Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời

Nỗi đau mất con cứ day dứt trong con

Đăng lúc: Thứ ba - 28/11/2017 08:13 - Người đăng bài viết: Nhuận Chánh

Nỗi đau mất con cứ day dứt trong con

 

 

 

 

Câu hỏi:

Con có một nỗi đau đeo đẳng đã bốn năm trời. Trước đây con có một người bạn trai, con rất yêu người ấy. Anh ấy hứa là học xong đại học sẽ cưới con nên con đã trao cho anh ấy những gì quý giá nhất, và một lần do sơ ý con đã có mang, con vừa mừng vừa lo. Mừng vì hi vọng rằng anh ấy sẽ cưới con, nhưng anh ấy trả lời gọn lỏn là “Đem đi giải quyết”. Và rồi sau này không hi vọng gì được ở cái con người ấy, chúng con đã chia tay. Con xót xa cho cuộc tình dang dở thì ít, mà xót thương cho đứa con bé bỏng bạc mệnh của mình chưa kịp thành hình thì đã phải lìa đời thì nhiều. Nỗi đau mất con cứ day dứt trong con khôn nguôi, con hận người kia đã cướp đi của con đứa con. Con tự dằn vặt mình là phải chi ngày ấy con cương quyết giữ lại đứa con của mình, phải chi ngày ấy con đủ can đảm sinh ra bé… Con có đi chùa sám hối nhiều lần nhưng lòng vẫn nặng trĩu.

Bây giờ có một người khác rất yêu con và muốn xây dựng gia đình với con nhưng con rất mặc cảm về tội lỗi của mình trong quá khứ.

Kính xin quý thầy, quý sư cô từ bi chỉ giúp con phải thực tập cách nào để cho lòng được thanh thản?

 

Sư cô Lĩnh Nghiêm xin chia sẻ:

Em thân mến!
Trong cuộc đời không ai là không mắc phải những lỗi lầm. Điều quan trọng là sau sai lầm đó chúng ta biết sửa sai và làm lại từ đầu. Đức Bụt dạy: “Trên đời có hai loại người mạnh nhất, loại người thứ nhất là không gây lầm lỗi, loại người thứ hai là phạm lỗi mà biết sửa lỗi.

Ngày xưa, thời Bụt còn tại thế, có một tên sát nhân rất hung bạo tên là Angulimala. Angulimala là một kẻ giết người không gớm tay, hắn đã giết cả thảy chín mươi chính người (99), mỗi khi giết ai là hắn lại cắt một ngón tay của người ấy rồi xâu vào một sợi dây và đeo lên cổ. Mỗi khi nhắc tới tên hắn dân làng ai cũng hãi hùng, khiếp sợ. Nhưng rồi cuối cùng tên sát nhân này được Bụt cảm hóa và trở thành đệ tử của Ngài, được ngài đặt tên là Vô Hại. Từ khi thọ giới xuất gia với Đức Thế Tôn hắn đã thay đổi hoàn toàn, hắn trở nên một người hiền như đất không bao giờ làm đau một ai. Có lần Vô Hại vào làng khất thực, bị những người trong làng nhận ra vị tỳ kheo đó chính là Angulimala, nên bao nhiêu thù hận chất chứa bấy lâu bị dồn nén nay bung ra, họ kéo nhau lao vào đánh đập Vô Hại không thương tiếc, nhưng Vô Hại cắn răng chịu đựng mà không hề chống trả lại mặc dù võ nghệ của Vô Hại rất cao cường. Sau đó, may mắn thay các bạn đồng tu kịp thời tới can thiệp, bảo lãnh và dìu Vô Hại về tu viện chăm sóc.

Một lần khác, trong lúc đi khất thực, Vô Hại gặp một người phụ nữ đang trong cơn trở dạ đau đớn khôn cùng. Bà ta rên xiết và cầu khẩn Vô Hại rủ lòng từ bi cầu nguyện cho bà ta sinh được đứa bé một cách dễ dàng. Lúc ấy Vô Hại rất thương xót người phụ nữ nhưng thầy mặc cảm vì thân phận mình. Thầy thấy rằng mình là kẻ bỏ đi, là kẻ đầy tội lỗi, là kẻ xấu ác từng giết hại rất nhiều người, mình không có tư cách gì để cầu nguyện cho người phụ nữ kia hết. Mặc cảm tội lỗi ấy làm cho thầy Vô Hại vô cùng đau khổ. Thầy khóc và chạy tới cầu cứu Bụt xin Bụt giúp người phụ nữ kia. Khi nghe thầy kể xong Bụt dạy:

–    Bây giờ con hãy đi tới chỗ người phụ nữ ấy và nói rằng: từ khi sinh ra cho tới bây giờ tôi chưa từng giết hại một ai, nhờ phước đức đó tôi xin hồi hướng công đức để người phụ nữ này được sinh nở dễ dàng”.

Vô Hại hoảng sợ thưa lại:

–    Bạch Đức Thế Tôn! Từ khi sinh ra con đã giết hại vô số người, tội lỗi của con chồng chất như núi, con không thể nói dối như vậy được.
Bụt dạy: 
–    Từ ngày xuất gia con đã giết hại một ai chưa?
–    Bạch Đức Thế Tôn! Từ khi xuất gia con chưa từng giết hại một ai.
–    Đúng vậy, từ khi sinh ra trong tăng đoàn của ta con chưa từng giết hại một ai. Agulimala đã chết rồi, bây giờ chỉ còn Vô Hại thôi. Từ khi sinh ra, Vô Hại chưa từng làm đau một ai. Bây giờ con hãy tới giúp đỡ người kia đi.

Thầy Vô Hại được Bụt mở mắt cho thì vô cùng sung sướng. Thầy vội chạy tới nơi người sản phụ và nói: “Từ khi sinh ra cho tới nay tôi chưa từng giết hại một ai, nhờ công đức này tôi xin hồi hướng cho người sản phụ được sinh nở dễ dàng.” Thầy cầu nguyện xong thì một lúc người phụ nữ kia đã mẹ tròn con vuông. Bà ta vô cùng biết ơn thầy.

Em thân mến!
Em vừa mở lòng ra nói thật hết những tội lỗi của mình trong quá khứ với quý thầy, quý sư cô mà không hề che dấu. Như vậy tức là em đã sám hối rồi. Cũng có nghĩa là cô gái nhẹ dạ năm xưa vừa chết. Cô gái với nhiều oan ức, đắng cay, tủi hận đã chết rồi. Trong kinh có dạy:

“Bao nhiêu lầm lỗi cũng do tâm
Tâm tịnh còn đâu dấu lỗi lầm
Sám hối xong rồi lòng nhẹ nhõm
Ngàn xưa mây bạc vẫn thong dong

Kể từ hôm nay em là một cô gái trong sạch, là một cô gái rất chín chắn, đoan trang. Em xứng đáng với tình yêu chân thành mà người chồng sắp cưới dành cho em. Và em phải hứa trước Tam Bảo là từ nay em sẽ giữ gìn sự trong sạch, đoan chính ấy cho tới trọn cuộc đời. Em phải học hỏi và trở thành một người vợ hiền ngoan để đền đáp ân tình mà chồng em dành cho em.

Về em bé, em cũng đừng quá khổ đau. Em bé của em vẫn còn đó dưới một dạng khác mà mắt thường em không nhìn thấy đó thôi. Chính em bé đó sẽ biểu hiện lại nếu em tha thiết mong muốn. Em nên tìm đọc cuốn “Không diệt, không sinh đừng sợ hãi” của Sư Ông Làng Mai để hiểu rõ hơn về điều này. Trong cuốn sách đó Người kể rằng: ngày xưa, khi mẹ của Người mang thai anh của Người, thì cái thai đó bị sảy, sau đó bà mang thai lần nữa và sinh ra Người. Người nói, hai em bé đó chỉ là một. Em bé đầu tiên vì chưa đủ duyên để biểu hiện nên ẩn tàng đi, và chờ khi nhân duyên đầy đủ thì biểu hiện lại trong lần sau. Con của em cũng vậy. Em hãy nói với con của em rằng: “Mẹ xin lỗi bé vì trước đây điều kiện chưa cho phép, nên bé không ra đời được. Bây giờ điều kiện đã đầy đủ rồi, mẹ đã có đầy đủ khả năng để chăm sóc thương yêu bé tốt hơn, xin bé hãy trở về lại với mẹ”. Nếu thiếu tự tin em hãy niệm danh hiệu đức bồ tát đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm. Thở vào em thở thật sâu và thầm niệm “Nam Mô Bồ Tát”, thở ra em thở thật nhẹ nhàng và thầm niệm “Quán Thế Âm”. Khi niệm danh hiệu của ngài, điều quan trọng là thở cho thật bình an, niệm càng chậm càng tốt. Tránh tuyệt đối cái chuyện niệm liến thoắng cái miệng, không phải em niệm cho mau, cho nhiều mà chư Bụt, chư Bồ Tát cảm động đâu. Cảm ứng chỉ xảy ra khi tâm em có bình an và lòng em tha thiết.

Về cái người làm hại cuộc đời của em, người ấy sẽ phải chịu rất nhiều quả báo khổ đau trong tương lai vì hành động bất thiện mà người ấy đã gây ra. Em phải biết người ấy cũng chỉ là một nạn nhân thôi, nạn nhân của chính người ấy, nạn nhân của vô minh. Thù hận sẽ giết hại chính mình, sẽ đốt cháy tất cả những gì đẹp đẽ nhất của cuộc đời mình, sẽ tàn phá những ngày bình an của mình. Vì vậy em phải thực tập để mở rộng lòng từ bi, để có thể dập tắt ngọn lửa sân hận vẫn luôn rực cháy trong em để cuộc sống thực sự được chọn vẹn.

Trong cuộc đời không có gì gọi là ngẫu nhiên hết, tất cả đều được chi phối bởi luật nhân quả. Tại sao tai nạn lại xảy ra cho em, cho một vài người mà không xảy ra với những người khác? Phải chăng trong một kiếp nào đó em cũng đã từng gây đau khổ cho ai đấy và bây giờ em phải hứng chịu quả báo này? Em phải lễ Phật và sám hối về những tội lỗi trong những kiếp quá khứ của mình. Em nên thỉnh và tụng cuốn kinh “Lương Hoàng Sám”, sau đó hàng ngày thực tập theo cuốn “Sám Pháp Địa Xúc” của Sư Ông Làng Mai. Sau mỗi buổi tụng kinh hoặc tụng sám pháp em nhớ cầu nguyện cho người bạn trai đầu tiên của em. Em phải cầu xin Tam Bảo gia hộ cho người đó được an lành, hạnh phúc, nghiệp chướng được tiêu trừ. Có thể em sẽ lắc đầu và nói: Cái đó khó quá, em không thể làm được. Nhưng em phải làm thôi, chỉ có cách đó em mới dập tắt được ngọn lửa sân hận trong em. Em không thể để cơn thù hận thiêu đốt em suốt đời được, đừng có ảo tưởng rằng thời gian sẽ xóa mờ khối nội kết to lớn đó, nó nằm ở trong tàng thức của mình ấy, cứ mỗi lần nó cục cựa là em thất điên bát đảo với nó. Lửa cháy, chúng ta phải lấy nước mà tưới, không thể đứng yên mặc cho nó thiêu đốt được, lửa cháy chúng ta cũng không thể lấy tro tàn mà phủ lên, khi phủ tro lên đống than, mới nhìn qua ta tưởng là không có lửa nhưng hễ một mảnh giấy nhỏ khẽ chạm vào là ngọn lửa lại bùng lên. Vì vậy cách thực tập triệt để nhất là em phải cầu nguyện cho người làm khổ em. Sự bình an hạnh phúc của em tùy thuộc toàn bộ vào công việc đó – cầu nguyện cho người làm khổ mình. Điều này mới đầu nghe thì có vẻ rất khó khăn nhưng nó là một cánh cửa mà em bắt buộc phải đi qua. Cái gì cũng có giá của nó, em muốn bình an thì em phải làm điều đó thôi. Làm vài lần thì tâm em sẽ nhẹ nhàng, tiếp tục làm trong một thời gian thì khối nội kết kia sẽ tan.

Chị cầu nguyện Tam Bảo gia hộ cho em.

Sư cô Thuận Nghiêm xin chia sẻ:

Chào chị Cảm ơn chị đã viết thơ cho ban biên tập Làng Mai. Chúng tôi rất cảm thông với nỗi đau mất con của chị. Theo như thơ chị viết, chị vẫn còn ám ảnh với nỗi đau đó nên dù có điều kiện để tạo dựng một mái ấm gia đình với một người rất thương yêu chị thì chị vẫn không thể quên được vết thương lòng. Trong quá khứ chị đã vấp ngã và bị tổn thương tình cảm. Nỗi đau nào cũng cần thời gian để chữa lành. Theo những pháp môn thực tập của Làng Mai thì chị nên học cách chăm sóc và ôm ấp nỗi đau ấy bằng cách trở về theo dõi hơi thở và nhận diện cảm xúc của mình. Khi mình chưa có khả năng chăm sóc và ôm ấp cảm xúc thì cảm xúc ấy cứ trào dâng khi mình tiếp xúc với những hình ảnh hoặc kỷ niệm trong quá khứ. Chăm sóc ở đây là chăm sóc thân thể và cảm thọ của mình. Hơi thở chánh niệm là chiếc chìa khóa có thể chữa trị những vết thương lòng. Khi thở một hơi thở vào thì biết là mình đang thở vào. Khi thở một hơi thở ra thì biết là mình đang thở ra. Khi biết thở trong ý thức chánh niệm thì mình đang chăm sóc thân thể mình. Vì nếu không biết chăm sóc thân thể thì làm sao biết chăm sóc cảm thọ.

 

Chị thực tập dùng hơi thở để xoa dịu những căng thẳng và đau nhức trong thân cho đến khi làm an tịnh được thân mình thì lúc đó chị có thể chăm sóc những cảm xúc đau buồn của mình. Tất cả chúng ta đều có khả năng quay về và trị liệu bản thân nhưng vì không quen và không có thì giờ nên chúng ta bỏ quên khả năng này. Nỗi đau dù lớn cách mấy nhưng nếu biết chăm sóc thì cũng sẽ vượt qua được vì con người luôn có thể thích ứng và thích nghi với môi trường, điều kiện và hoàn cảnh mới. Một lần vấp ngã là một lần đứng dậy để lớn lên và cứng cáp hơn. Có thể trong hoàn cảnh quá khứ khi đứa bé ra đời mà không được đón nhận bởi cha nó thì nó và mẹ nó cũng chẳng cảm thấy hạnh phúc gì. Nếu chị có thể tha thứ cho chính bản thân mình thì chuyện tha thứ cho người kia không phải là chuyện ngoài tầm tay. Học được bài học của ngày xưa để cẩn trọng và kiên nh?n hơn trong bất cứ mối quan hệ nào.

Nay chị có tất cả các điều kiện để bắt đầu một cuộc đời mới thì chị cũng nên cho mình một cơ hội và cho người bạn đời tương lai một cơ hội. Hãy chuẩn bị thật kỹ để vun bồi mái ấm và sẳn sàng chào đón một đứa con khác. Mình phải tạo ra những điều kiện cần thiết để xây dựng hạnh phúc vững bền.

Thân chúc chị có thật nhiều tự tin, sức mạnh và niềm vui trong lòng.


Nguồn tin: https://langmai.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 16
  • Hôm nay 2,885
  • Tháng hiện tại 39,340
  • Tổng lượt truy cập 23,445,589