Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Trách nhiệm ở nơi mình

Trách nhiệm ở nơi mình

Đăng lúc: 20:49 - 12/06/2016

Bạn phải rèn tánh can đảm để nhìn nhận khi mình phạm lỗi là do thiếu sót của mình.

Theo bản tính con người, tất cả chúng ta đều có khuynh hướng đổ lỗi, trách móc người khác vì những thiếu sót hay bất hạnh của mình. Có bao giờ bạn nghĩ lại rằng chính mình phải chịu trách nhiệm về những vấn đề của mình? Nỗi muộn phiền, bất hạnh của bạn không phải do lời nguyền của ai đó dành cho gia đình bạn, và được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Mà chúng cũng không phải do tội của vị tổ tông nào đó đã đội mồ lên để ám bạn. Nỗi khổ đau của bạn cũng không do Thượng đế hay ma quỷ nào tạo ra. Chính bạn là người tạo khổ cho mình. Chính bạn là người gây bất hạnh cho mình. Chính bạn mới có thể giải thoát cho mình.

Bạn phải tập gánh trách nhiệm cho cuộc đời mình và thừa nhận khuyết điểm của bản thân chứ không oán trách hay phiền hà người khác. Hãy nhớ câu nói của người xưa: “Kẻ vô học luôn đổ lỗi cho người; kẻ có chút học thức tự trách mình, còn người trí không đổ lỗi cho gì cả”.

Là người trí, bạn phải tập tự giải quyết vấn đề của mình mà không trách móc ai cả. Nếu mỗi cá nhân đều cố gắng tự sửa lỗi mình, thì thế giới này sẽ được bình an. Nhưng phần đông chẳng mảy may cố gắng để nhận thức rằng chính họ mới phải chịu trách nhiệm cho rất nhiều bất hạnh xảy ra cho mình. Họ thích tránh né. Họ nhìn ra ngoài để tìm kiếm nguồn gốc vấn đề vì họ miễn cưỡng, không muốn thừa nhận những thiếu sót của bản thân.

Tâm con người thường dễ tự dối mình, nên không ai muốn thừa nhận những yếu kém của bản thân. Họ sẽ tìm lý do gì đó để biện hộ cho hành động của mình và tạo ra ảo tưởng rằng mình không có lỗi. Nếu ta thực sự muốn được giải thoát, ta phải có can đảm thừa nhận sự yếu kém của mình. Đức Phật đã nói: “Thật dễ thấy lỗi người/ Quá khó để nhận ra lỗi mình”.

Bạn phải rèn tánh can đảm để nhìn nhận khi mình phạm lỗi là do thiếu sót của mình. Bạn phải thừa nhận là mình sai. Đừng bắt chước theo kẻ ngu luôn đổ lỗi cho người. Đừng lấy người làm bia đỡ đạn cho mình - làm vậy thật đáng trách. Hãy nhớ rằng bạn có thể thể lừa dối một số người trong một khoảng thời gian, nhưng không thể lừa dối tất cả mọi người, ở mọi lúc. Đức Phật đã dạy: “Kẻ ngu mà không nhận mình ngu, mới thực sự là ngu. Còn người ngu nhưng biết mình ngu thì trong mức độ nào đó cũng là khôn”.

Hãy nhìn nhận sự yếu kém của mình. Đừng trách móc người khác. Bạn phải nhận thức rằng bạn chịu trách nhiệm cho những bất hạnh và khó khăn xảy đến cho bạn. Bạn phải hiểu rằng cách bạn suy nghĩ cũng tạo ra những điều kiện khiến khó khăn xảy đến với bạn. Bạn phải luôn nhớ rằng, bạn có trách nhiệm đối với những vấn đề của mình. Bạn phải luôn nhớ rằng, bạn có trách nhiệm đối với bất cứ điều gì xảy ra cho bạn. “Không phải thế giới có vấn đề, mà vấn đề là ở chúng ta”.

Bạn phải chịu trách nhiệm về mối liên hệ với người khác

Hãy nhớ rằng bất cứ điều gì xảy ra, bạn sẽ không cảm thấy bị tổn thương nếu bạn biết cách giữ tâm thanh thản. Bạn bị tổn thương chỉ vì thái độ tình cảm mà bạn chấp trước đối với bản thân và đối với người. Nếu bạn thương yêu, tử tế với ai, bạn sẽ được đáp trả bằng thái độ thương yêu, tử tế. Nếu bạn tỏ thái độ hằn học, chắc chắn không bao giờ bạn được đáp trả bằng tình thương yêu. Một người sân hận chỉ thở ra khí độc và tự hại mình hơn là hại người. Người trí không để lòng sân khởi lên đáp trả lại sân thì sẽ không bị tổn thương. Hãy nhớ rằng không ai có thể làm tổn thương bạn trừ khi bạn để cho họ làm thế. Khi người khác trách móc, đổ lỗi cho bạn, nhưng bạn một lòng vững tin nơi Pháp (chân lý), thì Pháp sẽ bảo vệ bạn khỏi những sự tấn công, đả kích bất công. Đức Phật đã thuyết: “Ai xâm hại người lành/ Trong sạch, không nhiễm ô/ Điều xấu sẽ rơi ngay kẻ ấy/ Giống như tung bụi ngược chiều gió”.

Nếu bạn để cho người khác thỏa mãn ý nguyện muốn làm tổn thương bạn, thì bạn là người chịu trách nhiệm.

Đừng trách người - Hãy nhận trách nhiệm

Bạn phải tập canh giữ tâm bằng cách duy trì một quan điểm đúng đắn để không có bất cứ điều gì xảy ra ở bên ngoài có thể khiến bạn chao đảo. Bạn đang gặp khó. Nhưng bạn không nên trách móc hoàn cảnh khi sự việc không theo ý mình. Bạn không nên nghĩ rằng mình kém may mắn, là nạn nhân của số mệnh, hay do tâm địa ác độc của người. Không cần biết lý do của bạn là gì, bạn không nên cố gắng đun đẩy trách nhiệm của mình, bằng cách đổ lỗi cho hoàn cảnh. Hãy cố gắng giải quyết vấn đề của bạn một cách vui vẻ. Trong những lúc khó khăn, hãy sống lạc quan. Can đảm chấp nhận thay đổi nếu cần thiết, nhưng cũng phải đủ kiên quyết không chấp nhận điều gì bạn không thể thay đổi. Cần có đủ khôn ngoan để hiểu những vấn đề trong cuộc sống, giống như mọi người khác. Nhưng cũng phải khôn đủ để đối mặt với một số vấn đề mà không cảm thấy bất lực, khổ đau. Những khó khăn là thách thức để chúng ta vượt qua. Những người cố gắng phục vụ người khác gặp nhiều phiền phức hơn những kẻ không làm gì, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là người tốt nên chạnh lòng. Họ cần phải có trí tuệ để nhận thức rằng việc phục vụ không vì tự ngã sẽ có phần thưởng riêng của nó.

“Yêu thương mà không có trí tuệ hoặc có trí tuệ mà không có tình thương đều không thể mang đến một cuộc sống tốt đẹp” (B. Russel).

Bạn phải chịu trách nhiệm về sự bình an nội tâm của mình

Bạn phải học cách bảo vệ sự bình an, thanh tịnh mà bạn đã tạo ra được trong tâm mình. Để gìn giữ nội tâm thanh tịnh, bạn phải biết lúc nào cần đầu hàng; lúc nào phải dẹp bỏ tự ái qua một bên, lúc nào phải che lấp cái ngã giả tạo, lúc nào phải thay đổi thái độ ương ngạnh, hay tà kiến và lúc nào phải thực hành kiên nhẫn. Bạn không nên để kẻ khác tước đoạt sự an bình nội tâm của mình. Bạn có thể duy trì điều đó nếu bạn biết cách hành động khôn ngoan. Trí tuệ xuất hiện khi ta nhận biết vô minh. “Con người không phải là một thiên thần gãy cánh, mà là một sinh vật đang vươn lên”.

Thái độ đúng đắn đối với sự chỉ trích

Bạn phải học cách bảo vệ mình khỏi những chỉ trích bất công và tận dụng những góp ý có tính xây dựng. Bạn phải xem xét một cách vô tư, khách quan những góp ý của người đối với mình. Nếu sự phê bình, góp ý là chính xác, có cơ sở, xuất phát từ thiện ý, thì hãy chấp nhận chúng và sửa đổi. Tuy nhiên, nếu sự chỉ trích, phê bình bất công, không có cơ sở, xuất phát do ác ý, thì bạn không phải chấp nhận chúng. Nếu bạn biết cách ứng xử của mình là đúng, được người trí, có văn hóa chấp nhận, thì đừng lo lắng về sự chỉ trích không có cơ sở đó. Việc bạn hiểu đúng về cả hai sự phê bình có tính xây dựng và ác ý mới là điều quan trọng. Đức Phật đã dạy: “Trên đời này không có ai là không có lỗi”.

Đừng mong đợi điều gì thì không có gì làm bạn thất vọng

Bạn có thể bảo vệ mình khỏi thất vọng bằng cách không mong đợi điều gì quá đáng. Nếu bạn không trông đợi gì, thì không có gì làm bạn thất vọng. Đừng mong đợi phần thưởng cho những gì bạn đã làm được. Hãy làm điều thiện một cách bất vụ lợi bằng lòng tử tế. Nếu bạn có thể giúp đỡ người khác mà không trông đợi sự đáp trả nào, thì bạn không có gì để phải thất vọng. Bạn sẽ là người vĩ đại! Nguồn hạnh phúc phát khởi trong tâm do làm việc thiện chính là phần thưởng lớn của bạn. Hạnh phúc đó khiến ta cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.

Có lẽ bản tính bạn là người tốt, bạn không làm hại đến ai. Dầu vậy bạn vẫn bị người khác chê trách. Bạn phải đối đầu với những khó khăn, thất vọng dầu luôn giúp đỡ và làm điều tốt cho người. Lúc đó bạn có thể nghĩ, “Nếu làm tốt được tốt, làm xấu bị điều xấu, thì tại sao tôi phải gặp tai ương khi tôi hoàn toàn không có lỗi gì? Tại sao tôi có quá nhiều bất hạnh? Quá nhiều thất vọng? Tại sao tôi bị người khác trách móc, phàn nàn dầu tôi làm điều tốt cho họ?”. Câu trả lời đơn giản là khi bạn thực hiện một số việc tốt, bạn phải đối mặt với một số năng lực xấu, một số ma lực. Nếu không, thì là bạn đang gánh chịu một nghiệp xấu đã trổ quả.

Hãy tiếp tục làm điều tốt, rồi dần dần bạn sẽ thoát khỏi những tai ương đó. Hãy nhớ là chính bạn đã tạo ra sự thất vọng cho bản thân và chỉ có bạn mới có thể vượt qua được những thất vọng này, bằng cách quán chiếu về bản chất của nghiệp (hành động và phản ứng) và bản chất của cuộc sống như Đức Phật đã từng mô tả: “Nếu bạn có thể bảo vệ bản thân thì bạn có thể bảo vệ người khác”.

Nguyên tác HT.K. Sri Dhammananda
Diệu Liên Lý Thu Linh chuyển ngữ

(Từ You Are Responsible, trích trong quyển Purpose of Life, Nxb Kong Meng San Phor Kark See Monastery, Awaken Publishing & Design, Singapore)


Về tác giả: HT.K. Sri Dhammananda sinh năm 1919 tai miền Nam Tích Lan. Năm 12 tuổi, ngài xuất gia làm Sa-di, với pháp hiệu Dhammananda, có nghĩa là “người trải nghiệm được hạnh phúc nhờ nương tựa vào Pháp”. Ngài thọ Đại giới năm 1940, sau đó hoàn tất chương trình cao hoc tại Ấn Độ. Năm 1952, ngài được chọn đi Ma Lai đê hỗ trợ cac nhu cầu vê tôn giáo của các Phật tử người Sinhalese ở xứ này.

Nguyên là một vị lãnh đạo trong truyền thống Phật giáo Nguyên thủy ơ Ma Lai và Singapore, ngài là tác giả của hơn 70 đầu sách về đạo Pháp, được dịch ra hơn 16 ngôn ngữ. Là một Pháp sư nổi tiếng, ngài thường được mời đến giảng pháp tại Mỹ, Úc, Anh, Âu châu va nhiều quốc gia khác ở châu Á. Ngài đã an nhiên ra đi ở tuổi 87 vào năm 2006.

Chiêm ngưỡng 5 tu viện Phật giáo đẹp nhất châu Á

Chiêm ngưỡng 5 tu viện Phật giáo đẹp nhất châu Á

Đăng lúc: 15:33 - 06/06/2016

Không chỉ là địa danh tôn giáo, những tu viện dưới đây còn là những kiệt tác kiến trúc đẹp nhất châu Á.

5. Tu viện Taung Kalat, Myanmar
Chiem nguong 5 tu vien Phat giao dep nhat chau A
Du khách phải đi chân trần vượt qua 777 bậc thang để lên đến tu viện trên đỉnh núi.
Tu viện Taung Kalat nằm trên đỉnh núi Popa - một ngọn núi lửa đã tắt với chiều cao 1.500m so với mực nước biển. Muốn lên tới tu viện trên đỉnh núi, bạn được yêu cầu phải bỏ vớ và giày để đi chân trần vượt qua 777 bậc thang. Bạn cũng có thể bắt gặp rất nhiều khỉ trên đường đi và nên giữ hành lý cũng như đồ ăn cẩn thận để tránh bị chúng giật mất.
4. Tu viện Phugta Gompa, Ấn Độ
Chiem nguong 5 tu vien Phat giao dep nhat chau A-Hinh-2
Tu viện Phugta Gompa được xây dựng hoàn toàn bằng gạch, bùn, đá và gỗ.
Tu viện Phugta Gompa nằm ẩn mình trên hẻm núi cao 3.800m ở khu Đông Nam Zanska thuộc dãy núi Himalaya. Đây là nơi ở của khoảng 70 tu sĩ với cấu trúc đặc biệt, được xây dựng từ thế kỷ XII bởi Lama Gangsem Sherap Sampo. Điều đáng kinh ngạc là dù được xây dựng bằng gạch, bùn, đá và gỗ, tu viện này vẫn tồn tại hàng trăm năm qua.
3. Tu viện Ki, Ấn Độ
Chiem nguong 5 tu vien Phat giao dep nhat chau A-Hinh-3
Đây là nơi đào tạo 300 Lạt Ma của Phật giáo Tây Tạng.
Tu viện Ki (đánh vần là Ki, Key hoặc Kee) nằm trong ngôi làng Ki thuộc dãy núi Himalaya. Tu viện Phật giáo Tây Tạng này nằm trên đỉnh của một ngọn đồi cao 4.166m so với mực nước biển, nhìn xuống thung lũng Spiti. Nó là trung tâm đào tạo tôn giáo cho Lạt Ma và từng chứng kiến nhiều cuộc tấn công của quân Mông Cổ và nhiều quân đội khác.
2. Tu viện Paro Taktsang, Bhutan
Chiem nguong 5 tu vien Phat giao dep nhat chau A-Hinh-4
Tương truyền Guru Rinpoche đã cưỡi hổ bay lên vách đá Paro để ngồi thiền suốt ba năm, ba tháng, ba ngày và ba giờ liên tục ở 13 hang động.
Paro Taktsang hay còn gọi là tu viện Hang Hổ nằm chênh vênh bên một vách đá 3.000m ở thung lũng Paro thuộc dãy Himalaya. Theo truyền thuyết, Guru Rinpoche, người được coi là đức Phật thứ hai, đã đến vách đá này bằng cách cưỡi trên lưng một con hổ rồi ngồi thiền định trong các hang động. Tu viện này được xây dựng từ năm 1692 và được trùng tu vào năm 1998. Nơi đây có những khóa tu rất nghiêm ngặt và cách duy nhất để đến đây là đi bộ hoặc cưỡi la.
1. Tu viện Thiksey, Ấn Độ
Chiem nguong 5 tu vien Phat giao dep nhat chau A-Hinh-5
Tu viện Thiksey có kiến trúc rất giống cung điện Potala ở Lhasa.
Là tu viện lớn thứ hai ở bang Ladakh (Ấn Độ), Thiksey gây chú ý bởi nó nằm biệt lập trên một ngọn đồi, bao quanh là hoang mạc cát khổng lồ. Nó bao gồm nhiều tòa nhà có tứ tự cao dần. Một số người liên tưởng nó giống một thị trấn nhỏ màu trắng như trong cổ tích. Đây là một điểm tham quan yêu thích của khách du lịch, nhiều người đánh giá là tu viện đẹp nhất trong khu vực. Một trong những điểm cao nhất ở đây là chùa Di Lặc, trong đó có một bức tượng Phật Di Lặc cao 15m. Nó được xây dựng để kỷ niệm chuyến thăm của Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 vào năm 1970, và mất 4 năm mới hoàn thành.
Mai Hạ (Theo Detechter)

Sự trói buộc của luyến ái

Sự trói buộc của luyến ái

Đăng lúc: 05:27 - 09/07/2015

Câu chuyện sau đây được trích từ Tiểu bộ kinh trong Kinh tạng nguyên thủy có thể sẽ giúp chúng ta có một ý niệm rõ rệt hơn về việc tái sinh lên các cõi trời.


Thuở xưa, ở thành Vương Xá có một người phú ông cực kỳ giàu có, nhưng chỉ có một người con trai duy nhất. Cậu trai này tính tình dễ mến và hình dung rất tuấn tú, khôi ngô. Cha mẹ cậu hết sức thương yêu, nuông chiều và không muốn cho cầu phải khó nhọc về bất cứ điều gì.

Vì thế, họ suy nghĩ rằng: “Việc học hành, cho dù là học chữ nghĩa hay nghề nghiệp cũng đều phải bỏ công nhọc nhằn. Muốn học cho đến khi thành tài phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Nhưng chung quy cũng chỉ là để có được một nghề nghiệp sinh sống mà thôi. Nay vợ chồng ta giàu có, vàng bạc của cải không kể xiết, cho dù con ta có ngồi không mà ăn suốt đời cũng không thể hết được, vậy không cần phải cho nó học hành khó nhọc làm gì.”

Và vì thế, mãi cho đến khi cậu con trai đã đến tuổi trưởng thành, họ vẫn chưa cho cậu ta học hành gì cả, chỉ biết suốt ngày ăn chơi hưởng thụ mà thôi!

Năm cậu mười sáu tuổi, họ cưới cho cậu một cô vợ đẹp. Nhưng thật không may, cô này không phải là người khôn ngoan đức hạnh. Vì thế, đôi vợ chồng trẻ cùng đắm say trong dục lạc, ngày ngày hưởng thụ đủ các trò vui chơi thỏa thích.

Chẳng bao lâu, cả hai vợ chồng người phú ông lần lượt qua đời. Cậu con trai ấy đã quen với lối sống ăn chơi phung phí, vẫn tiếp tục ném tiền qua cửa sổ với những cuộc vui bất tận cùng những cô vũ nữ, ca nhi, những buổi trà rượu...

Vì thế, không đúng như dự đoán của hai vợ chồng phú ông là cậu sẽ “ngồi không mà ăn suốt đời”. Ngược lại, cậu đã làm tiêu tán cả sản nghiệp to lớn của cha mẹ chỉ trong một thời gian rất ngắn!

Thế là cậu trở nên nghèo khó. Và vì chẳng có nghề nghiệp gì trong tay, nên cậu chỉ còn một cách duy nhất để xoay xở cuộc sống là tìm đến những người quen biết cũ để vay nợ. Nhưng rồi cũng không ai có thể cho cậu vay nợ mãi khi cậu thật sự chẳng làm ra được gì để có thể sinh sống qua ngày, đừng nói là có thể dành dụm được tiền trả nợ. Rồi các chủ nợ dần dần không còn đủ kiên nhẫn để chờ đợi nữa, họ chia nhau những tài sản mà cậu còn giữ được như nhà cửa, ruộng vườn cũng như tất cả những đồ đạc còn lại trong nhà.

Thế là cậu con trai cưng của vị phú ông giàu có nhất thành Vương Xá giờ đây trở thành một kẻ hành khất không nhà, phải sống lang thang lây lất trong thành phố.

Rồi một hôm, có một tên trộm chuyên nghiệp gặp cậu trên đường phố. Thấy cậu có sức khỏe và ra vẻ thật thà, chơn chất, tên này nghĩ là có thể lợi dụng được nên bảo cậu: “Này chú em, cuộc sống của chú thật là khốn khổ, đáng thương xót lắm. Ta không có gì để giúp chú, nhưng nếu chú chịu đi theo ta, cùng làm công việc với ta, chú sẽ có thể kiếm được đủ tiền để sống thoải mái.”

Trong bước đường cùng, và vốn là người không từng trải việc đời, cậu không chút nghi ngờ liền đồng ý đi theo tên trộm.

Đêm hôm đó, bọn trộm tổ chức một vụ trộm lớn. Chúng đưa cho cậu một cây gậy và bố trí cậu đứng canh bên ngoài trong khi chúng lẻn vào nhà một người giàu có để khuân dọn đồ đạc. Chúng dặn cậu: “Nếu có ai từ bên ngoài muốn vào nhà, hãy chặn lại và đánh chết đi.”

Đã ở vào hoàn cảnh không còn thối lui được nữa, cậu đành nhận lấy cây gậy và đứng đó chờ trong khi cả bọn lẻn vào nhà và thực hiện việc lấy trộm.

Thật không may là có người trong nhà thức giấc và phát giác ra bọn trộm. Thế là họ đốt đèn đuốc lên và cùng nhau đuổi đánh. Vốn đã quen thuộc trong nghề, bọn trộm nhanh chóng biến mất theo nhiều ngả, trong khi cậu trai khờ khạo kia vẫn còn cầm cây gậy đứng đó để... chặn đường. Thế là cậu bị đám người nhà kia đánh cho một trận và bắt giải lên nhà vua với lời cáo buộc là cậu đã bị bắt quả tang trong lúc vào trộm nhà họ, có mang theo vũ khí là một cây gậy lớn.

Sự việc đã rõ ràng, vua ra lệnh xử tên trộm này tội chết. Thế là cậu bị đưa đi giam vào ngục, rồi sau đó đưa đến nơi hành hình. Quân lính dùng roi quất vào người cậu trên đường đi, trong khi có một tốp người mang trống đi theo, vừa đánh trống để gợi sự chú ý của mọi người, vừa rao lớn: “Đây là tên trộm có vũ khí bị bắt quả tang. Đức vua đã xử tội chết để răn đe những tên trộm khác.”

Bấy giờ có người kỹ nữ đẹp nhất trong thành tên là Sulas, nghe tiếng trống và tiếng đám đông ồn ào huyên náo ngoài đường phố nên ghé ra bên cửa sổ để xem. Chợt nàng nhận ra cậu con trai của phú ông giàu có trước đây, bởi lúc trước khi còn giàu có ăn chơi phung phí, hầu như ngày nào cậu cũng cho nàng rất nhiều tiền và cả hai đã từng có nhiều cuộc vui đáng nhớ. Người kỹ nữ chợt động lòng nhớ lại tình xưa, lấy làm thương xót cho chàng trai xấu số, liền nhờ người gửi đến cho tử tội một bữa ăn ngon và nước uống. Nàng lại mang tiền đến cho bọn lính canh và cầu xin chúng hãy để cho tử tội được thong thả dùng xong bữa ăn cuối cùng trước khi bị hành hình.

Cùng lúc ấy, ngài Mục-kiền-liên, một vị đại đệ tử của đức Phật cũng đang ở trong thành Vương Xá. Ngài dùng thiên nhãn quán sát thấy tình cảnh nguy khốn của người tử tù sắp chết, cũng như hiểu thấu được câu chuyện của người này. Động lòng từ bi thương xót, ngài liền suy nghĩ: “Người này xưa nay tuy chưa tạo các ác nghiệp, nhưng cũng chưa hề làm được việc thiện nào. Vì thế, anh ta không thể tái sinh về những cảnh giới tốt đẹp. Nay ta nên tạo điều kiện giúp cho anh ta khởi nên một niệm lành, làm được một điều lành trước khi chết. Như vậy, anh ta sẽ có thể tái sinh về thiên giới.”

Nghĩ vậy rồi, ngài Mục-kiền-liên liền hiện ra phía trước tội nhân ngay vào lúc người ta mang thức ăn đến cho chàng và nói cho chàng biết đó là của nàng Sulas gửi tặng. Khi ấy, chàng trai nhìn thấy một vị tu sĩ hình dáng uy nghiêm khả kính hiện ra từ xa, bỗng thấy trong lòng phát sinh một niềm vui kính nhẹ nhàng khó tả. Chàng liền suy nghĩ: “Ta đã sắp chết rồi, bữa ăn này liệu có ích gì? Chi bằng ta nên cúng dường cho vị tu sĩ kia để may ra có được chút phước lành.”

Nghĩ sao làm vậy, cậu liền nhờ những người lính canh mang thức ăn và nước uống đến cúng dường cho vị tu sĩ đó. Ngài Mục-kiền-liên nhận biết rằng sự đau khổ của chàng trai nhờ khởi tâm cúng dường nên đã trở thành hoan hỷ, ngài liền ngồi xuống thọ nhận bữa ăn và hồi hướng chú nguyện cho chàng rồi ra đi.

Chàng trai sau đó bị hành hình. Trước khi chết, nhờ tâm thành tín đối với Trưởng lão Mục-kiền-liên cũng như việc cúng dường bữa ăn cho một bậc A-la-hán, nên chàng có đủ phước đức để tái sinh lên thiên giới. Tuy nhiên, cũng ngay trước khi chết, tâm hồn chàng xúc động khi nghĩ đến nàng Sulas và mối chân tình của nàng đối với chàng khi sắp chết, một niềm luyến ái sinh khởi mạnh mẽ, và do sự trói buộc này nên chàng không thể tái sinh về thiên giới. Thay vào đó, chàng tái sinh làm một vị thần cây trong khu rừng bên ngoài thành Vương Xá và vẫn ôm ấp ý tưởng sẽ được gặp lại nàng Sulas...

Câu chuyện trên cho ta thấy tác động quan trọng của tâm niệm con người ngay trước khi chết, bởi vì điều này có thể góp phần quyết định vào việc tâm thức sẽ tái sinh vào cảnh giới nào ngay trong đời sống tiếp theo đó. Thuật ngữ Phật giáo gọi đây là “cận tử nghiệp”, và chúng ta hy vọng sẽ có thể trở lại vấn đề này vào một dịp khác.

Nguyên Minh

Con đường Bồ-tát

Con đường Bồ-tát

Đăng lúc: 15:31 - 21/06/2015

Con đường Bồ-tát, con đường lý tưởng nổi tiếng của Phật giáo Đại thừa, không phải là pháp tu để thành thánh mà là một lối sống ai cũng có thể ước mong đạt được.

Con đường Bồ-tát - con đường lý tưởng nổi tiếng của Phật giáo Đại thừa - không phải là pháp tu để thành thánh, thành tiên, mà là một lối sống ai cũng có thể ước mong thành tựu được. Ngài Chogyam Trungpa Rinpoche giải thích rằng, ai phát nguyện tu hạnh Bồ-tát thì chỉ có một lời nguyện đơn giản là: lo cho chúng sinh trước hết và không giữ lại gì cho chính mình.
Tu hạnh Bồ-tát là phát nguyện lo cho chúng sanh trước bản thân. Đó là một lời tuyên bố tự nguyện hy sinh bản thân mình, ngay như cả hy sinh sự giác ngộ của mình vì tất cả mọi loài. Và một vị Bồ-tát là một người chỉ sống vì hạnh nguyện đó, hoàn thành công hạnh qua việc thực hành sáu ba-la-mật (lục độ) - bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, và trí tuệ - nỗ lực để giải thoát cho tất cả hữu tình.


Phát nguyện tu hạnh Bồ-tát bao hàm ý rằng mình mở rộng lòng đón mời thế giới mình đang sống và không cầm giữ, hay bảo vệ bất cứ cái gì cho bản thân. Nghĩa là, mình tự nguyện chấp nhận một trách nhiệm rộng lớn, bao la. Đúng ra, nó có nghĩa là tạo một duyên lớn. Nhưng việc tạo ra một nhân duyên rộng lớn như vậy không phải để làm một anh hùng rơm hay phục vụ cho cá tính lập dị của mình. Mà nhân duyên này từng được hàng triệu Bồ-tát, như các bậc đã giác ngộ và các vị đại sư, đã tạo ra trong quá khứ. Vì vậy, một truyền thống chịu trách nhiệm này đã được truyền thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác, và giờ đây, chúng ta cũng đang tham gia vào cái truyền thống sáng chói và danh giá này.
Có một dòng truyền thừa con đường Bồ-tát không gián đoạn, bắt nguồn từ đại Bồ-tát Quán Thế Âm (Avalokiteshvara), Đại Thế Chí (Vajrapani), và Văn Thù (Manjushri). Nó không gián đoạn vì không Bồ-tát nào trong dòng truyền thừa này, qua nhiều thế hệ và thế kỷ, sống tham đắm bảo vệ cho mình. Thay vì vậy, các Bồ-tát này liên tục nỗ lực tu tập vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Di sản này đã được truyền lại không gián đoạn, cho đến ngày hôm nay, không phải là một huyền thoại, mà là một bằng chứng sống.
Sự trong sạch của truyền thống này rất có uy lực. Việc chúng ta phát nguyện tu theo hạnh Bồ-tát là một điều rất cao quý và vinh dự. Với một truyền thống gom hết tâm ý cho tinh thần Bồ-tát như vậy nên ai mà chưa gia nhập vào sẽ cảm thấy mình còn tệ lắm. Họ có thể ganh tức với một truyền thống phong phú như vậy. Nhưng gia nhập vào cũng sẽ khiến mình cảm thấy có một trách nhiệm vô cùng to lớn. Mình sẽ không còn có ý định tìm kiếm sự thoải mái cho bản thân; mình phải làm việc với những thứ khác. Nghĩa là làm việc với những thứ liên quan đến bên trong bản thân, như là tính toán tương lai cho mình, tình cảm cá nhân, mong muốn làm cho đời mình thoải mái hơn…; và làm việc với những thứ liên quan với thế giới bên ngoài, như là thế giới đang hiện hữu ngoài kia, nào là con cái la khóc, dĩa chén dơ bẩn, rối loạn đường tu, và đủ loại chúng sanh…
Vậy, phát nguyện tu Bồ-tát hạnh là một cam kết thật sự vì nhận thấy những khổ đau và vô minh của chính bản thân và của các hữu tình khác. Cách duy nhất, để có thể phá vỡ màn vô minh và khổ đau, và tu tập để thành tựu đạo giác ngộ, là phải tự nhận chịu trách nhiệm. Nếu mình không làm gì với tình trạng vô minh này, và nếu mình không tự giải quyết vấn đề này, thì sẽ chẳng có gì thay đổi. Mình không thể lệ thuộc vào người khác làm việc này cho mình. Đây là trách nhiệm của chúng ta, và chúng ta có một sức mạnh kinh thiên để làm thay đổi nghiệp lực của thế gian này. Vậy, phát nguyện đi con đường Bồ-tát, chúng ta đang công nhận rằng chúng ta sẽ không tiếp tục làm kẻ đồng lõa với những hỗn loạn và khổ đau trong thế gian này. Ngược lại, chúng ta là những người giải phóng, những Bồ-tát, mong muốn tự cứu độ mình, cũng như cứu độ những người khác.
Quyết định cứu độ người khác cần có sự cảm hứng rộng lớn. Mình không còn nỗ lực để biến mình thành một kẻ vĩ đại. Mình chỉ đơn giản muốn làm một con người với thực tâm muốn cứu giúp người khác; nghĩa là, chúng ta phát huy vượt bậc cá tính vị tha, một đặc tính luôn thiếu thốn trên thế gian này. Noi gương Phật Thích Ca, người đã từ bỏ ngai vàng để cống hiến đời mình cho chúng sinh, chúng ta, cuối cùng rồi, cũng trở thành người giúp ích cho xã hội, nhân quần.
Mỗi người chúng ta có thể đã khám phá ra một ít sự thật, như là sự thật về thơ văn, phim ảnh, hay vi sinh vật, mà có thể dùng để giúp ích cho người khác. Nhưng chúng ta hay có khuynh hướng dùng những sự thật như vậy để xây đắp uy tín, tiếng tăm riêng cho mình. Chỉ lo phát huy những sự thật đó cho mình là một hướng hành động ích kỷ, thấp hèn. Ngược lại, công hạnh của một vị Bồ-tát là không cần uy tín, tiếng tăm. Chúng ta có thể bị đánh đập, hành hạ, hay bạc đãi, nhưng chúng ta vẫn tử tế và tự nguyện giúp ích người khác. Đây là một công việc hoàn toàn không được công trạng, nhưng lại rất chân thật và uy dũng.
Phát nguyện con đường Đại thừa bao la nghĩa là từ bỏ cá nhân và phát huy tâm tánh rộng lớn hơn. Thay vì tập trung vào kế hoạch nhỏ nhoi của mình, chúng ta mở rộng tầm nhìn của mình để ôm trọn cả thế gian, thiên hà, và vũ trụ.
Muốn thực hiện tâm bao la như vậy đòi hỏi chúng ta phải hiểu thấu tình hình thật rõ ràng và toàn diện. Chúng ta cần phải phát triển tâm từ bi để loại trừ bản ngã vì bản ngã sẽ khiến giới hạn tầm nhìn và làm sai lạc hành động của mình. Theo truyền thống, mình phải bắt đầu bằng việc khai mở lòng từ bi với chính mình, rồi hướng tâm này đến những người gần gũi mình nhất, và sau hết, là tất cả mọi loài chúng sinh, kể cả kẻ thù của mình. Tột cùng, chúng ta xem tất cả mọi loài chúng sinh như là những người mẹ ruột thịt của mình. Chúng ta có thể chưa theo đúng con đường truyền thống ở thời điểm này, nhưng mình có thể phát huy thêm tâm tính rộng lượng và hòa nhã. Điểm chính là mình phải bắt đầu bằng cách bắt tay vào việc trước.
Thông thường chúng ta hay bị mắc kẹt với cách cư xử ở đời: “Anh ta sẽ nói lời xin lỗi trước hay là tôi phải nói xin lỗi trước?”. Nhưng khi trở thành một vị tu theo hạnh Bồ-tát, chúng ta phá cái rào cản đó: mình không đợi người kia làm, mà mình đã quyết định tự làm trước. Con người có quá nhiều vấn đề và chính vậy, mà họ khổ vì đó. Và chúng ta chỉ ý thức được một phần rất nhỏ, những khổ đau đang xảy ra trong đất nước mình, chưa nói là cả thế giới. Hàng triệu người trên thế giới đang hứng chịu khổ đau vì thiếu từ bi, giới luật, kham nhẫn, tinh tiến, thiền định, và tuệ giác. Điểm chính của sự khởi đầu phát nguyện tu Bồ-tát hạnh là không tìm cách cải đạo người khác; cần quan niệm rằng là chúng ta nên đóng góp cái gì đó cho thế giới, chỉ bằng sự tương trợ và hòa hợp theo tính cách riêng của mình.
Phát nguyện tu theo con đường Bồ-tát, mình công nhận rằng mình có thể thực hiện được công hạnh đó trong thế giới này. Từ quan điểm của một Bồ-tát, không có gì khó khăn và không chữa trị được trong cuộc đời này. Noi theo đời sống điển hình của Phật cùng chư đại Bồ-tát, và trong những lời dạy đầy cảm hứng của Phật pháp, không gì không làm được trong thế gian này. Chúng ta có thể tham gia vào công cuộc vận động của chư Phật và Bồ-tát để hóa độ chúng sanh một cách đúng đắn, đầy đủ, và triệt để mà không bị chấp thủ, vô minh, và sân hận quấy phá. Một công cuộc như vậy là sự phát triển một cách tự nhiên của việc thực tập thiền quán vì thiền quán mang đến việc cảm nhận được tính vô ngã.
Phát nguyện tu theo con đường Bồ-tát, chúng ta mở lòng đón nhận những yêu cầu của chúng sinh. Nếu ai cần đến chúng ta, mình không nên từ chối; nếu chúng ta được mời làm bậc phụ huynh, mình sẽ không từ nan. Nói một cách khác, mình phải có sự thích thú trong việc chăm sóc, giúp đỡ người khác, và sự biết ơn đối với thế giới quanh mình và các chúng sinh sống trong đó. Đây không phải là một vấn đề dễ làm! Việc này đòi hỏi chúng ta phải hoàn toàn phụng sự không mỏi mệt và kham nhẫn với tất cả những sự điên rồ, ích kỷ, đáng kinh tởm của người mình phụng sự; hơn vậy, chúng ta luôn biết ơn và dọn sạch những thứ đó cho họ. Chúng ta thanh thản, nhẹ nhàng cho phép những tình cảnh như vậy xảy ra dù phải chịu một chút bất tiện; chúng ta chấp nhận những khó khăn và choáng ngộp do những tình huống trên gây ra cho mình.
Phát nguyện tu theo con đường Bồ-tát nghĩa là chúng ta phát tâm sống đời sống hàng ngày của mình theo lời Phật dạy. Hành trì như vậy giúp chúng ta đủ trưởng thành để không giữ gì lại cho mình. Tài năng thế tục của chúng ta không bị chối bỏ, mà còn được tận dụng làm một phần của quá trình học và tu. Một vị Bồ-tát có thể dạy Phật pháp trong hình thức hiểu biết về mặt kiến thức, nghệ thuật, và ngay như cả thương mại. Như vậy, dấn thân vào con đường Bồ-tát, chúng ta tiếp tục tận dụng những tài năng của mình theo hướng giác ngộ, mà không bị chúng đe dọa hay làm xáo trộn. Lúc đầu những tài năng thế tục của chúng ta tưởng đã bị “tước bỏ,” vì một phần hiểu lầm, nhưng giờ đây chúng ta đang làm chúng sống lại. Chúng có thể được nẩy mầm thêm nhờ có Pháp bảo, Tăng bảo, và sự kham nhẫn của chúng ta. Điều này không có nghĩa là chúng ta đã hoàn hảo mọi tình huống trong đời sống. Tất nhiên, vẫn còn một ít hiểu lầm sẽ xảy ra! Nhưng đồng thời cũng thấy có một tia sáng của sự khai thông và một tiềm năng vô hạn.
Vào thời điểm này, mình cần phải tin tưởng chính mình mà nhảy vào cuộc. Chúng ta, thực ra, có thể điều chỉnh bất cứ những ý tưởng kích động, hay thiếu lòng từ bi nào xảy ra, mà có tính cách chống phá Bồ-tát hạnh; mình có thể nhận ra sự điên đảo của mình và chuyển hóa nó, thay vì là cố tình che giấu hay loại bỏ nó. Theo cách này, những hình thức suy tư điên đảo sẽ được hóa giải. Bất cứ khi nào chúng ta trực tiếp ‘làm việc’ với sự điên đảo của mình thì nó liền trở thành một hành động từ bi. Bản năng thông thường của con người là tính lợi cho mình trước và chỉ làm bạn với ai nếu họ có thể đem lợi lạc về cho mình. Đây có thể gọi là “bản năng của loài khỉ” (ape instinct).
Nhưng trong trường hợp của hạnh nguyện Bồ-tát, chúng ta đang nói về một loại bản năng siêu phàm, thâm sâu và đầy đủ hơn hết. Được gợi hứng từ bản năng này, chúng ta tự nguyện chấp nhận cái cảm giác trống vắng, kiệt sức, và xáo trộn. Nhưng chính nhờ sự tự nguyện khiến mình cảm nhận được như vậy, và cùng lúc, mình cũng có thể ra tay cứu giúp người. Như vậy, chúng ta vẫn còn chỗ dành cho sự lẫn lộn, rối tung, và ngã ái của mình vì chúng là những viên gạch nền tảng. Ngay như những phiền não xảy ra trong lúc tu theo con đường Bồ-tát đều là một cách để xác định sự quyết tâm của mình.
Phát nguyện tu theo con đường Bồ-tát, chúng ta thực sự biến mình thành tài sản chung cho mọi loài chúng sanh: tùy theo hoàn cảnh, mình tự nguyện làm một đại lộ, một con thuyền, một cái sàn nhà, hay là một căn nhà… Chúng ta cho phép tất cả hữu tình sử dụng chúng ta bằng mọi cách họ chọn. Cũng như trái đất duy trì không khí, và không gian dung chứa các vì sao, thiên hà, và tất cả những thứ khác, chúng ta tự nguyện mang gánh nặng của cả thế gian. Chúng ta lấy cảm hứng từ thí dụ vật thể của vũ trụ. Chúng ta cống hiến chính mình như là gió, là lửa, là không khí, là đất, và là nước - tất cả ngũ đại.
Nhưng điều cần thiết và rất quan trọng là phải tránh khởi tâm từ một cách thiếu tuệ giác. Nếu mình sử dụng lửa không đúng cách, mình sẽ bị bỏng; nếu cưỡi ngựa không đúng kiểu, mình sẽ bị nó hất rơi xuống đất. Mình phải có một cảm nhận thực tế trong thế giới này. Làm việc trong thế gian đòi hỏi phải có một tri thức thực tế. Chúng ta không thể là một Bồ-tát “yêu thương và nhẹ nhàng” nếu chúng ta không biết cách giúp đỡ chúng sanh một cách thông minh, sự cứu giúp của mình có thể hoàn toàn khiến họ lệ thuộc, chứ không phải là vì lợi ích cho chúng sanh. Chúng sanh sẽ trở nên lệ thuộc vào sự cứu giúp của mình cũng giống như người bị nghiện thuốc ngủ vậy. Họ càng ngày càng trở nên yếu ớt vì cứ muốn được cứu giúp hoài! Do vậy, vì lợi ích cho chúng sanh, chúng ta cần mở rộng lòng với một thái độ vô úy, không sợ. Vì bản tính cố hữu của con người hay thích lệ thuộc, nhờ cậy, đôi khi điều tốt nhất là mình phải nói thẳng và làm thẳng. Phương pháp tế độ của một Bồ-tát là giúp người để họ tự cứu chính họ. Tương tự như bốn đại đất, nước, gió, lửa sẽ không hợp tác với chúng ta nếu mình không sử dụng chúng một cách thích đáng, nhưng đồng thời, chúng rộng lượng cống hiến và hòa hợp nếu được sử dụng đúng đắn.
Một trở ngại lớn đối với việc thực hiện giới Bồ-tát là sự thiếu vắng của tính hài hước; chúng ta có thể đã xem vấn đề giữ giới quá nghiêm túc. Thực hiện lòng nhân từ của một Bồ-tát theo kiểu quân cách sẽ không thành tựu được gì. Người mới bắt đầu tu thường quá khắt khe với việc hành trì và tiến bộ của họ, tu Đại thừa theo phong cách của Tiểu thừa. Nhưng quân cách khắt khe thì hoàn toàn khác với tâm từ ái và vui vẻ của con đường Bồ-tát. Khi mới bắt đầu, bạn có thể chưa thực sự rộng lượng và vui vẻ. Nhưng ít nhất bạn nên cố gắng rộng lượng, tươi vui, và luôn cả can đảm. Điều này đòi hỏi bạn phải liên tục tu tập một cách uyển chuyển vì muốn tu theo con đường Bồ-tát bạn phải luôn luôn biết linh động.
Cái cảm giác sung sướng và hân hoan vì cuối cùng chúng ta có thể gia nhập vào gia đình của chư Phật. Rốt cuộc, mình đã quyết định tuyên bố quyền thừa kế về sự giác ngộ của chính mình. Từ khía cạnh còn hồ nghi, bất cứ đặc tính giác ngộ nào còn lại trong chúng ta dường như là rất nhỏ nhoi. Nhưng từ khía cạnh thực tế, một hữu tình đã giác ngộ trọn vẹn đang tồn tại bên trong chúng ta rồi! Vì vậy, chúng ta không còn nghi ngờ gì về việc mình đang đi trên con đường đạo hay không. Rõ ràng chúng ta đã phát nguyện và rằng mình sẽ phát triển lộ trình rộng lớn này để thành Phật.
Phát nguyện tu theo con đường Bồ-tát là một biểu thị của việc an cư và sống tự tại trong thế gian này. Mình không lo sợ ai đó tấn công hay giết chóc mình. Mình luôn hy sinh thân mình vì lợi ích của chúng sanh. Thậm chí, mình còn từ bỏ việc tìm kiếm con đường giác ngộ cho riêng mình vì muốn cứu khổ người khác. Tuy nhiên, dù không nỗ lực gì chúng ta vẫn đạt được sự giác ngộ. Chư Phật và chư Bồ-tát đã từng làm như thế trong quá khứ, và chúng ta cũng có thể làm được như vậy. Đơn giản là do chúng ta có chấp nhận sự sung túc này hay là bác bỏ nó và chấp nhận sống trong một trạng thái tâm linh nghèo nàn.
Chogyam Trungpa Rinpoche
Thiện Ý chuyển ngữ
(Trích từ “Tác phẩm chọn lọc của Chogyam Trungpa”, tập 3, Nhà xuất bản Shambhala phát hành năm 2003).
Theo Giác Ngộ

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 8
  • Hôm nay 3,945
  • Tháng hiện tại 40,400
  • Tổng lượt truy cập 23,446,649