Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Nhẫn nhục thế nào cho chính đáng?

Nhẫn nhục thế nào cho chính đáng?

Đăng lúc: 21:19 - 09/06/2016

Theo lý giải của Phật giáo, nhẫn nhục bậc thấp nhất là những người có quyền thế bề trên, bậc trung là những người ngang hàng mình, bậc thượng là những kẻ dưới tay mình,
Nhẫn nhục thế nào cho chính đáng?
Hình ảnh minh họa
Theo quan niệm chung của Phật tử xưa nay, khi nói đến trách nhiệm truyền bá Phật giáo, đều công nhận “do tăng già đảm nhiệm”, hoặc tiến hơn lại bảo: “Hai giới xuất gia, tại gia chung gánh vác”, nhưng thực tế thì phải là “Truyền bá Phật giáo được phổ biến, linh động trong quần chúng do Phật tử tại gia thực hiện”.
Sống dậy tinh thần Phật giáo
Bởi vì mỗi cá nhân, mỗi gia đình Phật tử thực hiện đúng đường lối Phật dạy những cái hay đẹp ấy sẽ lây nhiễm sang những cá nhân và gia đình khác dần dần nhân gian biến thành Tịnh độ. Nếp sống của người xuất gia cao siêu cách biệt quần chúng quá, dù cố gắng cách mấy cũng khó ảnh hưởng lây.
Vì thế, Phật tử tại gia có trách nhiệm làm linh động và sống dậy tinh thần Phật giáo qua nếp sống cá nhân và gia đình mình.
Phật tử tại gia lâu nay có quan niệm sai lầm, khi nói đến Phật sự là đinh ninh cúng chùa, cất chùa, trai nguyện, công quả v.v... lãng quên yếu tố căn bản “Làm sống dậy lời Phật dạy”. Phật tử tại gia phải cố gắng thực hiện, lấy gia đình mình làm cứ điểm lợi ích thiết thực của Phật giáo để trả lời mọi nghi ngờ và phê bình của quần chúng.
Muốn cho quần chúng thấy cái hay, cái đẹp của Phật giáo, Phật tử tại gia trước hết lấy giáo lý điêu luyện cá nhân mình, chính bản thân mình là phản ảnh trung thành của Phật giáo, mà trước hết là Quy y và Thọ giới.
Quy y là đặt cho mình một lý tưởng, vạch một lối đi. Phật là mục tiêu cao cả để ta nhắm tới, Pháp là đường lối tiến đến mục tiêu ấy, Tăng là người hướng dẫn đi đúng đường lối tiến lên mục tiêu đã nhắm. Cho nên, Quy y là định hướng của người Phật tử, Quy y rồi cá nhân mình không còn cái khổ phiêu bạt linh đinh của con người vô lý tưởng.
Giữ 5 giới cấm, hành 5 hạnh Phật
Năm giới cấm là phần thiện tiêu cực của Phật tử. Giữ trọn năm giới là nhân cách con người được đầy đủ và bảo đảm một con người toàn vẹn ở tương lai. Sự thảm khốc của cảnh tương tàn tương xác, sự khổ đau cướp giựt lẫn nhau, sự xấu xa của gia đình thương luân bại lý, sự nghi ngờ trong xã hội điêu ngoa, sự say sưa ở trà đình tửu điếm… người Phật tử đều vượt khỏi những cái tủi nhục này.
Ngược lại, người Phật tử luôn luôn bảo vệ sinh mạng nhau, sẵn sàng tôn trọng tài sản của nhau, biết giữ gìn can thường đạo lý sống chân thành tự trọng và lúc nào cũng sáng suốt khôn ngoan. Chỉ giữ năm giới cá nhân đã khỏi sa vào hố trụy lạc, gia đình được êm ấm tin yêu; nếu toàn thể xã hội biết giữ năm giới thì hạnh phúc thay cho cuộc sống thanh bình!
Còn năm hạnh của Phật, Phật tử tại gia áp dụng vào đời sống thực tế để tạo cho mình một nếp sống đẹp đẽ và đem lại cho gia đình, cho xã hội an lạc, thuận hòa và mỹ lệ. Đó là: Từ bi, nhẫn nhục, hỷ xả, tinh tấn, trí tuệ.
Từ bi là tự tâm ta phát hiện lòng thương chân thật, biểu lộ trong hành động, ngôn ngữ chia vui sớt khổ cho nhau. Với Phật tử tại gia, đối tượng thực hiện lòng thương này là cha mẹ, anh em, vợ con, thân thuộc hàng xóm. Trong gia đình, lúc nào người Phật tử cũng đem lại sự an vui cho cha mẹ, anh em, vợ con, không bao giờ làm cho ai buồn khổ. Nếu cha mẹ, anh em, vợ con có điều gì đau khổ chính mình phải tìm cách giải cứu san sớt cho được vơi đi.
Đối với thân thuộc, hàng xóm chúng ta cũng thông cảm chia vui sớt khổ cho nhau. Những khi hoạn nạn, những lúc đau buồn của người thân thuộc nên coi như là hoạn nạn đau buồn của chính ta, cố gắng tìm cách giải cứu.
Đã thương nhau thì phải hòa thuận nhịn nhường nhau, nhất là đối với cha mẹ, dù mắng rầy quở phạt có phần quá đáng, người Phật tử vẫn nhẫn nhịn cam chịu, không bao giờ dám to tiếng chống đối, đợi khi nào cha mẹ nguôi cơn giận, ta mới nhỏ nhẹ thưa lại những nỗi hàm oan. Với anh em, ta cũng nhẫn nhịn nhau những khi buồn tức, không nên để cho cơn giận dữ nổi lên làm phân ly tình cốt nhục.
Vợ chồng phải nhường nhịn nhau, khi chồng giận vợ nhường, khi vợ tức chồng nhịn, đợi qua cơn tức giận sẽ nhã nhặn khuyên bảo nhau. Có khi nhường nhịn người ngoài dễ hơn nhường nhịn người trong nhà vì người ngoài coi nhau như là khách nhịn một chút cho qua, ít khi gặp lại nhau, người trong nhà ra vào gặp nhau nên có gì bực tức khó nhịn được.
Tập nhẫn nhục phải thực hiện ngay trong gia đình trước, khi ở gia đình đã thành công thì đối với người ngoài không khó. Có nhiều người đối đãi với bạn bè hàng xóm rất nhã nhặn vui vẻ, trái lại cư xử trong nhà thì thô bỉ cáu kỉnh. Đó là không biết thực hiện hạnh nhẫn nhục cho chính đáng.
Nhẫn nhục bậc thấp nhất là những người có quyền thế bề trên, bậc trung là những người ngang hàng mình, bậc thượng là những kẻ dưới tay mình, Phật tử chúng ta phải tiến từ bậc thấp đến bậc cao tột cùng.
Đã nhẫn nhịn được, cần phải hỷ xả, không nên ôm ấp buồn phiền trong lòng. Đã là phàm tục như nhau thì có ai tránh được sự lỗi lầm, khi người này phạm lỗi lầm người kia vui vẻ tha thứ, lúc người kia phạm lỗi lầm người này sẵn sàng hỷ xả.
Được vậy, trong gia đình sẽ giữ mãi được vẻ ấm êm tình hòa mục, bằng không thì khó thấy sự vui vầy. Cha mẹ luôn luôn có thái độ bao dung sẵn sàng tha thứ lỗi lầm của con; anh em rộng lượng dung thứ nhau cho tình cốt nhục thêm nồng; vợ chồng vui vẻ tha thứ cho nhau để giữ một niềm thủy chung như nhất.
Cầu tiến, hướng thượng
Tuy nhiên, tinh thần Phật tử luôn luôn muốn xây dựng mọi người chung quanh mình được tốt đẹp, nếu thấy người có điều quấy liền nhắc nhở chỉ dạy, khi người nhận lỗi liền vui vẻ tha thứ; người phạm lỗi phải can đảm nhận lỗi, người chỉ lỗi vui vẻ thứ tha; không nên có tính cách thấy người tha lỗi mình cứ phạm lỗi mãi.
Chuyên cần cầu tiến là sự tất yếu của con người hướng thượng. Phật tử tại gia là người sống trong cảnh trần tục mà luôn luôn ôm ấp ý chí hướng thượng, lúc nào cũng cần cầu tiến.
Trước nhất, chuyên cần chuyển hóa tâm niệm, hành động, ngôn ngữ xấu xa của mình trở thành tốt đẹp. Giá trị tu tập là ở chỗ cố gắng cải hóa bản thân mình.
Thứ đến, Phật tử chuyên cần làm việc hằng ngày theo khả năng mình để đem lại cơm no áo ấm cho gia đình. Nếu cả ngày Phật tử bàn luận những lý thuyết cao siêu huyền diệu mà vợ con đói rách nheo nhóc, lý thuyết sẽ trở thành chất vị chua cay khiến vợ con chán sợ nó.
Hơn nữa, Phật tử tại gia còn phải chuyên cần mong có dư giả chút ít để giúp đỡ những người tàn tật, đói thiếu làm vơi phần nào đau khổ cho nhân loại.
Đạo Phật rất chú trọng phần trí tuệ, có trí tuệ con người mới khỏi lạc lầm, đau khổ. Dù gắng làm mọi việc lành, nếu thiếu trí tuệ phán đoán chưa hẳn việc làm ấy đã là lành. Phật tử chúng ta nếu thiếu trí tuệ không thể thành một Phật tử chân chính được. Muốn có trí tuệ, Phật tử trước phải phá những cái tin tưởng sai lầm, chớ tin đồng bóng, sâm quẻ, tướng số v.v... là những hiện tượng mê mờ.
Để được khai thông trí tuệ, người Phật tử phải học kinh điển Phật giáo, nhờ ngọn đuốc trí tuệ của Phật chiếu phá mê mờ rồi ta y cứ vào đó làm nền tảng khiến trí tuệ khai phát.
Nghiêm giữ 5 giới cấm, cần cù hành 5 hạnh lành, mỗi Phật tử không chỉ tiến tu cho mình mà còn góp phần cải thiện môi trường sống, tạo dựng hòa khí chung quanh mình cho một xã hội an lành hơn…
Bình luận 0 Thích Thanh Từ

Lắng nghe để hiểu & thương

Lắng nghe để hiểu & thương

Đăng lúc: 10:58 - 28/03/2016

Một con cú già khôn ngoan sống ở cây đa. Nó càng nhìn thấy sự đời thì càng ít nói. Mà nó càng ít nói thì lại lắng nghe nhiều. Tại sao mình lại không như con cú già khôn ngoan kia? (Khuyết danh).
bo-tat-QTa.jpg
Quán Thế Âm có nghĩa là quán chiếu, suy xét, lắng nghe âm thanh của thế gian...

Khi còn bé thơ, chúng ta được dạy ‘học ăn, học nói, học gói, học mở’. Và càng nói nhiều thì đó là dấu hiệu phát triển bình thường. Nhưng ít khi nào chúng ta được dạy phải biết lắng nghe. Và phần nhiều, cha mẹ, thầy cô, các bậc phụ huynh, v.v… không để tâm nhiều đến chuyện dạy dỗ cách biết lắng nghe. Tất nhiên, cha mẹ hay các thầy cô có dạy mình phải biết nghe lời. Nhưng ít khi chúng ta được dạy cách biết lắng nghe cho đúng.

Thường khi trong một cuộc đối thoại, chúng ta muốn người đối diện nghe ý kiến của mình muốn phát biểu, hay diễn đạt hơn là mình nên lắng nghe ý tưởng của họ. Nếu đã là vậy, rõ ràng không có sự lắng nghe xảy ra. Mà hễ không có sự lắng nghe, hiểu và cảm thông sẽ không bao giờ được thiết lập. Vợ chồng thường hay gặp phải tình cảnh này, nên có câu nói chọc cười: ‘Ngày xưa chồng nói vợ nghe. Bây giờ chồng nói vợ chê lắm mồm’. Cho nên, biết lắng nghe là nhịp cầu nối đầu tiên cho sự hiểu biết, cảm thông.

Quán Thế Âm có nghĩa là quán chiếu, suy xét, lắng nghe âm thanh của thế gian. Theo phẩm Phổ môn trong kinh Pháp hoa, sở dĩ Ngài mang tên gọi như vậy là do hạnh nguyện từ bi cứu khổ cứu nạn, mỗi khi chúng sanh bị khổ ách, nguy cấp, nhất tâm niệm danh hiệu của Bồ-tát, Ngài liền quán xét âm thanh đó, lập tức cứu họ thoát khỏi tai ách.

Nhiều kinh điển nói về công hạnh của Bồ-tát, về sức uy thần diệu dụng của Ngài, thường hiện thân khắp nơi cứu giúp người đang đau khổ trên trần gian. Nhưng để tu tập theo hạnh nguyện từ bi, cứu khổ của Ngài, thiết nghĩ, chúng ta nên tìm hiểu thêm một số chi tiết về những hạnh nguyện đó.

Trong kinh Pháp hoa nói Ngài thường thị hiện 33 hóa thân. Nhưng theo thiển ý, chắc đây là con số tượng trưng. Ngài được mô tả là một vị Bồ-tát luôn hóa thân cứu khổ mọi loài chúng sinh. Ngài hóa thân là một hiện tượng đặc thù theo tinh thần ‘tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên’, biểu lộ tấm lòng đại từ bi, không phân biệt kẻ thân, người sơ, kẻ thâm tín, người hoài nghi, thậm chí người vô thần, ngoại đạo.

Hiện tượng hóa thân nói lên sự thấu hiểu và cảm thông thật sâu sắc nỗi sợ hãi, mối ưu lo của chúng sinh trong thế giới đảo điên, mộng tưởng. Để được tiếp cận với một chúng sinh đang đau khổ, Ngài hiểu rõ rằng một người xa lạ, dù là một Bồ-tát, sẽ khó có thể đến gần để chúng sinh kia được giãi bày nguồn cơn nỗi khổ của mình.

Theo kinh nghiệm đời thường cho thấy, khi chúng ta đang đau khổ hoặc phiền não mình chỉ muốn chia sẻ với ai biết lắng nghe, thông cảm, và không có ý phê phán, bình phẩm về những điều mình đã làm sai, hay tâm tình mình đang giãi bày, thổ lộ. Và thường mình muốn chia sẻ với người quen biết, dễ thương, hoặc người nào tôn trọng ý tưởng và tình cảnh của mình. Nếu hiểu được điều này, chúng ta có thể đóng vai sứ giả của Đức Quán Thế Âm, lắng nghe mà không phê bình, chỉ trích để giúp làm vơi nỗi khổ của người.

Thật ra, ai trong chúng ta cũng đều có khả năng làm sứ giả Quán Âm, và muốn thành tựu vai trò này đòi hỏi mình phải biết lắng nghe.

Nhưng biết lắng nghe là một nghệ thuật. Nghĩa là chúng ta phải quên mình đi mà chỉ biết nghe người kia đang nói gì. Biết lắng nghe đòi hỏi mình phải biết lắng đọng tâm tư để nghe rõ thông điệp của người mình đang đối diện. Cái bi kịch thường hay xảy ra cho chúng ta là khi mình muốn học hạnh lắng nghe nhưng cứ mỗi khi nghe xong câu chuyện mình lại diễn dịch nó qua lăng kính kinh nghiệm của bản thân, giống như mình nhìn thấy một sự kiện qua cặp kính màu của mình, nên thay vì hiểu và cảm thông, chúng ta lại chỉ trích hay phê phán người đối diện là dở cái này, thiếu cái nọ.

Do đó, hành động lắng nghe của mình bị thất bại. Nếu chúng ta biết lắng nghe qua tâm hạnh từ bi như Bồ-tát Quán Thế Âm, chúng ta biết tôn trọng ý tưởng của người nói và lắng nghe cho kỹ những nỗi khổ đau mà họ đang trải nghiệm, thì công sức lắng nghe của mình sẽ chắc chắn mang lại một kết quả tốt và có thể sẽ làm vơi đi nỗi khổ của người.

Ngoài việc hóa hiện các thân để cứu độ, Ngài còn có khả năng làm cho chúng sinh hết lo sợ (vô úy thí). Trong kinh Pháp hoa, phẩm Phổ môn có nêu lên 14 hoàn cảnh, những trường hợp tượng trưng, mà Ngài đã vận dụng năng lực vô úy để cứu độ. Năng lực vô úy là một khả năng đặc thù mà chỉ có những ai thật định tĩnh, tự tin, và từ bi vô hạn mới có thể làm được. Như một bà mẹ thương con vô cùng mới có thể làm con mình yên tâm dù hoàn cảnh trước mặt đang xảy ra vô cùng bất lợi và nguy hiểm. Sở dĩ chúng ta cảm thấy an lòng, không hoảng sợ, kinh hoàng trước sự hiện diện của Bồ-tát Quán Thế Âm vì Ngài sẵn lòng hy sinh bản thân để cứu độ mọi người.

Chúng ta cũng đã từng nghe qua năng lực vô úy này được các thiền sư thể hiện, như trong câu chuyện sau: Trong thời nội chiến ở Triều Tiên, một vị tướng soái dẫn quân đánh chiếm hết vùng này đến vùng kia, hủy diệt hết những gì cản trở bước tiến của ông ta. Dân chúng trong thành biết đoàn quân của vị tướng đang đánh tới, và nghe tiếng tàn bạo của ông ta nên mọi người đều trốn lánh vào vùng núi cao.

Vị tướng tiến chiếm thành không người và ra lệnh quân lính tìm kiếm dân trong thành khắp nơi. Vài người lính trở về báo cáo chỉ có một thiền sư còn ở lại. Vị tướng quân liền vội vã đến chùa, đi thẳng vào bên trong, rút gươm ra, và nói: “Lão thầy chùa kia, ông không biết ta là ai sao? Ta là người có thể thản nhiên lấy mạng của ông không chớp mắt”. Vị thiền sư nhìn thẳng vào mặt ông tướng soái và bình thản trả lời: “Và tôi, thưa ngài, là người có thể để ngài lấy đầu mà cũng không chớp mắt”. Vị tướng quân nghe xong, liền cúi đầu và bỏ đi.

Sợ hãi là bản năng của con người, ai sinh ra cũng có. Nhưng các bậc thánh, hay như người căn tính yếu kém như chúng ta, nếu biết tu tập tinh chuyên và có lòng từ bi vô lượng, đều có khả năng, không những vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân, mà còn khéo giúp người khác an tâm, không lo sợ. Tu tập hạnh từ bi có khả năng giúp mình vượt qua khổ hải và cũng giúp được người vơi bớt khổ đau. Vậy muốn có được năng lực vô úy thì chúng ta không thể thiếu hạnh từ bi.

Tuệ giác của pháp môn lắng nghe, không chỉ nằm trong việc lắng nghe âm thanh, lời nói, ngôn ngữ của người đối diện, mà còn vận dụng hết cả thân tâm mình từ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và cả ý căn, để hiểu thấu và thấy rõ từ cử chỉ, hành vi, và sắc diện của họ đang nói lên những gì, mà lời nói, ngôn ngữ chưa diễn đạt, trình bày được hết ý của câu chuyện.

Chỉ cần vận dụng một phần ba (1/3) năng lượng của tuệ giác lắng nghe là chúng ta đã có thể giúp vơi đi nỗi khổ của người khác nhiều lắm rồi. Nhưng tiếc thay, đa số chúng ta thích nói hơn là thích nghe nên năng lượng của tuệ giác lắng nghe ít khi được sử dụng. Sở dĩ, mình thích nói hơn lắng nghe vì bản ngã, hay cái ta, đóng vai trò lớn trong việc thể hiện tầm quan trọng của bản thân, con người mình. Không ai muốn đóng vai trò ‘thấp cổ, bé miệng bao giờ!’. Hiểu rõ được điều này và phải vận dụng nhiều công phu tu tập mới có được chút khả năng lắng nghe vi diệu của Bồ-tát Quán Thế Âm.

Nhân ngày lễ vía của Đức Bồ-tát, chúng ta hãy cùng nhau vận dụng hết năng lực của mình để nhất tâm tu tập nguyện noi theo công hạnh của Ngài và để xứng đáng làm một sứ giả của Bồ-tát Quán Thế Âm.

Tháng 10-2015
Tuệ Nghiệp

Đạo Phật - một tôn giáo bạn nên tìm hiểu

Đạo Phật - một tôn giáo bạn nên tìm hiểu

Đăng lúc: 09:21 - 01/11/2015

Mọi người đều nên có một tôn giáo và tôn giáo này biểu lộ tư tưởng của họ. Không có tôn giáo, con người sẽ trở thành mối nguy hiểm cho xã hội. Các nhà khoa học và tâm lý học có thể giúp ta mở mang kiến thức sâu rộng, nhưng họ không đem lại cho ta mục đích và ý nghĩa của cuộc sống. Chỉ có tôn giáo mới có thể làm được điều đó. Mọi người phải chọn cho mình một tôn giáo hợp lý và khoa học tùy theo ý muốn của mình. Không ai có quyền cưỡng bách người khác phải chấp nhận một tôn giáo nào, đồng thời cũng không thể lợi dụng sự nghèo túng, sự thiếu học cũng như tình cảm để khiến kẻ khác chấp nhận một tôn giáo nào đó.


Mọi người đều có quyền tự do lựa chọn tôn giáo của mình tùy theo sở thích và khả năng trí tuệ của mình. Tin theo tôn giáo một cách mù quáng sẽ đánh mất giá trị tinh thần của tôn giáo. Con người không phải thú vật. Họ có trí thông minh và lương tri để phân biệt phải, trái. Họ có thể thích ứng với hoàn cảnh chung quanh. Cho nên, họ phải chọn một tôn giáo hợp lý và làm tăng trưởng sự hiểu biết của họ.

Trung Đạo

Tôn giáo mà chúng tôi sắp giới thiệu cùng các bạn trong bài này là một hệ thống giáo dục khoa học đã được một đấng Đại Bi Đại Giác truyền bá trên thế giới hơn hai mươi lăm thế kỷ qua. Tôn giáo này được mệnh danh là con đường Trung Đạo hay Chính Đạo hoặc lối sống đứng đắn. Đây là một hệ thống đạo đức và triết lý, vừa là tôn giáo của Tự Do và Lý Trí. Tôn giáo này dạy cho chúng ta những điều sau đây:

“Không làm điều ác, làm mọi điều lành và giữ tâm trong sạch bằng cách loại bỏ những điều xấu xa trong tâm hồn”.

Đức hạnh của con người đóng vai trò rất quan trọng trong tôn giáo này. Vị thầy vĩ đại của tôn giáo này đã nói:

“Ta không dạy ai đến để tin, nhưng đến để thấy và thực hành”.

Điều này đã khích lệ mọi người nghiên cứu kỹ càng những lời dạy của Ngài và để cho họ tự do có nên chấp nhận những điều dạy dỗ đó không. Ngài không bảo ai đến và chấp nhận tôn giáo này nếu họ chưa hiểu những lời dạy của Ngài.

Những nghi thức vô bổ cùng những hình thức lễ bái bề ngoài không phải là giá trị và ý nghĩa thực sự của tôn giáo. Không có sự tin tưởng và thực hành một cách mù quáng, mê tín cũng không có những lý thuyết kỳ lạ và bí hiểm trong tôn giáo này. Mọi vật đều được trình bày và mở ra để người tín đồ tự do lựa chọn và phán đoán. Họ được tự do nghiên cứu và tìm hiểu những lời dạy dỗ của vị thầy đồng thời họ cũng được tự do hỏi để hiểu thấu đáo những điều gì họ nghi ngờ.

Theo vị sáng lập tôn giáo vĩ đại này thì chúng ta không nên tin một điều gì chỉ vì điều đó đã được một bậc đáng kính và đại thông thái nói ra hay đã được chấp nhận theo truyền thống từ xưa để lại. Nhưng chúng ta phải dùng lý trí và sự thông minh của chúng ta để xét đoán; và chỉ chấp nhận điều gì khi đem ra thực hành sẽ đem lại lợi ích và giá trị.

Tôn giáo này dạy rằng: Bát chánh đạo (gồm sự hiểu biết đúng, suy nghĩ đúng, lời nói đúng, hành động đúng, đời sống đúng, cố gắng đúng, sự ghi nhớ đúng và sự tập trung tư tưởng đúng) là con đường trung dung độc nhất giúp ta thoát khỏi những cá biệt trầm kha của cuộc sống.

Trong vòng luân lưu bất định của đời sống mỗi chúng sanh đều nhận chịu những căn bệnh trầm kha này.

Con đường Trung đạo này không phải là con đường siêu hình hay nghi thức, không phải giáo điều chủ nghĩa hay hoài nghi thuyết, không phải tự phóng túng hay khổ hạnh, không phải chủ nghĩa Vĩnh Cửu hay Hư Vô, không bi quan và cũng không lạc quan, đó là con đường giác ngộ, thoát khỏi sự đau khổ. Tôn giáo này không bao giờ dạy rằng, con người chịu đau khổ trong thế giới hiện tại là do tội lỗi của ông bà tổ tông để lại. Ngược lại mỗi người mang theo mình phước báu hay lỗi lầm của chính mình. Mọi người chịu trách nhiệm về những đau đớn và lạc thú của họ, về những việc làm xấu hay tốt của họ.

Người nào đi theo con đường Trung Đạo của tôn giáo này giới thiệu, chắc chắn sẽ tìm thấy an bình và hạnh phúc thật sự.

Gặt hái những gì bạn đã gieo

Tôn giáo này thỏa đáng nguyện vọng cao cả của con người, đồng thời giúp cho họ khắc phục được những nổi đau khổ và phiền muộn trong cuộc sống; hướng dẫn họ cách đối xử với nhau. Ngoài ra, còn mang lại cho họ ý nghĩa và mục đích của đời sống. Tôn giáo này không gieo truyền đến con người, không rót vào đầu óc họ những tư tưởng sợ hãi. Sự sợ hãi và khiếp nhược vắng bóng trong tôn giáo này.

“Nhân tốt sinh ra quả tốt, nhân xấu sinh ra quả xấu”.

Mọi hành động đều mang lại hậu quả của nó. Đó là quy luật tự nhiên của vũ trụ. Tôn giáo này chấp nhận hoàn toàn qui luật tự nhiên ấy, đã là con người phải “Gặt hái những gì họ gieo”. Những hành động xấu xa, những tội lỗi của con người phát xuất từ sự ham muốn, lòng sân hận và sự ngu muội. Những điều yếu kém này chỉ có thể được khắc phục nhờ ở sự hiểu biết của chính chúng ta, nghĩa là chính chúng ta phải tự giác ngộ. An vui và đau khổ con người gặp phải trên cõi đời này không phải do ảnh hưởng từ bên ngoài đem lại mà do những hành động và lời nói tốt hay xấu họ đã làm trong hiện tại hoặc trong những kiếp sống trước đây. Bởi lý do đó, tôn giáo này đã nói:

“Chúng ta là kết quả của những gì chúng ta đã làm và chúng ta sẽ là kết quả của những gì chúng ta đang làm”.

Tôn giáo này dạy rằng: Nguyên nhân và hậu quả đóng vai trò quan trọng trong mọi kiếp sống của con người. Trong vòng luân lưu nhân quả này, khó có thể nhận biết đâu là nguyên nhân đầu tiên, vì nhân và quả hỗ tương chuyển biến; nguyên nhân trở thành hậu quả và hậu quả biến thành nguyên nhân.

Vị Thầy vĩ đại

Sáng lập ra tôn giáo độc đáo này không phải là một nhân vật thần thoại mà là một bậc thầy vĩ đại, thực sự sống trên thế giới này, Ngài không bao giờ tự xưng mình là đấng siêu nhân, là đấng tạo hóa hay Thượng Đế v.v… mà chỉ là con người đã thấy rõ chân lý, thấy rõ những bí ẩn của cuộc đời; hiểu thấu đáo những nguyên nhân thật sự của khổ đau và hạnh phúc.

Ngày nay, vị thầy này không những được hàng trăm triệu tín đồ trên thế giới tán dương, tôn thờ mà còn được những nhà văn hóa và trí thức hết lòng tôn kính, ngưỡng mộ.

Đấng cao thượng, đấng giải phóng, nhà dân chủ, nhà cải cách xã hội, người hướng dẫn và khuyến khích nhân loại đến nẻo thiện đã vắng bóng vào năm tám mươi tuổi. Ngài để lại cho nhân loại thông điệp của tình thương, để lại cho nhân loại những lời chỉ đạo hữu ích, hướng dẫn họ đến an vui, hạnh phúc. An vui hạnh phúc ngay trong cuộc sống hiện tại cũng như các đời sống sau và cuối cùng đạt đến an bình và hạnh phúc vĩnh cửu.

Vị đại đạo sư đã an ủi kẻ đau thương, đã giúp đỡ kẻ nghèo khó bị ruồng rẫy, nâng phẩm giá người bị khinh khi, đưa kẻ trộm cướp trở lại đường lương thiện. Ngài khích lệ kẻ yếu, đoàn kết những kẻ phân tán, giải trừ những điều huyền bí, soi sáng cho người ngu muội, nâng cao người hạ tiện, tán dương người cao thượng. Người giàu hay kẻ nghèo, thánh nhân hoặc tội phạm đều thương yêu Ngài. Từ những vị vua tàn bạo cho đến những vị minh quân, từ những bậc vương tử, đến hàng quý tộc, hữu danh hay vô danh; từ những bậc phú hào giàu lòng từ thiện đến những nhà triệu phú keo kiệt; từ những học giả khiêm cung hay hống hách, tự phụ đến những người nghèo nàn, đói khổ, thất học; từ những bậc hiền nhân quân tử đến những tên sát nhân đầy tội; những cô gái mãi dâm bị miệt thị… Tất cả đều tìm thấy an vui, thấy lợi ích bởi những lời dạy đầy trí tuệ và đầy tình thương của Ngài.

Những đức tính cao thượng điển hình của Ngài là nguồn cảm thông và hứng cảm vô hạn của tất cả mọi người. Dung mạo trầm tỉnh và an bình của Ngài là dấu hiệu an ủi dịu dàng dưới mắt của những tín đồ nhiệt thành.

Thông điệp hòa bình và từ ái của Ngài đã được mọi người hân hoan đón nhận và đã đem lại lợi ích lâu dài cho những ai có cơ hội nghe và thực hành theo. Ý chí sắt đá, trí tuệ cao thâm, tình thương vô biên, phục vụ bất vụ lợi, xuất thế cao cả, hoàn toàn trong sạch, nhân cách cao thượng, những phương pháp điển hình tuyệt diệu để truyền bá giáo pháp cùng sự thành tựu cuối cùng của Ngài, tất cả những yếu tố ấy đã khiến cho một phần năm nhân loại trên thế giới tôn Ngài là bậc Thầy vĩ đại. Vì nhân loại còn đau khổ nên vị đạo sư đã hy sinh mọi lạc thú của cuộc đời để kiếm tìm chân lý và chỉ cho nhân loại con đường giải thoát mọi đau khổ. Ngài viếng thăm an ủi kẻ nghèo khó trong khi các vị vua chúa hay đạo sĩ phải đích thân đến hội kiến cùng Ngài. Trong bốn mươi năm trời sau ngày thành đạo, Ngài đã dành hết thì giờ và tâm trí thuyết pháp độ sinh, giúp nhân loại thoát khỏi vòng đau khổ.

Vị thầy vĩ đại này chẳng bao giờ khiếp sợ điều gì và cũng chẳng gieo vào đầu ai nỗi lo sợ. Đó là một trong những nguyên tắc cần được bồi đắp và truyền bá trong cái thế giới ưa chuộng chiến tranh hiện tại, thế giới mà trong đó ngay cả mạng sống con người cũng bị hy sinh cho bạo lực, và vũ khí giết người đang gieo rắc sợ hãi, nghi ngờ và oán giận.

Ngài là một nhà khoa học lỗi lạc trong sinh hoạt con người, và cũng vì vậy mà những lời Ngài thuyết dạy thường được chấp nhận như là một lý thuyết của một tôn giáo độc nhất có tính cách khoa học và hợp lý. Ngài soi xét tường tận con người trên cả hai phương diện Danh và Sắc và cho thấy một cách rõ ràng tiềm năng thật sự bên trong của mỗi chúng ta. Ngài đã phá tan sự u minh tăm tối bằng cách rọi vào đó ngọn đèn giác ngộ.

Đối với các nhà đạo đức, Ngài đã đặt ra một bộ luật đạo đức có giá trị nhất và Ngài là biểu tượng của sự toàn hảo. “Ngài có đầy đủ những đức hạnh quý báu mà Ngài thường khuyên chúng ta thực hành, Ngài là bậc hoàn toàn trong sạch”.

Trong số các đạo sĩ, Ngài là một trong những vị có tài thuyết phục mạnh nhất, nhưng chẳng bao giờ Ngài xử dụng phương tiện này để bắt buộc người khác theo Ngài. Bình thản trước những lời khen chê, Ngài chỉ cố gắng đem hết sức mình phục vụ nhân loại thoát khỏi vòng đau khổ.

Bình an trong tâm hồn, hạnh phúc và giải thoát

Vị đại đạo sư đã dạy cho con người con đường đi đến sự bình thản trong tâm hồn, hạnh phúc và sự giải thoát. Phương pháp đạt đến sự giải thoát vừa có tính chất phóng khoáng, khoa học hợp lý vừa dễ hiểu cho mọi hàng chúng sanh.

Thông điệp hòa bình của Ngài càng trở nên quan trọng hơn vì hiện tại nhân loại đang bị đầu độc bởi thù hận, tham lam ganh tỵ và kiêu hãnh.

Ngài được sinh ra trong thế giới này để đánh tan bóng tối của sự u minh và cứu con người ra khỏi những tội ác của họ. Còn có rất nhiều người vẫn chưa tin hay thực hành theo một tôn giáo nào cả. Tuy nhiên, nếu họ chịu khó nghiên cứu và tìm hiểu những gì mà bậc đại đạo sư đã dạy, họ sẽ thấy những nghi ngờ của họ được giải đáp và cuối cùng họ sẽ chấp nhận rằng đây là một tôn giáo đã đóng góp rất nhiều cho hạnh phúc của nhân loại.

Dù cho người ta tin hay không, những lời Ngài dạy có ảnh hưởng đối với họ. Trong lịch sử truyền bá của tôn giáo này chưa hề có một giọt máu nào đổ dưới danh nghĩa này.

Những lời Ngài dạy đã soi sáng bước đường của nhân loại, giúp con người vượt qua những điều không vừa lòng toại ý để đến một nơi đầy tình thương an bình và hạnh phúc.

Mặc dù đã trải qua hai mươi lăm thế kỷ, những lời dạy của Ngài vẫn còn đủ sức mạnh để đương đầu với mọi thử thách mà không cần phải có một sự sửa đổi hay sự giải thích mới mẻ nào về những lời dạy đó. Những lời dạy của Ngài không hề mâu thuẫn với thành quả và sự khám phá của khoa học tân tiến.

Đạo đức rất cần thiết để đạt đến sự giải thoát, nhưng một mình nó chưa đủ. Đạo đức phải được phối hợp với trí tuệ. Đạo đức và trí tuệ như đôi cánh của một con chim. Trí tuệ là đôi mắt của con người và đạo đức là đôi chân. Đạo đức có thể ví như một chiếc xe đưa con người đến cửa ngõ của thiên đường nhưng chìa khóa để mở cửa đó là trí tuệ.

Thiên đàng hạnh phúc

Tín đồ của tôn giáo này không bao giờ cho rằng chỉ chính họ mới được ban ân phước và chính họ mới đến được thiên đàng hạnh phúc. Tùy theo cách sống, mọi người tự tạo cho chính mình thiên đàng hay địa ngục.

Theo lời dạy của tôn giáo này thì mọi người đều có thể hưởng hạnh phúc và thiên đàng nếu họ sống một đời sống đạo đức, lương thiện dù cho họ có tin vào tôn giáo nào đi nữa. Thiên đàng không dành riêng hay độc quyền cho một đạo giáo hay một cộng đồng tôn giáo nào mà mở cửa cho tất cả mọi người.

Sự khoan dung và hiểu biết

Khoan dung, hiểu biết và tôn trọng ý kiến của kẻ khác là những hạnh lành đáng quí mà tín đồ của tôn giáo này cố gắng thực hành theo. Lòng từ ái và tình thương yêu kẻ khác không phải chỉ giới hạn đối với con người mà còn bao trùm khắp mọi chúng sanh.

Đạo sống

Nhờ đặc tính rõ ràng và hợp lý tôn giáo này đã giải đáp một cách thỏa đáng những hoài nghi, hướng dẫn và giúp nhân loại cải thiện phương thức sống tốt đẹp.

Tôn giáo này không chia con người ra làm hai nhóm: một nhóm được cứu rỗi và nhóm kia bị bỏ rơi, mà là một sức mạnh khai hóa, biến những kẻ man rợ thành người thuần thục, và những kẻ đã thuần thục thành người tốt đẹp hơn. Tín đồ của tôn giáo này không tin vào những lời cầu nguyện khấn vái. Họ tin một cách chắc chắn vào sự cố gắng của chính bản thân mình, tin ở hiệu năng và sức mạnh của phương pháp thiền có thể dẫn dắt con người đến việc tự chinh phục chính mình; tự kiểm soát lấy mình, trong sạch hóa bản thân, diệt khổ và giải thoát. Thiền là phương thuốc vừa bổ óc vừa trợ tim.

Con người có thể thay đổi cuộc đời của mình

Những ai theo tôn giáo này đều tin rằng trí óc con người có sức mạnh vạn năng. Nó tạo ra con người, nhưng cũng chính nó hủy diệt con người. Số mạng con người tùy thuộc vào nó. Vì vậy, con người có khả năng làm được tất cả mọi chuyện nếu biết sử dụng trí óc của mình. Trong thực tế, tôn giáo này đã là ngọn hải đăng quí giá hướng dẫn nhân loại đến hòa bình, hạnh phúc và an vui vĩnh cửu. Thế giới này phải đối đầu với những ngộ nhận giữa các giống dân, trên bình diện quốc tế cũng như địa phương, ngộ nhận trên phương diện kinh tế cũng như ý thức hệ. Để giải quyết những vấn đề phức tạp này con người phải sống với nhau trong tinh thần vị tha và khoan dung. Điều này có thể thực hiện được một cách tốt đẹp dưới sự hướng dẫn của tôn giáo này vì tôn giáo này chủ trương một sự hợp tác trên căn bản đạo đức vì ích lợi của quần sanh.

Hạnh phúc và an nguy của nhân loại chỉ có được khi con người ý thức được rằng sự phát huy và bành trướng những giá trị đạo đức quan trọng hơn những tiến bộ vật chất. Con người phải thực hiện công bằng chân lý, phải rải rác tình thương, lòng bác ái và sự tương thân tương trợ. Có như vậy, thế giới này mới trở thành một nơi đáng sống.

Tôn giáo thật sự

Không có gì tốt đẹp và cao thượng hơn sự vun bồi một tình thương bao la rộng rãi. Không có lạc thú nào ngọt ngào hơn sự bình thản của tâm hồn, không có chân lý nào rõ ràng hơn sự hiểu thấu những hiện tượng tự nhiên, không có tôn giáo nào cao siêu hơn sự phát huy những giá trị đạo đức tinh thần và không có một triết lý nào sâu sắc hơn cái triết lý mang lại kết quả tức thì và dễ nhận cho tất cả mọi người.

Tôn giáo tự do

Tôn giáo này không ngăn cản hay cấm đoán tín đồ đọc hay tìm hiểu các tôn giáo khác, vì việc làm này biểu lộ sự cuồng tín. Một người cuồng tín không bao giờ tự cho phép mình được hướng dẫn bởi sự hợp lý và tệ hơn nữa, bởi các phương pháp phân tích và quan sát một cách khoa học. Vì vậy, tín đồ của tôn giáo này là những người hoàn toàn tự do, tinh thần phóng khoáng, không phải thờ phụng một vị thần linh nào cả (để tiến hóa trong bước đường tu tập). Nếu bạn chịu khó đọc kỹ những lời thuyết giảng về tôn giáo này, bạn sẽ đánh tan được những ngộ nhận mà bạn đã có từ trước về nó. Không ai có thể xét đoán một cách đứng đắn một tôn giáo nếu chỉ nhìn cách thức lễ bái cầu nguyện do các tín đồ chưa hiểu đạo của tôn giáo đó làm. Trái lại, phải cố gắng tìm hiểu các giáo điều căn bản, mới có một nhận xét rõ ràng về một tôn giáo.

Con người và Thượng Đế

Thay vì đặt con người và số mạng của y dưới sự kiểm soát độc đoán của một đấng thần linh xa lạ, bắt y phải tuân hành tuyệt đối những quyền năng của vị đó, tôn giáo này nâng cao giá trị của con người, tôn trọng và tin tưởng vào trí tuệ của họ.

Tôn giáo này dạy chúng ta phải giúp đỡ kẻ khác một cách bất vụ lợi, không cần nghĩ đến sự đền ơn. Tín đồ của tôn giáo này không làm những điều tội lỗi chẳng phải vì sợ Thượng Đế trừng phạt mà vì họ ý thức được nguyên nhân sâu xa đã làm cho mọi chúng sanh đau khổ. Động lực thúc đẩy làm điều lành không phải để làm vui lòng Thượng Đế hay được đền ơn mà do lòng yêu thương đối với kẻ khác.

Tôn giáo này dạy con đường đi đến sự toàn thiện và trí tuệ mà không nhờ vào một đấng tối cao nào. Kiến thức thâm sâu của bạn cũng không phải do ơn trên mà có được. Trật tự đạo đức thế giới cũng như những hành động và kết quả mà bạn gặt hái được đều diễn biến và thuận hành theo một qui luật tự nhiên. Sự hiện hữu liên tục của con người từ kiếp này qua kiếp khác không dựa vào một linh hồn bất tử. Hạnh phúc vĩnh cửu vượt lên trên ý niệm thiên đàng do con người đặt ra, không cần nhờ đến đấng cứu thế mới được cứu chuộc. Ngay trong cuộc sống hiện tại của chúng ta trên thế giới này chúng ta có thể được giải thoát do năng lực của chính mình.

Không có sự hưởng thụ những thú vui nhục thể, đời sống của con người có kéo dài được không?

Không cầu khấn thượng đế con người có thể trở thành chính trực không?

“Được chứ!” vị sáng lập ra tôn giáo này đã nói như vậy. Những điều trên đều có thể đạt được do ở sự phục vụ, sự trong sạch, giới hạnh và trí tuệ. Những đức tính tốt đẹp và cao thượng này đem lại cho đời sống của con người sự thanh tịnh, bình an hạnh phúc và giải thoát.

Luật tự nhiên của vũ trụ

Luật tự nhiên của vũ trụ được giải thích trong tôn giáo này có thể giải quyết những vấn đề về sự đau khổ, bí mật của số mạng, thuyết tiền định của một vài tôn giáo, vấn đề thần đồng và nhất là sự bất bình đẳng của nhân loại. Hiểu biết những định luật thiên nhiên này mang lại cho chúng ta sự an vui, niềm hy vọng, lòng tự tin và sự khích lệ tinh thần; giúp chúng ta trở nên tinh tấn, từ ái, nhiệt tâm, độ lượng, khoan dung, cảm thông và vị tha. Chúng ta có được những đức tính này nhờ chúng ta ý thức được rằng không có gì hoàn toàn xấu, chỉ có sự tương đối mà thôi.

Tôn giáo tiến bộ mới mẻ

Đây không phải lý thuyết mà là một lối sống thực tế. Đây là một tôn giáo cổ xưa nhất, đồng thời cũng là một tôn giáo tân tiến mà mọi người đều tôn trọng. Tôn giáo này giúp cho con người không phải bị nô lệ vào thượng đế hay một quyền lực ngoại lai nào mà phải phát triển những tiềm lực bên trong của chúng ta bằng cách xử dụng nỗ lực và trí thông minh của mình để vượt qua những trở ngại mà chúng ta gặp phải trong đời sống.

Đây là tôn giáo có đầy đủ những đặc tính mà một tôn giáo hợp lý đòi hỏi. Đó là tôn giáo thích ứng với thế giới tương lai, là một tôn giáo khoa học, hợp lý và tiến bộ, là niềm tự hào cho những ai là tín đồ của tôn giáo này trong thế giới tân tiến. Thật vậy, về phương diện tinh thần tôn giáo này còn khoa học hơn cả khoa học và tiến bộ hơn cả mọi tiến bộ.

Không có sự kỳ thị

Đây là tôn giáo đầu tiên trong lịch sử đã chống lại hệ thống giai cấp và dạy cho nhân loại biết sự bình đẳng đồng thời mang lại cho mọi giai cấp cơ hội bình đẳng để phát triển. Chính tôn giáo này đã đem lại tự do thực sự cho phụ nư, để cho họ có cơ hội học hỏi và nghiên cứu tôn giáo, cũng là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại họ có sự bình đẳng xã hội.

Vị đại đạo sư đã nói rằng cửa ngõ của thành công và thịnh vượng được mở ra cho tất cả mọi người không phân biệt điều kiện sống của họ, dầu họ thuộc giai cấp cao hay thấp, thánh nhân hay tội phạm họ cũng có thể cải thiện và làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, hoàn hảo hơn. Ngài không bắt buộc những tín đồ của Ngài nô lệ vào Ngài hay những lời dạy dỗ của Ngài nhưng tạo cơ hội cho họ được hoàn toàn tự do tư tưởng.

Sự tạm bợ đời sống

Tôn giáo này đã phân tích cho con người thấy rõ vật chất và tinh thần là hai yếu tố luôn luôn biến đổi, từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc nọ, từ giây phút này sang giây phút kia sự vật đã biến dạng rồi. Toàn thể hiện tượng tâm sinh lý này vẫn luôn luôn giữ mãi tính chất biến đổi của chúng. Nó xuất hiện rồi biến mất và chu trình đó vẫn tiếp diễn mãi không ngừng, vì vậy không có gì trường tồn vĩnh cửu trong thế giới này hay trong thế giới khác. Tôn giáo này cũng tin rằng trong vũ trụ này còn có những thế giới khác và trong những thế giới ấy cũng có những sinh vật đang sống.

Giáo điều và giới luật

Tôn giáo này không có những giáo điều mà mọi người phải tuân theo một cách mù quáng, thay vào đó là những giới luật được hành giữ một cách tự nguyện. Giữ giới là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu.

Nhờ tuân hành những giới này con người có thể trở nên trong sạch để giúp đỡ kẻ khác sống trong sự an lành. Cho phổ biến bài này, chúng tôi không nhằm mục đích thay đổi lòng tin của người khác mà giúp cho họ tìm thấy được một cách đúng đắn sự bình an hạnh phúc, đồng thời giúp cho họ có được sự sáng suốt khi thực hành tôn giáo mà họ đã nhận thức đứng đắn, chứ không tin theo một cách mù quáng.

Chúng tôi khuyến khích mọi người hãy thực hành tôn giáo của họ một cách đứng đắn nếu thực sự họ đã tìm thấy trong tôn giáo họ chân lý, bình an hạnh phúc và giải thoát.

Tôn giáo này có thể đem lại một lối giải đáp thỏa đáng cho nhiều vấn đề thuộc lãnh vực tinh thần, đồng thời có thể cung ứng cho bạn một chiều hướng mới mẻ trong việc tìm hiểu nghiên cứu tôn giáo và triết học. Tôn giáo này cũng có thể giúp bạn hiểu biết về đời sống văn hóa Á Châu. Bạn có thể tìm thấy trong đó sự hướng dẫn tinh thần mà thế giới tân tiến đang đòi hỏi hay cần đến, đồng thời giúp cho bạn xa lánh được những điều ác.

Tôn giáo này đã đem lại cho thế giới một tinh thần mới, niềm hy vọng mới, hướng đi mới. Những tính chất chân thật và trọng yếu này từ trước đến nay đã được mọi người nhận thấy một cách rõ ràng.

Dù mục đích của bạn là thế nào chăng nữa, chúng tôi cũng xin mời bạn hãy tìm hiểu nhiều hơn và rõ ràng hơn, tôn giáo và lý tưởng của vị sáng lập ra tôn giáo này.

Tôn giáo cao thượng được bàn đến trong bài này là PHẬT GIÁO và vị sáng lập đạo này không ai khác hơn là ĐỨC BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI.

Kính chúc các bạn thân tâm an lạc.

Lời nói yêu thương qua lời Phật dạy

Lời nói yêu thương qua lời Phật dạy

Đăng lúc: 16:37 - 08/08/2015

Lời nói là sự biểu lộ phẩm giá và nhân cách của một con người. Người ta có thể thương yêu đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau nhiều hơn và cũng có thể ghét nhau vì lời nói, vậy nói sao cho vừa lòng nhau. Lựa lời là chúng ta biết chọn lọc những từ ngữ diễn đạt thích hợp với vai vế của từng người, từng sắc thái hoàn cảnh khác nhau.

 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 16
  • Hôm nay 1,919
  • Tháng hiện tại 38,374
  • Tổng lượt truy cập 23,444,623