Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời

Những điều tôi học được khi gặp nhà sư đã chạy marathon suốt 1000 ngày

Đăng lúc: Thứ hai - 11/05/2015 06:21 - Người đăng bài viết: Nhuận Chánh
Trong hành trình tìm kiếm sự giác ngộ, các nhà sư ở núi Hiei đã đặt họ vào thử thách khắt khe phải chịu đựng: 1000 ngày chạy đường dài. Họ có kinh nghiệm để chia sẻ với chúng ta không?
 

Những nhà sư chạy marathon sống ở đâu đó trên những ngọn núi xung quanh Kyoto. Truyền thuyết nói rằng những nhà sư của núi Hiei chạy 1000 lần trong 1000 ngày trong hành trình của họ để đạt tới sự giác ngộ. Những người thành công sẽ được tôn kính, như Phật sống hoặc Thánh sống. Khá hiếm những nhà sư dấn thân vào thách thức 1000 ngày, được gọi là kaihogyo này, và ít hơn nữa là số người hoàn thành được hành trình đó. Trong 130 năm gần đây, chỉ có 43 người vượt qua được. Tôi đã đến Nhật Bản, hy vọng gặp được một người trong số họ và tìm ra đượcnhững điều họ truyền thụ cho những người chạy-cho-bản-thân về con đường đi đến sự an lạc.

Tôi không thể cứ đường đột đi bộ lên trên đỉnh núi và gõ cửa phòng nhà sư được. Những cuộc viếng thăm chỉ được phép nếu có lời mời. Do đó ở ngôi chùa hẻo lánh ở phía Bắc Kyoto, tôi và bạn phiên dịch Max, gặp một người phụ nữ biết một trong số các nhà sư đó. Cô ấy bảo rằng họ chạy bằng những đôi giày rơm. Có một lần cô gặp một nhà sư vào ngày cuối cùng của thử thách và nghĩ rằng sẽ thấy chân thầy ấy phồng lên và lở loét. “Nhưng chúng rất nhẵn nhụi và sạch sẽ”, cô ấy nói. “Cứ như là thầy ấy đã lướt đi trên đất vậy”.

Để kết thúc cuộc hành trình, những nhà sư đi vào một phòng tối và ở đó 9 ngày mà không có thức ăn, nước uống và không được ngủ. Ý tưởng là để mang thân thể họ đến gần với cái chết. Một khi họ hoàn tất thử thách, họ được đưa vào danh sách của Người Thầy Vĩ Đại hoặc Thầy Thánh Thiện của Ứng Dụng Thực Tế Cao Nhất. Ở đất nước Nhật Bản xưa, những nhà sư được cấp một vị trí đặc biệt ở tòa án, và chỉ có họ được cho phép để mang giày khi gặp hoàng đế. Ngày nay, những người hoàn tất thử thách trở nên nổi tiếng, những chiếc máy quay của đài truyền hình sẽ truyền hình trực tiếp giai đoạn cuối cùng của hành trình đến người dân trên cả nước.

Một sư trụ trì ở chùa nói với tôi cái ý tưởng bên dưới sự di chuyển liên tục là để vắt kiệt trí óc, thân thể, tất cả mọi thứ, cho đến khi không còn gì cả. “Khi anh không còn gì cả, thì vài thứ đột nhiên đến và lấp đầy các khoảng trống”.

Ông ấy làm điệu bộ để diễn tả một cái bong bóng.

Vài thứ này, ông ấy bảo tôi, là cái sự nhận thức rộng lớn ẩn bên dưới bề mặt của cuộc sống chúng ta.  Một cảm giác đồng nhất với vũ trụ. Tôi hỏi người phụ nữ về những câu chuyện tôi đã nghe, rằng nếu những nhà sư không thể hoàn tất thử thách, nếu như họ từ bỏ, họ sẽ phải tự sát. Cô ấy không biết chuyện đó. Nó thường xảy ra, nhưng hiện tại nó không rõ ràng lắm. Khá nhiều bí mật diễn ra xung quanh những người nhà sư chạy marathon.

Vài tháng sau, sự thỉnh cầu của chúng tôi cuối cùng cũng được chấp nhận. Chúng tôi đón người phụ nữ ở chùa, cùng với một người đàn ông trẻ trong cái áo len rộng thùng thình mà cô ấy bảo là bạn cô ấy, lái xe chạy tới Kyoto. Chúng tôi tới một điểm dừng bên ngoài những toà nhà truyền thống ngay khi vừa ra khỏi ngoại ô. Đây là nơi ở của nhà sư chạy marathon mà chúng tôi dự định gặp. Tôi đã hình dung cuộc gặp này giống một cuộc hành hương hơn, leo lên vài đèo núi đến đền thờ cao trên những tầng mây.

Thầy Genshin Fujinami, một trong những vị Thầy đã hoàn tất thử thách 1000 ngày. Ảnh: Shizuo Kambayashi/STF

Chúng tôi ra khỏi ô tô bên cạnh một cái gara chứa đầy những thùng sơn và ván gỗ. Một người đàn ông lực lưỡng trong bộ đồ thể thao mở cửa. Một thầy tu. Ông ấy chỉ dẫn chúng tôi đi xuyên qua một cái sân nhỏ. “Đầu tiên ông ấy sẽ làm lễ,” người đàn ông mặc cái áo len rộng giải thích. Anh ta chỉ cho tôi biết làm cách nào để lời cầu nguyện của tôi được là 1 phần trong nghi lễ. Dọc theo một bức tường là danh sách của tất cả những lời cầu nguyện bạn muốn, từ thành công trong thi cử, hoặc thăng tiến trong nghề nghiệp, chỉ đơn giản là biến giấc mơ thành hiện thực. Nó không phải là đặc trưng của Phật giáo, mong đợi được đáp ứng cho tất cả những lời cầu nguyện trần tục, tôi không rành chuyện đó lắm. Tôi lựa chọn nguyện cầu sức khoẻ cho gia đình tôi.

Người đàn ông trong bộ đồ thể thao quay lại, giờ thì mặc cái áo choàng của sư trụ trì. Ông bước lên và trầm tĩnh ngồi xếp bằng trên bục, và bắt đầu tụng kinh. Bài tụng liên tục, có nhịp điệu giống như là tiếng khèn didgeridoo. Dĩ nhiên tất cả là bằng tiếng Nhật, nên với tôi nó chỉ là âm trầm, giọng cổ, cho đến khi tôi nghe được tên tôi khi thầy ấy đặt một cái gậy trên một cái cọc cố định. Và đột ngột bài kinh chấm dứt. Thầy ấy đứng lên và nói cái gì đó rất tự nhiên bằng tiếng Nhật, như thể thầy ấy chỉ mới bước vào phòng và thấy chúng tôi ngồi đó.

“Thế anh muốn biết gì nào?” thầy ấy hỏi, ngồi xuống bên cạnh chúng tôi.

Tôi có lẽ không hiểu thầy lắm, nhưng vài điều trong thái độ của thầy ấy đã gợi ý rằng thầy đang thiếu kiên nhẫn, như thể thầy ấy nghĩ rằng tôi sẽ hỏi vài thứ ngu ngốc vậy. Tôi cần phải đưa ra một câu hỏi sâu sắc, kích thích thầy ấy, để thuyết phục thầy ấy với sự hiểu biết của tôi về việc chạy và con đường dẫn đến giác ngộ tâm linh.

“Tôi quan tâm lý do mọi người chạy,” tôi bắt đầu hỏi. Để trả lời, thầy bắt đầu giải thích toàn bộ quy trình của 1000 ngày huấn luyện. Nó không phải chỉ là chạy, thầy nói. Trên đường đi, mỗi ngày anh cần phải dừng chân trên 250 cái miếu và đền thờ. Chạy chỉ là phương thức để nhận được nhiều thứ khác. Và nó cũng không phải là chạy. Phần lớn thời gian anh sẽ đi bộ.

“Nhưng tại sao thế?” Tôi hỏi. “Tại sao lại thử thách đến 1000 ngày?”

Thầy ấy cân nhắc một chút.

“Tất cả mọi người đều hỏi: “Tại sao chúng ta sống?” thầy nói. “Việc di chuyển trong 1000 ngày liên tục cho anh rất nhiều thời gian để suy nghĩ về nó, để nhìn lại cuộc đời anh. Nó là một kiểu thiền định thông qua sự dịch chuyển. Đó là lý do tại sao anh không nên đi quá nhanh. Đó là thời gian để ngẫm nghĩ về suộc sống, về cách mà anh sống”

“Và khi thầy đạt được nó,” Tôi nói, “thầy có tìm ra câu trả lời cho câu hỏi, tại sao chúng ta sống không?” Tôi có thể đang đẩy vấn đề lên, nhưng tôi chờ để nghe về cảm giác đồng nhất với vũ trụ mà thầy ấy đã có kinh nghiệm. Tôi muốn biết cảm giác đạt tới sự giác ngộ thật sự là gì.

Đó không phải chỉ là một vấn đề để hiểu khi mà tất cả mọi thứ khác ngưng lại và anh hiểu được nó. Thầy ấy nói một cách bình tĩnh. “Học liên tục. Một khi anh tốt nghiệp đại học, anh không ngừng học. Thử thách 1000 ngày cũng không phải là điểm cuối cùng, thử thách là kéo dài, là hưởng thụ cuộc sống và học những điều mới”

Những tu sĩ này được nhận định thuộc nhóm những người thông thái nhất, những người đàn ông tâm linh trên trái đất, với năng lực được tăng lên thông qua những khả năng chịu đựng lạ thường. Và trong cuộc đời thực Daigyoman Ajari nói với tôi rằng chạy trong 1000 ngày cơ bản là thời gian tốt để suy ngẫm, và nó thật sự như thế, sau đó, cuộc sống trôi đi không khác gì trước đó.

“Nó giống như Công nương Diana vậy.” thầy ấy nói. Công nương Diana? “Cho dù cô ấy có vị trí rất cao ở xã hội Anh quốc, cô ấy cũng đã tìm thấy ý nghĩa trong việc giúp đỡ những nạn nhân của bom mìn.”

Bây giờ thì thầy ấy thực sự đánh gục tôi.

“Mọi người nghĩ gì?” thầy hỏi, nghiêng mình về phía trước, nhìn tôi chăm chú. “Có phải đó thật sự là một tai nạn không? Tôi xem một chương trình truyền hình về việc đó, và dường như có ý kiến là vài thế lực đen đã làm chuyện đó, rằng công nương không chết trong một tai nạn đơn giản. Anh nghĩ thế nào?”

Tôi lắc đầu: “Con không biết.” Một cách nào đó thì tôi có cảm giác thoải mái khi biết những bậc cao tăng trong Phật giáo Nhật Bản cũng ngồi trong chùa ở núi Hiei xem ti vi và tán gẫu về cái chết của công nương Diana. Có một ý tưởng chung, được bồi dưỡng do tôn giáo, rằng nhà sư và linh mục khác với chúng ta, không bị bó buộc bởi những xiềng xích của lòng ham muốn. Sự thật thì khác hẳn.

Chuyện này có thể dẫn dắt bạn vào một trong hai hướng. Một mặt, bạn có thể thất vọng. Nếu những người bảo vệ thế giới tâm linh ngồi xem chương trình không ra gì, thì chắc chắn chúng ta phải chịu số phận, nhân loại vô vọng bị đặt bẫy trong sự dẫn dắt phù phiếm hướng tới sự suy đồi. Hoặc bạn có thể lấy chút an ủi từ cuộc sống hàng ngày của họ. Khi những nhà sư sống giống chúng ta, thì nó mặc định chúng ta giống những nhà sư. Nếu họ có thể đạt được sự hiểu biết sâu sắc hơn về cuộc sống, và vẫn có nhược điểm, thì có lẽ chúng ta cũng có thể đạt tới sự khôn ngoan và thoả mãn.

Một Tăng sĩ đang mang đôi giày cỏ để chuẩn bị chạy.

Tôi hỏi về những gì thầy ấy nghĩ. Chúng có tương tự như những gì thầy nhận ra không, và kinh nghiệm cho những vận động viên và những người chạy cho bản thân? Thầy bảo thầy đã xem một chương trình truyền hình về đào tạo cho marathon và đã được khích lệ bởi vì thầy thấy họ thường bị té ngã trong chương trình.

“Nó giống nhau thôi,” thầy nói. “Thỉnh thoảng tôi cũng bị té ngã, vì vậy cũng đỡ bớt khi thấy không chỉ mình tôi bị thế”.

Bây giờ thầy đang tìm kiếm sự an ủi trong những lần chạy thử của những chú tiểu chạy marathon. Thử thách 1000 ngày là điều siêu khó để làm, và người đàn ông này đã làm được nó, và vẫn có cùng những nghi ngờ, có cùng những câu hỏi như tất cả những người khác.

“Nhìn đi,” thầy nói, như thể thầy ấy đang đọc suy nghĩ của tôi. “Mọi người cần tìm những thứ thích hợp với họ, thích hợp với hình thể, với những gì họ làm trong cuộc sống. Tôi đã chọn để thực hiện thử thách, nhưng nó chỉ là một trong những con đường khác nhau để đến cùng một nơi thôi.”

Adharanand Finn chụp chung với vị Thầy đã hoàn tất thử thách 1000 ngày. Ảnh: Adharanand Finn

Thể thao thường được thấy ở Nhật Bản như một cách để tự thoả mãn bản thân, và tên của nhiều môn thể thao truyền thống Nhật Bản, như là Judo và Kendo (kiếm đạo), đều có hậu tố -do (làm), với ý nghĩa thực sự là “con đường” hay “hướng đi”. Chạy cũng vậy, có thể là một cách để tự thoả mãn bản thân. Nó trong sạch, có sức mạnh, một cách để thanh thản tâm hồn khi không bị các hoạt động khác cuốn lấy. Thỉnh thoảng nó dường như không thật, như khi chúng ta đuối sức và cố nỗ lực, đôi chân nặng nề và mệt mỏi, rồi sau đó đến những khoảng khắc khi chúng ta vượt qua chúng, cơ thể bắt đầu cảm thấy ánh sáng, sự mạnh mẽ cùng với đất mẹ.

Nhưng giác ngộ, thầy nói, không phải là điểm nơi mọi thứ ngừng và anh hiểu được nó, nó mãi mãi được vây quanh bởi một quầng sáng của hạnh phúc hoàn hảo. Nó là một cái gì đó còn sống, một cái gì đó đẩy anh đi mỗi ngày, cho dù anh là Daigyoman Ajari trên núi Hiei hay là trợ lý quản lý dữ liệu trong văn phòng ở Hounslow. Một thứ mà từ sâu thẳm bên trong chúng ta muốn biết, để tìm lại nó, để trở về với nó. Và với vài người trong chúng ta, nó đồng nghĩa với việc buộc đôi giày và rời đi cho một cuộc chạy khác.

 

CHÚ THÍCH:

Chạy-cho-bản-thân: nguyên bản từ tiếng Anh: recreational runner. Cụm từ này được dùng khi người ta chạy vì sức khoẻ hay sở thích của bản thân.

Kaihogyo: là thử thách 1000 ngày được thực hiện trong hơn 7 năm. Nếu một nhà sư chọn lấy thử thách này, đây là những gì thầy ấy phải làm:

Trong năm đầu tiên, nhà sư phải chạy 30 km một ngày, chạy liên tục 100 ngày.

Trong năm thứ 2, nhà sư cũng phải chạy 30 km một ngày, chạy liên tục 100 ngày.

Trong năm thứ 3, nhà sư một lần nữa phải chạy 30 km một ngày, chạy liên tục 100 ngày.

Trong năm thứ 4, nhà sư phải chạy 30 km một ngày, chạy liên tục 200 ngày.

Trong năm thứ 5, nhà sư cũng phải chạy 30km một ngày, chạy liên tục 200 ngày. Sau khi hoàn tất 5 năm chạy, thầy tu phải có 9 ngày liên tục không thức ăn, nước uống hay nghỉ ngơi. Hai nhà sư khác sẽ đứng bên cạnh trong suốt thời gian đó để bảo đảm nhà sư không ngủ gật.

Trong năm thứ 6, nhà sư phải chạy 60 km mỗi ngày cho 100 ngày liên tục.

Trong năm thứ 7, nhà sư phải chạy 84 km mỗi ngày, liên tục 100 ngày. Và sau đó phải chạy 30km mỗi ngày cho 100 ngày cuối cùng

Đường dài và thời gian chạy như thế là không thể tin được, nhưng dĩ nhiên, còn một thách thức cuối cùng khiến cho Kaihogyo không giống những thử thách khác…

Trong 100 ngày chạy đầu tiên, nhà sư được phép rút lui từ Kaihogyo

Tuy nhiên, từ ngày 101 trở đi, sẽ không được phép rút lui nữa. Nhà sư phải hoàn tất Kaihogyo…hoặc trả giá bằng mạng sống của mình.

Bởi vì điều này, các nhà sư luôn mang theo một sợi dây dài và một thanh kiếm ngắn trong suốt cuộc hành trình của họ.

Trog hơn 400 năm, chỉ có 46 người đàn ông hoàn tất được thách thức này. Những người khác có thể được tìm thấy ở những ngôi mộ không được đánh dấu ở trên những ngọn đồi của núi Hiei.

Thảo Trần dịch (Theo theguardian.com)

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 10
  • Hôm nay 2,138
  • Tháng hiện tại 38,593
  • Tổng lượt truy cập 23,444,842