Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời
Thiện tri thức là bậc Phạm hạnh trọn vẹn

Thiện tri thức là bậc Phạm hạnh trọn vẹn

Xuất gia tu học với bản nguyện thượng cầu hạ hóa, làm thầy của trời người. Khoan nói chi loài trời cao xa nhiều thần thông và phước báo, chỉ riêng trong loài người mà khiến cho họ tín thuận, quy hướng cũng đã vô vàn khó khăn. Chắc chắn người xuất gia không thể làm thầy nhân loại về mặt tri thức. Vì tri thức vốn bao la, mỗi người chỉ biết trong phạm vi chuyên ngành của mình mà thôi. Chỉ có sự thành tựu về Giới-Định-Tuệ, nhất là phạm hạnh trọn vẹn (thành tựu Giới), người xuất gia mới đủ tư cách đạo đức để người quy hướng, có thể làm thầy dẫn dắt người vượt qua khổ đau sinh tử.
“Một thời Phật ở tại nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Tôn giả A-nan bạch Phật:

- Gọi là bậc thiện tri thức, tức là người có phạm hạnh phân nửa, sẽ hướng dẫn đường lành đến vô vi.

Phật bảo A-nan:

- Chớ nói lời như thế. Nói rằng: ‘Bậc thiện tri thức là người phạm hạnh phân nửa’. Vì sao? Phàm là bậc thiện tri thức, tức là người phạm hạnh trọn vẹn mới dẫn dắt chỉ bảo cho người theo mình con đường lành. Ta cũng do thiện tri thức mà thành Vô thượng Chánh chơn Đẳng Chánh Giác. Do thành đạo quả, nên độ thoát chúng sanh không thể tính kể, thảy đều khỏi được sanh, lão, bệnh, tử. Do phương tiện này, nên biết bậc thiện tri thức là người phạm hạnh trọn vẹn.

Lại nữa, A-nan, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhơn, kính vâng theo thiện tri thức thì lòng tin được tăng nhiều, văn, thí, tuệ, đức, thảy đều đầy đủ. Thí như trăng càng tròn, ánh sáng càng tăng hơn ngày thường gấp bội. Đây cũng lại như vậy, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhơn gần gũi thiện tri thức, thì lòng tin, chỗ học hỏi, sự ghi nhớ, trí tuệ của người ấy thảy đều tăng lên. Do phương tiện nên biết bậc thiện tri thức là người phạm hạnh trọn vẹn.

Nếu ngày xưa Ta không kính vâng theo thiện tri thức thì trọn vẹn sẽ không được Phật Đăng Quang thọ ký. Do đã kính vâng bậc thiện tri thức, nên Ta được Phật Đăng Quang thọ ký. Do phương tiện này nên biết, bậc thiện tri thức là người phạm hạnh trọn vẹn.

Này A-nan, nếu thế gian không có bậc thiện tri thức thì sẽ không có thứ tự tôn ti về phụ mẫu, sư trưởng, huynh đệ, tông thân, ắt sẽ giống như loài heo chó, tạo các duyên ác, gieo trồng tội duyên trong địa ngục. Có thiện tri thức nên phân biệt có cha mẹ, sư trưởng, huynh đệ, tông thân.

Lúc ấy, Thế Tôn bèn nói kệ:

Thiện tri thức chẳng ác,

Vì pháp, không vì ăn,

Dắt dẫn nơi đường lành,

Đích thân bậc Tôn nói.

Cho nên, này A-nan, chớ lại nói lời: ‘Bậc thiện tri thức là người phạm hạnh phân nửa’.

Bấy giờ, A-nan nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập III, phẩm 44. Chín nơi cư trú của chúng sinh,
VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.228)

Phàm những người lương thiện ở đời, ai cũng mong cầu tìm được bậc thiện tri thức để tựa nương, học hỏi. Sở dĩ chúng ta - những người đệ tử Phật - chưa giáo hóa được nhiều người, không quy hướng được họ về với chánh đạo vì đạo đức của chúng ta chưa cao, phạm hạnh chưa trọn vẹn. Khi “là người phạm hạnh phân nửa”, nghĩa là đạo hạnh còn khiếm khuyết thì chúng ta không thể là thiện tri thức, nơi quy hướng bền vững cho người.

Theo quan điểm của Thế Tôn, bậc thiện tri thức đúng nghĩa, ngoài phạm hạnh trọn vẹn, phải có khả năng dẫn dắt người đi theo con đường lành. Trong quá trình gần gũi, thân cận bậc thiện tri thức sẽ khiến cho tín, văn, thí, tuệ của chúng ta tăng thêm. Vì thế, nếu tựa nương một người, xem vị ấy là thiện tri thức (là tôn sư, là sư phụ) mà sau một thời gian niềm tin Tam bảo bị thối thất, không học hỏi được gì trong giáo pháp, tâm hạnh thí xả kém hơn xưa, nhất là lu mờ tuệ giác (sa đà vào cầu cúng, thiên về tín ngưỡng) thì chắc chắn vị ấy không phải là thiện tri thức, cần “kính nhi viễn chi”.
Quảng Tánh

Đăng lúc: 25/02/2017 02:55:30 PM | Đã xem: 1568 | Phản hồi: 0 | Chuyên mục: Nghiên cứu Kinh Luật Luận
Kinh nghiệm hoằng pháp

Kinh nghiệm hoằng pháp

Phần 1: TỪ KINH NGUYÊN THỦY NHÌN VỀ KINH ĐẠI THỪA

GN - Phật giáo mang tính cách nhất quán mà kinh Pháp hoa gọi là Nhất Phật thừa. Tính nhất quán là gì?

Đức Phật khẳng định rằng trong tứ sanh lục đạo, chỉ có loài người mới có điều kiện thành Phật, các loài khác không có điều kiện thành Phật, dù họ có một số điều kiện ưu việt hơn chúng ta, như chư Thiên, chư thần.

Vì vậy, loài người mới được thọ giới Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni. Hôm nay quý thầy cô đã được thọ giới Cụ-túc là việc hiếm có nhất. Thật vậy, chúng ta cách Phật xa hàng ngàn năm, mà còn được xuất gia và mang hình thức Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni càng khó hơn nữa.

buddha.jpg
Đức Phật khẳng định rằng trong tứ sanh lục đạo, chỉ có loài người mới có điều kiện thành Phật

Từ loài người nguyên thủy phát triển lần đến Phật ra đời, chúng ta đã trải qua không biết bao nhiêu năm, mà Phật nói trải qua không biết bao nhiêu kiếp, chúng ta được làm người hôm nay và làm người ở thế giới văn minh thì khó hơn nữa.

Thế giới văn minh này, chúng ta hiểu là trí tuệ, vì trí tuệ mới xây dựng được thế giới văn minh. Cho nên, chúng ta nói thế giới văn minh là thế giới của Phật. Thế giới lạc hậu, chậm tiến, gian tham, trộm cắp là thế giới của ba đường ác.

Trong đạo Phật, chúng ta thấy những người xuất gia mặc áo Sa-môn, nhưng trong hàng Sa-môn Thích tử lại có người thông minh, khỏe mạnh, ngoại hình dễ coi là người ưu việt hơn, gần Phật hơn; đó là Đại thừa Bồ-tát được coi như cao nhất. Những người này thay Phật để dìu dắt, giúp đỡ nhiều người đi vào Phật đạo.

Dưới Bồ-tát cũng có người thông minh, nhưng không khỏe mạnh, hay không có điều kiện giúp người đi lên, được xếp vào hàng Duyên giác có trí tuệ, nhưng không có phước đức là điều kiện giáo hóa chúng sanh không có.

Hạng thứ ba ở trong sinh tử mới phát tâm tu. Tuy họ xuất gia, nhưng sức khỏe không tốt, ngoại hình khó coi, sức thông minh hiểu biết không có, gọi là nghiệp nặng phước mỏng, thuộc hàng Thanh văn.

Cộng chung ba hạng người này, Phật gọi là hàng Tam thừa. Và pháp tu của họ là Tam thừa giáo, tức con đường thống nhất từ thấp lên cao.

Những người hôm nay giáo hóa được nhiều người là hạng Bồ-tát, họ cũng phải trải qua nhiều kiếp tu, nên có đầy đủ trí tuệ và phước đức, điển hình là Đức Phật của chúng ta.

Như vậy, ai cũng tu thành Phật được, nhưng quá trình tu khác nhau. Đức Phật cho biết Ngài phải trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp tu, tức đã có quá trình tu Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát.

Tu hành, bước đầu tiên, kinh Pháp hoa gọi là dọn dẹp phân nhơ, nghĩa là phiền não phải sạch, đó là a-tăng-kỳ kiếp thứ nhất phá tất cả nghiệp chướng trần lao, hay phá kiến hoặc và tư hoặc. Giai đoạn hai, chúng ta phá trần sa hoặc. Cuối cùng, phá vô minh hoặc. Đó là con đường xuyên suốt từ thấp lên cao. Không phải pháp môn này cao, pháp môn khác thấp. Cách nhìn Phật giáo nhất quán như vậy.

Chia sẻ với chư Tăng Nguyên thủy và Kim Cang thừa, tôi nói lý này và các ngài chấp nhận rằng không phải Kim Cang thừa cao nhất như một số người hiểu lầm. Kim Cang thừa cao nhất với điều kiện tức thân thành Phật, không phải trì chú là Phật, không phải đắp ca-sa là Phật. Nghĩa là phải đạt tới đỉnh cao có đầy đủ trí tuệ và tâm đại bi viên mãn mới là Phật, gọi là Phật hiện lại. Thí dụ Kim Cang thừa Tây Tạng thờ Liên Hoa Sanh, tức Liên Hoa hóa sanh. Chỉ Liên Hoa Sanh là Phật. Các Lạt-ma khác trì chú, bắt ấn, nhưng không phải là Phật. Chúng ta dễ lầm điều này.

Hoặc khi Phật giáo truyền sang Nhật, Hoằng Pháp đại sư cũng được người Nhật coi là Bồ-tát lớn hiện thân lại, không nói là Phật. Ngài có những điều kiện khác người thường, Ngài thông minh vượt bậc, sức khỏe phi thường và làm được những việc mà người thường không làm được. Ở Nhật, Kim Cang thừa chỉ có Hoằng Pháp đại sư được coi là Tổ của Phật giáo, Tổ của tất cả ngành nghề. Vì Ngài là người sáng tạo chữ Nhật và mở trường dạy văn hóa, dạy các ngành nghề, giúp cho người Nhật phát triển văn minh.

Về sau ở Nhật có Nhật Liên Thánh nhân được tôn danh là Bồ-tát Thượng Hạnh hiện thân lại, chứ không nói Ngài là Phật.

Dù các vị lập giáo khai tông khác nhau, nhưng chúng ta thấy tính nhất quán xuyên suốt, nghĩa là tuy tông phái khác, nhưng vị trí tiến lên thành Phật là con đường duy nhất. Hiểu như vậy, chúng ta không nên đứng lập trường tông phái chê trách nhau, hay xem thường tông phái khác.

Đối với tôi, những người tu khác tông phái, nhưng hiểu biết hơn, mình phải kính trọng, cầu học; đó là thái độ học Phật của chúng ta. Từ góc nhìn này, tôi sang Nhật nghiên cứu 21 tông, hơn 100 phái, nghiên cứu cách tu của họ. Và tôi kết luận rằng tuy tông phái khác, nhưng chúng ta cùng đi trên con đường thống nhất hướng về Đức Phật, về Vô thượng Đẳng giác.

Tuy nhiên, hướng về Phật cũng có khác nhau. Đầu tiên, người ta hướng về Phật là hướng về Phật Thích Ca. Nhưng Phật nhập diệt, để lại pháp. Vì vậy, người ta lấy pháp, hay lấy giới làm thầy; coi pháp như Phật, hay nói giới luật còn là Phật còn.

Nhưng qua Phật giáo Đại thừa nhìn Phật khác, không nhìn Phật là con người. Vì con người thì ai cũng như ai, nhưng Phật Thích Ca không giống ai và không ai giống Ngài. Không giống ở hiểu biết, sức khỏe, ở chỗ tu hành, ở chỗ hóa độ chúng sanh. Chúng ta phải thấy rõ mọi người không giống Phật ở những điểm này.

Theo Đại thừa, dù cùng xuất gia, nhưng những người tu chỉ giống nhau ở màu áo, giống hình thức tu, còn bốn thứ không giống là thông minh, sức khỏe, đạo đức và tu chứng. Nhìn theo Đại thừa như vậy, ta bắt đầu khai thác mảng không giống nhau này, để chúng ta học cái không giống nhau và đi lên.

Chúng ta định vị theo Đại thừa là người đắc quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm hay A-la-hán, hoặc là Bồ-tát sơ địa, nhị địa… Theo tinh thần này, dù tu, nhưng chưa chứng quả Tu-đà-hoàn thì coi như là chưa tu.

Vì vậy, thực tế chúng ta thấy có người hôm nay tu, ngày mai phạm tội và ngày mốt hoàn tục là việc bình thường. Thấy họ tu, nhưng hư hỏng, chúng ta đừng buồn, mà nên coi họ là người mới phát tâm. Tuy nhiên, người mới phát tâm cũng có nhiều hạng khác nhau. Mới phát tâm, họ cầu gì, nhưng không được như ý muốn thì họ không tu nữa cũng là bình thường.

Trên bước đường tu, người có căn lành, ít nhất ở bước đầu phải đạt được quả Tu-đà-hoàn. Nói Tu-đà-hoàn khó hiểu, nhưng thực tế là người này không bị xã hội chi phối, không kẹt cơm ăn áo mặc, khen chê; vì họ có lý tưởng sống. Tối thiểu họ sống được với lý tưởng, nên quên chuyện khen chê, thậm chí đối với việc ăn uống ngủ nghỉ, họ cũng không cần. Họ chỉ lo theo đuổi mục tiêu thánh thiện, đó là người bắt đầu nhập lưu, đi vào dòng thác trí tuệ của Phật, từng bước đi lên. Còn những người khác đứng ngoài lề, kinh Pháp hoa gọi là chúng kết duyên, vui thì tu, không vừa ý thì họ bỏ đi.

Điều quan trọng đối với chúng ta, học kinh để áp dụng được trong cuộc sống tu, áp dụng được kết quả mà Phật đã dạy và đã làm. Nói cách khác, học kinh để tu chứng, không phải trở thành lý thuyết gia giảng dạy lý thuyết.

Ban đầu, tôi nghĩ Phật Thích Ca là giáo chủ Ta-bà, là vị Phật duy nhất theo Nguyên thủy. Nhưng sau đó, tôi nhận thức thêm rằng dù Phật giáo Nguyên thủy cũng có các Phật quá khứ là Câu Lưu Tôn, Câu Na Hàm Mâu Ni, Ca Diếp và chuẩn bị có Phật Di Lặc ra đời.

Như vậy, trước Phật Thích Ca có Phật và sau Phật Thích Ca cũng có Phật. Vậy những vị Phật này ở đâu. Phật giáo Nguyên thủy xác nhận rằng các Đức Phật quá khứ này đều ở thế giới Niết-bàn. Điều này lại gợi cho tôi suy nghĩ thế giới Niết-bàn ở chỗ nào và nó thế nào. Từ chỗ này, chúng ta mới đi vào đạo.

Về sau, thế giới Niết-bàn được triển khai là thế giới Vô sanh. Nhưng Vô sanh cái gì. Chúng ta sẽ tuần tự tìm ra ý nghĩa Vô sanh. Sanh này là phiền não. Vì vậy, đầu tiên chúng ta cắt phiền não, tìm xem phiền não phát ra từ đâu, chúng ta chận từ đó, diệt nó, là Phật giáo Nguyên thủy làm. Tu hành, chúng ta hơn nhau ở điểm chận được phiền não, trước khi phiền não phát sinh, chúng ta không cho nó sanh khởi. Thể nghiệm được như vậy, chúng ta mới thấy rõ pháp sanh diệt rồi thì nó trở về chỗ Vô sanh là Niết-bàn mà ta hướng tới, là thế giới Phật theo tinh thần Nguyên thủy. Không phải nói Niết-bàn nhưng chúng ta không thấy. Từ Niết-bàn theo Phật giáo Nguyên thủy, thấy các Đức Phật hiện hữu trước Phật Thích Ca và sau Phật Thích Ca có Phật Di Lặc.

Phật giáo Nguyên thủy chỉ tin Bồ-tát Di Lặc, không tin tất cả Bồ-tát khác và không tin tất cả kinh điển ngoài Kinh tạng Nikaya, vì họ cho rằng đó là kinh do người đời sau biên soạn. Điểm này khiến giữa Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo Đại thừa và Kim Cang thừa không bằng lòng nhau.

Chúng ta phải làm sao cho cả ba hệ thống Phật giáo này gắn kết được với nhau. Giáo hội chúng ta đi đầu trong việc thống nhất tất cả hệ phái Phật giáo thành một Giáo hội. Việc làm này của chúng ta cũng là làm gương cho Phật giáo thế giới chấp nhận sống chung hài hòa và chia sẻ với nhau kinh nghiệm tu hành.

Với tầm nhìn nhất quán, chúng ta giảng kinh Đại thừa không chống đối Kim Cang thừa và Phật giáo Nguyên thủy, đó chính là áp dụng phương tiện quyền xảo của Đức Phật.

Thật vậy, tụng kinh Phổ môn, chúng ta thấy Bồ-tát Quan Âm xuất hiện trên cuộc đời này là tùy duyên, nghĩa là tùy người, tùy chỗ, tùy lúc mà Ngài đáp ứng nhu cầu của mọi người, nên Ngài thành công, tiêu biểu bằng hình ảnh Quan Âm ngàn mắt ngàn tay. Đó là điểm đặc sắc của Phật giáo Đại thừa.

Nếu theo Nguyên thủy, có lập trường cứng rắn dứt khoát, dễ dẫn đến mất mạng. Tôi có người bạn rất thân là Hòa thượng thuộc Phật giáo Nguyên thủy, ông bị bắt năm 1963. Lúc đó, các Hòa thượng Bắc tông bị bắt thay đồ tu, mặc áo tù. Hòa thượng Lâm Em ôm chặt y vô người, vì ông coi mất y như mất mạng, chứ không tùy duyên.

Nhưng tôi gặp Hòa thượng Um Sum, nói với tôi rằng ông là Pháp sư nổi tiếng, một trong 25 Pháp sư của Campuchia. Khi Pôn Pốt nắm quyền, các sư bị giết hết. Ông nhận thấy mình nên cố gắng sống để giữ Phật pháp tồn tại, nếu mình thí mạng thì sau này Phật pháp sẽ không còn. Vì vậy, ông giữ mạng sống bằng cách chôn y và ông mặc đồ rách của nông dân, nên ông còn sống. Tôi nói ông đã khéo léo tùy duyên ứng xử trước tình huống thảm sát như vậy, để sống còn mà truyền bá Chánh pháp; đó chính là thực hiện phương tiện theo Phật dạy.

HT.Thích Trí Quảng

Đăng lúc: 27/12/2016 06:13:12 PM | Đã xem: 930 | Phản hồi: 0 | Chuyên mục: Nghiên cứu Kinh Luật Luận
Kế thừa và phát huy rực rỡ mạch sống của Đạo Pháp

Kế thừa và phát huy rực rỡ mạch sống của Đạo Pháp

Phật giáo đã du nhập vào đất nước Việt Nam rất sớm, từ đầu thế kỷ thứ I, trong lúc người dân Việt đang khổ đau dưới sự cai trị tàn khốc của nhà Hán. Hành đạo trong một nước có bối cảnh lịch sử như vậy, các nhà truyền giáo mang tinh thần từ bi vô ngã vị tha của đạo Phật đã dễ dàng nhập thân hành động, đóng góp trí tuệ và công sức cho sự sống còn của dân tộc.

Sử liệu cho thấy sự gắn bó mật thiết của Phật giáo với vận mệnh dân tộc, khổ nhục cùng cam, vinh quang cùng hưởng trong suốt chiều dài lịch sử hơn hai ngàn năm. Mối tương quan sâu đậm này đã hình thành một Phật giáo Việt Nam đầy sức sống với những nét đặc sắc chưa từng thấy.
Trong quá trình phát triển, khởi thủy từ miền Bắc Việt Nam, Phật giáo đã lần truyền xuống miền Trung và miền Nam. Đến miền Nam, thì lại gặp Phật giáo Nam tông (do Phật giáo Khmer truyền đến) đang sinh hoạt mạnh.

pgvn.jpg
Phật giáo đã du nhập vào đất nước Việt Nam rất sớm, từ đầu thế kỷ thứ I
và đồng cam cộng khổ cùng dân tộc... - Ảnh minh họa từ internet

Chúng ta đều biết hai hệ phái Phật giáo Bắc tông và Nam tông có sự khác biệt về tư tưởng và hình thức tu học. Vì vậy, khi Phật giáo Bắc tông phát triển sinh hoạt ở miền Nam Việt Nam, đồng thời gặp gỡ hoạt động có sẵn của Phật giáo Nam tông, điều này đã gợi cho Tăng Ni, Phật tử ý nghĩ cũng là đệ tử Phật mà tại sao không hợp nhất lại, để có sự cách biệt như vậy. Ý niệm thống nhất Phật giáo nảy mầm từ thời điểm giao thoa sơ khởi giữa hai hệ Phật giáo như vậy.

Tuy nhiên, trong khi Phật giáo chưa thống nhất được hai hệ phái Bắc tông và Nam tông thì đất nước ta bị Pháp xâm chiếm, vì nhà Nguyễn đã cắt sáu tỉnh Nam Kỳ đặt dưới sự đô hộ của thực dân Pháp.

Dưới sự cai trị của thực dân Pháp, đạo Phật bị chèn ép tối đa. Hầu hết các ngôi chùa lớn ở thành phố Sài Gòn như chùa Khải Tường ở gần nhà thờ Đức Bà, chùa Từ Ân, hay những chùa được sắc tứ ở thời Nguyễn đều bị thực dân Pháp phá hủy toàn bộ.

Dù giới Phật giáo mang niềm khao khát thống nhất mãnh liệt đến đâu chăng nữa, nhưng đứng trước hoàn cảnh nghiệt ngã ấy, cũng đành bó tay. Và từ đó dẫn đến tình trạng Phật giáo bị tan rã, từng chùa phải sinh hoạt riêng lẻ, không thể có lãnh đạo chung cho hoạt động Phật giáo. Có thể nói Phật giáo gần như im lìm, chẳng còn chút sức sống.

Tình trạng Phật giáo suy đồi kéo dài mãi đến thế kỷ XX mới có những vị danh tăng xuất hiện như Hòa thượng Thiện Chiếu, Hòa thượng Khánh Hòa, Hòa thượng Khánh Anh, Hòa thượng Từ Phong… Và Phật giáo bắt đầu hoạt động trở lại với sự sáng lập Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học. Sau đó, các hội đoàn khác lần lượt ra đời như Hội Lưỡng Xuyên Phật học, Hội Phật học Nam Việt, Giáo hội Tăng-già Nam Việt, Hội Lục hòa Tăng, Giáo hội Tăng-già Nguyên thủy, Giáo hội Tăng-già Khất sĩ. Riêng tại thành phố Sài Gòn lúc ấy, Phật giáo bừng sống với trên 20 hội hoạt động.

Nhưng phải đợi đến ngày đất nước được giải phóng mới mở ra cơ hội thuận tiện để giới Phật giáo thực hiện nguyện vọng thống nhất. Thật vậy, khi đất nước độc lập, các tổ chức quần chúng cũng đều thống nhất. Phật giáo Việt Nam được coi là một tôn giáo gắn liền với dân tộc; vì thế không thể tồn tại tình trạng phân chia Nam Bắc, phân hóa cục bộ nhiều tập đoàn, hệ phái. Đó là quan điểm chung của Tăng Ni, Phật tử cả nước và đã trở thành hiện thực với sự thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào ngày 7-11-1981, có đầy đủ đại biểu của 9 tập đoàn Phật giáo đại diện cho toàn thể Tăng tín đồ Việt Nam (9 tập đoàn gồm: Giáo hội Phật giáo Cổ truyền VN, GHPGVN Thống nhất, Giáo hội Tăng-già Nguyên thủy VN, Thiên Thai Giáo Quán tông, Giáo hội Tăng-già Khất sĩ VN, Hội Thống nhất Phật giáo VN, Hội Phật học Nam Việt, Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước và Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM).

Thành thật mà nói, việc điều hòa sinh hoạt Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn thập niên đầu mới thành lập có phần khó khăn, vì Tăng Ni, Phật tử vẫn còn quen với nếp sinh hoạt theo từng hệ phái riêng lẻ, thường được gọi là biệt truyền. Các hình thức Phật giáo biệt truyền khi hội nhập vào tổ chức thống nhất, sống chung với nhau, đương nhiên cảm thấy bỡ ngỡ, bị ràng buộc, khó thích hợp trong giai đoạn đầu.

Nhưng với thời gian, mọi người con Phật đều ý thức rằng họ cùng tôn thờ một đấng Thế Tôn, cùng sống chung trong một đất nước, nên cần có một mẫu số chung cho sinh hoạt đạo pháp. Ý niệm đúng đắn ấy đã là kim chỉ nam hoạt động của Giáo hội, thể hiện qua phương châm: “Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức”, nhưng vẫn tôn trọng sự tu hành của biệt truyền đúng Chánh pháp.

Thấm nhuần sâu sắc tinh thần thống nhất tổ chức mà Giáo hội đề ra, Tăng Ni, Phật tử tham gia hoạt động không còn ý nghĩ mình thuộc Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ, hoặc thuộc Phật giáo cổ truyền. Tất cả đều hòa hợp cùng sinh hoạt chung trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, một tổ chức Phật giáo duy nhất hợp pháp tồn tại trong nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đặt dưới quyền giám sát của Giáo hội, tất cả tu sĩ đều lãnh thẻ Tăng tịch do Giáo hội cấp phát. Tất cả văn kiện, thủ tục liên quan đến hoạt động đạo pháp đều phải thông qua Giáo hội duyệt xét. Không thể có một hoạt động nào của Phật giáo nằm ngoài Giáo hội.

Về ý nghĩa thống nhất lãnh đạo, chúng ta nhận thấy Hội đồng Trị sự gồm đủ chư tôn đức thuộc mọi hệ phái. Tuy nhiên, vì sinh hoạt theo nghị quyết, tức giải pháp do tập thể lãnh đạo quyết định, nên khi một vấn đề nào được tập thể duyệt xét, chấp thuận, thì tất cả đều phải chấp hành.

Nhờ thống nhất lãnh đạo như vậy, ý thức độc tôn không thể tồn tại. Từ đó, muốn ý kiến đề xuất của mình được chấp nhận, thành viên ấy phải tranh thủ được sự đồng tình của đại chúng thì mới thành quyết định chung của tập thể, mới có giá trị.

Về sự lợi ích của việc tôn trọng hình thái biệt truyền, chúng ta cần hiểu rõ thế nào là biệt truyền. Ngoài sự thống nhất tư tưởng về giáo pháp, chúng ta còn thấy kinh nghiệm tu hành, sở đắc của từng vị cao tăng khác nhau được truyền thừa qua các đệ tử. Phần biệt truyền này của các sơn môn hệ phái vẫn được Giáo hội tôn trọng. Nhờ vậy, giáo lý Phật chỉ có một, mà sinh hoạt biệt truyền, hay phần tu chứng, đắc pháp thì muôn màu muôn vẻ tạo thành sự hiện hữu nhiều vị danh tăng trong Giáo hội. Chính những kiến thức đa dạng của các bậc danh tăng đã đáp ứng được yêu cầu tri thức của xã hội hiện đại.

Hoạt động của Giáo hội trên cơ sở thống nhất ý chí và hành động, thống nhất tổ chức và lãnh đạo, đồng thời vẫn tôn trọng giáo pháp biệt truyền. Nền tảng thống nhất một cách đúng đắn và vững chắc như vậy, đã đóng góp không ít cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Thật vậy, với sự nỗ lực hoàn thiện, trau dồi đạo hạnh và phát triển Phật sự, các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành quả đáng kể, ghi đậm dấu mốc lịch sử của quá trình thành lập và phát triển của Giáo hội trải qua 7 nhiệm kỳ, điển hình là Giáo hội đã thành lập 63 Ban Trị sự ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đồng thời các Đại giới đàn trang nghiêm trao truyền giới pháp đã được tổ chức ở nhiều tỉnh thành của cả ba miền Nam, Trung, Bắc góp phần xương minh Phật pháp.

Các hoạt động Phật sự tại vùng miền núi Tây Bắc, đại ngàn Tây Nguyên, vùng sông nước miền Tây Nam Bộ cũng được phát triển rõ nét, nói lên hoạt động nhập thế tích cực của Giáo hội trong thời hiện đại.

Đặc biệt là các hội Phật tử Việt Nam tại nước ngoài như Cộng hòa Séc, Liên bang Nga, Pháp, Đức, Hungary, Ukraine, Ba Lan, Nhật Bản đã được Giáo hội tổ chức và đang hoạt động tốt đẹp.

Về đối ngoại, mối liên hệ giữa Phật giáo Việt Nam với các tổ chức Phật giáo trên thế giới ngày càng mở rộng qua những hội nghị, những cuộc viếng thăm, trao đổi văn hóa, tư tưởng…

Ngoài ra, còn nhiều thành quả đáng trân trọng thuộc các lãnh vực như hoằng pháp, đào tạo giảng sư, văn hóa, các khóa tu tổ chức cho Phật tử trên mọi miền đất nước...

Riêng thành phố Hồ Chí Minh, Thành hội Phật giáo đã được thành lập ngày 4-6-1982, do HT.Thích Trí Tịnh làm Trưởng ban. Đến năm 1998, Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM có nhiều thắng duyên cho Phật giáo thành phố tự đứng lên bằng đôi chân của mình, nghĩa là không nhận sự công trợ của Nhà nước nữa.
Thật vậy, mỗi năm, hoạt động của Phật giáo TP thuộc nhiều lãnh vực đều tự phát triển mạnh mẽ. Ban Trị sự Phật giáo TP đã phối hợp khéo léo với Ban Trị sự Phật giáo 24 quận huyện TP.HCM hoàn thành tốt đẹp công tác thống kê tự viện, lập danh bộ Tăng Ni và cấp Giấy chứng nhận Tăng sĩ chính thức của Giáo hội.

Sự thành công trong việc quản lý cơ sở và thành viên đã tạo cho Phật giáo TP.HCM sức mạnh về tổ chức, về con người và nhiều lãnh vực hoạt động quan trọng.

Ngoài ra, cũng có rất nhiều ngôi chùa được trùng tu, hoặc xây dựng mới. Đáng kể nhất là ba ngôi chùa tiêu biểu cho ba hệ phái Bắc tông, Nam tông và Khất sĩ đã được xây dựng với quy mô rộng lớn, trang nghiêm.

Đó là chùa Huê Nghiêm, quận 2, trong khuôn viên rộng hơn 30.000 mét vuông, được bao bọc bởi quần thể vườn cây xanh rộng lớn, tạo nên không khí trong lành cho cư dân và Phật tử về tu tập tại khu đô thị mới phát triển.

Ngôi chùa thứ hai là Pháp viện Minh Đăng Quang có quần thể kiến trúc Phật giáo đặc trưng của Hệ phái Khất sĩ miền Nam. Chùa tọa lạc tại quận 2 trong khu diện tích rộng hơn 37.000 mét vuông, với những tầng tháp cao vút và những tòa nhà dành cho nhiều sinh hoạt của chùa.

Ngôi chùa thứ ba là tổ đình Bửu Long trong khuôn viên rộng hơn 11.000 mét vuông, tọa lạc trên ngọn đồi phía Tây, sông Đồng Nai, thuộc quận 9, TP.HCM, với cảnh quan thoáng mát, thanh tịnh.

Và phải kể đến ngôi Việt Nam Quốc Tự mang dấu ấn lịch sử của Phật giáo Việt Nam. Chùa sắp hoàn thành việc xây dựng để đưa vào hoạt động của Phật giáo thành phố trong năm tới.

Về hệ thống giáo dục, Phật giáo TP.HCM cũng quan tâm nhiều đến việc đào tạo Tăng tài. Từ lớp sơ cấp đến trung cấp, cao đẳng Phật học đã có hàng ngàn Tăng Ni đang theo học, hoặc đã tốt nghiệp.

Và trên hết, Học viện Phật giáo TP.HCM đã phát triển vượt trội. Cố HT.Minh Châu làm Viện trưởng trong 5 khóa từ 1994-2005. Tăng Ni tốt nghiệp cử nhân của 5 khóa này là 1.057 vị.

Năm 2005-2011: 1.477 Tăng Ni tốt nghiệp cử nhân chính quy.

Năm 2009-2015: 938 Tăng Ni tốt nghiệp cử nhân chính quy và 261 Tăng Ni tốt nghiệp cử nhân hệ đào tạo từ xa.

Năm 2013-2019: 931 Tăng Ni đang học cử nhân chính quy và 450 Tăng Ni đang học cử nhân hệ đào tạo từ xa.

Chương trình cao học, năm 2011-2015: 8 Tăng Ni tốt nghiệp thạc sĩ. 42 Tăng Ni đang làm luận văn thạc sĩ.

Học viện Phật giáo TP.HCM cũng liên kết với Trường Đại học Sư phạm TP.HCM mở khóa Sư phạm Giáo dục Mầm non khóa I (2015-2019) tại Học viện. Khóa học có 97 Ni sinh.

Từ năm 2005, chương trình cử nhân hệ 4 năm được đổi thành chương trình hệ Tín chỉ. Điều đặc biệt chưa từng có, Học viện TP.HCM đã mở khóa đào tạo thạc sĩ và từng khóa, số lượng Tăng Ni theo học tăng mạnh. Ngoài ra, vấn đề bức bách của Giáo hội, nhất là tại TP.HCM, Tăng Ni theo học các trường Phật học đã phải ở nhà dân, vì các tự viện không thể đáp ứng việc lưu trú. Điều này đã gây ra nhiều bất tiện và không tốt cho việc tu học của Tăng Ni.

Học viện Phật giáo TP.HCM đã giải quyết được tình trạng khó khăn trên cho Tăng Ni. Học viện TP đã sớm hoàn thành các tòa nhà tiện nghi cho Tăng Ni sinh nội trú, chăm lo đầy đủ đời sống vật chất và việc học hành một cách tốt nhất có thể. Đó là điều ước mơ của Tăng Ni, Phật tử từ lâu và đến ngày nay, Phật giáo thành phố đã biến niềm mong ước đó trở thành hiện thực.

Trong các trường lớp nói trên có đủ màu áo của những tu sĩ thuộc tất cả hệ phái, sơn môn, đều cùng học tập chung, tạo thành sự cảm thông, hiểu biết nhau, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Có thể nói đó là biểu tượng tốt đẹp nhất chưa từng có trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, một thành quả do sự thống nhất mang đến.

Nhìn thành quả tốt đẹp về giáo dục ngày nay gợi chúng ta nhớ lại tình trạng giáo dục vào trước năm 1945. Ở thời đó, phải nói là khó kiếm được một tu sĩ Phật giáo có trình độ sơ cấp, đừng nói chi đến trình độ cao hơn.

Ngày nay, Giáo hội đã đào tạo được số lượng tu sĩ đáng kể có kiến thức, tốt nghiệp từ phổ thông đến đại học, trên đại học, cũng như các Tăng Ni tốt nghiệp ở nước ngoài về. Điều này khẳng định một tương lai tươi sáng của Phật giáo Việt Nam trên bước đường hoằng truyền Chánh pháp.

Ngoài ra, không thể không nhắc đến thành quả ấn tượng về hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo TP.HCM. Thể hiện sâu sắc tinh thần từ bi vô ngã vị tha của Phật dạy, trong 35 năm qua, hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo TP được thực hiện từ sự đóng góp của các mạnh thường quân và các Ban Từ thiện cơ hữu như: Từ thiện xã hội Báo Giác Ngộ, Từ thiện xã hội Ban Hướng dẫn Phật tử, Từ thiện xã hội Gia đình Phật tử, Từ thiện xã hội Ban Phật giáo Quốc tế, Từ thiện xã hội Ban Trị sự 24 quận/huyện. Tất cả đều thực hiện việc từ thiện dưới mọi hình thức như: Tuệ Tĩnh đường, các trường nuôi dạy trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ bị chất độc da cam, các lớp học tình thương, các nhà dưỡng lão, các trung tâm cai nghiện và nuôi người bị nhiễm HIV, ủng hộ đồng bào bị thiên tai trong và ngoài nước.

Ngoài những công tác từ thiện trên, những công tác phúc lợi xã hội khác như: xây cầu bê-tông, đắp đường giao thông nông thôn, đóng giếng nước sạch, hiến máu nhân đạo, đóng góp các quỹ từ thiện vì người nghèo, học sinh hiếu học, giúp phụ nữ nghèo vượt khó, tặng xe đạp cho học sinh, xe lăn, xe lắc cho bệnh nhân nghèo, tặng xuồng ghe, hỗ trợ áo quan, hỗ trợ mổ mắt miễn phí cho bệnh nhân nghèo bị đục thủy tinh thể, bệnh tim nhi, phát quà Tết, quà Trung thu cho các cháu thiếu nhi, nồi cháo tình thương, bữa ăn từ thiện cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện, phòng khám đa khoa…

Những việc làm nói trên cho thấy Phật giáo TP đã hoàn thành rất tốt hoạt động từ thiện xã hội, chẳng những giảm bớt gánh nặng cho công quỹ Nhà nước mà còn góp phần tích cực cho an sinh xã hội.

Theo báo cáo của Ban Trị sự PG TP.HCM vào năm 1982-1987, số tiền đóng góp cho từ thiện xã hội được gần 3 tỷ đồng. Và từ năm 1997 cho đến nay, hoạt động từ thiện xã hội luôn tăng vượt bậc. Cụ thể là: 1997-2012: hơn 1.182 tỷ đồng. Từ 2013 - 6 tháng đầu 2016: hơn 1.204 tỷ đồng và nhiều ngoại tệ, cùng hơn 100 ca hiến máu nhân đạo.

Tổng cộng thành quả từ thiện hơn 2.500 tỷ đồng, tức tăng gấp 833 lần so với thời kỳ đầu mới thành lập, Phật giáo TP.HCM đã đóng vai trò hậu thuẫn mạnh mẽ cho hoạt động từ thiện của Trung ương Giáo hội trong suốt 35 năm qua và cũng góp phần quan trọng cho sự phát triển khối Đại đoàn kết dân tộc Việt Nam thêm bền vững.

Những thành quả mà Phật giáo đã đạt được khẳng định rằng chủ trương và đường hướng hoạt động của Giáo hội thực sự đúng đắn. Vì vậy, những hoạt động Đạo pháp cũng đã góp phần xây dựng xã hội, mang lại nhiều kết quả tốt đẹp đáng quý.

Tóm lại, Phật giáo Việt Nam được xây dựng trên nền tảng của những thành quả lợi ích thiết thực quan trọng, đã tạo lập được trong suốt chiều dài lịch sử gần hai ngàn năm.

Kỷ niệm Giáo hội Phật giáo Việt Nam trải qua chặng đường dài 35 năm, đã đánh dấu một bước trưởng thành đáng trân trọng về nhận thức và hành động của Tăng Ni, Phật tử; đồng thời thể hiện sự hiểu biết sâu sắc tinh thần thống nhất và đoàn kết, cùng nhau thực hiện truyền thống tốt đạo đẹp đời do Giáo hội đề ra.

Chúng tôi kỳ vọng trong tương lai với bối cảnh nhiều thuận lợi cho hoạt động của Giáo hội, cũng như dựa trên nền tảng tốt đẹp đã tạo dựng được, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh nói riêng sẽ phục vụ hữu hiệu hơn nữa cho Đạo pháp và Dân tộc, nâng cao vị trí của Phật giáo Việt Nam trong lòng dân tộc và trong cộng đồng quốc tế.
HT.Thích Trí Quảng
(Phó Pháp chủ GHPGVN)

Đăng lúc: 28/11/2016 08:07:54 PM | Đã xem: 925 | Phản hồi: 0 | Chuyên mục: Nghiên cứu Kinh Luật Luận
Phat a di da

Tìm hiểu về trao lưu Tịnh Độ tại Việt Nam

Qua thực tế sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng của Phật giáo Việt Nam hiện nay, có thể thấy rằng dấu ấn của pháp môn Tịnh độ là hết sức sâu đậm. Đây là một trong những vấn đề đáng quan tâm và cần sự nghiên cứu một cách kỹ lưỡng để xác định truyền thống tu học của người Phật tử Việt Nam, nhằm xây dựng các nguyên tắc tổ chức trong các tự viện nói riêng và đời sống tín ngưỡng, tu học của người Phật tử nói chung một cách hiệu quả, phù hợp với tâm lý, bối cảnh văn hóa

Đăng lúc: 21/05/2015 03:42:25 PM | Đã xem: 1136 | Phản hồi: 0 | Chuyên mục: Nghiên cứu Kinh Luật Luận
anmuoi

Người Ngu ăn muối

Câu nói rút gọn cần nhớ: Sống trong cuộc đời là phảỉ biết thế nào là đúng thời, đúng lượng

Đăng lúc: 02/05/2015 11:38:22 PM | Đã xem: 1942 | Phản hồi: 0 | Chuyên mục: BÀI HỌC , Nghiên cứu Kinh Luật Luận
 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 14
  • Hôm nay 2,073
  • Tháng hiện tại 38,528
  • Tổng lượt truy cập 23,444,777