Hương Sen Xứ Nghệ

Hương Sen Xứ Nghệ Tỏa Ngát Đất Trời

Cầu nguyện có phải là mê tín hay không?

Đăng lúc: Thứ sáu - 10/11/2017 17:23 - Người đăng bài viết: Nhuận Chánh
Cầu nguyện có phải là mê tín hay không?
 
(Trích pháp thoại của Thiền sư Nhất Hạnh ngày 18.03.2005, tại Học Viện Chính trị Quốc Gia Hồ Chí Minh)
 
Câu hỏi: Trong khi cúng lễ mình có sự cầu xin, vậy sự cầu xin đó có phải là mê tín hay không?
 
Thầy trả lời:
 
Trước hết, tôi nghĩ cầu nguyện là một hình thức truyền thông. Thờ cúng tổ tiên là mình thực tập để có truyền thông với tổ tiên mỗi ngày: Mỗi khi chúng ta thắp một cây hương và cắm lên bàn thờ của tổ tiên hay mỗi khi chúng ta thay nước bình hoa trên bàn thờ tổ tiên là chúng ta có thể tiếp xúc được với tổ tiên, không phải trên bàn thờ mà là tổ tiên trong từng tế bào của cơ thể chúng ta. Điều này rất quan trọng. Mỗi khi có việc gì đó xảy ra trong gia đình chúng ta, chúng ta có bổn phận phải báo cáo lên tổ tiên và tổ tiên có quyền được biết. Ví dụ như chúng ta gả con gái cho một anh chàng ở làng bên hoặc chúng ta gởi con trai vào trường đại học, tổ tiên cũng phải biết những điều đó. Thắp một cây hương, dâng một cành hoa trên bàn thờ, đó là một hành động truyền thông, không có gì là mê tín hết và bàn thờ có nghĩa là trái tim của chúng ta.
 


 
Vì không có truyền thông cho nên xã hội ngày nay đã tạo ra không biết bao nhiêu là ma đói. Cha không truyền thông được với con, vợ không được truyền thông với chồng. Người trẻ không cảm thấy gia đình là tổ ấm hạnh phúc nên đã không tin vào gia đình. Nếu không tin vào gia đình, không tin vào cha mẹ thì làm sao tin được vào tổ tiên? Xã hội chúng ta ngày nay, mỗi ngày tạo ra hàng trăm, hàng ngàn những con ma đói. Những con ma bằng thịt, bằng xương đàng hoàng, họ đi bơ vơ trong cuộc đời, họ không cảm thấy có chút gì dính líu tới gia đình, tới truyền thống, tới tổ tiên. Đó là những con người rất đói, họ không biết họ thuộc vào một truyền thống, một gia đình, một nền văn minh nào. Họ khước từ tất cả những truyền thống, những cơ cấu, những cấu trúc xã hội mà họ đang có. Tại vì họ đã từng đau khổ nhiều vì những cái đó, vì gia đình, vì học đường, vì nhà thờ, vì chùa, vì xã hội, cho nên họ trở thành những con ma đói.
 
Nhìn quanh, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều ma đói, ở Tây phương cũng như ở Đông phương. Họ đói cái gì? Họ đói hiểu, đói thương, họ cảm tưởng rằng không ai hiểu, không ai thật sự thương họ, từ cha mẹ cho đến bạn bè, anh em, tổ tiên, giòng họ. Họ hoàn toàn mất gốc. Ðó là hiện tượng phóng thể (Aliénation). Phóng thể tức là không còn thấy dính líu tới cái gì nữa. Chúng tôi gọi đó là những con ma đói. Những con ma đói không phải là những linh hồn đi vất vơ, vất vưởng trên mây mà là những con người bằng xương bằng thịt ngày hôm nay. Chúng tôi đã từng gặp rất nhiều những con ma đói như vậy. Chúng tôi đã đem tuệ giác và pháp môn của đạo Phật để cứu những con ma đói đó, đưa họ về với gia đình, với truyền thống, với nền văn hóa của họ.
 
Khi nhìn những con ma đói, chúng ta có thể nhận diện họ dễ dàng: Cách họ đi, cách họ nhìn, cách họ làm một cái gì đó cũng đủ chứng tỏ họ là một người không có gốc rễ, không có một dính líu gì với xã hội, với nền văn minh và với cấu trúc gia đình này. Tuy họ đói tình thương, đói hiểu biết nhưng giá như chúng ta đem tình thương, đem hiểu biết để tặng họ thì họ cũng không tiếp nhận được, tại vì họ có nỗi nghi ngờ rất lớn. Dù mình có tình thương, có hiểu biết đích thực  hiến tặng cho những người đó, họ vẫn còn nghi ngờ. Vì vậy muốn giúp những con ma đói đó chúng ta phải có rất nhiều kiên nhẫn.
 
Chúng tôi đã đi ngang qua những kinh nghiệm đó, chúng tôi đã từng giúp những con ma đói gốc Âu châu, gốc Mỹ châu, gốc Phi châu, trung Á và Á đông. Bây giờ xã hội Á đông cũng đã bắt đầu sản xuất rất nhiều những con ma đói, những thanh niên và những thiếu nữ bơ vơ trong cuộc đời. Những con ma đói đó không có được sự truyền thông với gia đình, với truyền thống, với tổ tiên, với xã hội. Nếu họ cầu nguyện được tức là họ có thể nói chuyện được. Ví dụ như khi họ nói: Lạy các vua Hùng, chúng con rất đội ơn các vua Hùng đã dựng nước, đã giữ nước để cho chúng con hôm nay có một giang sơn. Nói như vậy tức là đã truyền thông rồi, mà nếu truyền thông được thì không còn bị bế tắc và người đó sẽ khỏi bệnh, không mắc bệnh tâm thần. Cho nên quý vị đừng vội vàng cho những lời cầu nguyện, những lời cầu xin đó là mê tín. Những bà cụ, những phụ nữ, những thiếu niên, thanh niên đó, nếu họ còn cầm được cây hương, cầu nguyện được với tổ tiên, tức là họ còn nói chuyện, còn truyền thông được. Chính cái đó giữ cho họ không bị bệnh tâm thần, không bị bệnh bế tắc. Chúng ta phải cẩn thận lắm mới được. Nếu thực sự có tình thương và sự hiểu biết lớn, chúng ta sẽ dung nạp được tất cả, chúng ta sẽ không vội vàng gán cho họ cái nhãn hiệu mê tín dị đoan.
 
Khi chúng ta có một đứa cháu bị ốm nặng, chúng ta cần phải lo nhiều chuyện. Chuyện thứ nhất là chúng ta gọi điện thoại cho bác sĩ. Chuyện thứ hai là chúng ta có thể nấu cháo cho cháu. Chuyện thứ ba chúng ta có thể làm là đốt một cây hương trên bàn thờ tổ tiên và cáo với tổ tiên là: Cháu đang bệnh nặng, xin tổ tiên ông bà phù hộ cho cháu. Đốt một cây hương trên bàn thờ tổ tiên để cầu sự che chở cho cháu, tôi nghĩ không là một sự mê tín. Ta thấy rằng: Tổ tiên không phải ở ngoài chúng ta, không phải ở trên bàn thờ mà tổ tiên ở trong từng tế bào cơ thể chúng ta. Đã biết bản chất của tổ tiên là không sinh, không diệt mà chúng ta lại nói tổ tiên không còn nữa thì đó là một sai lầm. Tổ tiên đang có mặt đích thực trong từng tế bào của cơ thể chúng ta vì vậy chúng ta có thể đối thoại, có thể nói chuyện với tổ tiên. Khi mà chúng ta nói với tổ tiên: Cháu nó ốm rất là nặng, xin ông bà, xin tổ tiên che chở cho cháu là chúng ta đánh động đến sự có mặt của tổ tiên trong từng tế bào cơ thể chúng ta và cơ thể cháu. Nếu chúng ta lắng nghe cho kỹ, chúng ta sẽ thấy có sự đáp ứng của tổ tiên.
 
Có lần một phụ nữ, người Tây phương tới khóa tu trong tình trạng có bệnh cancer (ung thư), trong lúc buồn chán, tuyệt vọng có tiết lộ cho chúng tôi biết rằng bà có ông nội sống đến chín mươi sáu tuổi. Tôi nói với phụ nữ Tây phương đó nên cầu nguyện với ông nội đi: Ông nội ơi giúp con! Con biết là ông nội đang có mặt trong từng tế bào cơ thể của con, ông nội giúp con đi! Con biết ông nội có một sức khỏe rất vững chãi. Con biết là những tế bào của ông nội đang có mặt trong tế bào của con. Tôi chỉ hướng dẫn cho người phụ nữ Tây phương đó cầu nguyện như vậy, cầu nguyện với ông nội của mình đã sống đến chín mươi sáu tuổi. Sau một thời gian cố gắng thì căn bệnh cancer của phụ nữ đó đã lành.
 
Mình đánh động được sự có mặt của ông nội trong từng tế bào cơ thể, mình tiếp xúc được và ông nội có thể đáp ứng được, tại vì những tế bào rất tốt, rất khỏe mạnh của ông nội cũng có mặt ở trong từng tế bào của chúng ta. Chúng ta biết những gen mà tổ tiên để lại trong từng tế bào đang chờ đợi nếu có điều kiện thích ứng thì nó phát hiện, nếu không có những môi trường thuận lợi thì nó không phát hiện. Chúng ta ai cũng có những gen của bệnh tâm thần nhưng nếu chúng ta sống trong môi trường tốt, gen của tâm thần sẽ không bao giờ xuất hiện. Vì vậy vấn đề môi trường rất là quan trọng, đó là vấn đề hậu thiên. Tiên thiên (gen di truyền) có đó nhưng phải có hậu thiên (môi trường thuận lợi) mới có cơ hội phát hiện.
 
Có một hôm, tôi ngồi thiền, bỗng nhiên tôi thấy trong người rất khỏe và tôi nói chuyện với bố tôi. Tôi nói: Bố ơi, hai bố con mình đã thành công rồi! Tôi nói chuyện như vậy và tôi cảm thấy hạnh phúc của tôi lớn lao vô cùng. Quý vị hỏi thành công ở chỗ nào? Tôi sẽ nói: Trong giây phút ngồi thiền đó tôi cảm thấy hoàn toàn được tự do, tôi không còn một ước mơ nào nữa hết, tôi không còn một dự án nào phải theo đuổi nữa hết. Tôi thấy hoàn toàn thảnh thơi, hoàn toàn tự do, không có một cái gì lôi kéo được mình nữa. Mình ngồi yên như núi Tu Di, rất vững chãi, rất thảnh thơi. Sự thành công đây là tự do, tự do lớn. Mình không bị một hận thù hay một tham vọng nào kéo mình đi được nữa. Tại vì mình đã có được tự do, mình đã có được giải thoát.
 
Trước kia, bố tôi đã từng làm việc ở trong chính phủ Nam triều, đã có những lúc lên, lúc xuống và cũng đã từng đi tìm sự an bình của tâm hồn, cũng đã từng niệm Phật, tụng kinh nhưng chưa thành công. Đến đời tôi, tôi thực tập thành công. Tôi thấy rõ ràng là mỗi ngày mình đều được làm cái việc mình thích, mình được bước những bước chân thảnh thơi. Mỗi bước chân đưa mình tiếp xúc được những mầu nhiệm của sự sống, có tính cách nuôi dưỡng, trị liệu. Mỗi ngày mình tiếp xúc được với những mầu nhiệm sự sống bằng mắt, bằng tai. Mỗi ngày mình có thể trao truyền được những gì đẹp nhất, hay nhất, quý nhất mà mình chế tác được trong đời sống tu tập của mình cho những người đệ tử xuất gia và tại gia.
 
Tổ chức được những khóa tu cho người cư sĩ giúp cho họ thiết lập lại được truyền thông đem lại được sự hòa giải, nở lại được nụ cười. Những điều đó là những điều đưa lại cho chúng tôi rất nhiều hạnh phúc. Mỗi ngày đều được làm những gì mình thích thì mình đâu cần cái gì nữa. Mỗi hơi thở, mỗi bước chân, mỗi nụ cười, mỗi cái nhìn đều đem lại hạnh phúc thì rõ ràng mình không còn tham vọng, hận thù nào hay vướng mắc nào nữa. Đó là sự thành công của người tu cho nên tôi mới nói chuyện với bố là: Bố ơi, cha con mình đã thành công rồi! Bởi vì con thành công tức là bố thành công. Ngày xưa bố cũng niệm Bụt, cũng tụng kinh nhưng bố không thành công, chưa thành công nhưng con bây giờ có cơ hội làm thành công được. Như vậy, thành công cũng là thành công cho bố. Khi mình nói chuyện với bố như vậy thì đó là sự truyền thông, sự thông thương.
 
Tôi xin quý vị hiểu cho, nếu những người thực tập cầu nguyện, cầu xin chưa có được tuệ giác: Đối tượng cầu xin với chủ thể cầu xin là một. Nhưng trong hiện tại, họ đang có thể truyền thông được với tổ tiên tâm linh hay là tổ tiên huyết thống của họ, chính cái đó giữ cho họ không bị bệnh tâm thần. Khi mình còn nói chuyện được, dù nói chuyện với tổ tiên huyết thống tức ông bà hay tổ tiên tâm linh tức Phật, Bồ Tát hay các vị Tổ sư là còn có sự thông thương, mình chưa bị phóng thể, mình chưa bị mất gốc. Chúng tôi thấy rằng sự truyền thông đó rất quan trọng và mình đừng vội cho đó là mê tín.
 
Khi chúng ta đến đền Hùng hay đưa những người trẻ lên thăm đền Hùng, đó là một sự thực tập truyền thông tiếp xúc với tổ tiên. Chúng ta thấy hình ảnh cụ Hồ, hình ảnh của một trong những vị tổ tiên còn trẻ ở những nơi gặp gỡ. Khi mình tiếp xúc được với cụ Hồ là mình cũng có thể tiếp xúc được với Lý Thường Kiệt, với Trần Hưng Ðạo, với các vua Hùng. Phải có truyền thông chúng ta mới không bị bệnh, không bị mất gốc. Số người bị bệnh tâm thần ở trong xã hội chúng ta hôm nay rất đông mà nguyên do sâu sắc nhất là bị mất gốc, là phóng thể, là không còn truyền thông được với cha mẹ, với tổ tiên, tổ tiên huyết thống và tổ tiên tâm linh. Thực tập như thế nào để giữ được truyền thông, tái lập được truyền thông rất là quan trọng. Trong đạo Phật chúng ta có rất nhiều phương pháp cụ thể để giúp tái lập truyền thông giữa cha mẹ, con cái, giữa vợ chồng và giữa mình với tổ tiên huyết thống và tổ tiên tâm linh.
 
Chúng tôi đã thiết lập ra sự thực tập: Ba cái lạy và năm cái lạy. Người Tây Phương đã thực tập và đã chữa trị được nhiều nỗi cô đơn, bức xúc và giúp cho họ thiết lập lại truyền thông với truyền thống của họ và với gia đình họ. Quý vị hãy tưởng tượng một khu đồi rất lớn và năm ngàn người Châu Âu thực tập lạy xuống dưới sự hướng dẫn của một thầy gốc Việt Nam. Khi họ lạy xuống như vậy, đầu, hai tay, hai chân của họ dính vào đất, chúng ta gọi là ngũ thể đầu địa 5*. Họ buông hết ra những giận hờn, những tuyệt vọng để cho đất ôm lấy họ, họ tiếp xúc được với tổ tiên. Họ được hướng dẫn rằng: Tổ tiên có mặt trong từng tế bào của cơ thể và tất cả những đức tính của tổ tiên luân lưu trong dòng máu của họ. Với sự hướng dẫn của một thầy hay là một sư cô, họ có thể nằm trong tư thế phủ phục hai ba phút để quán chiếu, để thấy rõ ràng rằng họ có gốc rễ và họ tiếp xúc được với tổ tiên tâm linh, tổ tiên huyết thống. Khi họ đứng lên thì họ đã trở thành một con người khác, họ buông bỏ tất cả những hận thù, tuyệt vọng, giận hờn và họ tiếp xúc được với tổ tiên của họ.
 
Chúng tôi xin đề nghị, nếu có dịp quý vị nghiên cứu ba cái lạy, năm cái lạy mà chúng tôi chế biến từ những nguyên liệu trong kho tàng giáo lý đạo Phật. Chúng tôi đã chế tác ra để giúp cho những người Tây Phương móc nối được, tiếp nối được với tổ tiên huyết thống của họ. Chúng tôi có sáng tác ra lời cầu nguyện đầu năm cho người Tây phương vào ngày tết Tây. Thay vì mở nút chai champagne và chơi nhạc, họ có thể đốt hương, đứng chắp tay trước bàn thờ tổ tiên, đọc bài cầu nguyện và hứa với tổ tiên là trong năm mới họ sẽ sống một cuộc sống vững chãi hơn, thảnh thơi hơn. Ở đây chúng tôi chỉ có một lời cầu nguyện mà chúng tôi sáng chế cho các thầy các sư cô mỗi khi có buổi giỗ Tổ. Tổ này là Tổ tâm linh.
 
Lời cầu nguyện:
 
Chúng con tăng thân xuất gia, hôm nay vào ngày giỗ sư tổ, tập hợp tới chùa, kính cẩn trình diện trước Tổ đường với tất cả lòng dạ chí thành của chúng con. Cúi xin các thế hệ Tổ Sư của chúng con từ bi chứng giám. Chúng con ý thức được rằng cây có cội nước có nguồn, chúng con biết Bụt và các thế hệ Tổ sư là cội nguồn của chúng con và chúng con là sự tiếp nối của liệt vị.
 
Chúng con nguyện tiếp nhận tuệ giác từ bi và an lạc mà Bụt và chư Tổ đã trao truyền, nguyện nắm giữ và bồi đắp không ngừng gia tài tâm linh quý giá ấy. Chúng con nguyện tiếp tục thực hiện chí nguyện độ sinh của quý vị, nguyện chuyển hóa những khổ đau trong chúng con, giúp được người đương thời chuyển hóa những khổ đau của họ và mở ra cho những thế hệ tương lai những pháp môn thích hợp có khả năng giúp họ đem đạo Bụt áp dụng được vào trong mọi lãnh vực của sự sống.
 
Chúng con nguyện thực tập để sống an lạc ngay trong giờ phút hiện tại để nuôi dưỡng chất liệu vững chãi và thảnh thơi trong chúng con và để giúp được những người chung quanh. Chúng con nguyện nhìn nhận nhau là anh chị em trong một gia đình tâm linh, bởi vì chúng con biết rằng tất cả chúng con đều là con cháu tâm linh của liệt vị. Chúng con nguyện sẽ chăm sóc cho nhau để thấy được những khó khăn và khổ đau của nhau để hiểu để thương và để giúp nhau trong công trình chuyển hóa.
 
Chúng con xin hứa sẽ tập sử dụng các hạnh ái ngữ và lắng nghe để nuôi dưỡng tình huynh đệ trong tăng thân. Nguyện chấp nhận sự soi sáng của tăng thân để nhận diện những khả năng cũng như những yếu kém của mình mà vun trồng hoặc chuyển hóa. Nguyện xóa bỏ mọi tỵ hiềm để có thể nương vào nhau mà đi lên trên con đường thành tựu đạo nghiệp. Chúng con biết chỉ khi nào chúng con làm được như thế thì chúng con mới xứng đáng là con cháu của Bụt và các vị Tổ sư. Chúng con cúi xin sư Tổ cùng tất cả các liệt vị Tổ sư từ bi chứng minh cho tâm thành kính và hiếu thảo của chúng con, những phẩm vật quý giá nhất của sự cúng dường trong ngày giỗ Tổ.
 
Khi chúng ta cầu nguyện như vậy thì làm gì có chất mê tín ở trong đó. Chúng ta chỉ truyền thông với tổ tiên tâm linh hoặc là tổ tiên huyết thống của chúng ta mà thôi. Chúng ta hứa với tổ tiên tâm linh và huyết thống là sẽ thương yêu nhau và chấp nhận nhau, tha thứ cho nhau. Đó là thứ truyền thông giúp cho tinh thần chúng ta được khỏe mạnh.
 
Tôi nghĩ rằng nếu trong mỗi gia đình Việt Nam, chúng ta duy trì được bàn thờ tổ tiên và mỗi ngày dành ra một phút để cha mẹ, con cái cùng đứng trước bàn thờ đó thắp một cây hương, chúng ta không cần nói gì hết cũng được, im lặng trong một phút. Cái đó đủ giúp cho chúng ta không lâm vào tình trạng mất gốc và phóng thể. Tôi nghĩ bàn thờ tổ tiên chứng tỏ chúng ta tin vào truyền thống, tin vào tổ tiên của chúng ta. Chúng ta như là cây có gốc, sông có nguồn và chúng ta sẽ không bao giờ đánh mất chúng ta. Chúng ta luôn luôn mang tổ tiên đi vào tương lai.
 
Làng Mai
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Hạnh nguyện cấp cô độc
Gia đình vườn tuệ
Tin xem nhiều
Thống kê
  • Đang truy cập 12
  • Hôm nay 3,286
  • Tháng hiện tại 39,741
  • Tổng lượt truy cập 23,445,990