Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Tác hại của niềm tin mê lầm

Tác hại của niềm tin mê lầm

Đăng lúc: 16:08 - 05/10/2016

Khi nói đến niềm tin là nói tin về điều gì, chẳng hạn như tin theo học thuyết, triết thuyết, tin theo tín ngưỡng, tôn giáo, hoặc một hệ thống tư tưởng, chủ nghĩa nào đó, tin nơi ai hoặc tin nơi chính bản thân mình (lòng tự tin, tự tín).

Tin điều gì có nghĩa là mình cho điều đó là đúng, là có thật, đặt hoàn toàn hy vọng vào điều đó, nương tựa nơi điều đó, hướng suy nghĩ và hành động theo. Niềm tin rất quan trọng và cần thiết đối với mỗi con người, tuy nhiên nó cũng mang lại nhiều tác hại nếu như đó là niềm tin sai lầm, niềm tin được xây dựng trên cơ sở nhận thức mù quáng, không sáng suốt, thiếu trí tuệ.

Một người bệnh có thể tin rằng mình sẽ khỏi bệnh nếu như gặp thầy hay thuốc giỏi và bản thân mình có mong muốn được bình phục, biết quan tâm làm theo những gì vị lương y, bác sĩ hướng dẫn. Sự lạc quan tin tưởng, niềm tin đặt đúng chỗ (đúng thầy, đúng thuốc) sẽ giúp cho người bệnh có thêm sức mạnh ý chí làm tăng sức sống, sức đề kháng bệnh tật và sự quyết tâm điều trị đẩy lùi bệnh tật. Tuy nhiên cũng trong trường hợp đó, nếu người bệnh không có lòng tin nơi thầy hay thuốc giỏi, không có lòng tin mình có thể vượt qua bệnh tật, và từ đó không nỗ lực điều trị bệnh theo hướng dẫn của vị lương y, bác sĩ, như thế thì người bệnh khó có thể đẩy lùi được bệnh tật.

Hoặc tệ hại hơn là người đó có niềm tin sai lầm (không thấy nguyên nhân của bệnh, không đi đúng hướng điều trị), đặt lòng tin không đúng chỗ (không đúng thầy, không đúng thuốc). Ví dụ như ngày xưa, khi y học chưa phát triển, gặp bất cứ bệnh gì người ta cũng rước thầy pháp về cúng, làm phép để trừ tà, kết quả là nhiều con bệnh đã mất mạng. Ngày nay cũng vậy, có nhiều người mắc bệnh tâm thần nhưng người thân không biết cứ ngỡ bị vong nhập, bị trúng tà (vì biểu hiện của một số dạng bệnh tâm thần có phần giống như hiện tượng trúng tà), lại quá mê tín nên cứ mời thầy bùa thầy pháp về làm phép đuổi tà, trấn yểm, cúng vái, cuối cùng thì tiền mất tật mang.

Niềm tin mù quáng, mê lầm có tác hại rất lớn, nó là kết quả của nhận thức cảm tính thiếu lý trí, thiếu trí tuệ sáng suốt. Ngày xưa ở một số nước có chiến tranh, nhiều tướng soái, nhiều nhà lãnh đạo chính trị, quân sự đã lợi dụng sự mê tín của người đời, giả thần giả thánh, tự xưng mình là con trời (thiên tử), tự cho việc họ làm là ý trời để thiên hạ nghe theo và không dám chống lại họ; họ ngụy tạo những bằng chứng huyền hoặc để khiến cho mọi người tin theo. Có nhiều đội quân được vẽ bùa, phù chú lên mình, được gieo vào lòng niềm tin bất bại, đao thương, súng đạn không thể làm hại, nhưng khi ra chiến trường mới biết mình tin mê lầm, họ chết gục trên chiến trận.

Có trường hợp người thủ lĩnh lợi dụng niềm tin mê tín để làm tăng thêm ý chí, sức mạnh chiến đấu của quân đội mình, nhưng cũng có trường hợp họ cũng có ảo tưởng rằng mình có phép màu bảo hộ. Tuy niềm tin đó có làm cho tinh thần chiến đấu, sức mạnh chiến đấu tăng cao, nhưng hậu quả của nó là làm cho họ chủ quan, khinh suất, không nhận thấy rõ thực lực của mình và của quân địch, từ đó dẫn đến thất bại.

Niềm tin trong tôn giáo, tín ngưỡng cũng vậy. Có những niềm tin giúp con người hướng đến điều lành điều thiện, mạnh dạn làm các việc có ích cho cá nhân, cộng đồng xã hội, nhân loại, chúng sinh. Nhưng có những niềm tin gây mê lầm, tội lỗi, gieo tai họa cho chính những người mang niềm tin đó mà họ không hay không biết, hoặc gieo tai họa lên nhiều người. Nó khiến con người tàn hại lẫn nhau, mất hết lý trí, khiến con người đánh mất chính mình, lệ thuộc vào những điều huyền hoặc, không tưởng, lệ thuộc vào những thế lực siêu hình do con người tưởng tượng ra, không còn ý chí, không còn tự chủ; khiến con người nô lệ cho vô minh, dục vọng, làm những chuyện tàn ác, điên rồ mà cho là làm theo chân lý, làm đúng với lẽ phải, đúng với quy luật vũ trụ.

Những niềm tin u mê này đến mức cực đoan sẽ gây ra chiến tranh, kỳ thị tôn giáo, tín ngưỡng, gây ra thù hằn, oán ghét lẫn nhau. Bởi thế cho nên, đối với vấn đề niềm tin cần phải hết sức thận trọng.

Khi con người chưa hiểu biết nhiều về thế giới, người ta không có khả năng lý giải các hiện tượng đời sống, các hiện tượng tự nhiên, cho nên tin rằng có đấng tạo hóa, có các thần linh sáng tạo ra thế giới, điều hành thế giới, tưởng tượng ra thần mặt trời, thần mặt trăng, thần mây, thần mưa, thần gió, thần núi, thần sông, thiên lôi, hà bá v.v…

Bất cứ điều gì cũng cho là ý trời sắp đặt, họa phước, thành bại, được mất, cơm ăn áo mặc, hạnh phúc, khổ đau… đều do ông trời và các thần linh ban cho, nhưng kỳ thực thì con người phải làm mới có ăn, phải lao động sáng tạo từ đời này sang đời khác mới có được thế giới như ngày nay, chứ không phải thượng đế và các thần linh ban cho hay tự dưng mà có. Sự thật sờ sờ trước mắt, nếu ông trời và các thần linh ban cho thì con người khỏi phải làm gì cả cũng có cuộc sống tốt, và những ai tin tưởng tuyệt đối vào ông trời và thần linh hẳn đã được bình an, sung sướng, hạnh phúc hơn những ai không tin.

Tuy nhiên không ít người vẫn chấp nhận nô lệ cho niềm tin mù quáng để rồi đánh mất ý chí, đánh mất niềm tin nơi chính mình, lệ thuộc thần quyền trong khi thần quyền là không có thật.

Không phải những ai thờ cúng, tín ngưỡng ông trời và các thần linh, vật linh cũng đều giàu sang, an vui, hạnh phúc, và không phải những ai không có niềm tin đó cũng nghèo khó, khốn khổ, bất hạnh. Sự thật là thế, quá rõ ràng nhưng vẫn có người không thấy.

Sự mê tín của con người vẫn không giảm mặc dù xã hội đã tiến bộ nhiều, thậm chí còn có chiều hướng tăng cao. Những thành phần bất hảo lợi dụng sự mê tín mà ra sức trục lợi. Mê tín dị đoan, tà thuyết ngoại đạo nổi lên khắp nơi khiến cho tâm trí con người điên đảo.

Ngay cả ở châu Âu, châu Mỹ, các nước được xem là văn minh tân tiến vẫn đầy dẫy tệ nạn mê tín dị đoan, các giáo phái cuồng tín lợi dụng sự tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo mà hoành hành. Còn các nước có truyền thống văn hóa phương Đông như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Việt Nam v.v… thì đi đến đâu cũng thấy có hiện tượng xin bùa xin phép, bói toán, coi tuổi tác, ngày tháng tốt xấu, ngồi đồng nhập cốt, đi đến đâu cũng thấy cúng bái sì sụp, cúng ông trời - thần linh, cúng nhà cửa - đất đai, cúng xe cộ - thuyền bè, cúng trên bờ - dưới sông, cúng người chết, cúng vật linh, cúng âm binh - cô hồn, có khi cúng ai cũng không biết, cứ bày nhang đèn, vàng mã, vái lạy bốn phương tám hướng mà cầu sự bình an, hưng thịnh.

Nếu chỉ đặt niềm tin vào sự cầu cúng, trông cậy vào thần thánh, ma quỷ, không siêng năng cần cù lao động, học tập, trau giồi kinh nghiệm, hiểu biết, kiến thức chuyên môn thì việc làm ăn, kinh doanh buôn bán không thể nào phát triển được. Nếu không có nhân phẩm đạo đức tốt, không có quan niệm, lối sống tích cực thì cuộc sống sẽ bất an, đau khổ. Không có ông trời, thần linh hay ma quỷ nào che chở, bảo hộ hoặc ban phước giáng họa cho được.

Ở Việt Nam, từ khi hiện tượng ngoại cảm được giới khoa học công nhận thì các nhà ngoại cảm rầm rộ nổi lên, thật có, giả có, ảo tưởng mình là nhà ngoại cảm cũng có. Còn người dân thì tin người cõi âm có thể liên hệ với người còn sống, có thể tác động, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của mình, từ đó ra sức cúng bái, cầu khẩn sự gia hộ, giúp đỡ. Nghĩ tưởng đến những người quá cố, người thân người thương, người có ân nghĩa, công đức thì tốt, nhưng hướng về người quá cố vì sợ họ làm hại mình hoặc vì cầu sự chở che, gia hộ thì quả là việc làm mê tín.

Trong một số trường hợp vong linh người chết có thể liên hệ với người còn sống (trong điều kiện nhân duyên như thế nào đó mà có sự tương thích), nhưng những trường hợp này rất ít, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là các vong linh có thể tác động, ảnh hưởng đến cuộc sống của người mà họ yêu thương hoặc oán ghét.

Nếu các vong linh ở cõi âm có thể tác động, ảnh hưởng đến người sống thì thế giới này từ lâu đã không an ổn, đã loạn lên rồi. Bởi vì trong lịch sử đã có biết bao cuộc chiến tranh diễn ra, thù hận chất chồng, nếu các vong linh người chết có thể làm hại kẻ thù của họ thì những người còn sống đã sống không yên. Giữa con người với con người, ân oán tình thù đầy dẫy, nếu sau khi chết rồi mà các vong linh có thể can thiệp vào thế giới người còn sống thì chắc chắn thế giới loài người từ lâu đã rối loạn, đã xuất hiện nhiều điều kinh khủng, quái dị lắm.

Người nào cũng có tổ tiên, ông bà, người thân quá cố, nhưng nếu chết rồi mà vong linh những người quá cố còn tồn tại mãi ở cõi âm nào đó và có thể tiếp xúc, can thiệp vào cuộc sống của người thân, nếu họ có thể giúp cho những người đó được bình an, được sang giàu, được may mắn, hạnh phúc thì trên thế gian không ai gặp rủi ro, bất hạnh, khổ đau cả, bởi vì ai cũng có người thân quá cố chở che, phù hộ. Nhưng sự thật thì không phải thế, sống trên đời ai cũng gặp khó khăn cả, không gặp khó khăn này cũng gặp khó khăn khác, không gặp nỗi khổ này cũng gặp nỗi khổ khác, không ai khỏe mạnh mãi mà không ốm đau, không ai luôn may mắn mà chưa từng gặp rủi ro bất trắc, không ai thành công mà chưa một lần thất bại v.v… Vậy rõ là người chết không thể can dự vào cuộc sống của chúng ta.

Con người sống không thể không có niềm tin, nhưng niềm tin đó phải là Chánh tín, được xây dựng trên cơ sở Chánh kiến, sự thấy biết chơn chánh, nhận thức đúng đắn, có chiều hướng tích cực, phù hợp với chân lý và quy luật cuộc sống. Nếu niềm tin gây tác hại, ảnh hưởng xấu, làm trở ngại cho sự phát triển, tiến bộ của xã hội, gieo bất an, khổ não cho con người thì tuyệt nhiên đó không phải là niềm tin chơn chánh, cần loại bỏ.

Phan Minh Đức

Phật dạy "3 vô thường" giúp con người vượt qua cảm giác thất tình

Phật dạy "3 vô thường" giúp con người vượt qua cảm giác thất tình

Đăng lúc: 20:36 - 29/05/2016

Nếu chẳng thể đến với nhau, thôi đành coi như duyên phận đã tới cuối đường, rằng chỉ có thể cũng nhau đi một quãng, thế thôi.

Tình yêu là thứ tình cảm thiêng liêng và vô cùng cao đẹp. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn yêu nhau, nắm tay và đi hết con đường. Có khi tình yêu dang dở, đứt gánh giữa đường. Người ta dễ rơi vào cảm giác thất tình, đau buồn, chán nản. Cảm giác thất tình, có lẽ mọi người trên trái đất này đều đã ít nhất một lần trải qua.
Con người gặp và yêu nhau là do duyên phận. Nhưng duyên phận lại là điều vô cùng kỳ lạ, không ai có thể hiểu thực sự về nó. Có thể hữu duyên vô phận. Có thể yêu nhau, nhớ nhau nhưng không thể gần nhau. Không cố ý đeo đuổi thì lại có, cố gắng có khi lại chẳng thành. Có câu "Có lòng trồng hoa, hoa chẳng nở, vô tình cắm liễu, liễu lại xanh" là vì thế.
Tuy nhiên, con người cũng nên hiểu rằng, hôm nay có duyên phận không có nghĩa cả đời có duyên phận. Có thể người ta chỉ đi được cùng nhau một quãng đường nào đó thôi.
Mất đi rồi cũng không nên quá ủ rũ, đau buồn, càng không thể nghĩ rằng thế giới này sụp đổ, bởi làm thế chỉ càng thêm đau lòng mà thôi. Người mất đi nhất định không phải người thích hợp nhất, vật mất đi nhất định không phải vật tốt đẹp nhất.
Bởi vậy khi thất tình chúng ta đừng nên nghĩ đó là 1 cái gì đó qua ghê gớm, rằng tình yêu của chúng ta vĩ đại ko thể thay thế, rằng anh ấy, cô ấy là người tuyệt vời nhất. Mà hãy nghĩ rằng đó chỉ là 1 giai đoạn sinh học nhất thời như chúng ta bị ốm vậy, dần dà theo thời gian khỏi bệnh, cơ thể chúng ta sẽ lại bình phục, khi đó nhìn lại thấy mình ngày xưa vật vã thật buồn cười.
Mô tả ảnh.
Ảnh minh họa
Đức Phật dạy: “Tất cả những gì trong thế gian đều biến đổi, hư hoại, đều là vô thường”. Chúng ta đau khổ bởi cứ hy vọng tình yêu này là mãi mãi. Ta hãy cùng tìm hiểu vì sao như thế ? Vô thường có 3: thân vô thường, tâm vô thường và hoàn cảnh vô thường.
Thân vô thường. Thân thể bạn không mãi mãi khoẻ mạnh, không thể trẻ mãi không già. Từng sát na, từng giây trong thân bạn biến đổi, từng tế bào chết tế bào mới lại sanh…Các bạn không có phương pháp bảo vệ bản thân lỡ một ngày bạn bị ung thư, nhan sắc tàn phai, bị bệnh nan y … liệu người yêu bạn có còn mặn mà với bạn như xưa?
Tâm vô thường. Chúng ta phải biết rằng lòng người thay đổi – đổi thay. Con gái thì “sáng nắng, chiều mưa, trưa giông bão”, con trai thì chẳng biết đó là Lý Thông hay Thạch Sanh, chẳng ai mà đoán cho được. Người thì đi du học, người thì đi làm ăn xa, kẻ ở nhà mỏi mòn chờ đợi …rồi qua năm tháng “xa mặt cách lòng” chẳng mấy ai mà giữ cho được cái tình yêu thuở đó. Có thể bạn đang có một tình yêu đẹp nhưng cũng phải nhận chân ra một sự thật là trong tình yêu đó luôn ẩn chứa một sự đổ vỡ bởi vì đó là vô thường. Người Phật tử biết như vậy nên luôn sẳn sàng đón nhận những điều bất trắc có thể xảy ra trong tình cảm. Nhờ vậy, tránh được những hành động tiêu cực như bị sốc, thất tình tự tử vv…
Hoàn cảnh vô thường có nghĩa là vạn vật trước mắt bạn luôn thay đổi, tình thế thay đổi, thời cuộc thay đổi …Yêu nhau thật nhiều nhưng cũng không thể được gần nhau ví dụ như chiến tranh, thiên tai, tử nạn. Một khía cạnh khác của hoàn cảnh vô thường, ví dụ: Bạn Dần và bạn Mùi trước nghèo thì sao cũng được bổng dưng giàu có thì chẳng nhìn mặt nhau. Một chuyện khác, Bạn Sửu tích góp tiền để giúp bạn Tí-người yêu bao năm ăn học đàng hoàng đến khi tốt nghiệp thì người yêu gạt bỏ và yêu một người khác cùng đẳng cấp xã hội, có trí thức chứ ai lại mặn mà với bạn Sửu một người nghèo, ít học nhưng chỉ có tấm lòng. Trường hợp hoàn cảnh thay đổi như vậy thử hỏi Bạn Sửu có chịu nổi áp lực này không ? Người con Phật nên nhìn trước được hoàn cảnh để gìn giữ hạnh phúc mình.
Nhân duyên qua lời Phật dạy sâu sắc, giản đơn, con người ta tốt hơn hãy mở rộng tấm lòng mình. Cái mất đi là cái đáng quý, bởi mất đi cho ta tự nguyện, do duyên phận của đời ta. Cho nên dù nhiệt tình như lửa, ngọt ngào như hoa, ôn hòa như nước thì cũng là đoạn tình cảm đã qua, duyên phận đi tới cuối đường, buông tay cầu thanh thản.

Phong Linh (TH)

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 14
  • Hôm nay 4,296
  • Tháng hiện tại 61,681
  • Tổng lượt truy cập 23,467,930