năm, cái sơ tâm vẫn trinh nguyên như ngày nào!

Sơ tâm là làm mọi việc, cho dù nhỏ hay lớn, đều xem như lần đầu, và làm hết mình, không so đo, tính toán lợi hại. Sơ tâm không bị mắc kẹt vào kinh nghiệm của những lần trước mà luôn mở lòng đón nhận những ý kiến mới. Tất nhiên, sơ tâm là nói về cái tâm lành, tâm tốt, tâm luôn hướng thượng.

Nhờ tính cách rỗng không của sơ tâm nên nó luôn giúp mình sẵn sàng mở lòng đón nhận mọi cái mới, luôn trung lập, và không có khái niệm về phe phái, hay chiều hướng. Chính nhờ vậy mà người giữ được sơ tâm trong sáng, luôn tỉnh giác với mọi hoàn cảnh và không bị mắc kẹt vào một pháp nào nên các thiền sư Nhật Bản gọi là ‘vô tâm’. Thiền Sơ tâm cho rằng mọi hành động là cơ hội hiển bày Phật tánh của ta - ‘bản lai diện mục’, cho nên mới nói: đói thì ăn, mệt thì ngủ đó là thiền.

Pháp môn thiền Sơ tâm là một phương pháp giúp giữ cái sơ tâm luôn trong sáng, giúp mình trở về cái tâm ban sơ, nguyên thủy thật sáng chói của chính mình. Chúng ta thấy tâm mình như gương sáng phản chiếu trung thực mọi sự vật, không tình cảm, không thiên vị, không bị dính mắc. Sơ tâm giúp mình sống thật với chính mình và với người khác.

Theo trên cho thấy, mối liên hệ mật thiết giữa sơ tâm và nhất-xiển-đề thật rõ ràng. Khi mình đánh mất sơ tâm, chúng ta trở nên chai cứng với giáo pháp, không còn sợ nhân quả, không còn biết hổ thẹn, chỉ biết hưởng thụ dục lạc. Cái đáng tiếc nhất là mình đã đánh mất chính mình, một con người háo hức muốn học Phật, thích tu, ham làm điều lành, sợ hãi điều ác lúc ban đầu nay bỗng dưng trở thành một người lão luyện về sự dối trá, gian xảo, ngụy tạo những hình thức tu tập mê tín, yêu ma để lợi dụng tình cảm, tiền tài. Hy vọng, đây là hồi chuông báo động cho tất cả chúng ta đang chao đảo niềm tin với Phật pháp, và là tiếng chuông cảnh tỉnh ai đó đang biến mình theo xu hướng nhất-xiển-đề sớm quay về tìm lại cái sơ tâm của mình.

Tháng 6 năm 2017
Thiện Ý

Nương theo Chánh pháp để đẩy lùi mê tín

Nương theo Chánh pháp để đẩy lùi mê tín

Đăng lúc: 22:14 - 14/06/2017

HỎI: Tôi là con trai duy nhất trong gia đình. Bố mất sớm lúc mẹ còn mang thai tôi. Từ nhỏ cho đến tận bây giờ, tôi luôn được mẹ quan tâm chăm sóc rất cẩn thận. Mẹ không muốn có điều gì xấu, nguy hiểm xảy đến với tôi.

Gần đây, mẹ có đi xem bói, thầy bói nói là tôi sẽ giống số phận của bố, cần phải làm lễ để hóa giải. Mẹ tôi ngày đêm không ngủ được, thường lo lắng và suy nghĩ về điều đó. Riêng tôi, nhờ chút hiểu biết Phật pháp thấy rằng không có ai có thể phán quyết số phận của mình được. Mặt khác, tôi cũng đi chùa nhiều nhưng chưa thấy có nghi lễ nào như vậy (hoặc tôi chưa được biết). Vậy xin quý Báo tư vấn cho tôi về vấn đề trên. Có phải số phận con người được định trước, khi gặp chuyện gì đó không tốt thì phải làm lễ để hóa giải?

(HẢI HÀ, dannycao4291@icloud.com)

chanhphap 1.jpg
Khi đèn trí tuệ đã thắp sáng thì không còn sợ hãi,
mê tín cũng sẽ không có dịp "chen vào" - Ảnh minh họa

ĐÁP:

Bạn Hải Hà thân mến!

Mẹ của bạn chỉ có một mình bạn nên thương quý rất mực. Điều đáng nói là vì quá lo cho tương lai của bạn nên đã tìm đến thầy bói để rồi khi không lại tự rước lo nghĩ, rắc rối vào thân. Vị thầy bói này đã đánh trúng điểm yếu của mẹ bạn, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin mà vẽ vời cúng bái “làm lễ để hóa giải” nhằm tư lợi.

May mà bạn có hiểu biết Phật pháp, biết rõ mỗi người có một nghiệp riêng, tốt hay xấu là do mình tạo nghiệp thiện hay ác, đặc biệt là “không có ai có thể phán quyết số phận của mình được”. Cho nên, việc thầy bói nói “làm lễ để hóa giải” số phận là bịp bợm, lừa gạt. Vì không ai có thể làm được việc ấy, kể cả thần linh. Tin theo những việc đại loại như vậy là tà kiến, mê tín, chỉ tiền mất tật mang mà thôi.

Việc cần làm trước tiên là khuyên mẹ bạn nên loại trừ ngay những lời vu vơ, không căn cứ của thầy bói ra khỏi đầu óc. Tuyệt đối không tin vào mê tín, không tìm đến thầy bói chuyên gạt gẫm ấy nữa. Muốn tốt cho mình và cho con thì trước hết bản thân phải lo tu tập, tự sửa mình, tích cực làm phước, làm những việc thiện lành trong khả năng nhằm tích đức cho bản thân và con cháu.

Riêng bạn đã có duyên lành đi chùa, học Phật pháp thì hãy phát huy chánh kiến, vững tin Tam bảo. Đạo Phật không hề có việc làm lễ để hóa giải số phận. Đạo Phật cũng không có quan niệm số phận đã được định trước, mà tất cả đều do nghiệp của mình. Nghiệp là năng lực tác tạo của thân miệng ý của tự thân trong quá khứ rồi chi phối lên hiện tại. Nghiệp không cố định mà có thể chuyển hóa từ xấu ác sang thiện lành hay ngược lại. Gieo nhân nào thì gặt quả nấy. Vì thế, bạn hãy sống tốt, tích cực tạo nghiệp thiện, chuyển hóa các nghiệp xấu thì chắc chắn cuộc sống sẽ an lành. Đây chính là cách ‘hóa giải’ thiết thực, hiệu quả, đúng đắn nhất theo Phật giáo.

TỔ TƯ VẤN

Giao lưu lớp giáo lý Minh Tâm cùng ĐTHSXN tại chùa Đức Hậu

Giao lưu lớp giáo lý Minh Tâm cùng ĐTHSXN tại chùa Đức Hậu

Đăng lúc: 15:44 - 22/05/2017

Chiều ngày 19/5/2017, Chùa Đức Hậu long trọng đón tiếp Quý Thầy Cô và lớp học Giáo Lý Minh Tâm TP. Ban Mê Thuột do thầy Thích Hải Nguyện, Thích Hải Trung, sư cô Thích Nữ Hạnh Dung dẫn đoàn về giao lưu với các Phật tử trong Đạo Tràng Hương Sen Xứ Nghệ do ĐĐ Thích Định Tuệ trụ trì chùa Đức Hậu, ĐĐ Thích Đạo Quang thành phố Nha Trang đón tiếp. Một cuộc hội ngộ thật ý nghĩa, thắm tình đạo vị với các Phật Tử ở vùng Cao Nguyên với các Phật Tử trong Đạo Tràng Hương Sen Xứ Nghệ.


Tối ngày 19/5/2017 Đại Đức Thích Định Tuệ tổ chức đêm Thiền Trà giao lưu giữa các Phật Tử.trong lớp học Giáo lý Minh Tâm và phật Tử trong Đạo tràng Hương Sen Xứ Nghệ Trong đêm thiền trà, các Phật Tử đều lắng đọng tâm tư và lắng nghe hơi thở của chính mình, xoa dịu những nhọc nhằn trong cuộc sống và lắng nghe nhịp tim thổn thức, được lắng nghe những lời chia sẻ của Chư Tôn Đức Tăng Ni và những bạn đồng tu . Các Phật Tử lại được cùng nhau chánh niệm, thưởng thức những ly trà nghĩa tình và trao cho nhau những năng lượng của tình thương cùng sự hiểu biết.



Trong đêm Thiền Trà, Đại Đức Thích Định Tuệ trụ trì Chùa Đức Hậu đã chia sẻ những tình cảm của mình đến với Chư Tôn Đức Tăng Ni và kính chúc các Thầy Cô pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu, chúc các Phật Tử luôn được an lạc trong ánh hào quang của Chư Phật... và tu tập ngày càng tinh tấn hơn..



Sáng ngày 20/5/2017 Phật tử Đạo trang Hương Sen Xứ Nghệ giao lưu với lớp học giáo lý Minh Tâm chia sẻ những kinh nghiệm tu tập và ký hiệp ước " Hiểu và Yêu Thương ". Qua buổi giao lưu các Phật tử được các quý Thầy, cô trả lời những câu hỏi, những thắc mắc trong quá trình tu học. Đại Đức Thích Định Tuệ trụ trì chùa Đức Hậu đã chia sẻ với các Phật tử : " Thầy mong các Phật tử có mặt trong buổi sáng ngày hôm nay hãy nhớ thời khắc này, người ở Đắc Lắc người ở Nghệ An được ngồi bên nhau , được ký hiệp ước yêu thương, phát nguyện bằng trái tim và tâm hồn của mình. Đặc biệt là các quý thầy cô và các Phật tử ở Đắc Lắc đã dành cho đạo tràng Hương Sen Xứ Nghệ những tình cảm, khoảnh khắc, kỷ niệm được gắn bó bên nhau. Thầy mong các Phật tử cố gắng tu tập tốt hơn nữa "
buổi chiều và sáng hôm sau đoàn đã đi tham quan Quê Nội và Quê Ngoại Bác Hồ và thăm nhà tưởng niệm Đại thi hào Nguyễn Du ở Nghi Xuân Hà Tĩnh
Sau đây là một số hình ảnh của đêm thiền trà và giao lưu ký hiệp ước ( Hiểu và yêu thương )



Đại Đức Thích Hải Nguyện thay mặt quý Thầy Cô và lớp học Giáo Lý Minh Tâm cảm ơn quýThầy và Phật tử trong Đạo tràng Hương Sen Xứ Nghệ đã dành cho đoàn sự chào đón nồng nhiệt nhất , Thầy chúc các Phật tử tinh tấn tu học theo giáo lý của Đức Phật.



Đại Đức Thích Đạo Quang - MC chương trình trong đêm Thiền Trà và ký hiệp ước " Hiểu và Yêu Thương"





























Sư Cô Thích Nữ Hạnh Dung chia sẽ trong buổi giao lưu




















ĐạiĐ














kết thúc buổi giao lưu Các quý Thầy Cô và Phật tử cùng nhau ký hiệp ước " Hiểu và Yêu Thương ""










Hiệp ước ( HIỂU VÀ YÊU THƯƠNG)

Nhân dịp này Qúi Thầy Cô và lớp học Minh Tâm tặng Qùa cho Đại Đức Thích Tuệ và Đạo Tràng Hương Sen Xứ Nghệ









chụp ảnh lưu niệm





Tác giả bài viết: Hồng Nga

Linh ứng hay nhiệm mầu?

Linh ứng hay nhiệm mầu?

Đăng lúc: 20:18 - 09/04/2017

Trong đạo Phật, ngoài Phật Thích Ca còn có nhiều vị Phật khác. Tuy nhiên, lấy thế giới Ta-bà này làm hệ quy chiếu thì chỉ có một mình Phật Thích Ca là vị Phật lịch sử; còn những vị khác là Phật tôn giáo thuộc thế giới tâm linh. Trong số các vị Phật tôn giáo, Phật A Di Đà nổi bật nhất, được Tăng Ni, Phật tử và tín đồ Đại thừa nói chung và Tịnh Độ tông nói riêng, tin tưởng, tôn thờ như Phật Thích Ca.
tamlinhmaunhiem.jpg
Chiếu hào quang tịnh sáng lòa thân con…

Không biết Tịnh Độ tông truyền vào Việt Nam từ hồi nào nhưng ở quê tôi (Trà Ôn), vào khoảng năm 1944-1945, hai vị cố Hòa thượng Thích Thiện Hoa và Thích Trí Tịnh đã về chùa Phật Quang mở Phật học đường và truyền bá pháp môn Tịnh độ. Dân quê tôi đều tu theo pháp môn này, trong đó có gia đình nội tôi. Cho đến bây giờ tôi còn nhớ mang máng những câu thơ kệ ca ngợi pháp môn Tịnh độ như:

- Thiền tông không Tịnh độ,

Lấy cái gì hỗ trợ?

Mười người tu, chín người đổ.

- Thiền tông có Tịnh độ,

Như thêm cánh cho hổ,

Mười người tu, mười người ngộ.

Từ lâu, trong dân gian có truyền khẩu câu thơ “Tu hành không Phật cũng tiên/ Không vương thì bá hoặc miền công khanh”. Gia đình nội tôi thì không được vậy mà được cái khác. Ông nội thọ đến 85 tuổi, bà nội đến 87 tuổi. Còn má tôi và người chú ruột thứ sáu thì được Phật tử và tín đồ trong vùng khen “tu nhất kiếp, ngộ nhất thời” (đốn ngộ).

Má tôi sinh năm 1909, biết ăn chay niệm Phật khi lên chín lên mười tuổi. Năm 17 tuổi, má lấy tía tôi. Gặp duyên lành bên nhà chồng, má càng tinh tấn tu hành, thường xuyên đi chùa Phật Quang lạy Phật, nghe kinh và làm công quả vào những ngày rằm ngươn lễ vía. Má chỉ học chữ lõm bõm nên không đọc được kinh nhưng lại thuộc lòng kinh A Di Đà và bài sám Nhất tâm.

Một lòng mỏi mệt không nài

Cầu về Cực lạc ngồi đài liên hoa

Cha lành vốn thiệt Di Đà

Chiếu hào quang tịnh sáng lòa thân con…

Tháng 9 âm lịch năm 1988 má bị bệnh xuất huyết bao tử rất nặng. Sau hơn nửa tháng điều trị, bệnh không thuyên giảm mà có mòi nặng thêm. Có lẽ biết nghiệp duyên đã dứt, má cương quyết đòi xuất viện về nhà để được chết trước mặt ông bà ngoại (má thờ).

Trước khi má mất (khoảng 6 giờ sáng ngày 25-9 âm lịch), trưa ngày 24 má kêu vợ tôi cùng các chị tắm rửa cho má sạch sẽ để sáng sớm hôm sau má đi về Tây phương Cực lạc. Và quả đúng như vậy! Điều đặc biệt là trước khi mất, má tôi vẫn tỉnh táo đọc bài sám trên cho đến khi không còn đọc được nữa mới hôn mê và trút hơi thở sau cùng, hưởng thọ 90 tuổi. Chú tôi cũng như vậy, biết trước ngày giờ mình mất.

Không biết có phải do gia đình nội tôi tu hành trì danh niệm Phật A Di Đà suốt đời nên ông bà mới “Có duyên tưởng Phật sống dai vô cùng” và má cùng chú tôi “Cầu cho con thác biết ngày/ Biết giờ biết khắc biết rày tánh linh” hay không?
Trương Hoàng Minh

Nét đẹp trì bình khất thực trên đất Thái Lan

Nét đẹp trì bình khất thực trên đất Thái Lan

Đăng lúc: 19:27 - 08/03/2017

Có thể khẳng định, vấn nạn giả sư đã cướp đi cơ hội - phương tiện để mang hình ảnh đẹp của những nhà sư lặng lẽ xếp thành hàng trì bình vào những buổi sáng: bước vào cuộc đời, vào từng ngõ ngách xóm làng để tạo duyên cho người gieo duyên với Tam bảo ngay trên chính trên quê hương Việt Nam mình.
tribinh.jpg
Nét đẹp trì bình và gieo duyên với Tam bảo của người dân nước Phật giáo - Ảnh: Pixabay

Tôi đã trì bình khất thực ở Thái Lan...

Tôi đã từng yêu quý chiếc y và hình ảnh của một nhà sư ôm bát trì bình ngang qua nhà mình khi còn rất nhỏ, đó như là hình ảnh đánh thức hạt giống lành trong tiềm thức rồi sau đó phát tâm xuất gia để được trở thành hình ảnh đó. Thực sự không còn niềm hạnh phúc nào bằng khi tự mình đắp y mang bát đi khất thực trì bình vào những buổi sớm mai một cách tự do và không sợ bị dòm ngó thật-giả, đúng-sai như một sự thực tập đức hạnh khiêm cung cần có và tự nhắc mình là Khất sĩ - xin ăn tu học, lấy phẩm thực để nuôi thân, pháp hành để nuôi trí.

Với cơ duyên du học tại Thái Lan, ngoài những ngày học chính thức tại trường, vào những ngày cuối tuần hoặc ngày Phật nhật (4 ngày trong tháng - như ngày rằm tại VN) thì tôi có nhiều cơ hội để tiếp xúc và thực tập truyền thống tốt đẹp này ngay tại thủ đô Bangkok - một thành phố hiện đại bậc nhất của Thái Lan.

Khi trời vừa hừng sáng, đúng 5 giờ sáng là tôi thức dậy vệ sinh cá nhân, lấy y, ôm bát - bát ở đây được làm bằng bạc hoặc nhôm và được bao bọc bên ngoài bởi chiếc thẩu mây và có dây đeo ngang bên vai phải để đỡ mỏi tay khi ôm bát đi đường dài quanh khu vực chùa nơi mình cư trú hoặc xa hơn.

Vừa bước ra khỏi cổng là đã thấy người dân trải những chiếc chiếu nhỏ, quỳ bên lề đường, đặt một mâm thức ăn trước mặt để đợi Tăng đoàn đi ngang qua mà dâng cúng. Điều đặc biệt là họ phải thức dậy thật sớm, sớm hơn các nhà sư để chuẩn bị thức ăn cúng dường, thường là cơm, xôi, trái cây và vài cái bánh để thể hiện tấm lòng tôn kính cũng như sự chuẩn bị chu đáo cho phẩm thực cúng dường của mình. Đôi khi những Phật tử này phải thức cả đêm để gói bánh và ngồi canh nồi cơm chín.

Khi thấy các sư đi ngang qua, lần lượt người dân không ai bảo ai, tự lấy thức ăn bỏ vào trong bát dâng lên cúng dường và nhờ các sư chú nguyện.

Khi ấy, mọi người vừa thấy tôi bước đến thì nở nụ cười như ra hiệu muốn cúng dường, và thế là tôi nhẹ nhàng đứng lại để họ quỳ xuống chắp tay trang nghiêm theo nghi thức truyền thống cúng dường của người Thái. Sau khi bỏ thức ăn vào bát cho chư Tăng và mỗi tín chủ sẽ thọ nhận lại lời kinh cầu nguyện sớm mai từ sự gia tâm chú nguyện của Tăng đoàn (riêng tôi thì những ngày đầu còn nhiều bỡ ngỡ nên chưa thể tụng kinh bằng tiếng Pali, khi ấy tôi nhẹ nhàng tụng phẩm hồi hướng công đức bằng tiếng Việt để gửi trao năng lượng bình an đến họ - NV), cứ thế tôi lại thấy họ cười và hoan hỷ vô cùng như để bắt đầu một ngày mới ngập tràn niềm tin.

Sau khi nhận đủ thức ăn, tôi quay người trở lại con đường cũ để trở về chùa thọ dụng phần thực phẩm mà mình đã nhận được và phần nào còn dư lại tôi để dùng chung với thức ăn độ ngọ được nấu vào buổi trưa. Riêng, vào những ngày lễ lớn, thức ăn cúng dường hơi nhiều thì các vị cư sĩ hay còn gọi là hộ bát xách giỏ đi theo bên cạnh nhà sư trong lúc trì bình để hỗ trợ chư Tăng xách đồ, sau khi được chú nguyện xong thì họ mang chuỗi thức ăn dư về lại cho những người nghèo khó trong xóm hoặc gửi đến các trung tâm nuôi trẻ mồ côi - phúc lợi xã hội gần chùa như một sự cho - nhận tiếp nối, đầy nhân văn.

Xong buổi sáng khất thực vào ngày cuối tuần tại đất nước Thái Lan, tôi lại lên đường tiếp tục đi dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em nghèo trong vùng. Lớp học được bắt đầu vào lúc 7 giờ sáng cuối tuần, hôm nào các em cũng tập trung lại từ rất sớm tại phòng học trong khu ký túc xá mà mình đang ở. Thấy tôi đến, các em vội đứng lên chắp tay chào và quỳ xuống làm lễ (lạy) theo truyền thống. Theo đó, sẽ có hai em đại diện dùng thau nước sạch và khăn để lau chân cho nhà sư mà cũng vừa là thầy giáo của mình để thể hiện niềm tôn kính.

Sở dĩ có truyền thống đó vì tại Thái Lan, Tăng sĩ đóng vai trò hết sức quan trọng trong tất cả mọi lĩnh vực hoạt động của đất nước, tạo nên một mối liên hệ mật thiết lâu đời giữa các Tăng sĩ và quần chúng nơi mình đang ở. Các ngôi chùa sẽ là những trung tâm văn hóa, học thuật và giáo dục, trong đó các nhà sư luôn được coi là thầy giáo về mặt tâm linh lẫn học thức ở đời - để hướng dẫn, dìu dắt, nuôi dưỡng những thế hệ tiếp nối, phụng sự đất nước mình trên tinh thần đạo đức nhà Phật. Ngoài ra, Tăng sĩ còn được xem như “thẩm phán” để khuyên nhủ, giải quyết và giúp đỡ những mối quan hệ bất hòa trong gia đình và xã hội khi chưa thật sự cần đến sự can thiệp của pháp luật.

Mong ước đơn sơ của một Khất sĩ

Phải chăng, trăm vạn ngôn từ có khi không bằng một hình ảnh thảnh thơi bình dị thật sự chín muồi của một Tăng sĩ nhẹ nhàng, tươi mát, thật tu, thật học, đắp y - mang bát bước đi trên những cung đường đầy tấp nập của chợ-đời để trao truyền, tiếp nối và thức tỉnh cái duyên của đạo cho những ai đã gieo trồng từ vô thủy vô chung?

Thực ra, sự bình dị, khiêm cung từ lời nói đến hành động là bản chất vốn có của người xuất gia học Phật, khi luôn thấy mình nhỏ bé, cầu học và biết dừng lại đúng lúc - đó là những yếu tố trọng yếu cần có ở những người tu trẻ như tôi, thấy rằng phép khất thực là cách tự dạy, tự học, tự nhắc mình hữu hiệu nhất bằng thân giáo để yểm trợ và dưỡng nuôi chính mình từ bài học không lời mà mình phải ôn, phải luyện mỗi ngày từ các bậc tiền nhân đi trước. Khi ấy các ngài cũng đã từng mang đạo vào đời bằng chính đôi chân, bằng mảnh y, bằng chiếc bát của Phật để vân du trên mảnh đất Việt Nam thân yêu này.

Mơ rằng, một ngày nào đó tôi và những huynh đệ có thể lại được tiếp tục thực hiện phép khất thực ngay trên chính quê hương mình chứ không phải thực hiện ở một nơi nào khác hay tại một đất nước nào đó như đã kể trên. Biết rằng vẫn còn nhiều những bất cập, những khó khăn nhưng đừng vì sự lợi dụng của những người giả sư để rồi “thỏa hiệp”, đánh mất đi hình ảnh thiêng liêng, bài học đạo-đời giá trị mà đã ít nhiều làm bừng tỉnh biết bao con tim khi có duyên lành được hội ngộ, được nhìn thấy và đem lòng kính phục, tiếp nối - trở thành những “thạch trụ tòng lâm” mai sau.

Và rằng đừng để phép khất thực được xem là điều tế nhị nữa, khi đấy là món ăn thực dưỡng tâm linh hết sức quan trọng và rất cần thiết cho những người xuất gia trẻ, chuyên chở bài học khiêm cung, bình dị và tập nhận diện chính mình giữa một xã hội ngày càng thêm trăm điều cám dỗ...

Tâm linh thấy bằng trái tim

Tâm linh thấy bằng trái tim

Đăng lúc: 08:41 - 05/02/2017

Mạch ngầm tâm linh cứ thế mà chảy âm ỉ trong đời sống. Dòng năng lượng ấy chưa bao giờ ngưng lại, thậm chí đang ngày một mạnh mẽ hơn, khi mà con người đang tiến dần vào một thời đại của mâu thuẫn đỉnh cao giữa giá trị vật chất và tinh thần. Nhưng tâm linh không phải là điều gì đó huyền bí, mê tín dẫn dắt con người đi sâu vào bóng tối mê man, mà đó là những điều ta tin bằng trái tim. Những linh cảm đẹp đẽ đến từ tâm hồn, cuối cùng, sẽ có vị trí xứng đáng trong mọi hình thức của sự sống.

shutterstock_518429221.jpg
Thực hành đời sống tâm linh càng nhiều, ta dễ dàng an tâm
đón nhận những vô thường bất tận của cuộc đời

Khó có thể định nghĩa hoặc diễn tả đầy đủ về hai từ tâm linh, vốn là thế giới của mơ hồ vô hình dạng. Thế giới ấy có mà không, không mà có. Không thấy bằng con mắt vật lý nhưng có thể cảm nhận rất gần và mạnh mẽ bằng mọi giác quan và vượt ra khỏi con người vật chất. Như Saint Exupery viết trong Hoàng tử bé (Le Petit Prince): “On ne voit bien qu'avec le cœur. L'essentiel est invisible pour les yeux”. Giữa nhiều bản dịch với lời lẽ hoa mỹ, thậm chí đi hơi xa so với bản gốc tiếng Pháp, tôi thích bản dịch đơn sơ và sát nghĩa của Bùi Giáng tiên sinh: “Người ta chỉ nhìn thấy rõ là với trái tim. Các cốt thiết, cái tinh thể, cái đó vô hình đối với hai con mắt".
Linh cảm bằng trái tim

Trái tim ở đây không chỉ là con tim nằm hơi lệch qua phía ngực trái, có một sợi dây thần kinh dẫn trực tiếp kết nối đến ngón đeo nhẫn, mà nó còn là tâm hồn. Tâm và hồn. Đó cũng là lý do vì sao nam nữ khi kết nghĩa phu thê thì đeo nhẫn vào ngón áp út, bởi họ tin rằng sẽ có sự kết nối giữa hai tâm hồn và hơn thế nữa.

Tâm linh, đó là bất kỳ khoảnh khắc nào trong đời sống mà bạn thấy mầu nhiệm, giúp bạn vượt qua những cái khổ tự nhiên mà Đức Phật đã chỉ ra. Là một ngày, khi năng lượng xuống thấp nhất sau nhiều biến cố, bạn thấy mình gần như kiệt quệ. Bạn mở màn hình máy tính, nhưng chữ nghĩa cứ nhảy múa trước mắt. Bạn không thể tập trung. Bạn ước ao có một điều gì đó đến bất ngờ và tươi mới để thay đổi năng lượng. Bỗng nhiên bạn nhận được một món quà từ phương xa của người bạn thân, là một chuỗi hạt chakras 7 màu tuyệt đẹp, đơn giản vì chỉ duy nhất người ấy biết bạn thích những chuỗi hạt. Khi bạn cầm chiếc vòng tăng năng lượng này trên tay, lập tức bạn thấy có một nguồn sống mới ập đến. Và rồi có một lực đẩy vô hình, bạn mở máy và làm việc một mạch với những ý tưởng tuôn trào.

Đó có thể là chuyện con gái bé bỏng bị bệnh kéo dài nhiều ngày rồi mà không khỏi. Bé không chịu ăn uống gì cả, người ốm tong teo hẳn đi làm người mẹ rất lo lắng và tuyệt vọng. Trong lúc bé đang hâm hấp sốt và ngủ thiếp đi, người mẹ bèn ra ban công, nhìn lên trời, thầm cầu nguyện Quán Thế Âm Bồ-tát. Người mẹ cầu nguyện rất lâu, để cho những giọt nước mắt của mình chảy trên má mà quên hết thời gian. Tâm của người mẹ giờ đây chỉ có Bồ-tát và con gái của mình. Bất chợt, cô bé trở mình, kêu mẹ ơi, con đói bụng. Bạn lật đật quay vào lấy cháo cho bé ăn. Sau khi ăn hết tô cháo nóng, điều mà trước đây bé không bao giờ làm được, người mẹ chợt nhận ra gương mặt của con tươi tỉnh hơn, sờ trán con thì thấy cơn sốt đã giảm đi.

Là một buổi sáng bình thường bạn thức dậy như bao ngày khác. Bạn đã từ bỏ công việc cũ hơn 6 tháng nay và hầu như không tìm được bất kỳ công việc nào như ý. Chuỗi ngày đó thật nhàm chán trôi qua với những tách cà-phê và những status trầm buồn trên Facebook. Nhưng sáng nay, bỗng bạn thấy một cảm giác rất khác lạ. Lòng dễ chịu, khoan khoái, tươi vui mà không vì một lý do nào. Điều đặc biệt là cảm xúc đó rất mạnh, mạnh đến nỗi bạn cảm nhận chúng lan tỏa khắp cơ thể mình, chảy khắp bộ não của mình. Và ngày hôm đó, bạn nhận được một lời mời cho công việc mới không thể tốt hơn.

Có muôn hình dáng về tâm linh. Không có đúng không có sai. Nó như như là thế. Dường như nó vượt lên con người. Nó là những mạch ngầm có vẻ dửng dưng không liên quan gì vào đời sống vật chất này, thế nhưng nó lại song hành và có khả năng can thiệp, hỗ trợ, chia sẻ cùng cuộc đời của những ai tin vào nó.

Là chuyện của lòng tin

Không có một lý giải, bình luận hay phản biện… nào tròn trịa khi nói về tâm linh. Đó chỉ là câu chuyện của lòng tin. Tin và không tin. Tin thì thấy, không tin thì không thấy. Tin thì cảm, không tin thì không cảm. “Phúc cho những ai không thấy mà tin” (Chúa Giê-su).

Phương Tây khi nhìn về phương Đông như là vùng đất của tâm linh với vô số điều huyền bí. Những hành trình về phương Đông của những bậc trí thức khoa học phương Tây đã minh chứng cho việc họ đã công nhận rằng, có những sự việc mà khoa học không thể giải thích và chỉ được hiểu theo cơ chế tâm linh. Nhiều học giả đã quá kinh ngạc vì sao các bậc hành giả du-già có thể sống thọ mà không cần ăn uống gì trên dãy Hy Mã Lạp Sơn hàng vạn năm tuyết phủ. Dần dần, đời sống tâm linh giờ đây không còn phân biệt vùng đất hay lãnh thổ. Thật ra thì tâm linh đến từ vũ trụ siêu nhiên, nên nếu có sự phân biệt quốc gia này và vùng đất khác, thì đó chính là do tâm phân biệt của con người. Ngày nay, Âu Mỹ và những đất nước giàu hiện đại vốn chỉ tin vào khoa học, đã đón nhận đời sống tâm linh một cách cởi mở và trân trọng. Bằng chứng là Google mời Thiền sư Thích Nhất Hạnh đến nói chuyện về năng lực kỳ diệu của thiền cho nhân viên của họ. Đó là những cuộc diễn thuyết về lòng từ bi và đạo đức bên ngoài tôn giáo của Đức Dalai Lama thu hút hàng chục ngàn người đến tham dự tại Mỹ và một số nước châu Âu. Tất cả những việc này là vì sao? Chỉ đơn giản là vì lòng tin của mọi người vào những lời dạy đến từ các bậc dẫn dắt tâm linh vốn được cho là hóa thân của Bồ-tát.

Có thể nhìn thấy rõ về vấn đề “lòng tin vào siêu nhiên” là khi đối diện với hàng loạt câu hỏi “tại sao” của trẻ con. Chúng hỏi: “Vì sao con được sinh ra?”. Cha mẹ hiện đại sẽ trả lời rất khoa học và rành mạch không úp úp mở mở như ngày xưa: “Vì tinh trùng của cha kết hợp với trứng của mẹ”. Nhưng, chúng sẽ hỏi tiếp: “Vì sao tinh trùng và trứng kết hợp thì lại thành em bé?”. Ngang đây là ta sẽ bắt đầu lớ ngớ một chút rồi, nhưng vẫn giải thích được, tùy trình độ của các bậc cha mẹ, đại khái có thể là: “Vì trứng và tinh trùng là hai thứ cốt lỏi của đàn ông và phụ nữ để giúp duy trì nòi giống”. Thế mà có xong đâu, bọn trẻ sẽ hỏi tiếp: “Vì sao đó là hai thứ cốt lõi mà không là hai thứ khác?”. Tôi đã từng “cạn lời” trước hàng loạt những câu hỏi vì sao dồn dập như thế với ánh mắt trong veo của con gái tôi, tôi trả lời kiểu gì nó cũng có thể hỏi thêm vì sao. Cuối cùng thì tôi chỉ có thể làm cho con tin mình mà không tiếp tục hỏi nữa, bằng câu trả lời như sau: “Con biết không, có những thứ không thể lý giải một cách cụ thể, bởi loài người được sinh ra một cách tự nhiên và được tự nhiên quy định như vậy. Chúng ta cứ thế mà tin vào và thế giới hình thành từ đó”.

Cảm nhận tự nhiên, chính là tâm linh. Sống theo tự nhiên, chính là sống đời sống tâm linh. Những thứ mà khoa học tưởng chừng như có thể giải thích được thì cũng không thể nào lý giải được toàn bộ vũ trụ siêu nhiên. Nhưng, bằng tâm linh thì con người có thể hiểu và hoan hỷ đón nhận, hoan hỷ vui sống. Chẳng hạn như, theo đạo Phật, em bé sinh ra không phải chỉ là vấn đề tinh cha huyết mẹ (khái niệm vật chất), mà còn là duyên khởi từ nhiều kiếp giữa em bé và cha mẹ. Nếu con cái và cha mẹ có duyên lành với nhau thì sẽ gặp được nhau trong hạnh phúc. Nếu là nghịch duyên thì cũng sẽ gặp nhau nhưng trong một điều kiện bất như ý. Khi nhìn vào việc hình thành sự sống dưới góc độ tâm linh, chúng ta dễ dàng sống lương thiện hơn, biết tu tâm dưỡng tánh hơn, biết tạo ra nhiều thiện nghiệp để từ đó có nhiều cơ may đón nhận duyên lành với các hậu duệ của mình.

Ví dụ trên chỉ là một giọt nước bé xíu trong dòng thiên hà. Rõ ràng, một ngày nào đó, bạn thử đặt những câu hỏi vì sao của trẻ con, bạn sẽ thấy mình không bao giờ có câu trả lời, cho đến khi bạn đưa nó về với đời sống tâm linh của trời đất, bạn sẽ tìm ra câu trả lời cho riêng mình.

Chánh tín tâm linh

Trên trang chủ của langmai.org, có một câu nói dẫn vào như sau: “Nếu hôm nay chúng ta có một chiều hướng tâm linh trong đời sống cũng như công việc thì chớ nên lo lắng cho ngày mai. Ngày mai sẽ tự lo việc của ngày mai. Với sự nâng đỡ của một đoàn thể tâm linh, chúng ta sẽ thực hiện được ước mơ của mình”.

Câu này đưa đến một thông điệp chính: “Bạn sẽ bình an khi có đời sống tâm linh”.

Trong con người luôn có hai mặt đấu tranh. Mặt đen mặt trắng này thường cãi nhau kịch liệt. Nếu ta tạm mặc định theo chủ nghĩa nhị nguyên rằng mặt đen là điều ác và mặt trắng là điều thiện một cách tự nhiên trong một con người, thì ta có thể hiểu rằng, những linh cảm đến từ mặt đen là mê tín và đến từ mặt trắng là chánh tín. Hai thể lòng tin này đều có thể được gọi là đời sống tâm linh. Trí huệ càng nhiều thì con người càng dễ dàng đi đến đồng thuận với tiếng nói của mặt trắng chánh tín. Ngược lại, khi bị u mê dẫn dắt, những việc làm trong đời sống tâm linh cũng dễ đưa ta đến ngõ tối, đó là lúc tiếng nói của mặt đen lên ngôi. Biết bao nhiêu người vì mê tín mà lầm đường lạc lối.

Điểm cốt lõi nào để phân biệt giữa mê tín và chánh tín trong đời sống tâm linh? Khi có chánh tín, ta thường ít mong cầu điều gì ngoài bình an và tự tại, rồi mọi thứ khác sẽ đến theo cách vận hành riêng của nó, tùy duyên và dựa trên cộng nghiệp. Vì tin vào điều đó nên ta thảnh thơi, tự do thoát khỏi mọi lăn tăn khổ sở. Còn nếu là mê tín, ta thường hay cầu nguyện được vật chất, tiền tài, được quyền danh, được đủ thứ trên đời, nói tắt chính là tham. Cái tham không có điểm dừng và sẽ dẫn ta đi đến nhiều hành động sai lầm mà nếu có một đoàn thể tâm linh hùng mạnh nào đó cũng không thể cứu nổi ta.

Tâm linh không hẳn là tôn giáo. Có rất nhiều người không theo bất kỳ một tôn giáo cụ thể, nhưng họ vẫn có một đời sống tâm linh vững chắc. Như Dalai Lama từng nói, tôn giáo của Ngài chính là lòng từ bi. Vì sao sống cần phải sống tử tế và giàu tình thương? Vì cho điều gì sẽ nhận lại điều đó. Tin vào luật nhân quả, đó chính là một trong những điểm cốt lõi của đời sống có tâm linh.

Vậy, có một định nghĩa đơn giản dễ hiểu nào cho một đời sống tâm linh lành mạnh, để ai cũng có thể thực hành? Thật khó để có câu trả lời xác đáng và đầy đủ cho câu hỏi này. Bởi tùy vào ta là ai, sống đời sống nào, cần điều kiện gì để sống tốt cuộc đời đó. Nhưng, có thể có một điều đơn sơ nhất: Tâm linh, đó là tin vào linh cảm đẹp của trái tim.

Thực hành đời sống tâm linh càng nhiều, ta dễ dàng an tâm đón nhận những vô thường bất tận của cuộc đời. Ta biết rằng càng ít điều kiện, càng ít lý luận, càng ít đòi hỏi - vốn là những sản phẩm của lý trí chấp thủ, thì ta càng dễ dàng an vui, tâm hồn càng rộng mở. Bởi ta và cuộc đời đã nhìn thấy nhau không bằng mắt thường mà bằng trái tim và tâm hồn. Và, hãy “đến để thấy” (ehi-passika), như Đức Phật đã từng dạy.
Bùi Lan Xuân Phượng

Đạo Tràng Hương Sen Xứ Nghệ dâng hương tại Chùa Hương Tích - Hà Tĩnh

Đạo Tràng Hương Sen Xứ Nghệ dâng hương tại Chùa Hương Tích - Hà Tĩnh

Đăng lúc: 08:10 - 31/01/2017

Lễ chùa đầu Xuân để cầu tài cầu lộc, cầu may mắn bình yên, dường như là nét văn hóa tâm linh không thể thiếu của mỗi người dân Việt. Vì vậy, hằng năm mỗi độ xuân về Đạo Tràng Hương Sen Xứ Nghệ đã có truyền thống dâng hương cầu nguyện tại Chùa Hương Tích - Hà Tĩnh vào ngày mùng 3 Tết.

Con gà trong góc nhìn Phật giáo

Con gà trong góc nhìn Phật giáo

Đăng lúc: 20:06 - 03/01/2017

Tết Nguyên đán bước sang năm mới 2017 theo chu kỳ can chi là tết Đinh Dậu, Tết con gà. Trong đời thường lẫn văn học nghệ thuật dân gian, hình tượng con gà gắn bó mật thiết với hình ảnh của sự chăm chỉ, dũng mãnh “gà trống gọi mặt trời”, tình mẫu tử “gà mẹ xù lông bảo vệ con” hay như một lời chúc cho cho gia đình con cháu đề huề, vợ chồng mới cưới sớm có con qua bức tranh “Đàn gà mẹ con” của dòng tranh Đông Hồ nổi tiếng…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Việt Nam cũng là đất nước gắn bó mật thiết với Phật giáo với hơn hai nghìn năm hình thành và phát triển của đạo Phật. Vậy thì con gà có vai trò gì từ góc nhìn Phật giáo hay không? Đây là câu hỏi được nhiều người đặt ra và nhất là thời điểm này, Tết con gà Đinh Dậu 2017 đang đến rất gần…

Gà trống – biểu tượng của tham?

Nhằm trả lời câu hỏi này, tháng 2/2016 tác giả Nguyễn Kim Sơn đã có một bài viết về hình tượng con gà trong kinh điển Phật giáo. Có thể đây chỉ là quan điểm cá nhân, nhưng những thông tin cung cấp trong bài viết cũng khá thú vị, đáng để tham khảo.

Theo đó, tác giả Nguyễn Kim Sơn cho rằng, có ba con vật mà kinh điển Phật giáo nói tới nhiều lần và được xem như những biểu tượng quan trọng, đó là con gà trống, rắn độc và con lợn. Ba con vật này là biểu tượng của Tam độc, đó là Tham – Sân - Si (贪、瞋、痴 - tham dục, oán hận và ngu độn). Gọi là Tam độc vì nó là độc tố của tâm, hủy hoại tinh thần và thể xác, ngăn cản con người ngộ đạo. Tam độc là nguồn gốc của khổ đau và phiền não.

Cụ thể, gà trống – biểu tượng của lòng tham. Con gà trống thích một mình quản lãnh đàn gà mái đông như phi tần trong cung vua. Để bảo vệ quyền sở hữu đám gà mái, nó sẵn sàng xù lông dương cựa đánh đuổi bất kỳ con gà trống nào khác xâm nhập lãnh thổ của nó. Đó là tham ái, tham dục.

Gà trống mổ thức ăn nó nhìn thấy như một sự đánh dấu sở hữu, dẫu nó đã no không thể ăn được nữa. Đó là sự tham luyến vật dục không giới hạn. Phật giáo quan niệm “tham” là động cơ gốc, là căn cội của sự thất vọng, không thỏa mãn, bất hạnh, là nguyên nhân của chiến tranh, tàn ác, cướp bóc tranh giành và những thói xấu. Tham tức là khổ. Giảm lòng tham là phép giải độc tố cho tâm, khiến cho nó trong trẻo an lạc.

Rắn độc – biểu tượng của sân hận, giận giữ, oán thù và sự nguy hiểm. Con rắn độc mang sẵn trong mình nó nọc độc. Nó dùng nọc độc để hạ gục con mồi, hạ gục đối phương. Nó dùng độc để tự vệ, dùng độc để đối đãi với kẻ khác và đặc biệt hơn nữa là nó đem độc để đối đãi đời, đối đãi với đời bằng răng nanh và túi nọc độc.

Con rắn độc sẽ có con khác độc hơn trị nó. Thấy rắn độc người ta xa lánh hay tìm cách tiêu diệt nó. Bản thân nó tồn tại với tư cách một nguy cơ nên bất an và không chung sống an hòa, với muôn loài. Lòng sân hận và oán thù trong tâm người là một loại độc tố. Nó thiêu đốt tâm người ta khiến người ta không yên, nó gây ra sự bất hòa, thậm chí là tội ác.

Bản thân kẻ ôm ấp thù hận và sự giận giữ trong lòng cũng tự hủy hoại tâm mình. Đem oán thù mà đáp trả oán thù thì oán thù chỉ càng thêm chồng chất. Người ta thường nói có ba thứ nên quên, đó là tuổi tác, bệnh tật và oán thù. Buông bỏ oán thù, hỷ xả với giận giữ, tha thứ cho lỗi lầm của người khác vừa tốt cho người vừa thải độc được cho tâm ta.

Con lợn – biểu tượng của sự ngu si tăm tối. Người đời đã tổng kết “ngu như lợn”, biểu tượng sinh động của sự ngu. Nó ăn tích mỡ tích thịt và đợi tới ngày bị người ta mổ thịt. Phật giáo không nhấn mạnh sự ngu ở chỗ thiểu năng trí tuệ hay sự kém cỏi có tính di truyền của tính loài. Bản thân sự ngu cũng không phải là tội.

Phật giáo muốn lưu ý tới việc con người chìm đắm trong bến mê mà không tự biết, ở trong sự nguy mà không biết nguy. Người đời chạy theo vật dục mà không biết nó là nguy hiểm, ngày ngày sân hận mà không biết đó là độc nhiễm. Đáng dừng mà không biết dừng.

Cứ yên trong mê mà lầm là sáng suốt khôn ngoan, có năng lực tự thức ngộ mà không biết khởi phát để nhận thức thấu triệt được bản chân của tồn tại nghĩa là si.

Si là nhầm lẫn, u tối, tưởng thỏa được vật dục là sung sướng, tưởng tranh cạnh hơn người là thông minh. Cái trí tuệ mà đẩy con người dài theo tham sân thì đó vẫn là si. Chỉ một trí tuệ bát nhã, thứ trí tuệ giúp người ta giải được độc của tham ái, của sân hận, của u tối lầm lẫn mới là trí tuệ đích thực.

Có hay không sự quả báo cho những người sát sinh gà?

Trong giáo lý của mình, đạo Phật khuyên không nên sát sinh quả báo của việc sát sinh là vô cùng đau khổ, đó cũng chính là lý do tại sao, sát sinh là một trong năm giới cấm mà người Phật tử tại gia khi quy y Tam bảo phải quyết tâm thực hiện. Lý thuyết của Phật giáo sau này khoa học đã chứng minh khi các nghiên cứu cho rằng hầu hết súc vật đều có bộ não và hệ thần kinh như con người.

Chúng cũng có cảm giác, biết nóng lạnh, sợ hãi, tham sống và sợ chết. Khi sợ hãi, nhịp tim của chúng đập mạnh, áp suất máu lên cao, hơi thở hổn hển, thậm chí nhiều con còn chảy nước mắt. Thế nên, tước bỏ mạng sống của một con vật là việc làm không nên và quả báo của việc sát sinh sẽ vô cùng nặng nề.

Quay trở lại với chuyện con gà, cư sĩ Trịnh Tùng trong quyển sách “Nhân quả báo ứng những điều mắt thấy tai nghe” đã viết về sự quả báo cho những người sát sinh gà.

Theo đó, tại Thiên Thai – Đông Bắc có một vị bác sĩ mới ra nghề nhưng rất giỏi. Một ngày nọ, có người phụ nữ hơn 40 tuổi tìm đến khám bệnh. Cô ta bảo bị đau trong yết hầu, nhờ bác sĩ chữa trị.

Bác sĩ xem kỹ bộ dáng của cô, người bệnh nhân này có tiếng nói “Oát, oát” giống như tiếng gà kêu, đồng thời thân thể run run, còn hai tay thì cứ với với như hai cánh của con gà đang đập. Bác sĩ lại khám trong yết hầu của cô, nhưng phía trong yết hầu lại không có bệnh gì cả, việc này khiến vị bác sĩ vô cùng khó hiểu.

Bác sĩ là người Nùng Vĩ, hơn nữa lại là một Phật tử thuần thành. Anh có một gia đình rất hạnh phúc. Mọi người trong gia đình anh từ lớn đến nhỏ đều quy y Tam Bảo, giữ giới tu hành. Anh thấy căn bệnh của người phụ nữ rất giống trạng thái con gà khi bị cắt tiết nên anh đoán ra cô ta đã ăn thịt gà quá nhiều, hai là cô có thể là người buôn bán gà.

Sau khi hỏi kỹ, quả nhiên đúng như những gì anh đã tiên đoán, cô là chủ của một tiệm bán gà ở gần đó. Vì vậy anh nói: “Theo tôi khám thì thấy cô không bệnh về thân, mà đây là bệnh nghiệp, nên có lẽ tôi không có cách để chữa trị cho cô được”. Nghe xong, người phụ nữ này vẫy vẫy hai tay giống như hai cánh gà, miệng thì kêu “oát, oát” giống y như hình trạng con gà đang giẫy chết. Vừa về tới nhà thì cô ngã ngửa ra tắt thở.

Bên cầu Nhật Bản mọc lên tiệm bán gà, lúc mới mở tiệm này do hai người hùn vốn lại làm ăn, nhưng một thời gian sau đó thì tách ra riêng. Khi người chủ được 50 tuổi thì người vợ qua đời, không bao lâu thì đứa con gái đầu và con gái thứ đều lần lượt chết, ông chủ cũng mắc phải căn bệnh quái ác.

Ông đi đủ thầy, tìm đủ thuốc, tốn rất nhiều tiền của nên bệnh mới dần dần bình phục. Bảy năm sau, bệnh ông bỗng nhiên tái phát dữ dội, càng ngày bệnh càng trầm trọng hơn, thuốc bao nhiêu cũng không còn tác dụng nữa. Ông gọi con trai cả cùng con dâu đến bên cạnh và nói: “Ba đau quá! Mau lên, mau lên, các con hãy đuổi những con gà ở xung quanh ba đi!”.

Ông vừa nói vừa tỏ ra rất đau đớn. Con cháu hỏi lý do vì sao ông lại nói như thế, ông nén cơn đau bảo: “ Các con không thấy sao? Do trước kia ba giết gà, nên bây giờ những con gà bị giết nó xúm lại quanh ba. Có con còn dùng chân cào lên mình ba, có con mổ khắp người ba. Đau nhức quá! Các con ơi, làm ơn đuổi những con gà giùm ba đi. Đau quá, sợ quá! Kiếm tiền nhiều để làm gì mà không trị được bệnh đây trời ơi. Không, không nên làm cái nghề này nữa”. Nói xong thì tắt thở, từ đó con cháu ông sợ nên bỏ nghề, không còn dám bán gà nữa.

Những câu chuyện trên có thể có thật hoặc chỉ là một sự đúc kết để hướng tới một thông điệp: Không nên sát sinh! Nhưng dù thế nào thì cũng có thể thấy cho dù bạn là ai, có tín ngưỡng hay không tín ngưỡng, có tin nhân quả hay không tin thì bạn vẫn phải chịu sự chi phối của định luật nhân quả.

Gieo nhân thiện gặt quả thiện, gieo nhân ác nhất định sẽ gặt ác báo, không sớm thì muộn. Luật nhân quả không bỏ sót một mảy lông, một bụi trần. Tin sâu và luật nhân quả, ngăn ngừa ý nghĩ ác, lời nói ác và việc làm ác thì cuộc sống của mỗi người mới được an vui trên cõi trần ngắn như chớp mắt này.

Linh Thụy

Thiêng Liêng Đêm Hoa Đăng Chùa Đức Hậu

Thiêng Liêng Đêm Hoa Đăng Chùa Đức Hậu

Đăng lúc: 10:53 - 19/12/2016

Đêm 15-12-2016 Tức ngày 17/11/ÂL, trong chương trình tuần lễ tu tập kỷ niệm Khánh đản Đức Phật A Di Đà, chùa Đức Hậu đã trang nghiêm tổ chức lễ cúng dường hoa đăng và thực tập quán niệm, tiếp xúc hạt giống Di Đà trong nội tâm và xây dựng Tịnh độ hiện tiền. Sau thời Pháp thoại của Đại Đức giảng sư Thích Nguyên Liên , đại chúng đã bắt đầu thực hiện nghi thức truyền đăng, toạ thiền và niệm Phật.
Trong không khí trang nghiêm sâu lắng, đại chúng đã cùng nhau thực tập tìm về tự tính Di Đà trong nội tâm, thực tập gửi năng lượng thương yêu đến với tất cả chúng sinh. Đặc biệt hơn nữa, trong đêm hoa đăng tất cả các Phật tử thuộc Đạo Tràng Hương Sen Xứ Nghệ cùng nhau gửi gắm năng lượng chánh niệm cầu nguyện cho Hương Linh thân mẫu Đại Đức Thích Đinh Tuệ là Cụ Bà Nguyễn Thị Chốn pháp danh Thánh Hộ vừa qua đời tại Tràng Bom, Đồng Nai. Phút giây quán niệm thật sâu lắng, đại chúng được nghe và thực tập lời quán niệm theo sự hướng dẫn của Chư Tôn Đức trong ban giáo Tho: " Hiểu rằng thế cuộc là vô thường nhân sinh luôn thống khổ, vì thế chúng con nguyện cố gắng tu tập chuyên cần thực hành Giáo Pháp của ngài , y giáo phụng hành theo những gì ngài đã chỉ dạy, để một ngày nào đó tất cả mọi người mọi loài trong mười phương thế giới đều được an trụ trong chín phẩm sen vàng Cực Lạc, thể nhập được tự tính A Di Đà trong chính bản thế tự tâm". Cuối thời khóa thực tập, đại chúng được Thượng Tọa Thích Nguyên Liên đại diện Chư Tôn Đức chứng minh ban lời đạo từ, sách tấn tu tập theo pháp môn Tịnh Độ chú trọng vào 3 tiêu chí: Tín, Nguyện và Hạnh . Sau khi lần lượt dâng ngọn liên đăng cúng dường Tam Bảo, đại chúng được nhận lộc, là một chiếc bánh chưng " An dưỡng " . Đêm hoa đăng kết thúc trong niềm hoan hỉ vô biên của toàn thể đại chúng , chính thức khép lại khóa tu một tuần nhân kỷ niệm Khánh Đản Đức Phật A Di Đà tại Chùa Đức Hậu.
Sau đây là một số hình ảnh:

Biết ơn - nền tảng của hướng thiện

Biết ơn - nền tảng của hướng thiện

Đăng lúc: 21:38 - 03/12/2016

Biết ơn, tiếng Pāli là kataññutā và thường đi đôi với từ katavedi. Kataññutā nghĩa là khởi tâm biết ơn khi mình có được lợi ích từ việc thọ nhận vật gì hay sự tử tế nào đó từ người khác, còn katavedi nghĩa là thể hiện sự biết ơn đó qua lời nói hay hành động. Kataññutā khi đứng một mình bao hàm cả nghĩa của từ katavedi.

Biết ơn, tiếng Anh là gratitude, xuất phát từ gốc La-tinh là gratia, nghĩa là ơn huệ, biết ơn. Theo Pruyser (1976), tất cả những từ xuất phát từ gốc gratia đều có nghĩa là “Phải làm tất cả mọi điều với lòng tốt, tâm lượng rộng rãi, như là một món quà, cao đẹp trong việc cho và nhận một cái gì đó một cách không vụ lợi” (tr.69).

Emmons và Shelton (2002) định nghĩa biết ơn là “cảm giác kỳ diệu, cảm giác mang ơn và ghi nhận giá trị cuộc sống” (tr.460). Trên phương diện đạo đức, biết ơn là cơ sở để hình thành và nuôi dưỡng các tâm niệm lành, các hành động thiện và những suy nghĩ tích cực trên con đường hướng thiện được cụ thể hóa qua các nội dung sau:
Biết ơn giúp chúng ta đối xử tốt với mọi người

Trong Phật giáo, biết ơn là khái niệm dùng để chỉ cảm giác mang ơn và có ý muốn đền ơn khi chúng ta thọ nhận một hành vi tốt từ một người nào đó. Tachibana giải thích rằng, hình thức đền ơn căn bản và quan trọng nhất liên hệ đến việc chu toàn bổn phận của người con đối với cha mẹ; trái lại, bất hiếu với cha mẹ là một trong những tội ác lớn nhất của con người (tr.235). Do đó, người biết ơn là người thực hiện hành vi đền ơn với tất cả như một người con làm tròn bổn phận đối với cha mẹ, hay ít ra là xem tất cả như người thân của mình. Cách đền ơn toàn tâm toàn ý như vậy đáng được thực hành và nhân rộng trong cộng đồng xã hội. Mỗi người đều nên khởi tâm biết ơn người khác như một bổn phận báo đền công ơn thọ nhận trong cuộc sống. Do đó, trong các mối quan hệ xã hội, quá trình cho-nhận được thiết lập và thường xuyên diễn ra thì sự thương yêu, tôn trọng và sẵn lòng làm tất cả những gì tốt đẹp cho người khác là việc làm tất nhiên của những con người biết suy nghĩ và quán chiếu.

nsgn.jpg

Cuộc sống là một mạng lưới mà mỗi người là một mắt xích. Do vậy, chúng ta thọ ơn không chỉ với những người thân hay những người mình trực tiếp có được lợi ích về vật chất hay phi vật chất. Trong hàng ngàn các mối quan hệ chằng chịt và phức tạp, trực tiếp cũng như gián tiếp, chúng ta thọ ơn ngay cả những người xa xôi mà chúng ta chưa hề quen biết. Chúng ta không chỉ thọ ơn những người cùng thời đại với mình mà còn chịu ơn những người của bao thế hệ trước nữa. Theo tinh thần Phật giáo, “Khoảng cách về không gian và thời gian không làm ngăn ngại các mối quan hệ. Giáo lý luân hồi của các tôn giáo Ấn Độ, đặc biệt là Phật giáo, dạy chúng ta hiểu rằng, trên thực tế, chúng ta không chỉ có quan hệ với con người mà còn với tất cả chúng sanh” (Tachibana, tr.228).

Một sự thật rằng, chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc khi nói lời cảm ơn ai đó, hoặc đón nhận lời cảm ơn từ người khác. Chúng ta sẽ phấn chấn khi có ai đó nói rằng, chính mình làm cho họ thay đổi theo hướng tích cực và họ biết ơn về điều này. Chúng ta cũng xúc động không kém khi mình đang gặp việc rắc rối, có người tự nguyện tạm gác lại việc của họ để lăn xả vào cuộc giúp mình mà không tính toán so đo. Cảm giác phấn chấn ấy có mặt vì chúng ta thấy việc mình làm đem lại lợi ích thiết thực cho người khác. Cảm giác xúc động ấy là biểu hiện lòng biết ơn của chúng ta dành cho người trải lòng chia sẻ trong lúc mình cần nhất. Trong cả hai trường hợp, biết ơn và được biết ơn đều đem đến cho chúng ta niềm vui, tâm lý an ổn và có cảm xúc cân bằng hơn. Khi chúng ta nhận được lợi ích từ công sức và thiện chí của người khác dành cho mình, tâm niệm biết ơn có mặt, và khi ấy, chúng ta trở nên tử tế hơn, vì hiểu rằng, không lúc này thì lúc khác, không cách này thì cách khác, chúng ta đã, đang hoặc sẽ mang ơn mọi người. Ý niệm này giúp chúng ta sống tử tế hơn với tất cả mọi người.

Biết ơn giúp chúng ta tận tụy hơn trong công việc

Tấm gương sinh động nhất về sự tận tụy trong công việc là Đức Phật. Sau khi thành đạo, việc đầu tiên của Đức Phật là thể hiện lòng biết ơn đối với cây bồ-đề đã che mưa chắn nắng cho Ngài trong suốt thời gian Ngài tu tập cho đến khi chứng nghiệm đạo quả giác ngộ. Nhiều sử liệu kể lại rằng, sau khi hưởng pháp lạc giải thoát, Ngài dành một tuần để đứng trước cây bồ-đề, nhìn về gốc cây với ánh mắt tri ân. Ngài thể hiện lòng biết ơn giáo pháp Ngài vừa tìm được một cách thiết thực nhất là tìm phương pháp để chuyển tải pháp giải thoát đến số đông dân chúng vốn nhiều tầng lớp với đủ các trình độ khác nhau. Khi đã tận tâm tận lực tìm được phương pháp truyền đạt hiệu quả, Ngài bắt đầu cuộc hành trình hoằng truyền giáo pháp, một hành trình đền ơn không có điểm dừng!

Đối tượng đầu tiên Ngài nghĩ đến để trao gởi thông điệp giải thoát là hai vị thầy tâm linh đầu tiên Ngài đã theo học trên con đường tìm cầu chân lý, đó là Alara Kalama và Uddaka Ramaputta. Mặc dù Ngài không chứng đạt giác ngộ khi theo học giáo lý từ hai vị này, nhưng họ là những vị ân nhân trợ duyên không nhỏ trên lộ trình tâm linh của Ngài. Sau khi quán chiếu và biết cả hai vị đều đã mất, Ngài liền nghĩ đến năm người bạn đồng tu khổ hạnh với Ngài trước đó. Đây cũng là những người Ngài từng chịu ơn bởi lẽ nhờ họ mà Ngài biết đến các hình thức khổ hạnh để Ngài tự chiêm nghiệm trong lúc hành trì. Cho dù đây chưa phải là con đường rốt ráo đưa đến giác ngộ giải thoát, nhưng những trải nghiệm này là động cơ giúp Ngài toàn tâm toàn trí để tìm ra lối đi riêng cho mình.

Một thời gian sau, Ngài bắt đầu sự nghiệp hoằng pháp trong tinh thần biết ơn đến những đối tượng khác. Đó là Ngài trở về hoàng cung hóa độ người thân của mình cũng trong tinh thần biết ơn. Ngài độ các vị vua đương thời cũng trong tinh thần báo đáp. Suốt một cuộc đời tận tâm tận lực không mệt mỏi, Ngài thực hiện cuộc hành trình độ sinh trong tinh thần tri ân vô hạn. Thế nhưng, chúng ta quen nhìn Đức Phật là một bậc Đại giác ngộ, Đại từ bi, Đại công đức mà mấy ai thấy Ngài là bậc Đại tri ân đáng cho chúng ta học hỏi trọn đời. Không chỉ thể hiện hành vi giáo dục người khác qua hành động của chính mình, Đức Phật còn thể hiện tinh thần tri ân trong nhiều bài kinh. Trong kinh Điềm lành tối thượng (Mangala sutta - kinh số 4, phẩm Nhỏ, kinh Tập), Đức Phật dạy, biết ơn là một trong các điềm lành tối thượng để tiến bộ trên lộ trình tâm linh.

Lòng biết ơn lại được thể hiện rõ nét qua tấm gương của Tôn giả Sāriputta (Xá Lợi Phất), một trong các vị đệ tử lớn của của Đức Phật. Sau khi gặp Tôn giả Assaji (Ác Bệ), Tôn giả Sāriputta hiểu được lý nhân duyên và tỏ ngộ chân lý. Từ đó, Tôn giả Sāriputta cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình trong sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp để đền đáp ơn lành được gặp Chánh pháp. Tôn giả có trí tuệ siêu tuyệt và phương pháp giảng dạy giáo pháp của Tôn giả thật là đặc biệt. Tôn giả là một trong số ít các đệ tử của Đức Phật có thể thay Đức Phật thuyết pháp cho đại chúng, giảng giải chi tiết, phân tích cụ thể các vấn đề giáo pháp sau khi được Đức Thế Tôn tuyên thuyết một cách vắn tắt và các bài pháp thoại ấy đều được ghi lại trong một số kinh Nikāya (điển hình như Trung bộ kinh số 5: kinh Không uế nhiễm; Trung bộ kinh số 144: kinh Giáo giới Chanda; Tương ưng bộ kinh, tập IV, chương X, kinh Sāriputta-Kotthika; Tăng chi bộ kinh, chương II, phẩm IV, kinh số 5: Đất; Tăng chi bộ kinh, chương III, phẩm III, kinh số 21: Chứng thực với thân; chương III, phẩm XIII, kinh số 128: Anuruddha; chương III, phẩm XVI, kinh số 158: Thối đọa; chương IV, phẩm XVIII, kinh số 173: Phân tích). Tôn giả là cánh tay đắc lực của Đức Phật trong quá trình truyền bá Chánh pháp. Tấm gương tri ân và báo ân của Ngài thật đáng để chúng ta ngưỡng mộ và noi theo.

Như vậy, biết ơn và dốc lòng tận tụy sống một cuộc đời đem lại lợi ích cho mọi người để đền ơn là đặc tính tự nhiên của bậc trí, tựa như chúng ta hít thở khí trời. Người trí thực hành lòng biết ơn và đền ơn trong tinh thần phục vụ như một bản năng, một bổn phận. Với trí tuệ siêu phàm và tâm từ rộng lớn, người trí rõ biết và cảm nhận được những lợi ích có được từ con người và cuộc sống xung quanh. Nếu không cảm nhận được điều này từ bản chất, việc phát khởi tâm biết ơn là một điều không phải dễ dàng, và càng khó hơn là thể hiện tâm biết ơn đó bằng sự tận tụy và hết lòng trong công việc.

Biết ơn giúp chúng ta thực hành pháp bố thí tốt hơn

Chính vì muốn nuôi dưỡng tâm niệm biết ơn các thành phần xã hội trong cộng đồng để tiến bộ và từng bước hoàn thiện nhân cách của mình, Đức Phật dạy các đệ tử của Ngài cần phải bố thí như là biểu hiện của lòng biết ơn. Mình biết nhận từ người khác và có được lợi ích từ sự thọ lãnh này thì cần phải khởi tâm ban tặng như một quy luật của cuộc sống. Ngài dạy “Có hai loại bố thí, đó là bố thí tài vật và bố thí pháp. Trong hai loại bố thí này, pháp thí tối thắng hơn” (Pháp cú, câu 354; Tăng chi bộ kinh, chương II, phẩm XIII: Bố thí). Người đệ tử xuất gia của Ngài chuyên tâm học pháp và hành pháp, thì sẽ có pháp làm món quà tối thượng để chia sẻ với mọi người. Do đó, cả cuộc đời của người xuất gia là tận tụy, chuyên tâm tu học để thể hiện lòng biết ơn và đền ơn đối với mọi người, mọi loài trong vòng duyên sinh kết nối rộng lớn này qua cách thức cho đi và nhận lại.

Theo truyền thống, Đức Phật dạy, người xuất gia không trực tiếp làm một nghề nào như người cư sĩ để nuôi sống bản thân (kinh Di giáo) mà sống tùy vào sự phát tâm cúng dường của hàng cư sĩ tại gia để nuôi dưỡng tâm niệm tri ân thông qua việc chuyên tâm bố thí món quà tâm linh đến hàng cư sĩ ngoại hộ. Trong khi đó, người cư sĩ còn phải làm nhiều bổn phận ở đời, phải làm các nghề để kiếm kế sinh nhai, nên chưa thể toàn tâm dành hết thời gian trong ngày để học pháp và hành pháp. Họ mong được hiểu giáo pháp Đức Phật được truyền đạt từ người xuất gia và đáp lại, họ có điều kiện để cúng dường tài vật đến các bậc thầy tâm linh. Những lời Đức Phật dạy được ghi lại trong nhiều kinh rằng, người xuất gia là ruộng phước tối thượng để người cư sĩ gieo trồng công đức (Tăng chi bộ kinh, tập 1, chương III, phẩm 7, mục 70: Các lễ Uposatha; mục 75: Cần phải khích lệ; phẩm 10: phẩm Hạt muối; mục 94: Con ngựa thuần thục; phẩm 14: Kẻ chiến sĩ, mục 131: Kẻ chiến sĩ).

Do đó, người xuất gia bố thí pháp, người cư sĩ tại gia cúng dường tài vật là việc làm nhằm tạo cho đôi bên ý thức được cuộc sống do duyên nhau mà tồn tại trong quan hệ cho-nhận trực tiếp giữa người xuất gia và tại gia, qua đó thể hiện và nuôi dưỡng tâm niệm biết ơn. Mỗi người nương vào pháp bố thí này như một bài thực hành căn bản để khởi niệm biết ơn dễ dàng hơn đến với những người không tham gia vào vòng cho-nhận trực tiếp. Từ ý niệm biết ơn trong quan hệ cho-nhận, chúng ta tự nhắc nhở mình - phải biết cho đi để xứng đáng với những gì mình đang nhận lại từ cuộc đời này. Với tâm niệm biết ơn như vậy, mỗi người nên có trách nhiệm với nhau hơn, mở rộng khối óc và đôi tay, sẵn sàng thực hành bố thí trong tinh thần “món vay món trả phải đồng”.

Biết ơn giúp chúng ta hài lòng với cuộc sống thực tại

Khi thấy mình là kẻ thọ ơn, chúng ta dễ dàng có cảm giác hoan hỷ chấp nhận và có tâm lý hài lòng, bằng lòng với những gì mình đang có hay vị trí mình đang là. Cảm giác này hoàn toàn chủ quan và mang tính tương đối. Cùng trong một điều kiện sống, người hài lòng thì cảm nhận được hạnh phúc, an lạc, nhưng người không hài lòng thì cảm nhận sự đau khổ, bất an. Cùng trong một môi trường, không gian sống, khi này chúng ta hài lòng, lúc khác chúng ta lại không vừa ý. Với vật chất thế gian, con người chỉ có được trạng thái hài lòng tạm thời mà thôi. Tâm chao đảo, mất cân bằng do tham đắm và bám víu vào những gì chúng ta ưa thích, từ chối và đẩy ra những gì chúng ta không ưa thích khiến chúng ta khó có được sự hài lòng lâu bền. Chỉ khi nào biết trân quý những gì chúng ta đang có, đang sử dụng với ý niệm biết ơn, biết đủ, chúng ta mới dừng tâm đòi hỏi và tìm cầu để sống một cuộc đời trọn vẹn với thực tại.

Thường xuyên thực hành hạnh biết ơn sẽ giúp chúng ta có cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ và an lành. Người không hài lòng với những gì mình đang có thì không thể ý thức được rằng mình đang thọ ơn người khác. Do vậy, thay vì khởi niệm biết ơn, họ chỉ có thể khởi tâm phàn nàn. Biết ơn, đơn giản là có cảm giác mình là người thọ lãnh và ghi nhận giá trị của những gì mình nhận được từ con người và cuộc sống. Ý niệm biết ơn là mạch máu làm tươi nhuận con tim, nuôi dưỡng khối óc và tưới tẩm tâm hồn chúng ta. Có rất nhiều cơ hội để chúng ta có thể khởi tâm cảm ơn người khác. Với cảm nhận đầy đủ về những gì mình đang có và những gì mình đang trải qua đủ để chúng ta khởi niệm biết ơn. Thân thể, vóc hình, trí tuệ, sắc đẹp, sức khỏe, tài sản, tình cảm chúng ta sở hữu trong kiếp sống này đủ để nhắc chúng ta khởi niệm cảm ơn những gì cuộc đời ban tặng. Từ trong ý niệm biết ơn, chúng ta biết cách sử dụng những gì chúng ta đang có để đem lại lợi ích cho mình, cho người, sống một cuộc đời đáng sống. Đây là cách thể hiện tinh thần biết ơn và đền ơn một cách thiết thực nhất.

Chúng ta có thể làm cho cuộc sống trở nên phong phú và giàu có với tâm niệm biết ơn. Bằng cách ghi nhận thân và tâm này vốn đã được vay mượn từ cha mẹ thuở mới sinh ra, ghi nhận những gì chúng ta đã, đang và tiếp tục thọ nhận từ người khác trong cuộc sống hàng ngày, ghi nhận giá trị ấy để luôn nhắc nhở mình sống trong tinh thần biết ơn. Chúng ta có trọn quyền và có đủ khả năng điều khiển ý tưởng của mình để đạt được hạnh phúc và bình an trong cuộc sống trên nền tảng của tâm niệm biết ơn. An lạc hay đau khổ, thật ra phần lớn đều do mình chọn lựa hơn là do hoàn cảnh hay từ những thứ bên ngoài đem lại, và tinh thần tri ân và báo ân sẽ giúp ta trong việc này.

Khởi niệm biết ơn không có nghĩa chúng ta phủ nhận - những buồn đau, thất vọng xảy ra với mình như một phần trong cuộc sống. Biết ơn là nhận ra mình còn được nhiều thứ từ cuộc đời này và hãy lấy những cái có được ấy làm toa thuốc trị bệnh đau buồn. Một khi chúng ta phàn nàn, nghĩa là chúng ta cảm thấy thiếu thốn hay không hài lòng với cuộc sống hiện tại thì chúng ta có thể khởi lên ý niệm biết ơn chăng? Cứ quay lại nhìn mình, nhìn lại những gì mình đang có, đủ để chúng ta khởi niệm cảm ơn, để tâm hồn bình an và cảm thấy hài lòng với cuộc sống còn nhiều điều bất toàn này. Vấn đề là khi biết khởi tâm biết ơn, chúng ta có đủ khả năng vượt trên những đau buồn như một cơ hội để trưởng thành. Người khôn ngoan biết lấy nghịch cảnh làm cơ hội để học hỏi và tự thân biết cách vươn lên từ trong bĩ cực nhằm hóa giải và thăng hoa nỗi đau thành niềm vui. Rác rưởi có thể sử dụng thành dưỡng chất cho cây lá tươi xanh đâm chồi nảy lộc, cho hoa trái khoe hương tỏa sắc giữa đất trời.

Khi chúng ta chú ý đến điều gì, cái đó trở nên quan trọng và chiếm vị trí trung tâm trong tất cả suy nghĩ, ý tưởng của mình. Hơn thế nữa, bao nhiêu ý tưởng liên quan đến từ khóa ấy cũng lần lượt xuất hiện. Ví như khi chúng ta gõ một từ khóa nào đó vào hệ thống tìm kiếm trên mạng, như Google chẳng hạn, thì lần lượt từng trang một, bao nội dung liên quan đến từ khóa ấy đều xuất hiện, chúng ta dễ dàng tìm tiếp và tìm tiếp nữa. Cũng như vậy, khi có một ‘từ khóa’ nào đó xuất hiện trong ý tưởng, ví dụ đó là một điều chúng ta ước muốn. Thế là biết bao ý tưởng đều từ đó phát sinh. Tương tự chim bay theo đàn, ý tưởng cuộn theo từng mảng chứ không tồn tại riêng lẻ bao giờ. Một sự thật rằng, chúng ta không nhận được những gì mình mong muốn, nên chúng ta không hài lòng với cuộc sống hiện tại. Nếu mỗi ngày chúng ta dành 5 phút để ước muốn thì thời gian 1.435 phút còn lại (24 tiếng đồng hồ là 1.440 phút) trong ngày chỉ để lo lắng, suy nghĩ. Vậy liệu những mong muốn của mình có thành tựu hay không? Ham muốn chỉ đến với người không hài lòng thực tại và không biết cách khởi niệm biết ơn.

Do đó, người không biết ơn thì tâm luôn lăng xăng bận rộn mà không thể hướng thượng và hướng thiện. Nếu chúng ta bình tâm quan sát bản thân mình với tất cả năng lực mình đang có, những gì mình đang sở hữu thì chúng ta sẽ đi đúng hướng trong việc dự đoán, chứ không phải mong cầu cho thỏa mãn lòng tham. Làm được thế này, tâm chúng ta sẽ trú trong “ngưỡng an toàn” và không quá bận rộn vô ích với những điều xa rời thực tế với tâm lý mệt mỏi, nhọc nhằn vì mong cầu mà không đạt được. Thay vì lao tâm khổ trí vì những ý tưởng tiêu cực do lo lắng, sợ hãi tạo ra, ý niệm biết ơn sẽ giúp chúng ta trở nên an ổn và thanh thản hơn trong cuộc sống.

Biết ơn giúp chúng ta bớt đi ý tưởng chấp ngã, mở rộng tâm hồn

Một lợi ích nữa là khi chúng ta biết khởi niệm biết ơn thì ý niệm chấp ngã của chúng ta vơi dần. Bằng cách thực hành biết ơn, chúng ta ý thức rõ ràng rằng, chúng ta đơn giản chỉ là một phần không thể tách rời của một bộ phận lớn hơn. Càng ý thức rõ ràng về mối quan hệ duyên sinh giữa mình và thế giới lớn hơn bên ngoài, chúng ta càng trở nên khiêm tốn hơn, thấy mình bé nhỏ lại và phụ thuộc nhiều vào thế giới chúng ta đang sống. Bớt đi ý niệm chấp ngã không có nghĩa là chúng ta đánh mất mình mà là biểu hiện về sự trưởng thành của nhận thức, là sự trưởng thành về khả năng giữ tâm thăng bằng và an lạc nhờ vào tâm niệm biết ơn.

Sống trên đời này, chúng ta không thể tồn tại, đó là chưa nói đến thành công, nếu không có cha mẹ, thầy, bạn và nhiều người thân hay không thân khác nữa. Hẳn là ít nhất chúng ta không thể không mang ơn những người này. Ý tưởng “những gì tôi có được ngày hôm nay là do bản thân tôi, không ai giúp cả” chỉ phản ánh cái nhìn thiển cận của người vô ơn và chấp ngã mà thôi. Chính tâm niệm biết ơn giúp chúng ta hạnh phúc trong vòng tay của người thân như cha mẹ, thầy tổ, bạn bè. Đây là động cơ để mở lòng sống tốt với mọi người và là cách hướng đến con đường thánh thiện trong mọi tình huống. Khi bắt đầu cảm nhận được lợi ích và ý nghĩa với những gì mình trải nghiệm, chúng ta dễ dàng thấy điều hay, lẽ đẹp nơi người khác. Biết ơn giúp cho chúng ta có niềm tin nhiều hơn trong các mối quan hệ. Biết ơn giúp chúng ta cảm nhận được những gì mình thọ nhận từ người khác để dễ dàng khởi niệm đền ơn. Lưu tâm đến cái tốt, cái đẹp thì những tâm niệm và hành động tốt đẹp dễ dàng phát sinh và chúng ta có thể nhân rộng những điều thiện lành trong cuộc sống và rộng dần ra từ nơi chúng ta sinh sống.

Với tâm rộng mở trong tinh thần biết ơn, chúng ta dễ tha thứ hơn, nhờ đó các vết đau tâm lý dễ chữa lành hơn. Tha thứ là chìa khóa để chữa lành vết thương tâm lý và cảm xúc, đồng thời, tha thứ chỉ có thể làm được khi khởi lên ý niệm biết ơn. Trong đau buồn mà vẫn thấy mình “được” chứ không mất, chúng ta mới có thể khởi niệm biết ơn và dễ dàng tha thứ. Tha thứ có thể thuần túy diễn ra từ trong ý niệm thông qua trị liệu, thiền định, thực hành tâm từ bi và sẵn lòng cảm thông đối với tất cả mọi người. Tha thứ cho chính mình hay người nào đó là chất liệu nuôi dưỡng chúng ta trưởng thành hơn và chữa lành vết thương lòng nhanh hơn.

Biết ơn giúp chúng ta vững vàng hơn trong cuộc sống

Trong những tình huống khó khăn nhất, tâm chúng ta chùn xuống và các tâm lý tiêu cực đua nhau xuất hiện trên bề mặt ý thức. Điều này làm cho nỗi đau trương phồng thêm lên một cách không cần thiết. Trong những tình huống như vậy, nếu chúng ta bình tâm nhìn lại để kịp nhận ra rằng, những gì chúng ta đang có, kể cả nỗi khổ niềm đau vừa lưu dấu trong tâm, là món quà vô giá để chúng ta khởi tâm cảm ơn tất cả. Sự mất mát để lại niềm đau, nhưng đáng giá hơn là bài học vô thường sinh động mà cuộc đời ban tặng. Chúng ta hãy biết ơn điều này và với tâm lý biết ơn như vậy, đau thương mất mát được chữa lành nhanh chóng.

Biểu hiện lòng biết ơn đối với người khác có nghĩa là chúng ta đang dành cho người ấy một sự ghi nhận và hỗ trợ tinh thần với ngụ ý rằng việc người ấy làm cho chúng ta là có ý nghĩa. Điều này tạo cho người ấy tăng thêm niềm tin việc mình làm là đúng, từ đó khởi tâm hoan hỷ, tinh thần phấn chấn hơn và sống bình an hơn.

Nếu thường xuyên khởi niệm biết ơn, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra những thay đổi mới mẻ trong ta và trong cuộc sống. Đồng thời, chúng ta cũng cảm nhận được sự đóng góp của người khác vào sự thành công của bản thân mình một cách dễ dàng. Mỗi bước tiến trên lộ trình tâm linh là mỗi cơ hội để chúng ta thể hiện tâm biết ơn của mình. Biết ơn chính là động cơ, là nền tảng cho mỗi bước tiến trên con đường hướng thiện của bản thân mỗi người. Với sự biến đổi không ngừng của môi trường và cuộc sống, chúng ta phải luôn xem lại mình để thích ứng với hoàn cảnh hiện tại. Mỗi lần thích nghi với môi trường hay hoàn cảnh mới, chúng ta có cơ hội cảm ơn tất cả để chúng ta có thể vươn lên một nấc thang cao hơn, một trạng thái hài lòng được thiết lập trong quá trình tu tập.

Ngay cả trong hoàn cảnh không như ý, chúng ta cũng nên khởi tâm biết ơn vì nhờ có khó khăn, thất bại chúng ta mới có dịp hiểu rõ khả năng thực tế và kỹ năng xoay xở tình huống của bản thân, cũng như có dịp quan sát những tâm lý khởi lên và dâng trào đến mức độ nào trong bối cảnh bất như ý đó. Đây là cơ sở quan trọng để chúng ta định hướng, hạ quyết tâm để đứng vững và bước chắc trên con đường hướng thượng nhằm hoàn thiện nhân cách của mình.

Biết ơn đem lại nhiều lợi ích từ cơ thể khỏe mạnh đến tâm lý ổn định, tinh thần sảng khoái và làm tươi mát cuộc sống nội tâm cũng như trong các quan hệ giao tiếp với người xung quanh. Nếu thường xuyên khởi niệm biết ơn, chúng ta sẽ có cái nhìn thực tế, rõ ràng và chính xác hơn qua lăng kính duyên sinh về khả năng thực tế của bản thân, về sự góp phần của con người, môi trường và những sắc màu mình trải nghiệm trong cuộc sống hàng ngày. Qua lăng kính của biết ơn, mọi vật trở nên trong sáng hơn, con người ngày càng trưởng thành hơn và cuộc sống mỗi ngày càng thêm tươi đẹp hơn.

Liên Trí

________________

Tài liệu tham khảo

Emmons, R A. & Shelton, C. M. (2002). Gratitude and the science of positive psychology. In: Handbook of positive psychology. Snyder, C. R.; Lopez, Shane J.; New York, NY, US: Oxford University Press. 459-471.

Pruyser, P.W. (1976). The minister as diagnostician: Personal problems in pastoral perspective. Philadelphia, PA: Westminster Press.

Tachibana (1992/1975). The ethics of Buddhism. London: Curzon Press.

Thích Minh Châu (dịch) (1996). Tăng chi bộ kinh. TP. Hồ Chí Minh: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành.

Thích Minh Châu (dịch) (1997). Trung bộ kinh. TP. Hồ Chí Minh: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành.

Thích Minh Châu (dịch) (1997). Tương ưng bộ kinh. TP.Hồ Chí Minh: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành.

Phụng tống kim quan HT.Thích Thiện Bình nhập bảo tháp

Phụng tống kim quan HT.Thích Thiện Bình nhập bảo tháp

Đăng lúc: 11:13 - 26/11/2016

Sáng 24-11 (25-10-Bính Thân), Ban Tổ chức tang lễ Đức Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN - cố Trưởng lão HT.Thích Thiện Bình trang nghiêm cử hành lễ tưởng niệm tại chùa Sắc tứ Long Sơn (TP.Nha Trang, Khánh Hòa).
Chứng minh và tham dự buổi lễ có chư tôn đức Giáo phẩm HĐCM, HĐTS TƯGH, các ban ngành, viện, các BTS GHPGVN tỉnh thành.

RJ7A0642.jpg
Trang nghiêm diễn ra lễ tưởng niệm cố Trưởng lão HT.Thích Thiện Bình

Thay mặt Ban Tổ chức tang lễ, HT.Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS đã cung tuyên tiểu sử cố Trưởng lão HT.Thích Thiện Bình.

RJ7A0659.jpg
HT.Thích Thanh Nhiễu cung tuyên tiểu sử cố Trưởng lão Hòa thượng

Theo đó, Hòa thượng thế danh Nguyễn Văn Tuấn, sinh ngày 22 tháng 2 năm Quý Dậu (1933) trong một gia đình thâm tín Tam bảo, ở làng Bình Đông, xã Mỹ Bình, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An.

Nhờ sẵn túc duyên, ngài được HT.Thích Thiện Minh - Hội trưởng Hội Phật học Khánh Hòa đương thời hướng dẫn ra Huế xuất gia với Đức Trưởng lão HT.Thích Giác Nhiên - Trú trì Tổ đình Thiền Tôn, và được ban pháp danh Tâm Địa, pháp tự Thiện Bình, pháp hiệu Chánh Tâm. Sau đó, Hòa thượng Bổn sư cho theo học tại Phật học đường Báo Quốc - một cơ sở đào tạo Tăng tài nổi tiếng thời bấy giờ, do Trưởng lão HT.Thích Trí Thủ làm Giám đốc, được sự trực tiếp giảng dạy của quý Ngài như HT.Thích Đôn Hậu, HT.Thích Mật Thể, HT.Thích Thiện Siêu, HT.Thích Trí Quang, HT.Thích Mật Hiển, HT.Thích Mật Nguyện, HT.Thích Thiện Minh, HT.Thích Minh Châu,…

Năm 1950, sau khi tốt nghiệp tại Phật học đường Báo Quốc, ngài được Hoà thượng Bổn sư cho thọ giới Sa-di tại giới đàn chùa Linh Quang - Thừa Thiên.

Năm 20 tuổi (1952), ngài được Bổn sư cho thọ giới Cụ-túc tại Giới đàn Báo Quốc, do Trưởng lão HT.Thích Tịnh Khiết làm Hòa thượng Đàn đầu.

Năm 22 tuổi, ngài được Tổng hội Phật giáo Việt Nam cử làm giảng sư, dấn thân hành đạo nhằm củng cố và xây dựng cơ sở Phật giáo tại tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị, Tuyên Đức - Đà Lạt, Kon Tum…

RJ7A0650.jpg
Quang cảnh lễ tưởng niệm

Năm 1997, tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV, ngài được suy cử vào Hội đồng Chứng minh, kiêm Ủy viên Kiểm soát Hội đồng Trị sự GHPGVN. Sau đó, năm 2007, ngài được suy tôn đảm nhiệm Phó Thư ký Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh GHPGVN; năm 2012, ngài được suy tôn làm Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN.

Trưởng lão HT.Thích Thiện Bình là thế hệ Tăng tài được đào tạo một cách quy củ trong giai đoạn Chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX, đặc biệt sống trong môi trường Phật học viện nghiêm khắc tại miền Trung, nên Ngài đã được thừa kế một tinh thần phụng sự không biết mệt mỏi vì lý tưởng Bồ-tát đạo, vì sự hưng thịnh của Đạo pháp và Dân tộc.

Mặc dù khi đã tuổi cao sức yếu, nhưng với ý hướng tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức, Ngài vẫn vững chãi trong cương vị lãnh đạo Phật giáo tỉnh nhà, cũng như các Phật sự của Trung ương Giáo hội, gắn bó với Tăng Ni và đồng bào Phật tử.

RJ7A0692.jpg
Kim quan cố Trưởng lão Hòa thượng Phó Pháp chủ trước giờ tổ chức lễ phụng tống nhập tháp

Với những đóng góp cho Đạo pháp và Dân tộc, Trưởng lão HT.Thích Thiện Bình đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Độc lập hạng ba, Huân chương vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc, Bằng khen của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bằng khen của Ủy ban Nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Khánh Hòa, Bằng Tuyên dương Công đức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và nhiều bằng khen cao quý khác (xem đầy đủ tiểu sử Đức Phó Pháp chủ Thích Thiện Bình).

RJ7A0678.jpg
HT.Thích Thiện Nhơn đọc lời tưởng niệm của TƯGH

RJ7A0652.jpg

Tiếp đó, HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS thay mặt HĐTS tuyên đọc lời tưởng niệm của TƯGH. Tưởng niệm có đoạn: “… Bằng hạnh nguyện Đại thừa, Hòa thượng đã đi vào đời bằng tinh thần đại sĩ, quyết chí dấn thân phụng sự cõi trần. Nơi nào Hòa thượng đến đều làm cho đạo vàng sáng tỏ, đạo đời hòa quyện, một thể viên dung, chan hòa pháp giới.

Hòa thượng đã tùy duyên hóa độ chúng sinh, truyền trì đạo mạch, phát huy chân lý giải thoát ngàn đời một cách trong sáng và tích cực qua các thời kỳ khác nhau của lịch sử. Với tinh thần vô ngã vị tha, đạo tâm trác thế, nêu cao truyền thống hòa hợp đoàn kết, quyết tâm xây dựng Đạo pháp và góp phần thống nhất PGVN, Hòa thượng đã cùng Tăng Ni, Phật tử và Môn phái Tổ đình tiếp nối dòng sinh mệnh hơn 2.000 năm lịch sử của PGVN…”.

RJ7A0685.jpg
HT.Thích Ngộ Tánh đọc lời cảm tạ của BTC

HT.Thích Ngộ Tánh, Phó BTS GHPGVN tỉnh Khánh Hòa, thay mặt BTC tang lễ, BTS và môn đồ pháp phái đọc lời cảm tạ chư tôn đức giáo phẩm Tăng Ni, Phật tử, lãnh đạo chính quyền các cấp đã phúng viếng tưởng niệm và dự lễ phụng tống kim quan cố trưởng lão.

Sau lễ tưởng niệm của TƯGH, lễ phất trần đã được thực hiện theo nghi thức tang lễ thiền môn và phụng tống kim quan Đức Phó pháp chủ Trưởng lão HT.Thích Thiện Bình nhập bảo tháp tại khu tháp Tổ trong khuôn viên chùa Sắc tứ Long Sơn.

RJ7A0695.jpg
Môn đồ đảnh lễ Giác linh cố Trưởng lão Hòa thượng lần cuối

RJ7A0697.jpg
Giây phút bùi ngùi tưởng nhớ "ơn giáo dưỡng một đời nên huệ mạng"

RJ7A0707.jpg

RJ7A0713.jpg
Chư tôn đức HĐCM, HĐTS GHPGVN tưởng niệm

RJ7A0715.jpg
Thực hiện nghi thức phất trần kim quan

RJ7A0726.jpg
Phụng thỉnh di ảnh, long vị cố Trưởng lão Hòa thượng rời Giác linh đường

RJ7A0734.jpg
Nghi thức di quan

RJ7A0760.jpg

RJ7A0795.jpg

RJ7A0800.jpg

RJ7A0843.jpg
Thỉnh kim quan Đức Phó Pháp chủ nhập tháp trong khuôn viên chùa Long Sơn

RJ7A0849.jpg

RJ7A0866.jpg
Kim tĩnh tại khuôn viên chùa

RJ7A0870.jpg

RJ7A0884.jpg
Kim quan cố Trưởng lão Hòa thượng nhập bảo tháp trong sáng nay, 24-11

RJ7A0894.jpg

RJ7A0900.jpg

RJ7A0904.jpg
Rải hoa tiễn biệt một bậc thầy cả đời dấn thân vì đạo cả

Pháp Đăng - Ảnh: Nguyên Sơn

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 10
  • Hôm nay 2,854
  • Tháng hiện tại 39,309
  • Tổng lượt truy cập 23,445,558