Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời

Thực tập hạnh lắng nghe của Bồ-tát Quán Thế Âm

Đăng lúc: Thứ hai - 28/03/2016 10:59 - Người đăng bài viết: Nhuận Chánh
Lắng nghe là một phương pháp thực tập quan trọng giúp chuyển hóa thân tâm, là nhịp cầu cảm thông giúp cho ta định tĩnh, sáng suốt khai mở trí tuệ để trải rộng tâm từ chia sẻ nỗi khổ, niềm đau với người khác cùng vượt qua nghịch cảnh và đến gần hơn với hạnh phúc chân thật của chính mình.

 VONG PHAP.jpg
Vọng pháp - Ảnh: Trần Thế Phong

Lắng nghe là một gia tài vô tận mà ai cũng có thể dâng tặng cho mọi người. Lắng nghe để hiểu dù điều ấy đã nói ra hoặc chưa nói. Lắng nghe để hiểu mình, hiểu người, để trút bỏ những ưu phiền, để lạc quan vui sống.

Hình ảnh Bồ-tát Quán Thế Âm trong Phật giáo được tôn vinh, tán thán với công hạnh lắng nghe, Ngài luôn lắng nghe và chia sẻ, cứu vớt chúng sinh để xoa dịu nỗi đau bất hạnh của muôn loài.

Kính lạy Đức Bồ-tát Quán Thế Âm! Chúng con xin học theo hạnh của Ngài, biết lăng tai nghe cho cuộc đơi bơt khổ. Ngài là trái tim biết nghe và biết hiểu. Chúng con xin tập ngồi nghe vơi tất cả sư chú tâm và thành khẩn của chúng con. Chúng con xin tập ngồi nghe vơi tâm không thành kiến. Chúng con xin tập ngồi nghe mà không phán xét, không phản ưng. Chúng con nguyện tập ngồi nghe để hiểu. Chúng con xin nguyện ngồi nghe chăm chú để có thể hiểu đươc những điều đang nghe và cả những điều không nói. Chúng con biết chỉ cần lăng nghe thôi, chúng con cũng đã làm vơi bơt rất nhiều khổ đau của kẻ khác rồi (Quán nguyện).

Pháp môn của Bồ-tát Quán Thế Âm chính là phương pháp phản văn văn tự tánh (không xuôi dòng đuổi theo âm thanh mà trở ngược lại tánh nghe). Trong cái nghe của Ngài, Ngài chuyển dụng khả năng nghe tiếng bên ngoài, để nghe lại tự tánh nghe của mình. Đến lúc những cái sinh diệt diệt hết thì tánh vắng lặng hiện ra và khi ấy chứng được “nhĩ căn viên thông”, được hai thứ thù thắng: đồng với từ lực của mười phương chư Phật và cảm thông lòng cầu mong thương cứu của chúng sanh trong sáu nẻo luân hồi.

Xin nguyện học theo hạnh nguyện Bồ-tát Quán Thế Âm: Nghe để hiểu và giúp người khác nhận diện được nguồn gốc của khổ đau, để giúp người an vui. Lắng nghe để thương yêu tất cả muôn loài.

Khi ta lắng nghe là lúc ta phát hiện ra chính bản thân mình, nghe thấy nội tâm của mình, tâm ta như một dòng sông lúc thì yên ả hiền hòa, lúc thì gập ghềnh thác lũ. Ta nghe để hiểu ta hơn và tìm lại chính mình. Trong dòng sinh diệt bất tận của cuộc đời ta luôn phải mang nhiều vai diễn của cuộc đời và mải mê chạy theo nó rồi chợt nhận ra rằng trong ta còn quá nhiều góc khuất, nhiều mảng sáng tối, thiện ác đan xen với nhiều cung bậc cảm xúc. Lắng nghe để trở về với tự tánh, quay về nương tựa chính mình. 

Tự tánh là bản thể của tâm, vốn không sanh, không diệt và ngay đây chủ thể và đối tượng nghe đều không tồn tại. Nghe được tự tánh tức nghe đến tận cùng sâu thẳm của vô thanh, nghe cái tịch nhiên im lặng sấm sét. Ngay đây, phiền não rơi rụng, tuệ giác hiện tiền, thực tại hiển bày “vượt ngoài thế gian và xuất thế gian, sáng suốt cùng khắp mười phương, trên thì hợp với bản giác diệu tâm mười phương chư Phật đồng một từ lực với Như Lai, dưới hợp với tất cả chúng sanh đồng với chúng sanh một lòng bi ngưỡng”.

Học theo hạnh của Bồ-tát Quán Thế Âm là chúng ta thực tập hạnh lắng nghe người khác. Nghe để hiểu sâu hơn, thương nhiều hơn. Chỉ cần lắng nghe thôi thì chúng ta đã “cứu khổ” cho rất nhiều người. Ai trong chúng ta mà không có nỗi khổ, niềm đau! Rồi niềm đau ấy ngày một tích tụ và lớn dần lên khi không tìm ra người hiểu mình để sẻ chia, đồng cảm. Đến khi niềm đau vượt ngưỡng chịu đựng thì sự bùng nổ sẽ thành tai họa. Vì vậy, được một người lắng nghe tâm tư, thấu hiểu nỗi lòng của mình là một niềm hạnh phúc. Lắng nghe mình và người khác để hiểu và thương nhằm xây dựng hạnh phúc chính là từ bi, ban vui cứu khổ, là học theo hạnh nguyện của Đức Bồ-tát Quán Thế Âm.

Cuộc sống với các đặc điểm của xã hội hiện đại đã biến con người thành những ốc đảo, dù có thể kết nối, liên lạc với mọi người ở khắp nơi trên thế giới, song con người ngày càng cô đơn hơn bởi sự bế tắc, không hiểu được nhau giữa những người thân trong gia đình và khoảng cách thế hệ trong xã hội. Những “hội chứng” của tuổi trẻ như facebooks, game online... hay buồn bã, bi quan của tuổi già cùng tất cả những biểu hiện suy đồi, thực dụng, tiêu cực của đời sống hiện đại phải chăng là phản ứng khi không được chia sẻ và cảm thông.

Thực tập hạnh lắng nghe trong Phật giáo có thể chuyển hóa và trị liệu những “hội chứng” này, giúp con người xích lại gần nhau, hiểu và thương nhau hơn và đó cũng chính là giọt nước cam lồ của Đức Bồ-tát Quán Thế Âm ban rải cho tất cả muôn loài.

Người ta chỉ có thể mất ba năm để học nói nhưng phải mất cả đời để học hạnh lắng nghe mà chưa chắc đã tròn. Hãy mở rộng lòng mình đển đón nhận chuyển hóa những những khổ đau mà chúng ta đang lắng nghe. Chúng ta chỉ cần trở về với giây phút hiện tại đừng suy nghĩ về quá khứ, đừng lo lắng cho tương lai.

Danh hiệu Quán Thế Âm là lắng nghe những âm thanh khổ đau trong cuộc đời mà đến cứu độ. Mỗi chúng ta đều có những niềm riêng và rất muốn được chia sẻ cùng với người thân, người mà biết lắng nghe ta và thấu hiểu làm ta sung sướng, hạnh phúc vô ngần. Người chỉ ngồi lắng nghe ta thôi đã mang đến cho ta thật nhiều hạnh phúc, làm vơi đi bao nhiêu phiền muộn. Vậy thì sao ta lại không lắng nghe để đem đến hạnh phúc cho người? Phải lắng nghe với tất cả tấm lòng chân thành thì người chia sẻ với ta mới cởi mở và trút bỏ được những phiền muộn, lo lắng. Sự chú tâm, thành khẩn lắng nghe của ta đã tạo ra sự tin cậy và tháo gỡ rất nhiều những uẩn khúc mà người thân của ta đang phải ôm ấp, chịu đựng.

Lắng nghe để giúp người bớt khổ là cả một nghệ thuật. Phải nghe với sự chú tâm bằng tất cả trái tim và tấm lòng rộng mở của mình để cho người khác được sẻ chia, bày tỏ với niềm tin yêu trọn vẹn. 

Khi ta lắng nghe với sự chú tâm, ta sẽ đón nhận và hiểu được rất nhiều điều qua ánh mắt, hơi thở, lời nói và các hành vi mà người nói đang chia sẻ... qua đó ta có thể hiểu sâu hơn và giúp cho người bớt khổ. Chỉ có lắng nghe trong sự chú tâm, lắng nghe bằng tất cả tấm lòng mới có được khả năng này. Chỉ cần sự hiện diện của ta là năng lượng bình an đã được lan tỏa tới người cần được chia sẻ. Cảm nhận và thấu hiểu có thể không cần nhiều đến ngôn ngữ mà từ trong tâm giao tiếp với nhau.

Quán chiếu sâu sắc vào hạnh nguyện của Bồ-tát Quán Thế Âm, chúng ta thấy ngay rằng những hóa thân của Ngài đang ở quanh ta, hiện diện đầy đủ trong mọi khía cạnh cuộc đời. Hạnh lắng nghe để cứu độ chúng sinh của Ngài là luôn lắng nghe để hiểu dù điều ấy đã nói ra hoặc không nói, lắng nghe mà người kia trút bỏ được ưu phiền, trở nên an vui đó cũng chính là hạnh phúc chân thực.

Hiện nay có rất nhiều người loay hoay đi tìm lẽ sống, hoặc mải mê đi tìm những thú vui tạm bợ của thế gian và đến một ngày tất cả đều khổ đau với cái thú vui giả tạm đó mà quên mất quay về nương tựa bản thân mình để lắng nghe những nỗi khổ niềm đau trong ta, nên hạnh phúc cứ mãi xa vời. Hãy quay trở về bên trong nội tâm để thực tập trau dồi, tăng thêm năng lượng, để dung hòa sự bình yên trong cuộc sống, chăm sóc nuôi dưỡng lòng yêu thương của mình với mọi người xung quanh, để thấy sự sống của thiên nhiên đang tiếp diễn biểu hiện sinh diệt thay cho một đời người.  

Trong đạo Phật, có những  phương pháp thực tập rất đơn giản đó là: “Phản quan tự kỷ bản phận sự, bất tùng tha đắc” (Quay lại tự tâm chính mình và không tìm cầu ra bên ngoài), để có được niềm an vui, đó chính là con đường chánh niệm giúp cho ta vui sống trọn vẹn trong phút giây hiện tại và là chìa khóa để thành công trong cuộc sống.

Pháp môn Tri vọng là phương pháp đối trị vọng tưởng khi tọa thiền hoặc khi đối duyên xúc cảnh, niệm khởi lên liền biết đó là vọng tưởng, không bị nó lôi dẫn, không chạy theo, vọng tự nhiên biến mất, chỉ cần rõ biết ngay lúc đó tâm an hiện tiền, ngay đó là giác tỉnh. Khi vọng tưởng lặng dứt thì tự tánh hiện bày. Tất cả các phương pháp thực tập này đều quay về quán chiếu với phương pháp phản văn văn tự tánh nương theo hạnh lắng nghe của Ngài Quán Thế Âm.

Đôi khi dừng lại chúng ta mới có thể nhìn và nghe được những thanh âm trong cuộc sống, của nỗi niềm hạnh phúc hay muộn phiền của chính bản thân mình và của những người xung quanh. Đừng để cho sự âu lo vây kín cả cuộc sống mình. Có bao giờ ta đã thật sự lắng nghe ta? Có bao giờ ta đã chân thành lắng nghe người? Một ngày, bạn nên dành một ít thời gian như thế. Rất nhiều người cần một người bạn thật vững chãi chỉ để lắng nghe thôi, lắng nghe và thấu hiểu để tình yêu thương được mở rộng khắp muôn nơi. Đó chính là an lạc và thảnh thơi.

Xã hội ngày nay đang trong thời đại @, mọi sự liên lạc cá nhân đều như chớp nhoáng, vội vã, tất cả đều trong một cuộc sống bận rộn và nhiều khi chúng ta không thể kiểm soát nổi chúng dẫn đến sống ảo và ôm vào lòng mình sự cô đơn tuyệt vọng. 

Bên cạnh sự phát triển của xã hội thì còn có những mặt trái tồn tại như sự suy đồi về văn hóa, sự bế tắc trong cuộc sống dẫn đến những tệ nạn gia tăng bởi những nỗi niềm, suy nghĩ riêng không được giải tỏa, không được chia sẻ, không có sự truyền thông trong tư tưởng với những người xung quanh, và vẫn còn nhiều những góc khuất của cuộc đời cần được sự chia sẻ, lắng nghe của người thân.

Cuộc sống hiện tại có quá nhiều áp lực, công việc bộn bề với những điều không được hài lòng, vừa ý, nên ta dễ dàng mất bình tĩnh mà không làm chủ được bản thân, nhất là khi bị mất mát, đau thương bất ngờ về vật chất lẫn tinh thần. Trong những lúc như vậy, tâm ta rối bời, hoảng loạn, mất sự định tĩnh và khát khao có một người bên cạnh để sẻ chia, để lắng nghe. Chỉ cần một thái độ cảm thông,  lắng nghe chân thành cũng làm cho ta vơi bớt nỗi đau bất hạnh. Được lắng nghe và biết chia sẻ nỗi đau của người khác là chúng ta đang thực tập hạnh cứu khổ ban vui của Bồ-tát Quán Thế Âm.

Một gia đình đang phải chịu đau khổ chỉ vì cha mẹ chưa chịu lắng nghe con, luôn áp đặt, cấm đoán và dẫn đến hành vi trốn học của con để ra ngoài chơi game…, và điều gì sẽ xảy ra sau đó không ai có thể lường trước được.

Ví dụ trên đây chỉ là một điển hình, nếu cha mẹ biết lắng lòng, bình thản thì ta sẽ nghe được thấu suốt tâm tư của con và giúp con bình an trước những suy nghĩ của chúng và định hướng phát triển cho con trong cuộc sống.

“Có một cháu bé đã đi chơi cùng bạn không xin phép mẹ và không một lời giải thích khi đi. Nhưng khi về nhà người mẹ chỉ nhìn con và nói:

- Tại sao lại làm thế hả con?

Và cháu bé đã nhận ra tình cảm của mẹ mình và điềm nhiên hỏi lại:

- Thưa mẹ, có thực sự là mẹ muốn biết không?

Bà mẹ gật đầu và cô con gái bắt đầu tâm sự. Lúc đầu cô bé còn ngần ngại nhưng sau đó cháu đã nói ra hết suy nghĩ của mình…

Và người mẹ chợt nhận ra rằng mình đã chưa bao giờ thực sự lắng nghe con, lúc nào cũng bảo con phải làm cái này không được làm cái kia. Khi con muốn kể những suy nghĩ, tình cảm của mình thì mẹ lại ngắt lời bằng những mệnh lệnh khác. Lắng nghe con nói bà bắt đầu hiểu ra, rằng con rất cần đến mình, nhưng không phải như một bà mẹ luôn tỏ ra quyền uy từ trước tới giờ mà như một người bạn để nó có thể tâm tình, một nơi để thổ lộ tất cả những suy nghĩ của tuổi mới lớn. Sự đồng cảm, chia sẻ thực sự xuất hiện và mối quan hệ của hai mẹ con đã tốt hơn hẳn và cháu lại là cô bé dễ thương của bà như ngày nào”.     

Chúng ta lắng nghe, tức là sự yên lặng sâu sắc của trái tim hiểu biết mà Bồ-tát Quán Thế Âm đã trao cho mình. Ta lắng lòng để nghe, nghe thật sâu vào từng nhịp thở của con tim, thì những giận hờn, bực tức không thể phát sinh mà hoàn toàn được chuyển hóa. Ta học và tu theo hạnh lắng nghe để mình và người sống bình yên, hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại. 

Cho nên, khi lắng nghe ta phải hiểu thấu chính mình thì mới nghe được trong sâu thẳm con tim, mà biết cách làm vơi bớt nỗi đau, để ta và người có sự cảm thông và càng yêu thương nhau. Im lặng để nghe. Lắng nghe để hiểu. “Hiểu càng rộng, thương càng sâu”. Từ sự lắng nghe để thấy rõ chơn vọng của cuộc đời, thấy rõ nhân quả nghiệp báo của mọi sự việc. Lắng nghe là một phép lạ để khám phá sự thực của mỗi tâm hồn. Chỉ cần im lặng và lắng nghe, mỗi chúng ta sẽ đều trở thành hóa thân của Bồ-tát Quán Thế Âm. Như thế, chúng ta có thể làm cho trần gian cạn vơi đi những khổ đau phiền muộn rất nhiều.

Hạnh lắng nghe của Bồ-tát Quán Thế Âm giúp cho chúng ta vun bồi những hạt mầm yêu thương, trái tim bao dung và độ lượng được tưới tẩm và dần lớn lên đơm hoa kết trái. Nguyện cầu Đức Bồ-tát Quán Thế Âm chứng minh và gia hộ cho tất cả chúng con thực tập hạnh nguyện lắng nghe của Ngài được thành tựu viên mãn.

Đông Phong

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 7
  • Hôm nay 3,925
  • Tháng hiện tại 40,380
  • Tổng lượt truy cập 23,446,629